Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7]

Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (CHƯƠNG 17)

Sau cái hôm được ông Thạc và Hoàn cứu cho thoát chết ở hầm, lão Phia nhìn hai người này với con mắt khác hẳn. Với ông Thạc, lão Phia khá nể trọng. Ngồi đâu lão cũng ca ngợi ông xã đội trưởng làng mình. Còn Hoàn, ông phia phục anh lắm. Không ngờ cái thằng trông thư sinh ẽo ợt thế mà dũng cảm đáo để. Hôm lão Phia đến thăm bà Năm bà cũng không ngớt lời khen nó. Chả bù cho bố nó. Cái hồi năm bốn bảy, người ta chuẩn bị đánh tây ầm ầm, cả làng trên xóm dưới rậm rịch, ấy vậy mà lão ta lại dẫn vợ con chạy mãi vào tận trong Minh Cầm để sơ tán.
Cuộc đời lão Phia khá đặc biệt. Năm chục tuổi đầu lão đã có năm người con. Toàn con gái cả. Vợ lão là người dân tộc, quê mãi tít tận trên Sơn La. Bà ấy lành như cục đất. Cả ngày bà chẳng nói lấy một lời. Việc đồng áng, vườn tược bà đảm đang hết. Một nách năm đứa con, bà lầm lụi bươn chải. Chẳng bù cho lão Phia lươn khươn hết chỗ nọ đến chỗ kia. Lão chán bà vì bà chỉ sinh cho lão toàn một lũ vịt giời. Càng cố đẻ càng vịt giời. Thế có ức không cơ chứ? Mấy tay trong làng được thể càng trêu lão. “Cái lão Phia ấy à, đái không qua ngọn cỏ chả trách đẻ toàn con gái là phải. Mâm dưới. Mâm dưới. Con người ta đi bộ đội ầm ầm mà con lão liễu yếu đào tơ chỉ quẩn quanh xó bếp. Cho lão ngồi mâm dưới”. Bố thằng Hoàn cứ phẩy tay về phía lão Phia mỗi khi nhà ai có cỗ mời hai người. Càng cãi, càng phản ứng thì làng lại càng lộ mình, họ lại càng trêu kích thêm. Thượng sách là im lặng và làm theo cách của mình. Bảo ông chỉ được làm bố đĩ nhưng làng này thử hỏi đã có thằng đàn ông nào được như ông?
Lão Phia bỏ đi buôn. Lão có máu buôn bán từ bé. Từ ngày còn đi dân công Điện biên Phia đã biết kết hợp công việc để tính lời lãi rồi. Người ta đi dân công chỉ mong cho chóng hết đợt rồi về còn Phia thì tụt tạt chán chê. Phia tăm tia hàng nọ, hàng kia, xuôi ngược mua măng, chè, mật ong của đồng bào dân tộc bán cho người dưới xuôi. Có khi Phia bán hàng luôn cho những người trong đoàn dân công nữa. Thuốc lào, thuốc lá, kim chỉ, xà phòng ở dưới xuôi được lão dắt vào chiếc xe thồ lên bán cho người dân tộc. Phia giàu lên nhờ những chuyến xuôi, ngược đó. Rồi Phia gặp Muôn, cô gái Thái đẹp như một bông hoa rừng. Nhớ lại những ngày đó, bây giờ lão Phia vẫn còn cái cảm giác rừng rực, lâng lâng đến ngột thở.
Hồi ấy, Phia khoẻ lắm. Anh trèo đèo lội suối băng băng. Đoàn dân công của Phia đóng ở một bản của người Thái. Phia giữ chân tổ trưởng tổ xe thồ chuyên đôn đốc anh em xuôi ngược vận chuyển hàng cho chiến dịch. Xe của Phia có hôm chở đến hơn hai tạ gạo. Lúc lên dốc, anh cởi trần tì hẳn vai vào cái cọc xe thồ và dùng hết sức lực của toàn thân đẩy chiếc xe đi. Bắp chân, bắp tay nổi thịt cuồn cuộn. Bao giờ xe của Phia cũng hoàn thành kế hoạch sớm nhất. Anh thường tăng cung, vượt chuyến. Số người cùng đợt đi với Phia có anh ngã nước ốm lăn, ốm lóc. Riêng Phia hầu như không biết đến hắt hơi sổ mũi là gì.
Một hôm, Phia giao hàng về sớm. Bạn bè rũ anh sang đơn vị bộ đội gần đó chơi, anh không đi. Một mình Phia lang thang vào rừng. Từ ngày lên đây, công việc bận túi bụi chưa có hôm nào đi rừng cả. Cho nên, chiều nay Phia quyết định tự thưởng cho một chuyến du ngoạn ngắm rừng.
Càng vào sâu trong rừng không khí càng trong lành mát mẻ. Thiên nhiên thật là kỳ thú. Chim chóc hót véo von. Hoa rừng đua nhau khoe sắc. Nhiều loài cây, loài hoa Phia không biết gọi tên chúng. Có cây cổ thụ không biết mấy trăm năm mà thân cây của nó mấy người ôm không xuể. Phia ngửa cổ nhìn lên ngọn thấy nó hun hút mãi ở trên trời. Dây leo chằng chịt. Mặt đất âm ẩm dày những chiếc lá rụng. Thỉnh thoảng, một con sóc từ đâu đó lao ra. Chúng ngơ ngác nhìn anh rồi chạy biến vào bụi rậm. Tiếng bìm bịp gọi nhau càng làm cho khu rừng thêm thâm u, tĩnh lặng. Mặt trời cuối ngày chiếu những tia nắng xiên qua kẽ lá rơi xuống mặt nước những giọt nắng lấp loáng khiến con suối lung linh hẳn lên.
Phia cứ bám theo bờ suối mà đi.
Chợt anh bắt gặp một gánh củi khô ven suối. Chiếc khăn quàng diêm dúa vắt lên một bó củi. Anh quan sát xung quanh và nhẹ nhàng nấp vào bụi cây gần đó. Không có ai cả. Thình lình anh nghe thấy tiếng sóng nước lách rách từ dưới suối vọng lên. Phia đưa cặp mặt nhìn về phía đó. Trời ơi! Một cô gái đang tắm. Anh dụi mắt mấy lần nhìn đi nhìn lại mấy lần vẫn đúng cảnh tượng ấy. Tim Phia như ngừng đập. Hồi hộp quá. Muôn! Đúng là Muôn, cô con gái bà chủ nhà anh đang ở. Chắc là cô ấy vào rừng lấy củi về đến đây nóng quá nên xuống suối tắm. Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy tấm thân ngọc ngà của con gái người anh nóng ran lên. Hai tai anh bừng bừng. Nhịp tim đập loạn xạ.
Lát sau, Phia bình tĩnh trở lại. Anh dán mắt theo dõi cô gái. Muôn lội dần ra giữa dòng suối. Nước đến đâu cô lại vén váy cao dần đến đó. Nước đến thắt lưng rồi đến ngực của Muôn. Cô cuộn váy lên vai rồi bằng một động tác rất thành thục Muôn đưa cả váy áo qua đầu để cho toàn thân ngập chìm trong nước. Cả tấm thân ngọc ngà của Muôn hiện lên nhập nhoà trong làn nước suối trong văn vắt. Trời! Đẹp quá. Phia gần như rướn hẳn cả người lên để nhìn cho rõ. Mặt anh ngây ra.
Muôn ngó quanh suối một lần nữa. Rồi như chắc chắn không có ai khác, cô tung cả mớ váy áo đó lên bờ rồi thoả thích đùa vui cùng làn nước. Muôn tha hồ vùng vẫy. Cô té nước ra xung quanh. Lúc thì cô nhô hẳn người lên. Lúc khác cô lại ngồi thụp hẳn mình xuống. Cô bơi. Cô đuổi theo giọt nắng đang nhảy múa trước mặt. Nhiều lúc, cả tấm thân nuột nà ấy nổi hẳn lên mặt nước. Sóng nước vỗ vào bờ nghe róc rách róc rách. Những tia nắng cuối ngày hình như cũng đuổi theo cô mà đùa rỡn. Chợt cô dừng bơi nhìn chăm chú về một góc suối. Một con bướm trắng đang đậu trên một cành hoa dại ven suooí. Muôn nhao người về phía đó. Cô đứng thẳng người lên nhẹ nhàng lội dần lại gần con bướm. Phia tròn xoe mắt nhìn rõ khuôn ngực trần nhễ nhại của Muôn. Cặp vũ thây lẩy trắng hồng rung rinh theo nhịp bước của Muôn. Phia đứng hẳn dậy nhòm. Anh kiễng cả đôi chân lên để nhòm cho rõ. Bất ngờ hòn đá dưới chân Phia đang đứng bửa ra lăn tòm xuống suối. Anh mất đà vội tóm lấy cành cây. Cành cây bị gãy kêu đánh rắc một cái. Phia bị trượt chân ngã ngửa ra bờ suối. Dưới suối, Muôn hoảng quá kêu ré lên. “Ai đó?”. Cô lao vội vào bờ đến chỗ để váy áo. Gặp Phia đang lồm cồm bò dậy, cô tròn xoe mắt ú ớ không nói được câu nào. Muôn cầm vội váy áo che thân. Người cô run lên cầm cập. Hai người kịp nhận ra nhau. Phia ba chân bốn cẳng chạy vội về nhà.
Từ hôm đó trở đi, tuy không ai nói ra nhưng giữa Phia và Muôn đã có ấn tượng về nhau khá sâu sắc. Mấy hôm đầu, cả hai người ngượng ngập lắm. Về sau, quen dần. Họ đâm ra để ý đến nhau, truyền cho nhau những ánh nhìn đầy ý nhị.
Mỗi chuyến hàng từ xuôi lên, bao giờ Phia cũng có quà cho Muôn. Khi thì cái khăn mùi xoa. Lúc lại cuộn chỉ màu, bánh xà phòng thơm. Rồi cả những tấm vải hoa sặc sỡ nữa. Ngược lại, Muôn cũng hay phần riêng cho Phia từ củ sắn lùi thơm phức đến chùm quả gắm bùi trong rừng. Hai người đã có những cuộc gặp vô tình riêng nhiều hơn. Họ chỉ nhìn vào mắt nhau, không nói. Và tình yêu giữa anh dân công xe thồ với cô gái Thái con nhà ông chủ nảy nở tự bao giờ chính hai người cũng không biết nữa.
Thế rồi hết đợt dân công, người làng Phia kéo về cả. Riêng Phia vẫn cứ quanh quẩn ở nhà Muôn. Sau đó, Phia cũng về nhà và chuyển đi buôn chuyến ở Sơn La luôn. Thông thổ, thuộc đường và cái chính là có Muôn ở trên đó làm nơi đi về cho anh. Cuối cùng họ đã nên vợ nên chồng. Dân làng Ngọc Chúc tấm tắc khen mãi cho Phia. Sao cái thằng ấy lại vớ được cô vợ xinh thế không biết. Đúng là “đi chín về mười, đi tươi về tốt thật”. Đi dân công thế mới gọi là đi dân công hoả tuyến chứ.
Hồi đẻ đứa con gái thứ hai, Phia vẫn thường xuyên nhắc lại kỷ niệm bên bờ suối với Muôn. Và bao giờ cũng thế khi kết thúc câu chuyện, Phia vẫn tự hào với cánh nghe chuyện rằng “Giời cho tớ được thế”.
Những rồi lũ vịt giời cứ tranh nhau tòi ra. Đứa thư ba, thứ tư, rồi đến đứa thứ năm vẫn y nguyên như hai đứa trước. Phia đâm ra thất vọng. Lão nhấm nhẳn với vợ. Đẹp mà không biết đẻ cũng chẳng để làm gì. Lão chẳng nhắc tới huyền thoại tình rừng của lão nữa. Lão chỉ nói chuyện đi buôn. Chiến tranh ác liệt như thế, thế mà suốt ngày lão với chiếc xe đạp ở trên đường. Vẫn kim chỉ, xà phòng, vẫn thuốc lào thuốc lá, lão lại buôn thêm một số hàng mới nữa. Máy lửa Trung Quốc, đá lửa, mì chính, vải vóc, có khi cả chè khô, phân đạm nữa. Những thứ này Nhà nước cấm buôn bán những lão lại thấy chúng nhiều lãi nhất. Cấm thì cấm, lão vẫn có cách để có hàng. Không những ngược Sơn La lên quê vợ của lão mà lão còn xuôi Hà Tây, Hà Nội buôn đường dài. Càng đi xa càng lãi lớn. Lão ăn mối với một mụ gái hoá trên phố huyện làm ở cửa hàng thương nghiệp. Hai người chung một đường dây làm ăn khá chắc. Đã có tiếng xì xèo của dân Ngọc Chúc rằng là lão đang muốn gửi thằng cu ở cái chỗ bà gái hoá nọ.
Công việc đồng áng, vườn tược lão đổ tất lên đầu vợ và các con. Chẳng tháng nào, vụ nào lão đạt ngày công cả. Khi xét duyệt định xuất ăn, ban quản trị hợp tác xã vẫn liệt gia đình lão vào hạng phải đong thóc giá cao. Lão bất cần. Có cao thế chứ cao nữa lão vẫn chấp. Một chuyến đi của lão có mà đong được cả tạ thóc giá ấy. Đến khi hai đứa lớn đi lấy chồng, lão Phia vẫn chân ngoài vẫn dài hơn chân trong như thế.
Lão Phia có chiếc xe đạp phải nói là oai nhất nhì xã. Phượng hoàng xích hộp, sơn màu cánh trả bóng lộn. Ngồi trên xe chỉ cần nhấn pê-đan một cái là nó đã đi tận đâu rồi. Lúc thư giãn, để nguyên bàn chân trên hai chiếc bàn đạp cho xe chạy tự do mà nghe tiếng lách tách của râu tôm xích líp thì thật là khoái. Chuông xe của lão kêu kính coong. Hễ gặp ai trên đường là từ xa lão đã bấm chuông. Thậm chí có hôm chẳng có ai cả lão cũng bấm chuông kêu loạn xạ. Thế mới oách. Thế mới sang. Cả cái làng Ngọc Chúc này mấy ai được như lão. Được ngồi đằng sau xe của lão cho lão đèo “đi nhờ một đoạn” thì chỉ có nhất. Vinh hạnh lắm. Vừa được thưởng thức tiếng ro ro của hộp xích, tiếng lách tách của râu tôm và đặc biệt nhất là được nghe đài của lão nữa chứ. Lão có chiếc đài Sông Hồng lắp khá chuẩn. Đi đâu lão cũng đeo nó bên sườn. Lắm hôm vào giờ ca nhạc lão mở đài hết cỡ cho nó hát inh oang dọc đường. Lũ trẻ làng Ngọc Chúc, Phượng Hùng nhìn lão với con mắt thèm muốn. Có thằng không kìm được đã ơi ới gọi lão: “Ông Phia ơi! Dừng lại cho chúng cháu nghe đài lúc đã”. Có đứa con gái thấy lão đi qua cũng trêu: “Mấy giờ rồi anh Phia?”. Chả là lão có chiếc đồng hồ Pôn-giốt cũng gần như nhất nhì xã. Lúc nào nó cũng vàng choé ở cổ tay của lão. Kỳ thực thì lão cũng cố tình xắn tay áo để hở nó lên như thế. Lão tỉnh bơ phóng qua. Đằng sau xe, một tải hàng đang vắt ngang chiếc “poóc - pa – ga” chờ để giao mối. Có thể nói đường con cái của lão hơi bị “lận đận” nhưng đường làm ăn của lão thì đố có ai ở làng Ngọc Chúc này theo kịp.
