Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Vodanhthi đã viết:
Tôi đọc được hai bài viết trên Web, khiến chúng ta có nhiều liên tưởng và suy nghĩ về văn hóa. Vì mỗi bài khá dài, nên tôi chỉ trích đăng một đoạn.

Trích đoạn bài Phụ huynh sốc vì con bị 'Tây hóa'

(Bài của HẢI DUYÊN)

Mỗi lần đi học về, bé Linh lại vẫy tay reo từ cổng "Hello mẹ", "Hello bà". Cô bé có thể nói, viết tiếng Anh thông thạo, nhưng viết chữ Việt lại bập bõm.

Chị Lê Châu, mẹ của bé Linh cho biết, từ nhỏ đã cho con đi học tại trường mầm non quốc tế. Từ lớp mẫu giáo, bé đã tiếp xúc với chương trình dạy tiếng Anh, nên khi nhập học lớp 1, ngoại ngữ của Linh đã khá tốt. Chị Châu giải thích, cho con học như vậy vì muốn lớn lên, cháu có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ.
Việc học ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đối với các em nhỏ. Các bé có thể học song song hai ngôn ngữ nhưng việc ưu tiên dạy tiếng mẹ đẻ vẫn là tiên quyết. Ảnh:T. S.

Ở lớp 1, bé Linh tiếp tục theo học ở trường quốc tế. Hằng ngày, bé được tiếp xúc với nhiều giáo viên và bạn học nước ngoài, chủ yếu sử dụng tiếng Anh. Về nhà, gia đình lại khuyến khích bé rèn luyện thêm ngôn ngữ này. Kết quả là, hiện tại, việc đọc và viết đúng tiếng Việt đối với bé Linh còn khó hơn cả tiếng Anh.

Chị Châu lo lắng: "Đáng lẽ tôi phải cho cháu học song song cả tiếng Việt và tiếng Anh thì chắc không đến nỗi nào. Bây giờ, gia đình phải cho cháu học tăng cường tiếng Việt để không bị mất gốc".

Tương tự là trường hợp của gia đình chị Thu Trúc ở Bình Thạnh, TP HCM. Vì muốn con được tiếp xúc phương pháp học năng động, thoải mái của nước ngoài, cũng như tiếp cận văn hóa các nước, chị cho con gái học trường quốc tế từ lớp 1. Ban đầu, chị Trúc thấy tự hào vì con có suy nghĩ độc lập, sống tự giác và dạn dĩ trong cuộc sống. Tuy nhiên, càng lớn cô bé càng có biểu hiện "quá sòng phẳng" trong quan hệ bạn bè, họ hàng, thậm chí không nghe lời cha mẹ và thường xuyên tranh luận để bảo vệ ý muốn của mình.

"Có thể, cháu bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lối sống tự do thể hiện bản thân của văn hóa ngoại nên trước bất cứ chuyện gì, cháu cũng đòi hỏi sự bình đẳng và câu trả lời xác đáng từ người lớn. Nhiều lúc, tôi thấy sợ khi thấy con gái biểu hiện cứ như một người trưởng thành, ngang vai vế với cha mẹ", chị Trúc cho biết.

Người mẹ trẻ cũng lo sợ, con gái đang học lớp 4 của mình khi lớn lên sẽ quên đi những giá trị truyền thống của dân tộc cũng như nề nếp sinh hoạt của gia đình. Chị Trúc cho biết thêm, đích thân chị phải đi tìm mua rất nhiều quyển truyện và đĩa nhạc thiếu nhi tiếng Việt để con không quên ngôn ngữ chính của mình.

"Tôi cũng phải theo dõi sát sao những thay đổi trong tâm lý của cháu để uốn nắn. Có điều kiện cho con đi học ở trường quốc tế là rất tốt vì các cháu được tự do phát triển khả năng bản thân. Nhưng không thể phó mặc cho nhà trường mà con cái vẫn rất cần sự giáo dục, góp ý từ gia đình", chị Trúc nói.

Hiện nay, phần lớn các gia đình có điều kiện đều muốn cho con học các trường quốc tế ngay từ khi còn nhỏ để trẻ tiếp cận với phương pháp học mới, phát huy tính sáng tạo và sử dụng tốt ngoại ngữ. Tuy nhiên, một vấn đề đang khiến nhiều phụ huynh và các nhà sư phạm lo lắng là khả năng nói tiếng Việt và cách ứng xử theo văn hóa truyền thống của trẻ nhỏ đang bị thiếu hụt.


(Nguồn: http://vnexpress.net/GL/D...ng/2010/05/3BA1BF3F/)
Thực ra, vấn đề theo mình là ở chỗ, bố mẹ gửi con vào các trường QT, thấy thế là tròn trách nhiệm của ông bố bà mẹ tốt rồi (chỗ học đắt tiền, phát triển toàn diện thế cơ mà!!!), tin tưởng và giao phó hoàn toàn cho nhà trường..., mà không bỏ thời gian gần gũi con, đôi khi lại cho con đi học cả thứ 7, CN để... đỡ phải trông. Một thời gian ngắn thôi, lối sống này sẽ tạo nên khoảng cách giữa con và cha mẹ, giữa trẻ và môi trường gia đình. Mình nghĩ, bản chất vấn đề là ở chỗ ấy chứ không phải vì học kiểu Tây là mất gốc đâu. Bao nhiêu người ngày xưa học trường Tây mà vẫn rất Việt Nam... Hơn nữa, ngay ở Tây, mình thấy họ có đòi hỏi sự thẳng thắn trong tranh luận với người trên, nhưng cũng vẫn xử sự một cách có giáo dục và tinh tế, chứ không nhất thiết cứ là Tây thì hỗn láo với người trên đâu.

Còn vấn đề thấy khó chịu khi con xử sự như người trưởng thành, bằng vai phải lứa với mình... thì đúng là khó thật. Cá nhân mình nghĩ là chính các phụ huynh cũng nên thay đổi quan niệm xã hội về chuyện này. Muốn các con tự lập thì nên cho chúng một chút quyền phản biện. Nếu có thiện chí về việc này từ nhỏ, các con được tôn trọng chứ không bị áp đặt, thì con cái cũng không thể hỗn với cha mẹ được đâu.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thông tin tiếp theo bài "Thư gửi một người thất bại" do Letam đăng vào ngày 20.5.2010

Chuyện về thầy Đỗ Việt Khoa bây giờ mới kể xong

* THẢO DÂN



Cuộc đời thầy Đỗ Việt Khoa đã làm nên hai sự kiện. Nhưng cả hai sự kiện ấy ngẫm đi ngẫm lại đều là những sự kiện buồn. Ngành giáo dục có thay đổi được gì đáng nói sau sự kiện thứ nhất thầy Khoa làm nên hay không? Tôi không dám chắc. Nhưng cuộc đời thầy Khoa thì thay đổi, nhưng là một thay đổi buồn…

Thầy Khoa đã dũng cảm lên án những "phần tối" trong nhà trường. Hồi đó, nhiều người cứ tưởng ngành giáo dục nhân cơ hội ấy mà dọn dẹp căn nhà có không ít nhếch nhác và bừa bộn của mình. Thế nhưng, ngày tháng cứ trôi đi, mọi chuyện trở lại yên ắng như không gian "bình yên" sau một tiếng nổ.

Ngay từ ngày ấy, không ít người có suy nghĩ cẩn trọng đã dự báo rằng: những động thái của ngành giáo dục đối với thầy Khoa chỉ là một cách đối phó và lựa theo dư luận chứ không phải muốn thay đổi thực sự. Bởi ngày ấy, sự kiện thầy Khoa là một "quả bom" làm chấn động dư luận.

Đến ngay cả một giáo sư danh tiếng và cẩn trọng như giáo sư Văn Như Cương cũng tuyên bố sẵn sàng bảo vệ thầy Khoa đến như thế cơ mà. Rồi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã về thăm thầy Khoa. Rồi các phương tiện truyền thông vào cuộc rầm rộ. Còn các giáo viên thì chỉ lấy sự kiện của thầy Khoa mà bàn tán, tranh cãi với người khen, kẻ chê... tán loạn.

Hầu như tất cả chúng ta bị sự kiện thầy Khoa cuốn đi và không làm sao cưỡng nổi. Nó cho thấy ngành giáo dục đã xuống cấp đến mức nào. Nó cho thấy xã hội muốn có một cuộc cách mạng đối với ngành giáo dục nước nhà. Nhưng hình như kết quả từ sự dũng cảm của thầy Khoa chỉ có tác dụng làm cho truyền thông "bốc" lên. Việc "bốc" lên của truyền thông cũng chẳng có gì lạ vì đó chính là một trong những đặc điểm của nó.

Thế rồi đến bây giờ, thầy Khoa lại làm ra sự kiện thứ 2 khi thầy buồn bã và có phần tủi thân thông báo sẽ rời bỏ ngành giáo dục vĩnh viễn. Sự kiện lần này không "nổ to" bằng sự kiện lần thứ nhất nhưng nghe cay đắng và ê chề hơn.

Nhưng cay đắng và ê chề hơn cho thầy Khoa khi xã hội nghe giáo sư danh tiếng Văn Như Cương chối từ không nhận thầy Khoa vào trường mình nữa cho dù thầy Khoa chưa chắc có ý định đó. Có một người bạn học thân thiết của thầy Khoa đã khóc như một nỗi tủi hổ khi đọc những lời của giáo sư Văn Như Cương trả lời báo chí và nói kỹ đến mức phũ phàng về thầy Khoa.

Anh thương bạn mình quá. Cho dù có những lúc anh đã tâm sự và khuyên thầy Khoa không nên làm thế này hay chỉ nên làm thế kia. Anh hiểu bạn mình có lúc đã không nhìn nhận vấn đề thật thấu đáo. Anh cũng hiểu bạn mình quả thực bị dư luận xã hội lúc đó có lúc làm cho "choáng váng".

Nhưng anh hiểu bạn mình đấu tranh từ những ngày đầu là xuất phát từ sự chân thành và không thể đứng nhìn những trò phi giáo dục trong ngành giáo dục. Anh nói thầy Khoa không ảo tưởng gì về mình như lời giáo sư danh tiếng Văn Như Cương nói mà thầy Khoa cứ tưởng hầu hết những người trong xã hội ủng hộ thầy, đứng về phía thầy bởi những lợi ích cho chính con em họ hay vì lợi ích cho xã hội.

Thế là thầy Khoa lao vào chiến đấu với những gì mà cá nhân thầy cho rằng những cái đó đang nguy hại cho ngành giáo dục. Thầy Khoa cứ tin rằng phía sau mình là cả một biển người đi theo thầy. Nhưng thực ra người ta chỉ đứng xem thầy như một sự tò mò. Chỉ có rất ít người thực sự ủng hộ thầy mà cũng lo cho thầy. Và đếnkhi chiến đầu mãi không giành được chiến thắng, thầy Khoa quay lại và bắt đầu thấy hoang mang.

Cuối cùng, thầy tự đầu hàng. Cứ cho là những lời nhận xét của giáo sư danh tiếng Văn Như Cương là đúng thì có nên nói ra như thế không về một người là thầy Khoa đã phải dùng đến hạ sách cho cuộc đời mình.

