Trang trong tổng số 47 trang (470 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

hongvan28

Cảm ơn cháu THI HOÀNG!
  Theo dòng thời gian, tay quay và tay bút có bề giảm sút; Tuy vậy, lúc nào cô cũng vẫn cố gắng.
              Cô Hồng Vân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

   NIỀM TỰ HÀO!

Tự hào thay Phụ nữ chúng ta!
Hiệu trưởng trường tôi
    Cô NGUYỄN THỊ PHƯƠNG TRÀ
Mười năm hiệu trưởng - Trường xuất sắc*.
Kỷ niệm 50 năm, đẩy mạnh đà!

                   Ngày 8/11/2015
 Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường.
                        Hồng Vân
* Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai
  Thành phố Hà Nội.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

LÊ NGỌC HÂN

Người con gái Thăng Long đoan trang, tài sắc.
Lê Ngọc Hân, con cưng của vua Lê Hiển Tông
Đóng vai trò tích cực trong sự nghiệp Quang Trung.
Quang Toản kế vị - Triều chính rối ren...
Bà chèo chống trong cơn sóng gió.

Quang Trung mất -
"Ai tư vãn" nỗi tiếc thương còn đó
Thể hiện mối tình chung thuỷ với chồng.

Cuộc đời từ một Công chúa tài hoa, đức hạnh
đến một Hoàng Hậu nhân từ, sắc sảo
tuy ngắn ngủi* - Nhưng đã trở thành
"Một danh nhân văn hoá của dân tộc"

Ngày 1/12/2015
Phùng Thị Hồng Vân

* Lấy chồng 16 tuổi
Mất lúc 29 tuổi.




Ai tư vãn
Ngọc Hân công chúa

Lê Ngọc Hân (1770-1799)
Bà là con vua Lê Hiển Tông và bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền. Bà xinh đẹp, thông minh, giỏi thơ văn. Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc để phù Lê diệt Trịnh. Ngọc Hân vâng lời cha mà sánh duyên với Nguyễn Huệ và theo ông về Thuận Hoá. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng Hậu. Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Năm 1792, Quang Trung Hoàng Đế đột ngột băng hà. Bà viết Tế Vua Quang Trung và Ai Tư Vãn để bày tỏ nỗi lòng đau khổ và tiếc thương chồng.


Bài vãn này gồm 164 câu, viết theo thể Song thất lục bát.


Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo ron ron.
Cầu Tiên khói toả đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu.

Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời!

Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.

Trăm ngàn dặm quản chi non nước;
Chữ "nghi gia" mừng được phải duyên.
Sang yêu muôn đội ơn trên,
Rỡ ràng vẻ thuý, nối chen tiếng cầm.

Lượng che chở, vụng lầm nào kể.
Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.
Dẫu rằng non nước biến dời,
Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.

Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,
Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.
Miếu đường còn dấu chưng thường,
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.

Nhờ hồng phúc, đôi cành hoè quế
Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi
Non Nam lần chúc tuổi trời,
Dâng câu Thiên Bảo, bày lời Hoa Phong.

Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.

Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
Xiết bao kinh sợ, lo phiền,
Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu.

Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,
Phương pháp nào đổi được cùng chăng?
Ngán thay, máy Tạo bất bằng,
Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan.

Cuộc tụ, tán, bi, hoan kíp bấy,
Kể sum vầy đã mấy năm nay?
Lênh đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu?

Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối,
Biết cậy ai dập nỗi bi thương?
Trông mong luống những mơ màng,
Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say.

Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,
Ngỡ hương trời bảng bảng còn đâu:
Vội vàng sửa áo lên chầu,
Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện giăng.

Khi bóng trăng, lá in lấp lánh,
Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi.
Vội vàng dạo bước tới nơi,
Thương ơi, vắng vẻ giữa trời tuyết sa!

Tưởng phong thể xót xa đòi đoạn,
Mặt rồng sao cách gián lâu nay,
Có ai chốn ấy về đây,
Nguồn cơn xin ngỏ cho hay được đành?

Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,
Nghĩ đòi phen, nồng nã đòi phen.
Kiếp này chưa trọn chữ duyên,
Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương.

Nghe trước có đấng vương Thang, Võ,
Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao;
Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình!

Nghe rành rành trước vua Nghiêu, Thuấn,
Công đức dày, ngự vận càng lâu;
Mà nay lượng cả, ơn sâu,
Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần.

Công dường ấy, mà nhân dường ấy,
Cõi thọ sao hẹp bấy hoá công?
Rộng cho chuộc được tuổi rồng,
Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi.

Buồn thay nhẽ, sương rơi gió lọt,
Cảnh đìu hiu, thánh thót châu sa.
Tưởng lời di chúc thiết tha,
Khóc nào nên tiếng, thức mà cũng mê.

Buồn thay nhẽ, xuân về hoa ở,
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong,
Quyết liều mong vẹn chữ tòng,
Trên rường nào ngại giữa dòng nào e.

Con trứng nước thương vì đôi chút,
Chữ tình thâm chưa thoát được đi,
Vậy nên nấn ná đòi khi,
Hình tuy còn ở, phách thì đã theo;

Theo buổi trước ngự đèo Bồng Đảo,
Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân,
Theo xa thôi lại theo gần,
Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa.

Đương theo bỗng tiếng gà sực tỉnh,
Đau đớn thay ấy cảnh chiêm bao!
Mơ màng thêm nỗi khát khao,
Ngọc kinh chốn ấy ngày nào tới nơi?

Tưởng thôi lại bồi hồi trong dạ,
Nguyệt đồng sinh sao đã kíp phai?
Xưa sao sớm hỏi khuya bày,
Nặng lòng vàng đá, cạn lời tóc tơ.

Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ,
Tình cô đơn, ai kẻ xét đâu?
Xưa sao gang tấc gần chầu,
Trước sân phong nguyệt, trên lầu sính ca.

Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,
Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh.
Nửa cung gẫy phím cầm lành,
Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ!

Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đòi lúc,
Tiếng tử quy thêm giục lòng thương.
Não người thay, cảnh tiên hương,
Dạ thường quanh quất, mắt thường ngóng trông.

Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược,
Thấy mênh mông những nước cùng mây,
Đông rồi thì lại trông tây:
Thấy non cao ngất, thấy cây rườm rà.

Trông Nam thấy nhạn sa lác đác,
Trông bắc thời ngàn bạc màu sương.
Nọ trông trời đất bốn phương,
Cõi tiên khơi thẳm, biết đường nào đi.

Cậy ai có phép gì tới đó,
Dâng vật thường xin ngỏ lòng trung,
Này gương là của Hán cung
Ơn trên xưa đã soi chung đòi ngày.

Duyên hảo hợp xót rày nên lẽ,
Bụng ai hoài vội ghẻ vì đâu?
Xin đưa gương ấy về chầu,
Ngõ soi cho tỏ gót đầu trông ơn.

Tưởng linh sảng nhơn nhơn còn dấu,
Nỗi sinh cơ có thấu cho không?
Cung xanh đang tuổi ấu xung
Di mưu sao nỡ quên lòng đoái thương?

Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm
Đầu mũ mao, mình tấm áo gai,
U ơ ra trước hương đài,
Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này.

Trong sáu viện ố đào, ủ liễu
Xác ve gầy, lỏng lẻo xiêm nghê
Long đong xa cách hương quê,
Mong theo: lầm lối, mong về: tủi duyên.

Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ
Cất chân tay thương khó xiết chi.
Hang sâu nghe tiếng thương bi,
Kẻ sơ còn thế, huống gì người thân.

Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát,
Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi?
Càng trông càng một xa vời,
Tấc lòng thảm thiết, chín trời biết chăng?

Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi,
Gương Hằng Nga đã bụi màu trong.
Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,
Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.

Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,
Cánh hải đường đã quyện giọt sương.
Trông chim càng dễ đoạn trường
Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.

Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy
Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu?
Phút giây bãi bể nương dâu,
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao?

Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng,
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau.
Mấy lời tâm sự trước sau,
Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

Tôi xin gửi lên thi viện bài thơ "Sợi nhớ mùa đông" của Diệp Thảo mà nhiều độc giả tâm đắc.
     Phùng Thị Hồng Vân

SỢI NHỚ MÙA ĐÔNG
              Diệp Thảo

Em thả vào chiều từng sợi nhớ mùa đông
Cái lạnh tháng mười sao se lòng đến lạ!
Những sợi nhớ đi qua vòm kẽ lá
Hờ hững rớt xuống đời.
Anh bắt được không?
Anh bắt được không, giữa trời đất mênh mông,
Khi cuộc đời còn nhiều lo toan trăn trở?
Mà tình yêu em chỉ là viên kẹo nhỏ,
Một chút ngọt ngào như muối bỏ sông.
Trả lời đi anh, kẻo qua hết mùa đông,
Đừng để trong em tháng mười hai ngơ ngác,
Rồi xuân sang, em thành con chim lạc
Bay mãi giữa trời, bay mãi biết về đâu!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28


   KÍNH GỬI CỤ NGUYỄN DU!
                     Thơ: Tố Hữu
   Trích đoạn...
"Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu.

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người! "


HẬU SINH NGƯỠNG MỘ THIÊN TÀI
DANH THI HÀO MÃI RẠNG NGỜI BỐN PHƯƠNG!

   Viết nhân Kỷ niệm 250 năm ngày sinh
           ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU
                 Phùng Thị Hồng Vân




    Nguyễn Thị Thu Trang
Thí sinh thi tuyển ĐH, CĐ Huế năm 2005.Bài văn đã đạt điểm 10 duy nhất trên toàn quốc.

Câu III: (3 điểm): Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu:

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người


Bài làm văn của Nguyễn Thị Thu Trang.

Tố Hữu, một nhà thơ chiến sĩ, một người thư ký trung thành của thời đại ấy đã cùng hành trình làm cách mạng tiếp cận với thơ ca. Thơ ca đối với ông không ngoài mục đích chính trị, phục vụ cho lý tưởng của Đảng, của cách mạng. Trong nguồn mạch về các đề tài chính trị của Đất nước ấy, Tố Hữu đã tìm về với quá khứ lịch sử của cha ông, một thế hệ hôm nay vọng về thế hệ cha ông xưa để đồng cảm, thấu hiểu, để tìm nguồn sinh lực mới cất bước cho cuộc kháng chiến hôm nay. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho đề tài này không thể không kể đến bài thơ "Kính gửi cụ Nguyễn Du", trích trong tập "Ra trận".
Tháng 11/1965 khi giặc Mỹ bắn phá ác liệt, nhà thơ có dịp qua quê hương của Nguyễn Du và nhân kỷ niệm đúng hai trăm năm ngày sinh của Người, Tố Hữu xúc động viết lên bài thơ này. Bài thơ đã thể hiện một cách cảm nhận, suy nghĩ và đánh giá của Tố Hữu tiêu biểu cho thế hệ hôm nay nhìn về quá khứ lịch sử của cha ông xưa để từ đó khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ hôm nay của dân tộc.
Trong tiếng vọng của tấc lòng tri âm tri kỷ ấy, Tố Hữu đã thốt lên:
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người!
Bài thơ trừ bốn câu thơ đầu và cuối, tất cả có năm khổ thơ với ba cặp lục bát tương xứng. Bằng hình thức tập Kiều nhuần nhuyễn, sáng tạo, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, giàu hình ảnh, những so sánh bất ngờ... ấy đã diễn tả thật thành công tấm lòng của một người con cúi mình trước đại thi hào vĩ đại của dân tộc Nguyễn Du, một thi hào kỳ tài ấy đã chắp bút lên "Truyện Kiều", một công trình đồ sộ và có giá trị thật lớn lao, góp phần tăng giá trị đạo đức, nhận thức vào kho tàng văn học Việt Nam. Cảm khái và ngưỡng mộ trước tài năng ấy kết hợp với một tấm lòng khát vọng tìm về với quá khứ xưa, Tố Hữu đã viết:
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Tố Hữu đã ca ngợi giá trị nhân bản của tiếng thơ Nguyễn Du, một tiếng thơ vang động đến hồn thiêng sông núi, đến tạo vật muôn loài. Bằng cách sử dụng lối so sánh, ẩn dụ tài tình, nhà thơ đã nâng cao tầm vóc, giá trị của thơ ca Nguyễn Du. Ông đã ví tiếng thơ ấy là "non nước" vọng về từ ngàn năm trước, của thời gian xa xưa, của quá khứ. Tiếng thơ ấy vọng về đây trong niềm tự hào, hân hoan, đón nhận của một tấm lòng hậu thế muốn đền đáp tấm lòng cha ông xưa. Nỗi niềm ấy, tình cảm ấy thật đáng ngưỡng vọng. Hai câu thơ không những khái quát được tầm vóc, giá trị to lớn của tài năng Nguyễn Du mà còn thể hiện sâu sắc tình cảm cao đẹp của Tố Hữu- thế hệ hôm nay ngưỡng vọng về quá khá của cha ông.
Lối thơ ấy, tiếng lòng hân hoan Tố Hữu lại tiếp tục rộng mở vươn tới những giá trị vĩnh hằng khác:
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Nghìn năm là khoảng thời gian của hồi tưởng, của ngưỡng vọng, của khát vọng mãnh liệt, của tấc lòng tri kỷ biết ơn của thế hệ hôm nay. Đó còn là khoảng thời gian của thế hệ hôm nay trả lời cho nỗi đau lịch sử của cha ông trong quá khứ.. Một lần nữa cảm hứng ngợi ca chắp bút cho Tố Hữu cất tiếng lòng tự hào trong khúc hát tràn đầy hân hoan, hứng khởi, trong sự ngưỡng vọng trước một thiên tài. Tiếng thơ của Nguyễn Du được ví như "tiếng mẹ", mà "tiếng mẹ" thì gần gũi, thiết tha quá. Đó là lời ru nhẹ nhàng ân tình, chan chứa tình yêu thương và trong ấy gửi gắm bao mơ ước thật cao đẹp. Và vì thế tiếng thơ của Nguyễn Du là tiếng ru của mẹ ân tình, ngọt ngào thổi vào lòng bao thế hệ có sức mạnh thật lớn lao. Tình cảm ấy, khúc hát ru ân tình ấy là lời nhắc nhở, thủ thỉ cho con- thế hệ hôm nay vững bước trưởng thành.
Tiếng lòng đồng vọng của cõi xưa nhập cùng thế hệ hôm nay để con lại vang lên lời ca tự hào:
Hỡi người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người!
Trên trục kết cấu "xưa-nay", "con-Người" cùng vang lên tiếng lòng khát khao tìm kiếm tri âm. "Con" sẽ cùng "Người" hát tiếp khúc tráng ca ấy chào đón cách mạng. Chữ "cùng" đã thể hiện đầy đủ ước vọng của chúng con và Người. Tình cảm ấy, nghĩa cử ấy thật đáng tự hào và trân trọng.
Sáu câu thơ, ba cặp lục bát song hành ấy là tình cảm, tiếng lòng của chúng con thế hệ hôm nay đáp lời quá khứ. Đó cũng là lời hứa chân thành nhất của thế hệ hôm nay cùng ngân vang theo nhịp đập của quá khứ.
Bằng lối tập Kiều nhuần nhuyễn, sử dụng hình ảnh có tính gợi hình, giọng điệu ân tình, ngọt ngào, đậm chất dân tộc, khổ thơ đã thể hiện trọn vẹn phong cách thơ Tố Hữu: khuynh hướng thơ trữ tình - chính trị, một giọng điệu tâm tình ngọt ngào và đậm đà tính dân tộc. Khổ thơ khép lại nhưng lại mở ra một chân trời mới, tương lai mới trong hành trình chống Mỹ hôm nay.

    Nguyễn Thị Thu Trang



Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

TỨC CẢNH

Mấy bông hoa hồng sắc đổi thay
Trước vàng đổi trắng* thấy hay hay
Nhiếp ảnh "một mùa" giơ máy chụp.
Nảy thơ ca ngợi - Lựa vần "ay".

Ngày 10/12/2015
Phùng Thị Hồng Vân

* Đầu tiên nở màu vàng, hôm sau chuyển
trắng viền tím, tím đậm rồi tím nhạt và tàn.



TỨC CẢNH

Mấy bông hoa hồng sắc đổi thay
Trước vàng đổi trắng* thấy hay hay
Nhiếp ảnh "một mùa" giơ máy chụp.
Nảy thơ ca ngợi - Lựa vần "ay".

Ngày 10/12/2015
Phùng Thị Hồng Vân

* Đầu tiên nở màu vàng, hôm sau chuyển
trắng viền tím, tím đậm rồi tím nhạt và tàn.


https://lh3.googleusercontent.com/-kz6G--rR0r0/VlqkT8hT5yI/AAAAAAAANP0/t2kYiEF3o50/s576-Ic42/P1180803.JPG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

TOẢ SẮC HƯƠNG

Vườn hồng rực rỡ trước sân
Phớt hồng, vàng, đỏ - Mười phân vẹn mười!
Hồng nhung, hồng quế đua tươi
Ba mầu* - Hồng điểm tô đời thêm xuân.

Ngày 10/12/2015
Phùng Thị Hồng Vân

* Hồng đổi màu.

RẤT TIẾC MÁY TRỤC TRẶC KHÔNG ĐƯA ĐƯỢC ẢNH.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

LÒNG NGƯỜI CHINH PHỤ

Mỗi độ thu sang, gió xạc xào
Lòng người chinh phụ luống nao nao
Đếm mùa lá rụng - Ghìm thương nhớ
Như buổi tiễn đưa, dạ xốn xao.

Dẫu biết rằng đi chẳng dễ về
Nặng lòng yêu nước, vẫn say mê
Chiến tranh gian khổ - Nuôi hy vọng
Thống nhất non sông, lại đề huề.

Ngày 20/12/2015
Phùng Thị Hồng Vân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nghia Hoa

hongvan28 đã viết:

TỨC CẢNH

Mấy bông hoa hồng sắc đổi thay
Trước vàng đổi trắng* thấy hay hay
Nhiếp ảnh "một mùa" giơ máy chụp.
Nảy thơ ca ngợi - Lựa vần "ay"

Ngày 10/12/2015
Phùng Thị Hồng Vân

* Đầu tiên nở màu vàng, hôm sau chuyển
trắng viền tím, tím đậm rồi tím nhạt và tàn.


https://lh3.googleusercontent.com/-kz6G--rR0r0/VlqkT8hT5yI/AAAAAAAANP0/t2kYiEF3o50/s576-Ic42/P1180803.JPG

SUY NGẪM HOA VÀ NGƯỜI

Hoa đổi thay màu vui lắm thay
Nở tàn mấy sắc quả là hay
Người mà lòng dạ như vầy nhỉ
Chung thuỷ "người này" tựa gió bay
                                                         N-H
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

Cảm ơn bạn thơ NGHĨA HOÀ đã ghé trang thơ và có thơ góp vui!
Hồng Vân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 47 trang (470 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối