Tên bài thơ: Lạc thú đam mê
Tác giả: Hoa Mai (Việt Nam)
Gửi bởi Niê A Dũng
Ngày gửi: 07/02/2024 11:31
Xoá bởi: tôn tiền tử
Lý do xoá: nguồn không rõ ràng



Chiều Đông Sài Gòn, một cơn mưa đi qua mang đầy phong vị tình thơ ý hoạ. Ước gì có dăm ba tri kỷ, pha bình trà ngon, ngắm chiều qua song cửa, Rót bình Hoa Mai tửu, vào bếp xào nấu vài món, cùng buôn chuyện trên trời dưới đất, luận thơ, cũng là việc vui trong đời. Lúc đó chẳng màng thế sự rối ren, lòng người bạc bẽo, phú quý công danh cũng không còn quan trọng. Tự nhiên lại nhớ câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo:” Bớ thuyền say khướt trăng cầm lái/ rượu ghì trăng xuống uống nhau chơi/ Hồn ta làm cá cho trăng lưới/ ngàn năm ta chết đuối giữa trời” mới thấy được là thi nhân cũng thật hạnh phúc sảng khoái. Thi nhân chính là những người tìm được nơi gửi gắm linh hồn mình, cho phép mình bồng bềnh cùng thơ cùng rượu cùng trăng, được chếnh choáng say ở lưng chừng trời, thưởng thức đủ cung bậc lạc thú tao nhã do rượu do thơ mang tới. Cũng là cách thưởng thức lạc thú cuộc đời

Những cuộc vui vẻ nếu không có ly rượu sao đàn ca có thể cất lên không khí vui tươi. Ba mươi năm sống ở vùng đất phương Nam, nhất là xuống miền Tây, hễ có đờn ca hát xướng là phải có rượu. Có rượu, lời ca mới ngọt, ánh mắt mới nồng nàn. Lại nhớ Đoản ca hành của Tào Mạnh Đức: “Uống rượu nên ca hát/ Đời người là bao lâu?/ Ví như sương ban sớm/ Ngày qua lắm khổ đau.” Vâng, đời người vốn như phong cảnh vùn vụt trôi qua. Chẳng ai giữ lại một tiếng đập của cánh chim, một quá trình hoa nở. Ai cũng phải cất giấu gió vần mây chuyển của đời mình. Mấy ai thấu hiểu cách để tìm những khoảnh khắc vô ưu, tìm cách sống sao cho vui vẻ sảng khoái. Có những lúc, chính ly rượu là tác nhân đưa ta đến nơi thoát tục. Trong lâng lâng men thơm, hình như ta cảm được cả mùi thơm thanh khiết của hương hoa ngấm vào xương tuỷ. Thấy được cả cái thần khí tao nhã của bụi trúc sau mưa đang vui vẻ hợp hoan cùng hoa lá.

Với những kẻ lỡ mang tâm hồn thi sĩ, những người cô đơn nhất trần gian, rượu là thi hứng, là bạn, tâm giao, “Có rượu không có bạn/ Một mình chuốc dưới hoa/ Nâng chén mời trăng sáng/ Mình với bóng là ba” (Lý Bạch). Chỉ có rượu mới hiểu tâm hồn cô đơn của thi sĩ như tri kỷ, lúc vui lúc buồn, làm nên những áng thơ tiêu sái phiêu dật “Trăng sáng tự bao giờ/ Nâng chén hỏi trời xanh”. Thi nhân không có rượu, lời thơ sẽ tỉnh lắm, trí tuệ lắm, không phiêu hốt được, như thành ngữ” đàn ông vô tửu như kỳ vô phong”. Mở hội tao đàn không có rượu kích hoạt cảm hứng thi nhân như uống nước trắng, như hát không có nhạc đệm. Nhạt như canh không nêm muối. Người ta nói “phi tửu bất thành lễ” mà luận ra từ xa xưa, rượu chẳng những làm nên lạc thú cuộc đời mà còn là món ẩm thực song hành cuộc sống. Chỉ có điều, ai là người biết thụ hưởng lạc thú đúng cách mà không bị rượu điều khiển sa ngã đến lệ thuộc.

Trên đời này có rượu giải sầu, cũng có rượu danh lợi, có rượu tương tư, cũng có rượu dứt tình. Có lúc “rượu sầu càng uống sầu càng sầu”. Có người uống rượu tiêu tan hết tình sầu. Cũng có người uống vào tan lòng nát ruột. Rượu có thể gây huyên náo, có thể gây tĩnh mịch. Có người vì rượu mà phấn khích dốc hết ruột gan. Có người mang tâm tự giấu kín trong ly rượu, bởi cho rằng, dốc cạn chén chưa chắc tìm được tri kỷ kiếp này
Trong cuộc sống, rượu là một nghi lễ. Các đôi tình nhân có rượu thề.” kể từ khi gặp chàng Kim/Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề” (Nguyễn Du).
Rồi số phận hồng nhan” phải chia ly đau đớn”Thề hoa chưa ráo chén vàng/ lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa” (Kiều_ND). Có ai thấu nỗi đau của nàng Kiều tài sắc vẹn toàn, ai chia sẻ cho nàng nỗi ê chề ngoài những cơn say “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/Giật mình mình lại thương mình xót xa” (Kiều_ND).
Trong nghi lễ hôn nhân từ xưa đến nay, chén rượu giao bôi của đôi vợ chồng mới cưới là chén rượu uống chung mang ý nghĩa là từ đây cùng nhau nguyện nếm đắng cay trong cuộc đời.
Rượu cũng là vị thuốc nếu ta điều khiển nó theo chừng mực. Gia tộc nhà tôi họ Võ, dân xứ Nghệ hào sảng, ai cũng biết uống rượu và tửu lượng cao, không có ai sa vào nghiện ngập. Ai cũng sống và làm việc tỉnh táo đến lúc ra đi ngoài 90 cả. Như bác cả tôi, tuổi chín mươi da đỏ au, mắt sáng lưng thẳng, mỗi buổi làm đồng nách cắp theo be rượu chừng 2 xị, không cần bình nước gì hết. Be rượu cắm đầu bờ, cày cấy vài vòng lại tợp một ly rượu, hết buổi đồng, thì be rượu cạn. Bác ăn trầu, uống chè chát, uống rượu, không cao lương mỹ vị, không thực phẩm chức năng bổ sung đủ thứ rối rắm như bây giờ. Nhưng có lẽ môi trường sống an lành, thực phẩm ăn uống an toàn, lao động và thứ rượu “Tinh tuý đất trời” như tác nhân kích thích sự luân chuyển bộ máy cơ thể mà các thế hệ tiền nhân của gia tộc tôi như các bác, các O, cha mẹ tôi ai cũng khoẻ mạnh, ít người bệnh nền thời hiện đại như xơ vữa mạch máu, huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch... Ai cũng da đỏ au, tinh thần sảng khoái. Và đặc biệt ai cũng 90 tuổi trở lên mới ra đi đều rất nhẹ nhàng, chả mấy ai liệt giường liệt chiếu mới “đi” cả. Bà chị con O cả tôi đến năm 100 tuổi, con cháu không cho uống rượu nữa, nhưng thỉnh thoảng vẫn cho hớp bia. Ả tôi giờ đã 106 tuổi.

Dân làng tôi xưa ai cũng tự nấu rượu, để nhà dùng, để bán, nấu rượu để lấy bã hèm nuôi lợn. Mẹ tôi nấu rượu bằng gạo nếp, mỗi kg nếp chỉ lấy một chai rượu trong như mắt mèo. Mỗi khi cha đi giỗ, trong phần lễ cầm đi, nhất định có chai rượu nút lá chuối của mẹ. Ngày tết trong sân nhà, mùi hương trầm, mùi hoa, mùi pháo, mùi thức ăn, mùi rượu quyện với nhau một mùi hương tết vang động theo khói bay lan từ nhà từ bếp ra sân bay khắp làng, đó là mùi tết, thứ mùi hạnh phúc trần gian theo ta suốt cuộc đời

Tôi thích ủ rược và có chút năng khiếu ngửi rượu.
Tôi nhớ có lần vào một nhà hàng bán món đặc sản Tây Bắc ở Hà Nội. Ở đó có rất nhiều loại rượu được chưng cất từ sản vật địa phương như rượu ngô, rượu sắn, rượu táo mèo... Chủ nhà hàng đựng mỗi loại rượu trong những cái tĩn xinh xắn khác nhau. Ông chủ còn trẻ, dáng tao nhã thư sinh thấy bạn tôi nói tiếng Nam bộ thì lịch sự đến chào hỏi. Tôi buột mồm nhận xét một câu về rượu của nhà hàng. Ông chủ trẻ mắt sáng lên thích thú, ngồi xuống vui vẻ đàm đạo về rượu như gặp tri âm. Còn giới thiệu nguồn gốc các loại rượu của nhà hàng. Trò chuyện một hồi thì tỏ ra quý lắm, đích thân vào nhà, lấy rượu đỉnh ra đãi chúng tôi. Hoá ra là một người đam mê nghiên cứu về ủ các loại rượu. Cũng là nguyên nhân để ổng mở nhà hàng ẩm thực.

Tôi mê ủ rượu. Hồi còn nhà phố, có cả kho rượu cho chồng đãi bạn.Có lúc còn kỳ công lên hẳn Tây Nguyên đặt người vào bản mua các loại rễ cây có dược tính và những con bìm bịp to như con gà con về ngâm rượu, khi rượu chín cứ ngọt thim thíp.
Thập niên 90, về quê đến nhà bạn, thấy người ta đang vật hươu ra cắt sừng, khoái quá, hỏi: giá nhiêu, rồi rút ngay cái nhẫn vàng duy nhất trên tay ra để cưới bằng được cái nhung hươu đem về ngâm rượu. Mỗi khi anh chị tôi hùn nấu cao hổ, thể nào ở trong này cũng vói ra xí một mớ. Khoái lên là quên ráo vụ tiền bạc. Những thứ rượu cao cấp đó, phần nhiều tôi chẳng múm được, vì nặng lắm.

Tôi mê ủ rượu chỉ là vì mê thôi. Vì thấy rượu là thứ làm cho cuộc sống thêm nhiều màu sắc. Tôi ủ rượu không vì mục đích kinh doanh, Nhiều khi không tiếc tiền bạc để phục vụ cho cái đam mê của mình. Tôi được học từ cách mẹ khi làm một món ẩm thực gì đó hay các món ủ liên quan đến quá trình lên men như ủ rượu, thậm chí là ủ tương làm mắm, muối dưa muối cà. Mẹ kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, và nghiêm ngặt trong quy trình chế biến và vệ sinh thực phẩm. Mỗi một món mẹ cẩn thận đặt tâm trí làm như một nghi lễ nên thành phẩm làm ra của mẹ bao giờ cũng chất lượng tuyệt hảo. Họ hàng phương xa hay phố thị có về quê đều chọn nhà tôi để mẹ tôi mời cơm, dù là món giản dị như dưa cà cũng sạch sẽ, ăn là nhớ là ghiền. Có lẽ ngoài năng khiếu chắc chắn mẹ tôi đam mê lắm. Việc coi chế biến ẩm thực mẹ tôi thực hiện như nghi lễ cũng chính là tạo nên bí truyền cho sản phẩm. Mỗi khi ủ món rượu nào, tôi cũng kỹ. Từ khâu chọn rượu, có khi phải nhờ chị gái ở quê nấu kiểu thủ công xưa thứ rượu nếp như mẹ nấu rồi kỳ cạch chuyển vô, yêu cầu chặt chẽ chất lượng. Nếu ủ rượu hồng sâm, tôi phải đặt thứ rượu Bình tây đúng 400, không được hơn hay kém, mới ra được sản phẩm. Tôi ủ rượu, tức nhiên là biết thẩm rượu, biết đánh giá rượu. Tôi ủ rượu để thoả mãn đam mê khoái lạc của mình. Không tính đếm tiền bạc. Có khi chai rượu của tôi trị giá vài chục triệu đem đãi bạn quý như chơi. Khi thấy ánh mắt trầm trồ hạnh phúc của người thân bạn bè khi thưởng thức thành phẩm của mình, tôi cũng hạnh phúc lây, mãn nguyện vì đam mê của mình như giao đến được tri âm. Không nghĩ ra, vì chạy theo đủ thứ đam mê mà suốt đời tôi không dư tiền chứ đâu dám mơ chi giàu. Nhưng tôi mãn nguyện, là mình đã hạnh phúc lắm rồi, vì được sống cho đam mê thế cũng là đã chạm đến lạc thú cuộc đời mình.

Nhờ một duyên lành, tôi có làm được loại rượu dưỡng nhan chăm sóc sức khoẻ đặc biệt. Ai đã từng được uống sẽ dành cho nó sự quyến luyến, nhiều người vui gọi là Hoa Mai tửu, gọi tôi là “cô ủ rượu”. Cuộc đời tôi chả màng chi danh xưng to tát chốn quan trường bụi bặm vì vốn ưa sống nhẹ nhõm. Nhưng lại rất vui với danh Nàng thơ, cô ủ rượu
Đam mê khám phá, mỗi khi đi du lịch, nhất là lên miền rừng, thể nào tôi cũng có lúc mắt đảo thật nhanh như lạc rang quét có bóng chú thổ dân nào bán củ rễ sản vật quý không để thầu lủ khủ về ngâm rượu.

Tôi giờ như một cánh én đã mỏi, dừng chân trú ngụ nơi miền nắng ấm. Lòng cũng tự an ủi” ta có một bầu rượu/ để xoa dịu phong trần”. Nghe thì không ra vẻ nữ tính, kỳ thực là vì tự bảo rằng sao đàn bà bây giờ cũng chịu phong trần chả kém đàn ông, có khi còn mưa gió bão táp hơn. Vậy sao đàn bà lại không được trải nghiệm đam mê lạc thú chứ. Đàn bà xưa trong khuê phòng, đâu có phải nếm trải gió táp mưa sa đâu. Đàn bà cũng nhiều nỗi đau đâu phải biết tỏ cùng ai. Đàn bà cũng có lúc phải dựa vào rượu để lệ sầu hoà vào rượu cho bớt vị mặn của nước mắt. Với đàn bà, những khi sầu khổ yếu lòng, chén rượu cũng như chiếc khăn thấm khô giọt lệ mà đứng lên nhoẻn cười.

Tôi dẫu bôn ba vất vả nhưng lại được hưởng hai lạc thú đam mê của đời mình là văn chương và ủ rượu. Được tự do viết những điều mình thích. Dẫu đó là để ngâm vịnh cùng bạn bè. Những lời phong nhã, những lời khoáng đạt hay những tâm trạng tang thương trống trải đầy chấp niệm thương cảm. Đã đi dưới trời đất mênh mông, có lúc cô đơn lạc lõng, cũng tự cho mình nếm lạc thú là bầu rượu để xoa dịu phong trần, gột sạch mệt mỏi, tại sao không. Và tự thấy mình vẫn rất rất đàn bà bên rượu.


Chú thích:
Nguồn: Nhóm Cộng đồng văn xuôi

(Bài viết được gửi tự động)
tửu tận tình do tại