Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Con muốn ôm mẹ thêm lần nữa

* PƠ LANG



Bạn con hay khoe ngày bé thích nhất là được sà vào lòng mẹ, ôm mẹ, sờ tai mẹ, vòi vĩnh, nũng nịu mẹ. Con thật buồn khi nhớ từ bé đến giờ con ít khi nào ôm mẹ.

Năm con 3 tuổi, mẹ có em bé. Con ngoan ngoãn nhường mẹ cho em. Những lần thấy mẹ bế em, cho em bú, cho em ăn, con ghét lắm. Mẹ chỉ biết có em thôi. Con ghét mẹ, ghét cả em. Những ngày thơ ấu con chỉ thích quấn lấy bố, chơi với bố mà hiếm khi nào nghĩ đến mẹ.

Trong ký ức của con không có tiếng ru của mẹ, không có tiếng mẹ gọi ngọt ngào: "Con ơi, về ăn cơm". Nhưng con nhớ mẹ hay đánh đòn con. Con ham chơi, lêu lổng suốt ngày cùng đám bạn trai. Con hay ra bờ sông phơi nắng và tắm. Lần nào đi tìm con về trông em, mẹ cũng mang theo cái roi. Mông con hằn vết roi của mẹ biết bao nhiêu lần. Nhiều khi tủi thân, con nghĩ: "Sao bạn con chẳng đứa nào bị đánh đòn? Sao mẹ đánh đòn con nhiều thế? Hay mẹ không phải là mẹ của con?".

***

Con gái mới lớn có nhiều thắc mắc cần hỏi mẹ. Mấy đứa bạn con hay ôm mẹ thủ thỉ đủ chuyện. Con chẳng bao giờ nắm tay mẹ mà khoe chuyện này chuyện nọ. Con thích tự giải quyết mọi chuyện hơn là hỏi mẹ.

Chỉ một lần duy nhất con hỏi mẹ đó là ngày con trở thành thiếu nữ. Con bối rối, sợ hãi vô cùng, cũng may mà có mẹ. Nhưng sau lần đó con lại lùi xa mẹ. Nhiều lần mẹ hỏi, con trả lời cho qua chuyện. Con cũng thấy mẹ ướt đẫm mồ hôi khi đi làm về nhưng chẳng bao giờ con hỏi thăm: "Mẹ ơi, mẹ có mệt không?". Giữa hai mẹ con mình như có một vách ngăn vô hình khiến con không thể gần mẹ.

Rồi con vào đại học. Ngày xa nhà, lần đầu tiên con thấy mẹ lo cho con nhiều đến thế. Mẹ dặn dò đủ thứ nhưng con chẳng nhớ được là bao. Lúc lên xe con đã ôm bố nhưng không ôm mẹ. Con muốn ôm mẹ lắm nhưng không hiểu sao có cái gì đó ngăn con lại. Con gọi điện về nhà, em con bảo: "Chị hai đi học mẹ khóc nhiều lắm đó!". Tự dưng nước mắt con chảy dài, nghẹn ngào, con cúp máy.

Lần nào trở lại thành phố, mẹ cũng nhắc: "Đi ra đường nhớ đội nón, mặc áo khoác, mang khẩu trang, thành phố bụi bặm dễ bệnh lắm con à". Những lúc đó con muốn ôm lấy mẹ, nhìn vào mắt mẹ mà nói rằng: "Con thuơng mẹ nhiều lắm". Nhưng chẳng lần nào con đủ con đảm làm điều đó.

Xa mẹ, con mới hiểu mẹ luôn lo lắng cho con, luôn dõi theo mỗi bước chân của con. Những lúc mệt mỏi con lại nhớ mẹ, nhớ dáng nằm nhỏ nhoi của mẹ trong những giờ nghỉ trưa hiếm hoi. Con vẫn muốn một ngày con sẽ về ôm mẹ nói với mẹ rằng bố mẹ chính là niềm an ủi, là động lực mỗi khi con chùn bước.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Nhân chủ đề Mẹ. Lại là Mẹ và Con Gái. Mình gửi lên đây bài viết của mình trên tạp chí Mẹ và Bé. Các chị có con gái bổ sung thêm cho em nhé hihi.

MẸ VÀ CON GÁI


Mẹ và con gái, người ta bảo, phải rất thân nhau. Mẹ và con gái, người ta bảo, phải thủ thỉ dạy cho nhau tất cả. Những nữ công gia chánh, những đối nhân xử thế, những vệ sinh thân thể cho một cơ thể thiếu nữ dậy thì.
Tất cả, con gái và mẹ, đều cần phải, nên phải, nhất định phải chia sẻ với nhau. Để có được một sự tiếp nối về tinh thần, chất nữ tính, sự bình yên sau này con sẽ có khi ra đời, khi có tổ ấm riêng của mình…
Thế nhưng, than ôi, giờ đây, rất nhiều người mẹ bảo rằng, đó chỉ là chuyện hoang đường xưa cũ. Rất nhiều cô gái trẻ không cảm thấy cần mẹ, hay chí ít, muốn vùng vẫy thoát ra khỏi những ràng buộc bí bức mà mẹ đặt ra cho mình. Con gái… không được thế! Cổ mặc trễ quá! Đi đứng phải nhẹ nhàng. Ăn nói phải nhỏ nhẹ… Và hàng trăm cái “phải” và “không được” khác nữa!
Đấy là chưa kể, rất nhiều trường hợp, con gái không thích mẹ, mẹ cũng chẳng hợp được với con, hai mẹ con cứ như “mặt trăng, mặt trời”, cho dù tận đáy lòng, vô cùng thương quý nhau.
Vậy phải làm sao?

Tôi chưa có con gái. Nhưng tôi đã từng là một đứa con gái trong vòng bảo bọc của mẹ. Và tôi nhớ rất rõ, tôi đã từng muốn gì ở mẹ tôi, những gì ở mẹ khiến tôi xúc động và nhớ mãi trong suốt thời thơ ấu của mình. Thậm chí, tôi còn nhớ rõ, tôi đã làm gì sai, đã ân hận thế nào, đã khao khát được chia sẻ với mẹ ra sao… Chính vì thế, tôi biết rất chắc chắn rằng, tôi sẽ phải làm gì nếu Trời cho một đứa con gái!

Lắng nghe

Đương nhiên rồi. Đó là điều con gái cần. Nghe con, trong khi cùng nhau nấu một bữa cơm. Nghe con, trong một buổi tối mùa hè rỗi rãi, con nằm, mẹ nhẹ nhàng gãi lưng con bằng đôi tay thô ráp của mình. Nghe con, khi con trở về nhà sau một buổi học, dường như có cãi cọ gì đó với bạn bè, mặt đỏ bừng, có vẻ nóng nảy… Nhưng nghe là nghe, chứ không phải truy hỏi, cũng không bình phẩm, phân tích trái-sai. Hãy kiên nhẫn đợi cho đến khi con mở lời trước với mình, chớ vội hỏi: “Sao? Cái gì? Thế nào?”. Tệ hơn nữa, là “Kể đi! Nói cho mẹ nghe! Mẹ cần được biết!”. Một lời chia sẻ mẹ muốn gợi ở con, thì nên gợi bằng hành động: Một tách trà lipton pha mật ong. Hoặc một vài cái bánh mà con thích. Hoặc một bộ phim hài bật lên, con và mẹ cùng xem…

Hãy xây dựng một bí mật

Con gái thì hay gần cha, con trai mẹ lại chiều – đó cũng là quy luật tự nhiên, xuất phát từ những đặc điểm hấp dẫn giới tính. Tuy vậy, mẹ và con gái lại có một thế mạnh của phái nữ, đó là có thể dễ dàng xây dựng và gìn giữ một bí mật chung. Càng nhiều bí mật chung, người ta càng dễ gần gũi nhau hơn. Khi con còn bé, bạn có thể cùng con làm những món quà bí mật nhân ngày sinh nhật bố. Hoặc những ngày lễ của người trong gia đình. Hãy nghĩ ra một điều gì đó mà bạn chỉ chia sẻ với con thôi, không với bất kỳ ai khác. Nhưng hãy coi chừng, nếu bạn kể với con, rồi lại nói với thêm một người nữa, bé sẽ thất vọng vô cùng. Bạn hãy thật tế nhị và nhất quán trong việc này. Mẹ và con gái có thể bí mật cùng vẽ một bức tranh, cùng làm một cái bánh… và giấu bố, để sẵn trên bàn khi bố về nhà. Hoặc một ngày đẹp trời nào đó, rủ con đi mua đồ trang trí gia đình. Bố hỏi đi đâu, thì nhìn nhau: “Bí mật!”. Khi con đến tuổi dậy thì, những bí mật càng sẽ nhiều lên. Chẳng hạn, những chiếc quần lót xinh xắn, những miếng bông vệ sinh phụ nữ… chỉ có bạn và con cùng đi chọn. Giữa mẹ và con hình thành một liên kết bền chặt thông qua những công việc chỉ phụ nữ với nhau mới biết!

Bạn có thể bí mật viết nhật ký hoặc blog cho con, từ khi còn còn nhỏ đến lúc bắt đầu hiểu biết nhiều hơn, khoảng 10 tuổi chẳng hạn. Đúng ngày sinh lần thứ 10, trao cho con cuốn sổ, mở cho con trang web với những lời yêu thương, những ghi chép tỉ mỉ lời nói ngộ nghĩnh của con khi lên 3, những mốc quan trọng trong đời khi còn còn bé, thời gian đi mẫu giáo, ngày con vào lớp 1, buổi nhận giấy khen lần đầu tiên..v..v…

Sau này, khi con lớn dần lên, bạn có thể chia sẻ một blog bí mật của hai mẹ con, gửi vào đó những suy nghĩ của bạn về một người, về một ngày, về một sự kiện, về một cuốn sách… Quan trọng là tất cả phải thật chân thành và tự nhiên. Con của bạn nếu muốn, sẽ hào hứng tham gia “trò chơi bí mật”. Còn nếu không muốn, nó cũng vẫn có được một cảm giác hạnh phúc, vì được chia sẻ và yêu thương.

Ngoài ra, bạn có thể khuyến khích con tạo nên những bí mật của riêng mình. Khi con lên 8, 9 tuổi, hãy làm cho con một ngăn tủ có khóa, mua một cuốn sổ cũng có khóa… để khẳng định sự khôn lớn của con. “Con đã lớn. Có những điều riêng tư của con, bố mẹ muốn biết thì phải xin phép!” – Cảm giác được tôn trọng là thứ cảm giác rất tích cực, là chất xúc tác khiến những mối quan hệ càng thân mật và bền vững hơn.

Hãy dạy con điều mà bạn biết làm khéo nhất, hay những gì mà bạn tự hào nhất về bản thân.
Không phải ai cũng giỏi giang về nữ công gia chánh. Không phải người mẹ nào cũng biết làm bánh ngon, biết may chiếc áo đẹp… Không nhất thiết phải tỏ ra mình là người như thế. Nhưng nhất định, bạn cũng có sở trường về điều gì đó. Người mẹ hát giỏi, sẽ hay hát cho con nghe. Người mẹ biết làm thơ, sẽ đọc thơ cho con nghe. Người mẹ giỏi … đánh cầu lông, hãy chăm cho con cùng đi đánh cầu lông với mình. Nghĩa là, dạy con những gì bạn giỏi. Đó vừa là cách “tạo dựng hình ảnh bản thân” trong mắt con gái, cũng đồng thời không để mai một đi khả năng trời phú cho mình, bạn có thể truyền lại cho con. Ký ức về cha mẹ, trẻ con lưu giữ rất lâu. Hãy cho chúng cơ hội giữ hình ảnh đẹp nhất, tự hào nhất trong ký ức của chúng về cha mẹ!

Một khoảng cách

Người ta bảo, tình yêu cũng có được nhờ khoảng cách. Tình yêu giữa mẹ và con gái cũng vậy. Bạn đừng lúc nào cũng chăm chăm theo dõi con, lo lắng cho con. Hãy cho con gái một khoảng tự do cần thiết. Một buổi chiều thứ Bảy con không phải đi học thêm, đôi khi bạn có thể “đi vắng” để con ở nhà loay hoay một mình. Trước khi đi, chớ có giao việc “tưới cây, quét nhà hay làm nốt bài toán, bài văn”. Con gái đôi khi cũng cần có vài buổi “vô công rồi nghề”, để hí hoáy gấp một tờ giấy thành một con chim hạc, hoặc vẽ vời tỉ mẩn trong sổ, hay ngồi mơ mộng bên bàn, nghĩ tận đẩu tận đâu… Không có gì đáng ngại. Những khoảnh khắc tự do sẽ khiến con có thời gian cảm nhận được hạnh phúc của mình khi sống cùng bố mẹ. Chính bản thân người lớn đôi lúc cũng cần những khoảnh khắc ấy, bạn có đồng ý không?

Những va chạm da thịt, cảm nhận xúc giác

Tuy vậy, xin cũng đừng quên những âu yếm cụ thể bằng xúc giác. Một bàn tay nắm lấy bàn tay, một cái vuốt tóc, một nụ hôn buổi tối, một cái ôm nhẹ nhàng… cứ tưởng là xa xỉ, là vớ vẩn mà đem lại hiệu quả về cảm xúc lớn vô cùng. Chúng tạo nên mối liên hệ bền vững không lời giữa hai con người, cho họ có cơ hội xích gần nhau hơn về mặt tâm hồn.

Còn thật nhiều điều mẹ có thể làm để chiếm được sự tin tưởng của con gái. Nhưng theo tôi, chỉ với năm thái độ, năm cách tiếp cận trên, bạn cũng đã có thể trở thành một người mẹ tuyệt vời trong mắt con, khiến con tin, tự hào, và cảm thấy không xa cách. Khi ấy, hãy chuẩn bị tinh thần chia sẻ với con tất cả, cả những điều có thể làm bạn “sốc” nhất, chẳng hạn:  mới 10 tuổi, cô bé đã cảm thấy thích … một người bạn cùng lớp – phải làm sao?

Bất luận bạn sẽ khuyên con thế nào, con có thể làm theo lời khuyên đến đâu, thì điều chính yếu vẫn là sự chia sẻ, niềm tin tuyệt đối có được giữa mẹ và con!

Thụy Anh, TẠP CHÍ Mẹ và Bé.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

CÂU CHUYỆN KINH HOÀNG VỀ MỘT ÔNG GS.TSKH

Câu chuyện này có liên quan đến vấn đề học thuật và... phản học thuật. Vì bài viết trên blog khá dài, lại có kèm nhiều hình ảnh minh hoạ, nên tôi giới thiệu đường dẫn sau đây. Bạn nào muốn xem, xin theo http://vn.360plus.yahoo.c...cthohannom/article?mid=26
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ hoang

Tên quyển sách là "VIỆT NAM Hướng tới nền giáo dục hiện đại" của tác giả GS TSKH NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG chuyên gia cao cấp của UB thường vụ Quốc hội - Viện nghiên cứu lập pháp. Cuốn sách được xuất bản bởi NXB Giáo Dục và được đương kim phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đề lời giới thiệu.

Chưa đọc quyển sách đó không biết nó "hướng tới nền giáo dục hiện đại" cỡ nào. Nhưng đọc những gì mà Ngạn Xuyên nhận xét thì quả thấy thật là chuối cả rừng... (cảm nhận này mới chỉ là cảm nhận từ việc đọc bài viết của Ngạn Xuyên).

Tuy nhiên cái mà Ngạn Xuyên muốn nhấn mạnh là có tới 350 trang của cuốn sách do vị GS TSKH 65 tuổi đời, 47 tuổi đảng là "đạo văn" từ cuốn "Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919)" do PGS.TS Hán Nôm học NGÔ ĐỨC THỌ làm chủ biên và biên soạn chính.
Ngạn Xuyên viết:

Anh H ạ, soạn cuốn Các nhà khoa bảng VN này, nếu chúng tôi cứ để y nguyên như trong sách đăng khoa lục mà dịch  ra, thực chất là phiên âm, thì chẳng mất mấy công mà dễ, các cháu Trung cấp Hán Nôm cũng làm được. Cái khó nhất của một cuốn sách tiểu sử các nhà khoa bảng VN là ở việc quy đổi địa danh quê quán của ngót 3000 Tiến sĩ. Ở ta, cho đến nay chưa có một cuốn từ điển địa danh nào tra cứu được địa danh xưa - nay đến đơn vị xã thôn. Chủ trương từ đầu của chúng tôi khi làm cuốn sách này là phải cố gắng tối đa để thực hiện việc quy đổi này. Không chỉ tra tìm từ nguồn thư tịch cũ mới mênh mông, chúng tôi còn phải hàng tháng trời bò toài ra sàn nhà để dò tìm trên từng tấm của kho bản đồ chất cao mấy mét quýp của Viện Hán Nôm để có thể xác định địa danh quê quán hiện nay của các Tiến sĩ. Trước chúng tôi, chưa có bản soạn, bản dịch sách đăng khoa lục nào làm được. Vì vậy, chỉ giở cuốn sách của anh, xem lướt qua vài trang đầu, mấy trang giữa và cuối là tôi biết ngay cả phần 350 trang này anh đã chép nguyên xi trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) do tôi Chủ biên và biên soạn chính (*). 350 trang ấy là mồ hôi công sức của bản thân tôi và của các bạn đồng nghiệp cộng tác với tôi trong nhóm biên soạn. Tôi xin nói thẳng với anh như thế mà không lo bị nhầm!

Im lặng một chút, ông H nói:

- "Vâng... việc này tôi xin nhận sai lầm với bác Ngô Đức Thọ, nhưng... tôi chỉ vì muốn lưu truyền kiến thức cho đời sau..!"
Còn một chi tiết khá quái đản nữa mà ông Toàn SKhông Hát đưa ra trong cuốn sách cũng được Ngạn Xuyên nhắc đến, đó là câu này:
Toàn Sờ Không Hátviết
"...thi Hội để lấy bằng Cử nhân, thi Đình để lấy bằng Tiến sĩ"
http://i79.photobucket.com/albums/j148/hoaphonglan1911/toan-so-khong-hat.jpg
Cỏ hoang có một cảm nhận thật là ớn!
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những người bạn cũ

* MAI SƠN



Các tác phẩm nghệ thuật bất hủ đều có chung đặc điểm là những giá trị nội tại của chúng quá phong phú và sâu xa để có thể tát cạn hết sau chỉ một lần thưởng thức.

Chúng đòi hỏi người đọc, người nghe, người xem thường xuyên tái khám phá. Vì vậy mà những fuga của J.S. Bach, những giao hưởng của Mozart và Beethoven...được nghe đi nghe lại mãi mà không chán và mỗi lần nghe là mỗi lần tâm hồn ta thức dậy những cảm xúc mới. Những họa phẩm của các danh họa Leonardo da Vinci, Pablo Picasso, Marc Chagall... vẫn như mời gọi ta dừng lại lần nữa, nhắc nhở ta món nợ mà ta mang nặng: ta chưa “nhìn thấy” hết những gì bức tranh còn che giấu! Ta vẫn còn muốn đến với đền đài Angkor Wat lần nữa sau một ngày đi tham quan vội vàng. Ta muốn tận mắt thấy hai tác phẩm điêu khắc Nụ hôn và Người suy tư của Rodin sau bao nhiêu lần nhìn chúng qua phiên bản.

Nhưng hình như những tác phẩm văn chương bất hủ thì không được như vậy?

Đã có ai trong chúng ta đọc lại không dưới chục lần Don Quixote của Cervantes, Bà Bovary của Gustave Flaubert, Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy, các tiểu thuyết của Franz Kafka... như nhà văn Pháp gốc Cộng hòa Czech Milan Kundera?

Có phải vì quá mất thì giờ? Hay vì ta không cảm thấy nơi cuốn sách ta đã đọc xong từ lâu còn chứa đựng nhiều cái hay, cái đẹp bí mật hứa hẹn dâng tặng thêm cho ta? Hay vì cái giá trị mà ta từng tìm thấy trong cuốn sách cũ ấy (thường được ví như bạn tri kỷ) không quá lớn lao để ta quay trở lại lần nữa? Vậy là ta đã đi qua rất nhiều cuốn sách “hay” theo kiểu đó, như đọc xong một tờ nhật trình. Không hề băn khoăn ngoái nhìn lại, không hề bị ám ảnh vì tính bất xác ẩn phục trong chúng. Và đọc gấp gáp như vậy thì cầm chắc là hiểu sai lệch văn bản, là chưa kịp gỡ hết những lớp vỏ tầng nghĩa của cái củ hành - cuốn sách.

Hay vì lý do nào khác?

Ta phải chạy theo những tác giả cùng thời, cuống cuồng nuốt cho nhanh những tác phẩm đang ì xèo trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, để nuôi dưỡng, bồi đắp tinh thần hiện đại và thực dụng nào đó trong ta, để không bị lạc hậu, nghĩa là ta đọc văn chương không khác gì đọc thông tin, sợ bỏ lỡ một “cái mới” nào đó đang bày đầy trong các nhà sách?

Câu hỏi đó tôi vẫn thường tự đặt ra cho chính mình.

Tôi luôn bị căng kéo giữa ước muốn cầm lên một cuốn sách khác của nhà văn Mỹ Paul Auster hay quay về với Thân phận con người của André Malraux từng đọc 20 năm trước; rốt cuộc ông Paul Auster “siêu hư cấu” (metafictional writer) đã thắng. Giữa tập 2 cuốn Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell và cuốn The moon is down (1942) “ngoại lệ” của John Steinbeck từng đọc qua một lần cách đây mười năm; lần này tác giả Của chuột và người đã thuyết phục được tôi.

Nhưng niềm vui thảng hoặc này không làm tôi bớt thường xuyên áy náy, nỗi áy náy của người bận rộn với cái ồn ào hào nhoáng trước mắt, chưa thể sắp xếp trở lại đàm đạo say sưa hay im lặng bùng nổ bên “những người bạn thâm trầm”. Áy náy vì biết mình mỗi ngày một cách xa “những người thầy” chưa bộc lộ hết câu chuyện hiền minh với mình.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

gái có chồng

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:

MẸ VÀ CON GÁI


Mẹ và con gái, người ta bảo, phải rất thân nhau. Mẹ và con gái, người ta bảo, phải thủ thỉ dạy cho nhau tất cả. Những nữ công gia chánh, những đối nhân xử thế, những vệ sinh thân thể cho một cơ thể thiếu nữ dậy thì.
Tất cả, con gái và mẹ, đều cần phải, nên phải, nhất định phải chia sẻ với nhau. Để có được một sự tiếp nối về tinh thần, chất nữ tính, sự bình yên sau này con sẽ có khi ra đời, khi có tổ ấm riêng của mình…
Thế nhưng, than ôi, giờ đây, rất nhiều người mẹ bảo rằng, đó chỉ là chuyện hoang đường xưa cũ. Rất nhiều cô gái trẻ không cảm thấy cần mẹ, hay chí ít, muốn vùng vẫy thoát ra khỏi những ràng buộc bí bức mà mẹ đặt ra cho mình. Con gái… không được thế! Cổ mặc trễ quá! Đi đứng phải nhẹ nhàng. Ăn nói phải nhỏ nhẹ… Và hàng trăm cái “phải” và “không được” khác nữa!
Đấy là chưa kể, rất nhiều trường hợp, con gái không thích mẹ, mẹ cũng chẳng hợp được với con, hai mẹ con cứ như “mặt trăng, mặt trời”, cho dù tận đáy lòng, vô cùng thương quý nhau.
Vậy phải làm sao?
...
....
Em thích đọc bài chị Thuỵ Anh viết, những bài thơ, những tản văn của chị có một điều gì đó thật gần gũi và điều ấy được chứng minh qua bài viết này: Mẹ và con gái...
Em đọc đến đây và thấy muốn được viết một chút gì đó nho nhỏ thôi cho Mẹ và con gái:

Người ta cũng bảo, Mẹ và con gái phải thật thân nhau, nhưng Mẹ vẫn bảo với con, giống Bố như đúc từ tính tình đến suy nghĩ, cảm xúc...Tuổi thơ của con trên ngực Bố, những hôm con ốm, bố đặt con nằm trên ngực ôm và ru con ngủ vì như Bố bảo, sợ đặt xuống giường, con sốt cao, bố ngủ quên sẽ không biết...Nói thế chứ, có bao giờ Bố ngủ quên đâu...Còn Mẹ...khi ấy đi công tác...
Khi con đi mẫu giáo, người đến trường đón con vẫn là Bố...dù bận đến mấy, vẫn là Bố đón con, hoạ hoằn và bất khả kháng Bố mới nhờ Cậu và chỉ duy nhất một mình cậu ...bố bảo, không nhờ người này người khác, sợ con thấy người quen sẽ theo và khi ấy cô giáo sẽ không biết ai quen, ai lạ...rồi mất con...
Mẹ thích con như một cô công chúa bé bỏng đáng yêu, Bố lại muốn con là một cô bé mạnh mẽ...Bố bảo, con phải biết tự bảo vệ mình...vì sẽ có lúc, không có ai bên cạnh...nếu là cô công chúa...khi ấy chỉ khóc nhè, xấu lắm...
Những khi mẹ đi xa, Bố thủ thỉ ru con bằng thơ của cô Xuân Quỳnh...chả trách, con học thơ cũng bằng học chữ...Bố dẫn dắt cảm xúc của con bằng những điều bình thường và giản dị như thế, bằng tình yêu dành cho Mẹ thâm trầm và sâu lắng như thế...
Con rất yêu Mẹ, dù tuổi thơ của con là những ngày mẹ đi công tác xa...Con rất yêu Mẹ, dù bây giờ Mẹ không ở gần con nữa...nhưng có những cảm xúc, những gắn kết không thể dùng câu chữ để nói hết trọn vẹn ba từ: Con yêu mẹ...
Không có thất bại, chỉ là chưa thành công...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đến với Phật bằng tâm hồn nghệ sĩ

* KHÁNH LINH



Đạo Phật là đạo sống, ít mang màu sắc tôn giáo. Sống sao để chính mình bình an và mang bình an đến cho người khác.

Đến với tọa đàm "Phật giáo với tuổi trẻ" (tối 17/5) trong Tuần văn hóa Phật giáo 2010, các bạn trẻ Huế đã thật sự "bình đẳng" cùng các bậc cha chú khi chia sẻ những băn khoăn không chỉ về vai trò của Phật giáo trong việc dẫn dắt lớp trẻ. Cùng chủ trì tọa đàm với GS Thái Kim Lan, nhà văn Bửu Ý và nhạc sĩ Miên Đức Thắng là 2 bạn trẻ Hồ Ngọc Hân (Trưởng phòng tài nguyên thông tin, Trung tâm học liệu của ĐH Huế) và Tôn Thất Kỳ Văn, huynh trưởng của Gia đình Phật tử An Hòa.

Khao khát một điểm tựa tinh thần

Mở đầu cuộc tọa đàm, GS Thái Kim Lan hồi nhớ về câu chuyện từ hơn 40 năm trước,  thế hệ của bà đã từng thao thức, tranh luận cũng về chủ đề này. Những người tham dự hồi đó cũng rất trẻ, họ bàn cãi sôi nổi, đưa ra nhiều nhiều lý lẽ nhưng cũng dừng lại ở việc mỗi người chỉ tìm được con đường cá nhân, mà chưa tìm được hướng đi chung. Từ kinh nghiệm bản thân, GS Thái Kim Lan nêu vấn đề: "Di sản Phật giáo phải được "xử lý" thế nào cho thích hợp với tuổi trẻ hôm nay? Phải trở về với những giá trị tinh hoa, xóa bỏ những định kiến sai lầm về đạo Phật khiến tuổi trẻ hoài nghi như: Phật giáo có vẻ không năng động, yếm thế, bi quan... ".

Giải thích sâu hơn một chút về những điểm nêu trên, GS Thái Kim Lan cho rằng "tu học không phải là trốn đời mà là nhân cách của người trẻ, khám phá ra tất cả những suối nguồn năng động của người trẻ", hay "giác ngộ không cần phải là giải thoát, là đạt đến cõi niết bàn, mà có thể hiểu giác ngộ là đạt đến trạng thái giải phóng, tự do, mỗi người trẻ tự khám phá, sáng tạo".

Điểm dễ nhận thấy là nhiều bạn sinh viên đến với tọa đàm trong tâm trạng khá "chông chênh" và họ mong muốn tìm được một điểm tựa tinh thần từ Phật giáo, một sự dẫn dắt của những bậc cao niên trong các tăng đoàn.

Hồ Ngọc Hân băn khoăn nêu trúng những điểm băn khoăn của giới trẻ hôm nay: "Tiếp cận vói Phật giáo có giúp con người hướng thiện, cuộc sống an lành hơn không? Dường như giới trẻ chúng con mải đuổi theo sự nghiệp nên đánh mất nhiều quá, như con thấy gia đình giống nơi tạm bợ để về".

Một sinh viên cũng còn rất trẻ, mới học năm thứ nhất đưa ra lời đề nghị tha thiết "Liệu có con đường nào đến với Phật giáo dễ dàng hơn không? Nên chăng các sư thầy, sư cô sẽ mở lớp dạy về phong cách sống, phong cách ứng xử, những việc mà chúng con chưa được dạy ở gia đình và nhà trường, chúng con chưa được dạy phải xin lỗi ra sao, phải thương người thế nào? Đó sẽ là con đường đến với Phật giáo cho nhiều thanh thiếu niên, đừng để các bạn chỉ biết lên chùa thắp hương vái lạy rồi về, hay buột ra những lời nói vô tình kiểu "Phật giáo đang mất tín đồ rất nhiều nên mới tổ chức hoạt động để tìm cách lôi kéo".

Những câu hỏi không dễ trả lời

Hỏi về đạo Phật đấy, mà dường như nhiều bạn sinh viên vẫn đang hoang mang tự hỏi phải sống thế nào cho đúng, khi giáo dục bây giờ chỉ chú trọng về kiến thức? Chia sẻ về triết lý từ bi, bác ái của đạo Phật cũng là khi sư thầy trăn trở về "tiền bạo lực" trong xã hội, khi con người sẵn sàng chà đạp lên cái đẹp, ngồi tránh nắng dưới bóng cây rồi lại bẻ cành, đến một dòng sông trong xanh mát nhưng sẵn sàng vứt rác bẩn. Từ những câu hỏi thật cụ thể nhưng không dễ trả lời trong phút chốc, như "làm thế nào để trở thành người khoan dung", hay "Phật giáo có giúp tuổi trẻ phát triển trí tuệ không?", đến những vấn đề to tát như "Phật giáo ít tín đồ hơn Thiên chúa giáo, có phải vì thiếu một quyển kinh chung? vì tăng ni phật tử ít năng động?..." đều được các bạn trẻ thẳng thắn đưa ra trao đổi.

Trong khi các bạn trẻ luôn mong được dẫn dắt, thì những người từng trải lại thật lòng chia sẻ rằng đường đến Phật giáo là tùy duyên của mỗi người nên rất cần sự tự tin, mỗi bạn trẻ phải tự chuẩn bị không chỉ tri thức mà cả lòng dũng cảm, mạnh mẽ sống và chiêm nghiệm bản thân mỗi ngày" như kinh nghiệm của PGS TS Y khoa Diệp, PGĐ Bệnh viện trường ĐH Y. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì cho rằng "tu là bổ sung cho mình cái thiếu, chưa biết buông bỏ thì tu xong biết buông bỏ".

Dù vậy, các bạn trẻ cũng cảm thấy tự tin hơn khi nghe những chia sẻ chân thành của Huynh trưởng Tôn Thất Kỳ Văn, rằng "ngũ giới" có thể nhìn nhận là những điều không nên làm, chứ không nghiêm ngặt là cấm, như không nên sát sanh không có nghĩa là muốn đi tu thì phải tuyệt đối ăn chay, có thể ăn chay 2 ngày, hoặc 4 ngày trong tháng.

GS Thái Kim Lan còn nhấn mạnh hơn, với Phật giáo, không có thế lực bên ngoài nào ép buộc một người đi tu phải làm điều này điều kia, nếu không làm thì không được cứu rỗi, mà chỉ tự mình theo dõi chính mình.

Đạo phật là đạo sống


Trước câu hỏi "Thương trường là chiến trường, khi cạnh tranh để phát triển sẽ phải làm tổn hại đau thương đến nhiều người. Đức Phật lại dạy phải từ bi khoan dung, như vậy có làm kìm hãm nền kinh tế không?", Phật tử "trẻ" Tạ Thị Ngọc Thảo khẳng định đã qua rồi thời thương trường là chiến trường, cạnh tranh theo kiểu anh sống tôi chết sẽ không bền vững, bây giờ cạnh tranh phải bằng những ý tưởng đột phá, lấy khách hàng làm mục tiêu trung tâm, nên sẽ hoàn toàn không mâu thuẫn với triết lý Phật giáo".

Theo Nhà văn Bửu Ý, chính các bạn trẻ sẽ phải dùng trí lực để chọn lựa những gì mình muốn học, không thể thụ động phụ thuộc những cái mình được dạy. Theo ông, bàn thờ trong mỗi gia đình là nơi dạy ta bài học của sự khiêm tốn, lễ độ với tiền nhân, chính qua những việc tưởng nhỏ như thắp cây hương. Đạo Phật, trong suy nghĩ của ông, là đạo sống chứ ít mang màu sắc tôn giáo, sống sao để chính mình bình an và mang bình an đến cho người khác. GS Thái Kim Lan thì nhắn nhủ lớp trẻ rằng: "đừng đến với Phật giáo với tâm hồn khô khan, mà Phật tử hãy là nghệ sĩ, là những người sáng tạo của đời sống".
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Thư gửi một người thất bại

Kính thưa thầy Đỗ Việt Khoa,

Đọc báo thấy thầy quyết định giã từ giảng đường mà lòng tôi trống rỗng vô cùng. Tôi cảm thấy thật cay đắng khi nghĩ đến một người thầy đứng trên bục giảng đã gần 20 năm giờ phải quyết định rời bỏ nơi ấy vĩnh viễn. Việc thầy rời bỏ giảng đường phải hiểu đúng nhất đó là cuộc bỏ chạy. Thầy đã không đủ ý chí để đứng thêm nơi chốn đó được nữa. Thầy đã thất bại.

Thầy đã không chịu nổi một nơi chốn mà chúng ta gọi là mái trường, không chịu nổi những đồng nghiệp, những phụ huynh và cả những học sinh đã và đang nhìn thầy với đôi mắt đầy oán hận. Tại sao họ lại oán hận thầy? Vì thầy đã mở tung ra trước mắt thiên hạ một sự thật, sự thật của những điều tồi tệ trong sự nghiệp trồng người mà những con người đang oán hận thầy là những kẻ liên can.

Hơn bao giờ hết, tôi nhận thấy thầy thật cô đơn trên con đường thầy chọn. Tôi cảm thấy ai đó đang khóc và nhìn theo thầy. Tôi cảm thấy nỗi cay đắng và cô độc đang dâng lên như nước lũ nhấn chìm thầy. Tôi thấy những ô cửa của từng lớp học mở ra đầy vô cảm.

Có những người nói rằng thầy đã đấu tranh với tấm lòng trung thực, với trái tim quả cảm nhưng còn những điều chưa hợp lý trong phương pháp của mình. Chuyện đó nếu đúng cũng không phải là điều đáng nói. Điều đáng nói là số người trong ngành giáo dục đứng bên thầy quá ít. Sự ích kỷ, thói hưởng lợi cá nhân và nỗi sợ hãi bị liên luỵ đã đánh gục lòng tự trọng và nhân cách của nhiều thầy cô.

Tôi cũng không tán thành việc một số báo chí tung hô, vinh danh thầy như một tượng đài chống tiêu cực. Nhưng tôi trân trọng hành động của thầy, một con người bình thường trong xã hội nhưng đã có can đảm nói lên sự thật.

Cho đến lúc này, tôi vẫn băn khoăn với câu hỏi: vì sao những người quản lý giáo dục và xã hội đã không đứng bên thầy một cách chân thực và quả cảm nhất. Nhưng tôi lại thấy cho dù là mơ hồ rằng thầy đã trở thành ví dụ của một người đấu tranh cho sự trong sạch trong sứ mệnh dạy người trong một lúc nào đó như là một thứ thời thượng. Rồi tất cả bỏ đi, để lại mình thầy đứng bơ vơ nơi đầy bão gió khắc nghiệt của những người chống lại thầy.

Tôi không phải là một ai đó trong số người kia. Nhưng tôi vẫn cảm thấy một cảm giác xấu hổ đang táp vào tôi như bùn đen. Bởi tôi đã chẳng thể làm gì để thầy dừng bước và quay lại mái trường thân yêu của mình.

Và tôi lại dày vò tự hỏi: sao những người có trách nhiệm không đứng bên thầy, trao đổi chân thành với thầy, giúp đỡ thầy, động viên thầy và cùng bao thầy cô như thầy nắm chặt tay nhau vì nhân cách và tương lai tốt đẹp của những đứa trẻ. Tôi cảm thấy họ đã không làm như thế. Họ đã bỏ lại thầy một mình và thầy đã có lúc không biết sẽ phải làm như thế nào.

Tại sao sự trung thực của thầy lại bị săn đuổi?

Tại sao sự quả cảm của thầy lại bị dè bỉu?

Tại sao có lúc thầy lại phải hoang mang trên con đường đúng?

Tại sao thầy lại trở thành một kẻ cô đơn?

Lúc này đây, tôi muốn nói với thầy một điều mà thực sự tôi không muốn nói, rằng: thầy đã thất bại. Thầy thất bại là những người như tôi thất bại. Những đồng nghiệp chân chính của thầy thất bại. Những giấc mơ về một mái trường thân yêu ngập tràn tình yêu thương thất bại. Và những đứa trẻ đang mong đợi chúng ta mang đến cho chúng những điều ý nghĩa và đẹp đẽ cũng thất bại.

Đêm nay tôi nhận thấy: những con đường trên xứ sở của chúng ta đầy gió. Tôi lại nghe vang lên những câu thơ của nhà thơ vĩ đại J. Brodsky: Chỉ cần ngước mắt lên cao hơn, chỉ cần khóc, chỉ cần hát và chỉ cần sống.

Và tôi muốn thầy cũng nghe thấy những câu thơ ấy.


           Trực Ngôn
ST - Đọc thấy buồn!
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tôi đọc được hai bài viết trên Web, khiến chúng ta có nhiều liên tưởng và suy nghĩ về văn hóa. Vì mỗi bài khá dài, nên tôi chỉ trích đăng một đoạn.

Trích đoạn bài Phụ huynh sốc vì con bị 'Tây hóa'

(Bài của HẢI DUYÊN)

Mỗi lần đi học về, bé Linh lại vẫy tay reo từ cổng "Hello mẹ", "Hello bà". Cô bé có thể nói, viết tiếng Anh thông thạo, nhưng viết chữ Việt lại bập bõm.

Chị Lê Châu, mẹ của bé Linh cho biết, từ nhỏ đã cho con đi học tại trường mầm non quốc tế. Từ lớp mẫu giáo, bé đã tiếp xúc với chương trình dạy tiếng Anh, nên khi nhập học lớp 1, ngoại ngữ của Linh đã khá tốt. Chị Châu giải thích, cho con học như vậy vì muốn lớn lên, cháu có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ.
Việc học ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đối với các em nhỏ. Các bé có thể học song song hai ngôn ngữ nhưng việc ưu tiên dạy tiếng mẹ đẻ vẫn là tiên quyết. Ảnh:T. S.

Ở lớp 1, bé Linh tiếp tục theo học ở trường quốc tế. Hằng ngày, bé được tiếp xúc với nhiều giáo viên và bạn học nước ngoài, chủ yếu sử dụng tiếng Anh. Về nhà, gia đình lại khuyến khích bé rèn luyện thêm ngôn ngữ này. Kết quả là, hiện tại, việc đọc và viết đúng tiếng Việt đối với bé Linh còn khó hơn cả tiếng Anh.

Chị Châu lo lắng: "Đáng lẽ tôi phải cho cháu học song song cả tiếng Việt và tiếng Anh thì chắc không đến nỗi nào. Bây giờ, gia đình phải cho cháu học tăng cường tiếng Việt để không bị mất gốc".

Tương tự là trường hợp của gia đình chị Thu Trúc ở Bình Thạnh, TP HCM. Vì muốn con được tiếp xúc phương pháp học năng động, thoải mái của nước ngoài, cũng như tiếp cận văn hóa các nước, chị cho con gái học trường quốc tế từ lớp 1. Ban đầu, chị Trúc thấy tự hào vì con có suy nghĩ độc lập, sống tự giác và dạn dĩ trong cuộc sống. Tuy nhiên, càng lớn cô bé càng có biểu hiện "quá sòng phẳng" trong quan hệ bạn bè, họ hàng, thậm chí không nghe lời cha mẹ và thường xuyên tranh luận để bảo vệ ý muốn của mình.

"Có thể, cháu bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lối sống tự do thể hiện bản thân của văn hóa ngoại nên trước bất cứ chuyện gì, cháu cũng đòi hỏi sự bình đẳng và câu trả lời xác đáng từ người lớn. Nhiều lúc, tôi thấy sợ khi thấy con gái biểu hiện cứ như một người trưởng thành, ngang vai vế với cha mẹ", chị Trúc cho biết.

Người mẹ trẻ cũng lo sợ, con gái đang học lớp 4 của mình khi lớn lên sẽ quên đi những giá trị truyền thống của dân tộc cũng như nề nếp sinh hoạt của gia đình. Chị Trúc cho biết thêm, đích thân chị phải đi tìm mua rất nhiều quyển truyện và đĩa nhạc thiếu nhi tiếng Việt để con không quên ngôn ngữ chính của mình.

"Tôi cũng phải theo dõi sát sao những thay đổi trong tâm lý của cháu để uốn nắn. Có điều kiện cho con đi học ở trường quốc tế là rất tốt vì các cháu được tự do phát triển khả năng bản thân. Nhưng không thể phó mặc cho nhà trường mà con cái vẫn rất cần sự giáo dục, góp ý từ gia đình", chị Trúc nói.

Hiện nay, phần lớn các gia đình có điều kiện đều muốn cho con học các trường quốc tế ngay từ khi còn nhỏ để trẻ tiếp cận với phương pháp học mới, phát huy tính sáng tạo và sử dụng tốt ngoại ngữ. Tuy nhiên, một vấn đề đang khiến nhiều phụ huynh và các nhà sư phạm lo lắng là khả năng nói tiếng Việt và cách ứng xử theo văn hóa truyền thống của trẻ nhỏ đang bị thiếu hụt.


(Nguồn: http://vnexpress.net/GL/D...ng/2010/05/3BA1BF3F/)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trích đoạn bài Ca sĩ Bạch Yến
[...]

Và cũng dễ hiểu khi bôn ba xứ người, hết Pháp sang Mỹ, cuối cùng chị thành thân với nhạc sĩ Trần Quang Hải, con trai của giáo sư Trần Văn Khê. “Cuộc hôn nhân của chúng tôi bắt đầu từ một sự đùa là nhận lời lấy anh Hải, cuối cùng anh đi phát thiệp thật. Nhưng cảm ơn số phận, vì đã sắp đặt cho tôi đúng chỗ mà cả đời tôi đi tìm kiếm – những giá trị gia đình. Lúc này anh Hải đã ly dị vợ và có một cô con gái năm tuổi”.

Rất nhiều người ngạc nhiên và tỏ ra nghi ngờ về “khả năng hội nhập” của cá tính mạnh nhạc Việt này với một gia đình đầy lễ nghi truyền thống của giáo sư Trần Văn Khê. Chị đã bước vào gia đình đó bằng sự ngưỡng mộ những nét gia phong và những học hỏi cách hành xử lễ nghĩa.

Chị chỉ quan niệm: Nếu một người giỏi và thành công mà không ý thức việc giữ những giá trị đẹp của dân tộc mình thì phải xem lại sự thành công và giỏi ấy. Và cũng không có gì là dễ dàng khi Bạch Yến đã bỏ lại phía sau những ồn ã của những thành công ngày cũ để cùng chồng đi sang một chặng đường âm nhạc khác – nhạc dân tộc nếu trong chị không sẵn ý thức giữ những giá trị mà chị tôn quý.

Bạch Yến không có con. Cô con gái riêng của chồng, chị xem như con và nuôi cháu từ khi năm tuổi đến khi cháu đi lấy chồng. Nhạc sĩ Trần Quang Hải nói: Tôi luôn cảm ơn Bạch Yến đã cho con gái tôi hình ảnh một người mẹ mẫu mực Việt Nam. Theo anh Hải, bắt đầu bằng việc dạy cháu nói tiếng Việt. Đi đâu ra ngoài có thể nói tiếng Pháp, về nhà nói chuyện với ba mẹ chắc chắn phải bằng tiếng mẹ đẻ. Và nói chuyện với người Việt, cũng phải là tiếng Việt. Đến giờ, nhiều người ngạc nhiên cứ nghĩ cô con gái này mới ở Việt Nam sang Pháp chứ không mấy ai nghĩ cô đã sống ở Pháp từ khi lọt lòng mẹ.

Giữ tiếng Việt là một chuyện. Trong nhà, chị dạy con, ăn cơm phải dùng đũa. Trước khi ăn, phải mời những người lớn tuổi hơn. Thậm chí khi nhai thức ăn phải khép miệng, và tuyệt đối không nói chuyện. Những chuyện bếp núc, rửa chén, dù nam nữ bình đẳng nhưng là phụ nữ, phải luôn đi đầu trong những chuyện này. “Con phải nấu được những món ăn Việt và phải giữ được những lề thói chuyện bàn ăn bếp núc của người Việt để khi giới thiệu văn hoá Việt, chính con là người thực hành” – chị từng dạy con gái như vậy.

Và người con gái còn được học nhiều điều khác. Việc đi đứng, không bao giờ đi ngang mặt những người lớn tuổi hơn. Nói năng, không được to tiếng và bao giờ cũng phải nghe những người lớn tuổi hơn nói xong mới được trình bày ý kiến của mình. Trước khi đi ra khỏi nhà phải xin phép. Đặc biệt trong quan hệ yêu đương nam nữ, mình phải ý thức được việc giữ gìn phẩm hạnh như một sự tôn trọng bản thân và ý thức giá trị tình yêu là sự chờ đợi.

Phải phân biệt rạch ròi các khái niệm, tự do và vô kỷ luật, cá tính và hỗn hào, lễ phép và nhún nhường để tìm những cách hành xử đúng. Sự tinh tế trong việc nhận thức khái niệm, theo chị cũng quyết định cái văn hoá của người hành xử. Và một điều vợ chồng chị luôn ý thức với con: “Ba mẹ luôn đi nói về những cái hay cái đẹp của văn hoá Việt Nam trên toàn thế giới, thì ngay trong nhà mình, phải ý thức giữ gìn được những nét đẹp của văn hoá Việt. Mình phải làm gương làm mẫu, thì nói người ta mới nghe được. Như ông làm gương cho ba mẹ, rồi ba mẹ làm gương cho con vậy”.

Đến giờ, cô con gái của họ, dù là một công dân Pháp đúng nghĩa, nhưng những ý thức về nếp nhà, về văn hoá dân tộc có lẽ, không phải người Việt Nam bản địa nào cũng có được. Nhất là trong cuộc sống hôm nay, những sự tạp nham về văn hoá và lối sống đã làm nghèo túng đến cạn kiệt văn hoá dân tộc của không ít giới trẻ (và thậm chí không trẻ) ở Việt Nam – một đất nước vốn luôn đề cao gia phong và lễ nghĩa.

HOÀNG NGUYÊN VŨ


(Nguồn: http://sgtt.com.vn/Nguyet...%A3ch-Ye%CC%81n.html)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] ... ›Trang sau »Trang cuối