Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [22] [23] [24] [25] [26] [27] [28] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

https://4.bp.blogspot.com/-ZVprVO6mXMI/W1lFe_BzmBI/AAAAAAABwAg/XIYnjiRnd-0U5Am9sB3MWL-LLat7aPnwwCLcBGAs/s1600/0.1.PNG


HOÀNG SA
MUÔN ĐỜI
LÀ CỦA VIỆT NAM


https://1.bp.blogspot.com/-VuZWlN68Dsk/Wa_k3qjgu0I/AAAAAAABF5c/T3rU09l54ToRs56I6xZel_jtVAqdghzzgCLcBGAs/w640-h454/102.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BỐI CẢNH VÀ DIẾN BIẾN
HẢI CHIẾN HOÀNG SA – 1974-[1]


Ngày 11/01/1974, các sĩ quan Nam Việt Nam nhận được báo cáo về những động thái của Trung Quốc trên hai hòn đảo của Nam Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hai ngày sau, Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn phái hai tàu khu trục Lý Thường Kiệt HQ-16 và Trần Khánh Dư HQ-4 tới thám sát.

HQ- 16 tới đảo Hữu Nhật (Robert Island) vào 16/1 và nhận thấy đảo này đã bị “ngư dân” Trung Quốc, từ hai thuyền đang neo tại bãi ven đảo, chiếm đóng. Chỉ huy tàu HQ – 16 lệnh cho những người Trung Quốc rời đảo và bắn thị uy để họ hiểu ý định của ông. Sau đó họ bắn và phá huỷ các lá cờ Trung Quốc và một khu vực chế biến cá mà những “người đánh cá” triển khai 6 ngày trước đó. HQ – 4 tới Hoàng Sa ngày 17/1 và phái một đơn vị đặc nhiệm SEAL của Nam Việt Nam lên đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ảnh (Money Island) gần đó để nhổ những cờ Trung Quốc. Ngày 18/1, hai tàu chiến của Nam Việt Nam đuổi một tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc, buộc con tàu bị phá huỷ nặng nề này phải rời vùng biển. Sau đó các tàu khu trục Trần Bình Trọng HQ-5 và tàu quét mìn Nhật Tảo HQ-10 tới Hoàng Sa.

Sài Gòn nghĩ rằng đã chặn được nỗ lực trong suốt 6 tháng liền của Bắc Kinh nhằm chiếm nửa phía tây của Hoàng Sa. Những “ngư dân” có vũ trang của Trung Quốc trước đó hầu như đã đẩy được các ngư dân Nam Việt Nam ra khỏi vùng biển Hoàng Sa, và ít nhất có hai tàu đánh cá Trung Quốc đã bị phát hiện đang hoạt động tại vùng nước mà Nam Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Nhưng biến động gần nhất này của Trung Quốc lại là khởi đầu của một giai đoạn mới trong nỗ lực nhằm chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Lần này, những “ngư dân” Trung Quốc là thành viên của lực lượng Dân quân biển  – một lực lượng bán vũ trang của Hải quân Trung Quốc.

Hai chiếc tàu cá gần đảo Hữu Nhật báo cáo về Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải Trung Quốc. Ngày 16/1, Bộ Tư lệnh Hạm đội ra lệnh cho hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt đóng tại đảo Hải Nam tháp tùng lực lượng dân quân biển tới hiện trường, về mặt công khai là để bảo vệ ngư dân Trung Quốc, nhưng chủ yếu là để tập trung binh lực. Trung Quốc cũng hạ lệnh triển khai hai tàu quét ngư lôi. Bắc Kinh quyết định giải quyết tranh chấp tại Hoàng Sa bằng vũ lực nếu thời cơ cho phép.

QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

gồm 130 đảo san  hô, mỏm đá ngầm và bãi cát nằm rải rác trên 5.800 dặm vuông trên Biển Đông, cách gần đều cảng Đà Nẵng của Việt Nam (200 hải lý) và đảo Hải Nam của Trung Quốc (162 hải lý). Diện tích của toàn quần đảo (chỉ tính mặt đất) là khoảng 3 dặm vuông. Hầu hết các đảo hợp thành Nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group) về phía đông bắc và Nhóm đảo Lưỡi liềm (Crescent Group) về phía tây, cách nhau khoảng 39 hải lý. Đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc nhóm An Vĩnh là lớn nhất trong các đảo thuộc Hoàng Sa, có diện tích khoảng 530 mẫu Anh.

Cho dù những tuyên bố chủ quyền của cả Việt Nam và Trung Quốc đều có từ các triều đại phong kiến xa xưa, gốc rễ của sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Nam Việt Nam gắn với những năm 1930 và các tham vọng của thực dân Pháp. Nước Pháp, cường quốc đô hộ Việt Nam từ 1858, đã đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ 1932 nhưng từ đầu không quan tâm đến việc chiếm giữ các đảo này trên thực tế. Điều này thay đổi vào năm 1937 khi cuộc chiến của Nhật Bản với Trung Quốc – vốn bắt đầu từ năm 1931 với việc Nhật chiếm Mãn Châu Lý –  leo thang khi Nhật tiến quân sâu vào lãnh thổ Trung Quốc. Người Pháp lo Trung Quốc hay Nhật sẽ chiếm các quần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa) nên đã đặt một trại lính gồm khoảng 100 lính Pháp và Việt tại đảo Phú Lâm vào năm 1938 như một khu đệm để mở rộng chu vi phòng thủ cho các thuộc địa Đông Dương của Pháp.

Nhà cầm quyền Anh ủng hộ bước đi này của Pháp vì nó mở rộng phạm vi phòng thủ của thuộc địa Malaya của Anh. Cả hai cường quốc châu Âu này cho rằng cuộc chiến tranh của Nhật chống Trung Quốc chỉ là bước đi ban đầu của kế hoạch chiếm các thuộc địa của châu Âu ở Đông Nam Á. Nhưng thay vì răn đe hành động của Nhật trên Biển Đông, việc đồn trú tại Hoàng Sa của Pháp lại khiêu khích Nhật. Nhật cho một đơn vị nhỏ lính thuỷ đánh bộ đổ bộ lên đảo Phú Lâm chỉ một tháng sau khi Pháp cho quân đồn trú. Quân đồn trú trên đảo đầu hàng, không nố súng chống lại. Nhật sáp nhập Trường Sa và Hoàng Sa vào năm 1941, tuyên bố chúng thuộc Đài Loan, đảo đang bị Nhật chiếm đóng lúc đó.

Sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật ngày 6 và 9/8/1945, Tokyo bắt đầu rút quân khỏi các quần đảo này. Chính phủ Quốc dân Đảng Trung Hoa chiếm nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite) hai tháng sau đó, và đặt một đồn trên đảo Phú Lâm vào tháng Giêng 1946. Pháp sau đó do không đẩy được quân Quốc dân Đảng ra khỏi Nhóm đảo An Vĩnh bằng một cuộc biểu dương lực lượng hải quân đành tuyên bố chủ quyền đối với Nhóm đảo Lưỡi liềm và đổ bộ một trung đội lê dương lên đảo Hoàng Sa (Pattle) để ngăn quân Quốc dân Đảng chiếm đóng đảo này.

Chính phủ Quốc dân Đảng lặp lại yêu sách đối với toàn bộ Biển Đông năm 1947, xuất bản một bản đồ đưa các yêu sách lãnh thổ vào khuôn khổ một “đường chín đoạn” dọc vành ngoài của Biển Đông. Năm 1949, quân Trung Cộng đẩy chính quyền Quốc dân Đảng ra Đài Loan. Nhật Bản từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông tại Hội nghị hoà bình San Francisco 1951, nhưng không giao quyền kiểm soát của mình cho bất cứ một bên có yêu sách cụ thể nào khác, đẩy vấn đề sở hữu các quần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa) rơi vào tình trạng không được giải quyết. Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tuyên bố rằng họ thừa kế các yêu sách đối với Biển Đông từ chính phủ Quốc dân Đảng.

Mặc dù vậy Nam Việt Nam đã chiếm đóng nhóm đảo Lưỡi liềm từ năm 1954 và đặt một lực lượng đồn trú nhỏ trên ba hòn đảo. Trung Cộng giành quyền kiểm soát nhóm đảo An Vĩnh và đảo Phú Lâm vào năm 1956. Ngư dân Trung quốc đổ bộ lên đảo Quang Hoà (Duncan) năm 1959 nhưng phía Nam Việt Nam đã đuổi họ đi.

Khi Chiến tranh Việt Nam leo thang, Sài Gòn, tin tưởng vào sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ, đã rút các đơn vị đồn trú của mình. Tới năm 1967, sự hiện diện của Nam Việt Nam tại quần đảo chỉ còn một trạm khí tượng. Trung Quốc tỏ ra chấp nhận nguyên trạng.

Hai biến chuyển trong tình hình những năm 1970 đã thay đổi bàn cờ Biển Đông: các báo cáo về trữ lượng dầu tại thềm lục địa vùng này xuất hiện vào giữa năm 1972, và Hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam chấm dứt sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam. Các lãnh đạo châu Á đột nhiên nhận thấy tranh chấp Biển Đông không chỉ là một vấn đề chính trị và hành chính, mà còn là vấn đề phát triển kinh tế. Nhóm thân cận với Mao tính toán rằng những phần thưởng về kinh tế lớn hơn những rủi ro xảy ra xung đột quân sự. Vả lại, những rủi ro đang giảm xuống.

Mao nhận thấy một chính phủ Mỹ đang rút chân khỏi Nam Việt Nam sẽ thiếu ý chí dấn vào một cuộc xung đột khác, lại đang mong được Trung Quốc hỗ trợ chống lại một Liên Xô đang ngày càng thách thức hơn. Nguyên thủ Trung Quốc kết luận rằng chế độ Sài Gòn khó có khả năng được Mỹ hỗ trợ, và sự tồn tại của nó cũng đang được tính bằng ngày. Nhóm thân cận với Mao cũng hiểu rằng Bắc Việt Nam vẫn còn cần viện trợ của Trung Quốc trong nỗ lực chiến thắng Nam Việt Nam, đồng thời đồng minh khác của Hà Nội là Liên Xô không có lực lượng trên địa bàn này để cản trở Trung Quốc hành động đối với các đảo (trên Biển Đông). Mao ra lệnh tiến hành một loạt những bước đi nhằm ép Nam Việt Nam từ bỏ Hoàng Sa.

Không biết các ý định của Bắc Kinh, Sài Gòn tuyên bố quyền kiểm soát về hành chính tại nhóm đảo Lưỡi liềm vào tháng 8/1973 và một tháng sau cho phép thực thi các hợp đồng thăm dò dầu khí tại các vùng nước quanh nhóm đảo này. Cuộc đột nhập đầu tiên của đội tàu đánh cá của Trung Quốc xảy ra vào cuối tháng 7. Một số “ngư dân” có vũ trang, và ít nhất một tàu trong số này là loại bọc thép, nhưng chúng rút ngay mỗi khi các đơn vị Hải quân Nam Việt Nam tới. Sài Gòn triển khai các đơn vị đồn trú có quân số khoảng một trung đội trên ba hòn đảo thuộc nhóm đảo này.

Tháng 10/1974, các tàu đánh cá lưới rà số 402 và 407 của Trung Quốc đưa thuỷ thủ đoàn đổ bộ lên đảo Quang Hoà, thiết lập một trạm cung cấp, hầm hào, và cắm cờ Trung Quốc khắp trên đảo. Nam Việt Nam bắt giữ một số tàu đánh cá Trung Quốc vào tháng 11 cùng thuỷ thủ đoàn của chúng. Các thuỷ thủ Trung Cộng bị đưa về Đà Nẵng nơi họ phải thú tội trên truyền hình về các hành động phạm pháp và các tội ác đối với nhân dân Việt Nam trước khi được thả. Nhưng những vụ tàu đánh cá Trung Quốc tấn công dân chài Việt Nam tiếp tục diễn ra. Cùng kỳ, Mao ra lệnh cho Hải quân Trung Quốc chuẩn bị hành động quân sự để hỗ trợ các ngư dân Trung Quốc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BỐI CẢNH VÀ DIẾN BIẾN
HẢI CHIẾN HOÀNG SA – 1974-[2]


NGÀY 10.01.1974

một nhóm ngư dân Trung Quốc tiến hành đánh bắt cá tại đảo Hữu Nhật thuộc nhóm đảo Lưỡi liềm. Nhóm này đã bị các dân chài Việt Nam phát hiện 3 ngày trước, nhưng họ không thông tin được cho nhà cầm quyền Nam Việt Nam cho tới khi về tới Đà Nẵng hôm 11/01/1974. Cùng ngày, Bắc Kinh ra tuyên bố nhắc lại chủ quyền không thể tranh cãi của nước này đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như bãi ngầm Macclesfield, một đảo san hô vòng cách quần đảo Hoàng Sa 70 hải lý về phía Đông.

Nhận thấy những ý đồ của Bắc Kinh, Sài Gòn cử các tàu khu trục HQ-16, HQ-4, HQ-5, và tàu quét thuỷ lôi HQ-10 chở đội đặc nhiệm SEAL đến đảo Hữu Nhật. Hai trong số các tàu khu trục trên là thuỷ phi cơ đời Thế chiến II được cải tiến, tháo bỏ các thiết bị hỗ trợ thuỷ phi cơ, còn chiếc thứ ba là tàu khu trục hộ tống được cải tiến. Tất cả chúng ở trong tình trạng kém, thường xuyên xảy ra các vấn đề về kỹ thuật và vũ khí, khiến tốc độ và hoả lực đều bị hạn chế.

Đến nơi vào ngày 16/1, các tàu chiến của Nam Việt Nam đã nhanh chóng đuổi các ngư dân Trung Quốc đi. Tàu đánh cá (TQ) số 407 báo cáo sự việc HQ-16 tới lên Bộ chỉ huy dân quân biển tại Du Lâm trên đảo Hải Nam ngay sáng 16. Điện báo này về tới Bắc Kinh vài giờ sau.

Chiều tối hôm đó, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc phái hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt mang số hiệu 271 và 274 đón một đại đội dân quân biển gồm bốn trung đội (mỗi trung đội 10 người) từ đảo Phú Lâm đưa sang Nhóm đảo Lưỡi liềm. Bắc Kinh cố gắng tăng viện cho quân của họ, nhưng giống như đối phương, tàu chiến của Trung Quốc cũng ở trong tình trạng tồi tệ.

Cuộc Cách mạng Văn hoá của Trung Quốc – một cuộc thanh trừng chống các ảnh hưởng phi chủ nghĩa xã hội và các đối thủ của Mao – đã làm hư hoại gần như hoàn toàn các xưởng đóng tàu của nước này. Hơn 2 triệu nhà khoa học, kỹ sư, nhà giáo, công nhân lành nghề, cán bộ hành chính bị tù đày hoặc giết chết, gồm cả những người đã đóng và bảo dưỡng tàu bè của nước này cũng như mạng lưới đường sắt chuyển vật tư tới các xưởng đóng tàu.

Kết quả là tàu chiến tốt nhất của Hải quân Trung Quốc, các khu trục hạm loại Type 065 đã không thể khởi hành. Còn chiếc 271 vừa xuất xưởng và chưa hoàn tất việc chạy thử trên biển, và chiếc 274 với động cơ diesel ở tình trạng kém, không thể đạt tốc độ 18 hải lý/giờ. Vậy mà chúng vẫn nhanh hơn, được trang bị tốt hơn các tàu của hải quân Nam Việt Nam. Hai chiếc tiêm kích Thẩm Dương J-6, bản copy của MIG – 19 do Liên Xô sản xuất, yểm hộ đường không cho các tàu săn ngầm, nhưng không có năng lực hoạt động tầm xa đủ để trực chiến trên đầu các tàu khi chúng nhập cuộc sáng 17/1.

Vào rạng sáng 18/1, hai tàu Trung Quốc đã đưa được một trung đội dân quân biển lên đảo Duy Mộng, một trung đội khác lên đảo Quang Hoà tây, và hai trung đội lên đảo Quang Hoà. Các trung đội này lập tức tiến hành đào hầm hào và đặt mìn và bẫy phía trước trận địa của họ. Hai tàu rà thuỷ lôi loại Type 10 đóng ở Quảng Châu, mang số hiệu 389 và 396, được lệnh tăng cường cho các tàu săn ngầm loại Kronstadt mang số hiệu 271 và 274. Chúng cũng đến nơi vào cuối buổi sáng hôm đó.

Hai chiếc tàu chiến khác có thể hoạt động được lúc đó của Trung Quốc là hai tàu săn ngầm lớp Hải Nam được điều từ Sán Đầu, cách đó khoảng 476 hải lý. Chúng tiến về Hoàng Sa với tốc độ tối đa, được tiếp dầu ở Trạm Giang, phía nam Hồng Kông, và tại Du Lâm. Các tàu chiến này được lệnh hỗ trợ các thuyền đánh cá của dân quân biển với điều lệnh chiến đấu “không gây sự; không bắn trước; nhưng nếu lâm chiến, phải thắng”.

VÀO SÁNG SỚM 19.1

hạm trưởng chia tàu của Trung Quốc thành hai nhóm: tốp đầu gồm 4 chiếc do các tàu săn ngầm Kronstadt dẫn đầu, và tốp sau gồm các tàu săn ngầm lớp Hải Nam vừa tới. Hạm trưởng được lệnh đáp trả mọi thách thức đối với các tàu đánh cá của dân quân biển và hỗ trợ các ngư dân trên các đảo nếu cần.

Hải quân Nam Việt Nam cũng chia thành hai tốp. Tốp đầu bao gồm các tàu khu trục HQ-4 và HQ-5. Tốp này chạy vòng quanh các đảo Quang Ảnh (Money) và Hải Sâm (Antelope) từ phía nam và tiếp cận đảo Quang Hoà. Tốp thứ hai gồm các tàu quét mìn HQ-10 và tàu khu trục HQ – 16, băng qua vùng đầm phá tại Nhóm đảo Lưỡi liềm từ phía tây bắc.

Hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt của Trung Quốc chiếm vị trí để theo dõi các tàu HQ-4 và HQ-5, trong khi các tàu quét mìn loại Type 10 bám theo các tàu HQ-10 và HQ-16. Hạm trưởng HQ – 16 dự cảm trận đánh sắp xảy ra – đã tăng tốc vượt lên các tàu quét mìn Trung Quốc, và 14 lính đặc nhiệm của Nam Việt Nam được đưa lên hai thuyền cao su để giành lại đảo Quang Hoà và Quang Hoà Tây. HQ-16 đâm mạnh và làm hỏng nặng tàu quét mìn 389; thuỷ thủ trên chiếc 389 bắn vào cầu tàu và ụ súng phía trước của HQ-16, giết hoặc làm bị thương hầu hết thuỷ thủ Nam Việt Nam trên đó. Cuộc giao chiến sau đó đã diễn ra theo như ý đồ của Trung Quốc.

Các lính đặc nhiệm, từng dự kiến có hải quân yểm hộ, nay phải một mình đối đầu với các tàu Trung Quốc. Họ lên bờ giữa ban ngày, đối địch với một lực lượng kẻ thù đông, cố thủ trong chiến hào trên cả hai đảo Quang Hoà và Quang Hoà Tây, nên nhanh chóng bị đẩy lùi. Họ cố trở lại các thuyền cao su dưới làn đạn kẻ thù, trong khi các tàu hải quân Nam Việt Nam dàn hàng ngang tiến thẳng vào đội hình địch, bắn vào buồng hoa tiêu của địch và tìm cách xoay chuyển thế trận thành một cuộc chiến của pháo tầm xa. Không may cho lực lượng Nam Việt Nam, họ không có được tốc độ, do đó các tàu cơ động hơn của Trung Quốc có thể quyết định khoảng cách giao tranh. Hạm trưởng Trung Quốc ra lệnh: “Tăng tốc tiến lên, đánh cận chiến, thọc mạnh”. Biết rằng các tàu của mình trang bị kém và sẽ bị áp đảo trong một cuộc đấu súng tầm xa, hạm trưởng Trung Quốc quyết định dùng chiến thuật “giáp lá cà”. Sau 10 phút giao tranh, chiến trường đã thu hẹp từ phạm vi 2, 3 hải lý xuống còn vài trăm mét.

Các tàu săn ngầm lớp Kronstadt bắn cấp tập vào HQ-4, trong khi các tàu quét mìn Type 10 tập trung hoả lực pháo 37mm vào chiếc HQ-16, nhằm vào buồng hoa tiêu, trung tâm thông tin và các radar. Bị bắn hỏng nặng, chiếc HQ-16 phải thoái lui. Các tàu quét mìn chuyển sang bắn vào HQ-10, nhằm vào kho đạn ở đuôi tàu, gây một tiếng nổ khiến phần động cơ phía trước con tàu này tê liệt.

Các tàu quét mìn chỉ cách HQ-10 có khoảng mười thước, khiến các nòng pháo còn lại của chiếc tàu Nam Việt Nam này không thể bắn vào những con tàu thấp và nhỏ hơn của đối phương đang tiếp cận sát thân tàu. Súng bộ binh của thuỷ thủ Trung Cộng quét dọc ngang sàn tàu và buồng hoa tiêu, sát hại thuyền trưởng và hầu hết thuỷ thủ điều khiển tàu.

Chiếc HQ-16 bị hư hại cố tiếp ứng cho HQ-10 nhưng bị đẩy ra xa bởi hoả lực của quân Trung Quốc. Nó phải rút về phía đông nam, trong khi HQ-4 và HQ-5 rút về phía nam. Hai tàu săn ngầm lớp Hải Nam của Trung Quốc tới nơi khoảng trưa 19/1, bắn tiếp vào chiếc HQ-10 khiến nó chìm vào lúc 1h chiều.

Cùng lúc, Bắc Kinh lo ngại Sài Gòn sẽ tăng cường quân cho các đồn còn lại trên các đảo, gồm khoảng 2 đại đội bộ binh trên các đảo Hữu Nhật, Hoàng Sa (Pattle), và Quang Ảnh, và các lính đặc nhiệm còn sống sót. Hạm đội Nam Hải pha trộn một đội hình chắp vá gồm tất cả những đơn vị nào còn có thể lên đường: một tàu khu trục, năm tàu phóng lôi, và tám tàu tuần tra loại nhỏ. Được tổ chức thành ba đội tàu đổ bộ và vận tải, các tàu này chở 500 lính thuộc 3 đại đội bộ binh, một đại đội dân quân và một nhóm trinh sát vũ trang.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BỐI CẢNH VÀ DIẾN BIẾN
HẢI CHIẾN HOÀNG SA – 1974-[3]


Đội tàu này triển khai thành đội hình thuận cho xuất phát. Tốp đầu gồm bốn chiếc tàu tuần tra và các tàu lưới rà của dân quân biển mang số hiệu 402 và 407, mang  theo một đại đội bộ binh 100 lính. Tốp hai gồm một đại đội bộ binh và đội trinh sát thuỷ – bộ được rải ra trên bốn chiếc tàu tuần tra và chiếc tàu quét mìn 389. Chiếc tàu khu trục Nam Ninh, vốn là một tàu hộ tống của Nhật trước đây, trở thành thê đội ba, chở một đại đội bộ binh và được bổ nhiệm làm soái hạm của chiến dịch này.

Tốp đi đầu tiến công đảo Hữu Nhật, bắn pháo vào những người giữ đảo để đẩy họ khỏi bờ biển, rồi đổ bộ lính bộ binh bằng các thuyền cao su và xuống ba lá. Hữu Nhật thất thủ sau 10 phút. Thê đội 2 tiến đánh đảo Hoàng Sa (Pattle), đẩy 30 lính giữ đảo về phía giữa đảo nơi họ đầu hàng sau một giờ giao tranh. Trong trận đánh trên đảo này, Trung Quốc bắt được viên thiếu tá Nam Việt Nam chỉ huy lực lượng đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa và viên cố vấn được phái tới từ Đại sứ quán Mỹ. Các lính đặc nhiệm trên đảo Quang Ảnh bỏ vị trí trước khi Hải quân Trung Quốc tiến công, trốn thoát được vài ngày trước khi bị bắt.

Cho đến cuối chiều 20/1, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung Quốc. Hơn 100 lính Nam Việt Nam bị giết hoặc bị thương, và 48 lính Nam Việt Nam và một sĩ quan liên lạc người Mỹ bị bắt, so với 18 lính Trung Quốc bị chết, 67 người khác bị thương.

Đây là một thắng lợi lớn của Hải quân Trung Quốc: một tàu phá thuỷ lôi của Nam Việt Nam bị chìm, ba tàu khu trục bị hư hỏng nặng, so với hai tàu săn ngầm, một tàu quét thuỷ lôi và một tàu đánh cá của Trung Quốc bị hư hỏng nặng.

TRUNG QUỐC DÀNH 2 TUẦN TIẾP THEO

để gia tăng sự hiện diện hải quân xung quanh các đảo và củng cố phòng ngự, bao gồm cả việc triển khai một tàu ngầm lớp Romeo và ba tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường lớp Thành Đô, mang theo các tên lửa hành trình chống hạm loại Styx.

Về chiến thuật, các đơn vị hải quân Nam Việt Nam có hoả lực mạnh hơn đối phương, nhưng họ không có một hệ thống radar điều khiển hoả lực, do đó phải bắn qua lỗ ngắm, làm giảm đáng kể khả năng bắn trúng các mục tiêu cơ động nhanh như các tàu tuần tiễu của Trung Quốc. Mặc dù tình trạng kỹ thuật của tàu chiến cả hai bên ngăn cản họ hành động ở tốc độ cao nhất, các tàu của Trung Quốc vẫn đạt được tốc độ tới 7-10 hải lý/giờ, một ưu thế khiến họ có thể quyết định cự ly giao tranh.

Một khi đã đạt được cự ly cách các tàu của Nam Việt Nam nửa dặm, các vũ khí nhẹ, tác xạ nhanh của tàu Trung Quốc và sự linh hoạt tạo cho họ một ưu thế rõ ràng. Chiến trường được quyết định trong một khoảng cách chỉ 200 thước. Không gian chỉ huy, hoa tiêu và liên lạc của các tàu Nam Việt Nam đối mặt với hoả lực tầm gần chính xác, và các pháo lớn của họ bị vô hiệu ở tầm bắn gần. Các tàu của Nam Việt Nam đành rút lui, để các đơn vị đồn trú trên các đảo không được hoả lực hải quân hỗ trợ.

NAM VIỆT NAM ĐE DOẠ

sẽ trả đũa nhưng nhận thấy cán cân lực lượng hải quân nghiêng về phía Trung Quốc. Hơn nữa, Sài Gòn có nhiều mối lo đè nặng. Cơ quan tình báo Sài Gòn đang dõi theo các đường vận tải và chuyển quân của Bắc Việt đổ theo hướng qua Lào và đông Campuchia. Việc dồn quân dọc biên giới Nam Việt Nam là một dấu hiệu gây lo ngại về ý định của Hà Nội.

Cùng lúc, Hà Nội phản đối động thái này của Bắc Kinh nhưng không hành động gì. Bắc Việt vẫn cần sự ủng hộ của Trung Quốc để tổ chức, động viên lực lượng của mình cho trận đánh cuối cùng nhằm giành quyền kiểm soát Nam Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước vào tháng 4/1975, Hà Nội nhanh chóng giành quyền kiểm soát các đảo do Nam Việt Nam nắm giữ trên quần đảo Trường Sa. Những năm sau chiến tranh, Việt Nam tiếp tục phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và duy trì tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này, cũng như với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Việt Nam tuy vậy chưa bao giờ tìm cách chiếm lại Hoàng Sa. Nước này còn bị thua trong một cuộc hải chiến vào những năm 1980 khi Trung Quốc tấn công ba đảo đá san hô do Việt Nam kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong các cuộc giao tranh kể trên và trong các hành động gần đây, Bắc Kinh đã lặp lại các chiến thuật nó đã sử dụng vào năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa. Thứ nhất, cho các tàu đánh cá thâm nhập vùng tranh chấp, trong đó có cả các tàu đánh cá của lực lượng dân quân biển, để xua đuổi lực lượng bên kia. Các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc được triển khai gần đó nhằm hỗ trợ các tàu đánh cá nếu cần, còn xa hơn là các nhóm tàu hải quân để hỗ trợ các tàu Hải cảnh. Cả lực lượng hải cảnh lẫn các đơn vị hải quân đều không bắn trước, nhưng nếu chiến sự xảy ra, họ sẽ phải chiến thắng. Trung Quốc cũng thiết lập một sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm và đồn trú quân trên một số đảo san hô mà họ chiếm được gần đây tại Trường Sa.

Việt Nam cũng đáp lại bằng cách vũ trang cho các tàu đánh cá của mình và thiết lập quan hệ đối tác quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản, đồng thời tìm cách hợp tác quân sự với cựu thù Hoa Kỳ. Với 5 bên cùng tuyên bố chủ quyền chống lại Trung Quốc, Biển Đông đã trở thành một “điểm nóng” và kích thích một cuộc chạy đua vũ trang khu vực mà có người lo ngại sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới.

Nguồn: Carl O. Schuster,
“Battle for Paracel Islands”, Historynet, 06/2017.
Biên dịch: Lê Đỗ Huy
Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
http://nghiencuuquocte.or...hoang-sa-1974/#more-28424
Carl O. Schuster là một sĩ quan Hải quân đã nghỉ hưu sau 25 năm công tác, với những năm cuối cùng phục vụ trong ngành tính báo quân sự. Hiện sống ở Honolulu, Schuster tham gia giảng dạy chương trình Ngoại giao và Khoa học Quân sự tại Hawaii Pacific University.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRUNG QUỐC ÂM MƯU
THÔN TÍNH HOÀNG SA
TỬ HỘI NGHỊ GENEVA 1954


Ngày 19/1/2019 là tròn 45 năm kể từ khi Trung Quốc xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Song theo người viết, có lẽ ít ai để ý cuộc chiến này đã được Bắc Kinh chuẩn bị từ Hội nghị Geneva 1954.

Tại Geneva, vấn đề gây nên tranh cãi nhất trong việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương chính là vạch giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt Việt Nam.


Chu Ân Lai (phải) gặp Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Pháp Mendès France (trái) tại Hội nghị Geneva 1954, ảnh: Getty.
Đối với Việt Nam Dân chủ cộng hoà, lập trường ban đầu là vĩ tuyến 13, sau lui ra vĩ tuyến 14 rồi chốt ở vĩ tuyến 16.

Tuy nhiên, phái đoàn Pháp không chấp nhận giải pháp này, mặc dù họ đã lui dần từ vĩ tuyến 19 xuống 18, thậm chí là 17,5 theo gợi ý của Mỹ.

Trước đó, phe Đồng minh đã sử dụng vĩ tuyến 16 làm ranh giới để giải giáp quân Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, lựa chọn này cũng phù hợp tương quan kiểm soát thực tế của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Pháp trên chiến trường.

Thế nhưng phái đoàn Quốc gia Việt Nam muốn giới tuyến phải nằm phía bắc Huế, nơi có lăng tẩm của tổ tiên Quốc trưởng Bảo Đại, trong khi vương quốc Lào muốn có lối ra biển mà quốc lộ 9 chính là con đường ngắn nhất và thuận tiện nhất.

Để đảm bảo hành lang an toàn cho lối đi này, đường giới tuyến phải ở phía Bắc của quốc lộ 9.

Trên thực địa, cách đường 9 khoảng 10km về phía Bắc có con sông Hiền Lương, là điều kiện tự nhiên lí tưởng dùng để làm ranh giới phân cách đôi bên tham chiến và nó trùng với vĩ tuyến 17.

Tuy nhiên, với vị thế của Lào và Quốc gia Việt Nam lúc đó thì áp lực của họ khó có đủ sức nặng để buộc đại diện phái đoàn Pháp phải đấu tranh cho bằng được vĩ tuyến 17, nhất là khi phía Việt Nam Dân chủ cộng hoà chấp nhận vĩ tuyến 16 với nhượng bộ:

1. Đà Nẵng có thể do phía Pháp bảo lưu thêm một thời gian, ví dụ một năm.
2. Lào có thể lợi dụng đường số 9 để ra biển.
3. Cố đô Huế có thể mở cửa cho hoàng tộc, để cho họ tảo mộ (như tác giả Tiền Giang - 钱江/Qian Jiang – đã đề cập trong cuốn “Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève 1954”, 2005), mà đơn giản là vĩ tuyến 17 trùng hợp với quan điểm của Mỹ, Pháp và đặc biệt là ý đồ của Trung Quốc.

Trong cuộc gặp ở Liễu Châu để thống nhất lập trường giữa hai nước Việt - Trung (đầu tháng 7/1954), dù hứa với Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ hết sức cố gắng để đạt được vĩ tuyến 16, nhưng trước khi chia tay, Chu Ân Lai (Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng, Trưởng đoàn Trung Quốc tham dự Hội nghị Geneva) lại xin được linh hoạt vì đường sá xa xôi, không kịp trao đổi!

Hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:
“Trước lúc đoàn ta ra về, đồng chí Chu nói với Bác: “Tôi sẽ bàn với đồng chí Môlôtốp (Ngoại trưởng Liên Xô - người viết chú thích) hết sức cố gắng thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch.

Vì ở xa không có điều kiện trao đổi, nếu việc đấu tranh xác định ranh giới tạm thời gặp khó khăn, vạn bất đắc dĩ phải chọn vĩ tuyến 17”.

Điều này xác quyết rằng, Trung Quốc quyết định chọn vĩ tuyến 17 và muốn “gài” Việt Nam vào thế đã rồi.

Nếu nhìn đơn giản, vĩ tuyến 16 hay 17 đối với Pháp và Trung Quốc không quan trọng, bởi đó không phải đất của hai quốc gia này và nhất là khi họ đã xem Việt Nam Dân chủ cộng hoà ở giữa làm “trái độn”.

Việc Trung Quốc không “giúp” Việt Nam Dân chủ cộng hoà nhằm phục vụ ý đồ sâu xa của Bắc Kinh đối với Hoàng Sa, khi gần như toàn bộ quần đảo này (ngoại trừ đảo Tri Tôn và Đá Bắc) nằm gọn trong vĩ tuyến 16 đến vĩ tuyến 17.

Như vậy, sự dịch chuyển vị trí giới tuyến quân sự tạm thời từ vĩ tuyến 16 lên 17 không chỉ là 200 km từ Đà Nẵng ra sông Hiền Lương, gồm tỉnh Thừa Thiên Huế và phần lớn Quảng Trị trên đất liền, mà còn cả quần đảo Hoàng Sa ngoài biển.

Với vĩ tuyến 16, Việt Nam Dân chủ cộng hoà sẽ là chủ thể quản lý quần đảo Hoàng Sa chờ ngày tổng tuyển cử theo tinh thần Hội nghị Geneva.

Điều này Trung Quốc nắm rất rõ bởi sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, theo quy định của Hội nghị Potsdam, song song với việc vào bắc vĩ tuyến 16, quân Trung Hoa Dân quốc đã có mặt ở Hoàng Sa để giải giáp quân Nhật và chỉ vừa rút khỏi quần đảo này vào tháng 4/1950.

Khi sự tương đồng ý thức hệ đóng vai trò chủ đạo, chi phối quan hệ giữa hai nước thì việc Trung Quốc ra tay chiếm đoạt Hoàng Sa từ Việt Nam Dân chủ cộng hoà sẽ khó có thể xảy ra.

Nhưng nếu chọn vĩ tuyến 17 làm giới tuyến, quần đảo này do phía đối địch với đồng minh của mình quản lý, mọi việc sẽ thuận lợi hơn cho Bắc Kinh.

Nhìn lại quá trình bành trướng của Trung Quốc xuống Hoàng Sa từ năm 1909, nhất là sau khi đề nghị của Liên Xô chuyển giao chủ quyền quần đảo này từ Nhật Bản qua Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị San Francisco 1951 và bị bác bỏ, mới thấy thâm ý của Trung Quốc ở Hội nghị Geneva.

Với việc đẩy Hoàng Sa ra khỏi tay Việt Nam Dân chủ cộng hoà ngay từ Hội nghị Geneva, Trung Quốc đã chuẩn bị xong điều kiện “cần” để xâm lược quần đảo này.
Trên thực tế, chỉ chưa đầy 2 năm sau Hiệp định Geneva, lợi dụng lúc Pháp rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đưa quân chiếm một nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa.

Và cuộc chiến xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974 chính là bước đi cuối cùng để hoàn thành ý đồ đã được vạch ra từ Hội nghị Geneva 1954.

Phó giáo sư Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THÔN TÍNH HOÀNG SA
NƯỚC CỜ ĐẦU TIÊN CỦA TRUNG QUỐC
NHẰM ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG


Sơ đồ tác chiến của Hải quân Việt Nam Cộng hoà trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-20 tháng Giêng năm 1974, ảnh do Tiến sĩ Trần Công Trục cung cấp.
Cách đây 45 năm, sau “cú bắt tay Thượng Hải” năm 1972 và lợi dụng tình thế quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi Niềm Nam Việt Nam, Trung Quốc đã huy động lực lượng xâm lược, cưỡng chiếm các đảo thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lúc đó đang do Việt Nam Cộng hoà quản lý theo tinh thần Hiệp định Geneva 1954.

Gây ra cuộc chiến xâm lược này, Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn đầu của chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế.

Những bước tiến xuống Biển Đông có thể dược giới nghiên cứu ví như là  những “nước cờ” bất minh mà Trung Quốc đã tính toán để thực hiện trong bàn cờ Biển Đông.  

Toan tính thời cơ xâm lược nốt Hoàng Sa nằm trong kế hoạch dài hơi độc chiếm Biển Đông

Đầu những năm 1970, quan hệ quốc tế liên tục biến động và có nhiều thay đổi. Đặc biệt là trong chuyến “công cán lịch sử” đến Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972, Mỹ và Trung Quốc đã làm thay đổi cục diện bàn cờ quốc tế.

Nhiều quốc gia, dân tộc đã trở thành con cờ trong tay của 2 tay chơi mới đang hùa nhau chống lại Liên Xô.

Washington đã thoả thuận không can thiệp khi Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, điều này được ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống chính thể Việt Nam Cộng hoà, đại diện Việt Nam quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo Hiệp định Geneva 1954, đã tiết lộ.

Thậm chí ông Thiệu đã tiên liệu rằng, sau khi thôn tính xong quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ đánh chiếm quần đảo Trường Sa bằng vũ lực giống như những gì họ đã làm ở Hoàng Sa, có sự tiếp tay hoặc làm ngơ (passer faire) của Mỹ.

Vào đầu năm 1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn đoạn cuối.

Trước đó, do bị thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã buộc phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973), công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân Mỹ, quân các nước phụ thuộc Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.

Theo đó, Hạm đội 7 của Mỹ rút khỏi Biển Đông. Lợi dụng cơ hội này, Trung Quốc đã huy động lực lượng quân sự hùng hậu tiến hành đánh chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa do Hải quân Việt Nam Cộng hoà đang bảo vệ, quản lý.

Đây là sự nối tiếp của những “nước cờ” đã được sắp đặt từ trước.

Mở đầu là sự kiện năm 1909, Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó phải rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp, lực lượng được Chính quyền Pháp giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý, thực thi chủ quyền tại quần đảo này nhân danh Nhà nước Việt Nam đương thời.

Tiếp đến, năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận trong Thế chiến 2 , chính quyền Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch) đưa lực lượng ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa.

Khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi Hoa lục chạy ra Đài Loan, họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng bất hợp pháp ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneva và trong khi chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo Hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo An Vĩnh, phía Đông quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 21/02/1959, Bắc Kinh cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hoà hòng chiếm đóng nhóm Lưỡi Liềm, phía Tây quần đảo Hoàng Sa.

Lực lượng Việt Nam Cộng hoà đồn trú giữ Hoàng Sa đã ngăn chặn kịp thời, 82 “ngư dân” và 5 thuyền đánh cá vũ trang của Trung Quốc bị bắt giữ và bị áp giải về giam tại Đà Nẵng. Sau đó được trao trả theo đúng thủ tục ngoại giao.

Cuộc xâm lược Hoàng Sa được Trung Quốc bày binh bố trận và chuẩn bị rất kỹ.
Điều này đã từng được ký giả người Anh, ông Bill Hayton đã mô tả rất rõ cho thế giới biết qua cuốn sách “Biển Đông: Cuộc chiến quyền lực ở châu Á”, được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Uỷ ban nhân dân huyện Hoàng Sa.

Những ngày trước khi diễn ra cuộc chiến xâm lược Hoàng Sa ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã bí mật bày binh bố trận, đổ bộ lên mộ số đảo, đồng thời ráo riết dọn đường dư luận cho cuộc xâm chiếm bằng sức mạnh của họ.

Diễn biến cụ thể chi tiết của Hải chiến Hoàng Sa đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải, bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc.

Bản chất hải chiến Hoàng Sa là cuộc chiến Trung Quốc xâm lược lãnh thổ, vai trò giữ chủ quyền của Việt Nam Cộng hoà dưới ánh sáng pháp lý quốc tế
Hải quân Sài Gòn đã chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 là hoàn toàn chính nghĩa, phù hợp với Luật pháp và Thực tiễn quốc tế.  
Bởi lẽ quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII.

Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hoà bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ  những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi.

Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế.

Hành động đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên Hơp Quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác.

Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên Hợp Quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ.

Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong đó quy định:

“Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.

Hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam bằng vũ lực.

Theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt.

Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ:

“Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Hành động xâm lược nói trên không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Những hành động như vậy đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị các cơ quan tài phán quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra toà án quốc tế nhằm minh chứng cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược

Lịch sử đã chứng minh, nước mất thì nhà tan, chủ quyền, lãnh thổ thường bị ngoại bang xâm phạm; khi Đất Nước bị chia cắt, khối đoàn kết Dân tộc bị suy giảm.

Khi mà trên dưới không đồng lòng; khi có sự tranh giành lợi ích, địa vị… giữa các cá nhân và nhóm lợi ích; khi có sự phân biệt chia rẽ trong nội bộ của một quốc gia, giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế vì những tính toán ích kỷ, vụ lợi...thì các nước nhỏ sẽ trở thành miếng mồi cho các nước lớn xâu xé.

Ngược lại, đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn nguy hiểm đến đâu.

Sau năm 1954, do bối cảnh lịch sử Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành 2 miền Nam, Bắc chờ tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneva, chính quyền Việt Nam Cộng hoà ở miền Nam tiếp nhận sự bàn giao của Pháp, tiếp tục thực thi chủ quyền đầy đủ và liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thông qua việc cắt quân đồn trú, thị sát, quản lý, thành lập đơn vị hành chính.

Cả 4 lần Trung Quốc đem quân thôn tính Hoàng Sa (1909, 1956,1959 và 1974) đều là thời điểm Việt Nam đang phải đối mặt với chiến tranh.

Năm 1974, những người con đất Việt trong hàng ngũ Hải quân Việt Nam Cộng hoà có mặt trong trận Hải chiến không cân sức này đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.

Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, lập trường chính trị 2 miền có thể khác nhau, nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, việc các anh đã chiến đấu, ngã xuống là nhằm  bảo vệ chủ quyền của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam ở Hoàng Sa.

Vì vậy, họ cần được ghi nhận và tôn vinh vì những giọt máu đổ xuống chính là bằng chứng của quá trình Nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo này trong suốt chiều dài lịch sử.

Nếu thiếu một sự tôn vinh và ghi nhận xứng đáng, chúng ta sẽ để mất một bằng chứng pháp lý có giá trị trong đấu tranh ngoại giao và pháp lý nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời bác bỏ các yêu sách vô lý và thủ đoạn chia rẽ nội bộ ta trong vấn đề Biển Đông từ phía đối phương chỉ vì những khác biệt về mặt lập trường, quan điểm.

Sáng 29/12/2018, tại thủ đô Phnom Penh, đã diễn ra Lễ khánh thành Tượng đài Thắng - Thắng, kỷ niệm 20 năm kết thúc nội chiến và thực hiện thành công chính sách Thắng - Thắng dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nêu bật ý nghĩa to lớn của việc thực hiện chính sách Thắng - Thắng trong công cuộc kiến tạo hoà bình, thực hiện hoà hợp dân tộc cho đất nước Campuchia.

Đối với sĩ quan, binh lính và những người ủng hộ Khmer Đỏ quy hàng, Chính phủ bảo đảm về an toàn tính mạng, nghề nghiệp, tài sản, đồng thời tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập với đời sống xã hội.

Chỉ sau hai năm thực hiện từ 1996-1998, hầu hết các cựu chỉ huy Khmer Đỏ cùng binh lính và gia đình đã chính thức giao nộp vũ khí, xin được đứng dưới ngọn cờ hoà hợp dân tộc của Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia.

Chưa cần nhìn tới nước Đức xa xôi, ngay người bạn láng giềng của chúng ta là một minh chứng hùng hồn cho sức sống của triết lý, một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhiễu điều phủ lấy giá gương.

Những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên năm qua cũng đang cho thấy, lợi ích quốc gia và dân tộc nếu thực sự được đề cao, những khó khăn về lập trường, nhận thức rồi cũng sẽ vượt qua, và dân tộc ấy, quốc gia ấy sẽ trở nên cường thịnh.

Nhân 45 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc thôn tính, chúng tôi viết vội mấy dòng như một nén tâm hương tưởng niệm anh linh 74 người lính đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Chúng tôi cũng bồi hồi tưởng nhớ đến tất cả các bậc tiên liệt, đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ non sống gấm vóc của dải đất hình chữ S này, xương máu cha anh đã hoá hồn thiêng sông núi, và gửi gắm hy vọng vào thế hệ hôm nay, thế hệ tương lai.

Tiến sĩ Trần Công Trục
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

45 NĂM TRUNG QUỐC CƯỠNG CHIẾM
HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM:
MƯU ĐỒ ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG


Tàu cảnh sát biển Việt Nam tuần tra tại vùng biển Hoàng Sa -ẢNH: MAI THANH HẢI
Cách đây 45 năm, Trung Quốc đưa quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sacủa Việt Nam vào ngày 19.1.1974 sau khi đã chiếm cụm phía đông hồi thập niên 1950.

Từ đó đến nay, nước này liên tục ngang ngược tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm củng cố hiện diện dân sự lẫn quân sự phi pháp tại Hoàng Sa, nhất là trong những năm gần đây, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và làn sóng lên án từ cộng đồng quốc tế.

Ngoài mục tiêu áp đặt tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Hoàng Sa, những hành động này còn nhằm tạo cơ sở bàn đạp để tiếp tục bành trướng ra toàn bộ Biển Đông.

Từ phát triển trái phép…

Tại Hoàng Sa, Bắc Kinh từ năm 2005 đã tiến hành xây dựng bia chủ quyền phi pháp tại một số điểm trên quần đảo này. Đến năm 2007, Quốc vụ viện Trung Quốc ngang ngược phê chuẩn thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam để đơn phương áp đặt quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Từ cuối tháng 5.2010, Trung Quốc đưa tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90 - 116 hải lý. Nước này còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn để xây dựng công trình phi pháp.

Song song đó, các hoạt động quân sự được tăng cường từ tháng 2.2011 khi Hạm đội Nam Hải diễn tập phòng ngự tại Hoàng Sa, theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI). Cũng trong năm này, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc công bố “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc năm 2011”, trong đó đơn phương tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, in một số bản đồ có vẽ “đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, đồng thời nêu kế hoạch triển khai tự thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa và mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.

Giàn khoan Hải Dương 981 cùng nhiều tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Hoàng Sa vào năm 2014 -ẢNH: ĐỘC LẬP
Sự ngang ngược của Bắc Kinh lại lấn thêm một bước lớn vào năm 2012 khi giới chức tỉnh Hải Nam thông báo kế hoạch tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng cái gọi là “TP.Tam Sa” tại đảo Phú Lâm. Đến tháng 12.2012, Trung Quốc thông báo xây các trạm giám sát biển và khởi công dự án mở rộng 2 con đường ở đảo Phú Lâm để kết nối với bến tàu, các đơn vị dân sự và quân sự đồn trú trái phép tại đây. Song song đó, biên đội tàu hộ vệ của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên mời thầu dầu khí 19 lô ở khu vực phía bắc Biển Đông, trong đó có lô 65/24 cách đảo Cây thuộc Hoàng Sa khoảng 1 hải lý.

Cũng trong năm 2012, tàu du lịch Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á (Hải Nam) đến đảo Đá Bắc ở Hoàng Sa. Ngày 29.9.2012, giới chức Trung Quốc phác thảo kế hoạch phát triển cho 4 dự án cơ sở hạ tầng ở đảo Phú Lâm. Các dự án bao gồm tu sửa và xây mới 7 con đường với tổng chiều dài 5 km, xây dựng cơ sở tách muối để lọc nước biển có công suất 1.000 m3 mỗi ngày và hệ thống cấp thoát nước cùng bến tàu, mạng lưới vận tải trên đảo Phú Lâm.

Mới đây, vào tháng 7.2018, truyền thông Trung Quốc dẫn văn bản của Cục Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam ngang nhiên kêu gọi “mọi tổ chức hay cá nhân” đăng ký tham gia “phát triển du lịch và xây dựng” những đảo không người ở tại các khu vực mà nước này chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Kế hoạch này bước đầu chủ yếu nhằm vào Hoàng Sa, nơi vẫn còn hàng trăm thực thể chưa có người ở. Rõ ràng, Trung Quốc đang tiến hành bước tiếp theo để thể hiện cái gọi là “chủ quyền” tại những địa điểm chiếm đóng phi pháp thông qua dân sự.

Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), nhận định:
“Trung Quốc biết rõ rằng chỉ củng cố quân sự các đảo đá thì không bao giờ có thể hợp pháp hoá tuyên bố chủ quyền trái luật pháp quốc tế của họ. Vì vậy, họ đang tìm cách dân sự hoá các hoạt động của họ, trong đó có các hoạt động cho phép các cá nhân khai thác những đảo đá nêu trên”.

... Đến quân sự hoá phi pháp

Bên cạnh các kế hoạch phát triển dân sự ngang ngược, Trung Quốc tiếp tục tiến hành tập trận và nhiều lần đưa tàu hải giám, trực thăng đến tuần tra phi pháp ở Biển Đông trước khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến Hoàng Sa. Vụ việc bắt đầu từ ngày 1.5.2014 và kéo dài suốt 2 tháng rưỡi khiến tình hình khu vực vô cùng căng thẳng. Trung Quốc thậm chí huy động hơn 120 tàu thuyền ngang ngược đâm va tàu của Việt Nam đến khẳng định chủ quyền và kêu gọi Bắc Kinh dừng các hành động phi pháp xâm phạm lãnh hải.

Cũng trong thời gian này, Trung Quốc gấp rút tiến hành kế hoạch xây dựng phi pháp ở Hoàng Sa, bao gồm hải đăng trên đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Cồn cát Nam, Duy Mộng và Hòn Tháp. Đến tháng 10, đường băng quân sự dài 2 km trên đảo Phú Lâm được xây dựng hoàn tất.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành trung tâm hành chính phi pháp -ẢNH: AFP
Đường băng cùng các cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải tạo và đến tháng 2.2016, ảnh chụp từ vệ tinh của trung tâm ImageSat (ISI) cho thấy Trung Quốc đã triển khai trái phép 2 hệ thống tên lửa đất đối không với 8 giàn phóng và một radar tại đảo Phú Lâm. Đài Fox News dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng đây là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, tương tự loại S-300 của Nga với tầm bắn lên đến 201 km, có thể là mối đe doạ cho bất cứ máy bay quân sự hoặc dân sự nào bay gần đó. Chưa hết, Bắc Kinh còn triển khai gần 10 máy bay chiến đấu gồm tiêm kích J-11 và máy bay chiến đấu ném bom JH-7 cùng máy bay không người lái trinh sát tầm xa Harbin BZK-005 đến đảo này.

Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đến năm 2017, Trung Quốc đã nâng cấp hàng loạt cơ sở quân sự phi pháp trên 8 đảo ở Hoàng Sa gồm đảo Cây, Phú Lâm, Lin Côn, Tri Tôn, Quang Ảnh, Quang Hoà, Hoàng Sa và Duy Mộng. Hình ảnh vệ tinh cho thấy 3 trong số 8 đảo (đảo Cây, Phú Lâm và Quang Hoà) hiện có những cảng có thể tiếp nhận một số lượng lớn các tàu dân sự và hải quân. Năm đảo có sân bay trực thăng, đảo Quang Hoà có một căn cứ trực thăng và đảo Phú Lâm có đường băng, nhà chứa máy bay và các dàn tên lửa đất đối không HQ-9.

Trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tập trận tại Hoàng Sa, bao gồm diễn tập của oanh tạc cơ H-6K và tập trận bắn đạn thật vào tháng 5. Tờ PLA Daily còn ngang nhiên đưa tin một số tàu hải cảnh và tàu hải quân nước này lần đầu tiên tuần tra chung tại vùng biển xung quanh Hoàng Sa.
Mới đây vào tháng 11, chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) chia sẻ hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục hành vi phi pháp ở Biển Đông khi xây dựng cấu trúc trái phép nghi phục vụ mục đích quân sự, được giấu dưới mái che radar trên Đá Bông Bay tại Hoàng Sa.

Khánh An
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

45 NĂM TRUNG QUỐC CƯỠNG CHIẾM
HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM:
THAM VỌNG CHƯA DỪNG LẠI


Sơ đồ 8 vị trí thuộc Hoàng Sa bị Trung Quốc quân sự hoá phi pháp
ẢNH: CSIS/ĐỒ HOẠ: MINH PHƯƠNG
Sau 45 năm kể từ ngày Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm Hoàng Sa, giới chuyên gia quốc tế thực sự lo ngại trước các hành vi của Bắc Kinh ở quần đảo này lẫn quần đảo Trường Sa cũng của Việt Nam, và xa hơn là cả khu vực Biển Đông.

Những lo lắng trên được đưa ra khi Thanh Niên phỏng vấn các chuyên gia quốc tế gồm: TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore), ông Gregory B.Poling (Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải - AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) và bà Bonnie Glaser (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc - CSIS).

* Tình hình Biển Đông thay đổi thế nào trong 45 năm qua kể từ khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa?

- TS Collin:
Bắc Kinh đã chiếm đóng Hoàng Sa để từ đảo Hải Nam vươn vòi kiểm soát về phía nam bao phủ cả khu vực Biển Đông. Cụ thể, nếu xem đảo Hải Nam là trung tâm sức mạnh quân sự thì Hoàng Sa chính là hành lang mở rộng, rồi vươn tiếp đến Trường Sa. Tất cả đã thể hiện rất rõ trong việc Bắc Kinh không ngừng phát triển hạ tầng lẫn sức mạnh quân sự tại các thực thể ở Biển Đông.
Ông Poling:
Trung Quốc không chỉ thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với Hoàng Sa, mà còn thắt chặt giám sát cả vùng biển lẫn vùng trời xung quanh khu vực này suốt nhiều năm qua. Không khó để nhận ra rằng Bắc Kinh siết chặt kiểm soát, ngăn chặn tàu cá trong khu vực. Chưa dừng lại ở đó, từ Hoàng Sa, Bắc Kinh còn mở rộng kiểm soát sang quần đảo Trường Sa.
PGS Nagy:
Trung Quốc đã tiến hành nhiều chiêu thức nhằm thiết lập quyền lực kiểm soát ở Biển Đông. Điều đó có thể nhận ra thông qua hạ tầng, cơ sở mà Bắc Kinh xây dựng, phát triển trên các thực thể tại vùng biển này.
Bà Glaser:
Bắc Kinh đã từng bước gia tăng ảnh hưởng và kiểm soát đối với Biển Đông thông qua nhiều hoạt động, đặc biệt là khai thác hải sản cũng như năng lượng. Điều đó khiến căng thẳng ngày càng trầm trọng hơn khi nguồn hải sản dần cạn kiệt cùng với nguy cơ xung đột ngày càng lớn hơn.

* Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng quân sự hoá các thực thể ở Hoàng Sa cũng như gây nhiều căng thẳng. Điều đó tác động thế nào đến tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương?

- TS Collin:
Việc chiếm đóng của Trung Quốc ở Hoàng Sa chủ yếu nhằm kiểm soát Biển Đông cũng như hướng đến tham vọng kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế, mở đường cho lực lượng viễn chinh tiến ra xa, thậm chí “cọ xát” để sẵn sàng đối đầu với lực lượng quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tự cho mình cái quyền tuyên bố vùng biển và vùng trời khu vực Biển Đông là “chủ quyền lịch sử”. Tất cả những điều đó đe doạ nghiêm trọng an ninh và ổn định của khu vực, khi dễ dẫn đến những đụng độ.
Ông Poling:
Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ép buộc, đe doạ vũ lực nhằm đẩy các nước xung quanh ra khỏi Biển Đông, dẫn đến đe doạ tính ổn định trong khu vực cũng như thách thức các nền tảng luật pháp quốc tế. Đây là một phần trong việc Bắc Kinh đang ra sức hình thành một sức mạnh vươn cả khu vực Đông Á.
PGS Nagy:
Những gì Bắc Kinh đạt được trong việc quân sự hoá Hoàng Sa đã làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực. Điều đó buộc nhiều quốc gia bên ngoài khu vực cũng phải tăng cường hiện diện ở vùng biển này.

* Trong tình hình như vậy, đâu là rủi ro lớn nhất có thể xảy ra trên Biển Đông?

TS Collin:
Đó chính là việc các bên liên quan đụng độ với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục có nhiều hành vi gây căng thẳng. Nếu không có một cơ chế phối hợp kiểm soát, phòng ngừa thì dễ dẫn đến nguy cơ các cuộc đụng độ biến thành xung đột quy mô lớn. Các cơ chế như Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) chính là nền tảng để kiểm soát rủi ro.
Ông Poling:
Rủi ro lớn nhất là việc leo thang bất ngờ do những cuộc đụng độ của lực lượng Trung Quốc với các bên khác. Kèm theo đó còn là rủi ro từ lực lượng “dân quân” biển mà nước này hình thành tại đây.
PGS Nagy:
Nguy cơ lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ đụng độ nhau tại vùng biển này. Và tất nhiên với những gì đang diễn ra, thì rủi ro đụng độ của các nước trong khu vực ASEAN với Trung Quốc cũng có thể leo thang khó lường.
Bà Glaser:
Rất đáng lo về nguy cơ bùng nổ xung đột giữa các bên, và một Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả có thể là cơ chế phòng ngừa phù hợp.

* Đâu là giải pháp phòng ngừa rủi ro cũng như vai trò của cộng đồng quốc tế nói chung, ASEAN nói riêng đối với tình hình Biển Đông?

- TS Collin:
Cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy lập lại trật tự dựa trên các nền tảng luật pháp quốc tế như Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Phán quyết của Toà trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) cũng là một nền tảng cần thúc đẩy để đảm bảo các bên liên quan phải tuân thủ. Tiếp theo là các nước trong khu vực cần nâng cao thực lực hàng hải. Thứ ba, các quốc gia bên ngoài khu vực cần nhận ra tầm quan trọng của Biển Đông đối với hàng hải thế giới, nên cần tăng cường hiện diện để đảm bảo sự ổn định.
Ông Poling:
Chẳng thể có một giải pháp song phương hiệu quả cho tranh chấp ở Biển Đông. Áp lực mạnh mẽ nhất phải đến từ sự phối hợp của cộng đồng quốc tế, từ ASEAN đến các quốc gia bên ngoài, thậm chí là châu Âu để Bắc Kinh thay đổi hành vi, tuân thủ luật pháp quốc tế.
PGS Nagy:
Thực tế thì ASEAN chưa phát huy hiệu quả vai trò, trong khi lẽ ra khối này phải gây sức ép để Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết (của PCA) là bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

-------------------------------------------
Tiền lệ nguy hiểm cho thế giới
Cách thức mà Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa thực tế mở đầu một tiền lệ nguy hiểm cho khu vực và thế giới. Từ đó đến nay, Bắc Kinh xem việc sử dụng vũ lực là cách thức phục vụ cho tuyên bố chủ quyền, nên tiếp tục dùng quân sự để chiếm đóng thêm nhiều bãi đá khác ở Trường Sa. Những năm gần đây, Trung Quốc lại không ngừng thiết lập sức mạnh quân sự. Trong khi đó, các nước chưa thực sự gắn kết hiệu quả trước tham vọng của Bắc Kinh. Nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục không phản ứng kịp thời thì hậu quả sẽ còn lớn hơn.
TS James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ)

Cần áp lực ngoại giao tổng thể
Trung Quốc không ngừng tăng cường các yêu sách, lợi ích trên Biển Đông. Thông qua các cơ sở, công trình thiết lập trên Biển Đông, Bắc Kinh dễ khiến xảy ra sự cố leo thang căng thẳng. Đây chính là vấn đề khiến Mỹ buộc phải đối đầu với Trung Quốc. Lo lắng càng lớn hơn khi Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế. Chính vì thế, lúc này rất cần một áp lực ngoại giao tổng thể của cộng đồng quốc tế.
TS Lê Thu Hường (Viện Chính sách chiến lược Úc)

Ngô Minh Trí
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

45 NĂM TRUNG QUỐC CƯỠNG CHIẾM
HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM:
ĐE DOẠ HOÀ BÌNH KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI


Trả lời phỏng vấn Thanh Niên về sự biến Trung Quốc ngang ngược cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN, nhiều chuyên gia cho rằng mưu đồ của Bắc Kinh quá rõ ràng.

Công trình dân sự và quân sự do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của VN -CSIS/AMTI
Chuyên gia Hoàng Việt
(thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư VN):

Hành động  chiếm Hoàng Sa năm 1974 nằm trong chuỗi ý đồ của Trung Quốc từ lâu. Nước này muốn trở thành siêu cường, mà muốn trở thành siêu cường thì trước hết phải trở thành cường quốc biển. Chính vì vậy, Trung Quốc tham vọng độc chiếm Biển Đông để biến vùng biển này thành cửa ngõ vươn ra thế giới.

Năm 1956, nhân khi Pháp rút khỏi Đông Dương, lúc đó VN vừa bước ra khỏi cuộc chiến với Pháp và phải bước vào cuộc chiến mới, Trung Quốc đã chiếm một nửa quần đảo Hoàng Sa.

Đến năm 1974, VNCH đang rối loạn, Mỹ phải rút khỏi VN và Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đến gặp lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông tại TP.Thượng Hải. Dường như lúc đó các bên đã có những thoả hiệp nhất định, nên Bắc Kinh thấy đây là thời cơ thuận lợi để ra tay chiếm toàn bộ Hoàng Sa sau một trận hải chiến.

Hiện nay, cùng với việc tiếp tục bồi lấp và quân sự hoá phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa sau khi cưỡng chiếm, Trung Quốc còn ngang nhiên tiến hành bồi lấp thành đảo nhân tạo và từng bước xây dựng các công trình trái phép phục vụ mục đích quân sự trên 7 thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của VN (gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Gaven, Xu Bi, Vành Khăn, Châu Viên, Tư Nghĩa).

Khi Trung Quốc hoàn tất quân sự hoá tại các thực thể mà nước này chiếm đóng phi pháp tại 2 quần đảo thì sẽ rất nguy hiểm đối với an ninh và hoà bình của khu vực cũng như trên thế giới.

Bởi vì Trung Quốc không giấu giếm ý định muốn kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông. Trước đây, vào năm 2013, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Điều này đã gây căng thẳng và lo ngại cho rất nhiều quốc gia. Trung Quốc rất có thể sẽ tuyên bố một ADIZ trên khu vực Biển Đông tại các thực thể mà nước này đang kiểm soát. Điều này sẽ đe doạ tới tự do thương mại, tự do hải hành và tự do hàng không tại khu vực và sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Thêm vào đó, Trung Quốc sẽ có điều kiện thuận lợi để đe doạ về mặt quân sự đối với nhiều hoạt động trên biển cũng như đe doạ về an toàn đối với các lực lượng đang đồn trú trên các thực thể địa lý khác tại Trường Sa, trong đó có VN.

TS Nguyễn Thành Trung
(Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM):

Theo tôi, ý đồ của Trung Quốc quá rõ và họ cũng không giấu giếm muốn độc chiếm Biển Đông. Chính sách biến khu vực Biển Đông thành “biển nhà” của họ khá nhất quán trong một thời gian dài, và họ lợi dụng bất kỳ cơ hội nào có được để từng bước hiện thực hoá tham vọng của mình.

Việc Trung Quốc xây dựng và triển khai quân sự trên các đảo ở Hoàng Sa sẽ khiến cán cân sức mạnh ở Biển Đông ngày càng nghiêng về nước này.

Nói theo ngôn ngữ của chủ nghĩa hiện thực thì hành động này sẽ làm mất an ninh khu vực và có khuynh hướng đẩy các quốc gia khác trong khu vực tăng cường nâng cấp sức mạnh quân sự của mình.

Ngoài ra, việc này cũng sẽ tạo ra khả năng đối đầu xung đột trong tương lai khi hải quân Mỹ tiếp tục thực hiện các chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOPs) ở khu vực Hoàng Sa, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp.

PGS-TS Vũ Thanh Ca
(Đại học Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo VN):

Cái mà Trung Quốc thèm muốn không chỉ là các đảo đá mà là toàn bộ Biển
Đông. Mục đích chính của Trung Quốc khi chiếm các đảo đá trên Biển Đông là làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền và tạo bàn đạp để khống chế Biển Đông.

Như ta đã biết, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách về đường lưỡi bò cực kỳ phi lý, tuyên bố các “quyền lịch sử” đối với khoảng 87% diện tích Biển Đông.

Trung Quốc rất mập mờ về cái gọi là “quyền lịch sử”, nhưng khi hành xử, họ tự ý cấm các quốc gia xung quanh Biển Đông đánh cá, ngăn trở các quốc gia thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia bị đưa vào phạm vi đường lưỡi bò.

Như vậy, Trung Quốc đã tự ý biến khu vực biển mà đường lưỡi bò “liếm trúng” như vùng đặc quyền kinh tế của mình, tức là vùng mà Bắc Kinh có chủ quyền đối với tài nguyên và quyền tài phán quốc gia. Khi cái gọi là “yêu sách quyền lịch sử” của Trung Quốc bị Toà Trọng tài quốc tế bác bỏ, họ đã đổi cách tiếp cận, sử dụng các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN, bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines làm căn cứ để tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông.

Một mục tiêu mà Trung Quốc muốn đạt tới là biến Biển Đông thành “ao nhà”. Để làm vậy, họ thực hiện rất nhiều thủ đoạn để từng bước độc chiếm Biển Đông.

Thứ nhất là họ tìm cách lôi kéo các nước Đông Nam Á để đẩy các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông, trái với các quy định trong luật pháp quốc tế.

Thứ hai, họ tìm cách đạt được các thoả thuận đa phương có tính chất nguyên tắc với các nước xung quanh Biển Đông (đại diện là ASEAN) nhưng khi đi vào các nội dung cụ thể thì họ lại tiếp cận tay đôi để dễ bề khống chế đối phương.

Thứ ba là họ tìm cách quân sự hoá các đảo đá, đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng phi pháp để tạo cơ sở kiểm soát Biển Đông, thậm chí trong tương lai có khả năng họ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Thứ tư, họ tăng cường đơn phương kiểm soát các hoạt động trên Biển Đông, đề xuất “khai thác chung” tại các vùng biển trong phạm vi đường lưỡi bò để biến các vùng biển không có tranh chấp thành có tranh chấp.

Tàu hải cảnh Trung Quốc ngang ngược rượt đuổi tàu kiểm ngư VN trên Biển Đông -ẢNH: MAI THANH HẢI
Các hoạt động độc chiếm Biển Đông, đặc biệt quân sự hoá của Trung Quốc là vô cùng nguy hiểm cho an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không. Ngoài nguy cơ gây chiến tranh, bộ máy quân sự của Trung Quốc với mục đích buộc những bên khác tuân thủ các quy định áp đặt của mình nhằm khẳng định chủ quyền sẽ đe doạ an ninh, an toàn và tự do của tất cả tàu thuyền, máy bay của các quốc gia hoạt động trên vùng biển và vùng trời khu vực.

Ngọc Mai
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

https://4.bp.blogspot.com/-X7eTXKeNVPk/WEU0RYOHxjI/AAAAAAAAhsI/gcrUJ9pucUQ-vrT-Szu8BC_M_nnZnJWnQCLcB/w640-h640/1.gif


CHIẾN TRANH
TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC BIÊN GIỚI
1979


https://lh3.googleusercontent.com/proxy/InTnRqJkZgrADc9Kr2KncEwmoWAMXrY5fW0qXURm0SRZkGOaDaSxM7BQzQBy0zcbS2uAgiTXrVe1tdxnw4Alwe_y-Lq47S3KWxiVipwW6Y03HOAcTtcBU3WNN9ebU88lZxKGR_xAmw=s0-d

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [22] [23] [24] [25] [26] [27] [28] ... ›Trang sau »Trang cuối