Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thi Hoàng

Chuyện cũ viết lại- số 1

Chiều mồng 4 tết Liên ra nhà anh Chuẩn, một thương binh đang điều trị tại Quân y viện nơi Liên công tác. Nhà xa chỉ có cái xe đạp cà tàng, Liên đang loanh quanh tìm hỏi thăm đến nhà anh Chuẩn, bất ngờ hiện ra trước mắt Liên là một chàng sĩ quan mang quân hàm đại uý. Liên chỉ còn biết "mắt chữ O, miệng chữ A" lúng túng như gà mắc tóc đứng trước con người cao to chững chạc ấy.

Chàng đại uý dang rộng vòng tay định ôm chầm lấy Liên, nhưng Liên đã kịp né người qua một bên, chàng chỉ vội nắm được bàn tay nhỏ nhắn của Liên, Liên im lặng không cố gắng rút bàn tay mình ra. Cái cười vừa như sung sướng vừa như hờn giận và tiếc nuối trên khuôn mặt của Liên.

Liên và hắn ở hai xã khác nhau nhưng khi vào cấp 3 thì học chung lớp. Liên ngồi bàn trên, hắn ngồi bàn dưới. Chữ Liên viết đẹp nên được thầy chủ nhiệm giao cho việc giữ sổ đầu bài, sổ điểm cho lớp. Nhà ở xa, xe đạp không có nhưng hôm nào liên cũng đến lớp thật sớm và luôn chu toàn với công việc của thầy giao cũng như công việc của lớp. Mái tóc dầy , dài và hơi xoăn của Liên cứ tung tẩy sau lưng như trêu người hắn và lũ con trai. Nhiều lần hắn cùng bọn con trai lấy dây, giấy vẽ các hình ngáo ộp rồi buộc vào đuôi tóc của Liên. Có hôm Liên khóc rưng rức trước cả lớp vì trò đùa tai quái này. Và hắn thấy ngại, lần sau không dám vào hùa với lũ con trai để trêu Liên nữa.

Nhà hắn toàn con trai, anh cả đã đi bộ đội và chiến đấu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hắn là con thứ hai, sau còn hai em trai. Hắn học đến nửa năm lớp 10 thì mẹ hắn sinh em gái. Cả nhà rất vui, nhưng vui chưa kịp trọn thì nỗi buồn ập đến. Mẹ bệnh nặng, em nhỏ chưa đầy hai tháng tuổi không có người chăm sóc. Hắn định bỏ học, Liên đã động viên, ghi hộ bài và giúp cả việc nhà đỡ hắn...Hắn và Liên trở nên thân nhau như hai đứa con gái.

Thi tốt nghiệp lớp 10 xong hắn lại lên đường nhập ngũ. Ngày tiễn chân hắn Liên tặng cho hắn một tập bài hát- hắn rất thích hát- với một lời nhắn nhủ: Liên chờ thư của C...

Những cánh thư báo tin vui cứ dồn dập gửi về. Liên vui lắm và những cánh én lại chấp chới mang tin vào phương Nam. Họ gọi anh xưng em thật là âu yếm...

Khi vào mặt trận Tây Nam hắn gặp được anh trai của mình. Nhưng ngày gặp anh cũng là ngày biệt ly mãi mãi. Anh cả đã hi sinh ngay trong trận đánh cuối ngày hôm đó.

Mẹ hắn ở nhà đã yếu lại nhận được tin dữ, mẹ ốm lên ốm xuống...
Hắn được về nghỉ phép...và hắn lấy vợ... để giúp gia đình chăm sóc mẹ... đó là lí do chính đáng, đó là lý do những cánh thư phương Nam không đến với Liên.

Mấy năm ở quân ngũ rèn cho Liên sự rắn rỏi cả về thế xác lẫn tâm hồn. Liên giấu nỗi đau thật kĩ càng. Hôm nay gặp lại tưởng như vỡ oà... Nhưng không. Liên không trách hắn, nhưng hắn biết Liên đang rất buồn, buồn vời vợi. Vậy mà vẫn nhoẻn một nụ cười tươi như hoa mai vàng ngày xuân để chúc phúc cho hắn.

Tháng 1.1981 TH
Cho tôi một chút ngẩn ngơ
Loay hoay một chút dại khờ để say

                      Thi Hoàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

Bình luận văn học

    TIẾNG THƯƠNG TRONG "MỘT THOÁNG TRUNG HÀ"*

 “Một thoáng Trung Hà” là một trong hơn bảy chục bài thơ được in  trong tập “Tình khúc mùa thu” của tác giả Nguyễn Văn Hoà do Nhà xuất bản Hội nhà Văn ấn hành năm 2012. Bài thơ với chủ đề tình yêu, nhưng lại thiên về thế sự.
 Tác giả có một lối thương khó  có thể cưỡng lại được “Thầm thương cô lái bên sông” nó man mác dịu nhẹ, không ghì xiết nhưng không kém phần day dứt. Nếu chỉ một câu đầu này thôi người đọc tưởng tác giả buông lơi tình trăng gió, nhưng liền mạch cả bài mới thấy thương cái thương của thế thái nhân tình ẩn chứa trong bài thơ trước sự biến thiên của  thời cuộc.
 Nước non ngàn năm vẫn chẳng đổi rời; vậy sao thế sự chuyển vần đến khôn lường, khiến con người chóng mặt không kịp định hình và bươn bả chạy theo mà vẫn không bắt nhịp kịp với những đổi thay!
 Xưa – Viễn cảnh, một mái chèo em đưa khách qua sông. Đất nước thanh bình, cảnh xuân thơ mộng – Mặt nước chân trời, mái chèo rẽ sóng, gió thoảng làn tóc tung bay, gương mặt cô lái đò ngây thơ thánh thiện. Tất cả và tất cả những hình ảnh ấy chỉ còn là dĩ vãng và, được thay bằng hiện tại chiếc cầu bắc qua sông giữa hai bờ nam bắc, với cuộc sống hối hả người ta phải gồng mình lên để theo kịp, ai còn để tâm ý đến dưới dòng nước trong hay đục, chảy ngược hay về xuôi. Hoạ có một lòng trắc ẩn như tác giả qua cầu bỗng chạnh nhớ đến cô lái đò bằng xương bằng thịt từng đã đưa khách qua sông. Còn hiện tại thì không! Làm gì còn một con đò chờ khách sang ngang dưới chân cầu hiện đại mấy làn xe qua!
Nhưng hình ảnh cô lái đò thoắt ẩn, thoắt hiện trong trí nhớ tác giả nơi bến cũ năm xưa như đang khoả mái chèo dưới dòng nước trong xanh, rồi nhìn  kỹ lại thì không! Không còn gì nữa, tác giả sực tỉnh:
            “Cầu nay đã bắc buồn không buông chèo”.
 Một “cái gì” cứ nao nao làm người đọc nhớ tới giai thoại nhà thơ Thôi- Hộ đề thơ ở trại phía nam Đô Thành… “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
 Tác giả đang còn ngẩn ngơ với “Đà Giang con nước trong veo”, bỗng tự trong tâm khảm vụt lên một tứ thơ rất mới lạ: “Có sang bến mới thì theo anh về”.
 Và đó cũng là câu kết của bài thơ – Mở ra  một nhân sinh quan sống hết sức lạc quan và rất tình người. Bình thường người ta có thể hiểu là sự rủ rê của trai gái – Nhưng không! Nếu gắn kết với hai câu đầu – không chỉ một cô  gái lái đò mà là nhiều cô gái, đại thể là một lớp người lao động đứng trước cảnh mất việc làm vì chưa theo kịp sự chuyển đổi của nền kinh tế thị trường nay lại có một Mạnh Thường Quân trải thảm đỏ rước nàng về miền đất hứa thì hạnh phúc biết bao.
 Tuy chưa làm nhưng dám hứa, phần nào ta dự cảm được viễn cảnh cô gái lái đò và nhiều cô gái khác có cơ hội được đổi đời bằng bàn tay và sức lao động của mình ở miền đất mới - Thần là ở chỗ này, đang ngơ ngác mất việc, mất đi nguồn kiếm sống nay lại có người “rủ rê” về nơi bến mới để làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống thì còn có hạnh phúc nào hơn! Đây không phải dũng khí của nhà thơ mà là tiếng nói việc làm của nhà chính sách hay chí ít cũng là dũng khí của một doanh nhân có tâm và có tầm! –“có sang bến mới thì theo anh về”. /.
--------------

*Trích trong tập Thơ “Tình khúc mùa thu” – NXB HỘI NHÀ VĂN – NĂM 2012, nguyên văn:   
                     “Thầm thương cô lái bên sông
                   “Cầu nay đã bắc buồn không buông chèo
                     “Đà Giang con nước trong veo
                   “Có về bến mới thì theo anh về.”

   
       Tùng Văn
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thi Hoàng

Xem mắt

Bao nhiêu lần làm chân rết cho thầy Thao gặp Hồng để chủ nhật hôm nay thầy Thao mới cho mượn chiếc xe đạp cà tàng để theo chàng về Thạch Thất ra mắt bố mẹ họ hàng của nhà chàng.
Từ Xuân Hoà đạp xe lên tận Việt Trì rồi đi đò qua sông, nghe nói sang bên kia là Ba Vì. Thực sự thì mình cũng chẳng biết chỗ nào với chỗ nào. Cứ cung cúc đạp xe theo chàng vậy thôi. Sức mạnh nào mình cũng chẳng biết nữa. Có lẽ một phần là muốn khám phá thêm một vùng đất mới trong cái háo hức của tuổi trẻ, nhưng cái chính là vì tình yêu đối với chàng.
Hồi còn ở bộ đội đóng quân ở Viện 109 trong thị xã Vĩnh Yên mình cũng được nghe cô bạn đồng ngũ kể về chuyến ra mắt của hắn về nhà người yêu ở Phú Thọ. Nghe chuyện của Tứ bọn con gái kháo nhau: Vậy thì tốt nhất là đừng yêu nữa... nhưng ở đời chả ai lại dám chịu đừng yêu.
Tứ là  con gái nhà giàu ở thị xã, dáng mảnh mai "chân cò tay nhện" nhập ngũ xong hắn được đi học trung cấp quân y rồi ra trường được điều về viện 109. Tứ yêu chàng trung uý quân lực làm cùng đơn vị.
Tứ than thở: Em sợ quá chị ơi. Về nhà anh ấy bà con anh em kéo đến thật đông, họ ngắm nghía trò chuyện, họ nói to, họ thì thào. Em chẳng biết họ nói chuyện gì nữa. Em cứ muốn chạy trốn ngay lập tức mà đường xa lạ nước lạ cái nên em đành im lặng chịu đựng.
Buổi tối hôm đó mẹ anh ấy xay lúa, sàng gạo. Chị biết không? Khi em lấy gạo nấu cơm em thấy còn đầy một cái cong to, vậy mà tối còn xay lúa. Em chẳng biết làm gì cứ quýnh quáng dự hết chỗ nọ đến chỗ kia, rồi cuối cùng em cũng phải cầm cái sàng để sàng gạo- lạy chúa tôi- em chưa sang bao giờ, thế nên cứ lác bậy lắc bạ một ít, may mà tên người yêu đánh tháo giùm, hắn rủ em đến nhà bác. Em đã thoát chết một lần. Nhưng sáng hôm sau thì còn khủng khiếp hơn: Mẹ hắn rủ em đi cấy. Đồng thì sâu nhiều bùn, có đỉa. Nhà em có đi cấy bao giờ đâu. Em cũng nhắm mắt lội xuống ruộng và bước được dăm bước thì eo ôi: hai con đỉa ngoi đến bám bám chân em. Hồn vía em chạy lên tận đỉnh núi Ta Đảo rồi chị ơi. Em khóc thét lên và bỏ chạy lên bờ. Mẹ hắn cứ lắc đầu quầy quậy. Xấu hổ quá mà em dành chấp nhận chứ không dám thò chân xuống ruộng lần nào nữa. Chiều hôm ấy em nhất quyết đòi về đơn vị...và bỏ lại sau lưng cái làng quê của người yêu dấu.
Tứ vừa kể chuyện vừa khóc, vì sau sự vụ này hai đứa giận nhau và Tứ đòi chia tay.
Nhưng vĩ thanh của sự vụ này là hai đứa đã đám cưới chúng đã có 2 đứa con kháu khỉnh và chúng làm nhà tại thị xã Vĩnh Yên, lâu lâu mới đưa con về thăm nội Phú Thọ.
Chuyện của Tứ đã trôi qua lâu, hôm nay đến lượt mình cũng phải chịu cảnh để cho người ta "xem mắt". Lo lắng, ngại ngùng nhưng cũng lại hồ hởi và háo hức. Được bọn trẻ cùng phòng khuyến khích và người yêu năn nỉ, thầy Thao cho mượn xe và tư vấn cho dăm bảy chiêu, mình háo hức đi theo chàng, mình quên luôn cái lo lắng mà Tứ đã kể cho mình nghe hồi còn ở viện 109.
Sau già nửa ngày giời vượt sông băng đèo, mình cùng chàng về đến Thạch Thất. Chàng bảo : em cố lên, còn khoảng 3 cây nữa là về đến nhà anh. Bố và bầm anh chắc vui lắm đấy, hắn còn trêu: Sắp được ăn thịt gà rồi...
Bất chợt mình lại nhớ đến câu chuyện của Tứ. Nó mảnh mai xinh xắn người ta còn thì thào, mình thì vừa lùn, vừa đen, lại già(mình và hắn ta bằng tuổi nhau, hắn thư sinh đẹp trai mặc dù hắn là bộ đội)chắc người ta còn soi mói kĩ hơn. Nghĩ thế mình sợ quá, nỗi sợ làm mình run cả người không đạp nổi xe nữa. May quá, hai đứa vào quán uống nước, mình nhìn thấy cái biển chỉ đường đi Suối Hai. Thế mình tức tốc đòi về đó, mình có người chị họ bộ đội đóng quân ở Suối Hai. Lần này các chiêu trò năn nỉ của hắn không hiệu nghiệm. Hắn đành ngậm ngùi để cho mình đi.
Thế là buổi ra mắt bất thành.
Hắn giận.
Một tuần, hai tuần, ba tuần...Một tháng, hai tháng, ba tháng...
Ngày sinh nhật.
Hắn đến.
Cả hai cùng oà khóc và ôm chầm lấy nhau...
Bốn năm sinh viên của mình đã trôi đi một cách lãng mạn và thơ mộng ở đất Xuân Hoà.
Ngày thi tốt nghiệp xong. Mình lẳng lặng nhận quyết định đi xa- vào Miền Nam. Một lần nữa mình lại chạy trốn tình yêu của người đàn ông mà mình rất yêu chỉ vì cái thói tự ti của mình. Ngày chia tay- anh khóc, mình khóc nhưng vẫn lên tàu vào Nam.
Ba năm sau người lấy một cô giáo dạy cấp I dạy ở Cầu Gio
Bốn năm sau mình quay lại trường lấy bằng tốt nghiệp. Người vẫn đón mình bằng chiếc xe đạp. Chở nhau 7 cây số từ trương Đại Học về nhà người, ăn một bữa cơm chơi với vợ chồng và đứa con của người 2 tiếng rồi người lại trả mình về trường bằng xe đạp.Từ đó cả hai cùng im lặng...

Mười năm sau- Mình đã chuyển về quê, một hôm đang dạy trên lớp thì được báo tin : có khách.
Chàng đến. Vẫn hào hoa phong độ với nụ cười bẽn lẽn, chàng đi xe con, nói là có việc đi công tác ghé thăm mình. Hỏi làm sao mà tìm được, chàng nói: thời đại công nghệ thông tin mà...
Thật xúc động.
Bây giờ thỉnh thoảng lại a lô, kể chuyện con cái cho mình nghe...

Tháng 9 năm 2013
Cho tôi một chút ngẩn ngơ
Loay hoay một chút dại khờ để say

                      Thi Hoàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

Tuyện ngắn

                                 Người nhận vơ


  Về hưu, lương không đủ nuôi mấy đưa con ăn học,hắn theo người ta đi làm phó nhỏ nghề thợ mộc. Được vài tháng ông phó cả già ốm không đi làm được nữa. Hắn không biết bấu víu vào ai, cũng liều cắp cưa đục đi hết các xó xỉnh để hỏi việc làm. Vì chưa biết làm nên hắn sợ không dám đến hỏi việc ở những gia đình có bát ăn bát để, dám thuê thợ đóng những món đồ to tát nhiều tiền mà chỉ mon men đi đóng các đồ vặt vãnh hoặc sửa lại những đồ mộc hỏng như giường long phản gãy, cũi chó chạn bát.
  Hắn tìm đến nông trường, nơi phần lớn chỉ có đàn bà con gái, hoặc đợc thân, hoặc một mẹ một con, ít đàn ông; nếu nơi có đàn ông thì những việc ấy đâu đến lượt hắn!
  Những tháng đầu, hắn đi nhiều hơn làm, vì có ai mướn đâu mà làm. Sắp hết tiền mang theo, về thì ngại với vợ con. Cùng quẫn, vừa ở bộ đội về, chưa đầy bốn mươi tuổi hắn làm đơn xin nghỉ hưu. Chả hiểu thế nào hắn lại có cái quyết định ngu dại thế? Đang làm chuyên viên ở cơ quan Văn phòng Bộ, tuy không sướng nhưng ở cái vị trí mà nhiều sĩ quan mơ cũng không bao giờ có được.
  Về hưu, hắn dồn tất cả tiền lương mấy tháng lĩnh trước, bán hết quân trang, quần áo dạ của Quân đội cấp phát để làm ba gian nhà cấp bốn trên đồi đất chông chênh. Thiếu tiền không vay ai được hắn đành phải bỏ lại nửa gian nhà thiếu ngói lợp, mà che tạm bằng những mảnh giấy dầu, áo vải mưa, rồi vội vàng xách cưa đục theo người ta đi kiếm tiền.
  Chả biết đến bây giờ, kinh tế sung túc rồi, hắn có còn ân hận với cái quyết định về hưu vội vàng và có cho rằng đó là cái quyết định sai lầm chết người không? Chắc là không! Vì hắn có lý của hắn.
  Lang thang đến bạc mặt, cuối cùng cũng có người mướn hắn đóng bộ bàn ghế ngồi. Hắn mừng thì ít, lo thì nhiều - Đã bao giờ hắn tự tay đóng một bộ bàn ghế hoàn chỉnh đâu. Nhưng hắn liều cứ mạnh dạn nhận làm.
  Chủ nhà là một nữ công nhân cũng trạc tuổi hắn, trông lam lũ nhưng vẫn có nét duyên của thời con gái, sống cùng đứa con trai chừng tám, chín tuổi. Những năm chiến tranh chống Mỹ chị cũng đã từng là Thanh niên xung phong, sau có chủ trương xây dựng kinh tế, Đoàn Thanh niên xung phong của chị được chuyển sang bổ sung cho nông trường, chị và mọi người trở thành công nhân.
  Làm một nhà, hắn lại phải ngủ nhờ một nhà khác có đàn ông. Trò đời, cũng là để tránh điều ong tiếng ve.
  Hơn nửa tháng trời, hắn loay hoay bào đục mà vẫn chưa dóng khung được bộ bàn ghế lên, hắn vừa lo, vừa xấu hổ với Hoàn chị chủ nhà. Tuy không nói ra mồm nhưng nghe chừng chị Hoàn cũng tỏ ra sốt ruột "Không biết ông thợ này làm thế nào đây?... Thợ gì mà dáng thư sinh như nhà trí thức ấy...", nhưng khi thấy hắn loay hoay vất vả, trời rét  mà đổ mồ hôi hột ra thế kia thì...nghĩ thế rồi chị mặc kệ cho hắn làm bao giờ xong thì xong.
  
 Một hôm Hoàn đi làm về, nét mặt có vẻ bực dọc, miệng lẩm bẩm gì hắn nghe không rõ, hắn tưởng ai nói gì về mình để cho chị ta bực dọc nên vể mặt hắn buồn buồn trông thật tội nghiệp.
  Lúc sau vẻ mặt Hoàn trở lại bình thường,  chị đến chỗ hắn làm, có ý gợi chuyện, Hoàn cất tiếng:
 -Em nói không phải, bác bỏ quá cho, chị cười-trông bác không giống thợ mộc tý nào...
 - Sao chị lại nói thế, thì tôi đang làm thợ mộc ở nhà chị đây mà. Chị Hoàn cười nói tiếp:
 - Em trông bác giống cán bộ lắm, ngón tay bác thế kia mà bảo là thợ nộc thì em không tin tý nào cả, dáng của bác còn bằng vạn tay giám đốc Nông trường em ấy.
  Hắn lảng sang chuyện khác, hỏi chị:
 - Vừa rồi có ai nói gì mà chị có vẻ bực mình thế? Hay là tôi làm chậm thì chị bực mình?
 - Ấy chết, không phải thế - Hoàn phân bua - chả là em năm lần bảy lượt đi xin làm giấy khai sinh cho cháu đi học mà nông trường với xã không giải quyết, họ đổ lẫn cho nhau, có người nó thối mồm còn bảo không có chồng mà có con thì ai người ta khai sinh cho. Cái thân em khổ, em chịu được, nhưng thấy con không được đi học thì em khổ lắm, lớn lên cháu biết làm gì? Thế rồi Hoàn kể cho hắn nghe cuộc tình chớp nhoáng của chị cùng một số chị em ở nông trường này.
  Người đến với Hoàn là một thanh niên ít hơn Hoàn ba tuổi, cũng chỉ là cuộc tình chớp nhoáng mỗi người theo đuổi một mục đích riêng; Hoàn cần có một đứa con, còn người thanh niên kia chỉ là muốn thoả mãn cơn khát tình của tuổi trai tráng. Thậm chí họ đến với nhau trong một đêm, chưa kịp tìm hiểu nhau về tên tuổi, quê quán, cứ thế lăn xả vào để đạt mục đích, xong xuôi họ cũng không còn kịp để ân hận nữa, mỗi người đi một phương, chính vì vậy để đến bây giờ Hoàn cũng không biết nên đặt cho con họ gì của người bố.
  Nghe xong chuyện hắn thở dài và nhủ thầm "âu cũng do chiến tranh, làm con người ta đau thương hơn, mất mát cũng lớn hơn".
  Mấy hôm sau, hắn viết hộ cho Hoàn một lá đơn, trình bày đủ lý lẽ, và nêu ra những căn cứ mà pháp luật buộc chính quyền, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho công dân, nhất là quyền của trẻ em.
  Hoàn cầm đơn lên ban giám đốc nông trường rồi ra uỷ ban xã, nhưng rồi buồn bã về không. Về nhà chị không dám nói ra yêu cầu trái khoáy của cơ quan nhà nước.
  Hắn hỏi ra mới biết chính quyền yêu cầu phải có người đứng ra bảo lãnh hoặc nhận đứa trẻ là con ngoài giá thú thì mới được làm đăng ký khai sinh.
  Suy nghĩ mất hàng tuần lễ mà không tìm ra cách giải quyết. một hôm hắn bảo Hoàn đưa mình ra gặp chính quyền sở tại.
  Đến Uỷ Ban xã, ai người ta cũng nhìn Hoàn và hắn với ánh mắt dò hỏi, nhưng hắn mặc kệ, gặp được phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã, hắn trình bày thay cho Hoàn về nội dung và mục đích phải đến chính quyền là để xin làm thủ tục khai sinh cho con, để cháu được đi học.
Tranh luận hàng nửa giờ đồng hồ mà phó chủ tịch xã vẫn không chịu nghe ra, cuối cùng hắn phải dẫn chứng nêu ra một số trường hợp, cùng ở nông trường, cũng có con ngoài giá thú mà sao họ được đăng ký khai sinh cho con, còn trường hợp của con chị Hoàn thì không?
  Trưởng công an đuối lý khùng lên:
  - Những trường hợp ấy tôi không làm nên không biết, ngừng một lát, ông ta nhìn xoáy vào hắn đặt câu hỏi:
  - Nhưng mà tôi hỏi thật anh, anh có liên quan gì với mẹ con nhà chị này; nếu anh nhận là bố đứa trẻ thì tôi chả ngại gì mà không làm khai sinh cho nó!
  Nghe Phó Chủ tịch xã nói vậy, hắn đỏ mặt, uất quá, nếu không kìm lại thì hắn đã tống một quả đấm vào mặt lão rồi. Hắn nói như gầm lên:
  - Ừ, nó là con tôi đấy! Nói rồi hắn móc túi lấy chứng minh thư đập đánh đét xuống bàn làm việc của phó chủ tịch:
  - Đây chứng minh thư sĩ quan của tôi đây, ông khai sinh cho cháu đi. Ông phó chủ tịch cầm chứng minh thư của hắn, há hốc mồm nhìn hắn rồi lại nhìn chị Hoàn, thái độ dịu xuống có phần kiêng nể hơn lúc đầu. Một vài người cả nhân viên chính quyền và người dân trố mắt nhìn hai người vẻ dò xét.
  Cuối cùng con chị Hoàn cũng có cái giấy khai sinh để mà nhập vào học lớp một - Thế là cháu đã lỡ mất hai năm học, theo tuổi phổ cập!
 Tiếng dữ đồn nhanh, tiếng lành đồn xa, một hai hôm sau cả nông trường đều kháo lên cái tin "con mẹ Hoàn thế mà hên, tự nhiên kiếm được ông chồng đạo mạo quá!"

Biết không thể kiếm tiền bằng cái nghề lang thang đi gõ cửa từng nhà để sửa giường long phản gãy này được nữa, hắn bỏ về quê. Trước khi về, hắn nói với chủ nhà:
 - Thú thật với chị, tôi mới học nghề thợ mộc, cũng chỉ vì cùng đường, có lẽ cái nghề này không hợp với tôi, sau này tôi sẽ kiếm việc khác làm cho phù hợp với sức vóc của mình. Còn bàn ghế đóng cho chị nó chả ra làm sao, chị dùng tạm, tôi cũng không dám lấy tiền công của chị.
 Mẹ con Hoàn quỳ trước mặt hắn, nước mắt dàn dụa nói:
 - Đây là một lạy của mẹ con em, mong bác nhận lấy, bác đã cứu giúp mẹ con em, ơn này em và cháu không bao giờ dám quên. Hắn hốt hoảng:
 -Ấy chết, sao chị và cháu lại làm thế, tôi biết đến đâu làm đến đấy, may mà xã họ cũng nghe ra, chứ tôi làm được gì cho chị và cháu đâu.

 Gà gáy sáng hôm sau, trời vẫn còn dày đặc sương, hắn đã dắt xe đạp đến chào mẹ con Hoàn để về quê.
 Hoàn đã chuẩn bị sẵn cơm nắm và ít tiền để đưa cho hắn về xuôi.
 Cơm nắm thì hắn miễn cưỡng nhận, còn tiền Hoàn đưa, Hắn dứt khoát không nhận, nói thác ra là để mua sách bút cho cháu đi học.
 Mẹ con Hoàn tiễn hắn một đoạn đường dốc, hai ba lần hắn giục chị về để hắn đi kẻo muộn...
 Hắn đạp xe đi khuất rồi mà mẹ con Hoàn vẫn đứng nhìn hút theo - Hoàn tự nhiên thốt lên "người ở đâu sao mà nhân hậu!"

  Vĩ thanh buồn
 Người vợ của hắn biết được câu chuyện, bí mật dò hỏi so sánh tuổi của thằng bé với thời gian hắn ở chiến trường ra rồi thở dài tiếc cho cái oan sai ở đời.
 Một lần vợ hắn nói với hắn: "Cho đến bây giờ vẫn còn cái oan Thị - Kính...em thương chồng và kính nể anh..."

29-9-2013-Tùng Văn





















.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

TV
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

TV
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn



                MỘT "RÃ LA" ĐÁNH THỨC CON TIM BAO CHÀNG TRAI TRẺ*

   Thơ, khai thác về đề tài truyền thống, tuy đơn giản nhưng có cái khó riêng của nó. Đơn giản vì là đề tài mở dường như có sẵn. Nhưng khó là làm thế nào để và dám “đụng” vào những góc khuất với lại mang được hơi thở của cuộc sống đương đại.
  Bài thơ “Rã La” của tác giả Vương Duy Miên được chọn đăng trong tập thơ “KHÚC THÔNG REO – (II)” của NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2011.
  Sự tích “rã đám”, đèn nến đêm hội tắt hết để dân làng có cơ hội “ăn trộm lẫn nhau” đã lùi vào quá khứ gần một trăm năm nay, chỉ còn lại dư âm văng vẳng. Vậy mà qua thơ của tác giả ta cứ tưởng ông mới ở hội “Rã La” về sáng nay. “Hỏi ông không thèm nói, gọi ông không thèm thưa”, ông còn đang mơ màng tiếc nuối để lạc mất người con gái ông vừa được “đặt môi lên má nàng”, để rồi ngẩn ngơ như người mất hồn.
  Mở đầu bài thơ ông đẩy người đọc vào không khí náo nhiệt của đêm hội và với sự bất ngờ may mắn như trời định cho ông được kề vai với cô gái làng bên (xin nhắc lại là cô gái làng bên, chứ không phải một ông già hay bà lão nào đâu nhé!).
          “Hội La đêm chật như nêm
             Kề vai cô gái làng bên hồi nào
           Lửa hoa sóng sánh má đào
           Ngả nghiêng yếm thắm va vào…vào tôi…”
 
  Ông dùng từ “va” tế nhị chỉ lúc “giao thoa” giữa ông và em, cũng là để tránh cho ông và cho em khỏi đỏ mặt. Cái điệp khúc của động từ “va vào…vào tôi” nó ỡm ờ nửa kín nửa hở, nửa thực nửa hư, tác giả tỏ ra bẽn lẽn, không dám nói thật cái điểm va của mình, để mặc cho người đọc bâng khuâng tự hiểu, thật dí dỏm.
  Thơ liền mạch không phân đoạn, cũng như hội làng, từ lúc khai hội cho đến khi rã đám dồn dập liên tục hết trò này đến trò khác; hết bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác. Khi kịch tính của đêm hội đến cao trào:
        “Bỗng dưng chiêng trống ngưng hồi
         Ơ kìa! Đuốc tắt, thế rồi màn đêm
         Hội làng í ới chìm êm
         Đẩy xô tôi chạm môi lên má nàng
         Va nhau nhờ lệ của làng
         Bồi hồi trời cũng mơ màng lặng im
         Ngực kề, bổi hổi con tim…”

  Cũng nhờ vào tục “ tắt đèn” nổi tiếng của đêm hội “Rã La” mà ông được “ chạm môi lên má nàng”. Ngây ngất và cháy bỏng ! Liệu trong đời người ta đã
được mấy lần cố ý mà như vô tình chạm môi lên má giai nhân ? Có khi chẳng có lần nào, với tác giả chắc là một lần duy nhất!                                                      
  Ông đổ cho lệ làng., mà lệ làng là thật. Cho nên chẳng cứ gì tác giả mà đến Trời “cũng mơ màng lặng im”.
  Cũng  khó xác định thời điểm nào là cao trào của hội ; lúc trời cũng “a tòng” với dân làng để “mơ màng lặng im” hay là lúc đèn đuốc sáng lên và tác giả được “lãi” một cái “em nguýt ngã tôi”:
         “Bất ngờ - đuốc bật sáng lên
         Hỡi trời !
         Ngượng ngùng em nguýt ngã tôi
         Như mơ hay thực? sóng người đẩy chen”
.
  Từ “ngã” đặt trong câu thơ trên, vàng ròng không đổi được – Nó đắt ở chỗ nàng làm cho tác giả say đắm điên đảo, dường như ông nghiêng ngả suýt ngã theo cái nguýt của nàng, mà chân vẫn chôn chặt như Từ Hải chết đứng – Bất giác người đọc không thể không liên tưởng đến điển tích Lý Diên Niên đời nhà Hán (Trung Quốc) làm thơ ca ngợi sắc đẹp của một mỹ nhân có câu:
                  “Nhất cố khuynh nhân thành
                   Tái cố khuynh nhân quốc…”
. Riêng tác giả được người đẹp “nguýt” kia mà; chẳng những chỉ nhìn mà còn dùng cả khoé mắt , làn môi để “trách yêu” ông, cho nên ông bị “chôn chân giữa vòng” mà hồn thì phiêu diêu ở tận chín tầng mây xanh cũng phải.
  Đến lúc ông bừng tỉnh thì “thôi đã lạc em mất rồi /Rã La/ Chết lặng mình tôi…”
  Trở về với thực tại , ông vội đi tìm em, nhưng trong biển người đi trẩy hội về, chen lấn tìm đâu cho thấy em…còn một mình ông lẻ loi, ngẩn ngơ ở trốn ngã ba đường – đường về, đường đến hội và đường làng bên. Đi đâu, về đâu? Đến hội thì hội đã tan, về nhà thì  để mất em – còn đường “Làng bên” thì “xa quá là xa”. Ông phân tâm đứng ở ngã ba đường, liệu có ai bảo cho ông đường đi về đâu với?
  Cuối cùng ông cũng phải quay về!
  Đằng đẵng chờ đợi cho đến năm sau, tác giả “lại đến hội La đợi chờ” mong có cơ may được tái hợp trùng phùng người con gái ông hằng thương nhớ, không biết ông có tìm lại được “ý trung nhân” – cái phần “một nửa” mà ông muốn có.
Nhưng câu kết của bài thơ là một lời cảm thán: “Người ơi! Từ bấy đến giờ…”
Và bỏ lửng, thì đủ biết rằng ông và người con gái ấy có duyên mà không có phận. Bài thơ khép lại trong một khung cảnh buồn man mác, lây sang cả người đọc.
  Với vài nét chấm phá tác giả đã khái quát được cái chung và những nét đặc trưng chỉ riêng hội “Rã La” mới có. Và chính những nét riêng, rất riêng của tác giả khi trái tim đang thổn thức viết về “Rã La” đã đánh thức bao trái tim đang yêu say đắm của những chàng trai, cô gái trẻ.
---------------------
*Hội "Rã La" ở làng La, Phủ Hoài Đức, thuộc Hà Đông cũ
- Đã đăng trong tạp chí "Người nhà quê"

Tháng 9-2013-TV
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nangthunb

Làm quen
Vào Thi viện đọc thơ
Thấy Tùng Văn Olinne
Xem ngày sinh, tháng đẻ
Cụ Tùng Văn hiện về
Đầu thế kỷ XX
Làm cái nghề cạo giấy
Viết truyện và làm thơ
Rất hay nên tôi thích
Mong Tùng Văn cho phép
Một lời cảm ơn nha...
Chúc Tùng Văn mạnh khoẻ
Có nhiều bài viết hay !
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

Từ ngày vào TV đến nay mới được vài tháng, nhưng buồn hơn là vui; đã có lần trái tim trực nhỏ máu!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tùng Văn

Thì ra là thế! Trái tim khi yêu trở nên mù loà, nhưng cũng lại sáng suốt lạ thường khi có những va đập bất thường. Cảm ơn Thượng Đế sinh ra con người lại ban phát cho họ một trái tim để biết yêu thương và biết căm giận!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối