Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [17] [18] [19] [20] [21] [22] [23] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mục lục

(tiếp theo từ trang 18)



156. Ăn tết "xanh"

157. Tiết kiệm nhờ mô hình tòa nhà xanh  (Hoàng Ngọc)

158. Ruồi trắng khổng lồ đe dọa châu Á

159. Sông Dăkrông (Quảng Trị) bị ô nhiễm vì nạn khai thác vàng  (Hồ Hương Giang)

160. Bó tay trước nạn khai thác đá trái phép ở núi Hòn Chà?  (Võ Hoàng Minh)

161. Nguyễn Thùy Anh - vòng quanh thế giới bằng xe đạp điện  (Hoàng Điệp)

162. Sông Mê Kông chờ phán quyết  (Mai Hà - Chí Nhân)

163. 19 đập nước đe doạ sông Mekong  (Phi Phụng)



(Mời xem tiếp tại trang 21)

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ăn tết "xanh"



TTO - Ăn tết "xanh", chơi tết "xanh" là ăn chơi sao cho vui, giữ gìn sức khỏe, tránh lãng phí, giảm tác động đến môi trường...

Những ngày giáp tết, Tuổi Trẻ Online gặp gỡ GS.TS Lê Chí Hiệp (chủ tịch Hội đồng Năng lượng, ĐH Quốc gia TP.HCM, chủ nhiệm bộ môn công nghệ nhiệt lạnh, ĐH Bách khoa TP.HCM) và chị Hoàng Thị Minh Hồng (người Việt Nam đầu tiên hai lần đến Nam cực, có nhiều nỗ lực kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường) để trao đổi về chủ đề "Ăn tết xanh".

* GS.TS Lê Chí Hiệp: "Sử dụng năng lượng thông minh, hợp lý, vừa đủ với nhu cầu"

Để đón tết thật "xanh", nên tiêu thụ năng lượng (điện, nước, gas...) một cách thông minh, hợp lý, vừa đủ với nhu cầu. Chẳng hạn khi ủi quần áo (mà nhu cầu vốn tăng trong dịp tết), để tiết kiệm điện, hãy gom hết quần áo cần ủi tập trung ủi một lần, không nên vừa ủi vừa chạy tới chạy lui làm việc khác.

Khi giặt quần áo bằng máy giặt, nên tiết kiệm điện - nước bằng cách để đúng chế độ giặt, mức nước phù hợp, không giặt vượt quá cao hay quá thấp năng lực giặt của máy. Nếu giặt bằng tay, nên tập trung quần áo giặt một lần sẽ tiết kiệm được nước, bột giặt, nước xả... Còn với máy nước nóng, nếu có thể hãy chuyển đổi sử dụng máy nước nóng mặt trời hoặc máy dùng công nghệ bơm nhiệt, vừa tiết kiệm tiền bạc vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Điện, gas và các năng lượng khác dùng để nấu nướng trong những ngày tết cũng là vấn đề cần quan tâm. Chỉ cần những lưu ý rất nhỏ như tính toán thời gian hợp lý cho các khâu nấu nướng, nấu liên tục, không để bếp cháy vô ích, không để nồi nước sôi sùng sục trong khi vật liệu nấu chuẩn bị chưa xong, chỉ cắm nồi cơm điện khoảng 30 phút trước khi ăn... cũng đã góp phần cùng cộng đồng tiết kiệm năng lượng.

Việc trang hoàng nhà cửa ngày tết bằng ánh sáng điện sẽ không thật đáng lo ngại nếu chỉ "rực rỡ" hơn ngày thường một chút. Nhưng tôi chứng kiến có nhiều nhà chiếu sáng nhiều quá mức cần thiết đến mức làm người khác phải thấy xót. Sẽ tốt hơn nếu dừng lại ở mức vừa đủ, dùng các loại bóng tiết kiệm năng lượng.

* Chị Hoàng Thị Minh Hồng: "Ăn tết xanh từ những hành động giản dị"

Nhiều người vẫn xem tết là dịp "xả láng". Nhà nào cũng ngồn ngộn thức ăn và giông giống nhau nên ai cũng ngán. Thế mà vẫn cứ phải mua nhiều dẫn đến giá thực phẩm tết tăng vọt, rồi sau tết lại phải đổ đi không ít, vừa tốn tiền vừa tổn hại môi trường, chưa kể một số thức ăn tết chứa nhiều đường, cholesterol, chất phụ gia, chất bảo quản độc hại... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tôi rất mong mọi người thay đổi tâm lý này. Hãy nghĩ ý nghĩa quan trọng nhất của tết là dịp gia đình sum họp, nhớ tới ông bà tổ tiên, là dịp bạn bè gặp mặt, nghỉ ngơi để chuẩn bị cho năm mới chứ đừng xem tết là dịp để… ăn.


http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=478486
Chị Hoàng Thị Minh Hồng: "Gia đình tôi ăn tết đơn giản; hai cái bánh chưng, cân chả lụa, nấu thêm nồi canh măng khô kiểu Bắc, ít trà hữu cơ, cà phê hữu cơ, làm vài món bánh để tiếp khách. Tôi cũng không dùng bao lì xì, vừa đỡ tốn tiền, giảm rác, góp phần bảo vệ rừng" (ảnh nhân vật cung cấp)



Ngày tết chỉ nên chọn mua các loại thực phẩm hữu cơ (thực phẩm sạch, được nuôi trồng bằng phân bón hữu cơ, chăm sóc tự nhiên), rau sạch, thịt sạch, vừa đảm bảo sức khỏe vừa có lợi cho môi trường. Hạn chế mua các thực phẩm nhập khẩu để góp phần giảm phát thải khí nhà kính (do vận chuyển đường dài) và "tiếp sức" các nhà sản xuất trong nước.   

Còn về cây cảnh chưng tết, theo tôi, nên thuê cây, chơi tết xong gửi cây lại vườn, năm sau chơi tiếp thay vì mỗi năm rước một cây, hết tết lại đổ ra bãi rác. Mấy năm nay đào rừng được coi là đặc sản nên các rừng đào nguyên sinh ở Mộc Châu, Sa Pa bị chặt phá không thương tiếc. Nghĩ mà xót xa.

Ngày tết có lẽ là thời điểm mọi người ít chú ý đến môi trường nhất. Tôi rất mong mọi người thay đổi các thói quen chưa “xanh” trong dịp tết, hạn chế những hủ tục gây hại cho môi trường như đốt quá nhiều vàng mã, phóng sinh theo kiểu hình thức rồi vứt túi ni lông, xả tro hóa vàng đầy sông hồ, ăn nhậu quá đà, bẻ cành hái lộc, xả rác bừa bãi...

Sau tết những bánh kẹo, thực phẩm không dùng tới hãy gửi cho các trại trẻ mồ côi, trẻ em vùng sâu vùng xa... thông qua các tổ chức từ thiện.

TRUNG UYÊN thực hiện
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tiết kiệm nhờ mô hình tòa nhà xanh

Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng - Dịch vụ Khoa học kỹ thuật (Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) đã tổ chức hội thảo về hệ thống thiết bị điều khiển trong các tòa nhà thông minh và tiết kiệm năng lượng.

Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (EEC-HCMC), từ năm 2002 đến năm 2010, có tổng số 164 tòa nhà được kiểm toán năng lượng, gồm các loại hình như khách sạn, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ... Kết quả, ở tất cả các công trình, năng lượng dành cho điều hòa không khí chiếm tỉ lệ cao nhất, ở các tòa nhà công sở là 75,9%; khách sạn là 74,83%; trung tâm thương mại là 58%.

Lý do quan trọng là do đa số các công trình đều dùng máy lạnh cho toàn bộ không gian, đôi khi có những nơi không cần thiết. Ngoài ra, còn do thói quen sử dụng như cài đặt nhiệt độ quá thấp, không đóng cửa khi mở máy lạnh, thông gió quá mức cần thiết, cài đặt dàn nóng không hợp lý... Hơn nữa, thiết kế các công trình đa số rất hạn chế việc thông gió tự nhiên.

Kế tiếp, năng lượng dành cho chiếu sáng chiếm tỉ lệ cao thứ 2 (công sở tiêu tốn 11,5%; khách sạn: 18%; trung tâm thương mại: 9,11%). Đa số các công trình chưa tận dụng được các nguồn sáng tự nhiên hoặc sử dụng chưa đúng cách.
 
Theo đại diện EEC-HCMC, dù việc sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao đang được quan tâm nhưng thực tế, các thiết bị hiệu suất thấp và trung bình vẫn chiếm đa số. Bố trí các thiết bị năng lượng chưa thuận lợi cho việc điều chỉnh phù hợp; hệ thống điều khiển, điều chỉnh tự động kiểm soát chiếu sáng vẫn chưa được ứng dụng. Nguyên nhân là do việc thiết kế, thi công lắp đặt thường giao cho nhà thầu không quan tâm hoặc thiếu kiến thức về tiết kiệm năng lượng.

Để khắc phục tình trạng này, EEC-HCMC đã đưa ra các giải pháp giúp tiết kiệm tối đa từ 25%-40% điện năng. Đó là thực hiện mô hình tòa nhà xanh. Đối với công sở, mô hình này sử dụng máy điều hòa không khí có hiệu suất cao giúp tiết kiệm từ 15%-25% năng lượng; khắc phục sự xâm nhập nhiệt bằng cách điều chỉnh lưu lượng gió tươi, đóng kín cửa, cải thiện vỏ bọc công trình... (tiết kiệm từ 3%-5% năng lượng); che chắn dàn nóng, cài đặt nhiệt độ và vệ sinh hợp lý (tiết kiệm 2%-3% năng lượng); riêng hệ thống chiếu sáng, nếu dùng thiết bị tiết kiệm năng lượng sẽ giúp tiết kiệm từ 5%-7%.

Đối với khách sạn và trung tâm thương mại, mô hình tòa nhà xanh giúp tiết kiệm từ 12%-20% năng lượng. Trên thực tế, mô hình tòa nhà xanh đã được ứng dụng tại ĐH RMIT VN, cao ốc văn phòng The Landmark, khu nghỉ mát Ana Mandara Villas Dalat... giúp các công trình này tiết kiệm từ vài trăm triệu đồng đến gần 1 tỉ đồng/năm.

Hoàng Ngọc
(Báo Người Lao Động)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ruồi trắng khổng lồ đe dọa châu Á



TTO - Các nhà khoa học tại ĐH Công nghệ Vigrinia (Mỹ) vừa phát hiện sự hiện diện của loài ruồi trắng khổng lồ phía Tây Java. Họ lo sợ chúng có thể gây hủy diệt trên diện rộng các loại cây trồng ở Đông Nam Á và Nam Á.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=480472
Ruồi trắng khổng lồ trên một cây nhiễm bệnh



Ruồi trắng khổng lồ (Aleurodicus dugesii) là một loài ăn tạp xuất xứ từ Trung Mỹ, ưa thích các loài cây gỗ có hoa, bao gồm cả cây ăn quả và cây họ dâm bụt. Chúng gây dịch hại trên 50 cây cảnh phổ biến, hoạt động bằng cách hút nhựa từ thực vật. Trong quá trình đó, chúng làm chảy ra một chất dịch giàu đường. Chất dịch này phát triển thành một loại mốc đen như bồ hóng phủ trên bề mặt lá, làm lá giảm khả năng tiếp xúc ánh sáng mặt trời, từ đó giết chết cây trồng.

Theo Science Daily, đây là lần đầu tiên loài côn trùng phá hoại này được phát hiện ở châu Á.

Rangaswamy Muniappan - nhà côn trùng học người Indonesia đứng đầu chương trình quản lý dịch hại tổng hợp tại ĐH Công nghệ Vigrinia - phát hiện loài côn trùng này trên một cây trạng nguyên dọc bên lề đường ở Cipanas, Indonesia.

“Mối quan tâm của chúng tôi là ruồi trắng khổng lồ có thể lây lan sang phần còn lại các đảo ở Indonesia và các nước láng giềng khác ở Đông Nam Á và Nam Á" - ông nói.

“Sự phá hoại của chúng có thể gây hủy diệt trên diện rộng các loại cây trồng, như từng xảy ra với loài bọ trong bột sắn ở Xích đạo châu Phi những năm 1980, gây thiệt hại trên cây trồng trị giá hàng tỉ đôla, dẫn đến nạn đói lan rộng" - ông cảnh báo.

Muniappan đề xuất giải pháp cho mối đe dọa này: sử dụng những kẻ thù tự nhiên của Aleurodicus dugesii, trong đó có loài ong bắp cày ký sinh Idioporus affinis và Encarsiella noyesii ở Mỹ.

Ông cũng đề nghị các nhà khoa học ở những nước ruồi trắng khổng lồ chưa lây lan đến nên dùng biện pháp phòng ngừa, như thông báo cho công chúng và cảnh báo các quan chức kiểm dịch thực vật để tránh thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

NGUYỄN LÊ MINH (Theo Science Daily)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sông Dăkrông (Quảng Trị) bị ô nhiễm vì nạn khai thác vàng



SGTT.VN - Hơn một tháng qua, công ty TNHH xây dựng số 9 Quảng Trị đã dùng máy móc đào bới, băm nát cả một đoạn sông Dăkrông, đoạn đi qua xã Húc Nghì, tỉnh Quảng Trị, làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống của người dân.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=126874
Những đống đất đá án ngữ giữa sông Dăkrông qua xã Húc Nghì do đơn vị khai thác vàng bỏ lại



Những ngày cuối tháng 12 năm 2010, hàng chục hộ dân người Vân Kiều ở xã Húc Nghì đã kéo ra dòng sông Dăkrông ngăn chặn không cho công ty TNHH xây dựng số 9 tỉnh Quảng Trị khai thác vàng và tận thu cát, sỏi ở lòng sông. Ông Hồ Văn Ngọc, chủ tịch UBND xã Húc Nghì cho biết, sau khi khai thác vàng được một thời gian, người dân không đồng tình với lý do việc khai thác vàng đã làm môi trường ô nhiễm đoạn sông đi qua xã Húc Nghì, nơi người dân dùng làm nước sinh hoạt. Ông Hồ Văn Liên, người dân ở Húc Nghì cho biết, công ty TNHH xây dựng số 9 khai thác vàng trên địa bàn làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Theo ông Liên, xã Húc Nghì có 291 hộ dân, trong đó hơn 50% hộ nghèo, nguồn sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào nương rẫy, nên việc đãi vàng sa khoáng bằng thủ công trong mùa nông nhàn góp phần tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, sau khi khai thác, đơn vị này không những không tận thu cát sỏi, mà còn tạo nên những đống đất đá cao hơn mái nhà nằm ngổn ngang giữa dòng sông.

Có mặt tại điểm khai thác vàng của công ty TNHH xây dựng số 9 trên sông Dăkrông, chúng tôi ghi nhận cả một đoạn sông dài bị băm nát bởi những phương tiện cơ giới hiện đại, nhiều đống đất đá cùng những hầm hố án ngữ giữa dòng sông Dăkrông. Theo ông Hồ Văn Ngọc, khi được cấp phép khai thác vàng và tận thu cát sỏi ở lòng sông Dăkrông qua địa bàn xã, đơn vị này chỉ được phép dùng hai máy múc để khai thác, với khối lượng 30.000m3/năm. Tuy nhiên, trong thực tế, đơn vị này đã dùng đến bảy máy múc (dùng đổ vào máng lọc vàng), và do không có đơn vị thẩm định khối lượng khai thác, nên đơn vị này đã khai thác ồ ạt, không hoàn trả mặt bằng.

Ông Lê Phước Chưởng, phó trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Dăkrông nói: “Sau khi thấy công ty TNHH số 9 khai thác không đúng quy định, chúng tôi đã làm các thủ tục tạm ngưng mọi việc khai thác vàng ở khu vực này, hơn nữa, đây là khu vực trong tương lai tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp phép cho công ty TNHH số 9 khai thác vàng sa khoáng và tận thu cát, sỏi ở lòng sông Dakrông tại xã Húc Nghì, Tà Rụt, A Ngo trên chiều dài 20km”.

bài và ảnh: Hồ Hương Giang
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bó tay trước nạn khai thác đá trái phép ở núi Hòn Chà?



SGTT.VN - Cách đây bốn năm, UBND tỉnh Bình Định đã thành lập ban chỉ huy chống khai thác đá trái phép tại núi Hòn Chà. Thế nhưng, từ đó đến nay, ngọn núi này không ngừng bị băm nát giữa ban ngày, nhất là tại khu vực nằm trong khu công nghiệp Phú Tài thuộc địa bàn hai phường Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn) gây thất thoát cho tỉnh này một nguồn tài nguyên lớn.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=131328
Xe tải vào chở đá “lậu”.



Nhộn nhịp khai thác đá lậu
Cứ mỗi lần về lại núi Hòn Chà, chúng tôi lại thấy những tảng đá granit vàng nằm lồ lộ trên sườn núi phía đông ngày càng mất dần. Đó là loại đá có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trên thị trường đá granit vàng có giá từ 5 đến 6 triệu đồng/khối. Theo người dân địa phương, chỉ trong năm 2010, nguồn tài nguyên đá vàng tại phía đông núi Hòn Chà bị “xà xẻo” đến hàng chục ngàn khối. Điều khiến dư luận bức xúc là, hoạt động khai thác đá trái phép tại đây diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. “Đá tặc” đã cho nổ mìn phá đá, đưa thiết bị khai thác hiện đại và nhân công vào hoạt động ngang nhiên trước “mũi” các cấp ngành chức năng. Ông Đoàn Văn Vỹ, chủ tịch UBND phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn) thừa nhận: “Họ khai thác trái phép mà làm rầm rộ như là được cho phép. Khi chúng tôi báo cáo tình hình lên các cấp trên, đoàn kiểm tra chưa đến, họ đã “nghe tin” liền kéo thiết bị, nhân công rút đi hết. Khi đoàn kiểm tra về, đâu lại vào đấy”.

Những ngày đầu năm 2011, chúng tôi chứng kiến cảnh khai thác đá trái phép hết sức nhộn nhịp tại phía đông núi Hòn Chà nằm trên địa bàn phường Trần Quang Diệu. Những tảng đá to đùng mà cách đây vài tuần, chúng tôi còn thấy chúng nằm trên lưng chừng núi, bây giờ đang nằm lăn lóc dưới chân núi. Dọc sườn núi, “đá tặc” che lán trại công khai. Những chiếc xe tải vào núi chở đá cứ bon bon như chốn không có... ngành chức năng. Trò chuyện với những nhân công đang cặm cụi ngồi đục đá, họ nói hồn nhiên: “Chủ thuê, chúng tôi làm, chúng tôi không biết việc làm này là trái phép, hay không trái phép”.

Trả lời chúng tôi về tình trạng khai thác đá trái phép ở núi Hòn Chà, ông Lê Minh Luận, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Định nói: “Nạn khai thác đá tràn lan tại núi Hòn Chà không phải chúng tôi không biết. Thế nhưng, mỗi khi chúng tôi lập đoàn lên kiểm tra, thì cứ như có ai đó đã báo trước cho những người khai thác đá trái phép và chúng liền rút êm. Thực tế này diễn ra đã nhiều năm nay”.

Lực bất tòng tâm
Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, vào tháng 8.2009, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh đến năm 2015. Theo đó, tại khu vực phía đông núi Hòn Chà có quy hoạch điểm mỏ khai thác số 205. Qua kiểm tra thực địa, các sở Tài nguyên và môi trường và sở Xây dựng Bình Định đã thống nhất giao cho doanh nghiệp chế biến đá có nhu cầu về nguyên liệu, quản lý khai thác đóng thuế cho nhà nước. Sở Tài nguyên và môi trường Bình Định đã phối hợp với bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định thống nhất giao điểm mỏ đá ấy cho doanh nghiệp khai thác.

Tuy nhiên, theo ban quản lý khu kinh tế Bình Định, điểm mỏ ấy cần phải giữ lại để bảo vệ cảnh quan môi trường cho khu công nghiệp Phú Tài. Ông Man Ngọc Lý, trưởng ban quản lý khu kinh tế Bình Định nói: “Nếu giao khu vực này cho doanh nghiệp khai thác, thì sẽ làm mất cảnh quan môi trường của khu công nghiệp, đất đá đổ xuống sẽ không xử lý được. Vì vậy, chúng tôi đề xuất tỉnh giữ lại, không cấp cho các doanh nghệp khai thác”. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng tình trạng khai thác đá trái phép diễn ra hàng ngày tại khu vực đó, liệu ban quản lý khu kinh tế có biết không, ông Lý khẳng định: “Chúng tôi biết, nhưng khu vực này không nằm trong khu công nghiệp Phú Tài, nên không thuộc quyền quản lý của chúng tôi”. Rõ ràng, nguồn tài nguyên đá granit vàng của tỉnh Bình Định đang ở trong tình trạng vô chủ, mặc sức cho “đá tặc” tung hoành trong nhiều năm qua, vừa gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng của nhà nước, vừa gây bất bình cho người dân sở tại.

bài và ảnh: Võ Hoàng Minh
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nguyễn Thùy Anh - vòng quanh thế giới bằng xe đạp điện:

Mạo hiểm nhưng thú vị



TT - Bắt đầu từ ngày lễ tình nhân năm 2011, Nguyễn Thùy Anh cùng Guim Valls Teruel - người Tây Ban Nha - làm một chuyến du hành vòng quanh thế giới bằng xe đạp điện với thông điệp: Hãy bảo vệ môi trường!

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=481540
Thùy Anh và chồng trước khi xuất phát  - Ảnh: HÒANG ĐIỆP



Thùy Anh làm quen với Guim Valls Teruel trong vai trò là phóng viên truyền hình của VTV6 Đài truyền hình Việt Nam. Khi ấy, Guim đến Việt Nam bằng xe đạp điện sau chặng đường dài 14.000km từ Bắc Kinh (6-2009) qua Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và trạm dừng chân cuối cùng là Úc (tháng 9-2010). Sau một năm quen biết và giữ liên lạc, năm 2010 Thùy Anh chính thức trở thành vợ của Guim và giờ đây họ là bạn đồng hành trên chặng đường chinh phục thế giới bằng xe đạp điện.

Chặng đường của tình yêu
Thùy Anh và Guim sẽ bắt đầu chặng đi mới của mình từ Việt Nam đến Anh với hành trình: Hà Nội - Lào - Thái Lan - Ấn Độ - Pakistan - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ - Hi Lạp - Yugoslavia - Ý - Pháp - Tây Ban Nha - Pháp - Bỉ - Ba Lan - London. Dự kiến nửa chặng đường này bắt đầu ngày 15-2-2011 và kết thúc vào mùa hè năm 2012.

Trong buổi họp báo sáng 14-2 tại Đại sứ quán Tây Ban Nha, Nguyễn Thùy Anh chia sẻ: “Chúng tôi chọn ngày 14-2 để họp báo làm ngày bắt đầu cho chặng đường của mình vì chuyến hành trình này được bắt đầu bằng tình yêu”. Cô hóm hỉnh kể: “Khi đến Việt Nam và gặp tôi, Guim cứ chùng chình chặng đường tiếp theo của chàng. Tôi phải nói: Anh phải tiếp tục chặng đường của mình chứ không thể dừng chân tại Việt Nam quá lâu”.

Thùy Anh nói: “Đây là chuyến trăng mật dài ngày của chúng tôi sau khi kết hôn bởi những trải nghiệm thú vị của hôn nhân sẽ được đồng hành cùng chuyến đi”. Dĩ nhiên, những quốc gia bất ổn về an ninh và chính trị các bạn sẽ không ghé qua.

Bỏ tiền túi để thực hiện hành trình
So với các hành trình vòng quanh thế giới khác, chặng đi này của cô gái Việt mảnh mai và chàng trai người Tây Ban Nha sẽ khó khăn hơn nhiều. Bởi: “Là con gái sinh ra tại Hà Nội, tôi cũng không thể tưởng tượng được mình sẽ đi vòng quanh thế giới bằng xe đạp như thế nào, sẽ ăn ngủ, sinh hoạt ra sao với số đồ dùng mang theo được giản tiện đến mức tối đa”. Không có kinh nghiệm để thực hiện hành trình nhưng trước khi bước chân vào chặng đường khó khăn này, Thùy Anh đã phải tham khảo những chuyến đi khác ở nước ngoài về việc tổ chức đồ dùng, ứng xử trên đường...

“Chúng tôi cố gắng di chuyển bằng xe đạp điện đến các quốc gia, còn những nước không thể đến được bằng đường bộ mới phải dùng phương tiện khác - Thùy Anh nói và cũng thừa nhận - Hiện tại chúng tôi được tài trợ hai chiếc xe đạp điện chạy bằng pin mặt trời nhưng tất cả chi phí của chuyến đi hai vợ chồng phải bỏ tiền túi ra. Chặng đường từ Anh về Việt Nam vòng qua châu Phi, châu Mỹ còn lại phải trông chờ vào sự hảo tâm của các nhà tài trợ”.

Và để tăng thêm kinh phí cho chuyến đi tốn kém này, Thùy Anh và Guim không ngần ngại in những chiếc áo phông có logo của đại diện cho chuyến đi của mình. Guim chia sẻ: “Các bạn có thể đóng góp cho chúng tôi bằng việc mua chiếc áo phông này và theo dõi hành trình của chúng tôi trên website www.ebwt.org”.

Tuy nhiên, dù giản tiện đến mấy thì những thứ mà vợ chồng này nhất quyết mang theo là máy tính, máy quay phim và máy ảnh. “VTV6 sẽ là đơn vị bảo trợ thông tin cho cả chuyến đi của chúng tôi. Trên chặng đường đi của mình, chúng tôi sẽ làm phim và một phần được phát trên kênh VTV6 Đài truyền hình Việt Nam. Số phim còn lại này sẽ được rao bán trên mạng” - Thùy Anh nói.

HOÀNG ĐIỆP
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Sông Mê Kông chờ phán quyết

Số phận của sông Mê Kông cùng hàng chục triệu cư dân sinh sống trên lưu vực, đặc biệt là vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tùy thuộc vào phán quyết cho dự án đập thủy điện Xayaburi trong tháng 4.2011.

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa để 4 nước thành viên của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đưa ra quyết định cuối cùng về việc tiến hành xây dựng con đập Xayaburi nhưng những người dân sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án gây tranh cãi này cho rằng họ nhận được quá ít thông tin cần thiết. Các tổ chức phi chính phủ về môi trường cũng đặt dấu hỏi về quá trình tham vấn dư luận của MRC về đập thủy điện này.

Đặt người dân vào thế đã rồi?

Bà Ame Trandem, thành viên của Tổ chức International Rivers, nói với phóng viên Thanh Niên: “MRC bắt đầu công bố tiến trình Quy chế về thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) cho dự án đập Xayaburi vào tháng 9.2010. Đây là tiến trình kéo dài trong 6 tháng và là khuôn khổ pháp lý cho các phiên tham vấn dư luận liên quan. Tuy nhiên đến tận cuối tháng 12 MRC mới đưa ra những giải thích cụ thể về việc triển khai và mới cho biết là sẽ có tham vấn dư luận. Và mãi đến tận tháng 1.2011, chỉ 3 tháng trước khi ra phán quyết cuối cùng, MRC mới thông báo về thời gian diễn ra tham vấn. Lẽ ra, các cuộc tham vấn trên phải được hoạch định ngay từ tháng 9.2010”.

"Nếu đồng ý cho xây dựng đập thủy điện Xayaburi sẽ tạo một tiền lệ xấu cho những công trình còn lại"

Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN-MT

Trả lời Thanh Niên qua e-mail về vấn đề trên, Giám đốc điều hành Ban Thư ký của MRC, ông Jeremy Bird, nói: “Tất cả những thông tin liên quan đến thiết kế con đập và quan ngại về hệ lụy môi trường - xã hội của nó đã được chúng tôi trình bày cặn kẽ đến mọi thành viên tham dự các phiên tham vấn ở từng nước. Chúng tôi cũng vừa được Ủy hội sông Mê Kông Lào thông báo là nghiên cứu khả thi của con đập Xayaburi đã được cập nhật trên website Xayaburi.com”.

Tuy nhiên, bà Trandem cho rằng báo cáo trên không chuyển tải đầy đủ các thông tin quan trọng về dự án đập Xayaburi. “Điều quan trọng là báo cáo chỉ mới được công bố gần đây, sau rất nhiều phiên tham vấn dư luận và chỉ được thể hiện bằng tiếng Anh, thì liệu nó có đến được với hàng triệu người đang sinh sống ở lưu vực sông Mê Kông sẽ bị ảnh hưởng bởi con đập này hay không?”, bà đặt vấn đề.

Phát biểu trên tờ Cambodia Daily mới đây, Giám đốc Diễn đàn NGO Campuchia, bà Chhit Sam Ath cũng bày tỏ quan ngại về việc thiếu các thông tin dự án được công bố.

Bảo vệ cho vựa lúa của thế giới

Ông Roãn Ngọc Chiến, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Vĩnh Long, nói: "Không nên cho khai thác thủy điện trên dòng chính và cần bảo vệ quan điểm này tới cùng vì tác động của nó đến sản xuất nông nghiệp là điều không thể tránh khỏi, trong khi ĐBSCL có tới 80% dân số sống bằng nghề nông và 70% diện tích đất nông nghiệp. Vì vậy, bảo vệ ĐBSCL cũng có nghĩa là bảo vệ cho vựa lúa của thế giới".

Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, trong mùa nước nổi năm nay, mực nước cao nhất ở vùng ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm đến 40 cm là một dấu hiệu rất đang lo ngại. Nếu nước từ thượng nguồn bị giữ lại thì tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở hạ nguồn sẽ càng gay gắt hơn. Còn khi ở thượng nguồn xảy ra lũ, các đập thủy điện đồng loạt xả nước thì vùng hạ nguồn cũng sẽ lãnh đủ. Như vậy, ĐBSCL sẽ chịu tác động kép giữa cường độ dòng chảy của sông Mê Kông và tình trạng nước biển dâng.

Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN-MT, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban sông Mê Kông VN, khẳng định: “Xây dựng các công trình trên dòng chính sông Mê Kông sẽ gây ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ đối với khu vực hạ nguồn. Nếu đồng ý cho xây dựng đập thủy điện Xayaburi sẽ tạo một tiền lệ xấu cho những công trình còn lại. Chúng tôi sẽ đề nghị MRC quốc tế nghiêm túc xem xét vấn đề này một cách cẩn trọng. Trước tiên là lùi thời hạn ra quyết định cho phép xây dựng các đập thủy điện để nghiên cứu thêm”.

Ẩn họa Xayaburi

Đập Xayaburi nếu được chấp thuận sẽ nằm cắt ngang sông Mê Kông, thuộc phần lãnh thổ của Lào ở vị trí cách ĐBSCL

1.930 km, cách biên giới Thái Lan về phía nam (tỉnh Chiang Rai) 365 km. Diện tích bề mặt hồ chứa rộng 49 km2, chiều dài đập 820m, độ cao đỉnh đập 280m, công suất lắp máy 1.285 MW, khả năng xả lũ (thiết kế) 47.500 m3/giây. Theo dự kiến con đập sẽ xây dựng trong 8 năm, tức hoàn thành vào năm 2019. Chủ đầu tư là Công ty SEAN & Ch.Karnchang Public (Thái Lan).

Theo các tổ chức môi trường, nếu đi vào vận hành, đập Xayaburi sẽ hủy hoại vĩnh viễn môi trường sống và hệ sinh thái của sông Mê Kông, đẩy 41 loài cá tới nguy cơ tuyệt chủng, ảnh hưởng tới phương kế sinh nhai cũng như an ninh lương thực của hàng chục triệu người trong khu vực.

Trong hội thảo tham vấn được tổ chức tại TP Cần Thơ vào giữa tháng 1.2011, các nhà khoa học đều nhất trí không nên xây dựng bất cứ con đập nào trên dòng chính sông Mê Kông, hay ít nhất là lùi thời hạn xây dựng đập để nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn.

Theo dự kiến ngày 22.4 năm nay, MRC sẽ có quyết định cuối cùng về con đập Xayaburi.

Thiếu thông tin

Trên thực tế, hội thảo tham vấn quốc gia về công trình thủy điện Xayaburi tổ chức tại TP Cần Thơ hôm 14.1.2011 cũng chỉ có hơn 50 đại biểu là các nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL, hoàn toàn không có đại điện của những cư dân sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án này.

Trong kế hoạch hội thảo ngày 22.2 tới tại Quảng Ninh cũng chỉ lấy ý kiến tham vấn của các cơ quan quản lý môi trường, các nhà khoa học, các chuyên gia trong ngành, cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và một số đại diện các hiệp hội ngành nghề liên quan, không có sự tham dự của người dân vùng ĐBSCL.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Ủy ban (UB) sông Mê Kông VN cho rằng, tài liệu về đập Xayaburi còn thiếu nhiều thông tin chi tiết về kỹ thuật và đánh giá tác động; không xem xét đánh giá tác động lũy tích và xuyên biên giới, thiếu thông tin về các biện pháp giảm thiểu. Còn đánh giá chi tiết từng nội dung của tài liệu thì đều không đầy đủ, thiếu cơ bản và thậm chí nhiều nội dung không có trong báo cáo. Trước mắt, UB sông Mê Kông VN sẽ yêu cầu cung cấp những thông tin chi tiết và đầy đủ nhất để làm cơ sở đánh giá.

Theo ông Nguyễn Thanh Nguyên, thành viên UB sông Mê Kông VN, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, thì “chỉ nên đồng ý cho xây dựng khi có những luận cứ khoa học đầy đủ chứng minh nó không gây ảnh hưởng gì đến vùng hạ lưu”.



Nên hoãn lại 10 năm nữa

Trao đổi với Thanh Niên, TS Tô Văn Trường (Ban chủ nhiệm Chương trình KC08/06-10 của Bộ Khoa học - Công nghệ) cho biết: “Hiện nay, Thường trực Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo nhưng theo quy trình thủ tục thông báo tham vấn trước và thỏa thuận trong MRC, phía Lào đã chuyển tài liệu cho VN từ tháng 10.2010 thì đến tháng 4.2011 (sau 6 tháng) phía VN phải chính thức trả lời. Trách nhiệm chính tham mưu cho Chính phủ là Bộ TN-MT và UB sông Mê Kông VN. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang gấp rút hoàn thành báo cáo dự án Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.

Về dự án thủy điện Xayaburi, ông nói: “Tôi ủng hộ giải pháp hoãn lại 10 năm để tiếp tục nghiên cứu”.

Mai Hà

PGS-TS Hà Thanh Toàn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ có ý kiến: Để tăng tính khách quan và độ chính xác trong việc nghiên cứu những tác hại mà các đập thủy điện có thể gây ra đối với môi trường và hệ sinh thái vùng hạ lưu, MRC cần thành lập một hội đồng khoa học gồm các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm lâu năm của các nước tham gia, cũng như sử dụng các tài liệu nghiên cứu chính thống của các quốc gia thành viên.

Mai Hà - Chí Nhân
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cảm ơn anh Thái Thanh Tâm đã đăng bài hay.

Mời các bạn xem thêm tại:

Trang 19: Đập thủy điện Xayaburi trên sông MeKong: 14 triệu người dân VN bị ảnh hưởng

Trang 14: Hoãn xây đập trên dòng chính sông Mekong

Trang 13: Đập thủy điện sông Mekong: Mối đe dọa lớn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

19 đập nước đe doạ sông Mekong



SGTT.VN - Tìm cách chết êm ái, nhân đạo cho dòng Mekong là kịch bản mà các bên tham gia đã nhìn thấy tại diễn đàn “-Kế hoạch phát triển lưu vực sông Mekong lần thứ 3” được Uỷ ban sông Mekong tổ chức tại Vientiane, Lào, từ ngày 29 đến 30.7.2010.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=113494
Thuyền bè lưu thông trên sông Mekong, đoạn chảy qua thủ đô Phnom Penh của Campuchia Ảnh: Reuters



Một ngày không xa, dòng Mekong hùng vĩ sẽ trở thành một dòng sông chết, nhân danh một kế hoạch phát triển dòng sông người ta đã soạn sẵn kế hoạch chu đáo nhằm cắt khúc và giết chết từng phần dòng Mekong.

Việt Nam mất 2 tỉ USD
ThS Kỷ Quang Vinh, giám đốc trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ, một đại biểu tham gia diễn đàn cho biết: “Tôi có cảm giác diễn đàn này là bước chuẩn bị cho một cái chết nhân đạo cho dòng Mekong vì kế hoạch đã được định sẵn, chỉ còn chờ sự đồng ý của các bên là tiến hành”.

Việc xây dựng tám đập thuỷ điện trên lãnh thổ Trung Quốc và các đập trên dòng chính của Thái Lan, Lào, Campuchia, trong đó có đập Sambor (Campuchia), chiều ngang 18km, cao 86m – nếu có xảy ra vỡ đập, cả đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị nhấn chìm trong nước. Dòng Mekong hùng vĩ sẽ biến thành 19 hồ trữ nước và các đoạn sông chết. Việc làm này gây hại cho khoảng 240.000 – 480.000 tấn cá tự nhiên của Việt Nam/năm mà tính giá trị kinh tế là gần 2 tỉ USD bị mất đi, đồng thời làm chế độ dòng chảy bị biến đổi trầm trọng, trong đó các đập sẽ phải trữ nước trong mùa khô và xả nước trong mùa lũ, làm cho sự biến đổi ngày càng tồi tệ. Sông Mekong trong kế hoạch phát triển này sẽ trở thành dòng sông chết theo định nghĩa của hiệp hội Sông ngòi quốc tế.

Nếu kế hoạch xây dựng 19 đập thuỷ điện trên dòng chính của sông Mekong được thực hiện, ĐBSCL sẽ rơi vào thảm hoạ. Bởi vì theo các nhà khoa học Việt Nam tham gia diễn đàn, ĐBSCL chỉ có thế mạnh kinh tế là lúa và cá là đáng kể. Hai nguồn lợi này sẽ bị gây hại trầm trọng vì chế độ thuỷ văn chắc chắn sẽ bị thay đổi, năng lượng của dòng sông bị giảm đột ngột, không còn sự chuyển mùa, phù sa ít đi, dòng di cư của các loài cá sẽ bị chia cắt, sự xâm nhập mặn sẽ ngày càng trầm trọng hơn, sự ổn định của đồng bằng sẽ không còn nữa; bên cạnh sự tác hại đến nguồn thuỷ sản tự nhiên của sông Mekong, thuỷ sản ven bờ Việt Nam – khu vực từ Quảng Ngãi đến Hà Tiên, Phú Quốc – cũng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng vì không còn mối liên hệ giữa thượng nguồn và biển, không còn chất hữu cơ từ sông để nuôi sống lượng thuỷ sản ven bờ, ngành đánh bắt ven bờ có nguy cơ bị suy sụp...

“Thiệt hại cho thuỷ sản và lúa ở ĐBSCL sẽ gây ra thiệt hại dây chuyền, vì các loài cá trắng, nguồn thực phẩm cho người nghèo, cho các loài chim cò, cá đen… sẽ không thể di cư để sinh sản. Sự mất đi của chúng sẽ kéo theo sự đói kém của các giống loài khác, trong đó có hàng triệu người nghèo… Mặt khác, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt như hiện nay, những tác hại đó sẽ càng ngày trầm trọng”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia bảo tồn thiên nhiên và đất ngập nước ở ĐBSCL khẳng định.

Chia sẻ hay chia cắt?
Theo hiệp hội Sông ngòi quốc tế: “Chỉ cần một bờ đập trên dòng chính là đủ giết chết cả một dòng sông”. Ở đây, Uỷ ban sông Mekong đã trình bày kế hoạch phát triển đến 19 đập trên dòng chính.

Không khác nào giấy báo tử cho dòng sông. Một số nhà khoa học Việt Nam đã đặt ra các câu hỏi, trong đó mở đầu là “Tại sao phải là đập thuỷ điện?” Theo ngân hàng Thế giới, con người có thể chọn năng lượng gió. Tiềm năng phong điện của Việt Nam gấp 200 lần thuỷ điện Sơn La, điện hạt nhân... với tiến bộ kỹ thuật sẽ có công suất cực kỳ cao mà lại an toàn hơn thuỷ điện gấp trăm lần.

Nếu như ta có nhiều sự lựa chọn cho vấn đề năng lượng thì đa dạng sinh học hay cụ thể là các loài cá sẽ mất đi, không còn cơ hội phục hồi và tái tạo... Nếu nhìn những lát cắt này quan trọng đối với lịch sử tiến hoá của loài người, nhưng không cần bảo vệ, thì sự mất đi mãi mãi không chỉ là loài cá mà cả cuộc sống gắn với nguồn tài nguyên này.

ThS Kỷ Quang Vinh cho rằng để xây dựng một đồng bằng bền vững, không gì khác hơn là phải trả những gì của tự nhiên về cho tự nhiên. Cùng hợp tác để tìm cách phát huy năng lực tự nhiên của dòng sông, phát triển hệ sinh thái chứ không thể áp đặt ý muốn chủ quan của mình vào tự nhiên. Con người cần biết sử dụng tiết kiệm tài nguyên của dòng sông, tác động một cách ít nhất vào hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng năng lượng tái tạo… thì mới mong có được sự phát triển bền vững, lâu dài.

Vậy mà, Uỷ ban sông Mekong vẫn đưa ra kế hoạch bất chấp lợi hại trước mắt cũng như lâu dài cho cả lưu vực 750.000m3.

PHI PHỤNG


Nếu kế hoạch xây dựng 19 đập thuỷ điện trên dòng chính của sông Mekong được thực hiện, đồng bằng sông Cửu Long sẽ rơi vào thảm hoạ.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [17] [18] [19] [20] [21] [22] [23] ... ›Trang sau »Trang cuối