Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH


(Chương I - tiểu thuyết)

Ông Hùng trằn trọc trở mình hết bên nọ lại bên kia vẫn không sao chợp được mắt. Cái tin dòng họ ông có người nối dõi đã làm ông choáng ngợp, rạo rực như mơ. Có thật thế không? Có đúng thằng Quân là con của Việt, em trai ông, một thương binh nửa người nửa ngợm ấy không? Mười tám, mười chín tuổi rồi cơ mà! Đẹp trai, cao ráo thế cơ mà! Phúc nhà ông to quá. Ngỡ tưởng đến đời anh em ông là tuyệt tự thế mà bỗng dưng giời lại cho cục vàng to đến thế! Còn hơn cả cục vàng ấy chứ! Càng nghĩ ông Hùng càng thấy cuộc đời có nhiều cái bất ngờ thật không thể hiểu nổi. Ông vừa nghĩ vừa cười một mình trong đêm.

         - Ông làm sao thế? Sao mà cứ rọ roạy mãi vậy? Không ngủ được à?

         Bà Hoa lên tiếng. Ông Hùng ứ hự đánh trống lảng:

         - Có sao đâu. Chẳng qua hôm nay ngồi xao chè cả ngày nên người nó khó chịu khó ngủ đó thôi. Bà cứ ngủ đi, kệ tôi.

         Hỏi thì hỏi vậy chứ cơn buồn ngủ của bà Hoa đã kéo đến từ lâu rồi. Lát sau, bà đã ngáy pho pho.

Ông Hùng lại mỉm cười một mình trong đêm. Bà không biết được đâu, dòng họ Phan Anh nhà tôi có người nối dõi rồi. Cái chú “Việt cồ” ấy nó có thằng con trai oách lắm nhé. Đừng tưởng chú ấy mặt mũi tay chân sẹo nhằng sẹo nhịt, rúm ra rúm ró vì bỏng bom napan mà không có con nhé. Chả như bà đâu, toàn tòi ra một lũ vịt giời. Đằng này, chú ấy chỉ quệt qua một cái mà cô Loan đã đẻ ra cái thằng Quân rõ là cao ráo, đẹp trai. Tôi phải giữ kín chuyện này chưa cho bà biết vì bà hay banh toe lắm. Lộ ra thì rắc rối phức tạp lắm. Rồi cái nhà cô Loan kia biết ăn nói với nhà chồng cô ta ra sao? Tay Dụ liệu có để cho cô ấy yên không? Gần hai chục năm nuôi con thằng khác bảo thằng đàn ông nào mà chịu được? Nó chẳng gầm lên băm vằm xé xác con vợ ăn ở hai lòng thì cứ bé. Ai lại nuôi con tu hú thế kia chứ? Với lại, còn thằng Quân nữa? Tí tuổi đầu biết chuyện này liệu có ổn? Không khéo niềm hy vọng vừa loé lên lại tắt ngấm vì cái sự nghĩ quẩn của con trẻ cũng nên? Thôi, tốt nhất cứ theo phương án mà hai anh em ông đã bàn sáng nay là được. Hãy để thời gian trả lời và tìm cách giải quyết vậy.

Càng ngẫm ông càng thấy thằng Quân giống chú Việt ấy quá. Giống cả ông thời trai trẻ nữa. Thì “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh” đấy là gì! Thế mà lâu nay mình đâu có để ý. Nói bảo nói dại, cũng may mà có vụ tai nạn ôtô đó thì chú Việt mới nhận được con. Công nhận cái nhà cô Loan gan lì thật, giấu chồng, giấu người yêu mười tám mười chín năm giờ mới tỏ. Mà cũng mới chỉ chú Việt biết thôi mới tài chứ. Cứ bảo đàn bà “sâu sắc như cơi đựng trầu” đi, đâu có phải. Trong đầu ông Hùng chợt hiện về hình ảnh làng La Hương gần hai chục năm trước.

Ngày đó, bộ ba Dụ, Việt, Loan cùng ở trong đội thuỷ lợi 202. Hai người Việt và Dụ cùng để ý để tứ, cùng yêu một người con gái đó là Loan. Dụ hăm hở, sôi nổi, ào ạt bao nhiêu thì Việt, em trai ông lại trầm tính, kín đáo, chín chắn bấy nhiêu. Dụ săn đón, dùng lời hay ý đẹp tìm mọi cách tiếp cận Loan. Ngược lại, Việt chỉ yêu Loan qua ánh mắt và những công việc cụ thể hàng ngày, làm nhiều hơn nói. Tính chú ấy thế, có phần cục cằn nữa là đằng khác. Thì thế người ta mới đặt cho biệt danh là “Việt cồ”. Ấy vậy mà Loan lại yêu Việt mới lạ chứ.

         Nhà Loan có bốn mẹ con. Bố Loan hy sinh trong chiến dịch Điện Biên phủ. Mẹ Loan ở vậy nuôi ba chị em Loan. Loan là cả. Dưới Loan là Quang, em trai và Hiên em gái. Quang lúc đó vừa mới nhập ngũ. Hiên thì đang làm công nhân mãi tận Hải Dương. Mẹ Loan đau yếu triền miên. Bà bị bệnh dạ dày mãn tính dẫn đến ung thư. Loan là trụ cột gánh vác việc gia đình. Đẹp người, đẹp nết, hiền dịu, dễ thương, Loan được bao trai làng để ý. Dụ và Việt cùng ở trong cuộc đua đó.

         Khi Việt, em trai ông xung phong lên đường nhập ngũ, vào Nam đánh Mỹ được một thời gian ngắn (khoảng gần ba tháng gì đó) thì Loan lấy Dụ. Ông rất hiểu hoàn cảnh Loan lúc đó. Thứ nhất là có tin Việt đã hy sinh. Thứ hai là Dụ tấn công Loan riết quá. Mẹ Loan bệnh ngày càng nặng. Bà bắt Loan phải lấy chồng cho bà được yên tâm nhắm mắt. Dụ khéo lấy được lòng bà, hơn nữa trai làng lúc đó ra trận hết còn ai hơn Dụ đâu nên Loan đã đồng ý theo sự sắp đặt của mẹ cô. Và thứ ba nữa, đến bây giờ ông mới hiểu, đó là trong bụng Loan lúc đó đã có giọt máu của Việt. Họ đã kịp trao thân gửi phận cho nhau trước lúc Việt lên đường. Loan lấy Dụ cũng là để hợp lý hoá cái thai đó. Ai ngờ, thằng Quân bây giờ là kết quả cuộc tình giữa Việt và Loan.

         Cưới Loan xong, do thanh niên trai làng ra trận hết, Dụ ở nhà được tiến cử vào giữ các chức vụ từ nhỏ đến to. Đầu tiên là bí thư chi đoàn, rồi đi học trung cấp chăn nuôi để quy hoạch là cán bộ chủ chốt của hợp tác xã La Hương. Thế nhưng, khi Dụ học xong về thì vừa lúc hợp nhất các hợp tác xã nhỏ. Bộ máy đã kiện toàn. Xã không bố trí được cho Dụ vào chức nào vì anh bị chậm chân. Đại hội hợp nhất các hợp tác xã nhỏ đã xong từ tám hoánh nào rồi. Với lại, bao vị chủ chốt của năm hợp tác xã nhỏ còn lù lù ra đấy lấy đâu đến lượt Dụ. Chán trò, anh ta quay sang làm nghề dắt lợn đực giống kiêm thú y đúng nghề đã học. Vợ chịu thương chịu khó, chồng nănng động tính toán làm ăn, kinh tế nhà Dụ cũng khá dần lên. Rồi ban quản trị hợp tác xã lớn đổ vì làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất, Dụ được đại hội đại biểu xã viên khoá bốn bầu vào giữ chức phó chủ nhiệm hợp tác xã lớn.

         Từ ngày có chức có quyền, Dụ xoay sang làm kinh tế bằng đủ mọi mánh khoé. Bỏ không dắt lợn giống và thú y nữa, Dụ chuyên khai thác lợi thế từ chức vụ của mình. Do có máu làm kinh tế từ bé nên gặp dịp là Dụ thể hiện ngay. Anh ta cặp bồ với Huê, cán bộ thú y của trại chăn nuôi. Tuy là phó nhưng nhiều khi Dụ quyết đáp lấn quyền cả chủ nhiệm. Kỳ bầu cử hội đồng nhân dân vừa rồi, lẽ ra nếu trúng cử, Dụ sẽ thay Hải giữ chức chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Thế nhưng sự đời đến đây đã không chiều theo ý Dụ nữa, anh đã trượt vỏ chuối trước ông anh trai cùng khu vực bỏ phiếu với mình. Ông Dẫn, anh trai Dụ, cái ông cù lần ấy trúng cử hội đồng nhân dân xã mới chết chứ. Dụ vừa mừng cho anh mình, vừa bực với mình, lại giận cả tổ chức nữa. Ai lại sắp xếp cho anh em ông tranh giành nhau cái chân đại biểu hội đồng nhân dân xã khu vực La Hương cơ chứ?

Sau khi có kết quả bầu cử, Thường vụ đảng uỷ xã đã chuyển hướng sắp xếp bố trí Dụ sang giữ chức chủ nhiệm cửa hàng mua bán xã. Cũng may, đó là lối thoát cho Dụ, cũng còn chỗ để Dụ xoay xoả làm ăn.

Lại nói đến chị em nhà Loan. Quang, em trai Loan nhập ngũ được một thời gian sau đó thì biệt tăm. Rồi giấy báo tử anh cũng về làng. Hiên làm công nhân sứ Hải Dương kết nghĩa chị em với Hiền cùng cơ quan. Hai người xoắn xuýt bên nhau. Khi Quang còn thư từ từ chiến trường về, Hiên giới thiệu Hiền em gái nuôi của mình với anh trai. Chỉ bằng đường thư mà hai người đem lòng thương yêu nhau mới lạ. Đúng là chiến tranh có nhiều không thể tưởng tượng được thì lại diễn ra rất tự nhiên y như là nó phải thế vậy.

Quang thực ra chưa chết. Cả Việt cũng vậy. Họ chỉ bị thương rất nặng. Quang liệt nửa người nằm trên xe lăn. Việt bị bom napan thui cháy ra cháy thịt, mặt mũi nham nhở nhăm nhúm trông rất quái gở. Họ cùng gặp nhau ở trại thương binh nặng Nam Hà. Họ đều chung một ý nghĩ giấu gia đình, người yêu không cho ai biết về hoàn cảnh của họ lúc đó nữa. Thế nhưng, sau nhiều đêm dằn vặt suy nghĩ, Việt đã quyết định phải báo cho gia đình người yêu về tình trạng sức khoẻ của Quang. Việt thương Quang vì con người ấy cần phải có sự chăm sóc của người thân gia đình. Bản thân Việt tuy sẹo nhằng nhịt như thế song sức khoẻ của anh khá hơn, tự lo được. Không ngờ, tin về làng, vợ chồng Dụ Loan kéo xuống. Cả hai chị em Hiên Hiền cũng kéo sang. Giữ lời hứa, Quang tạo điều kiện cho Việt tránh mặt tất cả.

Với lòng nhân hậu và tiếng gọi của tình yêu, Hiền dứt khoát giữ lời thề thuỷ chung với Quang, mặc dù Quang một mực từ chối. Cuối cùng, họ cũng nên vợ nên chồng. Đám cưới Quang Hiền được tổ chức rất vui vẻ ngay tại trại thương binh. Giữa ngày đó, mọi người mới phát hiện ra Việt cũng ở đó. Cũng do Việt vui quá nên anh không chú ý đến phương án trốn tránh người yêu cũ và họ hàng nhà Loan Dụ. Việt Loan gặp nhau khi tất cả đã yên vị theo sự sắp đặt của số phận.

Quang cưới vợ xong một thời gian thì vợ chồng anh về quê. Sau đó, Việt cũng trở về làng La Hương trong phong trào đón thương binh nặng về làng. Chính ông Hùng đã nhất quyết lôi kéo anh về. Máu mủ ruột rà không thể để chú ấy một thân một mình ở trại thương binh Nhà nước được mặc dù ở đó được người ta chăm sóc rất chu đáo. Việt ở ngay ngôi nhà của bố mẹ. Một thời gian sau thì anh nhận trông coi nghĩa trang và làm lán ở luôn trên đó. Họ hàng nói thế nào thì nói nhưng dứt khoát chú ấy không lấy vợ. Có thể mối tình đầu với Loan đã quá sâu đậm nặng lòng trong chú ấy rồi. Bây giờ, nghe tin chú ấy với cô Loan có con thì càng chứng tỏ điều đó.

Cái việc thằng Quân bị tai nạn ôtô cũng là sự ngẫu nhiên. Cũng may nó không bị què chân gãy tay gì chỉ gãy mất mấy cái xương sườn. Tuy nhiên, do mất máu nhiều nên bệnh viện phải hết lòng cấp cứu nó. Không có máu để tiếp, người ta phải kêu gọi người nhà hiến máu. Thử máu mấy người cùng đi, cả Dụ nữa đều không ai có nhóm máu AB hợp với máu của thằng Quân. Tưởng mười mươi thất vọng thì may quá, máu của Việt lại hợp. Người ta lấy máu của chú ấy truyền cho Quân. Trong lúc nguy khốn, Loan đã bật ra điều bí mật đã giấu kín mười tám năm trời với Việt rằng “hãy cứu lấy thằng Quân, nó là con của chúng ta đó”. Quả thực, chính nhóm máu đã nói lên điều đó. Để kiểm tra tính chính xác trong lời nói của Loan, Việt đã bí mật nhờ bác sỹ xác định ADN. Cái tờ giấy sáng nay chú ấy đưa cho ông là minh chứng chính xác, chắc như đinh đóng cột rằng thằng Quân là con cháu dòng họ Phan Anh nhà ông. Phúc nhà ông to quá!

Điều vui vừa tới thì nỗi lo lại ập đến trong ông. Lo là làm sao giữ kín được việc này và sau đó sẽ giải quyết ra sao? Và cái lo quan trọng hơn, phức tạp hơn là cái Dung nhà ông nó lại yêu thằng Quân mới chết chứ? Anh em con chú con bác yêu nhau thì loạn! Tội tày đình nếu hai đứa gian díu với nhau. Phải tách chúng ra nhanh không thì hoạ ập đến lúc nào không biết.

Cứ thế, hết chuyện nọ xọ chuyện kia, đầu óc ông Hùng lúc thì đầy ắp tiếng reo vui, lúc thì lại căng như sợi dây đàn vì lo nghĩ. Quá nửa đêm, ông mới chợp được mắt. Vừa nhắm mắt được thì ông lại bồng bềnh trong mơ. Ông đã gặp lại ông bà tổ tiên và tất cả họ cũng đều đang cười với ông. Hình như có cả con Dung nhà ông. Đúng rồi! Nó đang ngồi đọc sách. Ông nhìn kỹ quyển sách trên tay nó. “Chiều không tắt nắng”, tiểu thuyết của nhà xuất bản Quân đội nhân. Ông lẩm nhẩm đọc. Phải rồi, quyển sách này viết về một mối tình rất bi tráng đang được bọn trẻ tìm đọc. Cái Dung học gỏi văn và nó thích đọc sách lắm. Ơ kìa! Cả thằng Quân nữa kìa! Nó đang chạy lại bên bố nó và ông đấy. Chú Việt đâu rồi, lại đón con đi chứ?

Ông Hùng mỉm cười một mình trong mơ…
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH


(Chương 2- tiểu thuyết)

Nhận chức chủ nhiệm hợp tác xã mua bán ba tháng nay, Dụ đã quen dần với công việc. Bao bỡ ngỡ ban đầu đã qua đi nhường lại cho sự tính toán lờ lãi vốn đã là bản năng cố hữu của Dụ. Bản năng ấy nay được dịp thể hiện lại càng nhanh nhạy, hoạt bát lên hơn bao giờ hết. Đồng tiền bây giờ thực sự là phương tiện kinh doanh của Dụ. Vốn liếng của anh bây giờ là tiền, phải nghĩ làm sao để tiền đẻ ra tiền một cách nhanh nhất. Chẳng còn như thời hợp tác xã nông nghiệp, đồng vốn quay vòng chậm rề rề, sáu tháng, có thứ hàng năm mới thu lại được vốn, mới biết được lỗ lãi. Hơn nữa, nó còn phải chịu bao nhiêu cái rủi ro không thể lường trước được của thiên tai, dịch bệnh, của giá cả thị trường và của cả cái thước đo vô lý là công điểm mà người ta đặt ra nữa... Đằng này, ở hợp tác xã mua bán hay gọi gọn hơn, phổ thông hơn đó là cửa hàng mua bán xã thì tiền ra khỏi cửa đã là tiền chửa, tiền đẻ, bất biết tiền đó là của hợp tác hay của tư nhân. Dụ có trách nhiệm thay mặt xã viên hợp tác xã mua bán quản lý đồng tiền đó, làm cho nó nở ra, mang lại nhiều lãi cho tập thể. Cũng là chủ nhiệm nhưng chủ nhiệm hợp tác xã mua bán tuy không phức tạp hơn nhưng “nóng” hơn, “chi tiết” hơn chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.

Cái sự Dụ chuyển sang làm chủ nhiệm cửa hàng vừa không may cho Dụ và cũng lại là vừa may cho anh. Không may ở chỗ Dụ không trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân xã nên không xếp được chức chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp chứ chưa nói gì đến kiếm một cái chân trong uỷ ban. Và may lại là ở chỗ bà chủ nhiệm cửa hàng xin nghỉ công tác, thường vụ đang bí người và họ gợi ý anh sang nhận cái chân đó. Phải mất cả tuần buồn bực vì không trúng cử hội đồng, vì phải suy xét, cân nhắc tính toán trước gợi ý của thường vụ, cuối cùng Dụ đồng ý phương án sang làm chủ nhiệm hợp tác xã mua bán.

Mẹ cha nó chứ (Dụ chửi đổng, chửi thầm thôi, và cũng chẳng biết chửi ai), đầu tư bao nhiêu là tiền của cho cuộc bầu cử cuối cùng lại trật khấc ra mới ức chứ! Bán bao nhiêu là gạch non, ngói non của hợp tác để mua lợn, mua gà chia cho các tổ bầu cử thế mà cuối cùng chúng lại chẳng bầu cho mình. Chỉ tại cái tay Việt sẹo. Họp chi bộ nó lại phê phán mình về chuyện đó chứ. Chỉ có nó chứ không phải ai khác. Chính nó phản đối việc liên hoan, chè chén, chính nó không ủng hộ kế hoạch trống giong cờ mở tuyên truyền cho cuộc bầu cử. Nó bảo làm như thế là tốn kém tiền của của nhân dân, là bệnh hình thức chủ nghĩa, là cơ hội... là... là đủ thứ khác nữa. Nó cứ như đi guốc vào bụng mình không bằng. Được cả cái mẹ Toe nữa. Ngỡ tưởng miệng mụ ấy xoen xoét ủng hộ mình nào ngờ đó chính là con dao hai lưỡi. Đi đến đâu mụ ấy cũng rêu rao: “Chú Dụ năng động lắm, nhạy bén lắm, làng mình phải bầu cho chú ấy. Thì đấy, chú ấy mổ bao nhiêu lợn, giết bao nhiêu gà, chi bao nhiêu tiền cho cuộc bầu cử đấy, chẳng bầu cho chú ấy thì bầu cho ai? Còn ông Hải á, ông ấy mà ở nhà đố xã quyết được các khoản chi lấy từ quỹ hợp tác”. Mụ ấy nói thế tưởng đề cao mình nào ngờ Dụ lại chết vì chính cái luận điệu đó. Nghe mụ ấy nói, nhiều người tưng tửng: “Làm thế ai chẳng làm được. Tưởng tiền túi của mình mới khó chứ tiền hợp tác thì... tôi cũng quyết được”. “Ông Dụ làm vậy là sai nguyên tắc đấy. Quỹ hợp tác là của xã viên, của tập thể chứ có phải của xã đâu mà đem chi vô tội vạ thế được? Đại hội tới tôi sẽ móc mắt ra ấy chứ. Tưởng muốn làm chủ nhiệm thì chi gì cũng được à? Còn lâu nhá!”. Người khác sâu xa hơn thì thầm: “Chắc có động cơ gì đây các ông ạ?”. Rồi người ta rỉ tai nhau về bao chuyện “thâm cung bí sử” của Dụ nữa. Cả cái chuyện với Huê, chuyện nuôi lợn, chuyện hai cây vàng vụ tai nạn của thằng con Dụ, chuyện về các thủ đoạn, mánh khoé làm giàu của Dụ... và trăm thứ bà giằn nữa bố ai theo sát họ mà biết được. Cuối cùng, Dụ phơi rốn trước các ứng cử viên khác. Chính ông Dẫn, anh trai Dụ, quân xanh lại trúng cử mới kỳ chứ. Cử tri làng La Hương này thấy ông ấy thật thà, chí thú làm ăn, không tư lợi, mặc dù đội trưởng đội xe trâu hợp tác nhưng rất trách nhiệm với công việc, sống tình nghĩa với xóm làng nên họ gửi trao trách nhiệm “hội đồng” vào tay ông. Có vị lại ngây thơ nghĩ rằng “thôi, ông Dụ làm hợp tác rồi, cho anh ông ấy làm hội đồng là hợp lý”. Thế có chết người ta không cơ chứ?

