Trang trong tổng số 44 trang (435 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [22] [23] [24] [25] [26] [27] [28] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Flamingo

Kỷ niệm

Chuyện hoàn toàn hư cấu, mọi sự trùng lặp chỉ là ngẫu nhiên

Chuyện xảy ra đã lâu mà với tôi vẫn mới như ngày hôm qua.
Hè năm ấy như mọi khi, tôi lên Mátxcơva thăm em gái kết hợp lấy ít hàng về đặt hàng "còm"*, tất nhiên thằng Sơn em rể tương lai cũng hộ tống tôi trong chuyến đi này. Nghĩ đến lúc thằng bạn nối khố phải gọi mình bằng anh mà sướng. Của đáng tội cũng thấy tội nghiệp cho nó, đẹp trai, thư sinh hiền lành ít nói, bao em mơ tưởng, thế mà lại đâm đầu yêu con em gái tôi.
Thư, em tôi dữ như hùm, mồm năm miệng mười, đến bố mẹ tôi hay chuyện hai đứa cũng thương thằng bạn tội nghiệp của tôi.
Anh trai tôi hơn tôi tám tuổi, khi có tôi mẹ tôi rầu lòng vì bà mơ ước có cô con gái để bắt chấy rận lúc về già. Tôi bốn tuổi mẹ tôi sinh Thư. Khỏi nói, mẹ tôi nâng nó như nâng trứng mỏng, còn cha tôi cấm nói "không" với nó bao giờ.
Hai thằng  theo xe của thằng Vadim, cũng đi lên Mat lấy hàng về cho vợ bán. Nó còn hoàn cảnh bằng mấy bọn tôi. Vợ là sinh viên, chồng sinh viên, con gái hai tuổi. Không chạy chợ thì treo niêu trong cái thời buổi kinh tế thị trường mới bắt đầu ở Nga này.
Thế là đáng ra ngồi tàu vài tiếng thì hai đứa vì ủng hộ tiền xăng cho thằng bạn mà lắc lư hơn 10 tiếng đồng hồ trên cái xe kopeika. Khởi hành từ 4 giờ sáng, phúc tổ bảy mươi đời là gần 3 giờ chiều Vadim thả chúng tôi xuống cửa ký túc xá học viện Timizarev.
Thằng Sơn bấm thang máy tầng 9, tôi trợn mắt:
-Thư ở tầng 6 mà.
Thằng Sơn cười hì hì:
-Thư chuyển lên đây tuần trước.
Té ra cô nàng bây giờ chẳng buồn tâm sự với anh. Sơn nhìn tôi tủm tỉm:
-Thư bảo chuyển đến ở cùng một em năm thứ ba, rất dễ thương. Lần này biết đâu mày đứng số.
Nghe nó nói mệt nhọc mười phần giảm chín. Thư có đến một tá bạn gái mà tôi chẳng lọt được vào mắt xanh em nào.
Tôi đi theo Sơn, phòng 936, nó dừng lại. Gõ cửa. Im lặng. Nó gõ tiếp,vẫn im lăng, mặt mũi nó bắt đầu nhớn nhác. Tôi gạt nó , gõ cửa bằng cả nắm đấm của mình. Có tiếng lạch cạch. Mặt mũi Sơn bắt đầu sáng sủa.
Cửa mở, một bộ mặt lạ hoắc ngái ngủ thò ra. Chè hâm lại, gái ngủ trưa...
Trông nàng chẳng có gì đặc biệt. Sáu điểm, tôi đánh giá.
- Ôi, em xin lỗi...
Giọng nói khiến tôi chăm chú nhìn nàng.
-...Hai anh chờ lâu chưa ạ? Hai anh là Sơn và..a.`..a`.. Thắng có phải không ạ?
Rồi, con em mình chắc suốt ngày chỉ kể về người yêu.
-...Mời hai anh vào nhà.
Mắt tôi không rời nàng. Đã lâu lắm tôi không được nghe giọng nói như của nàng. Nó chất đầy sự quan tâm và ấm tình người - cái thứ được coi như là xa xỉ trong xã hội bát nháo này.
Nàng mở của cái phòng lớn trong block và tiếp:
- Hai anh để đồ rồi rửa mặt, khăn xanh, bọn em treo bên phải nhé.
Quay sang Sơn nàng tiếp:
- Thư tý nữa sẽ về, anh đừng sốt ruột nhé.
Tôi và Sơn quẳng bịch hai túi đồ xuống sàn. Bỗng có tiếng trẻ khóc giật. Đến lúc này hai thằng mới nhìn thấy một đứa nhỏ nằm trên giường. Hai đứa  há miệng nhìn nhau. Nàng đi nhanh đến giường và bế đứa nhỏ lên. Nhìn dáng nàng cúi xuông ôm đứa nhỏ mà lòng tôi se lại
...à...á..à..à... ơi...
Cái ngủ mày ngủ cho say
Mẹ mày đi cấy đồng xa chưa về...
Giọng nàng âu yếm cất lên. Tôi như thấy mây mù giữa trời hè tháng 6.
Nàng quay ra hai thằng :
- Em đặt cu Tũn, rồi hâm lại phở cho hai anh.
Nàng tiến sang phòng bên, tôi mở cửa cho nàng.
- Cám ơn anh. Nàng mỉm cười với tôi. Lòng tôi thắt lại. Nụ cười của nàng ấm áp chân tình làm sao.
Rồi thì chúng tôi ăn phở trong im lặng. Thằng Sơn thì đâu có muốn nói chuyện với tôi, còn tôi thì vẫn như người mộng du.
Nàng biến mất một lúc. Hai bát phở sạch bóng.
Nàng lại hiện ra:
- Hai anh ăn nữa không?
- Không. Không hẹn cả hai thằng cùng đồng thanh. Mỗi thằng mải theo đuổi một ý nghĩ xám xịt.
Ngay lập tức ba cốc trà chanh hiện ra. Bát bẩn biến ngay khỏi bàn.
Cuối cùng thì nàng cũng ngồi xuống với chúng tôi. Một thoáng im lặng. Thằng Sơn phá sự tĩnh mịch:
- Em là...
- Em là Lan ạ. Anh là anh Sơn . Thư cho em xem nhiều ảnh của anh -  Nàng mỉm cuời.
Mũi thằng Sơn sắp vỡ đến nơi. Nàng quay sang tôi.
- Anh là Thắng, anh của Thư - Tôi cất giọng.
- Vâng, Thư cũng kể nhiều về anh.
À, thì ra con bé vẫn chưa quên mất mình.
Bỗng có tiếng cười ha há, he hé. Em gái tôi đã về...
Cửa mở bốn năm cô tiến vào. Thế là:
- Ôi giời ơi, bây giờ anh mới bò lên tới nơi hả. Giọng em gái tôi.
- Hai anh mải đàn đúm ở đâu mà bây giờ mới tới.
- Thư ơi, chắc hai ông lại rẽ qua Pushkin* rồi... Lao xao, ồn ĩ. Tôi cười trừ
Rồi cửa lại mở. Hai em nữa tiến vào. Được một bữa ngắm tha hồ chứ cái xứ Bách Khoa Len giết đâu ra con gái. Rặt mấy chị thực tập sinh bấm ra hột , ra hạt.
- Lan ơi, cho chị xin cu Tũn.
Tôi bỗng thấy trời quang mây tạnh.
Lan hiện ra, cu Tũn trên vai.
- Thơm cô Lan nào - Nàng mỉm cười với nó.
Cu Tũn  hôn vào mũi nàng rồi cười khanh khách. Mẹ bế ra đến cửa nó còn quay lại:
- Poka, poka...**
Chiều tối hai thằng  cùng Thư  xách túi sang đôm 5***. Phố xá Mátxcơva thật quyến rũ dưới ánh đèn. Màn đêm đã che đi sự bắt đầu xuống cấp  của thành phố trong kỳ khủng hoảng kinh tê'.
Ra khỏi  taxi tôi hít sâu, rồi thở thật mạnh. Lấy tinh thần còn lên mặc cả . Rồi thì cũng gặp được các nhân  tài của nước Việt nam tại đây. Toàn Phó tiến sĩ, Tiến sĩ tương lai hết cả. Thôi thì trong này thượng vàng hạ cám không cái gì các vị không có. Từ vàng, đô la máy tính, máy in, fax,đồng hồ điện tử, son phấn, bút chì kẻ mắt, quần, váy, áo, sâm, nhung...
Lại lên xe, lại xuống xe.
Rồi cuối cùng cả lũ cũng tay xách nách mang, khệ nệ vào thang máy.
Tôi nhìn đồng hồ, gần một giờ sáng. Mở cửa vào nhà đã thấy cơm canh dọn sẵn. Em gái tôi thì thào:
- Cái Lan thật chu đáo .
Bỗng nhiên tôi muốn được nhìn thấy nàng.
Ngồi vào mâm em gái tôi nheo mắt nhìn tôi, mặt nó trông thật láu cá hệt như ngày còn nhỏ, mỗi khi nó đọc được "vị" của tôi:
- Anh phải chờ ít nhất 15 tiếng nữa mới được chiêm ngưỡng "nàng". "Nàng" đang trong giấc mộng kê vàng ở phòng bên.
Lùa miếng gà rán vào mồm, tôi giương mắt lên nhìn nó. Nó tiếp:
- Chuyên ngành của Lan là...ngũ cốc. Cả ngày lang thang ngoài ruộng thí nghiệm ngắm lúa mì và khoai tây.
Tôi ngắt lời nó:
- Nghỉ hè kia mà.
- Nhưng nó thích thực tập cùng bà giáo, chẳng ai bắt nó, bọn nó chỉ phải thực tập  ba tuần, nhưng hầu như nó đi cả hè. Hết sấy mầm trong phòng thí nghiệm đến đo cây ngoài ruộng. Thư tiếp.
Tôi yên lặng tống vào mồm thêm một miếng gà nữa. Thư nhìn tôi tủm tỉm:
- Anh đừng cố dậy sớm ngày mai. Nó đi sớm lắm.
Quả thật, tôi tỉnh dậy đã hơn mười giờ sáng. Nàng chắc đã đi từ lâu.
Tôi ra ga mua vé. Quay về sắp xếp sẵn hàng theo yêu cầu của từng cửa hàng. Thắng Sơn càu nhàu:
- Ở lại vài hôm đã.
Cái thằng chết bầm, cần hàng về để bán mấy ngày nghỉ mà nó lại cà kê. Tôi trừng mắt nhìn nó. Em gái tôi trợn mắt nhìn tôi. Tôi quay sang bảo Sơn:
- Về giao hàng xong rồi lên. Khách của mày tao đâu biết.
Em gái tôi thở hắt ra:
- Hai anh lên ngay chứ.
- Ba ngày nữa bọn anh sẽ quay lại.
Tôi trả lời lạnh te.
Sau bữa cơm trưa tôi liên tục lén nhìn đồng hồ. Chưa bao giờ thời gian trôi chậm thế. Bảy giờ tối Lan về đến nhà. Rồi bữa tối tôi chờ đợi cũng đã đến.
- Công việc của cậu thế nào? Em gái tôi lên tiếng
- Cái đám khoai tây bị sâu, phải phun thuốc và cắt lá về đem soi. Lan trả lời.
- Tớ may hơn cậu, dân thổ nhưỡng chỉ việc ra moi đất về soi là xong, không phải ngày ngày lang thang ngoài đồng như chi Dậu. Em tôi réo rắt.
Lan mỉm cuời, quay sang tôi và Sơn:
- Hai anh hôm nay đi được những đâu rồi?
- Bọn anh đi từ hôm qua rồi. Tý nữa bọn anh về. Sơn lên tiếng.
Tôi nhìn nàng. Không một chút ngạc nhiên trên mặt nàng. Bỗng dưng tôi  buồn.
- Mấy giờ hai anh phải ra ga? Nàng hỏi
- Hai tiếng nữa. Tôi trả lời
- Thế thì phải ăn nhanh để hai anh ra tàu cho kịp.  Nàng nói.
Lòng tôi lại bắt đầu se lại. Giọng nàng chân thành làm sao.

Sáng chủ nhật tôi và Sơn lại có mặt ở Mátxcơva. Lại lên taxi, lại xuống..
Phòng 936 đây rồi. Thằng Sơn lại từ tốn gõ cửa. Cửa mở, Thư hiện ra, nó cười tươi như hoa, xoa đầu thằng Sơn. Tôi lườm nó, nó thè lưỡi rồi bĩu môi.
- Chào hai anh - Giọng của nàng. Tôi thở phào.
- Hôm nay cả nhà ta đi pic nic ở đồi Lê-nin. Cả làng đừng quên mang theo đồ tắm nha. Thư toe toét cười nói.
Lại lên metro. Rồi cuối cùng cả lũ cũng đến đồi Lê-nin. Rừng cây xanh mướt đầy sức sống sau mùa đông giá lạnh.
Len lỏi giữa đám người phần lớn chỉ được che đậy bằng một, hai rẻo vải, đôi chỗ thì chả hiểu có một hay hai mạng nằm đấy nữa, chúng tôi xuống gần mép sông.
- Ta xuống bơi cái đã rồi lên ngắm trời đất. Vẫn giọng cái Thư.
Tôi xuống nước . Trời tuy nóng nhưng nước sông Mátxcơva mát lạnh. Tôi rẽ nước bơi ra giữa sông rồi quay lại. Tôi nhìn thấy nàng mảnh mai cân đối trong bộ đồ bơi , cùng em tôi và Sơn tiến xuống mép nước.
Chắc nàng lại bì bõm như em gái tôi, độ mươi mét, thở phì phò, xong lên sưởi nắng -Tôi thầm nghĩ.
Tôi ngồi trên bờ, mắt dõi theo ba người. Được mươi mét Thư vòng lại, Sơn vòng theo. Tôi chờ nàng quay lại. Nhưng không, nàng bơi ếch rất nhịp nhàng , quá nửa sông...nàng đã sang bờ bên kia. Tôi ngạc nhiên, cảm giác mơ hồ thoáng qua đầu tôi.  
Nàng quay lại, đến gần bờ. Tôi chờ. Nhưng không có vẻ gì là nàng muốn lên bờ. Quả thật. Tôi xuống nước và bơi theo nàng sang bờ kia. Rồi chúng tôi quay lại.
- Thôi, hai vị lên bờ măm măm thôi, đói lắm rồi. Thư gào lên ...
Hầu như tuần chủ nhật tuần nào tôi cũng có mặt trên Mátxcơva. Đi picnic, xem phim, rồi lại xem phim, picnic...
Thời gian trôi nhanh thật. Đã vào năm học mới. Em gái tôi bĩu môi bảo tôi:
- Trung phong bóng đá gì mà chỉ giỏi dắt bóng, không có chân làm bàn.
Tôi lườm nó. Nhưng nó nói có lý.

Tuyết phủ trắng thành Lêningat.... Thư gọi điện cho tôi:
- Thứ bảy này sinh nhật Lan. Anh lên nhớ mua bánh ga tô Pchitrnoe Moloko  và hoa Mi-mô-da nhé.
Tôi vào trung tâm mua hoa va bánh rồi chiều thứ sáu tôi cùng Sơn lại ra ga... Lại taxi, lại phòng 936...
Từ sáng đến chiều, Thư và nàng loay hoay nấu nướng. Nem rán, nem cuốn, gà rán, miến xào, salat Oliver...Tôi ngắm hai thiếu nữ chạy tới chạy lui, thầm nghĩ: cuộc đời này nếu không có phụ nữ thì ảm đạm đến đâu.
Cuối cùng thì tiệc cũng được dọn lên bàn. Nhìn những bông  hồng tỉa bằng cà-rốt xinh xắn, mấy con gà rút xương được cắm hai miếng đu đủ làm tai trông như con voi..., tôi thấy đói nghiến.
Thư và Lan biến mất. Nửa tiếng sau, Thư bước vào phòng. Mắt tôi chạy lên trán. Vẻ thán phục, tự hào,sung sướng phủ toàn mặt Sơn.
Tôi không nghĩ là có cô em gái xinh đẹp đến thế kia. Cầu Chúa phù hộ cho vị nào đã nghĩ ra son phấn..để các bà các cô làm đẹp và để cánh đàn ông đươc sướng con mắt. Trông em tôi thật quyến rũ trong chiếc váy dạ hội màu xanh ngọc bó sát nguời, không tay, không cổ dài tới mắt cá chân rất đơn giản.
- Lan may cho em đấy. Nó khoe.
Cửa mở, Lan bước vào. Mồm tôi trễ  tận rốn. Nàng rực rỡ trong chiếc váy dạ hội màu đỏ, đơn giản hệt như của em gái tôi, chỉ khác cái cổ khoét kín đáo hơn. Đúng là người đẹp tại lụa...
- Quà sinh nhật của anh đâu? Giọng con bé tác-ta em tôi.
Tôi đứng dậy tìm và tiến về phía nàng:
- Chúc mừng sinh nhật - Tôi chúc nàng.
- Cám ơn anh - Nàng mỉm cuời.
Khách khứa lục tục kéo đến. Nam thanh, nữ tú gần ba chục . Nào hoa, bánh, búpbê...đủ cả. Rồi ăn, rồi uống và ...disco. Đèn trần tắt, hai chiếc đèn kiểu kéo quân có mấy con cá nhiều màu uốn lượn đươc bật lên, ánh sáng mờ ảo trong phòng.
Tôi ngồi ngắm mọi người nhảy. Thư  vừa cười vừa bắt chước Sơn nhảy như cuốc đât'. Rồi nhạc slow.  Mấy chàng  trai thi nhau mời nàng, tôi cảm thấy khó chịu. Sơn và Thư lưót tới chỗ tôi:
- Anh xem phim đấy à - Thư bảo tôi - ra mời "em" đi chứ.
Tôi vẫn ngồi im như phỗng. Nhạc tắt, rồi lại nổi lên  "...touch by touch..." mấy chàng Joy thật dễ thương...
Tôi kinh ngạc nhìn Lan nhảy. Nàng giật người dứt khoát theo nhịp trống , nàng chùng hai chân gần như quỳ xuống sàn nhà, hai tay giơ lên cao, toàn thân nàng uốn lượn như con rắn vươn lên. Sự dịu dàng của nàng lẫn vào với vẻ hoang dã mê hoặc..Tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn. Nhạc nhỏ dần...tôi tiến về phía nàng....
I've never seen you looking ,so lovely as you did to night...
Giọng Chris de Burgh vang lên, tay phải tôi nắm gọn tay nàng, bàn tay ấm mềm mại, tay trái tôi ôm cái eo nhỏ bé của nàng, thân nàng  uyển chuyển trong tay tôi, má tôi chạm vào trán nàng, nàng bỗng rùng mình, tay nàng nóng hổi . Tôi  ước bài hát đừng chấm dút. Nhưng Chris đã hát đên câu cuối:
..never will foget...the lady in red
Tôi nghiêng người cám ơn nàng. Mắt nàng long lanh. Tại sao đến bây giờ tôi mới thấy nàng đẹp nhỉ?
Tôi lại lùi về góc phòng ngắm nàng nhảy. Mươi phút trôi qua, đèn bật sáng. Giọng em gái tôi vang lên lanh lảnh:
- Muộn rồi, stop nhảy kẻo hàng xóm kiện cáo. Chúng mình uống chè, ăn bánh và hát di.
Nó với tay lấy cái Ghita trên vách. Thư hát và chơi đàn không tồi.
...Happy Birthday to you...giọng nó trong trẻo cất lên, rồi tất cả cùng đồng thanh. Chiếc ghita được truyền tay nhau.Thư cầm đàn từ tay một chàng mang ra cho tôi, mồm nó liến thoắng:
- Anh tớ hát khá lắm, mọi ngưòi chuẩn bị tiền lẻ nhé.  Mũ đựng tiền hộ anh tớ đây - nó dúi cây đàn cho tôi.
Tôi cầm lấy cây đàn:   
I've been alone with you inside my mind
And in my dream I've kissed your lips a thousand times
....hello,is it me you looking for?..
Tôi nhìn nàng, chạm cái nhìn của tôi, ánh mắt nàng đưa xuống cây đàn.
...but let me start by saying...I love you...
Tôi vừa kết thúc câu cuối thì Thư giật lấy đàn đưa cho Lan:
- Lan ơi, cả làng phục vụ rồi, bây giờ cậu cho cả làng lác mắt đi .
Tôi lại bắt đầu ngạc nhiên...
Nàng dạo đàn, tôi ngạc nhiên thật sự. Nàng chắc được học đàn một cách nghiêm túc.
Last night I dream of San Pedro
Just like I'd never gone, I knew the song...
Tiếng đàn của nàng nghe ấm áp như chính bản thân nàng . La isla bonita của Madonna qua giọng hát của nàng thấm vào tất cả chúng tôi.
- Lan hát nữa đi - Mọi người lao xao.
- Thôi khuya quá rồi, để khi khác. Cám ơn các bạn đã đến vui với mình. Nàng vui vẻ nói với mọi người.
Khách khứa lục tục ra về.
Hôm sau tôi và Sơn ra ga. Thư và nàng ra tiễn chúng tôi.
Ngồi lắc lư trong cupe quay về Lêningrat nhìn ra ngoài trời, những hạt tuyết rơi nhẹ. Lần đầu tiên sau bao mùa đông giá lạnh ở Nga tôi thấy tuyết thật đẹp và không lạnh lẽo...

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
*còm: Cửa hàng bán hộ đồ

** Học viện Pushkin* nơi phần lớn sinh viên nữ Việt nam sang tu luyện tiếng Nga

*** poka: Tiếng Nga "Chào tạm biệt"

**** đôm 5 : Khu bán hàng lớn nhất đầu tiên của người Việt tại Nga


Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Flamingo


Nghỉ đông năm ấy tôi mời nàng xuống chơi. Cô em tác-ta của tôi tháp tùng nàng . Chúng tôi đi trượt băng, trượt tuyết, đi câu cá, suýt chết cóng, nhưng bù lại được một bữa lẩu cá ngon thụt lưỡi vời tài nấu nướng của nàng.
Còn ba ngày nữa nàng về.
Hôm ấy Sơn và Thư đi mua hàng cho đoàn cán bộ cơ quan bố nó sang công tác. Tôi đưa nàng vào Cung điện Mùa Đông. "Cưỡi ngựa xem tranh" hết ba tầng Ermintaz, chúng tôi trèo lên đỉnh nhà thờ Ixakievxki.
Gió lạnh hun hút. Người vắng. Tôi đưa ống nhòm cho nàng. Nàng trầm trồ khi được nhìn thấy toàn cảnh thành Len. Một cơn gió lạnh thốc qua, nàng rùng mình. Theo phản xạ, tôi ôm nàng vào lòng.
Nàng hạ ống nhòm xoay người lại nhìn tôi rồi cúi xuống. Tôi siết chặt nàng và hôn lên trán nàng. Nàng ngước lên . Tôi cúi xuống . Môi nàng mềm và ấm. Chúng tôi hôn nhau không biết bao lâu. Cuối cùng tôi cũng rời đươc môi nàng. Tôi nhìn vào mắt nàng. Mắt nàng ngấn lệ. Tôi hoảng hốt. Nàng mỉm cưòi. Tôi mấp máy môi định nói với nàng.... Nàng đặt tay lên môi tôi.
- Cho em đi xuống được không? Trên này gió quá. Nàng thì thầm.
Tôi như sực tỉnh.
Chúng tôi về đến nhà, vẫn chưa thấy Sơn và Thư đâu. Dựa vào cửa tôi ôm lấy nàng. Nàng vòng tay qua cổ tôi. Tôi muốn nuốt chửng nàng.
Bỗng tiếng Thư léo xéo:
- Không biết hai vị kia về chưa nhỉ?
Nàng buông vội tôi ra. Tôi mở cửa:
- Bọn anh vừa về.
Thư há mồm nhìn tôi và nàng. Rồi nó nói tỉnh queo:
- Đói rồi, ta sực mì ăn liền cho nhanh?
- Hay là để nấu cơm? - nàng lên tiếng.
- Hê..hê.. đội này đói tý vì phải khuân vác hàng cho các cô các chú, chứ đội bạn chắc no rồi cần gì phải ăn - Con bé tácta cười.
Nàng đỏ mặt. Sơn giật tay Thư.
- Oái, sao vặn tay em- Thư tru tréo.
Quay sang, tôi thấy thằng Sơn nhìn tôi cười lắc đầu.
Rồi mùa hè lại đến. Cứ như tôi đã chuyển nhà lên Mát vậy. Nàng vẫn ngày ngày ra ruộng, vào phòng thí nghiệm. Đôi khi tôi theo nàng ra ngắm ruộng lúa mỳ, khoai tây của nàng.
- Con gái học lắm để làm gì. - Một lần tôi bảo nàng.
Một đám mây lướt qua mặt nàng.
- Thế con gái cần phải làm gì? - Cố gắng mỉm cười, nàng hỏi lại tôi.
- Nuôi dạy con cái. - Tôi trả lời.
- Thế nếu không có kiến thức thì dạy bằng gì ? - Nàng lại hỏi.
- Kiến thức đấy không nằm ở ruộng lúa mỳ của em. - Tôi bắt đầu khó chịu.
Nàng chăm chú nhìn tôi và yên lặng...
Lần khác tôi một mình ra tìm nàng ngoài ruộng thí nghịệm. Tôi thấy nàng lúi húi bên cạnh một chàng trai trên ruộng lúa mì, hai người đi tới đi lùi cùng nhau, rồi chụm đầu, rồi cưòi gập người. Máu nóng bốc lên đầu, tôi lại gần. Thấy tôi cả hai cùng ngạc nhiên. Tôi im lặng nhìn nàng.
- Chào anh. - Phong, chàng trai,lên tiếng.
- Chào bạn. - Tôi sẵng.
- Mình đi sang ruộng khoai tây trước nhé. - Phong quay sang nói với nàng, tay vơ cái khay lấp lánh một đám ống nghiệm.
- Anh chờ em một chút đươc không? - Nàng quay lại hỏi tôi.
- Không. - Tôi trả lời. Không biết cái bản mặt tôi lúc ấy thế nào. Nàng gọi với theo Phong:
- Phong ơi bạn làm nốt hộ mình tý nhé.
- Ừ, cứ về đi, mình sẽ mang mọi số liệu về cho bạn.
Nàng im lặng đi theo tôi.
- Em không thích ở nhà với anh mà thích ra đây với Phong có phải không? - Tôi hỏi nàng.
Nàng ngước nhìn tôi đầy ngạc nhiên:
- Anh nghĩ thế à? - Yên lặng một lát nàng tiếp:
- Em có bao giờ hỏi anh đi với ai, làm gì đâu?
- Em đâu có quan tâm tới anh. - Tôi nói.
Chúng tôi về nhà trong im lặng.
Tôi khó chịu thêm cái tính cả nể của nàng. Bố nàng qua Italy mua cho nàng cái áo lông, tuy là lông giả thôi nhưng rất đẹp. Trông nàng thật tuyệt khi mặc nó. Vậy mà khi con em gái tôi xuýt xoa trầm trồ, và sau mấy lần nó mượn, nàng cho luôn . Váy áo nàng may cũng vậy, mấy đứa bạn đến thì thào nài nỉ, nàng cũng cho tuốt.
- Tại sao em đem hết đồ của em đi cho thế - Cuối cùng không chịu nổi, tôi cao giọng nói với nàng.
- Đồ anh tặng em có cho ai đâu? - Nàng ngạc nhiên hỏi lại tôi.
- Không quan trọng đồ ai tặng, anh nói là đồ của em - Tôi bắt đầu cáu.
- Em có cởi trần ra phố đâu - Nàng mỉm cưòi nhìn tôi. Thư thích cái áo lông quá, em tặng nó. Em có cái pantô dạ đỏ đẹp hơn. Còn váy áo em tự may, cho bọn bạn, em may cái khác, luôn diện đồ mới thích hơn không.
- Em thích lãng phí quá nhỉ - Tôi mỉa mai - Cái quan trọng ở đây không phải ở chỗ quần áo mà là em không cương quyết từ chối cái đám người lợi dụng ấy. Sao em không học cái tính biết nói "không" ở cái Thư.
Nàng ngạc nhiên nhìn tôi. Rồi hơi nhếch miệng cười:
- Và em nên học tính dịu dàng, ít nói của Thu Anh nữa?
- Tại sao không? Thu Anh là người mẫu điển hình cho phụ nữ, đàn ông ai cũng mơ ước. Dịu dàng, chăm chỉ, nghe lời ngưòi yêu, mặc dù bồ nó hơn nó có một tuổi.
Nàng buồn rầu nhìn tôi:
- Anh đã nói hết chưa?
- Hết. - Tôi sẵng giọng.
Cứ như thế, tình yêu của tôi và nàng thỉnh thoảng lại va phải những chuyện vặt vãnh như vậy.

Hai năm trôi qua trong chớp mắt, tôi bảo vệ luận án PTS, nàng tốt nghiệp ra trường. Chúng tôi chúc mừng nhau. Sơn và Thư cũng vậy.
Rồi thì đóng hòm, gửi hàng. Tôi lại đi Mátxcơva
Nàng chạy tới chạy lui lên phòng quản lý học sinh, nghiên cứu sinh.
- Em làm gì mà chạy tới chạy lui thế? - Tôi hỏi.
- Em có tên trong danh sách chuyển tiếp sinh, em lên hỏi thủ tục giấy tờ. - Nàng trả lời.
- Em làm nghiên cứu sinh làm quái gì? - Tôi ngạc nhiên.
Nàng không trả lời tôi. Rồi chúng tôi về nước. Tôi đi làm...
Rồi mùa đông lại đến. Lần này thì chúng tôi được thưởng thức cái rét buốt của Hà nội.
Nàng sắp sửa quay lại Nga.
Chúng tôi đưa nhau đến quán cà-phê trên đường Hồ Xuân Hương. Ngồi co ro trong sân quán , tôi nắm lấy tay nàng:
- Sao em lại bỏ đi?
- Đây là cơ hội cho em nâng cao kiến thức - Nàng tìm cách rút tay về.
- Em cần nhiều kiến thức về mớ ngô, khoai, sắn để làm gì? - Tôi hỏi nàng.
- Chúng ta đã nói chuyện về vấn đề này rồi - Nàng trả lời tôi.
Tôi yên lặng. Bỗng tôi nhận ra rằng bên tôi càng ngày nàng càng trở nên ít lời...
Tiễn nàng ra sân bay, tôi bảo nàng:
- Nhớ viết thư đều cho anh.
Nàng yên lặng.
- Ô, chào Lan, bạn cũng đi chuyến này à? Xin lỗi, chào anh - Một chàng trai mặc cái áo gió cũn cỡn như xin được của ai, nụ cười dễ mến phá tan bầu không khí im lặng giữa tôi và nàng - Bọn mình tập trung trên bộ Đại học mà không thấy bạn đâu. May quá, mình không quen biết ai ở Mátxcơva cả.
- Thôi em đi đây - Nàng nói với tôi. Tôi nhìn nàng. Mắt nàng ngấn nước.

Tôi viết thư cho nàng một lần, hai lần, ba lần..., nàng không trả lời. Đến lá thư tôi viết cho nàng:
...Hãy cho anh biết anh đã làm gì sai khiến em đối xử với anh như vậy?
Tôi nhận được thư nàng. Khỏi phải nói tôi sung sướng hồi hộp thế nào khi bóc thư. Nàng viết:
"...khi người ta cô độc một mình, thì cảm giác cô đơn dễ chịu hơn nhiều cái cảm giác cô đơn khi có một người nghĩ là thân yêu bên cạnh. Bên anh, để anh khỏi bực mình, em không còn là em nữa. Em có cảm giác như đã đánh mất bản thân mình ở đâu đó. Em là em, và em không muốn em phải giống người khác. Em không có những cái để anh thích, mà em chỉ làm anh khó chịu thì chắc anh không yêu em.
Em không đòi hỏi anh phải tế nhị, chiều em như anh Sơn hay ai khác... Em yêu anh bởi những cái của riêng anh, cả hay lẫn không hay. Anh sẽ không cần một người bạn đời như em. Chúng ta sẽ không có được hạnh phúc khi sống bên nhau...anh chưa bao giờ muốn tìm hiểu xem em nghĩ gì, mơ ươc gì. Với anh cái quan trọng là cái anh nghĩ, cái anh muốn...
Mọi chuyện đã thành kỷ niệm, có lẽ đẹp nhưng buồn. Cho em xin lỗi vì không trả lời thư anh ngay.
Chúc anh mọi điều tốt lành.
Lan "
Tôi đọc bức thư có đến hàng trăm lần. Tôi trách mình ngu xuẩn. Tôi đã làm gì với nàng vậy?
Nàng nào có được nghe lời nào âu yếm ở tôi? Chưa bao giờ tôi động viên nàng, trong công việc cũng như trong cuộc sống...
Còn nàng, nàng luôn động viên tôi. Khi thí nghiệm của tôi thất bại, nàng an ủi:
-... làm sao mà thí nghiệm một lần thành công được, chuyện bình thường, anh xem lại một chút là tốt thôi.
Rồi khi tôi bị thằng Azecbajan xù mất mớ hàng :
- Buôn bán được thua là chuyện bình thường, của đi thay người mà, anh. Trong buôn bán không mất vì lừa đảo, thì vì thiên tai địch hoạ...tiền cứ vào không ra thì cũng không tốt gì. Anh có cần tiền để lấy hàng không? Mẹ vừa gửi hàng sang cho em, em có tiền đây..."
Cứ thế, bên nàng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc, yên ổn. Vì nàng luôn bên tôi trong thành công cũng như thất bại. Những lúc tôi cảm thấy mình bên bờ vực, thì cánh tay nhỏ bé của nàng lại chìa ra cho tôi...
Tôi vội vàng viết thư cho nàng, tôi thanh minh, tôi xin nàng tha lỗi . Nàng không trả lời.
Tôi lăn ra ốm. Thư và Sơn dến thăm tôi. Sau khi cưới nhau hai đứa đã ra ở riêng . Thư bảo tôi:
- Việc gì anh phải nghĩ ngợi. Nó bỏ đi kệ nó. Trên đời này thiếu gì đàn bà, con gái.
Tôi đưa thư của nàng cho Thư. Đọc xong nó thở dài nhìn tôi:
- Nói thật là anh dễ gì mà gặp được tiên như Lan. Nó hay đến mức em còn mê tít. Em chỉ sợ anh Sơn bỏ em theo nó.
Sơn nhìn tôi cười méo mó. Sơn bảo tôi:
- Sao ông không cưới Lan, rồi để em đi. Em Lan thì chẳng đời nào bỏ chồng cả, chứ không như em gái ông.
- Cái gì? Thư gầm lên. Nhưng mà như các ông thì cũng đáng bỏ lắm - Nó dằn giọng.
Sơn tái mặt hoảng hốt. Tôi nhìn nó phì cười.
Phải, tại sao tôi không cưới nàng. Tại sao chưa bao giờ tôi nói với nàng về hôn nhân. Thậm chí chưa bao giờ tôi nói với nàng cái câu ba từ tôi định nói khi hai đứa ở trên đỉnh nhà thờ Ixakievxki. Nàng không tin  tôi, đối với nàng tôi không phải là chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời nàng...
- Anh ngốc lắm. Thư thì thầm.
Tôi gật đầu. Lần đầu tiên trong đời, tôi muốn khóc, mà không sao khóc được.

Ba năm trôi qua kể từ khi tôi tiễn nàng ra sân bay Nội bài. Thư và Sơn đem con xuống chơi với bố mẹ tôi. Nó báo cho tôi là nàng đã lấy chồng:
- Lan lấy cái tên sang nghiên cứu sinh cùng nó.
- Có phải là cái cậu da ngăm ngăm, cười rất hiền không? - Tôi hỏi lại.
- Sao anh biết? - Thư tròn mắt.
- Anh gặp cậu ta hôm đưa Lan ra sân bay. Cậu ta có vẻ nghèo, mà Lan vốn thương người - Tôi trả lời.
Em gái tôi nhìn tôi thở dài.
Rồi công việc đưa tôi đi khắp nơi. Tôi có gặp gỡ một vài cô gái, nhưng đi với họ tôi lại nhớ đến nàng. Nhớ lúc nàng giấu mặt vào cổ áo tôi, vùi người vào trong lòng tôi, ôm cổ tôi, thì thầm và hôn vào tai tôi...
Cái bóng của nàng trong tôi quá lớn, tim tôi không còn chỗ cho ai.

Mười năm thấm thoát trôi qua. Nghe tin nàng đem con về chơi, tôi phóng xe đến khu tập thể Giảng Võ nhà nàng ngày xưa. Mẹ nàng tươi cưòi đón tôi:
- Sao, bao giờ cho cô ăn kẹo đây.
- Dạ, kẹo lúc nào cháu cũng sẵn. - Tôi cúi đầu chào bà, mắt đưa vào trong nhà.
- Lan ra ngoài mua sữa, chắc về bây giờ đây. - Mẹ nàng như đọc được ý nghĩ của tôi.
- Cho em mượn cái đèn pin. - Giọng một đứa bé gái đầy nước mắt cất lên
- Không. Giọng bé trai .
- Hu..hu... cho em mượn, cho em...hu..hu...cái đèn cơ...hu..hu ... - Lại giọng bé gái.
Lòng tôi se lại. Đáng lý ra chúng phải là con của tôi.
- Cô xin lỗi tý nhé, hai đứa nhỏ của Lan chành choẹ nhau cả ngày. Trẻ con mà. - Mẹ nàng cười với tôi.
Cửa mở. Lan bước vào. Nàng sững lại, cái miệng bé nhỏ của nàng há hốc. Nàng đẹp ra nhiều.
Tôi đứng lên:
- Chào em.
Nàng yên lặng mấy giây, rồi cất tiếng:
- Chào anh, anh khoẻ không?
- Anh bình thường, còn em? Tôi hỏi.
Mẹ nàng bước ra, nàng đưa cả đám túi lỉnh kỉnh cho bà. Bà vào trong một lát rồi quay ra tay dắt hai dứa nhỏ, chúng có đôi mắt của nàng. Đôi mắt ấm áp tình người. Bà bảo nàng:
- Mẹ cho hai đứa lên nhà bác Phi chơi với mấy đứa nhỏ trên ấy.
- Vâng, con cám ơn mẹ - Nàng mỉm cười với bà.
Lòng tôi chợt thắt lại. Cái giọng nói quen thuộc, cái giọng nói đã mê hoặc tôi hơn mười năm trước .
Tôi hỏi vế cuộc sống của nàng.. Tôi ngạc nhiên thấy nàng cởi mở, linh hoạt và rất tự tin, không quá khiêm tốn như xưa kia.
Tôi hỏi thăm chồng nàng. Nàng nói chồng nàng làm việc ở Viện Đúp-na, không về phép cùng mẹ con nàng được. Nàng hỏi về công việc của tôi. Tôi kể chuyện tiếu lâm tôi nhặt được khắp năm châu cho nàng nghe. Tôi mong thời gian đừng trôi.
Mẹ nàng dắt hai đứa nhỏ trở về. Tôi đứng dậy chào bà và xin phép về. Nàng tiễn tôi ra cửa.
- Cho phép anh đến thăm em được không? - Tôi hỏi nàng.
- Tất nhiên là được rồi- Nàng mỉm cười, cái nụ cười quen thuộc. Tim tôi nhói lên.
- Anh phải đi Angiêri một tháng. Về anh sẽ qua ngay - Tôi nói.
- Vâng. Nàng trả lời. Cái tiếng "vâng" quen thuộc tôi được nghe dễ đến ngàn lần có lẻ.
Một tháng dài lê thê cuối cùng cũng kết thúc. Về nhà chỉ kịp tắm rửa, tôi phóng xe đến nhà nàng. Lại mẹ nàng ra mở cửa cho tôi:
- Cháu có khoẻ không? - Bà cười hỏi.
- Cám ơn bác, cháu khoẻ ạ. - Tôi trả lời bà và mắt lại đưa vào nhà trong.
- Cháu ngồi xuống đây, uống trà nhé, thuốc lá đây. - Bà bảo tôi.
Tôi thấy bồn chồn. Giọng bà trầm xuống:
- Lan đã đi rồi cháu ạ. Sau lần gặp cháu nó ốm liệt giường hai tuần. Thôi, cháu đừng tìm cách gặp nó nữa. Hãy để cho nó được yên. Ván đã đóng thuyền rồi cháu ạ.
Tôi chào bà ra về. Từ tầng trên vọng ra tiếng hát của Lionel Richie:
I can see it in your eyes
I can see it in your smile
You're all I've wanted...
Tôi như đi trong sương mù. Cổ họng tôi tắc nghẹn. Giá mà tôi khóc được...

(LD 05/2004)
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Flamingo đã viết:
Kỷ niệm

Chuyện hoàn toàn hư cấu, mọi sự trùng lặp chỉ là ngẫu nhiên
Sao lại phải "xây hàng rào" trước thế này nhỉ?! :P
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Flamingo

Nguyệt Thu đã viết:
Flamingo đã viết:
Kỷ niệm

Chuyện hoàn toàn hư cấu, mọi sự trùng lặp chỉ là ngẫu nhiên
Sao lại phải "xây hàng rào" trước thế này nhỉ?! :P
Hic, nếu không bà con nào thấy giống bổn thân kiện cho thì...sập tiệm há.
:-$
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Cũng có nhìn thấy chút chút rồi đấy. Flamingo cẩn thận thật không thừa!
Thanks lắm lắm :)
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Tuyệt vời! Sao Flamingo không cho in nhỉ? Mình cũng nghĩ như HXT, LD cẩn thận...không thừa. Mà có từ gì hay hơn từ tuyệt vời không nhỉ? Vì ĐN chỉ khen được đến thế thì... bí từ quá.Trươc mắt sẽ kiện về chuyện khiến người khác chỉ định vào TV một tý thôi thì rút lui (3 đêm rồi gần như thức trắng trong bệnh viện) vậy mà vào đây đọc rồi...không dứt ra được. Còn chuyện khác thì chắc sẽ có người có í kiến sau...
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Em cũng vừa từ viện về đây. :(
Lo lắng quá. Và sợ nữa. Ốm đau, bệnh dịch, ăn uống ko sạch và giáo dục... là những nỗi lo lớn và là nguyên nhân cản trở người ta trở về TQ, hu hu
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

NanLan

@Flamingo,
Lần sau anh đâu cần phải rào trước đón sau, đọc câu rào em đã buồn cười rồi.

Không thể nói khác được, em cũng thấy truyện này thật là tuyệt. Đọc đoạn trên mà thì thoảng cười khách khách một mình vì văn phong hài hước dí dỏm của Flamingo.
Lúc này em đang hình dung ra chàng Thắng khi nhìn thấy cô em gái mặc chiếc váy xanh mắt vừa chạy lên trán xong thì lại ngay lập tức môi trễ tận rốn khi thấy Lan mặc váy đỏ. Hiiiii em đang chết vì cười. Rồi còn bấm ra hột ra hạt nữa:d, đọc đến đây em lại hình dung ra cảm giác bực mình khi ăn phải hạt đỗ mà bấm được ra hạt....rồi nhả xơ....

Đoạn sau thấy Lan làm thế cũng hơi dại. Nàng yêu Chàng thế cơ mà. Khúc mắc tí chút mà không nói ra để chàng sửa hoặc ít ra cũng cho chàng có cơ hội chứ nhỉ. Đằng này, bụp cái, xong. Chia tay. Nói chia tay là chia tay được. Vội vàng quá. NHưng mà có lẽ Lan cũng hối hận chút chút nhỉ?
Có ai quay lại mùa Thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Flamingo

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:
Cũng có nhìn thấy chút chút rồi đấy. Flamingo cẩn thận thật không thừa!
Thanks lắm lắm :)
Chàng giống hay nàng giống...chút chút...hay cả hai :-$

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:
Em cũng vừa từ viện về đây. :(
Lo lắng quá. Và sợ nữa. Ốm đau, bệnh dịch, ăn uống ko sạch và giáo dục... là những nỗi lo lớn và là nguyên nhân cản trở người ta trở về TQ, hu hu
Nguy thật, oả nhà ốm kinh lắm hả. Cúm các thể loại thì đến cửa nhà ai nhà ấy chịu tội vậy.
Còn vệ sinh an toàn thực phẩm nó loạn cào cào thế hay ta bắt chước anh Tàu tập...ăn "bửn" vậy.
Muốn phòng dịch phải tiêm chủng, muốn tránh độc thì uống thuốc độc từ từ. Khoản này hiệu nghiệm nhá. FL thử rồi, giờ bụng dạ cực kỳ. Đi đâu cũng ăn vô tư. :D
Bên này bà con lăn đùng lên heaven vì các loại cúm cũng không ít. Uống thuốc bổ phòng sẵn vậy.
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Flamingo

Đồ Nghệ đã viết:
Tuyệt vời! Sao Flamingo không cho in nhỉ? Mình cũng nghĩ như HXT, LD cẩn thận...không thừa. Mà có từ gì hay hơn từ tuyệt vời không nhỉ? Vì ĐN chỉ khen được đến thế thì... bí từ quá.Trươc mắt sẽ kiện về chuyện khiến người khác chỉ định vào TV một tý thôi thì rút lui (3 đêm rồi gần như thức trắng trong bệnh viện) vậy mà vào đây đọc rồi...không dứt ra được. Còn chuyện khác thì chắc sẽ có người có í kiến sau...
Huynh động viên làm đệ lại mất công...ra sức cố gắng cho mọi sự nó...hảo hảo hơn. :D
Đây là tác phẩm đầu tay của đệ ủng hộ một cái oép cách đây dăm năm(bây giờ nó thường xuyên mẻo). Đệ quẳng vào đó cũng chẳng buồn save lại đâu đó hôm vừa rồi tưởng tiêu luôn cùng cái oép nọ :))
Hồi ấy đệ cũng bị một Lady...dụ khị vào ủng hộ phong trào. :-$
Thế nên huynh hỏi sao không in truyện, đệ tý gọi 911 ( số cấp cứu tại Mẽo).
Đệ vẫn ...tâm sự cùng Nguyệt Thu là bao giờ về già thất nghiệp, tay chân lẩy bẩy, chỉ đủ sức gõ bàn phím sẽ trau chuốt văn vẻ lừa...thiên hạ kiếm tiền :-$:D
Huynh ở viện truyền nhiễm hay viện thường vậy? Bên này cúm, sốt cũng kinh, nhưng dân chúng chả buồn đeo khẩu trang như ở ta. Hay ở ta chỉ đeo khẩu trang chống bụi???

Phòng chống các loại cúm huynh uống các loại Vitamin (tổng hợp) sẵn . Cúm virut theo đệ biết chưa có thuốc đặc trị. Cứ theo kiểu ốm no bò dậy . Kháng thể của ai kém là sẽ có vấn đề.
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 44 trang (435 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [22] [23] [24] [25] [26] [27] [28] ... ›Trang sau »Trang cuối