Nhà thơ Bùi Giáng có tất cả 8 anh chị em, nhưng đều ở xa. Người bên Mỹ, người tại Hà Nội, người gần nhất cũng ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tính quen lang thang không nhà không cửa, lấy đường phố Sài Gòn đùa giỡn, nên người quan tâm ai cũng lo cho trong những ngày cuối đời của thi sĩ kỳ dị này.

Nhà thơ Bùi Giáng có một người em họ là ông Bùi Văn Võ vào Nam từ năm 1965 cất nhà sinh sống tại đường Lê Quang Định, Gò Vấp, sau này là chốn nương tựa cuối cùng của nhà thơ lãng tử giang hồ. Ông Võ không biết đích xác anh họ mình trôi dạt nơi đâu. Đến 1978, tình cờ một hôm con trai ông là Hải đi bộ đội về thăm nhà, lên Thủ Đức chơi, thì gặp “ông bác” Bùi Giáng của mình trên đó. Hải dắt bác về, với một bộ dạng thật là kinh khủng. Ông Võ thương quá, thôi thì đất nhà còn rộng, cất thêm một căn nhà lá nhỏ cho ông anh nương tựa. Gò Vấp hồi ấy còn vườn tược sum suê, khu đất của ông Võ lại khá rộng, nên căn nhà lá nép mình dưới tàng cây râm mát, chim kêu hoa nở suốt ngày. Căn nhà hư, ông Võ lại cất căn khác, tất cả 3 lần, cho đến khi Bùi Giáng được ở trong căn nhà lợp tole, vách tường đàng hoàng. Nhưng ông nào chịu ở. Ông mắc võng giữa hai cây xoài to tướng, nằm lắc lư nhìn hoa nắng đong đưa. Hôm tôi và nghệ sĩ Kim Cương trở lại thăm chốn cũ, hai cây xoài vẫn xoã cành như cô gái xoã tóc che cho nhà thơ, và hai đầu dây võng vẫn được ông Võ để nguyên nơi gốc cây, không tháo ra, cứ như lát nữa đây chàng giang hồ thi sĩ sẽ từ đâu đó quay về mắc võng ngủ say. Hoa nắng vẫn lung linh từng đốm nhỏ, rọi vào áo Kim Cương, như hào quang lấp lánh của nàng tiên nữ mà suốt cuộc đời Bùi Giáng tôn thờ. Kim Cương thoáng bùi ngùi ngồi cạnh gốc xoài, nhắc đoá hồng ngày xưa bà tặng ông chính tại nơi này, và nhà thơ đã ngủ say trước mắt bà hồn nhiên như một đứa trẻ. Gương mặt ấy mãi mãi si tình, nhưng mãi mãi trẻ con.

Ông Võ nói: “Thì Bùi Giáng mê trẻ con cũng lạ kỳ như thế. Đi đâu bạn bè cho tiền, hay vô chùa được nhà sư cho tiền, ổng cũng đem chia hết cho trẻ con. Tụi nó thương ổng lắm. Nhưng đứa nào tới sau, ổng hết tiền để chia, thỉnh thoảng có đứa lại đánh ổng. Chẳng những thương trẻ con, ổng còn thương hết bá gia thiên hạ. Có lần ổng kêu cháu Uyên con tôi đưa tiền, Uyên rút chiếc nhẫn đang đeo cho ổng, ổng đi một hồi gặp bà bán vé số than là không có vốn, thế là ổng cho luôn chiếc nhẫn. Đến bộ đồ người ta mới cho, ổng cũng đem bố thí”. Cô Oanh, con ông Võ còn nhớ như in kỷ niệm về ông bác của mình, nhiều lần đã mở cửa mời mấy bà ve chai vô gom đồ. Lũ cháu hoảng hốt: “Trời ơi sao bác lại cho người ta lấy đồ nhà mình!”. Bùi Giáng thủng thẳng đáp: “Thì người ta không có, người ta mới lấy. Có thì lấy làm chi!”. Hết ý kiến. Cả xe honda dựng ngoài sân, ông cũng bảo đừng khoá. “Kệ nó, mất chi đâu mà sợ!”.

Cuối đời, Bùi Giáng được sống trong tình cảm gia đình khá ấm áp, có anh em cháu chắt nhân hậu cưu mang, dù chỉ là anh em họ. Gia đình ông Võ cũng “chịu đựng” Bùi Giáng không kém gì Kim Cương, nhưng cũng không ai phiền trách. Thường thì mỗi sáng ông Võ cho anh mình tiền bỏ túi, nhưng tối đến khi Bùi Giáng quay về nhà là y như rằng ông Võ phải chạy ra trả tiền xích lô. Còn số tiền hồi sáng đã vào tay lũ trẻ con hoặc một người hành khất nào đó. Có khi Bùi Giáng say khướt, nằm mẹp ở đầu hẻm, các cháu phải xúm lại khiêng vô. Có khi cả nhà phải dọn rác cả đống vì Bùi Giáng “tha” về đủ thứ hộp lon, nón rách, giày rách, áo quần, rơm rạ... Có khi ông đi suốt một tuần mới về, trên người chỉ còn cái quần đùi và mắt thì tím bầm, người ốm tong teo. Hỏi ra, ông lạc tới Bình Chánh, bị người ta đánh rồi nhốt vô thùng phuy, may được đứa nhỏ kéo ra. Ông bà Võ lại chăm chút anh mình cho lại sức.

Vợ ông Võ, bà Hoàng Thị Như Hồng, mỉm cười nhắc lại những nét dễ thương ngộ nghĩnh của ông. “Ông thương cháu lắm. Lũ con và cháu ngoại của tôi giỡn với ông suốt, nhưng tôi không dám cho ông bế vì sợ rủi ông lên cơn... Ông đi chùa, thầy cho thức ăn chay hay bánh cam ông cũng mang về cho cháu”. Tôi thắc mắc chuyện vệ sinh của ông, rằng không biết ông tắm rửa như thế nào. “Ồ, ông sạch sẽ lắm chứ. Nằm lăn ra đất thì cứ nằm, nhưng rồi tắm rửa rất kỹ. Tôi giặt đồ cho ông, nặng quá nên phải lấy chân đạp. Ông nhìn một hồi, thở dài: Tội hắn quá! Hắn làm chi mà cô đạp nó? Tôi nín cười không được. Tới bộ quần áo mà ông cũng thương”, bà Hồng vừa cười vừa rơm rớm nước mắt.

Hoàng Kim