Thất bại trong cuộc bầu cử, Dụ quay sang oán thán lãnh đạo xã. Ai lại xếp ở tổ ông nhiều quân xanh thế để cho nó loãng phiếu? Bầu có ba đại biểu mà để dư những hai. Xếp ai làm quân xanh chẳng xếp lại xếp ông Dẫn với bà Kim? Bà Kim cả tuần chẳng ra đến đường người ta không bầu cho là đúng rồi, đằng này, ông Dẫn nhà ông đường đường đội trưởng đội xe trâu hợp tác, chẳng điều tiếng gì với dân làng để bên cạnh ông thì người ta bầu cho ông Dẫn chứ ai lại bầu cho ông? Ban đầu, Dụ cũng đánh giá hơi thấp khả năng của anh trai mình nhưng sau trật khấc ra thì đã muộn. Tự nhiên anh em trong nhà lại đi tranh nhau cái chân hội đồng. Ngỡ tưởng xếp như thế vì người nhà họ sẽ bầu cho ông nào ngờ họ lại chọn ông Dẫn. Ngẫm ra kể cũng đúng, mình chức vụ cao hơn, đứng đầu hợp tác xã làm sao mà tránh khỏi khuyết điểm trong công việc. Người ơn, kẻ ghét biết sao mà lường. Đằng này, ông Dẫn  chẳng va chạm với ai, thậm chí còn được dân làng yêu mến, không trúng cử mới là chuyện lạ.

Tóm lại, Dụ nghi ngờ tất cả. Đứng đầu trong số đó là Việt. Nhưng không sao, chẳng làm ông hội đồng thì ta làm chủ nhiệm hợp tác xã mua bán. Cũng chủ nhiệm cả đấy chứ. Biết đâu, trúng cử đại biểu hội đồng xã mà đến đại hội hợp tác xã xã viên họ chẳng bầu cho mình, bên uỷ ban chẳng có chỗ cho mình sang rồi lại phải làm cái “ông nghị gật suông” thì giải quyết vấn đề gì? Đằng này, việc tiến cử chức chủ nhiệm cửa hàng thường là do thường vụ bàn, uỷ ban quyết là xong. Đại hội hợp tác xã mua bán thông qua chỉ là hình thức, đã mấy ai trượt đâu mà lo. May mà bà Chắt xin nghỉ để chỗ cho mình không thì... Cũng đành, mình chẳng trúng cử thì anh mình trúng, có sao? Lọt sàng xuống nia đi đằng nào mà thiệt.

Về sau, khi một mình một vương quốc cửa hàng, tha hồ vùng vẫy Dụ lại thấy hay hay. Bên  này kiếm tiền còn dễ bằng chán vạn cái anh hợp tác nông nghiệp. Gọi là có ban bệ nhưng thực ra chỉ có anh là chủ nhiệm với cậu kế toán, cô thủ quỹ nữa. Bộ ba ấy “nghị quyết” nhanh lắm, chủ yếu là bàn việc ăn chia chẳng như quản trị quản em, kiểm soát kiểm siếc bên nông nghiệp. Cả xã có hai cửa hàng, ngoài bộ ba ấy ra thêm bốn nhân viên bán hàng nữa, bộ máy gọn nhẹ thế Dụ thừa sức quản lý điều hành họ.

Việc Dụ trượt hội đồng cũng nằm ngoài dự kiến của ban thường vụ xã. Khi công bố kết quả phiếu bầu, mấy ông thường vụ mới ngã ngửa người ra khi thấy số phiếu của Dụ chưa được một nửa số cử tri tín nhiệm. Bí thư Khanh ngồi trầm ngâm bóp trán. Nguyên chủ nhiệm Hải phần nào hiểu được Dụ song ông cũng không ngờ số phiếu của quyền chủ nhiệm thay anh lại thấp đến mức ấy. Đến khi chuẩn bị nhân sự cho khoá tới họ đều thống nhất điều chuyển Dụ sang vị trí khác, ngoài lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Chủ tịch Nhân gợi ý giao Dụ vị trí chủ nhiệm cửa hàng do uỷ ban quản lý, thay cho bà Chắt xin nghỉ. Họ phân công Hải làm công tác tư tưởng với Dụ. Đường công danh của Dụ rẽ sang một lối khác từ đó.

Khi ấm chỗ, những chuyến hàng đầu tiên thắng lợi, tiền về bộn quỹ, Dụ mới thấy mình thật thức thời. Đặc biệt, thời gian này, ba ngọn cờ hồng trong nông nghiệp thì hai ngọn đã lung lay, vượt ngoài tầm kiểm soát của con người trong cơ chế mới. Hợp tác xã tín dụng bị đổ bể hàng loạt đi theo với hụi, họ sập tiệm khắp nơi. Chủ nhiệm tín dụng Bằng thâm hụt quỹ két, mất vốn, không có khả năng thanh toán đang phải liên tục điều trần trước các đoàn thanh tra, kiểm sát. Bên nông nghiệp xu thế khoán hộ chiếm ưu thế. Các làng đòi chia tách hợp tác xã theo mô hình cũ. Tài sản công quỹ thanh lý hoá giá hàng loạt. Nhà kho, sân phơi, trâu bò, chuồng trại, máy bơm nước... đều đã được xem xét hoá giá. Đến ruộng đất cũng chia hết cho hộ. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, rồi đến khoán hộ được người ta đúc kết thành con số ấn tượng dễ nhớ: “khoán 100”, “khoán 10” rồi “khoán 1”. Chính cái anh “khoán 1” ấy mới là hiệu quả. Chẳng cần công điểm, chẳng cần đôn đốc, tự chủ hộ người ta lo các khâu thế mà năng xuất lúa, ngô lên vù vù. Hợp tác xã thực chất chỉ là cái vỏ. Ban quản trị gọi cho có tiếng chứ điều hành, quản lý được ai. Cứ đà này mai kia người nông dân chỉ phải nộp thuế nông nghiệp cho uỷ ban là xong. Nghe đâu, huyện cũng đã đồng ý cho hợp tác xã Hợp Nhất tạm chia thành hai hợp tác xã nhỏ. Ban thường vụ xã đã dự định cậu Quý chủ nhiệm hợp tác xã dưới, chú Bàn chủ nhiệm hợp tác xã trên. Ông Hải thì chuyển lên xã là đúng rồi. Vậy thì việc Dụ sang cửa hàng là quá đúng, chẳng thức thời quá rồi còn gì! Cứ mỗi chiều khi nghe kế toán báo cáo, nhìn thủ quỹ đếm tiền Dụ lại tủm tỉm cười một mình nghĩ cho cái sự đời lại thuận buồm xuôi gió với mình đến thế. Mặc xác thằng Quý với thằng Bàn, cho chúng mày bơi với cái hợp tác vỏ ấy. Cũng chủ nhiệm cả đấy nhưng còn lâu mới bì được với ông nhé.

Phòng làm việc của Dụ là ngôi nhà ngói năm gian vuông góc với cái cửa hàng to nhất xã nằm ngay cạnh đường quốc lộ. Dụ cho người ngăn ngôi nhà đó làm hai phòng: phòng chủ nhiệm hai gian, ba gian ngoài làm phòng khách kiêm phòng truyền thống. Bao nhiêu cờ quạt, bằng khen, giấy khen của cái thời hoàng kim mua bán ngày trước Dụ cho treo hết lên, trang trí phòng khách thật hoành tráng. Dụ còn cho mua ngay mấy bộ bàn ghế chữ u kê đấu vào nhau thành hình chữ nhật, chỗ trống ở giữa là ba chiếc chậu hoa to tướng. Đây vừa là chỗ hội họp cơ quan vừa là nơi tiếp khách giao dịch. Đốc hội trường phía từ đường quốc lộ nhìn vào Dụ cho treo chiếc phông xanh cùng với tượng Bác Hồ trắng toát, cờ Tổ quốc đỏ chói, khẩu hiệu Đảng Cộng sản, Nước cộng hoà XHCN Việt Nam rất lộng lẫy nghiêm trang lúc nào cũng như sắp sửa có hội nghị quan trọng. Ấm chén sáng choang, bóng lộn. Bàn lúc nào cũng được trải khăn hoa sực nước hoa thơm phức.

Phòng của Dụ kê bộ bàn ghế sa lông gỗ mít đời mới rất bệ vệ. Bên trong chiếc tủ ba buồng gỗ lim kiểu cách thay tường cùng với tấm ri đô hoa loè loẹt là chỗ nghỉ ngơi của Dụ. Chiếc giường cá nhân, cái tủ con con xinh xắn cùng với những tiện nghi tối thiểu như đài cat séc, chiếc vô tuyến đã làm cho phòng nghỉ của Dụ ấm cúng hẳn lên. Dụ bảo có như thế mới tạo điều kiện cho anh công tác. Đây là trụ sở hợp tác xã mua bán xã, là bộ mặt của cửa hàng phải làm cho nó đàng hoàng. Khách của cửa hàng toàn những thương gia đâu như mấy ông nông dân chân lấm tay bùn quần xắn móng lợn vẫn ngồi rít thuốc lào vô tư như bên hợp tác nông nghiệp được. Thì họ chẳng bảo hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ nên họ muốn làm gì thì làm đấy ư? Nếu góp ý không khéo với họ, họ còn mắng lại cho ấy chứ. Đây khác nhé. Đây là cửa hàng xã hội chủ nghĩa, là nơi buôn bán giao dịch không phải chỗ cho các vị bạ đâu ngồi đấy, muốn làm gì được nấy, nhé.

Để tăng thêm độ oai và phục vụ cho việc giao dịch, Dụ cho lắp ngay máy điện thoại tại phòng. Đây là chiếc máy điện thoại đầu tiên của xã. Đến bí thư Khanh, chủ tịch Nhân còn chưa dám trang bị nữa là. Có phải ít tiền đâu, mấy triệu cơ đấy. Quy vàng cũng mất mấy cây. “Thì cũng phải cho tôi bám sát thị trường, chớp thời cơ buôn bán chứ, cọc cạch đạp xe báo cáo báo mèo như xưa thì mất toi cơ hội”. Dụ xoa tay cười cười nói với mấy vị lãnh đạo xã, với một số người tò mò như vậy. Tốn một tí nhưng được cơ hội còn có giá ngàn vàng cơ.

Ngoài việc sắp xếp bố trí lại nhà làm việc, Dụ còn yêu cầu nhân viên bán hàng sơn ve lại tất cả hai cửa hàng. Đồng thời củng cố lại rào giậu, rẫy cỏ, vệ sinh sân bãi, kho tàng, làm cho khuôn viên mỗi cửa hàng xanh, sạch, đẹp hẳn lên. Cả hai cửa hàng đều xây mới cổng chào, kẻ khẩu hiệu “Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” treo rất trang trọng ngay trước cửa bán hàng. Chẳng như cái thời bà Chắt, người dân đến cửa hàng bây giờ thấy bộ mặt cửa hàng thay đổi rõ rệt, quy củ, đâu ra đấy. Nó đúng là một cơ quan, một công sở. Ngay cả cách ăn mặc của nhân viên Dụ cũng yêu cầu họ phải gọn gàng hơn, đẹp đẽ hơn.

Có một chuyện khá khôi hài trong việc cải tổ cách ăn mặc của nhân viên. Số là, hôm đó có đoàn công tác của cửa hàng huyện về họ muốn kiểm tra kết quả kiểm kê tháng của cửa hàng đồng thời xem cung cách làm ăn của chủ nhiệm mới nên đã điện thoại cho Dụ báo ngày giờ sẽ đến. Dụ lập tức họp toàn bộ cán bộ nhân viên cửa hàng yêu cầu mọi người phải thay đổi ngay cách ăn mặc. Nữ áo dài. Nam quần đen, áo trắng sơ vin đóng bộ nghiêm túc. Mấy ông nam thì dễ rồi, riêng mấy cô nữ thì nhao nhao rằng “kiếm đâu ra áo dài bây giờ”, “từ bé có mặc áo dài bao giờ đâu, ngượng chết đi được”. “Ngượng cũng phải mặc. Khó cũng phải kiếm. Không có là không xong với tôi đâu”. Dụ xẵng giọng kết luận. Chớ có đùa với ông ấy, lơ mơ ông ấy cho nghỉ việc về cuốc ruộng bỏ đời. Cánh nhân viên rỉ tai nhau thế và miễn cưỡng thực thi chỉ lệnh của ông chủ nhiệm mới.

giao lưHôm sau, y lệnh, cánh đàn ông con trai trông người nào người đó rất oách nhưng cánh đàn bà con gái thì cứ rúc rích cười với nhau bẽn lẽn. Dụ bực quá quát ỏm tỏi:

- Khách khứa đến nơi rồi sao các cô không mặc áo dài?

Cái Liên trẻ nhất bọn nói:

- Áo dài ... cháu mượn được rồi nhưng...

- Nhưng làm sao? Dụ quát.

- Không vừa ạ.

- Thế nó ngắn quá hay dài quá?

- Dài ạ.

- Tốt. Dài mới tốt. Thế mới gọi là áo dài. Mặc vào, còn chờ gì nữa?

Dụ sốt ruột. Cái Liên bẽn lẽn chỉ vào bà Sửu và bà Chu:

- Cháu... cháu còn chờ các bá.

- Hai chị không có áo dài à? Dụ quay sang hỏi hai người.

- Không.

Cả hai cùng đáp. Dụ chỉ vào cái bọc họ đang cầm trên tay:

- Thế bọc gì đó?

- Áo dài.

- Lạ. Thế mà bảo không có.

- Thì chúng tôi đi mượn mà.

- Mượn cũng được. Cốt có áo dài mặc vào là được rồi. Ban đầu tạm vậy, sau rồi may mua. Tôi sẽ trang bị cho các cô.

Bà Sửu nói luôn:

- Chú nói thế thì tôi mặc nhưng đừng có cười và trách chúng tôi đấy.

- Cười cái gì. Đã bảo mặc vào nhanh lên, khách họ sắp tới nơi rồi kia kìa.

Dụ nói vừa như ra lệnh vừa như van vỉ họ. Anh quay xuống văn phòng chờ khách. Cánh phụ nữ đóng cửa quầy thay quần áo. Lát sau, vừa lúc tiếng còi ôtô ở cổng kêu toe toe thì cánh phụ nữ cũng bước ra khỏi quầy. Mấy cô trẻ xúng xính, lượt thượt trong trang phục áo dài. Riêng hai bà lớn tuổi đóng bộ nâu sồng trông cứ như hai vị thầy tiểu. Họ nhìn nhau đỏ mặt khúc khích cười. Mấy vị khách trố mắt ngỡ ngàng. Dụ sạm mặt đến gần hai vị nâu sồng nói rít qua kẽ răng:

- Sao lại mặc bộ này hở giời?

- Thì mượn mãi mấy bà đi chùa mới được đấy.

Bà Sửu dài giọng. Dụ cáu tiết nhưng không biết làm thế nào được đành nhăn nhở cười bắt tay đón khách.

Sau hôm ấy, chương trình cải tổ cách ăn mặc với trang phục áo dài cho nữ nhân viên Dụ đành bãi bỏ. Anh chỉ có một yêu cầu là họ phải gọn gàng hơn, sạch sẽ hơn, mới mẻ hơn càng tốt.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

.Tiếp chương 2


Hôm nay, cửa hàng Dụ cũng đang nháo nhào lên cho việc đón đoàn tham quan từ tỉnh Bắc Ninh đến. Để chuẩn bị cho sự kiện này, chiều qua Dụ hội ý gấp với toàn thể nhân viên. Anh yêu cầu thông báo cho các làng việc cửa hàng có bán phân phối đường kính trắng loại một, mỗi hộ hai cân phục vụ ngày mùa. Hạ giá hẳn hoi. Thực ra, số đường này là hàng do Dụ nhập, giá khí cao, bán không được, bị ế. Sợ để lâu đường chảy nước sẽ bị hao hụt, Dụ quyết bán theo phương thức đó. Anh đánh trúng tâm lý của người nông dân. Hàng nào có tiếng là phân phối, lại rẻ hơn một ít là người ta đổ xô nhau vào mua. Lỗ ư? Lo gì, cửa hàng chịu tất chứ anh phải chịu đâu? Ngày mai, đoàn tham quan đến thấy không khí cửa hàng nhộn nhịp, cửa hàng lại lo được đường kính phân phối cho xã viên giữa mùa gặt anh nào mà chẳng thích. Báo cáo rã miệng chẳng bằng cái mấy chục phút “mục sở thị” cái hình ảnh thực tế sinh động này.

Đóng bộ complê ca vát, giày đen bóng lộn, Dụ đôn đốc chị em chuẩn bị nước thuốc đón khách. Chị em lại mặc áo dài trông rất duyên. Sau cái đận tập dượt tháng trước, Dụ cho may mỗi chị em của cửa hàng một bộ áo dài trắng toát mặc mỗi khi cửa hàng có việc quan trọng. Cô Sửu và cô Chu cũng đã quen với việc mặc áo dài. Hôm nay, hai vị này đứng bán hàng còn lại ba cô gái trẻ với cậu kế toán sẽ cùng Dụ tiếp khách. Cơm nước đã cho đặt ở quán Thu Ngàn. Phán bảo đặt ở quán “Tư ba toa”, Dụ gạt ngay: “Khách quan trọng, quán ấy đủ tầm thế nào được”.

Trước cổng cửa hàng, chiếc băng rôn đỏ chót với dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng đoàn cán bộ HTX mua bán tỉnh Bắc Ninh đến tham quan cửa hàng”. Loa đài được mở từ sáng sớm, toàn những bản nhạc du dương y như các đám cưới. Quân cũng được bố trưng dụng ra phụ giúp việc trang trí tăng âm.

Chuẩn bị chu đáo vậy, thế mà đã gần chín giờ sáng khách vẫn chẳng thấy đâu. Dân làng thì tụ tập khá đông đợi mua đường. Cô Sửu mấy lần xin ý kiến Dụ để bán hàng song anh vẫn bảo hãy đợi đã. Sổ mua hàng xếp chồng đống trên bàn quầy. Dân làng đành tản ra tự tìm chỗ ngồi. Thôi thì tiện thể tham quan xung quanh cửa hàng, nghe nhạc chờ họ làm thủ tục vậy. Một số ngáp ngắn ngáp dài định bỏ về nhưng lại tiếc hai cân đường giá rẻ đành cố ngồi chờ thêm lúc nữa.

Chuông điện thoại reo vang. Dụ hấp tấp nhấc ông nghe. Khuôn mặt anh sa sầm xuống. Cậu kế toán xun xoe:

- Có việc gì vậy anh?

- Cửa hàng huyện báo về là họ bận không đưa đoàn xuống thăm cửa hàng ta được. Còn đoàn Bắc Ninh thì do tay kế toán dẫn nhân viên đến thôi, chứ có chủ nhiệm chủ nhiếc gì đâu. Đã vậy, tôi không tiếp. Cậu chuẩn bị làm việc với họ.

Phán giãy nảy:

- Ấy ấy... Em... em không làm được đâu. Đã bao giờ em chủ trì tiếp khách đâu mà anh bắt em làm việc đó. Chịu... chịu thôi. Anh tiếp họ mới đúng.

- Tiếp tiếp cái gì? Dụ cáu.

- Anh là chủ nhiệm, là chủ nhà anh phải tiếp họ chứ?

- Tiếp? Nhưng mà không đúng tầm, cậu hiểu chưa? Ai đời chủ nhiệm như tôi mà lại tiếp hàng kế toán? Đúng không? Ngoại giao nó thế đấy, phải ngang cấp ngang chức, phải tương xứng, đúng tàm cậu hiểu chưa?

Phán ngồi thừ một lát rồi nói:

- Nhưng người ta đã mất công mấy trăm cây số đến với mình chả lẽ lại... Anh làm cứ như Nhà nước Trung ương không bằng.

- Chứ lại không! Mình phải giữ thể diện cho mình chứ. Thôi, cậu chuẩn bị đi.

Phán năn nỉ một hồi nữa rằng anh không biết ăn nói không thể tiếp khách được, rằng “anh làm vậy có khi họ hiểu sai về mình, tiếng tăm loang ra sau rồi mất bạn bè buôn bán thì gay”. Cuối cùng, Dụ chiều theo ý cậu kế toán:

- Được. Tôi sẽ tiếp họ nhưng phải làm đúng như lời tôi dặn.

- Vâng. Anh dặn gì em cũng theo.

- Khi khách đến, cậu đưa họ vào phòng bảo cái Liên, cái Hiền rót nước mời họ. Cậu nói chuyện với họ.

- Thế còn anh? Anh ...

Phán cắt ngang lời Dụ. Dụ cướp lời Phán:

- Cậu ngu lắm. Tôi ngồi ở trong phòng chủ nhiệm. Coi như đang giải quyết công việc. Khách khứa ổn định đâu đấy, cậu sang báo cáo xin ý kiến tôi. Lúc đó tôi sang. Thế có phải oai không nào. Ngoại giao nó phải thế. Chả lẽ tôi lại xun xoe ra bắt tay họ ư, bắt tay cái thằng trưởng đoàn dưới tôi một cấp ấy ư?

Phán nhăn nhở gật gật đầu ra vẻ hiểu.

- Thế bắt đầu cho bán đường được chưa anh?

- Được rồi! Bán đi!

Dân làng xô nhau vào mua đường. Ngoài cổng khách cũng vừa đến. Đúng như kế hoạch, Dụ ngồi tịt trong phòng của mình. Cánh cửa phòng he hé mở. Người tinh ý tò mò một chút sẽ biết được Dụ đang có mặt ở trong phòng. Hơn nữa anh đang làm việc hẳn hoi. Thì đấy, anh ấy đang cầm ống nghe nói chuyện to tướng với khách hàng đó thôi. Chủ nhiệm người ta thế chứ, bận tối mắt ra, đâu như chủ nhiệm mình. Người tinh ý hơn thì biết chẳng có tiếng chuông điện thoại nào reo mà ông ấy vẫn nhấc ống nghe nói chuyện như thật. Tài thế!

Đúng kế hoạch, khi khách ngồi yên vị đâu đấy, Phán nói với họ:

- Mời các anh các chị uống nước, tôi sang báo cáo xin phép chủ nhiệm ra tiếp đoàn. Khổ, chủ nhiệm chúng tôi bận lắm, các anh thông cảm.

Dụ sang. Anh cười rất tươi vừa bắt tay từng người vừa xuýt xoa cáo lỗi:

- Hạnh phúc cho cửa hàng chúng tôi quá được các anh các chị đến thăm. Tôi dở giải quyết công việc không ra đón các anh từ đầu được mong các anh thông cảm.

Vị trưởng đoàn tóc muối tiêu vui vẻ nói:

- Đồng nghiệp mà. Chúng tôi hiểu lắm chứ. Cảm ơn chủ nhiệm đã dành thời gian tiếp đón chúng tôi. Thế là quý lắm rồi.

Sau màn chào hỏi xã giao, Dụ hùng hồn báo cáo tình hình của cửa hàng. Vẫn bản báo cáo dài mười trang đánh máy do Phán chuẩn bị sẵn, Dụ chỉ việc đọc trước các đoàn đến thăm. Anh có kinh nghiệm của bốn năm năm làm phó chủ nhiệm rồi quyền chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp nên cái khoản này Dụ thạo lắm. Người nghe cứ như lạc vào giấc mơ. Từ lúc quan sát đoàn khách, phát hiện ra mấy cô gái trẻ trông rất xinh trong đoàn Dụ cảm thấy hào hứng ngay. Bỏ qua “tầm”, trong đầu Dụ chỉ còn hình ảnh mấy kiều nữ quan họ duyên dáng. Giọng anh vì thế mà mượt mà hơn, bay bổng hơn. Tính Dụ thế, cứ có tí chị em là mọi việc trở nên đơn giản hết.

Dụ báo cáo xong, phía khách, vị tóc muối tiêu lên tiếng. Ông ta chủ yếu hỏi và nghe. Đoàn khách người nào người nấy sổ sách ghi chép tỉ mỉ lắm. Dụ đang bốc nên nói năng càng linh hoạt. Đến khi Phán chẳng hiểu thế nào lại cắt ngang một câu hỏi rất vô duyên:

- Xin lỗi, bên các anh tình hình thế nào ạ? Trong cơ chế mới này có khó làm ăn lắm không?

Ông tóc muối tiêu khiêm tốn:

- Bên tôi toàn xã có tám cửa hàng. Doanh số mỗi tháng hai tỷ. Lãi dao động bình quân khoảng hơn trăm triệu một tháng. Nói chung cơ chế mới này vẫn hoạt động được. Ba chục năm làm mua bán tôi thấy chính lúc này mới là lúc dễ làm ăn nhất.

Cả Dụ và Phán đều choáng người. Nghe mà phát khiếp. Người ta thế chứ đâu như mình. Gấp chục lần mình đấy. Kế toán người ta còn hơn cả chủ nhiệm mình. Thế mà chưa chi đã “tầm” với chả “tầm”. Phán thương thay cho chủ nhiệm của mình.

Ông tóc muối tiêu còn nói rõ mục đích chuyên đi này của đoàn là khảo sát thị trường, học hỏi đội bạn. Chả trách người ta hỏi hỏi ghi chép liên tục là phải. Chẳng bù cho chủ nhiệm mình đi đến đâu cũng chỉ chê và phán. Chẳng cái gì vừa ý ông ta. Có đúng bằng mấy vào tay ông cũng phải chỉnh sửa đôi chút, nhất là khoản văn bản. Khổ, trình độ nào có hơn anh cơ chứ. Thế mà vẫn cứ đè bút vào sửa. Chết nỗi những điều ông ấy chỉnh sửa chẳng đúng mà cũng chẳng sai. Ví như Phán viết “ra sức thi đua” thì Dụ sửa “hăng hái thi đua”. Vẫn biết chẳng chết ai nhưng mà tức. Mất việc. Số má chứng từ bù đầu kia còn câu với chữ. Lúc đầu Phán bực lắm song do vị trí anh đành chịu. Thôi thì người ta làm chủ nhiệm người ta có quyền sửa thế nào thì sửa.

Từ lúc nghe ông tóc muối tiêu nói trở đi, Dụ ít nói hơn. Anh quay sang liếc ngắm mấy cô gái. Thật sự lúc này Dụ đã quên phắt vai trò chủ nhiệm của mình. Trong đầu anh chỉ còn hình ảnh của mấy kiều nữ quan họ, nhất là lúc giao lưu nghe các nàng hát. Dân làng thấy vậy xúm quanh phòng khách quên cả việc chen nhau mua đường. Buổi gặp mặt tham quan kết thúc sớm hơn dự định. Tất cả kéo nhau ra quán Thu Ngàn tiếp tục giao lưu. Mục này Dụ chiếm ưu thế và nổi trội hơn cả. Anh cứ xoắn lấy mấy cô quan họ quên phắt cả bác kế toán già cùng với cậu Phán đang chụm đầu trao đổi nhau về nghiệp vụ sổ sách. Thằng Quân biết tính bố tót về ngay từ lúc giao lưu.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH


(Chương 3- tiểu thuyết)

         Quân ăn mặc khá chải chuốt rồi dắt chiếc xe máy Sim son mới coóng ra hè. Loan đang lúi húi dưới bếp thái rau lợn nghe tiếng loạch xoạch liền ngoảnh lên nhà hỏi con:

      - Đi đâu hả Quân? Không ở nhà giúp mẹ sửa cái máng lợn còn đi đâu nữa?

      - Con lên cửa hàng chạy hàng cho bố?

      - Hàng gì? Loan hỏi lại.

      - Con đâu biết. Thấy bố nhắn thế thì con đi.

       - Không đi đâu hết - Loan cằn nhằn - Ở nhà!

        Quân cũng hậm hực trước thái độ của mẹ. Nó lẩu bẩu đáp lại:

        - Con đi làm chứ có đi chơi đâu mà mẹ cấm.

       - Tao không cấm. Việc của mày là ở nhà. Cửa hàng cửa họ cái gì, người ta đang eo xèo chán kia mày không biết à?

       - Eo xèo gì mặc họ. Chuyện làm ăn mà mẹ cứ...

       - Cứ gì? Loan chặn ngang lời con - Người ta bảo cả nhà ta bám cửa hàng kia kìa. Cửa hàng hợp tác giờ gọi là cửa hàng nhà ông Dụ mày nghe không chối à?

      - Mặc kệ họ - Quân nhấm nhẳn - Toàn trâu buộc ghét trâu ăn. Con đi đây, chuyến hàng này quan trọng lắm. Có việc gì cái Thảo, cái Trang về sẽ làm.

       Nói xong, Quân lao chiếc xe máy xuống sân nổ máy phóng ra khỏi cổng. Loan nhìn theo con gọi với:

      - Quân! Mày không ở nhà à?

        Tiếng xe máy mất hút dần ngoài cổng. Loan lắc đầu thở dài ngán ngẩm: “Con với chả cái!”.

       Quả thật, từ dạo mua được chiếc xe máy hai bố con Quân cứ tranh nhau quần cái xe, không lúc nào cho nó nghỉ. Hết bố đi công tác, giao dịch lại đến con chạy hàng rồi đi chơi. Chết nỗi, Dụ lại chiều thằng Quân. Anh sai nó chạy đủ thứ việc cho mình. Từ việc cửa hàng đến việc mua cái nọ, sắm cái kia trên phố huyện. Thằng Quân được bố sai thế, được cưỡi xe máy vi vu nên nó khoái lắm. Trai làng La Hương này đứa nào được như nó? Cứ chiều về là Quân đầu tóc bóng mượt, đóng bộ vào sẵn xe máy của bố để nhà là nó cưỡi đi chơi. Cũng đôi lúc, Dụ quát con về cái tội phóng nhanh vượt ẩu, đi chơi triền miên có khi làm nhỡ cả công việc của Dụ. Cũng từ ngày Dụ nhận chức chủ nhiệm cửa hàng rồi cả tuần ăn ngủ ngay ngoài đó thì Quân càng ngày càng khó bảo. Nó chỉ chăm chú vào việc đợi lệnh bố sai bảo đi chỗ nọ, đến chỗ kia, chán chả có việc gì thì dông xe đi chơi. Công việc lợn gà cám bã ở nhà dồn hết lên mẹ nó và hai em gái.

        Dạo cái Dung bị “biến mất” khỏi làng, Quân ngơ ngẩn, thẫn thờ như kẻ mất hồn. Suốt cả tháng trời nó không làm gì, chỉ nằm ườn ở nhà chờ đến bữa thì ăn. Tối cũng thế, chỉ ru rú trùm chăn không chuyện trò với ai. Ngay cả mẹ nó cũng vậy, hỏi nó câu nào là nó vằng lên: “Mẹ để con yên. Đừng ai nhắc gì, hỏi gì đến con nữa”. Người nó phờ phạc vì mất ngủ. Ăn uống bữa đực bữa cái. Nhiều hôm đang bữa ăn nó buông bát buông đũa lên giường nằm. Cái Thảo đến hỏi thì chỉ thấy ánh mắt anh nó xa xăm, mong mọng nước. Con bé hồn nhiên nói với mẹ: “Anh ấy bị ốm rồi, mẹ ạ”. Dạo đó, Dụ cũng đang chán vì trượt hội đồng. Anh cũng chẳng còn tâm trạng nào để ý đến thằng Quân. Riêng Loan, chị hiểu được tâm trạng của con. Nhiều đêm, khi cái Thảo, cái Trang học bài, chỉ còn chị và Quân, chị đã ngồi cạnh nó tỉ tê tâm sự gần xa: “Con là con trai yêu quý của mẹ. Bây giờ học xong cấp ba rồi, con phải nghĩ tới công việc sau này chứ. Chẳng lẽ lại ăn bám bố mẹ mãi? Đàn ông phải có chí, phải lo sự nghiệp. Đừng vì một lý do nào đó mà bỏ cả sự nghiệp của mình. Con còn trẻ, tương lai đang rộng mở trước mắt. Đừng vội dính vào chuyện yêu dương mà bỏ lỡ cả thời cơ trai trẻ. Đừng uỷ mị, yếu đuối thế. Hãy cứng rắn lên con. Có gì con hãy tâm sự hết với mẹ cho nhẹ bớt đi, cho khuây khoả rồi để còn mà làm ăn chứ”. Nghe vậy, Quân chỉ thở dài. Gặng mãi, nó cũng chỉ vùng vằng: “Không có chuyện gì cả. Mẹ để con yên”.

Mặc cho mẹ rủ rỉ thì thầm bên tai, Quân nằm bất động. Trong đầu Quân chỉ hiện hữu hình ảnh của Dung. Bao câu hỏi cứ xoáy lên trong đầu mà nó không thể nào trả lời được. Tại sao Dung ra đi lại chẳng nói lại với mình một lời nào? Chí ít cũng nhắn người nọ người kia hoặc viết lấy vài dòng gửi lại chứ? Đằng này lại biến mất tăm mất tích như tàu biển vào tam giác quỷ vậy? Quả thực, tình cảm Quân dành cho Dung nó lạ lắm. Ngày nào không được gặp Dung, không được nghe giọng nói, tiếng cười và ánh mắt của Dung là Quân không thể chịu được. Dáng hình ấy, nụ cười ấy, ánh mắt ấy đã theo Quân vào cả trong giấc ngủ. Ước gì trở lại cái ngày chăn trâu cắt cỏ khi xưa để Quân được làm vua còn hoa hậu Thu Dung làm hoàng hậu nhỉ? Trời ơi! Có lẽ chẳng bao giờ được như thế nữa rồi!

Tình cảm Quân dành cho Dung có cái gì đó rất lạ. Bảo là tình yêu ư? Không hẳn thế. Bạn bè ư? Càng không phải. Chỉ biết rằng đứng trước Dung, Quân có cảm giác như cần phải chở che cô, đùm bọc cô. Và khi xa Dung, Quân cảm thấy nhớ nhung, thiếu vắng vô cùng. Ngày trước có chuyện gì ẩn ức, khúc mắc, mọi sự vui buồn Quân đều tìm Dung giãi bày tâm sự. Bây giờ biết nói những chuyện đó với ai? Bạn bè cùng trang lứa Quân chỉ thấy hợp có mỗi Dung, thế mà cô ấy lại bỏ đi mới buồn chứ. Trước đây, chuyện nhỏ chuyện to Quân hay tỉ tê với mẹ lắm nhưng từ khi tốt nghiệp đến giờ Quân thấy kho khó thế nào ấy. Ai đời con trai lớn tồ rồi còn lẵng nhẵng bên mẹ. Xem ra người dễ nói chuyện chỉ còn lại có cậu mợ Quang Hiền. Cả cái Hà nữa. Con bé tuy ít tuổi nhưng tâm lý lắm. Có lúc nó như cụ non ấy. Chẳng như hai đứa em Quân lúc nào cũng nhõng nhẽo chòng ghẹo nhau.

Hôm Quân đến nhà ông Hùng chơi như mọi khi, hỏi Dung mãi thì ông Hùng vừa tỏ ra lạnh nhạt vừa lại có vẻ thân tình. Rít xong điếu thuốc lào, ông thủng thẳng nói:

- Bác cho em Dung vào Nam theo cô nó rồi. Trong ấy học hành dễ xin việc hơn.

- Đi lâu chưa hả bác?

- Từ tuần trước cơ.

- Sao Dung chẳng nói gì với cháu nhỉ?

- Em nó vội.

- Thế địa chỉ của Dung thế nào, bác cho cháu biết để cháu gửi thư cho em.

Bà Hoa loe xoe định nói thì ông Hùng lừ mắt.

- Chúng tôi cũng không rõ lắm đâu. Có thư từ bao giờ đâu mà quan tâm đến địa chỉ. Với lại, em nó dặn, nếu ngoài này không có việc gì quan trọng thì đừng ai viết thư từ gì để nó còn tập trung vào học. Con bé thế mà có chí.

Ông Hùng bịa ra ý của Dung. Quân nghe vậy thở dài. Ngồi thêm một lúc nữa, chẳng có chuyện gì để nói, Quân chào ông Hùng bà Hoa ra về. Từ hôm đó trở đi, Quân rơi vào tâm trạng chơi vơi như vừa đánh mất một cái gì quý lắm.

Quyết định cho Dung vào Nam, ông Hùng tưởng sẽ gặp khó khăn cản trở ở con gái mình. Thế nhưng khi ông đột ngột đưa vấn đề này ra sau một bữa tối thì không ngờ Dung lại đồng ý ngay. Đồng ý mà nó lại khóc mới lạ chứ. Bà Hoa quá ngạc nhiên trước quyết định của chồng và thái độ của con gái. Bà lên tiếng:

- Sao tự dưng ông lại cho nó vào trong đó thế? Mà con Dung nữa, mày đồng ý đi rồi sao lại còn khóc?

         Ông Hùng thủng thẳng:

         - Cô Phương nhắn ra từ lâu với tôi là cho con Dung vào đó cô ấy kèm cặp rồi xin việc làm cho. Nhà mình chưa có đứa nào đi xa, thoát cảnh làm ruộng cả. Cứ chân lấm tay bùn mãi khổ cả đời con. Cái Dung còn năm học nữa là tốt nghiệp cho nó vào đấy cho quen trường quen lớp còn thi cử. Vào được đại học thì tốt, không vào được thì cô nó xin cho vào làm ở công ty nào đó cũng được. Tôi tính thế nên cho nó đi. Nó đồng ý là thông minh đấy, biết nhìn xa trông rộng, chẳng ru rú ở nhà như các chị nó.

         Chính ông Hùng cũng không hiểu sao con gái mình lại đồng ý nhanh đến vậy. Cứ ngỡ phải mất công khuyên giải nó nào ngờ con bé lại gật đầu liền. Gật đầu rồi mà sao nó lại khóc nhỉ? Thì sắp phải xa tổ ấm gia đình, xa bố mẹ đứa nào mà chẳng khóc. Đến con trai lần đầu xa nhà có đứa còn khóc thầm trong đêm nữa là.

         Mặc cho bà Hoa không nhất trí, ông Hùng vẫn quyết. Điều quan trọng là chính Dung lại đồng ý với bố một cách dứt khoát. Và thế là, mấy hôm sau Dung ra đi. Đến khi Dung đi rồi, bà Hoa vẫn không hiểu tại sao tự nhiên chồng mình lại đốc chứng cho con gái đi xa đến vậy. Tiễn con đi, lúc quay về thấy bà Hoa sụt sịt, ông bực mình nói với vợ: “Bà này hay nhỉ, có cái gì mà phải khóc. Cho con nó đi cho cứng cáp nên người. Rồi bà sẽ hiểu!”.

         Những ngày vắng Dung, không được hẹn hò đi chơi với Dung nữa, Quân quá hụt hẫng. Lúc nào, nó cũng nhớ về Dung. Chuyện Dung đi Nam cái Thảo, cái Trang, rồi cả cái Hà nữa chẳng đứa nào được biết. Thì Dung đi có chào ai đâu, ngay cả mấy đứa bạn thân của cô cũng vậy. Đến khi biết được tin này cả bọn mới ngớ ra hỏi nhau. Lúc đó, hai đứa em gái của Quân mới lơ mơ hiểu được “bệnh” của anh trai chúng. Cái Trang bắt nọn: “Anh Quân nhớ chị Dung nhé. Thảo nào...!”. Cái Thảo ra vẻ cụ non nói: “Chị ấy tệ thật, đi mà chẳng chào nhau lấy một câu. Chúng em chị ấy chẳng chào thì chớ, đằng này đến anh thân thiết như thế mà chị ấy cũng không chào thì tệ thật. Thôi! Quên đi! Người ta đã vậy nhung nhớ mà làm gì”. Nghe vậy, Quân quát: “Chúng mày trẻ con, biết gì mà chõ mõm vào. Ra chỗ khác. Chỉ vớ vẩn!”. Hai đứa thấy Quân cáu một cách vô lý đành lảng đi.

         yện đổ lên đầu LoKhi bố Quân dắt chiếc xe máy mới coóng về, Quân như đã tìm được niềm vui mới. Hai bố con xoắn lấy chiếc xe, dán mắt vào nhìn khắp các bộ phận của nó. Mọi người kéo đến xem đông kín cả ba gian nhà. Chiếc xe dựng chềnh ềnh giữa gian bên. Mặt Dụ như nở ra. Anh đắc ý giới thiệu với mọi người:

         - Sim son đời 88, tay nắm hạt na, bình xăng đu đủ, đèn vuông, đèn vấu “cẩn tó” nhé. Đời mới nhất đấy các vị ạ. Bốn số đàng hoàng, máy nổ êm re. Đấy, cứ pưng pưng thế cơ mà. Các vị thấy chưa, để ý kỹ mới nghe thấy nó đang nổ máy nhé. Tiếng rít nghe ngon không? Có tí khói nào đâu? Đúng là đồ gin có khác.

         Tiếng xe máy nổ trong nhà quả thật nghe cứ pưng pưng. Hàng chục con mắt nhìn ngó thán phục.

         - Sao bảo bác mua Babetta?

         Tiếng ai đó hỏi ngang. Dụ hãnh diện nói:

         - Mua làm chó gì cái loại cào cào ấy. Lên dốc vừa đi vừa đạp chán bỏ mẹ.

         - Thế con này bao nhiêu hả bác Dụ?

         - Cây hai.

         - Những cây hai cơ à?

         - To tiền thế không biết.

         - Chuyện. Tiền nào của ấy mà lị.

         - Chẳng biết bao giờ cho nhà cháu mua được chiếc xe như của bác.

         Tiếng bàn tán xi xao. Họ xuýt xoa trước chiếc xe máy bóng nhoáng nọ. Dụ nói thêm:

         - Ban đầu cũng định mua con “Ba bét nhè” thôi song rồi dồn tiền cố dắt lấy con này. Người ta bồi thường cho thằng Quân hai cây vàng, chi phí thuốc thang nọ kia hết một cây, dành ra được một cây. Bán vét đàn lợn phụ vào là đủ. Của cố là của được. Với lại, bây giờ làm anh chủ nhiệm cửa hàng không có xe máy tốt là không được việc các chú ạ.

         Bữa “rửa xe” hôm sau có tới gần chục mâm. Quan chức trong xã đến đủ. Dân làng hàng xóm, họ hàng không thiếu nhà nào. Ở cái xã Tân Phong này, ngoài tay “Tư ba toa” và lão “Mẫn cai gỗ” ra, Dụ là người thứ ba có xe máy. Xe Dụ thuộc diện mốt nhất, mới nhất. Hai lão kia, “Tư ba toa” mới chỉ dám cưỡi “cào cào”, “Mẫn cai gỗ” thì kích ba số, còn Dụ Mô-kich “đu đủ” bốn số, tay nắm hạt na hẳn hoi nhé. Đáng liên hoan quá đi chứ.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

Tiếp theo trang 3


 Bản thân Dụ sau cú trượt hội đồng, đến khi chính thức nhận chức chủ nhiệm cửa hàng, anh quyết định mua xe máy. Không thể giả nghèo giả khổ mãi được, nay đã đến lúc phải thực hiện cái ước vọng mình đã ấp ủ từ lâu. Cần chó gì phải ý tứ với ai nữa. Có làm ở hợp tác xã đâu nữa mà lo đại hội với chả đại hè? Với lại, tôi mua bằng tiền của tôi cơ mà, tham ô đâu mà sợ? Thì đấy, tiền tích cóp bán lợn từ mấy năm nay của người ta, rồi thì vàng còn thừa nữa chả dư sức mua xe ấy chứ. Kẻ nào có giỏi thì cứ đi mà thóc mách, mà dị nghị. Tức quá nổ con ngươi mà chết. Hơn nữa, tôi mua xe máy để tôi giao dịch công tác, tôi phục vụ nhân dân cơ mà? Thời buổi này đi quan hệ mua bán mà cọc cạch đạp xe thì xin lỗi, hãy đợi đấy, nhé! Không ngờ, trượt hội đồng đâm ra lại hay.         

         Đêm đầu tiên có xe máy, Dụ thao thức không ngủ được. Thỉnh thoảng anh lại rón rén dậy, bấm đèn pin soi chiếc xe. Thì nó vẫn dựng đấy chứ có phải trong mơ đâu? Thế mà vẫn muốn nhìn, muốn sờ mó nó mãi. Thằng Quân cũng vậy, hỏi bố nó đủ thứ chuyện. Mãi cho đến khuya mệt quá nó mới thiếp đi. Riêng Loan, chị chẳng ra buồn cũng chẳng ra vui. Chị vẫn nghĩ về cái Dung. Chẳng biết con bé vào đó có điều gì trắc trở không? Tất cả chỉ tại mình. Rồi thằng Quân nữa, liệu nó có quên được con bé không? Biết đâu, chiếc xe này sẽ làm nó nguôi ngoai cũng nên. Nếu vậy thì cũng tốt.

         Có xe máy, có phòng ở riêng ngoài cửa hàng, Dụ hầu như cả tháng chẳng về nhà nữa. Anh ăn ngủ luôn tại đó. Công việc làm ăn, những khoản lờ lãi cuốn hút Dụ. Chẳng như bà Chắt chủ nhiệm cũ quản lý cửa hàng theo kiểu bao cấp, Dụ khoán doanh số cho cho các nhân viên. Riêng khoản khai thác nguồn hàng, ký kết hợp đồng Dụ thâu tóm hết. Những mặt hàng chủ yếu đều do Dụ mua về nhập giao cho các nhân viên bán hàng. Lãi ngầm thì Dụ đúc túi. Lãi thực trên sổ sách công khai thì rất ít. Thường thì những thứ hàng Dụ khai thác về bán đều bị ế cả. Thì đấy, lô hàng sành sứ Bắc Ninh, rồi thuỷ tinh Hải Phòng vẫn xếp chềnh ềnh chật cả kho, tràn ra cả sân kia kìa, có ai mua. Chỗ nào cũng chum vại, bình lọ. Kiểm kê hàng tháng con số chum vại bình lọ ấy lưu cữu trên tài khoản chuyển hết tháng nọ đến tháng kia. Vốn cửa hàng chết dí nằm đấy. Thế mà Dụ vẫn quyết vay để buôn bán. Sẵn điện thoại, Dụ giao dịch buôn bán toàn với các tỉnh xa. Xa thì mới kín cửa. Vụ nào xong vụ đó, chênh lệch hợp đồng Dụ đúc túi, bán được hay không do nhân viên. Cái đó không quan trọng lắm.

         Kế toán Phán cũng chỉ làm vì. Anh còn mỗi việc hợp lý hoá sổ sách chứng từ. Phán và cánh nhân viên có muốn khai thác nguồn hàng thì cũng chỉ được phép nhập những thứ lặt vặt. Những thứ ấy thì hầu như Dụ cũng đã nắm được giá cả hết rồi. Nhiều lần, làm ra vẻ khách quan, Dụ chỉ cho Phán hoặc bà Sửu, cô Chu đến chỗ nọ chỗ kia mua mặt hàng ấy về mà bán thì anh cũng đã điện thoại ăn giá với chủ hàng từ trước rồi. Cho nên, cánh nhân viên cửa hàng kiếm được tí lời lãi cũng rất khó. Tốt hơn hết là cứ chịu khó đứng ở quầy mà bán những mặt hàng chủ nhiệm đã nhập về để ăn theo doanh số vậy. Cửa hàng bây giờ thực chất là của tư nhân. Hàng họ trong quầy lắm mô lắm món lắm. Mỗi người một ít, chủ yếu là của Dụ. Mà của Dụ chính là của cửa hàng. Phán chịu chẳng biết đường nào mà ghi chép hạch toán. Thì cơ chế nó vậy, biết làm sao được. Chống quan liêu bao cấp cơ mà. Thấy mọi người trong cửa hàng thi nhau làm ăn, Phán cũng không còn đơn thuần sổ sách nữa, anh cũng khai thác, nhập kho, cũng có mấy chủng loại mặt hàng ở trong quầy.  

         Trông theo hút bóng xe của con biến vào cuối đường, Loan thở dài ngao ngán. Thực sự chị lo về Quân. Nghỉ học gần năm nay rồi nó chỉ lêu têu làm những việc lặt vặt mà bố nó sai bảo. Thi thoảng, theo lệnh bố, nó đi áp tải hàng mãi tận Hải Phòng, Quảng Ninh về. Sẵn phương tiện và đồng tiền trong tay, Quân ăn nói, chi tiêu càng ngày càng phóng túng. Dụ chẳng đe nẹt, chỉ bảo con thì chớ đằng này anh ấy lại còn khuyến khích cổ động nó. Nhiều khi chị quát con thì Dụ lên tiếng bênh chằm chặp: “Mặc kệ nó. Lớn rồi, thanh niên rồi, phải cho nó tự định liệu lấy cuộc sống chứ. Con kiếm được thì cứ tiêu. Thiếu đâu bảo bố! Làm trai cho đáng mặt trai, thời buổi bây giờ phải hiện đại, Quân ạ!”.

         Loan nghe chồng nói vậy ức đến trào nước mắt. Thấy mặt Loan xị xuống như chực khóc, Dụ nhìn chị cười nửa miệng. Xem ra Dụ có vẻ thích thú lắm. Chẳng hiểu sao Dụ lại buông thả thằng bé đến thế? Cứ đà này không biết thằng Quân sẽ đi đến đâu. Tí tuổi đầu đã hút thuốc lá đỏ tay, uống rượu, bia như cọn. Ăn nói thì có chiều hướng bỗ bã, buông tuồng, chẳng được như xưa thủ thỉ cùng mẹ với em. Thanh niên trai làng cũng dần dần xa lánh. Suốt ngày Quân lượn lờ cùng chiếc xe máy.

         Dụ ở hẳn ngoài cửa hàng. Quân lang thang khắp phố huyện. Ở nhà chỉ còn ba mẹ con Loan với đàn lợn suốt ngày kêu eng éc. Hoạ hoằn lắm Dụ mới tạt qua nhà. Đã mấy lần vợ chồng Loan to tiếng nhau vì nếp sinh hoạt gia đình bị đảo lộn, về cách cư xử của Dụ đối với chị và Quân. Có lần Dụ vằn mắt lên quát Loan:

         - Cô cứ liệu cái thân cô đấy. Bố con tôi đi làm ăn, đi kiếm tiền chứ không phải đi chơi như cô nghĩ đâu. Chẳng như ai thậm thà thậm thụt tình xưa nghĩa cũ ra cái vẻ này nọ đâu nhé.

         - Anh nói vậy là có ý gì?

         Loan bực mình hỏi lại. Dụ nhếch mép cười nửa miệng:

         - Tôi nó thế đấy. Ý gì thì cô tự hiểu.

         - Anh đừng cả vú lấp miệng em, úp úp mở mở, gắp lửa bỏ tay người nhé. Anh đã vậy thì thôi, đừng có lôi thằng Quân theo cho nó hỏng người.

         - Tôi nói rồi, thằng Quân đã lớn, tôi có trách nhiệm đưa nó vào đời.

         - Không thể vào đời theo cái kiểu của anh được. Tôi xin anh đấy.

         Hai vợ chồng đang cãi nhau thì Quân ở đâu phóng xe máy về. Dụ nói luôn với nó:

         - Thằng Quân về mà xem, mẹ mày đang nói xấu bố con mình đó.

         - Có chuyện gì vậy bố?

         - Hỏi mẹ mày thì biết.

         Dụ tưng tửng nói và lại cười nửa miệng. Loan ức nghẹn lên tận cổ không nói được lời nào. Thì ra đồng tiền nó khuynh đảo ghê gớm quá. Tuổi trẻ, Quân ơi, con có coi mẹ như ngày nào không hả Quân?

Thì hôm nay đấy, mẹ nó quát như thế, gàn như thế, thế mà nó vẫn cố tình bỏ đi. Loan cảm thấy như trời đất quay cuồng trước mắt chị.

Những điều tiếng nọ kia về các chuyến hàng họ của bố con Dụ, Loan đã nghe loáng thoáng. Cả cái cách làm ăn của Dụ nữa. Chị lo lắm, sợ lắm.

         Đã đến lúc Loan phải để tâm đến những lời bà Toe nói với chị về quan hệ của chồng chị với Huê. Giờ đây, một mình ngoài cửa hàng liệu họ còn thậm thụt với nhau không? Ngoài Huê ra còn cô gái nào nữa? Đã nửa năm nay rồi vợ chồng chị sống ly thân. Cũng chẳng còn cái cảnh hạnh phúc vỏ như ngày trước nữa. Đã bắt đầu có những cuộc to tiếng, rồi cãi vã nhau. Dụ cũng chẳng cần giữ gìn cố tạo ra cái vỏ êm ấm như xưa nữa. Phải chăng sau đận trượt hội đồng, từ ngày ra cửa hàng, sẵn có đồng tiền Dụ đã tìm được nguồn vui mới? Có thể, với Dụ lúc này đường làm ăn, lo kiếm tiền mới là mục đích chính, còn đường công danh quyền chức anh ta đã nản chí rồi chăng? Chính vì vậy mà Dụ cũng không cần phấn đấu nữa chăng? Hay còn lý do nào khác nữa mà Dụ thay đổi đến thế?

         Đã mấy lần Loan gặp Việt định tâm sự đôi điều nhưng hình như anh ấy cũng cố tình lảng tránh? Lần nào cũng vậy, Việt chỉ hỏi chuyện thằng Quân, nhắc Loan hãy chú ý uốn nắn kèm cặp nó. Dạo này, dư luận lại đang eo xèo dị nghị đồn thổi rằng cái Ngân có chửa với Việt. Chính Việt là tác giả của cái thai trong bụng Ngân. Nó chửa vượt mặt, gần đến tháng đẻ rồi còn gì. Mà cũng lạ, con bé hay lên lán của Việt ở nghĩa địa lắm. Có lần Việt phải dìu nó về. Bà Kim thì chửi gần chửi xa cái đứa nào làm cho con bà chửa. “Cha tiên sư bố chúng nó chứ. Thằng quạ mổ quạ đâm, rúc đâu chả rúc lại lao đầu vào l... con bà. Đồ trời đánh thánh vật, con dê cụ, thằng quỷ già đang tâm trêu hoa ghẹo nguyệt, chẳng thương đứa dở kẻ rồ cũng cắm đầu vào thế a?”... Đấy, đại loại bà ta cứ réo lên mà chửi như thế. Ngay cả những lần Việt dìu con Ngân về, khi Việt vừa quay ra bà ta đã dẩu mỏ lên chửi sau lưng anh rồi. Những lần chửi bà Kim lại cứ hướng lên nghĩa địa mới lạ chứ. Dân làng thì xì xầm: “Chẳng cái nhà anh Việt thì còn ai vào đây nữa. Nhịn mãi, con gái người ta hơ hớ thế lo chả chết”. Loan nghĩ cũng lung lắm. Thương anh ấy lắm nhưng chẳng lẽ thế thật sao?

         Khi phát hiện Ngân có mang, bà Toe đã bàn với bà Kim rằng nên đưa nó đi phá cái thai đó. Thế nhưng, bà Kim không đồng ý. Bà bảo: “Trời cho thì cứ đẻ. Biết đâu, có con cái vào nó lại khỏi bệnh đi ấy chứ”. Đã quyết vậy rồi mà bà ta vẫn chửi. Chửi cho sướng miệng. Chửi cho bõ tức mỗi khi con Ngân ậm ạch vác cái bụng về nhà. Chửi cho có vẻ chính chuyên. Chửi đấy nhưng cũng mừng đấy. Bà nghĩ nếu nó chửa với chú Việt thực thì cũng tốt. Chỉ tức cái là chú ấy lành hiền thế, nhân hậu thế thế mà cái lúc này lại trốn tránh trách nhiệm. Sợ nó dở người ư? Sợ sao còn ngủ với nó. Thà cứ nhận mẹ nó đi rồi về ở với nhau có phải hơn không? Hay đợi nó tỉnh hẳn rồi mới nhận? Xoàng. Đàn ông đàn ang thế là xoàng.

         Dư luận được thể cứ thổi lên mãi. Việt nghe thấy hết song anh không một lời thanh minh nào. Điều anh quan tâm hơn cả bây giờ đó là thằng Quân. Anh sợ nó theo Dụ sẽ hư người. Mà quả thực nó đang sa đà theo chiều hướng đó. Cho nên, gặp Loan là anh nhắc luôn về nó.

         Chẳng biết nói cùng ai, Loan đành tìm vợ chồng Hiền Quang để giãi bày cho nguôi ngoai phần nào. Quang bực với anh rể lắm. Hiền khuyên chị bình tĩnh để tìm cách bảo ban thằng Quân, lựa lời nói với Dụ. Bao chuyện đổ lên đầu Loan khiến chị dạo này gầy sọp hẳn đi.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

HOÀNG HÔN XANH

(Chương 4 - tiểu thuyết)

         Loan đang lúi húi cho lợn ăn ngoài chuồng bỗng giật mình nghe thấy tiếng nói ngay phía sau lưng:

         - Cháu chào bá Loan! Bá cho lợn ăn à?

         - Cha bố cô! Làm tao giật cả mình!

         Cái Hà cười hềnh hệch. Nó ngó nghiêng vào chuồng lợn:

         - Gớm, bá nuôi nhiều lợn thế? Chả trách dạo này chẳng thấy bá sang nhà cháu chơi.

         - Tao sang phải báo cáo mày à? Đi học suốt ngày, có thấy mặt mày đâu mà mày lại trách.

         Loan giơ hai bàn tay dính đầy cám nói với con bé. Hà ngúng nguẩy:

         - Bá cứ nói thế. Năm nay cuối cấp cháu bận lắm bá ạ.

         - Thì ai bảo sao? Tại mày chưa chi đã... À, thế mày sang chơi hay có việc gì?

         Loan hỏi lại cái Hà. Nó vênh mặt lên cong cớn:

         - Dễ cứ có việc cháu mới sang với bá được chắc?

         Biết mình lỡ lời, Loan hạ giọng:

         - Thì bá hỏi thế, chưa chi đã dỗi rồi!

         - Cháu đùa với bá tí thôi - Cái Hà cười vô tư - Thực ra cháu sang rủ bá lên thăm chú Việt.

         - Thăm chú Việt? Sao mà phải thăm chú ấy? Loan cảnh giác hỏi lại.

         - Vâng. Thế bá chưa biết gì à?

         - Biết gì? Loan ngơ ngác.

         - Giời ạ. Đúng là bá chưa biết gì thật rồi. Chú Việt bị mệt cả tuần nay bá không biết à?

         - Không? Ai bảo mày thế? Có nặng lắm không? Loan hỏi dồn dập.

         - Mấy đứa chăn trâu nói với cháu. Thật đất! Thế nên cháu mới sang rủ bá đi. Chả biết nặng hay không bá cứ chuẩn bị các thứ lên mà đánh gió cho chú ấy. Mọi lần bá hay hay cạo gió cho chú Việt lắm cơ mà? Rõ khổ, một thân một mình trên nghĩa địa ốm đau chẳng ai biết mà chăm sóc.

         Cái Hà ca cẩm như cụ non. Loan vội đổ nốt chậu cám lợn vào phướng rồi tất tả chuẩn bị rượu thuốc, dầu gió và mấy thứ lặt vặt khác. Quả thực, một tuần nay, chị không ra khỏi nhà. Suốt ngày cám bã vỗ cho lũ lợn chuẩn bị xuất chuồng, chị không còn thời gian đâu mà ra đường. Cái Thảo, cái Trang cũng mê mải vào ôn thi học kỳ. Thằng Quân thì tít suốt ngày. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc lũ lợn, chị phải làm bao thứ việc khác nữa phục vụ các con. Mà người đâu cũng tệ thế không biết. Ốm đau cảm cúm chẳng nhắn cho người ta lấy một lời. Đúng là gan cóc tía. Cứ tình trạng này có ngày chết không ai biết cũng nên. Chị thầm trách Việt.

         Khoá cửa nhà xong đâu đấy, hai bá cháu lai nhau lên nghĩa địa. Dọc đường, cái Hà luôn mồm hỏi chị đủ thứ chuyện. Con bé thật hồn nhiên. Nó nói nhiều chuyện về Việt, cứ như chú Việt là của nó không bằng. Nào là “chú ấy với bố cháu hợp nhau lắm, chẳng mấy ngày mà chú ấy không đến chuyện trò với bố cháu”. Nào là “chú ấy trông gớm ghiếc thế mà sống tình cảm, nhân hậu đáo để. Bọn trẻ trâu đứa nào cũng thích và quý chú ấy”. Nào là “chú ấy cũng có khiếu văn chương nhé, nghe chú ấy bình văn thơ thì mê ly. Chả thế mà tiểu thuyết của bố cháu chú ấy tham gia nhiều câu, nhiều đoạn không chê vào đâu được. Có hôm đi học về rõ tối mịt rồi mà cháu vẫn thấy hai người tranh luận với nhau về một câu thoại trong đoạn văn đang viết dở. Mãi khi thống nhất rồi, chú ấy mới châm đèn lên, viết lại câu thoại đó xong rồi mới về. Bá bảo thế có buồn cười không? Hình như, bố cháu và chú ấy có vẻ tâm đắc với cuốn tiểu thuyết này lắm bá ạ”.

- Còn hình như gì nữa - Loan ngắt lời cái Hà - Nó là đứa con tinh thần của bố cháu và chú ấy đấy.

- Đứa con tinh thần! Hay quá nhỉ! Ơ... Dưng mà... sao chú ấy không lấy vợ hả bá?

Cái Hà hồn nhiên reo lên một cách vô tư.

- Mày đi mà hỏi chú ấy sao lại hỏi tao?

Loan quay đầu lại nói với cái Hà. Chị đang rối ruột lo về tình hình sức khoẻ của Việt. Thế nên, trong lúc con bé hồn nhiên kể chuyện “chú ấy” thì Loan chỉ ậm ừ. Thỉnh thoảng chị mới bắt lời với nó mỗi khi không thể đừng được. Đôi chân chị  guồng nhanh đôi pêđan rướn chiếc xe lao về phía trước.

Hai bá cháu ríu rít chuyện chẳng mấy chốc đã đến ngôi lán của Việt. Cái Hà nhảy phốc ngay xuống vừa chạy vừa gọi toáng tên chú Việt. Loan dựa vội chiếc xe đạp vào bờ rào. Chị bước thấp bước cao như chạy về phía cửa lán.

Trong lán, quanh chiếc giường Việt nằm là mấy đứa trẻ chăn trâu. Chúng đang xúm xít nghe Việt kể chuyện. Thấy hai bá cháu Loan vào, tất cả đều ngoảnh lại. Lũ trẻ nhao nhao chào:

- Bá Loan!

- Cả chị Hà nữa kìa!

Việt ngóc đầu lên rồi anh ngồi hẳn dậy. Cái Hà sán đến bên anh:

- Nghe tin chú mệt, cháu vào rủ bá cháu lên thăm chú. Chú đỡ chưa chú?

- Đỡ rồi, đỡ nhiều rồi! Việt nói gấp trong hơi thở.

Loan lại gần đưa tay lên trán Việt:

- Anh mệt lâu chưa? Sao không nhắn gì cho em thế?

Chẳng để cho Việt trả lời, lũ trẻ tranh nhau nói:

- Chú ấy bị đến tuần nay rồi bá ạ.

- Hôm chúng cháu vào thấy chú ấy nằm ho mới biết đấy.

Việt xua tay:

- Có gì đâu, cảm cúm thôi ấy mà. Chúng nó cứ làm quan trọng hoá vấn đề. Ốm gì mà ốm? Chẳng đang kể chuyện cho mấy đứa nghe đấy là gì!

- Không phải đâu cô ạ. Chú ấy vờ khoẻ đấy. Hôm qua chú ấy vẫn còn sốt cơ đấy.

Tiếng một đứa nào đó banh toe.

- Chẳng sốt mà trán anh vẫn nóng hầm hập đây này - Loan nói với Việt - Thôi, để em cạo gió cho.

Việt xua tay:

- Không! Không cần! Không phải làm gì cả. Tôi có ốm đau gì đâu mà cạo gió với chả cạo máy.

Loan thoáng chút bực mình.

- Anh Việt hay nhỉ! Để em đánh gió một lúc cho nó nhẹ người.

- Bá Loan nói phải đấy. Chú để bá cháu cạo gió cho.

Cái Hà chêm vào. Việt vẫn xua tay vẻ cương quyết:

- Đã bảo không ốm là không ốm. Cô này buồn cười thật.

- Có anh buồn cười thì có - Loan gắt - Hà đâu, cầm cái túi lấy chai rượu thuốc cho bá. Nào, anh cởi áo ra để em làm.

Việt vẫn vùng vằng. Loan quay sang bảo mấy đứa trẻ trâu:

- Các cháu cởi áo giúp chú ấy.

Thế là cả bọn xúm lại giữ chân giữ tay Việt. Chúng lột áo anh, bắt anh nằm sấp xuống giường theo sự chỉ dẫn của Loan. Pha chế thuốc xong, Loan đến ngồi cạnh Việt. Chị lấy tay vã rượu thuốc lên lưng anh và bắt đầu cạo gió. Lũ trẻ chăm chú tò mò nhìn chị làm. Lưng Việt đỏ dần. Những đám máu dọc sống lưng anh tụ lại thâm tím. Có nhiều chỗ như mảng cơm cháy đen sì.

Xem chị cạo gió cho Việt được một lát thì lũ trẻ túa đi bày trò chơi mới. Tiếng mõ trâu lốc cốc hoà với tiếng hò reo của chúng khiến cho Hà ngồi cũng không yên. Nó nói với Loan:

- Cháu ra chơi với chúng nó bá nhé!

Chẳng kịp cho bá nó có đồng ý hay không, Hà đã vù ra khỏi cửa biến vào bãi thả trâu mé đồi bên kia nghĩa địa. Đúng là “Hà tồ”, lớn tướng rồi mà còn như trẻ con. Loan vui vui nghĩ về đứa cháu của mình như vậy.

Còn lại hai người trong lán, Loan nhỏ nhẹ trách Việt:

- Anh tệ lắm. Ốm thế này mà giấu em.

- Mệt xoàng thôi, có đáng gì đâu mà phải nhắn với gửi.

- Anh chỉ được cái chủ quan. Máu tím đen tím đỏ khắp lưng đây này.

- Thằng Quân dạo này thế nào hả Loan?

Việt lảng sang chuyện khác, Loan thở dài:

- Chán lắm anh ạ. Nó đi tối ngày cùng bố nó.

- Sao lại thế được nhỉ? Thế em không bảo nó được à?

- Bảo thế nào được. Dạo con Dung đi, nó đã thẫn thượi mất một thời gian. Sau đó, tưởng nó nguôi ngoai nào ngờ khi bố nó mua xe máy, bảo nó chạy hàng, cho tiền nó ăn chơi thì nó lại hư theo hướng khác. Em lo lắm anh ạ.

- Phải tìm cách giữ con nó lại Loan ạ. Cứ để thế này nguy hiểm lắm.

- Anh bảo giữ bằng cách nào bây giờ? Em cũng nát nước rồi.

- Thế em tham khảo ý kiến của vợ chồng cậu Quang chưa?

- Rồi. Cậu mợ ấy cũng mấy lần gặp thằng bé khuyên giải nó song chỉ được vài hôm rồi đâu lại đóng đó. Bây giờ nó chỉ nghe lời bố nó thôi. Chẳng biết nhà em dạo này thế nào mà lại chiều nó thế không biết!

Loan ca cẩm, ngao ngán. Chị định nói thêm là “nó có vẻ ghét anh thì phải” song chị ghìm lại được. Quả đúng vậy, từ hôm ở viện về, thằng Quân chẳng những không ơn Việt - người đã cho máu nó - mà nó còn có vẻ khing khỉnh anh ra mặt. Cứ nhắc đến tên Việt là mặt nó sa sầm xuống. Loan lo lắm. Không hiểu chuyện gì đã làm cho nó sử xự thế. Một hôm, Loan đã gần xa nói về ơn nghĩa của người đã cứu sống mạng mình thì nó “xì” ra một cái vẻ bất cần. Nó còn buông một câu xanh rờn: “Cũng có giá cả đấy. Mẹ tưởng là vô tư ư?”. Loan nghe vậy điếng người.

Việt ngóc đầu lên:

- Hay là cho nó đi bộ đội?

- Em cũng chưa biết được. Mà anh... anh có lộ chuyện... ấy ra với ai không?

Loan nhìn sâu vào mắt Việt. Việt đăm đắm lắc đầu.

Hai người im lặng một lúc lâu, mãi sau Việt mới lên tiếng:

- Dạo này em với Dụ thế nào?

- Vẫn thế anh ạ.

- Thế là thế nào?

- Thế là bình thường chứ còn thế nào nữa?

- Thôi, em đừng giấu anh - Việt nắm lấy bàn tay Loan và nhìn sâu vào mắt chị - Qua đôi mắt em, anh biết hết cả rồi.

Như chọc đúng vào bong bóng nước, nỗi tủi thân ẩn ức của Loan chợt ào ra. Chị buông chiếc tách đang cạo gió cho Việt, gục đầu ngồi thổn thức.

- Em khổ lắm anh Việt ơi! Anh Dụ nhà em từ ngày ra cửa hàng đến giờ hầu như bỏ bẵng mẹ con em. Cả tháng trời anh ấy chẳng về nhà lấy một lần. Mẹ con em ăn uống no đói thế nào anh ấy cũng không biết. Con cái học hành ra sao anh ấy cũng chẳng quan tâm. Cái đó em chịu được nhưng việc anh ấy lôi kéo thằng Quân thì em không thể chịu được đâu anh Việt ơi! Làm cách nào giữ con nó lại đi anh?

Việt quan sát vội xung quanh. Anh ngồi hẳn dậy vỗ về:

- Thôi, đừng khóc nữa. Nói nhỏ thôi không lũ trẻ nó quay lại bây giờ.

- Nhưng mà em tức lắm. Cực lắm anh ạ.

Loan càng lúc càng khóc to hơn. Chị quên hẳn việc cạo gió gục đầu vào vai anh nức nở. Việt trở thành người dỗ dành Loan.

- Á à! Đây rồi! Bắt được quả tang nhé!

Tiếng ai đó rít qua kẽ răng. Cả hai người giật mình buông vội nhau ra. Họ cùng nhìn ra cửa lán. Dụ đang chống nạnh nghêng ngang đứng giữa cửa. Mặt anh ta hằm hằm:

- Không còn chối cãi gì nữa nhé! Ban ngày ban mặt rõ dơ chưa?

- Anh... anh đừng có mà hàm hồ!

Loan hấp tấp nói.

- Còn cãi hả? Đẹp mặt chưa? Tình xưa nghĩa cũ sâu nặng gớm nhỉ? Thảo nào! Cháy nhà ra mặt chuột nhé!

- Cậu hiểu lầm rồi - Việt phân bua.

- Thôi! Đừng có nhiều lời. Tôi lạ gì các người! Chỉ khéo hoa mĩ. Không qua được thằng này đâu!

Dụ quát ầm ầm. Loan giải thích:

- Anh ấy bị cảm cả tuần nay, cái Hà nó bảo tôi lên cạo gió cho anh ấy chứ có gì mờ ám mà anh phải to tiếng?

- Cạo gió với chả cạo gió. Có mà cô phải gió thì có! Không mờ ám mà sao cô lại khóc. Đừng có bịp tôi!

- Chuyện chỉ có vậy thôi, ông Dụ ạ - Việt vừa khoác áo vừa nói với Dụ - Cây ngay không sợ chết đứng. Ông nghĩ thế nào thì tuỳ ông.

Thấy to tiếng, lũ trẻ trâu chạy xúm lại. Cái Hà đứng im nghe một lúc rồi lên tiếng:

- Đúng đấy bác Dụ ạ. Cháu đến rủ bá Loan lên cạo gió cho chú Việt chứ có việc gì đâu mà bác làm ầm ầm lên thế?

- Câm mồm! Chuyện người lớn, mày biết cái gì mà chõ mõm vào? Nhóc con.

Dụ vằn mắt quát thị uy con Hà. Nó cũng không vừa:

- Nhưng mà nó đúng như thế, cháu nói sai cháu chết.

Cái Hà bướng bỉnh thề thốt. Lũ trẻ mỗi đứa một câu nói vào:

- Chị Hà nói đúng đấy bác ạ.

- Chúng cháu vừa cả đây nghe chú Việt kể chuyện, xem bá Loan cạo gió cho chú ấy mà.

Dụ lọt thỏm giữa vòng vây và những lời của lũ trẻ. Đoạn, anh quay ngoắt ra hằm hằm dắt chiếc xe đạp. Vừa dựng chiếc xe, Dụ vừa quay đầu lại nói:

- Được! Rồi sẽ biết tay tao!

Tất cả nhìn theo bóng Dụ đang đùng đùng bỏ đi. Việt buông tiếng thở dài:

- Tôi làm khổ Loan rồi!

Loan cứng cỏi nói:

- Khổ cái gì mà khổ! Cây ngay không sợ chết đứng. Người ta ốm, đánh gió, bẻ bão là chuyện bình thường. Em làm cho bao nhiêu người còn được nữa là anh. Chỉ được cái kiếm cớ. Nào quay mặt lại đây, em đánh nốt hai bên thái dương cho nó nhẹ người.

Việt xua tay:

- Thôi! Không phải đánh nữa. Tôi khoẻ rồi. Hai bá cháu về đi.

- Anh này hay nhỉ! Cạo gió dở dang để nó nặng thêm à? Không lằng nhằng nữa, để em làm nốt cho.

Lũ trẻ mỗi đứa một câu, cuối cùng, Việt cũng ngoan ngoãn để Loan cạo gió nốt mấy điểm còn lại. Trong đầu anh suy nghĩ mông lung.

Xong đâu đấy, Loan bảo cái Hà cầm cái túi xách cho chị. Chị lôi ra chục quả trứng gà, cân đường rồi để tất những thứ đó lên mặt bàn. Loan dặn:

- Anh nhớ ăn uống tẩm bổ cho chu đáo vào, không thể coi thường được đâu. Hàng ngày, cái Hà sẽ thay em lên chăm sóc anh. Những cháu này nữa, đứa nào rỗi thì lên với chú Việt.

- Vâng ạ. Tối nào cháu cũng lên ngủ với chú ấy đấy.

Thằng Hân này giờ mới lên tiếng.

- Tốt - Loan nhìn nó khích lệ - Cháu thế là rất ngoan. Bổn phận chúng ta là phải chăm sóc giúp đỡ các chú thương binh, huống hồ đây lại là chú Việt, phải không các cháu?

- Đúng ạ. Cô cứ yên trí. Có chúng cháu ở đây rồi.

Bọn trẻ tranh nhau nói. Việt nhìn chúng cảm động. Loan dọn dẹp các thứ đâu đó rồi nói với Việt:

- Bây giờ bá cháu em về. Anh đi nằm nghỉ đi. Không phải suy nghĩ gì cả cho nó mệt người. Đâu khắc có đó. Có gì ngày kia em sẽ lên kiểm tra sức khoẻ cho anh.

Quay sang Hà, Loan giục:

- Về thôi cháu! Lượt về cháu lai bá, được chưa?

- Được! Bá cứ ngồi cho chắc vào!

Hà ngoan ngoãn đáp. Hai người chào Việt và lũ trẻ. Họ lên xe thong thả rời nghĩa địa. Việt nhìn qua cửa sổ theo hút bóng hai người mãi cho đến khi họ khuất dần sau luỹ tre xanh.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

Tiếp chương 4


Sau khi bá cháu Loan về, lũ trẻ trở lại bãi thả trâu, trong lán chỉ còn lại mình Việt, anh nằm suy nghĩ mông lung. Quả thật, cạo gió xong, anh nhẹ hẳn người. Gân cốt dãn ra, chân tay đỡ mệt mỏi buồn bực. Duy chỉ có cái đầu anh vẫn cảm thấy nặng chình chịch. Bao ý nghĩ về Loan, về cơn thịnh nộ của Dụ cứ xoáy mãi trong óc anh. Thương Loan quá chừng. Dạo này, vợ chồng Loan chủng chẳng liên miên. Đúng là cơm chẳng lành canh chẳng ngọt giữa họ mất rồi. Mà thực ra thế cũng chưa phải, chưa đúng. Thì Dụ có ở nhà với Loan đâu mà cơm chẳng lành canh chẳng ngọt? Cậu ấy gần như tách ly vợ con, một mình hú hí ở cửa hàng, mải mê làm ăn, mải mê với chuyện trăng gió. Sự việc vừa rồi biết đâu chỉ là cái cớ cho cậu ấy đối xử tệ bạc với Loan?

Thế mà tháng trước, Hiền, vợ Quang lại cứ năn nỉ với anh ra tay cứu giúp hắn. Hôm ấy, bè gỗ của Dụ bị kiểm lâm huyện lập biên bản bắt giữ, tịch thu vì không có giấy tờ gì cả. Đó là hành động buôn bán gỗ trái phép, không đúng chức năng của cửa hàng mua bán xã. Thì đúng quá rồi còn gì, người ta thành lập hợp tác xã mua bán để phục vụ xã viên, phục vụ nhân dân các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đằng này hắn lại dùng vốn quỹ cửa hàng, lợi dụng con dấu vay tiền ngân hàng để đi buôn gỗ lậu lo chẳng chết. Đã mấy lần họp chi bộ, Việt đã cảnh tỉnh Dụ về những việc làm dạng đó, về cách quản lý cửa hàng của anh ta. Trong chi bộ chỉ có Việt là hay nói, dám mạnh dạn góp ý phê phán Dụ. Có phải thế chăng mà hắn ghét mình? Thì mình vô tư, góp ý cho hắn trong chi bộ chứ ra ngoài có nói xấu gì hắn đâu mà hắn để ý để tứ mình? Có hôm, vợ chồng Quang Hiền cũng lên tiếng khá gay gắt. Dụ chẳng những không tiếp thu mà còn nổi cáu lên rằng là “các vị chẳng hiểu gì cơ chế quản lý mới gì cả. Người ta chống quan liêu bao cấp mà các vị vẫn giữ mãi nếp nghĩ ngày xưa thì giao quyền tự chủ kinh doanh cho giám đốc thế nào được. Tôi là chủ nhiệm cửa hàng cũng có nghĩa là giám đốc một xí nghiệp. Tôi quản lý cách nào cho có hiệu quả là quyền của tôi. Việc tôi khai thác các nguồn hàng, kinh doanh tổng hợp là hướng đi đúng, chi bộ không nên bàn sâu về vấn đề này.”... Hắn đâm hậm hực với tất cả đảng viên trong chi bộ. Thì toàn anh em người nhà với Dụ cả, ai đó phê bình, góp ý với Dụ chẳng qua cũng là nước cùng. Thế có bảo thủ không cơ chứ.

Dụ đề xuất với Thường trực Đảng uỷ chuyển mình ra sinh hoạt với chi bộ trường học với lý do nên thành lập chi bộ ghép gọi là chi bộ trường học cửa hàng. Anh lấy lý do, cửa hàng gần trường học, giữa cửa hàng với trường học đều có điểm tương đồng là “phi nông nghiệp” nên dễ thống nhất với nhau hơn. Như vậy, công tác phát triển đảng mới có điều kiện. Dụ hứa sẽ bồi dưỡng nhanh số nhân viên cửa hàng để sớm kết nạp họ vào đảng, đủ thành lập chi bộ riêng. Cửa hàng phải có chi bộ độc lập mới có cơ phát triển được. Thực ra, trong thâm tâm Dụ, anh muốn thoát khỏi sự dị nghị, soi mói của dân làng và đảng viên trong chi bộ anh đang sinh hoạt. Và sâu sa hơn nữa, Dụ muốn củng cố quyền lực, muốn toàn quyền. Thường trực đảng uỷ sớm nhận ra chân tướng ấy nên kiên quyết không giải quyết theo hướng đó mặc dù Dụ đã mấy lần quà cáp cho ông Khanh bí thư, cả cho Hoà thường trực đảng uỷ nữa. Ai lại gán ghép chi bộ kiểu của Dụ được, nghe đã thấy vô lý buồn cười rồi. Thế là từ đó trở đi, họp chi bộ Dụ đánh bài ậm ừ chẳng ra nghe cũng chẳng ra không. Việc ông ngô lúa, gà lợn các ông làm, việc tôi buôn bán kinh doanh tôi lo.

Nghe Hiền bảo cứu Dụ, Việt lắc đầu: “Không phải anh khó dễ gì với Dụ đâu song làm như thế được lần này, lần sau Dụ lại liều lĩnh hơn, dấn sâu hơn. Tốt nhất là cứ để mặc cậu ấy”. Hiền năn nỉ: “Nhưng mà anh Việt ơi, Dụ bị mất quả này là mất trắng. Sạt nghiệp đấy. Hơn nữa, thằng Quân cũng dính trong vụ này”. “Thằng Quân cũng đi buôn gỗ?”, Việt trợn tròn mắt hỏi lại Hiền. Hiền gật đầu: “Vâng. Chỉ có anh mới cứu được bố con anh ấy. Anh quen biết với ông Hưởng, bạn chiến đấu với ông ấy, anh nói một câu với họ em nghĩ là được”. Nói đến Quân, Việt xót ruột xót gan lo lắng. Tí tuổi đầu đã mắc vòng pháp luật. Phải cứu nó thôi. Anh bặm môi cân nhắc: “Được, tôi sẽ giúp họ. Có điều Hiền phải bí mật, tuyệt đối không được nói với ai rằng tôi đã xin xỏ vụ này, kể cả Quang và Loan”. “Vâng, em hứa”.

Hai người đèo nhau lên trạm kiểm lâm huyện. Bạn cũ gặp nhau, Việt và ông trạm trưởng bắt tay nhau vồn vã. Sau khi nghe Việt trình bày đầu đuôi sự việc, ông Hưởng lắc đầu quầy quậy: “Khó lắm ông Việt ạ. Tội buôn bán gỗ tiếp tay cho bọn phá rừng bây giờ là không thể xem nhẹ được”. Cả Hiền và Việt cùng nói với ông Hưởng xem có cách nào giúp được không thì cố giúp cho họ. Việt nói: “Ông biết tính tôi rồi, từ bé đến giờ chưa xin xỏ cầu cạnh ai bao giờ nhưng đến vụ này thì tôi nhờ ông đấy”. Cuối cùng, nể tình đồng đội cũ, ông Hưởng nói: “Ông đã nói thế thì tôi cũng cố vậy. Cũng may, bè chỉ toàn gỗ tạp với củi, lại là vi phạm lần đầu, cho nên tôi sẽ cho anh em lập biên bản cảnh cáo cửa hàng Tân Phong, phạt vi cảnh để nhớ, rồi chuyển từ tịch thu sang trưng thu để trả lại vốn gốc cho họ. Ông về bảo ông Dụ làm đơn lấy xác nhận của uỷ ban lên đây tôi mới có cớ để giải quyết. Mà cũng không nên nói chuyện này rộng ra cho ai biết, không hay đâu, ông Việt ạ!”. Việt và Hiền cảm ơn ông Hưởng và nhất trí làm theo cách ông Hưởng đã chỉ.

Trên đường về, ngồi sau xe Việt, Hiền hớn hở nói: “Không có anh ra tay thì lão Dụ mất nghiệp. May quá. Đúng là bạn chiến đấu cũ, tình nghĩa ghê!”. Việt ngoái lại dặn dò: “Mợ cũng kin kín cái mồm đấy kẻo thất hứa với ông Hưởng. Cứ theo lời ông ấy dặn, mợ bảo Dụ nó làm, nhé! Tôi không xuất hiện nữa đâu”. Và vụ việc cuối cùng đã được giải quyết êm xuôi. Sau vụ đó, chẳng những Dụ đổi hướng mà hắn còn bốc phét lên rằng đã lo lót chỗ nọ, chỗ kia để được bè gỗ. “Cứ phong bì là xong tất ấy mà!”. Việt và Hiền nghe thấy tức quá nhưng không làm gì được. Chao ôi, thương trường, đồng tiền đã làm cho người ta lì lợm thế kia ư? Và hôm nay, cái chuyện lúc nãy với Loan nữa, hắn thiếu gì cách để thêm thắt thêu dệt vu khống? Anh thì chẳng sao, chỉ thương Loan và lo cho thằng Quân nhiều thôi...
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

.


HOÀNG HÔN XANH

(Chương 5 - tiểu thuyết)




Hợp tác xã lớn chẳng còn, đội xe trâu của ông Dẫn cũng bị giải tán. Trâu xe hoá giá, thanh lý ưu tiên cho các chủ xe. Ông Dẫn nhờ đó mà mua được bộ xe trâu khá như ý. Bây giờ trâu ấy, xe ấy là của ông, cả nhà ông tự nhiên có một thứ tài sản khá lớn ở trong nhà. Nó là phương tiện kiếm sống, là cái làm ra tiền hàng ngày cho cả gia đình ông chi tiêu. Thế nên, vợ ông, cả mấy đứa con ông nữa đều chăm chút từng li từng tí cho con trâu cùng cái xe. Ngoài ông là lái chính ra, thằng Biên con trai ông cũng được cầm vô lăng dây thay ông những lúc ông bận việc. Chẳng có hàng hợp tác nữa thì ông chở hàng cho tư nhân. Thời buổi người ta thi nhau xây nhà dựng cửa, cha con ông nhiều lúc bơi không hết việc. Hơn nữa, việc ngoài cửa hàng của chú Dụ cũng lắm. Hàng trên cửa hàng huyện phân về, hàng dưới bến sông khai thác được chuyển lên, ông tha hồ mà chuyên chở. Nguyên chở từ cửa hàng nọ đến cửa hàng kia trong xã đã đủ việc cho ông làm rồi. Thì chú Dụ làm chủ nhiệm cửa hàng lại chẳng nhận xí việc cho ông lại để cho người ngoài làm chắc? Vừa làm trưởng thôn, vừa lái xe trâu, ông Dẫn thấy yêu đời lắm.

Do “môi trường công tác” vậy nên ông Dẫn được đi khắp xã, lên cả huyện nữa. Ngày nào cũng rong ruổi trâu xe trên đường, đến khắp các ngõ ngách ông Dẫn lượm lặt bao nhiêu là chuyện. Từ chuyện nhân tình thế thái đến chuyện thời sự quốc tế. Từ chuyện ông nọ bà kia đến chuyện chính trị của địa phương ông đều dỏng hai tai lên để nghe. Ông chỉ nghe là chính thôi, ít khi ông bàn bạc đưa ra quan điểm chính kiến của mình, ngoại trừ những điều chối tai quá bắt buộc ông phải lên tiếng. Như chuyện cái “Ngân ngơ” có chửa chẳng hạn. Người ta đồn ầm lên nghi cho chú “Việt sẹo” ngủ với nó, ông Dẫn phản bác thẳng thừng. “Không thể có chuyện đó được. Không bao giờ. Tôi biết chú Việt chứ. Con người ấy làm sao lại có thể làm chuyện đó”. Có hôm, ông dừng hẳn xe trâu tranh luận với bà Toe cả tiếng đồng hồ chỉ có mỗi cái việc đó. Cuối cùng bà Toe cũng phải nghe theo ông. “Suýt nữa thì tôi nghi oan cho chú ấy. Mà mả bố đứa nào lại đang tâm làm việc đó cơ chứ?”. Ông Dẫn tán thêm: “Thì hoa đến thì hoa phải nở. Có gì hệ trọng lắm đâu mà bà cứ quan trọng hoá vấn đề? Phải mừng cho con bé ấy chứ”. Từ hôm đó trở đi, qua “hãng thông tấn” của bà Toe, dư luận đồn thổi về Việt bớt hẳn. Bà Kim bề ngoài thì nọ kia song trong bụng lại mừng thầm và chờ mong đứa cháu ngoại ra đời.

Phải nói rằng vai trò đại biểu hội đồng nhân dân xã ông Dẫn làm khá tốt, phải nói là rất trách nhiệm nữa là khác. Ngay cả việc Dụ nhập nhằng vốn quỹ cửa hàng, xập xí xập ngầu hàng thật hàng giả ông đã góp ý thẳng thừng với Dụ. Đặc biệt, cái vụ buôn bè của Dụ thì ông nổi cáu thật sự. Đang giữa nửa đêm, ông Dẫn hay tin dữ đã phóng thẳng đến nhà Dụ. Loan mắt nhắm mắt mở ra mở cửa. “Chú ấy đâu?”, giọng ông Dẫn có phần bực cả với em dâu. Loan ngơ ngác: “Nhà em cả tháng nay rồi có về nhà đâu. Anh ấy ở trên cửa hàng bác ạ”. Ông quay ngoắt xe đi thẳng. Đến cửa hàng, ông dựng Dụ dậy nói như té tát vào anh ta. Cái bực vì vụ buôn bè chưa được giải toả lại thêm cái tội thiếu trách nhiệm với vợ con của Dụ làm ông Dẫn không kìm được cơn tức. “Chú làm ăn thế mà được à? Đời thuở nhà ai cửa hàng hợp tác xã lại đi buôn gỗ không? Có ở đâu người ta làm thế không? Đừng có hám lợi mà bất chấp tất cả. Không những chú mà còn lôi cả thằng Quân vào nữa. Hỏng! Hỏng hết! Có ngày dắt nhau vào nhà đá đấy Dụ ạ. Cả việc gia đình nữa? Sao lại bỏ bê thím ấy với lũ trẻ? Chú có nghe dư luận người ta nói gì không? Chú còn coi tôi ra gì không?”.

Ông Dẫn tuôn một hồi không kịp để cho Dụ thanh minh. Mãi sau anh ta mới ậm ừ: “Khuy rồi. Bác be bé cái mồm cho em nhờ. Việc em làm em chịu, bận gì đến bác mà bác làm toáng lên thế? Thiên hạ nghe tiếng người ta cười cho!”. “Chú nói thế mà nghe được à? Ông Dẫn đay lại - Chú còn biết sợ người ta cười cơ đấy? Thì đây, tôi là anh trai chú, là đại biểu hội đồng xã. Hội đồng gì mà để cho người nhà vi phạm pháp luật? Hội đồng gì mà để gia đình em trai mình “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”? Nào, chú nói thử tôi nghe?”.

Dụ bực lắm song anh cố ghìm lại. Lúc này mà nóng với ông ấy thì gay. “Hoạ vô đơn chí”, đang lúng túng vì vụ buôn bè lại vướng vào chuyện gia đình, gỡ không khéo sẽ rồi mù. Tốt nhất là đánh bài im lặng. Thì đấy, đến chi bộ Dụ áp dụng sách này cũng là cao kiến đấy là gì? Làm gì được nhau? Nghĩ thế, Dụ xua tay: “Thôi thôi thôi, bác ơi! Em biết em sai rồi. Em hứa sau vụ này sẽ sửa. Bác về đi!”. Dụ nói vậy để hạ hoả anh trai mình, nhanh chóng bịt cái loa đang thừa điện này và nhấc ông ấy về nhà. Đã đến giờ hẹn với Huê rồi mà sao mãi chẳng thấy cô ấy cơ chứ? Cũng may, Huê đến muộn, không thì...

Sau đận ấy, phần vì lo chạy vụ buôn bè, phần vì bực với anh trai nên Dụ không gọi xe của ông Dẫn chở hàng cho cửa hàng nữa. Dụ gọi xe trâu khác. Thậm chí anh còn bảo với tay xe trâu này đánh xe rễu rện qua cổng nhà ông Dẫn để chọc tức ông. Ông Dẫn biết cả song ông cũng cóc cần. Ông nhắn Quân đến gặp ông. Điều mà ông quan tâm hơn cả bây giờ là thằng Quân. Nó còn trẻ không nên để cho nó dính vào chuyện tiền nong buôn bán được. Dạo này, ông thấy nó cũng khác nhiều so với thời nó còn đi học.

Nhận được tin bác nhắn, Quân đầu tóc bóng mượt phóng xe đến gặp ông Dẫn. Vẫn để chiếc xe nổ máy ở sân, Quân lên tiếng:

- Có việc gì quan trọng mà bác nhắn cháu đến thế?

- Thì cứ dựng xe tắt máy vào uống nước đã. Chả có chuyện sao bác lại gọi cháu.

Ông Dẫn vừa nạp điếu thuốc lào vừa thủng thẳng nói với Quân. Thằng Quân miễn cưỡng tắt máy, dựng xe rồi vào nhà.

- Có việc gì bác nói nhanh cháu đang vội!

- Vội gì? Chả lẽ không ngồi với bác được một lúc sao?

- Cháu còn chạy hàng cho bố cháu.

- Thế cháu được biên chế vào cửa hàng bao giờ vậy? Ông Nhân cử cháu à?

- Không. Bố cháu xếp việc cho cháu làm.

- Thế chả trách người ta đồn ầm lên cửa hàng bây giờ là của bố con nhà ông Dụ, bác nghe nó chối lắm. Vì thế, hôm nay bác gọi cháu đến để nói với cháu rằng cháu nên tìm việc khác mà làm. Sức dài vai rộng thiếu gì việc mà cứ phải bon chen ngoài chỗ cửa hàng ấy. Đi học nghề hoặc đi bộ đội chẳng hạn. Đừng để mang tiếng đến cả gia đình cháu ạ.

Để cái đóm cháy đến gần ngón tay, ông Dẫn quên cả việc hút thuốc nói một mạch với thằng cháu. Quân chủng chẳng:

- Tưởng có việc gì quan trọng chứ việc đó thì... Với lại bố cháu bảo rồi bố cháu sẽ nói với ông Nhân chủ tịch cho cháu một xuất ngoài cửa hàng. Việc ở đấy chứ còn phải tìm ở đâu nữa bác.

- Bác biết. Nhưng mà cháu cũng nên điều chỉnh cách ăn nói đi đứng. Bác nghe mẹ cháu ca cẩm về cháu nhiều lắm. Ai lại bỏ nhà xe máy lêu lổng suôt thế? Không hay đâu.

- Bác lại cổ lỗ sỹ như mẹ cháu rồi. Làm ăn buôn bán bây giờ phải thoáng, phải giao lưu rộng mới được việc bác ạ.

Quân vẫn cố cãi. Ông Dân bắt đầu bực đổi giọng xưng hô:

- Mày chỉ được cái nguỵ biện giống bố mày. Thoáng gì thì thoáng phải nghĩ tới gia đình, nghĩ tới dư luận. Đừng vì lời lãi mà bất chấp tất cả. Đấy, cái vụ buôn bè đấy, mày thấy chửa? Cứ hàng giả, hàng lậu có ngày chết rũ đấy con ạ. Dân làng người ta dị nghị ầm lên kia kìa.

Thằng Quân xịu mặt xuống. Nó lí nhí:

- Thì cũng có vụ không may chứ bác.

- Không may gì! Đi đêm lắm có ngày gặp ma đấy. Bác nói thật, cháu chớ có theo bố cháu mà hư người. Hôm nọ chú Việt cũng nói với bác như thế. Chú ấy cũng lo cho cháu lắm.

Nhăc đến chú Việt, Quân chủng chẳng:

- Lại chú ấy nữa!

- Mãy bảo sao?

- Chú Việt chứ còn sao nữa. Hôm nọ chú ấy với... mẹ cháu... Bố cháu bắt được quả tang giữa ban ngày ban mặt đấy bác ạ. Cháu... cháu chán chú ấy lắm. Cứ tưởng...

- Mày chỉ được cái nông cạn, hàm hồ giống thằng bố mày - Ông Dẫn lại đổi giọng những lần này nhẹ nhàng thân tình hơn - Phải xem nó cụ thể thế nào đã, chưa chi... Với lại chú ấy đã cho máu cứu sống mày, mày cũng phải tử tế với người ta chứ.

- Trước kia cháu cũng nghĩ tốt về chú ấy nhưng thú thật từ ngày cháu bị tai nạn về cháu lại nghĩ khác nhiều về chú Việt. Bác tưởng ông ấy cho máu cháu ư? Không phải đâu. Hai chỉ vàng đấy. Đấy chẳng là mua bán sòng phẳng ư?

- Ai nói với mày vậy?

- Thì cũng dân làng cả chứ ai?

- Cụ thể xem nào?

- Bác lại còn cứ giả vờ! Bà Toe. Chính bà Toe rêu rao.

- Giời ạ. Cả làng này ai còn lạ gì bà ấy nữa. Thế mà mày cũng tin. Đúng là thiển cận. Được rồi, để tao mắng cho bà Toe một trận. Thế còn bố mẹ mày thì sao?

- Mẹ cháu thì không biết rồi. Bố cháu chỉ ậm ừ.

- Chết là chết ở cái ậm ừ đó. Bác tin chú Việt chẳng bao giờ làm chuyện đó đâu. Cháu nên bình tĩnh suy xét. Những điều bác cháu nói đều đúng cả đấy.

Bà Dẫn nãy giờ ngồi yên nghe hai bác cháu nói chuyện giờ mới lên tiếng.

Quân bắt đầu nói ít hơn. Bề ngoài thì nó làm ra vẻ nghe lời nhưng bên trong nó vẫn chưa thông về chú Việt. Còn chuyện chạy hàng thì... nhiều lúc nó thấy cũng vô duyên, nhất là cánh nhân viên cửa hàng, kể cả chú Phán kế toán nữa, có những lời xì xèo sau lưng nó nghe được tức lắm. Dân làng dị nghị nhìn nó bằng con mắt khác, nhất là cánh thanh niên, Quân cũng thấy buồn. Nhiều hôm nó cảm thấy lạc lõng. Sinh hoạt chi đoàn nó như người ngoài. Chán lắm chứ. Những khi đó, nó lại nhớ tới Dung. Ừ, giá như Dung ở nhà để cho nó có chỗ dựa, có nơi hỏi han tâm sự giãi bày để cho khỏi chống chếnh thì hay biết mấy. Những lời bác Dẫn nói cũng giống như cậu mợ Quang Hiền đã tâm sự với nó hôm nào. Quả thực, Quân cũng cảm thấy chơi vơi...

Về gia đình, Quân đã thấy rạn nứt tình cảm khá lớn giữa bố và mẹ. Mẹ suốt ngày cặm cụi với cám bã lợn gà, thui thủi một mình ở nhà, thương lắm. Nhưng sao mẹ với chú Việt lại cứ hay thậm thụt với nhau để xảy ra cái vụ hôm nọ bố bắt được nhỉ? Thế thì còn ra thể thống gì nữa? Rõ là xấu hổ. Vừa thương vừa bực cho mẹ. Còn bố nữa, chỉ mải kiếm tiền. Chứng kiến nhiều phi vụ của bố Quân thấy bố có nhiều thủ đoạn, âm mưu quá. Chẳng biết cái máu buôn bán có ở trong người bố bao nhiêu mà ông ấy liều lĩnh vậy, vượt mặt cả đồng nghiệp. Rồi dư luận xì xèo quan hệ của bố với cô Huê, Quân nghe thấy cũng phát bực. Cái bà ấy thì hơn gì mẹ cơ chứ, chỉ giỏi đong đưa, lợi dụng, gặp Quân cứ “cô cô cháu cháu” ngọt xớt. Quân nghe thấy, nhìn thấy mà ghét.

Kẻng họp thôn vang lên. Loan từ dưới bếp gọi lên nhà:

- Quân! Dậy đi họp cho mẹ!

- Họp gì vậy mẹ?

- Kẻng họp thôn đấy. Chiều nay con đi họp cho mẹ.

Loan nhắc lại. Quân vục dậy:

- Họp thôn thì mẹ đi mà họp, con họp sao được?

- Được. Có phải bàn việc gì lớn đâu mà lo. Hình như triển khai kế hoạch Tết thì phải. Với lại, mẹ còn phải cám bã cho lũ lợn. Hay mày ở nhà làm việc đó cho mẹ.

Quân giãy nảy. Rét này mà thái chuối, băm bèo thì... chỉ nghĩ đến đã rủn người rồi. Hơn nữa từ bé tới giờ mình có mó tay vào những việc đó bao giờ đâu. Ừ, thì đi họp vậy. Thử đi họp thôn một buổi xem sao. Bỗng nhiên Quân nghĩ thấy hay hay. Thì ra mình cũng lớn tướng rồi nhỉ! Thay mặt chủ hộ bàn việc làng rồi đấy.

Từ hôm nghe ông Dẫn tâm sự, Quân đã thay đổi ít nhiều, không còn hay la cà lêu lổng nữa. Quân thường xuyên ở nhà giúp mẹ đôi ba việc. Ba anh em nó vì thế mà trở nên gần gũi hơn. Tuy vậy, Quân vẫn ướm lời mẹ:

- Thế không đi họp có được không hả mẹ?

- Không được! Nhà mình mà không đi họp thì bác Dẫn còn nói ai được nữa. Từ ngày giải tán hợp tác đến giờ, chủ hộ còn mỗi việc họp thôn mà không đi thì biết đằng nào mà làm. Con lớn rồi, đi họp thay mẹ đi.

Thực ra, hợp tác xã nông nghiệp Hợp Nhất chưa giải tán, nó chỉ được tách thành hai hợp tác xã nhỏ, nhưng vì vai trò của hợp tác bây giờ mờ nhạt quá nên nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng là nó đã bị giải thể. Ngay cả Loan cũng vậy. Công việc xã hội giờ đây chuyển hết về thôn. Do vậy mà vai trò trưởng thôn rất lớn, còn quan trọng cấp thiết hơn cả chủ nhiệm. Họp thôn không chỉ bàn việc sản xuất mà còn bàn bao nhiêu việc khác nữa, thượng vàng hạ cám... đủ cả. Người ta dựa vào thôn chứ còn ai dựa vào hợp tác.

Sau khi trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân xã, ông Dẫn được dân làng La Hương bầu giữ chức trưởng thôn thay cho bà Hoè hết nhiệm kỳ. Uy tín của ông tăng trông thấy. Quả thật, dân làng La Hương rất đúng khi bầu chọn ông gánh vác trách nhiệm của làng. Lời ông nói chẳng văn hoa, diễn thuyết nhưng có trọng lượng lắm.

Đúng như Loan nói, cuộc họp thôn hôm nay triển khai kế hoạch đón Tết nguiyên đán. Nội dung đón Tết thì nhiều nhưng sôi nổi nhất là hàng Tết. Ai cũng cố lắng nghe xem năm nay cửa hàng phân phối những gì để họ ăn Tết. Mì chính, nước mắm, mứt, thuốc lá, rượu... cũng tươm tươm đấy chứ. Kể ra đang trong giai đoạn xoá dần bao cấp mà cửa hàng vẫn lo được cho các hộ ăn Tết được như thế là khá.

Đến mục thảo luận, các ý kiến nổi lên. Người đầu tiên khai mào là Việt. Anh nói rất ngắn gọn. Về mục hàng Tết anh chỉ yêu cầu thôn, xã có ý kiến với cửa hàng lo sao cho được hàng chuẩn, hàng gin cho dân là được. Thế là một loạt cánh tay giơ lên xin phát biểu. Họ phê phán cửa hàng lâu nay để hàng nhái, hàng giả tràn ngập ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Có người mạnh mồm hơn nói rằng cửa hàng tiếp tay cho bọn buôn lậu, đánh lộn hàng giả hàng thật kiếm chênh lệch giá. Kẻ hiểu biết thì yêu cầu xã cần kiểm tra kinh tế cửa hàng vì hiện tượng nhân viên nào cũng có mối hàng riêng, biến cửa hàng xã như những quầy hàng của tư nhân. Họ còn lôi cả vụ buôn bè ra để phát biểu... Chẳng nể mặt ông Dẫn là anh trai chủ nhiệm cửa hàng, không quan tâm đến Quân cũng đang họp ở đó, các ý kiến cứ bùng lên vô tư. Mãi sau, không khí hội nghị có phần lắng xuống, ông Dẫn mới lên tiếng: “Cảm ơn các ông, các bà đã có ý kiến góp ý về cửa hàng. Tôi sẽ chuyển nhứng ý kiến đó lên xã để xã nghiên cứu, giải quyết. Việc chính của thôn ta hôm nay là bàn về tổ chức vui Tết, đón Xuân của làng này cơ. Do đó, xin các vị tập trung vào mục này, tạm gác vấn đề kia lại, để đến cuộc họp khác”...

Quân ù tai chứng kiến cuộc họp thôn. Nó chợt nhận ra sự ghê gớm của công luận. Và... nó đâm bực cả với chú Việt. Chỉ tại ông ấy khơi mào nên cuộc họp thôn mới thế. Tan cuộc họp, Việt lách mọi người đến bên Quân. Nó lang lảng, chào lấy lệ rồi phóng xe vù đi.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

.

HOÀNG HÔN XANH

(Chương 6_tiểu thuyết)
       

      Cuộc họp thôn tan, Quân không về nhà ngay mà đạp xe thẳng đến nhà cậu Quang. Dọc đường, nó suy nghĩ lung lắm. Từ bé đến giờ, nó chưa từng được nghe người ta nói nhiều và gay gắt về bố nó như vậy. Sao lại có nhiều kẻ ghen ăn tức ở với bố con nhà nó thế? Cơ chế thị trường người ta năng động, người ta thu nhập cao thì phải mừng cho người ta chứ, đằng này lại cứ suy bì, soi mói, tị nạnh. Đúng là vẫn giữ nếp nghĩ cách làm của thời bao cấp. Cứ như các ông, các bà nói thì bố ai dám tự chủ kinh doanh? Bố ai dám nghĩ dám làm? Thế thì còn gì gọi là đổi mới tư duy? Tất nhiên, trong cái lợi của tập thể người ta cũng phải có phần chứ? Chất xám của người ta bỏ ra cơ mà! Hơn nữa, để có được khoản lời lãi đó người ta cũng phải đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức, lặn lội đêm hôm mới có được chứ có phải ngồi không mà có đâu? Đổi mới rồi mà các vị lại cứ muốn dàn hàng ngang cùng tiến thì... Càng nghĩ lại càng bực. Tất cả chỉ tại ông “Việt sẹo” châm ngòi. Phải nói hết với cậu Quang về cuộc họp thôn hôm nay mới được. Đấy, cậu chả cứ ca ngợi mãi ông ấy đi, để bây giờ ông ấy chĩa mũi dùi vào anh rể của cậu đấy, cho cậu biết!

         Đến cổng nhà cậu Quang, Quân thấy xe máy của bố mình dựng ngay ngoài ngõ. Nó xuống xe định quay ra thì nghe thấy tiếng bố nó oang oang ở trong nhà. Nó phanh kít xe lại, đứng chống chân dỏng tai nghe ngóng:

         - Tôi nói cho cậu biết nhé, cái tay Việt là không thể chấp nhận được. Hôm nọ chính tôi bắt gặp anh ta quan hệ bất chính với chị của cậu ở trên nghĩa địa đó. Tình xưa nghĩa cũ mà! Thậm thụt với nhau lâu rồi, hôm ấy tôi mới bắt được quả tang đấy. Nể vợ chồng cậu, hơn nữa lại cùng chi bộ với nhau nên tôi không làm to chuyện. Nhưng tôi cũng nói để cậu biết là hắn đừng có xía vô vào chuyện nhà tôi, vào công việc làm ăn của tôi.

         - Bác bình tĩnh đã xem nào - Tiếng cậu Quang vang lên - Cái việc trên nghĩa địa em cũng nghe rồi. Chính cháu Hà nhà em kể lại nguyên xi từ đầu, có gì mờ ám đâu mà bác cứ khùng lên thế?

         - Nghe gì cái mồm con ấy. Nó cùng một giuộc với bá nó. Tôi, cậu không tin lại đi tin đứa trẻ con?

         - Bác đừng nói thế. Cháu Hà nhà em không còn trẻ con nữa đâu. Với lại, hôm đó chính cháu Hà nó xin phép em đến để đưa bá Loan đi đấy. Nếu có mờ ám gì thì bá ấy sao còn đi với cháu? Hơn nữa, nghe bảo lúc đó còn có cả lũ trẻ trâu cũng ở đó cơ mà?

         - Ở đâu mà ở? - Bố nó gân cổ nói át - Chỉ có hai người đang cởi áo cho nhau. Mà chị của cậu còn gục đầu vào người nó khóc lóc nữa. Tôi hỏi cậu, nếu không tình ý thì làm như thế được không? Có ai khóc trước mặt một người dưng không? Ừ, thì cứ cho lần này có con Hà nhà mình đi cùng đi nhưng những lần khác thì sao? Cậu có biết ma ăn cỗ không? Nào, cậu trả lời tôi đi!

         - Bác lại suy diễn rồi! Với lại, em nói thật với bác nhé, bác cũng nên tự xem lại mình đi. Em thấy người ta xì xèo lắm chuyện về bác lắm đấy.

         Tiếng cậu Quang có vẻ nặng thêm. Quân dựng hẳn xe vào bờ rào rồi rón rén đến sát vách nhà dỏng tai lên nghe tiếp. Tiếng bố nó “xì” lên một cái có vẻ rất hậm hực.

         - Chính cậu mới là người đang suy diễn. Cậu suốt ngày ru rú ở nhà biết gì mà dư luận với chả dư luận. Với lại, biết đâu cái dư luận ấy lại do chính tay “Việt sẹo” nó đặt ra thì sao? Hôm nay, tôi cũng nói thật với cậu luôn, cậu cũng cẩn thận với hắn đấy kẻo chưa biết chừng nó “cắm sừng” cậu lúc nào cũng không hay.

         - Bác... bác... bác mà... mà lại nói như thế à? Tôi... tôi thật không ngờ!

         Tiếng chiếc xe lăn loạch xoạch rồi bỗng rầm một cái khá mạnh. Tiếng ấm chén rơi va vào nhau loảng xoảng. Quân ù tai quay ngoắt trở ra trèo lên xe phóng vội về nhà. Nó không muốn chứng kiến cảnh bố nó với cậu nó cãi nhau.

         Cửa nhà đóng im ỉm. Quái nhỉ, mẹ nó đâu rồi không biết? Bảo chiều nay mình đi họp thay để mẹ ở nhà cám bã cho lũ lợn thế mà lại đi đâu rồi? Ngó ra chuồng lợn vẫn không thấy mẹ. Đàn lợn thấy bóng người cùng đồng loạt rít lên. Có con ghếch cả hai chân trước lên bờ tường há hốc mồm kêu eng éc như bị chọc tiết. Bếp núc lạnh tanh. Cái Thảo, cái Trang vẫn chưa đứa nào đi học về. Lạ thật! Có mấy khi mẹ mình bỏ nhà đi như thế này đâu! Thôi, đúng rồi, bà ấy lên nghĩa địa rồi! Suốt từ hôm bị bố bắt quả tang bà ấy với lão “Việt sẹo” về hai người cãi nhau một trận to lắm đến giờ bà ấy vẫn chưa gặp lại ông ấy. Đúng rồi! Chắc chắn đúng rồi! Thì cái túi xách đựng rượu thuốc cạo gió cạo máy có còn treo ở đây nữa đâu? Bà này giỏi thật, Quân bặm môi suy nghĩ, dám lừa mình đi họp để thậm thụt với lão ấy. Thế này thì quá lắm!

         Tại lão “Việt sẹo”, trong đầu Quân bỗng loé lên ý nghĩ đó. Tất cả chỉ vì lão ấy mà gia đình mình bất hoà. Đầu Quân nóng bừng bừng. Bao nhiêu tội của ông “Việt sẹo” hiện lên trong đầu nó. Từ chuyện đi lại quan hệ với mẹ nó tới vụ “quả tang” trên nghĩa địa hôm nọ. Không có lửa sao có khói? Đằng này mẹ nó với ông ấy lại là “mối tình đầu”. Tình đầu thì tình đầu cũng một vừa hai phải thôi chứ sao lại sâu đậm nặng lòng đến thế? Hai chục năm rồi vẫn hẹn hò dấm dúi đi lại với nhau? Sao lại phá vỡ hạnh phúc của gia đình người ta cơ chứ? Rồi chuyện cản phá bố nó trong chuyện làm ăn. Đâu như ông ấy còn đưa bố nó ra phê bình trong cuộc họp chi bộ thì phải? Đến như họp dân hôm nay ông ấy còn chẳng nể nữa là... Cái vụ bè gỗ hôm nọ chẳng ông ấy nhúng tay vào thì còn ai? Bố nó trượt hội đồng chắc cũng chỉ tại ông ấy? Đặc biệt, cái vụ nó bị tai nạn ngỡ tưởng ông ấy cho nó máu, hết lòng cứu nó, ai ngờ lại đang tâm lấy của bố nó những hai chỉ vàng? Thế là bán máu rồi chứ còn gì? Tình nghĩa cái con khỉ? Chính vì việc này mà hình tượng của ông ấy đã sụp đổ hoàn toàn trong đầu óc nó. Cao thượng ư? Nhân hậu ư? Thật thà chất phác ư..? Chỉ toàn là những điều láo toét. Tranh giành vợ bạn này, quan hệ bất chính này (mà không chỉ với mẹ nó mà cả với mợ Hiền, cả với con “Ngân ngơ” nữa thì... không hiểu ông ấy là loại người nào?). Thật là vô liêm sỉ. Dư luận đồn ầm lên đấy thôi. Không những thế ông ấy còn cản phá đường công danh và làm ăn của bạn, nói xấu bạn, hậm hực trước những thành công của bạn. Lại nữa, ông ấy còn chia uyên rẽ thuý cả thế hệ tương lai. Việc Dung đột ngột biến mất và chuyện ông ấy mấy lần gặp nó ngăn cản nó đến với Dung, lên lớp nó về lẽ sống đã chứng tỏ điều đó. Ông ấy mà lại còn dám lên mặt dạy đời với nó ư? Thật là xấu hổ! Xấu hổ vô cùng!

Người Quân nóng bừng bừng. Máu trong cơ thể nó chạy rần rật. Mặt nó sạm đi, cằm bạnh ra vì tức. Nó nhổ nước bọt phì phì. Thật chán vô cùng cái cảnh bố mẹ nó mỗi người một bếp, hết chiến tranh lạnh lại cãi vã nhau. Mấy tháng nay, hầu như bố nó mới chỉ đoảng về nhà có đôi ba lần. Tất cả chỉ tại lão “Việt sẹo”. Càng ghét ông ấy, nó càng bực với mẹ nó. Giờ này đáng lẽ ra bếp nhà nó phải đỏ lửa rồi chứ. Thế mà than củi vẫn nguội lạnh, xoong nồi vẫn chỏng chơ. Cả hai đứa em của nó nữa? Giờ vẫn chưa đi học về. Máu hoả bốc lên đầu nó ngùn ngụt. Mặc cho lũ lợn kêu, mặc cho chiều sắp tắt nắng, nó vào lấy chiếc côn dắt vào người rồi lên xe nhằm hướng nghĩa địa đạp tới.

Nó cúi rạp người, cong mông lấy hết tốc lực đạp xe. Phải nhanh chân. Phải bắt quả tang giống bố nó. Phải vạch mặt giả ngân giả nghĩa của lão ấy. Phải cho lão ấy một trận. Phải làm cho mẹ nó không thể chối cãi được. Bà cứ tưởng muốn làm mẹ thì lên lớp dạy dỗ người ta thế nào cũng được ư? Còn lâu nhá! Tôi lớn rồi, tôi có nhận thức của tôi rồi, không còn lên chín lên mười nữa đâu mà bà muốn nói gì thì nói đâu. Phải làm cho ra nhẽ vụ này. Phải...

Chiều cuối đông. Nghĩa địa vắng tanh. Lũ trẻ trâu cũng vừa về hết. Từ xa nó đã phát hiện ra chiếc xe đạp của mẹ nó dựa vào gốc cây đa cạnh căn lều của ông “Việt sẹo”. Đúng như nó phán đoán, mẹ nó hiện đang có mặt tại đây. Nó quẳng chiếc xe đạp ra thửa ruộng và sầm sầm lao tới. Rồi nó đột nhiên khom người rón rén nhón chân như một con mèo áp sát bức tường lán. Nó kiễng chân dán mắt dòm qua ô thoáng trên cửa sổ. Trong nhà, giữa khoảng tối nhờ nhờ của nhập nhoạng ánh hoàng hôn, nó thấy mẹ nó đang ngồi sát bên ông ấy. Còn ông ấy cởi trần với tấm lưng lấp loáng qua ánh sáng từ bên ngoài rọi vào. Mẹ nó ngồi phía trong. Ông ấy ngồi quay lưng lại phía nó. Hình như họ đang ôm nhau. Chỉ nhìn được có vậy, nó không nén được nữa vội đạp cửa xông vào. Miệng nó quát lớn:

- Nhục nhã quá! Hôm nay sẽ biết tay ông!

Nó vừa nói vừa vung chiếc côn lên. Mẹ nó giật mình ngẩng phắt đầu nhìn về phía tiếng quát. Theo phản xạ, lão ấy cũng quay ngoắt đầu lại vừa lúc tay côn của nó vụt xuống. Người đàn ông kêu ối lên một tiếng rồi ôm đầu ngã vào phía trong. Nó vung tiếp chiếc côn lần thứ hai. Mẹ nó giơ tay ra chắn và gào lên:

- Quân! Mày đang đánh bố đẻ ra mày đấy, con ơi!

         Mẹ nó túm được một bên côn giật xuống. Vừa giằng chiếc côn mẹ nó vừa rên rỉ trong tiếng khóc:

         - Giời ơi là giời! Vô phúc quá, con ơi là con! Bố đẻ của con đấy!

         Thằng Quân sững người, ngơ ngác. Nó đứng như trời trồng. Đất trời như quay cuồng trước mắt nó. Người nó nhũn ra. Mọi ý nghĩ trong đầu nó hầu như bị tê liệt. Mẹ nó vứt chiếc côn vào xó giường rồi cuống cuồng nâng đầu người ấy, gỡ tay ông ấy ra khỏi chỗ đau.

         - Máu! Trời ơi! Máu! Mày giết bố mày rồi, con ơi!

         Mẹ nó giống lên nức nở.

         - Không sao đâu mà Loan! Con nó không biết, không có tội!

         “Việt sẹo” giờ mới lên tiếng. Mẹ nó vẫn ơ hờ rên rỉ:

         - Toạc cả máu đầu đây mà lại không sao ư?

         - Không. Tôi chỉ đau chỗ khác.

         Ông ấy nói nhẹ nhàng với mẹ nó mà như nói cả với nó nữa. Nó đứng ngây ra ở giữa nhà. Chân tay nó buông thõng như bị thừa.

         - Còn không vào xem bố mày đau đớn thế nào ư mà còn đứng đó?

         Nó sực tỉnh chạy lại cùng mẹ nó đỡ đầu ông ấy lên. Lúc đó nó mới nhìn thấy bát rượu thuốc, nắm tóc rồi cùng cái tách đang vứt chỏng chơ ở trên giường. Mùi rượu thuốc bốc lên nồng nặc.

         - Bố mày ốm cả tháng nay tao phải lên cạo gió đánh cảm cho chứ mày tưởng mẹ mày vớ vẩn lắm à. Khổ lắm con ơi, chuyện đời phức tạp lắm!

         Mẹ nó vừa tìm bật lửa thắp đèn vừa nói trong tiếng khóc.

         Băng bó xong cho “ông ấy”, nó chẳng nói chẳng rằng quay ngoắt ra cửa như chạy trốn. Mẹ nó gọi với theo:

         - Chờ mẹ đã Quân! Chờ mẹ rồi cùng về!

         Nó cứ hùng hục lên xe lao đi.

         - Anh Quân! Anh lên chỗ chú Việt về à?

         Nó chợt nhìn thấy hai thằng con trai đi ngược với nó lên phía nghĩa địa. Hình như thằng Hân? Cả thằng Biên nữa thì phải. Nó không thèm đáp lời cứ thế lao vù xe qua. Tiếng hai đứa bậm bục phía sau:

         - Người gì mà khinh người thế? Hỏi cũng không thèm trả lời.

         Mặc, nó lao xe như điên về nhà. Lúc này nó không muốn gặp ai hết.

         - Anh Quân! Anh đi đâu về? Mẹ đâu hả anh?

         Cái Thảo thấy anh về ngớn ngác hỏi.

         - Không biết! Hỏi gì mà hỏi!

         Nó cấm cẳn vùng vằng với hai đứa em. Mặt nó hằm hằm. Cái Trang tức quá nói:

         - Anh này lạ nhỉ! Chúng em làm gì mà anh cáu?

         - Cút đi đằng khác! Để tao yên!

         Nó lại bẳn lên rít giọng quát hai đứa em. Cả hai đứa nem nép ngơ ngác.

         Nó đổ gục xuống giường trùm chăn nằm khóc rưng rức.

         Chợt có tiếng cái Hà phía ngõ:

         - Anh Quân ơi! Có tin vui đây này!

         Không thấy ai trả lời. Hà đã le te chạy vào đến sân. Nhìn thấy cái Thảo, cái Trang đang xịu mặt xuống, nó vội hỏi:

         - Mẹ có nhà không hai chị?

         Cả hai đứa lắc đầu. Hà hỏi tiếp:

         - Anh Quân đâu?

         Cái Thảo hất hàm vào trong nhà. Hà nhìn theo cái hất hàm của Thảo, miệng hỏi:

         - Hai chị làm sao thế? Anh Quân ốm à?

         - Không. Chẳng làm sao cả. Anh Quân ấy, chẳng hiểu sao đi đâu về đùng đùng quát bọn chị rồi vào trùm chăn. Thế có tức không cơ chứ?

         Hà vội rón rén đến bên giường Quân. Nó lật tấm chăn lên và nói:

         - Anh Quân! Anh bị ốm à?

         Từ lúc nghe tiếng Hà tới, Quân lấy chăn lau khô nước mắt. Hai tay nó bo đầu không ngoảnh lại. Cái Hà lấy tay lay người Quân và hỏi lại lần nữa:

         - Sao? Anh ốm à?

         - Ốm đau gì! Để cho tôi yên!

         - Ơ hay, cái nhà anh này! Không ốm đau mà lại nằm ườn ra thế, không dậy cơm nước cho mẹ đi còn chờ gì nữa?

         - Mặc xác tôi! Cô về đi!

         Quân nhấm nhẳn. Giọng Hà đùa tếu làm vui:

         - Dưng mà em mang tin vui đến cho anh đây này!

         - Tin vui gì cũng mặc xác. Đừng ai động đến tôi lúc này!

         Hà cúi đầu ghé miệng sát tai Quân thì thào:

- Anh có thư! Thư của chị Dung!

         Chỉ nghe thấy vậy, Quân chợt tỉnh hẳn. Nó quay đầu lại:

         - Cái gì? Mày bảo cái gì?

         - Anh có thư! Thư của chị Dung!

         Hà nhắc lại. Quân vụt ngồi hẳn dậy:

         - Thật không? Đưa tao xem!

         - Chả thật lại không ư! Em có nói dối anh bao giờ.

         Hà vừa nói vừa lấy phong thư giơ lên. Quân tóm vội lấy. Nó đưa chiếc phong bì về phía ánh sáng nhíu mắt đọc lướt qua. “Nhờ Hà chuyển giúp tới cho Quân, chị cảm ơn em!”. Đúng chữ của Dung rồi! Quân gần như reo lên. Thì từ ngày Dung đi đến giờ Quân đã nhận được thư nào của cô ấy đâu.

         - Cho anh xin. Cảm ơn em nhé.

         Quân vui vẻ nói với Hà. Cái Thảo, cái Trang đang dọn dẹp dưới bếp hỏi với lên:

         - Có thư của chị Dung hả Hà?

         - Vâng! Chị ấy gửi qua em cho anh Quân!

         Hà vui vẻ đáp lại. Hai đứa vội chạy lên:

         - Đâu? Anh Quân, đọc đi!

         - Thư riêng chị ấy gửi cho tao, đọc gì mà đọc.

         Quân quát nhẹ với hai đứa. Hà giảng giải:

         - Đúng đấy. Cứ để anh Quân đọc. Có gì anh ấy sẽ nói với hai chị sau.

         Vừa lúc đó có tiếng xe đạp lạch xạch của Loan về. Quân vội cầm bức thư trùm kín chăn. Hà mau miệng:

         - Cháu chào bá! Bá đi đâu về tối thế?

         - Hà à? Bá lên đánh gió cho chú Việt. Cháu mới sang ư?

         - Vâng. Cháu vừa sang. Từ hôm bá cháu mình lên đến giờ chú Việt đỡ nhiều chưa hả bá?

         - Chưa! Đợt này chú ấy ốm lâu quá. Rõ khổ!

         - Thế có ai ở trên đó với chú ấy không?

         - Có. Thằng Hân với thằng Biên tối nào cũng lên ngủ với chú ấy.

         - Mẹ ơi, chẳng hiểu anh Quân làm sao mà vừa về nhà anh ấy đã quát bọn con đùng đùng rồi vào trùm chăn kia kìa.

         Cái Thảo banh toe. Loan ôn tồn:

         - Kệ anh mày. Chắc lại mệt mỏi gì đấy thôi. Để cho anh mày nghỉ.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

.  tiếp theo chương 6


Hà chào ba mẹ con bá Loan rồi về. Loan tất tả cùng hai đứa con gái sửa soạn bữa tối. Bóng đêm ập xuống tự lúc nào không hay. Lúc này, mọi người mới cảm thấy cái lạnh cuối đông vừa co ro vì rét, vừa sốt ruột chờ cơm một người. Đó chính là Dụ, chồng Loan, bố của cái Thảo và Trang. Tối nào cũng vậy, mặc cho các con giục ăn cơm bao giờ chị cũng nhắc chúng nó “cố chờ bố về rồi ăn cả thể cho vui”. Và lâu rồi, họ đều phải ăn cơm nguội ngắt vì cái sự chờ đợi đó. Chỉ có Quân là hiểu được tâm trạng của mẹ qua những tiếng thở dài cố kìm nén trong lồng ngực của mẹ nó. Bữa nay, nó nằm kia mặc cho mẹ nó cùng hai em mời gọi thế nào nó cũng chẳng dậy để ăn cùng.

         Cơm nước xong, chờ cho hai đứa con gái đi học bài, Loan đến giường Quân khẽ hỏi:

         - Con mới nhận được thư của cái Dung à?

         Im lặng.

         - Con giận mẹ lắm phải không?

         Im lặng.

         - Con thù ghét bố đẻ của con lắm phải không?

         Cái đống chăn cựa quậy.

         - Mẹ để con yên. Đừng hỏi gì, nói gì nữa.

         Nó rít khẽ qua tấm chăn. Loan thì thầm:

         - Được, con cứ bình tâm suy nghĩ. Mẹ sẽ nói chuyện với con sau. Rồi con sẽ hiểu.

         Bỏ mặc ba anh em trên nhà, Loan xuống bếp lại lụi cụi với cám bã. Chị ngồi tư lự trước bếp lửa. Ánh lửa hồng đêm đông soi rõ khuôn mặt trầm tư của chị, hắt bóng chị lên vách bếp lung linh lung linh. Hình như chị đang khóc. Những giọt nước mắt cứ tự nhiên ứa ra chảy tràn trên đôi gò má đã bắt đầu sạm đi của chị.

         Sốt ruột về lá thư, Quân cũng nhỏm dậy châm đèn để đọc. Nó dán mắt vào từng con chữ. Tim nó đập rộn lên.

         “Đồng Nai ngày.... Quân thương nhớ! Thế là chúng mình xa nhau đã tám tháng mười một ngày rồi Quân nhỉ? Nhanh thật! Mới ngày nào mà đã hơn tám tháng trôi qua. Tám tháng có lẻ ấy, Dung đã chứng kiến bao sự biến động của cuộc đời. Không biến động ư khi mà đang yên đang lành học hành vui bè vui bạn, có chị, có em, có họ hàng thân thích ở nhà mà Dung phải vào tận trong này để học? Hơn hai ngàn cây số chứ ít gì! Vào trong này tất cả đều lạ lẫm. Từ lời ăn giọng nói đến cách sinh hoạt. Từ bạn bè đến người thân... Mới tất, lạ tất. Dung phải làm lại từ đầu. Đến bây giờ thì quen rồi Quân ạ. Còn Quân ở nhà thì sao? Vẫn khoẻ và vui chứ? Tìm được việc gì làm chưa hay vẫn lêu têu ăn bám bố mẹ? Cố lên Quân nhé, đừng bỏ phí thời gian và tuổi trẻ. Lúc Dung đi, phần vì vội, phần vì lý do đặc biệt nên Dung không thể gặp Quân nói lời chia tay được. Chắc Quân giận Dung lắm? Vào trong này những ngày đầu Dung chỉ có khóc thôi. Phần vì nhớ nhà, nhớ mọi người, phần vì nhớ Quân. Muốn viết thư về cho Quân lắm nhưng vì lý do đặc biệt nên Dung cố cầm lòng, lại thôi. Đến bây giờ, Dung đã đủ tỉnh táo để cầm bút viết thư cho Quân. Chúng mình sẽ nói chuyện với nhau như hai người lớn, Quân nhé! Đồng ý chứ chàng trai quê ta?”

         Quân như hoa mắt về những lời rào trước đón sau của Dung. “Lý do đặc biệt”? Sao mà phức tạp thế? “Đặc biệt” cái nỗi gì? Chắc lại chuẩn bị biện minh cho sự trốn chạy đây? “Biến động” với chả “biến động”!

         “Quân thương mến! Đầu thư, Dung đã nói về sự biến động của cuộc đời Dung. Mà không, sự biến động này còn liên quan đến cả Quân nữa đấy. Quân biết không, Dung ra đi vì một điều bí mật, tuyệt đối bí mật của dòng họ Phan Anh nhà Dung và của cả mẹ Quân đấy. Điều bí mật ấy được mẹ Quân đã giữ cho riêng mình suốt mười tám năm trời ròng rã. Mãi cho đến khi Quân bị tai nạn điều bí mật ấy mới được hé lộ cho người thứ hai biết, đó chính là chú Việt, người đã cho máu Quân. Quân ơi, Quân là con đẻ của chú Việt, một thương binh quả cảm, nhân hậu, người mà ngày trước chúng mình chăn trâu thường bày những trò tinh nghịch để được chú ấy quát tháo, kể chuyện cho nghe đấy. Quân có tin không? Thế mà Dung tin đấy. Dung cũng giữ điều bí mật ấy một mình (chẳng ai biết Dung cũng biết được điều đó) để khăn gói vô Nam, để tạm xa Quân...

         Hôm ấy, cái hôm mà Dung biết được điều bí mật đó cũng rất tình cờ. Dung đi hái chè về trước mẹ, gánh chè vào bếp thấy mẻ chè của bố Dung xao dở, mọi thứ vứt ngổn ngang, trên nhà có tiếng thì thầm của bố Dung với ai đó, lại có cả mùi nhang thơm nữa, Dung liền nhẹ nhàng lén lên nép sau cánh cửa áp tai vào vách để nghe. Tiếng chú Việt. Dung dán mắt vào khe cửa thấy hai người thì thầm nhỏ to điều gì đó quan trọng lắm. Trên ban thờ, ba nén nhang đang cháy dở bốc hương nghi ngút. Lạ lắm, thiêng liêng lắm. Người Dung nổi da gà. Có bao giờ họ nói chuyện suông mà lại đốt hương thế này đâu?

         Chú Việt cầm tờ giấy đưa cho bố Dung: “Đây, kết quả xét nghiệm ADN của em đây. Bác xem đi thì rõ. Em phải bí mật nhờ tay bác sỹ làm giúp đấy”. Bố Dung run run đón lấy tờ giấy rồi giương kính lên đọc. Đọc xong ông ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt chú Việt. Gương mặt ông rạng rỡ lắm. Hình như ông ấy nheo mắt cười. Họ ôm lấy nhau rồi cùng quay lại ban thờ chắp tay cùng vái ba vái. Sau đó, bố Dung quay lại hỏi chú Việt: “Máu chú với máu nó cùng nhóm AB. Chú cho nó máu sao chú lại lấy...”. “Bác bảo em lấy vàng chứ gì? Láo toét! Em bịa ra đấy. Bịa ngay cái hôm ở nhà cậu Quang. Lúc đó bà Toe ở đó. Bác lạ gì tính tay Dụ, đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền. Đã vậy hắn lại còn ra vẻ. Thế nên em mới bịa ra điều này để cho hắn thêm oai oách. Chứ có hoạ điên mới đi lấy tiền máu của con mình”. Bố Dung gật gù: “Chú nghĩ thế thì đúng nhưng chưa phải. Lúc làm lại càng không phải. Chú biết dân làng này có bao nhiêu người nghĩ không tốt về chú sau cái chuyện đó không?”. “Em biết, em biết - chú Việt vừa nói vừa xua tay - Nhưng mà em đang vui. Em có con. Thế là nhất,  còn ai nói gì mặc họ”. Sau rồi, hai người bàn chuyện tách hai đứa mình ra khỏi nhau. Chính chú Việt nói với bố Dung:”Em thấy hai đứa nó tình ý với nhau bác ạ”. Bố Dung giật nảy người lên: “Thế thì chết! Phải làm cách nào chứ? Phải nói cho chúng nó biết chứ?”. Chú Việt giãy nảy lên xua tay: “Không được! Không được nói với chúng nó. Nói ra bây giờ thì hỏng hết. Cô Loan cô ấy chôn chặt điều này ngần ấy năm nay bỗng lộ ra thì hỏi rằng liệu cô ấy có sống được với họ nhà người ta không, với cái tay Dụ không? Chính cô ấy dặn em tuyệt đối giữ điều bí mật ấy không được cho ai biết ngoài em mà!”. Bố Dung bặm môi, bo đầu suy nghĩ một lát. Cuối cùng chính ông ấy nghĩ ra phương án cho Dung vào Nam học tiếp lớp 12. Họ nhất trí chọn phương án đó và cùng dặn nhau tuyệt đối giữ bí mật không cho Dung và mẹ Dung biết nữa. Chính vì thế mà khi bố Dung gợi ý Dung vào Nam học, Dung đồng ý liền. Cho nên, Dung ra đi lặng lẽ như thế chứ. Thực lòng, khi đó, Dung rất mến và... Quân hiểu chứ? Dung phải đi vì lẽ đó. Bây giờ thì... ngon rồi, chúng mình là chị em, là máu đỏ ruột đào của dòng họ Phan Anh. Dung cho Quân biết điều bí mật này để chúng mình cùng điều chỉnh mối quan hệ và quan trọng hơn là phải cùng hướng tới tương lai, sớm lập nghiệp cho xứng đáng với tổ tiên dòng họ. Hãy như Dung, tạm thời giữ điều bí mật đó lại để bình yên cho bao người khác, Quân nhé! Đừng cho ai biết, cả cái Hà nữa cũng thế. Chính vì vậy mà chị phải gửi thư theo kiểu này. Tết về, chị em mình sẽ tâm sự với nhau nhiều hơn! Chúc em khoẻ và luôn sống tốt với mọi người, đặc biệt là bố đẻ của em. Hãy chăm sóc nốt đoạn đời còn lại của bố Việt. Bố em bị thiệt thòi nhiều lắm đó! Hãy yêu thương lấy bố Việt của em, cả mẹ Loan của em nữa. Hãy kính trọng bố Dụ, người đã có công nuôi nấng em nên người”.

         Đọc đến đó, mắt Quân nhoà đi. Nó khóc thực sự. Cầm chặt lá thư trong tay nó rúc đầu vào chăn tấm tức. Ngoài kia, cơn gió mùa đông bắc tràn về kéo theo cái lạnh lê thê tê tái. Nó chợt nghĩ đến người đã bị nó vụt côn vào đầu chiều nay. Trời ơi! Sao lại có thể như thế được? Sao lại thế này?

         “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tiếng cái Trang học bài vang lên xen lẫn tiếng nhạc bài “Tình Cha” từ chiếc đài cắt séc của nhà hàng xóm vọng tới làm cho đầu óc Quân càng mụ đi. Nó bồng bềnh trôi trong ảo giác.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (64 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối