64.83
Đăng ngày 06/06/2023 10:19, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Võ Thị Cẩm Giang vào 06/06/2023 10:22, số lượt xem: 237

Bước qua kia sợi tóc
Vẫn giữ giới trang nghiêm
Tư tưởng vẫn thanh liêm
Giới kia như không giới.

Giữ hay không giữ giới
Đã nói dối hay không
Trí tuệ càng cao thông
Càng thấp những khổ lòng.

Dẫu đã biết “nhân duyên”
Nhưng sao vẫn cố chấp
Đòi đi tìm sự thật
Và tìm người thống nhất.

Chấp nhất và thắc mắc
Lỡ tiến bây giờ lùi
Nguyên tắc không hơn thua
Không tuân theo cứng nhắc.

Tâm kia không vững chắc
Sinh khủng hoảng niềm tin
Tự nghi ngờ chính mình
Hay nghi người phá giới.

Không là kẻ sát nhân
Không là người ân trên
Vì ai mà phá giới
Bài báo nào thanh minh.

Không có lời giải đáp
Chỉ giải thích niềm tin
Nguyên do kệ những việc
Pháp giới ấy vẫn bền.

Nhà giáo, nhà văn nói:
Bà không cần nặng lòng
Những gì bà nên biết
Bà là người trong trắng
Than hồng không tình ý
Vì bà chưa từng bước
Thành ra ông sư bước.

Vì người từng trải đời
Nên nói năng đơn giản
Tôi sinh ra hụt hẫng
Chưa hiểu ý cao thông.

Tại sao có là không
Mà không cũng là không
Chưa từng cố gắng hiểu
Nên bây giờ nặng lòng.

Những suy nghĩ và liên tưởng về “Sợi tóc” trong “Chuyện trò” của Cao Huy Thuần.
23/05/2023
Sợi tóc
Mình thích nhất chỗ tác giả nói ông sư “đã bước qua biên giới bên kia của sợi tóc khi khai với cảnh sát, ông phải bước về với bài viết của ông để tự nhắc nhở”. Và cái luận giải “không chấp nhặt nguyên tắc, nhưng nguyên tắc là tối thượng”. Tại sao mình luôn hỏi “tại sao” và muốn tìm nguyên do của mọi thứ.
Người đàn bà kia đã biết đến hai chữ “nhân duyên” nhưng vẫn còn sợ sệt. Và tại sao giây phút ấy bà lại năn nỉ nhà sư khai tin giả với cảnh sát, bà sợ bị kết án hay sao. Không phải toà án lương tâm của bà đã giam cầm bà bao nhiêu năm sao. Bà thấy mình là một kẻ sát nhân, nhưng về pháp luật thì dường như là vô tội. Mình thấy bà ấy dường như khủng hoảng niềm tin cực độ. Chắc bà chỉ mong cầu và dựa dẫm vào lời nhận định của người vừa là nhà giáo, vừa là nhà văn để cứu rỗi tâm hồn bà. Nhưng chính mình cũng bị hụt hẫng. Không có điều gì xảy ra cả, không khẳng định cũng không phủ định tội lỗi của bà. Chỉ là phân tích về nói dối, tác giả đặt mình vào cương vị của nhà sư chăng. Phật tử nếu biết giữ năm giới thì có phút giây nào là ngoại lệ để “nói dối”. Một nửa sự thật có phải là sự thật không? Đó là câu hỏi trăn trở suốt bao nhiêu năm của mình. Mình càng đọc càng muốn suy nghĩ nhiều hơn. Hay đúng như câu “Sự tình đơn giản, nhân tâm phức tạp”. Có thể do là mình nghĩ quá nhiều hoặc nghĩ quá ít. Hoặc cũng có thể là do mình trải nghiệm quá ít mà nghĩ quá nhiều. “Con đường dài nhất là con đường từ cái đầu tới bàn tay” mà.
Quay trở lại với người đàn bà. Bà ta ý thức được vẻ đẹp, sự thu hút và giá trị của bản thân. Bà ta biết được người khác đối xử với mình phân theo hai “giới tính” như thế nào. Rõ ràng là đẹp nhưng mình thấy bà thiếu sâu sắc. Bà ấy “lẳng” như cách mà bạn bà ấy nói. Hay là vô tư, “ngây thơ” như cô Tuyết trong “Số Đỏ”. Cũng vậy thôi. Hơi sách vở nhưng mà theo như mình đọc được thì “Trong tâm có trí tuệ sẽ không có phiền não”. Thêm nữa Thích Thánh Nghiêm có nói “Người thông minh chưa chắc có trí tuệ”. Có thể là bà ấy thông minh và sắc sảo nhưng chưa đủ trí tuệ để hoá giải phiền não nên mới tìm đến tác giả. Và mình liên tưởng đến cô Ba Trà và cô Tư Nhị. Đúng là “Đàn bà độc nhất là ở tấm lòng”. Ranh giới giữa tàn nhẫn và sắc sảo hoá ra chỉ mong manh như sợi tóc.