Trang trong tổng số 4 trang (35 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

ĐÊM CUỐI NĂM
                                                              
 “Chú ấy có nhà không cô?”. Lan đang rửa mặt cho thằng Duy ngoài giếng thì có tiếng người hỏi sau lưng. Quay lại, bà “Choẽ bò” đã đứng ngay bên cạnh. Một tay bà cầm cái roi, tay kia bà khoác cái nón bên người. Miệng bà bỏm bẻm nhai trầu. Rồi chẳng để cho Lan trả lời, bà ấy sa sả: “Công an bảo vệ gì để trâu vào phá hết ruộng mạ nhà tôi rồi! Phen này không đủ mạ cấy là tôi cứ bắt đền nhà cô đấy.
- Kìa bà! Có gì mời bà vào nhà uống nước đã để nhà cháu về xem nào!
- Nước non gì! Lũ bò nó đang đợi ngoài kia kìa. Thế chú ấy đâu?
Bà Choẽ nhắc lại câu hỏi. Lan phân trần: “Đi suốt đêm qua đã về đâu bà. Cháu đang bực hết cả mình đây. Việc nhà ùn ra kia chẳng lo toàn đi lo những việc đâu đâu”. “Khéo lại tụ tập đàn đúm với nhau ở chỗ nào rồi. Công an với chả bảo vệ. Tuần tra với chả canh gác. Trộm cắp như rươi, chẳng được cái tích sự gì. Sốt cả ruột. Cô cứ về nói với chú ấy là nhà “Choẽ bò” mất hết mạ rồi nhé”. Tuôn ra một hồi rồi bà Choẽ quay đít bỏ đi.
Lan nhìn theo dáng bà ngoe nguẩy ra khỏi cổng, nỗi bực về chồng nghẹn trào lên tận cổ chị. Quay lại, thằng Duy đang vày chậu nước ướt hết cả quần áo. Cái bực được nhân đôi. Chị quát con: “Nghịch nước thế à? Ướt hết quần áo rồi còn gì. Lấy gì mặc mà đi học cơ chứ. Nhanh nhanh lên để mẹ còn đi cấy. Tết nhất đến nơi rồi lên rồi kia kìa”.
Trong chuồng lũ lợn được thể réo lên. Lan chân đăm đá chân chiêu vừa dỗ thằng Duy ăn sáng vừa bê nồi cám ra cho lợn ăn. Thằng Duy bưng bát cơm nhõng nhẽo: “Con ứ mặc bộ quần áo này đâu, siêu nhân kia”. “Siêu siêu cái gì. Có nhanh lên không muộn học cô giáo lại bắt đứng ngoài bây giờ”. Thằng Duy vẫn phụng phịu. Lan đành phải hạ giọng dỗ dành: “Thôi được rồi, ăn đi rồi mẹ tìm siêu nhân cho”.
 “Chị Lan ơi!”. Lại có tiếng ai gọi ngoài ngõ. Lan quay ra. Cô giáo Hà hớt hải chạy tới, hổn hển: “Nhà... nhà “Choẽ bò” với nhà “Lư lợn” đang cãi... cãi nhau đầu xóm kia kìa. Hai bà xô xát to lắm. Anh ấy đâu, ra can họ ngay không lại đánh nhau to đấy chị ạ”. “Làm sao mà họ cãi nhau?”, Lan hỏi lại. “Em không rõ. Hình như trâu bò mạ muỗi gì thì phải. Thế nhé. Em phải đến trường đây kẻo muộn”. Hà đi rồi, Lan bực mình ngán ngẩm. Vừa mới bảnh mắt ra đã đủ thứ chuyện. Toàn những chuyện không đâu. Chồng với chả con, chỉ nặng nợ. Khoá cửa nhà xong, Lan vội vã đèo con đi học.
Hơn một tháng nay, Dương, chồng chị có sự thay đổi khác thường. Đêm nào anh cũng về muộn, có đêm anh không về nhà, như đêm qua chẳng hạn. Sự gần gũi vợ chồng coi như không. Sống bên chồng mà Lan như bị sống ly thân. Chị ấm ức trong lòng mà chẳng dám nói ra. Còn Dương, anh vẫn xởi lởi với vợ con. Hễ rảnh thời gian nào là anh lại tranh thủ công việc đồng áng, lợn gà cùng chị. Tiếng là công an viên nhưng anh thường đi suốt cả ngày, có hôm còn cả đêm nữa để cùng ban công an lo giải quyết các vụ việc của xã. Ngày thì trụ sở, tối lại tuần tra. Kể ra chức năng của anh không đến nỗi phải vất vả như thế song cái máu “nghề nghiệp” đã ngấm vào người anh nên Dương chẳng nề hà đêm hôm khuya sớm. Chả là, năm năm trước đây anh đã từng là công an nghĩa vụ. Ba năm trong ngành đã rèn rũa anh “vì nước quên thân vì dân phục vụ”. Đáng ra khi hết nghĩa vụ anh sẽ ở lại ngành để theo cái nghiệp này như anh hằng mơ ước nhưng do biên chế có hạn nên người ta chỉ giữ lại rất ít, chủ yếu là con cháu của những người có chức có quyền. Mặc dù là đảng viên, có chuyên môn giỏi song anh vẫn phải ra quân để nhường chỗ cho các cậu ấm ấy ở lại.
Về quê, anh hụt hẫng, chơi vơi, buồn mất mấy tháng trời. Đến khi, ông bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đến vận động giữ chức phó thôn kiêm công an viên anh đồng ý nhận lời liền. Lan biết tin này vội can: “Chớ có dây vào cái chân ấy nhé. Phức tạp lắm. Em không chạy theo anh lằng nhằng các vụ việc đâu. Trâu ăn lúa bò ăn mạ, đánh cãi chửi nhau, đêm hôm không ngủ được với nhau họ cũng gọi mình. Có làm thì làm hẳn trưởng công an xã ấy, báu bở gì cái chân phó thôn đó. Lương xướng chẳng có, chế độ thì không, vài đồng phụ cấp chẳng bõ người ta chửi”. Mặc, Dương vẫn hăng hái nhận lời. Anh nghĩ: mình là đảng viên, tuổi lại trẻ, ba năm quân ngũ đã tôi luyện mở mang cho mình nhiều điều. Kiến thức ấy, nghiệp vụ ấy không lẽ lại bỏ phí. Hơn nữa, tình hình an ninh thôn xóm vậy mình đứng ngoài làm ngơ sao được. Trông thấy nhiều điều chướng tai gai mắt anh bực lắm.
Đội ngũ công an xã có anh như tiếp thêm sức mạnh. Dương tham mưu với trưởng thôn, đề xuất với chi bộ tổ chức tổ bảo vệ vừa giữ gìn an ninh trật tự trong thôn vừa bảo vệ sản xuất ngoài đồng ruộng. Tổ bảo vệ này do anh làm tổ trưởng. Chi bộ, trưởng thôn đồng ý thực hiện đề án này. Hương ước được dân bàn thảo xây dựng. Mọi người đều hưởng ứng. Khoán hộ cần cơ chế bảo vệ an ninh này lắm. Tổ bảo vệ được dân bàn, dân góp, dân nuôi. Cùng với việc thành lập tổ bảo vệ, tổ hoà giải, nhóm an ninh liên gia cũng ra đời. Anh chỉ đạo anh em trong tổ làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống ngăn ngừa tội phạm, ký cam kết với các hộ, làm rõ các vụ việc. Tình hình trộm cắp vặt, đánh chửi nhau giảm hẳn. Tệ nạn xã hội cũng đã được ngăn chặn một bước. Tuy nhiên, gần đây, theo dư luận của dân, một số thanh niên xã bên đã lén lút sang lôi kéo thanh niên làng anh chích hút ma tuý khiến anh và ban công an xã đau đầu. Tổ chức tuần tra truy bắt bao đêm rồi vẫn chưa có kết quả. Ban công an xã lôi anh đi tối ngày để lo phá vụ này.
Lúc đầu Lan dửng dưng với công việc của chồng, thậm chí chị còn mặc xác anh. Ai bảo “ôm rơm cho nhặm bụng”. Nhàn chả muốn lại muốn vơ việc vào thân. Thương chồng bao nhiêu chị lại giận anh bấy nhiêu. Về sau, công việc trôi chảy, dân làng quý mến anh, chị dần hiểu anh hơn. Kỳ đại hội Đảng vừa qua, đã có dư luận anh sẽ lên xã giữ chức trưởng công an. Chị khấp khởi hy vọng. Chị chờ đợi. Không phải chị ham chức ham quyền gì mà chị chỉ mong anh vào cái chức ấy cho nó có chế độ rõ ràng, đúng với nghiệp của anh. ấy vậy mà điều chị đợi đã không xảy ra. Không phải là do anh không đủ tiêu chuẩn, cái chính là lại do... những vấn đề tế nhị. Tưởng anh ấy buồn, nào ngờ anh ấy vẫn hăng hái công việc như trước. Anh tâm sự với Lan: “Mình làm nhiệm vụ vì sự bình yên xóm thôn chứ có phải đâu vì chức vì quyền”. Lan ấm ức vặn lại: “Dù sao thì có chức có quyền vẫn dễ làm việc hơn chứ?”. Dương thở dài, anh hiểu lòng Lan.
Một hôm, có ba thằng lạ hoắc lạ huơ hùng hổ đến nhà đe chị: “Mày về bảo với thằng chồng nhà mày liệu hồn. Đừng có xen vào chuyện làm ăn của bọn tao không bọn tao đánh cho nhừ tử. Lúc ấy đừng có trách. Cả mày nữa. Ruộng lúa, nương khoai nhà mày tao cho một đêm là sạch bách. Thậm chí, cả cái nhà này này, một mồi lửa là xong. Nhớ chưa?”. Lan hoảng quá về nói lại với Dương. Nghe xong, anh chỉ cười: “Kệ chúng nó. Mình làm đúng thì sợ thằng nào!”. Dương an ủi, nói cứng. Lan nài nỉ: “Nhưng mà em lo lắm. Nhỡ có sao thì chờ được vạ má đã sưng. Hay là nghỉ quách nó đi anh. Về vợ chồng mình với mấy sào ruộng, cần thiết em chạy chợ thêm. Lo gì!”. “Không được. Em đừng nghĩ quẩn”. Chẳng ai gàn được Dương.
Đầu tháng trước, đêm ấy Dương ở nhà không phải đi tuần. Đẩy thằng Duy ngủ say vào bên trong, Lan chuyển ra nằm ngoài cạnh Dương. Bao đêm thiếu vắng hơi chồng khiến chị rạo rực. Lan vòng tay ôm lấy Dương. Cơ thể cường tráng của anh khiến cho sự ham muốn của Lan dâng lên. Đáp lại, Dương cũng ôm chặt vợ trong lòng. Chẳng đợi như mọi lần, lần này Lan chủ động trong chuyện chăn gối. Chợt Dương giữ tay Lan lại: “Anh xin lỗi, anh không thể. Để khi khác, hôm nay anh mệt!”. Lan hẫng hụt. Rồi bất ngờ chị vùng dậy đè lên người Dương. Dương tìm cách gỡ tay Lan và trườn ra khỏi giường. Mặc cho Lan thút thít khóc, anh sang giường bên nằm thở dài.
Dương bỏ mặc Lan như thế gần cả tháng trời nay. Mặc dù hàng ngày anh vẫn tươi cười với vợ con, chu đáo việc nhà nhưng hễ tối đến là gương mặt anh lại khó đăm đăm. Thậm chí có đêm anh còn chủ động ngủ một mình. Cực chẳng đã, Lan hỏi thẳng chồng: “Tại sao anh lại thế? Hay anh có cô nào khác rồi?”. Dương nhăn nhó đau khổ: “Đâu có. Chẳng qua là anh mệt thôi mà. Cho anh xin lỗi. Khi nào khoẻ anh đền!”. Nói thì nói vậy nhưng cái chuyện kia Dương không hề đả động tới. Lan buồn lắm chẳng biết thổ lộ cùng ai. Thêm vào đó, Dương đi qua đêm lại càng nhiều hơn. Hình như anh ấy tránh mặt mình chứ tuần tra tuần bố gì! Con nào quyến rũ anh dây? Chẳng lẽ anh ấy lại sa ngã đổ đốn nhanh đến thế? Dù không tin nhưng Lan bắt buộc cũng phải nghĩ như vậy. Rạn nứt vợ chồng nảy sinh từ đó. Tuy chưa to tiếng xô xát nhưng trong lòng Lan đã có một cái hố ngăn cách khá lớn giữa chị với chồng.
Chiều, đi làm về, Lan thấy mảnh giấy của Dương để trên bàn: “Anh bận đi tuần. Em và con cứ ăn cơm trước đi. Đừng đợi anh nhé”. Vò nát mảnh giấy Lan vứt tọt nó vào sọt rác. Mắt chị trân trân ứa lệ. Chẳng lẽ cứ thế này mãi sao? Chị ôm thằng Duy vào lòng chẳng thiết làm gì nữa. Mặc cho lợn réo, gà kêu, chị cứ ôm con ngồi như tượng. Thằng Duy ngửa mặt nhìn mẹ nó hỏi: “Mẹ khóc à?”. Lan gạt nước mắt nói: “Đâu có. Con muỗi nó bay vào mắt mẹ đấy”.
“Cô Lan có nhà không đấy?”. Có tiếng ai ngoài ngõ. Lan vội lau nước mắt trên má, buông thằng Duy xuống đáp: “Có! Ai đấy?”. “Tôi đây. Xuyến đây!”. Bà Xuyến trạm trưởng y tế vào đến sân sồn sồn nói tiếp: “Báo cho cô chú tin mừng đây!”. “Tin gì thế hả bá?”. Chẳng nói chẳng rằng, bà Xuyến giở cặp lôi ra một tờ giấy: “Đây, cô đọc đi. Phúc tổ bảy mươi đời nhà cô đấy!”.
Đón lấy tờ giấy, Lan đọc lướt nhanh: Kết quả xét nghiệm HIV/AIDS. Chị rụng rời chân tay: “Sao lại thế này bá Xuyến? Nhà cháu... nhà cháu sao...sao?”. “Sao sao cái gì? Không bị là may rồi!”. “Nhưng mà sao nhà cháu lại phải xét nghiệm máu hả bá?”. “Ơ! Thế ra mẹ mày không biết gì thật à?”.
Lan lắc đầu. Bà Xuyến thong thả kể lại: “Đầu tháng trước chú ấy chẳng bắt bọn tiêm chích ma tuý ở ngoài bến là gì. Trong lúc vật lộn, chú ấy bị xây xát, máu me thằng kia nó dây sang. Thế là ban công an xã yêu cầu phải lấy mẫu máu chú ấy mang đi bệnh viện tỉnh xét nghiệm. Chờ sốt ruột quá. Cả tháng trời, hôm nay mới có kết quả. May quá. Phúc tổ cho nhà cô đấy. Không thì... Thôi, tối nay chú ấy về vợ chồng liên hoan đi. Bây giờ tôi về nhé”.
Bà Xuyến đi rồi, Lan bần thần đọc đi đọc lại tờ giấy. Phải thế này không mà anh ấy cố tình tránh mình trong chuyện chăn gối? Giời ơi! Việc tày đình thế mà không cho mình biết! Gan thật!
Một lát sau, Dương về. Anh hỏi vợ: Bà Xuyến đến đây hả em? Lan ngúng nguẩy: “Tưởng anh đi luôn?”. “Kế hoạch vậy nhưng tạm hoãn rồi. Bà Xuyến có nói gì không?". "Nói gì?". “Nói... nói rằng...”, Dũng ấp úng diễn tả. Lan giơ tờ giấy lên: “Chuyện tày đình thế này mà anh giấu em ư?”.. “Thế... thế có sao... sao không?”. “Sao gì? Sao với giăng! Tối nay em sẽ hỏi tội anh”.
Dương sốt ruột cướp tờ giấy trên tay Lan. Lan nắm chặt nó đưa ra sau lưng. Dương vòng tay gỡ. Hai người giằng co nhau, vờn nhau như thuở đang yêu. Dương cù vào người Lan. Lan cười ré lên. Thằng Duy thấy bố mẹ thế ngơ ngác. Sau rồi, Dương cũng lấy được tờ giấy. Anh đọc nhanh rồi reo to: “Ngon rồi!”. Rồi anh chạy đến bên Lan, ôm lấy chị, nhấc bổng chị lên. Xoay tròn Lan mấy vòng rồi anh bế thốc tháo chị chạy lại bên giường. Lan vùng vẫy: “Đừng! Đừng! Để... để tối đi anh!”.  
“Chú Dương ơi! Có nhà không?”. Dương vội buông vợ ra sửa sang lại quần áo: “Có! Ai đấy!”. Ông “Lư lợn” đã lù lù ở cửa. Miệng ông oang oang: “Cảm ơn chú. Không có chú thì nhà tôi chết dở với nhà Choẽ bò”. Lan ngơ ngác không hiểu. Ông “Lư lợn” giải thích: “Nhà Choẽ bò vu trâu thằng bé nhà tôi ăn mạ của bà ấy nhưng nhờ có chú Dương làm rõ ra là không phải như thế. Chính bò của bà ấy ăn mạ của nhà mình nhưng lại vu vạ cho trâu nhà tôi. Chú ấy thu thập chứng cứ kết luận như đinh đóng cột, bà ấy phải chịu. May quá! Không thì rách việc với cái bà mồm loa mép giải này. Có quả tim ngon ông cho cu Duy nấu cháo”.
Dương xua tay: “Không! Bác đừng làm thế! Bác cầm về đi. Trách nhiệm của cháu mà”. “Thì vưỡn. Tôi cho cháu chứ cho chú đâu!”. Vừa nói ông Lư vừa treo quả tim lợn lên cái đinh ở cột rồi chào vợ chồng anh quấy quả ra ngõ. Thằng Duy chạy lại chăm chăm vào quả tim đỏ lòm trong cái túi giấy nilon. “Mẹ nấu cháo tim cho con ăn nhé!”.
Dương và Lan nhìn con rồi nhìn nhau cùng mỉm cười. Hai vợ chồng lúi húi vào bếp. Vừa làm Dương vừa kể lại chi tiết cái vụ việc để có cái giấy xét nghiệm kia. Anh bảo: “Sắp truy quét được bọn nghiện rồi. Dẹp xong bọn này, tình hình thôn ta sẽ trong sạch hẳn, chẳng phải lo đêm hôm nhiều nữa”. Lan dun củi vào bếp. Hai má chị ửng hồng. Chị liếc chồng nhấm nhứ: “Kể ra cái ông công an viên cũng oách đáo để! Nhỉ!”. “Chứ lại không!”. Dương nguýt yêu vợ đáp lại. Thằng Duy xăm xoe sán lại xem bố mẹ nó nấu nướng. Lâu lắm rồi họ mới có một chiều vui như chiều nay.
Chẳng ai nói ra nhưng cả Loan và Dương đều mong cho trời chóng tối. Đêm nay sẽ là một đêm bình yên, đêm hạnh phúc đối với họ. Chắc hẳn là như thế. Ngoài kia làng xóm đã lên đèn. Chỉ còn vài hôm nữa là Tết đến.

     X.T
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

THỊ XÃ MỘT TÌNH YÊU (Phần 1)

Sình sịch, sình sịch... Con tàu lầm lũi lao đi trong đêm. Qua những cánh đồng tối đen, những khu rừng mịt mùng, con tàu trở nên lẻ loi lạc lõng. Thỉnh thoảng, buồn quá nó lại hú một hồi còi dài. Tiếng phì phì của đầu máy, tiếng sình sịch của bánh xe quay cùng với tiếng còi tu tu ấy càng làm cho con tàu như mệt nhọc hơn. Nó đang lê những bước cuối cùng trong đêm cuối cùng của năm.
Trên toa tàu, một số người đang sốt ruột trông chờ từng giây, từng phút để về quê sum họp cùng gia đình đón Tết. Đây là chuyến tàu vét cuối năm. Thế nên, toàn những hành khách bất đắc dĩ. Người chờ mãi mới mua được vé. Kẻ quáng quàng bàn giao ca để kịp lên tàu. Có anh bộ đội tranh thủ tụt tạt. Mấy bà đi chợ bán tống bán táng hàng ế, hàng thừa xong vội vã trèo lên toa. Con tàu hùng hục đi như bị ai bắt tội.
Càng khuya, số hành khách trên toa càng ít dần. Người ta xuống rải rác ở các ga. Gần giao thừa, trên toa chỉ còn lại một ông già và một thiếu nữ. Ông già áo véc-tông trùm kín cổ. Cái mũ lông sùm sụp che gần kín cả khuôn mặt. Hai tay ông khư khư ôm chiếc ba-lô bộ đội đã cũ, ngồi co ro trên chiếc ghế giữa toa tàu. Suốt cả chặng đường dài, từ lúc lên tàu đến giờ, ông không nói gì cả. Phía cuối toa là một thiếu nữ. Cô lỉnh kỉnh nào túi xách, túi nilon, nào cái ống tròn tròn dài dài (chắc là cuốn lịch Tết).
Rét. Đã đóng hết các cửa toa tàu mà vẫn rét. Rét thấu xương. Ngoài kia trời tối đen, có cảm giác như xắn ra từng miếng được. Đúng là “tối như đêm ba mươi”, các cụ dạy cấm có câu nào sai. Trong ánh đèn tù mù, rung lắc theo nhịp tàu đi, cô gái quan sát toàn bộ toa tàu. Dừng ánh mắt ở chỗ ông già, cô mạnh dạn xách đồ tới ngồi bên.
“Cháu chào ông ạ!”. Ông già hơi giật mình ngước nhìn cô gái. “Chào cháu! Thế ra trên tàu giờ chỉ còn hai ông cháu ta thôi nhỉ?”. “Vâng ạ! Ông xuống ga nào hả ông?”. “Ga Phú Thọ!”. “Ga Phú Thọ?”. Cô gái hỏi lại như reo lên. Ông già vừa đáp, vừa hỏi: “Ừ, chẳng biết sắp đến chưa hả cháu?”. “Sắp đến rồi ông ạ. Qua ga Tiên Kiên nữa là đến. Cháu cũng về thị xã Phú Thọ đây”.
Câu chuyện giữa hai người cởi mở hơn. Thiếu nữ là sinh viên về nghỉ Tết. Kẹt tàu xe quá, phải mua vé chợ đen. May vẫn còn có tàu chuyến tàu vét để về. Còn ông già thì quê mãi tận miền Trung, đi tìm người thân ở thị xã Phú Thọ. Và...ông đã đưa cô sinh viên trở lại những năm tháng hào hùng tuổi trẻ của ông.
Ngày đó, cách nay hơn bốn chục năm, Phương - tên ông già - là chiến sỹ phòng không đóng quân ở thị xã Phú Thọ. Nhiệm vụ của đơn vị Phương là bảo vệ sân bay, nhà ga. Hồi ấy, thị xã là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh, là cửa ngõ, yết hầu quan trọng, nơi trung chuyển nối liền vùng Tây Bắc với đồng bằng Bắc Bộ. Với vị trí chiến lược ấy nên cái thị xã trung du bên bờ sông Thao này là trọng điểm oanh tạc, bắn phá của máy bay Mỹ. Ga Phú Thọ không biết bao nhiêu lần bị bom Mỹ tàn phá. Ác liệt như vậy mà không ngày nào ga không có tiếng tàu qua. Tiễn đưa nhau ra trận, đi ngược về xuôi làm ăn buôn bán, có cả những người bồng bế nhau đi sơ tán. Cứ ngớt tiếng bom là lại thấy người đợi người, người chờ tàu như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Bên cạnh đống đổ nát là cảnh những người bịn rịn chia tay nhau, là quang gánh, thúng mủng, là những nụ cười và những giọt nước mắt trên sân ga hối hả. Đêm về, nhịp sống của ga thị xã khác hẳn. Dưới ánh đèn phòng không, tàu vào, tàu ra, người đến, người đi rất trật tự, không xô đẩy chen lấn. Dạo ấy người ta xếp hàng bằng những viên gạch, những mẩu ngói vỡ để giữ chỗ.
Trong ban quản lý ga có cô gái tên Thanh, người rất xinh quê ở Hải Hưng. Nhiệm vụ của Thanh là tuần tra đường ray và bẻ ghi khu vực nhà ga. Suốt ngày đêm, tổ của Thanh phải bám đường ray, kiểm tra từng cái ốc vít, từng thanh tà vẹt, cả những viên đá làm nền, căn chỉnh sao cho tàu vào ra ga đúng tuyến, đúng đường. Có nhiều hôm, bom Mỹ phá bung cả một đoạn dài đường ray, Thanh cùng cả tổ, ngớt tiếng bom lại lao ra san gạt đất đá, thay nối ray, lắp lại tà vẹt, xiết lại ốc vít để kịp đón chuyến tàu về. Vất vả, ác liệt như thế nhưng Thanh vui lắm. Cô thích nhất là khi đứng cầm cờ, cầm đèn phát tín hiệu cho tàu vào ra ga. Lắm hôm, cậu lái tàu trẻ ngồi điều khiển đầu máy sình sịch chạy qua chỗ Thanh đang đứng đã hứng chí kéo một hồi còi rõ dài cùng với cái liếc nhìn kèm một nụ cười đầy ẩn ý hướng về phía Thanh.
Trong đội tự vệ, Thanh là người bạo dạn nhất. Phương và Thanh quen nhau chính từ những lần Phương được đơn vị điều đến hướng dẫn đơn vị tự vệ nhà ga bắn súng. Tình yêu đến với họ tự lúc nào không hay. Tranh thủ những ngày nghỉ, những giờ rỗi rãi, Phương thường đi bộ từ sân bay ra ga để tìm Thanh. Kỷ luật quân đội như sắt thép. Có hôm, Phương nhớ Thanh quá, anh trốn đơn vị chạy một mạch ra ga nhìn thấy Thanh, cười cùng cô một cái rồi lại chạy về. Chỉ cần thế thôi là anh mãn nguyện lắm rồi.
Mấy năm liền yêu nhau như thế, rồi Phương có lệnh điều động vào Nam chiến đấu. Trước hôm chia tay, Phương xin phép đơn vị nghỉ một ngày ra ga chơi với Thanh. Đêm ấy, hai người bịn rịn bên nhau dưới hàng cây long não dốc tỉnh mãi chẳng muốn rời. Bước chân họ như phiêu du. Không nói gì, họ chỉ lặng lẽ bên nhau. Trở lại ga thì đêm đã khá khuya. Chợt còi báo động vang lên. Máy bay Mỹ ập đến. Tiếng rú gào ngay trên đỉnh đầu. Phương nắm tay Thanh chạy vội xuống chiếc hầm chống chéo bên đường. Chớp lóe sáng. Bom nổ. Đinh tai nhức óc. Đất đá rơi ràn rạt. Họ ôm chặt lấy nhau trong tiếng máy bay gào rú và bom nổ.  
Thanh nép đầu vào ngực Phương tin cậy. Phương cúi đầu xuống chở che Thanh. Mỗi khi chớp lóe sáng, anh lại vít đầu Thanh, vòng tay ôm chặt, che kín người cô. Một quả bom nổ rất gần căn hầm, hất hai người đang ngồi ôm nhau ngã sõng soài. Phương nằm đè lên người Thanh. Đất đá rào rào, rơi cả lên người Phương thùm thụp. Không đau đớn, một cảm giác kỳ lạ chạy dọc người Phương. Cả Thanh cũng thế. Hơi thở họ dồn dập. Thế rồi, bốn cánh tay họ vồ vập tìm nhau cùng khám phá. Quên cả đạn bom, quên trời, quên đất, họ hổn hển, bồng bềnh trên nhau. Ngày mai ra trận rồi Phương ơi! Em cho anh tất cả. Thanh cào cấu, bấu véo, quấn chặt lấy Phương. Và thế là ranh giới giữa họ không còn nữa. Phương hùng hục đi vào Thanh lúc nào không hay.  
Máy bay cút tự lúc nào họ cũng không biết. Thị xã trở lại nhịp sống của thời chiến. Cuộc mây mưa đầu đời của họ cũng kết thúc. Phương thì thào trong đêm: “Anh...anh xin lỗi em...”. Thanh dí hai ngón tay vào miệng Phương: “Anh đừng nói gì cả. Em sẽ chờ anh!”.
Sáng sau, đơn vị Phương tập trung trên sân ga để lên tàu vào Nam. Phương ngơ ngác chạy tìm Thanh. Họ nắm tay nhau bịn rịn. Bốn con mắt đỏ hoe. “Chờ anh em nhé! Nhất định anh sẽ trở về tìm em”. Tàu rục rịch chuyển bánh. Phương là người cuối cùng rời sân ga. Bao nhiêu bàn vẫy vẫy. Nhoài hẳn người qua cửa toa tàu, Phương hét to: “Thanh ơi! Anh yêu em!”. Thanh chạy theo con tàu giơ tay vẫy: “Anh đi bình yên nhé! Em sẽ chờ anh! Mãi mãi chờ anh, Phương ơi!”. Cô cười chào anh mà như khóc. Tàu hú hồi còi dài tăng tốc. Bóng Thanh cùng nhà ga thị xã nhỏ dần rồi mất hút ở phía sau.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

