Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [18] [19] [20] [21] [22] [23] [24] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mục lục

(tiếp theo từ trang 20)



164. “Án tử” cho đồng bằng sông Cửu Long?  (Hương Giang)

165. Lào nên hoãn quyết định xây dựng đập Xayabury

166. Trồng 64.000 cây trong 15 phút  (Tường Vy)

167. Chuyện về Rùa Hồ Gươm… không phải ai cũng biết  (Linh Hương - Trần Phương)

168. Mưa dầm thấm sâu  (Đặng Tươi)

169. Tàn ác với thiên nhiên  (Lê Thúy Hằng)

170. Thư của tướng Đồng Sĩ Nguyên gửi Quốc hội

171. Ai đầu độc dòng sông mẹ?  (Thái Sinh)

172. Vụ giết thông bằng thuốc độc ở Lâm Đồng: Mất bò mới lo làm chuồng  (Quang Sáng)



Mời xem tiếp ở trang 22

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Xây đập Xayabury trên dòng Mekong:

“Án tử” cho đồng bằng sông Cửu Long?



TT - “Nói đến vấn đề đáng lo lắng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long là thiếu nước chứ không phải lũ lụt hay ô nhiễm” - Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Thái Lai nói như vậy trong cuộc họp tham vấn quốc gia tại Hạ Long ngày 22-2 về dự án công trình thủy điện Xayabury của Lào.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=483025
Hiện mặn đã xâm nhập sâu vào đồng bằng sông Cửu Long, nếu xây đập Xayabury mặn càng xâm nhập sâu hơn. Trong ảnh: kiểm tra độ mặn tại cống Vàm Rồng (xã Vĩnh Hựu, Gò Công Tây, Tiền Giang) - Ảnh: M.Thuận



Các chuyên gia có mặt đều lo ngại cho sự sống còn của vựa lúa lớn nhất Việt Nam nếu đập Xayabury và các con đập khác được xây dựng trên dòng chính sông Mekong. Cuối buổi họp, các ý kiến đều nhất trí đề xuất Lào nên kéo dài thời gian tham vấn và cần trì hoãn việc xây dựng con đập này.

Việt Nam lợi ít thiệt nhiều
Ông Trương Hồng Tiến, chuyên viên văn phòng thường trực của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, cho biết: theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, nếu toàn bộ 12 dự án thủy điện trên dòng chính Mekong thành hiện thực sẽ chỉ đáp ứng được 6% nhu cầu điện của các nước trong khu vực và 5% tổng sản lượng điện cho Việt Nam (khi mua lại), đồng thời 50% lượng phù sa sẽ bị giữ lại bởi các hồ thủy điện của Trung Quốc, 25% bị giữ lại bởi các con đập hạ lưu sông Mekong. Việt Nam và Campuchia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về mức độ giảm độ dinh dưỡng đất, riêng phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm từ khoảng 26 triệu tấn/năm còn 7 triệu tấn/năm. “Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam” - ông Tiến nói.

Theo báo cáo đánh giá chiến lược môi trường do các chuyên gia quốc tế độc lập thực hiện, Lào sẽ là quốc gia có lợi nhất khi các công trình này được xây dựng. Dự kiến mỗi năm các công trình thủy điện sẽ mang lại 3-4 tỉ USD/năm, trong đó 70% cho Lào, Campuchia và Thái Lan chiếm khoảng 11%, Việt Nam chỉ thu được 5% lợi nhuận nếu tham gia đầu tư.

Chủ trì cuộc họp tham vấn tại Hạ Long, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai khẳng định việc khai thác tài nguyên nước có tác động đến toàn bộ cộng đồng sinh sống ven dòng sông. “Các nhà đầu tư nói đập thủy điện chỉ sử dụng nước và sau đó là trả lại nước cho dòng sông nên không có tác hại, nhưng trên thực tế điều đó làm thay đổi chế độ dòng chảy sâu sắc” - ông Lai nói.

Ông Trần Văn Tuấn, cán bộ ban thư ký Ủy hội sông Mekong tại văn phòng Phnom Penh (Campuchia), cũng nhận định: “Nếu xây các con đập trên dòng chính sẽ làm giảm năng lực tích nước của hồ chứa, giảm lượng phù sa, thay đổi phức tạp các vùng có phù sa, đất bồi và gây thoái hóa vùng nước, chắc chắn sản lượng cá sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng”.

Nên trì hoãn việc xây đập Xayabury
Ông Nguyễn Thái Lai và nhiều chuyên gia tại cuộc họp đều nhất trí việc đánh giá tác động từ đập Xayabury phải được đặt vào bối cảnh chung của toàn bộ 12 công trình. “Tác động lũy tích rất quan trọng. Tác động về thiếu nước và bồi đắp phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long là trầm trọng. Thử tưởng tượng đồng bằng sông Cửu Long không được bù đắp phù sa, không có lũ thì sẽ thế nào? Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề ở tầm nhìn 100-200 năm. Cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học nhìn chung đều cho rằng không nên xây dựng công trình thủy điện trên dòng chính” - ông Lai nói.

Cũng lo ngại về đập Xayabury, bà Ngụy Thị Khanh - điều phối viên Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cho rằng con đập sẽ gây ra những mất mát to lớn không thể phục hồi hay bù đắp được với đồng bằng sông Cửu Long. Bà Khanh khẳng định các nghiên cứu quốc tế đều chỉ ra các loài cá di cư nước ngọt không thể vượt bậc thang cao 32m như của đập Xayabury.

Ông Nguyễn Chí Công, phó giám đốc Trung tâm Quy hoạch - điều tra tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - môi trường), nêu vấn đề cần trì hoãn việc xây đập để các nước liên quan thảo luận cơ chế chia sẻ lợi ích cụ thể. “Có thể đề nghị Việt Nam tham gia quá trình vận hành đập Xayabury” - ông Công nói. Ông Nguyễn Đức Tú, phụ trách chương trình nước và đất ngập nước của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Việt Nam, cho rằng quá trình tham vấn cần diễn ra chậm hơn để các bên có đủ thông tin đưa ra quan điểm cuối cùng.

Ông Huỳnh Tiến Dũng, đại diện Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam, đặt vấn đề việc phát triển các đập thủy điện như vậy sẽ không chỉ ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản, sinh kế của người dân Việt Nam nói riêng. Do đó cần phải có đánh giá cụ thể về nguồn lợi mà Lào thu được từ việc xây đập có bù đắp được các mất mát gây ra không.

HƯƠNG GIANG


Khai thác cạn kiệt sông Mekong

Hội nghị hôm nay thảo luận về đập Xayabury, có điểm khó khăn là chúng ta đứng trước thế bị động. Đến nay, các đập ở thượng nguồn sông Mekong ở phía Trung Quốc đã xây xong, ở sông nhánh của Thái Lan đã xong, ở sông nhánh Việt Nam và Lào cũng gần xong. Điều đặt ra cho khu vực trung lưu và hạ lưu của dòng chính là sự đã rồi. Đến bây giờ, theo báo cáo của Ủy hội sông Mekong, dòng chính thượng nguồn cộng với các sông nhánh là nơi điều tiết dòng chảy, với dung tích 40-50 tỉ m3, còn lũy tích của mọi dung tích có ích của trung lưu và hạ lưu là 5 tỉ m3 nước, tức là tác động điều tiết dòng chảy đã xảy ra rồi. Bây giờ chúng ta ở thế là thảo luận về cái gọi là “giọt nước tràn ly” - hành động khai thác cùng kiệt Mekong.