Lão Phia quý chiếc xe đạp hơn cả bản thân mình. Hiếm khi lão rời nó kể cả lúc ở nhà. Lúc ở nhà thì lão dở ra lau chùi cho nó. Lão lau nó đến nỗi nó bóng lộn lên không còn hạt bụi. Hôm bị bọn trẻ con Lã Hoàng lấy trộm mất hai cái vòng bịt lỗ tra dầu ở moay-ơ mà lão ngơ ngẩn mất mấy ngày. “Mẹ cha chúng nó chứ, nhẫn nhiếc gì cái đó mà chúng mày lấy của ông. Ông mà bắt được đứa nào lấy thì ông đánh cho nhừ tử. Xe không có cái vòng đó bụi nó vào moay-ơ bố nó chạy được à?”. Lão rủa chúng và ngầm để ý xem có đứa nào đeo cái vòng đó làm nhẫn không.
Thế đấy, lão Phia của làng Ngọc Chúc là thế đấy.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 18)

Cơm tối xong, Hiến và Tiến xin phép Huân vào khu sơ tán chơi. Đêm nay họ và dân quân xã cùng được nghỉ vì hàng không lên. Hiếm có một đêm thư thả như thế. Còn lại mình Huân ngoài bãi đạn, anh chui vào nhà bạt hí hoáy ghi nhật ký.
Ngọc Chúc ngày… tháng… năm…
Hôm nay, hàng không lên. Cả tháng trời đêm nay mới được nghỉ. Suôt gần hai năm qua, đêm nào cũng thế bến sông này rầm rập bước chân người. Mỗi tối, dân quân xã phải khuân vác hàng chục tấn đạn. Một tháng có 30 đêm thì chí ít cũng phải có tới 28 đêm vác đạn. Sơ sơ tính đến đêm nay cũng khoảng ngót nghét mấy ngàn tấn đạn dược qua vai những thanh niên xã này rồi. Càng nghĩ càng phục lực lượng dân quân những người như ông Thạc, ông Chi, như Phương, như Tịch, như Thân, như Khang và bao người khác nữa. Họ là những chiến sỹ hậu phương thầm lặng phục vụ cho chiến trường. Mình vô cùng biết ơn họ. Nhờ có họ mà mình hoàn thành nhiệm vụ.
Đêm qua, lúc ở bến, Phương là người vác hòm đạn cuối cùng từ xà lan lên. Nhìn em bé nhỏ vác hòm đạn to đùng mà thương quá. Lúc em đi qua trước mặt mình, nghe hơi thở gấp gáp của em mình không sao cầm lòng được. Từ cái hôm che bom cho em đến giờ, gặp Phương mình cứ cảm thấy lúng túng thế nào ấy. Cứ nghĩ đến cái lúc nằm đè lên em là người mình nóng ran. Sao lúc ấy mình liều thế cơ chứ? Liệu Phương có thông cảm cho mình không? Hình như em cũng ngượng ngùng như mình thì phải?
Chẳng bù cho cậu Chất, hắn về có hơn tháng mà đã cưa đứt được Tịch rồi. Hai đứa yêu nhau lắm. Chính Tiến cũng bảo thế. Chất cũng đã đôi lần hé cho mình biết vậy. Thậm chí cậu ấy còn bảo: “Anh cưa cái Phương đi. Em xem ra cô ấy mến anh lắm. Làng này chẳng ai hơn cô ấy đâu”. Thì vẫn biết vậy, nhưng mà… trăm mối ngổn ngang. Mình hơn Phương chục tuổi, chênh lệch nhau khá lớn về tuổi tác. Hơn nữa, mình nào có còn ai họ hàng thân thích đâu? Đến quê hương còn chẳng rõ nữa là! Em còn trẻ và đẹp lắm, mình sao xứng được? Cậu Thân, cậu Hoàn xứng với em hơn. Mấy lần bà Sự ướm lời ngỏ ý gán ghép mình với Phương: “Mạnh dạn lên. Tao thấy chúng mày đẹp đôi lắm. Ưng thì tao làm mối cho”. Mình nghe mà nóng hết cả hai tai. Ôi, Phương ơi! Yêu em lắm… nhưng mà…
Trong công việc Huân quyết đoán bao nhiêu thì trong tình yêu anh lại rụt rè, nhút nhát bấy nhiêu. Phải chăng đã một lần bị phản bội mà anh cảm thấy sợ khi tình yêu đến? Con chim thoát chết sợ cả những cành cây cong hướng về mình. Anh đúng là ở trong tâm trạng đó. Nhưng mà Phương thế kia, con người ấy, tính cách ấy như có một mê lực nào vẫn cứ hút hết cả hồn anh. Con tim anh thường đập loạn nhịp mỗi khi anh gặp Phương hoặc chỉ nghĩ đến cô thôi.
Gập quyển sổ nhật ký lại, Huân chui ra khỏi lều bạt. Ánh trăng oà ra mênh mông. Không ngờ đêm nay trăng lại sáng thế. Hiếm có một đêm tháng chạp nào mà trăng lại rờ rỡ thế kia. Vầng trăng treo lơ lửng trên trời như chiếc chuông vàng ngỡ như giơ tay gõ vào cái chuông ấy là sẽ ngân vang lên những âm ba rờn rợn tựa tơ vàng óng ánh. Trăng lấp loáng trên mặt sông. Trăng chảy róc rách theo những chiếc thuyền đi đánh cá khuya. Trăng dập dờn một dải dài dọc con sông. Trăng duềnh lên lai láng cả hai triền bờ bãi. Con sông như được nới rộng ra bởi ánh trăng. Sóng rập rờn lay động những cây si, cây sung ven bờ. Lá trăng lấp loá nhảy múa. Trăng ngự trên đỉnh đầu vằng vặc sáng. Cá dưới sông nhảy lóc bóc. Nước chảy lách rách qua những tấm đăng chắn ở ven bờ. Xa tít phía thượng nguồn bóng núi Lịch mờ mờ huyền ảo. Không ai có thể nghĩ rằng chính cái nơi tràn ngập ánh trăng này ban ngày lại vừa mới qua mấy trận bom cày xới. Bây giờ chỉ còn lại ánh trăng và khung cảnh thanh bình của một làng quê bên sông. Chiến tranh như chưa hề qua đây. Đúng thế.
Đêm đông, ánh trăng sáng vằng vặc làm cho Huân có cảm giác vừa như lành lạnh lại vừa như khoan khoái bâng lâng. Sắp Tết rồi, thời tiết như ấm hơn. Cây bưởi nhà ai trổ bông sớm đã dìu dặt đưa hương ngan ngát. Ôi, ước gì bây giờ có Phương ở bên. Mình sẽ thẳng thắn nói lời yêu em. Vầng trăng trên cao kia sẽ làm chứng cho tình yêu của mình dành cho Phương. Không thể giấu lòng mình được nữa rồi. Trăng ơi! Trăng có hiểu? Nhắn giùm ta nỗi lòng này đến với em trăng nhé!
Một tứ thơ vụt loé lên trong đầu Huân.
“Bần thần nhặt giọt trăng rơi
Ướp hương hoa bưởi gửi người nhớ thương.
Tình ai giăng mắc tơ vương
Để ta ngơ ngẩn đoạn trường cùng trăng?”
Huân ngồi yên lặng như phỗng đá. Dòng thơ chảy ào ạt trong đầu anh. Huân lẩm nhẩm đọc đi đọc lại từng câu rồi quyết định chui vào lều bạt giở sổ ghi tiếp bài thơ đó vào dưới những dòng nhật ký vừa nãy. Sau đó anh lại ra ngồi ngắm trăng. Hồn anh tiếp tục phiêu diêu. Trăng vẫn như đang đùa rỡn với những tán lá của ngọn cây si phía đền Mom. Không có gió nhưng hình như những cành cây đầm đìa trăng ấy vẫn khe khẽ rung rinh, rung rinh…
Chợt Huân thấy từ trong ngôi đền cổ kính ấy một bóng người mặc quần áo trắng đi ra. Lúc này anh mới ngửi thấy mùi hương trầm ai thắp ban chiều từ phía đền toả tới thơm ngào ngạt. Thì ra hôm nay là rằm tháng chạp. Người mặc bộ đồ trắng vẫn đi theo hướng ánh trăng về phía anh. Hình như là con gái? Là người hay là ma? Bà Trọng chẳng đã có lần kể với anh rằng ngôi đền này thiêng lắm là gì? Người Huân lạnh sởn gai ốc. Anh đứng hẳn lên căng mắt nhìn về phía Đền. Bóng áo trắng dừng lại.
- Ai?
Không có tiếng trả lời. Huân vớ khẩu súng lên đạn lách cách:
- Ai? Nói ngay không tôi bắn.
Bóng áo trắng chợt quay hướng đi về phía bờ sông. Hình như có tiếng nói ngay bên tai Huân:
- Đừng bắn…Anh!
Huân thấy lạ quá chừng. Anh nhảy khỏi hòm đạn xuống đất đi theo bóng người đó. Càng đi, Huân càng thấy bóng người đó chạy trước mặt như nhanh hơn, xa hơn. Bờ sông hun hút gió. Tiếng cười của cô gái lạ đó rũ rượi vọng lại và rồi trong khoảnh khắc không thấy cô ta đâu. Hình như cô gái đã tan vào ánh trăng cùng dòng nước sông lấp loáng. Huân dừng lại dụi mắt ngơ ngác.
Đang tâm thần bất định như thế thì Huân lại nghe thấy tiếng con gái cười rinh rích phía nhà bạt của anh. Huân vội vã quay lại. Đúng là có người thật rồi. Đông nữa là đằng khác. Ánh đèn trong nhà bạt như đã vặn lên sáng hơn. Thế có nguy hiểm không cơ chứ. Máy bay nó mà đến thì khốn.
Vẫn tiếng cười của con gái phía đó. Huân sực tỉnh chạy vội về.
- Ai ở trong lều của tôi đấy?
Huân hỏi gấp.
- A! Anh Huân! Chúng mày ơi!
Đúng là giọng lanh chanh của Xuân.
- Anh gác sách thế này thì gay lắm. Ai lại bỏ vị trí thế cơ chứ? Mà lại còn làm cả thơ nữa? Thơ của anh hay lắm, cái Phương nó bảo thế.
Ôi, con ma xó. Lộ hết cả rồi. Huân nhìn vào trong lán. Phương, Tịch đang ở đó. Hai người chào anh. Tịch phân bua:
- Chúng em đi làm về muộn cứ tưởng có hàng nên vẫn ra bến như mọi khi. Ra đến đây mới biết đêm nay nghỉ bốc hàng, chúng em liền lên chơi với các anh. Thế anh Hiến, anh Tiến đâu cả rồi hả anh?
- Hai người vào nơi sơ tán chơi từ chập tối rồi.
Huân đáp lại và nhìn về phía quyển sổ nhật ký của mình đang mở đặt trên hòm đạn. Tịch biết ý:
- Bọn em vào lán thấy quyển sổ anh đang viết dở có xem trộm đôi chút, anh thông cảm. Anh Huân viết hay thật đấy.
- Không… không sao.
Huân ngượng ngập cầm quyển sổ cất vội vào ba lô. Chân tay anh lóng nga lóng ngóng. Chưa kịp định thần về bóng người ban nãy lại xảy ra sự cố này. Phương đứng im lặng từ nãy đến giờ như người thừa.
- Thôi, Tịch ơi, chúng mình ra bến cho người ta tâm sự đi.
Xuân loi choi vào lôi Tịch. Hai người túm áo nhau chạy ù đi bỏ lại Huân và Phương đứng trơ trơ trong lều bạt. Tiếng cười của họ rinh rích vọng lại:
- Cứ làm như hôm nó ném bom nhé!
Phương không kịp phản ứng đứng như trời trồng. Cả Huân cũng thế. Mãi sau, Huân mới lúng búng:
- Em… em bỏ qua cho… cho anh nhé.
Phương sực tỉnh ngước lên hỏi lại Huân:
- Bỏ qua gì cơ anh?
Ánh mắt họ gặp nhau. Một luồng điện chạy qua cả hai người khiến họ nóng ran. Huân ấp úng:
- Cái… cái quyển sổ… sổ lúc nãy ấy mà.
- Bắt đền anh đấy! Em ghét anh lắm.
Phương dậm chân ngúng nguẩy rồi chạy vù ra khỏi lều theo Tịch và Xuân. Huân ngơ ngác nhìn theo ú ớ không kịp nói điều gì. Đằng xa dưới ánh trăng đã nghe thấy tiếng ba cô gái cười rinh rích. Hình như họ cấu véo nhau. Trăng trên trời lung linh như cũng cùng cười với họ. Tiếng ai hò bên bờ bên kia vọng sang loang ra trên mặt sông trăng. Huân bần thần như mơ.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 19)

Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân làm nức lòng nhân dân cả nước. Tết ấy, làng Ngọc Chúc vui lắm. Tin thắng trận bay về liên tiếp. Chỗ nào người ta cũng bàn tán về chiến cục miền Nam. “Thằng Mỹ thua to đến nơi rồi. Nhất định nó phải cút về nước sớm”. “Chắc chắn cái mẻ đạn đặc biệt dân mình vác đêm nào cũng góp phần làm nên những chiến công đó”. Không khí Tết tưng bừng cả xã. Ai cũng gom góp lợn gà, bánh chưng hoàn thành nghĩa vụ sớm gửi ra tiền tuyến. Ông Ưu chủ nhiệm cửa hàng vui ra mặt. Chưa có tết nào huy động nghĩa vụ thực phẩm lại nhanh, gọn như Tết này. Nhà nhà đua nhau, các hợp tác xã đua nhau. Lợn, gà, trứng, đỗ, lạc chất đầy xe kìn kìn chở về huyện. Lão Phia cũng hăng hái tham gia trong đội vận chuyển thực phẩm của cửa hàng từ các đội sản xuất về giao cho xã. Ngoài đồng, lúa xuân cấy đến đâu xanh đến đó. Ban quản trị của bà Sự chạy như con thoi giữa đội nọ đội kia điều hành nước nôi, mạ muỗi.
Ban chỉ huy xã đội bên cạnh niềm vui chung đó cũng tất bật với kế hoạch quân sự cho năm mới. Theo nhận định của trên, giặc Mỹ thua đau ở miền Nam nhất định chúng sẽ cắn càn ra miền Bắc. Chắc chắn cuộc chiến rồi đây sẽ gay go hơn, ác liệt hơn. Máy bay chúng nó sẽ oanh tạc nhiều hơn. Vì thế, kế hoạch tu sửa hầm hào, sơ tán dân, vận chuyển và bảo vệ kho đạn, nâng cao cảnh giác luôn được ông Thạc, ông Chi và anh em dân quân nhắc tới. Bận rộn nhất là việc thực hiện lệnh tổng động viên của trên. Chiến trường đang cần người, yêu cầu miền Bắc chi viện. Một đợt tuyển quân đột xuất được tổ chức ngay sau khi Tết xong. Thanh niên làng Ngọc Chúc nô nức đăng ký tình nguyện. Chỉ tiêu trên giao có chục người mà số người đăng ký đã lên tới trên ba mươi. Hầu như số thanh niên trai tráng của làng đều đăng ký hết. Nhiều lá đơn viết bằng máu đọc lên rất xúc động. Người ta tranh nhau đi bộ đội. Trong số đó có cả Thân. Ông Thạc bù đầu về giải thích tiêu chuẩn tham gia quân đội kỳ này.
Cuối cùng, Ngọc Chúc cũng tuyển được mười một trai tráng khoẻ mạnh gửi ra mặt trận. Số còn lại ông Thạc phải hứa với họ rằng sẽ tuyển vào đợt gần nhất. Thế mà có người vẫn chưa chịu yên.
Thân cạy cục, năn nỉ mãi cuối cùng ban chỉ huy xã đội, rồi thường vụ đảng uỷ xã cũng chấp nhận coi đó là trường hợp đặc biệt ưu tiên được đi. Đúng ra, Thân nằm trong diện tạm miễn hoãn vì anh là lao động duy nhất của gia đình, hơn nữa mấy người anh của Thân đang tham gia bộ đội rồi, trong đó có một người đã là liệt sỹ. Giải thích thế nào anh cũng không nghe. Mẹ anh cũng ủng hộ con trai. Bà dẫn con lên tận thường vụ xã để “ý kiến”.
Hôm nghe ông Lạc, bí thư mới thay ông Khang chuyển công tác lên huyện giải thích cho hai mẹ con bà về việc tạm miễn hoãn nghĩa vụ đối với Thân, bà mẹ Thân nói:
- Những điều ông bí thư nói tôi đã nghe ông Thạc nói cả rồi. Tôi chỉ đề nghị với ông là con tôi ở trong diện đặc biệt. Các ông cứ cho nó đi. Nó đi để trả thù cho anh trai nó. Nhà nước ra lệnh tổng động viên lý gì mà các ông không cho con tôi đi bộ đội? Ông có con trai hy sinh ở chiến trường đâu mà ông hiểu tâm trạng của những người mẹ như tôi.
Ông Lạc cắt ngang lời bà Thân:
- Bà thông cảm. Tôi rất hiểu nỗi đau của các bà mẹ có con hy sinh ở chiến trường nhưng đây là quy định của trên. Trên chưa cần đến những thanh niên có hoàn cảnh như thằng Thân nhà bà. Nó phải ở lại trông nom bà và lo công tác hậu phương. Ai cũng ra tiền tuyến hết thì lấy ai ở nhà sản xuất, chiến đấu? Ở lại cũng là một nhiệm vụ đấy bà ạ.
- Tôi biết. Nhưng mà mình thắng to thế không vào nhanh tham gia chiến dịch thì mai kia liệu có cơ hội nào nữa? Với lại cứ nghĩ đến cái thằng Mỹ nó bắn vào con tôi, thả bom xuống làng mình giết bao nhiêu người, đốt bao nhiêu nhà là tôi không thể nào chịu được. Đã mấy đợt các ông không cho nó đi rồi. Phen này nhất quyết các ông phải ưu tiên cho con tôi.
Thân cũng nói thêm:
- Bác cứ cho cháu đi đợt này. Mẹ cháu nói phải đấy. Cháu là trường hợp đặc biệt, các bác ưu tiên cho cháu.
Ông Lạc có vẻ lúng túng. Lá đơn viết bằng máu của cậu ấy còn kia. Cả chữ ký của bà mẹ cậu ta nữa, rất rõ ràng, dứt khoát. Được thể, Thân tiếp lời:
- Anh cháu là liệt sỹ. Nhiều người làng mình ra trận cũng đã trở thành liệt sỹ. Nếu cháu không ra trận thì ai sẽ trả thù cho họ. Đã đành là có nhiều người khác làm việc đó nhưng vẫn không thể bằng chính cháu được. Nếu ai cũng nghĩ rằng tôi phải ở nhà để phụng dưỡng cha mẹ già, tôi phải ở nhà vì tôi là con một, là người cuối cùng trong dòng họ thì lấy ai ra chiến trường?
Tưởng cậu ta lù đù thế mà cũng lý luận đáo để. Trước sự kiên quyết của mẹ con bà Thân, ông Lạc đành phải hứa:
- Thôi được rồi, tôi ghi nhận đề nghị của mẹ con bà. Để tôi báo cáo Thường vụ xã sẽ xem xét cụ thể rồi trả lời cho bà sau.
- Xét gì thì xét, các ông phải ưu tiên cho con tôi đấy nhé.
Bà mẹ Thân vẫn cố nói thêm với bí thư Lạc. Cuối cùng Thân cũng đã được Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã xét tuyển cho đi bộ đội đợt này. Nhiều thanh niên khác ấm ức trước Thân.
Riêng nhà ông Phơ thì vẫn coi như không có việc gì xảy ra. Hôm nghe tin có lệnh tổng động viên ông Phơ đã nhỏ to với Hoàn. Ông lại muốn Hoàn tạm lánh lên mạn ngược như mấy đợt trước thường làm. Thế nhưng Hoàn kiên quyết không nghe. Anh bảo phải ở nhà cùng ban xã đội lo cho hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân đợt này. Anh là bí thư chi đoàn, trong lúc khí thế cả nước như vậy không thể chạy trốn mà đi được. Hơn nữa, sau cái hôm anh cứu bà Năm, ông Phia uy tín của anh tăng lên rõ rệt. Cấp uỷ theo ý kiến của ông Thạc đã đưa anh vào danh sách đối tượng cảm tình đảng. Trong lúc này mà bỏ đi thì hỏng hết việc. Phải cố lên. Cánh trai làng đi hết mình ở nhà mới dễ có vị trí cao được. Từ lâu Hoàn vẫn mơ cái chức phó bí thư đoàn xã. Biết đâu đây lại chẳng là thời cơ thuận lợi cho anh? Hơn nữa, thanh niên làng đăng ký đầy ra đấy có phải thiếu người đi đâu mà lo đến mình phải đi. Hoàn chả đã thăm dò ý kiến ông Thạc rồi là gì? Hôm Hoàn ướm lời: “Đợt này đề nghị các bác cho cháu đi bộ đội” thì ông ấy bảo: “Cậu phải ở nhà lo việc thanh niên. Phong trào đang lên, ở nhà cũng là một nhiệm vụ. Đi hết chỉ còn đàn bà, con gái thì chết chúng tớ à?”. Thế là Hoàn yên tâm. Vừa được tinh thần hăng hái, vừa lại biết được mình ở nhà. Anh đem điều đó nói với ông Phơ. Bố anh cười ha hả khen anh là thông minh chẳng khác gì bố. Anh được thể vào vai tích cực đi tuyên truyền, vận động giải thích cho đoàn viên thanh niên của mình biết về ý nghĩa, tầm quan trọng của đợt tuyển quân này. Người ta khen anh sâu sát, có trách nhiệm với công việc. Riêng Gái thì biết khá rõ mọi động tác của Hoàn. Cô càng thấy coi thường Hoàn hơn.
Tối nay, chi đoàn Ngọc Chúc tổ chức liên hoan chia tay Thân và mười thanh niên nữa lên đường nhập ngũ. Quyết định của Thân được về sau nhất. Mãi tới chiều nay xã đội mới giao quyết định cho anh. Lúc đó mọi người trong làng Ngọc Chúc, nhất là đám thanh niên mới biết. Xuân quá ngỡ ngàng. Không ngờ cái anh chàng củ mỉ cù mì cô để ý từ lâu ấy thế mà lại làm được cái việc mà một số thanh niên làng không làm được. Cô vừa cảm phục anh lại vừa thoáng buồn. Thế là người ta đi thật rồi.
Buổi liên hoan chia tay thanh niên làng lên đường nhập ngũ thật vui vẻ. Bí thư chi đoàn Hoàn phát biểu khá hay, có phần bay bướm văn chương nữa là đằng khác. Rằng là vai trò của thanh niên đối với Tổ quốc, với cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc. Rằng là thanh niên Ngọc Chúc không làm hổ thẹn truyền thống sông Lô lịch sử, quê hương đất bưởi anh hùng, ra đi quyết mang chiến thắng trở về. Hoàn biểu dương tinh thần hăng hái xung phong ra trận của Thân, nhắc nhở mọi người học tập tấm gương đó. Rằng là chúng tôi hứa sẽ ở lại hoàn thành tốt phần việc của các đồng chí và mong chờ những cánh thư báo tin vui từ mặt trận. Vân vân và vân vân… Phương ngồi nghe cảm thấy nhạt nhẽo. Cánh trẻ thì túm năm tụm ba nói chuyện riêng với nhau. Xuân ngắm mãi Thân. Mọi ngày cô loi choi bao nhiêu thì hôm nay cô lại ngồi yên lặng lẽ bấy nhiêu. Mấy bận Phương liếc nhìn Xuân và đoán được tâm trạng của bạn.
Xong phần thuyết giáo của Hoàn chuyển sang phần liên hoan văn nghệ, tặng quà người ra đi. Không khí tưng bừng hẳn lên. Mọi người tranh nhau phát biểu, tranh nhau hò hát. Ai cũng muốn nói những lời tốt đẹp nhất, tặng những món quà ý nghĩa nhất cho người ra đi. Mãi đến gần mười giờ đêm cuộc liên hoan mới tan. Từng tốp, từng cặp đi với nhau.
Đêm nay, làng Ngọc Chúc lại không ngủ. Tiếng chó sủa inh oang khắp xóm. Có nhiều nhà thức đêm để gói bánh chưng cho con ngày mai nhập ngũ. Người ta đi chơi các nhà tân binh rầm rập trên đường. Tiếng chào hỏi, gọi nhau í ới. Trẻ con chạy nhảy đùa nghịch i như là đám cưới.
Xuân ra sau. Mọi người về hết, cô vẫn tần ngần đứng mãi trong sân nhà Gái. Phương đến gần bên nói:
- Lại với người ta đi. Còn lúc nào nữa mà cứ đứng đực ra đấy.
- Dưng mà tao ức lắm. Quyết định đi bộ đội mà hắn không nói với tao một câu.
- Ngốc ạ. Thế chúng mày đã là gì với nhau chưa?
Phương dúi tay vào trán Xuân. Xuân ngớ người:
- Chưa!
- Chưa. Thế mà mày bảo người ta phải “ý kiến” với mày.
- Ừ nhỉ. Tao ngốc quá. Đúng là là… Thế mày bảo tao phải làm thế nào bây giờ?
- Phải chủ động gặp lão ấy. Tao thấy hắn cũng có vẻ mến mày lắm đấy.
- Mến? Mến mà không thèm nói gì cả!
- Ngốc ơi là ngốc. Mày ở gần hắn mà chẳng hiểu gì hắn cả. Hắn là một người có bản lĩnh, trầm tính và nội tâm lắm. Ai không hiểu thì cho hắn là khó gần nhưng không phải đâu. Thì ngay cái việc chạy được đi bộ đội đợt này thì đã rõ. Nào ai biết nào?
Xuân lặng yên. Phương nói tiếp:
- Trong việc này mày phải chủ động. Tao nhắc lại: phải chủ động. Nghe chưa. Như cái Tịch đấy.
- Nhưng chẳng lẽ trâu đi tìm cọc? Với lại nhỡ lão ấy không… thì chết tao à?
- Giời ạ. Sao mà cổ hủ thế? Thường ngày mày tinh tướng lắm cơ mà sao việc này lại ngờ nghệch vậy? Đã bảo học ngay cái Tịch đấy. Nó vừa nhận được thư của anh Chất chiều nay kia kìa. Con bé chẳng đang sướng như rồ lên ấy à. Mà mày bảo nhỡ hắn “không” ư? Lại càng ngốc. Tao linh cảm hắn để ý tới mày từ lâu rồi nhưng bản tính của lão thế, không biết nói, chính xác hơn là chưa biết nói thì đúng hơn. Tao bảo đảm với mày rằng nhất định ăn đấy. Không còn cơ hội nào đâu. Nhanh lên con ngốc.
Xuân ngẩn người một lúc rồi quay gót chạy ù ra cổng.
- Anh Thân ơi! Chờ em với!
Tiếng Xuân vang hút ở cuối xóm. Phương mỉm cười một mình. Cô chợt nhớ đến Huân. Những dòng nhật ký của Huân vô tình Phương đọc được đêm nào như nhảy múa trong đầu cô. Ôi, giá có mẹ ở nhà thì Phương sẽ ôm lấy mẹ và cô sẽ nói về Huân suốt đêm nay cho bà nghe. Con gái của mẹ đã có chốn rồi mẹ ạ. Mùi hoa bưởi ngoài vườn thơm ngát khiến hồn cô lâng lâng. Thế là lại thêm một mùa hoa bưởi nữa trong đời rồi. Không biết giờ này Huân đang làm gì nhỉ? Anh thức gác hay đang ghi nhật ký, làm thơ? Anh có thấy hương bưởi làng em đang ngào ngạt đó không? Cái Xuân tối nay nó cũng hái mấy chùm hoa bưởi gói vào chiếc khăn mùi xoa thêu đôi con chim đang bay cùng với quyển sổ tay để tặng Thân ngày mai nhập ngũ đó. Con bé thế mà cũng mộng mơ đáo để, anh nhỉ? Mà anh đã viết được bài thơ nào về hương bưởi quê em chưa? Cấm không được để cho đứa nào nó biết đấy nhé!
Phương bồng bềnh trong mơ cùng Huân. Tiết trời sang xuân ấm hẳn lên. Ánh trăng suông mờ ảo cùng với hương bưởi nồng nàn như gọi mời vạn vật vũ trụ bước vào mùa sinh nở. Ngoài vườn tiếng dế kêu rả rích. Cóc nhái kêu râm ran. Hình như trời muốn mưa lắm? Có phải đấy là tiếng của mùa xuân thầm thì?
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 20)

Tịch nhảy chân sáo ra khỏi nhà để lên núi Hang Khay thay gác cho Côi. Mấy hôm xuống núi đi làm “202” đào xúc đất, đẩy xe cải tiến làm cho cô mệt nhoài. Ông Niên Tính, đội trưởng đội 202 nói với mọi người trong đội:
- Cái Tịch từ ngày lên núi làm gián tiếp gác phòng không hình như nó ươn người ra thì phải. Tao trông nó phờ phạc như là ốm nghén ấy.
- Cái ông này. Nghén cái gì mà nghén? Ông chỉ được cái tầm bậy.
- Nó nhớ anh Chất đấy.
- Thì là nghén tương tư. Ông ấy nói cũng có phần đúng đấy. Ông Niên nhỉ?
Mấy đứa con gái đứa bênh Tịch, đứa ủng hộ ông Niên. Họ chĩa vào Tịch lao nhao. Xuân quẳng xẻng chống nạnh nói với đội trưởng:
- Ông tưởng gác máy bay làm gián tiếp là nhàn lắm phỏng? Ông thử lên một buổi xem sao? Nguyên chuyện rét mướt, mất ngủ đã ốm người ra rồi chứ chưa nói gì đến vác nước lên núi, đến đếm bom, đào tăng sê đâu nhé. Đấy, hôm máy bay nó nện cho cả ngày tưởng chúng nó đi toi hết chứ tưởng “gián tiếp” à? Gián, có mà gián cái khỉ gió. Còn trực tiếp hơn cả chúng ta ấy.
Khẩu khí của Xuân làm cả đội bật cười.
Đúng là tháng trước, không hiểu sao bọn Mỹ lại đốc chứng ra đánh một ngày liên miên. Bom thả xuống như sung rụng. Rốc két bắn rạch trời, xuyên đất. Các loại bom được trút xuống gần nửa xã Chí Đám. Núi Hang Khay mù mịt khói bom. Mấy quả đồi xung quanh ràn rạt tiếng bom nổ. Không như mọi ngày chúng chỉ quay đi quay lại thả bom vài lượt là cút nhưng hôm đó chúng đánh nê rỉa rói đến quá chiều vẫn chưa thôi. Khi chúng đi rồi, tiếng bom nổ chậm vẫn ì oành không dứt. Bầu trời thì yên ắng mà mặt đất vẫn dậy tiếng bom. Kẻng báo yên từ các ngả dội đến nhưng trạm Hang Khay vẫn im bặt. Có người nói: “Được hay chúng nó bị bom vùi cả rồi?”. Ông Thạc phải cử người bám núi leo lên. Mấy mũi theo các ngả tiếp cận chân núi để lên mà không được. Bom nổ tới tấp xung quanh. Bom nổ oành oành trên đỉnh núi. Bom nổ tanh bành dưới khu bềnh sậy. Khói mù mịt. Đất đá bay rào rào. Cây cối gãy răng rắc, đổ nghiêng ngả. Chim cò bay loạn xạ. Dân Ngọc Chúc, Phượng Hùng cứ thắt ruột đứng ở làng mà nhìn lên. Bà Nhâm, mẹ của Tịch gào khóc gọi mãi tên con. Mấy người trầm tính nhất, cẩn thận nhất cũng đã phải thốt lên lời: “Có lẽ chúng nó đi cả rồi!”. Không khí tang tóc bao trùm cả làng. Mãi đến gần chiều tối, ngớt tiếng bom thì bất ngờ tiếng kẻng báo yên đĩnh đạc vang lên trên đỉnh núi Hang Khay. Mọi người ôm lấy nhau: “Chúng nó còn sống”. “Sống rồi! bà con ơi!”.
Cánh lên núi và người xuống núi gặp nhau lưng chừng dốc. Người nào người ấy bụi đất lấm lem, mặt sạm lại vì khói bom, thuốc súng. Họ ôm nhau trong tiếng cười và cả tiếng khóc. Thì ra, bom nổ rát quá, mấy lần tổ phòng không cử người lên gõ kẻng báo yên thế mà hễ cứ nhô đầu ra khỏi hầm là bom nổ nên đành chịu. Biết là người ở dưới núi rất lo nhưng không làm thế nào để mà báo hiệu được. Bây giờ nhớ lại cái hôm ấy, đến Tịch cũng phải rùng mình.
Mặc cho mọi người bàn tán, Tịch vẫn cứ lơ ngơ để cười. Ông Niên chống cuốc thanh minh:
- Ấy là tao nói thế. Chứ tao mà còn trẻ như chúng mày thì đừng có thách. Hồi đánh tây còn gian khổ gấp vạn ấy, các cô tưởng à? Thôi, giải lao. Cái Tịch hát đi. Hát cho cánh thợ cấy dưới kia biết khí thế của đội 202 chúng ta.
- Phải đấy. Hát đi!
- Tiếng hát át tiếng bom! Hôm nào phải đề xuất với bí thư Ngân và ông Thạc cấp cho trạm phòng không Hang Khay một bộ ORIONTON cho cái Tịch lên đấy tha hồ mà hát.
- Nếu vậy thì cả khu vực ngã ba sông này sẽ vang tiếng hát cho mà xem.
- Chứ không? Theo tao phải hát cả lúc nó ném bom nữa. Có thế mới oách.
- Phải đấy. Nếu có cái ORIONTON thì hôm nọ cái Tịch chỉ cần cất tiếng hát là dưới này khỏi phải lo nữa rồi.
- Thôi, hát đi.
- Mày hát đi. Hát cho anh Chất ở xa cũng nghe thấy.
Xuân cầm cái ORIONTON mà ông Niên vừa rọ roạy lắp ấn vào tay Tịch. Nhắc đến Chất, Tịch phấn chấn hẳn lên. Cô cầm chiếc đài ngang mặt và cất tiếng hát. Cô như thấy có Chất ở bên đang lặng yên ngồi nghe hát.
Vừa đi, Tịch vừa giở lá thư của Chất ra để đọc lại. Không biết cô đã đọc đi đọc lại lá thư này bao nhiêu lần rồi. Tờ giấy đã nhàu cả ra. Cô thuộc lòng, nhớ mặt từng con chữ. Trong thư Chất viết “Tịch em thương yêu!”. Ôi, những ngôn từ sao mà yêu đến thế! “Anh về đến đơn vị mới là viết thư cho em luôn. Em vẫn khoẻ chứ? Có nhớ anh không? (Lại còn phải hỏi). Còn anh không lúc nào là anh không nhớ về em. Dáng người em, ánh mắt em, nụ cười của em nữa cứ hiển hiện mồn một trước mắt anh. Cả giọng nói ngọt ngào của em như cũng vẫn cứ văng vẳng bên tai anh. (Gớm, tán dóc thế? Tịch khẽ mỉm cười một mình). Em biết không, về đến tỉnh đội là anh được điều ngay về huyện Tam Nông. Bên đó bọn giặc Mỹ cũng đã ném loại bom mới giống ở bên mình. Thế là anh vẫn ở trong tỉnh, vẫn ở ngay gần em thôi. Đừng lo nhiều cho anh cưng nhé. Em nhớ phải giữ gìn sức khoẻ đấy. Đừng cố mà ốm thì khổ. Thương lắm. Nhớ mặc thêm áo ấm lên núi kẻo mùa này vẫn còn lạnh nhiều nghe em. Nếu có vác đạn thì vác những hòm vừa vừa thôi. Các cụ bảo nhẹ gàu mau tát mà. (Thế vác những hòm vừa vừa thôi thì những hòm to nặng ai vác? Anh chỉ được cái khôn lỏi. Giá mà có ở đây thì người ta đấm cho một trận). Thế nhé. Cho anh gửi lời thăm bố mẹ và các em cùng ông Thạc, ông Chi, bà Sự và các bạn Phương, Xuân, Côi, Huân, Tiến, Hiến nữa nhé. À mà Côi có nói gì hôm chúng mình ở đỉnh núi Hang Khay không? Thông cảm cho anh, Tịch nhé! Hôn em nhiều”.
Tịch phì cười vì Chất nhắc đến cái hôm ở đỉnh Hang Khay. Gớm! Xấu hổ chết đi được lại còn nhắc với nhở. Cái Côi nó chẳng ôm mình, cù mình để hỏi mãi về cái cảm giác lúc đó là gì. Được cái con bé nó cũng kín tiếng chứ như con Xuân thì loa khắp cả làng. Nhưng mà không hiểu tại sao cái Phương nó cũng biết được cơ chứ. Nó bảo cái hôm anh Huân đè lên người nó cũng làm cho nó ngây ngất mãi. Ai lại bom đạn như thế mà nó chẳng hay biết gì nữa. Tim nó đập thình thịch. Người nó nóng ran. Nó bảo lúc ấy nó như ngừng thở. Một cảm giác chưa từng thấy bao giờ đến với nó. Đến khi anh Huân dậy rồi mà nó vẫn còn cứ nằm nguyên như thế mãi. Buồn cười thật. Cái lúc ấy mình cũng thế. May mà cái Côi nó đến không thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa.
Tịch lâng lâng mỉm cười một mình. Cô đưa lá thư lên môi. Nào chúng mình hôn nhau anh Chất nhé.
Bỗng đánh rầm một cái. Tịch có cảm giác đau điếng ở chân.
- Ơ… cái con này? Đi đứng thế nào mà lao vào cả đầu xe ông thế?
Tịch choàng tỉnh. Cô ngẩng mặt lên thì thấy bánh trước xe đạp của lão Phia đã húc vào chân mình. Tịch lóng ngóng đứng giữa đường.
- Cháu xin lỗi!
Cô vừa lí nhí nói vừa xuýt xoa.
- Có sao không? Tao bóp chuông từ xa, mở đài oang oang mà mày cứ đâm đầu vào là thế nào? May mà tao phanh kịp, không thì…
- Dạ, không sao ạ. Tại cháu mải xem bài hát quá. Ông có bận gì không?
- Không. Suýt nữa thì đổ xe hỏng cái đài thì chết.
Tịch vội quan sát xe của lão Phia. Đằng sau là cái sọt to tướng. Chắc lại hàng họ chở vào khu sơ tán.
- Cái Xuân nó đang tìm mày đấy.
Lão Phia vừa chỉnh lại cái xe đạp vừa nói.
- Thế ạ? Nó tìm cháu có việc gì thế ông?
- Tao không biết. Thấy nó đang hỏi nhặng mãi ở đằng kia kìa.
Lão Phia chỉ tay về phía quốc lộ 2. Tịch nhìn theo hướng tay lão chỉ. Bỏ mặc Tịch đứng đó, lão Phia lên xe tiếp tục chở hàng vào khu sơ tán.
Tịch cất lá thư vào chiếc túi xách. Hình ảnh của Chất vẫn đọng mãi trong đầu cô. Đi một đoạn thì Xuân le te tới.
- Gớm, mày làm tao tìm hết cả hơi. Hôm nay lại đến phiên trực à?
- Ừ. Mày tìm tao có việc gì thế?
- Anh Hoàn anh ấy bảo có gặp mày và cái Phương đâu thì bảo ngay cả hai đứa đến bãi đạn cuối làng anh ấy trao đổi công việc.
- Việc gì?
- Tao không biết. Nhưng xem ra quan trọng lắm. Thấy anh ấy có vẻ bừng bực thì phải?
- Lại thế kia nữa? Dưng mà gặp lúc nào?
- Trước lúc vác đạn tối nay.
- Được rồi, tao sẽ rủ cái Phương đi sớm. Trên núi sẽ giao cho cái Côi và cái Liên trực.
Hai người líu ríu bên nhau. Xuân bám lấy Tịch tuôn tuồn tuột chuyện của mình với Thân:
- Mày biết không, hôm lão Thân nhập ngũ ấy mà, nghe lời cái Phương tao đã chủ động tấn công hắn.
- Mày tấn công thế nào?
- Thì tặng quà này. Thì viết thư này.
- Viết thư. Đấy với đấy mà phải thư với từ. Vẽ chuyện.
- Nhưng mà nó khó nói lắm.
- Tao tưởng mày mạnh bạo lắm cơ mà?
- Thì vưỡn. Dưng chuyện này bố ai mà mạnh bạo được.
- Thế cũng là mạnh bạo rồi đấy. Tỏ tình trước chẳng mạnh bạo là gì?
- Thì mày tính, cái Phương nó bảo bây giờ không nói thì biết bao giờ mới nói được nữa. Phải học tập cái Tịch kia kìa.
- Á à. Mẹ con Phương chứ. Nó lại nối giáo cho giặc à? Tao khác. Nó chỉ giỏi xui người ta còn bản thân nó thì nhùng nhà nhùng nhằng ra chứ tưởng. Nhưng mà thế có… có… xong không?
Tịch xoáy lại hỏi Xuân. Xuân mở to đôi mắt ngời sáng. Cô ậm ừ:
- Chẳng biết được.
- Thế hắn có nhận quà và thư của mày không?
- Có. Lúc nhận, hắn cứ nhìn xoáy mãi vào mắt tao làm tao rõ hoảng ở đâu ấy.
- Thế là được rồi. Tay Thân lù lì thế nhưng mà tốt nết lắm đấy. Hắn được cái có duyên ngầm. Trước kia hình như hắn mê cái Phương thì phải nhưng rồi cái Phương lại ngả về anh Huân nên tao thấy một dạo hắn buồn lắm. Gần đây thấy hắn lại nghiêng về mày. Mày cứ vô tư chẳng để ý chứ tao thấy hắn toàn nhìn trộm mày thôi. Tao cũng biết tỏng mày cũng để ý đến hắn nhưng cứ làm bộ, đúng không?
- Mày rõ là… Chỉ được cái đoán mò.
Xuân véo vào má Tịch.
- À, mới nhận được thư của anh Chất phải không?
Tịch gật đầu hớn hở.
- Tay ấy trông có vẻ bạo liệt thế nhưng viết thư cũng lãng mạn lắm nhé.
- Đâu, cho tao đọc với?
- Đọc thế nào được. Đọc để mày loa ra cho cả làng Ngọc Chúc này biết à?
- Gớm! Cái con này. Cho tao học kinh nghiệm với.
Hai người giằng nhau cái túi xách. Họ cùng bấm véo nhau rinh rích. Mấy con chim sâu đang lích chích trong vườn bưởi nhà bà Kế bỗng im bặt nhìn họ ngơ ngác.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7]