Người bạn của thầy Khoa hiểu rõ rằng: nếu thầy Khoa có ảo tưởng bởi báo chí tung hô quá mức hay Người đương thời gì đó thì trong đó có cả sự ảo tưởng đến từ sự bênh vực của một người danh tiếng chính là giáo sư Văn Như Cương. Tìm hiểu ra mới thấy giáo sư Văn Như Cương là một trong những người làm thầy Khoa tin tưởng mãnh liệt nhất. Bởi thầy Khoa vô cùng kính trọng giáo sư và hoàn toàn tin sự lên tiếng sẵn sàng nhận thầy Khoa đã làm thầy Khoa như bị "sốc" thuốc.

Không phải thầy Khoa tin vào việc giáo sư danh tiếng Văn Như Cương nhận thầy Khoa khi có mệnh hệ nào để mình vẫn có việc làm mà nuôi con, mà thầy Khoa tin vào việc mình đấu tranh là hoàn toàn đúng. Cũng như những món quà tặng hay bằng khen thì không phải là bằng khen hay quà mà là lòng tin của thầy Khoa vào việc làm của mình và tin vào xã hội quanh mình.

Nhưng sau những ngày "thăng hoa", những người đứng về phía thầy Khoa và lên tiếng về ngành giáo dục dần dần rút lui và để lại trận chiến cho một kẻ duy nhất là thầy Khoa. Thế là thầy Khoa chẳng biết "kẻ thù" của ngành giáo dục đang ở phía nào. Thầy Khoa những ngày tháng sau đó giống như một người lính chẳng có người chỉ huy. Nhưng trong lúc đó, quanh thầy đầy tiếng la ó, tiếng dọa dẫm của "kẻ thù". Vì thế, thầy Khoa có hoảng hốt mà "bắn" loạn xạ âu cũng là chuyện dễ hiểu.

Lúc đầu tôi cứ nghĩ sự kiện đầu của thầy Khoa đã kể xong câu chuyện về ngành giáo dục và về xã hội chúng ta. Nhưng đến khi sự kiện thứ hai của thầy Khoa xẩy ra thì mới ngã ngửa người ra rằng: câu chuyện về thầy Khoa bây giờ mới kể xong.

Vâng câu chuyện đã kể xong. Nghe mà buồn thấu ruột. Nghe mà ứa nước mắt về nhiều chuyện. Không biết thầy Khoa và những người hiểu đúng câu chuyện này sẽ buồn đến khi nào?

(Nguồn:http://www.tuanvietnam.net/2010-05-24-trang-page0)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

@ Tôi không hiểu tại sao thầy Khoa bị Thầy Văn Như Cương từ chối. Cái năm mới xảy ra sự việc, thầy VNC lên tiếng mời thầy Khoa về HN để tránh bị trù dập. Cách đây hình như 2 năm, có xảy ra sự việc thầy Khoa lập trang web nào đó chống tiêu cực. Do bất cẩn nên dính vào vụ  một chị bị đồng nghiệp khủng bố bằng di động, khi người đó bị phát hiện và bị kỷ luật, anh ta liên hệ với thầy Khoa và tố ngược là bị trù dập. Tôi không nhớ rõ lắm, đại khái là tố cáo sai và thầy Khoa cứ nghe người ta tố là tin đó là sự thật. Sau đó thầy thanh minh rằng chỉ nghe thông tin của họ qua mạng. Chẳng biết có phải thầy bị mất điểm vì điều này hay không?
Có thể thầy đã quá đà, chủ quan?
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Cá nhân em thì nghĩ, Thày Khoa làm những việc rất dũng cảm, nhưng chưa đúng cách.
Tố cáo việc làm xấu là tốt, nhưng mà sau đó lập trang web chống tiêu cực mà không có sự ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp... là việc không đáng làm. Chúng ta làm sao bằng ảnh hưởng của mình gây được lòng tin cho mọi người, xây dựng được lực lượng tin theo, cùng làm, đồng ý chí, mới là việc làm hợp lý chứ không phải đứng ra làm người hùng như trong phim Mỹ. Thày đã trở thành nhân vật bị người ta lợi dụng- vì rõ ràng Thày chưa đủ trí lực để làm người hùng như thế. Việc biện minh "chỉ nghe thông tin qua mạng" cho thấy sự nông nổi của Thày, trong một việc không nên nông nổi.
Thật sự em cũng ko biết làm thế nào là đúng cách nữa, nhưng giả sử Thày có liên hệ với những người đồng ý chí, gặp nhau (off) hẳn hoi, có vạch ra dường đi nước bước, chiến lược lâu dài, có những luật sư tư vấn cách "đấu tranh đúng pháp luật", dùng pháp luật để bảo vệ mình, trong khi đó vẫn hoàn thành tốt công việc chuyên môn là dạy giỏi, được trò yêu quý...v..v.. thì tốt biết bao.
Thêm nữa, em thấy, đây là việc lâu dài, không phải một sớm một chiều giải quyết được, mà chưa chắc đã giải quyết được triệt để. QUan trọng nhất là nâng cao dân trí, mở mang tầm suy nghĩ của xã hội, thay đổi hẳn một quan niệm lệch lạc về bệnh thành tích..v...v... Muốn thế thì đi từ gốc đến ngọn, sau nhiều năm sẽ có kết quả, chứ làm như thày thì chỉ là làm trên ngọn mà thôi.
Lại thêm nữa, nghe nói Thày từng mở cửa hàng Net, không biết thực hư ra sao?
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

khách

Khách tôi cũng xin góp chút lời. Thật ra xã hội này không thiếu những Thầy Khoa. Nhưng điều đáng buồn là những cá nhân đó giống như những chứng nhân, tố cáo cái thối nát. Mà cái thối nát nó lại chiếm số đông, và còn làm chủ tình hình ở một phạm vi nào đó. Chuyện hưu non của Thầy cũng hay hay. Ít ra như thế còn dưỡng được nội công, mong sau này có thể Đông Sơn tái khởi. Cũng giống giống như những Chu Văn An hay Nguyễn Trường Tộ năm xưa...
Thế nhân bất giải Thanh Thiên ý
Không sử thân tâm bán dạ sầu
              (Kích Nhưỡng thi)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Đỗ Việt Khoa người hùng thất bại?

TP - “Xin lỗi Người đương thời, anh hùng chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa vì gọi anh là chàng điếc hồn nhiên. Trong ngày tháng năm oi bức, ngột ngạt ở Vân Tảo, mắt anh đỏ hoe khi tuyên bố bỏ chống tiêu cực, rời nghề giáo sau 17 năm công tác - tôi đã nghe nhiều lần anh nhận mình là người điếc”.

Bài 1: Tôi tỉnh ngộ


Thầy giáo Khoa khẳng định từ bỏ nghề giáo, từ bỏ cuộc đấu tranh chống tiêu cực đang dang dở, ngổn ngang. Và, anh đã khóc. Từ bỏ hay phải ra đi

Chúng tôi bắt đầu câu chuyện tại nhà riêng thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội. Tôi nói với anh Khoa, trước khi đến đây tôi gặp một số người liên quan việc chống tiêu cực của anh. Có người cho rằng, anh hâm, điếc, lẩn thẩn. Có người lại nói, anh là nạn nhân của nổi tiếng, gồng mình chạy theo hào quang.

Có người thì cho biết, thầy Khoa bị đuổi việc vì không hoàn thành nhiệm vụ, chứ chẳng hảo hớn gì với cái gọi là từ bỏ để thức tỉnh ai đó. Cũng người thẳng thắn chỉ ra rằng, cái mà anh gọi là tiêu cực tại trường Vân Tảo là chuyện không hiếm trong cuộc sống (giống như nhà nào cũng có ít rác, chứ không vô trùng như trong phòng thí nghiệm) nên việc kiện tụng của anh làm mệt mỏi nhà trường, mệt những người tham gia giải quyết... vì thế họ chán anh.

Thầy Khoa cười: “Người ta vẫn nói về anh Khoa như vậy. Họ còn tung tin anh Khoa được bọn phản động mua cho camera, máy ảnh để làm việc. Họ nói nhiều, nhiều lắm...”. Như để trả lời cho những băn khoăn của tôi, anh đưa lá đơn xin thôi việc và giãi bày: “Anh Khoa từ bỏ vì không muốn làm người lập dị nữa”.

...Kính gửi ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố Hà Nội. Tên tôi Đỗ Việt Khoa, sinh ngày 29-5-1968, là giáo viên trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội. Tôi làm đơn này đề nghị ông và các cán bộ lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho tôi thôi việc hẳn kể từ tháng 7-2010.

Lý do: Như ông đã biết, tôi đã gửi nhiều đơn tố cáo các việc làm sai trái... của các cá nhân liên quan từ tháng 12-2007 đến nay. Tuy nhiên, thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tây cũ và Hà Nội đã cố tình kéo dài việc thanh tra...

Tôi đã gửi đơn khiếu nại nhiều lần đề nghị ông giải quyết, ra quyết định hành chính xử lý đối với những sai phạm mà ông đã khẳng định. Tôi sẵn sàng chấp nhận bị kỷ luật nếu các ông cho tôi là vi phạm. Tuy nhiên, trong thời gian dài, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội im lặng không giải quyết. Tôi cũng có đơn gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ GD-ĐT. Nhưng tất cả đều im lặng...

Cuộc đấu tranh của tôi 4 năm nay vừa nhằm bảo vệ kỷ cương của ngành giáo dục, bảo vệ quyền lợi nhân dân và quyền lợi hợp pháp của cá nhân tôi. Sai phạm có hệ thống, có tổ chức không bị xử lý khiến tôi mất niềm tin vào lãnh đạo Sở GD-ĐT các cấp... Sức chịu đựng của tôi có hạn...(lược trích đơn xin thôi việc của thầy Đỗ Việt Khoa)
.

Anh Khoa nói, tài liệu nặng hàng kilôgam còn đó nhưng đành xếp lại. Anh cho rằng, sự nấn ná, né tránh của một số cán bộ có sức hủy hoại ghê gớm đến quyết tâm, nhiệt huyết theo đuổi vụ việc của anh. Họ sử dụng cách đó như chìa khóa lấp liếm sự thật, thay đen đổi trắng và tạo cớ đẩy người tốt đến chỗ mắc lỗi và cục diện cuộc chiến thay đổi.

Anh tự nhận mình hồn nhiên khi quá tin vào những lời hứa, động viên và tin vào sự trong sáng của một số cán bộ trong ngành nên vỡ mộng, đau đớn. Những cụm từ “cứ bình tĩnh”, “chúng tôi đang xem xét”, “sẽ xử lý những vấn đề thầy nêu”... nghe thật mệt mỏi.

“Anh Khoa đã hiểu được nhiều điều, vỡ ra nhiều thứ. Bốn năm qua anh Khoa đã cố gắng nhưng giờ thì chịu rồi” – thầy Khoa nói.

Điếc không sợ súng

Thầy Khoa bị điếc từ nhỏ. Người ta từng nghĩ thầy Khoa kiện tụng rồi nổi tiếng là do đánh thuê nhằm lật đổ hiệu trưởng cũ theo đơn đặt hàng của nhóm người nào đó. Cũng có người cho rằng, quay được cảnh tiêu cực trong thi cử năm 2006 là tình cờ, may mắn...


Kẻ can đảm cô đơn hay người anh hùng thất bại đều bi thảm như nhau. Nhưng, họ đã góp phần làm thay đổi xã hội theo một cách nào đó

Khi vừa biết nói, bắt đầu đi học, cậu bé Khoa khi đó có tên là Đỗ Hữu Ngạn đau quai bị. Bác sỹ thôn xã chữa theo kiểu đau đâu tiêm đấy, nên nhằm thẳng cổ Khoa mà chọc kim. Một ngày sau, cổ của cậu bé Khoa sưng to hơn, sốt li bì, kèm triệu chứng mắt mờ, ù tai. Khi khỏi bệnh quai bị, Đỗ Việt Khoa bị điếc (tai trái hỏng hẳn, tai phải nghe được 20%).

Từ đó, Đỗ Việt Khoa chủ yếu cảm nhận cuộc sống qua đôi mắt. Cuộc sống của Đỗ Việt Khoa là sắc màu và chuyển động. Đi học, Đỗ Việt Khoa rất chăm chỉ và nhập tâm (có lẽ là không bị chi phối bởi âm thanh).

Một thầy giáo chủ nhiệm thời Đỗ Việt Khoa học cấp 2 năm nay đã 80 tuổi nhớ lại: “Tôi luôn xếp cho Khoa ngồi bàn đầu, thậm chí là bàn riêng ngồi gần thầy. Mỗi lần giảng tôi thường đứng cạnh Khoa và hỏi: Có nghe rõ không em? Nói chung Khoa chăm chỉ, ngoan...".

Ngoài ra Đỗ Việt Khoa thời đó luôn được thầy quan tâm đặc biệt vì là học sinh khiếm thính. Còn bí quyết học của Đỗ Việt Khoa: "Tôi đọc sách giáo khoa, và vở chép bài của bạn học là chủ yếu. Học qua sách, học qua bạn thân. Đến lớp có bạn có bè, có không khí học tập để nhớ thêm, chứ chủ yếu là đọc sách..." - thầy Đỗ Việt Khoa nhớ lại.

Học phổ thông, Đỗ Việt Khoa học rất khá. Năm 1986 là một trong những thí sinh đỗ cao trong kỳ thi vào Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đỗ Việt Khoa sống khép mình, ngại giao tiếp. Cái dáng vẻ e dè, ngơ ngác trong mỗi câu chuyện với bạn bè khiến Đỗ Việt Khoa dễ bị coi là không bình thường. Chỉ người thân, bạn học là không nghĩ vậy vì đã biết cái sự học của Khoa. Cho đến giờ cái dáng vẻ của anh vẫn thế.

Những năm tháng Đỗ Việt Khoa đi học là thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, song tình thầy trò, bạn bè rất sâu nặng, không lai căng, pha tạp như giờ. Đỗ Việt Khoa may mắn được gặp nhiều người thầy tốt, hết mực thương yêu, giúp đỡ học trò; đặc biệt hơn khi học trò Khoa là người khuyết tật nên tình cảm các thầy dành cho anh càng đậm, càng rõ.

Bằng sự tinh tế khác thường và sự thâu nạp cuộc sống rất riêng, có phần cực đoan của người khuyết tật đã cài đặt vào đầu chàng sinh viên Đại học Tổng hợp một suy nghĩ khó lay chuyển: Thầy giáo là người tốt, môi trường sư phạm là trọng sạch tuyệt đối.

Năm thứ hai đại học, Đỗ Việt Khoa bắt đầu có được thiết bị trợ thính. Anh cả tôi học ở Liên Xô mua được thiết bị trợ thính, gửi về cho tôi như món quà đặc biệt. Có lẽ đã quá lâu sống trong tĩnh lặng nên với Đỗ Việt Khoa mọi thứ gần như đã an bài. Chẳng hạn như an bài về sự cảm nhận cuộc sống, về sự tốt - xấu ở đời. Sự thay đổi khi nghe được âm thanh của cuộc sống chỉ có thể là bồi đắp thêm cho định kiến ấy trong con người Đỗ Việt Khoa mà thôi (mặc dù có thiết bị trợ thính nhưng thầy Khoa giờ chỉ nghe được khoảng 60%).

Năm 1992, Đỗ Việt Khoa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Địa chất. Anh làm việc cho một số Cty khoáng sản. Hai năm công tác trong lĩnh vực này nhưng anh thấy không phù hợp. Thời điểm ấy có một thầy giáo ở Sở GD-ĐT mời anh về giảng dạy tại trường THPT Đồng Quan (Hà Tây cũ). Đỗ Việt Khoa nhận lời ngay. Lương 186.000đồng/tháng nhưng Đỗ Việt Khoa luôn vui, hăng say với công việc. Anh công tác tại đây 7 năm rồi chuyển về trường Vân Tảo cho đến hôm nay.

Đầu năm 2005, một lần gặp gỡ bạn cũ, anh nghe kể nhiều chuyện tiêu cực trong thi cử, trong đó có việc giải bài tập thể tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Tôi rất ít gặp gỡ giao lưu nên không được nghe nhiều chuyện. Thường thì cứ đến lớp rồi về nhà. Khi nghe bạn bè kể vậy tôi không tin là có chuyện tiêu cực ngang nhiên như vậy. Có cô bạn còn kể, ngày 20-11 đưa phong bì chậm cho thầy giáo chủ nhiệm mà con bị đối xử không tốt. Tôi nói với bạn bè rằng, nếu gặp cảnh ấy sẽ không làm ngơ.

Năm 2006, tôi coi thi ở trường Phú Xuyên thấy cảnh như lời kể của mấy người bạn. Tại phòng thi, giám thị bỏ phòng đi chơi, mỗi tôi ở lại. Có người còn ép tôi đi chơi để học sinh được thoải mái làm bài.

Sau buổi thi đầu tiên, đêm về tôi không chợp mắt nổi. Ngày thi thứ hai, tôi điện cho Thứ trưởng Bành Tiến Long, trao đổi sự việc và ông đồng ý cho tôi đưa chuyện này lên công luận. Tôi quay cảnh này và sau đó sự việc như thế nào thì mọi người đều đã biết”.

Từ đó, anh lao vào cuộc chiến chống tiêu cực một cách say mê. Khi đó anh thấy cả xã hội đang cổ vũ cho mình. Anh thấy chỗ nào cũng cần phải quét rác. Anh cần mẫn làm sạch môi trường nơi mình công tác một cách quá quyết liệt...

Thế nhưng, sau 4 năm trải mình trong cuộc kiện tụng, với đôi tai có thiết bị trợ thính, anh nghe đủ nhiều để hiểu ra rằng, mình là chàng điếc hồn nhiên.

Anh đã tỉnh ngộ!

Lê Anh Đạt


        ST
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Đỗ Việt Khoa người hùng thất bại? Bài cuối: Như chuyện hài

TP - Chúng tôi không đề cập chuyện kiện tụng mà muốn nói vấn đề khác, đó là cách phản ứng của một số cao thủ trước việc làm của thầy Khoa. Thế nhưng, trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, bị tổn thất cũng là chuyện thường. Hơn nữa, cũng không thể mong sự khoan hòa, tử tế từ một số người không muốn làm việc tốt, vì nếu thế thì đã chẳng có cuộc chiến nào xảy đến. Có chút nuối tiếc là, chuyện xảy ra trong ngành giáo dục, nơi đáng ra việc được xử lý có giáo dục hơn.

Không gồng mình?


Tôi thử trao đổi với anh Khoa: Không một hiệu trưởng nào lại yên tâm khi trong ngôi trường của mình luôn có người săm soi sơ suất, sai sót rồi hô hoán cho xã hội biết. Sao không chọn cách góp ý với lãnh đạo để sửa sai? Có phải cái xấu nào, cái tiêu cực nào cũng đáng phơi ra cho thiên hạ xem mới sửa chữa được. Nếu anh cùng nhà trường cải tạo cái xấu thành cái tốt thì chắc là tốt hơn việc dùng sự nổi tiếng để ép, mặc cả với lãnh đạo. Anh nổi tiếng và được yêu quý khắp nơi nhưng nếu bị ghét, bị cô lập ở cơ quan, đơn vị thậm chí ở quê nhà thì có gì hay ho chứ? Người ta bảo anh có phần quá đà...

Anh Khoa cười và nói rằng, anh không hề bị hào quang Người đương thời, và những hào quang khác từ dư luận che lấp con người thật của mình. Ngay cả khi ứng cử Đại biểu Quốc hội, có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có nhiều người ghét mà cay độc: Ông Khoa quá tự đại, đi quá xa cái ranh giới của mình. Thế nhưng, đó lại là quyết định rất đặc trưng Đỗ Việt Khoa.

“Sau khi anh Khoa được mọi người biết đến, có một vị đang công tác trong Quốc hội gọi điện đặt vấn đề là nên ứng cử đại biểu Quốc hội để làm cái gì đó đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà. Ông ấy động viên, khích lệ nên anh Khoa liều mình ứng cử, chứ không phải tự đại, tự cao” – Thầy Khoa nói. Được biết, lần lấy ý kiến tại trường Vân Tảo, thầy Khoa không được ai ủng hộ việc ứng cử Đại biểu Quốc hội.

Thầy Khoa cho rằng, tại trường mỗi khi phát hiện những cái sai, cái chưa hợp lý anh đều góp ý với lãnh đạo nhưng đều bị quy là chống đối. Sự khác nhau trong suy nghĩ đã đẩy anh Khoa và lãnh đạo xa nhau, cực đoan hơn, thách thức hơn... Anh Khoa không muốn nói sâu về nội bộ nơi mình công tác mà cho rằng chỉ là anh không phù hợp với môi trường hiện tại nữa.

Chuyện hài?

Nhân chuyện từ chức, xin kể câu chuyện mà anh Khoa nhận là họ nhằm vào mình. Trong rất nhiều kiểu phản ứng với anh Khoa, xin lấy chuyện này làm điển hình, vì được nâng lên tầm nghệ thuật (những chuyện như chuyện anh Khoa bị cô lập, bị hành hung... báo chí cũng đã phản ánh nhiều).

Một tờ báo Trung ương mở cuộc thi truyện ngắn, bút ký viết về ngành giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức. Cuộc thi ấy đăng truyện: Có bệnh. Truyện này có lối viết hài hước về người thầy có tên là Bệ trong cuộc chiến chống tiêu cực. Mở đầu truyện, tác giả miêu tả công năng cái điện thoại di động mà thầy Bệ mới tậu, rồi bắt đầu câu chuyện:

Bệ nhận được điện thoại hiệu trưởng gọi lên phòng Hội đồng. Hiệu trưởng trang trọng trao tờ giấy mời lên văn phòng Bộ nhận Huân chương “Dũng cảm bội tinh” kèm lời chúc xã giao “Mừng đồng chí” và cái bắt tay hờ hững, mềm oặt như có ý ngầm bảo “Mày chỉ là thằng giáo viên xoàng thôi, vinh dự của mày đổi bằng bao nhiêu vinh dự của người khác đấy, rồi mày phải trả nợ đủ”... (trích Có bệnh).

Tôi hỏi: Sao lại nghĩ truyện này viết về anh? Anh Khoa nói, người ta phô tô từng xấp, phát cho học sinh tất cả các lớp. “Người ta cười nhạo tôi, chuyện này có ai mà nghĩ đó không phải là anh Khoa chứ”.

Tôi có được truyện ngắn ấy từ bản phô tô khổ A3, ghi dưới là 10A3 bằng bút bi màu xanh (có lẽ là bản phát cho lớp 10A3?).

Truyện miêu tả việc thầy Bệ mua điện thoại di động chỉ để xem phim sex, nào là Vàng Anh, Yến Vi... Từ cái điện thoại ấy mới có cảnh quay giải bài tập thể trong kỳ thi rồi nổi tiếng khắp nơi. Mấy hôm sau đoạn phim của Bệ được phát trên truyền hình thật. Hàng chục tờ báo lấy ảnh từ cảnh quay ra phụ vào bài viết về chất lượng thật của giáo dục, nó rất xa với những báo cáo trăm phần trăm tốt của các trường, của cả ngành và của các địa phương các cấp.

Bộ trưởng lập tức tiếp thu dư luận, cho kiểm tra lại việc coi thi ở trường hai và đề nghị Chính phủ cho trường hai thi lại, có sự giám sát đặc biệt của Bộ trước khi có lời đáp chính thức với dư luận. Kết quả thật buồn, chỉ có gần một nửa đủ điểm tốt nghiệp. Bộ trưởng lập tức có biện pháp về việc học thật, thi thật, nói không với bệnh thành tích cho những năm học tới. Đó là lý do Bệ được nhận Huân chương “Dũng cảm bội tinh”. Cuộc sống của Bệ vô tình bước sang trang mới. (trích Có bệnh
).

Nếu bây giờ gặp sự kiện như năm 2006 anh làm ngơ hay tiếp tục làm như đã làm? “Tôi vẫn làm nhưng làm theo cách khác. Cách khôn ngoan hơn”.

Đọc đến đoạn này khó mà không nghĩ đến thầy Khoa. Truyện ngắn như một bài báo phiếm chỉ, còn nội dung miêu tả sát đến mức kiểu trẻ con đố nhau con gì kêu meo meo... (quá dễ để trả lời là con mèo, giống như rất dễ để liên tưởng thầy Bệ với thầy Khoa). Một cách phản ứng có nghề và kể cả thầy Khoa hay ai đó nhận ra mình trong tác phẩm này mà đùng đùng nổi giận, kiện cáo thì chẳng những mắc mưu không khảo mà xưng mà còn phí sức đấm vào không khí, vì đó là truyện ngắn, là văn chương, là hư cấu...

Tôi nói với anh Khoa, nếu nhân vật Bệ là anh thì quả là người ta đang chọc cười một vấn đề nghiêm túc trong đó có Bộ trưởng với cuộc vận động hai không (người ta cho rằng, cuộc vận động này chỉ xuất phát từ sự kiện Đỗ Việt Khoa với cú ăn may quay cảnh tiêu cực từ điện thoại di động vốn dùng để xem phim sex!).

Anh Khoa nói thẳng, có người chửi Bộ trưởng GD&ĐT rất nặng, tôi ghi âm được và chuyển cho các cơ quan chức năng còn chẳng làm được gì họ nữa là chửi kiểu này. Anh có biết ai viết truyện này không, tôi hỏi. “Tôi nghĩ là người quen”.

Truyện ngắn miêu tả tỉ mỉ cảnh người thầy chống tiêu cực bị phụ huynh ghét, cộng đồng ruồng rẫy. Đây là cảnh tại một đám cưới: Bệ ngồi chết trân, ngóng mãi chẳng có người đến ngồi cùng. Gia chủ co kéo thế nào cũng không ai đến. Khó xử quá. Toàn khách lạ, Bệ không biết làm sao để có lý do rút lui. Đi ăn cỗ không có người muốn ngồi cùng hỏi có gì ớn bằng... (trích Có bệnh).

Thầy giáo chống tiêu cực trong truyện ngắn đoạn bị hắt hủi này có giống anh không? Thầy Khoa nói, ngoài đời anh không như thế. Tại trường cũng nhiều người yêu quý, vì anh nói những điều họ nghĩ nhưng họ không dám nói. Thế nhưng sợ bị trù dập, ảnh hưởng công việc nên họ đành xa lánh thôi nên anh bị cô lập. Còn bà con làng xóm họ tốt với anh và anh tốt với họ. Còn bạn bè cũ thì rất tốt.

Cuối chuyện là cảnh học sinh phản pháo thầy giáo Bệ tại một giờ giảng văn. Tác giả kết: Thế là ngay cả học trò cũng muốn hắt nước dưa vào mặt thầy rồi. Bệ trầm tư một mình, trong lòng muốn nói: “Nếu đổi được cái “Dũng cảm bội tinh” lấy sự bình yên vốn có thì tôi xin đổi ngay, nào ai muốn đổi cho tôi không? Có ai muốn đổi cho tôi không? Có ai muốn đổi cho tôi không?

Câu hỏi: Có ai muốn đổi cho tôi không? điệp ba lần, có gì đó khiến người ta nghĩ đến cảnh Chí Phèo đến nhà Bá Kiến (tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao) và kêu lên điệp khúc: Ai cho tôi lương thiện? Cuộc đấu tranh chống tiêu cực của thầy Bệ trong truyện ngắn hóa ra đáng cười, toàn bộ đáng cười, tuyệt không có cái gì nghiêm túc, đáng ghi nhận? Cái huân chương Dũng cảm bội tinh(cách nói ẩn ý một danh hiệu) hóa ra chẳng đáng giá gì (và cướp mất bình yên của thầy Bệ) khi thầy Bệ muốn đem huân chương ấy đổi lấy bình yên mà không ai thèm.

Đây là câu chuyện mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT nên đọc, càng nên đọc hơn khi nó tham gia cuộc thi viết về ngành giáo dục và có thể xuất phát từ một câu chuyện có thật (?). Có đáng buồn cười không?

Khi nghe tin thầy giáo Đỗ Việt Khoa bỏ nghề nhiều người gọi điện đến chia sẻ, động viên. Một người nói: Một hệ thống, mạng lưới chống tiêu cực được trang bị đầy đủ còn chiến đấu vất vả, bở hơi tai với tiêu cực trong ngành giáo dục còn chưa dám nói là có hiệu quả, nói chi anh Khoa. Sự kiện Đỗ Việt Khoa là một sự lãng mạn thỏa mãn nhất thời mong muốn của dư luận trong cuộc chiến chống tiêu cực thôi.

Cái gì làm nên một người hùng Đỗ Việt Khoa? Điều gì biến anh Khoa thành người mắc lỗi để giờ trở về thấp hơn xuất phát điểm cuộc chiến chống tiêu cực? Một người trong ngành giáo dục cho rằng, đó là sự đụng độ của một bên là cái tốt thô mộc, sự hồn nhiên đến ngây ngô và cách đấu tranh chống tiêu cực đơn sơ - với một bên là sự phản kháng, che chắn có lớp lang, đầy nghệ thuật của những người khôn ngoan. Đỗ Việt Khoa bỏ cuộc, bỏ nghề là kết cục mà nhiều người nhìn thấy trước. Đỗ Việt Khoa, người hùng thất bại hay là xã hội thất bại trong cuộc chiến chống tiêu cực?

Giờ thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã quyết rời khỏi sân khấu nơi anh là người hùng vừa là anh hề, tránh xa đám đông hò reo, trở về nhà với người vợ hiền và 2 đứa con. “Anh Khoa không cay cú, không bao giờ tiêu cực. Anh Khoa muốn thanh thản thôi. Anh Khoa đã hiểu...”.

GS Văn Như Cương thất hứa?

Mới đây, trên báo mạng, GS Văn Như Cương đã từ chối nhận thầy Đỗ Việt Khoa về công tác tại Trường PTTH Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) như đã hứa cách đây ba năm. Sau sự kiện năm 2006, thầy Khoa nổi lên như người hùng chống tiêu cực, GS Văn Như Cương khi đó đã nói, nếu thầy Khoa có mệnh hệ gì ông sẽ nhận về công tác tại trường. Nhưng khi thầy Khoa thất thế, viết đơn xin rời khỏi trường THPT Vân Tảo, GS Cương lại nói, giờ đã nghĩ khác và cho rằng: Anh Khoa không bình thường...

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 26-5, thầy Khoa nói: “Tôi buồn lắm! Tôi rất sùng kính thầy Văn Như Cương. Ai dè thầy trả lời thế. Tôi nghĩ thầy và nhiều người thiếu thông tin về những gì tôi đang chịu đựng và vì sao tôi phải lên tiếng...”.



Lê Anh Đạt


   ST
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Truyện ngắn trên kia đâu có đáng buồn cười, và cũng chẳng phải để chê bai bôi bác thày Khoa. Nó cho dù có thể lấy thày Khoa là hình mẫu, hay chỉ là một hiện tượng gợi ý cho cốt truyện, thì cũng không khác gì truyện Chí Phèo, để lại cho người đọc nhiều ám ảnh, đương nhiên là một ám ảnh mạnh về nền giáo dục VN hiện nay. Hic. Theo tôi hiểu thì có bệnh ở đây có nghĩa là nền giáo dục - xã hội - đang ngã bệnh!
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hoa Xuyên Tuyết có lý khi nhận định "có bệnh ở đây có nghĩa là nền giáo dục - xã hội - đang ngã bệnh!"

Chuyện giáo dục hiện đang nóng lên với nhiều bài viết khá tập trung. Vì các bài khá dài, nên tôi chỉ giới thiệu tựa đề. Nếu bạn quan tâm, xin nhấp vào đường dẫn để đọc tiếp:

* Tám giải pháp phòng chống tham nhũng trong giáo dục

* Còn 'mua' điểm, 'chạy' trường, Việt Nam còn khó phát triển

* Nhận diện tham nhũng trong giáo dục

* Tham nhũng “vặt” trong giáo dục bắt đầu từ... cư xử

*  "Tham nhũng trong giáo dục khá phức tạp"

* Tham nhũng trong đấu thầu SGK và XD trường học nghiêm trọng nhất
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

CƯỜI CHÚT CHƠI

* Tác giả: Người già chuyện

– Tạc dăng! Ba ơi, nước mình có Tạc dăng! Không phải một mà nhiều lắm!
– Đâu, đưa coi, ờ... đó là hình ảnh trẻ con vùng cao đu dây đi học đó con.
– Trời ơi, sao không đi qua cầu?
– Không có tiền làm cầu, con à. Người ta vừa phát hiện đã cuối thập niên đầu của thế kỷ 21 rồi mà ở xứ đó có đến bốn làng trẻ em phải đu dây qua sông đi học! Con gọi đó là Tạc dăng, chứ ba thấy dám liều thân đến trường như thế đáng được gọi là Thạch Sanh dũng sĩ.
– Nhưng chừng nào ở đó mới có cầu cho các bạn đến trường hở ba?
– Ờ... cái này... nghe đâu đã có một siêu dự án rồi con, tên nó
là R2CT.
– Là gì vậy ba?
– Là “Ròng rọc cao tốc” đó mà. Thôi đừng hỏi nữa, học bài đi.
– Dạ, ba cho hỏi câu nữa thôi: trò đu dây, chứ thầy có ai đu dây không ba?
– Có chớ. Có một ông đu dây đến trường bốn năm qua, nhưng giờ chịu hết xiết nên buông tay rồi.
– Tên ổng là gì ba? Tạc dăng hay Thạch Sanh?
– Đỗ Việt Khoa.


(Nguồn: http://sgtt.com.vn/Khoe-v...82/Nguoi-du-day.html)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối