Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [29] [30] [31] [32] [33] [34] [35] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Ăn ở với đồng tiền

Bài đăng trên Người Lao Động Thứ Ba, 05/06/2012 00:14

Lại thêm một đường dây bán dâm của giới “chân dài” bị công an bóc gỡ. Lần này giá cao hơn, 2.000 - 2.500 USD/lần hay 25.000 USD/3 ngày và bên bán vẫn là những người mẫu, hoa khôi, hoa hậu; còn bên mua luôn là mấy đại gia.

Một lần nữa, đồng tiền được nhắc đến qua những “định đề” chát đắng: “Có tiền là có tất cả”, “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”...

Những cuộc thi nhan sắc đã trở thành bậc thang danh vọng nâng bước nhiều người đẹp đến nhanh với thế giới giàu có. Từ đây, bởi tham vọng làm giàu điên cuồng, không ít người đã bị ma lực đồng tiền hạ gục. Hãy nghe lại một trong những người đẹp bán dâm bị bắt lần này trả lời trong đêm cô đăng quang hoa khôi cuộc thi thời trang cách đây 2 năm: “Việc học tập đối với em là quan trọng nhất... Khi ra trường, em mong được về quê làm việc để đóng góp một phần nhỏ cùng xây dựng quê hương giàu đẹp” (!).

Những trường hợp hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi từng nói lời hoa mỹ với công chúng kiểu như thế, rồi chẳng lâu sau bị lột mặt nạ vì bán dâm khiến dư luận nhận ra rằng một góc không nhỏ cuộc sống hiện đại đã bị tô vẽ, che đậy bởi quá nhiều giá trị ảo. “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, một khi có nhiều người chạy theo, sống bám và tôn sùng giá trị ảo thì các giá trị đạo đức tốt đẹp hẳn nhiên bị ảnh hưởng. Khi ấy, sự giả dối, cái xấu và cái ác nảy nở, trở thành mối nguy.

Trước những vụ như thế, đồng tiền thường bị cáo buộc là thủ phạm. “Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân” (muốn giữ đức nhân thì đừng làm giàu, còn nếu ham giàu thì không làm người tốt được), nhiều người đã lấy lời răn này của Mạnh Tử để khẳng định đồng tiền là nguồn gốc sinh ra mọi sự hư hỏng. Đây là một cách nghĩ khá phổ biến nhưng chưa thật đúng.

Thật ra, đồng tiền chẳng tội tình gì, tội lỗi chỉ thuộc về những người tìm kiếm, sở hữu và sử dụng nó một cách vô nhân, trái luật. Đáng lên án phải là những người đã nhúng chàm vì kiếm tiền bằng mọi giá, làm méo mó chân giá trị của đồng tiền; đồng thời góp tay gây băng hoại xã hội.

Vì thế, ăn ở với đồng tiền, thật khó! Trong một xã hội pháp trị, các thiết chế luật pháp là công cụ điều chỉnh, chế tài hàng đầu song thực tế đã không ngăn chặn được từ gốc rễ những hành vi sai trái liên quan đến tiền bạc. Do vậy, bên cạnh luật pháp là đạo đức, chỉ có đạo đức mới có thể giúp con người ứng xử đúng trong các quan hệ tiền tệ mà thôi.

Tiền không mua được lòng tốt. Phải được giáo dục và nỗ lực rèn luyện không ngừng thì bản thân mỗi người mới có được phẩm chất đó!

DƯƠNG QUANG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Trớ trêu

Bài đăng trên Người Lao Động Thứ Tư, 06/06/2012 00:14

Chẳng khác nào một sự trớ trêu khi ông thứ trưởng Bộ GD-ĐT trong cuộc họp báo kết thúc kỳ thi hào hứng tuyên bố kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được “chấn chỉnh” và diễn ra “rất nghiêm túc”, trên mạng xuất hiện một clip ghi lại cảnh gian lận trường thi.

Đúng là không thể nói khác hơn hai từ “trắng trợn” khi trong clip dài hơn 6 phút được cho là quay tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) trong buổi thi môn hóa vào chiều 2-6, các thí sinh cứ mở “phao” ra chép hay trao đổi thoải mái như chỗ không người. Việc vi phạm nghiêm trọng quy chế thi cử này diễn ra ngay trước mắt một nữ giám thị. Thậm chí trong clip còn xuất hiện cả một giám thị ném thêm tài liệu vào cho thí sinh trong phòng thi.

Cũng là trớ trêu khi cảnh gian dối trắng trợn trên diễn ra ngay lúc thi môn hóa vào buổi chiều mà buổi sáng các thí sinh vừa thi môn văn, trong đó có yêu cầu viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ về ý kiến “Thói dối trá là biểu hiện sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội”. Các thí sinh và giám thị nghĩ gì khi buổi sáng còn bày tỏ chính kiến về thói dối trá thì chính họ lại gian dối tới mức trắng trợn ngay trong buổi chiều cùng ngày (2-6)?

Có thể, có người sẽ biện minh rằng cảnh gian dối tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô chỉ là cá biệt. Đúng, đó tất nhiên chẳng phải là cảnh phổ biến trong kỳ thi vừa qua. Song đó phải là cá biệt hay không?

Ai cũng biết tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích là những căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục. Chính vì thế mà ngành giáo dục đã phải phát động phong trào “Hai không” từ năm 2006 để chống lại. Năm đầu tiên thực hiện khá nghiêm “Hai không” đã cho kết quả giật mình là tỉ lệ tốt nghiệp THPT giảm sút hẳn, có tới 12 địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp dưới 50%. Song 3 năm sau, tỉ lệ này “đại nhảy vọt” lên trên dưới 90%, thậm chí có địa phương còn xấp xỉ 100%. Trong khi đó, bất kỳ ai am hiểu về giáo dục đều biết rằng thành tích hay chất lượng giáo dục là thứ không thể thăng tiến nhảy vọt như vậy.

Căn bệnh tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục nay đã giảm được bao nhiêu? Thật không dễ để trả lời câu hỏi này khi mà ông thứ trưởng đang xoa tay tuyên bố “kỳ thi nghiêm túc” thì trên mạng xuất hiện ngay cảnh quay cóp trắng trợn. Bệnh thành tích trong giáo dục nhìn ở góc độ nào đó chính là thứ chất để nuôi dưỡng thói dối trá, gian dối trong giáo dục. Không thực sự nghiêm túc thì không loại trừ mà còn xuất hiện nhiều hơn những khối “ung nhọt” như kiểu ở Trường THPT Dân lập Đồi Ngô.

PHẠM DƯƠNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đề văn mở, chưa đủ!



SGTT.VN - Tình yêu môn văn ở học trò ngày càng sa sút là vấn đề đã được giới chuyên môn gióng chuông năm này qua năm khác. Cứ sau mỗi kỳ thi tú tài, đại học, thì những bài văn, câu văn ngây ngô tệ hại cười ra nước mắt thường được báo chí khai thác và trích dẫn như một đề tài “hot” có tính chu niên.

Có lẽ những ai làm trong ngành sư phạm đều hiểu rõ căn nguyên nỗi nhức nhối đó không nằm ở học sinh, mà nằm ở nội dung và phương pháp dạy học môn văn trong nhà trường. Và điều lạ là, nhiều thầy cô dạy văn vẫn nhận ra sự tác hại của tính chất từ chương, giáo điều, tư duy cứng nhắc trong giảng dạy văn chương ở nhà trường đã ảnh hưởng thế nào đến tư duy nhận thức cuộc sống, tư duy sáng tạo của học trò nhưng họ vẫn không tài nào thoát ra khỏi vũng lầy.

Gần đây, dường như đã có một vài biểu hiện cải thiện khi lác đác xuất hiện một vài đề văn nghị luận “mở” trong các kỳ thi khuyến khích sự tự do trình bày nhận thức, góc nhìn của học sinh trước các vấn đề “nóng” của xã hội. Với học sinh, môn văn đã không còn chôn chân trong hệ thống sách giáo khoa và những khung xương lạnh lùng mòn ruỗng trong sách hướng dẫn giảng dạy, mà kết nối vận dụng những hiệu quả về khả năng quan sát, thể hiện cảm xúc, biểu hiện ý thức trước các vấn đề thời sự đời sống chung quanh.

Đại học FPT với đề văn tuyển sinh yêu cầu thí sinh phát biểu quan điểm về chữ trinh của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Đề văn này được các chuyên gia có tư tưởng tiến bộ trong giáo dục hưởng ứng trong khi nhiều người lại xem là quá “nhạy cảm”. Điều đáng quan tâm đó là, vượt qua một chút xúc cảm bối rối ban đầu, nhiều thí sinh đã có thể hành xử với đề văn này một cách thoải mái, tự do giãi bày, bảo vệ quan điểm của mình về một vấn đề bấy lâu bị xem là khó nói, thậm chí cấm kỵ, tế nhị trong nhà trường.

Vừa qua, loé lên trong đề văn kỳ thi tú tài 2012 một yêu cầu bài viết 400 từ dưới dạng nghị luận xã hội về chủ đề “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Bài viết này chiếm 3/10 điểm. Tuy nhìn trên tổng thể thì đề văn năm nay vẫn còn những câu hỏi giáo khoa, cũ kỹ, từ chương, nhưng bài luận về “thói dối trá” là một cách đưa vấn đề hay, loại trừ khả năng học vẹt, copy tài liệu hay theo dàn ý “học tủ”, đòi hỏi khả năng suy luận và vận dụng sáng tạo của học sinh.

Đề văn về “thói dối trá” một lần nữa gây sự chú ý của dư luận bởi nó hướng tư duy của người học đến mối tương quan xã hội, nó khuyến khích sự độc lập sáng tạo và tinh thần dân chủ ở người học.

Những sự việc trên dẫn dắt liên tưởng đến một câu chuyện khác không mấy vui. Đầu tháng 5.2012 Nguyễn Vũ Anh, học sinh lớp 12A2 trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), đã viết một “bài văn lạ” – theo cách nói của nhiều tờ báo. Cậu học trò này đã khéo léo “lái” vấn đề bạo lực học đường (theo yêu cầu của đề văn) sang bày tỏ bức xúc về cơ sở vật chất của nhà trường, cụ thể là việc lắp đặt hệ thống quạt máy thiếu khoa học đã gián tiếp gây “bạo lực tâm lý” lên người học. Kết quả: bài văn bị nhận điểm 0 vì “Ý thức kém” (theo lời phê của giáo viên phụ trách môn văn). Ngoài ra, cậu học trò này còn bị nhà trường buộc làm bản kiểm điểm có chữ ký của phụ huynh, bị buộc đọc bản kiểm điểm trước lớp chỉ vì “mô tả không đúng về tình trạng cơ sở vật chất của nhà trường”.

Trong trường hợp này, lẽ ra những người làm công tác sư phạm ở trường Ngô Quyền phải đặt ra câu hỏi, vì sao học sinh lại chọn cách viết “cố tình lạc đề” để nhìn nhận lại thực tế về vấn đề mà em đề cập.

Vì sao một học sinh phải chọn cách lái vấn đề, có nghiên cứu và vận dụng nhiều kiến thức khoa học chứng minh sự bất hợp lý trong đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường – vấn đề mà em có thể ý kiến trực tiếp với nhà trường – vào trong một bài văn?

Tinh thần “mở” còn nằm ở chỗ, nhà trường, nhất là người dạy phải có khả năng suy xét nghiêm túc trước những ý kiến độc lập, cắt nghĩa thấu đáo những ý tưởng sáng tạo (kể cả khi đó là những sáng tạo nghịch ngợm), kể cả những quan điểm có tính đụng chạm trực tiếp từ phía học trò để tự hoàn thiện môi trường giáo dục.

Không thể đòi hỏi sự độc lập, tư duy sáng tạo nơi học trò nếu như người dạy, nhà trường, và nhất là hệ thống giáo dục vẫn còn là thành trì vững chắc của sự chủ quan, bảo thủ và áp đặt một chiều.

Đề văn mở cần người viết “mở” và cũng rất cần người chấm ở tinh thần tiếp nhận và đánh giá với tư duy “mở”. Để việc hô hào về tính “mở” trong giảng dạy văn học không là biểu hiện của “thói dối trá” trong môi trường giáo dục!

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

"Đại thi hào" của khoa học viễn tưởng qua đời



TTO - Ray Bradbury - người được mệnh danh là đại thi hào của khoa học viễn tưởng thế kỷ 20 - đã qua đời tại Los Angles (Mỹ) ngày 5-6 (giờ địa phương).

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=569241
Ray Bradbury năm 2000 - Ảnh: AP



Ray Bradbury tên thật là Raymond Douglas Bradbury, sinh năm 1920 tại Illinois (Mỹ). Ông tốt nghiệp trung học năm 1938 nhưng không vào đại học mà bán báo dạo và tự học tại thư viện địa phương, đặc biệt là theo dõi những cuộc phiêu lưu của hai nhân vật Flash Gordon và Buck Rogers trong các sáng tác khoa học viễn tưởng.

Ra mắt truyện ngắn viễn tưởng từ năm 1938 nhưng Ray Bradbury chỉ nhận 15 USD nhuận bút đầu tiên cho một tác phẩm khác được đăng vào năm 1941.

Được xem là nhà văn viễn tưởng có văn phong đầy chất thơ, Ray Bradbury luôn đấu tranh chống việc vật chất hóa xã hội và đề cao vai trò của nhận thức. Ông từng phát biểu: "Trước hết, tôi không viết truyện khoa học viễn tưởng. Tác phẩm khoa học viễn tưởng duy nhất mà tôi viết là Fahrenheit 451 (451oF), nhưng dựa trên hiện thực. Khoa học viễn tưởng là sự mô tả hiện thực. Tác phẩm giả tưởng là sự mô tả phi hiện thực. Vì vậy, The Martian Chronicles (Biên niên sử Hỏa tinh) không phải là tiểu thuyết viễn tưởng mà là tiểu thuyết giả tưởng”.

Ray Bradbury đã nhận nhiều giải thưởng văn chương cao quý như National Book Award, Hugo Award, Nebula Award, Bram Stoker Award, Inkpot Award. Các tác phẩm nổi tiếng của ông The Martian Chronicles, Fahrenheit 451 và The Illustrated Man đều được chuyển thể thành phim.

Tổng thống Barack Obama đã tưởng niệm và nói lời tri ân về sự nghiệp của Ray Bradbury. “Tài năng bẩm sinh của ông về việc kể chuyện đã định hình lại nền văn hóa và mở rộng thế giới của chúng ta.” Ông nói thêm rằng Ray Bradbury cũng đã biết rằng trí tưởng tượng có thể là một dụng cụ để thông hiểu nhau hơn, là một phương tiện mang lại sự thay đổi.”
Đạo diễn “khủng long” Steven Spielberg nói “một phần lớn công trình của tôi về phim khoa học viễn tưởng đều lấy cảm hứng từ Ray. Ray là bất tử.”
Vua kinh dị Stephen King nói với tờ Hollywood Reporter rằng “Hôm nay tôi nghe thấy tiếng sấm sét của bước chân gã khổng lồ đang đi xa dần. Nhưng những câu chuyện kể vẫn ở lại, với đầy đủ âm vang và vẻ đẹp kỳ bí.”

Trong Thi viện, mời các bạn đọc một truyện ngắn của Ray Bradbury tại http://www.thivien.net/fo...;Page=17#forumreply179550
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mỹ thuật Việt không có giấc mơ?



SGTT.VN - Với câu hỏi này chắc chắn nhiều người trong giới mỹ thuật sẽ phản bác “sao lại không”, thậm chí còn mơ nhiều hơn thực, mơ đến mộng mị đấy chứ!

Năm 2012, tại Art Singapore có khoảng 140 phòng tranh, 600 nghệ sĩ và 32.000 khách đến xem, phía Việt Nam chỉ vài phòng tranh tư nhân có mặt. Tại Art HK vừa diễn ra từ 17 – 20.5, có 266 phòng tranh từ 38 quốc gia và hơn 67.000 khách đến xem, Việt Nam chỉ phòng tranh Quỳnh tham dự. Và còn rất nhiều sự kiện quan trọng khác chúng ta vẫn điềm nhiên vắng bóng. Vậy câu hỏi đặt ra là: sau khoảng 120 năm của mỹ thuật hiện đại, giấc mơ của Việt Nam là gì?

Nhìn từ bên ngoài, nếu đặt vào các sự kiện trưng bày, các liên hoan giới thiệu, các hội thảo chuyên đề của khu vực hoặc xa hơn nữa, thì có thể nói mỹ thuật Việt Nam thiếu ước mơ… nhập cuộc. Bởi, nhiều nước cùng khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines… luôn có chiến lược và chiến thuật tiếp thị cho từng sự kiện mỹ thuật mà họ có thể tham gia hoặc tổ chức được. Thậm chí khi không tham gia, thông tin về họ vẫn được chuẩn bị bài bản để giới thiệu gián tiếp, liên tục, lúc nào cũng ở tình trạng “đã bắt nhịp cầu”. Trong khi Việt Nam thì khá phập phù, lúc có lúc không, đôi chỗ có cảm giác mình lơ là, thậm chí, “bế quan toả cảng”.

Các nhà nghiên cứu hay giám tuyển trong khu vực, qua các quan hệ riêng của mình, đều biết Việt Nam không thiếu những nhân tố hay vấn đề mỹ thuật, nhưng để kết nối đúng địa chỉ lại khá nan giải. Đó là chưa kể có những sự kiện cần đến tiếng nói của tổ chức, hội đoàn… thì kết nối càng khó khăn. Điểm lại các sự kiện mỹ thuật lớn, các hội chợ, bảo tàng chuyên nghiệp, hay cả sự kiện ngũ niên tại Đức (Documenta)… thì Việt Nam đều từng là khách mời chính thức. Thế nhưng, chuyện đó khá “hên xui”, lần này có lần kia không, chứ không phải do Việt Nam đã đủ tâm thế và đẳng cấp để lúc nào tham gia cũng được. Trong vài trường hợp, việc tham gia theo kiểu “qua cầu rút ván”, nơi tổ chức muốn thông qua người đi trước để mời người đi sau, nhưng không kết nối được nữa.

Còn nhìn từ bên trong, dù giá bán chưa cao và chưa thật đắt hàng, nhưng rõ ràng tác giả mỹ thuật nào cũng có thị trường nấy. Quan sát nghệ sĩ lúc về già thì đủ hiểu, chẳng mấy người còn nhiều tác phẩm ở nhà, làm một triển lãm kỷ niệm hay hồi cố là phải đi mượn tác phẩm đây đó. Lượng tác phẩm và số tác giả Việt tìm đường đến được các thị trường tranh quốc tế cũng không quá ít, nhưng vẫn manh mún. Bởi đó không phải là chiến lược quốc gia, mà tự mỗi người lò dò tìm đường ra ngoài, hoặc các nhà mua bán ở ngoài lò dò tìm đường vào trong.

Đành rằng, rất nhiều nghệ sĩ không thích mượn con đường chính thống để ra quốc tế, có người còn từ chối thẳng thừng lối đi này; tại nhiều nước cũng vậy. Thế nhưng, trước các sự kiện mỹ thuật quan trọng hoặc uy tín, trách nhiệm của phía quản lý là phải thông tin cho được diện mạo của mình. Phía quản lý hay các tổ chức chuyên ngành về mỹ thuật Việt Nam thường rất dửng dưng với các sự kiện bên ngoài, cứ để cho nghệ sĩ “tự bơi lội”. Với vài nước trong khu vực, các nghệ sĩ vẫn thích tự vẽ nên diện mạo của mình, vẫn tự bơi, nhưng khác ở một điểm then chốt, phía chính thống vẫn đưa ra phát ngôn của mình, như vậy mới khách quan và phong phú. Điều này có thể ví dụ qua khái niệm đơn giản là “nghệ thuật đương đại”, rõ ràng các giám tuyển độc lập và các nghệ sĩ định nghĩa khác, phía quản lý định nghĩa khác, nên dường như đang có hai “đương đại” ở Việt Nam.

Cũng như hiện nay, khi nhiều nước trong khu vực đã hoàn thiện hồ sơ để kết nối hoặc tham dự Venice Biennale 2013, thì Việt Nam vẫn khá dửng dưng, nên giấc mơ nhập cuộc vẫn là chuyện hên xui hoặc mịt mù. Có lẽ câu nói “Việt Nam mình khác” vẫn còn nguyên giá trị với giấc mơ mỹ thuật Việt Nam.

Hiền Hoà
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Ngày trước chỉ có đánh nhau là tổ chức giỏi. Còn bây giờ mọi thứ cá nhân tự múa là chính. Các cơ quan quản lý của nhà nước còn lo nhiều chuyện nhớn khác như dự án A, Bờ, Cờ...của ngành, của quốc gia, liên quốc gia...
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Em thấy nhiều thứ ta tổ chức vẫn hoành tráng ra phết đấy chứ! Ví dụ như các lễ hội, các festival, các ngày ra quân, khai trương, động thổ, khánh thành... đặc biệt là các hội nghị bàn về phê và tự phê...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lòng dạ để hết ở ca trù



SGTT.VN - Một ca nương vừa được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú – đó là Bạch Vân. Có thể xem đây như một tưởng thưởng khả dĩ cho người nghệ sĩ đã hy sinh tất cả: danh lợi, tiền bạc, gia đình, con cái... để một bộ môn nghệ thuật cổ của dân tộc không bị thất truyền.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=175480
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường



Khi lối hát cổ truyền có tên là “hát cô đầu”, “hát ả đào” bị xa lánh, không nằm trong danh mục môn học tại các trường nghệ thuật, điều gì thôi thúc chị tìm đến các nghệ nhân xin truyền nghề?

Tôi sinh ra, xung quanh không còn ai hát cô đầu, vì bị coi là sản phẩm văn hoá đồi truỵ của thế hệ cũ. Năm 1984, lần đầu tiên tôi được nghe giọng hát Quách Thị Hồ qua băng, mê mẩn từ đó. Vì thế, tôi đã đi khắp nơi tìm gặp những ca nương, danh cầm nổi tiếng trong quá khứ. Để tồn tại, họ đều đã chuyển nghề đàn hát sang làm nghề khác: cụ Chu Văn Du là thợ giặt, thợ sơn vôi; bà Hồ đi gánh nước thuê; cụ Chúc đi bán hàng xén và làm ruộng, nuôi gà; bà Mùi làm ruộng và bán hàng xén; bà Kim Đức chuyển sang hát chèo… Tiếc nhất là, tôi theo bà Hồ mấy năm, chỉ được học bốn câu mưỡu, tài năng và giọng hát trời phú của bà cũng không được truyền dạy cho một học trò nào khác!

Nhưng chị vẫn không nhụt chí?

Đi xin học, bị đuổi tôi cũng không về, không nản lòng. Khó nhất là làm sao để thành học trò của các nghệ nhân khi họ đã định mang theo ca trù vào… nghĩa trang! Nhưng tôi vẫn lao vào với ý nghĩ phải tìm cách gây dựng lại, làm sống lại ca trù bằng mọi giá. Giờ, sau gần 30 năm, nhiều người thừa nhận rằng điều tôi mong muốn là đúng và đã thành sự thật, khi ca trù được công nhận di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Người có công nhất, đã cho Bạch Vân cơ hội trụ lại với đam mê ca trù?

Đó là phó quản ca giáo phường Khâm Thiên, nghệ nhân đàn đáy Chu Văn Du, người Khoái Châu, Hưng Yên, từng dự kỳ thi cuối cùng để chọn vào cung vua đàn. Ông không có con gái nên rất quý tôi. Nhờ ông, tôi được học phách, trống và hát. Cụ Nguyễn Văn Trai (Phó Trai), ở làng Láng Thượng – nơi có di tích chùa Láng – nổi tiếng là quan viên rất sành, phong lưu đài các, giúp tôi nhiều về chuyên môn và an ủi, động viên tôi rất nhiều mỗi khi tôi chán nản. Các nghệ nhân nổi tiếng như bà Hồ, bà Phúc… đều dạy tôi không lấy tiền. Nghệ sĩ Kim Đức còn nhận tôi làm con gái. Tôi vụng về, bà thì nghiêm khắc. Sau ba năm, thấy có đức, dạy một bài. Năm năm đi lại, thấy có đức, dạy hai bài nữa.

Một điều lạ: Bạch Vân cô gái trẻ tỉnh lẻ, từ Nghệ An ra Hà Nội học thanh nhạc, thay vì bị tân nhạc lôi cuốn, đã đắm đuối với lối hát cổ…

Dễ hiểu thôi. Mẹ tôi, một người đàn bà thôn quê, nhưng làu làu thơ phú. Cha tôi làm thơ và ngâm thơ Đường. Bên cha mẹ, tôi sớm thấm vào lòng những giá trị thơ ca… Bản thân ca trù là một lối ngâm thơ đặc biệt của người Việt, ra đời gần ngàn năm trước; lời ca, giai điệu, âm thanh độc đáo của cây đàn đáy, của trống, của phách… khiến môn nghệ thuật này luôn có nhiều người yêu thích. Tôi chỉ là một trong số đó.

Được biết, chị học nhiều và hiện đang làm nghiên cứu sinh về ca trù…

Đã có người bảo tôi là “đào nương nhiều bằng cấp nhất”. Tôi luôn muốn học, để có thêm hiểu biết và làm nghề. Tôi không chỉ học thanh nhạc ở trường Âm nhạc Việt Nam (nay là nhạc viện Hà Nội), học về văn hoá quần chúng chuyên ngành âm nhạc tại đại học Văn hoá, mà còn tham gia nhiều khoá học khác như đạo diễn chương trình ca múa nhạc, sáng tác âm nhạc, học tuồng, học chèo, học chính quy văn bằng 2 báo chí; học cao học chuyên ngành văn hoá dân gian; làm luận án tiến sĩ về ca trù…

Dường như chị không mấy quan tâm đầu tư thăng tiến sự nghiệp, mà chỉ mải miết với ca trù!

Ở sở Văn hoá thông tin Hà Nội, tôi may mắn được phân công làm mảng văn nghệ quần chúng, phụ trách ngoại thành, nên mới có thời gian theo đuổi ca trù… Trước đó, tôi từng phải kiếm sống bằng nhiều nghề: viết báo, hát dân ca, đi gánh đất thuê, đi buôn hồng ngâm ở Lạng Sơn, xoài ở Mộc Châu – Tây Bắc, vải nhãn Ba La Bông Đỏ – Hà Tây, hồng xiêm ở Xuân Đỉnh... Có hôm, 3 giờ sáng đã ra khỏi nhà, đèo dầu hoả lên Phú Thọ, đạp xe cả trăm cây số chở trà búp về bán; vẻn vẹn trong túi mỗi một ký chè, bị thuế vụ tịch thu sạch. Tôi có làm gì thì lòng dạ cũng để ở ca trù!

Mời các bạn xem tiếp phần cuối, bên dưới
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

(tiếp theo và hết)

Lòng dạ để hết ở ca trù



Có thể hình dung về nỗ lực đưa ca trù vào đời sống cộng đồng của chị?

Đến nay tôi vẫn chạy xe máy khắp Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hoá, Thái Bình… khi thăm các cụ bị ốm, thắp hương cho những người đã qua đời, khi dự một buổi hát, một lễ giỗ tổ ca trù. Đơn giản như việc đưa đón các cụ đi hát, đi dạy, tôi cũng phải trực tiếp làm: chạy xe mấy chục cây số, thuyết phục chính quyền và gia đình đồng ý... Mình không làm thì ai làm, không lo thì ai lo. Lỡ các cụ mất mà không kịp truyền nghề, thiệt thòi cho nghệ thuật, cho công chúng lắm! Tôi rất tâm huyết việc đưa ca trù từ kho băng trở lại cộng đồng những giọng hát quý hiếm của lớp nghệ nhân cũ – đã bỏ nghề từ 30 – 70 năm như cụ Vũ Văn Hồng (hiện 93 tuổi, bỏ từ năm 1942 – 1943, năm 2004 mới đàn lại); cụ Nguyễn Thị Sinh, đào nương hát cửa đình nổi tiếng Hà Nội xưa, lấy chồng vào Sài Gòn 1944, một lần về thăm quê, đã “bị” tôi thuyết phục hát trở lại.

Câu lạc bộ ca trù đầu tiên của cả nước do chị làm chủ nhiệm đã ra đời ra sao?

Tôi thưa với nghệ nhân Chu Văn Du ý định tập hợp các nghệ nhân khác như bà Hồ, bà Kim Đức, bà Phúc, ông Kỳ, ông Ban… Được các cụ ủng hộ, năm 1991, câu lạc bộ ca trù Hà Nội do tôi khởi xướng và đặt tên đã ra mắt tại Văn miếu. Vì các nghệ nhân đều ngại đứng tên, nên tôi trở thành chủ nhiệm câu lạc bộ. Khái niệm “ca trù” trước đó chỉ tồn tại trong sách bắt đầu đi vào cuộc sống. Giờ thì không chỉ chúng tôi, cả nước đã có tới 100 câu lạc bộ ca trù.

20 năm qua, người hâm mộ đều biết Bích Câu đạo quán và nay còn có cả đình Kim Ngân phố Hàng Bạc (Hà Nội) luôn đều đặn những buổi hát ca trù?

Để có địa điểm hoạt động thường kỳ, tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Mười mấy năm chuyên về công tác lễ hội, tang và làng văn hoá của sở Văn hoá thông tin, tham gia viết quy chế lễ hội Hà Nội (những năm 1990 – 1991, tôi hay đi xem tế lễ – hồi đó tế lễ bị cấm, chỉ làm “chui” vào ban đêm, từ 3 – 5 giờ sáng, khi “chính quyền đi ngủ”), tham gia đề xuất phục dựng, mở lại lễ hội và tế rước truyền thống, trực tiếp viết bài về lễ hội Bích Câu đạo quán, nơi thờ đạo Lão duy nhất ở Việt Nam, nên các cụ đã đồng ý cho câu lạc bộ ca trù về đây sinh hoạt. Nhờ thế ca trù đã được trở lại đình chùa, di tích…

Bí quyết duy trì hoạt động ngay cả những khi khó khăn nhất: công chúng khan hiếm, không tiền, không có bất cứ đồng tài trợ nào, thưa chị?

Khó khăn là vô vàn. Nói thật, nhiều lúc tôi cũng mệt mỏi, chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng nếu vậy, câu lạc bộ tan mất. Tuần ba buổi diễn tối thứ tư, thứ sáu và chủ nhật, một khách cũng diễn, hai khách cũng diễn. Hàng đêm, tôi là người đầu tiên đến, người cuối cùng nhặt rác trước khi ra về. Viết chương trình, giao lưu khán giả, hát, đưa đón các cụ… để tiết kiệm chi phí lo việc này việc nọ, tôi làm tất. Tiêu tiền cho mình thì tiếc, tôi chỉ vui khi tiêu tiền cho ca trù; có đồng nào thì để dành nuôi ca trù đồng ấy. Các thiết bị hiện đại giúp giải phóng người phụ nữ và nâng cao chất lượng sống đều xa lạ với tôi. Tôi vẫn nấu cơm bằng bếp than, tự giặt quần áo bằng tay, tủ lạnh không, điều hoà cũng không, xe máy tôi cũng đã cắm để có tiền trả lương diễn viên. Thời điểm này, càng làm càng lỗ, tôi tự biết mình đang “cưỡi lưng cọp”: để câu lạc bộ đỏ đèn, tiền túi không đủ, vay mượn khắp nơi, nợ như Chúa Chổm. Nếu nghĩ cho bản thân thì tôi chẳng làm thế, vừa tốn tiền vừa mệt người.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=175481



Chị có nghĩ mình đã trả giá cho niềm đam mê ca trù bằng tuổi trẻ và cả sự “bất bình thường” của một người đàn bà gần như không gia đình, không con cái, không tiền của… trong bấy nhiêu năm qua?

Tôi nghĩ, người đi đầu nào cũng phải chấp nhận thiệt thòi, hy sinh. Có điều lạ là hễ tôi bỏ ca trù là ốm, là vào bệnh viện. Như bị trời đày. Ca trù như bố mẹ, như con đẻ, như chồng, là niềm đam mê, là người bạn đồng hành của tôi. Gia đình ư? Mãi đến năm 44 tuổi, tôi mới lấy chồng, người đó kém tôi 13 tuổi, gặp tôi khi đang tu ở chùa Một Cột... Người đó còn mở tiệm cơm chay mang tên tôi. Nhưng cuộc hôn nhân quá ngắn ngủi. Chỉ vì tôi không phải là người đàn bà của gia đình và tôi không đi theo quán cơm kiếm tiền được, tôi mê ca trù và hầu hết thời gian của tôi là dành cho nó… Ca trù đã đem lại cho tôi cả vinh quang lẫn cay đắng. Gần 30 năm qua, với tôi danh cũng ở ca trù, tủi cực cũng ở ca trù. Tôi hết khóc rồi lại cười, chỉ vì ca trù.

Sở hữu huy chương bạc khu vực phía Bắc về hát dân ca năm 1988; huy chương vàng về hát ca trù tại hội thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1993; danh hiệu nghệ sĩ trẻ tài năng trong hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995… những lúc đó chị thấy mình ít nhiều được bù đắp?

Tôi rất vui khi hai trung tâm từ điển Oxford và Cambridge của Anh năm 2003 đã bầu chọn tôi là một trong 2.000 thức giả xuất sắc nhất thế kỷ vì những đóng góp cho ca trù; cùng trong năm đó tôi được mời dự diễn đàn xã hội thế giới tổ chức tại Ấn Độ để diễn thuyết về ca trù; là đồng tác giả kịch bản và cố vấn nghệ thuật cho bộ phim Thể phách ca trù.

Theo chị, cần làm gì để ca trù sau khi được công nhận là di sản tiếp tục phát huy thế mạnh của một bộ môn nghệ thuật bác học?

Việc cần làm ngay là quan tâm những nghệ nhân cao niên, có nghề, giúp họ đúc kết kinh nghiệm, truyền dạy một cách bài bản; đầu tư tuyển chọn đúng người để đào tạo; không nên mạnh ai nấy chạy, rót tiền không đúng chỗ… Muốn thế, phải có có hội đồng thẩm định chuẩn mực, nghiêm túc. Đã là di sản mà bảo tồn không đúng cách, ca trù sẽ không còn là nó nữa, sẽ bị thui chột, biến dạng. Người mượn ca trù để nổi tiếng, để kiếm tiền, là phá ca trù. Báo chí và cơ quan có thẩm quyền thờ ơ, khen chê không đúng chỗ, là làm hại ca trù. Có nơi, người ta chỉ học hát 20 ngày, hai tháng, cũng được công nhận là địa chỉ văn hoá, là làng ca trù, rồi đi dạy khắp nơi, rồi huy chương vàng bạc, phong tặng danh hiệu… Làm thế là giết ca trù! Những vấn đề đó, tôi đã đơn thương độc mã phản ứng, nhưng đâu vẫn hoàn đấy! Nhiều người ghét tôi cũng mặc! Tôi nói và làm vì lương tâm, vì nghề, vì di sản thiêng liêng của tổ tiên để lại. Xót xa lắm…

thực hiện phỏng vấn: Kim Hoa
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Khám phá sự thanh bình và thơ mộng của Huế xưa




http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Tao%20hinh/Photography/Huexua-Cau.jpg
Cầu Tràng Tiền 1939




http://giaoduc.net.vn/Uploaded/xuanhai/2012_06_11/Hue_bandoc_giaoduc.net.vn03.jpg
Nét yêu kiều của thiếu nữ Huế




http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Tao%20hinh/Photography/Hue_bandoc_giaoducnetvn04.jpg
Lãng mạn và không kém phần trang trọng




http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Tao%20hinh/Photography/Hue_bandoc_giaoducnetvn06.jpg
Kiểu áo dài chít eo thời ấy





http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/Tao%20hinh/Photography/Hue_bandoc_giaoducnetvn12.jpg
Thuyền bè trên sông Phủ Cam


.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [29] [30] [31] [32] [33] [34] [35] ... ›Trang sau »Trang cuối