Để bạn đọc rộng đường suy luận, chúng tôi xin mạn phép trình bày “Nghi án T.T.Kh. và Thâm Tâm” như sau:
1) Nam: Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình
2) Nữ: T.T.Kh.

Ngày 27 tháng 9 năm 1937, Tiểu thuyết thứ bảy nhân đăng truyện ngắn Hoa ty-gôn của ông Thanh Châu, chẳng bao lâu, toà soạn nhận được bài thơ Hai sắc hoa ty-gôn dưới bút hiệu T.T.Kh. Rồi sau này tiếp thêm hai bài thơ: Bài thơ thứ nhất, Bài thơ cuối cùng đều ký bút hiệu T.T.Kh.

Rồi người ta tiếp nhận được những bài thơ của thi sĩ Thâm Tâm: Màu máu ty-gôn (gửi T.T.Kh.tác giả bài thơ Hai
sắc hoa ty-gôn
); Dang dở (tặng T.T.Kh.), Gửi T.T.Kh.

Điều làm sôi nổi dư luận là:
1) Thi phẩm của T.T.Kh. cũng như của Thâm Tâm đều là những bài thơ gợi cảm.
2) Sự ẩn tích của T.T.Kh.

Một dấu hỏi to tướng được nêu ra: - T.T.Kh. là ai?
- T.T.Kh. là Thâm-Tâm?
- T.T.Kh. là Thâm-Tâm-Khánh?
- T.T.Kh. là Tuấn-Trình-Khánh?
- T.T.Kh. là Trần Thị Khánh, người tình của Thâm-Tâm?
- T.T.Kh là nhân vật do Thâm-Tâm dựng lên nhân đọc truyện Hoa ty-gôn của ông Thanh Châu?
- T.T.Kh là một đệ tam nhân nào đó, không phải Trần Thị Khánh, nhân tình của Thâm Tâm?

Nhân chứng:
1) Ông Giang Tử thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ông với thi sĩ Tế Hanh vào tháng 11 năm 1944 trong chuyến xe đi Quảng Ngãi: “Tế-Hanh cho biết T.T.Kh. chính là Trần Thị Khánh, người em gái đồng tông với mình ở Thanh Hoá, và kể rõ thiên tình hận giữa nàng và thi sĩ Thâm Tâm.”

2) Ông Thạch Hồ cho biết: “T.T.Kh. là một nhân vật có thật, đã đôi ba lần đến thăm thi sĩ Thâm Tâm ở phố Khâm Thiên lúc ông này cùng ở chung với Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân.”

3) Trong Thi tuyển 1 của nhà xuất bản Ly Tao, ông Y Châu nói: “Có dư luận cho rằng T.T.Kh. là một người thật, đã có đôi ba lần đến thăm thi sĩ Thâm Tâm tại ngôi nhà của Thâm Tâm tại phố Khâm Thiên.”

4) Ông Nguyễn Bá Thế tức là nhà văn Thế Nguyên cho biết: “T.T.Kh. không ai xa lạ, chính là Thẩm Thệ Hà, nhà văn kiêm thi sĩ Thẩm Thệ Hà tên thật là Tạ Thành Kinh. T.T chính là Tạ Thành, còn Kh là do chữ K ở đầu và chữ h ở cuối chữ Kinh ghép lại.”

Về việc này, ông Thạch Hồ (trong Triều sóng xanh tập 1) như muốn giải toả sự thắc mắc vội kêu: “Chúng tôi thiển nghĩ đã đến lúc ông Thẩm Thệ Hà nên lên tiếng.” Rồi ông nói thêm: “Chúng tôi cũng như các bạn, những người yêu T.T.Kh., đau xót ngỡ ngàng, khi biết T.T.Kh. chính là một người đàn ông!”

5) Một dư luận cho rằng: “T.T.Kh. đi lấy chồng, một người giàu có mà nàng bằng lòng, rồi không thương Thâm Tâm nữa.”

6) Trong bài Thâm Tâm muốn đi theo con đường lãng mạn của Arvers? đăng trên tạp chí Giáo dục phổ thông số 49 ngày 1-11-1959, ông Lê công Tâm cho biết T.T.Kh. chính là thi sĩ Thâm Tâm, người đã dàn cảnh một thiếu phụ bị ép duyên, khóc tình dang dở bằng Hai sắc ty-gônBài thơ thứ nhất.

7) Trong mục “Bạn đọc viết”, Phổ thông số 28 ngày 15-2-1960, – để trả lời ông Phạm trọng Tuy ở Cao Lãnh –, đã phủ nhận điều trên, cho biết lúc còn ở Hà Nội, quen rất nhiều với Thâm Tâm khi ông này ở Chợ Hôm, nhưng chưa bao giờ được nghe Thâm Tâm nhắc đến T.T.Kh. Có lẽ Thâm Tâm rất ngạc nhiên khi người ta gán cho mình cái tên T.T.Kh.

8) Vân vân (còn nhiều tài liệu tương tự, rất tiếc bị thất lạc trong thời khói lửa) và bao nhiêu người yêu thơ hằng lưu tâm đến “Nghi án T.T.Kh. và Thâm Tâm” đều cho rằng T.T.Kh. là Trần Thị Khánh, tình nhân của thi sĩ Thâm Tâm.

Thời gian 30 năm trôi qua, vụ án nay được đem ra “xử” lại vì có thêm một nhân chứng quan trọng, chúng tôi xin trình bày như sau:

                  *

Phá vỡ “Nghi án T.T.Kh. và Thâm Tâm”???

Khi vừa viết xong phần thi sĩ T.T.Kh. và Thâm Tâm, chúng tôi bắt được thêm tài liệu, một thiên ký sự của ông Nguyễn Tố đăng trong báo Sống ra ngày 15-4-67 dưới nhan đề: “Những ngày sống với thi-sĩ T.T.Kh., Hai sắc hoa ty-gôn”.

Tác giả viết:
Năm 1936! Bọn chúng tôi gồm năm thanh niên, chưa tên nào quá 25 tuổi. Cả năm gã đều có máu nghệ sỹ giang hồ. Vì mang trong huyết quản dòng máu nghệ sĩ ưa tự do, nên đều bỏ cả thầy, xa bạn khi đang học chưa hết chương trình Đại học. Gã thứ nhất, người tầm thước, da ngăm ngăm, răng vẩu, ngoài các tài viết văn, làm thơ, gã ca sáu câu vọng cổ rất mùi, thêm vào đó cái tài đánh đàn nguyệt. Gã tên thực là Trần Kim, sau này gã lấy bút hiệu là Trần Huyền Trân thường ký dưới những bài thơ tình cảm đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy và nguyệt san Ích hữu thời đó. Gã thứ hai là Vũ Trọng Can, người mảnh khảnh, cao hơn Trần Kim cái đầu, vì anh có mớ tóc bồng bềnh như tổ quạ, hai mắt to, tròng trắng to hơn tròng đen. Vũ Trọng Can có tài viết truyện dài xã hội. Lời văn sắc bén, châm biếm như văn Vũ Trọng Phụng. Gã thứ ba là Nguyến Tuấn Trình, người bé nhỏ, loắt choắt, chuyên viết chuyện ngắn tâm tình, lấy bút hiệu là Thâm Tâm, ngoài tài viết kịch, làm thơ, gã còn là một hoạ sĩ trình bày báo rất cừ.

Thâm Tâm còn mấy bài thơ dưới ký T.T.Kh. như Hai sắc hoa ty-gôn. Tại sao T.T.Kh. là Thâm Tâm hay Tuấn Trình và Kh. là Khánh! Lúc đó Khánh là người mà Thâm Tâm yêu đến say đắm. Bởi vậy tới khi Khánh đi lấy chồng thì Thâm Tâm đau khổ gần phát điên. Lũ chúng tôi vừa riễu cợt vừa khuyên lơn, an ủi tới nửa năm trời, sau Thâm Tâm mới khuây khoả nỗi buồn. Chính trong thời gian thất tình Thâm Tâm đã viết được mấy bài thơ giá trị lấy bút hiệu T.T.Kh.

Có lẽ sự nghiệp văn chương của Thâm Tâm đáng kể nhất ở mấy bài thơ này? Rồi thời gian trôi nhanh, mấy bài thơ ký T.T.Kh. được các nhà phê bình chú ý, các độc giả yêu thơ tán thưởng nhưng không mấy ai biết rõ xuất xứ. Mấy bài thơ tha thiết vì “trái tim vỡ với hoa ty-gôn” thật lâm ly, tác giả nó là ai? Phụ nữ hay nam nhi? Trên buổi phát thanh thi phẩm Tao Đàn, bạn Đinh Hùng, cô Hồ Điệp đã ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Song, cũng chỉ biết tác giả là T.T.Kh. thôi. Với thiên hồi ký ngắn này, tôi xin nói lên một sự thật, ngõ hầu làm sáng tỏ một vấn đề đã ngót hai chục năm trời với cái xuất xứ tờ mờ. Hơn nữa để đáp lại tấm thạnh tình tri kỷ giữa tôi và Nguyễn Tuấn Trình tức Thâm Tâm từ thuở thiếu thời.

Khi tôi hồi cư về Hà Nội, sau 18 tháng trời tản cư khắp miền Việt Bắc, tôi nghe tin Thâm Tâm cùng Trần Huyền Trân chạy vào khu Văn hoá của V.C. ở Phú Thọ. Sức Thâm Tâm quá yếu, lại mắc chứng đau tim nên anh đã từ trần sau mấy ngày cơn bệnh tái phát. Năm đó là năm 1948, Thâm Tâm vừa đúng 35 tuổi.
Thiên ký sự này còn cho biết gã thứ tư trong bọn năm người – họ cho là “ngũ hổ” – này là Nguyễn Tố (tác giả đoản thiên này), gã thứ năm là Bùi Huy Phồn, một cây bút chuyên viết về thi ca trào phúng.

Và “con người vườn Thanh” mà trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân đã đề cập, tác giả thiên ký sự đã tả miếng vườn ấy như sau:
Cho nên, những lúc nhàn rỗi hay cần suy nghĩ, chúng tôi thường tản bộ vào vườn Thanh Giám. Nơi đây, quanh năm um tùm có bóng mát của hàng ngàn cây cổ thụ… Trong vườn Thanh Giám có chừng hai trăm tấm bia lớn, mỗi tấm đều đặt ngay ngắn trên lưng một con rùa đất. Trên tấm bia ghi tiểu sử và công nghiệp của các vị tiền bối trong giới Văn học. Lâu ngày quá, rêu đã phủ kín, trông các tấm bia đã phẳng lì. Nhưng nếu lấy một nắm lá cây tươi lau kỹ thì các dòng chữ Hán sẽ hiện rõ. Đại khái đầu mỗi tấm bia đều có khắc Trần triều đệ ngũ niên, đệ tam nguyệt, thập lục nhật Tấn Sĩ Nguyễn v.v... Giữa vườn Thanh Giám là nhà Thái miếu lập ra từ đời nhà Lý. Thái miếu thờ Đức Khổng Phu Tử và dưới là các vị Đại thần khoa bảng của nước nhà từ khi lập quốc tới thời nhà Nguyễn… Và từ khi bỏ thi cử về Hán-học thì Thái miếu mới không nhận thêm một tấm bia nào nữa. Bắt đầu Pháp thuộc thì vườn Thanh Giám bị đẩy lui vào “cổ tích.“
Nhưng theo tài liệu của ông Anh Đào đăng trong Nhân loại bộ mới số 108 tháng 7 năm 1958 (Sài Gòn) dưới tiêu đề: Hai sắc hoa ty-gôn như sau:
Năm 1941... Một đêm cuối thu lạnh lẽo về trên miền Bắc Việt, Nguyễn Bính và Thâm Tâm nằm đối diện với nhau trong một căn lầu nhỏ, phố Mã Mây, Hà Nội.

Tôi ngồi giữa hai chàng.

Sự cố nhiên là nàng tiên nâu đón tiếp chúng tôi. Lát sau hương nâu thơm ngát cả căn phòng có vẻ ấm cúng mà hai chân tôi thì lạnh lẽo vô cùng…

Thâm Tâm, con người bé nhỏ với đôi mắt mơ màng mà bây giờ đã hoá ra người thiên cổ, nhân một chuyện thơ nói về T.T.Kh: (lời Thâm-Tâm) “T.T.Kh. là tên một thiếu phụ mà trước kia tôi yêu.”

T.T tức là Thâm Tâm hay Tuấn Trình cũng thế (Thâm Tâm có một tên nữa là Tuấn Trình) và Kh. là Khánh, T.T.Kh. muốn đặt tên T.T. để nhớ con người cũ: Thâm Tâm.

Thật tôi không ngờ đêm ấy tôi lại ngồi đối diện với con “người ấy” của T.T.Kh. Sau đó một “bài thơ thứ ba” của T.T.Kh. nhan đề là Bài thơ cuối cùng đã được in ra, mà lời thơ lại chua chát hơn hai bài trước.

Thâm Tâm bỗng cất tiếng cười, hỏi tôi:
- Anh có hiểu vì sao lại có Bài thơ cuối cùng không?

Tôi lắc đầu, Thâm Tâm nói tiếp:
- Có một hôm Khánh (T.T.Kh.) làm xong bài thơ Đan áo cho chồng đưa cho người bạn gái thân nhất đời của nàng xem. Cô bạn gái đó tên là Tuyết. Bài thơ ấy cố nhiên là chứa một niềm cay đắng của tâm hồn nàng! Có riêng Tuyết là hiểu cuộc đời đau đớn của chúng tôi, nên Tuyết được “hân hạnh” đọc nỗi lòng thầm kín của chúng tôi. Đọc xong bài thơ Đan áo cho chồng, Tuyết trao tôi xem. Tôi thấy bài thơ đó hay, liền đăng vào báo Phụ nữ thời đàm (hồi ấy xuất bản tại Hà Nội)... Đột nhiên Khánh (Kh.) thấy bài thơ không định đăng báo của mình lại in trên tờ Phụ nữ thì lấy làm bất mãn và đau khổ vì lâu nay chồng Khánh đã hành hạ Khánh vì ghen tuông với “người ấy” của Khánh. Vì vậy Bài thơ cuối cùng được in ra.

Tôi nghe Thâm Tâm nói cũng có lý, mà kể về phương diện tinh thần thì Thâm Tâm quả là con người mơ mộng, có biệt tài làm thơ, vẽ nữa, thực là xứng đáng là “người ấy” T.T.Kh.
Thêm vào nữa, tài liệu trên báo Chuông mai, ông Tân Đạt Dân còn cho biết T.T.Kh. lại có bài thơ Trả lại cho đời cánh hoa tim làm sau khi hay tin thi sĩ Thâm Tâm qua đời:
T… hỡi, người yêu của tôi ơi!
Hồn thiêng anh ở tận phương trời
Biết chăng muôn thuở tình câm hận
Tình chết em mang lại cõi đời.
Tài liệu thế này, thế kia, lắm lúc đối chọi nhau, khiến chúng ta không còn biết đâu là lai lịch của người thiếu phụ bí mật T.T.Kh. nữa. Ba mươi năm trôi qua, với thời gian dài đằng đẵng ấy nghi án chẳng những đã không giải phá nổi mà còn đi đến chỗ chằng chịt, rối bòng.

Người ta đã không bảo: “Cứ ôm mãi lấy mummy (Anh ngữ: xác ướp) rồi cũng có ngày hoá thành mummy”. Vậy chúng ta hãy thoát khỏi cái không khí ngột ngạt đó.

Với mục đích thu lượm tài liệu để bổ túc vào hồ sơ “Nghi án T.T.Kh. và Thâm Tâm” chúng tôi xin nhường quyền nhận định cho các bạn.

                  *

Riêng chúng tôi nghĩ:
Đối với dư luận: “T.T.Kh. là chiết tự tên Tạ thành Kỉnh tức Thẩm Thệ Hà” của nhà văn Nguyễn Bá Thế.

Sau 30 mươi năm người ta đã tốn nhiều giấy mực, lặn lội kiếm tìm người thiếu phụ T.T.Kh., rốt cuộc chỉ là công dã tràng trên bãi cát. Người ta đâm ra hoang mang vì thất vọng. Moi móc lại trong đầu óc, cho dù xa xôi ở tận miền Nam này, cố nhớ xem có người làm văn thơ nào mang cái tên hội tụ được những chữ T.T.Kh., và người ta vớ được tấm ván Tạ Thành Kỉnh như hy vọng cuối cùng của một kẻ đang chới với giữa dòng sông. Thế mà ông Thạch Hồ vội than thở là đã “đau xót, ngỡ ngàng khi biết T.T.Kh. chính là một đàn ông” chứng tỏ ông là một tâm hồn yêu chuộng vẻ đẹp huyền mơ mà hay sợ sệt một sự thật chua chát.

Rồi như muốn giải phá nỗi sầu bi vương vấn trong lòng, ông còn muốn “ông Thẩm Thệ Hà nên lên tiếng”. Thấy lời kêu gọi tha thiết của ông Thạch Hồ, chúng tôi đã chịu khó đi hỏi ông Thẩm Thệ Hà và được ông này trả lời “không thừa nhận chuyện đó” (Nhà văn kiêm thi sĩ Thẩm Thệ Hà hiện nay dạy học tại quận lỵ Trảng Bàng, Hậu Nghĩa và hàng tuần có về Sài Gòn).

Cho nên dù chưa một ai đủ tài liệu chứng minh hay đủ thẩm quyền xác nhận T.T.Kh. là Y, X, Z, chúng tôi nghĩ thi phẩm mang tên T.T.Kh. là do một người đàn bà làm ra, vì nó là tiếng than nức nở độc đáo và tế nhị của nữ tính xuất phát tự đáy lòng khi ta có sự nhận xét sau đây, tiếng than của nam giới thì trầm buồn, còn của nữ giới thì bi thiết.

                  *

Đối với dư luận “T.T.Kh.,đi lấy chồng giàu có mà nàng bằng lòng, rồi không thương Thâm Tâm nữa”.

Không uống rượu, không thể say; không đắm đuối trong yêu đương, không thể dệt nên nên những vần thơ lâm ly về tình ái. Thi phẩm của T.T.Kh. là tiếng lòng của một linh hồn đau khổ, héo hắt khi mộng tình tan vỡ, nàng kêu lên để thở than duyên phận với người đời. T.T.Kh. đâu phải là thợ thơ mà phải dối trá lòng mình (nói rằng nàng đang có người chồng vừa ý) để cấu tạo những vần thơ bi thiết. – Mà như thế để làm gì? – Khoe danh à? – Vô lý? vì T.T.Kh. đâu cho ai biết hình dạng ra sao. Cả bút hiệu (hay tên viết tắt cũng thế) nàng vẫn giấu người.

Thi sĩ là phát ngôn viên tiếng nói của lòng, hay ít ra cũng phải cảm thông lòng qua lòng, nhiên hậu mới dệt thành vần thơ chân thật và rung cảm. Nó là yếu tố bắt buộc để nâng cao giá trị sáng tác phẩm. Bằng không, bài thơ “sản xuất” chỉ là cái xác không hồn.

Bốn bài thơ của T.T.Kh là bốn dòng nước mắt trào tuôn trong những phút giây xúc động vì tan vỡ mộng tình. Trút ra được bốn dòng lệ, T.T.Kh. như đã vơi được ngọn trào lòng; rồi nàng im bặt. Mà còn biết nói gì nữa đây khi đã nói tất cả rồi. Bài thơ cuối cùng là một báo hiệu sự ráo lệ, một vết thương đã hãm được máu loang.

                  *

Đối với dư luận khá mạnh mẽ cho rằng: “T.T.Kh. là Thâm Tâm”.

Chúng tôi nghĩ, nếu xét về yếu tố tình cảm, ta nhận thấy không một tình cảm nào phát sinh mà không có đối tượng. Hỉ, nộ, ái, cụ, ố, dục, đều phải qua một giao cảm rồi phản ứng mới nẩy sinh. Nếu bản năng thi sĩ Thâm Tâm tự tạo cho mình một mẫu người yêu để tưởng tượng thì thật mơ hồ vì đã gạt bỏ qui luật giao cảm với đối tượng. Làm sao Thâm Tâm tạo cho mình một tình cảm say sưa, tha thiết, một tuyệt đỉnh yêu đương mà không bị đối tượng bên ngoài kích thích? Thâm Tâm không thể sống cùng một lúc hai trạng thái tâm hồn đối chọi của hai giống khác biệt: nam và nữ.

Như vậy T.T.Kh. không phải là sản phẩm tưởng tượng của Thâm Tâm, cũng không phải Thâm Tâm, mà chính là đối tượng của Thâm Tâm, hay nói đúng hơn, một thần tượng yêu đương của Thâm Tâm đã đưa Thâm Tâm vào biển mộng.

Cho nên bảo rằng T.T.Kh. là Thâm Tâm, tức là chúng ta thừa nhận một giả tạo kỳ quái của tâm linh mà những nhà thần học không sao cắt nghĩa được.

Bởi lẽ đó, chúng tôi cho rằng dù T.T.Kh. là Trần Thị Khánh, T.T.Kh. là Thâm Tâm, v.v… sự quyết định tách bạch ai là tác giả những bài thơ gợi cảm; tình sử tuy có đau thương, nhưng nó mang lại cho người đọc một cảm giác lâng lâng thích thú như phủ bạn bằng một lớp sương mù mát lạnh làm dễ chịu tâm hồn; cứ để được ngấm mình trong cái không khí chơi vơi, huyền ảo mà không bao giờ muốn tỉnh mộng đẹp để biết trên thực tế T.T.Kh. là ai??!!

Dù muốn dù không, văn học sử cũng đã ghi:
1) Hai sắc hoa ty gôn,
2) Bài thơ thứ nhất,
3) Bài thơ đan áo,
4) Bài thơ cuối cùng,
là của T.T.Kh., và
1) Màu máu ty-gôn,
2) Dang dở,
3) Gửi T.T.Kh.
là của Thâm-Tâm.

Thâm Tâm và T.T.Kh. đều là thi nhân nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Thơ của Thâm Tâm và T.T.Kh. có vẻ đẹp bổ túc cho nhau và cảm thông như đôi tri kỷ. Cố gắng chứng minh T.T.Kh. là Thâm Tâm, thơ của T.T.Kh là thi phẩm của Thâm Tâm, chúng ta vô tình xoá mất trên thi đàn Việt Nam một thi tài có những vần thơ rung cảm, dễ mến; điều ấy là thiệt thòi cho nền văn học đất nước vốn đã hiếm kém thi nhân.

Phương chi, bạn yêu thơ đâu chỉ ái mộ Thâm Tâm qua những bài tình cảm lâm ly, kho tàng của Thâm Tâm còn những viên ngọc quý khác.

Cứ để những thiên tình sử còn giữ mãi tính chất đẹp đẽ, huyền ảo của nó mà đừng bao giờ phá vỡ mộng.

                  *

Ý nghĩ sau cùng của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi những người làm văn nghệ, đã trên 30 năm thử thách tài sức đã gần tàn một thế hệ, chẳng những chưa phát giác được tung tích hay điều gì chính xác về con người T.T.Kh. mà còn đưa ra lắm giả thuyết xa dần mục tiêu; giấy mực đã tốn nhiều, và bao công lao tầm kiếm người thiếu phụ với mục đích duy nhất là tìm một tác giả cụ thể cho một tác phẩm diễm tình.

Thế thôi!

Cái hình bóng người con gái vườn Thanh độ nọ dù là có mang theo vẻ đẹp sầu bi của nàng Bao Tự, hoặc đôi nét nhăn đau đắm đuối của nàng Tây Thi, một phần ba thế kỷ qua, đến giờ này hình thể có còn chăng nữa, những người thích mơ mộng bóng sắc, cũng chỉ bắt gặp một thực tế não nề như trên con người của chàng Trương Chi xấu xí trong giấc mộng tình mà người ta cố thực hiện trước mặt nàng Mỵ Nương.

Trong văn học sử nước nhà còn nhan nhản những sai lầm trọng đại đang mong mỏi ở công phu sưu tầm để kiểu chính hầu đóng góp lợi ích vào nền giáo dục hiện tại.

Chúng tôi đã mỏi mệt với những tài liệu tràng giang đại hải về T.T.Kh.; người ta đã nói nhiều, nhai đi nhá lại, lẩn quẩn cũng ngần ấy chuyện, không thoát khỏi lối bí như lạc vào mê cung khiến kẻ săn tìm đờ đẫn và người đang ngóng nghe tin tức bỗng trở thành những tín đồ của đa thần giáo.

Chúng tôi xin dừng ở đây và khép hồ sơ nghi án nói trên.

(Ấn bản kỳ nhì, 20-7-1968)

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]