Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi Lilia vào 26/03/2011 08:38

GIỌNG ĐIỆU THỨ NHẤT: Sự vội vã của một kết luận không-bao-giờ-kịp-lúc, và rốt cục chỉ còn lại đây các cú quăng vội của hơi đuối, những nhịp lắp bắp của lời vấp trong một cuộc chạy tiếp sức hút xa vào vô tận của các ý nghĩ trùng thời, mà ở đó, ý nghĩ này luôn tóm trượt ý nghĩ kia.

GIỌNG ĐIỆU THỨ HAI: Đó là giọng trầm lười uể oải của một chân-lý-no-đủ, và thời-quãng giữa mỗi lời-phán-ra có thể kéo dài suốt hàng thế kỷ, nếu đột nhiên chúng không bị cắt ngang bởi một vài ý tưởng tươi mới theo kiểu các đóa hoa nhựa giả. Ngay sau đó, mọi thứ lại chìm lập tức vào bè âm rền chậm trước đây.

GIỌNG ĐIỆU THỨ BA: Không thể thấy được giọng điệu thứ ba đầy phóng dật nếu không tập trung toàn bộ năng lực tinh thần. Bởi nằm ở tít ngóc ngách xa nhất của ngôn ngữ, thế nên, ta chỉ có thể đôi khi thoáng thấy nó, như một giọt nước bốc-hơi-ngay, một âm-lờ-mờ giữa mơ và thực, một gợn-tối-giữa-con-ngươi-đen. Nói tóm lại, hoặc là chỉ có thể thấy, không thể nghe, hoặc là chỉ có thể nghe, chứ không thể kể về nó

GIỌNG ĐIỆU THỨ TƯ: đó là một giọng điệu hoàn toàn không xác quyết. Dù nghe thật rõ được nó-như kiểu các bản tin sáng phát trong loa truyền thanh phường-, ta không thể xác quyết được tình thái của nó. Nó không khẳng định, không băn khoăn, không nghi ngờ, không đòi hỏi, không ngạc nhiên, không khoái trá. Tuy nhiên, bởi các thanh điệu chuyển động khác nhau của hàng trăm ngàn thông tin mà nó mang chở, cũng không thể gọi giọng điệu thứ tư này là thờ-ơ.

GIỌNG ĐIỆU THỨ NĂM: sự thư thái chính là linh hồn của giọng điệu thứ năm.Nó nhu thuận luồn lách giữa mọi phát ngôn để tạo hình dạng chuốt mềm cho chúng. Nó bò như rắn, xoay trở thanh thoát như cá cảnh, và đặc biệt là không bao giờ vội vàng.

GIỌNG ĐIỆU THỨ SÁU: đây là giọng điệu hùng mạnh nhất trong các giọng điệu. Như một cặp tay đầy cơ bắp, nó thành thạo quặp chặt các-tiếng-rủa-chửi lại, rồi ném đều tăm tắp vào thinh không. Không khoan nhượng, không thỏa hiệp, cặm cụi trong các động tác đều đặn và máy móc, nó cứ rầm rập đi như thể hàng-triệu-bàn-chân-duyệt-binh-khoa-trương.

GIỌNG ĐIỆU THỨ BẢY: giọng điệu thứ bảy là sự chú tâm. Như một khoa học gia cần mẫn và kiên nhẫn, nó mổ xẻ từng ký tự, từng dấu chấm, dấu phẩy, dấu ba chấm, dấu chấm than, dấu hỏi chấm hay các ngoặc đơn, ngoặc kép, v.v., để rồi nhấm nháp, khoan khoái hưởng thụ từng góc nhọn hay tù của mỗi phát ngôn, mà với nó, lúc này đã trở nên hoàn hảo như thể một viên kim cương tinh luyện ngàn năm trong lò lửa hàng triệu độ của nhà giả kim thuật

GIỌNG ĐIỆU THỨ TÁM: không có gì ngoài tính hài hước, đặc điểm của giọng điệu thứ tám là sự đột ngột, với các nhấn âm và sắc thái đối lập giữa mở chuyện, bình luận và kết thúc, qua đó đưa người nghe vào một không gian bơ vơ tột độ, chuẩn bị cho một cú cười phá sảng khoái vô tiền khoáng hậu. Tuy nhiên, đôi khi, bởi quá vội vã, chính đặc điểm đột ngột của giọng điệu này đã làm lộ hết bài của nó. Trong những trường hợp như thế, sự kiên nhẫn và bình tĩnh cần phải được duy trì ở mức độ cao nhất

GIỌNG ĐIỆU THỨ CHÍN: đó là môt giọng điệu rời rạc như thể được nói qua một đường dây điện thoại lỗi. Sự rời rạc của nó nằm ở chỗ ta không thể có cách nào kết nối được các khoảnh khắc với những sắc thái cực kỳ khác nhau của nó, và vì thế, không thể có được một nhận thức thống nhất về cách mà các thông tin-qua giọng điệu ấy-đến với ta. Tuy vậy, không thể gọi giọng điệu này là thờ-ơ. Bằng chứng là các sắc thái mừng vui hay buồn chán trong giọng điệu ấy vẫn luôn lộ ra rất rõ. Chỉ có điều ta không làm cách nào kết nối chúng lại với nhau mà thôi.