Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [31] [32] [33] [34] [35] [36] [37] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Huế thành lập bảo tàng tư nhân đầu tiên



TT - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa quyết định cho phép thành lập bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn tại 114 Mai Thúc Loan, thành phố Huế.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=572917
Ông Trần Đình Sơn và những cổ vật trong bộ sưu tập - Ảnh: H.Độ



Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế do nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn đứng ra thành lập. Ông Sơn được đánh giá là chuyên gia hàng đầu về đồ sứ thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn, hiện đang sở hữu bộ sưu tập cổ vật lớn về cổ vật phục vụ ẩm thực, đồ ký kiểu, pháp lam... và đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước.

Ngôi nhà 114 Mai Thúc Loan, Huế vốn là tư gia của cụ Trần Đình Bá, thượng thư bộ hình triều Nguyễn, là cố nội của ông Trần Đình Sơn. Sau năm 1975 ngôi nhà được Nhà nước sử dụng làm công sở, cửa hàng mậu dịch rồi bỏ hoang hơn mười năm qua. Ông Sơn đã nhiều lần làm đơn xin nhận lại ngôi nhà để trùng tu và tổ chức thành bảo tàng nhưng chưa được giải quyết. Cho đến năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao cho Sở Văn hóa - thể thao và du lịch ngôi nhà này để tu bổ và khai thác du lịch.

TRẦN DƯƠNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Saigon bây giờ…



Saigon bây giờ không thấy có người đẹp nữa! Xưa ra đường cứ thấy người ta vừa chạy xe vừa… ngoái đầu lại nhìn. Bây giờ ra đường người con gái nào cũng trùm kín mặt, mang vớ dài tay, găng tay kín mít, áo khoác sùm sụp, đầu đội mũ bảo hiểm, chỉ chừa hai con mắt lom lom qua kính bảo hộ… ! Ở trên cao nhìn xuống người người dày đặc, từng luồng từng luồng cuồn cuộn trôi đi, lâu lâu cụng mũ bảo hiểm một cái rồi mạnh ai nấy đi, cứ như đàn kiến. Đi bộ trên đường nhiều khi gặp người chào hỏi thân thiện mà chẳng biết ai là ai, đến lúc như chợt nhớ ra họ mới gỡ khẩu trang cười lỏn lẻn. May thay, con gái Saigon bây giờ tuy che mặt mà lại hở đùi! Họ mặc quần short thật ngắn ra đường bất kể sáng trưa chiều tối. Nhờ đó mà cũng có thể nhìn ra người đẹp! Có điều  hơi nguy hiểm cho giao thông công cộng vì đường sá không thông thoáng như xưa. Áo dài thì khó mà tìm thấy nữa rồi- trừ trên sân khấu và sàn diễn thời trang. Con gái vì thế mà không còn yểu điệu, dịu dàng, tha thướt nữa. Ngay cả những ngày lễ tết, ở đường hoa Nguyễn Huệ rực rỡ vậy mà cũng khó tìm thấy một tà áo dài. Mọi người trở nên hấp tấp, vụt chạc, căng thằng hơn bao giờ hết. Cái lý do vì sao mất áo dài rồi phải trùm kín mít cả người như vậy thì ai cũng biết. Bụi khói mù trời. Không khí hừng hực. Môi trường đô thị ngày càng xấu đi. Cây xanh tàn rụi. Cao ốc vùn vụt bốc lên!

Saigon bây giờ béo phì ngày càng tăng! Một sự phồn vinh thực chớ không phải giả tạo. Béo phì nhanh nhất ở phụ nữ và trẻ con. Các chuyên gia dinh dưỡng la ơi ới, báo động hoài mà chẳng ai thèm nghe. Nghe chi cho mệt. Các cửa hàng fastfood cứ mọc ra như nấm. Ai cũng biết fastfood tới đâu, béo phì, tim mạch, tiểu đường, huyết áp… theo tới đó. Mà bệnh tật càng tăng thì… càng tốt chớ sao. Thuốc men, thực phẩm chức năng, quảng cáo…ồn ào thì kinh tế càng phát triển. Thức ăn thức uống toàn hương liệu, hoá chất, bột nêm các thứ làm cho chuyện bếp núc trở nên đơn giản. Cứ xem TV thì biết. Người nào người nấy già trẻ lớn bé mặt mũi bóng lưỡng, hí hửng chụp giựt nước uống thức ăn, nhảy nhót mừng vui tưng bừng mọi nơi mọi lúc!  

Saigon bây giờ cận thị quá trời! Trẻ con nứt mắt đã cận thị. Mẫu giáo tiểu học cận thị tùm lum. Tiệm kiếng mở ra tràn ngập, góc nào cũng có. “Chỗ nào rẻ hơn trả lại tiền!”. Ấy cũng nhờ vi tính, game online, TV… các thứ ngày càng hấp dẫn. Thế giới nhỏ trong lòng bàn tay. Trẻ con  sướng như tiên. Đồ chơi trên trời dưới biển khắp hang cùng ngõ hẹp. Lâu lâu kêu có hóa chất độc hại. Khi biết thì mọi thứ đã muộn rồi. Kể cả thuốc “cam” nổi tiếng một thời nay gây ngộ độc chì không thuốc chữa. Lạ là người ta vẫn cứ tin và vẫn cứ nhắm mắt uống càng! Các loại sữa “thông minh” dành cho trẻ con ngày càng nhiều, khiến các bà mẹ không muốn cho con bú sữa mình nữa. Rõ ràng các thế hệ trước đây không được uống sữa thông minh nên có vẻ kém… thông minh!
Saigon bây giờ loãng xương hơi nhiều. Đi ngoài đường thấy người ta lố nhố, tụ tập, tưởng gì, hóa ra đang túm tụm đo xương! Có người tử tế, vì sức khỏe cộng đồng, đem máy đo mật độ xương ra ngoài đường đo cho ông đi qua bà đi lại. Ai cũng loãng xương kẻ ít người nhiều! Sau đó ai cũng mua một vài hộp sữa, một vài loại thuốc chống loãng xương là xong.  

Saigon bây giờ đua nhau sửa sắc đẹp. Ai cũng sửa được, không cần phải học. Ai cũng nên sửa, từ cô hoa hậu đến ca sĩ, người mẫu, cô hàng xén, anh doanh nhân. Bơm vú bơm mông, cắt mắt, xẻ mũi, chẽ cằm rào rào. Ai cũng thành người mẫu ca sĩ Hàn quốc. Nhan sắc rộ lên khiến các nhà thơ… bí không còn làm thơ được nữa!  

Saigon bây giờ trẻ con bỗng dậy thì sớm. Không dậy thì sớm cũng uổng!  Mọi thứ kích thích cứ rần rật chung quanh. Phim ảnh, internet, sách báo… các thứ. Thức ăn thức uống béo bổ các thứ. Khí hậu nóng lên. Tỷ lệ phá thai vị thành niên tăng một cách đáng ngại. Tình trạng vô sinh cũng nhiều. Ly dị cũng mau. Người ta đua nhau mổ đẻ cho đúng giờ hoàng đạo. Trẻ sanh non, suy hô hấp, thiếu dưỡng khí não, lớn lên tâm thần cũng bộn!

Tóm lại, sức khỏe cộng đồng ở Saigon bây giờ có nhiều điều đáng suy gẫm.


BS Đỗ Hồng Ngọc
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tiền nhiều, tượng vẫn xấu!



TT -  Hội thảo Thực trạng và mục tiêu quy hoạch ngành mỹ thuật đến năm 2020 vừa được Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tổ chức vào sáng 22-6 tại Cơ quan đại diện Bộ VH - TT & DL phía Nam, TP.HCM.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=572912
Tượng đài - một thực trạng bức bối của mỹ thuật VN. Trong ảnh là tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đã từng được sửa chữa sau khi xuống cấp nhanh chóng vì bị “rút ruột” - Ảnh tư liệu



Mở đầu, nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng những đỉnh cao mỹ thuật nước nhà như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái... trước đây hay các họa sĩ thời đổi mới sau này có cần được “quy hoạch” đâu mà vẫn xuất hiện. Cho nên, theo ông, Nhà nước nên xây dựng cơ sở hạ tầng, thể chế hóa bằng những văn bản pháp lý liên quan về mỹ thuật sẽ thiết thực hơn là “quy hoạch”, “định hướng” cho nghệ sĩ. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng tỏ ra không mặn mà với chữ “quy hoạch”, họ dành thời gian cho “thực trạng” nhiều hơn!

Tượng đài là một thực trạng nhức nhối của ngành mỹ thuật, và ở hội thảo lần này một lần nữa không thể không được bàn đến. Có lẽ vì đã lên tiếng quá nhiều lần nên lần này nhà phê bình Nguyễn Quân tỏ ra kiệm lời, chỉ nói là tượng xấu, cứ na ná nhau, chất lượng nghệ thuật chỉ mới dừng lại ở mức “tranh cổ động bằng khối”.

Họa sĩ Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - đưa ra con số cả nước có 360 tượng, và ông cho rằng nếu chia đều cho 63 tỉnh thành thì mỗi tỉnh có gần sáu tượng cũng chưa gọi là... nhiều (!). Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành không nói đến vấn đề tạo ra sự bức xúc lâu nay chính là tượng xấu, xấu nhưng vẫn làm, làm nhiều tiền vẫn cứ... xấu. Thời mở cửa, mỗi tượng được duyệt độ 1 - 2 tỉ đồng, sau đó tăng lên hàng chục tỉ đồng, gần đây có quần thể tượng được duyệt lên cả hơn 400 tỉ. Thế nhưng, chất lượng tượng đài không vì thế mà khá lên được.

Có nhiều lý do để mổ xẻ về tượng đài kém thẩm mỹ và chất lượng. Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên và Phan Gia Hương đều cho rằng vì nhà điêu khắc phải chiều theo ý bên đặt hàng. Nhưng có phải đây là lúc mọi trách nhiệm đều được các nhà điêu khắc “đá” hết cho các bên liên quan? Còn thực trạng của điêu khắc? Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên cho biết từ năm 1997-2012, VN đã tổ chức hơn 30 trại điêu khắc trong nước và quốc tế - số trại hằng năm chỉ xếp sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Saudi Arabia. Trại tổ chức vội vã, tràn lan, thành phẩm có được sau đó thì vứt lăn lóc, chất lượng không dám bàn đến. Còn tại sao tượng xấu vẫn mọc lên, vẫn tốn kém? Nhà điêu khắc Phan Gia Hương khẳng định: “Nó vẫn cứ là một dòng chảy, người ta vẫn đặt hàng rất nhiều. Làm sao chúng tôi bỏ được”.

QUANG THI


Thiếu khoa mỹ thuật truyền thống

Họa sĩ Uyên Huy khẳng định Nhà nước nói cần bảo tồn bản sắc dân tộc trong nghệ thuật, nhưng để cụ thể hóa thành thể chế như thế nào thì chưa rõ ràng. Ông kể khi thăm Thái Lan, Campuchia, ông đều thấy có khoa mỹ thuật truyền thống ở các trường nghệ thuật. Ở một trường mỹ thuật của Úc, ông thấy người ta còn sưu tầm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số VN cho sinh viên nghiên cứu. Cho nênhọa sĩ Uyên Huy bức xúc là: “Chúng ta nói cần bảo tồn bản sắc, nhưng có trường mỹ thuật nào ở ta có khoa mỹ thuật truyền thống như họ không?”.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:

Tiền nhiều, tượng vẫn xấu!


TT -  Hội thảo Thực trạng và mục tiêu quy hoạch ngành mỹ thuật đến năm 2020 vừa được Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tổ chức vào sáng 22-6 tại Cơ quan đại diện Bộ VH - TT & DL phía Nam, TP.HCM.
Tượng & Sử

Tượng đẹp hay không bởi tấm lòng
Cam tâm rút ruột, lòng còn không?
Than ôi, sử sách đang bôi bác
Hỏi có ra chi những tượng đồng?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ca sĩ dễ vướng “bẫy” nhạc xưa



NLD - Có nhiều ca khúc nhạc xưa đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép phổ biến trên toàn quốc nhưng sau đó phải ra quyết định thu hồi hoặc tạm ngưng phổ biến

Nhạc xưa, những bài hát sáng tác trước năm 1975, được phổ biến tại miền Nam đang được ca sĩ hiện nay sử dụng trình diễn trên các sân khấu ca nhạc và sản xuất đĩa nhạc, bởi loại nhạc này đang được một bộ phận công chúng yêu nhạc yêu thích. Tuy nhiên, do mù mờ về lai lịch của nó nên ca sĩ khó tránh khỏi “bẫy” sử dụng bài hát  chưa cho phép hoặc cấm phổ biến, thậm chí cả những bài hát bị thu hồi sau khi được phép phổ biến của cơ quan chức năng.

Ít ai biết bài hát bị thu hồi
Ca khúc Tàu đêm năm cũ của Trúc Phương được ca sĩ Vi Thảo sử dụng trong album chỉ là một trong nhiều trường hợp sập “bẫy” nhạc xưa của ca sĩ thời gian qua. Dù bài hát Tàu đêm năm cũ được cấp phép phổ biến trên toàn quốc theo Quyết định số 681, do Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Vương Duy Biên ký ngày 29-11-2011 nhưng trong bản nhạc giấy vẫn in đầy đủ ca từ đủ để nhà sản xuất và ca sĩ nhận ra có liên quan đến lính chế độ cũ, được liệt vào danh sách ca khúc cấm phổ biến. Về lý, ca khúc được cấp phép phổ biến thì ca sĩ được quyền sử dụng sản xuất chương trình, nhưng khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn- cơ quan cấp phép nhận ra quyết định của mình là sai và sửa sai bằng quyết định thu hồi thì phần thiệt hại thuộc về ca sĩ.

Có nhiều ca khúc nhạc xưa đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép phổ biến trên toàn quốc nhưng sau đó phải ra quyết định thu hồi hoặc tạm ngưng phổ biến như: Cánh thiệp đầu xuân (Minh Kỳ - Lê Dinh); Còn chút gì để nhớ (Phạm Duy - thơ: Vũ Hữu Định); Cánh buồm chuyển bến (Lê Dinh - Hoài Linh); Ai biểu anh làm thinh (Trầm Tử Thiêng); Rừng xưa (Lam Phương); Tình bơ vơ (Lam Phương); Hạnh phúc đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ); Tàu đêm năm cũ (Trúc Phương)... Trong số đó, có những ca khúc phần ca từ ít nhiều có liên quan đến lính chế độ cũ nhưng có những ca khúc chỉ nói về tình yêu đôi lứa không có một chút biểu hiện gì đến chính trị như Ai biểu anh làm thinh, Tình bơ vơ vẫn thuộc bài hát có quyết định thu hồi hoặc tạm ngưng phổ biến. Điều đáng nói là những bài hát này sau khi được cơ quan chức năng cấp phép phổ biến đã được các ca sĩ ghi âm và sản xuất CD, nên dù có quyết định thu hồi hay tạm ngưng thì sản phẩm ghi âm này đã được đưa lên mạng, được phổ biến qua phương tiện nhạc số. Nhiều ca sĩ thấy vậy cứ nghiễm nhiên sử dụng mà không hay biết những ca khúc này đã có quyết định thu hồi hay tạm ngưng.

Nơi siết, nơi “thả cửa”
Nếu những ca khúc vừa nêu không được phép phổ biến trên sân khấu, sản xuất đĩa nhạc sau khi có quyết định thu hồi thì nó được phổ biến rộng rãi trên các website âm nhạc do ngành thông tin truyền thông quản lý như: nghenhac.info,mp3.zing.vn, nhaccuatui.com, nhacso.net, nhac.vui.vn… Trên trang nghenhac.info, do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép, còn ghi rõ “Hệ thống âm nhạc trên website nghenhac.info được sự bảo trợ của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam”.

Những nhà sản xuất chương trình đĩa nhạc và tổ chức biểu diễn than rằng cùng một Nhà nước quản lý nhưng các website âm nhạc thì được tự do khai thác, phổ biến không chỉ nhạc chưa cấp phép phổ biến mà còn khai thác và kinh doanh cả những bài hát chống cộng, cấm phổ biến dưới mọi hình thức. Nhaccuatui.com làm thành những tuyển tập nhạc vàng với đủ các bài hát đang cấm phổ biến: Cô láng giềng, Tha La xóm đạo, Phố đêm, Tiếng còi trong sương đêm, Chuyện dàn thiên lý, Bông cỏ may, Chuyến tàu hoàng hôn,... qua các giọng ca Chế Linh, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Phương Dung, Tuấn Vũ, Trường Vũ, Mạnh Đình...

Người nghe nhạc hôm nay chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm của các trang nghenhac.info, mp3.zing.vn, nhaccuatui.com, nhacso.net, nhac.vui.vn… sẽ dễ dàng tìm nghe và chuyển tải cho nhiều người cùng nghe những bài hát cấm phổ biến: Chuyện một chiếc cầu đã gãy, Sương trắng miền quê ngoại, Rừng lá thấp, Trăng tàn trên hè phố, ... với rất nhiều giọng ca khác nhau: Thanh Tuyền, Phương Dung, Tuấn Vũ, Như Quỳnh, Trường Vũ, Phi Nhung…

Thanh tra ngơ ngác!
Chiều 29-6, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng Phòng Thanh tra Báo chí và Xuất bản, Bộ Thông tin - Truyền thông, tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin các trang web âm nhạc do bộ này quản lý có đăng tải các bài hát cấm phổ biến do phóng viên cung cấp. Ông Huy Toàn cho hay sẽ kiểm tra lại các trang web này, nếu phát hiện vi phạm sẽ mời lên làm việc và xử phạt hành chính, yêu cầu dỡ bỏ các ca khúc chưa được phép phổ biến.

Sáng 29-6,  bà Trần Thị Ngọc Hương, Chánh Thanh tra Sở Thông tin- Truyền thông, cho biết cơ quan này đã kiểm tra và xử phạt một số website âm nhạc nói trên trong năm 2010. Sắp tới, thanh tra sẽ kiểm tra và xử lý một số trang web, nếu có sai phạm sẽ xử phạt theo luật định.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng các website âm nhạc  đăng tải bài hát cấm phổ biến đã được báo chí nêu ra nhiều lần (trong đó có Báo Người Lao Động) nhưng không thấy các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra xử lý.
Cũng vì các ca khúc chưa được phép phổ biến được đăng tải công khai trên các website âm nhạc do Nhà nước quản lý nên ca sĩ dễ lầm tưởng đã được Nhà nước cho phép và vô tư sử dụng biểu diễn trong các chương trình ca nhạc tại các phòng trà, quán bar, thậm chí trên các sân khấu ca nhạc ngoài trời.

Huy Nguyên - Hoàng Lan Anh
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

.

Vĩnh biệt bậc thầy “thủ ấn họa” Tú Duyên: Người khai sinh một dòng tranh



(TT&VH) - Bậc thầy “thủ ấn họa” Tú Duyên qua đời tại TP.HCM ở tuổi 98 để lại nhiều tiếc thương trong giới mỹ thuật. Nhà giáo Nhân dân, họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - một trong những học trò của họa sĩ Tú Duyên đã chia sẻ với TT&VH nhiều điều ít được biết đến về người thầy tài năng của mình.

Họa sĩ Uyên Huy cho biết: “Tranh của thầy Tú Duyên được cả thế giới từ nghệ sĩ cho đến doanh nhân đều mến mộ. Trước năm 1975, vua dầu lửa Rockefeller khi sang Sài Gòn đã tìm đến nhà thầy để mua bức Trần Bình Trọng. Có nhiều nhà sưu tập trên thế giới như: Witness Collection của ông Adrian L.Jones  đã sưu tập rất nhiều tranh của Thầy Tú Duyên. Hiện ông này đang chuẩn bị in sách về tác phẩm và cuộc đời của họa sĩ Tú Duyên (nhà lý luận quá cố là Huỳnh Bội Trân và tôi đã cộng tác với ông Jones để viết bài về họa sĩ Tú Duyên ).

Tiếc thay họa sĩ Tú Duyên không thể nhìn thấy quyển sách mà ông hằng mong đợi”.

http://media.thethaovanhoa.vn/2012/05/06/05/33/chumuoi13-Custom.jpg
Họa sĩ Tú Duyên (phải) và họa sĩ Uyên Huy



“Mỗi bức tranh là một bài thơ kỳ diệu”
Giới mỹ thuật TP.HCM nghiêng mình kính cẩn, chào vĩnh biệt người họa sĩ cao tuổi nhất thành phố. Với cái tuổi 98 mùa Xuân, họa sĩ Tú Duyên đã cống hiến hoàn toàn cuộc đời mình cho sự nghiệp mỹ thuật. Sự ra đi của ông là nỗi mất mát quá lớn đối với lớp lớp học trò và cả công chúng yêu hội họa.
Ngày 10/3/1953 ông mở cuộc triển lãm cá nhân tranh “thủ ấn họa” đầu tiên tại Nhà hát lớn Sài Gòn.

Giáo sư, họa sĩ U Văn An, giảng dạy tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn đã nói về họa sĩ Tú Duyên, như sau: “Với nghệ thuật chắc chắn, nhiều hy sinh, tận tụy họa sĩ Tú Duyên làm sống lại, làm sinh động hơn một lối in bản gỗ tranh Tết Việt Nam… mà các họa sĩ ta chưa ai dám làm vì phải tốn kém, hy sinh nhiều quá …”.

Sinh thời, đóng góp “thủ ấn họa” của họa sĩ Tú Duyên cho mỹ thuật còn nhận được rất nhiều đánh giá tốt đẹp từ công luận nước ngoài. Ông P. Faucon đã viết trên báo Le Journal d’Extrême-Orient số 2717 ngày 15/11/1957: “Mỗi bức tranh thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên chính là bài thơ kỳ diệu. Ở đó nó được sáng tác từ các truyện kể, từ cõi mộng mơ. Từ trong chiều sâu những tác phẩm của ông ta là những vẻ đẹp đậm đà, duyên dáng. Hơn nữa, nó là những nét tài tình và những sắc thái nhẹ nhàng, tạo nên sự lôi cuốn, đẹp mắt …”.

Ông René de Berval đã viết trên tờ Tạp Chí Pháp - Á (Revue  Francaise Asia): “Những tác phẩm thủ ấn họa của ông đã hấp dẫn người xem bởi vì nó được trình bày bởi chính một dân tộc ham nghiên cứu, tìm tòi và nó chỉ có thể được tìm thấy trong những kho tàng văn học và truyện kể ở quốc gia của ông ta”.

http://media.thethaovanhoa.vn/2012/05/06/05/33/tbt.jpg
Tác phẩm “Trần Bình Trọng” với câu nói bất tử “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” đã tạo cảm hứng để họa sĩ Tú Duyên khắc họa chân dung danh tướng đời Trần



“Cải biên” tranh khắc gỗ
Cả thế giới đều biết đến họa sĩ Tú Duyên không chỉ ở khả năng sáng tạo, sự khám phá nghiên cứu ngôn ngữ đồ họa mà còn bằng cách cải tiến kỹ thuật in khắc gỗ truyền thống thành nghệ thuật “thủ ấn họa” mà giới mỹ thuật gọi là tranh khắc cải biên (estampe renové).

Có 2 điểm nổi bật của kỹ thuật khắc và in này: Một là khắc bằng tay, khắc ít bản nhưng nhờ khai thác cả bản khắc âm (négative) và dương (positive) cho nên in được nhiều màu. Hai là khi in không dùng con lăn (rouleau) để lăn, đè cho màu trên mặt lồi của bản gỗ in thấm vào giấy hay lụa mà là dùng cạnh bàn tay, ngón tay để chà, vuốt, ấn, vỗ để thay cho con lăn trước kia.

Có thể nói ông là nghệ sĩ mỹ thuật bậc thầy có tài năng trong việc cải tiến, làm phong phú thêm trong kỹ thuật và khả năng thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật đồ họa khắc gỗ truyền thống dân gian thành ngôn ngữ tuyệt vời được thế giới kính phục bởi khả năng dùng ít bản khắc nhưng in được rất nhiều màu.
Cách đây hơn 37 năm ông đã từng có thời gian tham gia giảng dạy kỹ thuật “thủ ấn họa” cho sinh viên mỹ thuật Gia Định từ 1963 đến 1975. Khi đó, họa sĩ Uyên Huy là một trong những học trò của thầy Tú Duyên.

Từng được đề nghị “Giải thưởng Nhà nước”
Chuyên về tranh khắc gỗ “thủ ấn họa”, ông thường sáng tác về những sinh hoạt văn hóa truyền thống, lịch sử anh hùng dân tộc. Đường nét, màu sắc, con người, khung cảnh, cây cối, vạn vật, không gian trong tranh của ông luôn xôn xao, chuyển động mang tinh thần, cảm xúc rất riêng.

Đề tài sáng tác của ông cũng rất độc đáo, bởi nó xuất phát từ thi ca, văn học, lịch sử, âm nhạc, đời sống dân nghèo… Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, nổi bật nhất là tác phẩm Đàn nguyệt. Kế đó là tranh về đề tài lịch sử anh hùng dân tộc thể hiện khí phách kiêu hùng chống ngoại xâm: Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… Tranh về đề tài văn học của ông có các tác phẩm như: “Lầm than bao quản nắng mưa/ Anh đi em liệu chen đua với đời”, “Nọ thì Ả Chức chàng Ngưu”, “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung”,“Chẳng ham vựa lúa anh đầy/ Tham năm ba chữ cho tầy thế gian”. Ông còn sáng tác tranh theo nguyên quyển Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm khúc…

Họa sĩ Tú Duyên và một số họa sĩ lão thành miền Nam được chọn giới thiệu trong quyển sách nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ Văn học dân gian Việt Nam ở Nam Bộ do NXB Khoa học Xã hội in năm 1992. Trong thời khắc đau buồn vĩnh biệt một bậc thầy, có nhiều người tiếc nuối: Lẽ ra họa sĩ Tú Duyên phải được Nhà Nước sự ghi nhận công lao bằng các giải thưởng tương xứng. Trước đây, lãnh đạo TP.HCM và Hội Mỹ thuật TP.HCM và cũng từng đề xuất giải thưởng Nhà nước cho họa sĩ Tú Duyên nhưng tiếc thay không được như ý.

TRẠC TUYỀN


Họa sĩ Tú Duyên tên thật là Nguyễn Văn Duyến, sinh năm ngày 20/12/1915 tại làng Bát Tràng, Hà Nội. Ông từng học tại Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương cùng với Mạnh Quỳnh, Nguyễn Sỹ Ngọc, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Thị Kim…
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Diện mạo di sản phải là diện mạo cộng đồng



SGTT.VN - Khu vực Chợ Lớn hình thành vào khoảng thế kỷ 17 với những nhóm cư dân người Hoa làm nhiều nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Lúc đó trung tâm thương nghiệp Đàng Trong là cảng sâu Cù lao Phố trên sông Đồng Nai, cũng do người Hoa lập ra và phát triển. Sau cuộc chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh (1778), Cù lao Phố bị tàn phá, người Hoa ở đây đổ về Chợ Lớn và khu vực này trở thành một “khu phố Tàu” – trung tâm thương nghiệp, thủ công nghiệp với nghề làm gốm nổi tiếng. Trong nửa đầu thế kỷ 20, Sài Gòn – Chợ Lớn nối liền nhau, song vẫn là hai khu vực có chức năng khác nhau: Sài Gòn chủ yếu là trung tâm hành chính – chính trị, còn Chợ Lớn là khu thương mại, tập trung các chợ đầu mối hàng hoá cho thị trường đồng bằng sông Cửu Long cũng như đầu mối thu gom nông sản, nhất là lúa gạo, từ đồng bằng sông Cửu Long để xuất khẩu.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=174631
Chùa Bà Thiên Hậu trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, một điểm đến khám phá của nhiều du khách. Ảnh: Trần Việt Đức



Dự án Bảo tồn và phát triển Chợ Lớn trên cơ sở kiểm kê hệ thống di tích (nhà ở, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, cảnh quan kiến trúc đô thị, cảnh quan văn hoá…) đã lựa chọn đề xuất những tuyến, điểm tiêu biểu nhất để bảo tồn cảnh quan và không gian, những tuyến điểm khác sẽ có sự “phát triển” – xây dựng mới – khai thác giá trị hiện hữu của đô thị hoá, nhưng vẫn phù hợp với không gian rộng lớn và lịch sử phát triển của cả thành phố. Khu vực “bảo tồn” là điểm tựa và khu vực “phát triển” là đòn bẩy để Chợ Lớn thực sự trở thành một “đô thị di sản” như nhiều đô thị di sản nổi tiếng trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng như nhiều dự án bảo tồn khác của nước ta, ở khu vực bảo tồn dường như mục đích “phục vụ du lịch” (khai thác kinh tế) vẫn là hàng đầu và quan trọng nhất, mà lẽ ra, vì cộng đồng dân cư phải là mục đích chính. Bởi nếu không chú trọng đến cộng đồng đã tạo nên di sản văn hoá thì khó có thể bảo tồn và phát triển. Nói đến Chợ Lớn là nói đến cộng đồng người Hoa và những sinh hoạt kinh tế – văn hoá đặc trưng. Tuy đã dự tính những tác động đến dân cư khi dự án tiến hành nhưng đó mới chỉ là “bề nổi”, “bề sâu” là cần nhận biết kết cấu cộng đồng người Hoa ở khu vực này đã biến đổi thế nào, và sự biến đổi đó tác động thế nào đến di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) ở đây? Đánh giá được điều này sẽ cho một dự báo, cảnh báo cho hiện tại và tương lai của khu vực Chợ Lớn. Ta đã biết người Hoa có lối sống, truyền thống sinh hoạt từ gia đình đến cộng đồng rất gắn bó (tam tứ đại đồng đường, các bang hội nhóm…). Diện mạo di sản không thể tách rời diện mạo cộng đồng đã gắn bó và làm chủ di sản trong quá khứ. Cộng đồng nào thì sẽ xây dựng hoặc làm biến đổi di sản theo văn hoá của mình.

Thứ hai, ở các đô thị lớn nếu mặt tiền đường phố thể hiện sức sống thì những con hẻm chằng chịt phía sau, bên trong chính là mạch máu nuôi sống đô thị ấy. Ở khu vực Chợ Lớn điều này càng rõ. Đơn cử: cung cấp hàng hoá cho chợ đầu mối Bình Tây và nhiều tiệm hàng hoá khác có một phần quan trọng từ những ngôi nhà là “kho hàng” trong các hẻm nhỏ, nghề “bỏ mối” hàng hoá bằng xe máy, xe ba gác rất linh hoạt đã nuôi sống nhiều người, chưa kể những cơ sở tiểu thủ công nhỏ lẻ trong các hẻm này. Ngoài ra, có thể nói ở khu vực Chợ Lớn vẫn còn duy trì khá rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa “huyết thống” và “cư trú” trong các hẻm (lý, hạng – theo cách gọi của người Hoa). Vì vậy, quy hoạch bảo tồn các “ô phố” gồm cả mặt tiền và hệ thống hẻm lớn nhỏ cần được dự án chú ý hơn.

“Bảo tồn và phát triển” là hai yêu cầu đồng thời là điều kiện quan trọng nhất của các dự án bảo tồn di sản văn hoá, nhất là đối với những “di sản sống cùng thành phố” như Chợ Lớn.

TS Nguyễn Thị Hậu
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thoái hoá trí thức



SGTT.VN - Những scandal sách dịch, sách giáo khoa, tác phẩm học thuật, đạo văn, đạo luận án... đặt ra một vấn đề: phải chăng đang có sự thoái hoá trong những người tự nhận là trí thức, và nếu đúng thì đâu là nguyên nhân?

Sự xuống cấp trong công việc trí thức
Nhiều người không tin những lỗi dịch thuật nghiêm trọng, những sai lầm sơ đẳng của những tác phẩm học thuật... là do kém trình độ ngoại ngữ, trình độ học thuật, văn chương của người, nhóm người đứng tên tác giả, dịch giả. Bởi không ai viết sách, dịch sách được xuất bản, được lăng xê và thành danh mà kém cả. Chỉ có thể giải thích: những người này đã không nghiêm khắc với bản thân trước công việc trí thức.

Lịch sử trí thức Việt Nam và thế giới không thiếu tấm gương sáng của những thiện trí thức về tư duy nghiêm cẩn, lao động chữ nghĩa và nhận thức tự phê rạch ròi... Một loạt sự cố về sách và dịch phẩm trong đời sống trí thức đất nước gần đây lại không mang tinh thần và phẩm chất của giới trí thức đúng nghĩa. Không ít những trí thức nổi tiếng, được xã hội ca ngợi tới đỉnh đang bị chính thứ hào quang đó đẩy mình vào tư thế cẩu thả, ngạo mạn trong công việc trí thức. Có một nhà văn khá nổi tiếng mà chúng tôi không tiện nêu tên, khi được hỏi vì sao gần đây ít thấy sáng tác mới, đã trả lời: “Vì cái gì mình viết cũng được khen hay trong khi chính mình lại thấy chưa được hay, nên sợ...”

Trong bối cảnh Việt Nam thiếu diễn đàn tranh luận trí thức và gần như là số không trong lĩnh vực phê bình học thuật, văn chương, người ta lại thấy một hiện tượng bất thường là những nhóm lợi ích trong lĩnh vực này đang nổi lên cướp vai trò chính thống của giới phê bình để thủ lợi. Những nhóm lợi ích này đang thâu tóm việc tôn vinh một tác phẩm và lăng xê tác giả. Ai cũng biết kiểu thao túng văn chương – học thuật như con buôn này nguy hại cho các giá trị sáng tạo và học thuật quốc gia đến mức nào. Nhưng trong khi bảng hiệu xuất bản thì của Nhà nước, thực lợi xuất bản lại thuộc về những nhóm lợi ích, hệ thống biên tập ở nhiều nhà xuất bản chính thức gần như chỉ còn giữ vai trò gác cửa chính trị, còn tất cả các nội dung khác của tác phẩm thì “treo đầu dê bán thịt chó”, kiểu nào cũng được các nhóm lợi ích đưa qua mọi cửa kiểm duyệt.

Sự thao túng của các nhóm lợi ích
Trong giới trí thức hiện nay, người ta thấy không thiếu những gương mặt “nổi tiếng” thay nhau xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Họ phát ngôn đủ loại đề tài, cả những đề tài không thuộc chuyên môn của mình. Từ góc độ công chúng bị những trí thức không biết tự trọng “tra tấn” trên truyền thông, người ta lại thấy thêm một vấn đề nghiêm trọng khác là mặt bằng và chuẩn mực những giá trị tri thức truyền thông phục vụ đại chúng đang bị một số gương mặt trí thức thuộc sở hữu của nhóm lợi ích truyền thông thao túng.

Trong công việc của trí thức, hầu như ai cũng nằm lòng một điều là: bên trong mỗi trí thức chân chính đều có một nhà phê bình nghiêm khắc. Nếu danh tiếng anh lớn hơn tài năng và lao động sáng tạo của anh thì hậu quả không phải chỉ là nỗi nhục nhã ê chề mà lưỡi dao háo danh sẽ giết chết mọi thành quả. Nhận diện những nhóm lợi ích đang huỷ hoại mình là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là hãy tự trọng bảo vệ và hành xử theo lương tri nghiêm khắc của mình sao cho xứng với danh hiệu trí thức.

Giao Cảm
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Có một giấc mơ màu hoa mướp...



TTCT - Khi còn trẻ, tôi hay trêu mấy ông già thích vui thú điền viên lắm. Tôi chả thấy cái khoảnh vườn dăm cây ổi, vài cây chuối, đàn vịt thả ao hay đàn gà "túc túc" tìm bới giun mổ thóc ngoài vườn nó hay ho gì. Chán chết.

Sinh ra, lớn lên ở thành phố, nếu có về chơi vườn quê ai đó vài ngày thì được. Ở lại thì thôi. Nhìn mưa trên sông nẫu cả ruột chứ vui thú gì. Ánh đèn đô thị hấp dẫn ta hơn. Về!


Minh họa: Đỗ Trung Quân



Đấy là chuyện hồi... còn trẻ.

Bây giờ tôi thật sự thèm cái vợ chồng anh đang có nhà rường ngon lành, vườn tược mênh mông lại ở ngay bên sông. Anh ở xẻo lá - Nhà Bè xa tít khỏi ánh đèn đô thị của Sài Gòn. Đến chơi sẽ phải nhậu, nhưng trước khi nhậu thì phải thăm vườn. Chuối, ổi, mận, xoài, mít, bắp, khoai, dưa gang, dưa hấu tự trồng. Buổi trưa uống rượu khát nước, anh xách dao ra bụi mía chặt nguyên cây mang vào róc vỏ.

Mía ngọt nhai rôm rốp. Say lăn ra võng ngủ khoèo, mơ hồ nghe tiếng nước vỗ bên lùm dừa nước và gió rười rượi. Quỷ thần ơi! Thì ra nó là thú điền viên đây. Nó sướng thế này hèn chi các cụ... Nhà con xin lỗi ngày xưa còn trẻ đã lỡ dại trêu các cụ "dở người", nhà cửa phố thị đầy đủ tiện nghi không muốn ở cứ đòi về vườn. Nay con cũng muốn về vườn, cũng thèm về vườn lắm rồi thưa các cụ mà dễ gì có được cái vườn thế này.

Hồi bạn mua đất ở đây chỉ toàn bùn lầy, đường sá chả có. Tôi thở dài nghĩ: "Tay này nó gốc nhà nông, nó không quen phố thị, đã định cư có nhà cửa ở ngay giữa Sài Gòn mà không biết hưởng tiện nghi thành phố, về đây chỉ có cò với khỉ, cua còng với dừa nước chớ có cái gì hở trời!".

Bây giờ biết mình sai lè rồi. Cái cơ ngơi đáng giá của hắn không phải là nhà rường mà chính là cái miếng vườn đủ thứ hoa đồng cỏ nội, toàn thứ hoa nhà quê. Bông bụp, bông trang, bìm bìm, dừa cạn, bông ổi, bông mận... cũng có vài giò lan bạn bè tặng treo lên, vài cây ngọc lan đêm mưa mùi hương đi lang thang trong hơi gió lạnh. Thích thì bới khoai lên lùi bếp, thích thì hái đọt bầu đọt bí luộc lên đĩa rau xanh chấm tương, chấm kho quẹt. Chiều mưa lất phất trên sông. Cơm trắng cá đồng. Còn muốn gì nữa trời?

Nhưng tôi chỉ thèm, chỉ thích, chỉ mơ ngôi nhà, khoảnh vườn của hắn. Cái thú điền viên của hắn. Tôi vẫn không thích cái thói ham thịt rừng, thịt thú của hắn. Nhím, dúi, mễn, cheo, ba ba, rùa rắn gì vào tay hắn thành món nhậu ráo. Hắn chiều bạn nên hay nghĩ ra món lạ. Vốn gốc nông dân, hắn vác hom ra vườn gài chim. Trao trảo chỉ cần con chim mồi và chiếc lưới, hôm sau hắn "thu hoạch" vài chục chú trao trảo là thường. Trao trảo nhỉnh hơn chim sẻ chút ít, lông xám nâu. Hắn alô bạn bè đến nhậu. Chim nướng lửa, gió sông, rau củ vườn nhà còn gì bằng.

Nhưng một hôm, khi tôi đến thấy hắn mở lồng thả hết bầy trao trảo lưới được vài hôm trước. Hắn nhìn lũ chim bay xoành xoạch khỏi lồng mặt mũi tươi tỉnh. Bữa nhậu chỉ có cá lóc đồng, có rạm, có gà thả vườn cũng rôm rả và hết một buổi chiều. Rượu vào, tâm tình ướt át... Thì ra mấy tháng nay hắn ân hận vụ gài chim. Môi trường sống tốt chim chóc mới về. Chim về thì người giăng bẫy bắt làm mồi nhậu.

Của đáng tội mấy con chim vặt lông chỉ bé bằng ba ngón tay, ngon thì ngon đấy, lạ cũng lạ miệng với dân thành phố đấy nhưng nó cũng có gì day dứt với môi trường, với kẻ chọn vui thú điền viên. Thú điền viên không đồng nghĩa với thú nhậu cho sạch hết con gì nhúc nhích, tìm đến nơi mình sống.

Được đấy, gà vườn cá sông cứ nhậu, rau cỏ quanh mình cứ hái, vụ chim chóc cho qua. Trong giấc ngủ mơ hồ trên cánh võng, tôi mơ một giấc mơ vàng màu hoa mướp và lách chách tiếng chim sẻ sau tàng khế tím hoa...

Chỉ chưa mơ thấy mình hóa bướm...

ĐỖ TRUNG QUÂN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

'Người Hà Nội gốc không bao giờ bún mắng, cháo chửi'


Theo NSND Lê Khanh, cốt cách người Hà thành không ồn ào mà luôn bình dị, kín đáo.

http://tinngan.vn/archive/images/content/2012/07/10/shares/080005_lekhanhtrong.jpg


'Người nghệ sỹ dấn thân nghệ thuật
phải biết giữ gìn thanh sắc'



Mới đây, nhiều người bức xúc khi trên mạng rò rỉ clip nhân viên Nhà hàng S.V. (Hà Nội) hành hung khách hàng.

Thêm vào đó nhiều quán ăn có hiện tượng 'bún mắng, cháo chửi' với 'thượng đế'.

Một vấn đề đặt ra: Phải chăng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, sang trọng đang dần bị mai một?

Khi được hỏi về vấn đề này, NSND Lê Khanh cho biết, giờ có hàng triệu người tràn về thủ đô nên mới có hiện tượng 'nháo nhào' trong cách hành xử như thế.

Chứ người Hà Nội gốc sống một cách thư thái và tự bản thân họ bảo thủ với phong cách sống chậm rãi của mình.

'Với tôi thì nó giống như gen di truyền, nó có sẵn trong huyết quản, trong trái tim', Lê Khanh nói.

Chị nhấn mạnh, người Hà Nội gốc thường sống thầm lặng, ít bon chen nên nếu để ý kỹ sẽ thấy hầu hết họ không sống ở nhà mặt tiền mà rút vào bên trong.

Nhưng không có nghĩa là chị đổ lỗi người ngoại tỉnh 'làm bẩn' văn hóa Hà Nội.

Mà mỗi người cần nhận ra giá trị của mình, tự làm đẹp, làm sang văn hóa nơi mình đang sinh sống, có như thế mới hình nên phong cách người Hà thành.

Đặc biệt, cần định hướng giáo dục nếp văn hóa truyền thống cho giới trẻ để uốn nắn những hiện tượng 'lai căng' không đáng có.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [31] [32] [33] [34] [35] [36] [37] ... ›Trang sau »Trang cuối