Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [34] [35] [36] [37] [38] [39] [40] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

TIỀN SÀI GÒN
XÉ ĐÔI THỐI LẠI


Tôi xa quê hương ở vào tuổi không quá trẻ dại để dễ quên và cũng không quá già để chỉ dành toàn thời giờ cho một điều mất mát, rồi đau đớn. Tôi ở vào tuổi mà khi bước đến vùng đất mới, đời sống đã như lôi tôi đi trong một cơn lốc trên những con đường khác nhau trước mặt, hầu như không ngưng nghỉ. Tôi chóng mặt, nhưng tôi vẫn biết tôi là ai và tôi ở đâu trên quê người, nên những lúc tôi phải ngưng lại để thở là những lúc hồn quê nôn nao thức dậy trong tôi.

Mỗi lần nhớ đến quê nhà là nhớ đến Sài Gòn trước tiên. Sài Gòn không phải là phần đất dành riêng cho người miền Nam nữa, đối với người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, người Trung chạy giặc năm 1968, thì Sài Gòn chính là phần đất quê nhà đáng nhớ nhất.

Tôi lớn lên, sống cả một thời niên thiếu ở Sài Gòn. Đi học, dậy thì, yêu đương, mơ mộng, làm việc, lấy chồng, khóc, cười rồi chia ly với Sài Gòn.

Tôi nhớ lại hồi bé theo bố mẹ di cư vào Sài Gòn. Ba tôi làm việc ở Nha Địa Chánh, nên từ những căn lều bạt trong trại tiếp cư Tân Sơn Nhất, gia đình tôi được dọn vào ở tạm một khu nhà ngang trong sở của Ba ở số 68 đường Paul Blancy (Hai Bà Trưng), sau lưng Bưu Điện. Tôi đi học, đi bộ băng qua hai con đường là tới trường Hoà Bình, bên hông nhà thờ Đức Bà. Tôi vào lớp Ba. Ngày đầu tiên cắp sách đến lớp, ma sơ dĩ nhiên là người Nam, hồi đó còn mặc áo dòng trắng, đội lúp đen.

Sơ đọc chính (chánh) tả: Hoa hường phết (phết là dấu phẩy). Cái tai của con bé con Bắc kỳ không quen với phát âm miền Nam nên “hoa hường” thành “qua tường” và phết thành một chữ nữa. Tôi viết: Qua tường phết. Bài chính tả dài một trang của tôi chắc chắn là ăn một con số 0 mầu đỏ to tướng vì nguyên bài bị gạch xoá bằng mực đỏ lè. Tôi như một người ngoại quốc nghe tiếng Việt. Nhưng tôi học thuộc lòng trong sách thì giỏi và thuộc nhanh lắm. Khi khảo bài tôi được điểm tốt, mặc dù bạn học chung lớp khó hiểu con nhỏ Bắc kỳ đọc cái gì. Ma sơ cứ nhìn sách, nghe tôi đọc làu làu, biết là tôi có thuộc bài. Tôi nhớ một bài học thuộc lòng về thành phố Sài Gòn như thế này:

Sài Gòn vòi nước bùng binh
Này bảng báo hiệu này vòng chỉ tên
Trụ đèn, giây thép, tượng hình
Lính canh, cảnh sát giữ gìn công an
Mặc dầu đường rộng thênh thang
Ngựa xe đi lại luật hành phải thông
Mặc dầu đường rộng mênh mông
Mũi tên chỉ rõ bảng trông dễ tìm
Trần Hưng, Lê Lợi, Chu Trinh…

Trần Hưng là đường Trần Hưng Đạo, Chu Trinh là đường Phan Chu Trinh, viết tắt trong bài học thuộc lòng. Từ bài học đó, tôi hiểu được hai chữ “bùng binh” là gì.

Ngôi trường đó tôi chỉ học hết lớp ba, sau đó Ba Mẹ tôi tìm được nhà ở bên Thị Nghè, tôi được đi học lớp nhì, lớp nhất ở trường Thạnh Mỹ Tây, có rất nhiều bạn cũng Bắc kỳ di cư như tôi.

Kỷ niệm về Sài Gòn tôi nhớ nhất là lần đầu tiên con bé Bắc kỳ tròn xoe mắt, nhìn thấy đồng bạc xé làm hai, nếu chỉ muốn tiêu một nửa. Mua cái bánh, gói kẹo nào cũng chỉ xé hai đồng bạc. Xé rất tự nhiên, tiền mới hay tiền cũ gì cũng xé. Người mua xé, mua; người bán xé để trả (thối) lại. Tôi đã biết bao lần, vào những buổi tối mùa hè, mẹ cho một đồng, hai chị em mua ngô (bắp) nướng của người đàn bà, ngồi dưới chân cột đèn điện trước cửa sở Địa Chánh với cái lò than nhỏ xíu, bán bắp nướng quẹt hành mỡ. Dưới ánh sáng hắt lờ mờ của bóng đèn từ trên cao xuống, cái lò than nhỏ xíu, thơm lừng mùi bắp non. Gọi là lò, thực sự chỉ có mấy cục than hồng để trong một miếng sắt cong cong, bên trên có cái vỉ bằng giây thép, rối tung, những cái bắp được xếp lên đó, bà bán hàng trở qua, lật lại. Đôi khi cũng là một cái lò gạch nhỏ đã vỡ, mẻ mất mấy miếng rồi, không thể kê nồi trên đó, bà hàng mang ra để nướng bắp.


Hai chị em đứng líu ríu vào nhau (anh và chị lớn không có tham dự vào những sinh hoạt của hai đứa em nhỏ này), cầm tờ giấy bạc một đồng, đưa ra. Tôi luôn luôn ngần ngừ không dám xé, đưa cho bà bán hàng; bà cầm lấy, xé toạc làm hai, khi tôi chỉ mua một cái bắp. Bà đưa phần nửa tiền còn lại để chúng tôi có thể cất đi, tối mai lại ra mua bắp nữa. Mỗi lần thấy đồng bạc bị xé, tuy không phát ra tiếng động, tôi cũng giật mình đánh thót một cái như nghe thấy đồng bạc của mình bị bể hay bị gẫy. Cảm tưởng như mất luôn cả phần tiền đưa ra và phần giữ lại. Phải mất bao nhiêu lần nhìn đồng tiền bị xé mới quen mắt cái hình ảnh “Đồng bạc xé hai” này và tin là nửa kia vẫn dùng mua bán được.

Bẻ cái bắp làm đôi, tôi với em tôi chia nhau. Ngon ơi là ngon! Bắp dẻo, thơm mùi lửa than, thơm mùi hành mỡ. Chị em tôi ăn dè xẻn từng hạt bắp một. Ăn xong chúng tôi dắt nhau đi tìm ve sầu ở những thân cây me trong bóng tối. Buổi tối ve sầu mùa hạ, chui ở đất lên, bò lên các thân me, lột xác. Chúng tôi bắt những con chưa kịp lột cho vào cái hộp (không) bánh bích quy đã mang theo sẵn, đó là những con ve mới ngơ ngác bò lên khỏi mặt đất, mang về nhà. Thuở thơ dại những trò chơi này là cả một thế giới thơ mộng và đầy hấp dẫn. Chị em tôi mang hộp ve sầu vào giường ngủ, ban đêm những con ve này sẽ chui ra bò lên màn, lột xác. Đêm chúng tôi đi vào giấc ngủ, thì ve chui ra, lột xác xong bỏ lại những vệt dài nhựa thâm đen trên những cánh màn tuyn trắng toát. Khi chúng tôi thức dậy nhìn thấy, chưa kịp dụi mắt tìm mấy con ve, đã thấy mẹ đứng ở ngoài màn với cái chổi phất trần trên tay. Chúng tôi chưa bị roi nào thì đã có bố đứng bên, gỡ cái chổi ở tay mẹ mang đi, trong lúc những cái lông gà trên chổi còn đang ngơ ngác.


Sài Gòn còn cho tuổi thơ của chúng tôi biết thế nào là cái ngọt ngào, thơm, mát của nước đá nhận. Trong sân trường tiểu học của trường Thạnh Mỹ Tây, tôi được ăn cái đá nhận đầy mầu sắc đầu tiên. Một khối nước đá nhỏ, đặt trên một lưỡi dao bào, bào vào cái ly bên dưới, khi đầy ly, ông bán hàng ấn (nhận) nước đá ép xuống, đổ ngược ly lại, lấy cái khối nước đá xôm xốp, có hình dáng cái ly ra. Rắc si-rô xanh đỏ, có khi còn có mầu vàng và mầu xanh lá cây với vị bạc hà nữa. Gọi là nước đá nhận. Học trò trẻ con, bạn thân, sung sướng chia nhau ở sân trường, mỗi đứa mút một cái, chuyền tay nhau. Nước đá nhận, bánh kẹo ở sân trường trong những giờ ra chơi đều được mua bằng đồng bạc xé hai này.

Ba tôi bảo cầm đồng tiền xé hai một cách tự nhiên như thế quả là một điều rất dung dị, xuề xoà, dễ dãi mà chỉ người miền Nam mới có được. Xé tiền mà như xé một tờ giấy gói hàng, giấy gói bánh, như xé một tờ báo. Mảnh xé ra có giá trị lúc đó, mảnh còn lại cũng vẫn còn giá trị sau này. Người Hà Nội cầm tờ giấy bạc rách, thì vuốt cho thẳng thắn lại, có khi lấy hạt cơm dẻo miết lên chỗ rách cho dính vào nhau, rồi cẩn thận gấp lại trước khi cho vào túi. Một thời gian sau, tiền không xé nữa, được thay bằng đồng bạc 50 xu bằng nhôm, hình tròn, một mặt có hình tổng thống Ngô Đình Diệm, mặt sau là hình khóm trúc. (Biểu hiệu cho: Tiết Trực Tâm Hư).

Cuộc di cư 1954 đó giúp cho người Việt hai miền Nam, Bắc hiểu nhau hơn. Người Bắc sống và lớn lên ở Sài Gòn ở thế hệ chúng tôi học được cái đơn sơ, chân phương của người miền Nam và ngược lại những bạn học người Nam của tôi cũng học được cách ý tứ, lễ phép (đôi khi đến cầu kỳ) của người miền Bắc. Tôi đã được nghe một người miền Nam nói: Sau 1975 thì chỉ có những người Bắc di cư 54 là đồng bào của người miền Nam mà thôi. Hoá ra những người Bắc sau này ở ngoài cái bọc (đồng bào) của bà Âu Cơ hay sao? Nếu thật sự như thế thì thật đáng buồn!

Sài Gòn đầu thập niên sáu mươi vẫn còn có xe ngựa, đưa những bà mẹ đi chợ. Người xà ích lúc đó chưa biết sợ hãi trên những con đường còn mù sương buổi sáng. Tiếng lóc cóc của móng ngựa chạm xuống mặt đường như đánh thức một bình minh. Tôi nhớ có chỗ gọi là Bến Tắm Ngựa, mỗi lần đi qua, hôi lắm. Sau vài mươi năm xe thổ mộ ở Sài Gòn không còn nữa, chỉ còn ở lục tỉnh.

Sài Gòn với xích lô đạp, xích lô máy, taxi, vespa, lambreta, velo, mobilette là những phương tiện di chuyển mang theo đầy nỗi nhớ. Kỷ niệm thơ mộng của một thời trẻ dại, hương hoa và nước mắt. Sài gòn với những cơn mưa ập xuống thình lình vào tháng năm tháng sáu, tiếng mưa khua vang trên những mái tôn, tắm đẫm những hàng me già, ướt sũng những lối đi vào ngõ nhà ai, Sài Gòn với mùa hè đỏ rực hoa phượng vĩ in xuống vạt áo học trò, với những hoa nắng loang loang trên vai áo bà ba của những bà mẹ là những mảng ký ức ngọt ngào trong tâm của chúng tôi.


Mỗi tuổi đời của tôi đi qua như những hạt nắng vàng rắc xuống trên những hàng me bên đường, như mưa đầu mùa rụng xuống trên những chùm hoa bông giấy. Những tên đường quen thuộc, mỗi con phố đều nhắc nhở một kỷ niệm với người thân, với bạn bè. Chỉ cần cái tên phố gọi lên ta đã thấy ngay một hình ảnh đi cùng với nó, thấy một khuôn mặt, nghe được tiếng cười, hay một mẩu chuyện rất cũ, kể lại đã nhiều lần vẫn mới. Ngay cả vệ đường, chỉ một cái bước hụt cũng nhắc ta nhớ đến một bàn tay đã đưa ra cho ta níu lại.
Âm thanh của những tiếng động hàng ngày, như tiếng chuông nhà thờ buổi sáng, tiếng xe rồ của một chiếc xích lô máy, tiếng rao của người bán hàng rong, tiếng chuông leng keng của người bán cà rem, tiếng gọi nhau ơi ới trong những con hẻm, tiếng mua bán xôn xao khi đi qua cửa chợ, vẻ im ắng thơ mộng của một con đường vắng sau cơn mưa… Làm lên một Sài Gòn bềnh bồng trong nỗi nhớ.



Sài Gòn mỗi tháng, mỗi năm, dần dần đổi khác. Chúng tôi lớn lên, đi qua thời kỳ tiểu học, vào trung học thì chiến tranh bắt đầu thấp thoáng sau cánh cửa nhà trường. Đã có những bạn trai thi rớt Tú Tài phải nhập ngũ. Những giọt nước mắt đã rơi xuống sân trường. Sau đó, với ngày biểu tình, với đêm giới nghiêm, với vòng kẽm gai, với hoả châu vụt bay lên, vụt rơi xuống, tắt nhanh, như tương lai của cả một thế hệ lớn lên giữa chiến tranh.

Sài Gòn như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhớ lại, vẫn hiện ra như một vệt son còn chói đỏ. Sài Gòn như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống.

Sài Gòn khi đổi chủ chẳng khác nào như một bức tranh bị lật ngược, muốn xem cứ phải cong người, uốn cổ ngược với thân, nên không còn đoán ra được hình ảnh trung thực nguyên thuỷ của bức tranh.

Sài Gòn bây giờ trở lại, thấy mình trở thành một du khách trên một xứ sở hoàn toàn lạ lẫm. Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.

Trithucvn
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LÚC GẶP KIM TRỌNG
THUÝ KIỀU BAO NHIÊU TUỔI?


Hồi còn học trung học, khi đọc Truyện Kiều, chúng tôi đinh ninh rằng Thuý Kiều gặp Kim Trọng lúc tuổi “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, nghĩa là khoảng 15, 16 tuổi. Nay đọc cuốn Tìm hiểu Truyện Kiều của tác giả Lê Quế (Nxb. Nghệ An, 2004) thì thấy Thuý Kiều gặp Kim Trọng lúc 22 tuổi.

Tác giả Lê Quế viết: “Tuổi của chị em Kiều”; khi câu chuyện bắt đầu, tác giả giới thiệu:

13. Một trai con thứ rốt lòng
     Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.

Vương Quan đã có tên chữ tức tên tự, vậy khi đó ít nhất chàng đã 20 tuổi. Còn Thuý Kiều và Thuý Vân:

15. Đầu lòng hai ả Tố Nga
     Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.

Hai người đều là con đầu lòng, như vậy, họ là hai chị em sinh đôi. Là chị của Vương Quan thì hơn Vương Quan khoảng 2 đến 3 tuổi nên khi đó, họ khoảng 22 hoặc 23 tuổi. Vậy thì chính xác là lúc mở đầu câu chuyện, họ mấy tuổi?

Tác giả cho biết rằng, Thuý Kiều lưu lạc 15 năm. Mà vào ngày gặp lại nhau sau 15 năm lưu lạc, Thuý Vân nói:

3077. Quả mai ba bảy khi vừa

Nghĩa là khi đó hai chị em Thuý Kiều và Thuý Vân đã 37 tuổi, cái tuổi đã quá trưa sang chiều của đời người.

So sánh hai dữ liệu đâu vào đó, thì Thuý Vân và Thuý Kiều hơn Vương Quan 2 tuối và vào lúc mở đầu câu chuyện, họ 22 tuổi.

Sau đó tác giả giới thiệu tiếp:

36. Xuân xanh xắp xỉ tới tuần cập kê
     Em đềm trướng rủ màn che
     Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

Con gái đến tuối 15 thì búi tóc, cài kê (cài trâm) trở thành người lớn và có thể gả chồng được. Như vậy, hai chị em Thuý Kiều và Thuý Vân khép cửa tu thân dưỡng đức từ khi mới gần 15 tuổi, thì cho đến nay 22 tuổi, tức đã hơn 7 năm trời. Điều đó chứng tỏ họ là những cô gái có nề nếp, có giáo dục mà tiếng tốt đã bay xa khắp vùng:

155. Vẫn nghe thơm nức hương ân
       Một nền Đồng Tước khoá xuân hai Kiều
           (Lê Quế - Tìm hiểu Truyện Kiều, trang 89, 90).

Tác giả Lê Quế lại viết trong mục Niên Biểu Thuý Kiều

Gần 15 tuổi:

- Khép cửa tu thân, dưỡng đức suốt 7 năm.

22 tuổi:
- Đi hội Thanh Minh: ngày 3/3.
+ Gặp mả Đạm Tiên: khấn vái, đề thơ.
+ Gặp gỡ và thầm yêu Kim Trọng.
+ Tối, nhớ Kim Trọng, mơ Đạm Tiên.
           (Lê Quế - Tìm hiểu Truyện Kiều, trang 89, 90).

Tôi đã hỏi Hội Kiều Học Hà Nội rằng:

a) Tác giả Lê Quế viết vậy đúng không?
b) Có tài liệu nào khác nói về tuổi chị em Thuý Kiều không?

Tôi nhận được email trả lời từ ông Nguyễn Văn Hoàn (ngày 4 tháng 6 năm 2012) như sau:

“Kính gởi bác Nguyễn Bàn.
Văn phòng Hội có gởi cho tôi câu hỏi của bác, tôi không dám “giải đáp” gì, chỉ xin gợi thêm một vài ý thô thiển:
- “Đầu lòng...” cũng không nhất thiết chỉ có nghĩa là “sinh đôi” mà cũng có thể ý nói sinh trước thôi.
- Vấn đề này đề nghị bác tham khảo thêm:

1) Lê Thước: Tuổi của một vài nhân vật chính trong Truyện Kiều, Tạp chí Tri Tân số 42 (14/4/1942).
2) Nguyễn Văn Nho: Thuý Kiều, Thuý Vân bao nhiêu tuổi?, Tạp chí Tri Tân số 45 (22/4/1942)”.

Tôi không tìm được các tài liệu mà ông Nguyễn Văn Hoàn gợi ý. Tôi chỉ đọc được vài tài liệu nói rõ lúc gặp Kim Trọng, Thuý Kiều ở tuổi cặp kê (15, 16 tuổi):

* Công Minh xin liệt kê những nỗi đứt ruột mà Thuý Kiều phải gánh chịu:

...Thứ ba, là cô gái nết na trong trắng lại bị gã đàn ông cỡ tuổi bố của của mình (Mã Giám Sinh đã ngoài bốn mươi) làm việc “con ong đã tỏ đường đi lối về”!
(Tác giả: Lê Xuân Lít; bài Gọi là “Truyện Kiều”, liệu có buồn lòng đại thi hào Nguyễn Du?; báo Câu chuyện Pháp luật số 39 (T9/2012).

* ...Vội chi con gái mười lăm mà đã có cái gan phụ được, mà bán thân làm thiếp cho người!

(Tác giả: Melle Trần Linh Vân; bài Bài đáp số 9 (Trong loạt bài Trả lời Câu hỏi của Báo Phụ nữ Tân Văn: Kiều nên khen hay nên chê?); sách Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX (tập I) - Tranh Luận về Truyện Kiều.

(Tôi, Nguyễn Bàn, không thể hiểu “cái gan phụ được” là gì? In sai chỗ nào, chưa biết hỏi ai!)

* ...Lẽ nào một cậu bé con như thế lại đi mê cô gái 15, 16 tuổi để rồi có lúc than thở với người yêu như ông cụ non: “Những là đắp nhớ đổi sầu/ Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm”.

(Tác giả: Hồng Huy; bài Chữ nghĩa Truyện Kiều; sách Đọc kỹ Truyện Kiều).

* ...nghĩa là cụ không tả một đời nàng Kiều từ bé đến lớn mà cụ chỉ tả một quãng đời nàng vào độ 15, 16 năm quan hệ đến chỗ “tình” hy sinh cho “hiếu” mà thôi.

(Tác giả: Vũ Đình Long; bài Văn chương Truyện Kiều - Phân tích Truyện Kiều; sách Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX (tập I) - Tranh Luận về Truyện Kiều - trang 410).

Như vậy Thuý Kiều gặp Kim Trọng lúc mấy tuổi: 15, 16 tuổi hay 22 tuổi như tác giả Lê Quế đã viết?

Xét rằng đây là câu hỏi thú vị, mong bạn đọc thảo luận - “mua vui cũng được một vài trống canh”.

NGUYỄN BÀN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHẠC SĨ TÔ HẢI
VÀ BÀI HÁT VIẾT TRÊN VỎ BAO THUỐC LÁ


Cách nay vừa tròn 15 năm, chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm bộ đội cao xạ bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên, nhạc sĩ Ngọc Khuê, Chủ nhiệm Nhà văn hoá Quân chủng PK - KQ đề nghị tôi làm một cuộc phỏng vấn ghi hình đối với nhạc sĩ Tô Hải. Bấy giờ, gia đình nhạc sĩ đương cư ngụ ở phường Vĩnh Hải, phía tây bắc thành phố Nha Trang. Nhận lời, tôi cùng mấy anh em tuyên huấn tìm đến ngôi nhà nhỏ của nhạc sĩ nép dưới chân núi, trong mảnh vườn đơn sơ, xanh bóng lá. Thật bất ngờ, tôi được gặp các nhạc sĩ tài danh như Hoàng Vân, Văn Dung… cũng đương có mặt tại đây. Từng là một người lính Vệ quốc đoàn, nên khi nghe tôi trình bày ý định, nhạc sĩ Tô Hải vui vẻ chấp thuận. Không bỏ lỡ thời cơ, tôi liền cho khai triển máy quay và cuộc trò chuyện diễn ra thật thú vị.
Quả thật, được nghe nhiều và từng say mê cất lên những ca khúc của nhạc sĩ Tô Hải, nhưng lần đầu được diện kiến ông, tôi không giấu nổi xúc động. Giữa phòng khách, tấm bằng Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên (2001) được đặt nơi trang trọng, và trong số tác phẩm được lưu danh có bài “Sẵn sàng! Bắn”.

Ngay sau “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, tàu Maddox bị Hải quân ta đánh đuổi, đế quốc Mỹ chính thức dùng không quân đánh phá ra miền Bắc Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại với quy mô lớn và hết sức tàn bạo. Bằng một giọng chậm rãi, từ tốn, nhạc sĩ Tô Hải kể. Vào đầu tháng 8-1964, nhiều đoàn văn nghệ sĩ của ta toả về các địa phương để sáng tác, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Ông cùng một số nam nữ ca sĩ của Đoàn ca múa Trung ương được cử ra Quảng Ninh. Đoàn do nhạc sĩ Đỗ Nhuận phụ trách. Bấy giờ khắp miền Bắc, nơi nào cũng hừng hực ý chí quyết đánh quân xâm lược, chẳng khác nào không khí của những ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ 10 năm trước. Đoàn ca múa đến tận trận địa pháo hát cho bộ đội ta nghe, họ không hề e ngại bom Mỹ sẽ ập xuống đầu bất cứ lúc nào.

Trong những giờ phút ấy, nhạc sĩ Tô Hải nảy ra ý định viết một ca khúc cho chiến sĩ vì đã khá lâu gần như không có bài nào mới để khơi lại phong trào hát tập thể trong quân đội. Nhưng viết thế nào để chiến sĩ chấp nhận đây là tiếng nói của chính mình, đúng hơn là hơi thở và nhịp đập của con tim họ… thì quả không phải dễ! Cái tâm của người viết đã có sẵn, về kỹ thuật… thì dư sức, sau những năm tháng dùi mài, rèn giũa. Vậy nhưng nhạc sĩ vẫn thấy mình cứ bí rị. Ông bèn lang thang qua thăm trận địa pháo cao xạ để ngắm nhìn gương mặt rám nắng của các pháo thủ, để trực tiếp nghe các khẩu lệnh chiến đấu. Khẩu đội trưởng Thành giải thích là bắn máy bay phản lực hôm nay khác xa thời kỳ Điện Biên Phủ năm xưa, nghĩa là không thể hạ nó bằng cách bắn vuốt đuôi, hoặc bắn ngang. Chỉ có một cách khi máy bay Mỹ bổ nhào là “Nhìn thẳng vào nó. Bắn! Ngẩng cao đầu, không khiếp sợ!

Dứt khoát là sẽ bắn trúng và hạ được nó!”. Nhạc sĩ Tô Hải hỏi thêm, cùng với yếu tố “không sợ chết” đó, việc bắn máy bay hôm nay cũng phải có gì khác thời Điện Biên chứ? Thành vừa giải thích cho nhạc sĩ vừa động viên tinh thần các pháo thủ. Nhạc sĩ Tô Hải không giấu nổi ngạc nhiên trước giọng nói của người trai xứ Nghệ, nó chân chất mộc mạc, không quá hùng hồn, thậm chí đôi khi còn sai cả tính từ, trạng từ… nhưng quả là có sức thuyết phục ghê gớm. Từ suy nghĩ về ý chí, về tình cảm và tư thế quyết ngẩng cao đầu của các pháo thủ, tiếp nối truyền thống Điện Biên Phủ, sự hợp đồng tác chiến với bộ đội Hải quân và tự vệ mỏ, với các trận địa bạn… lập tức trong đầu nhạc sĩ thành hình một bài hát nói về ta, về tôi, về Thành và đồng đội.


Bài hát mở đầu một cách tự nhiên như cuộc sống thường nhật của bộ đội cao xạ. “Ngẩng đầu hiên ngang Ta ngắm thẳng vào bọn giặc Mỹ đó!”. Và từ khẩu lệnh chiến đấu, nhạc sĩ nhắc lại những ngày xưa cha ông ta đã luôn ngẩng cao đầu không cam chịu làm nô lệ, cho tới những ngày. Ta ngẩng đầu ở Điện Biên Phủ và đi tới với tư thế của người chiến thắng, để hôm nay, các chiến sĩ hiên ngang đánh trả không lực Hoa Kỳ hùng mạnh nhất thế giới. Các ý “Hợp đồng thật hay”, “giành giật từng giây” của khẩu đội trưởng Thành nói với nhạc sĩ, vang lên như những lời “tuyên ngôn” về tình cảm và ý chí. Quân đội ta đánh thắng kẻ thù hung bạo không chỉ bằng tinh thần gang thép mà cả sự trưởng thành về kỹ thuật, chiến thuật. Tuy nhiên, trước quá nhiều tư liệu và bộn bề ý tứ, nhạc sĩ Tô Hải vẫn cứ loay hoay. Bất ngờ, sáng 5-8-1964, có báo động số 3. Không khí nóng lên từng giờ. Nhạc sĩ Tô Hải cũng căng thẳng không kém, ông kiên nhẫn chờ đợi giây phút loé sáng của tia lửa cảm xúc dường như đã chín muồi. Và rồi, tia lửa đó đã được phát sáng cùng với ngàn vạn tia lửa của trận đầu đánh thắng giòn giã, quân dân Quảng Ninh bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên, viên phi công Alvarez.

Trong cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” (5-8-1964), đế quốc Mỹ cho 64 lượt chiếc máy bay xuất phát từ 2 tàu sân bay Constellation và Ticonderoga (Hạm đội 7) đánh phá ác liệt từ cảng Sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hoá), Bãi Cháy (Quảng Ninh)… Các đơn vị hải quân, phòng không và lực lượng vũ trang địa phương của ta đã xuất sắc bắn hạ 8 máy bay Mỹ.