THỊ XÃ MỘT TÌNH YÊU (phần 2)

“Thế rồi sao hả ông? Ông có gặp lại cô gái, à không, gặp lại bà Thanh chứ?”. Cô gái sốt ruột khi ông già kể đến đây rồi bỗng dưng ngồi lặng phắc. Sình sịch, sình sịch... Con tàu vẫn nhẫn nại đi trong đêm.
“Thị xã Phú Thọ, cái ga tàu bé nhỏ ấy đã đi vào đời ông...”. Ông già tiếp tục giọng kể đều đều. Cô gái ngoan ngoãn ngồi ôm chiếc túi du lịch lắng nghe. Qua câu chuyện, cô gái được biết: sau ngày chia tay đó, ông Phương đi thẳng ra mặt trận rồi biền biệt suốt những năm chiến tranh. Hết chiến trường nọ sang chiến trường kia. Đến khi vào trước cửa ngõ Sài Gòn, đánh căn cứ kho xăng của địch thì Phương bị thương nặng. Lửa cháy xém khắp người. Phương mê man. Khi tỉnh lại thì toàn thân anh băng bó kín mít. Anh nghe lào phào ai đó nói với nhau: “Tỉnh rồi! Sống rồi!”. Và anh lại tiếp tục thiếp đi.
Mấy tháng sau, Phương trở lại bình thường tại quân y viện. Lúc này, đất nước đã thống nhất. Thương bệnh binh ôm nhau cười sung sướng. Phương soi gương và sững sờ trước bộ mặt dị dạng của mình. Trời ơi! Sao lại thế này? Ta đây ư? Không thể nào thế được! Nghĩ đến Thanh, anh ôm mặt rưng rức khóc. Đang mong mỏi ngày về, giờ thân tàn, ma dại thế này thì... Mọi người xúm đến động viên anh. Mãi rồi anh cũng chấp nhận số phận. Mình còn hơn bao đồng đội khác. Sống để trở về quê hương là hạnh phúc lắm rồi.
Cô gái vội nhìn ông già. Trong đêm tối, dưới ánh đèn điện đỏ quạch, tù mù, mặc dù ông đã đội chiếc mũ lông che gần kín mặt nhưng cô vẫn nhìn thấy những vết sẹo nhăn nheo, chằng chịt trên mặt ông già. Cô khẽ rùng mình. Như nhận ra thái độ của cô gái, ông già cởi hẳn chiếc mũ lông ra: “Đây, bộ mặt của ông thế này thì làm sao gặp lại cô ấy cơ chứ?”. Cô gái cố giữ vẻ bình thản nói: “Có sao đâu ông? Cháu thấy ông vẫn bình thường mà!”.
“Không..!”. Ông già tiếp tục câu chuyện như nói một mình vậy. Thì có bao giờ ông kể chuyện tình của mình với ai đâu. Đêm nay, trên chuyến tàu cuối năm này, trong hành trình đi kiếm tìm Thanh, cả toa tàu chỉ có một cô gái với ông, khiến ông có cảm tưởng như Thanh đang ngồi đó để ông dốc bầu tâm sự.
Trở về quê hương, mặc cảm với bộ dạng của mình, Phương không dám đi tìm Thanh. Hãy để cô ấy yên. Cô ấy xứng đáng với một tình yêu của một người lành lặn, sáng sủa. Còn ta, chấp nhận hy sinh này để Thanh hạnh phúc. Và Phương cứ sống độc thân như vậy cho đến bây giờ. Mặc họ hàng, bè bạn khuyên nhủ thế nào Phương vẫn cứ một mực như thế. Ngày lại ngày anh giở những lá thư cùng những kỷ vật của Thanh còn giữ được mân mê, nâng niu, hít hà chúng mà cầu chúc cho Thanh hạnh phúc.
Thực ra, ngay tuần sau khi về quê, Phương đã lặn lội lên tàu ra bắc để dò hỏi tung tích của Thanh. Về Hải Hưng thì anh mới ớ người ra không rõ Thanh ở Hải Dương hay Hưng Yên để tìm. Lên Phú Thọ, đi lại mấy lần đều không ai biết Thanh ở đâu cả. Ban quản lý nhà ga bảo trước có hai cô Thanh ở đây thì một cô bị bom Mỹ chết, còn một cô về quê thì phải. Vô vọng. Ôm nỗi buồn và bộ mặt dị dạng như thế, Phương quyết định sống độc thân. Thế nhưng, ở cái tuổi bảy mươi này, ký ức ngày xưa trỗi dậy, hình ảnh Thanh cứ hiện về, thôi thúc ông. Ông quyết định tìm Thanh một lần nữa. Sau mấy ngày rong ruổi ở Hải Dương, Hưng Yên, qua cả Vĩnh Phúc tìm vẫn biệt vô âm tín. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã chiều ba mươi Tết, ông đành lên chuyến tàu vét này về thị xã Phú Thọ - nơi bắt đầu tình yêu của ông. Thanh ơi! Anh đang về với em đây, em ở nơi nào hãy đưa đường, chỉ lối cho anh, em nhé.
Tàu lại hú lên hồi còi nữa. Cô gái nhìn đồng hồ. Đã mười giờ đêm. Sắp giao thừa rồi. Tàu đang chạy chậm lại để vào ga thị xã. “Bây giờ ông về đâu?”, cô gái sửa soạn đồ và hỏi ông Phương. Ông Phương giật mình: “Đến rồi hả cháu?”. “Vâng, đến ga thị xã rồi ông ạ!”. Ông Phương bần thần. Thực ra ông cũng chẳng biết đi đâu lúc này cả. Đoán được tâm trạng của ông, cô gái nói: “Cháu mời ông về nhà cháu đón giao thừa, ăn Tết xong rồi sau tính tiếp ông ạ!”. Và như có ai xui khiến, ông Phương lục tục xách ba lô theo cô gái xuống tàu. Quang cảnh ga thị xã đêm cuối năm rộn ràng quá. Bao kỷ niệm trỗi dậy trong ông. Ông lâng lâng bước đi theo sau cô gái trong làn gió xuân đêm giao thừa. Bao kỷ niệm ùa về trong ông. Ga cũ, chốn xưa đây rồi mà người xưa nay đâu hỡi Phú Thọ?
Xe tắc-xi đưa hai ông cháu về đúng trước cửa nhà cô gái. Cả nhà cô mừng rỡ chạy ra đón họ. Cô vội giới thiệu ông Phương với bố mẹ và các em. Biết hoàn cảnh sơ bộ của ông Phương, bố mẹ cô gái vồn vã mời ông vào nhà. Đây là điều may cho gia đình họ. Bởi vì, theo quan niệm nơi đây, năm mới có người đến ăn xin, ở nhờ là rất may cho năm đó. Ông Phương hiểu khá rõ điều này. Hơn nữa, biết đâu, từ gia đình này ông sẽ tìm rõ tông tích bà Thanh. Cho nên, ông khá tự tin bước vào nhà của một gia đình lạ hoắc giữa đêm ba mươi Tết.
Bà nội cô gái cũng ra tận cửa để đón cháu. Mẹ con, bà cháu, chị em líu ríu bên nhau. Đúng là vui như Tết. Cô gái cất chiếc ba lô cho ông Phương. Sau đó, bà cháu họ kéo nhau vào phòng trong. Ông Phương cởi mũ lông, khẽ ngồi xuống ghế. Theo thói quen, ông quan sát ngôi nhà. Bàn thờ bày biện tươm tất quá. Mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, hộp mứt Tết cùng bao nhiêu thứ khác nữa. Chợt ông sững người nhìn tấm hình trên ban thờ. Trời ơi! Ảnh của ông! Ông Phương dụi mắt. Đúng rồi! Chính là chân dung của ông lúc ông hơn hai mươi tuổi. Sau làn hương khói mờ ảo của vòng hương là hình ông đang nhìn mọi người. Từ lúc đó, ông Phương như người mất hồn.
Bố cô gái rót nước mời ông. Hai người hỏi thăm nhau làm quen. Giường bên, mẹ con bà cháu vừa trở ra đang tíu tít với nhau. Vừa chuyện trò, ông Phương vừa quan sát bà của cô gái. Đợi cho bà quay mặt hẳn về phía mình ông Phương nhìn chằm chằm vào gương mặt bà. Rồi ông ú ớ. Trời ơi! Thanh của ông đây rồi! Không thể ai khác được. Khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy, dáng người ấy dẫu năm tháng có làm Thanh già đi nhưng làm sao ông có thể quên được cơ chứ. Trấn tĩnh lại, ông Phương quyết định giành thế chủ động trong câu chuyện.
“Xin phép bà và hai bác đây, tôi hỏi điều này khí không phải. Có phải  ngày trước bà công tác ở ga Phú Thọ không?”. Mới hỏi vậy, cô gái cùng đi với ông Phương đã tròn xoe mắt nhìn ông. “Vâng. Hồi đánh Mỹ tôi làm ở ga thị xã. Sao ông biết?”. “Ngày trước tôi đóng quân ở đây mà. Tôi nhìn bà thấy quen quen. Thế ông nhà ta đâu rồi ạ?”. “Nhà tôi mất lâu rồi! Mất tích trong Nam hồi đánh Mỹ cơ”. “Thế ạ? Xin lỗi, được chia buồn cùng bà. Ông bà được mấy anh chị tất cả?”. “Được mỗi cháu nó đây thôi. May mà có được anh này tôi mới sống được đến ngày nay đó!”.
Ông Phương sởn da gà. Trong lúc mẹ mình và ông khách nói chuyện, bố cô gái sửa soạn ban thờ chuẩn bị cúng giao thừa. Theo dõi câu chuyện giữa hai người, cô gái trân trân nhìn ông Phương. “Có phải tấm ảnh trên ban thờ kia là của ông nhà ta không bà?”. “Vâng. Nhà tôi đấy!”. “Và bà tên là Thanh?”. Cô gái tròn mắt. Cả nhà cô cùng quay nhìn về ông Phương. Quái, cái ông khách lạ này sao lại biết tên bà nhà mình nhỉ? “Vâng. Tôi là Thanh. Sao ông biết?”. Ông Phương không trả lời, hỏi tiếp: “Người trong tấm ảnh kia tên là Phương?”. “Vâng. Đúng rồi! Sao ông biết?”. Tất cả nhà đều ngỡ ngàng trước ông khách có khuôn mặt dị dạng.
Ông Phương lập cập rút trong ví ra tấm hình. “Bà xem bức hình này có giống bức hình trên kia không?”. Bà cầm tấm ảnh ông Phương đưa cho. Cả nhà cùng xúm lại ngắm nghía. Đúng rồi. Một trăm phần trăm, không sai vào đâu được. Đoạn, ông rút trong túi quần ra chiếc móc khóa rất đẹp làm bằng đuya ra xác máy bay Mỹ. “Bà còn giữ cái này chứ?”. Đến lượt bà của cô gái run run. Cầm lấy cái móc khóa của ông Phương trao, bà mân mê xoay lật ngắm nghía. Người bà run bắn lên. “Ông kiếm đâu ra những thứ này thế?”. “Của tôi đó”. Đôi mắt bà nhìn xoáy vào mặt ông Phương. Đoạn, bà với tay lên bàn thờ, nhấc cái đẩu lên và cầm xuống một chiếc móc khóa y hệt cái của ông Phương. Mọi người xúm lại nhìn. Hai cái cùng có chữ PT lồng nhau. Cái của bà thêm chữ P, cái của ông già thêm chữ T. Ông già reo lên xúc động: “Đúng bà là Thanh ga thị xã ngày xưa rồi! Hai cái móc khóa này đã nói lên điều đó. Mỗi cái mỗi nơi đều là Phương Thanh, đều là Phú Thọ. Ghép chúng lại cho có đôi vẫn là như thế, càng như thế phải không bà?”. Đúng là những lời người ấy dặn trước lúc vào Nam đây. “Trời ơi! Ông là...?”. “Thanh! Anh là Phương đây!”.
Hai người lao đến bên nhau. Bốn bàn tay tìm nhau sờ nắn. Bốn con mắt nhìn nhau không chớp. “Đúng là Phương thật rồi!”. Chỉ nói được có thế rồi bà ngất xỉu. Ông Phương đỡ bà Thanh. Cả nhà cuống quýt xúm lại giúp ông. Lát sau, bà mở mắt. Đôi bàn tay bà lại rờ rẫm lên khuôn mặt của ông Phương. “Sao bây giờ anh mới về đây? Sao gương mặt anh lại thế này?”. Bà Thanh sụt sịt. “Chuyện dài lắm Thanh ơi! Anh tìm em khắp nơi mà giờ mới thấy em đây!”. Bà Thanh quay lại nói với mọi người trong nhà: “Chào bố, chào ông đi các con, các cháu!”. Tất cả sững sờ. Ông Phương, dù đã lờ mờ đoán ra cũng không khỏi ngạc nhiên. Họ tròn mắt nhìn nhau.
Bà Thanh cầm tay bố cô gái, nghẹn ngào nói với ông Phương: “Con của chúng mình đây. Cái đêm ở sân ga anh còn nhớ chứ? Nó đấy. Nó cũng tên là Phương. Em đặt tên như thế để mãi mãi nhớ anh, mong anh trở về. Thế mà bây giờ anh mới về! Gọi bố đi con!”.
Ông Phương con tròn xoe mắt nhìn ông Phương bố. Cô gái đi tàu cùng đứa em và mẹ nó cũng bàng hoàng ngỡ ngàng. Bà Thanh nhìn mọi người và nhắc lại lần nữa: “Bố của anh đấy. Đúng thật sự đấy. Bức hình, cái móc khóa kỷ vật và cả vết sẹo ở ngón tay cái bàn tay phải này đã minh chứng điều đó”. Bà mân mê bàn tay ông. Ông Phương thuận tay trái. Từ nãy đến giờ ông cử động tay trái là nhiều. Đúng là có vết sẹo ở ngón cái tay phải ông thật. Cái lần Phương tỉ mẩn cắt gọt, gò hai cái móc khóa bị mảnh đuya ra đâm vào chảy máu sau thành sẹo vẫn còn đây.
“Bố!”. Ông Phương con khó nhọc cất tiếng “bố” trong đời. Họ ôm chầm lấy nhau. Ông Phương bố ràn rụa nước mắt. Bà Thanh cũng khóc rưng rức. Mãi sau, hai người mới tiếp tục câu chuyện của những năm tháng xa nhau.
Sau khi Phương vào Nam, Thanh dần dần bụng mang dạ chửa. Mọi người nhìn Thanh với ánh mắt dò xét. Ngày đó, không chồng mà chửa là điều gì ghê gớm lắm. Chịu không nổi dị nghị, cuối cùng Thanh bỏ nhà ga. Không dám về quê, chị vào khu sân bay này dựng túp lều sinh con. Những lá thư gửi cho Phương đều rơi vào vô vọng. Bảy tám năm trời chiến tranh, hằng đêm Thanh mòn mỏi mong Phương bình an trở về. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, chị gửi con cho hàng xóm, lặn lội vào miền Trung tìm Phương. Mấy chuyến đi đều không kết quả. Chị nghĩ, tuyến lửa ác liệt như thế, với lại hồi yêu nhau, chỉ biết Phương ở Quảng Bình đâu biết huyện nào, xã nào mà tìm? Sau rồi, chị đành chấp nhận số phận, ở vậy nuôi con.
Còn ông Phương bố cũng kể lại câu chuyện của mình mà ông đã kể cho cô gái ở trên toa tàu (bây giờ chính là cháu nội của ông) cho bà và cả nhà nghe. Tất cả đã rõ ràng. Ông Phương nói: “Không hiểu sao, chuyến đi này tôi như có linh tính mách bảo, như có quý nhân dẫn đường. Cảm ơn trời phật đã phù hộ cho tôi tìm lại được em và con và các cháu nữa. Thị xã Phú Thọ thật sự cho tôi trở về rồi!”. Và ông lại ôm mặt khóc.
Cả nhà lặng đi. Mọi người nhìn hai ông bà cùng sụt sịt. Chợt vô tuyến rộn vang tiếng pháo giao thừa. Thằng con trai em cô gái đi tàu hồn nhiên reo to: “Giao thừa rồi! Cả nhà ơi! Chúc mừng năm mới!”.
Mọi người bừng tỉnh. Ông Phương con lóng ngóng với tay lấy thẻ hương châm lửa. Bà Thanh sụt sịt: “Con dỡ tấm ảnh của bố ngày xưa xuống đi rồi thắp nhang!”.
Tiếng pháo trong vô tuyến nổ vang rộn rã. Thị xã cùng lúc bừng lên ánh đèn và tiếng nhạc. Nhà nào nhà ấy bật tung cánh cửa đón xuân về. “Chúc mừng năm mới”. Tiếng ai đó hét vang lan vào không gian. Ông Phương nhìn bà Thanh đắm đuối vẫn không tin đó là sự thật. Tất cả mọi người cứ ngỡ như trong mơ.
“Em ơi! Mùa xuân đến rồi đó!”. Tiếng hát từ chiếc vô tuyến phát ra rộn ràng quá, xôn xang quá.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

THƠ VÀ NHÀ CHÙA

      Ghi chép của Xuân Thu

Đầu xuân trẩy hội lễ chùa là nhu cầu chính đáng, là thú vui của mọi người. Người ta cầu tài, cầu lộc, cầu duyên và cầu bao nhiêu thứ khác nữa. Dòng người trẩy hội du xuân về các lễ hội, các đình, chùa ngày một đông. Hơn mười năm nay, kể từ mùa xuân 2003, giới văn nghệ sỹ cả nước cũng có một ngày hội riêng của mình, đó là ngày Thơ Việt Nam. Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào dịp Tết Nguyên tiêu, thường thì từ mùng mười Tết trở đi là các nơi bắt đầu nhộn nhịp tổ chức ngày Thơ. Đến đúng rằm tháng Giêng là cao trào của lễ hội thơ. Tất bật lắm. Rộn ràng lắm. Thi sĩ du xuân trẩy hội tìm cảm hứng thì còn gì bằng.
Hôm nay, mười sáu tháng Giêng, hòa vào dòng người, tôi cũng du xuân trẩy hội thơ của thành phố ngã ba sông Việt Trì. Ngay từ sáng sớm, du khách thập phương và các thi nhân của đất Tổ đã nườm nượp kéo về chùa Hoa Long để dự ngày hội thơ của thành phố. Đây là đơn vị cấp huyện cuối cùng của tỉnh Phú Thọ tổ chức ngày Thơ Việt Nam sau các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, Lâm Thao và thị xã Phú Thọ. Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh đã tưng bừng khai hội thơ cấp tỉnh hôm 13 tháng Giêng rất hoành tráng và tưng bừng rồi. Việt Trì, thành phố lễ hội và du lịch là đơn vị cuối cùng tổ chức sự kiện này.
Chọn Hoa Long thiền tự - chốn thâm nghiêm cửa chùa để tổ chức lễ hội thơ, đó là điều đặc biệt. Nhà chùa ủng hộ, phật tử phát tâm, du khách vãn cảnh, thi nhân gặp gỡ... Tha hồ đàm đạo thơ văn, việc đời, việc đạo. Ngôi chùa này nằm trên đồi Bạc Nội, gần ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì) được tân taọ ngày 06-3-1007 (Đinh Sửu). Qua bao cuộc chiến tranh, thiên tai giặc giã, ngôi chùa bị phá hủy rồi được trùng tu, tôn tạo 3 lần vào các năm 1749, 1847, 1995 và khang trang, hiện đại, thâm nghiêm như ngày nay. Khách đến chùa khá đông. Đủ các màu sắc trang phục. Người cà vạt, comple, kẻ nâu sồng tràng hạt; người áo dài truyền thống, kẻ quần bò áo phông, người ô tô con, kẻ xe máy, người xe đạp, kẻ đi bộ... ai ai cũng háo hức, thành kính đến chùa, đến với hội thơ.
Buổi sáng, ban tổ chức tiến hành ba cuộc thi thơ tại chỗ. Sáng tác thơ lục bát về chủ đề quê hương Phú Thọ; thi thơ Bút Tre; ứng tác thơ Đường Luật. Có quá nhiều người thử sức đua tài. Ban giám khảo phải tập hợp bài vở dành giờ nghỉ buổi trưa để chấm, trong lúc các thi nhân, du khách, con nhang đệ tử thụ hưởng cơm chay nhà chùa. Đông quá. Vui quá. Nhiều người lần đầu tiên thưởng thức cơm chay cứ vừa nhấm nháp nhai vừa gật đầu tấm tắc khen ngon. Công nhận nhà chùa tài chế biến. Nhìn các món ăn cứ như thật. Cũng giò lụa, chim quay, cũng chả chiên, thịt gà... nhưng tất cả đều được chế biến từ bột gạo và đậu phụ thì phải.
Buổi chiều mới chính là hội thơ. Quan khách đến khá đông. Tôi thấy có cả giáo sư tiến sỹ Nguyễn Lân Hùng, nhà báo nghệ sỹ Bành Thông, nhà thơ Trần Nhương, đoàn văn nghệ sỹ Hà Nội, báo Người cao tuổi... Các đội văn nghệ của thành phố lỉnh kỉnh đạo cụ, nhạc cụ, trang âm, rực rỡ xanh đỏ tím vàng của trang phục biểu diễn. Thử máy, lựa đàn so dây. Trang điểm phấn son, áo váy. Máy ảnh, camera thi nhau tranh thủ lấy góc quay, tìm thế chụp. Bên phải lối cổng vào là hai dãy pano thơ đủ sắc màu, khoe đủ các kiểu thơ, chân dung. Tay bắt mặt mừng chuẩn bị cho buổi giao lưu thơ nhạc. Ngay dưới phông chính, ban tổ chức trải mấy cái chiếu làm nơi cho nghệ sỹ, nghệ nhân biểu diễn. Đúng kiểu trải chiếu giữa sân đình, sân chùa, giữa làng để mở hội.
Nhạc nổi lên. Trống phách tưng bừng, nhị, đàn í éo. Các tiết mục lần lượt được trình diễn. Sân chùa chật cứng người xem. Ban tổ chức đã chuẩn bị rất nhiều ghế nhựa nhưng cũng không đủ chỗ. Một số phải đứng trên hiên chùa, trèo lên cây, đứng nghển cổ lên để xem. Xen giữa các tiết mục ngâm thơ là các bài thơ được chuyển tải cách thể hiện như hát ca trù, hát xẩm, hát xoan, hát chầu văn, hát ca mới... Chi hội trưởng chi hội thơ Hội Liên hiệp VHNT tỉnh đồng thời là Chủ tịch Hội VHNT thành phố Việt Trì khăn xếp áo the, guốc mộc trực tiếp gõ trống chầu cho tiết mục ca trù khai hội thật ấn tượng và đặc sắc. Nhà báo Ngô Lâm đã nghỉ hưu ôm ghi ta hát xẩm bằng chính bài thơ của mình. Nhạc sỹ Trịnh Hùng Khanh cùng các nhà giáo Chiến Quốc và hai nhà giáo nữa đều ở tuối trên 70 hát vang ca khúc về biển của Trịnh Hùng Khanh khiến mọi người cùng vỗ tay rầm rập thật khí thế. Màn hát văn sôi nổi, lôi cuốn mọi người vào cõi hư ảo của ngôn từ thi ca và chốn linh thiêng của Phật.
Đặc biệt nhất phải kể đến tiết mục hát dân ca, ca cải lương của sư già Thích Diệu Liên. Khi MC giới thiệu sư già tham gia giao lưu, mọi người ai cũng phấn khích. Đến khi người bước ra sân khấu là một sư còn rất trẻ và rất...xinh nữa thì tất cả cùng ồ lên ngỡ ngàng. Sao bảo là “sư già” cơ mà. Nhà sư phải tươi cười giải thích rất có duyên rằng: nhà sư đã học và đỗ đạt để được gọi là sư thầy rồi nhưng vì chùa Hoa Long này đã có sư thầy và chính sư thầy này đã đào tạo nhà sư có được như ngày hôm nay nên trong giáo Phật không thể có chuyện một chùa hai sư thầy và không cho phép thầy trò bằng nhau gọi là “sư thầy” nên phải gọi chệch đi là “sư già”. “Sư già” chẳng qua là một thứ bậc trong ngạch tu hành của đạo Phật. Cho nên, tuy là sư già những tuổi còn rất trẻ. Mọi người cùng gật gù “thì ra là như thế”.
Và nhà sư bắt đầu hát. Điệu “Hát ru” dân ca Phú Thọ, sau đó là “Ngồi tựa mạn thuyền” dân ca quan họ Bắc Ninh. Tiếp đến là bài vọng cổ Tình Mẹ. Tiếng hát của nhà sư cuốn hút mọi người. Đàn sáo hòa theo. Mọi người vỗ tay cùng giữ nhịp. Không ngờ nhà sư lại hát hay đến thế, duyên dáng đến thế, chuyên nghiệp đến thế. Bị bất ngờ trước phong thái biểu diễn và giọng hát rất chuyên nghiệp và bài bản của nhà sư này, tôi như cũng mê đi cùng câu hát và ánh mắt điệu cười của nhà sư. Bụng thầm nghĩ: sao trốn đường đời để theo đường tu thế...nàng ơi! Cứ thế này liệu bao giờ mới thoát tục?
Hát xong, nhà sư lại kể về sự tích lễ Vu Lan trong việc liên quan đến bài ca vọng cổ Tình Mẹ ban nãy. Thế là thêm một lần nhà sư giảng giải về đạo hiếu. Một sự kết hợp rất khôn ngoan, rất có tình, có lý. Tiếng vỗ tay không ngớt. Nhiều tiếng “A di đà Phật” xen lẫn khiến người tôi lâng lâng. Bao nhiêu là hoa tặng cho nhà sư. Sư già Thích Diệu Liên chắp tay cúi chào khán giả và bước vào nhà chùa. Tôi nhanh chân rời ghế đại biểu bám theo nhà sư.
Một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng bên thềm ngôi chùa. Nhà sư tươi cười rất duyên dáng, cởi mở trả lời rành rẽ từng câu hỏi của tôi. Có lúc tôi hỏi xoáy, cố tình khai thác những góc khuất của nhà sư nhưng sư già Thích Diệu Liên cười trả lời rất ý nhị. Qua cuộc trao đổi, tôi được biết, nhà sư Thích Diệu Liên đi tu từ năm 20 tuổi và đã ở ngôi chùa này 10 năm. Trong 10 năm đó, nhà sư đã hoàn thành khóa học trung cấp 4 năm và đang theo học đại học Phật giáo được 4 năm rồi. Tổng cộng là có tới 8 năm học về giáo lý Phật pháp. Nhà sư quê ở xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Trước khi đi tu, nhà sư đã kịp tốt nghiệp trung cấp văn hóa nghệ thuật của tỉnh. Thảo nào mà hát hay thế, đúng nhạc đến thế, chuyên nghiệp đến thế. “Lý do nào khiến nhà sư đi tu?”, tôi hỏi. Sư già Thích Diệu Liên cười ý nhị: “Hồi đó, cháu học xong trung cấp văn hóa nghệ thuật có đi giảng dạy văn nghệ cho các chùa. Thế rồi, chính nhà chùa lại giác ngộ cho cháu về giáo lý đạo Phật. Thế là tin, là theo. Nó là cái duyên đó chú ạ!”. Rồi cười. “Tết vừa rồi nhà sư có về quê ăn Tết với gia đình không?”. “Không. Sao về được. Đi tu thì chùa là nhà mà chú”. “Sư già thấy việc tổ chức ngày thơ ở chùa này thế nào?’. “Hay lắm. Tốt lắm. Thơ hướng con người ta tới cái đẹp, cái chân, thiện, mỹ. Nhà chùa cũng vậy khiến chúng sinh tới cõi tĩnh tâm, tới cái thiện, cõi bằng an vĩnh hằng. Cho nên, thơ và đạo Phật cũng có cái chung đó đó. Tổ chức sinh hoạt thi ca, hát chầu văn, ca trù, hát xẩm trước cửa chùa đầu năm mới là một sinh hoạt văn hóa rất nên làm”. Tôi gật gù tâm đắc trước câu trả lời của “sư già” Thích Diệu Liên. Câu chuyện vừa đến đó thì sư thầy gọi “sư già” có việc. Sư già cáo lỗi để đi lo công việc nhà chùa. Tôi ngẩn ngơ trước dáng đi thanh thoát, duyên dáng của sư già Thích Diệu Liên rồi tự nhiên buông một tiếng thở dài chẳng hiểu vì sao mình lại như thế.
Ngoài kia, tiếng đàn, lời hát, giọng ngâm vẫn thánh thót, dìu dặt ngân vang. Nhà thơ, khách thơ, phật tử, tăng ni... đang thả hồn mình theo những vần thơ tỏa lan trong gió. Biển đảo và Tổ quốc bình yên, tự tại, thiêng liêng như ngôi chùa cổ kính trong cõi Phật trầm tư không không sắc sắc này. Thi sĩ ơi! Có cảm hứng nào đến và thăng hoa trong anh, trong chị chưa? Hãy cứ thành tâm trước cửa chùa này, nhìn sư già Thích Diệu Liên thanh thoát kia chắc chắn nàng Thơ sẽ đến. Khai bút đi! Viết đi! Hãy viết những câu thơ về đất nước, về con người, về tình yêu, về tự do và hạnh phúc cho bình yên mãi mãi vĩnh hằng trên quê hương chúng ta...
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NẮNG XUÂN

Tản văn của Xuân Thu

Sau những tháng ngày âm u, hết mưa phùn gió bấc lại “mưa xuân phơi phới bay”, cuối cùng trời đã nắng. Đang co ro trong rét, nào áo dạ, áo len, nào tất chân, găng tay... hôm nay, tôi bỗng chợt cảm thấy khoan khoái ấm áp lạ thường. Cởi tung áo khoác, khăn tất, bỏ hết giày dép, cứ để chân trần, phong phanh như thế, tôi chạy ào ra sân giơ tay đón nắng. Nào đâu chỉ có tôi, hầu như từ người già đến trẻ con trong xóm đều hân hoan như thế, đều hớn hở đón chào nắng xuân.
Chim chóc ở đâu kéo về ríu rít ngoài vườn. Ong bướm rì rào lượn bay trên các vòm hoa vải, hoa bưởi, hoa xoài... Hình như đây là lúc hoa được dịp nở bung hết cỡ. Tôi mê mải ngắm những chùm hoa bưởi trắng muốt nở bung như những bỏng ngô rang ngoài vườn. Đã thấy chúng rụng trắng cả mặt đất quanh gốc cây. Hương bưởi ngào ngạt thơm quyến rũ. Hoa xoài tùng chùm vàng xuộm, lấm tấm những nhị đen điểm xuyết càng làm cho nó thêm duyên dáng kiêu kỳ. Hoa vải từng chùm đan vào nhau khiến cho cả cây vải như một vầng hoa mâm xôi mời bướm, gọi ong về. Tiếng ong kêu vi vu thích lắm. Mấy hôm trước trời mưa, vườn nhà tôi đâu có cảnh này. Không khí ẩm thấp, nặng nề. Khu vườn trầm mặc, lặng im trong gió rét. Thế mà hôm nay, nắng ấm vừa bừng lên, hoa thì khoe sắc đua hương, chim thì véo von ríu rít, ong thì lượn bay vo ve, bướm lại chập chờn vờn hoa trong nắng.
Trong vườn thì thế, ngoài đồng cũng ngập tràn nắng xuân. Lúa đang thì con gái như xanh hơn trong nắng. Cả cánh đồng miên man xanh. Lớp lớp sóng lúa đuổi nhau trong nắng gió xuân. Năm nay, nước đủ, rét vừa độ, cấy đúng thời vụ nên lúa cứ mơn mởn xanh. Mấy bác nông dân thăm đồng, đứng chống cuốc nhìn trời, nhìn lúa mà hởi lòng hởi dạ. Chắc chắn mùa này sẽ bội thu đây. Cùng với lúa là khoai, là ngô, là rau và đủ các thứ hoa màu khác. Cây nào cây nấy đều xanh rờn hớn hở, rung rinh trong nắng gió xuân.
Nắng xuân dễ nhận biết nhất trong các nắng trong năm. Không gay gắt như nắng hè, không vàng mơ như nắng thu, không yếu ớt như nắng đông, nắng xuân nồng nàn lắm. Nó bừng lên như đánh thức muôn loài. Thì sau bao tháng ngày ngủ đông như thế, tháng giêng âm u, lui phui mưa xuân như thế, tự nhiên có ngày nắng đẹp bảo sao mà không đột ngột bất ngờ? Từ rét sang ấm, từ ẩm ướt sang khô ráo, từ âm u sang sáng bừng lên bảo sao mà không ngỡ ngàng kỳ lạ?
Hình như khi nắng xuân về mới đúng nghĩa là mùa xuân nhất. Lộc biếc ngàn mắt lá. Thơm ngát sắc ngàn hoa. Nắng như thoa một lớp phấn trắng long lanh lên tất cả mọi vật. Cây cối, súc vật, con người đều hớn hở cùng nắng xuân. Các cụ già lọ mọ ra sân đón nắng. Trẻ con tung tẩy chạy nhảy nô đùa. “Trong làn nắng ửng khói mơ tan”, thiếu nữ óng ả khoe những đường cong để gió xuân cũng bồi hồi trêu đùa sột soạt tà áo biếc. Trai tân quần bò, áo phông để cơ bắp cứ cuồn cuộn, ngực cứ nở nang phô phang cùng nắng mới.
Nắng xuân về gọi chiếu chăn ra hong, gom quần áo rét để giặt giũ cất dọn. Ngoài sân, trên tầng thượng la liệt những chăn cùng chiếu, những áo dạ, quần thun... Hình như tất cả những đồ chống rét được dịp phơi bày điểm danh sau một mùa đông lạnh giá. Có người dùng gậy đập giũ chiếc chăn bông, chiếc nệm Hàn Quốc để xua đi bụi bặm, xua đi cái giá lạnh. Tít trên cao kia, ông mặt trời như đang cười lấp lóa. Thật diệu kỳ nắng xuân.
Tôi đứng trên tầng cao ngẩn ngơ ngắm nhìn làng quê trong nắng gió xuân. Tự nhiên, trong lòng tôi vang lên những câu hát tuyệt vời trong ca khúc của nhạc sỹ Trần Chung. “Em ơi mùa xuân đến rồi đó. Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời. Nghe không gian mênh mang trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời. Xuân ước vọng ngàn năm lại tới. Nghe lòng vui phơi phới. Kìa em! Nắng đã lên rồi! Mừng xuân hát lên thôi!”.
Vâng, nắng đã lên rồi, ta cùng hát lên em nhé! Hát lên để đón chào nắng xuân!

                X.T
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

SẤM ĐẦU MÙA

Tản văn của Xuân Thu

Hôm nay, đang giữa buổi chiều mà trời bỗng nhiên tối sầm lại. Mây đen vần vũ kín đặc bầu trời. Đột nhiên lạnh. Khí lạnh ở đâu đó lan tới khiến tôi khẽ rùng mình. Mấy hôm trước, ngỡ tưởng qua được mùa rét rồi, nắng nồm đã lên rồi, chăn đệm, áo ấm cũng đã cất rồi, thế mà hôm nay lại rét ngay được mới lạ chứ. Đúng là ông trời. Nắng mưa cứ như trở bàn tay. Vẫn biết là tháng ba sẽ có rét nàng Bân, ấy vậy mà vẫn có cảm giác khá bất ngờ.
Rồi gió nổi lên. Và mưa rơi lộp bộp. Điện cũng tự nhiên tắt phụt. Cả làng tối om om. May mà nhà tôi vừa ăn cơm tối xong. Chợt có tiếng ào ào ràn rạt vọng tới. Như có ai chạy. Như có ai đuổi. Đông lắm. Rồi mưa. Mưa như trút nước. Chớp lóe sáng soi rõ một sân nước, một trời nước. Trắng lấp loáng. Và sấm. Sấm nổ rền trời. Cả nhà tôi ai cũng ngỡ ngàng khi nghe tiếng sấm. Lâu lắm rồi mới lại có chớp, có sấm như thế. Tiếng sấm ùng oàng nối nhau. Tiếng nọ chưa dứt thì lại đến tiếng kia tiếp theo. Sấm sau đè lên, nối tiếp sấm trước. Chúng như đuổi nhau trên trời. Bầu trời náo động. Sấm nhỏ, sấm to tranh nhau thể hiện. Đang rét vậy mà nghe tiếng sấm, người tôi bỗng ấm hẳn lại. Lòng tôi tự nhiên vui lên. Háo hức lắm. Giá như ban ngày, giá như còn trẻ thì tôi sẽ chạy ào ra sân đầm mình trong mưa, giơ tay lên trời mà reo hò, mà nhảy cẫng lên để đón sấm đầu mùa.
Mùa mưa bão, nghe sấm sét sợ lắm. Hễ dông bão nổi lên thì y như rằng sấm sét sẽ hoành hành. Mùa khô, cả mấy tháng trời ông sấm bà chớp trốn tiệt đi đâu hết cả. Bầu trời vẫn xám xịt. Mây đen vẫn vần vũ. Gió vẫn thông thốc thổi. Ấy vậy mà không hề có chớp, có sấm mới lạ chứ. Theo đó, mưa cũng rất hiếm. Chẳng có trận nào mưa to. Toàn “mưa phùn gió bấc” với “mưa xuân phơi phới bay”. Thì thế mới gọi là mùa khô. Qua giêng hai, đến tháng ba thì tiết trời thay đổi hẳn. Đòng đưa lắm. Đỏng đảnh lắm. Đúng kiểu bấc nồm dan díu, nắng mưa dùng dằng. Cũng là giao mùa nhưng giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa lại chỏng chảnh như thế đó.
Mùa mưa đến bắt đầu bằng tiếng sấm. Sấm rền vang trên trời loan báo cho vũ trụ, cho mọi người, mọi vật rằng mùa mưa đã tới. Tiếng sấm đầu mùa như trống trời mở hội. Cỏ cây hoa lá giật mình bừng tỉnh giấc đông. Con người, con của hớn hở, hân hoan đón chào tiếng sấm. “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm mở cờ mà lên”. Đang âm u, đỏ lá, nghẹn rễ như thế, cây lúa được mưa rào đầu mùa, được lượng đạm trời bổ sung bảo sao không “mở cờ mà lên” được. Hồi nhỏ, tôi không biết bản chất của hiện tượng này là thế nào, chỉ thấy bố mẹ tôi nghe tiếng sấm và đọc hai câu ca dao đó, rồi sau đó thì thấy lúa xanh rờn lên mà vui thôi. Sau này đi học, được các thầy cô giáo giải thích tôi mới vỡ lẽ. Thì ra, sấm chớp đã phóng tia lửa điện để thực hiện chuỗi phản ứng hóa học cho khí ni-tơ trơ trong tự nhiên kết hợp được với o-xy, với nước để thành đạm ni-tơ-rát cung cấp thức ăn cho cây.
“Tháng ba mưa rào hồ ao đầy nước”. Trên trời là sấm động. Dưới đất là ếch kêu. Tiếng ếch cũng rộn ràng lắm. Cũng như sấm, chúng trốn tiệt mấy tháng mùa đông, đến khi mưa rào thì xuất hiện. Khi cơn mưa vừa ngớt, cả cánh đồng râm ran tiếng ếch. Chúng gọi bạn tình. Chúng vào mùa sinh nở. Sấm đầu mùa đã truyền cảm hứng và niềm yêu thương cho chúng. Thôi thì ếch nhai, ễnh ương, chẫu chuộc...đua nhau tấu khúc tình ca cùng sấm đón mùa mưa về.
Thường thì sấm đầu mùa rải rác có từ cuối tháng hai âm lịch. Thậm chí, có năm, ông trời phởn chí cho sấm về ngay từ tháng chạp, khi mùa xuân đang thập thò trước ngõ. Tuy nhiên, hiện tượng này khá hiếm. Nếu có cũng chỉ đơn lẻ, sau đó phải chờ đến tận tháng ba sấm mới rầm rộ và mùa mưa mới thật sự bắt đầu. Có người nói sấm trước bữa ăn thì đói, sấm sau bữa ăn thì no. Tôi chẳng biết điều đó có đúng không nhưng cứ nghe tiếng sấm đầu mùa là khoái lắm rồi. Đến cỏ cây hoa lá cũng rung rinh, cũng vờn trong gió trong mưa mà chào đón sấm nữa là loài ếch nhái và con người.
Sấm và mưa rào tới nghiệm nhất là vào dịp tết bánh trôi, mùng 3 tháng 3. Mưa nổi bánh trôi cơ mà. Và sau lễ hội Đền Hùng. Hình như, năm nào cũng vậy, cứ giỗ Tổ Hùng Vương xong thì đêm 10 tháng ba sẽ có một trận mưa thật to, sấm chớp thật ròn rã. Vì thế mà người dân quê tôi gọi trận mưa đó là “mưa rửa đền”. Sấm trong trận mưa đó rền vang lắm, hoành tráng lắm, vui lắm. Nó như tiếng cười của trời, tiếng trống đồng của đất, như lộc của Vua Hùng ban, như hân hoan lòng người và tốt tươi vạn vật.
Và đêm nay, sấm đang ùng oàng, ròn rã trên trời kia. Lúa mở cờ mà lên. Lòng tôi cũng mở cờ mà vui. Trời mở hội lấy sấm làm tiếng trống chào đón mùa mưa đến. Năm nay, sấm sớm, mưa rào sớm chắc hẳn vụ chiêm xuân tới sẽ bội thu đây. Tiếng sấm rộn vào lòng tôi khiến nhịp tim tôi cũng tưng bừng, hồi hộp quá. Ơi tiếng sấm đầu mùa quê tôi!
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

http://sphotos-a.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash3/p480x480/64115_118223601706097_136627918_n.jpg


“CHOẼ BÒ” ĐI HỘI… THẢO

Cuối tuần trước, đang chăn bò trên đồi, cái Choè, con gái em cầm cái giấy mời rất đẹp, thơm phưng phức chạy lên đưa cho em bảo em phải về ngay để đi dự hội thảo khoa học văn học nghệ thuật ở Hải Dương, các bác ở Hội Văn nghệ tỉnh đang chờ. Em sướng đến run người, cứ để nguyên quần áo thế bắt xe ôm một mạch về tỉnh. Hội thảo khoa học văn học nghệ thuật, hai cái “học” cơ à? Oách đấy nhỉ? Tầm cỡ đấy nhỉ? Dưng mà… hội thảo gì em, cái ngữ em mà được hội thảo ư? Chẳng qua là các bác văn nghệ quý em cứ có cuộc vui nào là lôi em đi đấy chứ. Thôi thì, mình chẳng vương tướng gì cũng là “nhà doanh nghiệp nuôi bò”, điển hình làm kinh tế của xã Cổ Cò có cớ cho các bác văn nghệ tự hào khoe với bè bạn. Những lần đầu đi với các bác ấy em ngượng lắm, về sau tự tin dần và em đâm… nghiện. Hễ các bác ấy ới cái là em đi luôn, mặc kệ lũ bò cho vợ con em ở nhà chăn thả.
Eo ơi! Đến nơi em mới thấy hết tầm cỡ của cuộc hội thảo. Toàn các bác nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà đài, nghệ sỹ, hoạ sỹ, kịch sĩ, thi sĩ, xiếc sĩ… ai nấy đều oách si mo lắm. Những mấy tỉnh cơ mà! Có cả trung ương nữa nhé. Người nào người nấy com-pờ-lê, cà vạt, giày mõm nhái bóng lộn. Máy ảnh, ca mê ra, láp tốp, máy ghi âm, cặp nọ, túi kia… lỉnh kỉnh quanh người. Đặc biệt, đội chủ nhà toàn các em đẹp như tiên sa, cá cảnh. Em nào em nấy cười như hoa nở, nói như hát hay, nhìn như Mầu thị lúng la lúng liếng chết điếng cả người. Tên toàn ở trên giời mới sướng chứ. Nào là Hằng Nga, Tuyết Mây, nào là Hải Vân, Thương Huyền (những hai Huyền cơ nhé), lại còn Kim Xuyến với em gì trông như phó chủ tịch tỉnh nữa cơ. “Choẽ bò” em cứ há hốc mồm, trợn tròn mắt ra mà ngắm. Đến nỗi, ông chủ tịch hội văn nghệ tỉnh em phải nhắc khéo em mới tỉnh ngộ. May mà vợ em không có mặt, nếu không thì…
Không khí hội thảo trang nghiêm, long trọng vô cùng. Chủ đề bàn về xây dựng phong trào hội văn nghệ, kinh nghiệm tổ chức các trại sáng tác, giới thiệu, công bố tác phẩm và phát triển tạp chí văn nghệ địa phương. Toàn những vấn đề nhớn cả, Choẽ bò em “lơ ngơ như bò đội nón” vào hội thảo. Em rón ra rón rén ngồi cạnh bác chủ tịch hội tỉnh nhà. Sau đề dẫn của ông “chủ tịch tỉnh phụ trách văn học nghệ thuật” Hải Dương, các “nhà” đua nhau phát biểu. Tham luận nào cũng hùng hồn. Cái nào cũng khúc triết. Choẽ bò em nghe ù cả tai, hoa cả mắt, chóng cả mặt. Tuy vậy, em cũng cố phải giữ tư thế của mình, thi thoảng gật gật cái đầu ra vẻ rất hiểu, rất tâm đắc với diễn giả. Khoái nhất là lúc mấy anh truyền hình chõ ống kính về phía em. Lúc thì em cười hết cỡ, lúc lại làm ra vẻ trầm tư suy tư vấn đề hệ trọng gì đó. Phen này dứt khoát mình sẽ được lên truyền hình. Tự nhiên được lên ti vi. Tự nhiên thành người nổi tiếng. Dân Cổ Cò chuyến này sẽ biết mặt Choẽ bò nhá. Đừng xem thường mãi ông đi. Ông đi hội thảo khoa học văn học nghệ thuật đây nè, đừng có đùa nhé. Đấy, toàn các “nhà” văn nghệ sỹ ngồi cạnh ông đấy. Oách si mo chưa? Nghĩ đến điều này Choẽ bò em khoái lắm chẳng biết xung quanh họ đang bàn thảo cái gì nữa.
“Xin mời đoàn Phú Thọ lên tham luận!”. Đang mơ màng thì em loáng thoáng nghe được câu ấy. Bác chủ tịch hội tỉnh em vỗ vai em và nói với chủ tịch đoàn: “Tỉnh tôi cử bác Văn Sỹ Choẽ thay mặt đoàn phát biểu”. Em giật bắn mình đánh “pách” một phát, mặt ngây như ngỗng ỉa hết nhìn bác trưởng đoàn lại nhìn mọi người. Trăm con mắt đổ về phía em. Em nhìn bác trưởng đoàn cầu cứu. Ai dè, bác ấy ghé tai em thì thào: “Bác mạnh dạn lên, có gì nói nấy. Tự do thảo luận mà. Em biết bác giỏi nói nên tin tưởng cử bác đấy. Bác tự tin vào, tươi tỉnh vào cho phóng viên nó ghi hình, lên ti vi nó mới hoành tráng”. Nhắc đến được lên ti vi, tự nhiên em dũng cảm hẳn. Chỉnh đốn trang phục, em hùng hổ, xấn xổ bước lên bục.
“Kính thưa các quý vị! Kính thưa hội nghị! Thưa toàn thể hội thảo! Thưa các bác truyền hình! Em là Choẽ bò, à quên Văn Sỹ Choẽ, xin mạnh dạn tham luận như sau. Chủ đề các bác đưa ra lớn lắm, thiết thực lắm song em xin bàn đến một vấn đề khác cũng liên quan đến văn học nghệ thuật. Vấn đề này có ý nghĩa lớn lao em đã dành tâm huyết dày công nghiên cứu nó. Đó là mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và sự phát triển của loài bò”.
Có tiếng cười rộ lên. Mấy vị chủ tịch đoàn nhớn nhác. Chủ tịch hội văn nghệ tỉnh em nhìn em khích lệ. Choẽ bò em tiếp tục: “Thưa các vị. Quả đúng vậy. Văn học nghệ thuật đã giúp cho loài bò phát triển, tăng trưởng nhanh chóng, đông đàn dài lũ hẳn ra. Thơ ca, nhạc hoạ có ảnh hưởng thế nào với loài bò ư? Có đấy. Bò nghe thơ sẽ thuần tính hơn, ánh mắt chúng dành cho nhau, nhất là giữa bò cái và bò đực sẽ thân thiện, đáng yêu hơn y như trai gái yêu nhau vậy. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh bò nghe nhạc sẽ tiết ra nhiều sữa hơn. Nhờ đó mà khả năng nuôi con, sản lượng sữa sẽ tăng lên rất nhiều. Màu sắc cũng có ảnh hưởng rất lớn tới tính tình của loài bò. Thì đấy, màu đỏ đã làm lũ bò tót điên lên lao vào húc chết người đấy là gì. Thi đấu bò tót người ta dùng tấm vải màu đỏ để kích thích tính chiến đấu của chúng đấy, các bác ạ”.
Tiếng vỗ tay nổi lên. Chuỗi cười nối đuôi nhau bật ra. Hay! Thế mà bấy lâu nay chẳng có ai để ý đến vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật với sự phát triển của loài bò. Trông lão này củ mỉ cù mì thế mà phát biểu hay đáo để. Khéo chắp bút có cơ trở thành đề tài khoa học cũng nên. Ăn hàng trăm triệu công trình, đề tài ấy chứ bỡn à?
Được đà, Chõe bò em có thêm cảm hứng hăng hái khoa chân, múa tay nói tiếp: “Đấy là tôi mới nói đến ảnh hưởng của văn học nghệ thuật đến loài bò, bây giờ tôi xin nói đến vế ngược lại. Tức là bò đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật”.
Hội trường tự nhiên im bặt. Mọi người trố mắt nhìn nhau và nhìn em. Lộng ngôn. Quá đà rồi đấy. Láo quá. Bò mà lại đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật à? Có ngu như bò thì có. Ai đó bật ra những lời bức xúc. Không quan tâm đến những chi tiết đó, em tiếp tục: “Các vị cứ bình tĩnh. Đúng là bò có những đóng góp to lớn vào sự phát triển văn học nghệ thuật thật đấy không như các vị nghĩ đâu. Thứ nhất, bò tạo niềm cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sỹ. Em chỉ lấy hai ví dụ thôi. Ví như nhà thơ Tố Hữu có bài thơ rất hay em không nhớ đầy đủ đại để là tả cảnh đàn bò đủng đỉnh ngắm núi Ba Vì mà hồi phổ thông em đã được học này. Ví như nhà văn Hồ Phương có tác phẩm Cỏ non cũng chẳng lấy cảm hứng từ đàn bò của anh hùng Hồ Giáo đấy là gì? Vân vân và vân…”
Có người gật gật cái đầu. Có lẽ thế thật. Choẽ bò em nói tiếp: “Thứ hai, bò vừa tạo cảm hứng tức thời cho văn nghệ sỹ vừa tăng cường sức khoẻ, gây cảm hứng dây chuyền cho họ sáng tác nữa đấy”.
Lại ồn ào. Vô lý đùng đùng. Chỉ được cái vơ vào. Bò thì làm được cái chó gì mà tăng cường sức khoẻ? Choẽ bò em đủng đỉnh: “Có đấy. Sữa bò chẳng hạn? Rồi thì là… phở tái bò, nạm gàu, xách gàu, xúc xích, sốt vang, giò bò… đủ thứ làm từ bò mà các bác văn nghệ sỹ khoái khẩu cộng với rượu, từ đó mà ra thơ, ra văn, mà hoạ, mà nhạc. Đúng không ạ? Sáng ra, các bác cứ đến những quán phở bò khắc biết. Thơ văn, hát hò ở đó nhiều lắm. Toàn văn nghệ sỹ ta cả đấy. Chẳng những thế, bò còn làm mã, tạo dáng cho các bác nghệ sỹ. Thì đấy, quần bò, áo bò tuy không từ bò thật thì cũng từ bò đấy chứ? Em còn đang tư duy xem giữa công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật có liên quan, ảnh hưởng gì đến loài bò nữa không cơ. Chắc là có. Vế một, bò tác động đến phê bình lý luận thì đúng rồi nhưng vế hai cơ? Vế mà phê bình lý luận có tác động gì đến bò không cơ? Thôi, để em nghiên cứu tiếp có dịp em sẽ trình bày sau. Xin cảm ơn các bác rất nhiều!”.
Choẽ bò em nở nụ cười rất tươi và đánh mắt về ống kính ghi hình. Tiếng vỗ tay rào rào nổi lên. Có ai đó thở phào.
Từ đó trở đi em như người đi trên mây. Mà bay trên mây mới đúng các bác ạ. Bài tham luận hay thế cơ mà, ống kính truyền hình rồi máy chớp ảnh cứ chiếu vào em mà quay, mà chụp thế cơ mà. Rồi các em xinh đẹp như tiên sa, cưỡi mây cùng em nhìn em như một vị anh hùng thế cơ mà. Chao ôi! Từ bé đến giờ em mới có giây phút hạnh phúc đến thế.
Lúc này đây, ngồi ghi lại cảnh tượng ngày hôm ấy mà tim em vẫn đập “bùng bục” đây này. Mặc kệ cho lũ bò bị nhốt ở chuồng vì mưa đang rống lên em vưỡn tưởng tượng về cái hội thảo ngọt ngào ấy. Chả tin các bác cứ hỏi ông chủ tịch hội văn nghệ tỉnh em và những người dự hội thảo hôm đó thì sẽ rõ.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

ĐI TÀU BAY

Truyện vui của Xuân Thu

Tuần trước, “Choẽ bò” em được theo các bác lãnh đạo Hội Văn nghệ tỉnh đi tàu bay vào Khánh Hoà để đón đoàn văn nghệ sỹ của tỉnh dự trại sáng tác văn học nghệ thuật Nha Trang về. Lần đầu tiên được đi tàu bay nên nhà em sướng lắm. Cũng do có nhiều thành tích trong xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ý chí vươn lên thoát nghèo của em mà các bác lãnh đạo Hội ban cho cái đặc ân ấy.
Hôm trước cả nhà em long trọng tiễn em đi “công tác” linh đình lắm. Vợ em thì khỏi nói rồi, trông bà ấy dễ chừng trẻ ra đến dăm tuổi. Bà con lối xóm đến chia vui, chúc mừng mà nàng cứ lúng ta lúng túng như gái mới về nhà chồng, chẳng biết việc nào làm trước việc nào làm sau. Đôi má nàng ứng hồng. Cặp mắt thì… lúng la lúng liếng, thi thoảng liếc nhìn em có vẻ rất xấu hổ mới chết chứ. Lâu lắm rồi, em mới thấy nhà em có biểu hiện “đáng ngờ” ấy. Tuy nhiên, đêm ấy dứt khoát em không làm gì bởi các cụ dặn đi đâu xa phải đặc biệt kiêng kỵ cái chuyện ấy, đằng này em lại đi tàu bay nữa thì… kiêng là quá đúng. Bà “Choẽ bò” nhà em ấm ức lắm dưng mà… biết làm sao được. Em phải “bản lĩnh” lắm mới vượt qua được cái rang giới mong manh đó.
Để khỏi bị lạc hậu với thiên hạ và cho “bằng chị, bằng em”, cái Choè nhà em đã “cho bố mượn cái di động cho oách”. Nó nói: “Bố suốt ngày theo đít đàn bò rồi, vì chúng con mà bố phải thế. Mai bố đi công tác với các nhà văn, nhà thơ tỉnh, toàn các văn nghệ sỹ nhớn cả, phải đường hoàng kẻo các bác ấy chê cười. Chả gì bố cũng là điển hình làm kinh tế của xóm. Bố cầm cái “Nó kìa” của con cho nó đúng tầm. Ra ngoài nó phải thế”. Và nó cấp tốc tập huấn cho tôi cách sử dụng.
Cu Chụm thì cứ lẽo nhẽo bám quanh dặn đi dặn lại rằng bố phải mua quà nhiều cho con vào. Lên máy bay, ra biển, vào trong đó bố phải chú ý quan sát rồi về kể lại cho cả nhà nghe. Cháu nó vốn có năng khiếu văn học nên rất thích quan sát và có tâm hồn mơ mộng lắm. Chẳng bù cho em, “bồ dục chấm mắm cáy”, quê kệch đến nỗi các con nó nhiều khi xấu hổ cả cho bố.
Khi đến sân bay, em “a lô” về báo tin cho cả nhà. Vâng, “thông báo số 1” của chuyến công tác của em. Lóng ngóng một phần vì xúc động, một phần vì chưa thạo các sử dụng máy. Nói đôi ba câu xong, em hướng cái “Nó kìa” về phía chiếc tàu bay đang nổ máy. Mục đích là để mẹ con bà ấy ở nhà nghe thấy tiếng tàu bay kẻo lại cho em là bốc phét. Gớm, lúc bước chân lên máy bay em run run là. Cứ bám chân bác hoạ sỹ, Hội trưởng, em theo.
Đi suốt dọc máy bay, tìm ghế ngồi mãi mới tới hang E. Số ghế của em là 38. “Một tịt”. Không khoái lắm nhưng khi đó ai còn để ý đến “nước” nọ, “nước” kia nữa. Ngồi cạnh em phía cửa sổ là bác nhà văn cùng đoàn. Nhớ lời cu Chụm em gạ đổi chỗ cho bác ấy để dễ quan sát song bác ấy bảo: “Không đổi được đâu. Lát nữa cảnh sát quốc tế nó kiểm tra chỗ ngồi, ngồi không đúng là họ đuổi đấy”. Nghe thấy vậy, em đã sởn gai ốc rồi, đâu có biết bác ấy cũng lần đầu tiên đi tàu bay như em nên cũng muốn ngồi ngoài để xem nhìn.
Em ngó trước, nhìn sau. Hàng ghế em ngồi là thứ nhì kể từ dưới lên. Ngay kề bên là ca bin có hai chữ WC đỏ chói. Em hỏi bác nhà văn đó là chữ gì thì bác ấy bảo là “phòng Uôn khắp”. Em không hiểu hỏi tiếp: “Uôn khắp là gì hở bác?”. “Là… là… nhà vệ sinh, chỗ đi đái ấy mà!”. Em trợn tròn mắt. Sao chẳng thấy khai khú gì thế? Trông cứ sạch bong, lại thơm tho nữa chứ. Ơ dưng mà… sao mình lại ngồi chỗ này? Mình thì không nói làm gì chứ các bác ấy toàn văn nghệ sỹ đáng kính trọng của tỉnh, lại là lãnh đạo Hội Văn nghệ tỉnh cả sao lại phải ngồi ở chỗ này. Đem thắc mắc đó hỏi bác nhà văn thì bác ấy giải thích: “Cậu ngốc lắm. “Xe đầu tàu cuối”. Đây là tàu bay, mình ngồi chỗ này là sang nhất đấy”. Bác ghé sát tai em thì thào: “Ngộ lỡ làm sao, tàu bay mà hết xăng chẳng hạn thì khi nó cắm đầu lao xuống đất, chỏng vó lên trời thì chúng mình vưỡn… an toàn. Với lại, ngồi đây “giải quyết nỗi buồn” thuận tiện hơn. Ưu tiên đấy, cậu ạ”. Em ngộ ra. Có thế chứ. Văn nghệ sỹ phải được ưu tiên chứ. “Choẽ bò” đi với văn nghệ sỹ là phải thế.
Tiếng máy bay nổ ầm ầm. Em suốt ruột chờ giây phút nó cất cánh. Nghe bảo cái lúc đó ấn tượng lắm. Chợt nhớ lời cu Chụm, em lại rút chiếc “Nó kìa” ra để “a lô” gửi cái “thông báo số 2” cho nó. Lúc nãy nghe loa họ thông báo “Đề nghị quý khách tắt điện thoại di động”, em đã cố tình lờ đi để thực hiện “tường thuật trực tiếp” cho cả nhà nghe về cái cảm giác trên máy bay. Vừa đưa cái cục gạch lên áp má thì cô tiếp viên đẹp như trong mộng đến bên. Cô ta nhìn em xì là xì lồ một chặp. Em không hiểu gì chỉ gật gật nhìn lại cô gái. Đẹp quá! Xinh quá! Sao lại có người xinh đến vậy. Quên béng cái cục gạch em trân trân nhìn cô tiếp viên. Cô ta nhoẻn miệng cười và lại xì là xì lồ một chặp nữa. Bác nhà văn thấy thế lấy tay huých nhẹ vào người em: “Nó bảo tắt điện thoại di động đi đấy. Cậu tắt ngay đi không nó gọi cảnh sát quốc tế thì toi đời”. Em luống cuống tìm nút đỏ trên chiếc di động. Thao tác xong, cô tiếp viên nhìn em cười tươi “Thanh cưu”. Em chẳng hiểu g ì sất song vẫn thấy run hết cả người. Sợ chỉ một phần, cái chính là… cô ta đẹp quá!
Cái giây phút mong đợi đã tới. Chiếc máy bay rung mình lao đi. Qua cửa sổ, em thấy cảnh vật xung quanh loang loáng chạy lùi về phía sau. Tiếng rú rít của động cơ nghe phát khiếp. Ra tới đường băng chính, nó chỉnh hướng xoay về phía phải. Hơi dừng lại tí chút rồi bỗng thấy cứ thế nó rùng rùng, gào rít. Em nhoài hẳn người qua bác nhà văn để nhìn qua cửa sổ. Hàng đèn dẫn đường chạy vun vút qua. Phố xá phía xa loang loáng. Chợt, hẫng một cái, người em ngửa ra phía sau. Mặt đất đã dưới chân em. Bác nhà văn nói nhỏ: “Cất cánh rồi đấy!”. Người em lâng lâng. Hồn em đê mê. Có ai ngờ đời em lại được bay thế này đâu?
Càng lên cao, em càng có cảm giác lạ. Chẳng như cái hồi đầu tiên khi em mới lớn nhìn đôi bò giao phối, cảm giác lúc này của em khác lắm. Nó râm ran rần rật khắp cả người. Phía dưới, cảnh vật nhỏ dần. Sông Hồng kìa! Quốc lộ 2 kìa! Đồng lúa, cánh đồng kìa! Phố xá nữa! Người xe đi lại cứ như con kiến. Đẹp quá! Mênh mông quá! Đến khi chiếc máy bay xuyên qua đám mây trắng thì em ngỡ như mình… đang bay trên mây. Thì đúng thế rồi còn gì. Em bí mật tay nọ véo tay kia xem mình tỉnh hay mơ. Đau. Tỉnh. Thực chứ không phải mơ nữa. Người em nổi da gà vì sung sướng. “Mẹ con bà Choẽ nó ơi! Tôi được bay lên giời rồi nhé!”.
Quay sang nhìn mọi người, họ đang lục tục ăn uống. Thì ra lúc em mải quan sát, “nhà tàu bay” đã chuyển đồ ăn ra phục vụ miễn phí tự bao giờ. Theo bác nhà văn thao tác, em cũng hạ cái mảnh vuông vuông con con phía sau chiếc ghế trước ra làm bàn và bày các đồ ăn lên đó. Cũng đủ thứ. Bánh ngọt, kẹo, một quả quýt, vài thứ linh tinh khác. Có một cái hộp giống như hộp sữa chua nhưng không hẳn thế vì nó còn có một cái ống hút kèm. Em tò mò không hiểu đó là hộp gì. Lắc lắc thì thấy nó long lỏng. Cầm lên thì thấy nó nằng nặng. Bí mật, không để cho ai biết mình là ngố, em để ý xem xung quanh mọi người “đối xử” với cái hộp đó thế nào thì họ vưỡn còn đang ăn các thức ăn khác. Cả bác nhà văn cũng thế. Không tiện hỏi ông ấy nữa. Bánh kẹo, quýt, cam thì em lạ chó gì, ăn sau cũng được. Lạ là lạ cái hộp này này. Có ống hút tức là phải hút. Mặt trên là lớp màng mỏng bọc kín như hộp sữa chua tức là… phải… chọc cái ống hút vào đấy. Suy luận thế, ra vẻ sành điệu, em ấn mạnh cái ống hút qua mặt cái hộp. Quả nhiên, có chút nước phòi ra. Em liền đưa ống hút lên miệng và… hút. Giời ạ! Nhạt thếch! Có vị chó gì đâu? Như nước lã chứ có gì? Phải rồi! Đây là nước xúc miệng sau bữa ăn. Trên máy bay người ta phải bọc thế cho dễ vận chuyển. Thế mà cứ ngỡ của ngon vật lạ gì. Giấu cảm giác đó, em chưa ngượng bằng cách rít lấy rít để hộp nước làm ra vẻ mình rất khát.
Mặc dù cố làm cho có vẻ từ tốn, sành điệu song sau khi rít hết hộp nước, em ăn mấy thứ một loáng cái đã xong.  Chả bõ xúc miệng. Thứ này so với mấy củ khoai lang em mang đi chăn bò ăn sắp bằng sao được. Ít quá. Chả bõ thèm. Nhìn xung quanh, mọi người vẫn còn đang nhấm nháp. Em cảm thấy hơi vị xấu hổ. Mình đã không được sành điệu cho lắm. Mặc thây họ! Tí nữa xuống sân bay ai đi đường nấy, biết mình là ai mà lo. Cứ thật bụng như mình mới quý chứ cứ như ông nhà văn ngồi bên cố làm ra vẻ thì… Nhấm nha nhấm nháp, chán bỏ xừ. Nhớ tới mẹ con bà “Choẽ bò” nhà em, em liền giấu chiếc khăn giấy dùng để lau miệng (có in dòng chữ hãng hàng không) vào túi với mục đích vừa làm kỷ niệm vừa làm bằng chứng để về khoe với mọi người. Em sẽ bốc phét lên là trên tàu bay yến tiệc to lắm, nhiều thứ lắm… Không tin à? Khăn ăn của họ thơm phức đây này các vị ạ! Rõ chưa? Sướng chưa? Oách chưa? Các vị được đi tàu bay bao giờ đâu mà biết!
Ăn xong em tiếp tục quan sát tình hình. Trên màn hình hiện lên những dòng chữ và con số. Lúc đầu em không hiểu gì cả. Em cũng đếch thèm hỏi ông nhà văn nữa. Hỏi nhiều để ông ấy kiêu, để mọi người đánh giá em là ngố ư? Em phải tự ìtm hiểu lấy thôi. Ngẫm nghĩ, suy luận rồi suýt nữa thì em reo lên. Thì ra nó thông báo tốc độ bay, tốc độ gió, vĩ độ, kinh độ, nhiệt độ, độ cao, tóm lại là “độ”. Đơn giản. Thường thôi. Dưng mà em thấy có lúc máy bay bay cao tới hơn 10 ngàn mét, vận tốc tới 8, 9 cây số, nhiệt độ xuống tới 2, 3 chục độ âm các bác ạ. Ghê chưa? Kinh khủng khiếp chưa? “Choẽ bò” em đang lên giời đấy. Đang lượn qua biển Đông đây này. Mây bay đầy dưới chân em đây này các bác ơi!
Chợt em thấy buồn… tiểu tiện. Tại hôm qua liên hoan ở nhà em uống nhiều bia quá đây mà! Rõ khổ! Biết làm sao bây giờ? Phòng “Uôn khắp” thì kín cửa, biết mở thế nào? Lóng nga lóng ngóng đến đó cạy cửa thì… quê quá. Đang suy tính như thế thì có một bà Tây to béo từ đầu khoang máy bay đi xuống. Đoán chắc bà này đi vệ sinh nên em tập trung theo dõi. Phải, bà ấy làm thế nào thì tí nữa mình làm thế. Quả nhiên, bà ấy đi vệ sinh thật. Bà ta khẽ ấn cái cửa thế là hai cánh cửa gấp tự động mở ra. Bà ta mất hút vào trong đó. Lát sau, bà ta trở ra vẻ mặt hớn hở lắm.
Nhà em toan đứng dậy thực thi nhiệm vụ vĩ đại của mình là giải quyết đầu ra cho cơ thể thì chợt trong đầu em loé lên câu hỏi khác. Vào trong đó rồi thì làm thế nào? Toàn máy móc thiết bị thế ngộ nhỡ có làm sao cảnh sát quốc tế lại đến gô cổ cho chứ chả bỡn. Với lại, nhỡ trượt chân rơi mẹ nó ra ngoài thì chết toi? Thôi. Cố nhịn vậy. Em lại tìm phép thắng lợi tinh thần để xua đi cái bức bối, cái bức xúc trong người do cái “nỗi buồn” kia mang lại. Cứ cho mình vào trong đó biết cách sử dụng thiết bị đi nhưng việc tưới cái nước giải của mình xuống đất là không được. Đồng bào ta, nông dân ta, cùng cảnh như mình cả sao lại để họ hứng nước giải. Họ đau khổ vì bị Mỹ rải chất độc da cam hồi chiến tranh chưa đủ sao? Thế mà bây giờ, “Choẽ bò” ta lại rải thêm chất a-mô-ni-ắc khai mù này nữa ư? Thế mà gọi là hộ nông dân tiên tiến ư? Hơn nữa, ta lại đang đi “công tác” với giới văn nghệ sỹ? Các bác văn nghệ sỹ cao quý có ai làm cái chuyện thô tục ấy. Xem bác nhà văn bên cạnh ta đây này. Từ lúc gặp bác ấy có thấy bác ấy “đi ngoài” đâu. Giữ mình chốn sang trọng phải thế chứ. Không được! Dứt khoát không được! Ta không được “giải quyết nỗi buồn” theo kiều vô trách nhiệm đó được.
Em cố quên cái “sự giải” nhưng trong bụng thì ấm ách khó chịu quá. Từ đó trở đi, em chẳng còn bụng dạ nào mà quan sát tàu bay, mây giời nữa, chỉ mong sao cho chóng đến Cam Ranh để em tống cái của nợ kia ra khỏi người.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Baba Yaga

Ôi trời! Đau ruột quá bác ơi!
Trong một thoáng cổng thần tiên vừa khép
Phù thủy già trong dáng vóc Thiên Nga
Úmbala...bala
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

SỰ CỐ NHẠC CHỜ

      Đua đòi với bàn dân thiên hạ, Choẽ bò em quyết định sắm cái điện thoại di động. Biết được ý định này của em, vợ em phản đối ghê lắm. Nào là: gọi cho ai? Ai gọi cho? Có ma nào để ý đến cái lão chăn bò như ông mà “alo” với chả “a liếc”. Suốt ngày trên đồi, theo đít đàn bò thì cần gì phải điện thoại di động? Mặt vợ tôi cong vênh. Môi bà vẩu lên. Mắt bà hấp háy có vẻ khiêu khích. Được lúc, bà ấy nghệt mặt ra: “Hay là ông tình ý với con nào nên di động để cho dễ trò mèo chuột? Nói đi. Khai mau ra đi. Đừng có bịt mắt gái già này. Ông cứ liệu cái thần hồn với tôi”.

       Khổ thế cơ chứ! Đúng là đàn bà. Hơi tí thì ghen lồng ghen lộn lên. Mà có cái gì để ghen? Nghĩ thì chỉ được cái nghĩ ngắn. Cả làng người ta “di động” kia kìa, bà biết chửa? Mang danh là hộ sản xuất kinh doanh giỏi thế mà vưỡn đếch có cái điện thoại di động. Bò nhiều để làm gì? Giàu mà làm gì? Giàu mà không sang thì cũng vứt nha! Ở đời, nhiều khi cũng cần phải có cái mác, phải tạo dáng. Chẳng thế ai biết anh là ai? Chưa chi đã gầm lên! Bực cả mình! Lũ trẻ nhà em thì ngược lại, chúng vỗ tay hoan hô ủng hộ bố. Thế là em quyết luôn cái “NÓ KÌA” đời mới nhất các bác ạ.

       Kể ra đầu tư vào cái đó thì nó cũng hơi bị phí vì đi chăn bò thì di động để làm cái quái gì cơ chứ? Kệ. Em cứ trang bị. Thời buổi công nghệ thông tin không có di động nó yếu lính đi. Đi đâu có cái di động nó tự tin hơn lên rất nhiều. Chả thế, cánh ca sĩ, “sâu bít” gì đấy chúng còn chơi đồng hồ đeo tay tiền tỉ, áo quần, váy, nhẫn tiền triệu đô cả. Chẳng qua cũng chỉ là muốn khẳng định thương hiệu cho mình mà thôi các bác nhỉ?

        Nhờ lũ trẻ tập huấn cho buổi sáng em tạm biết sử dụng cái “Nó-kìa”. Mua cái bao da bằng da cá mập, em luồn nó vào cái dây lưng, thắt ngang mình. Đầu em đội mũ phớt rộng vành, chân đi giày “Cô-xư-ghin” (nóng cũng phải đeo), tay phải cầm cái roi tre dài, tay trái kéo theo cái điếu cày, chỉ nhìn qua thế thôi cũng đã thấy “thương hiệu” Chõe bò rồi. Oách lắm các bác ạ. Trước kia em hay mặc quần ta, quần đùi đi thả bò nhưng từ ngày có cái bao da này em phải diện toàn quần tây, quần âu đấy. Nên nhớ là cái bao điện thoại di động phải “yêu tiên” để về phía trước bụng, giữa đoạn rốn và cái xương hông nhô lên. Phải hơi trễ trễ một tí nó mới sành điệu. Chỗ này dễ phát hiện. Chẳng cần nói nhiều, chẳng cần nhìn lâu, chỉ thoáng qua là biết. Nhiều người có của không biết khoe, lại đeo nó ở bên hông, lệch về phía lưng. Đeo như thế thì cánh tay nó che mất còn nhìn thấy quái gì di động nữa? Phí. Rất phí. Thà đừng có đeo còn hơn. Ăn chơi cũng phải có bài của nó chứ, tưởng bỡn à?

       Thế là cái nokia lúc nào cũng ở bên em, thành vật bất ly thân. Cứ chỗ nào đám đông là em lại lôi nó ra khỏi vỏ bao, áp tai vào, bấm số nhoay nhoáy, “alo” oang oang. Oách lắm. Ra dáng phết. Làm ăn lớn nó phải thế. Chõe bò là phải thế. Thực ra, có ai gọi cho em đâu? Mà em cũng đếch biết gọi cho ai nữa. Em nói chuyện một mình đấy các bác ạ. Cái ngữ em như đã nói ở trên thì có ma nào nó gọi. Ấy thế mà các bà, các cô cứ trợn tròn mắt, xuýt xoa mồm, thì thì thầm thầm với nhau. Cái lão Chõe bò này công nhận oách thật. Đúng là một ông chủ trang trại bò điển hình của xã. Chồng người ta thế chứ. Thức thời, giỏi giang, phong độ. Trông mà thèm. Em nghe thấy hết nhưng cứ lờ đi coi như không có chuyện gì xảy ra. Thế nó mới có giá các bác ạ? Còn vợ em thì nửa tự hào, nửa lại lo lắng. Đêm về bà ấy rít trong kẽ răng nhắc nhở, răn đe, ngăn chặn.

       Một hôm, xã em mở lớp khuyến nông, tập huấn về chăn nuôi bò. Em được đi học lớp này. Đúng chuyên ngành rồi. Học cho nó mở mang đầu óc. Em bí nhất cái khoản phối giống và đỡ đẻ cho bò. Thế nên, lớp học này với em là quan trọng lắm.

       Em ngồi ngay giữa lớp. Hàng trăm học viên chứ ít đâu. Toàn nông dân cả. Điểm qua chỉ có mấy tay máu mặt có di động thôi. Em nổi bật giữa mọi người vì cái “no-kia” to đùng đeo kè kè ở thắt lưng. Với lại, cái tên Choẽ bò của em quá nổi tiếng rồi. Hộ chăn nuôi giỏi nhất nhì xã đấy các bác ạ. Hội nghị nào của xã cũng có em. Lãnh đạo xã lấy gương em cho mọi người học tập. Ban đầu em còn rón rén, e lệ, sau thấy mọi người nể trọng thực sự thì em càng tự tin hơn. Em thường ngồi hàng thứ hai, tuyến giữa, ngay sau bác chủ tịch, hoặc bí thư chủ trì hội nghị. Lúc chụp ảnh cũng vậy. Với vị trí ấy em vừa độ khiêm tốn, đúng độ sang, lại hay được lên truyền hình. Cứ thế, tiếng tăm, hình ảnh em nổi lên. Thế là em cũng đâm nghiện lên hình, lên ti vi mới chết chứ.

         Lớp học này cũng vậy, em chọn khu trung tâm để ngồi. Giờ học đang im phăng phắc thì cái no-kia của em nó lại réo lên. Như mọi lần là em khoái lắm. Cứ dềnh dang mãi, cho nhạc nó kêu đến sốt ruột em mới nghe. Thế mới oai. Lại có người liên hệ công tác chứ gì? Hay bàn hợp đồng làm ăn gì chăng? Tha hồ cho em oang oang bốc phét. Thế nhưng lúc này là đang giờ học. Cái nhạc chờ của em mấy đứa nó cài cho lại là nhạc còi báo động. Nó réo lên. Nó rú lên. Nó rít lên. Cả lớp học đổ dồn con mắt về phía em. Em vội vã bấm nút đỏ. Tịt luôn. Vừa yên ổn đâu đấy, nó lại réo lên lần nữa. Em lại vội bấm nút đỏ. Nó lại tịt. Rồi chưa kịp chép bài nó lại giãy đành đạch trong túi quần em. Em lại phải thò tay vào dí lại nút đỏ. Khổ thế cơ chứ.

        Cái em nông dân ngồi bên cạnh bảo em: “Bác phải đặt chế độ rung đi, hoặc tắt hẳn nó đi. Đang học mà!”. “Tắt thế nào được. Còn bao nhiêu mối làm ăn, hợp tác của tôi. Bỏ sao được”. Em cự nự lại. “Thế thì bác cài chế độ rung ấy”, cô gái nhắc lại. Em đếch thèm nói gì. Thực ra, em chả biết cài đặt thế nào các bác ạ. Chẳng lẽ lại hỏi cô ấy? Hoá ra mình dốt à? Thế mà bảo sành điệu? Thế rồi, nó lại réo lên mấy lần nữa. Tức quá. Mất lịch sự quá. Vô duyên quá. Cuối cùng, em đành bấm bụng ngượng ngùng nhờ cái cô gái ấy cài đặt chế độ rung cho. Từ đấy đổ đi mới tạm yên cho lớp học.

       Lúc giải lao, mấy thằng thanh niên choai choai cứ nhìn em và cười rúc rích với nhau. Có đứa đến gần lân la: “Bác Chõe có cái di động đời mới oách quá. Cho chúng cháu xem tí”. “Số máy của bác bao nhiêu cho cháu xin số để tiện liên hệ?”. Đừng hòng có xem nha. Xin số thì ông cho, chứ xem máy thì dứt khoát không. Của hàng đống tiền đâu phải cục gạch mà ai sờ cũng được. Thế là em chỉ đọc số máy của em cho chúng nó. Chẳng ngờ mấy đứa ghi xong cười toáng lên. Thì ra, chúng nó đã biết số của em và vừa nãy, trong lúc học, đứa nọ truyền tai đứa kia và thế là chúng nó lần lượt thi nhau bấm gọi.

        Lần khác, xã lại tổ chức hội thảo về chăn nuôi bò. Mời toàn các nhà khoa học và những hộ nông dân điển hình, tiên tiến của huyện tham dự. Tất nhiên, Chõe bò em có một bản tham luận quan trọng, gần như là “đinh” của cuộc hội thảo này. Chủ đề hội thảo là “Bò và vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế”. Nghe cái tiêu đề đã sởn da gà rồi. Không ngờ cái nghiệp chăn bò của mình, cái con bò vàng “ngu như bò” ấy lại quan trọng đến thế. Em có cảm tưởng như là thêm một lần người ta tôn vinh em (!). Thế nên, em chuẩn bị bài diễn văn, à quên, bài tham luận tỉ mỉ, chu đáo lắm.

        Đúng là cuộc hội thảo hoành tráng. Toàn giáo sư, tiến sỹ, quan chức bực cả. Ở nhà em tự tin thế, thế mà đến đây em lại hồi hộp, nhớn nhác thế cơ chứ. Bản lĩnh bay đi hết. Khai mạc đề dẫn xong, em lấy lại bình tĩnh dần. Đặc biệt từ lúc mấy em truyền hình chõ ống kính vào em là em quên hết sợ hãi. Cứ nghĩ tối nay được lên ti vi thì em đếch còn sợ bố con thằng nào nữa cả. Và, khi người ta mời em lên tham luận, em đĩnh đạc, đàng hoàng bước lên bục và không quên chỉnh cái bao di động cho nó nhô hẳn ra trước bụng.

         Vừa kính thưa được mấy vị thì đùng một phát chiếc di động của em giãy đành đạch ở trên bàn chỗ em ngồi. Tiếng còi báo động rú lên. Cả hội trường trợn tròn mắt. Tất cả hướng về chỗ em ngồi lúc nãy. Mấy bác đại biểu lạ hoắc ngồi cạnh em nhìn chiếc di động xoay tròn trên bàn không dám mó tay. Thì ra, khi em lên bục đã quên chưa đưa cái noki-a vào bao. Tiếng còi báo động cứ thế rú lên hết đợt nọ đến đợt kia phá tan cái không khí im lặng, trang nghiêm của cuộc hội thảo. Em sợ quá, xin lỗi chủ tịch đoàn chạy về bịt ngay cái mồm noki-a vô duyên này lại.

        Từ đó trở đi em đâm mất bình tĩnh. Người em run cầm cập. Đọc tham luận ngắc nga ngắc ngứ. Bác chủ tịch đoàn phải động viên: “Bác Chõe cứ bình tĩnh tự tin nha. Di động của bác may là để ở chỗ ngồi, chứ bác mà mang lên bục, nó rú lên qua micro thì cả xã này lại tưởng cháy nhà, chết người ấy chứ? Bác tiếp tục trình bày bản tham luận của mình cho tự tin nha. Bác làm sao cứ nói thế. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý đó. Mà bác thì làm tốt lắm mà!”.

      Thế là em lấy lại bình tĩnh và tự tin dần. Việc trước tiên là em cài chế độ rung cho cái nok-a đã. Bịt mõm nó lại, không cho nó kêu vô tổ chức nữa. Xấu hổ lắm.

       Đúng là xấu hổ thật các bác ạ. Em tưởng thông minh mà vẫn cứ “ngu như bò”. Nhưng mà như thế lại hoá hay. Cả xã, cả huyện, thậm chí cả tỉnh nữa người ta biết Choẽ bò em có điện thoại di động. Em vưỡn cứ oách phải không các bác? Chả thế lại không ư! Thì vưỡn!
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (35 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối