Trang trong tổng số 1 trang (10 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Tạo cho mình một trang để gom lại những trang viết tản mạn về Huế-quê hương lắm nắng nhiều mưa, nhiều nỗi niềm- đã viết từ lâu nay; để ghi lại những cảm xúc mới cũng chỉ bằng những dòng tản mạn, không hơn!:)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Để dành...

Tạm thời dành chỗ bằng hình ảnh Huế...

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Để dành...

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Để dành...

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Mùa mưa Huế đã về...




Hôm nay trời thật âm u. Mây đen về giăng gần kín cả bầu trời. Tiếng sấm biển từ xa xa vọng lại, đầy vẻ đe doạ. Từ bàn làm việc, thỉnh thoảng mình lại phải ngẩng lên nhìn cái màu xạm đen ấy. Cả một mảng mây dày giăng ngang trước tầm mắt. Có lẽ vì thế mà mãi cái báo cáo vẫn chưa làm xong. Đã vậy, thỉnh thoảng lại liếc vào mạng để rồi lại tìm kiếm vài vần thơ vụn.

                 Nhớ đêm qua, dạo trong sân, ngước lên nhìn bầu trời đêm sao trời chi chít. Tự nhiên mình thấy có vẻ gì đó là lạ trong đất trời. Những chòm sao không còn ở vị trí cũ ở góc sân nhà mình, thảng thốt mình đi tìm chòm sao Bắc Đẩu. Với mình, nó là một chòm sao quen thuộc, để định vị khi mình nhìn ngắm bầu trời từ mảnh sân nhà. Nó đã chuyển dịch đi đâu mất. Trái lại, có một ngôi sao sáng rực ở góc đằng đông, ngạc nhiên lạ! Hoá ra nó là một ngôi sao, vậy mà lúc chập tối, chạy xe máy về nhà, từ ngoài đường nhìn lên góc chéo vườn, trước khi rẽ vào cửa ngõ, mình đã nghĩ đó là ánh sáng từ một chuyến bay đêm vừa cất cánh lên từ sân bay Phú Bài! Thầm thắc mắc hoài một mình: sao lạ thế nhỉ? Ngôi sao này hồi nào giờ mình có thấy đâu? Hay trí nhớ mình đã... kém thế này rồi? :P

                 Chợt nghĩ: hôm nay đã là những ngày cuối tháng 9 dương lịch, mùa thu đã đi qua gần hết, có lẽ quả đất cũng đã đi vào cái quỹ đạo lệch của quy luật? Hay lâu quá rồi mình không nhìn ngắm bầu trời đêm nên không thấy những chuyển động vi tế đó của bầu trời nhỉ? Mà đúng vậy thật, có hơn một tháng nay, phần vì ốm, phần vì việc tang của gia đình, mình đã bỏ thói quen đi bộ mỗi tối nên mới ngẩn ra vì sự khác lạ tưởng tượng này! :).

                  Trăng lên. Trăng của đêm 21/8 âm lịch đã "xác minh" cho mình cái sự chuyển dịch đó. Vầng trăng không lên từ ngay chính góc vườn nhà mình như mọi khi mà đã lệch về bên vườn nhà hàng xóm. Vậy là đã rõ, chẳng còn chi mà thắc mắc, đặc biệt là về cái ngôi sao sáng loá kia! May chút nữa lại ngộ nhận mình là người vừa "phát hiện" ra một vì sao lạ! :D


                  Đêm nay thế nào trời cũng mưa... Mùa mưa thật sự về rồi. Màu trời này, gió này... là màu đặc trưng của mùa mưa lụt xứ Huế mà...


NT - thứ tư, 29/9/2010

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Nhớ!




                Cứ mỗi mùa mưa về, những hôm rảnh rỗi như thế này, tôi lại nhớ nhiều về những ngày xưa, thuở còn là cô bé con trong Thành Nội, Huế...

                Hồi đó, nhà tôi ở gần bên một chiếc hồ nhỏ-nhưng cũng đủ lớn để có thể thành nỗi đe doạ với lũ trẻ con thành phố không biết bơi như chúng tôi. Bình thường, nó chả là cái gì để tôi chú ý, trừ những hôm nhà bác tôi-chủ nhân của cái hồ, tổ chức tát nước ra để bắt cá. Tôi chả bao giờ dám lội xuống dưới cái đáy hồ đầy sình lầy kia nhưng lũ bạn cùng xóm của tôi thì lại khác. Chúng a nhau nhào xuống để bắt hôi những con cá nhỏ, khi người lớn bỏ qua. Hihi... giờ nhớ lại những gương mặt bị bùn đen bắn lên nhem nhuốc, mà tay chúng thì đã quá bẩn, không thể chùi mặt được, tôi lại chợt bật cười bởi những cái ngộ nghĩnh trẻ thơ! Tôi thì chỉ ngồi trên bờ, hào hứng "chỉ điểm" những chỗ có cá quẫy rồi thỉnh thoảng lại hét lên, nhảy dựng khi tụi nó nắm bùn giả là cá bắt được ném lên chỗ tôi ngồi.

                      Những ngày mưa lớn nước từ khắp nơi đổ về hồ. Khi mặt nước hồ xấp xỉ mặt đất là lúc mà tôi khoái nhất. Trong khi người lớn lo dọn đồ trong nhà đề phòng nước lớn gây ngập lụt thì chị em tôi lại lăng xăng... trực cá! :PNhững con cá phát lác, cá rô từ trong hồ cằn lên tận sân nhà tôi. Ôi chao, không thể tả nỗi niềm vui sướng của mấy chị em tôi! Mắt cứ mở thao láo, chực chờ đón cá lên. Thi nhau reo hò tở mở khi chụp bắt được những con cá trằn mình vì mắc cạn. Bữa cơm chiều ngày mưa, nhà có cá tươi kho với lá ném, sao đứa nào ăn cũng có cảm giác ngon như đại tiệc. Người lớn cả cười vì cái vẻ háu ăn đó của lũ trẻ: làm như mình bỏ đói chúng, không cho chúng ăn cá bao giờ! Thực tình người lớn đâu có hiểu: ăn những con cá do chính tay mình bắt được trong mảnh sân nhà là cả một niềm hạnh phúc vô bờ bến của lũ trẻ con nhà thành phố! :)

                  Bao nhiêu năm tôi được thưởng thức niềm vui ấy nhỉ? Không nhớ nữa... Có lẽ là cho đến khi đủ lớn để thấy cái trò bắt cá trong sân khi mùa lũ đến không còn là nỗi háo hức của các cô học trò một trường nữ học...

                  Tất cả: cái hồ và bao kỷ niệm gắn cùng nó, đã chỉ còn là hồi ức kể từ lúc đại gia đình tôi bán đất, bán nhà và "hành phương nam". Sau dạo đó, tôi thỉnh thoảng vẫn ghé về, đứng trên ngõ xóm cũ, từ ngoài đường, nhìn vào nhà cũ, nhìn cái hồ đã gắn bó với tuổi thơ. Rồi dần hồi cũng đi biền biệt...

                 Đến mấy năm sau này thì nó cũng đã không còn. Người mua nhà, mua mảnh đất của đại gia đình tôi đã san lấp hồ thành một lô đất vuông vắn, rộng rãi và xây một ngôi nhà to lên trên mặt hồ cũ. Xem như đã chính thức xoá đi bao dấu tích cũ của chúng tôi.

                Vật đổi sao dời, thương hải biến vi tang điền, lẽ đời chẳng phải luôn như vậy sao?

                Hôm nay, một ngày thứ bảy Huế mưa không kịp vuốt mặt, tôi ngồi hồi nhớ tất cả những điều này, lòng bất chợt nửa vui, nửa buồn...

                Mắt bất chợt cay cay...


NT - Thứ bảy, ngày 02 tháng 10 năm 2010

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Lụt Huế...




        Mưa lại tiếp tục dội xuống trong suốt nửa đêm về sáng. Mưa dữ dội và dai dẳng, không ngừng nghỉ. Nghe mưa mà lòng thắc thỏm không yên, không khác gì mưa của năm 1999, năm Huế bị cơn đại hồng thuỷ có đến mấy trăm người chết! Không biết tình hình rồi sẽ như thế nào...

                     Hồi sau này mọi người đã cảnh giác với mưa lũ hơn nhiều, dù có lụt lớn cũng sẽ không đến nỗi như hồi ấy. Là người Huế, có ai mà không biết Huế không thể không mưa, không thể không có lụt! Mưa lụt vốn là cơn bệnh thâm niên, triền miên của Huế mà. Bà mẹ thiên nhiên ưu đãi cho Huế nhiều về cảnh sắc, tạo cho Huế một vẻ đẹp tự nhiên, dịu dàng, thuần khiết-nhưng thiên nhiên cũng luôn mang tới cho Huế thật nhiều hiểm hoạ khó lường...

                 Đập Đá có năm nào mà không bị tràn qua bởi nước sông Hương dâng cao mỗi lần mưa lũ, chia cắt cả một tuyến bờ bên Vỹ Dạ với bên này sông? Để người Huế, mỗi lần mưa to trong mùa mưa lũ lại nháo nhác hỏi nhau: "Mưa kiểu ni Đập Đá tràn chưa hè?". Hình như người Huế có thói quen ăn sâu vào tiềm thức: lấy Đập Đá làm "chuẩn mực" để đo mức đã được coi là lụt hay chưa! :)

                  Mưa lũ-con nít vui vì được lội lụt đi chơi, ngó nghiêng chỗ này chỗ khác mà người lớn không ngăn cấm-vì đó như cũng là một cái "lệ" bất thành văn của dân Huế, để rồi chạy về nhà mà "trộ miệng" nơi nào nước cao, chỗ nào sâu nhất, chỗ nào được hình thành chợ lụt và chỗ nào bán cá lụt nhiều nhất! :)

                  Mưa lụt, người lớn được dịp "lãng công", khỏi đi làm mà không bị ai bắt bẻ, khỏi làm ăn, buôn bán và tha hồ tìm kiếm thú vui riêng cho mình. Trong đó, thú vui vô hại và được mọi người thích làm nhất là rớ cá!

                  Người Huế gọi "cá lụt"-là những con cá được cất bằng những chiếc rớ tự phát, có khi chỉ bằng tấm vải mùng vừa cắt vội từ chiếc mùng cũ của gia đình, cột vào hai cái cây hóp nhỏ bắt chéo và một đoạn thân tre nhỏ, ngắn làm cần cất rớ. Người cất rớ cũng "tự phát" luôn: là mấy ông trung niên hoặc mấy cậu choai choai tranh thủ kiếm chút mồi, chút tiền tiêu vặt. Đây cũng là một thú vui được người dân phố thị hào hứng hưởng ứng, bởi mấy khi mà được rớ cá  hoặc xem rớ cá ở giữa chốn thị thành! Vì vậy mà quanh những cái rớ tự phát này không chỉ có những bà nội trợ tò mò ghé xem có thể mua được chút cá cho bữa cơm ngày lụt hay không, mà luôn còn tụm năm tụm bảy những ông, cậu chàng khoái cái màn hồi hộp nhìn, "cá" với nhau rớ này "có" hay "không", "nhiều" hay "ít". :)

                   Chẳng ai trách họ là "dư công", "tào lao", vì đang là những ngày nghỉ mà thiên nhiên ban tặng khá... hào phóng cho tất cả mọi người mà! :P


                    Nhưng tất cả những điều đó chỉ diễn ra trong những ngày Huế bị lụt cục bộ, nước hiền và không quá lớn, không gây nhiều tổn hại cho cộng đồng. Nhiều lắm là mọi việc tạm ngưng trệ hai, ba hôm; sau lụt chỉ mỗi việc lo dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, xe cộ, vệ sinh sân vườn. Còn nếu là những ngày lũ dữ thì mọi người đều xanh mặt vì lo chạy lụt, lo mất mát người và của, lo đói, lo cứu trợ khẩn cấp... còn đâu lòng dạ mà vui chơi!
                   Gia đình có ai đó đi đâu, chưa về trước lụt, cả nhà lo lắng, bồn chồn, ngồi đứng không yên, lo chuyện lành ít dữ nhiều.
                   Con nít thì được dồn vào hết chỗ cao, ngồi trên giường, trên rầm thượng, im re nhìn nước liếm dần lên mãi, giờ thì có giỏi bơi cũng chẳng dám thò chân xuống cái biển nước đục ngầu màu phù sa đang tràn dâng mênh mông, lai láng kia...


                  Nhớ lại năm 1999, trong một chuyến đi đến vùng đang bị lụt bao vây ở thượng nguồn sông Hương cùng đoàn công tác cứu trợ khẩn cấp của nơi mình công tác, mình đã để mặc cho nước mắt hoà với mưa khi chứng kiến hằng trăm con người đói lả trong một phòng học của lớp mẫu giáo đứng trên đồi cao mà chung quanh toàn nước là nước.
                  Ở đó, người chết vì già yếu trong ngày lụt, không thể chôn cất vì nước dâng khắp nơi, mọi người đành để nằm chung cùng người sống trong  phòng học được lấy làm nơi trú ẩn của mấy trăm con người kịp chạy đến được. May mắn là họ vẫn tìm đâu được mấy cây đèn sáp để thắp chung quanh chỗ nằm của người chết-làm điểm phân tách duy nhất với những người nằm, ngồi vạ vật chung quanh...

                  Mình còn nhớ có một phụ nữ chạy đến hỏi xin mình đôi dép mình đang đi vì chân chị ấy lội, dầm nước lụt mấy hôm đã bị loét hết, đau đớn đến nỗi không thể tiếp tục đi chân trần. Nhìn xuống đôi bàn chân của chị, mình bỗng thấy xót xa, lột đôi dép đưa ngay cho chị ấy, sau đó, ra về phải lấy hết sức bình sinh để bấm mười ngón chân trần xuống nền đất sỏi pha sét đã nhão vì ngâm mưa... Lòng chợt ngẫm ra, ghi lại trong đầu để nhớ: đi cứu trợ bão lụt không chỉ là mang cơm vắt, bánh mì, mì tôm, áo quần đến cho mọi người, mà còn phải lưu ý đến cả chuyện dép cho người dân nữa!


                  Có cả một ngàn lẻ một chuyện lụt của Huế, không thể kể hết và nói xuể...

                  Mong là lần này Huế cũng không đến nỗi lụt lớn...


NT-Chủ nhật, ngày 03 tháng 10 năm 2010

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hồi ức cỏ tranh



"Hạnh phúc là gì ơi mọi người quanh tôi..." đó là nền giai điệu vẫn báo thức cho tôi mỗi sáng, từ bấy lâu nay... Tôi thích giai điệu đó vì nó gợi đến cho tôi nhiều điều, đặc biệt là nó cho phép tôi được hy vọng vào một niềm hạnh phúc nhỏ bé đơn sơ sẽ có thể đến cùng mình trong một ngày mới.

            Sáng nay, vẫn giai điệu ấy ngân vang kéo tôi ra khỏi giấc ngủ. Như thường lệ, dành cho một đầu ngày vài ý nghĩ đến sớm...

            Không hiểu sao bỗng dưng lại hiện đến trong đầu hình ảnh của một mảnh vườn hoang. Không phải là mảnh vườn tưởng tượng mà chính là  mảnh vườn hoang dại đầy cỏ tranh trước khu vườn nhà ông nội tôi ngày trước, ở Phường Tây Lộc - một phường Nội thành của Huế - nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Vậy là thả hồn trôi về vùng trời ký ức, gợi lại trong đầu những kỷ niệm về tháng ngày ấu thơ nơi ấy...

            Đó là một vạt đất trống khá rộng nằm ngăn cách giữa thửa đất nhà ông nội tôi với vườn nhà của ông Thợ Đóa. Mảnh đất không hiểu sao lại bị bỏ hoang đó có mặt tiền khá rộng tiếp giáp đường Tôn Thất Thiệp - con đường chạy bên dưới chân thành cao bao bọc quanh Thành Nội Huế, xuyên suốt từ cửa Chánh Tây cho đến cửa Hữu , băng ngang qua cống Thủy Quan . Điểm tận cùng của mảnh đất hoang giáp với mặt sau vườn nhà của ba tôi. Trên mảnh đất ấy, không hề có bóng của các cây cao, dù chỉ là một cây ổi sẻ. Lạ vậy đó, chỉ mọc toàn một loại cỏ tranh, trong khi sát liền kề là hai  khu vườn tốt tươi các loại cây ăn trái.  Chỉ bây giờ mới nghĩ ra và tò mò, chứ ngày ấy, tôi làm gì mà ngạc nhiên vì sự tình như thế!

               "Rừng" cỏ tranh cao quá đầu lũ nhóc tuổi lên 8 lên 10, quá lý tưởng cho các trò chơi trốn tìm, chia phe đánh trận được xem như nơi chốn để "thư hùng" của bọn trẻ xóm thượng thành sớm bị nhiễm truyện kiếm hiệp từ các kệ sách của các bậc cha chú - trong đó có con bé  thường bị mắng "bà mụ bắt lộn"- là...tôi! Đó cũng là nơi mà những lúc tha thẩn một mình, con bé mặc sức thả cho trí tưởng tượng đi rong nhưng hoàn toàn không phải là những giấc mơ mềm mại về công chúa ngủ trong lâu đài giấc ngủ nghìn thu mà là câu chuyện về những con sói ẩn nấp trong bụi rậm, rình bắt cô bé ngây thơ cổ quàng khăn đỏ nhảy chân sáo qua mảnh rừng hoang...

               Sau Tết Mậu Thân, chiến sự lùm xùm, đẩy nhiều gia đình ở các làng quê dạt về thành phố. Vào những năm 1972, 1973, khu vườn hoang bị lấp kín dần bởi những ngôi nhà của những người họ hàng, quen biết với gia đình tôi...
Từ dạo đó, bọn trẻ chúng tôi mất đi một "căn cứ địa" mang dáng vẻ hoang vu, tạo thêm cảm giác phiêu lưu kiểu "Dế mèn phiêu lưu ký" nhưng bù lại, chúng tôi có thêm những người bạn mới đồng trang lứa để bày những trò tinh nghịch của tuổi thơ hiếu động với bao cuộc vui khác diễn ra trong vườn cây trái  nhà ông nội tôi...



                Mảnh vườn hoang dại và nhiều thứ khác ở vùng trời nhỏ Tây Lộc ngày ấy đã biến mất từ quá lâu rồi. Những đứa trẻ cùng thời của tôi ngày xưa, bây giờ phần lớn đều đã qua tuổi làm cha, làm mẹ, tới tuổi làm ông, làm bà,  chưa chắc đã có "đứa" nào còn đủ sức nhớ tới cái mảnh đất hoang đầy cỏ tranh đó nữa. Vậy mà sao tôi lại chợt nhớ đến trong một ngày đông về, nằm trong chăn ấm, mà như "nghe" cảm giác ran rát, nham nhám của những cạnh lá tranh cọ vào hai cánh tay trần...
Ôi, những ngày xưa!

NT, 08/10/2011

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Như Diệu Linh

Cho em gửi chút tản mạn của mình nha chị :)

CÓ MỘT SỚM BÌNH MINH...

Sáng nay, nghe chú chim ríu rít

Sáng nay, mấy con gà trống nhà hàng xóm gáy vang...

Đọng mãi vào ta mái nhà lớp phên, chiếc giường gỗ đẫm mùi dương và cả một khung trời tuổi thơ êm ả

...

Mãi vẫn chưa định nghĩa được hạnh phúc là gì?

Liệu có phải là ngông nghênh đứng trên chiếc ghế danh vọng để ngó xuống hả hê với những người đã nhạo báng ta?

Liệu có phải là cầm trong tay một cọc tiền, ném bâng quơ qua cửa sổ để cho những người đã từng bắt ta quỳ mọp van nài khi túng thiếu?

Liệu có phải là đi về trong hào quang, được nhiều người xúm xít vây quanh để chỉ cần ta mỉm cười họ cũng sẽ thao thức cả đêm vì vui sướng?

...

Có nhiều khái niệm cho một hành phúc và theo đó cũng có hàng vạn những cảm nhận khác nhau về được-mất trong đời...

Riêng ta (không biết có phải chỉ riêng ta không?) lại vẫn đau đáu một nỗi nhớ không ngừng về nơi ta đã sinh ra, đã lớn lên, đã thấm vào từng chút, từng chút trong người để đù có đi đâu, về đâu, làm gì... ta cũng không sao quên được, cây cầu 6 vài 12 nhịp, dòng Hương lững lờ trôi, cây phượng già nghiêng bóng êm soi...

Dường như đều giống nhau, như người mẹ hiền luôn mở rộng vòng tay chờ đứa con trở về, Huế cũng luôn chờ những đứa con của xứ sở quay trở về sau những tháng ngày tha hương mệt mỏi...

Bình thường đã nhớ

Vui cũng nhớ...

Buồn càng nhớ hơn...

Đường Nhật Lệ có còn đông đúc đám học trò cười nói, có còn vui với những tà áo dài bay bay như những chú chim từ trường Nguyễn Huệ ùa ra? Mái ngói đỏ có còn những chú chim bồ câu chao liệng? Những con đường trong Thành Nội có còn bóng mát nghiêng che hay những cây cao bóng cả đã oằn mình ngả nghiêng vì những con gió lớn?

Huế ơi... có một sáng bình minh... ta nhớ...

Mặt trời chiếu rọi khắp nhân gian
Chiếu xuống nhân sinh mải vội vàng
Đâu hay ánh nắng tan vào gió
Rồi hoá thành mây trắng lang thang...

http://i910.photobucket.com/albums/ac302/nhudieulinh/1305086331_12895681291289541360logo.gif

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Một ngày mưa vui...




Hôm qua là một ngày đẹp trời, chạy xe trên đường, lúc dừng xe chờ đèn đỏ ở múi cầu Tràng Tiền, mấy chị em bạn còn tấm tắc với nhau: trời hôm nay tuyệt quá!

               Định về Vỹ Dạ Xưa uống café thì N. điện, rủ ghé qua nhà chơi... Vậy là thay đổi địa điểm: thay vì xuôi về Đập Đá, sang Vỹ Dạ lại băng qua cầu Tràng Tiền, rẽ vào Cửa Ngăn...

              Trời đẹp nhưng không có ánh nắng vàng ngời ngợi như dạo mùa hè, không ánh nắng dịu trong của những ngày đầu thu nên thảm cỏ xanh chạy quanh Đại Nội,  hai hàng cây xanh giao nhau đan kín cả bầu trời trên các con đường 23/8, đường Đoàn Thị Điểm (đường Phượng bay) lại chứa chan sắc diệp lục đậm đà, tạo nên một chút thâm u, hun hút...

              Rẽ vào đường Nguyễn Biểu-cũng một không gian xanh, nhỏ nhắn, yên tĩnh như vậy... Lòng dậy lên âm thầm một cảm giác quen thuộc: tôi yêu Huế, yêu Nội thành thân thương của tôi xiết bao!
Đến nhà N., ngay ngõ, gặp anh Ng. chồng N. vừa đi uống café về, vậy là sau khi mời khách vào nhà, anh ấy lại quay ra quán café gần nhà mua café về để đãi khách tại gia! Một cuộc chuyện trò thật vui. Mừng thầm cho N., tuy xin nghỉ việc trước thời hạn, trong một tâm thế không thoải mái lắm nhưng không để cho điều đó ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng...

                Tạm biệt vợ chồng N., chia tay nhóm bạn ngay cổng nhà N., mình rời Thành Nội, ra cửa Thượng Tứ, ngược đường Trần Hưng Đạo, qua cầu Phú Xuân, rẽ phải thẳng đường Lê Lợi, qua ga Huế, vào Lịch Đợi... Lâu lắm rồi mình mới có một buổi ngồi nói chuyện giữa đông vui của gia đình... Câu chuyện về một ngày sau này, vẫn làm mình suy nghĩ mấy lâu nay... Thôi, cứ ghi nhận thế đã, vẫn còn một quãng thời gian khá dài cho mình suy nghĩ và quyết định kia mà!


***

            Tối qua, đầu hôm, trăng thật sáng. Đi bộ trong sân - vẫn quãng đường đó - từ sân ra ngõ, vừa đi vừa ngắm trăng. Chạnh nhớ về một điều, thấy lòng thoáng nhói đau, vội xua đi - như lâu nay vẫn thế, quay sang nghĩ về những chuyện vui vui trong ngày...

            Rồi mưa. Trời đổ từng trận mưa thật lớn, đầy vẻ dọa dẫm. Vào nhà, bật máy lên, nghe nhạc - những bài nhạc  mới các bạn phổ thơ mình, vừa gửi cho nghe. Lòng chợt nhẹ, vui... Ước gì mình cứ viết được những vần thơ nhẹ nhàng, trong trẻo và nhiều tươi vui như thế...

***

             Sáng nay, nhận được những dòng thư và các file bài hát... Nghe giữa chừng bỗng giật cả mình: ủa, sao lại thế nhỉ? Tải lại file nhạc từ email của Trang mấy lần, vẫn thế. Có lẽ Trang vội nên gửi nhầm... Thôi, nghe tạm bản cũ vậy, giờ Trang ngủ rồi, còn đâu!

              Pha một ly café rồi "bứng"  người nhà  bỏ dở chương trình ti-vi ưa thích lên chỗ máy tính của mình, ngồi nghe nhạc. Loa mở lớn hết cỡ, "Bên anh - em là mùa xuân" - bản nháp của Trang và "Người thơ năm cũ" của Khang phổ theo phong cách trẻ trung, "Ru tình" của Thanh Sơn, "Ngày xưa" của Trang... và những bài hát khác của bạn bè, vang lên, rộn ràng căn nhà nhỏ... Một ngày mưa tầm tã, mưa xối xả như thế này, ngồi nhà nghe nhạc bạn bè - những bài nhạc quá hay, quá hợp lòng mình,  còn hơn ngàn vạn lần đến quán café để chịu đựng mùi khói thuốc lá và những bài hát mà mình bị bắt buộc phải nghe, nhỉ? :)

               Cảm ơn Khang vì đã dậy sớm và kịp gửi lại file nhạc Người thơ năm cũ và đã có mặt kịp thời để gửi luôn bản BA-ELMX mà Trang gửi cho Khang, để mình được nghe ngay trong sáng sớm nay...


               Một ngày không đẹp trời nhưng lòng vẫn thấy vui và cảm giác hạnh phúc bất chợt lại về...


NT, 09/10/2011

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (10 bài viết)
[1]