Trang trong tổng số 44 trang (432 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [36] [37] [38] [39] [40] [41] [42] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Ẩn

Nhưng đừng lấy cái tết của người giàu cộng với cái tết của người nghèo rồi chia trung bình để tự trấn an lòng rằng dân ta đã khá lên nhiều lắm. Khi ấy, mảnh đá trong tim bắt đầu lớn lên rồi đấy!
Đại gia ăn một con gà, thằng bé nhặt rác chẳng được miếng nào, vậy mà lãnh đạo cứ bảo là mỗi người ăn nửa con gà, rồi bảo đất nước đã "khá lên nhiều lắm".

Thân xác này là vô thường. Khi chết đi chẳng mang được gì theo, chỉ có 2 thứ gửi trong ngân hàng luân hồi đó là "nghiệp" và "phước"
Tham, sân, si
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Góp tay chia sẻ mùa xuân



TT - Trong không khí tất bật cuối năm, có những người vẫn dành thời gian quý giá để lo cho niềm vui của những người khác.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=479052
Các thành viên trong Câu lạc bộ IVC tặng quà cho bệnh nhân ở trại phong Eana, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh do IVC cung cấp



Một người bạn ở Đắk Lắk kể về trại phong Eana, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) và cuộc sống quá nhiều khó khăn của những gia đình có bệnh phong. Những câu chuyện ấy thúc giục những thành viên của Câu lạc bộ Tình nguyện viên quốc tế (IVC) tiếp cận và tìm hiểu về nơi này.

Trại phong cách TP Buôn Ma Thuột 30km, cả trăm mái nhà sống co cụm bên nhau trong quá nhiều khó khăn, căn bệnh và sự cô độc bao phủ cả núi rừng. Và chiến dịch “Trẻ em vui xuân, người già ấm tết” của Câu lạc bộ IVC bắt đầu được triển khai.

Những ngày cuối tuần, bạn trẻ của câu lạc bộ này rong ruổi trong những khu nhà chung cư, những con đường ở Q.1, TP.HCM, gửi tận tay từng người dân TP tờ rơi xin sự hỗ trợ cho một mùa xuân trên trại phong.

“Chúng mình hỏi các maxơ và người bệnh xem họ cần gì, ghi lại danh sách rồi trực tiếp đi thu gom nhu yếu phẩm mà mọi người dành cho” - Ngô Hoàng Vũ, 22 tuổi, thành viên IVC, mô tả công việc các bạn làm. Song song với đội “đường dây nóng” sẵn sàng đến tận nơi thu gom quần áo và quà tặng, các bạn trẻ cũng tự làm ra các sản phẩm nhỏ như móc khóa, quà tặng, trực tiếp đem rao bán và gom tiền phụ chương trình. Hai tháng trời, những mùa xuân được tích cóp trong nắng Sài Gòn để hứa hẹn đem đến mùa xuân trên trại phong ở lưng chừng cao nguyên.

Tối 14-1, chuyến hàng đầy niềm vui và cả mồ hôi của Câu lạc bộ IVC từ TP.HCM đã đến Eana xa xôi. 150 phần quà đã được trao cho các hộ dân ở đây. Các em nhỏ được tặng thêm 400 quyển tập. Khi những maxơ săn sóc bệnh nhân mỉm cười hạnh phúc, các thành viên cảm thấy họ đã được góp sức vào những nhọc nhằn và sự hi sinh thầm lặng của những y bác sĩ nơi này, cùng chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh khi xuân về.

Ngày 29-1 (26 tháng chạp), nhóm tình nguyện SV07 đến hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh tặng quà xuân cho trẻ em ở đây. Châu Thành Toàn cho biết: “Tụi mình chuẩn bị, cố lo sao cho mỗi phần quà đem đến niềm vui cho các em...”. Ngày cuối năm, các thành viên đến nhà Toàn và bắt đầu phân loại, sắp xếp hàng trăm túi quần áo thành những phần quà tươm tất.

Chiều 27-1, cả nhóm vẫn còn cặm cụi phân loại quần áo. Quang Dũng và Hiếu Thảo, hai bạn trẻ ở tận Tây Ninh, đã hoãn lại ngày về quê để cùng nhóm sắp xếp những túi quà cuối cùng trước khi lên đường. Quang Dũng cho biết: “Mình nghỉ tết ở cơ quan rồi. Qua đây phụ mọi người làm xong để quà tết về Dầu Tiếng sớm”.

Hai ngày trước đó, anh vừa tổ chức xong buổi tặng quà tết cho bệnh nhân ung thư trong Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (Q.5, TP.HCM). Nhóm đã đến tặng 50 phần quà cho bệnh nhân ung thư xương vào chiều 25-1. Phần quà được những bạn trẻ trong nhóm chuẩn bị gồm lạp xưởng, bánh kẹo và một bao lì xì trị giá 100.000 đồng.

Các bạn trẻ tình nguyện viên của nhóm đã hát cho bệnh nhân nghe, trò chuyện cùng các em bị bệnh. “Góp một chút gì để đem lại mùa xuân cho những mảnh đời cơ nhỡ, dù có vất vả hơn trong những ngày cuối năm chúng tôi thấy rất hạnh phúc” - họ thổ lộ.

LAN PHƯƠNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

http://lh3.ggpht.com/_cgYuuV-hfgg/TURKkNsGb2I/AAAAAAAAHUQ/L2mC6cIfP80/s800/ChuTam.jpg

心 情 結 愛 親
心 事 論 虛 塵
心 得 交 知 己
心 同 勇 智 仁


Tâm tình kết ái thân
Tâm sự luận hư trần
Tâm đắc giao tri kỉ
Tâm đồng dũng, trí, nhân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Kiểng giả "đến hẹn lại lên"



TTO - Thời gian gần tết, trên đường phố tại TP.HCM xuất hiện nhiều người đi bán kiểng giả lừa gạt người tiêu dùng. Các loại cây kiểng như sơ ri, sung, kim phát tài, bông giấy… được làm giả hết sức tinh vi và rao bán với giá từ 300.000-700.000 đồng.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=479499
Sơ ri được gắn trái vào cuốn lá rồi cho keo dán sắt vào - Ảnh: N.Nam



Những người bán kiểng giả không đứng bán tại một điểm cố định trên đường mà thường thay địa điểm sau mỗi lần bán được hàng để tránh bị phát hiện.

Tại các khu vực buôn bán kiểng trên đường Trung Sơn (Q.Gò Vấp), bên cạnh những người làm ăn chân chính còn có một số tay làm kiểng giả lừa người tiêu dùng. Thung (quê Hưng Yên) vừa dùng keo dán sắt dán trái sung vào thân cây sung vừa nói: “Loại sung kiểng có trái thời nay tìm khó lắm, mà có thì bán với giá rất đắt chứ không phải vài trăm nghìn”.

Cách làm giả sung kiểng của Thung là dùng mũi dao khoan lỗ trên thân cây sung rồi gắn từng chùm quả sung vào, tạo thành cây sung sai quả. Loại sung này sau một hai ngày thì trái từ xanh chuyển sang vàng và héo queo. Nắm được tâm lý người dân thích mua cây sung kiểng về nhà để cầu mong sự sung túc trong năm mới nên nhiều tay làm kiểng giả đã chế tác ra những dáng cây sung kiểng có thế thần và sum xuê trái để bán.

Ngoài sung ra thì sơ ri, bông giấy, kim phát tài cũng được làm giả hết sức khéo léo. Cách làm giả cây sơ ri kiểng là lấy nhánh sơ ri cho vào chậu, cắt lá chỉ chừa lại cuốn lá rồi dùng keo dán sắt dán trái vào cuốn lá. Vì nhánh và trái sơ ri có màu tươi giữ được lâu nên cách làm này được nhiều tay bán dạo hay làm. Cây kim phát tài thường ít ra hoa cũng được gắn hoa đỏ vào bán với giá cao. Còn cây bông giấy ghép vừa có nhành hoa màu vàng vừa có nhành hoa màu đỏ thì cũng được ghép bằng… keo dán.

