Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [17] [18] [19] [20] [21] [22] [23] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Người đi trước

* RỪNG THÔNG



Chị là chủ một nhà sách nhỏ trên khu phố sầm uất nhất thành phố. Nhà sách của chị như một thư quán, khang trang và sạch sẽ. Một buổi chiều, một phụ nữ nhỏ hơn chị vài tuổi ngập ngừng trước cửa nhà sách. Cô e ngại đưa ra một tập thơ của chính cô in và nhờ chị bán giùm. Chị vui vẻ nhận lời với chiết khấu chỉ 55%.

Một tháng sau, cô nhà thơ trở lại xem tình hình và thật vui khi biết chị đã bán giùm cô hết năm mươi quyển thơ. Cô vui vẻ nhận tiền. Cảm giác sung sướng lâng lâng khi cô biết thơ mình đã đến được tay người yêu thơ.

Bạn bè của chị chủ nhà sách biết hết mọi việc. Chị đã cất công đi chào “hàng” giùm cô nhà thơ. Chị đã ”cho luôn” độc giả cũng như các nhà sách bạn 55% chiết khấu, chỉ để tập thơ bán được. Các bạn chị cho rằng chị làm chuyện “ruồi bu”, làm “công quả”, nhưng cô nhà thơ nào biết.  

Và cả bạn bè cũng như cô nhà thơ đều không biết là ba mươi năm trước, chị nhà sách cũng từng mang bản thảo đến một nhà xuất bản để xin in quyển tiểu thuyết đầu tay.  Một gáo nước lạnh tạt vào mặt chị khi giám đốc nhà xuất bản chế giễu: “Chưa tiếng tăm gì in chi quyển sách này. Tiền mất tật mang và còn mang tiếng nhà xuất bản của chúng tôi nữa”.

Thuở đó, chị bỏ tiền mình cày cục làm việc là một giáo viên để in quyển truyện đầu tay, để làm điều chị thích. Thế nhưng, chị đã thất bại bằng sự lạnh lùng của nhà xuất bản lẽ ra có thể đưa tay giúp chị một phần nào. Chị đã bỏ về trong sự thất vọng ê chề. Chị tự hứa nếu sau này có điều kiện, chị sẽ mở rộng tay đón nhận những cây bút mới như chị ngày trước. Chị bỏ mất ước mơ văn chương, tiếp tục dạy học đến ngày về hưu rồi mở nhà sách như hôm nay. Tập bản thảo ngày xưa chẳng biết chị để đâu trong ngôi nhà thênh thang ba mẹ chị để lại.

Thế nhưng hôm nay, chị tự cho mình là người đi trước, đã ngã quỵ nhưng kịp đứng lên và phải đưa tay nâng đỡ những người khác. Những người trót yêu văn chương và từng mơ tác phẩm của mình nằm trên một kệ sách nào đó, khiêm tốn giữa chốn phồn hoa này...  
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhiếp ảnh Việt Nam và những ngộ nhận

* TRƯỜNG THÀNH
(Báo Tuổi Trẻ)



Từ ngày 1 đến 8-8 tới đây, Đại hội FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế) lần thứ 30 sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đây cũng là cơ hội để hiểu rõ hơn về một sân chơi rất quen thuộc và tạo ra không ít ngộ nhận ở VN gần 20 năm nay.

Kể từ năm 1991, khi Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN trở thành thành viên của FIAP, đã có nhiều ngộ nhận về giá trị những giải thưởng FIAP, tước hiệu FIAP mà các nghệ sĩ VN đoạt được, cũng như ảnh hưởng của FIAP đối với nhiếp ảnh thế giới.

Tính nghiệp dư của FIAP

FIAP là tên viết tắt của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế, tiếng Pháp: Fédération Internationale de l’Art Photographique. Hoạt động nhiếp ảnh của liên đoàn chỉ là một kiểu chơi tài tử, không phải là một nghề. Trên trang web của FIAP có ghi: “Nhiếp ảnh nghiệp dư xuyên thế giới” - La photographie amateur à travers le monde.

FIAP là tổ chức phi chính phủ, phi chính trị, phi lợi nhuận. Hiện FIAP có 100 hiệp hội các nước thành viên ở năm châu lục, trong đó có VN. Ngoài một trang web www.fiap.net, mãi tới tháng 4-2006 FIAP mới có trụ sở chính là 37 Chanzy, 75011 Paris, Pháp. Tính đến nay VN có hơn 160 nghệ sĩ nhiếp ảnh được FIAP phong các tước hiệu: Hon.E FIAP, ES.FIAP, E. FIAP/b, E.FIAP, A. FIAP và có một nghệ sĩ nhiếp ảnh mới được phong M.FIAP.

Phạm vi của một sân chơi “tài tử”

Thông qua những cuộc thi ảnh nghệ thuật do FIAP bảo trợ, thấy rõ một khoảng cách về uy tín và “quyền lực” so với các cuộc thi ảnh nghệ thuật của các tổ chức và tập đoàn nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, nhiếp ảnh nói riêng. Vì FIAP là “nhiếp ảnh nghiệp dư xuyên thế giới” nên các cuộc thi do FIAP bảo trợ hướng về những vẻ đẹp chung chung, mang tính nhân văn nhưng không có tác động, ảnh hưởng nhiều đến xã hội... Ảnh hưởng, uy tín của FIAP không ra ngoài phạm vi một sân chơi ảnh nghệ thuật lớn mang tính nghiệp dư của những tay máy tài tử.

Các nghệ sĩ M.FIAP mà VN ta quen gọi là “bậc thầy” (dịch từ chữ master) , tiểu sử cho thấy họ đều là những kỹ sư, bác sĩ coi nhiếp ảnh là thú vui tài tử, không phải là mục đích sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp. Tác phẩm của họ cũng không hề có tên trong các bảo tàng nghệ thuật đương đại nổi tiếng thế giới của Chicago, New York, MOMA (Mỹ), Tate (Anh)...

Các cuộc thi của FIAP cũng không hề được nhắc đến trong các tạp chí nhiếp ảnh nổi tiếng như Rangefinder, Photo District, Picture Magazine, Communication Art (Mỹ), Creative Review (Anh), Eyemazing (Hà Lan), Zoom (Nga)... Tóm lại, ảnh hưởng của FIAP không có gì đáng kể trong nền công nghiệp nhiếp ảnh thế giới.

Ngược lại, các cuộc thi ảnh danh giá trên thế giới đều có phân biệt rõ chuyên nghiệp và nghiệp dư, với mục đích hướng các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư phấn đấu thành chuyên nghiệp và đưa các tài năng nhiếp ảnh chuyên nghiệp ra ánh sáng.

Sony World Award Photography (Anh) phân ra giải nhất khu vực chuyên nghiệp là 25.000 USD, nhưng nghiệp dư chỉ có 5.000 USD. Các cuộc thi khác của IPA (Mỹ), PX3 (Pháp), cuộc thi sáng tạo London, cuộc thi hằng năm của các trung tâm nghệ thuật đương đại lớn của Anh, Mỹ, các tạp chí nghệ thuật hàng đầu Mỹ như NY Art Magazine, Color, Popular Photography, American Photo..., các hội chợ, liên hoan ảnh danh giá như Foto Espana (Tây Ban Nha), Arles (Pháp) đều có tầm ảnh hưởng và quy mô vượt xa FIAP. Trong các cuộc thi đó, giám khảo đều là những nhà giám tuyển (currator), nhà nhiếp ảnh, giám đốc hình ảnh - mỹ thuật, sáng tạo từ các tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới.

Về thực chất FIAP không phải là thước đo trình độ, đẳng cấp của những nhà nhiếp ảnh. Tước hiệu được phong của FIAP cũng chỉ có giá trị trong khuôn khổ sân chơi FIAP. Và điều quan trọng là FIAP không có “lực hút” đối với truyền thông quốc tế, cũng như tạo ảnh hưởng đến các xu thế ảnh nghệ thuật thế giới.

Ngộ nhận về thành tích

Không phải nghiệp dư là kém, nhưng nghiệp dư không phải là chuyên nghiệp. Ở đây chuyên nghiệp không chỉ hơn nghiệp dư ở chỗ thu nhập chính là từ nhiếp ảnh, mà còn có nghĩa tay nghề phải đạt mức chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp về ý tưởng, về khả năng thực hiện để tạo ra những tác phẩm có giá trị cao, tác động mạnh mẽ tới xã hội...

Thế nhưng suốt gần 20 năm nay, kể từ khi Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN là thành viên của FIAP cùng hàng ngàn giải thưởng trong các cuộc thi do FIAP (và PSA - Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ, cũng là một tổ chức nghiệp dư) bảo trợ, rất nhiều sự ngộ nhận về thành tích nhiếp ảnh nghệ thuật VN, đánh đồng thành tích ở FIAP với thành tích thế giới, đẳng cấp quốc tế.

Có hai giải thưởng quốc tế danh giá hằng năm về nhiếp ảnh được giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp đánh giá cao là giải ảnh của Tổ chức World Press Photo (Hà Lan) và giải ảnh báo chí Pulitzer (Mỹ) lại ít khi được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN nhắc đến như một mục tiêu để nhiếp ảnh VN phấn đấu hướng đến. Chúng ta có nhiều nghệ sĩ đoạt hàng trăm giải quốc tế, nhưng tất cả đều là giải thưởng FIAP (và PSA). Trong báo cáo thành tích các nhiệm kỳ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN cũng mang giải thưởng FIAP (và PSA) làm thành tích nổi bật, đánh giá chất lượng của ảnh nghệ thuật VN. Ảnh đoạt giải của một nhiếp ảnh gia đoạt hàng trăm giải quốc tế phần lớn cũng chỉ quanh quẩn các đề tài về người già - trẻ em Tây nguyên, trẻ em chơi trên đồi cát...

http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/728/435728.jpg

Việc thông tin không chính xác về giải thưởng FIAP (và PSA) đã khiến rất nhiều người và ngay cả một số vị lãnh đạo, quản lý trong ngành văn hóa nghệ thuật cũng bị ngộ nhận về thành tích nhiếp ảnh nghệ thuật của VN, trong khi thực chất vị trí ảnh nghệ thuật VN còn rất khiêm tốn trong khu vực, cũng như giá trị và ảnh hưởng còn ít ngay cả trong đời sống văn hóa nghệ thuật VN.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Viết tiếp bài "Nhiếp ảnh VN và những ngộ nhận":

Cuộc sống qua... vỏ trái cam

* CÔNG ANH
(Báo Tuổi Trẻ)



Đến dự một buổi khai trương triển lãm ảnh chủ đề Việt Nam, đất nước và con người tại 29 Hàng Bài, Hà Nội do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN bảo trợ và tổ chức, một nữ nhiếp ảnh gia Thụy Điển (sau khi đi xem hết một vòng triển lãm), trong phần giao lưu với các nhà nhiếp ảnh VN đã có một phát biểu gây sốc.

Nhà nhiếp ảnh Thụy Điển thẳng thắn nhận xét cảm nghĩ của bà bằng một câu ví von: “Cuộc sống con người, đất nước các bạn thật thú vị và hấp dẫn, làm tôi thèm muốn được khám phá như muốn được thưởng thức một trái cam chín mọng. Nhưng qua cuộc triển lãm này cũng như qua một vài cuốn sách ảnh của các cuộc thi ảnh trước đây ở VN mà tôi đã được xem, thật lòng tôi có cảm giác nhiếp ảnh của các bạn mới chỉ cho người xem cái vỏ bên ngoài của trái cam.

Với tư cách là một người xem, tôi thật sự tò mò muốn được biết, muốn được thưởng thức bên trong trái cam bằng một lát cắt, để từ đó tôi có thể nhận biết được vị ngọt hay chua của nó... Hay nói một cách khác, những bức ảnh này mới chỉ thể hiện cái vỏ bên ngoài của cuộc sống, mà chưa cho người xem cảm nhận được hết cuộc sống thực của đất nước, con người VN hôm nay...”.

Càng già, càng khổ “càng tốt”

Nhìn lại nhiếp ảnh VN gần 20 năm qua vẫn nặng tính hình thức và phong trào. Có thể liệt kê ở đây mấy thể loại ảnh thường xuyên lặp lại.

Với chân dung con người, các nhà nhiếp ảnh VN thường đi sâu khai thác những khía cạnh nghèo khổ, người trong ảnh càng già, càng khổ “càng tốt”. Cũng vì vậy, người xem đã quá quen với những bức ảnh về một bà cụ ở Bảo Lộc, Lâm Đồng ngồi hút thuốc bên cạnh một cháu bé mắt mở to, hay một vài gương mặt cụ bà người Dao Đỏ ở Tả Phìn, Sa Pa ngồi bên bếp lửa thêu thùa...

Trước đây, trong một thời gian dài, hầu như cuộc thi ảnh nghệ thuật nào cũng đều thấy xuất hiện thể loại ảnh này của các tác giả khác nhau, chụp vào các thời điểm khác nhau nhưng đều giống nhau một kiểu bố cục, nội dung. Thậm chí cho tới tận nay, thể loại ảnh này vẫn đoạt giải thưởng tại những cuộc thi của FIAP ở đâu đó.

Với ảnh đời thường, các nhà nhiếp ảnh VN thường khai thác quanh các làng nghề truyền thống, các thôn nữ hay người già gồng gánh đi trên đường làng với các chú thích đơn điệu như: Mẹ tôi, Lối về, Hoa nắng, Hoa đất, Hoa thép, Hoa muối...

Thể loại ảnh phong cảnh thì không thể thiếu hình ảnh ruộng bậc thang, nhà sàn, trình tường của các vùng núi phía Bắc. Ảnh được chụp theo công thức tiền cảnh là hoa đào, hoa mận, phía sau là vài nếp nhà, mấy cô thiếu nữ dân tộc áo quần sặc sỡ cầm ô đi vào 1/3 khuôn hình.

Những cầu khỉ, đồi cát, ghe thuyền cùng với vài thiếu nữ áo dài thướt tha cũng là những môtip ảnh được các nhà nhiếp ảnh VN chụp đi chụp lại đến quá quen, trở thành nhàm chán trong các cuộc thi nhiều năm qua.

Na ná, đèm đẹp và giậm chân tại chỗ

Mặc dù các giải thưởng của FIAP vẫn trao ầm ầm cho các tác giả VN, vẫn liên tiếp có nhiều tác giả được lên hạng A, E, M Vapa hoặc A, E, M Fiap. Thứ bậc này đầu tiên do FIAP đặt ra, sau này Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) VN cũng lấy theo đó để đặt mức hạng cho hội viên của mình. Nhưng tại sao nhiều năm qua nhiếp ảnh VN vẫn giậm chân tại chỗ không tiến xa được?

Có thể nói nhiếp ảnh của chúng ta hiện nay như đang bị sa lầy vào hiện tượng “sân khấu hóa cuộc sống”. Các tác giả quá câu nệ, mải mê vào sắp đặt bố cục, đường nét ánh sáng, áp đặt ý đồ chủ quan vào tác phẩm nên đã bỏ qua cảm xúc của mình khi đứng trước cuộc sống con người đang diễn ra.

Chính vì điều này nên từ lâu người xem chỉ được thấy những bức ảnh đèm đẹp về bố cục, ánh sáng nhưng thiếu chiều sâu tâm hồn của các nhân vật trong ảnh, thiếu những yếu tố bất ngờ rung động từ cuộc sống đang sôi động hôm nay.

Và càng không thể lưu giữ cho thế hệ mai sau những bức ảnh chỉ đẹp về hình thức mà thiếu tính chân thực của cuộc sống bằng cách đi thuê mấy bộ áo tứ thân, mớ ba mớ bảy cùng mấy cô người mẫu chèo thuyền trên đầm sen, mặc áo dài đi qua đồi cát, hay thuê mấy em bé ở Tây nguyên cởi đồ tắm suối cho thêm phần “hoang dã”, gây lạ mắt với ban giám khảo nước ngoài trong các cuộc thi của FIAP.

Con đường đổi mới và dấn thân

Nếu ví nhiếp ảnh là một con đường thì trên đường đó có rất nhiều nhánh nhỏ, có nhiều thể loại để các nhà nhiếp ảnh tha hồ cũng như có quyền chọn lựa con đường phù hợp với năng lực và đam mê của mình.

FIAP cũng là một kiểu chơi, mà ở đó họ thừa nhận đây chỉ là sân chơi của những amateur (nghiệp dư) mà thôi. Nhưng có một con đường chính thống của nhiếp ảnh là bám sát từng bước nhịp sống của xã hội để phản ánh, thì ở đây nhiếp ảnh của VN nhiều năm qua vẫn chưa làm tốt, chưa xứng tầm với nhu cầu đòi hỏi của xã hội.

Chúng ta cũng nói nhiều về đổi mới nền nhiếp ảnh VN qua nhiều hội thảo ở các kỳ đại hội của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, nhưng xem ra việc đổi mới vẫn chỉ ở lời nói, chứ qua chất lượng các đợt thi ảnh gần đây vẫn thấy đổi mới chẳng được bao nhiêu. Một khi các thành phần ban giám khảo vẫn giữ tư duy cũ, lấy FIAP làm thước đo cho các tác phẩm thì còn khó có sự đổi mới thật sự. Người dự thi sẽ còn tiếp tục gửi những kiểu ảnh theo gu của ban giám khảo để mong được giải.

Vậy còn vai trò của người sáng tạo? Việc các nhà nhiếp ảnh chạy theo quá nhiều các cuộc thi ảnh, chạy theo các giải thưởng do hội hay do FIAP tổ chức liên tục hằng năm ở trong nước và nước ngoài, cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm ảnh.

Nhiếp ảnh VN đang cần có thêm nhiều hơn nữa những cá nhân dám dấn thân, đầu tư thời gian theo đuổi các đề tài cá nhân, dám phá cách tìm tòi những phong cách ảnh riêng.

Thói quen của các nhà nhiếp ảnh của ta là thường thích tổ chức đi chụp từng nhóm đông, và thường chọn các thời điểm như vào mùa gặt lúa vàng, mùa dẫn nước vào ruộng, mùa cấy mạ (trên các thửa ruộng bậc thang của các tỉnh miền núi phía Bắc) hay mùa hoa đào, hoa mận... Các điểm tổ chức lễ hội cũng là nơi thường gặp nhiều nhất các tay máy đến “sáng tác” chuẩn bị cho các kỳ thi ảnh tiếp theo.

Chính với cách chụp như vậy, việc công chúng phải xem đi xem lại những bức ảnh na ná nhau, đèm đẹp và giả tạo là điều không có gì lạ.

http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/731/435731.jpg

Việc đề cao các giải thưởng, tước hiệu của FIAP đã làm nhiều người trong xã hội bị ngộ nhận về các giá trị thực của những tác phẩm nhiếp ảnh. Lấy “thành tích” các tấm huy chương hằng năm, mà trong đó chủ yếu là của FIAP, để ngộ nhận VN là một cường quốc về nhiếp ảnh so với thế giới.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành

http://sgtt.vn/Uploads/Images/c/78b/c78b6853b3177c0af9199e44a03712cf.jpg



SGTT - Viện Nghiên cứu văn sử đại học Phục Đán (Trung Quốc) và viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam vừa cho ra mắt bộ sách Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (toàn tập văn chương chữ Hán của người Việt Nam làm khi sang Bắc Kinh) với 25 tập sách khổ lớn, tổng cộng gần 10.000 trang.

Như tên sách, đây là công trình tập hợp toàn bộ thơ, văn, ký sự của các sứ giả Việt Nam từ đời Trần đến nhà Nguyễn làm ra khi đi sứ Trung Quốc, như Nguyễn Trung Ngạn, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Lý Văn Phức, Nguyễn Văn Siêu...

Cuốn sách được hai viện thực hiện trong suốt hai năm này có giá bán 15.000 nhân dân tệ (khoảng 40 triệu đồng).

PHẠM HOÀNG QUÂN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trích phóng sự ảnh:

Đến hè là ta đi tu

* LÊ QUANG NHẬT



SGTT.VN - Khoá tu mùa hè là một hoạt động thường niên tổ chức tại chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Năm nay là năm thứ sáu với số lượng học viên tham dự trên 6.000 đến từ khắp các tỉnh thành trong nước, khiến chư tăng chủ toạ chùa Hoằng Pháp buộc phải tổ chức thành hai khoá tu liên tiếp, mỗi khoá khoảng 3.000 học viên.

Các học sinh, sinh viên tham dự khoá tu này trong bảy ngày sẽ cách ly hoàn toàn với gia đình và xã hội hiện đại, không sử dụng internet, không điện thoại di động, máy nghe nhạc, không chơi game điện tử, không xem truyền hình...

Họ được hướng dẫn để cùng sống, học tập và tu dưỡng, thư giãn hoàn toàn tinh thần và thể chất. Cuối mỗi khoá tu, đa số các bạn trẻ được hỏi đều rất thú vị và học được nhiều điều bổ ích cần rèn tuyện cho cuộc sống chính mình. Nhiều bạn cho biết đã thay đổi được lối sống ỷ lại trước đây, hoàn toàn tự mình hoàn thiện các sinh hoạt cá nhân.


http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=110293
Cứ 4 giờ 30 sáng hàng ngày, tất cả các chúng (tên gọi các nhóm khoá sinh của nhà chùa) đều thức dậy theo tiếng kẻng và Phật hiệu đánh thức để rèn luyện sức khoẻ tập thể dục và thực hiện công phu (Phật niệm), nhằm tạo thói quen sống lành mạnh, sảng khoái tinh thần và thể xác cho một ngày, tập từ bỏ thói quen dậy trễ.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=110294
Nhiều bạn trẻ tham gia khoá tu mùa hè, đặc biệt là cả nam thanh thiếu niên, bật khóc khi nghe một thượng toạ thuyết giảng nội dung “Con có biết không” trong giờ pháp thoại. Các bài giảng trong giờ pháp thoại được biên soạn hoà quyện giữa Phật pháp và đời sống, có nội dung gần gũi sinh động khơi gợi lòng yêu quê hương đất nước, sự yêu thương gắn bó của những mối liên hệ ông bà cha mẹ, anh chị em, bạn bè...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ hoang

NGƯỜI TA ĐI TIẾN... CÒN CHÚNG TA THỤT LÙI
Nguồn: http://www.tuanvietnam.ne...oi-ban-viec-sua-hien-phap

Trong bài: Cựu Chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp

Trích 1: Tính hiện đại của Hiến pháp 1946

Điều 21 của Hiến pháp 1946 quy định: "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều 32 và Điều 70".

Điều 32 của Hiến pháp 1946  quy định: "Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tống số nghị viện đồng ý".

Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định: "Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây... Khi được nghị viên ưng chuẩn, phải đưa ra toàn dân phúc quyết".

Những quy định trên đây của Hiến pháp 1946 có nghĩa rằng quyền lập Hiến hoàn toàn thuộc về toàn dân, thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.

Hiến pháp 1946 không có một điều nào, một ý nào quy định quyền lập Hiến thuộc về Quốc hội.

Trích 2: Sự thụt lùi của những Hiến pháp 1959, 1980, 1992

Các Hiến pháp sửa đổi sau này laị quy định Quốc hội có quyền lập Hiến:

Điều 43, 44 và 50 của Hiến pháp 1959 ghi: "Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", là cơ quan duy nhất "có quyền lập Pháp", có quyền "làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp".

Điều 6 của Hiến pháp 1980 quy định: "Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân".

Điều 82 của Hiến pháp 1980 và Điều 83 của Hiến pháp 1992 quy định: "Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất  có quyền lập Hiến và lập Pháp"...

Chúng ta nhận thấy ngay rằng đã có sự thay đổi rất lớn, rất cơ bản về quyền lập Hiến từ Dân đã được chuyển sang Quốc hội.

Câu hỏi đặt ra là ai có quyền chuyển quyền đó? Câu trả lời rõ ràng là chỉ có Dân mới có quyền đó. Song Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập Hiến của Dân sang Quốc hội cả, mà là do chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập Hiến cho mình.
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ hoang

Đỏ là Đảng trị Xanh là DÂN TRỊ === TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI
Nếu có TRƯNG CÂU DÂN Ý, tôi sẽ bỏ phiếu cho XANH... À mà kể cũng LẠ... đám chúng nó lúc nào cũng nói CHẾ ĐỘ TA là DÂN CHỦ vậy mà đến cái luật đơn giản nhất là LUẬT TRƯNG CẦU DÂN Ý cũng không có.

Nguồn: http://boxitvn.wordpress....%E1%BB%9Bi-d%E1%BB%A3t-2/

Đỏ thành Xanh, hay là Đổi mới đợt 2

Đăng bởi bvnpost on 02/08/2010

GS Phạm Xuân Yêm
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhớ bão mưa xưa

* NGUYỄN THỊ THU HUỆ



Đón cơn bão số 1 năm 2010, người đâu biến mất hết. Đường phố rộng, thưa thớt như mùng một tết.

Siêu thị, chợ lớn, chợ nhỏ, trống vắng người mua vì thực phẩm cạn sạch từ hôm trước. Những cửa hàng dọc phố đóng cửa. Những chiếc ôtô tìm chỗ cao để gửi. Tin nhắn điện thoại, email viết vội, nhắc người thân hạn chế ra đường. Thiếu mỗi tiếng loa treo đâu đó đầu đường, cuối xóm trên những cái cột điện, nhắc mọi người “Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Máy bay địch đang đến… đề nghị tất cả già trẻ gái trai xuống hầm trú ẩn” là quay về đúng với ngày xưa.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=110253



Hôm nay, một cơn bão đến, như một trận bom.

Vùi dập, tai hoạ, rủi ro.

Điện sẽ truyền qua nước nên có thể chết ngay khi ở trong nhà mình. Ra đường có khả năng rơi vào hố ga, vũng sâu do đường làm vội, chỉ đợi mưa để mọc vô vàn hố thẳm.

Mưa xối từ trời. Nước dâng từ cống. Đã không biết thoát đi đâu, lại còn bổ sung khối thứ giết người khác. Còi hơi ôtô khiến cả nhà dạo phố giật mình ngã lăn vào gầm xe. Buồng ATM quyến rũ vì chuyên nhả tiền cũng giết được người vì rò điện. Em bé chết trong trường tư thục không đạt chất lượng... Mạng người xứ này mỏng. Một ngày, số người chết do tai nạn giao thông, do băng nhóm xã hội đen xử nhau, do thù vặt cá nhân lên đến vài chục. Xác người giắt gầm cầu, trong xó vườn, mất đầu, mất tay mất chân, cuối sông đầu bãi, cứ như đang nghe một khúc Da vàng mà Trịnh Công Sơn viết thời chiến tranh.

Nhưng đây đang là thời bình kia mà.

* * *

Bão, mưa là chuyện của trời.

Bão mưa đã có từ nghìn đời nay. Và bão mưa không phải đặc sản của riêng đất này để có thể tự hào trước thế giới như món phở.

Nhưng bão mưa của mùa hè 2010 khác xa bão mưa những ngày xưa. Xưa, gió vẫn giật, nước vẫn cứ thế ào ào trút xuống. Có khác, ấy là khả năng dự báo thời tiết đã tiến bộ hơn. Ai không tin dự báo của ta, có thể tìm xem những dự báo nước ngoài vừa chuyên môn vừa tình cảm biếu không trên internet.

Một đời sống hiện đại. Phương tiện hoàn hảo. Thế sao lại nhiều tai ương, và người lại co ro hơn xưa?

Nghe đến bão, đến mưa, là hoảng loạn. Sẽ là ngập trắng đường trắng lối. Không biết sẽ rơi xuống hố, ổ gà nào. Không biết sẽ bị dây điện phố nào rủ toòng teng lâu nay quấn cổ phận mỏng. Nhưng chắc chắn biết là sẽ bì bõm sống trong rác, nước thải âm thầm đâu đó chỉ đợi mưa hơi to, gió hơi lớn là như đoàn quân từ lòng đất đội cống mà lên.

Xưa nghe tin bão, mọi nhà cũng tích trữ can dầu, bơ gạo, túi lạc, vại dưa. Bão đến, nhưng thong dong, chẳng thấy hoang mang. Nay, siêu thị, chợ to chợ bé mọc như nấm sao vẫn thiếu đồ ăn, rau xanh trước bão. Xưa, đường phố nhỏ, trong mưa vẫn nhiều dáng người đạp xe liêu xiêu ngược gió. Nay, bão mưa xa xa chưa về, đường hoe hoắt vắng. Thành phố lặng ngắt như chui xuống hầm trú ẩn tránh bom. Xưa, Hà Nội nghèo, đường phố bé, nhà thấp mái lô xô. Bão mưa về, như tắm rửa cho vạn vật xanh mướt mát. Năm 1985, nước ngập mênh mông gần hết tầng một khu nhà tập thể năm tầng Kim Liên, trẻ con làm thuyền thả, tiếng cười vỡ trong tiếng sóng. Nay Hà Nội giàu, nhà cao tầng bóng kính như ở nơi trời Tây, ôtô đỗ kin kít che hết biển chỉ tên những con phố. Mưa về, ôtô trôi như thuyền giấy. Trẻ con người lớn lẩy bẩy trong nhà.

Bão ngày xưa. Bão ngày nay. Bão vẫn là bão. Mưa vẫn là mưa.

Có chăng, phận người ngày càng mỏng.

* * *

Bão tan. Mưa dứt. Không có tàn phá nào như dự đoán.

Mưa cũng không lớn như dự đoán.

Ấy là nhờ chuẩn bị phòng chống tốt. Đương nhiên rồi. Và, đường phố lại đông. Ai cũng mừng. May quá. Ta còn nguyên. Người thân của ta vẫn toàn thây sau trận bão tử tế. Quét qua nhanh, biến đi nhanh, mà ít tổn thất.

Nhưng vẫn chưa hết sợ. Thêm một lần bão qua, là một lần cắt sâu tâm can đề phòng bất trắc. Phấn đấu một đời, làm thật nhiều để có mọi thứ cũng chẳng thoát lo toan. Bởi bên ngoài cửa nhà mình, tai ương luôn rình đợi.

Một ngày sau cơn bão Côn Sơn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

      Một người cổ xưa còn sót lại


Những chuyện tôi đang viết đây mới chỉ là chuyện của hơn bốn mươi năm về trước. Nhưng nó mang không khí của một thời đã quá xa xăm. Nó như từ những thế kỷ trước. Tôi hoàn toàn tin rằng, nếu bà sống cho đến tận ngày nay, trong thời đại có qúa nhiều biến động và có quá nhiều điều kiện vật chất thì bà vẫn sống như vậy.


Cứ khi nào tôi nghĩ về bà nội tôi thì tôi lại nghĩ đến bà. Tên bà là Xuýt. Bà là em họ của bà nội tôi. Bà lấy chồng ở một làng chỉ cách làng tôi một cánh đồng. Bởi thế, khi bà nội tôi còn sống, bà Xuýt thường lên thăm bà tôi và ở lại chơi có khi đến nửa tháng.

Cũng như bà nội tôi, bà Xuýt là người không biết chữ. Và có lẽ trong cuộc đời của mình, bà không biết đến bất cứ điều gì ngoài một người chị họ là bà nội tôi và một con đường duy nhất trong cuộc đời, con đường chạy từ làng bà qua cánh đồng đến làng tôi. Chưa bao giờ tôi xác định được tuổi của bà. Lưng bà còng và nằm song song với mặt đất. Tôi cũng không hiểu vì sao bà lại bé nhỏ như thế.

Nhiều lúc tôi nghĩ bà chỉ bé bằng một con gà mái. Đoạn đường chạy qua cánh đồng chỉ chừng một cây số nhưng có lần bà đi từ khi gà gáy đến tối mịt mới lên đến nhà tôi. Không phải bà đi chậm mà không nghĩ tới nơi bà đang đến. Thế giới xunh quanh bà đã luôn luôn mời gọi bà ngồi xuống và trò chuyện với chúng cho đến khi nào bà thấy cần phải đứng dậy đi thì thôi.

Tôi đã từng nhìn thấy bà trên con đường chạy qua cánh đồng. Bà đi chậm rãi như một con ốc sên đang bò. Có lúc tôi nghĩ bà là một con ốc sên khổng lồ. Vì lưng bà còng nằm song song với mặt đất nên hình như bà không nhìn về phía trước. Nhưng bà vẫn nhớ từng chỗ rẽ của con đường. Những con đường đã nằm trong trí nhớ bà hay nó là chính bà mà bà không bao giờ lạc đường.

Răng bà đã rụng hết không còn một chiếc nào. Chính vì thế mà mặt bà nhỏ hơn. Một gương mặt kỳ lạ với những nếp nhăn xếp đều từng lớp làm tôi cảm tưởng mặt bà lợp bằng những nếp nhăn đó. Khi ăn cơm, bà không dùng đến đũa. Bà lấy tay vê những hạt cơm thành một viên cơm tròn nhỏ và đưa vào miệng nuốt như người ta nuốt thuốc viên. Bà ăn như một con gà mái ăn từng hạt ngô và chẳng cần mắm muối, chẳng cần thịt cá. Với bà, sự đa dạng của ẩm thực chẳng có ý nghĩa gì.

Đã có lúc tôi nghĩ bà sống bản năng như một đa bào. Nhưng ý nghĩ đó bị đánh gục ngay sau khi tôi nhìn bà ôm bà nội tôi kể những câu chuyện thời nhỏ của hai người và bà biết dùng những lời lẽ thật ngọt ngào để an ủi bà nội tôi khi bà nội tôi bị ốm.

Mỗi lần lên thăm bà nội tôi, bà không bao giờ chịu ngủ trên giường. Tối tối mẹ tôi chuẩn bị giường chiếu cho bà và ép bà lên giường ngủ. Nhưng chỉ sau đó bà lại bỏ giường xuống ngồi ở góc nhà lưng tựa vào tường. Bà ngồi ngủ ở góc nhà suốt đêm.

Sau này tôi biết bà đã ngủ như thế từ khi còn nhỏ. Gia đình bà quá ngèo và quá đông con, không có gạo ăn, không có giường ngủ từ khi còn bé. Bà đã ăn khoai lang hàng năm liền và ngủ trong góc nhà suốt từ bé cho đến lớn. Và thế là những điều kiện vật chất không thay đổi được thói quen của bà...

Có buổi tối tôi nhìn thấy hai đôi mắt bà sáng như hai hòn than củi trong góc nhà tối đen. Tôi giật mình sợ hãi. Bà cười khành khạch. Sau đó bà mắng tôi : " Cha bố mày, bà chứ ma đâu mà mày sợ ". Vào những ngày có nắng hanh trong mùa đông, bà nội tôi và bà ra sân ngồi bắt chấy cho nhau. Hai người đàn bà già nua trải chiếc khăn thâm ra nền sân và bắt những con chấy bỏ vào đó.

Thi thoảng bà lại gọi tôi và bảo : "Mày đếm cho bà được mấy con chấy rồi". Hồi ấy, khi tuốt trứng chấy, những người đàn bà thôn quê thường đưa cái trứng chấy vào miệng và cắn một tiếng rất giòn. Bà là người kiên trì dạy tôi cắn trứng chấy. Hồi đó tôi không biết làm thế nào mà bà cắn trứng chấy nổ giòn như thế mặc dù bà chẳng còn chiếc răng nào.

Tôi học mãi mà không cắn được giòn và bà lại mắng tôi : "Cắn cái trứng chấy mà cũng không nổ, sau này mày chẳng làm được gì ra hồn". Lời bà như lời của một nhà tiên tri. Tôi đã sống trên thế gian này 50 năm mà nghĩ đi nghĩ lại thấy đúng là mình chẳng làm được gì cho ra hồn

Những chuyện tôi đang viết đây mới chỉ là chuyện của hơn bốn mươi năm về trước. Nhưng nó mang không khí của một thời đã quá xa xăm. Nó như từ những thế kỷ trước. Tôi hoàn toàn tin rằng, nếu bà sống cho đến tận ngày nay, trong thời đại có qúa nhiều biến động và có quá nhiều điều kiện vật chất thì bà vẫn sống như vậy.

Bà sống như chẳng liên quan gì đến mọi thay đổi và đau khổ xunh quanh. Nhiều lúc bà ngồi trước một gốc cây và cứ thế trò chuyện. Có lúc đang nói chuyện bà bật khóc hu hu và có lúc lại cười khành khạch như một đứa trẻ. Nhiều lúc tôi ước giá tôi chui vào được trong mắt bà để nhìn đời sống này xem bà nhìn nó như thế nào và thấy những gì. Hoặc là được chui vào óc bà để xem bà nghĩ gì.

Tôi không bao giờ chắc chắn được bà đang nghĩ gì và nhìn một con mèo có giống tôi nhìn nó không. Nhiều lúc bà hỏi tôi nhưng tôi không hiểu bà hỏi gì. Sau này nhớ lại những lúc như thế, tôi mới giật mình hiểu ra rằng lúc đó bà đang nói chuyện với một con mèo. Nhưng không phải bà đang nói chuyện với một con mèo mà lúc đó bà nghĩ tôi là một con mèo. Tôi chắc chắn là như thế.

Ngày bà nội tôi mất, hầu hết mọi người đều khóc khi đưa tiễn bà nội tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng bà Xuýt không khóc. Bà đi chậm rãi như một con ốc sên bò trên đường. Và vừa bò, con ốc sên không lồ ấy vừa nói chuyện với người chị họ của mình và đôi lúc lại cười khành khạch. Nhiều người bảo bà tâm thần hoặc quá lẫn lộn chẳng nhớ gì cả. Nhưng cứ đến ngày giỗ bà nội tôi là bà bỏ một ngày đi qua cánh đồng lên nhà tôi từ hôm trước và hỏi mẹ tôi đã chuẩn bị lưng cơm cúng mẹ chồng chưa.

Sau ngày bà nội tôi mất, thi thoảng bà lại đi bộ từ sáng sớm đến chiều tối lên nhà tôi. Bà chẳng chào hỏi ai như trước kia và cứ lặng lẽ vào căn buồng của bà nội tôi khi còn sống và làm những gì đó và nói chuyện với ai đó như chẳng có chuyện gì thay đổi. Có lúc bà đi ra thăm mộ bà nội tôi. Bà cứ ngồi bên mộ bà nội tôi và nói chuyện và hát một bài hát chẳng ra đầu ra đuôi mà tôi cũng chưa nghe thấy ai hát như thế bao giờ.

Một lần, người ta thấy bà mang theo một cái bay dùng để xây nhà ra mộ bà nội tôi. Bà hí hoáy đào đất. Người làng thấy vậy gọi mẹ tôi. Mẹ tôi vội ra mộ bà nội tôi và hỏi bà đào đất để làm gì. Bà thản nhiên đáp : " Tao đào huyệt cho tao chứ đào gì nữa mà hỏi". Mẹ tôi kéo bà về và bảo khi nào bà mất con cháu chúng nó lo chứ việc gì đến bà mà bà phải mó tay vào. Nghe vậy, bà nói người bà nhỏ, con cháu không biết cứ đào cái huyệt to như đào huyệt cho trâu thì nằm thế nào được. Bà nói bà ghét nằm ở những nơi rộng cứ trống huyếch trống hoác, rất khó ngủ.

Bây giờ thì bà chẳng còn sống nữa. Nhưng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ bà đã chết. Tôi nghĩ vậy là do bà cứ sống thản nhiên và chết thản nhiên. Với bà, sống và chết đều giản dị như nhau. Cả đời bà chẳng hề ốm đau, chẳng hề lo lắng hay sợ hãi điều gì. Nếu bà là một Thiền sư hay là một hiền triết thì lại ra một nhẽ. Nhưng bà chỉ là một nông dân không biết chữ. Khi tôi biết bà thì tôi đã thấy bà chẳng bao giờ nói đến sự sung sướng và cũng chẳng nói đến sự khổ đau.

Vậy bà là ai ? Và vì đâu bà có một cuộc sống như thế ? Tôi hoàn toàn không lý giải được con người bà. Nhưng tôi tin bà là người của cổ xưa còn sót lại bằng một cách nào đó.Và tôi chỉ biết khi nghĩ đến bà là tôi nghĩ đến cuộc sống quá nhiều bon chen, quá nhiều tham vọng, quá nhiều sầu não và quá nhiều sợ hãi của chúng ta.


Tác giả: Nguyễn Quang Thiều
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Chằn Shrek

Ước gì giao thông Việt Nam được như Mỹ (Nguồn:vnexpress.net)


Ảnh minh hoạ
Tôi định cư tại Mỹ đã được 8 năm, 5 tháng, 24 ngày. Tôi đã về thăm quê hương 7 lần. Không có ngày nào mà gia đình tôi không nhắc đến hai tiếng Việt Nam. Niềm vui duy nhất là mỗi tuần gọi về thăm gia đình và mỗi đầu tháng gửi tiền về để giúp đỡ người thân và mỗi năm tranh thủ về Việt Nam một lần.

Cả hai vợ chồng tôi làm nhà hàng ngày 12 tiếng, chủ nhật nghỉ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái. Tôi biết nhiều gia đình Việt Nam tại Mỹ cũng tuơng tự. Quê hương lúc nào cũng ở trong tôi nhưng để quay về ngay lúc này thì không thể vì tương lai con cái, vì cuộc sống của chính tôi và vì nhưng người tôi yêu tại Việt Nam.

Dẫu biết sự so sánh nào cũng sẽ khập khiễng, đặc biệt lại giữa Việt Nam, một nước đang phát triển, và Mỹ cường quốc của thế giới. Nhưng tôi nghĩ so sánh để rút ra kinh nghiệm học hỏi là điều nên làm. Tại sao Mỹ giàu mạnh còn Việt Nam quê mình thì cái sự khó khăn hay cái nghèo cứ mãi đeo bám? Tôi biết nhiều bạn sẽ nghĩ giống tôi như tôi từng suy nghĩ và tranh luận với mọi người khi mới đặt chân tới đây là vì chiến tranh liên miên và thiên tai bão lụt... Nhưng ở đây rồi tôi mới nghiệm ra rằng tất cả là biện minh, tự ái dân tộc và tự mãn. Có ở Mỹ mới thấy Mỹ hay như thế nào. Tôi chỉ mong sao quê hương mình cũng sẽ được như vậy.

Cái hay mà tôi thấy và chúng ta cần học hỏi là cách quản lý con người và vận hành xã hội. Họ quản lý mọi người bằng một con số gọi là số an sinh xã hội cũng giống như giấy CMND của mình vậy nhưng lại rất bao quát. Cuối năm chính phủ gửi về cho từng người thông báo năm vừa rồi làm bao nhiêu tiền, đóng thuế bao nhiêu, và nếu không tiếp tục làm việc nữa thì sẽ được trợ cấp mỗi tháng bao nhiêu.

Bên cạnh đó họ bắt buộc mỗi người phải tự xây dựng uy tín của mình thông qua việc ngân hàng cho mượn tiền, trả đúng kỳ hạn. Nếu trả thiếu hoặc trễ hoặc sử dụng hơn 30% số tiền được mượn sẽ bị trừ điểm. Chẳng hạn nếu đi mua xe trả góp đầu tiên là họ sẽ kiểm tra xem thử uy tín mình có tốt không thông qua ngày sinh tháng đẻ và số an sinh xã hội. Nếu tốt thì sẽ được mua với tiền lời thấp, không tốt thì tiền lời cao thậm chí không được mua xe. Như vậy để có phương tiện đi làm dù không có tiền thì bản thân mình phải cố chấp hành để xây dựng uy tín tốt chứ đợi có tiền mới sở hữu được xe thì không biết đến bao giờ.

Các công việc như vậy đều có liên quan chặt chẽ với nhau chẳng hạn luật của nước Mỹ bắt buộc người điều khiển xe phải có bảo hiểm. Như vậy nếu vi phạm luật giao thông tuỳ theo mức sẽ phải mua bao hiểm với giá cao. Chồng tôi một lần lái xe trên xa lộ quá mức quy định đã bị phạt 249 USD. Thay vì đường cao tốc cho phép lái xe 65 dặm/giờ, chồng tôi sơ suất lái nhanh đến 84 dặm. Vì vậy, chồng tôi vừa bị phạt và bị ghi giữ đến 3 năm. Thay vì mua bảo hiểm 850 USD/ năm, chồng tôi phải trả thành 1.400 USD/năm. Một lần như vậy cả nhà tôi nhớ đời, phải đợi đến 3 năm sau mới đuợc xoá và mua giá bình thường. Cho nên mỗi lần đi xe chúng tôi đều chú ý tốc độ. Còn nếu lái xe mà uống ruợu thì có thể bị đi tù hoặc tịch thu bằng lái.

Ở Mỹ mà không thể lái xe thì cũng giống như bị cụt chân vậy. Chính vì vậy mà tai nạn giao thông rất ít khi xảy ra. Ở quê hương mình điều tôi day dứt nhất là tai nạn giao thông xảy ra mỗi ngày, người chết thì đã đành, người ở lại mang nỗi đau cả đời và gánh nặng cho xã hội. Như bạn tôi đó, là giáo viên hạnh phúc bên chồng bên con, vậy mà có ai ngờ tai nạn giao thông cướp sinh mạng của mẹ bạn ấy, còn chân của bạn thì mất. Ngày về nuớc tôi đên thăm, tôi không cầm được nưóc mắt còn bạn thì lạnh lùng cố gắng che nỗi đau vì đã ở tận cùng nỗi đau rồi. Trường hợp bạn cùng xóm tôi cũng vậy. Hôm hai vợ chồng chở nhau đi ăn cưới, bị tai nạn cả hai cùng chết để lại hai đứa con cho bà ngoại. Tôi nghe mà đau xót quá. Nếu bà ngoại qua đời thì ai sẽ lo cho tương lai của hai em bé đó. Nếu chúng lớn lên thiếu sự chăm sóc, thiếu bản lĩnh chống chọi có thể sẽ trở thành những con người hư và vô tình thêm gánh nặng cho đất nước. Và còn nhiều trường hợp đau lòng...

Tôi nghĩ không phải do ý thức người dân mà do luật pháp chưa nghiêm. Nếu luật nghiêm khắc giống như ở Mỹ thì mọi người bắt buộc phải thi hành. Mỹ là đất nước đa chủng tộc nhưng người đến trước giống như người đến sau, ai cũng phải theo luật. Luật Việt Nam mình còn xen chuyện tình cảm, hoặc chạy luật nên người dân không tôn trọng. Nếu có vi phạm, việc đầu tiên nghĩ đến là làm sao lách luật để khỏi bị phạt. Vô tình người có tiền lại sướng, còn người nghèo thì sẽ gánh chịu. Chính vì vậy ở Việt Nam nếu có tiền thì sẽ sướng hơn ở Mỹ.

Một câu chuyện vui mà tôi nhân tiện xin kể cho các bạn nghe. Ông dượng tôi làm chủ nhà hàng, nhiều khách tới trong đó có cả cảnh sát, họ rất vui vẻ và thân thiện. Một lần dượng tôi đi câu. Loại cá mà dượng tôi câu theo quy định chỉ câu được 5 con. Vì câu trên thuyền nghĩ không ai thấy nên dượng tôi câu hơn 10 con, xui xẻo bị cảnh sát quan sát trên bờ, họ cho thuyền ra, duợng tôi dù cố gắng tẩu tán cá xuống sông nhưng cũng bị phạt gần 300 USD. Tên cảnh sát phạt dượng tôi là khách đến ăn của nhà hàng. Dượng tôi ấm ức lắm nhưng biết làm sao được vì luật Mỹ mà. Dượng tôi đùa, lần sau tên cảnh sát đó có đến thì không bán cho hắn nữa.

Điều tôi day dứt nữa là môi trường sống, tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam ngày càng lớn. Con sông ngày xưa tôi thường bơi, nước trong xanh là vậy, nhìn tới đáy, vậy mà giờ đây tất cả dòng sông đều ô nhiễm, mọi thứ dơ bẩn đều thải ra sông. Như em tôi bên Việt Nam kể mỗi ngày em tôi phải đẩy dạt ít nhất 5 con heo vì tấp vào bờ đất nhà tôi (đang dịch heo tai xanh tại Việt Nam). Hoặc sông Thị Vải do Vedan làm ô nhiễm suốt mười mấy năm qua. Tôi đọc mà thấy giận những con người đó. Nếu bên nước họ thì họ đã không dám làm như vậy. Họ đã lợi dụng sơ hở của Việt Nam, dùng đồng tiền mua chuộc những người biến chất, xem thường luật pháp gây hậu hoạ cho môi trường, bao nhiêu chất độc mang thải ra sông. Ai gánh chịu ngoại trừ người dân chúng ta?

Nơi tôi ở có rất nhiều hồ nước trong xanh và rất sạch. Mỗi cuối tuần gia đình tôi đều ra đó câu cá, bơi thuyền, cắm trại. Tôi lại ao ưóc giá như những con sông quê hương mình đều giống như vậy. Vừa rồi nhân tiện bố tôi sang thăm, chúng tôi tổ chức đi du lịch một vài tiểu bang của nước Mỹ. Suốt chặng đường gần 5.000 cây số, tôi không chứng kiến một tai nạn giao thông nào. Hệ thống đường sá chằng chịt và hiện đại, biển báo rõ ràng. Tôi lại ao ước giá như Việt Nam mình chỉ cần có một tuyến đường như vậy nối Bắc Nam thì sẽ hạn chế được tai nạn giao thông.

Một điều tôi thấy là cảnh sát Mỹ hay chạy trên đường, tôi nghĩ chúng ta cũng nên làm vậy. Cảnh sát không nên đứng một chỗ mà cùng tham gia giao thông nhằm cảnh báo mọi người có thể bị phạt. Tâm lý người lái sẽ đề phòng, lâu dần hình thành ý thức cẩn thận. Hy vọng nhờ thế sẽ giảm đưọc những tai nạn đáng tiếc.

Đó là những ý kiến đóng góp, những suy nghĩ, những trăn trở của riêng cá nhân tôi. Tôi mong và ao uớc hai điều duy nhất mà chúng ta có thể thực hiện được trong tầm tay là bảo vệ môi trường, an toàn giao thông để đất nước Việt Nam mình ngày càng đẹp và để con cháu chúng ta luôn tự hào mình là người Việt Nam. Cảm ơn toà soạn đã đăng bài của tôi. Mong ngày về lắm Việt Nam ơi!

ThuHang Le
Shrek - Chằn Tinh Xanh yêu thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [17] [18] [19] [20] [21] [22] [23] ... ›Trang sau »Trang cuối