Bà Đỗ Hồng Phấn (chủ tịch hội đồng quản lý tài nguyên nước,
Trung tâm Hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước


Gây nhiều tác hại
Xayabury là con đập dâng đầu tiên trong số 12 con đập dự kiến hình thành trên dòng chính thuộc đoạn trung lưu sông Mekong. Sự kiện này đang gây chú ý trong dư luận, các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức xã hội và cộng đồng cư dân sống dọc hạ lưu dòng chảy. Bên cạnh lợi ích cục bộ cho nhà đầu tư Thái Lan và Lào từ nguồn bán điện, sự vận hành con đập sẽ tạo các tác động tiêu cực làm thay đổi tính chất dòng chảy trên sông, ảnh hưởng đến sự di cư và tồn tại nhiều loài cá nước ngọt sông Mekong. Nhiều cư dân lân cận đập nước sẽ bị mất đất và phải di dời, các hệ canh tác và hệ sinh thái đất ngập nước - cả vùng nước ngọt và vùng nước mặn. Đập nước sẽ làm giảm nguồn phù sa quý giá cho các cánh đồng, quá trình xói mòn hai bên bờ sông phía dưới sẽ gia tăng, đồng thời với việc xâm nhập mặn sâu hơn ở vùng ven biển. Nhiều cánh rừng ngập nước theo mùa và vùng rừng sát ngập mặn ven biển bị thu hẹp. Hệ lụy này có thể liên quan đến hơn 40 triệu người dân, đặc biệt là ở hạ lưu vùng đồng bằng Campuchia và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ts Lê Anh Tuấn (Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ)

D.T.H. ghi
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lào nên hoãn quyết định xây dựng đập Xayabury



TTO - Lào nên trì hoãn việc ra quyết định xây dựng đập Xayabury trên dòng chính sông Mekong. Đó là một trong những kiến nghị đưa ra tại cuộc họp tham vấn quốc gia về công trình thủy điện này do Ủy ban Mekong Việt Nam tổ chức tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, ngày 22-2.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=482946
Nơi dự kiến xây đập cho dự án thủy điện Xayaburi ở Lào - Ảnh: Internationalrivers.org



Dự án đập Xayabury của Lào, một trong 12 dự án đập thủy điện trên dòng chính Mekong, đang trong giai đoạn tham vấn các nước liên quan là Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Tại Việt Nam, hội thảo đầu tiên lấy ý kiến các chính quyền địa phương, giới chuyên gia, nghiên cứu… đã được tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 1 năm nay. Theo đó, toàn bộ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều phản đối kế hoạch xây đập này.

Hiện đang có những tiếng nói khác nhau về tác động của con đập này tới môi trường, hệ sinh thái và sinh kế của các cộng đồng dân cư liên quan.

Ông Trương Hồng Tiến - chuyên viên văn phòng thường trực, Ủy ban sông Mekong Việt Nam - cho biết trong các quốc gia trong Ủy hội sông Mekong (MRC) thì Lào có lợi nhất từ đập Xayabury. Trong khi đó, lượng thủy sản của Việt Nam sẽ giảm từ 200.000 - 400.000 tấn/năm.

Chủ trì cuộc họp tham vấn hôm nay tại Hạ Long, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Thái Lai khẳng định việc khai thác tài nguyên nước có tác động đến toàn bộ cộng đồng sinh sống ven dòng sông. "Các nhà đầu tư nói đập thủy điện chỉ sử dụng nước và sau đó là trả lại nước cho dòng sông nên không có tác hại; nhưng trên thực tế điều đó làm thay đổi chế độ dòng chảy sâu sắc… Nếu cộng lũy tích của 12 công trình thủy điện thì tác động sẽ rất nghiêm trọng".

Ông Trương Hồng Tiến cho biết trước đó, tại cuộc họp liên hợp của Ủy hội sông Mekong ngày 14-2, các đại biểu Campuchia lo ngại về tác động của đập Xayabury đến các cộng đồng ven sông và cho rằng thời gian tham vấn 6 tháng là quá ngắn.

Campuchia là nước ủng hộ đề xuất của các chuyên gia quốc tế đưa ra trong báo cáo Môi trường chiến lược là lùi việc xây đập thêm 10 năm nữa. Các đại biểu Thái Lan cũng cho rằng thông tin từ phía Lào cung cấp chưa đầy đủ, nhất là thiếu cụ thể về các tác động xuyên biên giới.

Hạn cuối để các nước thể hiện quan điểm chính thức là 22-4-2011.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết sẽ kiến nghị với chính phủ là đề nghị Lào tiếp tục cung cấp thông tin về dự án đập Xayabury.

Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế có kinh nghiệm giúp các nước hạ lưu sông Mekong đánh giá đầy đủ, chi tiết và toàn diện quy hoạch tổng thể thủy điện trên dòng chính, giao cho Ủy ban sông Mekong Việt Nam chủ động nghiên cứu các tác động từ các công trình này và trong khi thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng thì kiến nghị Lào trì hoãn ra quyết định xây dựng đập Xayabury.

HƯƠNG GIANG


Đập Xayabury khi được xây dựng sẽ có chiều dài 820m, cao 32,6m, diện tích ngập 49km2 và khả năng xả lũ thiết kế là 47.500m3/giây. Chủ đầu tư là Công ty TNHH SEAN & Ch. Karnchang Public của Thái Lan, bên mua điện sẽ chủ yếu là Thái Lan và một phần là cung cấp nhu cầu điện của Lào.
Nếu được khởi công theo đúng kế hoạch vào tháng 4 năm nay, đập Xayabury sẽ được vận hành từ năm 2019.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trồng 64.000 cây trong 15 phút



TTO - Kỷ lục này vừa được các nhà hoạt động môi trường Philippines thiết lập hôm 24-2 và đã được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness thế giới.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=483362
Gần 7.000 người đã tham gia chiến dịch trồng cây tại Camarines Sur - Ảnh: AFP



Theo người phát ngôn dự án "Xanh" (The Green), bà Mara Joneil Cordova, gần 7.000 người đã tham gia chiến dịch trồng cây quy mô lớn tại các cánh rừng và đồng cỏ đã bị phát hoang ở tỉnh Camarines Sur, miền đông Philippines.

"Chúng tôi đã trồng được 64.096 cây con chỉ trong 15 phút, và kỷ lục này đã được Sách Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận", Cordova nói với hãng tin AFP.

Một kỷ lục tương tự đã được lập hồi năm ngoái khi có 50.033 cây con được trồng trong một chiến dịch trồng cây tại Ấn Độ.

Bà Cordova cho biết ngày 24-2 cũng là ngày khởi động chương trình trồng 12 triệu cây xanh tại các khu rừng bị đốn phá tại Camarines Sur vào năm tới. Chương trình do chính phủ hậu thuẫn này được hi vọng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng xói mòn và phục hồi các đường phân nước (đường chia mặt đất thành hai hướng sườn dốc, từ đó nước mưa rơi xuống sẽ chảy về hai phía đối nhau của đường phân nước tới hai lưu vực khác nhau).

Theo Tổ chức Bảo tồn quốc tế, các khu rừng của Philippines là một trong 10 điểm báo động về tình trạng phá rừng trên thế giới.

TƯỜNG VY
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Chuyện về Rùa Hồ Gươm …không phải ai cũng biết


Rùa Hồ Gươm đã gắn liền với Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội,; Rùa đã là di sản vô giá gắn với những Truyền thuyết Lịch sử-Văn hoá linh thiêng từ mấy ngàn năm nay. Vậy mà, câu chuyện thật sau đây của những người trong cuộc từ lâu đã trở thành “những kỷ niệm của lịch sử”, nhưng không phải ai cũng biết.

Hầu hết khách thập phương mỗi lần có dịp đi dọc theo Cầu Thê -Húc, tham quan Đền Ngọc Sơn, đều muốn chiêm ngưỡng tiêu bản Rùa Hồ Gươm hàng mấy trăm năm tuổi. Từ những cuộc gặp gỡ các chứng nhân của lịch sử, Báo Tổ Quốc đã ghi lại một số câu chuyện khá thú vị về Rùa Hồ Gươm.

Chuyện về “Cụ Rùa “ trong tủ kính :

Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 28 tháng 04 năm 1968, một người dân tới trụ sở Công An khu Hoàn Kiếm –Hà Nội (số 2 phố Tràng Thi - 50 phố Lê Thái Tổ), báo tin với kíp trực khi thấy rất nhiều người tập trung ở khu vực Hồ Gươm gần nhà Thủy Tạ để xem Rùa nổi, yêu cầu cần giải tán gấp đề phòng máy bay Mỹ đến bắn phá sẽ có thương vong lớn. Nhận thấy ý kiến người dân là đúng, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Trần Phương- chỉ huy trực ban ngày hôm ấy (bây giờ là Trung tá Trần Phương đã nghỉ hưu) đã cùng anh Thuận- một trinh sát trẻ ra ngay hiện trường. Hai người đạp xe mới đến đoạn Khách sạn Phú Gia-Câu lạc bộ Thống Nhất lúc bấy giờ đã thấy khoảng vài chục người xúm xít cạnh hồ. Ngay sát mép hồ là một Cụ Rùa rất to nổi ngay sát bờ. Trên mai rùa là một đám bọt màu hồng to như cái mũ nổi sùi lên.
Đội trưởng Trần Phương và trinh sát Thuận một mặt yêu cầu mọi người khẩn trương giải tán, phòng lúc báo động sẽ không kịp xuống hầm; mặt khác dùng đòn gánh đẩy rùa ra xa bờ. Nhưng không hiểu sao, cụ Rùa chẳng tỏ ra sợ hãi, lại cứ từ từ bơi vào bờ như không cần biết đến sự “giúp đỡ” của con người.Lúc này hai chiến sĩ Công an mới nhìn rõ đám bọt trên mai rùa là máu, chứng tỏ rùa bị thương có thể do mảnh đạn từ hai ngày hôm trước khi máy bay Mỹ ném bom bãi Phúc Tân (Hà Nội)? Đội Trưởng Phương cử ngay anh Thuận về báo cáo cấp trên, và chỉ một lúc sau nhận được chỉ thị của Chủ tịch Trần Duy Hưng từ UBND thành phố Hà Nội yêu cầu: “Sở công An, Sở Y Tế và Công ty Công viên cây xanh bằng mọi cách phải cứu chữa vết thương cho Rùa Hồ Gươm – một loài động vật đã gắn với truyền thuyết linh thiêng của Lịch sử” .
Kế hoạch chờ công ty công viên cây xanh mang xe cẩu đưa Cụ Rùa lên bờ chưa kịp triển khai thì Đài truyền thanh Hà Nội thông báo:  “Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 100 cây số, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu!”  và còi báo động vang lên liền ngay sau đó. Khi mọi người tản xuống hầm, hai chiến sĩ công an vẫn đứng lại trông cụ rùa. Ngay lúc ấy một chiếc xe Volga màu đen đeo biển ngoại giao đỗ lại. Đó chính là Tuỳ viên văn hoá của Đại sứ Quán Liên Xô , ông nói tiếng Việt rất sõi: ” Chưa bao giờ tôi được thấy rùa lớn thế này. Tôi muốn về lấy máy quay hình ảnh này”…
Theo chỉ thị của thành phố, cụ Rùa được nhanh chóng chuyển về căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (Di tích căn nhà ngày xưa nơi Tổng Bí Thư đầu tiên -đồng chí Trần Phú viết bản luận cương của Đảng) để bác sĩ thú y chữa trị vết thương. Một thùng thuốc kháng sinh Pê-ni-xi-lin – loại thuốc quý hơn vàng trong thời chiến được ngành y tế Hà Nội chuyển đến. Theo đề nghị của bác sĩ, muốn chữa được trước hết phải duy trì nhiệt độ mát như dưới nước, vì trong phòng nóng rùa sẽ không chịu nổi. Chỉ sau 15 phút, Xí nghiệp nước đá đã chở đến tám cây đá lớn xếp xung quanh rùa trong lúc bác sĩ điều trị vết thương. Phải nhớ và sống lại thời kỳ chiến tranh mới thấy được tám cây nước đá là đắt giá như thế nào. Mùa hè ngột ngạt, nóng nực, khô khát để có một viên đá nhỏ uống giải khát là hiếm hoi, quý giá vô cùng.
Đến 14 giờ cùng ngày, “cụ Rùa” chết. Lãnh đạo thành phố giao cho ngành Công an làm rõ nguyên nhân cái chết; giao cho Công ty công viên thực hiện bảo quản giữ gìn tiêu bản Rùa Hồ Gươm để trưng bày cho nhân dân biết. (Hiện nay “cụ” Rùa vẫn còn được đặt trong tủ kính tại Đền Ngọc Sơn – Hà Nội).

http://i836.photobucket.com/albums/zz289/mit55/724___news__cu_Rua_2.jpg
Cụ Rùa - di sản vô giá (Ảnh: Phạm Quyên)



Thực hiện khám nghiệm, xác định “Cụ Rùa” dài 2 mét 10, chiều rộng 1m20, nặng 250 kg, trên mai rùa có một lỗ thủng tròn, đường kính rộng 3cm, thủng xuống phổi của rùa, gây mất nhiều máu và có thể là nguyên nhân làm rùa không sống nổi. Kiểm tra bên trong không có mảnh đạn, đầu đạn nào. Trong bao tử rùa vẫn còn năm con cá mè dài khoảng 40 cm và mười hòn sỏi đá to bằng trứng gà, trứng vịt- chính là công cụ nghiền thức ăn để nuôi sống cụ rùa bao năm. Chuyên gia giải phẫu xác định tuổi của rùa thuộc loại “ Cụ ông”, có độ tuổi trên 900 năm.
Đội trưởng Phương và Trinh sát Thuận được tiếp tục giao nhiệm vụ điều tra tìm ra “hung thủ” nào đã đâm “cụ rùa”.
Không mấy khó khăn, hai chiến sĩ xác định được ngày hôm trước 27 tháng 4 năm 1968, Quốc doanh Cá thuộc Công ty thực phẩm Hà Nội được phép tổ chức đánh bắt cá ở Hồ Gươm. Nguồn tin từ một số nhân viên Quốc doanh Cá cho hay là Công ty có thuê bảy người bên ngoài thực hiện việc đánh bắt cá. Trong lúc thuyền của ông Thu (nhân sự thuê bên ngoài) thả lưới vét, thì có một cụ rùa rất to bám vào lưới, gỡ mãi không ra, thậm chí còn bị cụ rùa kéo cả thuyần đi. Buông tay ra thì mất lưới, không đánh được cá, có khi còn chìm cả thuyền. Bực bội, ông Thu ghìm rùa vào cạnh thuyền, lấy xà -beng đâm mạnh vào mai rùa, xuyên thủng cả vào trong.Có lẽ vì đau đau quá, rùa mềm móng, ông Thu mới gỡ được lưới.Do thọc sâu quá, phải khó khăn lắm, ông Thu mới rút được xà-beng ra.Như vậy là” thủ phạm” làm chết rùa đã được xác định và bị truy tố theo pháp luật.
Song, có lẽ vì biết được hậu quả của việc mình làm nên ông Thu trốn biệt . Mặc dù các trinh sát điều tra biết được quê ông Thu ở huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) nhưng không tổ chức truy tìm vì tình hình chiến tranh bắn phá ngày càng ác liệt. Sự việc được bỏ qua, không còn ai nhắc đến nữa.
Tưởng mọi chuyện đã xong, cuối năm 1968, công an khu Hoàn Kiếm Hà Nội lại nhận được một văn bản của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam- Nguyễn Hữu Thọ hỏi thăm về cái chết của Cụ Rùa Hồ Gươm, khiến những người trong cuộc lại một lần nữa phải giải trình cặn kẽ nguyên nhân, để có cơ sở giải thích cho một số kiều bào ta ở nước ngoài đang quan tâm về việc này.

Hai lần giải cứu “Ông Rùa”:

Những ngày đầu cách mạng tháng Tám thành công (1945) dạo ấy, nước sông Hồng lên to, trời vẫn mưa rất nhiều.Đứng trên đê, cho chân xuống có thể khỏa tới mặt sông. Nước Hồ Gươm ngập tràn tới phố Bảo Khánh. Trên mặt đường Lê Thái Tổ, một “cụ Rùa” to bằng vành bánh xe đạp bò lổm ngổm. Một ông lái xe ba -gác bắt gặp, thấy rùa to quá bèn bắt, lật ngửa ra, đặt lên xe, kéo về tận nhà ở phố Phan Phù Tiên, với dự tính làm một bữa rượu “liên hoan” no say với mấy vị hàng xóm. Nhận được tin quần chúng, Công an Quận I- Hà Nội lúc bấy giờ, đã nhanh chóng cử hai chiến sĩ truy đuổi tới tận nhà đối tượng. Lúc ấy “cụ Rùa – tù binh ” vẫn còn nằm phơi bụng trên xe ba gác.Cùng chứng kiến sự việc này từ đầu tới cuối có công an viên Lê Thế Hùng – chiến sĩ lực lượng Công an Xung phong ( Nay là cán bộ nghỉ hưu đã ngoài 80 tuổi vẫn còn sống tại Hà Nội).
Mười một năm sau, (1956), một cơn bão đổ bộ vào Hà Nội, cây cối đổ ngổn ngang. Một lần nửa nước Hồ Gươm lại tràn lên phố Bảo Khánh. Trước cửa Đền Hàng Trống lại một “cụ rùa” đang bò trên mặt đường. Mưa như trút nước. Không có đèn. Trời tối như mực.Một ông Xích lô đang cố chạy xe về nhà, tình cờ phát hiện, liền nhảy xuống, hai tay bê mai “cụ rùa”, cố sức đặt vào xe, rồi dẩy vội vào ngõ Hàng Hành. Sau đó, một mình ông ta dùng dây thừng thắt vào cổ “cụ rùa” kéo lên xà nhà để chuẩn bị xẻ thịt.Được sự giúp đỡ của quần chúng, một lần nữa Công an Quận I – Hà Nội lại kịp thời can thiệp giải cứu cho cụ rùa này. Nhưng do bị dây thừng thít chặt cổ khi treo lên xà nhà, nên rùa rất yếu. Để phục hồi cho Rùa, UBND Hà Nội đã cho thả cụ rùa này ở ao bán nguyệt cạnh chân núi Nùng trong khuôn viên Vườn Bách Thảo (Hà Nội).

Những giả thiết thú vị

Có thể ở Hồ Hoàn Kiếm có hai “Cụ Rùa” lớn tuổi nhất: Một “cụ Rùa ông” và một “cụ Rùa bà”. Cụ Rùa Ông đã chết do bị đâm thủng mai, còn cụ Rùa bà to hơn một chút , thỉnh thoảng vào các ngày đầu mùa hạ, khi tháp rùa còn cỏ mọc, cụ Rùa bà thường thích ngoi lên phơi nắng như ngóng mong cụ Rùa ông đi đâu mãi chưa về? Thỉnh thoảng cụ rùa bà vươn đầu lên cho người hiếu kỳ quay phim, chụp ảnh, đăng báo, bàn luận với nhau… rồi cụ lại lặn xuống lòng hồ nghỉ ngơi.

http://i836.photobucket.com/albums/zz289/mit55/724___news__cu_Rua-1.jpg
(Ảnh: Phạm Quyên)



Ngoài ra, còn có hai: Một “ông Rùa” và một “bà Rùa” to bằng bánh xe đạp. Nay chỉ còn một vị sống tại Hồ Gươm “chăm sóc” Cụ bà, còn một vị đã đi ở riêng tại hồ bán nguyện Vườn Bách Thảo như đã kể ở trên.
Như vậy, rất có thể trong lòng hồ Hoàn Kiếm chỉ còn có một “Cụ Rùa bà” và một “Rùa ông” (chắc là con trai cụ ?) to nặng hơn một tạ. Ngoài ra chắc chắn còn có nhiều rùa nhỏ con, cháu, chắt, chút, chít…nặng khoảng một, hai cân trở lên do người dân phóng sinh thả xuống hồ để lấy phước trong những lần Lễ- Tết mà thôi.

Hà Nội, tháng Tám- mùa Thu 2008
Linh Hương - Trần Phương
Nhân chuyện Rùa Hồ Gươm liên tục nổi (18 lần) trong tháng 2-2011 này ĐN trích đăng lại để các bạn tham khảo.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mưa dầm thấm sâu



TT - Một người mẹ ngạc nhiên vì buổi sáng con trai xách theo cà mèn mua bánh cuốn. Người mẹ khác vui với món quà xinh xắn của con gái làm từ... rác là những vỏ lon nước ngọt và vỏ hộp sữa. Đó là những câu chuyện của các bạn nhỏ lứa tuổi tiểu học, đang là học viên lớp Bajiko (Q.Tân Bình, TP.HCM).

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=482675
Các cô bé, cậu bé học viên lớp Bajiko say sưa làm thí nghiệm về môi trường - Ảnh: T.H.H.



Bảo vệ môi trường không phải là hô hào ầm ĩ, là việc dài hơi và đi vào từ chiều sâu giáo dục. Đó là điều chúng tôi đúc kết được sau hai năm theo dõi một lớp học thú vị...

Đổi hộp xốp = cà mèn
Nguyễn Phước Thuần, 8 tuổi, rất thích ăn bánh cuốn vào buổi sáng. Một năm nay, Thuần luôn có hai hộp cà mèn trong cặp, một để bánh cuốn, một đựng nước mắm. Cậu bé không bao giờ chịu để người bán cho đồ ăn vào hộp xốp vì Thuần nói: “Hộp xốp là rác, hại môi trường mà”. “Thấy con nói đúng nên mình cùng với con thực hiện” - chị Lâm Ngọc Phước Thu, mẹ Thuần, tâm sự. Chị Thu kể có một hôm đến đón con ở trường tiểu học thuộc quận 10, chị nhìn thấy con lượm rác xung quanh mình. Cách đây vài hôm, Thuần nói với mẹ với vẻ rất vui: “Hôm nay con chỉ nhặt được hai mẩu rác thôi, hôm trước là năm mẩu, chứng tỏ trường con đã ít rác hơn trước”.

Chị Đoàn Cẩm Anh - mẹ cô bạn nhỏ lớp 2 tên Aqsa (ba Aqsa là người Pakistan) - kể Aqsa chẳng bao giờ muốn vứt những gì gọi là rác. “Mẹ hãy để dành thùng cactông đựng sữa, con sẽ làm tủ sách” - Aqsa nói với mẹ. Còn vỏ hộp sữa, cô bé làm chiếc ly... chạy cho em mình 3 tuổi chơi. Rồi Aqsa nói chuyện nhiều với mẹ về vòng tuần hoàn của nước, làm sao để có nước sạch... “Tôi vui vì Aqsa có những việc làm hay, có những nhận xét lạ từ những sự vật xung quanh” - chị Cẩm Anh nói.

Vào lớp Bajiko sẽ nhìn thấy ngay những tờ giấy lớn dán trên bảng, trên tường. Ngoài những hình vẽ thiên nhiên, cây cỏ, đó còn là những bảng đăng ký dễ thương: “Không mang rác đến lớp (Thuần)”, “Phải ăn hết cơm (Lâm)”, “Không dùng hộp xốp, muỗng nhựa (Phương)”...

Những “cam kết” tự nguyện được các bạn nhỏ thực hiện rất nghiêm túc. Nếu hôm nào có bạn mang rác (hộp xốp) vào lớp thì tất cả biến rác này thành đồ ủ đất trồng cây.

Trải nghiệm mới yêu môi trường
Lớp Bajiko khác với tất cả lớp học thường thấy khác.

Trong Bajiko có nhiều khu vực thú vị. Nơi là bình lọc nước với từng lớp cát, sỏi, than được thầy trò Bajiko làm thí nghiệm xem nước nào trong nhất. Nơi thì sắp hàng những hộp ủ cơm thừa, ghi chữ “Tùng 8 muỗng cơm gà”, “Thuần 3 muỗng cơm dư”, “Hương Anh 6 muỗng”... để làm phân bón cho cây.

Những giờ học ở Bajiko nhiều lúc kéo dài tưởng như không có chỗ dừng, khi các bạn nhỏ trong giờ nghiên cứu động thực vật hỏi những câu hỏi “vô tận” như thế này: Tai mực nằm ở đâu? Tại sao tai châu chấu nằm ở chân? Vì sao tai rắn nằm ở cổ? Con sâu có bao nhiêu cái chân?...

Có hôm cả thầy và trò cùng nhau nướng thịt heo, thịt gà thơm phức cả khu phố, vừa thưởng thức nóng vừa xuýt xoa “ngon quá”. Các loại thịt và rau mang vào từ Huế, nơi các bác nông dân nuôi và trồng với công nghệ sạch theo đặt hàng của những người mở lớp Bajiko.

Chuyện Thuần hay Aqsa, Tùng hay Hương Anh... quyết không mang rác đến lớp không phải vì thầy dặn như vậy, mà vì những trải nghiệm với vạn vật xung quanh giúp các bạn tự ý thức điều đó. Như câu chuyện ở nhà của Nhật Tân, 8 tuổi, được ba mẹ kể lại: vòi nước ở lavabo bị hư, không khóa chặt được khiến nước cứ rỉ ra từng giọt. Tân đi ra đi vào “tốn nước lắm, mẹ à”. Nhiều ngày trôi qua vẫn chưa thấy vòi được sửa, anh chàng khó chịu mãi. Một buổi chiều đợi mẹ đi làm về, Tân bê luôn cái hộp tiền cu cậu gom góp nhờ bán ve chai ra nói: “Con sẽ cho mẹ hết tiền trong này để mẹ mua vòi nước mới”. Lúc ấy cả nhà mới giật mình vì chuyện quyết liệt không chấp nhận phí nước của Tân.

ĐẶNG TƯƠI


Bajiko (tiếng Việt nghĩa là “rừng ước mơ”) do những người bạn làm việc ở Tổ chức cầu Nhật Bản - châu Á (Baj) cho ra đời cách đây gần hai năm, hiện có trên 10 giáo viên với hơn 40 học viên, vẫn chưa thu học phí. Ở Bajiko, quan sát đất, nước, con vật... không chỉ là tìm hiểu khoa học, ăn thịt nướng không chỉ là thưởng thức món ngon. Anh Huỳnh Huy Tuệ - người sáng lập Bajiko - chia sẻ: “Quan tâm đến nông dân là yêu môi trường, ăn sản phẩm của nông dân làm nghĩa là bảo vệ môi trường. Các bạn nhỏ đến Bajiko không phải đi tìm câu trả lời cho sự vật, hiện tượng mà là trải nghiệm cùng làm, cùng thất bại để rồi tự tìm thấy câu trả lời cho chính mình”.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tàn ác với thiên nhiên



TT - Có một sự thật tuy phũ phàng và đau xót nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận: con người ngày càng tàn ác, không chỉ tàn ác với nhau mà còn cả với thiên nhiên vô tội.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=484357
Rừng thông ở Lạc Dương (Lâm Đồng) chết khô vì thuốc độc và bị chặt hạ không thương tiếc - Ảnh: Hồ Khải Nhiên



Thật xót xa khi nhìn hình ảnh những rừng thông bị đầu độc, bị bức tử phải “chết đứng” (xem “Bức tử rừng thông bằng thuốc độc”, Tuổi Trẻ 27-2). Kẻ thủ ác đành đoạn đổ thuốc độc vào những gốc thông 20 tuổi để sau đó đốt rụi cả rừng thông bạt ngàn.

Nguyên nhân thì đã rõ, không cần bàn cãi. Thủ phạm đã cất công giết cây, phá rừng đương nhiên không thể nào giấu mặt. Vấn đề là những vụ việc như thế này sẽ được nhìn nhận và xử lý như thế nào.

Phóng viên của một tờ báo đã không mấy khó khăn để nắm được “công nghệ” biến rừng thành rẫy cà phê trong vai một người đi mua đất. Nhưng chính quyền sở tại lại chối rằng “không có tình trạng trên”. Chỉ sau khi xem bằng chứng do phóng viên đưa ra mới chịu xác nhận là có và do “những hộ dân lén lút phá rừng” nên chính quyền xã “chưa nắm được” và “chưa nghe thấy”.

Điệp khúc “chưa nắm được”, “chưa nghe thấy”, “sẽ làm rõ”, “sẽ xử lý”... gần như lặp đi lặp lại trong bất cứ phát biểu nào của những người có trách nhiệm trong những vụ việc tương tự.

Chính vì sự “không nghe - không biết - không thấy” đó mà chỉ tính trong năm 2010, cả nước ta đã có 1.747,15ha rừng bị tàn phá, trong đó phần lớn là rừng tự nhiên (rừng phòng hộ 334,49ha và rừng sản xuất 860,87ha). Mục đích chính của việc phá rừng là làm rẫy (1.394,9ha).

Cà phê lên giá. Ban đầu phá rừng để trồng cà phê chỉ là “sáng kiến” của một vài người. Về sau, thấy người ta bán rẫy kiếm tiền được nhiều quá mà cũng chẳng thấy ai xử phạt gì thế là nhiều người tham gia hơn, mạnh ai nấy phá. Chính sự xử lý thiếu kịp thời của chính quyền và sự thiếu nghiêm khắc của luật pháp đã đẩy những cánh rừng thông vào tình cảnh bi thảm như hiện nay.

LÊ THÚY HẰNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

THƯ CỦA TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
--------------------------------
Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2011
Kính gửi: - Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư ban chấp hành TƯ Đảng-Chủ tịch quốc hội;
- Các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Toàn thể đại biểu Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9.
Tôi xin trân trọng đề nghị lãnh đạo Quốc hội và toàn thể đại biểu Quốc hội quan tâm đến một vấn đề cực kỳ bức xúc của nhân dân ta hiện nay, đó là vấn đề: “Cần sửa đổi bổ sung một số điều của luật đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tôi xin được trình bày như sau:
A. Nước ta rất hẹp, người đông, môi trường, thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn ra vô cùng phức tạp. Cùng chịu những tác động chung của thế giới nhưng Việt Nam có những nguy cơ riêng biệt, nguy hiểm hơn, đó là dự báo của một số chuyên gia cho rằng nước biển sẽ tràn ngập một phần đồng bằng sông Cửu Long. Cũng tại khu vực này còn có hiểm họa nước ngọt và phù sa sông Mê-kông sẽ cạn kiệt, một trong những nguyên nhân là do các nước trong khu vực thi nhau làm đập thủy điện.
Những hiểm họa này, cộng với việc sử dụng đất đai phung phí, thiếu quy hoạch, làm diện tích đất trồng trọt suy giảm rất lớn qua từng năm, sớm muộn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực của ta – nước đang xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Chúng ta đều biết: An ninh lương thực gắn liền với an ninh chính trị. Hiện nay nhiều quốc gia đang lao đao chính là do phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực và chính trị. Thực chất, nước ta phải nói đúng là vừa xuất vừa nhập lương thực và các sản phẩm nông nghiệp, đó là nhập ngô, đậu tương, chưa kể bột mì. Sản lượng xuất hàng năm đạt khoảng khoảng trên 3,2 tỷ USD. Một câu hỏi đặt ra là không hiểu tại sao, ngành nông nghiệp không tăng mạnh hơn nữa diện tích trồng ngô, đậu tương ở miền núi, Tây Bắc và một số khu vực khác. Có thể bán gạo đồng bằng, mua ngô từ miền núi, giảm bớt nhập khẩu ngô, đậu tương, chủ động cân đối giữa các vùng miền trong nước, giảm bớt nhập siêu.
B. Từ ngày nước ta mở cửa, đổi mới, phát triển đất nước toàn diện, nhà nước và nhân dân ta đã quy hoạch, dành ra một phần đất đai để thực hiện các nhu cầu phát triển mới, đó là điều cần thiết, không cần bàn cãi. Nhưng vấn đề cần bàn là có nơi lợi dụng việc này để sử dụng đất đai phung phí sai mục đích, sai đối tượng, sai địa điểm, sai quy mô. Đặc biệt, nhiều nơi thiếu cân nhắc khi sử dụng đất ruộng lúa. Điển hình có các dạng sai phạm sau đây:
1. Cho nước ngoài thuê đất đai để đầu tư, sản xuất, dịch vụ, có tỉnh có trách nhiệm với đất đai nên quy hoạch đúng vị trí, đúng quy mô, thời hạn; nhưng cũng có những địa phương thiếu cân nhắc thận trọng, dồn làng bản, khu phố lấy ruộng nước cho thuê quá rộng, quá dài, vượt cả quy mô, yêu cầu của dự án, cơ sở sản xuất, dịch vụ dẫn đến có chủ đầu tư đã đầu cơ bán lại đất đai, thu chênh lệch. Ai chiếm được nhiều, bán chênh lệch được nhiều, lại tái đầu tư chiếm thêm các diện tích đất đai khác, cứ như vậy nhanh chóng làm giàu và trở thành các đại gia bất động sản, được tiếng là hoành tráng nhất.
2. Một điều đáng buồn là ở một số thành phố lớn, có những vị trí “vàng”, phong thủy đẹp lại dành cho tư bản nước ngoài thuê dài hạn với giá rẻ để họ xây cất biệt thự, chung cư, bán với giá cắt cổ cho cán bộ, nhân dân ta. Chẳng những thế, họ còn khôn khéo huy động vốn của chính ta bằng mọi cách, như đưa ra quy định bắt người mua phải trả trước, cá biệt còn có cả cách vay tiền từ ngân hàng chúng ta. Đáng ra, những diện tích đẹp như vậy phải huy động các doanh nghiệp trong nước có năng lực đứng ra làm, chắc chắn họ sẽ thiết kế đẹp phù hợp với điều kiện của nước ta. Không nên lấy đất đai – là thành quả của nhân dân – làm giàu cho tư bản nước ngoài (chưa kể các doanh nghiệp nước ngoài luôn tìm cách chuyển giá, khai lỗ giả, chuyển lãi thực về nước, trốn đóng thuế tại Việt Nam) trong lúc người nghèo và cán bộ của ta chưa có chỗ ở. Hiện tượng này gây bức xúc lớn trong dư luận, rất cần chấm dứt, càng sớm càng tốt, sẽ được lòng dân.
3. Có thành phố, có tỉnh cho nước ngoài thuê đất phát triển quá nóng, cho phép xây 7- 8 sân golf, mỗi sân chiếm hơn 100ha đất, thậm chí có nơi chiếm cả đất trồng lương thực.
4. Có nơi cho nước ngoài thuê đất ở vị trí phong cảnh đẹp để mở sòng bạc. Nếu Nhà nước cho mở sòng bạc hiện đại, to lớn, làm sao cấm được nhân dân đánh bạc dù trước mắt có lợi nhuận. Đất nước Việt Nam ta dứt khoát không học theo cách này.
5. Cho nước ngoài thuê đất rừng để trồng cây nguyên liệu với giá rẻ mạt, có nơi Chính phủ đã hạn chế được, nhưng đáng tiếc là có nơi vẫn đang phát triển một cách khó hiểu, đây là sự thách thức lòng dân. Tại sao không đầu tư để nhân dân ta sản xuất?
Tất cả các loại hình cho nước ngoài thuê đất nói trên đều theo cơ chế “nhượng địa” từ 50-70 đến 90 năm, người dân Việt Nam bình thường, không ai được phép vào các khu vực đó!
6. Ở trong nước, mấy năm nay phát triển các khu đô thị quá nóng, ngày càng sa vào đấu thầu, đầu cơ, gây hiện tượng bong bóng đất đai. Một số đại gia và nhiều người làm giàu nhanh chóng bằng cách tước đoạt đất đai của nhân dân với giá rẻ mạt, vay vốn ngân hàng cũng từ tiền của nhân dân để làm giàu cho một số người. Không hiểu đây là cơ chế gì? Việc phát triển các khu đô thị là cần thiết, trước đây chúng ta cũng đã từng xây dựng các khu dân cư 5 tầng, có quy hoạch đồng bộ. Lúc bấy giờ, vật tư thiết bị còn đơn giản nhưng vẫn hình thành căn hộ phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Bước sang đổi mới, chúng ta đã có hình mẫu quy hoạch khu đô thị Linh Đàm do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đầu tư xây dựng, bán theo giá hạch toán sòng phẳng, kết hợp giữa quản lý và sử dụng một cách hợp lý. Phải chăng việc đó đã không duy trì được? Việc phát triển theo cơ chế đấu thầu, đầu cơ gây hiện tượng bong bóng đất đai, nhà cửa khiến cho cán bộ nhân dân nghèo không đủ khả năng mua được nhà. Trong lúc đó, hàng loạt các khu đô thị chiếm đất ruộng, từ Từ Sơn - Bắc Ninh đến Hà Nội và nhiều nơi khác, khu đô thị nào cũng có hàng loạt biệt thự, đất đai hàng chục năm nay vẫn bỏ hoang, rêu phủ cỏ mọc, không biết là của ai, do ai quản lý? Có nhiều nơi bị găm hàng chục ngàn hecta, bỏ hoang để đầu cơ. Việc hao hụt đất đai sai lệch quá lớn.
Có người biện minh: Không sao! Năng suất, sản lượng tăng sẽ bù vào! Năng suất, sản lượng tăng là biện pháp sáng tạo, tích cực nhưng việc đó không thay được tính chiến lược, giá trị của đất đai. Tình trạng này còn tạo nên kẽ hở cho một số người dùng lợi nhuận từ chênh lệch giá trị trên chính đất đai của nhân dân, tích lũy đủ vốn lại khuếch trương lấn chiếm, mở rộng đất đai có giá trị ở nông thôn và các vị trí đắc địa ở các thành phố lớn. Cứ như vậy sẽ dẫn đến hậu quả gì? Cần cho tổng kiểm tra một cách minh bạch!
Đất đai là tài sản vô giá của quốc gia, là tư liệu sản xuất của nông – công – lâm, là an ninh lương thực, an ninh chính trị. Tình trạng lộn xộn vừa qua đã tạo nên bất bình ngày càng tăng trong nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người ngày càng tăng, là nguy cơ “ngấm ngầm” không thể coi thường. Sở dĩ có tình trạng trên là do trong Luật đất đai có sơ hở; Chính phủ phân cấp, phân công quản lý còn có thiếu sót; công tác thanh tra, giám sát còn mang tính hình thức, hiệu lực kém. Không ai dám lên tiếng thẳng thắn, nghiêm túc.
Quốc hội là cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của nhân dân. Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội hãy vì dân, do dân mà xem xét lại Luật đất đai để bổ sung, sửa đổi phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, của đất nước. Trong đề nghị của tôi, nếu có chỗ nào chưa phù hợp, mong Quốc hội lượng thứ.
Trân trọng cảm ơn.

Đồng Sĩ Nguyên
(Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên đại biểu Quốc hội các khóa I, IV, V, VI; nguyên Phó thủ tướng Chính phủ).
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

AI ĐẦU ĐỘC DÒNG SÔNG MẸ ?

Thái Sinh

Từ bao đời nay cha ông ta gọi sông Hồng là sông Mẹ, sông Cả hay sông Cái. Dòng sông đỏ nặng phù sa phát nguyên từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Qua triệu triệu năm dòng sông đã bồi đắp nên vùng châu thổ sông Hồng màu mỡ, tạo nên vùng văn minh lúa nước sông Hồng vô cùng đặc sắc. Nhưng có ai biết rằng dòng sông Mẹ hiện đang bị đầu độc. Ai là thủ phạm đầu độc dòng sông Mẹ? Ai?Ai?
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nước đã chuyển màu
Sông Hồng có chiều dài 1.149 km, bắt nguồn từ vùng núi Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776 m. Sông Hồng đổ vào Việt Nam tại xã A Mú Sung huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi hợp lưu với dòng Lũng Pô trước khi chảy dọc biên giới Việt - Trung khoảng 80 km. Khi tới TP. Lào Cai, sông Hồng chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam qua các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình trước khi đổ ra biển Đông với chiều dài hơn 510 km.
Với đặc điểm của dòng sông bốn mùa đỏ nặng phù sa, nên người ta gọi là sông Hồng. Chảy qua mỗi vùng đất dòng sông được người dân gọi với nhiều tên khác nhau gắn với những điển tích; Trung Quốc gọi là Hồng Hà hay Nguyên Giang, khi chảy vào Việt Nam qua Phú Thọ gọi là sông Thao, qua Hà Nội gọi là Nhị Hà, sử sách còn gọi là Phú Lương.
Một chuỗi thành phố, thị trấn đẹp như mơ xây dựng dọc hai bên dòng sông Hồng từ Lào Cai xuống tận Thái Bình. Dòng sông không chỉ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng mà còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều thành phố dọc hai bờ sông.
Sông Hồng là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thi nhân Việt Nam và thế giới, không sao kể xiết những câu thơ hay về sông Hồng: Sông Thao thêm một lần tôi tắm/ Thêm một lần tôi đến để rồi đi/ Gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng/Tôi nhìn em để không nói năng gì (Nguyễn Duy). có gió và sương cất lên tự sông Hồng/ Những tần tảo chở mùa màng vào phố (Nguyễn Hữu Quí). Tôi quên sao nước sông Hồng. Thêu sóng đỏ trên áo dài Hà Nội (Luđê-mít- Hy Lạp)…Dòng sông Hồng không chỉ là dòng sông của những mùa màng sinh sôi mà còn là dòng sông văn hóa đã chảy suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam, chứng kiến bao thăng trầm của dân tộc khổ đau nhưng vô cùng anh dũng, không hề khuất phục trước bất cứ một tên đế quốc hung bạo nào.
Mùa hạ dòng sông đỏ như màu gạch non, mùa thu sông đẹp tựa hoa đào, mùa xuân hồng nhạt đằm thắm như ráng chiều tà. Từ cuối thu cho đến tận đầu hạ, bất kể ai lên Lào Cai đứng trên cầu Cốc Lếu nhìn xuống dòng sông đều thấy dòng sông nửa đục nửa trong. Nửa trong là nước sông Nậm Thi chưa kịp hòa vào dòng sông Hồng, đã tạo cho ta một cảm giác bâng khuâng như nhớ về một miền đất nào xa lắm.  
Cái cảm giác bâng khuâng, mơ màng không còn nữa vào những đầu xuân này khi tôi đặt chân lên Lào Cai. Dòng sông Hồng không còn khoác lên mình cái màu áo truyền thống hồng hào, thay vào đó là màu nước lờ nhờ như mắt cá chết, trên mặt sông từng đám bọt trắng xóa nối đuôi nhau kéo thành vệt dài. Hai bên bờ có rất nhiều váng màu rỉ sắt, khi nước cạn đóng thành mảng, trên mặt nổi bột màu trắng, sần sùi chẳng khác gì những chiếc mụn vừa vỡ ra. Nhìn xuống đáy sông những vụng nước lặng thấy một lớp màu bột trắng đang ngưng lại, tụ thành vệt bám theo những đám rêu phất phơ dưới làn nước chảy. Đã hơn tháng nay rồi, nước sông Hồng bốc mùi tanh tưởi, thum thủm như khoai thối. Bà Nguyễn Thị Lan xã Vạn Hòa (TP.Lào Cai) trồng gần hai sào rau, mùa cạn gia đình bà phải bơm nước từ sông Hồng lên tưới cho rau, bà bảo: Chẳng hiểu vì sao năm nay nước sông Hồng lại nhớt và hôi như vậy, khi bơm nước lên nước sàu bọt trắng như như nước xà phòng. Chưa năm nào nước sông Hồng như vậy, nên gia đình tôi không dám lấy nước sông tưới cho rau nữa…
Đi dọc bờ sông Hồng đoạn chảy qua TP.Lào Cai mùi hôi thối và tanh tưởi bốc lên dữ dội, buổi sáng ra công viên Thủy Hoa phía trên cầu Cốc Lếu mùi hôi thối càng nặng hơn. Mới đầu tôi nghĩ mùi hôi thối do nước thải của mấy vạn người của TP. Lào Cai và thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) đổ ra sông Hồng vào mùa cạn, khiến cho dòng sông bị ô nhiễm? Chị Lý Thị Khin, người dân xã Quang Kim (Bát Xát) đang cắt cỏ cho trâu sau đó bó lại chở bằng xe máy bảo tôi: Nước sông Hồng chảy qua xã Quang Kim cũng hôi thối, nhưng ở đây thì thối quá…Nói rồi chỉ xuống dòng sông: Nước sông Hồng có năm nào như thế này đâu, năm nay nước thối đen cắt cỏ bên sông cũng chẳng chịu được…

Dòng sông Hồng chảy qua TP.Lào Cai lờ nhờ như mắt cá chết
Suốt chặng đường dọc bờ sông Hồng từ TP.Lào Cai lên Trịnh Tường, Lũng Pô dài mấy chục cây số, nơi nào đường chạy giáp dòng sông tôi đều ngó xuống, màu nước lờ nhờ chẳng khác màu nước chảy qua TP.Lào Cai. Còn mùi hôi thì chỗ nặng chỗ nhẹ tùy theo luồng gió thổi. Qua Trịnh Tường tôi tạt xuống bờ sông, tình cờ gặp hai người dân đang thu lưới đánh cá trên chiếc thuyền tôn mỏng mảnh. Tôi hỏi: Các bác đánh cá đêm qua có được nhiều không, bán cho mấy cân về nấu canh chua…Một người quay lưng lại phía tôi gỡ lưới vứt lên thuyền giọng lầu bầu: Nước ô nhiễm, hôi thối như thế này cá nào sống được. Đi cả đêm chả được mống nào, kéo lên chỉ được toàn bã sắn thôi…Nói rồi anh ta đẩy thuyền xuôi tấp vào bụi cây ngả lòa xòa trên mặt nước phía xa xa là bãi chuối.

Những váng vàng đóng từng mảng dọc bờ sông Hồng, ngấm xuống lớp đất sâu đen thẫm

Làm việc với bà Nông Bích Thủy-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Lào Cai, bà đưa cho tôi Bảng thống kê kết quả quan trắc môi trường nước sông Hồng do Trạm Thủy văn Lào Cai đo năm 2010-2011. Ngày 15/2/2010 độ PH là 7,6 nước không có mùi, ngày 15/2/2011 cũng ở vị trí đó mức độ PH đo được là 8,0 xuất hiện mùi tanh yếu. Sau khi phân tích kết quả mẫu nước mấy ngày qua bà Thủy cho biết: Độ PH từ 7-8 trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, kết quả phân tích nước sông Hồng trong mấy ngày qua chúng tôi thấy hàm lượng chất hữu cơ trong nước có chiều hướng gia tăng, mặc dù phía thượng nguồn sông Hồng phía Việt Nam không có nhà máy chế biến thực phẩm nào, còn nhà máy tuyển quặng Sinh Quyền thì sử dụng hồ thải tuần hoàn, đến nay chưa có nước thải ra sông…
Ông Lưu Đức Cường- PGĐ Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Lào Cai cho biết thêm: Hôm qua (22/2/2011) chúng tôi đã tổ chức lấy 2 mẫu nước khu vực A Mú Sung, nơi dòng sông Hồng đổ vào Việt Nam. Quan sát bằng mắt thường thấy các hiện tượng mặt sông nổi bọt trắng, nước có mùi tanh hôi, các váng vàng đọng lại bờ sông giống như khu vực dưới chân cầu Cốc Lếu. Theo người dân ở đây phản ánh: Cách Lũng Pô khoảng 20 cây số phía Trung Quốc có một nhà máy sắn. Họ có xả nước thải ra sông hay không chúng tôi chưa khẳng định. Hiện Trung tâm đang tiến hành phân tích các mẫu nước, 5 ngày nữa mới có kết quả...
Dòng sông Hồng không bỗng nhiên bốc mùi tanh hôi và đang trở thành dòng sông chết, một câu hỏi đặt ra: Ai đã đầu độc dòng sông? Câu hỏi ấy cần được các cơ quan chức năng sớm trả lời để cứu lấy dòng sông Mẹ…
Thứ năm ngày  3/3/2011  
-
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vụ giết thông bằng thuốc độc ở Lâm Đồng: Mất bò mới lo làm chuồng



SGTT.VN - Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép đang diễn ra ngày càng khốc liệt tại các xã dọc tuyến đường 723 nối liền hai thành phố Đà Lạt – Nha Trang. Sau ba năm, con đường này khai thông, ước tính có hàng trăm ngàn cây thông nằm ở ven đường đã bị bức tử, đất bị chiếm và sang nhượng trái phép.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=133307
Chỉ sau một đêm, rừng thông trở thành đất mặt tiền có giá từ 150 đến 200 triệu đồng/ha.



Giết thông bằng… paraquat
Tại tiểu khu 118, thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vào một ngày cuối tuần, trước mắt chúng tôi là một khoảnh đất rừng rộng 5ha nằm ở ven đường 723 chỉ còn lác đác vài cụm thông vàng úa. Ông Liêng Jrang Ha Phim, người dân tộc thiểu số K’ho nơi đây cho biết, vào đầu mùa khô, ở đây vẫn còn là một rừng thông xanh um, bỗng dưng cả cánh rừng thông này đều bị chết đứng, sau đó triệt hạ sát gốc, tẩu tán gỗ chỉ qua một đêm, và cuối cùng đã biến thành đất rẫy. Theo ông Liêng Jrang Ha Phim, để qua mặt cơ quan chức năng, người ta không dùng lửa để đốt thân, hoặc ken gốc cho cây thông chết như trước đây, nay họ đã chuyển sang dùng thuốc diệt cỏ paraquat, vừa khó bị cơ quan chức năng phát hiện, vừa khiến cây thông bị chết nhanh hơn.

Tương tự tại các tiểu khu 95, 97, 117, 119 và 120 thuộc các xã Đạ Sar, Đa Nhim của huyện Lạc Dương, dọc hai bên đường 723, nhiều vạt thông đã bị chết đứng, trong đó có nhiều khoảnh đã được trồng càphê, thậm chí là san ủi mặt bằng, treo biển bán đất.

Bán đất rừng giá 200 triệu/ha
Hầu hết diện tích rừng nằm ở hai bên đường 723 đều đã bị người dân địa phương, chủ yếu là người dân tộc lấn chiếm và canh tác càphê trái phép. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, đa phần những diện tích này đều đã được tự do sang nhượng qua tay nhiều người.

Trong vai những người đi mua đất… rừng, chúng tôi tìm gặp một thanh niên được cho là người rành nhất về chuyện mua bán đất ở trục lộ 723. Qua trao đổi, người thanh niên này cho biết, hiện đường 723 đã được trải nhựa, nên giá đất cũng đã tăng hơn trước. Hiện bình quân mỗi hecta đất rừng nằm ở mặt tiền có giá từ 150 đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi tỏ ý muốn xem cụ thể một vài khu đất, thì người thanh niên này có vẻ chần chừ, sau đó bảo chúng tôi hãy quay lại sau một tháng nữa vì cơ quan nhà nước đang đi thanh tra.

Doanh nghiệp cũng đầu độc rừng
Theo kết quả của tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh Lâm Đồng do ông Nguyễn Đức Hiệp, giám đốc Công an Lâm Đồng dẫn đầu, không chỉ người dân địa phương phá rừng, sang nhượng trái phép, mà ngay các tổ chức, cá nhân thuê đất, thuê rừng để triển khai các dự án đầu tư ở huyện Lạc Dương cũng tham gia đầu độc rừng. Toàn huyện có 62 dự án liên quan đến rừng, trong đó có 32 dự án nằm dọc quốc lộ 723 – nối Đà Lạt với Nha Trang. Hầu hết các dự án này đến nay đều chưa lập các phương án quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy – chữa cháy rừng… thậm chí, nhiều chủ dự án không chỉ để rừng bị phá, lấn chiếm trái phép, mà còn trực tiếp phá rừng và khai thác rừng trái phép.

Mới đây, qua kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã phát hiện trong khu vực rừng đã giao cho doanh nghiệp Thành Văn, có hơn 250 cây thông bị chết đứng do bị thuốc độc.

Mất bò mới lo làm chuồng
Trước tình trạng hàng trăm ngàn cây thông ở dọc tuyến đường 723 bị đầu độc chết, ông Cao Văn Danh, phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, chính quyền sở tại đang chấn chỉnh tình trạng này, tuy nhiên, cái khó là các đối tượng đã chuyển sang dùng thuốc độc để giết thông, nên khó phát hiện và xử lý kịp thời. Riêng những diện tích thông đã bị chết, địa phương sẽ kiên quyết giải toả, thu hồi các diện tích đất bị lấn chiếm và tiến hành trồng lại để giữ rừng, giữ được màu xanh của tuyến đường du lịch này.

Ông Phạm Văn Án, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, dọc tuyến đường 723 hầu hết là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng bảo tồn thiên nhiên thuộc rừng quốc gia Bidoup – Núi Bà nên có vai trò rất quan trọng, ngành sẽ cho lấy mẫu đi phân tích để tìm hiểu loại thuốc độc mà kẻ gian đã dùng để giết thông.Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Tiến, uỷ viên Trung ương Đảng, phó bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng khẳng định: việc cây bị hạ, ken gốc bỏ thuốc ở tiểu khu 118 là hiện tượng huỷ hoại rừng. Trước mắt, cần phải thu hồi dự án, sau đó điều tra làm rõ những người có liên quan đến việc làm thông chết, nếu có dấu hiệu huỷ hoại rừng, sẽ khởi tố trước pháp luật.

Bài và ảnh: Quang Sáng
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [18] [19] [20] [21] [22] [23] [24] ... ›Trang sau »Trang cuối