Trang trong tổng số 1 trang (2 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

fieu

Tôi bước lãng du trên  những con đường như chỉ có mình mình còn tồn tại.Dòng đời ngược xuôi,xuôi ngược tôi cũng mặc.Tôi đang để tâm trí vào một nơi xa lắm,rất xa so với cái hiện thực này,cái hiện thực nhem nhuốc mà đầy thi vị.Bởi vì tôi đang đi giữa cái nhá nhem của buổi xế chiều u hoài,bởi vì tôi đang bước dưới một cơn mưa ngập tràn sắc vàng và rào rạt âm thanh-cơn mưa lá.Lá đổ,nhiều lắm,nhiều vô kể.Gió bứt,gió giựt hàng ngàn,hàng vạn chiếc lá sấu,lá xà cừ bé nhỏ mà cứng cáp,mà vàng vàng ái ố,rắc trên lối tôi đi.Hình ảnh của tôi ,hình ảnh của cuộc sống nhoà đi trong cơn mưa ấy,trong cái sắc vàng đầy ái ố ấy.Tôi đội,tôi tắm trong cơn mưa,trong lá ,trong mầu vàng.Mầu vàng ,lá,cơn mưa quất vào mặt tôi.Sung sướng quá,giải thoát .Chân tôi giẫm đạp và đá lên những thứ kỳ diệu ấy,rồi hồn tôi bay bổng lên trời giữa cái lúc không khí quanh tôi rung lên và vỡ vụn ra thành muôn ngàn mảnh nhỏ.Không còn tạp âm...
"bạc bẽo nhất trên đời là VỘI VÃ TRẢ ƠN"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

fieu

LAN MAN VỀ HỘI HOẠ VÀ CON ĐƯỜNG ĐI CHO CÁC HOẠ SĨ TRẺ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
                                                     -  tháng 11/2010-
(bài viết có sử dụng một số từ mới của một số tác gia...)

   Có lần tôi được gặp gỡ và giao lưu với một hoạ sĩ người Pháp gốc Việt là Vuong PatCam.Anh sang Việt Nam theo lời mời của hội Mỹ thuật Hà Nội  trong chương trình giao lưu nghệ thuật Hà Nội-Pari.Chúng tôi đã trao đổi với nhau về hội hoạ.Tôi đã hỏi anh về nghệ thuật đương đại,về một con đường đi cho các hoạ sĩ trẻ ở Việt Nam hiện nay.
   Đương đại phải chăng là thoát ly hiện thực,là phản chiếu hiện thực vào một tấm gương quang dầu lồi lõm?Thứ gương vẫn được người trong giới hay gọi là "tâm hồn".Mà đã là tâm hồn thì phải chăng nó quá cao siêu,bởi không thể định hình và nằm ngoài thế giới quan của con người.Còn con đường đi phải chăng là hãy vẽ những gì mình thích ,và cố gắng vẽ được,vẽ đẹp những gì mình thích? Có một chuyện rõ ràng là "bi hài kịch" khi tôi vẽ hỏng một bức tranh rồi cố tình quệt,khua thêm vào đó mấy nhát bút,mảng mầu để giải toả tâm lý.Ấy thế mà một số người lại gật gù cho rằng;tâm hồn ông này quả thật khó hiểu.Ở đây tôi không muốn nói tới các sáng tạo nghiêm túc.Dù là cổ điển hay hiện đại mà  thực sự đỏ mặt khi những nét vẽ nghệu ngạo kia được ai đó gán cho những nhãn hiệu ,những xuất xứ,những ý nghĩa kêu như chuông song vô bổ về giá trị.Tất nhiên "công chúng" cũng là một vấn đề cần tranh luận.Và tất nhiên ,xét ở mức độ  rèn luyện, học tập và hiểu biết.Tôi cũng chỉ là người đang chập chững học đi.Song bạn sẽ nói  gì nếu một con người có ước muốn được tung bay ,muốn được rèn luyện và học tập dù là tự mình hay được đào tạo một cách  có bài bản để có kiến thức thực sự về nghệ thuật tạo hình chứ không muốn "hớt váng" mấy trào  lưu nghệ thuật hiện đại? Vậy thì phải chăng anh cứ  "rèn luyện ,học tập bằng cách vẽ những gì mình thích ,và cố gắng vẽ được ,vẽ đẹp những gì mình thích"vì đấy là con đường đi của anh. Chết một nỗi,con người ta dẫu có ích kỷ với bản thân,dẫu có tự phụ đến đâu rốt cuộc vẫn phải hướng đến cái "thực"của đời sống.Nghĩa là cái "thực” của đời sống nó chi phối các sáng tác của anh,nó bắt anh trong một giai đoạn nào đó phải sống cho nó chứ không phải cho tâm hồn của anh.Ngặt một nỗi, làm nghệ thuật mà bỏ qua tâm hồn thì sản phẩm rõ ràng khó đẹp chưa nói đến nó nhạt toẹt.Vậy ở đây tôi phân  vân rằng con người ta nên làm việc theo bản thân mình hay chạy theo thị hiếu,chạy theo mốt,hay nói rõ hơn là chạy theo cái đương đại vốn đang xoay vần cuồng loạn?Thú thực tôi rất sợ chạy theo mốt,mà việc sáng tạo ra mốt trước mắt dường như là vô vọng.
    Xin thưa rằng;sau những ấn tượng ,lập thể,siêu thực...thì có bao nhiêu cái mới đã được tạo ra?Tiếc là thời hiện đại này hình như chưa có ai nghiên cứu ,tổng kết về nghệ thuật thế kỷ XX_XXI này như quấn lịch sử mỹ thuật thế giới mà sinh viên đang được học để tôi có thể hiểu hơn.Nhưng dầu vậy tôi biết chắc rằng đằng sau đó là vô vàn biến tấu, muôn hình vạn dạng,nhìn vào đó chỉ thấy rối bời đến chóng mặt-nghệ thuật trong một "thế giới phẳng".
    Nhìn vào lịch sử mỹ thuật thế giới mới thấy các bậc tiền nhân,những người sáng tạo mới vĩ đại làm sao.Nói như Vincent van Gogh;cuộc đời của ông thật ngắn ngủi,cay đắng nhưng nó đủ làm mẫu mực cho các thế hệ hoạ sĩ sau này về bản lĩnh nghề nghiệp mà trước hết là bài học về nhân phẩm,về ý chí làm việc hăng say,cần mẫn và tình yêu thương tha thiết đối với con người.chớ trêu thay,xã hội xua đuổi hắt hủi con người tốt đẹp ấy.Họ trả lại cho ông một nỗi cô đơn vô tận".Một lý do hết sức đơn giản là thời bấy giờ tranh ông không phù hợp với thị hiếu của công chúng.Vì vậy cả cuộc đời  van Gogh chỉ bán được duy nhất có 1 bức VƯỜN NHO ĐỎ với giá 400pr.Hãy thử đặt ra ở đây một giả thuyết rằng phải chăng van Gogh không lắm được thị hiếu của công chúng hay không thể vẽ được những tác phẩm cho hợp thị hiếu?Lí do nay có lẽ hoàn toàn không đúng đối với một tay cọ lão luyện đến dường vậy.Tôi thì nghĩ rằng ,ông làm việc trước hết là vì nghệ thuật.Nghệ thuật của ông nó mang phong cách,mang một cái tôi rất rất riêng,xuất phát tự sâu thẳm nơi tâm hồn và có tính duy nhất.Nhìn lại thì tôi thấy đó rõ ràng là sự hy sinh,hy sinh vì lý tưởng ,lòng kiên định để rồi chỉ sau 10 năm khi ông qua đời,thế giới đã buộc phải công nhận thành quả vô giá của sự hy sinh đó .Van Gogh trở lên bất tử trong lòng những người đam mê hội hoạ. Ở đây tôi nêu ra một vấn đề,đó là sự hy sinh vì nghệ thuật,và trong lịch sử mỹ thuật thế giới,van Gogh cũng mới chỉ là một trong rất nhiều những con người đã dám hy sinh và cống hiến mà đối với bao thế hệ đi sau trong đó có tôi họ luôn là tấm gương sáng đáng để soi mình rồi noi theo.Lề nối và khuân sáo,bạn có dám phá bỏ??Điều này có vẻ khó vì đó dường như không phải một bức tường xây mà nó giống như một thứ luật lệ giao thông.Vậy anh không chấp hành thì nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn. Cái quyết định ở đây là khả năng.Tôi nghĩ dù có tâm huyết đến đâu trong nghệ thuật để tìm đến sự bứt phá mà khả năng hạn chế quá thì anh có thể làm gì hơn là sự bắt chước.Vẫn biết rằng phần lớn những nhà sư phạm luôn luôn nhắc nhở học trò của mình rằng không nên bắt chước mà hãy vẽ theo ý của mình.Vậy thì sự thành công trong nghệ  thuật phụ thuộc khá là nhiều vào mặt cá tính.Tất nhiên mọi sự luôn có gốc rễ,căn nguyên của nó.Và về sự rèn luyện trong mỹ thuật tạo hình,tôi muốn phải được bắt đầu từ cổ điển.Khi đã uống no say nghệ thuật cổ điển rồi,bạn hãy là nguồn nhựa tươi kiên định ý chí sinh sôi theo từng thớ gỗ vươn tới những nơi cao nhất để rồi phá tung mắt cứng,đâm thành những nhành non sẵn sàng che lấp ánh sáng mặt trời...
    Trở lại vấn đề ban đầu,đó là nghệ thuật đương đại và con đường đi cho các họạ sĩ trẻ ở Việt nam.Tôi cho rằng bản thân chúng ta là đương đại,vậy nghệ thuật của chúng ta là đương đại?Và con đường chỉ có thể là những gì bạn đi.Như thế mọi sự là ở bạn,người ta chỉ có thể tổng kết và đánh giá khi bạn không còn đi trên con đường ấy nữa.Vậy có lẽ chúng ta không nên than vãn về hiện tại mà hãy tận dụng thời gian để cống hiến ít nhất là cho mình những khi có thể.Thành tựu,vinh quang và sự đổ bể vẫn còn là khái niệm rất mơ hồ một khi chúng ta vẫn còn đang tiếp tục. Đấy,nói tới vinh quang là tôi nghĩ ngay tới mong muốn được đánh bóng tên tuổi của mình.Tôi cho rằng mong muốn này là hoàn toàn tốt đẹp.Có ai muốn mình tầm thường nhỏ bé không?Không ai cả,trong số những con người có ý thức tồn tại dưới vòm trời này.Mà ngay cả đám"cừu chúng sinh"ít nhất một lần trong đời cũng mong muốn người ta nhắc đến tên mình với một âm vực khác.Nhưng việc đánh bống tên tuổi cho ra hồn hay là sự bon chen trong nghề nghiệp đều không hề đơn giản chút nào.Người ta sẽ nghĩ ngay đến "phương tiện",thế nhưng có tất cả rồi vẫn chưa chắc đã hoàn toàn là đủ.Đấy,thiếu thốn cái gì cũng có thể ảnh hưởng đến lòng tin cả.Thực ra từ trước tới giờ tôi luôn cảm thấy hoang mang khi cho tới bây giờ tôi vẫn đang mò mẫm một mình trên con đương tôi đã lựa chọn.Ấy là con đường nghệ thuật-nói một cách hoa mĩ,con đường hội họa-nói một cách cụ thể,nhưng với tôi nó lại rất thiêng liêng và lớn lao.Cao siêu,hiển hiện và hư vô như ánh sáng mặt trời,gần gũi và cũng rất đỗi cách xa giống như cô bạn gái mà bạn thầm yêu trộm nhớ.Van gogh từng nói: Nếu không còn con đường nào khác thì ta quyết chiếm lĩnh mi bằng được.Ôi hội hoạ!và: Hội hoạ giống như một cô nhân tình thích phá của,không có tiền thì chẳng làm nên trò trống gì ,mà có tiền đổ vào thì bao nhiêu cũng hết.Cá nhân tôi lại cho rằng hội hoạ là một người đàn bà đa tình,có lẽ còn đa tình hơn bất cứ một người đàn bà nào.Vì hội hoạ chưa bao giờ nói câu chối từ với tất cả những trái tim có tình ,bạn ạ. Vì vậy nếu bạn yêu thì hãy mạnh dạn ngỏ lời đi,”cô ấy”nhất định sẽ gật đầu đồng ý.Bạn sẽ được chiêm ngưỡng ,ngắm nhìn cho mãn nhãn. Được thoả sức bày tỏ,thổ lộ lòng mình.Yêu và được yêu,được cống hiến ,được hy sinh thỏa chí . Nói thế có nghĩa là tôi rất tin tưởng vào điều mình đã lựa chọn.Tôi tin rằng với tất cả tình yêu đã dành cho hội hoạ,thì hội hoạ sẽ không khi nào phụ tôi,không khi nào quay lưng chối bỏ tôi .Dâũ trước mắt còn nhiều lắm những khó khăn,nhưng tôi tin mình sẽ làm được một cái gì đó cho ra hồn.
         Cũng như phần lớn những người làm nghệ thuật,tôi dành rất nhiều sự quan tâm vào nghệ thuật đương đại.Những hoạ sĩ,những tác phẩm,những cuộc triển lãm...Để làm gì?Đó dường như là một sự tò mò .Tôi tò mò xem người ta “làm”đương đại như thế nào,rồi thì cái người ta vẫn gọi là đương đại ấy “mặt mũi”nó ra sao. Và tất nhiên,sống trong một xã hội mới ,một xã hội hiện đại,xét ở một góc độ nào đó có lẽ chúng ta cũng không nên chạy chốn cái đã được coi là xu thế chung của sự phát triển.
         Về phương diện cá nhân,cái thực sự gây cho tôi một nỗi thích thú đó chính là chủ nghĩa siêu thực,trìu tượng và cả lập thể nữa.Tôi cho rằng hội hoạ có nhiều ý tứ,ẩn ý sâu xa và nhiều triết lí nhất chính là siêu thực,trìu tượng ,lập thể.Những tác phẩm thuộc phong cách này không dừng lại ở việc ca ngợi mầu sắc,ánh sáng ,bố cục.Cùng việc giải quyết những thách thức từ phía khách quan thông qua tâm hồn người nghệ sĩ.Mà nó mang nhiều ý tứ chủ quan từ tư duy lý tính rất cá nhân của người vẽ.Ở đó người nghệ sĩ có thể gửi gắm nỗi niềm trăn trở,những chiêm nghiệm,những triết lý sâu xa của mình về nhân tình thế thái .Và quan trọng hơn,thông qua siêu thực,trìu tượng,lập thể,người hoạ sĩ có thể đưa lên mặt vải toan cả thế giới tâm hồn  sâu kín  của họ.Tôi nghĩ vì vậy mà siêu thực,trìu tượng, lập thể trở lên gần gũi hơn với  văn học và thi ca hơn. Dù phương tiện thể hiện có khác nhau đấy nhưng thứ mà nó truyền tải được lại không hề thua kém nhau chút nào.Tất nhiên để đọc được thứ “thi ca” ấy “độc giả” không đơn giản là chỉ cần biết chữ mà thực sự cần phải tư duy. Và hơn thế nữa, họ phải có tâm hồn đồng điệu với chính người thể hiện.Điều này khó vì công chúng nước nhà phần nhiều vẫn còn chưa thoát khỏi quan niệm về truyền thần khi đứng trước các tác phẩm mang mầu sắc hiện đại..Họ cho rằng; đẹp là phải giống.Với họ,”hoa diên vĩ”chẳng có gì là đẹp,và Gecnica cũng chỉ là những “đồ hình ngổn ngang,lộn xộn”...Nhưng thôi,”nhân vô thập toàn”,ở đời sống  và làm việc cũng không nên quá cầu toàn,sự cầu toàn như một con dao hai lưỡi.Có thể nó sẽ làm mọi thứ được chỉn chu hơn,song đôi khi nó sẽ giết chết tác phẩm-đứa con tinh thần của người sáng tạo.
        Vậy ,để kết thúc bài luận lan man này,tôi sẽ không nói về mỹ thuật đương đại nữa vì tự xét thấy tôi chẳng hiểu gì về nó cả.Còn con đường;tôi sẽ vẽ những gì mình thích rồi cố gắng vẽ được,vẽ đẹp những gì mình thích.CShinh phục và vượt qua chính mình với tôi là tất cả mục tiêu trước mắt.
                             “...và nghệ thuật,nghệ thuật thường lặng lẽ
                              Như những gì tôi gặp chiều nay......”
"bạc bẽo nhất trên đời là VỘI VÃ TRẢ ƠN"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài viết)
[1]