Ngay đêm đó, Đoàn ca múa Trung ương đã kịp lên trận địa pháo hát động viên các chiến sĩ. Trên quãng đường còn đẫm ướt nước biển do tàu hải quân ta vừa di chuyển vừa bắn trả máy bay Mỹ, làm tung sóng lên bờ, nhạc sĩ Tô Hải vừa đi vừa nhẩm hai câu đầu của “Sẵn sàng! Bắn!”. Tự coi mình đứng ở vị trí của người khẩu đội trưởng, nhạc sĩ nói lên những điều mà Thành đã tâm sự với ông từ chiều hôm trước, kèm theo một giai điệu mà tất cả chỉ có 5 âm: Pha - Son - La  - Đô - Rê (pha cung) nằm trên một trục tiết tấu mạnh mẽ, tự hào, được phát triển theo cách mô phỏng đi lên, cao trào và khép lại ở “Bắn!” (subico).

Lúc này, phía sau trận địa trời đã tối hẳn, chỉ một chiếc đèn bão được treo lên để văn công biểu diễn. Hàng trăm con người lặng im chờ đợi cuộc đọ sức tiếp theo. Nhạc sĩ Tô Hải mời nhạc sĩ Đỗ Nhuận ra một chỗ để hát cho Đoàn trưởng nghe phác thảo của bài “Sẵn sàng! Bắn!”, xin ý kiến. Nghe xong, nhạc sĩ Đỗ Nhuận rất phấn khởi: Hát ngay, phải hát bài này cho chiến sĩ nghe, rồi dạy liền cho bộ đội hát!”. Được lời như cởi tấm lòng, song nhạc sĩ Tô Hải phát hoảng vì đã lâu ông không biểu diễn và nhất là lại biểu diễn một bài chưa… kịp viết ra giấy! Nhưng nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã nhiệt tình giới thiệu với đông đảo khán giả đương vỗ tay rào rào trong bóng đêm.

Không còn cách nào khác, nhạc sĩ Tô Hải liền ghé sát cây đèn bão, xé bao thuốc lá Điện Biên kê đầu gối, ghi vội bằng nhạc số: 1212/445/1212/660… kèm theo ý và lời của khẩu đội trưởng Thành lên mặt trái vỏ bao thuốc lá. Nhạc sĩ mạnh dạn bước ra trình bầy “Sẵn sàng! Bắn!” và được bộ đội hoan nghênh nhiệt liệt.

Ngay đêm đó và những ngày tiếp sau, “Sẵn sàng! Bắn!” được lan truyền đi khắp các đơn vị và có mặt trên nhiều mặt trận, trên sân khấu cả trong và ngoài nước. Bài hát gắn liền với tên tuổi của gần như nhiều ca sĩ tên tuổi lúc bấy giờ, dưới đủ mọi hình thức: đơn ca, tốp ca, hợp xướng, nhạc không lời (quân nhạc). Một lần nữa, nguyên lý muôn thưở của nghệ thuật lại được chứng minh sống động, rằng một khi có Chân có Thiện thì tác phẩm dù chỉ mang tính phục vụ kịp thời cũng sẽ được công chúng đón nhận và coi nó như là “của chính mình”.

54 năm đã trôi qua, nhưng bài hát “Sẵn sàng! Bắn!” vẫn vẹn nguyên hào khí Việt Nam cũng như sức sống bất diệt của nó. Dẫu đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, song lúc sinh thời, nhạc sĩ Tô Hải vẫn khiêm nhường tự nhận rằng, kẻ viết ra nó chả qua chỉ làm công việc sắp xếp ý lời từ trận địa pháo lại một cách nghệ thuật mà thôi. Ông trân trọng bầy tỏ lòng biết ơn những đồng đội cũ của mình và xin giao lại “Sẵn sàng! Bắn!” cho các chiến sĩ cao xạ của thế kỷ XXI, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam!

NGUYỄN MINH NGỌC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐIỀM TRIỆU - THỰC TẾ
VÀ VĂN CHƯƠNG


“Tam quốc diễn nghĩa” (hồi 97) kể một hôm Khổng Minh mở tiệc thết đãi các tướng bàn ngày xuất quân. Bỗng một cơn gió từ Tây Bắc thổi tới làm đổ một cây thông cổ thụ ở giữa sân. Khổng Minh thất sắc “bấm một quẻ độn” và nói “Trận gió này báo điềm mất một Đại tướng”. Các tướng không tin. Lúc cuộc rượu đương vui có tin báo hai con Triệu Vân đến xin gặp. Khổng Minh quẳng chén rượu và nói: “Tử Long hỏng rồi!”. Quả thật, Triệu Tử Long vừa chết hồi đêm!


Không chỉ ở “Tam quốc”, mà hầu như tiểu thuyết cổ điển phương Đông nào cũng đều sử dụng “điềm triệu” (còn gọi là điềm báo), coi đấy như một thủ pháp nghệ thuật. Những chi tiết ấy gây cho người đọc sự tò mò, hồi hộp, chờ đợi thực tế có đúng như thế không, chưa đọc hết muốn đọc ngay, đọc xong cứ như bị ám ảnh phải chăng có một lực lượng siêu nhiên hay ma thuật nào đó giúp được con người.
Nhân vật Thuý Kiều (Truyện Kiều) trong cơn mê gặp Đạm Tiên và được báo trước những tai ương trong đời sau này. Lý luận văn học gọi đấy là “hiệu ứng lạ hoá”.

Không cứ truyện truyền kỳ ngày trước, mà thời hiện đại, các nhà văn cũng thường hay sử dụng, được khái quát gọi là “khuynh hướng tâm linh”. Bạn đọc cũng thích đọc những truyện kiểu này, được theo dõi những sự kiện trôi chảy giữa hai bờ hư thực thì thấy hấp dẫn hơn là những gì như có thật ngoài đời, đã khô còn nhạt.

Cũng phù hợp với tâm lý độc giả: ai cũng có lúc gặp khó khăn, lúc ấy ước ao có một thần thánh nào đó “phù trợ” nên cứ mơ tưởng vào những chuyện đâu đâu. Khi ngủ ai cũng mơ, tỉnh dậy cứ băn khoăn đấy là “điềm” gì… Tin vào “điềm báo” nhất là những người “chơi đề” và họ “giải mã” điềm báo theo cách của… họ. Có người “chơi” theo “ý chỉ” của giấc mơ, “đầu” thế này, “đít” thế nọ. Có người “đánh” theo số biển xe của khách ngẫu nhiên đến nhà…

Nhưng đó là thực tế có trong đời sống. Có người làm nghề lái xe, sáng ra đi làm gặp người phụ nữ chửa liền quay về, mươi phút sau mới đi lại. Ở nhà quê đi việc quan trọng còn phải “đón vía”. Đi đường gặp con rắn trong bụng mừng thầm sẽ gặp may… Những cái đó cho thấy dù sống ở thời hiện đại, người ta vẫn tin vào “điềm triệu” đã có từ hàng ngàn năm.

Bài viết không đi vào bản chất khoa học hay không khoa học của vấn đề, mà chỉ xin lý giải dưới góc độ nghệ thuật. Nhưng cũng xin hé mở cách giải thích của khoa học hiện đại, ví như chuyện gặp phụ nữ chửa không may là có lý. Mỗi người đều có “trường sinh học”, còn gọi là “hào quang” (có thể hiểu là “vía”, mỗi người “vía” dữ/lành khác nhau), cũng “hút, đẩy” nhau như điện trường nhưng theo quy luật riêng. Có người vừa nhìn thấy nhau đã ghét/yêu là do “trường sinh học” cùng hay khác “dấu”… (Tình yêu sét đánh là có thật!). Vì cơ thể mang thêm một sinh thể mới, một sinh mệnh mới nên phụ nữ có thai, theo lẽ tự nhiên có “trường sinh học” đặc biệt. Không chỉ khó khăn về sinh lý, mà còn khó chịu về tâm lý, hay cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng… Có người thích ăn những đồ rất lạ. Thế nên người chồng nào có vợ chửa phải biết yêu chiều vợ hơn.

Trong “Kinh Dịch”, dương ứng số lẻ là một nét liền, âm ứng số chẵn là một nét gẫy (hai vạch ngắn liền nhau) là có ý nói phụ nữ tuy một mà hai, từ một chia hai, thánh thiện nhưng cũng rất... “phức tạp”.

Người bình thường tiếp xúc “hào quang” của người phụ nữ chửa khó có cảm nhận nhưng “trường sinh học” của người lái xe nhạy cảm hơn sẽ chịu “ảnh hưởng”. Hiểu theo triết lý âm dương thì anh ta “lơ lửng” không tiếp âm cũng chẳng toàn dương (vì ngồi trên xe, không tiếp đất) nên độ an toàn không cao. Nếu “bị nhiễm” “vía” không tốt tất ảnh hưởng sức khoẻ, tâm trí… Do vậy làm nghề lái tàu xe, máy bay, vũ trụ thì sức khoẻ, nhất là sức khoẻ thần kinh phải tốt. Những người làm nghề này hay “kiêng”, nghề đi biển càng kiêng kỹ...

Ngày nay khoa học sinh học giải thích một số môn phái cổ truyền phương Đông và đạo Phật chủ trương đi chân đất đầu trần là khoa học, vừa tiếp âm, vừa đón khí dương. Anh hùng Asin trong thần thoại Hy Lạp vì bay lên trời nên vừa không được Mẹ Đất tiếp thêm sức mạnh, vừa để lộ điểm yếu chí tử mà bị chết oan.

Các cụ ta lại hay nói “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là có hạt nhân hợp lý. Thời trẻ người viết bài này từng đi đánh trận cũng phải học kỹ phép kiêng kỵ như cơm sống thì ăn cơm khê không ăn... Có giấc mơ gì lạ (kiểu như “sinh dữ tử lành”) phải báo ngay cho tiểu đội trưởng... Những điều ấy thuộc về điềm báo. Trong đánh nhau, giáp mặt với cái chết nên linh giác (linh tính/giác quan thứ sáu) con người thường rất nhạy bén. Có trường hợp bạn bè và chính bản thân dự đoán gần như chính xác sự kiện sắp đến qua “điềm báo”... Lại xin kể vào dịp khác.

Đặc trưng của “điềm báo” so với tiên tri, bói toán, cầu mộng, tướng số, tử vi... là tính chất ngẫu nhiên, tự phát, không qua thỉnh cầu/cầu xin (thần thánh/ma quỷ). Nó xuất hiện thông qua các hiện tượng tự nhiên và chính con người. Thế nên “giải mã” nó phải căn cứ vào không thời gian và hoàn cảnh cụ thể. Như đi đường gặp rắn là tốt nhưng ở nhà gặp rắn thì rõ ràng nguy hiểm, nên “rắn đến nhà chẳng đánh thì quái” (rắn đến nhà không đánh là điều quái lạ). Còn phải căn cứ vào tín ngưỡng vùng miền, dân tộc...

Ở nông thôn miền Bắc nước ta có cụ già đêm nghe tiếng chim lợn kêu ở phía nào là có thể đoán ngay cụ già nào vừa về với tiên tổ. Nhưng ở nước khác thì tiếng chim lợn báo lại là chuyện vui... Nhưng cũng có điểm chung như con mèo đen đều là điềm báo không may ở hầu hết các nước. Nhưng ở Trung Hoa xưa thì mèo lại là điềm báo lành.

Ngày nay ở Campuchia, con mèo được coi làsứ giả nhà trời nên được đưa vào lồng rước đi khắp nơi để cầu mưa. Người ta tưới nước vào để nó kêu to thấu đến thần mưa Indra. Ở ta thì ai cũng biết câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”, xét dưới góc độ “trường sinh học” thì lại có lý.

Ngày trước, cuộc sống khép kín nên nhà có khách là việc “đại sự”. Việc này có con chim khách làm nhiệm vụ bay đến đậu cây trước nhà cất tiếng kêu. Sáng chim kêu thì chiều nhà có thư hoặc điện. Viết về chuyện này, nhà văn Nguyễn Kiên có một truyện ngắn trong tập “Chim khách kêu” (2000) có ý nghĩa khá thú vị: tiếng chim khách kêu hay là báo một sự đổi thay, báo một điều mới lạ, một niềm vui sắp đến...

Trong văn hoá cổ xưa thì điềm báo dựa vào trạng thái tự nhiên là phổ biến nhất. Dĩ nhiên phải là những trạng thái lạ. Càng lạ càng hấp dẫn vì “đánh” vào thói hiếu kỳ của người đọc. Những điềm này thường ứng với các sự kiện lịch sử. “Hoàng Lê nhất thống chí” kể ngày, rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần (1782), trong cung bỗng có một tiếng rất to dài đến hơn một khắc. Năm Quý Mão (1783), núi vua Hùng sụt xuống hơn hai chục thước, con sông Thiên Đức cạn hẳn một ngày một đêm. Năm Giáp Thìn (1784), giữa một đêm tháng mười, hồ Thuỷ Quân thình lình có tiếng phát ra như sấm, nước sủi lên như chảo đun... Đấy là điềm báo về “đại loạn”.

Loại điềm báo thứ hai là động thực vật. Dĩ nhiên cũng phải lạ. “Vũ trung tuỳ bút” kể ở làng Cổ Bi có cây gạo không mấy khi nở hoa nhưng mỗi khi nở thì sẽ có người thi đỗ. “Việt sử lược” kể có cây đa tự mọc ra cái rễ quấn vòng quanh thân báo hiệu có người đỗ đại khoa... “Hoàng Lê nhất thống chí” kể trước khi ra trận,  hiên có bầy ong ở đâu tự dưng bâu lại đốt vào cổ Nguyễn Hữu Chỉnh, quả nhiên rận ấy Chỉnh thua to. Có con quạ khoang bay xuống trước sân nhìn Trịnh Tông hai ba lần như muốn mổ, lính hầu phải xua giáo đuổi đi ứng với việc Trịnh Tông bị hạ bệ...

Loại điềm báo thứ ba là giấc mơ. “Việt điện u linh” kể mẹ Lý Thánh Tông nằm mơ thấy mặt trăng đi vào bụng sau đó có mang mà sinh ra nhà vua. Cũng ở tập này kể nếu ai mơ thấy rắn là sinh con gái, thấy gấu là sinh con trai, mơ thấy rồng, ngọc, mặt trời là điềm sinh con quí tử...

Không xem xét đó là chuyện mê tín hay không, nhìn dưới góc độ hình thức nghệ thuật thì có thể coi điềm báo như là một thủ pháp đặc sắc. Hôm nay cứ khái quát “thi pháp huyền thoại”, “huyền ảo”, “siêu thực”... cho có vẻ mới, nhưng với văn học trung đại của ta thì nó đã cũ!

NGUYỄN THANH TÚ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHỮNG NẾP NHÀ
NHỮNG PHẬN NGƯỜI


Khi nhận đọc bản thảo cuốn sách này, tôi bảo Phan Thuý Hà : Sao cháu không chọn một cái tên khác mà lại đặt là “Gia đình”, nó thực thà chất phác quá. Quả thật so với ba cuốn sách trước của Phan Thuý Hà: “Đừng kể tên tôi”, “Qua khỏi dốc là nhà”, “Tôi là con gái của cha tôi” thì cái tên này thật quá, chất phác quá. Tôi nghĩ chỉ cần thêm một chữ những là đủ, không phải là các gia đình mà chỉ là những gia đình đã bị cuốn qua những cơn lốc màu đỏ kinh hoàng trong quá khứ, đầu những năm năm mươi thế kỷ trước ở miền Bắc Việt Nam. Cái tên ấy đủ nói lên sự chân thực về số phận những gia đình, những thành viên của nó qua ký ức. Bây giờ họ đã 70, 80, 90 tuổi rồi nhưng ngày ấy họ là con trẻ, như một tờ giấy trắng bị vò nát, bị vùi dập trong một sự đảo lộn đến phi lý và tất nhiên nó thật là kinh hoàng đối với sức chịu đựng của tuổi thơ.

Cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất đã xảy ra vào lúc tôi 7 tuổi, cái tuổi còn rất non nớt nhưng cũng đã ghi nhận được nhiều ký ức cho đến tận hôm nay. Bởi trong gia đình tôi, cả họ hàng bên nội, bên ngoại, ông nội, ông ngoại, chú bác, cô dì…nhiều người đã bị quy địa chủ, phú nông hoặc phản động. Người bị tịch thu tài sản, người tự vẫn, người bị bắt giam bị cùm chân, người bị xử tử…Tôi không quên được những cuộc đấu tố, những cuộc xử bắn mà mình đã chứng kiến. Cái sân gạch của ông nội tôi bị giây thép gai ngăn làm đôi. Bác tôi bị quy oan địa chủ phải xuống bếp ở. Nhà tôi còn một phần ba sân, hai phần ba được chia cho những nhà cốt cán. Các anh chị con bác tôi muốn cho em cái gì phải lén lút đút qua hàng rào dây thép gai. Một người anh con chị mẹ tôi cũng vì nhà địa chủ mà phải trốn lên thị xã vừa gánh nước thuê vừa đi học.

Tôi đã đọc hàng vạn trang sách về cuộc cải cách ruộng đất của nhiều học giả nghiên cứu trong và ngoài nước, của nhiều nhà văn viết về nó từ gần 70 năm qua. Đó là quá trình bạch hoá không phải chỉ cho người Việt Nam mà cả thế giới nữa, một quá trình không dễ dàng. Cho đến giờ nó vẫn còn được cho là đề tài nhạy cảm trong khi thực ra thì nó không đáng nhạy cảm. Nhưng nhiều nhà văn đã phải trả giá cho tác phẩm của họ khi họ dám viết về sự thực mặt trái của cuộc cách mạng đó.

Đầu tiên có lẽ là Trần Dần với “Anh Cò Lấm”. Vũ Bão với tiểu thuyết “Sắp cưới”. “Vào đời” của Hà Minh Tuân. Rồi Hữu Mai với “Những ngày bão táp”. Rồi Sao Mai với “Thôn Bầu thắc mắc”, Tô Hoài với “Ba người khác”, Ngô Ngọc Bội với “Ác mộng”, Ngô Văn Phú với “Nợ đời phải trả”, “Ly thân” của Trần Mạnh Hảo, Lê Lựu với “Chuyện làng Cuội”, Hoàng Minh Tường với “Thời của thánh thần”, Nguyễn Phan Hách với “Cuồng phong”, Dương Hướng với “Dưới chín tầng trời”, Nguyễn Khoa Đăng với “Nước mắt một thời”, Nguyễn Xuân Khánh với “Đội gạo lên chùa”, Nguyễn Khắc Phê với “Biết đâu địa ngục thiên đàng”… Một người bạn đồng môn của tôi, nhà thơ Dương Kỳ Anh bằng “Xuyên Cẩm” sau rất nhiều năm mới cho bạn bè biết được bi kịch kinh khủng của gia đình anh trong Cải cách ruộng đất : Bố anh bị bắt giam, bị tước mất nhà cửa, mẹ và hai em gái chết đói thảm thương.

Thực ra về cơ bản lịch sử đã rõ, đã được trả lời. Nghị quyết 9, Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá II đã đánh giá toàn diện thắng lợi và sai lầm trong quá trình tổ chức thực hiện cuộc Cải cách ruộng đất. Nghị quyết 10 viết: “Giai đoạn vừa qua có nhiều sai lầm và khuyết điểm. Đặc biệt là trong cuộc cải cách nông nghiệp và điều chỉnh tổ chức. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đã phân tích chi tiết các khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và thống nhất những biện pháp khắc phục. Hội nghị thừa nhận nguyên nhân của những khuyết điểm là sự yếu kém của bộ máy lãnh đạo. Vì thế Ban chấp hành Trung ương nhận khuyết điểm của mình. Các uỷ viên tham gia trực tiếp đã kiểm điểm trước Trung ương theo tinh thần tự phê, và chấp nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc.”

Đề cương báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10, tháng 10-1956 đã xác nhận: “Tư tưởng thành phần chủ nghĩa trong cải cách ruộng đất có tư tưởng nông dân, đặt bần cố nông lên trên tất cả, thậm chí đặt bần cố nông lên trên Đảng… Tư tưởng tả khuynh trong cải cách ruộng đất đã chớm nở lúc đầu; nó đã đưa đến chỗ học tập kinh nghiệm nước bạn một cách máy móc và không chịu điều tra nghiên cứu đầy đủ tình hình xã hội ta để định chủ trương chính sách cụ thể cho thích hợp… Trong lúc thi hành thì một mực nhấn mạnh chống hữu khuynh trong khi những hiện tượng tả khuynh đã trở nên trầm trọng… từ khu trở xuống thì hệ thống cải cách ruộng đất trở nên một hệ thống ở trên cả Đảng và chính quyền. Tác phong độc đoán chuyên quyền, do đó mà trở nên phổ biến, không đi theo đường lối quần chúng, mà thực tế đã trấn áp quần chúng, nhẹ tuyên truyền giáo dục, buộc quần chúng làm những điều trái với ý muốn, với lương tâm của họ, có khi trái với chân lý và chính nghĩa.”

Những tài liệu này đã được công bố công khai. Những cán bộ lãnh đạo Cải cách ruộng đất phạm sai lầm đã nhận kỷ luật. Tổng bí thư Đảng đã từ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin lỗi nhân dân.

Nghị quyết là một chuyện.

Câu chữ chính trị không nói hết được nỗi đau của dân chúng. Hàng vạn, hàng triệu con người cụ thể. Đó không phải là những nỗi đau vô hình. Những nỗi đau của thân phận con người cần được làm sáng tỏ, cần được kêu lên, cần được các thế hệ tiếp theo biết đến.

Thêm nữa, “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng”, “Nhật ký Nguyên Hồng”, hồi ký Tô Hoài “Cát bụi chân ai” và “Chiều chiều”, nhật ký “Ghi” của Trần Dần được công bố, đã phần nào thể hiện những mảnh đời thật đồng thời tâm trạng đau xót của các ông với tư cách người trong cuộc bất lực trước một thế lực hung dữ.

Hôm nay thêm một vỉa lộ sáng xuất hiện. Những nhân chứng sống tại một vùng đất dữ dội nhất của cuộc cải cách ruộng đất, Nghệ An và Hà Tĩnh lên tiếng. Đây là chuyện về các gia đình. Những người con còn sống sót, những nhân chứng cuối cùng của những gia đình oan khuất. Những nỗi sợ hãi truyền kiếp ám ảnh mãi một con người, một gia đình, nhiều gia đình.

Ông Trần Lệ Hương Khê, Hà Tĩnh: “Mười lăm tuổi, tôi là đứa trẻ sợ hãi. Đêm bị nhốt trong chuồng trâu. Tôi đứng giẫm trên đống phân. Các thanh chắn chuồng trâu thưa, tôi có thể chui ra ngoài nhưng không dám. Quá nửa đêm, dân quân không còn canh gác, tôi vẫn sợ. Sợ quá tôi đã tiểu ra quần. Nỗi khiếp sợ từ năm mười lăm tuổi. Nay tám hai tuổi tôi vẫn là ông già sợ hãi. Tôi không dám thắc mắc một điều gì. Tôi muốn viết đôi điều cho con cháu biết về cha ông mình nhưng cầm bút lên tôi lại run.”

Trong cuốn sách này lại gặp lại những cái chết. Trong ba cuốn sách trước đã có rất nhiều cái chết, đều là cái chết của chiến tranh, các nhân vật đều là nạn nhân của súng đạn. Thời Cải cách ruộng đất không còn chiến tranh nữa nhưng con người vẫn chết, đủ mọi kiểu chết vì bị hành hạ, bị bức tử, chết đói, chết khát, chết trong trại giam, bị đánh chết và bị xử bắn. Chưa có cuốn sách nào những cái chết đậm đặc như thế, ngẫu nhiên, bất ngờ đến với những đứa trẻ như thế.

Ông Ngô Việt Hương Khê, Hà Tĩnh: “Giữa đêm tôi thức dậy. Mẹ nằm trên chõng đã buông xuôi. Mái tóc bung xoã xuống đất. Không còn cái chiếu nào để đắp cho mẹ. Mẹ nằm yên tĩnh chờ đêm mai anh trai tôi mới đến được. Anh đến mang theo một chiếc chiếu. Anh cuốn mẹ lại trong chiếu. Bó bằng hai đoạn dây tre. Chôn ở đâu, chỗ nào cũng bị cấm. Người anh họ trả lời, ruộng mình đâu thì chôn ở đó. Đám tang giữa đêm. Bốn người đưa. Người đi đầu cầm đuốc. Anh trai và người anh họ khiêng mẹ. Một người vác cuốc đi sau. Những cái bóng lướt đi. Không một tiếng thầm thì. Đuốc cháy leo lét. Tôi ngồi bệt giữa nền nhà nhìn theo. Sao tôi không đi cùng. Vì không ai bảo tôi đi. Tôi chưa tự biết phải làm gì”.

Ông Nguyễn Bút Hưng Nguyên, Nghệ An: “Tôi từ giã chị Liên ra đi. Vào lúc mờ sáng ngày mười tư tháng tám năm 1955. Chị Liên không vượt qua được thử thách cuối cùng. Chị chết trong cô quạnh. Không có ai bên chị. Không có cả manh chiếu bọc thân. Sau này về làng, tôi cố hỏi vài người những gì họ biết về chị trong những ngày tháng cuối cùng, nhưng không ai kể cho tôi nghe chuyện gì cụ thể. Họ chỉ nói: tội nghiệp o Liên, sống hiền lành mà khổ, chết thảm như vậy. Hai chị dâu con bác được dân làng báo tin, đến kéo xác chị đi chôn. Chôn ở đâu, không ai nhớ nữa. Nỗi khiếp sợ khiến cho các chị không còn nhớ gì nữa. Các chị chỉ nhớ lúc đó không ai còn sức nên không kéo được đi xa, cũng không đào được sâu. Nếu tôi ở lại, chị em dựa vào nhau. Hay tôi cũng chết giống như chị. Chị Loan dằn vặt. Giá hôm đó giữ chị Liên ở lại, đừng để cho chị về thôn Cầu. Nếu lường trước được chuyện xảy ra thì cha mẹ tôi đã bỏ lại tất cả, đưa các con đi khỏi thôn Cầu ngay từ đầu. Nếu, thì, làm sao ra nông nỗi mười một cái chết đau thương như vậy trong ba gia đình”.

Ông Nguyễn Công Hà Đô Lương, Nghệ An: “Tôi ra bến xe tìm chuyến xe cuối sao cho về đến làng trời vừa tối. Nhà tôi bây giờ ở đâu? Dù không muốn gặp người nhưng tôi bắt buộc phải hỏi một ai đó. Về làng mình mà bước đi sao hoảng sợ. Sợ quê. Đúng rồi. Tôi sợ quê. Nhà tôi giờ ở đâu? Ở sau nhà anh chắt Vượng, sau tường nhà anh Trạm. Một người chỉ cho tôi. Tôi đi vào sân. Sao nhiều vôi bột quanh sân thế này? Anh Kha đi ra. Anh khóc nấc lên. Cháu Uyển mất rồi. Cháu Uyển đi mót, uống nước ruộng, về bị dịch tả. Cháu Uyển, con gái đầu của anh Trạm. Anh Kha khóc vì bất lực. Anh ở Vinh về đã quá muộn. Anh Trạm bị tử hình. Sau năm năm ở tù, vào đợt cải cách cuối cùng anh bị đưa về quê xử bắn. Bác Tham cũng bị xử bắn vào thời điểm với anh Trạm. Chị dâu cả đã chết trước đó một ngày. Chị nằm trên cánh đồng, khi đang đi kiếm rau, thằng bé út vẫn bám trên lưng mẹ. Chúng tôi đã không cưu mang được các con của anh chị”.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp hầu hết Nghệ - Tĩnh là vùng tự do, tương đối yên bình so với các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều nhân vật của Phan Thuý Hà đang được học hành trong những gia đình nề nếp có truyền thống văn hoá và yêu nước, trong đó có con cháu của các Thượng thư Cao Xuân Dục, Bộ trưởng Đặng Văn Hướng và nhiều gia đình khoa bảng khác. Những người thân lớn tuổi của họ đang tham gia kháng chiến. Bất chợt một buổi sáng thức dậy họ gặp ngay cơn ác mộng. Gia đình tan nát, bố mẹ bị bắt, bị đuổi khỏi nhà, bị bắt giam, bị đấu tố, đói và rét, bị hành hạ, bị xỉ nhục, làm nhục của người lớn và các bạn mình. Có lẽ cái đau lớn nhất mà mãi sau này họ cũng không hiểu được những người làng, người thân bỗng chốc tàn ác, man rợ với gia đình họ, với họ như thế, những người vốn tử tế không đáng bị đối xử như thế. Tại sao, tại sao, tại sao, cái câu hỏi ròng ròng máu đỏ in vào tâm hồn trẻ thơ. Tại sao những con người nghèo đói, chất phác bỗng dưng trở thành quỷ dữ có thể dẫm đạp mọi thứ, bóp nát những gia đình…

Một trong những người con đó sống sót, trở thành thầy giáo, hai mươi năm sau di chứng tinh thần còn hành hạ ông. “Hai mươi năm sau. Một đêm ông đột nhiên đổ bệnh. Người ta gọi là bệnh nói nhảm. Nửa đêm ông ngồi dậy và nói một mình. Con cái không hiểu ông nói gì. Chỉ mình tôi hiểu những điều ông nói ra. Chỉ mình tôi hiểu là ông không nói nhảm. Ông uống rượu. Rồi ông khóc. Ông ngồi bên thềm, bên chai rượu trắng, khóc tu tu. Cha ơi cha ơi. Cha ơi là cha ơi. Tiếng khóc cứa vào tim tôi một đêm khuya. Tôi nhìn thấy cha của chúng tôi năm xưa hiện về. Chồng tôi kêu các con lại, nói cho các con biết làng mình người nào ác người nào hiền. Những câu chuyện đứt gãy khó hiểu. Chưa khi nào chúng tôi nhắc chuyện năm xưa. Các con tôi làm sao hiểu được. Ông xúc gạo mang đi cho một bà nghèo khổ nhất trong làng. Ông nói với các con, bà tốt bụng lắm, thương gia đình mình nhiều lắm. Cha bệnh nặng quá rồi. Các con lo lắng. Ông Duyên bị điên rồi. Người ta nói với nhau. Chồng tôi điên hay dòng tâm sự bị nén lại qua năm tháng dằng dặc mà thành ra như thế. Ông đi lang thang. Ông đi ra cánh đồng. Ông đi giữa cơn mưa gió. Ông đi tìm cha. Cha ơi cha ơi mênh mông giữa đồng không. Một buổi sáng như buổi sáng năm nào. Người ta thấy ông nằm dưới gốc cây khế. Sau một đêm mưa to gió lớn. Trên mình là quần đùi áo mỏng. Ông đã chết. Giữa cơn mưa trần thế”.

Những đứa trẻ không còn bố mẹ phải bỏ học, nuôi bà, nuôi em. Có nhà thì cho con, gửi con làm con nuôi, con ở. Đứa đi làm thuê kiếm sống, ăn xin… Lớn hơn thì chạy trốn khỏi quê. Thêm chuỗi bi thảm nữa. Bị chết trong rừng, bị bắt đi tù theo cha, có người thoát vào đến miền Nam, sau 50 năm sống lưu vong mới về được quê nhà. Có người ra được Hà Nội may mắn hơn được học hành được nên người từ hai bàn tay trắng. Trên đường mưu sinh vạn dặm nhiều đứa trẻ đã gục ngã, đã bỏ mạng. Chỉ có những đứa trẻ gặp được may mắn mới sống sót cho đến hôm nay và kể lại chuyện nhà mình cho chúng ta nghe.

Tôi biết cuốn sách có thể mang lại cảm giác nặng nề, làm cho tâm trạng chúng ta nặng nề. Làm thế nào để thoát khỏi cảm giác nặng nề đó, thoát được ra khỏi cái câu hỏi cứ ám ảnh chúng ta vừa như mơ hồ vừa cứ như đang hiện hữu đâu đây? Nhưng cuối cùng dù có đau đớn thế nào khi soi xét lại quá khứ người ta vẫn thấy chút ấm áp. Các nhân vật của chúng ta đã vượt qua được cái vực thẳm nhờ sự chịu đựng, bản năng phi thường. Họ làm tôi nhớ tới những nhân vật của đạo diễn Trương Nghệ Mưu trong bộ phim “Phải sống” trong cái thời Cách mạng văn hoá của Trung Quốc. Vượt lên họ còn có sự đại lượng, sự tha thứ cho những người bà con láng giềng trót u mê, lầm lạc, tàn ác. Họ còn có sự bao dung, cưu mang của những tấm lòng tử tế ngoài đời. Và họ vẫn không dứt bỏ được tình quê hương dù rằng thứ tình đó đầy cay đắng.

Lời ông Hoàng Tự Hùng Đức Thọ Hà Tĩnh: “Tôi đứng bên nền đất còn bốc hơi nóng. Lòng tan hoang. Nếu mẹ còn sống chứng kiến cảnh này mẹ làm sao chịu nổi. Ngày hôm sau tôi đi ra Nam Định nhận công tác. Hành trang là chiếc ba lô và một cái chăn chiên. Không cha, không mẹ, không quê hương. Tôi quen dần khí hậu xứ Bắc, quen thức ăn miền Bắc, nói giọng Bắc”

Thật chua xót. Cũng như các tác phẩm văn học khác cùng chủ đề, cuốn sách này góp thêm một tiếng nói phi hư cấu, một thái độ của thế hệ hôm nay, con cháu của những nhân chứng còn sống sót. Điều quan trọng nhất trong thông điệp của Phan Thuý Hà không phải là tiếng nói tố cáo mà là nó thức tỉnh lương tri con người đang sống hôm nay. Để chúng ta biết rằng từ thời kỳ mông muội đó dân tộc đã bước đi những bước dài trong quá trình dân chủ hoá. Mọi người cần chung tay cố gắng trân trọng sự đổi mới, gìn giữ thành quả dân chủ để đất nước không bao giờ trở lại thời kỳ ấu trĩ như thế nữa.

THÁI KẾ TOẠI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SÀI GÒN TỪNG LÀ ĐỊA DANH
NẰM TUỐT TRONG…. CHỢ LỚN


Nói tới Sài Gòn, không thể không nhắc tới các di tích độc đáo như: nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành hay Nhà hát TP.HCM… đã ngả màu cùng thời gian. Tuy nhiên do quan niệm về tên đất của người xưa, mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu “thường lấy chỗ lỵ sở hay nhóm họp đông lớn, hoặc chỗ địa đầu (để) nói tổng quát đại khái cả một vùng. Ở mỗi cấp đơn vị hay mỗi vùng lại có mỹ danh và tục danh riêng nên dễ sinh lẫn lộn và... hiểu lầm”.

Trong cuốn Tạp ghi Việt Sử địa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ vừa ấn hành đã tiết lộ nhiều bất ngờ về một Sài Gòn hoàn toàn khác với cách nghĩ lâu nay, đó là cùng một tên gọi Sài Gòn nhưng lại chỉ tới… 4 địa danh khác nhau.

Toà Tham biện Gia Định (nay là UBND Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Sài Gòn phủ rộng luôn cả... Tây Ninh?

Trước tiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu căn cứ vào tài liệu của Trịnh Hoài Đức khi bàn về cổ sử miền Đông Nam bộ cho rằng, vùng Bà Rịa nay, xưa kia là tiểu quốc Bà Lợi (còn đọc là Bà Li hay Bà Rịa); còn vùng Đồng Nai là tiểu quốc Thù Nại, nay là đất Sài Gòn. GS Sử địa Nguyễn Đình Đầu trích nguyên văn Gia Định thành thông chí chú thích: “Nghi chữ Bà Rịa tức là nước Bà Rịa thuở xưa. Còn âm hai chữ Thù Nại với Đồng Nai và Nông Nại không sai nhau lắm, nghĩa là tương tự nhau, vậy cũng có lẽ là đất Sài Gòn ngày nay”. Từ đó, ông rút ra kết luận: “Thế có nghĩa là phần nhỏ miền Đông là Bà Rịa, phần rất lớn còn lại là đất Sài Gòn, bao phủ cả Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, kể cả một phần Long An và Tiền Giang ngày nay”.

Nhà thờ Tây Ninh xưa

Theo GS Nguyễn Đình Đầu, nhiều nguồn sử liệu cũng cho thấy Sài Gòn chỉ có trong phạm vi huyện Tân Bình, sau là tỉnh Gia Định: “Mùa xuân năm Mậu Dần (1698)… Nguyễn Hữu Cảnh sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình”. Và từ những tài liệu phát hiện này, GS Đầu cho rằng: “Huyện Tân Bình lập năm 1808 thành phủ Tân Bình rồi mới tách ra mấy phủ nữa, từ năm 1832 đến khi thuộc Pháp là tỉnh Gia Định trong lục tỉnh. Nếu theo đoạn trích thì Nông Nại là cả miền Đông, xứ Sài Gòn nằm ở tây sông Đồng Nai”.

Là phố thị nằm tuốt ở... Chợ Lớn?

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng thành phố Sài Gòn nằm trong vòng luỹ Lão Cầm 1700, hay luỹ Nguyễn Cửu Đàm 1772, thậm chí trong Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam thực lục còn khẳng định phố Sài Gòn chỉ là tên chợ hoặc một phố thị nằm tuốt ở... Chợ Lớn. Sự thật được GS Nguyễn Đình Đầu lý giải như thế nào?

Nhà thờ Bà Rịa

Tạp ghi Việt Sử địa viết tiếp: “Luỹ Lão Cầm đắp từ năm 1700, dấu vết ở quận Tân Bình ngày nay; còn luỹ Nguyễn Cửu Đàm đắp năm 1772, một phần nhờ trên luỹ cũ 1700, vết tích vẫn còn nguyên vẹn nhờ có tấm bản đồ Thành phố Sài Gòn 1795 và bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815. Luỹ Nguyễn Cửu Đàm (còn gọi là Bán Bích) đắp từ chùa Cây Mai vòng qua Đồng Tập trận theo đường sông xuống rạch Thị Nghè, rồi chấm dứt nơi cầu Bông ngày nay, nằm giữa hai huyện Bình Dương và Tân Long trước đây. Khi chưa là đơn vị hành chính, địa bàn này chỉ có tên tục, tên nôm gọi là đất Sài Gòn hay xứ Sài Gòn; sau này khi Pháp xâm lăng, theo Nghị định ngày 11.4.1861, địa bàn này mới chính thức trở thành đơn vị hành chánh riêng là thành phố Sài Gòn”.

Phụ nữ Mạ ở Chứa Chan (nay thuộc Đồng Nai)

Bến xe thổ mộ ở Tây Ninh xưa

Điều khá bất ngờ là địa phận xã Minh Hương xưa cùng một số thôn phường lân cận cũng từng được mệnh danh là chợ Sài Gòn hay phố Sài Gòn. Oái ăm, chuyện này trong Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí đều nêu rất rõ, được GS Nguyễn Đình Đầu ghi nhận: “Chợ Sài Gòn cách phía nam Trấn (thành Bát Quái) 12 dặm. Còn Đại Nam thực lục nói đến “phố Sài Gòn” khi viết về những trận đánh giành giật khu vực này giữa quân lính triều đình với Lê Văn Khôi năm 1833. Mà theo bản đồ Trần Văn Học vẽ, phố chợ Sài Gòn chỉ rộng bằng 1/3 hay 1/4 quận 5 hiện nay.”

Từ những phức tạp của địa danh Sài Gòn dễ gây nhầm lẫn mà Tạp ghi Việt Sử Địa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu còn dặn dò hậu sinh: “Cùng một địa danh Sài Gòn khi thì chỉ chợ Sài Gòn, khi chỉ thành phố Sài Gòn, khi thì chỉ huyện Tân Bình, hay có lúc chỉ cả địa bàn nước Thù Nại. Phải tuỳ mạch văn mới hiểu được Sài Gòn chỉ địa bàn nào, dù trong thực tế chữ Sài Gòn thường dùng để chỉ thành phố nhiều hơn địa bàn khác”.

LÊ CÔNG SƠN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VỀ TÊN GỌI SÀI GÒN


Về nguồn gốc và ý nghĩa của cái tên Sài Gòn, có 3 thuyết chính từng được nêu ra: Thuyết của các ông Trương Vĩnh Ký và Lê Văn Phát; Thuyết của ông Louis Malleret; Thuyết của ông Vương Hồng Sển. Thuyết nào cũng có vẻ có lý phần nào nhưng thật sự, không cái nào có thể làm cho chúng ta hoàn toàn thoả mãn…

Ba thuyết về cái tên Sài Gòn

Trong Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của thì Sài tức là củi thổi, còn Gòn là tên loại cây cỏ bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay dùng để dồn gối, dồn nệm. Về địa danh Sài Gòn thì Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị ghi: tên riêng của đất Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến Nghé.

Ðịnh nghĩa Sài Gòn của quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị cho ta thấy tên Sài Gòn trước đây dùng để chỉ vùng Chợ Lớn hiện nay, còn vùng mà ta gọi là Sài Gòn hiện nay thì trước đây lại gọi là Bến Nghé. Ðiều này được xác nhận nhờ hai người Anh là Crawford và Finlayson đã đến vùng này năm 1922. Cứ theo lời những người này thuật lại thì Sài Gòn và Bến Nghé là hai thành phố phân biệt nhau và cách xa nhau độ 1 hay 2 dặm. Bến Nghé (mà các tác giả trên đây viết là Bingeh hay Pingeh) là nơi đồn binh và đặt cơ quan chánh phủ, còn Sài Gòn là trung tâm thương mại và là nơi cư ngụ của người Hoa kiều và các thương gia (tài liệu của Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises tức là Tập san của Hội Cổ Học Ấn Hoa, năm 1942, tập số 2).

Khu vực Chợ Lớn.

Vậy, Sài Gòn và Bến Nghé là hai thành phố phân biệt nhau và có hai tên khác nhau đàng hoàng, nhưng đến khi người Pháp chinh phục ba tỉnh phía đông Nam Kỳ năm 1861, họ dùng tên Sài Gòn để chỉ đất Bến Nghé cũ, mà họ dùng làm trung tâm hành chánh, vì Bến Nghé là một tiếng khó cho người ngoại quốc phát âm hơn Sài Gòn. Người Việt Nam bắt buộc phải theo họ mà gọi Bến Nghé là Sài Gòn, còn vùng trước đó gọi là Sài Gòn thì được gọi là Chợ Lớn theo một cái tên mà sử gia Phan Khoang trong bộ Việt Sử Xứ Ðàng Trong, cho là dường như đã có từ đời vua Gia Long.

Theo quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của thì tên Sài Gòn có nghĩa là củi gòn. Nhà học giả Trương Vĩnh Ký đã theo thuyết này mà ông cho biết là dựa vào bộ Gia Ðịnh Thông Chí của ông Trịnh Hoài Ðức. Trong tập Souvenirs historiques, ông Trương Vĩnh Ký lại kể lại rằng người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng ấy năm 1885.

Sau ông Trương Vĩnh Ký, còn có ông đốc phủ Lê Văn Phát đi xa hơn trong thuyết kể trên đây. Theo ông Lê Văn Phát thì trước đây, vùng Sài Gòn Chợ Lớn hãy còn bị rừng bao phủ và tên Sài Gòn có lẽ phát xuất từ tên Khmer Prei Kor tức là Rừng Gòn (Forêt des Kapokiers). Prei Kor là tên mà người Khmer dùng để gọi một địa phương mà trọng tâm là Chùa Cây Mai ở Phú Lâm ngày nay. Mặt khác, ông Lê Văn Phát cũng cho biết rằng người Lào (mà ngôn ngữ gần như ngôn ngữ Thái) đã gọi vùng này là Cai Ngon, mà Cai Ngon theo tiếng Thái cũng có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn (Brousse des kapokiers).

Thuyết về nguồn gốc tên Sài Gòn của các học giả Việt Nam trên đây sau này đã bị một số học giả khác bác bỏ. ông Vương Hồng Sến trong bộ Sài Gòn Năm Xưa cho biết rằng theo tiếng Khmer thì Kor có nghĩa là gòn mà cũng có thể có nghĩa là con bò, và Prei Kor có thể là Rừng Bò chứ chưa ắt hẳn là Rừng Gòn.

Mặt khác, các nhà học giả Pháp nghiên cứu về nước Campuchia đã tìm được trong bộ sử chép tay của nước ấy một dữ kiện quan trọng về vùng này. Theo bộ sử ấy, năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đã đến Campuchia xin vua Campuchia cho đặt một số sở thuế ở vùng Prei Nokor và Kas Krobey. Vua Campuchia lúc ấy có một hoàng hậu là con gái chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Bởi đó, ông đã chấp nhận lời yêu cầu của chúa Nguyễn.

Theo ông Etienne Aymonier thì Nokor là xứ, quốc gia và Prei Nokor là rừng của vua (forf royale). Nhưng linh mục Tandart lại bảo rằng tiếng Nokor do tiếng nam phạn Nagaram mà ra, và có nghĩa là Thành phố của rừng hay thành phố ở giữa rừng (ville de la forêt). Bởi vậy theo ông, Prei Nokor có nghĩa là thành phố.

Nhà học giả Pháp Louis Malleret khi nêu ra tài liệu về Prei Nokor đã dựa vào ý nghĩa của tiếng Khmer này theo linh mục Tandart để bác bỏ thuyết của các học giả Việt Nam trước đó cho rằng Sài Gòn có nghĩa là Củi Gòn. Ông đã theo ý kiến của một người Pháp khác là Maurice Verdeille theo đó tiếng Sài Gòn có lẽ phát xuất từ tiếng Tây ngòn có nghĩa là cống phẩm của phía Tây (tribut de l’ouest). Tiếng Hán Việt từ cống phẩm của phía Tây là Tây Cống, nên Tây Ngòn hẳn là Tây Cống, nhưng phát âm theo giọng Trung Hoa. Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này là vì ông đã dựa vào một dữ kiện lịch sử do ông Trịnh Hoài Ðức chép lại, là khi Campuchia bị phân ra cho hai vua thì cả hai vua nầy đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor, vốn là thủ đô của vua thứ nhì từ năm 1674 (trong khi vua thứ nhất đóng đô ở Oudong ở phía bắc Nam Vang).

Một tác giả khác, ông Vương Hồng Sển, nhắc lại trong quyển Sài Gòn Năm Xưa rằng người Hoa Kiều đã tập trung vào vùng Chợ Lớn ngày nay để mua bán năm 1778 sau khi Cù Lao Phố (gần tỉnh lị Biên Hoà ngày nay) là nơi được thành lập để mua bán từ cuối thế kỷ thứ 17 đã bị Tây Sơn phá tan khi họ kéo vào đánh miền Nam. Sau khi thành phố này đã vững, người Hoa Kiều đã đáp thêm bờ kinh Chợ Lớn, cẩn đá cho cao ráo kiên cố. Và có lẽ để ghi công việc này, họ đặt tên chỗ mới này là Ðề Ngạn, tức là bờ sông cao dốc trên có đê ngăn nước. Ðề Ngạn là tiếng Hán Việt, chớ người Trung Hoa phát âm theo giọng Quảng Ðông thì nói thành Tài Ngon hay Thầy Ngồnn. Ông Vương Hồng Sển cho rằng tiếng Sài Gòn chính do Thầy Ngồnn mà ra.

Những con thuyền trên kênh Bonard.

Về đất Bến Nghé thì người Trung Hoa gọi là Xi Cong. Ông Vương Hồng Sển cho rằng đó là họ đọc trại lại tiếng Sài Gòn của ta và khi viết ra Hán văn thì họ dùng hai chữ mà ta đọc là Tây Cống.

Vậy, có ba thuyết về nguồn gốc và ý nghĩa của tên Sài Gòn:
1.
Thuyết của các ông Trương Vĩnh Ký và Lê Văn Phát: Sài Gòn do tiếng Khmer Prei Kor mà ra, và có nghĩa là củi gòn.
2.
Thuyết của ông Louis Malleret: Sài Gòn do tiếng Tây Ngòn, tức là Tây Cống phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là cống phẩm của phía Tây.
3.
Thuyết của ông Vương Hồng Sển: Sài Gòn do tiếng Thầy Ngồnn tức là Ðề Ngạn phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là bờ sông cao dốc trên có đê ngăn nước. Còn về tiếng Tây Cống, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng nó chỉ được người Trung Hoa dùng sau này để phiên âm lại tên Sài Gòn sau khi tên này được dùng đẻ chỉ đất Bến Nghé cũ.

Nhìn lại nguyên tắc đặt địa danh

Ba thuyết trên đây cái nào cũng có vẻ có lý phần nào nhưng thật sự, không cái nào có thể làm cho chúng ta hoàn toàn thoả mãn. Như thế có lẽ vì những người nêu ra các thuyết ấy đã quên để ý đến cách ông bà chúng ta đặt các địa danh ở Nam Kỳ trước đây. Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong việc đặt địa danh này, ông bà chúng ta đã theo một số nguyên tắc:

1. Các cụ có thể phiên âm một địa danh Khmer đã có và bỏ dấu cho thành tiếng Việt Nam. Thí dụ như Psar Deck thiếng Khmer là Chợ Sắt đã được các cụ gọi lại là Sa Ðéc, hay Me So tiếng Khmer là Người Ðàn Bà Ðẹp hay nàng Tiên được các cụ gọi là Mỹ Tho. Trong một bài đăng trên tờ Việt Báo, ông Phạm Nam Sách khi nói về tỉnh Ba Xuyên đã nhắc đến một địa danh mà ông nói là là Bảy Sào, Bải Sào, Bảy Sau hay Bải Sau chi đó. Thật sự đó là Bải Xào, một tiếng phát xuất từ tiếng Khmer Bai Xao có nghĩa là Cơm Sống. Ðịa danh này sở dĩ có là vì trong trận đánh nhau với người Việt Nam, người Khmer đã thua chạy về đến đó và ngừng lại nấu cơm ăn, nhưng cơm chưa kịp chín thì quân Việt Nam lại kéo đến và người Khmer phải bỏ chạy. Ðể đánh dấu việc này, họ gọi đất đó là Cơm Sống, tiếng Khmer là Bai Xao và các cụ ta bỏ dấu thêm thành Bải Xào.

Vườn tược ở ngoại ô Sài Gòn, dọc tuyến đường đi Mỹ Tho.
2.
Các cụ có thể dịch nghĩa một địa danh Khmer đã có. Thí dụ như tên Bến Nghé phát xuất từ tiếng Khmer Kompong Krabei có nghĩa la Vũng Trâu. Theo sử Khmer mà ông Malleret viện dẫn thì ngoài Prei Nokor, vua Campuchia còn cho chúa Nguyễn đạt sở thuế ở Kas Krobey. Chữ Krobey rất gần Krabei, và có thể Kas Krobey với Kompong Krobei cũng là một và có nghĩa là Vũng Trâu, Bến Trâu gì đó.
3.
Nhưng tên theo hai loại trên đây là do người Việt Nam bình dân đặt ra khi mới đến một địa phương. Về sau, khi đã có nhiều người Việt Nam ở và triều đình Việt Nam đặt ra các đơn vị hành chánh, thì triều đình lại dùng tiếng Hán Việt như Trấn Biên, Phiên Trấn, Phước Long, Phước Tuy v.v.. Mặt khác, khi viết sử hay viết sách địa lý mà gặp một tên nôm do người bình dân đã đặt, các cụ đã dịch phăng nó ra tiếng Hán Việt chớ ít khi chịu chép tên nôm. Như Ba Giồng các cụ dịch là Tam Phụ; Bến Nghé các cụ dịch lại là Ngưu Chử khi chép vào sách chớ không chịu viết tên nôm là Ba Giồng, Bến Nghé.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VỀ TÊN GỌI SÀI GÒN-[2]


Nếu lấy các qui tắc đặt địa danh của các cụ ngày xưa làm tiêu chuẩn để suy luận thì ta thấy ngay các thuyết trên đây về nguồn gốc và ý nghĩa của Sài Gòn không ổn.

Nếu các cụ ta ngày xưa muốn dịch tiếng Khmer Prei Kor ra tiếng Việt thì các cụ đã dùng tên Củi Gòn, Cây Gòn hay Rừng Gòn để đặt cho địa phương này, chớ không ghép một tiếng Hán Việt là Sài với một tiếng nôm là Gòn để thành Sài Gòn, cũng như khi dịch Kompong Krabei ra tiếng Việt, các cụ đã gọi là Bến Nghé chớ không nói Tân Nghé, Chử Nghế hay Ngạn Nghé (Tân, Chử và Ngạn là những tiếng Hán Việt có nghĩa là cái cồn nhỏ, bến sông, bờ sông). Nếu bảo rằng gòn là một loại cây không có tên Hán Việt và các cụ đã dùng tên ấy như tiếng Hán Việt thì các cụ đã theo văn phạm Hán Việt mà gọi Củi Gòn là Gòn Sài chớ không thể gọi là Sài Gòn.

Chữ Sài là tiếng Hán Việt có nghĩa là Củi, nhưng cũng chữ ấy mà dùng làm chữ nôm thì lại đọc là Thầy. Vậy, nếu đọc theo tiếng nôm hoàn toàn hai chữ mà ông bà chúng ta dùng để chỉ tên đất ta đang nghiên cứu thì ta có Thầy Gòn. Tên này rất gần với Tây Ngòn hay Thầy Ngồnn là những tiếng Hán Việt Tây Công hay Ðề Ngạn đọc theo giọng Trung Hoa. Nhưng các cụ ngày xưa rất sính dùng tiếng Hán Việt. Ðến như tiếng nôm hoàn toàn là Ba Giồng, Bến Nghé mà các cụ còn nhất định phải dịch ra là Tam Phụ, Ngưu Chử khi viết vào sách vở thì không lý do gì các cụ lại không dùng các tiếng Hán Việt đã sẵn có là Tây Cống hay Ðề Ngạn, mà lại dùng tiếng Thầy Gòn là tiếng phiên âm theo giọng của người Trung Hoa.

Vậy, các thuyết kể trên đây đều không vững cả.

Tiếng Khmer hay tiếng Thái?

Cuối cùng, chỉ còn một dấu vết nhỏ trong các tài liệu nói về ý nghĩa và nguồn gốc tên Sài Gòn có thể giúp ta một lối thoát: đó là việc ông Lê Văn Phát cho biết rằng người Lào đã gọi vùng Chợ Lớn ngày nay là Cai Ngon, mà Cai Ngon theo tiếng Thái có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn. Chúng tôi không biết tiếng Lào hay tiếng Thái nên không thể xác nhận được ý nghĩa của Cai Ngon theo tiếng Thái, nhưng nếu quả đúng như ông Lê Văn Phát nói thì tên Sài Gòn do ông bà ta phiên âm từ tiếng Thái Cai Ngon và bỏ dấu theo giọng Việt Nam như thông lệ.

Xét về mặt nguyên tắc đặt địa danh của ông bà chúng ta ngày xưa, thì vấn đề này có thể kể là tạm giải quyết. Nhưng nghi vấn còn lại là tại sao lại có tiếng Lào hay tiếng Thái lọt vào đây? Hiện nay, không có nhiều tài liệu lịch sử giúp chúng ta có một sự hiểu biết rộng rãi và chính xác về thời kỳ người Việt Nam mới vào ở đất Nam Kỳ. Chúng ta chỉ có thể dựa vào một số dữ kiện sau đây để suy luận:
1.
Vào đầu thế kỷ 17, nước Campuchia đã bị người Xiêm (Thái Lan hiện nay) uy hiếp nặng nề, và chính vì muốn dựa vào người Việt Nam để chống lại Xiêm mà vua Chey Chetta II đã đi cưới công chúa Ngọc Vạn (là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) về làm hoàng hậu năm 1620, rồi đến năm 1623 lại để cho chúa Nguyễn đặt những cơ sở thâu thuế ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn ngày nay.
2.
Vùng Chợ Lớn chỉ trở thành một vùng thương mại thịnh vượng từ năm 1788 với khối người Hoa Kiều tụ tập về đó sau khi Cù Lao Phố bị Tây Sơn phá huỷ. Vậy, lúc chúa Nguyễn mới đặt cơ sở thuế hơn 150 năm về trước vùng này chưa có mua bán gì nhiều.
3.
Người Việt Nam chỉ vào ở Nam Kỳ nhiều từ khi có lực lượng của ông Trần Thượng Xuyên đóng thường trực để bảo vệ cho họ từ năm 1680. Vậy, lúc chúa Nguyễn đặt sở thuế ở vùng Chợ Lớn ngày nay, hơn 50 năm trước đó, chưa có đông người Việt Nam và chưa có sản xuất nhiều lúa gạo để bán.
4.
Như thế, cơ sở thuế của chúa Nguyễn chắc chỉ đánh vào một vài sự buôn bán nhỏ, không quan trọng lắm, và do đó mà vua Campuchia đã dễ dàng cho chúa Nguyễn thâu lấy nguồn lợi này, chớ nếu có sự mua bán quan trọng và quyền lợi thuế vụ lớn thì vua Campuchia lúc đó vốn còn hoàn toàn độc lập với chúa Nguyễn, chắc không phải chấp nhận dễ dàng lời yêu cầu của chúa Nguyễn. Vậy, sự mua bán đó dựa vào món hàng gì? Có thể một trong những món hàng được buôn bán thời đó là gòn, vì vùng này có nhiều cây gòn, có lẽ không nhiều đến thành rừng, nhưng cũng đạt mức quan trọng để có thể gọi là rừng chổi được. Người Xiêm có thể đã đến đó mua gòn để đem về nước dồn gối, dồn nệm. Một ít thương gia Xiêm có thể đã có mặt ở vùng này trước khi chúa Nguyễn đặt sở thuế tại đó, và vì thấy vùng này có nhiều cây gòn, họ gọi nó là Cai Ngon tức là Rừng Chổi Cây Gòn, rồi các viên chức Việt Nam liên lạc với họ để đánh thuế lúc mới đến đã theo họ mà gọi đất này là Sài Gòn, thay vì phiên âm hay dịch nghĩa tên Khmer của địa phương này.
5.
Về cái tên Khmer này, các học giả đã không đồng ý kiến với nhau, người thì nói là Prei Kor, người thì nói là Prei Nokor. Ông Malleret đã dựa vào sử Khmer mà bảo đó là Prei Nokor và theo linh mục Tandart để dịch Prie Nokor là thành phố của rừng. Vì không biết tiếng Khmer và văn phạm Khmer, chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này, nhưng vẫn thấy có những chỗ không ổn.

Tuyến xe điện Sài Gòn – Gò Vấp đang chạy dọc theo đường Rue de l’Église (nay là Bùi Hữu Nghĩa) vào gần năm 1920.

Nếu Prei Kor có nghĩa là Rừng Gòn hay Rừng Bò thì văn phạm Khmer cũng như văn phạm Việt Nam đặt tiếng rừng lên trên, tiếng phụ nghĩa cho rừng ở dưới. Như vậy Prei Nokor dịch ra là rừng của vua như Aymonier thì vẫn hợp với văn phạm đó, còn dịch ra như linh mục Tandart là thành phố giữa rừng thì lại đi ngược với văn phạm đó rồi. Hiểu theo văn phạm như nói trên đây thì Prei Nokor là rừng của thành phố mới phải, nhưng tên Rừng của Thành Phố thì cố nhiên là không có ý nghĩa gì.

Mặt khác, nếu Prei Nokor là thành phố giữa rừng hay rừng của vua thì nó chỉ có thể có từ năm 1674, là năm mà vua thứ nhì của Campuchia cho chúa Nguyễn đến đặt sở thuế tại đó. Bấy giờ thì đất này hãy còn là một thị xã nhỏ, không có vua ở nên không thể mang tên Prei Nokor là thành giữa rừng hay rừng của vua được.

Do các nghi vấn trên đây, chúng ta thấy rằng thuyết của ông Malleret không vững. Và chúng ta có thể đua ra giả thuyết khác: địa điểm mà vua Campuchia cho chúa Nguyễn đặt sở thuế vẫn tên là Prei Kor vì nơi đó có nhiều gòn và là nơi mua bán gòn, nhưng sau đó, khi vua thứ nhì của Campuchia đến đóng đô tại đó, nó có tên mới là Prei Nokor (hiểu theo nghĩa là rừng của vua hay thành phố giữa rừng đều được cả). Các sử gia Campuchia sau này chép lại việc cho chúa Nguyễn đến địa phương này đặt sở thuế đã chép lại tên Prei Nokor mà họ được biết nhiều hơn mà bỏ tên Prei Kor đi. Với giả thuyết này thì ý nghĩa và nguồn gốc tên Sài Gòn có thể giải quyết được: đó là một tên phiên âm từ tiếng Xiêm Cai Ngon có nghĩa là Rừng Chổi Cây Gòn, và phù hợp với tên Khmer nguyên thuỷ Prei Kor cũng có ý nghĩa tương tự.

Vì không biết ngôn ngữ và văn phạm Khmer và Thái (Xiêm) nên chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này và chỉ xin nêu ra những nhận xét trên đây. Chúng tôi mong ước rằng có vị nào thông thạo tiếng Khmer hay tiếng Thái lưu tâm đến vấn đề này để làm sáng thêm ý nghĩa và nguồn gốc tên Sài Gòn yêu dấu của chúng ta.

Lê Công Lý
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỐ HỮU


Ông Tố Hữu là người ngồi ở ngôi cao trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng và nhà nước, với Văn nghệ thì ông là đại thủ lĩnh, không có gì phải bàn cãi. Về thơ ông là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng hiện thực XHCN như những nhà phê bình có tên tuổi khẳng định.

Về nghệ thuật thơ cũng vậy “Thì treo giải nhất chịu nhường cho ai”như một nhà thơ lão làng đã viết. Câu thơ : “Mường Thanh,Hồng Cúm,Him Lam/Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng” theo phân tích của nhà thơ nọ là hai câu thơ mẫu mực vừa kinh điển vừa hiện đại. Ai dám cãi hoa mơ không trắng vườn cam không vàng. Các cán bộ đi thuyết giảng ai cũng thuộc và trích dẫn vài câu thơ của Tố Hữu để tăng phần hấp dẫn của bài nói.

Tôi đã một lần bị một đồng chí chính trị viên dưới đơn vị gửi thư lên Tổng cục chính trị phê phán là đi nói chuyện thơ cho bộ đội mà chỉ trích thơ Chế Lan Viên chứ không trích thơ Tố Hữu. Bài thi văn Trung học và Đại học năm nào mà chẳng có đề về thơ Tố Hữu, nó đã trở thành quen thuộc như sổ gạo của từng nhà. Tôi cũng biết vào những năm “Nhân văn Giai phẩm” có một nhà thơ bộ đội viết bài phê bình thơ Tố Hữu có câu “thơ Tố Hữu như cốc siro pha loãng…”. Như thế thì nhiều phen “lên bờ xuống ruộng” là phải. Cũng chẳng biết kêu ai, chẳng ai nói cho biết mình phạm tội gì. Anh có viết một vở kịch tên là “Mưa bóng mây”. Tôi đùa :

-Ông cứ coi mọi tai nạn là mưa bóng mây đi, dù nó là mưa đá.

Tôi cũng nghe kể hồi còn trên chiến khu Việt bắc một lần Tố Hữu định đọc thơ cho Văn Cao nghe, nhưng ông nhạc sỹ gạt đi “Thơ cậu như ca dao hò vè có gì mà đọc”, tôi nhớ lại lời ông bác mỗi khi mắng con cháu tội lười biếng hoặc mắc lỗi “Chết là phải”.

Vì thế khi làm thơ chân dung nhà văn tôi phải nghĩ tới Tố Hữu, làm thế nào bài thơ phải xứng tầm với ông. Có thể nói đó là bài thơ tôi viết đi viết lại nhiều lần mà chưa ưng ý. Hơn nữa viết về ai ngoài đọc kỹ tác phẩm tôi đều tìm cách tiếp xúc để biết kỹ hơn tính cách của họ. Tôi từng hầu chuyện nhiều bậc đàn anh, bằng cách này cách khác và học hỏi được nhiều điều. Nhưng Tố Hữu thì không.

Tôi biết ông, thấy ông thì nhiều lần trong những buổi họp hành về văn nghệ. Tôi nhớ một lần ông tới Tạp chí nói chuyện về tập “Cửa mở”của Việt Phương. Ông lim dim mắt cao giọng “Đó là tập thơ ba lăng nhăng, tư tưởng ba lăng nhăng”.

Tôi cũng không thể như nhà văn nọ nổi tiếng đãng trí nhưng lại nhớ rất kỹ ngày sinh Tố Hữu, hàng năm tới ngày đó đều đến nhà tặng nhà thơ lớn một bông hoa hồng. Tôi cũng không thể lấy cớ có tác phẩm mới in mang đến tặng “đại thủ lĩnh”.

Tôi nhớ đời một chuyện, một hôm cùng ông bạn vàng đạp xe dọc đường Phan Đình Phùng có ngôi biệt thự có “Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt” (nhà Tố Hữu). Ông bạn bỗng hỏi tôi :

- Này! Có bao giờ cậu nghĩ sẽ đến lúc ở trong ngôi nhà như thế này không?
- Cậu tưởng mình nằm mê chắc. Gần ba mươi tuổi mới là thằng Trung uý quèn, bao giờ mới lên tướng, hoạ có mà đảo chính.

Không ngờ trong buổi họp chi bộ sau đó, ông bạn vàng của tôi mang câu chuyện đó ra trình làng và nói thêm :

-Tôi biết đồng chí Sách nói đùa, nhưng đùa như thế là xuất phát từ tư tưởng thiếu lành mạnh.

May mà tôi chưa bị ghép vào tội có tư tưởng phản động.

Vậy thì làm sao tôi dám vào ngôi nhà đó. Nhưng rồi tôi cũng hoàn thành được bài thơ vào năm 1973, khi Tố Hữu có bài thơ “Máu và hoa” lấy cảm xúc từ sự kiện Hiệp định Paris. Tôi nhớ sau khi đọc bài thơ đó tôi cứ lẩm bẩm máu và hoa…máu và hoa, rồi bật ra cảm hứng viết “Máu ở chiến trường hoa ở đây”.

Hàng năm mỗi khi Tết đến tất cả các báo đều đăng thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh và thơ Tố Hữu, các báo đều đăng một bài ấy. Theo quy ước thì các tác giả không được gửi một bài đăng ở nhiều báo vào cùng thời gian. Ai làm thế sẽ bị cắt nhuận bút và bị phê bình. Nhưng Tố Hữu là ngoại lệ ai cũng thấy thế là phải, thơ hay đăng càng nhiều càng tốt. Thơ hay trả nhuận bút cao bao nhiêu cũng không xứng.

Một bài thơ lúc đó nhuận bút từ 8 đến 10 đồng ở báo Trung ương. Cỡ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…có thể từ 12 đến 15 đồng. Như thế cũng là tươm, vì theo Nguyễn Tuân lấy giá bát phở chín làm bản vị , ba hào một bát thì một bài thơ cũng cỡ vài ba chục bát, đủ ấm bụng điểm tâm sáng cả tháng trời. Tôi được biết tờ báo nọ phải đưa ra ban biên tập bàn bạc khi trả nhuận bút cho Tố Hữu, cuối cùng thống nhất : tiền là 500 đồng cộng một cành đào và một cặp gà trống thiến. Câu này là tôi nghe lại không biết có đúng không, khi nhận nhuận bút nhà thơ nói :

- Nhuận bút trả như ri, các nhà thơ ta sống khoẻ hè.

Các bài thơ chân dung tôi viết xong đều được anh em đem truyền khẩu hoặc tôi đọc trước mặt người được viết, riêng bài Tố Hữu mãi đến năm “Chân dung nhà văn” ra đời mới xuất hiện công khai. Khi viết xong bài thơ tôi hiểu không thể truyền bá ra ngoài được, cũng phải biết trời biết đất chứ còn làm sao bây giờ.

Có một nhà văn gửi một bản tường trình lên “đại thủ lĩnh” tố cáo tôi làm thơ bôi xấu nhà văn, rồi trích một số bài, nhưng nếu không có bài về Tố Hữu thì không đủ sức nặng, ông ấy liền lấy mấy câu ở vỉa hè nhại bài Bầm ơi :

Bầm ơi có rét không bầm
Vonga con cưỡi gà hầm con ăn.

Nhưng khi đọc xong Tố Hữu nói :

- Xuân Sách viết về các nhà văn khác như vầy thì không thể viết về tao đơn giản như vầy được. Tao chờ.

Và tôi cũng phải chờ. Một lần nhà văn Đặng Thai Mai gọi tôi đến nhà riêng. Cụ bảo tôi đọc bài thơ về Tố Hữu cho cụ nghe. Thấy tôi chần chừ cụ bảo: “Cậu sợ tôi phản cậu hay sao?”

- Thưa bác, cháu đâu dám nghĩ về bác như thế có điều cháu nghe lời ông Hàn Phi rằng vua là con rồng, có thể gần thậm chí có thể cưỡi lên mình nhưng tuyệt đối không được sờ vào cái vuốt dưới cằm nó. Cháu muốn giữ cái đầu để hoàn thành tập thơ đã.

- Thế là phải, nhưng đọc riêng cho tôi nghe thôi.

Tôi lại múa mép :

- Đạo trí giả của những người như bác có cái hay trong bụng không thể không truyền cho người khác, cho phép cháu khoe một chút, bài này hay.

Chúng tôi ngồi trên sàn nhà bằng gỗ. Cụ gác cằm lên đầu gối nghe xong cười khùng khục mắng yêu tôi :

- Thằng tiểu quỷ.

Mùa hè năm 1982 tôi lên Tam Đảo nghỉ vài hôm, hồi đó khách vắng lắm. Một buổi chiều tôi đang đi dạo dưới rặng thông thì nhìn thấy nhà thơ Tố Hữu đang đi về phía tôi, tôi nghĩ ông không biết tôi nên cứ lẳng lặng đi qua. Không ngờ ông gọi :

-Xuân Sách đó à?
-Thưa vâng chào anh
-Sách lên đây để viết hay sao?
-Dạ không , tôi được cơ quan cho đi nghỉ mát mấy hôm.
-Ra rứa. Còn mình lên đây có việc.

Tất nhiên là tôi không hỏi ông việc gì. Ông quàng tay lên vai tôi nói nhẹ nhàng :

- Bên Công an họ thu thập được những bài ca dao, đồng dao, chuyện tiếu lâm thời bây giờ, có đến gần 200 trang đánh máy. Mình lên đây để đọc cho yên tĩnh.
- Thưa anh, anh thấy thế nào?

Và tôi nhận được câu trả lời ngắn gọn bất ngờ :
“Cực kỳ phản động, cực kỳ hay”

Có hai ông Tố Hữu trong câu nói này. Tôi nghĩ vậy và chợt nghĩ giá như lúc này tôi đọc bài thơ viết về ông mà ông cũng phán một câu như vậy thì tôi yên lòng. Xưa nay nhiều nho sỹ nhờ có câu thơ, vế đối hay mà thoát chết đó sao.

Thời gian sau khi tập Chân dung ra đời, có lần ông vào Vũng Tàu. Anh em văn nghệ đến chào, trong lúc vui chuyện có người hỏi :

- Thưa bác, bác nghĩ gì về bài thơ chân dung Xuân Sách viết về bác?
-Có chi mô -Nhà thơ cười nhỏ nhẹ- Lão ấy đùa dai thôi mà.

Một lần ra Nha Trang gặp gỡ các bạn văn, có người kể rằng hôm gặp Tố Hữu cũng hỏi ông một câu như vậy. Ông suy tư một lát rồi trả lời :

- Anh Xuân Sách viết đúng về tôi.

Tôi nhớ lần tôi cùng Nguyễn Minh Châu đi chiến trường, một lần ở miền tây Thừa Thiên, trời mưa không dứt suốt ngày. Tôi đọc thơ :

Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa trắng đất trắng trời Thừa Thiên

Châu hỏi :

-Thơ ai mà hay vậy ?
-Thơ Tố Hữu.
-Ông ấy làm thơ giỏi hơn làm quan, ngược lại thì tốt!

Thơ chân dung Tố Hữu :

Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta

Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây.

XUÂN SÁCH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TẠO RA HUYỀN THOẠI


Từ “huyền thoại” nay đã trở nên khá cởi mở và bình dân. Huyền thoại không nhất thiết còn là câu chuyện “huyền hoặc” của thời xa xưa nữa, nó đã len chân đến hầu hết những ngõ ngách của cuộc sống với biên độ mở hơn rất nhiều: “huyền thoại bóng đá”, “di sản huyền thoại” là những cụm từ dùng rộng rãi, ở đây, tôi muốn nói đến “huyền thoại” về các nhà văn nổi tiếng.

1.
TẢN ĐÀ
Tôi nghĩ người mở đường cho những “huyền thoại” của những nhà văn hiện đại Việt Nam là Tản Đà. Tản Đà là một nhân vật rất quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam, là gạch nối giữa thời trung đại và hiện đại. Trong công trình “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã đưa Tản Đà ở vị trí đầu tiên với một bài viết rất trang trọng, thành kính. Các nhà văn tiền chiến như Vũ Bằng, Nguyễn Vỹ… trong các trang hồi ký của mình cũng rất cung kính tôn Tản Đà ở vị thế “anh cả” của làng văn Việt.

Tài thơ văn của Tản Đà thiết nghĩ không cần nói nhiều nữa, nhưng cuộc đời và cách sống của ông cũng đầy chất huyền thoại. Một phẩm chất “ngông” rất nghệ sĩ được nhiều người kính nể và lưu truyền.

Về cách sống của Tản Đà, có lẽ điều đầu tiên là ông rất coi trọng sự ăn uống. Ông biến sự ăn uống trở thành một nghệ thuật cầu kì và điệu nghệ. Đã có rất nhiều câu chuyện về cách ăn uống kì khu của Tản Đà, ví dụ một con ngỗng ông chỉ ăn món tái và gan hấp, món cá thì rất coi trọng bộ lòng, uống rượu thì chỉ dùng be không dùng chai và trong bữa nhậu thì phải có một vài cái hoả lò (bếp than) đặt xung quanh mới thấy khoái thú.

Lúc Tản Đà còn sống, số người khen chê Tản Đà gần như ngang bằng nhau, chê kịch liệt nhất thì có thể kể đến Phạm Quỳnh trên tạp chí Nam Phong. Nhưng khi Tản Đả mất đi, người ta nhận thấy vai trò của Tản Đà rất quan trọng, nhiều tờ báo văn chương ra những số đặc biệt về ông và ngay trong năm nhà thơ mất (1939) có liền hai quyển sách viết về ông, đó là “Uống rượu với Tản Đà” của Trương Tửu và “Thi sỹ Tản Đà” của Lê Thanh.

Đặc biệt “huyền thoại” về sự ăn uống của Tản Đà được Nguyễn Tố kì công viết hẳn một quyển sách “Tản Đà thực phẩm” in năm 1944, sau khoảng chục năm được gần gũi, hiểu biết và thực hành sự ăn uống cùng với ông. Sự đặc biệt của Tản Đà ở chỗ này, nếu các bậc hậu sinh như Thạch Lam, Nguyễn Tuân chẳng hạn chỉ cầu kì về cách ăn uống thì Tản Đà còn tự sáng chế ra những món ăn chưa từng có như “nước mắm sườn”, “ốc nướng vỏ sò”, “hoa đại ăn ghém”, “rau sắng nướng”… Thậm chí ông còn có ý định sản xuất và kinh doanh những sản phẩm mang tên mình như “mắm Tản Đà, “ớt Tản Đà”…

Khi Tản Đà viết trong “Khối tình con”: “Muốn ăn rau sắng chùa Hương/Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa/ Người đi ta lại ở nhà/ Cái dưa thời khú, cái cà thời thâm”, thì bà Song Khê, em ruột nhà thơ Tương Phố liền gửi cho Tản Đà ít rau sắng kèm theo mấy lời: “Kính dâng rau sắng chùa Hương/ Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa/ Không đi thì gửi lại nhà/ Thay cho dưa khú cùng là cà thâm”. Tuy trọng ăn uống như vậy nhưng Tản Đà lại rất khí khái, ông quyết không làm những việc mình không thích hoặc lương tâm bị cắn rứt. Ví thử như khi thấy ông anh rể mình túng thiếu quá, người em vợ Tản Đà là Nguyễn Tiến Lãng khi ấy đang làm thư ký cho Toàn quyền Đông Dương René Robin muốn giới thiệu ông làm trong văn phòng tu thư trong Phủ toàn quyền để ông có tiền trang trải cuộc sống nhưng Tản Đà kiên quyết từ chối. Khi biết chuyện Tản Đà từ chối lời đề nghị làm việc cho Phủ toàn quyền, nhà văn Khái Hưng đã rất cảm kích, liền tặng Tản Đà một món tiền kha khá để nhà văn tiêu dần, nhưng Tản Đà sau đó đã làm ngay mấy chầu rượu tưng bừng đến nhẵn túi!

Là một người ham sống, ham chơi nhưng Tản Đà cũng có lúc chán đời đến mức tịch cốc để chết nhưng không thành. Gần cuối đời, lúc túng quẫn quá ông đã mở một phòng xem lí số và dạy chữ Nho nhưng không thành công. Cái chết của thi sỹ cũng do ông đi uống rượu ở nhà bạn, dọc đường về nóng bức quá liền nhảy xuống đầm tắm, bị cảm vài hôm rồi mất!

2

HÀN MẶC TỬ

Một nhân vật cũng không có ít huyền thoại xung quanh đời mình là Hàn Mặc Tử. Ngoài là một nhà thơ với một sức sáng tạo mãnh liệt, việc mắc bệnh nan y và mất sớm cũng góp phần dựng lên huyền thoại Hàn Mặc Tử. Cách đây gần chục năm, tôi vào Quy Nhơn và ra nhà thương Tuy Hoà thăm nơi Hàn Mặc Tử đã từng chữa bệnh. Tôi đã rất ngạc nhiên vì nhà thương Quy Hoà có lẽ là bệnh viện duy nhất trên cả nước bán vé tham quan cho khách du dịch. Vì sao vậy, vì nơi đây có nhà thơ Hàn Mặc Tử đã chữa bệnh và mất ở đây. Trong lịch sử y khoa, có lẽ Hàn Mặc Tử trở thành bệnh nhân phong nổi tiếng nhất cả nước, thậm chí cái giường nơi nhà thơ đã từng nằm điều trị giờ đã thành kỉ vật quan trọng. Cả khu mộ táng và cải táng trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, đặc biệt có nghệ sĩ còn dựng lều ngay cạnh mộ ông để hành nghề và mưu sinh.

Huyền thoại về Hàn Mặc Tử chủ yếu liên quan tới quãng đời bị bệnh của ông và những người tình trong mộng. Người ta đã thống kê rằng, thi sĩ có ít nhất năm người tình, hoặc là người yêu ông hoặc là người ông yêu. Nào là Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương, Thương Thương… người nào đi qua cuộc đời Hàn Mặc Tử dù ngắn hay dài đều khiến thi sĩ có những vần thơ để lại, thậm chí trở thành kiệt tác, ví dụ như với Hoàng Cúc và bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.

Cuộc đời đau khổ và những người tình của Hàn Mặc Tử đã trở thành một đề tài được tranh luận trong một thời gian dài và có nhiều tác phẩm nghệ thuật viết về nó, thậm chí việc công bố những tác phẩm của ông đã khiến những người bạn thân của Hàn Mặc Tử kiện nhau ra toà, đó là cuộc tranh luận gay gắt giữa Trần Thanh Mại và Quách Tấn về di cảo của ông.

Con dốc dẫn lên mộ Hàn Mặc Tử giờ được “đặt tên” cho một trong những người tình trong mộng của ông: Mộng Cầm. Ngay cả bệnh nhân nằm cùng Bệnh viện Tuy Hoà với ông, Nguyễn Văn Xê cũng viết hồi kí về ông… Cuộc đời ngắn ngủi và đau thương của thi sĩ bỗng chốc trở thành huyền thoại, người ta nâng niu, gìn giữ mọi cái liên quan tới ông và thậm chí một số địa phương đã từng tranh cãi để có được vinh dự là nơi an nghỉ cuối cùng của ông.

3
NGUYỄN TUÂN
Một người cũng có nhiều “huyền thoại” và chất ngông của nghệ sĩ là Nguyễn Tuân. Tôi thì tin rằng Nguyễn Tuân ít nhiều ảnh hưởng phong cách của bậc đàn anh Tản Đà, nhất là trong việc ăn uống. Nguyễn Tuân sành ăn ra sao, khó tính thế nào đã được người ta truyền tụng trong rất nhiều bài viết, câu chuyện. Và cũng giống như Tản Đà, một người bạn thân của Nguyễn Tuân là Tô Hoài đã viết hẳn một cuốn sách hồi kí với nhân vật trung tâm là Nguyễn Tuân. Tô Hoài đã miêu tả chân dung Nguyễn Tuân rất sinh động và hấp dẫn từ sinh hoạt đời thường, ăn uống, cá tính.  Cuốn “Cát bụi chân ai” đó cũng là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của đời văn Tô Hoài.

Bây giờ, thỉnh thoảng ta vẫn bị những câu chuyện từ huyền thoại về cách ăn uống của Nguyễn Tuân ảnh hưởng, ví dụ ăn phở sao cho ngon, uống rượu sao cho quý và cốt cách người nghệ sĩ cần phải thế nào. Nguyễn Tuân đã trở thành hình mẫu cho một kiểu chân dung văn nghệ sĩ, cũng giống như thứ văn cầu kì, trau chuốt đặc trưng của ông.

Một câu hỏi đặt ra, nhà văn tự tạo cho mình những huyền thoại hay người đời xây dựng lên. Tôi nghĩ là cả hai. Chỉ những nghệ sĩ lớn và có cá tính độc đáo mới có thể tạo dựng cho mình những huyền thoại, những người như Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Nguyễn Tuân là trường hợp kiểu đó. Tản Đà thậm chí còn tuyên bố rằng: “Chơi cho biết mặt sơn hà/ Cho sơn hà biết ai là mặt chơi”.

Những cá tính mạnh mẽ, khác thường không chịu bó mình trong một cái khung chật hẹp, họ có một phẩm chất đặc biệt mà khi đi vào bất cứ đám đông nào cũng trở nên nổi bật.  Những người như Tản Đà hay Nguyễn Tuân rơi vào một tập thể nào đó, sự khác thường của họ mau chóng trở thành trung tâm của sự chú ý, dù người ta ưa hay không ưa.

Trường hợp như Hàn Mặc Tử tôi nghĩ hơi khác một chút. Thi sỹ rơi vào một hoàn cảnh khổ đau và bi thương và ở trong những tình huống đặc biệt, cuộc đời nhân vật rất dễ trở thành huyền thoại, nhất là một người có cá tính sáng tạo độc đáo như Hàn Mặc Tử. Có thể Hàn Mặc Tử không có ý định tạo dựng ra huyền thoại cho riêng mình (ông quá khổ đau và không quan tâm đến chuyện ấy), nhưng người đời khi soi chiếu vào cuộc đời ông, họ không cưỡng lại được sự không thêm thắt những câu chuyện ly kì. Họ tạo ra những huyền thoại xung quanh ông để nó thêm lấp lánh, hấp dẫn, ví dụ như những người tình của ông, ai là người ông yêu thực, ai là nguồn cảm hứng cho những sáng tác của ông…

Huyền thoại luôn tạo ra dư vị, sức hấp dẫn với công chúng và cũng giống như các vị thần, người ta cần phải tạo ra các huyền tích để thiêng liêng và sáng láng. Và các văn nghệ sĩ lớn, đôi khi họ cũng được/ tạo ra các huyền thoại để cuộc đời và tác phẩm của mình trở nên bất tử.

UÔNG TRIỀU
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [34] [35] [36] [37] [38] [39] [40] ... ›Trang sau »Trang cuối