Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mục lục

(tiếp theo từ trang 14)



138. Năm dự án nhiệt điện chậm trễ và các nhà thầu Trung Quốc  (Mạnh Quân)

139. Lâm Đồng: Đổi 50.000ha đất rừng cho 57 dự án thủy điện  (Quang Sáng)

140. 12 con voọc chà vá bị lột da, phơi khô để bán

141. Cấp bách cứu cây thủy tùng  (Thái Bá Dũng)

142. Sách đỏ hiếm hơn...“chim trong sách đỏ”!  (Chu Lương)

143. Thả vích về với biển  (An Khánh)

144. Chim chết vì pháo hoa!

145. Cốc thủy tinh độc  (Lan Anh)

146. Cào bay hủy diệt vịnh Vân Phong  (Lệ Giang)        . . . . . . . . . trang 19

147. Cô gái “lãnh đạo toàn cầu”  (Trần Như Quỳnh)

148. Đập thủy điện Xayaburi trên sông MeKong tác động đến 14 triệu người Việt Nam   (Trung Cường)

149. Kêu cứu cho rùa biển Việt Nam  (TS Peter Todd)

150. Điều kỳ diệu của cây trầu bà  (Trung Uyên)

151. Nỗi lo thực phẩm chứa hormone tăng trưởng  (Thảo Vân)

152. Nước mắt của khỉ...  (Đỗ Doãn Hoàng)

153. Tết ông Công ông Táo: thả cá, xả rác bừa bãi  (Nguyễn Hà)

154. Đà Nẵng: 1.000 bạn trẻ hưởng ứng "Tết xanh"

155. Thác Cam Ly bốc mùi hôi  (Nguyễn Hàng Tình)


Mời xem tiếp ở trang 20

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Năm dự án nhiệt điện chậm trễ và các nhà thầu Trung Quốc



SGTT.VN - Trong khi việc cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng khó khăn, các dự án nguồn điện do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu lại triển khai rất chậm.

Sự chậm trễ rất đáng lo ngại ở các công trình này đang đặt ra vấn đề: có tiếp tục để cho các nhà thầu đó tham gia vào các gói thầu tiếp theo. Bởi nếu tình trạng này lặp lại sẽ gây khó khăn lớn không chỉ là cho các chủ đầu tư của Việt Nam như tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV)… mà có hậu quả không nhỏ về kinh tế – xã hội.


http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=122309
Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1, một trong năm dự án nhiệt điện chậm trễ. Ảnh: TTO




Với năm dự án nhiệt điện chạy than do các nhà thầu Trung Quốc hiện nay, là các công trình có quy mô khá lớn, trên 4.400MW, chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng công suất nguồn điện hiện có (khoảng 18.000MW). Có thể kể tên rõ năm dự án này gồm: dự án nhiệt điện Hải Phòng (bao gồm nhiệt điện Hải Phòng 1 và nhiệt điện Hải Phòng 2 có tổng công suất 1.200MW), dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (1 và 2, tổng công suất 1.200MW), nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả (Quảng Ninh) có tổng công suất 600MW, nhà máy nhiệt điện Sơn Động (2 x 110MW), dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (2 x 622MW). Với công suất lắp đặt lớn như vậy, sự chậm trễ của bất cứ một công trình nào cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình cung ứng điện của cả nước.

Nhưng vấn đề tệ hại ở chỗ, cả năm công trình có số vốn đầu tư lên tới trên 56.000 tỉ đồng này đều chậm cho nên, mức độ ảnh hưởng của nó đến khả năng cung ứng điện cho nền kinh tế không thể nói là nhỏ. Trong số các nhà máy này, có hai nhà máy chậm tiến độ đến hai năm như nhiệt điện Hải Phòng 1 và nhà máy nhiệt điện Sơn Động. Một nhà máy có quy mô như thuỷ điện Hoà Bình (1.200MW), đôi khi chỉ trục trặc một vài tổ máy, ảnh hưởng của nó đến cung cấp điện cho miền Bắc là rất đáng kể. Nhưng có quy mô như nhiệt điện Hải Phòng 1 (tổ hợp Dongfang Electric company – DEC và Marubeni Corporation trúng thầu), với hai tổ máy, công suất lên tới 600MW mà bị chậm hai năm, hậu quả của sự chậm trễ ấy là khá lớn.

Nhưng điều đáng lưu ý nữa là các dự án có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc đều có vấn đề. Theo nguồn tin riêng của Sài Gòn Tiếp Thị, tất cả năm công trình trên đến nay đều không vận hành được ở chế độ tự động. Các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng thường gặp trục trặc ở ống sinh hơi, quá nhiệt, quạt khói, gió, máy nghiền, hệ thống cung cấp, chế biến than. Nhà máy Cẩm Phả thường “có chuyện” ở thiết bị phụ hoặc hệ thống thải tro xỉ hay gặp sự cố. Dự án nhà máy nhiệt điện Sơn Động không điều chỉnh được nhiệt độ khói thoát và nhiệt độ hơi quá nhiệt…

Nhưng nguyên nhân nào khiến các nhà thầu rõ ràng có dấu hiệu yếu kém về năng lực như vậy lại trúng thầu? Thậm chí có nhà thầu như tập đoàn điện khí Thượng Hải Trung Quốc (SEC) còn trúng tới hai dự án đặc biệt lớn: như nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (giá trị gói thầu 884 triệu USD), nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2 (giá trị hai gói thầu 870 triệu USD). Theo thông tin từ bộ Công thương thì do các nhà thầu này bỏ giá thầu thấp. Trung bình, các dự án trên, giá gói thầu EPC giao động từ 750 – 850 USD/kW đặt thấp hơn giá bình quân chung là 1.000 – 1.100 USD/kW nếu tính vào thời điểm các năm 2005, 2006 với các thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Sự chậm trễ của các công trình có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc do các nhà thầu Trung Quốc thu xếp vốn quá chậm như các dự án Quảng Ninh 2, Hải Phòng 2 đều bị kéo dài trên hai năm. Một lý do khác, thuộc cả về phía nhà thầu Việt Nam là những năm 2007 – 2008, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, tỷ giá thay đổi, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao nên nhiều nhà thầu phụ trong đó có cả thầu phụ Việt Nam khó khăn, bỏ tham gia dự án, chịu phạt, mất tiền cọc. Còn về phía nhà thầu Trung Quốc, do nhiều nhà thầu chưa nhiều kinh nghiệm làm tổng thầu EPC ở nước ngoài nên khi triển khai các dự án ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Một câu chuyện thực tế khác là các nhà thầu Trung Quốc hầu như không thuê lao động Việt Nam, kể cả lao động thủ công, nên họ thường bị thiếu người làm. Do đó, vì lợi ích của nền kinh tế, đến nay không thể không xem lại tất cả các công trình do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện, kể cả các công trình thuỷ điện… để đánh giá hiệu quả, thực tế triển khai của các nhà thầu. Dù không phân biệt đối xử nhà thầu theo quy định của WTO nhưng không lẽ, với những nhà thầu yếu kém về kinh nghiệm, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, các chủ đầu tư lại tiếp tục để cho họ trúng thầu ở các công trình quan trọng khác chỉ vì lý do giá rẻ? Với các quy định về đấu thầu hiện nay thì việc chọn nhà thầu không chỉ có tiêu chí giá mà còn cả vấn đề chất lượng, kỹ thuật, kinh nghiệm. Nên hoàn toàn có cơ sở để loại bỏ các nhà thầu yếu kém kinh nghiệm, chuyên môn. Hơn nữa, một điều đáng lưu ý, các nhà thầu Trung Quốc thường không sử dụng thiết bị, máy móc do Việt Nam sản xuất.

MẠNH QUÂN


Dù không phân biệt đối xử nhà thầu theo quy định của WTO nhưng không lẽ, với những nhà thầu yếu kém về kinh nghiệm, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, các chủ đầu tư lại tiếp tục để cho họ trúng thầu ở các công trình quan trọng khác chỉ vì lý do giá rẻ ?
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Từ ngày chưa có m đến giờ, chưa bao giờ thấy Trung Quốc sốt sắng làm cho Việt Nam tiến nhanh lên giầu mạnh cả.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lâm Đồng: Đổi 50.000ha đất rừng cho 57 dự án thủy điện



SGTT.VN - Ông Lương Văn Ngự, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng, tính toán: “Để có được 1MW điện, phải mất từ 10 -16 ha đất”. Theo quy hoạch, các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, trong đó phần lớn ở Lâm Đồng sẽ đạt tổng công suất lên đến gần 3.300MW, như vậy phải “hi sinh” từ 33.000 đến 52.300ha đất rừng và sản xuất nông nghiệp.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=123953
Cuộc sống của hơn 200 hộ dân ở xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh vẫn lênh đênh, cơ cực sau hơn 2 tháng kể từ ngày thủy điện Đồng Nai 3 đóng đập tích nước. (Ảnh: Quang Sáng)




Đánh đổi
Ngoài các công trình thủy điện lớn như: Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận - Đa Mi, Đồng Nai 2, 3, 4… theo quyết định số 3476, ngày 24.12.2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh này đã quy hoạch tới 57 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Theo ông Ngự, công trình thủy điện có công suất càng nhỏ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng bị mất lại càng lớn. Cụ thể: đối với công trình thủy điện Hàm Thuận - Đạ Mi có công suất 300MW, thì chiếm hơn 2.800ha; thủy điện Đại Ninh 300MW chiếm gần 2.700ha; trong khi các thủy điện nhỏ như thủy điện Đa Khai chỉ có công suất 8MW, thì đã đổi lấy 256ha đất rừng; thủy điện Đa Kai 3MW cũng buộc phải mất 112ha rừng.

Trong số 57 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được tỉnh Lâm Đồng quy hoạch, tuy mới có 20 công trình đã và đang triển khai, nhưng đã khiến hơn 3.150ha rừng tự nhiên bị mất. Nếu tính cả những công trình thủy điện lớn đã xây dựng trên địa bàn, diện tích rừng của Lâm Đồng đã mất đi xấp xỉ 15.000ha.

Việc phát triển thủy điện dầy đặc đã và đang trở thành mối lo ngại lớn của nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Bà Ka Phờm, chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm cho rằng, phải xem xét kỹ tính khả thi của các dự án thủy điện. “Thủy điện Đồng Nai 3 vừa hoàn thành đã lấy một phần diện tích của xã, nay trên địa bàn lại xây thêm thủy điện Đa Kai, khiến nhân dân lo lắng vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống và mất diện tích đất rừng khá lớn,” bà Ka Phờm nói. Ông Nguyễn Công Vinh, ở xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh nói: “Ở thủy điện Đồng Nai 3, mặc dù công trình đã đóng đập tích nước hơn 2 tháng, nhưng công tác đền bù giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa xong. Hiện trên 200 người dân ở xã Đinh Trang Thượng vẫn đang sống trong cảnh lênh đênh, cơ cực chưa biết đến khi nào mới được ổn định”.

Nguy hại khôn lường
Theo quy định tại khoản 5, Điều 29, Nghị định số 23, ngày 3.3.2006 của Chính phủ về thi hành luật Bảo vệ và phát triển rừng, các công trình chiếm dụng đất rừng, các chủ dự án đều phải cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc cam kết bảo vệ môi trường sẽ trồng bù lại rừng với diện tích tương đương với diện tích rừng bị mất do dự án. Tuy nhiên, thực tế chưa có dự án thủy điện nào ở Lâm Đồng thực hiện cam kết này; mặt khác, dự án cũng không có đủ quỹ đất để trồng bù rừng trong khu vực dự án.

Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện tỷ lệ che phủ rừng Lâm Đồng là 61,5%, nhưng chất lượng rừng và đa dạng sinh học ngày càng giảm do việc quản lý và khai thác tài nguyên rừng chưa tốt, trong đó có sự tác động tiêu cực của các công trình thủy điện.

Theo ông Mai Nam Dương, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, những bức xúc của người dân là có cơ sở, bởi lẽ lâu nay các thủy điện chỉ tính đến lợi ích kinh doanh, mà chưa đảm bảo các mục tiêu như: cắt lũ, cấp nước sản xuất nông nghiệp, môi trường dân sinh… Ông Dương đề nghị: cần phải nghiêm túc đánh giá toàn diện công tác quy hoạch về phát triển thủy điện, nhất là các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại địa phương.

QUANG SÁNG


Thuỷ điện nhỏ ảnh hưởng môi trường
Theo ông Lương Văn Ngự, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng, thời gian qua, việc triển khai ồ ạt các công trình thủy điện (nhất là thủy điện vừa và nhỏ) đã ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên - xã hội. Lâm Đồng là tỉnh có quy hoạch thủy điện bậc thang khá phổ biến, thực tế hiện nay các cơ quan liên quan chưa kiểm tra việc xả nước cho dòng chảy môi trường của các dự án thủy điện. Đặc biệt là những công trình thuỷ điện chuyển nước sang lưu vực khác mà không trả lại cho dòng sông cũ, từ đó tạo nên các dòng sông “chết” phía sau đập, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái phía sau đập và hạ lưu.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

12 con voọc chà vá bị lột da, phơi khô để bán



TTO - Ngày 7-1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội kiểm tra ô tô khách biển kiểm soát 47V-1776 chạy tuyến Đăk Lăk - Cao Bằng tại khu vực đường Pháp Vân.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=474227
Xác voọc chà vá được cơ quan công an tạm giữ



Cơ quan công an phát hiện trên xe đang vận chuyển 240 cây thuốc lá ngoại nhập lậu và 12 xác động vật đã được phơi khô.

Ngay sau đó, cơ quan công an đã tạm giữ phương tiện và lái xe là Luân Trung Thành (SN 1973) cùng vợ là Nguyễn Thị Tuyết (SN 1981) ở Krông Păk, Đăk Lăk để phục vụ công tác điều tra.

Tại cơ quan điều tra, cơ quan công an đã mời chuyên gia giám định của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật đến giám định số xác động vật trên.

Tiến sĩ Đặng Tất Thế khẳng định đó là xác voọc chà vá (còn gọi là voọc ngũ sắc), là loại động vật cực quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam.

Theo ông Thế, căn cứ vào việc số bộ xác động vật này đã được lột da, phơi khô và bọc như thu giữ có thể thấy khả năng các nghi phạm buôn bán số cá thể này sang biên giới.

Hiện trên thị trường, giá thành của voọc chà vá phơi khô lên đến 3 triệu đồng/kg.

M.Q
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cấp bách cứu cây thủy tùng



TT - Tại hội thảo bàn về dự án bảo tồn loài - sinh cảnh thủy tùng do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức, tất cả tham luận của các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng việc thành lập một khu bảo tồn loài - sinh cảnh thủy tùng đã trở nên cấp bách đối với sự sống còn của loài đặc hữu duy nhất trên thế giới còn tồn tại thành quần thể ở Đắk Lắk.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=471181
Quần thể cây thủy tùng ở Đắk Lắk - Ảnh: B.D



Theo kết quả khảo sát mới nhất của các thành viên tham gia lập dự án bảo tồn loài thủy tùng, tính đến ngày 30-11-2010 toàn tỉnh Đắk Lắk hiện chỉ còn 225 cây thủy tùng.

Các ý kiến tại hội thảo đều chỉ ra thực tế giá trị của loài thủy tùng đã được nhiều công trình khoa học khẳng định đây là loài cực kỳ quý hiếm.

Ngoài giá trị khoa học, loài cây này còn có giá trị kinh tế như gỗ rất bền, có mùi thơm, thớ mịn, không bị mối mọt, cong vênh...

Ngoài ra, thủy tùng còn là cây dược liệu để chữa một số bệnh như phong thấp, giảm đau, làm săn da...

THÁI BÁ DŨNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sách đỏ hiếm hơn...“chim trong sách đỏ”!



TT - Thời gian gần đây tại đường dẫn cầu Phú Mỹ (phía quận 2, TP.HCM) xuất hiện bốn nhóm người buôn bán chim rừng và đang dần hình thành một chợ chim trời ngay giữa TP.HCM. Ở đây, người ta bày bán rất nhiều loài chim như cò trắng, gà nước, chim cuốc, bìm bịp, vịt trời, tràng nghịch, diệc... với giá 150.000-300.000 đồng/kg.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=473402



Theo nghị định 99/2009/NĐ-CP ban hành ngày 2-11-2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định rõ người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi nhốt; giết động vật rừng trái pháp luật; vận chuyển lâm sản trái pháp luật hay mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của Nhà nước có thể bị phạt với mức cao nhất lên đến 500 triệu đồng.

Thế nhưng chim rừng vẫn bị bày bán công khai nhưng không bị xử lý.

Tùy theo yêu cầu của khách, người bán sẵn sàng vặt lông chim thui tại chỗ, giá cao hơn 10.000 đồng/kg! Chim ở đây không thui bằng rơm mà bằng các bình gas mini. Các chú chim tội nghiệp bị bày ra trên rổ hay treo lơ lửng trên xe gắn máy, nhưng nhiều nhất vẫn là trong các lồng sắt lớn, mỗi lồng chứa 15-20kg chim trời.

Tương tự, ở đường Nguyễn Thị Định, đoạn đối diện cao ốc Thạnh Mỹ Lợi, chim trời bị bày bán công khai mấy năm nay nhưng không một cơ quan nào ngăn chặn, khi thấy tôi chụp hình thì những người bán chim liền dời đi chỗ khác.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=473406
Đường dẫn vào cầu Phú Mỹ ngày 30-12-2010: chim rừng bày bán công khai - Ảnh: C.L.



Tại các chợ chim hay ở các miền quê, chúng ta có thể bắt gặp những đàn sếu đầu đỏ, vịt trời, vạc hoa..., nhưng tìm được một cuốn Sách đỏ ở giữa Sài Gòn thì quả thật là một kỳ tích.

Tôi mất cả ngày trời rong ruổi qua các nhà sách lớn trong thành phố như nhà sách Nguyễn Văn Cừ, nhà sách Tân Thuận, nhà sách Đại Thế Giới... nhưng không ở đâu bán, mãi đến cuối ngày mới tìm được một địa chỉ bán Sách đỏ là nhà sách Nguyễn Huệ ở quận 1 với giá khủng, gần 500.000 đồng một bộ!

Với mức giá cao như vậy thì những cuốn sách này dành cho ai? Đáng ra giá Sách đỏ phải rẻ hoặc phải phát miễn phí đến đông đảo người dân nhằm nâng cao ý thức bảo vệ những động vật quý hiếm. Đằng này Sách đỏ rất đắt đỏ và “hiếm” hơn cả động vật trong Sách đỏ! Vì vậy các động vật quý hiếm nếu bị xâm hại thì cũng rất ít người biết mà báo cho cơ quan chức năng.

CHU LƯƠNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thả vích về với biển



TT - Ngày 10-1, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nghệ An cùng UBND huyện Quỳnh Lưu và bộ đội biên phòng tỉnh đã thả con vích nặng 70kg về biển.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=474941
Con vích được thả trở lại biển - Ảnh: AN KHÁNH



Trước đó ngày 3-1, tàu của ông Lê Tiến Liệu (huyện Quỳnh Lưu) đi đánh cá trên biển đã bắt được con vích trên. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nghệ An đã vận động ông Liệu trao trả con vích (loài động vật biển quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam) để thả trở lại biển.

AN KHÁNH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chim chết vì pháo hoa!



TT - Pháo hoa, hay chính xác hơn là tiếng nổ từ việc bắn pháo hoa, có thể là nguyên nhân gây ra cơn mưa xác chim kỳ lạ ở thành phố Beebe thuộc bang Arkansas (Mỹ) đúng đêm giao thừa vừa qua.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=473665
Nhân viên thú y Brandon Doss khám nghiệm xác chim tại phòng thí nghiệm ở Little Rock, Arkansas, ngày 3-1 - Ảnh: AP



Khoảng 5.000 con chim nhỏ màu đen cánh đỏ rơi xuống khu vực rộng 1,6km2 từ 11g30 đêm 31-12-2010. Nhiều giả thiết được đặt ra sau đó song kết luận ban đầu cho thấy sự sợ hãi đã gây ra cái chết cho đàn chim. “Chúng tôi vẫn đang kiểm tra các chất độc, tuy nhiên chúng tôi tin rằng đó là do chấn thương tâm lý” - chuyên gia thú y George Badley cho biết.

Người dân địa phương cho biết họ vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến vô số xác chim rơi lộp độp trên nóc nhà, đường phố. Theo các nhân chứng, hiện tượng kỳ lạ này diễn ra sau khi đợt pháo hoa chào mừng năm mới bắt đầu. Theo đó, hàng loạt tiếng nổ khiến những con chim nhỏ giật mình. Chúng bay rất thấp vì hoảng sợ và do bị hạn chế tầm nhìn trong đêm nên va vào các chướng ngại vật hoặc va vào nhau. Giả thiết khá phù hợp với kết quả khám nghiệm cho thấy những con chim chết vì xuất huyết trong.

“Mưa” chim không phải là hiện tượng khác thường duy nhất diễn ra tại Arkansas cuối tuần qua. Cùng thời điểm này, khoảng 100.000 con cá chết được phát hiện trên sông Arkansas cách Beebe khoảng 160km.

TRẦN PHƯƠNG (Theo Arkansasnews, AFP)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cốc thủy tinh độc



TT - Thêm một lần nữa chỉ số an toàn của sản phẩm nhập khẩu lại được cảnh báo khi hàng loạt sản phẩm ly nhựa, ly thủy tinh, bình nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc được kiểm nghiệm và có kết quả chứa hàm lượng chì cao gấp hàng ngàn lần so với tiêu chuẩn VN.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=475482
Một số mẫu ly, cốc có chứa hóa chất độc hại - Ảnh: từ website Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng



Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, có 10 mẫu cốc, ly nhựa, bình nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc, mẫu lấy tại An Giang chứa hàm lượng chì cao hơn 1,2-2.192 lần tiêu chuẩn VN, chưa kể các chất độc hại khác. Điều nguy hiểm là sản phẩm có in hình các nhân vật hoạt hình hấp dẫn trẻ em, nhưng lại có khả năng làm giảm chỉ số thông minh của trẻ do lượng chất độc hại tồn dư rất cao trong sản phẩm.

Ông Lê Trường Giang, Viện Hóa học, cho biết chì được sử dụng rất nhiều trong các hoạt động công nghiệp như ngành in, luyện thép, điện, sản xuất ôtô... cũng như cuộc sống hằng ngày... là những nguồn gây ô nhiễm chì cần phải kiểm soát vì có thể xâm nhập cơ thể sống qua đường hô hấp, tiêu hóa, qua da và hấp thụ vào máu.

Cũng theo ông Giang, chì hấp thụ qua đường hô hấp nguy hiểm nhất, do chì và các hợp chất của chì gần như được hấp thụ toàn bộ tại phổi, sẽ theo máu đi tới các cơ quan trong cơ thể. Chì hấp thụ qua đường tiêu hóa thấp hơn so với đường hô hấp do phụ thuộc khả năng hòa tan của chì và các hợp chất trong hệ thống tiêu hóa. Chì cũng có thể hấp thu qua da, đặc biệt khi da bị tổn thương.

Chì đặc biệt độc hại đối với não và thận, hệ sinh sản và hệ tim mạch của con người. Khi bị nhiễm độc chì sẽ ảnh hưởng có hại tới chức năng của trí óc, thận, gây vô sinh, sẩy thai và tăng huyết áp. Đặc biệt chì gây ảnh hưởng nguy hại rất lớn đối với trẻ em. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy nhiễm độc chì làm giảm mạnh chỉ số thông minh (IQ) của trẻ ở tuổi đi học.

Nhiễm độc chì làm hệ thần kinh luôn căng thẳng, gây rối loạn sự tập trung chú ý ở trẻ em 7-11 tuổi. Ở tuổi trung niên, nhiễm độc chì làm huyết áp tăng, gây nhiều rủi ro về các bệnh tim mạch. Việc nhiễm chì dù ở mức thấp cũng gây ngộ độc mạnh.

LAN ANH

Danh sách sản phẩm có hàm lượng chì cao (tất cả đều có xuất xứ Trung Quốc):

Ly thủy tinh Fruitissimo Strawberry - Luminarc (mẫu lấy tại Công ty TNHH Á Đông, khu thương mại Tịnh Biên, An Giang); ly thủy tinh quai bông Fruitissimo Strawberry (mẫu lấy tại siêu thị Tứ Sơn, quốc lộ 91, thị xã Châu Đốc, An Giang), ly thủy tinh Fruitissimo Strawberry (siêu thị Mỹ Nhựt, khu thương mại Tịnh Biên, An Giang); ly 4609-408A (Flower Beautiful, bán tại siêu thị Mỹ Nhựt); ly thủy tinh C-ZB40 (siêu thị Mỹ Nhựt); bình nhựa 3867C-400ml (siêu thị Mỹ Nhựt); bình nhựa H336-700ml (siêu thị Mỹ Nhựt); ly nhựa 037LC (siêu thị Mỹ Nhựt); ly nhựa Shunmei 2318 nền trắng (siêu thị Mỹ Nhựt); ly nhựa Shunmei 2318 nền vàng (siêu thị Mỹ Nhựt).
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối