Nhân 80 năm sinh (1923 -2003) và 4 năm ngày mất (1999-2003) Trần Hữu Thung - nhà thơ nổi tiếng với bài thơ Thăm lúa, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An đã tổ chức Lễ tưởng niệm và toạ đàm khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Bên cạnh những bài tham luận về sự nghiệp thơ ca của Trần Hữu Thung, nhiều người còn nhắc lại những kỷ niệm, những tình cảm anh em, đồng chí với nhà thơ. HNMCN xin trích giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Nghĩa Nguyên, người đã có nhiều gắn bó với Trần Hữu Thung từ thuở ấu thơ và trích một phần bức thư của nhà thơ Xuân Diệu gửi cho Trần Hữu Thung năm 1954.

Từ chú bé có tài bắt chim

Có 3 thú chơi mà Trần Hữu Thung mê nhất từ hồi nhỏ, đó là đánh bắt cá, bẫy chim, đấu vật. Hễ xách nơm, vác vó, cắp nỏ đi là có cá, có chim mang về. Bạn bè bảo Thung nghe được cá bàn chuyện với nhau dưới nước, chim nói chuyện với nhau trên cây. Thật ra, Thung chỉ nhìn hướng gió mà đoán đoàn cá đi ăn, nhìn ráng, nhìn mây mà biết chim đàn về, đoán nơi chúng sa đậu.

Đến nay, người già trong làng còn ngồi kể cho nhau nghe chuyện Thung bắt chim bồ nông. Chuyện rằng lụt tháng Tám, làng Trung Phường (thuộc xã Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An - quê Trần Hữu Thung) như một ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Có lần chim bồ nông về, sa xuống giữa rục sâu, đứng chờ có tôm bơi đến là mổ ăn. Lúc bấy giờ, sử dụng súng bị cấm, dùng nỏ bắn cũng chẳng đến nơi, bơi thuyền thì sợ chim bay mất. Dân bẫy chim ngồi ở cổng làng thèm tiếc, ấy thế mà Trần Hữu Thung đã lập mưu bắt được. Anh lấy dây cột rạ thành chụm trùm lên đầu rồi lội xuống rục nước tới tận cổ, lần hồi từng bước chân trông như một chụm rạ bị nước cuốn trôi. Chim bồ nông cũng đứng chờ rạ đến vì trong rạ thường có tôm cá vướng vào. Thế là Thung luồn 2 tay ra, túm lấy 2 cẳng của chim bồ nông, nhận xuống nước. Trước cổng làng, người đứng lên reo hò vì trí thông minh và sự khéo léo của Trần Hữu Thung.

Đến chủ tịch xã 22 tuổi

Bắt đầu làm chủ tịch xã từ năm 1945, năm 1948, Trần Hữu Thung xin nghỉ để đi học lớp văn hoá kháng chiến của Liên khu 4 ở Thanh Hoá. Chính từ đây đánh dấu con đường thơ của Trần Hữu Thung. Nhưng lý do của việc “từ chức” này thì ít người biết.

Vào thời gian đó, người vợ đầu của Trần Hữu Thung sinh con vào đêm giao thừa và mất ngay trên bàn đẻ. Đám tang vào đúng sáng mồng một tết. Đứa con sống nhờ sữa góp cũng mất sau đó 1 tháng. Thung đau khổ tột cùng, muốn thay đổi môi trường sống để nguôi ngoai đi nỗi đau mất vợ, mất con...

Và thi sĩ của đồng quê

Trong bức thư đề ngày 3-2-1954 gửi Trần Hữu Thung, nhà thơ Xuân Diệu viết: “Mình nghĩ nhiều đến Thung, đến các tác phẩm của Thung. Mình thấy Thung có đủ bản lĩnh để làm một thi sĩ chắc chắn về lập trường, tư tưởng, về sự chịu khó hy sinh các sáng tác của mình vì nhiệm vụ, về tinh thần trách nhiệm của Thung, về khả năng hiểu biết của Thung về thơ, đào sâu trong ca dao, trong thơ cổ điển kiêm thêm một sự chí thú nhà nghề làm đi làm lại, có lương tâm nhà nghề, cái đó không phải là khó, nhất là từ khi có thủ đô. Các thi tài, thi kiệt, văn sĩ về thủ đô với một cái nóng ruột như muốn ôm, muốn hốt lấy danh vọng cho thật nhiều, thật chóng... Cái định đoạt cho thơ Thung không phải là thủ đô, là tờ báo, là ban giám khảo hay các giải thưởng mà đó là trang giấy trắng mực đen mà Thung cặm cụi đặt bài thơ của mình lên chữa đi, chữa lại, là quần chúng tán thưởng Thung. Con đường thơ là con đường chân thật, ở trong ruột rút ra. Theo mình, trong lớp thi sĩ mới từ sau Cách mạng tháng Tám, Thung đã có chỗ hẳn hoi, duy nhất. Nên luôn cố gắng, chân tâm làm thi sĩ, Thung sẽ cống hiến được một cái gì đó cho thơ VN...”.

28/09/2003 08:02
Trần Linh