Theo những người có kinh nghiệm chơi kiểng, các loại kim phát tài có hoa, sung có trái kiểu đẹp, sơ ri chậu nhỏ sum xuê trái hiện nay hầu như không có ở các vựa bán kiểng, nếu có cũng có giá hàng triệu đồng chứ không thể bán với giá vài trăm nghìn đồng được. Nắm được tâm lý ham kiểng đẹp giá rẻ của người dân trong những ngày gần tết nên một số tay làm kiểng giả đã chế tác đem xuống đường lừa người mua.

NGUYỄN NAM
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chuyến tình nguyện ngày 29 tết



TTO - Cùng với nhiều hoạt động trong cả nước rộn ràng chào đón năm mới. Có một nhóm tình nguyện họ chưa hề quen biết, chỉ hoạt động trên diễn đàn, mạng xã hội để rồi không ngại vượt khó tìm đến những nơi xa xôi để cùng nhau san sẻ hương vị tết đến các cụ già neo đơn, với những món quà tự đóng góp từ chai nước mắm, gạo, mì, bánh mứt… để mong một cái tết ấm đến người nghèo.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=479888
Tiết trời rét đậm, cụ Cao Thị Tiên đón đoàn bên bếp lửa hồng - Ảnh: Vĩnh An



Trong cái tiết trời mưa dầm dề khắc nghiệt cuối tháng chạp miền trung, cùng những đoạn đường lầy lội rách nát, lạnh buốt xương, buốt thịt được thể hiện rất rõ trên những gương mặt trẻ, nhưng họ không ngại khó, ngại khổ từng nhóm vượt qua những đoạn đường hẻo lánh để tìm đến những nụ cười hạnh phúc trên những khuôn mặt khắc khổ của những cụ già neo đơn.

Khi gặp chúng tôi những nụ cười rất thân thiện ấy, khiến anh em cảm thấy thật ấm lòng khi về quê hương trong những ngày giáp tết, bạn Huỳnh Đào Hoàng Nam du học sinh tại Nhật Bản tâm sự.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=479889
Khi trời rét đậm, các cụ không thể rời khỏi giường khi tiếp đoàn - Ảnh: Vĩnh An



Nghèo, neo đơn, trong cơn bạo bệnh, nỗi đau đớn luôn cắn xé thịt da và tinh thần, nhưng các cụ vẫn khát khao sự sống hạnh phúc vợ chồng và mong ngày lành bệnh. Như để minh chứng thế nào là tình yêu vĩnh cửu đoàn từ thiện đến khối phố Phú Sơn, Phường An Phú, Thành phố Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam và dễ dàng bắt gặp nhiều mảnh đời không mấy may mắn, không con cái, nhưng những con người gần đất xa trời ấy vẫn cố và cố giữ chặt tình yêu, hạnh phúc của mình.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=479890
Trời mưa, đường trơn trượt vẫn không khiến các bạn trẻ mệt mỏi - Ảnh: Vĩnh An



Có những cụ bà phải chăm chút đút từng muỗng cơm cho chồng nằm liệt suốt 5 năm, sống hạnh phúc với niềm hi vọng "mong ước của tôi là ổng sống khỏe mạnh, đừng bỏ tôi một mình mà đi trước", cụ bà Nguyễn Thị Hồng, 85 tuổi cho biết.

Cụ bà Cao Thị Tiên, 90 tuổi nhận quà với niềm vui sướng kể rằng, cả đời cụ không rời cái cuốc, chỉ nhờ vào cái sức lao động của mình, từ khi bị tai biến đến nay không làm được gì cả, chỉ biết chờ đến cái ngày chết mà chưa biết bao giờ, cuộc sống khổ quá…

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=479891
Cụ bà Nguyễn Thị Hồng đút cơm cho chồng bị bại liệt - Ảnh: Vĩnh An



Mỗi buổi cơm ăn chỉ có mắm muối và những món rau trong vườn, có chi ăn nấy, chỉ biết thế thôi huống hồ gì bánh mứt, thế mà khi nhận được quà tết cụ khoe là sẽ để dành ăn dần dần…

Kết thúc chuyến đi, bạn Phan Trâm - sinh viên Kỹ thuật Mật mã Hà Nội, then chốt những món quà chỉ là một chút hương vị ngày tết nhưng chứa đựng được tất cả cái tâm cái tình của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải giữ lấy hãy mang đến những gì tốt đẹp nhất cho đời.

VĨNH AN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

              NHỮNG VẾT ĐINH

Một cậu bé tính tình rất nóng nảy và cộc cằn. Một hôm, cha cậu đưa cho cậu một túi đinh và dặn rằng mỗi khi cậu nổi nóng hay nặng lời với ai, hãy đóng một cái đinh vào hàng rào gỗ phía sau vườn và suy nghĩ về việc mình đã làm.
Sau ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng mười hai chiếc đinh vào hàng rào. Những ngày sau, khi cố gắng kiềm chế cơn giận của mình thì số đinh cậu đóng lên tường rào ngày một giảm. Và cậu nhận ra rằng việc giữ bình tĩnh có lúc dễ hơn là việc đóng những chiếc đinh.

Cho đến một ngày, khi không cần phải dùng đến chiếc đinh nào thì cậu bé tin là mình đã thay đổi và không còn nóng nảy như trước nữa. Cậu kể với cha về điều này và người cha đưa ra một đề nghị: mỗi ngày cậu giữ được bình tĩnh, hãy nhổ một chiếc đinh đã đóng trên hàng rào.

Nhiều ngày trôi qua, cuối cùng, cậu bé vui mừng thông báo với cha rằng tất cả những chiếc đinh đều đã được nhổ. Người cha dẫn cậu đến hàng rào và nói:

- Con đã làm rất tốt, con trai ạ! Nhưng con hãy nhìn vào những cái lỗ trên hàng rào – hàng rào sẽ chẳng bao giờ còn nguyên vẹn như xưa nữa. Những điều con thốt ra trong lúc giận dữ sẽ để lại trong lòng người khác những vết thương – giống như những vết đinh này. Cho dù con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần thì vết thương vẫn còn đó. Vết thương tâm hồn rất khó hàn gắn và chỉ có thể lành được khi có tình thương yêu chân thành và thực sự.

ST  
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Món quà ô mai và trái tim người thầy



SGTT.VN - “Ngày 20.11. Học sinh nào cũng hớn hở tung tăng cầm trong tay những bó hoa tươi thắm dâng tặng thầy cô. Chợt ánh mắt tôi bắt gặp một hình ảnh quen, rất quen… Rụt rè, ở sát gốc me tây già, một em nhỏ cầm gói ô mai vụng về gói trong tờ giấy báo và tặng tôi. Hình ảnh ngày xưa chợt hiện về…”


Tuy tuổi đã cao, cô Thuỷ vẫn cần mẫn đến trường để được gần gũi học sinh.



Đó là những dòng tâm sự của cô giáo La Thu Minh, hiện đang dạy trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Tân Phú, TP.HCM để mở đầu câu chuyện Món quà ô mai trong tuyển tập Nét bút tri ân. Cũng như cô học trò ấy, gói ô mai nhỏ gói trong tờ giấy báo là món quà mà cô Minh đã tặng để cảm ơn tất cả những tình cảm cô Thuỷ dành cho mình. Và Tiếp sức người thầy đã tìm đến để kể tiếp câu chuyện trên.

Câu chuyện 18 năm trước
Cách đây 18 năm, cô Minh là học sinh lớp 10 trường THPT Marie Curie. Cô được học môn sinh do cô Lê Thị Thu Thuỷ, một giáo viên nổi tiếng nghiêm khắc nhất trường phụ trách. Cô Thuỷ ít nói, ít cười, lại thêm nghiêm nghị nên được học sinh trong trường đặt cho biệt danh “thiên thần áo trắng” hay “sát thủ áo trắng”. Thế nhưng không hiểu sao, khi gia đình Minh gặp biến cố lớn, Minh lại tìm đến cô Thuỷ. Ba mất, mẹ một mình bươn chải cực nhọc, Minh nghĩ đến việc bỏ học để đỡ đần mẹ. Minh cũng kể cho cô Thuỷ nghe tất cả những trăn trở, suy nghĩ, ước mơ làm bác sĩ và đã khóc trong vòng tay cô.

“Và cô Thuỷ vuốt tóc tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt hiền dịu. Lúc đó, trước mặt tôi không còn hình ảnh của một giáo viên nghiêm khắc đến dễ sợ, mà là lồng lộng hình ảnh một người mẹ đầy bao dung” – cô Minh chia sẻ. Và từ đó, cô Thuỷ không chỉ động viên, an ủi mà còn dành nhiều thời gian để chỉ dạy lại những kiến thức cô Minh bị hổng. Và bằng tình thương, cô Thuỷ đã dìu cô Minh đi hết con đường học vấn.

Tấm lòng một người cô
Nhưng có một câu hỏi mà trong suốt những năm đi học Minh chưa tìm được câu trả lời: “Đó là vì sao học bổng của mình luôn nhỉnh hơn bạn bè một chút? Cho đến một buổi gặp mặt lớp cũ, mình hỏi thầy phụ trách đội, thầy mới mỉm cười trả lời: “Là của cô Thuỷ đó, cô đã bớt phần lương giáo viên ít ỏi của mình để em được đến trường”. Giây phút đó cô Minh nghẹn ngào, xúc động vì sự lặng thầm hy sinh của cô. Càng cảm động hơn khi biết không riêng gì mình, mà trong suốt ba mươi năm cô Thuỷ đứng lớp, không ít học sinh nghèo đã từ sự dành dụm của cô mà tiếp tục đến trường, bước dài trên con đường mơ ước.

Đã 18 năm trôi qua kể từ ngày đặc biệt đó, ngôi trường cũ đã khang trang hơn, cô Thuỷ tóc cũng đã bạc, dáng cũng gầy hơn, nhưng có một điều chưa thay đổi, đó là cô vẫn còn gắn bó với ngôi trường Marie Curie. Hiện nay, cô Thuỷ đã ngoài 60 tuổi, cái tuổi mà nhiều người đã mỏi mệt với công việc, chọn cuộc sống nhàn nhã với con cháu hay cây cỏ lá hoa. Còn cô, chuyển từ công việc giảng dạy qua trông coi phòng thí nghiệm sinh của trường. Ngày ngày, cô vẫn đều đặn đến trường, vẫn bận rộn với công việc, nhưng là những công việc lặng thầm không tên. Từ sắp xếp, bảo quản dụng cụ thí nghiệm cho đến việc chuẩn bị vật liệu để thí nghiệm, cô đều không ngại nặng nhọc. Từ căn phòng nhỏ nằm trong phòng thí nghiệm, cô luôn mong đến mỗi tiết thực hành để không gian bớt yên ắng, để nghe được tiếng cười, tiếng tranh luận của các em. Và cô Thuỷ cho biết: “Tôi sẽ còn gắn bó với các em, với ngôi trường này đến khi nào tôi có thể”.

bài: Thanh Hà
ảnh: Thanh Toàn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

@ Thanh Hà, Vodanhthi:

Vẫn biết là không, không thể được
Vẫn mong ai cũng học được cô
Đời này sẽ đẹp lên biết mấy
Phật là đây. Đâu phải tận mô.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

                  MIỆNG TIẾNG THỊ PHI

Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện với vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:
- Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn trả lời
-  Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tả như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần cũng đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích. Cho nên ngu thần trộm nghĩ. Đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.

(Sưu Tầm )
 
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thầm lặng chiến đấu với “đinh tặc”



TT - Giữa cái nắng như thiêu như đốt, người đàn ông có nước da ngăm đen vẫn lom khom lượm đinh hình thoi trên quốc lộ 13. Nhiều hôm anh đã có mặt trên cung đường này từ 5g sáng, chạy xe chầm chậm dùng nam châm để thu lượm đinh.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=482694
Anh Hùng lặng lẽ đi rà đinh giữa trưa nắng gắt - Ảnh: ANH THOA



Anh là Nguyễn Văn Dư, người chạy xe ôm trước cổng Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (Bến Cát, Bình Dương). Người dân quanh đây đã quen thuộc với hình ảnh ấy và thường gọi anh bằng cái tên “ông xe ôm lượm đinh”. Gặp chúng tôi, anh mừng rỡ khoe: “Mấy đứa rải đinh đã bị tóm cổ, đường sá giờ đã bớt đinh”. Thò đôi bàn tay chai sạn vào bao nilông, anh Dư vốc lên một nắm đinh nói: “Mấy năm nay thấy mình lượm đinh nó cũng ghét. Nhưng mình làm nghề lương thiện, ăn ở hiền lành nên không sợ”.

Không chỉ anh Dư, trên những cung đường “đinh tặc” hoành hành chúng tôi còn gặp được anh Nguyễn Quốc Hùng rồi anh Nguyễn Mạnh Hùng là những người dân thầm lặng vào cuộc dẹp nạn “đinh tặc”.

5 năm lượm đinh
Hành nghề xe ôm đã hơn 20 năm, chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm, về nhà lại thấy vợ té vì cán phải đinh, anh Dư thấy tức tối. Có hôm anh chạy xe hai cuốc được 10.000 đồng nhưng thay ruột đến ba lần mất 160.000 đồng. “Đã thế, không ít lần bà xã vào ca vướng phải đinh nên trễ giờ làm. Công nhân các khu công nghiệp qua đây cũng chung nỗi kinh hoàng. Không ít người phải cam chịu” - anh Dư kể.

“Không lẽ cứ phải chịu trận mãi”, anh Dư suy nghĩ. Năm 2005, anh bắt đầu công việc nhặt đinh. Hằng ngày, anh qua lại trục đường này đến 4-5 lần nhưng lượm không xuể. Khoảng tháng 10-2006, anh xin một cục nam châm, buộc thêm sợi dây vải để khi không có khách thì tranh thủ đi rà đinh. Có hôm đinh nhiều anh buộc hẳn dưới chân để hút. Thấy một rồi hai cục nam châm hút không ăn thua, anh lại tìm mua thêm cục nam châm nữa. Gắng là vậy nhưng đinh vẫn loạn trên đường.

Sáng mồng 1 tết vừa rồi, anh nói với vợ: “Ngoài đường đinh nhiều quá, tui đi ra hút vài vòng chứ nhìn người dân trúng đinh té nhào xuống đường thấy mà thương”. Anh dậy từ 5g sáng, chạy xe rà rà trên quốc lộ 13 từ rạng sáng đến khi trời sẩm tối. Anh bảo: “Chưa bao giờ đinh xuất hiện kinh khủng như tết năm nay. Phần vì bọn chúng biết ngày tết người ta đi chơi lễ nhiều, còn chính quyền nghỉ nên lộng hành”.

Từ ngày “đinh tặc” lộng hành, anh Dư và đội xe ôm đã nhiều lần thấy bóng dáng của “đinh tặc”. Chiêu bài của chúng là chạy xe với tốc độ nhanh rồi thả đinh xuống đường. Có hôm mấy anh em xe ôm phát hiện Phạm Văn Cảnh (đối tượng đã bị bắt quả tang rải đinh) nên chặn lại để nhắc nhở nhưng Cảnh lách xe qua chạy thoát. Cảnh thay đổi xe thường xuyên, lúc thì đi xe Dream, lúc đi xe Wave đỏ... không biết đường nào mà lần. Bọn chúng cũng canh tránh xe ôm để rải đinh với những chiêu thức “rải đinh bằng chân”, “rải đinh bằng hộp thuốc lá”, “rải đinh thay phiên”...

Mấy năm trước, lượm được cả 4-5 bao nilông đinh anh mang nhờ bà Tám Bạn, Hội Chữ thập đỏ, gửi cho cán bộ xã Thới Hòa. Rồi mấy tháng sau anh tiếp tục gom đinh đến xã nộp đều đặn, chỉ mong chính quyền vào cuộc. “Nhưng tui nộp mãi vẫn không có động tĩnh gì, nạn rải đinh vẫn hoành hành, không ai bắt được bọn chúng nên đâm ra nản và nghĩ: thôi thì cứ lượm, mình giúp gì được thì giúp. Đâu chỉ mình tui đi lượm đinh mà nhiều người dân ở đây họ thấy cũng lượm. Ở đội xe ôm Mỹ Phước có anh Hùng, anh Nhân, anh Tài, anh Tuấn... cũng hay lượm. Mình là dân địa phương, biết đoạn đường này còn tránh, đi chầm chậm, chứ nhiều người không biết cán phải đinh là loạng choạng tay lái, xe sau đâm xe trước gây tai nạn thương tâm. Đây này, “đinh tặc” không chỉ có đinh hình thoi mà còn cả đinh vít, đinh cúc...” - anh nói.

Thợ sửa đồng hồ... lượm đinh
Với anh thợ sửa đồng hồ Nguyễn Mạnh Hùng (ấp 5, xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, Bình Dương), bỏ công, bỏ thời gian để lượm đinh xuất phát từ sự bức xúc trước cái xấu lộng hành. Ba năm trước khi nạn rải đinh bắt đầu rộ lên tại khu vực cũng là lúc anh “không thể chịu nổi” và xắn tay vào lượm đinh mỗi ngày.

Anh kể: “Tôi có thói quen đọc báo vào mỗi buổi sáng nên mỗi khi đi mua báo là tôi lại tranh thủ lượm đinh trong vòng bán kính 200m”. Tiệm sửa đồng hồ của anh là chỗ “đinh tặc” thường lui tới rải đinh ngay trước cửa. Anh nói ở đây không ngày nào không gặp cảnh người dân bị cán đinh dắt bộ cực nhọc. Họ phải dắt bộ đã đành, khi bị cán đinh nhiều người còn bị té xuống đường giập đầu chảy máu, vào tiệm lại bị “chặt chém” không tha.

Anh kể: “Khoảng mười ngày trước, giữa trưa nắng tôi chứng kiến một cặp vợ chồng chở hai đứa con thơ cùng đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh bị cán đinh té nhào ra đường ở ngay ngã tư Thới Hòa. Sau cú té như trời giáng, tui cứ tưởng có mệnh hệ gì, thật may chỉ chiếc xe bị trầy xước đôi chút còn người không hề hấn gì”. Lần khác có hai phụ nữ đi xe máy từ khu Mỹ Phước 3 đến ngã tư Thới Hòa, khi đang lưu thông với tốc độ cao bất ngờ bị cán đinh khiến hai phụ nữ loạng choạng tay lái té nhào vào dải phân cách. Cú té khiến hai phụ nữ trầy xước khắp mình mẩy, mặt mũi đầy máu.

Không thể nhắm mắt làm ngơ
“Để người đi đường không bị các đối tượng rải đinh “chặt chém”, tôi thường giới thiệu họ tìm tới một số tiệm thân quen làm ăn đoàng hoàng. Tiệm Thuận Phát vừa bị phát giác là một trong nhiều tiệm từ lâu tôi nghi ngờ mà không sao bắt quả tang được. Thấy đối tượng bị bắt, mấy ngày này trên đường không có bóng dáng “đinh tặc” mà lòng nhẹ nhõm hẳn” - anh Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ. Thế nhưng anh Hùng vẫn trăn trở: “Bọn này mà phạt nhẹ là đâu lại vào đó. Chỉ sợ tạm im được vài tháng”.

Anh nói không phải chỉ người qua đường mới bị cán đinh mà chính anh là người hiểu rõ địa bàn, biết chỗ nào có đinh mà vẫn bị cán đinh như thường. Đó là khi chiếc xe anh vừa mua được hai ngày, mang ra chạy ai dè cán một lúc hai miếng đinh khiến vỏ xe rách toác, còn ruột xe rách tươm. Nhiều người thấy anh lượm đinh họ cùng chung tay làm. Dịp tết vừa rồi sáng nào cũng có 7-8 người, kể cả trẻ em cùng nhau ra lượm đinh. “Ước gì ai cũng lượm đinh thì tốt quá” - anh tâm sự.

ANH THOA - HOÀNG LỘC


Vẫn có rất nhiều “Lục Vân Tiên”

Trong những ngày đi thực tế trên những cung đường đen, chúng tôi gặp nhiều người dân khác cùng âm thầm chung hành động dẹp “đinh tặc”. Tại cung đường đen thuộc xã Thới Hòa (Bến Cát, Bình Dương) còn có ông Nguyễn Văn Na, một người bán phở, cũng dành thời gian lăn nam châm trên đường gom đinh. Bác xe ôm Nguyễn Nghị (60 tuổi), chuyên chạy xe ở khu vực phường Tam Bình (Thủ Đức, TP.HCM), cũng nghĩ cách vừa chạy xe ôm vừa hút đinh. Ông Nghị lắp một tấm chắn đinh phía dưới xe, đồng thời buộc vào đó hai cục nam châm để hút đinh trên đường. Anh Nguyễn Quốc Hùng, chạy xe ôm trước cổng Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, mỗi ngày cũng lượm cả chén đinh.

“Đinh tặc” hoành hành trên đại lộ Nguyễn Văn Linh

“Trưa 18-2, tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Bùi Bằng Đoàn (phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM) có nhiều xe bị dính đinh. Khi tấp vào một tiệm sửa xe ngay tại ngã tư này thì bị hét giá trên trời: 20.000 đồng/lỗ vá” - một bạn đọc phản ảnh sáng 20-2.

Một người làm nghề xe ôm tại ngã tư này cho biết: “Thời gian gần đây “đinh tặc” xuất hiện tại ngã tư này rất nhiều. Chừng hai ngày “đinh tặc” lại xuất hiện một lần. Khi người đi đường bị dính đinh, ngay lập tức một người đàn ông xuất hiện và đưa xe lên lề đường để vá hoặc thay ruột xe”. Cách ngã tư này chừng 1km, ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) cũng xuất hiện “đinh tặc”. Một người lao công quét đường cho biết: “Trong lúc dọn vệ sinh trên đoạn đường này tôi đã phát hiện hơn mười mảnh thép hình thoi được bẻ cong một đầu. Chắc vừa rải nên chưa thấy xe nào bị xẹp bánh”.

Chiều cùng ngày, Công an phường Tân Phong, quận 7 xác nhận có người phản ảnh nạn “đinh tặc” xuất hiện trên địa bàn và đơn vị đã cho người tuần tra trên những tuyến đường này nhưng chưa ghi nhận được trường hợp nào bị dính đinh và chưa phát hiện được đối tượng rải đinh.

Trong khi đó tại chân cầu Phú Mỹ (hướng từ quận 2 về quận 7), nạn “đinh tặc” cũng đã xuất hiện khiến nhiều người bị dính đinh.

MẬU TRƯỜNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 44 trang (432 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [36] [37] [38] [39] [40] [41] [42] ... ›Trang sau »Trang cuối