Trang trong tổng số 4 trang (35 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

ĐƠN XIN GIA NHẬP HỘI CHĂN BÒ

                 Truyện vui của Xuân Thu

Dạo này làng tôi họ gia nhập các hội nhiều quá. To thì có các hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu giáo chức... Vừa vừa thì có các hội làm vườn, hội đồng hương, hội đồng ngũ, hội đồng khóa... Nho nhỏ thì có các hội nuôi ong, hội chim cảnh, hội gà chọi... Lại có cả hội nhậu nữa mới kỳ cục quặc chứ. Riêng tôi cứ đắn đo mãi chẳng biết nên tham gia hội nào. Chả lẽ mình như thế này mà lại đứng ngoài các tổ chức? Vô lý quá. Thời buổi giao lưu, hội nhập mà cứ thui thủi một mình, cá nhân chủ nghĩa thì thật là lạc lõng. Không chừng bị đào thải lúc nào không hay. Sống phải có tổ chức, đoàn thể, có làng có xóm chứ.
Đang lấn cấn như vậy thì tôi nghe thấy trên huyện có hội Chăn bò. Hay quá! Mình sẽ tham gia thẳng hội cấp huyện này mới oách. Mày mò tìm hiểu rồi tôi quyết định làm đơn xin gia nhập hội Chăn bò. Sau đây là toàn văn lá đơn của tôi.
“Kính gửi các đồng chí lãnh đạo Hội Chăn bò.
Trước hết, để khỏi mất thời gian của các đồng chí và để tiện cho việc xưng hô, xin phép các đồng chí cho tôi được gọi các đồng chí ở ngôi thật thân tình, đó là các bác. Còn tôi, xin phép được xưng em. Quê em nó thế. Mong các đồng chí, à quên, các bác thông cảm cho. Em xin đi thẳng vào vấn đề luôn, không cần dài dòng văn tự, mất thời gian vàng ngọc của các bác. Đồng thời xin các bác cho em bỏ qua cái thủ tục “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập, tự do, hạnh phúc” và ngày tháng năm làm đơn này vì chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính phải không các bác. Mà đơn từ nào chẳng cần phải ghi rõ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” và ngày tháng năm viết đơn. Ai cũng biết điều đó. Cho nên em không cần đọc cái đó nữa. Em sẽ đi thẳng vào vấn đề các bác nhé.
Em biết hội Chăn bò của chúng ta là một hội rất oách, tập trung những người đam mê về bò để cùng nhau sinh hoạt, giúp nhau cùng tiến bộ. Thời buổi này, không có hội thì buồn lắm. Đi đâu cũng “lơ nga lơ ngơ như bò đội nón”. Thêm vào đó nhiều kẻ chỉ trích, châm chọc nói những câu “tức như bò đá”. Nào là “khỏe như bò” mà không có hội thì cũng có ngày “bò lê bò càng”, “bò lăn bò lóc” ra cho mà xem”. Nào là: “Bây giờ không vào hội thì đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng” sao còn kịp? Lúc đó, “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết” là cái chắc! Rồi lại “nhảy như bò động cỡn” lên cho mà xem”. Em nghe mà run hết cả người. Lo lắm các bác ạ. Các cụ dạy “Ăn cơm với cáy thì ngáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy”. Thật quá đúng. Ở ngoài hội thì “bò ăn mạ thì dạ bò hay”, “hát ông ổng như bò rống” cũng chẳng ai thèm nghe. Vào hội thì dẫu có “yếu trâu còn hơn khỏe bò” phải không các bác. Mọi người giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. “Bò đàn rơm mục”, “đồng cam, cộng khổ”, làm việc gì cũng “như mổ trâu, mổ bò”, vui ra phết.
Thưa các bác! Em không phải là kẻ chỉ “mua bò vẽ bóng”, “bán bò tậu ễnh ương”, hay căn cơ, “đo bò làm chuồng” chi ly, kiệt xỉn như một số kẻ khác. Em đã tìm hiểu rất kỹ về hội ta. Hội viên của hội toàn những người “ba bò chín trâu”, “cơm no bò cưỡi” đâu phải hạng “đầu bò đầu bướu” như lũ “đầu trộm đuôi cướp” nọ. Hội của những người chăn bò, lấy sự phát triển của đàn bò, đấu tranh bò quyền làm mục tiêu hoạt động. Chả thế mà, chỉ mấy năm có hội, nhiều gia đình đã giàu lên trông thấy, “bát ăn bát để”, không còn cảnh “cãi nhau như mổ bò” nữa. Xã, huyện, tỉnh lấy gương đó để học tập. Phong trào xóa đói, giảm nghèo cũng từ đó mà đi lên. Tất cả cũng từ bò phải không các bác? Đúng là “trâu bò được ngày phá cỗ, con cháu được ngày giỗ ông”. Đó là sức hút lớn để cho những người ngoài hội như em phấn đấu trở thành hội viên.
Ấy chết, quên mất. Suốt từ nãy đến giờ em quên chưa giới thiệu về em cho các bác lãnh đạo hội. Xin lỗi các bác nha. Làm đơn xin vào hội mà chẳng nói rõ mình là ai thì đúng là “ngu như bò” rồi. Vâng, em tên là Đỗ Đình Chõe, công dân thôn Cổ Cò, xã Quyết Thắng của huyện ta đó ạ. Gia đình em nông dân chính hiệu. Nghề nghiệp là chăn bò. Đàn bò hiện nay có khoảng hơn trăm con. Em không nhớ rõ vì nó đông quá, không kiểm hết được. Cũng “đông đàn dài lũ” các bác nhỉ?
Vợ con em “chân chỉ hạt bột”, quanh năm “đầu tắt mặt tối”, “trâu dắt ra, bò dắt vào”, có lúc làm việc “thở như bò rống”. Chung quy lại cũng tất cả vì xây dựng và phát triển kinh tế gia đình, vì đàn bò. Chẳng được như người ta “trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò, củ tỏi giắt lưng”. Vẫn biết là “trâu tỏi bò gừng” đấy nhưng lũ con nhà em “ăn như bò ngốn cỏ” nên đâu có dám thịt cá, sơn hào hải vị gì. Ruộng nương đã ít lại toàn chỗ “đầu trâu mõm bò”, “trâu ăn lúa, bò ăn mạ”, người thì toàn những “trâu cổ cò, bò cổ dải” cả nên em chẳng còn cách nào khác là phải phát triển chăn nuôi. Được cái, vợ em hiểu em lắm. “Bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy”. Không “hăng tiết vịt”, “bán bò, tậu ruộng, mua dê về cày”, “ếch lại cứ muốn to bằng bò” bao giờ. Biết thân phận “bò gầy leo dốc”, “bò chết chẳng khỏi rơm” nên vợ chồng cái con nhà em đoàn kết cùng chung tay, góp sức lo phát triển kinh tế.
Từ những phân tích trên, em mạnh dạn làm đơn này xin gia nhập hội Chăn bò. Khi được vào hội em nguyện đem hết sức tài của mình xây dựng, phát triển hội ngày càng vững mạnh. Tuyệt đối tin tưởng ban lãnh đạo hội, không nghe theo kẻ xấu gây mất đoàn kết, phá hoại nội bộ hội. Không để cảnh “bò đen húc phải bò vàng, hai con khiếp vía quáng quàng xuống sông”. Em biết “ở đời tin bợm mất bò, tin bạn mất vợ nằm co một mình”. Thế nên, mặc cho “trâu ho cũng tày bò rống”, em hứa dẫu “đầu thì đội nón mõm bò, hai chân đạp đất, tay gò càng xe” vẫn cứ chung vai cùng ban lãnh đạo kéo cỗ xe của hội tiến lên phía trước.
Kính mong ban lãnh đạo duyệt đơn. Cẩn cáo”.
Gửi đơn đi rồi, tôi mong ngày mong đêm chờ đợi câu trả lời. Thế rồi, chẳng phải đợi lâu, một tuần sau tôi đã nhận được quyết định kết nạp, kèm theo quyết định đề bạt luôn chức trưởng ban tuyên truyền của hội. Mừng quá, tôi đánh luôn cả chuyến xe bò chở vợ con lên hội, tiện thể thăm phố huyện luôn. Ông trưởng hội bắt chặt tay tôi cười tươi. Cúi gập hẳn người xuống, ông ấy chào tôi. Sau đó ông nói: “Hôm nhận được đơn của bác Chõe, ban lãnh đạo đọc xong có người ngất luôn đó. Giá biết bác sớm hơn thì có lẽ chức trưởng hội phải là bác mới đúng. Thôi, sự đã vậy rồi, bác chịu khó làm trưởng ban tuyên truyền của hội đợi đến đại hội tới kiện toàn, bác gánh chức trưởng hội thay em, bác nhé!”.
Giời ơi! Tôi có nghe nhầm không đấy? Chõe bò làm trưởng hội Chăn bò khóa tới? Mong vào hội là tốt rồi, được giữ luôn chức trưởng ban tuyên truyền đã là quá lắm, ấy thế mà còn cái chức trưởng hội nữa thì... Là thực hay mơ thế này? Ếch to bằng bò thật rồi à?
Tôi mở to mắt trân trân nhìn ông hội trưởng. Ông hội trưởng cũng lặng người chăm chăm nhòm tôi. Cả hai cứ như thế khá lâu. Mãi đến lúc nghe tiếng bò rống lên một tiếng “ò” khá to và mùi sốt vang thơm phức từ đâu bay tới chúng tôi mới rời tay nhau ra và cùng cười lên ngất ngất.
Tôi gia nhập hội Chăn bò từ đó. Tự hào thay hội Chăn bò của tôi.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

3 THI SĨ, 300 CÂY SỐ VÀ 3 GIỜ HỘI NGỘ

Trong những ngày dự trại sáng tác văn học nghệ thuật tại nhà sáng tác Vũng Tàu, tôi thực sự xúc động trước việc 3 văn nghệ sỹ của Hội VHNT Tây Ninh vượt 300 cây số đường dài để đến thăm đoàn Phú Thọ có 3 giờ đồng hồ, chỉ để ngắm nhau, trò chuyện, đọc thơ và nhận tặng sách rồi về. Ba thi sĩ đó là anh Nghiêm Khánh, anh Nguyễn Văn Tài và cô gái Trần Thị Thanh Nhã. Trong số này thì có hai là bạn học khóa viết văn Nguyễn Du với tôi ở Plei-ku là Nguyễn Văn Tài và Trần Nhã My (bút danh của Trần Thị Thanh Nhã). Riêng anh Nghiêm Khánh thì tôi chỉ quen biết anh qua trang blog. Ấy vậy mà, chính anh là người hăng hái tổ chức chuyến đi này.
Biết tin tôi đi trại sáng tác ở Vũng Tàu, cũng chỉ qua mạng thôi, anh Nghiêm Khánh đã comment bài viết “Nụ hôn biển” trong trang của tôi rằng “Biết tin từ những chiếc “còm”, bạn mình đang ở Vũng Tàu nhưng không biết có lịch trống không để mình ra chơi với bạn cho thoả chí? Mà không có thông tin? Giờ phát hiện bạn có thêm nụ hôn mới tặng đời nên ghé thăm tiện thể trình bày nguyện vọng như thế, không biết có được chăng?”. Ối giời ơi! Anh khiêm tốn quá. Cứ làm như là tôi cao xa quá vậy. Còn gì hơn đi xa mà có bạn đến thăm nữa cơ chứ? Tôi liền “alô” cho anh ngay. Hẹn anh sau chuyến ra Côn Đảo thì trân trọng mời anh và một số văn nghệ sỹ Tây Ninh tới thăm. Tôi nhắc anh mời giúp anh Tài, Nhã My đi cùng, nếu còn chỗ thì mời giúp ai nữa mà anh thân cho vui. Anh bảo “Dứt khoát sẽ gặp bạn. Lần trước xin gặp ở sân bay Tân Sơn Nhất không được rồi, lần này phải gặp được nhau đấy nhé”. Chả là lần trước tôi dẫn đoàn đi thăm các tỉnh miền Tây Nam bộ, tới mũi Cà Mau, anh theo dõi trên mạng thấy vậy muốn được gặp tôi trước lúc tôi lên máy bay về nhưng hôm đó, tôi đổi lịch đi Vũng Tàu thế là anh em tôi không gặp nhau được.
Chưa biết mặt mũi anh thế nào, đọc thơ văn anh trên blog thấy cũng thú vị và đáng yêu lắm. Anh khiêm tốn, đôi lúc hình như còn tự ti nữa thì phải. Ngay trước nhà blog của anh, anh đã treo “Người yêu thơ và mới tập làm thơ. Hiện đang sinh sống công tác ở Long Hoa, Tây Ninh”. Qua tìm hiểu bạn bè, biết anh công tác ở ngành kiểm sát, nhà rất khá giả, có xe riêng và rất yêu thơ, quảng giao và cũng có máu…phượt như tôi. Anh thường tự lái xe tổ chức nhiều chuyến đi tham quan cùng một số văn nghệ sỹ bạn bè của anh. Con người này, chỉ ngần ấy thông tin tôi cũng cảm thấy “chơi” được. Thế nên, còn gì bằng chuyến đi này tôi được gặp anh.
Từ Bình Định, sau một chuyến công tác về thứ bảy, sáng chủ nhật, anh cùng con trai lái xe đưa anh Nguyễn Văn Tài, Trần Nhã My về Vũng Tàu thăm tôi và đoàn Phú Thọ. Điện thoại nóng lên từ hôm trước. Đoàn xuất phát từ 3 giờ sáng từ thị xã Tây Ninh. Tôi háo hức chờ đón anh, tưởng tượng ra cái phút gặp mọi người. Người mới tinh là anh, bạn cũ là Nguyễn Văn Tài và Trần Nhã My. Dạo học ở Plei-ku, Nguyễn Văn Tài là đoàn trưởng đoàn Tây Ninh, tôi là đoàn trưởng đoàn Phú Thọ, hai đoàn ở hai đầu đất nước, xa nhất về dự khóa học. Chúng tôi thường giao lưu, càphê, nhậu và thơ. Tình thân thiết nảy sinh và phát triển từ đó. Anh Tài là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Tây Ninh, đã xuất bản tập thơ “Đường tim” khá ấn tượng, có trang blog riêng với tên là Hoa biên cương. Anh thẩm thơ khá tinh tế, cũng kén chọn câu từ ra phết. Anh được văn nghệ sỹ Tây Ninh quý trọng bởi cái tình và trách nhiệm trước câu chữ, phát hiện và giới thiệu những sáng tác của anh, chị em trong Hội, trước việc tổ chức phát triển hội. Theo dõi trên mạng thấy anh xuất hiện khá nhiều trong các buổi ra mắt sách, kết nạp hội viên, thành lập chi hội, tham quan, đưa đoàn đi thực tế sáng tác. Năng nổ, nhiệt tình thế thì ai mà chẳng mến, chẳng yêu.
Cô giáo trẻ Trần Thị Thanh Nhã xuất hiện ở lớp viết văn Nguyễn Du rất duyên dáng, dịu dàng và có giọng thơ khá lạ. Với bút danh Trần Nhã My, thơ chị xuất hiện khá nhiều trên các báo chí trung ương và địa phương. Sau lớp học này, Nhã My được dự hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII tổ chức tại Tuyên Quang. Chị đã xuất bản tập thơ đầu tay có tên là Dỗi và ẵm luôn giải trẻ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2012. Nhờ chị mà tôi đã viết được truyện ngắn “Huyền thoại Hoa nhã my” làm cho bao người (kể cả những người sống ở nơi tôi viết trong truyện) tưởng thật, đi tìm và họa theo để sáng tác ra thơ, ra nhạc về hoa nhã my “bốc phét” của tôi. Vui đáo để.
Hơn chín giờ, xe mới tới nhà sáng tác. Tôi cùng anh em Phú Thọ ra đón đoàn. Tay bắt mặt mừng. Hớn hở, rạng rỡ. Nghiêm Khánh bằng xương bằng thịt đây rồi. Bạn cũ của tôi đây rồi! Xúc động lắm. Trân trọng lắm. Tôi cứ luống cuống chẳng nói được câu gì. Tôi điện ngay cho nhà thơ Nguyễn Đình Phúc cùng lớp viết văn Nguyễn Du năm ấy, tác giả thơ Nguyễn Thế Yên (chủ quán thơ Nửa nhớ trên blog) đang tranh thủ thăm phố về ngay đón các bạn. Lát sau, hai người về. Không khí càng sôi nổi, ấm cúng. Nguyễn Thế Yên đã gặp Nhã My hôm hội nghị viết văn trẻ. Nguyễn Đình Phúc gặp lại bạn cũ. Quen biết nên chuyện trò càng rôm rả. Tôi trang thủ quan sát dung nhan anh Nghiêm Khánh. Người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, xởi lởi, tóc bạc. Nguyễn Văn Tài và Trần Nhã My vẫn thế, không khác gì những ngày học ở Plei-ku.
Chuyện trò lúc, tôi bảo anh Nghiêm Khánh: “Ra Vũng Tàu ta phải tắm kỷ niệm biển anh nhỉ?”. Anh đồng ý liền. Tôi đã tắm ban sáng rồi, giờ khách đến chả lẽ để khách đi tắm một mình. Thế là tôi tiếp tục đi tắm biển lần hai và tự gọi cái tắm này là “tắm tiếp khách”. Anh Tài không tắm. Giờ tôi mới nhìn kỹ anh. Đóng bộ oách thế kia, giày thể thao, quần thụng, sơ vin, mũ phớt nữa, như lãng tử thế thì ngại cởi ra để tắm là phải. Thôi thì để anh ấy lang thang trên bờ biển ngắm cảnh và làm thơ. Biết đâu chẳng đã có tứ thơ nào đó nảy lên trong đầu anh ấy rồi cũng nên?
Cả ba chúng tôi ào ra biển. Anh Khánh bơi xa tít. Tôi bám theo. Vẫy Nhã My ra nhưng nàng sợ sóng chỉ loanh quanh ven bờ. Vừa vùng vẫy sóng nước, tôi và anh Khánh cùng trò chuyện. Anh hỏi tôi: “Đi thế này thì đàn bò tính sao? Giao cho bà xã chứ?”. Tôi cười lớn: “Anh ơi! Em làm gì có bò bê. Nhân vật trong truyện của em là Chõe bò sau rồi mọi người cứ gọi em là Chõe bò đấy. Bà xã nhà em ở nhà ôm cháu thôi!”. Anh cười: “Mình cũng đoán vậy. Nhưng sao ông viết cứ như thật thế. Đọc thích lắm”. Một câu khen của anh làm tôi vốn “lặn nổi, bơi chìm” bỗng bồng bềnh nổi hẳn lên trên mặt biển. Đúng lúc đó, có một con sóng to chồm lên phủ kín người tôi, xô tôi dạt tít vào bờ. Sướng chưa Chõe ơi? Chưa chi đã thăng thiên rồi giờ sóng nhấn cho là phải. Tôi vuốt nước trên mặt sặc sụa nhìn anh Khánh và ho rũ rượi.
Bữa cơm trưa hôm ấy thật vui vẻ. Cười nói nhiều hơn ăn. Mấy chai rượu anh Khánh mang đến làm cho anh em trong đoàn phấn chấn, tự tin hẳn lên. Anh Tài, anh Phúc, anh Nửa nhớ, rồi Hà Thành, Đắc Phượng ôm nhau mà chuốc rượu, mà thơ. Nhã My không uống được rượu cũng làm mấy ly khiến mặt nàng đỏ căng. Rồi lấy số điện thoại. Rồi ký tặng sách. Rồi hẹn hò. Rồi chụp ảnh. Đang mục nọ, chuyển mục kia. Người nọ níu, người kia gọi. Chưa đến hai chục người mà náo động cả phòng ăn khu sáng tác. Du khách hướng những cặp mắt tò mò cùng những nụ cười thân thiện về chúng tôi. Văn nghệ sỹ là thế. Được như họ đâu phải là dễ?
Cuộc vui nào cũng phải đến hồi kết thúc. Hơn mười hai giờ trưa, anh Nghiêm Khánh bảo phải chia tay chúng tôi. Đường xa, dặm thẳm, qua thành phố Hồ Chí Minh tắc đường như cơm bữa nên “anh phải về thôi, xa Thu thôi”. Tôi suýt khóc vì cái giờ phút này đã đến. Bắt chặt tay nhau, ôm nhau thêm lần nữa rồi xa. Nhìn các anh và Nhã My lên xe tôi nghẹn ngào xúc động. Thôi, thế cũng là mãn nguyện rồi. Ba trăm cây số đến thăm nhau trong 3 giờ đồng hồ, đi từ 3 giờ sáng, 3 con người ấy đã để lại trong tôi những kỷ niệm, ấn tượng không bao giờ phai. Có tình bạn, tình thơ nào hơn thế nữa?
Ta xa nhau rồi, lại tìm nhau trên mạng, trên những trang sách báo vậy. Mong lắm ngày gặp lại. Tay trong tay, mắt trong mắt, thơ hòa thơ để cho cuộc đời này mãi đẹp phải không anh Khánh, anh Tài, phải không Nhã My?
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

PHÚT 89 VẪN HỘI NGỘ

Trong bóng đá, bàn thắng vào phút 89 hoặc những phút đá bù giờ của trận đấu thường được người ta dễ nhớ nhất. Trong chuyến đi dự trại sáng tác Vũng Tàu của tôi cũng thế, trước lúc lên máy bay về Hà Nội, nghĩa là “phút thứ 89” của chuyến đi rồi, tôi vẫn được hội ngộ với anh Nguyên Hùng và blogger Phương Phương.
Biết tin tôi ở nhà sáng tác Vũng Tàu, anh Nguyên Hùng - chủ nhiệm ban quản trị ngôi nhà chung VNweblog.com đã điện mời tôi cố gắng thu xếp lên thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ lấy một buổi. Tôi cảm ơn anh và cáo từ vì thời gian ở trại có hơn chục ngày, mất 3 ngày ra Côn Đảo rồi, nếu đi nữa thì…tan trại mất. Phương án hay nhất là gặp nhau tại sân bay Tân Sơn Nhất trước lúc đoàn rời thành phố Hồ Chí Minh. Anh đành “OK” (vì anh cũng không thể xuống Vũng Tàu được do đang công tác) và giữ liên lạc với tôi từ buổi đó.
Anh Nguyên Hùng tên thật là Nguyễn Nguyên Hùng, sinh năm 1955 tại Cửa Lò, Nghệ An, tu nghiệp bên Nga 7, 8 năm gì đó, kỹ sư cơ điện, hiện sinh sống và công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Vừa là chủ nhiệm ban quản trị trang vnweblogs.com, anh vừa là chủ nhân ngôi nhà văn thơ “Cánh buồm thao thức” của anh trong cái làng vnweblogs.com này. Gia tài văn chương mạng và sách (4 tập thơ) của anh khá đồ sộ. Làm kỹ sư cơ điện, cái ngành khô khan thế thế mà Nguyên Hùng lại có một gia sản thơ văn khá nể phục. Anh bảo “có tập thơ mới ra, tặng lão Chõe khỏi gửi qua bưu điện”. Thế thì còn gì bằng. Tôi cũng có sách mới, hai bên đổi nhau. Huề. Cứ đợi đấy, anh Nguyên Hùng nhé.
Tôi đã gặp anh Nguyên Hùng một lần, năm ngoái tại Sài Gòn, vào dịp tôi đi họp tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Cũng chỉ chớp nhoáng, buổi trưa tại nhà Thanh Long, cô giáo đồng hương Phú Thọ. Người anh hơi thấp, khá xù xì, bụi bặm và rất nhanh nhẹn, xởi lởi. Tôi có khá nhiều kỷ niệm về anh, dẫu chỉ qua mạng. Dạo tôi mới chơi blog, năm 2007, tôi post liên tục hàng chục tác phẩm liền trong ngày. Cái nọ vừa xong thì cái kia lại đùn lên. Rồi bạn đọc, bạn blog kêu lên “từ từ thôi, cho mọi người đọc. Đổi font chữ đi, không ai đọc được gì đâu?”. Tôi hoảng quá, không biết làm thế nào. Rồi có người mách tôi, cho tôi số điện thoại của anh Nguyên Hùng. Tôi “alô” trình bày và chính anh là người chỉnh trang lại trang blog cho tôi, post sửa bài giúp tôi, hướng dẫn tôi cách sử dụng blog. Mãi sau này, tôi mới biết anh là “đầu gấu”, chủ nhân của cái làng weblogs này. Đụng đúng sếp mà không biết. Khi tôi sử dụng Ipad, đưa bài lên, thơ cứ bị dính dòng, chính anh lại mở khóa sửa giúp tôi. Chẳng những tôi mà các bloggers khác cũng vậy. Anh nhiệt tình, tận tâm giúp đỡ mọi người chơi blog và đón tiếp các bloggers nếu họ có dịp qua Sài Gòn.  
Tổng kết trại nhoáng nhoàng cho xong, chúng tôi ào lên xe, ra sân bay cho kịp giờ bay theo vé khứ hồi. Anh Nguyên Hùng điện hỏi giờ giấc gặp nhau cụ thể. Tôi bảo ngoài ba giờ chiều sẽ gặp anh ít phút. Anh bảo có cả Phương Phương nữa đấy. Tôi vui quá. Chưa được gặp blogger này lần nào. Chỉ biết chị qua mạng với tấm ảnh cười thật tươi trên poster và đọc thơ chị trên mạng và một số báo chí.
Nhắc tới Phương Phương, tôi chợt nhớ tới cuốn tạp chí Thế giới Mới số Tết năm nay (2013). Cuốn tạp chí này đã  dành hẳn một trang để giới thiệu về Phương Phương và thơ của chị. Tôi đọc nhanh và hiểu thêm thế này: “Phương Phương tên thật là Nguyễn Thị Phương, tuổi Sửu (1961), quê ngọai Quy Nhơn, quê nội Nam Định. Tốt nghiệp đại học ngữ văn, đại học tổng hợp Huế, ra trường, chị về dạy học ở Nha Trang, sau rồi làm biên tập viên nhà xuất bản. Rồi chuyển ngành vào sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Chị đến với thơ từ khi còn ở giảng đường đại học, nhưng ít xuất hiện ồn ào trên thi đàn. Đến nay chị đã xuất bản một tập thơ Ngày xưa ơi! Thơ Phương Phương dung dị, da diết luôn chất chứa hoài niệm về tình yêu và cuộc sống, với rất nhiều trải nghiệm, được dồn nén trong trái tim đa cảm, đa đoan”.
Ngoài các bài thơ “Hà Nội mưa”, “Nếu anh biết một điều”, “Sao thế anh?”, “Như gặp lại ngày xưa” mà tạp chí Thế giới Mới đã giới thiệu, tôi còn rất thích bài thơ “Em có về Hà Nội mùa thu” được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến phổ nhạc.
“Em có về Hà Nội với anh không?
Để nghe thu rơi dịu dàng trên phố nhỏ
Nhẹ bước bên em rợp trời lá đổ
Hai đứa cùng  thổn thức đợi mùa đông”
Không sinh sống ở Hà Nội mà lại nặng lòng với Hà Nội mùa thu đến thế. Tôi - người Hà Nội đây (Hà Nội 2 nguyên gốc) mà chưa có bài thơ nào về Hà Nội cho ra hồn cả. Thế mà Phương Phương sinh ở miền Trung, sống ở miền Nam lại có nhiều thơ về Hà Nội mà bài nào cũng da diết, cũng đắm đuối lắm thay.
Tập thơ có tên “Ngày xưa ơi!”, đã trở thành tên trang blog của chị. Chắc phải hoài niệm lắm mới lấy cái tên tập thơ và trang blog như thế. Mỗi lần trả lời comment chị, tôi cứ run hết cả người khi viết “Gửi Người xưa ơi!”, cứ lấm la lấm lét viết comment, chỉ sợ bà xã đọc được thì… “cái “ngày xưa ơi” là con nào thế?” thì có trời mà thanh minh. Danh mục liên kết bè bạn mà anh Nguyên Hùng thiết kế giúp trên trang blog của tôi người đầu tiên là Nguyên Hùng, tiếp đó là Ngày xưa ơi. Và bây giờ tôi sắp được hai con người đó đây. Cứ nghĩ đến cái chi tiết ấy và tưởng tượng về Phương Phương, tôi tủm tỉm cười suốt dọc chặng đường ra sân bay.
Vội vã lo thủ tục vé, hàng cho cả đoàn, vội vã nghe điện thoại của anh Nguyên Hùng, chỉ lo không kịp gặp nhau, cuối cùng sau khi phát vé cho mọi người lên phòng chờ xong, tôi chạy ào ra cửa đón khách. Anh Nguyên Hùng tất tả tìm tôi, theo sau là cô gái mà thoáng nhìn qua tôi nhận ra ngay đó là Phương Phương. Ba chúng tôi kéo vào căng-tin nhâm nhi cà-phê, và bia, và thơ, và chụp ảnh, và… ngắm nhau trò chuyện. Chúng tôi đổi sách cho nhau. Tôi nhận “Bay về phía bão”, Nguyên Hùng và Phương Phương nhận “Khói đốt đồng”. Nâng niu đứa con tinh thần trên tay, cả ba chúng tôi đều ngập tràn cảm xúc.
Phương Phương bảo lão Chõe trẻ hơn em tưởng tượng. Tôi cười: “Chắc thất vọng rồi chứ?”. Phương Phương lắc đầu, nói lảng: “Anh viết lục bát hay quá. Em ấn tượng ngay từ những bài thơ đầu”. Còn Nguyên Hùng, đến lúc đó tôi mới biết chính xác tuổi anh. Thì ra anh hơn tôi hai tuổi. Thế mà “alô” cứ “ông ông tôi tôi” suốt. Ai bảo nhìn người trẻ vậy lo chẳng bị xuống chức? “Bay về phía bão” tôi đã đọc qua mạng rồi, giờ đọc bằng văn bản chắc sẽ thấm hơn, khoái hơn rất nhiều đây. Nhất định tôi sẽ đào bới tập thơ này, chọn ra bài thơ hay nhất, câu thơ tâm đắc nhất để mà nhâm nhi, để mà tự sướng cùng Nguyên Hùng.
Đang vui thì nhà ga thông báo sắp đến giờ bay. Tôi đành chia tay anh Nguyên Hùng và Phương Phương. Lưu luyến vô cùng. Cuộc hội ngộ chỉ chừng 20 phút nhưng cũng đủ để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Đứng trên cầu thang máy chạy lên tầng hai, tôi thấy anh Nguyên Hùng và Phương Phương còn đứng đó giơ tay vẫy chào tôi lần cuối.
Tạm biệt nhé, Sài Gòn ơi! Tạm biệt nhé, Vũng Tàu ơi! Ta xa nhau thật rồi! Xin giữ mãi những kỷ niệm tươi nguyên trong những ngày dự trại sáng tác để chắp cánh cho những vần thơ vút bay lên. Sài Gòn ơi! Vũng Tàu! Xin hẹn ngày gặp lại!
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NƯỚC VỐI QUÊ TÔI

Tản văn của Xuân Thu

Trong các đồ uống dân gian về mùa hè tôi thích nhất món nước vối. Đây là đồ uống thông dụng nhất, bình dân nhất mà người dân quê tôi từ bao đời nay thường sử dụng. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, hầu như nhà nào của làng tôi đều có ấm nước vối. Nước vối uống hàng ngày đã đành, khách đến chơi nhà, kể cả khách sang đi nữa cũng đều uống nước vối. Bởi vậy, nước vối ngấm vào máu thịt mỗi người dân quê tôi, trở thành “thương hiệu, đặc sản” của làng tôi.
Dạo đó, làng tôi nhiều cây vối lắm. Vối mọc tự nhiên ở bờ ao. Đặc biệt, có hẳn một khu bềnh lầy toàn vối là vối. Cái tên gọi Bềnh Vối cũng từ loài cây này mà ra. Bềnh Vối khá rộng, nằm trước cửa nhà cụ Canh. Lũ trẻ trâu chúng tôi thường chơi trận giả, leo trèo, lội bì bọp trong khu bềnh vối này. Vào mùa cây vối ra hoa thì thôi rồi. Chỉ ngắm nhìn những chùm hoa vối trắng đung đưa trong gió và hít hà cái hương thơm kỳ lạ của chúng cũng đủ níu chân lũ trẻ chúng tôi quên cả đàn trâu và quên cả lối về nhà.
Chơi đùa chán, mồ hôi mồ kê đứa nào đứa nấy nhễ nhại, chúng tôi chạy lên nhà cụ Canh xin bát nước vối. Chao ôi! Bưng bát nước vối đặc sóng sánh màu nâu vàng, kề lên miệng rồi uống ừng ực cho đã cơn khát thì không còn gì thú vị bằng. Từng chân tơ kẽ tóc, từng đường gân thớ thịt như đều dãn ra để cho thứ nước vàng ươm đó lan chảy tới râm ran râm ran. Có đứa uống liền một lúc hai ba bát nước vối đến nỗi bụng phễnh ra mà khi quệt mép vẫn cứ còn thòm thèm chưa đã
Lớn lên một chút, hình ảnh về bát nước vối càng in đậm trong tôi. Bố mẹ tôi khi làm ngoài đồng về, sau khi cất cày bừa, quang gánh là y như rằng đến ngồi trên chiếc chõng tre, phe phảy cái quạt và bưng bát nước vối uống. Uống cho đã cơn khát. Có bữa, bố tôi uống xong còn khà một cái ra vẻ khoan khoái lắm. Cứ như là uống rượu vậy. Nước vối được ủ trong ấm giỏ, khi uống còn hơi âm ấm nên uống rất “vào”. Cũng có thể để nước vối ra cái ấm siêu to, nước nguội, uống lúc nào cũng được. Trước khi đi làm đồng, mẹ tôi thường chuẩn bị hai loại nước đó để sẵn ở nhà để ai thích uống nước vối nóng thì lấy nước trong ấm giỏ, còn ai thích uống mát thì chắt từ siêu, từ xoong ra. Uống nước vối phải uống bằng bát sứ mới sướng. Ngày đó làm gì có bát sứ đẹp như bây giờ. Toàn bát sứ dày, xù xì, màu đục sữa ố vàng, ấy vậy mà bát nước vối vẫn cứ ngon, cứ mát đến lạ kỳ.
Nước vối ấm, điếu cày kêu là cái thú, cái khoái của thợ cày làng tôi. Đang giữa buổi cày, hễ có một ai đó dừng trâu lên bờ giải lao, chắt bát nước vối từ cái ấm mà vợ, hoặc con mang ra, uống ừng ực rồi rít tiếp một điếu thuốc lào kêu rong róc nữa thì không có hiệu lệnh nào hơn để cho các bác thợ cày, thợ cấy gần đó nghỉ tay, theo hướng tiếng điếu cày kêu mà tụ tập. Để rồi, những câu chuyện về mùa màng, thời vụ, về lúa ngô, sắn khoai cứ thế mà rân ran giữa cánh đồng.
Phong trào khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích gieo trồng khiến cho Bềnh Vối làng tôi tan hoang. Cây vối không còn nữa, thay vào đó là lúa, là ngô. Cây vối lui về mấy bờ ao, lặng lẽ khiêm nhường đứng im lìm soi bóng nước. Nó chỉ vui khi mùa ra hoa, chim chóc kéo về ríu rít đậu. Và ngày Tết Đoan ngọ, một số người dân làng tôi lại đến bẻ cành, vặt nụ vối về phơi để làm đồ uống sau này. Thôi thì chẳng kể vối nếp hay vối tẻ, cứ bẻ lấy ít cành, vặt lấy ít nụ về phơi khô, cất dùng dần là được rồi. Bềnh hết cây vối rồi lấy đâu mà chọn tẻ với nếp cơ chứ?
Lá vối, nụ vối phơi nắng thật kỹ, thật kho ròn rồi dùng. Để nước vối ngon, mẹ tôi thường lấy lá vối về rồi đem ủ trong bồ, trong thúng, hoặc cho vào chum vại. Lót lá chuối khô hoặc ít rơm xuống đáy, úp thúng, bồ đựng lá vối xuống, đợi một thời gian rồi lấy ra phơi thật khô để dành dùng dần. Lúc đó lá vối ngả màu vàng chuyển đen đều nhau, mẹ tôi cho vào bao tải cất lên gác bếp. Mẹ bảo ủ như thế lá không bị mốc, nước vối sẽ thơm và ngon hơn.
Ngày nay, có quá nhiều đồ uống khác nhau. Hầu như người ta quên mất nước vối. Cả tôi cũng thế. Chỉ đến khi vào nhà hàng có tên gọi Đồng Quê, nơi đó toàn đồ ăn đồng quê theo đúng tên gọi của quán, trong đó có bát nước vối thì bao nhiêu kỷ niệm về bát nước vối mới lại ùa về trong tôi. Trời ơi! Nước vối đã trở thành đặc sản thật rồi! Bao nhiêu công dụng của thứ nước đồng quê này được khai thác. Trị bệnh tiểu đường, mỡ máu; giải nhiệt, chữa bỏng, chữa viêm gan, viêm da, lở ngứa… Và quả thật, nước vối thơm ngon, mát bổ hơn bất cứ loại nước uống giải khát mà tôi đã từng uống.
Bao của ngon vật lạ sao tôi bỗng nhớ và thèm đến thế bát nước vối quê hương. Đâu rồi Bềnh Vối ngày xưa? Đâu rồi những cây vối bờ ao im lìm soi bóng nước? Sao bỗng dưng tôi lại khát thế này? Ơi bát nước vối nồng nàn quê tôi!
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

BÁNH ĐÚC BÀY SÀNG

Tản văn của Xuân Thu

Tự nhiên đêm qua tôi mơ được ăn bánh đúc. Lâu lắm rồi tôi mới lại được thưởng thức cái hương vị nồng nồng, ngòn ngọt của loại bánh này. Cầm miếng bánh cắt hình bình hành từ mẹt lót lá chuối tươi lên, tôi ngắm nghía không chán mắt. Đang định chấm miếng bánh vào bát tương để ăn thì đùng một cái, có cơn gió thật to thổi bay mất. Tôi chới với chạy theo rồi vấp ngã. Thế là tỉnh giấc. Thế là bị mất bữa bánh đúc ngon trong mơ.
Thuở còn nhỏ, mỗi lần mẹ đi chợ là anh em tôi lại mong lắm. Đứa lớn bế đứa bé đứng ở đầu ngõ ngóng chờ mẹ về. Bao giờ cũng thế, khi mẹ gánh đôi quang thúng về ngõ là chúng tôi thi nhau lục quà của mẹ. Khi thì túi kẹo bột. Lúc thì gói bánh đúc. Hôm khác lại bánh đa. Nhưng có lẽ khoái hơn cả là những miếng bánh đúc còn dính lá chuối xanh thơm ngầy ngậy, màu vàng đục với những hạt lạc bám quanh. Bụng đang đói mà được ăn một miếng bánh đúc thì đúng là không còn cái khoái nào hơn. Quà quê ngày đó chỉ những thứ ấy mà ấn tượng với tôi đến tận bây giờ.
Bánh đúc là bánh của làng quê Việt Nam. Nó được làm bằng bột gạo. Cũng có thể bánh đúc làm bằng bột ngô, bột khoai. Ngày tiệc làng, bố mẹ tôi bao giờ cũng làm loại bánh này. Bánh đúc ăn ròn, mát, mịn, no bụng và dễ tiêu. Quy trình làm bánh đúc cũng khá đơn giản. Chọn loại gạo ngon, vo đãi sạch và ngâm trong nước vôi trong. Thường mẹ tôi ngâm gạo qua đêm, sáng ra thì vớt gạo và đãi lại, để róc nước rồi đem xay. Cái cối xay đá hiện giờ tôi vẫn giữ làm kỷ niệm, để ở góc nhà. Đặt chiếc cối lên cái ghế băng hoặc chỗ cao ráo, chìa phần mỏ ra ngoài để cho nước bột chảy xuống. Lấy cái mảnh nứa hoặc tre như cái đóm cắm nối mỏm cối với cái chậu hoặc xoong cho nước bột theo đó chảy xuống. Cho gạo vào cối, tay phải cầm tay quay quay đều, tay trái dồn gạo vào giữa cối và thi thoảng dùng muôi múc nước tưới đều cho cối trơn và bột nhuyễn. Nước bột trắng như sữa trông đã thấy mát và ngon muốn uống rồi. Có thể xay hai, ba lần để nước bột thật nhuyễn bánh càng ngon.
Sau đó, lấy cái nồi khác đã được láng một chút mỡ nước ở đáy cho bánh chín khỏi dính nồi. Đổ nước bột vào đó rồi bắc lên bếp đun nhỏ lửa. Vừa đun, mẹ tôi vừa lấy cái đũa cả khuấy đều tay, khuấy liên tục. Mẹ bảo làm thế để bột không bị vón, bánh không khê, không sát nồi. Khuấy cho đến lúc bột trong nồi đặc sệt lại, nhìn trong mượt, nhấc cái đũa cả lên mà không dính nữa là được. Sau đó, mẹ bê cả nồi bánh đang nóng đó đổ ra cái mẹt đã lọt sẵn lá chuổi tươi rồi cán đều. Hơi bánh bốc lên thơm nghi ngút. Chúng tôi ngồi chầu hẫu vây quanh thèm nhỏ rãi. Thích nhất là được mẹ cho vét nồi. Bánh cháy vàng ươm,  mẹ lấy muôi cạo rồi chia cho mỗi đứa chúng tôi một nắm nóng hôi hổi, ăn vừa thơm vừa béo ngậy. Cạnh đó là mẹt bánh đúc đang bốc hơi thơm khắp cả mấy gian nhà. Đúng là “bánh đúc bày sàng”, cái ngon, cái khéo được phô bày ra tất cả ở đó.
Khi mẹt bánh nguội, bố tôi lấy con dao mong sắc cắt thành từng miếng hình bình hành rồi bày lên đĩa. Cầm lát bánh, khẽ gỡ bỏ mảnh lá chuối xanh còn sót lại, rồi chấm tương, đưa lên miệng, cắn một miếng, cảm giác mát ngọt của bánh, thơm nồng của vôi, bùi của lạc, mằn mặn của tương…tất cả hòa quyện với nhau tan ra nơi đầu lưỡi, ngấm vào các giác quan khiến cho ta tỉnh cả người. Bánh ngon là bánh mịn, không mềm nhão, ròn, cắt lát bánh sắc nét, trông rõ từng hạt lạc, mùi vôi hơi nồng nồng… Đang đói mà được miếng bánh đúc như thế thì chẳng có cao lương mỹ vị gì bằng. Còn nếu có điều kiện hơn thì ăn bánh đúc với cá kho, canh riêu cua thì chỉ có nhất. Chả thế mà có câu ca “Bánh đúc ăn với cá kho, bán bò mà lo trả nợ” đủ biết nó ngon đến chừng nào.
Làng quê Việt có nhiều làng nổi tiếng về loại bánh đúc này. “Bánh đúc làng Điền góp tiền mà mua”. “Nâu kẻ Sặt, vải kẻ Núc, bánh đúc lại Đồng”. “Rau cần kẻ Trúc, bánh đúc chợ Chay”… đủ biết bánh đúc “thương hiệu” biết chừng nào. Nhà văn Vũ Bằng trong cuốn Món ngon Hà Nội đã viết: “Bánh đúc mát cái mát của Đông Phương, thâm trầm và hiền lành chứ không rực rỡ và kêu gào ầm ĩ”.
Cái thuở chúng tôi “chị em ta bánh đa bánh đúc” không còn nữa, nó đã thuộc về dĩ vãng mất rồi. Ngày nay, có quá nhiều thứ bánh kẹo hiện đại, với nhiều mẫu mã khác nhau. Giữa đủ đầy như thế sao nhiều lúc tôi vẫn cứ cảm thấy chông chênh khi bỗng dưng chợt nhớ về thuở trước. Hình ảnh “sàng bánh đúc lá chuối”, miếng bánh đúc hình bình hành thi thoảng vẫn thoáng hiện trong tôi. Và giấc mơ đêm qua đã dắt tôi về ngày đó. Ước gì có mẹ bây giờ để mẹ lại quấy bánh đúc, chia bánh đa cho chúng tôi. Bánh đúc ơi, sao mãi thơm nồng đến thế!
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

XE RÁC
     
Cồng cộc…Cồng cộc cộc… “Xe rác đến rồi đó! Cái Hảo đâu, nhanh xách thùng rác ra đổ đi!”. Tiếng bà Bích nheo nhéo gọi với từ tầng một lên tầng hai. Bà quát giục đứa con gái đang học trên đó. Không có tiếng trả lời. Tiếng “cồng cộc” nghe càng rõ hơn. Bà Bích hai tay chống nạnh ngước lên tầng: “Tao nói mày không nghe hả? Hảo! Đi đổ rác! Nghe rõ chửa?”. Có tiếng ậm ự vọng xuống: “Con đang học bài!”. “Học cái gì? Bỏ đấy đã. Đi đổ rác ngay!”. Giọng bà Bích cương quyết.
Thực ra cái Hảo đâu có học gì, nó đang mải dở chơi điện tử trên máy vi tính. Nghe mẹ quát vậy, nó lầu bầu miễn cưỡng bước xuống cầu thang. “Có phải xe rác không mà mẹ cứ giục cuống cà kê lên thế?”. “Chả xe rác lại không à? Cái tiếng cồng cộc như công nông chở đá lên dốc đích thị là xe rác của thằng Công chứ còn cái gì nữa?”.
Quả đúng như lời bà Bích nói, khi cái Hảo xách xô rác ra đến cửa thì chiếc công nông lặc lè rác đã đến đầu xóm. Nó đang dừng trước cửa nhà ông Kha. Hai chị vệ sinh viên mặc quần áo bảo hộ lao động đang bê những thùng rác hất đổ lên xe. Quần áo họ lấm lem nhem nhuốc. Chẳng thể nào nhìn rõ mặt họ. Người nào người nấy bịt kín từ đầu đến chân. Chân đi ủng, đầu trùm khăn, mặt bịt khẩu trang, tay đeo găng, họ chỉ hở ra mỗi hai con mắt. Trong ca-bin, anh Công đang ngồi giữ vô-lăng. Nhiệm vụ của anh là lái chiếc công nông tã này đi từng nhà gom rác đổ ra bãi thải. Cứ hai, ba nhà một, anh lại dừng xe để cho hai chị chuyển rác lên.
Thấy tiếng công nông đến, người trong xóm í ới gọi nhau đổ rác. Ngoài xe, Công và hai chị tất bật làm việc. Một chị trên xe, một chị ở dưới. Người dưới đưa rác cho người trên. Khi là chiếc thùng sơn, lúc là cái hộp bìa cac-tông, khi khác lại là những chiếc giỏ nhựa, túi nilon. Tất cả những thứ có thể đựng rác được người ta đều sử dụng. Khổ nhất là những nhà dùng bao tải để chứa rác. Bê những tải rác to đùng này đưa lên chiếc công nông đã đầy rác thì thật là cực. Có khi ì ạch mấy lần vẫn chưa xong. Nó còn bung rác ra, vương vãi rơi hết cả vào đầu, vào vai người ở dưới. Lại phải vơ vét gom rác lại để đưa lên xe. Thế vẫn còn khá. Có những nhà thiếu trách nhiệm cứ đổ rác chất đống ở ven đường mặc cho tổ vệ sinh muốn làm thế nào thì làm. Ruồi nhặng bu đầy, bay vo ve, loạn xị. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nắng cũng khổ, mưa càng khổ hơn.
Khu bà Bích ở là khu xóm mới. Dân làng Cổ Cò ra đây và dân nơi khác đến bám đường lập nên khu xóm này. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, khu này cận lộ, cận thị nên phát triển nhanh lắm. Mới đầu chỉ có dăm nhà, sau thì chục nhà và bây giờ là cả dãy phố hai bên. Dáng dấp thị tứ, phố xá đã hình thành. Nhà nào nhà nấy đều khá đẹp. Duy chỉ có con đường là rất bẩn và bụi. Nguyên do là xóm phố đang trong quá trình xây dựng nên mật độ xe cộ, vật liệu tập kết khá đông. Và điều quan trọng nữa, đó là người ta thoải mái xả rác, thoải mái quét tước ra đường. Lãnh đạo xã thôn mải chạy theo tiêu chí bề nổi của xây dựng nông thôn mới nhưng cái tiêu chí vệ sinh môi trường thì hình như họ vẫn chưa quan tâm lắm.  
Là bộ đội xuất ngũ, Công trở về địa phương không có công ăn việc làm. Thấy cảnh tượng rác rưởi làng quê như vậy, anh rầu lòng lắm. Nhà riêng mọi người đẹp sang bao nhiêu thì đường làng ngõ xóm bẩn đi bấy nhiêu. Ai cũng lo làm đẹp cho mình mà chẳng ai lo làm sạch cho xóm. Rác rưởi bừa bộn. Nước thải lênh láng, đen ngòm. Phân trâu, phân chó đầy đường. Đến người làng đi còn kinh nữa là khách nơi khác đến. Xây dựng nông thôn mới kiểu này đâu có ổn. Trăn trở băn khoăn mãi, anh quyết định đứng ra thành lập tổ thu gom rác thải. Rủ mấy người trong làng thì ai cũng lắc đầu quầy quậy. Hâm quá. Ai lại đi làm cái việc bẩn thỉu, mất vệ sinh như thế cơ chứ? Làm gì chẳng làm lại đi làm cái thằng gom rác? Vận động mãi mới được hai chị trung niên đông con, không nghề nghiệp làm cùng. Ông trưởng thôn mừng rơn khi có tổ vệ sinh môi trường tự phát của Công ra đời.
Công vay tiền mua lại của người ta cái xe công nông cũ tã làm phương tiện chở rác. Chiếc xe xập xệ lắm. Thùng bệ rỉ hết phải cạp thêm mấy tấm ván. Sơn tróc lở loét, nham nhở. Bánh lốp mòn trọc lốc như đầu ông sư. Đầu máy ọc à ọc ạch, quay mãi mới nổ. Có những bộ phận phải chằng buộc dây thép. Khi máy nổ nó kêu phành phành phành phành. Ca bin xộc xệch, xiêu vẹo. Chiếc ghế rách tươm, phải lót tấm ván để ngồi. Được cái, không nổ thì thôi, chứ nó nổ rồi thì chạy cũng ngon ra phết. Mỗi tội khi lên dốc hay chở nặng thì nó phọt khói đen sì và tiếng máy gằn lên, hồng hộc kêu “cồng cộc” ầm ĩ cả xóm làng. Đúng như một chiếc chuồng gà di động. Mặc, Công và hai chị cùng chiếc xe này đã lăn lộn đầu làng cuối xóm chở không biết bao nhiêu là rác thải, làm sạch sẽ cho làng.
Kinh phí hoạt động cho tổ, Công vận động các gia đình ủng hộ, đóng góp. Nhiều ít tùy tâm mỗi gia đình. Ít thì dăm ba ngàn, nhiều thì chục, hai chục. Mới đầu, dân xóm phố Cổ Cò còn thờ ơ với xe rác, sau rồi thấy tổ vệ sinh môi trường này khá được việc nên ai cũng quý. Họ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế, lo cho xóm phố như thế bảo sao mà không yêu, không mến. Dân làng xóm phố liền bàn nhau hình thành quỹ vệ sinh phí, mỗi nhà mỗi tháng đóng góp từ mười đến mười lăm ngàn đồng. Đồng thời, nhà nào nhà nấy đều sắm những dụng cụ thu gom rác thải để sẵn ra trước cửa, rệ đường để tiện cho xe thu gom. Hễ cứ nghe tiếng xe công nông là người ta gọi nhau mang nốt rác còn ở trong nhà ra đổ cho kịp chuyến. Mấy ngày không thấy tổ xe đến là ai cũng nhớ cũng mong. Rác ùn ra thế kia, sao cái nhà anh Công này vẫn chưa tới chở đi nhỉ? Vắng tiếng “cồng cộc” của chiếc xe công nông rác ai cũng cảm như thiêu thiếu cái gì đó.
Rằm hàng tháng, khi thì chị Hạnh, lúc lại chị Huê đi từng nhà thu tiền vệ sinh phí. Ai cũng vui vẻ đóng góp. Duy chỉ có nhà bà Bích là dây dưa. Có mỗi mươi ngàn đồng mà khất lần khất lữa, phải mấy lần mới thu đủ. Có lần bà ta đưa cho chị Huê tám ngàn chín trăm đồng toàn tờ tiền lẻ quăn queo. Giọng bà ta kẻ cả hách dịch: “Tôi chỉ có ngần ấy thôi, các chị có lấy thì lấy”. Chị Huê nhã nhặn: “Cảm ơn bà. Nếu bà khó khăn quá thì tổ chúng tôi xin phục vụ. Bà cất chỗ tiền này đi, tổ chúng tôi thiếu nhiều chứ đâu chỉ dăm, mười ngàn của bà”. Nói xong, chị Huê xách túi sang nhà khác. Bà Bích nhìn theo bĩu môi dài giọng: “Ra cái điều!”.
Nhà bà Bích thuộc diện khá giả nhất xóm phố này. Chồng bà làm doanh nghiệp xây dựng, tiền vào ra như nước. Nhà cao cửa rộng, tầng trên, tầng dưới bóng loáng. Kiểu cách biệt thự càng làm cho ngôi nhà bà Bích nổi trội hẳn lên giữa phố. Là người từ nơi khác đến, bà sống tách biệt với cả khu. Cửa nhà bà lúc nào cũng im ỉm. Các con bà mỗi đứa một phòng đầy đủ tiện nghi. Đứa lớn theo bố đi công trình. Đứa bé, cái Hảo đang học cấp ba. Bà Bích có mỗi việc ở nhà xem ti vi, nấu nướng phục vụ chồng con. Nhà ít người nên bà không thuê ô-sin. Ngày xưa, bà cũng làm ruộng, chân lấm tay bùn như bao người khác. Từ ngày chồng bà trúng thầu các công trình xây dựng, phất lên, bà mới được như ngày hôm nay. Học đòi cách sống của kẻ có tiền, bà xem thường người lao động. Chỏng lỏn, kênh kiệu, nhìn đời bằng nửa con mắt. Bà vênh mặt với hàng xóm láng giềng về ngôi nhà của mình. Nông thôn mới phải có những ngôi nhà như thế này chứ. Nhiều lúc bà đã thốt ra miệng câu nói đó. Các con bà thấy thế cũng a dua theo.
Riêng chuyện rác rưởi trong nhà bà cũng lắm chuyện. Như nhà người ta thì phân loại rác trước khi bỏ vào thùng. Đầu rau, vỏ chuối, các thứ dễ tiêu thì đổ ra vườn làm phân bón cây. Giấy vở, sách báo bỏ thì gom lại đốt. Đằng này, bà Bích tống khứ tuốt tuồn tuột các loại vào thùng. Có phải bà không có vườn đâu, vườn nhà bà rộng là đằng khác. Bà bảo “mất tiền vệ sinh phí rồi thì cứ mặc tổ rác chúng nó lo”. Rác nhà bà thuộc diện nhiều nhất xóm phố. Thức ăn thừa, hoa quả thối, xương xẩu, bánh kẹo…đủ thứ bốc mùi hôi thối bà quẳng tất vào sọt rác để chềnh ềnh ven đường. Hôm nào nhà bà có giỗ, có liên hoan tụ tập bạn bè của chồng, của con bà thì y như rằng đống rác thải lại đầy tú ụ lên. Bà chê đường xóm phố bụi bẩn, hôi thối. Bà trách “tổ vệ sinh của thằng Công không hoàn thành nhiệm vụ”. Có mỗi việc thu gom rác thải mà làm cũng không xong.
Mưa. Bỗng dưng trời lại đổ cơn mưa rào như trút nước. Sấm chớp đì đùng. Gió ào ào. Trời đen kịt. Chiếc xe rác lượt về đang phành phạch túc tắc tiến đến cửa nhà bà Bích. Lượt đi nó chạy phía bên kia thu gom rác dãy nhà bên đó. Lượt về, nó chạy phía bên này và đầy ắc những rác là rác. Hai chị ngồi bám hai bên ca-bin quần áo ướt sũng nước. Công vừa vuốt nước mưa trên mặt vừa lái xe. Ca-bin thủng mái, dặt dẹo, mưa lại xiên tạt tứ phía khiến anh ướt cũng không kém gì hai chị trong tổ. Tiếng xe cồng cộc, hộc lên cùng tiếng sấm. Nước mưa ngấm từ rác trên xe chảy ra lênh láng, nhầy nhụa.
Sau khi thu dọn xong đống rác nhà bà Bích, chiếc công nông phọt khói đen xì phành phạch chạy trong mưa. Đến bãi rác, Công lùi xe. Anh dừng lại cho hai chị xuống để gạt chốt tấm chắn hậu. Thùng xe tùng bê đổ rác. Cả suối rác chảy tràn ra dưới mưa. Hai chị dùng cào cào cho gọn lại. Bất chợt, một cái bọc nilon chằng buộc khá cẩn thận lăn ra vướng vào răng cào của chị Huê. Chị nhặt lên gọi Công tới.
Ba người xúm lại. Công cầm cái bọc nắn nắn. “Chắc lắm các chị ạ. Hình như là tiền”. Anh cẩn thận mở lớp giấy báo ra. Một tập tiền loại 500.000 đồng được gói trong một tờ giấy có dấu son đỏ chót. Không ai bảo ai cùng xuýt xoa. Chưa bao giờ họ có một số tiền lớn như vậy. Một tập 100 tờ, vị chi là 50 triệu đồng. Mọi người nhìn nhau. Công bảo chị Huê che nón tiếp tục dở tờ giấy ra xem. “Hợp đồng sửa chữa trường học”, trong đó có tên bên B là ông Hoàng Văn Đức. “Hoàng Văn Đức là ai nhỉ?”, Công lẩm bẩm. Chị Huê cũng nhăn trán. Rồi bất ngờ, chị Hạnh reo lên: “Thôi đúng rồi! Ông Đức cai xây dựng, có cái nhà ba tầng cao, to, đẹp nhất xóm phố đấy”. “Có phải nhà ấy có cái bà beo béo hay nợ tiền vệ sinh không? Cái bà mà nộp tám ngàn chín trăm đồng tiền lẻ em đi thu hôm nọ đấy?”, Huê hỏi. Chị Hạnh gật đầu: “Đúng bà ấy đấy. Chắc tiền công trình của chồng bà ta đây!”. “Làm sao bây giờ chú Công?”. Công suy nghĩ giây lát rồi bảo: “Thì trả người ta chứ còn làm sao nữa?”. “Không được!”, Huê chặn ngang. “Sao lại không? Chẳng lẽ chia nhau?”, Công nói. “Không chia nhau. Chúng ta không thèm số tiền này. Theo chị, ta lên nộp cho công an xã, lập biên bản rồi tùy họ giải quyết. Như thế hay hơn”. “Ủy ban xa quá. Mưa gió thế này, hay cứ nộp cho ông Thái trưởng khu cũng được”. Cuối cùng cả ba người nhất trí phương án đó.
Khoảng chín giờ tối, trong nhà bà Bích, ông Đức kêu toáng lên khi phát hiện bọc tiền và bản hợp đồng của mình không cánh mà bay. Cả nhà tập trung lại cật vấn lẫn nhau. Mỗi người mỗi ý. Ai cũng cố nhớ lại mình đã làm gì, cất dọn ra sao, lúc mất điện thế nào… Bao nhiêu là phỏng đoán. Cuối cùng, mọi hy vọng đều tắc tị. Cả đêm, nhà bà Bích thao thức, buồn như có đám.
Vừa bạch nhật thì ông Thái trưởng khu phóng xe máy đến. Ông lân la hỏi chuyện. Bà Bích khóc lóc kể lể: “Khổ quá bác trưởng thôn ơi! Đêm qua mưa gió chẳng biết đứa chết tiệt nào mò vào lấy mất của nhà em bọc tiền rồi!”. “Mất tiền?”. Ông Đức gật đầu: “Năm chục triệu và cái bản hợp đồng sửa chữa trường học xã bên em vừa mới ký được sáng hôm kia, bác ạ!”. “Thế để đâu mà mất?”. “Em để trên cái bàn này này!”… Mọi người tranh nhau nói. Mãi sau, ông Thái mới chìa cái bọc ra: “Có phải cái này không?”. Bà Bích chạy lại vồ lấy đưa cho chồng? “Đúng rồi! Đúng nó rồi!”. Mắt ông Đức sáng lên, nói như reo. “Bác kiếm nó ở đâu ra đấy?”. “Tổ rác của thằng Công nhặt được chuyển cho tôi đấy!”. “Tổ rác?”, bà Bích tròn mắt hỏi lại. Ông Thái gật đầu và đưa cho bà Bích tờ biên bản đã lập với tổ thu gom rác thải chiều qua.
Vừa lúc đó tiếng xe công nông cồng cộc, cồng cộc đang túc tắc đi ở phía đường bên kia. Sao hôm nay xe rác lại đi nhỉ? Ba ngày mới thu một lần cơ mà? Chắc tại trận mưa bão chiều qua, đường làng ngổn ngang cấy cối đổ gãy và rác thải nên tổ của Công mới phải tăng ca đây mà. Cầm lại bọc tiền trên tay, nhìn chiếc xe công nông và ba người trong tổ đang cặm cụi bưng bê, dọn dẹp rác rưởi, bà Bích rộn lên một điều rất khó tả.
Trời quang, mây tạnh, xóm phố bừng lên màu nắng mới.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

XE RÁC

     Truyện ngắn của Xuân Thu

Cồng cộc…Cồng cộc cộc… “Xe rác đến rồi đó! Cái Hảo đâu, nhanh xách thùng rác ra đổ đi!”. Tiếng bà Bích nheo nhéo gọi với từ tầng một lên tầng hai. Bà quát giục đứa con gái đang học trên đó. Không có tiếng trả lời. Tiếng “cồng cộc” nghe càng rõ hơn. Bà Bích hai tay chống nạnh ngước lên tầng: “Tao nói mày không nghe hả? Hảo! Đi đổ rác! Nghe rõ chửa?”. Có tiếng ậm ự vọng xuống: “Con đang học bài!”. “Học cái gì? Bỏ đấy đã. Đi đổ rác ngay!”. Giọng bà Bích cương quyết.
Thực ra cái Hảo đâu có học gì, nó đang mải dở chơi điện tử trên máy vi tính. Nghe mẹ quát vậy, nó lầu bầu miễn cưỡng bước xuống cầu thang. “Có phải xe rác không mà mẹ cứ giục cuống cà kê lên thế?”. “Chả xe rác lại không à? Cái tiếng cồng cộc như công nông chở đá lên dốc đích thị là xe rác của thằng Công chứ còn cái gì nữa?”.
Quả đúng như lời bà Bích nói, khi cái Hảo xách xô rác ra đến cửa thì chiếc công nông lặc lè rác đã đến đầu xóm. Nó đang dừng trước cửa nhà ông Kha. Hai chị vệ sinh viên mặc quần áo bảo hộ lao động đang bê những thùng rác hất đổ lên xe. Quần áo họ lấm lem nhem nhuốc. Chẳng thể nào nhìn rõ mặt họ. Người nào người nấy bịt kín từ đầu đến chân. Chân đi ủng, đầu trùm khăn, mặt bịt khẩu trang, tay đeo găng, họ chỉ hở ra mỗi hai con mắt. Trong ca-bin, anh Công đang ngồi giữ vô-lăng. Nhiệm vụ của anh là lái chiếc công nông tã này đi từng nhà gom rác đổ ra bãi thải. Cứ hai, ba nhà một, anh lại dừng xe để cho hai chị chuyển rác lên.
Thấy tiếng công nông đến, người trong xóm í ới gọi nhau đổ rác. Ngoài xe, Công và hai chị tất bật làm việc. Một chị trên xe, một chị ở dưới. Người dưới đưa rác cho người trên. Khi là chiếc thùng sơn, lúc là cái hộp bìa cac-tông, khi khác lại là những chiếc giỏ nhựa, túi nilon. Tất cả những thứ có thể đựng rác được người ta đều sử dụng. Khổ nhất là những nhà dùng bao tải để chứa rác. Bê những tải rác to đùng này đưa lên chiếc công nông đã đầy rác thì thật là cực. Có khi ì ạch mấy lần vẫn chưa xong. Nó còn bung rác ra, vương vãi rơi hết cả vào đầu, vào vai người ở dưới. Lại phải vơ vét gom rác lại để đưa lên xe. Thế vẫn còn khá. Có những nhà thiếu trách nhiệm cứ đổ rác chất đống ở ven đường mặc cho tổ vệ sinh muốn làm thế nào thì làm. Ruồi nhặng bu đầy, bay vo ve, loạn xị. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nắng cũng khổ, mưa càng khổ hơn.
Khu bà Bích ở là khu xóm mới. Dân làng Cổ Cò ra đây và dân nơi khác đến bám đường lập nên khu xóm này. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, khu này cận lộ, cận thị nên phát triển nhanh lắm. Mới đầu chỉ có dăm nhà, sau thì chục nhà và bây giờ là cả dãy phố hai bên. Dáng dấp thị tứ, phố xá đã hình thành. Nhà nào nhà nấy đều khá đẹp. Duy chỉ có con đường là rất bẩn và bụi. Nguyên do là xóm phố đang trong quá trình xây dựng nên mật độ xe cộ, vật liệu tập kết khá đông. Và điều quan trọng nữa, đó là người ta thoải mái xả rác, thoải mái quét tước ra đường. Lãnh đạo xã thôn mải chạy theo tiêu chí bề nổi của xây dựng nông thôn mới nhưng cái tiêu chí vệ sinh môi trường thì hình như họ vẫn chưa quan tâm lắm.  
Là bộ đội xuất ngũ, Công trở về địa phương không có công ăn việc làm. Thấy cảnh tượng rác rưởi làng quê như vậy, anh rầu lòng lắm. Nhà riêng mọi người đẹp sang bao nhiêu thì đường làng ngõ xóm bẩn đi bấy nhiêu. Ai cũng lo làm đẹp cho mình mà chẳng ai lo làm sạch cho xóm. Rác rưởi bừa bộn. Nước thải lênh láng, đen ngòm. Phân trâu, phân chó đầy đường. Đến người làng đi còn kinh nữa là khách nơi khác đến. Xây dựng nông thôn mới kiểu này đâu có ổn. Trăn trở băn khoăn mãi, anh quyết định đứng ra thành lập tổ thu gom rác thải. Rủ mấy người trong làng thì ai cũng lắc đầu quầy quậy. Hâm quá. Ai lại đi làm cái việc bẩn thỉu, mất vệ sinh như thế cơ chứ? Làm gì chẳng làm lại đi làm cái thằng gom rác? Vận động mãi mới được hai chị trung niên đông con, không nghề nghiệp làm cùng. Ông trưởng thôn mừng rơn khi có tổ vệ sinh môi trường tự phát của Công ra đời.
Công vay tiền mua lại của người ta cái xe công nông cũ tã làm phương tiện chở rác. Chiếc xe xập xệ lắm. Thùng bệ rỉ hết phải cạp thêm mấy tấm ván. Sơn tróc lở loét, nham nhở. Bánh lốp mòn trọc lốc như đầu ông sư. Đầu máy ọc à ọc ạch, quay mãi mới nổ. Có những bộ phận phải chằng buộc dây thép. Khi máy nổ nó kêu phành phành phành phành. Ca bin xộc xệch, xiêu vẹo. Chiếc ghế rách tươm, phải lót tấm ván để ngồi. Được cái, không nổ thì thôi, chứ nó nổ rồi thì chạy cũng ngon ra phết. Mỗi tội khi lên dốc hay chở nặng thì nó phọt khói đen sì và tiếng máy gằn lên, hồng hộc kêu “cồng cộc” ầm ĩ cả xóm làng. Đúng như một chiếc chuồng gà di động. Mặc, Công và hai chị cùng chiếc xe này đã lăn lộn đầu làng cuối xóm chở không biết bao nhiêu là rác thải, làm sạch sẽ cho làng.
Kinh phí hoạt động cho tổ, Công vận động các gia đình ủng hộ, đóng góp. Nhiều ít tùy tâm mỗi gia đình. Ít thì dăm ba ngàn, nhiều thì chục, hai chục. Mới đầu, dân xóm phố Cổ Cò còn thờ ơ với xe rác, sau rồi thấy tổ vệ sinh môi trường này khá được việc nên ai cũng quý. Họ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế, lo cho xóm phố như thế bảo sao mà không yêu, không mến. Dân làng xóm phố liền bàn nhau hình thành quỹ vệ sinh phí, mỗi nhà mỗi tháng đóng góp từ mười đến mười lăm ngàn đồng. Đồng thời, nhà nào nhà nấy đều sắm những dụng cụ thu gom rác thải để sẵn ra trước cửa, rệ đường để tiện cho xe thu gom. Hễ cứ nghe tiếng xe công nông là người ta gọi nhau mang nốt rác còn ở trong nhà ra đổ cho kịp chuyến. Mấy ngày không thấy tổ xe đến là ai cũng nhớ cũng mong. Rác ùn ra thế kia, sao cái nhà anh Công này vẫn chưa tới chở đi nhỉ? Vắng tiếng “cồng cộc” của chiếc xe công nông rác ai cũng cảm như thiêu thiếu cái gì đó.
Rằm hàng tháng, khi thì chị Hạnh, lúc lại chị Huê đi từng nhà thu tiền vệ sinh phí. Ai cũng vui vẻ đóng góp. Duy chỉ có nhà bà Bích là dây dưa. Có mỗi mươi ngàn đồng mà khất lần khất lữa, phải mấy lần mới thu đủ. Có lần bà ta đưa cho chị Huê tám ngàn chín trăm đồng toàn tờ tiền lẻ quăn queo. Giọng bà ta kẻ cả hách dịch: “Tôi chỉ có ngần ấy thôi, các chị có lấy thì lấy”. Chị Huê nhã nhặn: “Cảm ơn bà. Nếu bà khó khăn quá thì tổ chúng tôi xin phục vụ. Bà cất chỗ tiền này đi, tổ chúng tôi thiếu nhiều chứ đâu chỉ dăm, mười ngàn của bà”. Nói xong, chị Huê xách túi sang nhà khác. Bà Bích nhìn theo bĩu môi dài giọng: “Ra cái điều!”.
Nhà bà Bích thuộc diện khá giả nhất xóm phố này. Chồng bà làm doanh nghiệp xây dựng, tiền vào ra như nước. Nhà cao cửa rộng, tầng trên, tầng dưới bóng loáng. Kiểu cách biệt thự càng làm cho ngôi nhà bà Bích nổi trội hẳn lên giữa phố. Là người từ nơi khác đến, bà sống tách biệt với cả khu. Cửa nhà bà lúc nào cũng im ỉm. Các con bà mỗi đứa một phòng đầy đủ tiện nghi. Đứa lớn theo bố đi công trình. Đứa bé, cái Hảo đang học cấp ba. Bà Bích có mỗi việc ở nhà xem ti vi, nấu nướng phục vụ chồng con. Nhà ít người nên bà không thuê ô-sin. Ngày xưa, bà cũng làm ruộng, chân lấm tay bùn như bao người khác. Từ ngày chồng bà trúng thầu các công trình xây dựng, phất lên, bà mới được như ngày hôm nay. Học đòi cách sống của kẻ có tiền, bà xem thường người lao động. Chỏng lỏn, kênh kiệu, nhìn đời bằng nửa con mắt. Bà vênh mặt với hàng xóm láng giềng về ngôi nhà của mình. Nông thôn mới phải có những ngôi nhà như thế này chứ. Nhiều lúc bà đã thốt ra miệng câu nói đó. Các con bà thấy thế cũng a dua theo.
Riêng chuyện rác rưởi trong nhà bà cũng lắm chuyện. Như nhà người ta thì phân loại rác trước khi bỏ vào thùng. Đầu rau, vỏ chuối, các thứ dễ tiêu thì đổ ra vườn làm phân bón cây. Giấy vở, sách báo bỏ thì gom lại đốt. Đằng này, bà Bích tống khứ tuốt tuồn tuột các loại vào thùng. Có phải bà không có vườn đâu, vườn nhà bà rộng là đằng khác. Bà bảo “mất tiền vệ sinh phí rồi thì cứ mặc tổ rác chúng nó lo”. Rác nhà bà thuộc diện nhiều nhất xóm phố. Thức ăn thừa, hoa quả thối, xương xẩu, bánh kẹo…đủ thứ bốc mùi hôi thối bà quẳng tất vào sọt rác để chềnh ềnh ven đường. Hôm nào nhà bà có giỗ, có liên hoan tụ tập bạn bè của chồng, của con bà thì y như rằng đống rác thải lại đầy tú ụ lên. Bà chê đường xóm phố bụi bẩn, hôi thối. Bà trách “tổ vệ sinh của thằng Công không hoàn thành nhiệm vụ”. Có mỗi việc thu gom rác thải mà làm cũng không xong.
Mưa. Bỗng dưng trời lại đổ cơn mưa rào như trút nước. Sấm chớp đì đùng. Gió ào ào. Trời đen kịt. Chiếc xe rác lượt về đang phành phạch túc tắc tiến đến cửa nhà bà Bích. Lượt đi nó chạy phía bên kia thu gom rác dãy nhà bên đó. Lượt về, nó chạy phía bên này và đầy ắc những rác là rác. Hai chị ngồi bám hai bên ca-bin quần áo ướt sũng nước. Công vừa vuốt nước mưa trên mặt vừa lái xe. Ca-bin thủng mái, dặt dẹo, mưa lại xiên tạt tứ phía khiến anh ướt cũng không kém gì hai chị trong tổ. Tiếng xe cồng cộc, hộc lên cùng tiếng sấm. Nước mưa ngấm từ rác trên xe chảy ra lênh láng, nhầy nhụa.
Sau khi thu dọn xong đống rác nhà bà Bích, chiếc công nông phọt khói đen xì phành phạch chạy trong mưa. Đến bãi rác, Công lùi xe. Anh dừng lại cho hai chị xuống để gạt chốt tấm chắn hậu. Thùng xe tùng bê đổ rác. Cả suối rác chảy tràn ra dưới mưa. Hai chị dùng cào cào cho gọn lại. Bất chợt, một cái bọc nilon chằng buộc khá cẩn thận lăn ra vướng vào răng cào của chị Huê. Chị nhặt lên gọi Công tới.
Ba người xúm lại. Công cầm cái bọc nắn nắn. “Chắc lắm các chị ạ. Hình như là tiền”. Anh cẩn thận mở lớp giấy báo ra. Một tập tiền loại 500.000 đồng được gói trong một tờ giấy có dấu son đỏ chót. Không ai bảo ai cùng xuýt xoa. Chưa bao giờ họ có một số tiền lớn như vậy. Một tập 100 tờ, vị chi là 50 triệu đồng. Mọi người nhìn nhau. Công bảo chị Huê che nón tiếp tục dở tờ giấy ra xem. “Hợp đồng sửa chữa trường học”, trong đó có tên bên B là ông Hoàng Văn Đức. “Hoàng Văn Đức là ai nhỉ?”, Công lẩm bẩm. Chị Huê cũng nhăn trán. Rồi bất ngờ, chị Hạnh reo lên: “Thôi đúng rồi! Ông Đức cai xây dựng, có cái nhà ba tầng cao, to, đẹp nhất xóm phố đấy”. “Có phải nhà ấy có cái bà beo béo hay nợ tiền vệ sinh không? Cái bà mà nộp tám ngàn chín trăm đồng tiền lẻ em đi thu hôm nọ đấy?”, Huê hỏi. Chị Hạnh gật đầu: “Đúng bà ấy đấy. Chắc tiền công trình của chồng bà ta đây!”. “Làm sao bây giờ chú Công?”. Công suy nghĩ giây lát rồi bảo: “Thì trả người ta chứ còn làm sao nữa?”. “Không được!”, Huê chặn ngang. “Sao lại không? Chẳng lẽ chia nhau?”, Công nói. “Không chia nhau. Chúng ta không thèm số tiền này. Theo chị, ta lên nộp cho công an xã, lập biên bản rồi tùy họ giải quyết. Như thế hay hơn”. “Ủy ban xa quá. Mưa gió thế này, hay cứ nộp cho ông Thái trưởng khu cũng được”. Cuối cùng cả ba người nhất trí phương án đó.
Khoảng chín giờ tối, trong nhà bà Bích, ông Đức kêu toáng lên khi phát hiện bọc tiền và bản hợp đồng của mình không cánh mà bay. Cả nhà tập trung lại cật vấn lẫn nhau. Mỗi người mỗi ý. Ai cũng cố nhớ lại mình đã làm gì, cất dọn ra sao, lúc mất điện thế nào… Bao nhiêu là phỏng đoán. Cuối cùng, mọi hy vọng đều tắc tị. Cả đêm, nhà bà Bích thao thức, buồn như có đám.
Vừa bạch nhật thì ông Thái trưởng khu phóng xe máy đến. Ông lân la hỏi chuyện. Bà Bích khóc lóc kể lể: “Khổ quá bác trưởng thôn ơi! Đêm qua mưa gió chẳng biết đứa chết tiệt nào mò vào lấy mất của nhà em bọc tiền rồi!”. “Mất tiền?”. Ông Đức gật đầu: “Năm chục triệu và cái bản hợp đồng sửa chữa trường học xã bên em vừa mới ký được sáng hôm kia, bác ạ!”. “Thế để đâu mà mất?”. “Em để trên cái bàn này này!”… Mọi người tranh nhau nói. Mãi sau, ông Thái mới chìa cái bọc ra: “Có phải cái này không?”. Bà Bích chạy lại vồ lấy đưa cho chồng? “Đúng rồi! Đúng nó rồi!”. Mắt ông Đức sáng lên, nói như reo. “Bác kiếm nó ở đâu ra đấy?”. “Tổ rác của thằng Công nhặt được chuyển cho tôi đấy!”. “Tổ rác?”, bà Bích tròn mắt hỏi lại. Ông Thái gật đầu và đưa cho bà Bích tờ biên bản đã lập với tổ thu gom rác thải chiều qua.
Vừa lúc đó tiếng xe công nông cồng cộc, cồng cộc đang túc tắc đi ở phía đường bên kia. Sao hôm nay xe rác lại đi nhỉ? Ba ngày mới thu một lần cơ mà? Chắc tại trận mưa bão chiều qua, đường làng ngổn ngang cấy cối đổ gãy và rác thải nên tổ của Công mới phải tăng ca đây mà. Cầm lại bọc tiền trên tay, nhìn chiếc xe công nông và ba người trong tổ đang cặm cụi bưng bê, dọn dẹp rác rưởi, bà Bích rộn lên một điều rất khó tả.
Trời quang, mây tạnh, xóm phố bừng lên màu nắng mới.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

CÂY ĐA LỊCH SỬ

Truyện ngắn của Xuân Thu

Tin đồn về việc xã quyết định chặt bỏ cây đa giữa làng để mở con đường “ruột” trong chương trình xây dựng nông thôn mới loang ra làm nóng lên khắp làng trên xóm dưới. Người ta tụ tập với nhau để bàn tán. Người ta rỉ tai nhau về cái sự kiện này. Ai cũng tỏ ra thạo tin. Ai cũng có chính kiến của mình và người nào người ấy đều đưa ra những lập luận để bảo vệ chính kiến đó. Đến cả trẻ con cũng cũng cứ xi xao tranh khôn rằng phải thế nọ, phải thế kia. Quán nước bà Huê dưới gốc đa trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.
Chiều muộn, Khả - B phảy của B đang thi công con đường này nói oang oang trong quán bà Huê:
- Ủy ban quyết rồi! Giải phóng cây đa này đi để mở rộng con đường liên thôn cho nó thẳng, cho nó rộng xứng tầm với xã nông thôn mới điểm của huyện. Bà Huê liệu thu xếp tháo dỡ quán xá đi để bọn tôi thi công nhé.
Mấy người ngồi trong quán cùng nhao nhao:
- Không thể thế được. Đường liên thôn vòng một tí có sao.
- Cây đa này có từ đời cụ tổ rồi, phải giữ nó chứ.
- Tiếc thật đấy nhưng cũng đành phải chặt nó đi thôi các ông, các bà ạ. Đường làng xã mai kia như phố, ai còn để cây đa lù lù chắn ngang được?
- Ông nói lạ? Ngoài Hà Nội kia, khối phố người ta vẫn giữ cây cổ thụ đó thôi?
- Dưng mà ông có biết mấy trận mưa bão vừa rồi, cành nó gãy rơi sập mái ngói nhà mẫu giáo đó không? May mà hôm đó không phải ngày học đấy, nếu không thì chả chết toi mấy mạng người ấy chứ!
- Thế thì chuyển nhà mẫu giáo đi. Nhà mẫu giáo có trước hay cây đa có trước?
Bà Huê vừa chắt nước cho khách vừa thong thả nói:
- Thôi. Các ông các bà ạ. Cứ bao giờ có “trát” của Ủy ban thì ta mới ý kiến thể. Giờ mới chỉ là tin của anh Khả thôi mà.
Khả thủng thẳng:
- Tin chính xác đấy. Chỉ xong cây đa này là con đường sẽ xong và đẹp ngay. Ủy ban quyết rồi. Bà chuẩn bị tìm chỗ khác dựng quán đi là vừa.
Mấy tháng nay, xã Hoàng Cương như một công trường. Tất cả các đường làng ngõ xóm đều được tu chỉnh, nắn sửa lại theo quy hoạch chi tiết của ban xây dựng nông thôn mới của xã. Thôn nào thôn ấy tấp nập khẩn trương. Đêm họp, ngày thi công. Làng này thi đua với làng khác. Nhiều gia đình hiến đất mở đường, trong đó có nhiều hộ thương binh, nhiều gia đình liệt sỹ. Ai cũng thấy cái lợi của việc mở, nắn, bê tông hóa đường làng. Tất cả đều hướng tới hoàn chỉnh mười chín chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào cuối năm nay. Được cái kỳ này xã quán triệt sâu sắc chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ nên không khí thật sự cởi mở, thật sự hiệu quả. Thôn nào cũng có ban xây dựng. Mọi thu chi đóng góp đều công khai hóa nên dân phấn khởi lắm. A cũng là dân mà B cũng là dân. Ta làm cho ta mà.
Riêng con đường “ruột” này phải làm theo thiết kế của Nhà nước, vốn cấp trên hỗ trợ nên xã đã ký với công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Quân thi công và Khả, thợ xây dựng của xã được làm một phần trong công trình này. Người ta gọi Khả là B phảy là vì lẽ đó. Tính tay này thế, cứ bô lô ba la, mồm miệng đỡ chân tay. Cũng có khéo chân khéo tay tí chút nhưng cơ bản là khéo mồm nên từ một anh phụ nề, Khả học mót nghề xây rồi đứng cả, rồi nhận công trình và trở thành “cai”. Anh ta chỉ chỉ trỏ trỏ, giao việc, cắt cử nhân công. Được cái, Khả có khiếu nói lại có cả khả năng giao tiếp quản lý nữa nên anh ta chuyển dần từ nhận công trình tư nhân lên nhận các công trình tập thể, từ trong xã dần dần ra ngoài xã. Cứ thế, đội thợ của Khả bao thầu từ đào móng xây trát đến hoàn thiện công trình, từ đào đắp đất đấu đến mở đường, đào ao… Khả làm tuốt tuồn tuột. Tiền chui vào túi Khả cũng kha khá. Nhiều lúc hắn vênh vang ra dáng ông chủ lắm. Công ty Hải Quân trúng thầu đã tuyển ngay đội thợ của Khả làm một đoạn đường này.
Theo đồ án thiết kế thì đúng là con đường “ruột” này đi qua cây đa làng thật. Trên cơ sở con đường cũ, nó chạy thẳng một vệt từ đầu xã đến cuối xã, thông ra đường quốc lộ. Nhiều đoạn nắn thì các hộ gia đình có đất đều đã được giải quyết xong. Cơ bản người dân ủng hộ đất và cây cối hoa màu. Trừ một vài hộ tài sản lớn quá xã mới phải bồi thường phần nào. Thế mới biết lòng dân khi đã thông thì không có việc gì khó cả. Ấy vậy mà, đụng đến cây đa thì con đường tắc ở đây. Tại mấy bố khảo sát thiết kế vẽ phóng theo bản đồ, không căn cứ thực địa nên mới ra nông nỗi này. Giám đốc công ty Hải Quân giao cho Khả tung tin tạo dư luận để sớm giải phóng cây đa hoàn thiện con đường nhanh chóng thu vốn để chuyển công trình khác.
Mạnh - chủ tịch xã khá đau đầu về sự việc cây đa. Một mặt bên xây dựng đốc giải phóng cây đa, mặt khác dư luận dân đa số phản đối. Anh đã cho người làm công văn xin trên thay đổi thiết kế, điều chỉnh dự toán thi công rồi nhưng trên vẫn chưa trả lời. Khả thì liên tục đến đề nghị ông triển khai cho chặt cây đa. Khi thì quà cáp theo sự chỉ đạo của công ty, khi thì gần xa ngọt nhạt rằng: giám đốc công ty Hải Quân này là con ông phó chủ tịch huyện nên quyền lực và tiềm năng mạnh lắm.
Ông Mạnh tự trách mình không kiểm tra kỹ khi ký duyệt đồ án thiết kế con đường. Mà cũng khó cho ông lắm cơ. Trình độ xây dựng có hạn, nhìn bản vẽ cứ rối mù biết chỗ nào ra chỗ nào. Thấy viễn cảnh con đường như thế sao mà không ký cơ chứ. Và điều quan tọng hơn đó là vốn. Khả nó nói đúng. Sức mạnh của Hải Quân, B lo vốn, lại là sự chỉ đạo của huyện nên thôi thì cứ ký để lôi vốn công trình về rồi tính sau. Thế nên, giờ động đến cây đa này mới khó cho anh. Tuy vậy, anh nghiêng về quan điểm giữ cây đa lại. Nó là nhân chứng cho bao sự kiện “vật đổi sao dời” của xã ông, là nơi kỷ niệm sâu sắc của ông từ thuở nhỏ cho đến khi trưởng thành tham gia quân ngũ. Đó là điểm hò hẹn mối tình đầu của ông. Nó là cây đa lịch sử của làng.
Có hôm, giám đốc công ty Hải Quân trực tiếp gặp ông về cây đa. Ông Mạnh ừ hữ khất lần khất lữa tìm kế hoãn binh. Ừ thì mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng xã nông thôn mới trong thời gian sớm nhất cũng cần lắm đấy nhưng lòng dân về cây đa này chưa thông, chưa yên. Họ đã hăng hái nhường đất, góp công, dồn của xây dựng mở mang, nắn chỉnh đường làng ngõ xóm bao nhiêu thì đến cây đa này họ lại đồng tâm đề nghị xã giữ lại cây đa lịch sử bấy nhiêu. Các cụ già ai nói với anh cũng nhắc đến cái ngày du kích bí mật treo cờ trên ngọn cây đa để cho dân làng vùng lên đồng khởi phá kho thóc của Nhật, cướp chính quyền năm bốn lăm. Đặc biệt, mấy cụ tám, chín mươi tuổi móm ma móm mém, chân chậm mắt mờ bỗng tinh tỏ khi nhớ về gốc đa hồi hoạt động bí mật. Đó là nơi cất giấu thư từ, điểm hẹn an toàn của cán bộ, nơi nhận chỉ thị của trên cho mỗi đợt đánh Pháp. Rồi các ông bà ít tuổi hơn cũng nhắc tới cây đa. Đó là nơi treo kẻng phòng không báo cho dân làng mỗi khi có máy bay Mỹ đến. Đó là nơi tập trung đưa tiễn thanh niên làng lên đường nhập ngũ những năm đánh Mỹ. Nhiều, nhiều lắm… Còn với ông, cây đa gắn với tuổi học trò chăn trâu cắt cỏ, những đêm trăng sáng nô đùa, những lần hò hẹn người yêu khi đã lớn. Hầu như ai trong cái làng Cổ Cò của xã này đều có kỷ niệm sâu sắc với cây đa. Nó là tài sản tinh thần vô giá của làng của xã. Chặt làm sao được.
Khả lại đến nhà ông chủ tịch. Nó lại khua môi múa mép. Rằng cây đa “xuống cấp” lắm rồi nên thanh lý nó đi cho công trình thế kỷ của xã được xứng tầm. Nào là con đường “cao tốc” này sẽ gắn với tên tuổi của chủ tịch Mạnh. Xã nông thôn mới đẹp, khang trang, văn minh như phố thế thì tiếc cây đa làm gì? Ông Mạnh nghe nhức cả đầu. Cuối cùng ông bực mình nói:
- Thế anh có dám chặt hạ cây đa này không?
Khả sững sờ. Không ngờ ông lại có quyết định nhanh đến vậy. Tuy nhiên, hắn cũng đủ tỉnh táo để biết rằng chớ có động vào cây cổ thụ của làng. Ai làm thì làm chứ hắn nhất quyết không. Ma cây vật cho thì chết toi. Khả ấp úng:
- Em thì..thì…không. Nhưng em sẽ cử người khác. Công ty Hải Quân sẽ chặt hạ bác ạ.
- Tôi nói rõ luôn nha. Không bao giờ chặt. Không cho thằng nào động đến cây đa này. Rõ chưa? Anh là người làng Cổ Cò, anh nên biết điều đó.
- Dạ. Em biết. Nhưng…còn con đường?
- Đó là việc của tôi, của lãnh đạo và nhân dân xã này.
Rồi ông Mạnh hạ giọng thủ thỉ nói với Khả về cây đa. Giọng ông khúc triết, không dài dòng nhưng rõ ràng, mạch lạc. Ông nói để Khả biết, chính bố Khả là người kiên quyết giữ lại cây đa này nhất. Và chính ông nội của Khả trong một lần treo cờ cách mạng hồi kháng chiến chín năm đã bị quân Pháp trên đồn phát hiện bắn ông hy sinh. Ông trúng đạn rơi từ ngọn cây đa xuống để cho lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong nắng gió năm xưa. Những chuyện đó anh biết không? Biết chứ? Biết sao lại vô tình với cây đa, phủ nhận quá khứ như thế? Biết sao lại cố tình nhắm mắt để bàn nhau chặt hạ cây đa? Nó là nhân chứng sống của làng, của xã qua bao thế hệ đấy, là cụ đa đấy, anh biết chửa? Đừng vì cái lợi trước mắt của cá nhân, cái phô trương hình thức của làng xã mà quên đi quá khứ, chà đạp lên quá khứ, anh hiểu chứ? Đừng đánh mất mình anh Khả nhé. Ta là con dân làng Cổ Cò phải ghi nhớ điều này.
Ông Mạnh nói với Khả như nói với chính mình. Khả ngồi ngây người lắng nghe. Không ngờ chủ tịch xã cũng nhiều tâm sự và sâu sắc đến thế. Đúng là anh đã nông nổi nghe tay giám đốc công ty Hải Quân, bỗng nhiên thành cái gậy, thành tay sai cho nó. Chỉ vì khoản lợi hắn hứa hẹn mà anh đã đi ngược lại dân làng. Tuy nhiên, Khả vẫn băn khoăn:
- Chủ tịch nói em hiểu rồi. Thế nhưng… còn con đường? Ta tính sao hả bác?
- Tôi đã đề nghị cấp trên cho điều chỉnh thiết kế, dự toán. Ta sẽ nắn đoạn đường này một vòng bán nguyệt ôm lấy khu đình Trung, theo bờ hồ, vòng qua chùa Hạ như thế sẽ tạo điểm nhấn cho con đường. Sẽ chuyển nhà mẫu giáo sang khu đất mới, thay vào đó là nhà văn hóa làm nơi lưu giữ hiện vật và chứng tích của xã qua nhiều thế hệ dựng xây, nơi sinh hoạt truyền thống cho cộng đồng dân cư. Từ trên cao nhìn xuống, khu cây đa là tâm điểm của xã, cánh cung ưỡn về phía đông đảm bảo đẹp mọi bề, kể cả phong thủy. Chỉ tiếc là lúc lập đề án xây dựng nông thôn mới, do vội vã chạy lấy chỉ tiêu, lấy vốn nên tôi đã không nghĩ đến chi tiết này. Sai thì sửa anh Khả ạ. Chậm nhưng mà chắc, phải không?
Chủ tịch Mạnh nói hào hứng. Ông đã lấy lại phong độ của một vị tổng chỉ huy. Khả ngạc nhiên về trình độ và niềm tâm huyết của ông Mạnh. Đoạn, ông Mạnh bảo Khả cầm quà về và đừng nói đến chuyện chặt hạ cây đa nữa. Phải tội với làng đó. Làm được điều này cũng được cho cả công ty Hải Quân đấy. Tổng giá trị công trình có khi còn cao hơn cả công trình đang làm. Kinh phí trên cho bao nhiêu, còn đâu thì vận động nhân dân đóng góp. Chắc chắn mọi người sẽ ủng hộ.
Vừa lúc đó, cô cán bộ văn phòng ủy ban chuyển công văn đến cho ông Mạnh. Khả tế nhị xin phép ra về. Vừa ra đến cổng, Khả bị ông Mạnh gọi giật lại:
- Anh Khả này! Yên tâm rồi nhé. Huyện đồng ý rồi nhé.
Khả ngơ ngác. Ông Mạnh cười to:
- Điều chỉnh thiết kế. Giữ cây đa lại. OK chưa?
Khả gật gật đầu cũng cười theo ông Mạnh và rảo bước ra cổng. Chợt anh nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng trên ngọn đa đang tung bay phấp phới trong nắng gió thu. Không biết ai đã treo lá cờ này lên rồi nhỉ? Ơ mà… mùa thu cách mạng đã về rồi! Khả cảm thấy một niềm vui khó tả rộn lên trong lòng. Suýt nữa thì mình không phải là con dân của làng. Cây đa lịch sử kia, vẫn xanh tươi sừng sững với Hoàng Cương yêu dấu. Và con đường “nông thôn mới” đang rộng mở thênh thang trước mặt.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

INTERNET VỀ LÀNG (phần 1)

       Truyện ngắn của Xuân Thu

Từ sáng đến giờ lão Quých bồn chồn đứng ngồi không yên, trong lòng nóng như có lửa đốt. Chưa khi nào lão lại hay xem đồng hồ như hôm nay. Hết ra cửa trông mặt trời, lão lại vào nhà ngước nhìn chiếc đồng hồ Jimiko treo tường. Có lúc lão chắp tay sau đít đi đi lại lại quanh nhà. Lúc khác lão lại bó gối ngồi yên lặng. Như mọi khi lão thường giết thời gian bằng việc chơi cờ với mấy ông bạn hàng xóm hoặc lướt web nhưng hôm nay thì không. Hết ông Canh lại cụ Mão đến rủ lão oánh cờ, lão đều lắc đầu. “Hôm nay tôi mệt, các ông thông cảm, để khi khác vậy nhé”.
Hai đứa cháu nội của lão đi học cả. Hai chiếc vi tính bỏ không, lão cũng chẳng màng. Mọi ngày, lão phải tranh thủ lắm mới online được với chúng. Kể cũng lạ, từ ngày đứa cháu hướng dẫn cho việc truy cập mạng, lão đâm nghiện Internet. Thú vui của lão bây giờ là cờ tướng và online. Năm giờ chiều nay lão có một cuộc hẹn quan trọng: gặp một cô gái chưa hề biết mặt nhưng lại rất yêu lão. Và ngược lại lão cũng rất yêu cô gái ấy. Lần đầu tiên trong đời lão có cái cảm giác kỳ lạ vậy - cảm giác của một cuộc hẹn hò qua mạng. Chính vì thế lão mới bồn chồn đến vậy. Lão chợt nhận thấy tuổi xuân của lão đang thức dậy, y như cái thuở đương trai.
Mãi rồi cũng hết buổi sáng. Mãi rồi cũng qua buổi trưa. Và chưa đến bốn giờ chiều, lão đã rời khỏi nhà. Trước khi đi, lão chỉnh đốn lại quần áo, đứng trước gương ngó trước nhìn sau. Cu Hưng thấy lạ, trố mắt nhìn lão, nó hỏi: “Ông đi đâu mà oách thế?”. Lão Quých thoáng giật mình: “À… Ông đi bộ thể dục tí mà”. “Đi bộ mà cháu nhìn ông cứ như là đi họp ý”. Hưng tò mò. Lão Quých xoa đầu Hưng, vội vàng: “Thì cũng phải tươm tất chứ cháu. Nếu ông về muộn, cháu bảo bố mẹ là ông đi bộ thể dục nha”. “Vâng ạ!”. Thằng Hưng ngoan ngoãn đáp lời. Tuy vậy, nó cũng hơi băn khoăn. Mọi ngày, ông nó toàn đi bộ buổi sáng, sao hôm nay ông lại đi bộ vào buổi chiều nhỉ? Mà lại đi sớm nữa cơ chứ? Đi bộ gì mà ông ăn mặc tươm tất thế không biết? Hay là ông đến nhà bạn của ông chơi?
Lão Quých có bốn người con, hai trai hai gái. Lấy vợ cho thằng cả xong, lão cho nó ra ở riêng ngay. Cô con gái thứ hai lấy chồng trên thị trấn. Cô út lấy chồng ngoài thị xã. Vợ chồng lão ở với thằng con thứ. Được cái đứa nào kinh tế cũng khá giả cả trong cái làng Cổ Cò này. Hai đứa con gái lấy chồng ở phố không nói làm gì, hai thằng con trai ông cũng có bát ăn bát để. Đứa nào đứa nấy đều nhà tầng khang trang. Thằng cả chủ trang trại chăn nuôi. Thằng em chủ doanh nghiệp xây dựng, thầu hết công trình này đến công trình khác. Ruộng chúng cho mượn, cho thuê hết. Mà cả cái làng Cổ Cò bây giờ đều thế tất. Người ta làm ngành nghề, làm dịch vụ dễ kiếm hơn. Còn ít người làm ruộng lắm. Dồn điền đổi thửa, một số hộ tập trung vào cây lúa cũng khá giả ra phết. Nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh, xe máy. Có nhà đã có ô-tô. Nhiều nhà nối mạng Internet. Chả bù cho cái thời lão, mua được cái “kích tã” tám chỉ vàng mà đêm đầu tiên có con xe ấy, lão không thể nào ngủ được. Mấy lần vục dậy lão bật lửa sờ ngắm nó mãi không chán. Dạo ấy, lão từng tuyên bố: “Cho mượn vợ thì được chứ mượn con kích của tớ á, đừng có hòng!”. Thế mà bây giờ, lũ kích ấy biến đi đâu hết cả. Mới có hơn chục năm mà so với cái thời lão ngày ấy sao khác quá. Vợ lão mất đã mấy năm nay. Đến lúc sướng thì bà ấy lại không được hưởng. Rõ tội!
Lão túc tắc đi về cuối xã, ra phía bờ sông. Nơi đó là công viên thị trấn. Gọi là công viên cho oai chứ thực ra nó là khu vui chơi giải trí được quy hoạch khá bài bản. Mô hình cho công viên trong tương lai mà. Xã lão liền kề với thị trấn. Cái làng Cổ Cò của lão có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ nữa, xã lão có tất. Thế nên, luồng gió xây dựng nông thôn mới thổi tới đã làm cho bộ mặt quê hương lão thay đổi từng ngày. Chính lão cũng không ngờ phong cảnh quê hương lão lại đẹp đến thế. Ngoài đường quốc lộ thì nhà cao cửa rộng san sát. Trong xóm nào cũng kém gì. Có nhà xây to đùng như cái biệt thự. Khuôn viên cây xanh đẹp lắm. Xóm mới, phố mới mọc lên. Mấy khu trung tâm làng bây giờ cứ như phố cả. Thị tứ hình thành sánh vai cùng thị trấn. Đường làng ngõ xóm bê tông phẳng phiu, sạch đẹp. Cái chợ xã lèo tèo khi xưa nay đông đúc sầm uất hẳn. Mặt trời còn tít trên cao mà đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy loạn xạ. Loa đài inh oang. Xe cộ chạy vù vù. Thanh niên tụ tập hò hát inh ỏi trong các quán bia hơi, karaoke, game online. Mấy đứa con gái còn váy ngắn, áo hai dây nữa chứ. Có kém gì thành phố đâu. Chân lão bước mà đầu lão không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của cái làng Cổ Cò này.
Công viên thị trấn chiều hôm khá đông người. Chủ yếu là cánh già ở gần đó đi bộ thể dục. Lão ngó trước nhìn sau như kẻ trộm. Rất may, toàn là người thị trấn. Lão chỉ sợ gặp người quen. Có ai biết thì dở quá. Gần sáu chục tuổi đầu mà vẫn còn hò hẹn trai gái? Góc đằng kia, cánh thanh niên đang chơi bóng chuyền, reo hò inh ỏi. Dưới tán cây xanh, mấy cô cậu thanh niên đang ngồi trên những chiếc ghế đá, đôi thì chụm đầu vào nhau tâm sự, đôi thì chỉ trỏ ngắm cảnh. Lão lặng lẽ đi về phía bờ sông. Chọn chiếc ghế đá chưa có ai ngồi, lão đảo mắt một lần nữa rồi nhẹ nhàng ngồi xuống. Hoàng hôn ngã ba sông đẹp thật. Bóng tượng đài chiến thắng sừng sững hiện lên trên nền tím, vàng đan nhau của những chiếc rẻ quạt mà ông mặt trời đỏ ối phía trời tây đang từ từ xuống núi tạo nên. Nó còn soi bóng lung linh xuống mặt sông lăn tăn sóng nước bởi những nhịp chèo khua của những con đò đang bồng bềnh trên sông. Từng đợt sóng do những chiếc xuồng máy, ca nô đang phành phạch giữa dòng kia tạo ra đã lan vào bờ vỗ dưới chân lão ì oạp. Gió chiều thu mơn man. Lão cảm thấy khoan khoái thanh bình quá. Rất thơ mộng, lãng mạn. Khung cảnh này mà gặp “meoconcodon” thì còn gì bằng. “Meoconcodon” là nick name của cô gái đã hẹn với ông chiều nay.
Đã hơn ba chục phút mà chẳng thấy cô gái nào cả. Chiếc ghế đá gần đó có một bà lão trạc tuổi ông cũng đang ngồi một mình. Xem ra, bà này không phải là người chờ đợi. Cái cách bà ấy ngồi ngắm cảnh vô tư, thư thái thế kia thì làm sao là người hò hẹn được? Với lại, “Meoconcodon” của ông đâu già đến thế? Nàng trẻ lắm. Giọng văn chát với ông thì ông biết. Toàn ngôn ngữ tuổi teen. Nhưng mà biết đâu được đấy, người ấy “cưa sừng làm nghé” thì sao? Thì chính lão cũng thế đấy thôi! Chát với nàng lão bảo lão mới bốn mươi tuổi (!). Đang là giám đốc công ty xây dựng Hoàng Gia cơ mà? Lại còn chưa vợ nữa mới kỳ cục quặc chứ (?). Về sau, thân mật hơn, lão thú nhận đã năm mươi tuổi rồi, ăn bớt đúng mười tuổi. Ấy vậy mà nàng vẫn yêu. Nàng bảo “trong tình yêu không có tuổi tác”. Thế lão mới chết.
Chờ đến cả tiếng đồng hồ rồi vẫn không có cô gái nào đến. Lão bồn chồn hết đứng lại ngồi dõi tầm mắt quan sát tứ phía. Chợt lão nhìn thấy chiếc ghế đá góc công viên có một cô gái đang ngồi đó. Hình như cô ta cũng đang nhớn nhác tìm ai. Hay là nàng? Tim lão đập thình thịch. Không biết cái giờ phút đầu tiên gặp nhau nó thế nào nhỉ? Chắc là ngượng ngùng, xấu hổ lắm? Lão hít một hơi thật dài rồi đứng dậy, đĩnh đạc tiến lại gần cô gái. “Ơ! Ông ngoại? Ông đi đâu mà giờ này vẫn ở đây?”. Lão Quých thoáng giật mình. Lão ớ người khi nhận ra cô gái ấy lại là Thủy. Nó chính là cháu ngoại, con đứa con gái đầu của lão. Lão Quých trấn tĩnh: “Thủy à? Ông đi bộ. Còn cháu?”. “Cháu á? Hì hì… Cháu đợi thằng bạn cháu”. Thủy cười một cách nhí nhảnh. Vừa lúc đó, một toán choai choai cả nam lẫn nữ kéo đến. Chúng lôi Thủy ào đi. “Cháu đi ông nhé!”. Cái Thủy ngoảnh lại chào với lão. Toàn bạn học lớp mười hai của Thủy. Chúng vô tư quá chừng. Lão Quých đứng ngơ ngác giữa công viên. May mà nó đi với lũ bạn chứ nó mà ở lại đây thì… Hơn chục phút sau, lão thất vọng, thở dài đánh thượt một cái. Lão quyết định ra về. Vậy là bặt vô âm tín. Vậy là ảo vẫn hoàn ảo. Ai lại hẹn hò thế cơ chứ?
Gần bảy giờ tối lão mới về đến nhà. Cả nhà vẫn chờ cơm lão. Lão chán nản ngồi trệu trạo nhai miếng cơm như bò nhai rơm. Thằng Hưng, cái Nguyệt xúm vào lão, hỏi lão đủ chuyện. Lão chỉ ừ hữ lấy lệ. Chán trò, hai đứa kéo nhau về phòng học bài. Lão cũng về phòng của mình nằm vắt tay lên trán nghĩ miên man. May mà con lão xây căn nhà này nhiều phòng, mỗi người một phòng tha hồ cho mọi người có khoảng trời riêng, chứ cứ như ngôi nhà năm gian xưa của lão thì cái buồn này không biết giấu vào đâu.
Nằm được một lát, chừng như không thể chịu hơn được nữa, lão vục dậy. Ngó sang phòng thằng Hưng, lão thấy nó đang cắm cúi học bài. Thế là lão mò sang. “Cho ông mượn máy vi tính tí nha!”. “Ông online hả?”. “Ừ. Ông xem thời sự tin tức có gì hot không?’. Lão Quych nói với thằng Hưng. Ngôn từ lũ trẻ nhiễm vào ông cứ như không. Lão cũng “hot”, cũng “gut”, cũng “bai”, cũng “thanh cưu” thanh kiếc nhuyễn ra phết. Tất cả là do thằng Hưng, con Nguyệt dạy lão đấy. Thực ra, lão đâu có quan tâm thời sự thời siếc gì, lão chỉ sốt ruột muốn xem “Meoconcodon” của lão vì sao chiều nay lại không đến như đã hẹn.
Quay cái màn hình khỏi tầm nhìn thằng Hưng, lão Quých mở máy, lên mạng. Lão sốt ruột khi con trỏ cứ nhấp nháy nhấp nháy như trêu ngươi. Mãi một lúc sau, nó mới cho lão vào mạng. Đầu tiên, lão mở hộp thư gmail tìm thư nàng. Y như rằng, nàng đã viết một lá thư khá dài cho lão. Nàng trách lão sao không giữ lời, bỏ nàng bơ vơ ngoài điểm hẹn. Nàng dỗi. Nàng khóc. Nàng bắt đền. Đủ thứ. Lão bần thần. Sao lại thế được nhỉ? Rõ là lão chờ từ chiều cơ mà? Rồi lão chợt phát hiện ra rằng hai người chưa có ký hiệu, tín hiệu quy ước với nhau để nhận ra nhau khi cả hai cùng chưa biết mặt. Thì lúc chiều có mấy cô gái đi ngang chỗ lão đó là gì? Lão vội ghi mấy dòng an ủi nàng. Sau đó, lão mở yahoo tìm nàng. Yahoo nhà nàng vắng tanh. Lão thoát ra, tìm lối vào facebook. Suýt nữa thì lão reo lên khi cái đốm xanh bên phải màn hình nhà nàng sáng. Tha hồ chat rồi. Chat mới tâm sự được nhiều, chứ mail thì vẫn còn bị hạn chế lắm. Tức thời, lão chuyển chế độ chat với nàng. Nàng bắt lời ngay.
Nhớ lại cái đận lão học vi tính, lên mạng chat chít mà buồn cười. Lão lóng ngóng với con chuột. Ngón tay mổ cò gõ bàn phím lung tung. Cái Nguyệt phải mất mấy buổi thao tác cho lão lão mới biết cách vào ra máy. Ấy thế mà có lúc lão quên, chẳng làm sao thoát được, lão giật ngay công tắc điện. Màn hình vi tính tắt phụt một cái đen ngòm. Cu Hưng thấy vậy bảo: “Ông làm thế hại máy lắm. Có khi chết cả chương trình đấy”. Lão ngượng ngùng sửa sai. Rồi lão ham. Rồi lão say. Lão như lạc vào một thế giới mới. Tin tức thời sự, “trăm thứ bà giằn” cứ gõ “gu-gồ” là ra tất. Quá giỏi. Quá tiện lợi. Đúng là “mang cả thế giới vào ngôi nhà của bạn” rồi còn gì.
Lão mò mẫm các trang web. Có hôm, lạc vào trang sex lão rùng mình. Lúc đầu thì lão ngượng, lão xấu hổ. Sau đó, tính tò mò kích thích lão. Thế là lão mê mẩn thử mở hết mục nọ đến mục kia. Toàn thứ kỳ dị lão không thể nào tưởng tượng được. Sức vóc lão, tuổi của lão vắng hơi đàn bà mấy năm như thế mà không bị kích thích mới là lạ. Chả trách lũ thanh niên làng nghiện sex là phải. Thì chả có mấy vụ hiếp dâm trẻ em đấy thôi. Mỗi lần xem xong, lão lại cảm thấy như người có tội. Sao lão lại đổ đốn ra thế cơ chứ? May mà hai đứa cháu lão không phát hiện lão vào những trang này.
Rồi cái Nguyệt, thằng Hưng lại bày cho lão lập trang blog, mở hộp thư điện tử, nhập làng facebook. Lão càng say Internet hơn. Đã từng làm cán bộ văn hóa xã, vốn có năng khiếu thơ văn, lão tung hoành trên trang blog, trên facebook, đặc biệt là facebook. Comments của lão nhiều vô kể. Các fan hâm mộ cũng chen chúc nhau xin kết bạn với lão. Thế là lão gặp “Meoconcodon”. “Meoconcodon” mê thơ lão. Ngày nào lão cũng “phây”. Comments không hết ý, lão chuyển sang chat. Lão mày mò đọc được, dịch được ngôn ngữ chat của nàng. Toàn chữ không dấu, viết tắt, ký hiệu, tiếng lóng… Thế mà tình yêu giữa lão và nàng cứ lớn dần, cứ lung linh trong từng con chữ tưởng như vô hồn ấy. Lão chat với “Meoconcodon” cả buổi không chán. Có đêm mãi tận khuya, lão vẫn chat với nàng. Nàng “G9” rồi lão vẫn cứ chat. Thì lão có hiểu G9 là cái quái gì đâu. Hôm sau lão hỏi cái Nguyệt mới biết “G9” là “gut-nai”, “gút-nai” là “chúc ngủ ngon”.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

INTERNET VỀ LÀNG (phần 2)

Và đây là nội dung cuộc chat của lão với “meocondon” tối nay.
“Chao meoconcodon cua a. A vua doc meo xog”. “Hi! Sao chju nay a hok den cho hen?” (Chào anh! Sao chiều nay anh không đến chỗ hẹn). “A co den day chứ” (Anh có đến đấy chứ). Lão Quých lúc thì gõ chữ có dấu theo phản xạ, lúc lại đánh chữ không dấu theo kiểu ngôn ngữ chat của teen. Nàng hờn dỗi: “Sao e hok thay? Bo ng ta!” (Sao em không thấy? Bỏ người ta!). “A den từ luc ba ruoi cơ!” (Anh đến từ lúc ba rưỡi cơ - Lão nói phét). “The ma e ko thay dau ca. Bun wa!” (Thế mà em không thấy đâu cả. Buồn quá). “Anh ngồi ghế đá bên bờ sông thật mà”. “Thi e cug o do. Nhju ng wa laj lam ng ta nguong chit di dc” (Thì em cũng ở đó. Nhiều người qua lại quá làm người ta ngượng chết đi được). “Anh nghĩ ra rồi. Tại chung minh chua thống nhất ký hiệu với nhau nên ko nhan ra nhau đó!” (...Tại chúng mình chưa thống nhất ký hiệu nên chưa nhận ra nhau đó). “Thj j mjh kj hju na” (Thì giờ mình ký hiệu nha). “OK. Lần tới làm sao để a nhan ra e?”. “E mac mini juyp do, ao 2 zay xanh nha!”. Lão Quých phải mất cả phút để dịch câu này của nàng. Thì ra nàng bảo sẽ mặc mi-ni juyp màu đỏ, áo hai dây màu xanh. “Them chi tiết nữa đj. Bjt đâu co ai nữa mặc nhu e thì sao?” (Thêm chi tiết nữa đi. Biết đâu có ai nữa mặc như em thì sao?). “The e deo kinh kon den nha”. Lại phải dịch. Quen thuộc ngôn ngữ kiểu teen của nàng thế mà có mấy câu lão suýt bó tay chấm com. Nàng nói là em sẽ đeo kính cơn đen nữa. “Cute” (Dễ thương quá!), lão nói. “The kon a?”, nàng hỏi lại.
Lão bảo lão sẽ mặc comple đen, thắt cà vạt đỏ, đầu đội mũ phớt. Nàng bảo trời nóng thế này mà mặc vậy thế chết à? Lão bảo: “Thì thế mới dễ nhan ra a” (Thì thế mới dễ nhận ra anh). Nàng khen: “Thog mjh. iu wa co!” (Thông minh. Yêu quá cơ!). Rồi để cho chắc ăn lão còn thống nhất với nàng về mật khẩu cho cuộc gặp. Nếu nhận ra đúng người đã ăn mặc đúng như thế thì thay sau câu chào “Hi” là câu mật khẩu. Nàng sẽ nói “meoconcodon”. Lão sẽ nói: “hiepsilangthang”. Thế là OK. Lại nói về cái nickname của lão. Hôm cháu Nguyệt lập cho lão cái tên này, lão buồn cười quá bảo nó thay đi thì con bé bảo: “Ông phải hiện đại chứ. Rồi ông thấy đấy. Phây búc có ai mang tên thật mấy đâu. Cứ để thế cho hợp, cho nghệ sỹ ông ạ!”. Nói đến nghệ sỹ, lão gật đầu liền. Thì mình cũng là nhà thơ xóm xã cơ mà. Sau rồi quen, lão thay mật khẩu cả hộp thư, cả yahoo và facebook. Ba ông cháu lão độc lập với nhau trên Internet.
Về địa điểm hẹn hai người vẫn thống nhất vẫn chỗ cũ. Thì còn chỗ nào lãng mạn, thơ mộng hơn cái công viên đang xây dựng bên bờ sông ấy nữa? Còn thời gian thì nàng đề xuất chuyển vào buổi sáng. Buổi sáng thì mới có nhiều thời gian bên nhau. Mãi sau này lão Quých mới biết là nàng học buổi chiều, không thể hẹn như hôm nay chủ nhật được. Nàng bảo ngay sáng mai. Lão Quých bảo không được vì sáng mai lão bận họp tỉnh. Thực ra ngày mai là ngày giỗ vợ lão chứ cái ngữ lão mà lại được họp tỉnh? Nàng lại chat tiếp: “Sag ngay kja zay nha?” (Sáng ngày kia vậy nha). “Cũng không được em ơi. Hôm ấy anh bận ký hợp đồng công trình rồi”. Nàng dỗi: “Dzay ma noj iu ng ta?” (Vậy mà nói yêu người ta?). “Anh bận thật mừ. Ký hợp đồng mới có xiền chứ!”. “Ui zui ui! The ma e hok nghj ra. Hoa hong nhju lam nhj?” (Úi giời ui! Thế mà em không nghĩ ra. Hoa hồng nhiều lắm nhỉ?). “Tất nhiên!”. “Phan ng ta voi nha!” (Phần người ta với nha). “Tất nhiên!”. Cuối cùng, lão và nàng thống nhất chọn ngày chủ nhật cho nó thoải mái vô tư. Tha hồ tâm sự. Tha hồ ngắm nhau… Tự nhiên lão Quých lại nghĩ tới cái nhà nghỉ Thiên Thai trên phố huyện.
Thực ra lão có ký tá công trình quái nào đâu. Mà lão có tư cách gì để ký được cơ chứ? Có con trai lão làm thì có. Nhưng cứ nhận vơ, bốc phét thế cho oách. Hôm đó là ngày lão có tiết mục đọc thơ trong chương trình văn nghệ phục vụ lễ công bố đón nhận danh hiệu “xã nông thôn mới”. Xã lão đã đạt mười chín tiêu chí rồi mà.
Lão và nàng chat với nhau một lúc nữa thì “G9”. Thoát máy, lão về phòng ngả lưng đánh một giấc cho tới sáng. Trong giấc ngủ hình như lão cười. Lão mơ thấy gặp nàng, cùng nàng dạo bước dưới trăng bên dòng sông thì thầm sóng nước. Rồi lão hôn nàng. Chính cái lúc lão cười là lúc lão đang hôn nàng đấy.
Ngày giỗ vợ lão, cả hai thằng con trai lão đều không có nhà. Vợ chồng thằng cả xuất lợn bán. Nó bảo không hoãn được vì bên mua đã hợp đồng rồi. Nó gửi cho ông mấy trăm ngàn tiền lễ coi như xong. Thằng thứ hai nói bận đi chỉ đạo cánh thợ chỉnh sửa mấy cái nhà văn hóa thôn để phục vụ cho lễ cắt băng đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới. Lão thắc mắc ngày kia đón nhận danh hiệu rồi mà nay vẫn sửa chữa là sao? Mà vừa mới khánh thành hôm nào sao nay đã phải sửa chữa rồi? Con lão nhấm nhẳn: “Vấn đề tế nhị. Cụ bô không thể biết được đâu. Có xã còn nợ tiêu chí vẫn cứ đón nhận đấy”. Thế thì chịu, lão không thể nào hiểu được cách làm ăn hiện nay nữa. Hai cô con gái lão thì đã quán triệt rằng giỗ năm lẻ thì bố và anh thứ tổ chức, giỗ mẹ năm tròn thì cả nhà sẽ sum vầy đầy đủ. Thời buổi kinh tế thị trường không bám sát làm ăn thì tụt hậu là cái chắc. Mả cha chúng nó chứ, giỗ mẹ mà chúng cũng quy ra năm tròn, năm chẵn. Cứ tưởng tiền là xong à? Con với chả cái!
Thế nên, ngày giỗ vợ lão, chỉ có cô con dâu vợ thằng doanh nghiệp là ở nhà để cùng lão lo liệu. Thằng Hưng học chiều. Thấy ông nội khua mẹ nó dậy sớm đi chợ, nó tỉnh như sáo đòi đi chợ theo mẹ. Nửa buổi thì con Thủy trên thị trấn học chiều nhớ ngày giỗ bà ngoại cũng đến. Nó chào lão xong nhảy luôn vào phòng con Nguyệt ôm máy vi tính mặc cho ông ngoại dọn dẹp lau chùi ban thờ. Lão Quých don dẹp một lát cũng hết việc. Lão chắp tay sau đít đi đi lại lại. Chợt mặt lão rạng lên, lão vào phòng thằng Hưng và cũng lên mạng. Phải gặp nàng mới được. Nhớ lắm. Sắp gặp nhau thật rồi nên lòng dạ lão nôn nao khôn kể.
Lão bật máy vào “phây”. Giờ này nàng có nhà, biết đâu nàng cũng online thì tha hồ mà chat chít. Y như rằng, đèn xanh “meoconcodon” sáng. Lão chat liền. Cứ thế, lão lạc vào mê cung tình ái với những câu thơ tình và những lời yêu thật say đắm. Khoảng hơn tiếng đồng hồ sau, linh tính mách bảo lão. Lão chợt nhớ ra khoản trầu cau cúng vợ. Đứa con dâu lão chúa là hay quên khoản này. Thì chúng có ăn trầu bao giờ? Với lại, chúng đâu có biết nghi thức cúng bái là gì?
Lão rời máy đi sang phòng con Nguyệt. “Thủy! Cháu chạy ngay ra chợ mua ba lá trầu và một quả cau về đây cho ông”. “Để làm gì hả ông?”. “Để cúng bà chứ còn làm gì nữa. Mợ cháu hay quên khoản này lắm”. Con Thủy lưỡng lự. “Dậy. Đi ngay cho ông. Sắp đến giờ cúng bà rồi. Đi đi!”. Vừa nói, lão vừa kéo tay con Thủy. Thủy dùng dằng định thoát máy. Lão Quých quắc mắt giục nó: “Bỏ máy đấy. Đi ngay đi cháu!”. Thủy bất đắc dĩ đứng dậy chạy xuống tầng. Lão Quých quay ra cửa nhìn theo hút bóng nó. Ra dáng thiếu nữ rồi đấy. Cháu lão xinh đáo để. Ngữ này khối thằng chết mê chết mệt với nó cho mà xem.
Chợt lão quay lại vào phòng Hưng. Trí tò mò thôi thúc lão. Xem con bé này mạng muỗi cái gì đây. Rồi lão tròn xoe mắt, há hốc mồm khi trên màn hình hiện ra toàn bộ cuộc chat chit của lão với meoconcodon. Trời ơi! Sao lại thế này hả trời? Lão nhớ lại cuộc hẹn lỡ chiều qua và những liên tưởng đến những chi tiết của cuộc hẹn tới. Hai tay lão ôm đầu, mắt lão trợn ngược như bị trúng gió. Cùng lúc đó tiếng xô xát của cái quán game online kế bên cũng vọng tới. Chắc lại đánh nhau rồi đây?
Lão lờ đờ nhìn lên bàn thờ. Ở đó, ba nén nhang lão thắp lúc nãy cháy gần hết. Ba đốm đỏ lập lòe trong làn khói bay lên vòng vèo như dấu hỏi. Đôi mắt vợ lão trên di ảnh nhìn xoáy vào lão như trách cứ. Lão lê bước về phía bàn thờ, vịn vào đó rồi bật khóc tồ tồ như đứa trẻ. Căn nhà có mình lão bỗng trở nên rộng huênh hoang. “Tôi có tội bà nó ơi! Xin bà tha tội cho tôi bà nhé! Tôi xin mình đấy, mình ơi!”. Cứ thế lão vừa đấm ngực vừa khóc ông ổng.
Hai mẹ con Hưng đi chợ về thấy vậy xúm lại dìu lão về giường. Thằng Hưng cuống lên sụt sịt: “Ông làm sao thế hả ông? Đừng khóc nữa ông ơi! Cháu sợ lắm!”. Mẹ Hưng chạy vội đi lấy dầu gió. Lát sau, lão trấn tĩnh lại, ôm chặt thằng Hưng nằm im. Tuy thế, trong đầu lão cái mũi tên con trỏ và quả đấm hình cái trống cứ nhấp nha nhấp nháy như chọc, như gõ, như đấm vào óc lão khiến đầu lão bùng nhùng, ong ong đau như búa bổ. Mẹ thằng Hưng chép miệng: “Rõ khổ! Tại ông nhớ bà quá đây mà!”.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (35 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối