Dưới đây là các bài dịch của Hữu Thế. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Con cò (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Con Cò Hương tướng đi lỏng khỏng,
Hai giò dài, cổ ngóng thêm cao.
Thung dung bách bộ bờ ao,
Bầu trời quang đãng, xiết bao thanh nhàn.

Nước trong veo, mắt nhìn tận đáy,
Thấy Cá đùa rong chạy nhởn nhơ.
Nào Chày, nào Chép lờ đờ,
Món ăn lý tưởng đang chờ Cò đây.

Nhưng, Nàng Cò tỏ ra không vội,
Bụng còn no, cơ hội thiếu chi.
Uống ăn đúng lúc, đúng khi,
Nếp nhà quý phái, còn gì sang hơn?

Chập lâu sau, Cò nghe bụng đói,
Cạnh bờ ao, mệt mỏi ngóng trông.
Còn đâu Chày, Chép lội rong,
Chỉ toàn hủng hỉnh, ròng ròng lưa thưa

Gặp nghịch cảnh Chị Cò thất vọng,
Quyết chờ, dù bụng trống thèm ăn.
Kìa bầy cá bé lăn tăn,
Nhưng chúng chưa đúng thức ăn của Cò.

Lòng buồn bã, nó thầm suy nghĩ:
“Ta hãy chờ, bền chí, vững lòng.
Ăn chi hủng hỉnh, lòng tong,
Còn gì tư cách, giống dòng cao sang?”

Nó bèn đợi, đợi thêm chút nữa,
Vầng Thái Dương lên giữa vòm trời,
Cò nghe bụng đói tơi bời,
Không một con vật lội bơi trong hồ.
Bỗng đâu một Cá Chày xuất hiện,
Thân mập tròn, sắc diện tốt tươi.
Đắc chí, Cò cất tiếng cười,
“Con mồi thích hợp, chớ lười, nhanh lên.”

Nhậm lẹ nó phóng mình vồ cá,
Lòng hân hoan, hỉ hả, hăng say.
“Đáng công trông đợi suốt ngày,
Mồi này xứng với biệt tài của ta.”

Nhưng bất ngờ Cá Chày lanh lẹ,
Chui mau vào một kẽ đá gành.
Căm hờn, Cò ngó quẩn quanh,
Thấy toàn nước bạc, rêu xanh mập mờ.

Nó cố gắng đứng chờ thêm nữa,
Bụng đói khô, xót tựa như cào.
“Ước gì bắt được cá nào,
Ta sẽ mau lẹ nuốt vào, chẳng tha.”

Cò chờ mãi, đợi lâu ủ rũ,
Bỗng bò ra một chú Ốc Len,
Cò mừng, chẳng kịp chê khen,
Vội vàng nuốt trọn, sang hèn sá chi?

Lắm người sống như Cò, kiêu hãnh,
Thiếu giản dị, ưa cảnh xa hoa.
Dịp may thường dể trôi qua,
Kết cuộc: tiếc rẻ, xót xa, ưu phiền.

Ảnh đại diện

Hai con la (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Hai con lừa đi trên đường lộ,
Một con chở bao bố bột mì,
Thong dong chậm rãi bước đi,
Không ai chú ý những gì nó mang

Con thứ hai chở đầy bạc nén,
Tiền thu thuế đúng hẹn nộp quan,
Đựng đầy hai túi kềnh càng
Nặng quằn, khó nhọc, trên đàng ruổi rong.

Nó khước từ không ưng chia sớt
Với đồng bọn cho bớt nặng nề,
Mặc dầu kiệt sức, kéo lên
Hãnh diện trọng trách trăm bề cao sang.

Để khoe khoang món hàng quý báu,
Cố bước mạnh để tạo tiếng vang,
Khiến cho hành khách đi đàng,
Thẩy đều chú ý món hàng trên lưng.

Rủi thay, gặp bọn bất lương gian ác,
Ra chận đường, cưỡng đoạt số tiền.
Chống lại, lừa đá liên miên,
Bọn cướp nổi giận, chúng liền ra tay.

Ghì hàm khớp chúng kềm lừa lại,
Dùng gậy sắt đập đại vào đùi
Trọng thương, lừa hết tớilui
Té quỵ, đẳm máu sụt sùi khóc than.

“Hỡi Trời Cao! Tại sao tai hoạ
Chỉ nhằm thôi hành hạ mọi bề:
Xương rơi, thịt nát tái tê,
Còn bạn đồng hành lại để bình an?”

Con lừa bạn vội vàng đáp lại:
“Tai nạn ấy chính tại nơi anh:
Gián tiếp mời bọn lưu manh
Đón đường cướp của xô anh xuống đường.

Anh chuyên chở món hàng quí giá,
Vì chủ gia giàu cả ức muôn,
Khiến người dòm ngó, thèm thuồng,
Tánh thích khoe của là nguồn hiểm nguy!

Chủ tôi nghèo, làm nghề lam lũ,
Tìm ra tiền vừa đủ nuôi thân,
Khiến tôi cũng sống thanh-bần,
Quanh năm, suốt tháng, tảo tần, thảnh thơi!”

Thật chẳng khác Bướm kia cùng Dế
Bướm nhởn nhơ cốt để khoe khoang,
Trẻ đùa: cánh rã, thân tan,
Dế thì ẩn núp dưới hang, thanh nhàn

Ảnh đại diện

Ếch nhái đòi có vua (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Quốc gia Ếch bấy lâu dân chủ,
Nay chán chê bèn rủ nhau xin
Thượng Đế là Đấng Cao Minh,
Thay đổi quy chế, hiện tình bất an.
Đấng Tối Cao chuẩn phê lời khấn,
Ban cho chúng một đấng Quân Vương,
Thông minh, bác ái, hiền lương,
Lễ độ, khiêm tốn, trăm đường từ bi.
Vị Tân Vương từ cao giáng xuống,
Gây tiếng động, đồng ruộng chuyển lay,
Giới Ếch hồn phách tung bay,
Quá ư sợ hãi, chui ngay vô hầm.
Đứa run rẩy, co đầu rút cổ,
Kẻ kinh hoàng, tìm chỗ ẩn thân.
Đầu làng, cuối ngõ, xa gần,
Im lặng phăng phắc, quỷ thần sợ luôn.
Sau thời gian lặng yên trông ngóng,
Bọn Ếch bèn xuất bóng lộ hình
Nhè nhẹ mỗi đứa lén rình
Núp xem cảnh huống, sự tình ra sao?
Chúng nhìn thấy Nhà Vua nghiêm nghị
Ngồi lặng thinh, mắt chỉ ngó ngay
Biếng cười, ít nói, trọn ngày
Giống như nhập định, Bồng Lai du hồn.
Thoạt tiên chúng đứng xa lén ngó,
Dùng ngón tay chỉ chỏ thì thào,
Ít lâu thấy chẳng có sao,
Bạo dạn bước tới, vái chào, tung hô.
Tân Quốc Vương vui mừng rối rít,
Khẻ gật đầu, miệng nhếch mép cười,
An tâm, bọn Ếch dễ ngươi,
Lần hồi tụ họp, vui tuơi chuyện trò.
Trước lấm lét đứng xa nhìn Chúa,
Nay thân mật nhảy múa trước Ngài.
Liều lĩnh, đứa lén nắm tay,
Đứa đeo lấy cổ, nằm dài trên lưng
Quốc Vương chỉ tươi cười, chấp nhận,
Không rầy la, chẳng bận tâm phiền.
Quần thần một số không yên,
Trách Ngài nhu nhược, quá hiền: hoạ to.
Họ tích cực kêu gào chống đối,
Hội họp nhau kể tội nhà vua:
Mềm yếu, chẳng dám tranh đua,
Gặp phải biến cố sẽ thua, chạy dài.
Chúng viết sớ tâu lên Thượng Đế
Cầu xin Ngài truất phế Quân Vương,
Ban vị vua khác can cường,
Hùng dũng, bất khuất chẳng nhường một ai.
Ơn Trên bèn phong ngay vua mới:
Một con Diệc bay tới nắm quyền,
Nó làm khắp nước đảo điên,
Mỗi lần gặp Ếch, ăn liền, chẳng tha!
Toàn quốc đều đồng thanh báo động,
Xin Thượng Đế mở rộng lòng thương,
Ban cho một vị Tân Vương,
Đừng quá hung bạo, tránh đường diệt vong.
Đấng Tối Cao phừng phừng nổi giận,
Nạt lớn rằng: “Chớ bận lòng ta,
Bọn ngươi chỉ biết rên la,
Không tìm lẽ sống dung hoà, an vui.
Đáng lý nên giữ nền dân chủ,
Là tốt nhứt, hội đủ công bình.
Nhưng các ngươi lại cầu xin
Một vì vua để công minh trị vì.
Xưa vua hiền, ngươi than hiền quá!
Nay vua dữ, xin trả lại ta.
Bao giờ mới dứt kêu ca?
Chấp nhận hiện tại, đó là khôn ngoan!”

Ảnh đại diện

Gà trống và hồ ly (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Đứng trên cây, một con Gà Trống
Có trách nhiệm trông ngóng, canh chừng
Đánh hơi, Chồn đến chào mừng,
“Chúng ta cương quyết phải ngừng hại nhau.

Mối thù xưa hôm nay chấm dứt,
Anh em ta hợp lực đắp xây,
Hạnh phúc miên viễn từ đây,
Thái bình chung hưởng, vui vầy đệ huynh

Hãy bước xuống, đôi ta đàm đạo,
Bạn và tôi cố tạo tình thương.
Mặt mừng, tay bắt, hỗ tương,
Xoá bỏ oán cũ, đừng vương nghi ngờ”

Gà mừng rỡ, gáy to, vỗ cánh,
“Tin vui này quý sánh hơn vàng,
Bỏ đi dĩ vãng phũ phàng,
Đồng tâm hiệp lực, hưởng màn vinh quang.

Kìa tôi thấy có hai bạn mới,
Cặp chó săn chạy tới nhập đoàn.
Trẻ trung quắc thước lẹ làng,
Chỉ trong giây phút đôi đàng gặp nhau.”

Chồn nghe qua, giựt mình sợ hãi
“Giã từ anh, tôi phải gấp đi,
Thu xếp vài việc li ti
Hẹn anh hôm khác, cần chi sẽ bàn”

Chồn cút mất, Gà cười khoái chí,
Sung sướng vừa đấu trí, giải khuây.
“Mi tưởng gạt được ta đây,
Không ngờ bị gạt, vác thây chạy dài.

Cặp chó săn do ta tưởng tượng,
Đánh lừa mi, lạc hướng cười chơi,
Việc đời chìm nổi, chơi vơi,
Gạt người, người gạt, trò đời trả vay!”

Ảnh đại diện

Lừa và chó con (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một con lừa đau đớn thắc mắc
Sao chủ thường khe khắt với ta?
Tay đánh, chơn đá, miệng la,
Trong khi Chó được cả nhà tưng tiu.
Chó ấy loại thân hình thật nhỏ,
Tuổi ấu thơ, nhưng tỏ vẻ khôn.
Trọn ngày quấn quít, bôn chôn,
Cạnh ông bà chủ, được hôn rất thường.
Nó hay ngồi trên đùi ông ấy,
Dùng lưỡi liếm phe phẩy mặt ông.
Nũng nịu để được bế bồng,
Khẽ sủa nho nhỏ, tỏ lòng thiết tha.
Ông bà chủ có mòi đắc chí,
Phát cười dòn, tỏ ý vui mừng.
Xoa đầu, vuốt ngực, vuốt lưng,
Xưng hô “Con” ngọt, như cưng cục vàng.
Lừa chứng kiến bao lần cảnh ấy,
Sánh phận mình càng thấy thêm đau,
Cố gắng tìm biện pháp nào
Khiến ông bà chủ khởi màu đoái thương.
Kế hay nhất là noi gương Chó,
Tìm mọi dịp bày tỏ tình thương
Mặn nồng tha thiết biểu dương,
Chủ sẽ cảm động tìm phương đền bù.
Lừa theo đó thi hành diệu kế,
Trong khi chủ ngồi ghế trong phòng,
Xô cửa, Lừa bước vào trong,
Dừng chơn nựng mặt của ông bất ngờ!
Để được giống hoàn toàn như Chó,
Lừa rống lớn, chứng tỏ mến thương.
Chác tai, ầm ỉ lạ thường,
Kinh hoàng, ông chủ tìm đường thoát thân.
Ông vội vã kêu la cầu cứu,
Các gia nhân tề tựu đủ đầy,
Kẻ roi, người gậy, người dây,
Xúm trói Lừa lại, mềm thây phen nầy.
Đáng thương hại cho Lừa vô tội,
Đầy thiện chí, nông nỗi,dại khờ,
Định mua lòng chủ nên mơ
Dùng chân nựng nịu, không ngờ hại thân!
Kinh nghiệm Lừa, khuyên ta thận trọng,
Đừng bắt chước, hoài vọng noi gương,
Mỗi người có một con đường,
Riêng rẽ hoạt động, biểu dương biệt tài.
Thượng Đế sinh mỗi người một khác,
Chẳng có ai giống tạc như ai.
Ngây thơ bắt chước có ngày
Phải trả đắt giá đắng cay như Lừa!

Ảnh đại diện

Nhái muốn to bằng bò (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một con Ếch nhìn con Bò đực,
Tướng vặm vở, vai ngực nở nang,
Đi đứng oai vệ gọn gàng,
Thích chí, Ếch muốn sẵn sàng tranh đua.
Thân hình nó to bằng quả trứng,
Cố phình lên tương xứng với Bò.
Nhờ một người bạn phụ lo
Vai trò giám khảo, phê cho công bình.
Nó la lớn: “Ớ, nầy hỡi bạn,
Bụng tôi phình, hết hạn to rồi,
Bằng chưa?” – “Còn nhỏ, bạn ôi!”
“Lớn thêm chút nữa?” – “Chao ôi, chưa bằng!”
Ếch cố gắng phình thêm, thêm nữa,
Bạn cứ đáp: “Vẫn chửa thấy gì!”
- “Hơn chưa, nói lẹ lên đi?”
Bỗng “đùng”, tiếng nổ, bụng xì, vỡ tung!
Ếch bỏ mạng thật là khờ dại:
Ráng đến đâu cũng phải thua Bò.
Ích gì chi tiết nhỏ, to,
Mà cố tranh đấu, rõ trò u mê!

Thế gian đầy kẻ khờ như Ếch,
Mải đua đòi nên chết thảm thương.
An phận: hạnh phúc trăm đường,
Thong dong tự tại, là phương thuốc thần.

Ảnh đại diện

Hai người bạn (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Tục truyền ở xứ xa, nơi nọ,
Có đôi bạn thật khó so bì.
Thương nhau một cách lạ kỳ,
Khó bề diễn tả, tìm gì đẹp hơn!

Về tài sản, chung nhau cộng hưởng,
Người nầy sắm, liên tưởng người kia.
Mỗi vật đồng hưởng, đồng chia,
Đáng làm gương mẫu, tạc bia lưu truyền.

Có một đêm, nồng say giấc điệp,
Bỗng người em khủng khiếp chạy sang,
Nhà bạn, đang ngủ lặng trang,
Đánh thức nô bộc, hỏi han sự tình.

Vừa thức giấc, người anh nai nịt,
Tay cầm gươm, lưng xích túi tiền,
Mừng rỡ thấy bạn bình yên,
Vội vàng thi lễ, tay liền nắm tay.

Anh biết rõ: tánh em cẩn thận,
Không vô cớ làm bận lòng anh.
Điều chi khiến bạn thất thanh,
Đêm khuya vội vã tìm anh, thế nầy?

“Phải chăng đã lỡ thua hết sạch?
Đây túi tiền, hãy xách về xài.
Hoặc đã gây gổ với ai,
Đây gươm có sẵng, chẳng nài thân anh!

Hay là giữa đêm khuya giá lạnh,
Sống độc thân, em chạnh nghe buồn,
Cần người giải muộn, qua truông,
Đây nàng hầu đẹp, nguôi buồn cho em.

Người đang bận hầu bên anh đó,
Nếu em thích, anh bỏ dễ dàng,
Gọi sang phụng sự tân lang,
Anh tìm nàng khác, muộn màng chi đâu?”

Nghe anh nói, người em cảm động,
Ôm lấy anh, lệ đọng nơi mi,
“Không, không, em chẳng cần chi,
Cảm ơn anh lắm, có gì thiếu đâu?”

Em đang ngủ, bỗng nhiên mộng mị,
Thấy anh buồn, rầu rĩ, bơ phờ,
Em sợ anh bị bịnh bất ngờ,
Hao mòn sức khoẻ bây giờ của anh.

“Tỉnh giấc nồng, em còn sợ hãi,
Nên bươn bả mau chạy sang đây,
Đánh thức cả tớ, lẫn thầy,
Để nhìn tận mặt, dạ nầy mới an.”

Giữa hai người, ai thương nhiều nhứt?
Càng nghĩ suy, thổn thức từng cơn,
Đẹp thay! Đôi bạn keo sơn,
Khó mà định đoạt ai hơn nghĩa tình!

Tình bằng hữu thật tâm chân chính,
Là kho báu khó sánh nhứt đời,
Dễ gì tìm thấy ở nơi
Trần thế ô nhiễm của thời nầy đây.

Bạn tâm giao, thật là mầu nhiệm!
Đoán nhu cầu đang chiếm lòng ta,
Âm thầm thoả mãn, chan hoà,
Không chờ ta thốt, để mà van xin.

Chỉ cần một chiêm bao mộng mị,
Khiến cho y rủn chí, ưu phiền,
Bồi hồi, lo nghĩ triền miên,
Sợ điều bất hạnh, bạn hiền cưu mang!

Ảnh đại diện

Hai tên trộm với con lừa (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một con lừa, hai tên lén bắt,
Đứa để cỡi, đứa dắt định buôn.
Cải vã, đấm đá máu tuôn,
Lừa đứng thong thả, ngoài chuồng, ngẩn ngơ.

Đứa thứ ba từ xa chạy tới,
Thấy tự sự vội cỡi lừa đi,
Về hướng rừng núi xanh rì,
Ô hô! Lừa mất, còn gì đấu tranh!?

Ảnh đại diện

Bác chữa dép và ông chủ bạc (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Chàng thợ giày sáng ngày đến tối,
Vẫn không ngừng vang dội tiếng ca,
Trong khi làm việc tại nhà,
Khiến người trông thấy đâm ra phát thèm.

Láng giềng là một nhà triệu phú,
Chuyên kinh doanh, hội đủ đức tài,
Sang trọng, giàu có, thảo ngay,
Nhưng rất khó ngủ, cả ngày lẫn đêm.

Vị phú ông bận lo toan tính,
Nên lòng không an tịnh, hồn nhiên,
Ngày đêm suy luận triền miên,
Khó bề chợp mắt định yên giấc nồng.

Lắm khi, sáng tinh sương mờ đất,
Phú ông vừa an giấc, mơ màng,
Bỗng đâu tiếng hát nhịp nhàng
Của chàng thợ trẻ bàng hoàng gọi ông.

Mỏi mệt, ông trách thầm Trời Đất,
Sao chẳng bày loại giấc ngủ say,
Chưng bán thong thả hàng ngày
Như các thực phẩm ở ngoài tiệm buôn?

Liền sau đó, cho mời chú thợ,
Sang nhà ông, niềm nở đón chào,
Cố mong tìm hiểu vì sao
Chú mải reo hát, tiêu hao tháng ngày.

“Chào chú thợ -con người sung sướng,
Tôi muốn biết chú hưởng hàng năm
Lợi tức tổng hợp mấy trăm
Để luôn reo hát, quanh năm tươi cười?”

Chú thợ giày ra tuồng bỡ ngỡ,
Liền đáp rằng: “Tôi chớ nghĩ suy,
Ghi chép, tính toán làm chi,
Mỗi ngày no bụng, có gì quý hơn?”

Vị phú ông miệng cười chúm chím,
Hỏi: “Một ngày chú kiếm bao nhiêu?
Gia đình đắp đổi chi tiêu,
Để mải vui vẻ, đáng yêu thế này?”

Chú thợ bèn gãi đầu, suy nghĩ,
“Tôi ít khi để ý điều này,
Có khi vơi, có khi đầy,
Cơm ngày ba bữa, như vầy là vui!”

“Lạy Chúa đã ngày ngày ban phước,
Nuôi chúng con sống được bình an,
Không mong hưởng cảnh Thiên Đàng,
Hằng ngày no ấm, chẳng phàn nàn chi!”

Trước con người ngây thơ giản dị,
Phú ông bèn hoan hỉ, cười đùa,
“Nay tôi phong chú làm vua,
Biếu chú túi bạc để mua, sắm dùng.”

Anh thợ giày hồn phi phách tán,
Tưởng chừng đang lảng vảng cảnh mê,
Một trăm nén bạc phủ phê!
Gia tài đồ sộ, chẳng hề dám mong.

Liền nồng nhiệt tạ ơn tế độ,
Ôm túi tiền chạy bộ về nhà,
Đào sâu dưới đất nơi xa,
Chôn dấu túi bạc đâm ra phập phồng.

Cùng túi bạc chôn luôn tiếng hát,
Nay còn đâu khúc nhạc, lời ca?
Giọng cười giòn giả vui nhà,
Chỉ là kỷ niệm, toàn là dư âm!

Giấc ngủ cũng mất theo tiếng hát,
Khiến cho nay thân xác đảo điên,
Ngày đêm lo sợ triền miên,
Sợ e kẻ trộm đào tiền mang đi!

Nghe tiếng động, nghi người lấy của
Mải thì thầm nguyền rủa kẻ gian,
Đứng, đi, ăn, ngủ bàng hoàng,
Thân hình tiều tuỵ, ruột gan rối bời.

Không chịu nổi, anh liền bương bả,
Ôm túi tiền đến trả phú ông,
“Xin Ngài hoàn lại - rất mong
Tiếng hát cùng vời giấc nồng của tôi”

Giàu mà chi, khó ăn, khó ngủ?
Thà sống nghèo biết đủ, quý hơn,
Giọng cười hoà lẫn tiếng đờn,
Tô điểm hạnh phúc còn hơn bạc tiền.

Trên con đường đi tìm hạnh phúc,
Hầu hết đều cầu chúc sang giàu,
Vô tình mang lại khổ đau:
Gương chàng thợ trẻ, khác nào thiêu thân!

Ảnh đại diện

Nồi đất và nồi đồng (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một hôm nọ, Nồi Đồng thân mật
Mời bạn là Nồi Đất, đồng môn,
“Để giúp bồi dưỡng trí khôn,
Chúng ta du ngoạn sang thôn láng giềng.

Trước là ngắm cỏ hoa xinh đẹp,
Sau là nhìn suối hẹp, núi cao,
Trời xanh, gió mát biết bao,
Chị em đồng hưởng, dịp nào tốt hơn?”

Nồi Đất đáp: “Cảm ơn chị lắm,
Nhiều thâm tình nên gẫm đến em.
Nghe chị tả cảnh bắt thèm,
Muốn ngay cất bước để xem tận tường.

Hiềm một nổi lý do sức khoẻ,
Em chỉ hoạt động nhẹ nhàng thôi,
Là một nồi đất, chị ơi,
Nếu thiếu cẩn thận, bể rồi làm sao?

Chị khoẻ mạnh, deo dai chẳng sợ,
Dù khó khăn hiểm trở đến đâu,
Chị có thừa sức đối đầu,
Nhưng em phiền não, u sầu, khổ thay!

Chẳng mong chi hơn là an tĩnh,
Cạnh lò sưởi tập định, tham thiền,
Học Đạo, suy gẫm triền miên,
Còn hơn du ngoạn những miền danh lam.”

Nồi Đồng đáp: “Nầy em, đừng ngại,
Có chị đây, gặp phải chông gai,
Nếu cần, chị sẽ ra tay,
Tận tâm bảo vệ, thoát ngay nguy nàn.

Em chớ lo, chị đâu, em đó,
Chị thừa sức dãi gió, dầm mưa,
Chở che, nâng đỡ sớm trưa,
Ngọt bùi chia xẻ, làm vừa lòng nhau.”

Nồi Đất nghe bùi tai, hoan hỉ,
Quyết phen này phỉ chí, toại nguyện.
Ngao du khắp chốn sơn xuyên,
Đẹp lòng vui mát, cảnh tiên non bồng.

Cuộc hành trình bắt đầu vui vẻ,
Một đoàn nồi, lớn bé chen nhau,
Múa hát, đùa giỡn xôn xao,
Tỏ đầy nhựa sống, biết bao thâm tình.

Riêng Nồi Đất phập phồng lo ngại,
“Môi trường này chẳng phải cho ta,
Đành rằng vui vẻ, hát ca,
Nhưng phải trật tự, không là nát thân!”

Nó yêu cầu Nồi Đồng bảo vệ:
“Kẻo nhóm trẻ chẳng kể tôn ti,
Nô đùa, chen lấn bất kỳ,
Vô tình chạm bể còn gì mạng em?”

Nồi Đồng bèn dương oai diệu võ,
Cốt ý cho trẻ nhỏ lánh xa,
Bảo bọc Nồi Đất an hoà,
Giữa lúc nhộn nhịp la cà hiểm nguy.

Bất ngờ thay: Trong cơn lúng túng,
Nồi Đồng rủi chạm trúng bạn mình,
Ô hô! Tan nát thân hình
Thành trăm mảnh vụn, thâm tình mất luôn!

Một bài học cho người nhân thế:
Việc chọn bạn chẳng thể xem thường,
Phải cùng bản chất, lập trường,
Cùng giai tầng, mới có đường sống chung.

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối