Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mục lục

(tiếp theo từ trang 9)



60. Chiều vắng  (Nguyễn Ngọc Tư)

61. Đêm Noel  (Wolfgang Borchert)

62. Bài hát Giáng sinh cho một người  (Nguyễn Anh Dân)

63. Miếng chả nhái  (Hoàng Tùng)

64. Tường rêu  (Hồng Trần)

65. Gáy người thì lạnh  (Nguyễn Ngọc Tư)

66. Một mùi hương xá xị   (Ray Bradbury) . . . . . . . . . . . . trang 17

67. Cỏ xanh chìm dấu   (Nguyễn Ngọc Tư)

68. Quán bánh xèo ở bìa rừng tràm   (Lê Minh Nhựt)

69. Nhiệm vụ tự nguyện  (Ngô Phan Lưu)

70. Âm bản chiến tranh  (Vũ Ngọc Tiến)

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chiều vắng

* NGUYỄN NGỌC TƯ




Ngày dì Út Thu Lý tròn bốn mươi bảy tuổi, dì từ giã thêm một lượt ba cái răng. Buồn quá trời đất, dì lại chùa Phấn, than với sư Huệ bây giờ không biết làm sao giáp mặt anh Tư Nhớ, răng cỏ trống hơ trống hốc vầy… Bà sư già nghe xong niệm Phật mà không nén được cười. Dì Út mượn gương, soi mình vào đấy, thấy tóc bạc, mặt nhăn, kỳ lạ thay, dì thấy cả một nỗi buồn rất lạ thăm thẳm trong lòng mình. Dì đứng đó một chút, rồi dì te tái cắp nón đi, hỏi đi đâu, dì bảo ra vườn thuốc.

Nhà cậu Tư Nhớ cũng ở đó, xiêu xiêu giữa vườn thuốc Nam, quanh năm nồng nàn hương hoa cỏ. Nhưng cậu không có nhà, cậu đang dự đám tang trên Lung Dừa. Cậu ‘đuổi quỷ’ trong đội đạo tỳ của chữ thập đỏ xã. Gần mười lăm năm cầm đuốc múa quanh quan tài đến chai tay, lửa phà nám mặt, mấy lần ngậm dầu phun lửa bị sặc trối chết. Càng lớn tuổi cậu càng tưng tưng, ai cũng nói, ổng bị sặc dầu quá trời đất như vậy mà không mát dây cũng uổng. Cậu nghèo, nhưng đèo bòng nuôi một thằng nhỏ mồ côi cha mẹ. Bình thường thì thằng Lụm kêu bằng tía, nhưng có lúc, kêu vậy, cậu la thấu trời, "Mầy làm như tao già lắm vậy, kêu tao bằng anh đi, bằng thằng cũng được nữa". Một tháng ăn cơm nhà chừng ba bữa, còn hai mươi bảy bữa cậu dọn vườn, chặt thuốc cho chùa nên được đãi cơm chay, hết việc, cậu dắt thằng con lang thang làm mướn dài dài theo xóm, ăn cơm ở đó luôn, đội đạo tỳ có việc thì hai cha con dùng cỗ đám tang, lắm lúc cậu về nhà biểu thằng Lụm, "Đổ nước mắm vô kho quẹt ăn. Tao ngán thịt heo thấu trời rồi".

Chỉ nhà dì Út Thu Lý là cậu không bao giờ lui tới. Hồi bà Hai, má dì còn sống, ra đường chạm mặt, tránh không được, cậu mới mở miệng, giọng có một chút hằn học, một chút chua xót, một chút mỉa mai : "thưa má !", rồi cậu cun cút đi thẳng. Những chiều ngang qua nhà, thấy bà Hai bắc cái ghế ngồi ngoài hàng ba là cậu cởi quần dài, tụt xuống mé kinh, lội qua khỏi đoạn đó mới ngoi ngóp lên bờ. Đám trẻ trong nhà thấy cảnh đó cười ngắt nga ngắt ngẻo, chỉ dì Sáu Thu Lý là chua xót ngẩn ngơ, người coi tưng tưng vậy mà giận dai ghê hen. Rồi dì tự hỏi, nếu mình là anh ấy, thì mình có giận không ?

Giận. Bởi gió kia, mưa kia, những mái nhà chiều chiều khói tỏa kia, người phụ nữ đang na cái bụng bầu lặc lìa qua ngõ kia, và những đứa trẻ kia, cả thằng Lụm… hết thảy đều làm cho người đàn ông đó nhớ một mái ấm đã bị tước đoạt của mình.

Bởi nếu con cậu còn sống, bây giờ chắc nó cao hơn thằng Lụm. Những khi ngồi nhớ lại, cậu ứa nước mắt, ước gì mình được nhìn thấy nó một lần, một lần thôi, sau này có sặc dầu hay chết hụt dưới mương, cậu có lẫn lộn việc này việc khác, dứt khoát cậu sẽ không quên được hình bóng vợ con mình.

Nhưng cả mơ ước đó cũng bị má vợ cậu, bà Hai cướp đi mất. Khi dì Ba Thu Lê để lòng thương cậu Tư Nhớ, roi đòn mấy cũng không cản được, bà đã nghiến răng trèo trẹo khi nhắc tới cậu, "thằng ăn cướp". Sinh cả thảy sáu người con, chỉ có hai đứa con gái, dì Út Thu Lý vụng về, đểnh đoảng, như trẻ con, vui buồn ra mặt, bà Hai dồn hết tình thương cho con gái Thu Lê vén khéo, nhu mì. Hồi đó, dì Ba mới hai mươi tuổi, trong lòng người mẹ, dì còn non nớt, dại khờ. Ai mà ngờ một bữa dì bỏ bà đi… Nhà cậu Nhớ cách nhà bà một quãng đường xóm, những bữa đi ngang qua nhà, bà Hai nghe giận nhói ngực khi thấy con gái mình khép nép đi cạnh chồng, mắt ráo lơ, ngó vô nhà như thể nước lả người dưng. Cái nhìn van lơn và hối lỗi của cậu Tư Nhớ nhỏ nhoi trước biển lửa giận hờn trong trái tim người mẹ. Không bảo nhau nhưng cả hai người đều hy vọng, dù lâu lâu lắm nhưng sẽ có một ngày bà tha thứ.

Hồi đó, gia tài của hai người chỉ có căn nhà dựng trong vườn chùa với chiếc xuồng. Dì Ba hay cười, an ủi, "Anh buồn gì, xóm mình đâu chỉ nhà mình nghèo…". Dì làm bánh bò, sáng sớm hai vợ chồng chèo dài theo các xóm ven Đầm bán, buổi chiều họ xin rơm chở về gieo cải, trồng rau trên liếp nhỏ kế bên nhà. Dạo đó, người ta dồn về nơi nầy để theo những con rạch ngoắt ngoéo ra cửa sông Thầy Xúi vượt biển tìm đất hứa. Nhiều bữa thấy người ta lỡ đường, vơ vất ngoài bờ bụi, khổ sở với bầy muỗi lá, cậu Tư cho quá giang, cho ngủ lại, san sẻ ít chén cơm nguội. Cậu với dì không hỏi họ đi đâu, làm gì, hỏi họ cũng không nói thiệt, chỉ nghĩ trong bụng, xứ sở mình đây mà hỏng ở, đi làm chi cho cực thân vậy không biết. Cho tới một bữa, trên đường chở rơm về, cậu bị công an xã bắt vì tội đưa người vượt biên. Cậu Tư Nhớ có kêu oan, nhưng các anh công an cười, hỏi bà già vợ thưa mà còn oan ức gì ? Cậu nghẹn lời, vì ngỡ ngàng và vì đau xót.

Lúc đó là tháng Năm, đôi vợ chồng trẻ đang nôn nao đếm ngược từng ngày chờ đến sang Giêng sẽ đón trẻ con ra đời…

Bốn mươi ba ngày sau cậu Tư được minh oan. Lúc về thì cỏ đã mọc xanh lối vào. Giồng cải bên nhà trổ bông, ngồng cao tới ngực. Lúc về, chuột cắn rơm làm ổ trong cái cà ràng trên bếp. Lúc về, người cũ không còn ở chỗ cũ, nhà lạnh ngắt, buồn xo. Cậu Tư Nhớ uất quá vác cây mác vót chạy tới nhà bà Hai đòi người. Bà đứng chận ở cửa, mặt thản nhiên, lạnh tanh như đồng, bảo "Ở đây không có gì liên quan tới cậu. Con tôi nó ra chợ ở rồi, còn con cậu hả ? Ra bãi rác ngoài trạm xá xã mà kiếm". Cậu Tư nhớ hoài, nhớ đời đời kiếp kiếp cái vẻ mặt chai đá của bà Hai, cậu cười, sao con người đối với nhau có thể cạn ráo đến vậy.

Cho đến bây giờ dì Thu Lý vẫn còn nhớ giọng cười của cậu hôm ấy, nó lạt nhách, không dư âm, như thể đá cười. Cho đến bây giờ, gặp dì, cậu vẫn hay cười như thế, có lúc cậu còn làm ngơ không thèm nói chuyện. Nhưng dì không giận, vì nghĩ nhà mình nợ anh ấy rất nhiều, cho tới khi má dì nằm xuống, món nợ ấy vẫn còn nguyên.

Người ở xóm Rạch Ruộng ai cũng biết dì Út Thu Lý thương cậu Tư, họ dạy con nít ngạo chơi "Trồng tre trở gốc lên trời. Con chị qua đời rồi tới con em". Nghĩ cho nghiêm túc, hai người này cũng thật xứng đôi vừa lứa. Ngày nào dì Út cũng đi làm công quả ở chùa Phấn, hốt thuốc tiếp sư cô, lúc rảnh chạy qua nhà cậu Tư Nhớ quét cái nhà, lau bộ ván, cho chó, mèo ăn. Dì coi nhà cậu như nhà mình, nên quen cái lối đi hẹp te giữa bộ ván ngựa cũ kỷ và chiếc giường. Quen với căn bếp nằm chếch phía trái, đó là một góc tù mù khói, nhưng đó là một chỗ ấm áp nhất. Mấy đứa con nít khen dì giống cô Tấm trong truyện cổ tích quá trời.

Bây giờ gần hai mươi năm rồi, tóc đã trắng những sợi già, chuyện tình đó vẫn chưa đi tới đâu, chiều nay lại, thay vì lòn tay qua lổ vách mở cái móc khoá quen thuộc ra, dì Thu Lý tự nhiên giữ lễ, đứng chờ ngoài cửa. Thằng Lụm về trước, thấy dì, nó cười, hỏi "Ủa, sao Út không vô ?". Dì bảo, "Vô gì, nhà người ta mà". Thằng Lụm nhìn dì lom lom, nó thấy dì bữa nay lạ quá, không biết có phải tại rụng mấy cái răng không. Nhưng lúc đó đã nghe tiếng đá banh dội binh binh đằng xóm, nó rảnh đâu mà thắc mắc, vọt đi mất. Cậu Tư Nhớ qua khỏi lùm nhãn lồng, làm như không thấy dì Thu Lý, vạch cái cửa đi tuốt vô nhà. Cậu Tư Nhớ ra ngoài giàn ôm củi vô, rồi chổng mông thổi lửa nấu ấm nước, khuôn mặt cậu tỉnh rụi. Nước sôi, cậu đi rửa cái bình mẻ vòi, châm trà. Cậu chống rèm cửa sau lên, lau bộ ván ngựa đầy dấu chân gà, quét cái nhà vương vãi rác, rồi ngồi uống trà. Cái vạt áo màu bông cà của dì Thu Lý vẫn phơ phất bên ngoài cửa. Muỗi kêu o e xà quần bên lổ tai, ờ, giờ này muỗi bắt đầu bay khỏi đám lá đi kiếm hơi người. Ngoài sân, chắc muỗi cũng nhiều… Cậu Tư hơi trù trừ giây lát rồi đứng lên, ra cửa trước nói trổng không :

- Sao bữa nay mắc gì mà không vô nhà ? Ngoài này muỗi cắn chết.

Dì thở ra, cứ tưởng là thằng chả không mời. Dì cố nén cười, nghiêm mặt bước vào, đứng lừng khừng khách sáo như khách lạ. Cậu Tư coi bộ hơi bực :

- Sao không ngồi đi ? Coi chừng làm nhăn bộ ván tui nghen.

Nói rồi, cậu đi gom mớ vỏ dừa khô vô nhen mẻ ung. Cậu ngồi thổi hoài cho đến khi lửa bùng lên, cậu lại vùi cho tắt. Rồi hì hụi chỗ này, hì hụi chỗ kia, không làm gì cũng lăng xăng, sực nhớ ra, cậu lại đằng chái bếp lấy khúc ổi vừa được phơi dốt nắng, ngồi đẽo ngỏng cối, ngày mai, đằng nhà Tư Biểu có đám giỗ, thể nào cũng xài. Cậu sợ rảnh tay rồi phải mở lời nói với nhau. Mà, cậu thì không biết nói gì hết, không muốn nói gì hết.

Bởi mỗi khi gặp nhau, lòng người này chỉ toàn những oán giận, những nỗi đau, còn người kia tràn đầy niềm yêu thương vô vọng mà họ đã không còn ở tuổi hai, ba mươi để nói ra tâm trạng ấy bằng lời. Nên chiều nay lặng lẽ lạ thường, có thể nghe rõ ràng tiếng muỗi kêu, tiếng xì xì mọng nước của thanh củi ướt cháy trong mẻ, tiếng lưỡi mác vót khứa ngọt vào cây ổi, tiếng trái dừa chuột khoét rụng đùng xuống hào ranh… Dì Thu Lý lên tiếng :

- Anh Tư à… Bữa nay em mới nhổ ba cái răng.

- …

- Tính luôn hổm rày là bảy cái rồi đó. Thấy vậy mà già rồi…

Cậu Tư Nhớ vẫn nín thinh, hì hụi gọt đẻo, thấy mình cũng thật nhẫn tâm. Kinh kệ mỗi ngày từ chùa Phấn vọng sang cùng tấm lòng chân thật của dì Út vẫn không làm cậu nguôi đi oán hận. Cậu mà đáp tình dì chẳng phải là đã tha thứ cho nhà đó sao, ngu sao, đâu có dễ vậy.

Dì Thu Lý ngồi trên tấm ván đã cong vênh, nghe lòng trống không đã sạch sành sanh những niềm hy vọng cuối. Không biết làm sao cho hết bối rối, dì ngó quanh quất cho giống người xa lạ chơi. Dì nhìn chiếc quai nón bằng vải nhung đã phai màu treo ở đầu giường, cái áo bà ba màu bông cà bọc trong bọc nilong treo trên vách cùng với chiếc cặp đỏ bằng nỉ (Hôm chị Thu Lê theo chồng, nó chỉ vừa đủ để ba bộ đồ với cái khăn tắm, dì Út lén má xếp dùm). Dì nói bằng một tiếng nhói :

- Anh nhớ chị Ba em !?

Lần này cậu Tư Nhớ đổ quạo, vặt lại :

- Bộ tui trâu bò sao mà không biết nhớ ? Biết còn hỏi !

Ờ, thì biết. Hơn hai mươi năm rồi cậu Tư với dì Thu Lê đã không gặp lại nhau. Mỗi bận lễ Tết, hay đằng nhà bà Hai tổ chức giỗ ông Hai, cậu đứng xa xa dòm ngó, nghe nhộn nhạo từng khúc ruột. Hỏng biết cổ có về không ta ? Thằng Lụm hiểu lòng cậu, nó chạy đi coi, nó kể ở ngoài chợ người ta về nhóc. Người nào người nấy đẹp đẹp không hà, tía. Nhưng trong đám người đẹp đó không có người cậu thương, dì Ba thì không về, dì viết thơ gởi bà Hai (lá thơ đó nhòe nước mắt) thưa rằng dì chắc chẳng bao giờ về quê nữa, quay lại đó, rồi làm sao, mặt mũi nào để gặp một người. Dì viết rằng, má ơi, má đừng buồn, chừng nào nhắm mắt xuôi tay, con sẽ về để nằm trên đất nhà mình.

Câu chuyện đó dì Thu Lý kể cho cậu Tư Nhớ nghe vào một ngày mưa gió, cậu đội áo mưa lại chữ thập đỏ xã, xin được giữ một chân đạo tỳ trong đội mai táng. Ai cũng hỏi sao tự nhiên đi làm cái nghề u ám vầy, cậu cười không nói. Chỉ có một người biết, càng biết nhiều càng nghe lòng buồn nhiều.

Dì Ba Thu Lê bây giờ đã theo chồng sống ở nước ngoài, vò võ không con, dì cay đắng, "trời phạt vậy". Dì hay gởi thư, tiền và hình về nhà. Trong hình lúc nào cũng đeo nhiều đồ trang sức, mập mạp, đầy đặn, cười thật nhiều nhưng đôi mắt lại buồn thiu thỉu, luôn luôn ngó thẳng về phía trước mà ánh nhìn không có một chỗ vịn nào. Một người sống không quê hương, sống đầy mặc cảm, dằn vặt, sống mà đau đáu hoài chuyện cũ thì biết níu đâu bây giờ ?

Chiều nay ngồi trong nhà cậu Tư Nhớ, dì Út lại nhớ chị mình. Dì chợt nghe lòng quang quẻ lạ lùng, sao mình không giúp cho anh chị ấy gặp lại nhau một lần, bây giờ không làm, đợi tới chừng nào. Mình làm được mà, thí dụ như mình giả đò chết. Chị Ba Thu Lê nhất định sẽ về, sẽ gặp lại anh Tư Nhớ, dù bây giờ tóc xanh phai màu, gặp chơi vậy thôi chứ không thay đổi được gì hết. Nhưng thương nhớ nhau thì hội ngộ lúc còn đang sống, chứ đợi người âm kẻ dương làm chi… Đời vốn dĩ đâu có buồn dữ vậy.

Dì Sáu Thu Lý ngồi ở đó tới chạng vạng, không nói thêm gì nữa, chỉ đau đáu ngắm cậu Tư, lòng tràn đầy thương yêu. Lúc về, dì mới lại gần, dạn dĩ gở cây mác vót trong tay cậu ra, nắm ngay lấy bàn tay nóng rực ấy, định cười, nhưng nhớ mấy cái răng cửa vừa nhổ nên thôi. Rồi dì bảo, ‘Mai mốt chế Ba về, anh Tư à. Thiệt, mai mốt này...’

Khi qua cửa dì Út Thu Lý mới hay, con mắt rửa bằng khói đã nhoè nước.

Rồi những cơn gió tháng bảy đưa tin vui đến từng mái nhà trong xóm Rạch Chùa, người ta bần thần, vậy a ? xa xứ biết bao lâu rồi, trôi dạt tận nước ngoài, cuối cùng, người con gái đó cũng về thăm lại xóm Rạch. Cậu Tư cuống quýt hỏi thằng Lụm, có đúng cổ không, mậy ? Đúng hả, về rồi hả, về một mình hả ? Vậy a ? Trời ơi! Gió thổi bời bời vào căn chòi của cậu Tư Nhớ, thốc cuộn những tàn tro xát vào những vết cắt trong lòng .

Dì Thu Lý chỉ còn làm được một chút đó cho Tư Nhớ để trả cho cậu món nợ nhà dì đã vay, để cậu gặp lại người xưa nhưng cậu đã phụ lòng, khi dì Ba Thu Lê về, tận mặt nhau, cậu lắc đầu, cười, khẳng khái "Em Lê đâu có già, đâu có mập ú ù u như vầy". Cả ba người quay lưng lại với nhau, bưng mặt khóc, thương cho tuổi thanh xuân đã qua mất rồi.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Sau "Nửa đời ngơ ngác", lại thêm  một "Chiều vắng" quá hay của Nguyễn Ngọc Tư làm nhói lòng người đọc. Sau mỗi lời kể chuyện tưởng như thản nhiên của tác giả là cả một nỗi đời đau đớn. Yêu thương và đau khổ, vay và trả trong câu chuyện đều ở mức tận cùng. Câu chuyện kết thúc mà người đọc còn ngẩn ngơ, buồn thấm vào lòng.

Cảm ơn tác giả. Cảm ơn anh Vodanhthi rất nhiều.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

ĐÊM NOEL



       Truyện ngắn của WOLFGANG BORCHERT   
                                  
Anh mò mẫm qua khu ngoại ô tối tăm. Những ngôi nhà đổ nát đứng vói lên trời. Trời vắng trăng và đá lát đường rờn rợn tiếng chân khuya. Rồi anh tìm thấy một tấm ván ghép cũ. Anh lấy chân đạp cho tới khi một thanh gỗ mục bật lên tiếng thở dài và long ra. Mùi gỗ mủn và ngọt. Anh mò mẫm trở lại qua khu ngoại ô tối tăm. Trời vắng sao.

Khi anh mở cửa, chiếc cửa khóc và vợ anh hướng cặp mắt xanh nhợt nhạt về phía anh. Đôi mắt của một gương mặt mệt mỏi. Hơi thở của chị treo lơ lửng trong căn phòng. Trời lạnh thế đấy. Anh gập chiếc đầu gối xương xẩu và bẻ thanh gỗ. Thanh gỗ thở dài. Rồi nó toả xung quanh mùi gỗ mủn và ngòn ngọt. Anh đưa một mẩu gỗ lên mũi. Gần như mùi bánh ngọt. Anh cười khẽ. Đừng, đôi mắt của chị vợ bảo. Đừng cười. Nó ngủ.

Người đàn ông đút miếng gỗ ngọt mủn vào chiếc bếp lò nhỏ bằng sắt tây. Lửa bén lên và hắt qua căn phòng một chút ánh sáng ấm áp. Nó rọi sáng lên một khuôn mặt tròn nhỏ xíu và đọng lại đó một lát. Khuôn mặt ấy mới ra đời được gần một giờ, nhưng nó đã có tất cả những gì thuộc về nó : đôi tai, cái mũi, cái miệng và cặp mắt. Cặp mắt chắc là phải to. Có thể thấy được điều đó mặc dù chúng đang nhắm lại. Nhưng cái miệng thì mở và từ đó phát ra hơi thở nhè nhẹ. Cái mũi và hai cái tai đỏ ửng. Nó sống, người mẹ nghĩ. Và khuôn mặt nhỏ đang ngủ.

Còn yến mạch cán đây, anh chồng bảo. Vâng, vậy là tốt, chị vợ đáp. Anh chồng lấy thêm chút gỗ ngọt và mềm. Bây giờ cô ấy đã đẻ con và phải chịu rét, anh nghĩ. Nhưng anh không có ai để vì thế mà có thể giáng cho hắn những quả đấm vào mặt. Lúc anh mở cửa bếp lò, một chút ánh sáng lại hắt lên gương mặt đang ngủ. Chị vợ bảo khẽ: "Anh trông này, như một vầng hào quang, anh thấy không?" Vầng hào quang! Anh nghĩ và anh không có ai để có thể giáng cho hắn những quả đấm vào mặt.

Sau đó có mấy người đến bên cửa. Chúng tôi thấy cửa sổ có ánh sáng, họ bảo vậy. Chúng tôi muốn ngồi nhờ mươi phút. Nhưng chúng tôi có một cháu nhỏ, người chồng bảo. Họ không nói gì nhưng vẫn vào trong phòng, đùn ra từ những chiếc mũi làn sương mù. Chúng tôi rất khẽ thôi, họ thì thào và nhấc cao chân. trong ba bộ quân phục cũ. Một người có chiếc hộp các tông, một người có chiếc tay nải, và người thứ ba không có tay. Rét rụng mất rồi, anh ta bảo vậy và giơ những đầu xương cụt lên. Sau đó anh ta xoay chiếc áo bành tô về phía người chồng. Trong ấy có thuốc lá và giấy mỏng. Họ cuốn thuốc. Nhưng người đàn bà bảo: Đừng, đứa bé.

Thế là bốn người đi ra trước cửa và những điếu thuốc của họ là bốn cái chấm trong đêm. Một người có đôi bàn chân quấn sưng vù. Anh ta lấy từ trong tay nải một mẩu gỗ. Một con lừa, anh ta bảo. Tôi đã tạc nó mất bảy tháng. cho cháu bé. Anh ta nói vậy và đưa cho người chồng. Chân làm sao thế? Người chồng hỏi và mân mê con lừa trong bóng tối. Người thứ ba run rẩy trong bộ quân phục của anh ta: Ồ, chẳng có gì , anh ta thì thầm, chỉ tại thần kinh thôi. Sợ quá ấy mà. Sau đó họ dập tắt những điếu thuốc và đi trở vào. Họ nhấc cao chân và nhìn lên gương mặt nhỏ đang ngủ.

Người run rấy lấy ra từ chiếc hộp các tông của anh ta hai cái kẹo màu vàng và bảo: Biếu chị cái này.

Người đàn bà mở to đôi mắt nhợt nhạt khi thấy ba người tối sẫm cúi xuống đứa bé. Chị sợ. Nhưng vừa lúc ấy đứa bé thúc chân vào ngực chị và khóc toáng lên đến nỗi ba người tối sẫm nhấc cao chân lui ra. Tới cửa , họ gật đầu một lần nữa rồi biến vào bóng đêm.

Người chồng nhìn theo họ. Những vị thánh độc đáo, anh bảo vợ. Rồi anh đóng cửa lại. Những vị thánh tuyệt vời, anh lẩm bẩm và tìm chỗ yến mạch cán. Nhưng anh chẳng có cái mặt nào cho những nắm đấm của mình. Nhưng mà thằng bé đã khóc đấy, chị vợ thì thào, nó khóc to thế. Vậy là họ đi rồi. Anh coi này, nó sinh động quá, chị tự hào nói. Khuôn mặt ngoạc cái miệng ra và khóc ré lên.

Nó khóc hả? Người chồng hỏi
Không, em nghĩ là nó cười, người vợ đáp.
Y như bánh ấy, người chồng nói và ngủi mảnh gỗ. Như bánh ấy. ngọt thật. Ừ , mà hôm nay cũng là đêm Noel, người vợ bảo. Ừ nhỉ. Noel, anh lẩm bẩm và từ bếp lò một chút ánh sáng rọi lên khuôn mặt nhỏ đang ngủ.


Nguyễn Quang Thọ dịch từ nguyên bản tiếng Đức
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Phượng Hoàng Lửa đã viết:
- Chắc thế. Nhưng anh ta không sòng phẳng. Em đã từng phát điên lên vì hàng tá các chàng nghèo. Nhưng em đã không nghĩ anh ta nghèo, mà tình cảm của em thì không đủ mạnh để vượt qua cơn sốc. Cứ như một cô gái bình thản báo cho vị hôn phu rằng mình là một bà goá. Có thể là…
         - Nhưng chúng ta hãy mỏ đầu sòng phẳng với nhau xem nào.- nàng tự ngắt lời đột ngột – Anh là ai?
         Dexter ngập ngừng một lát ,rồi anh nói :       
- Anh chẳng là ai cả. Sự nghiệp của anh còn là vấn đề thuộc về tương lai
- Anh có nghèo không ?
- Không, anh thẳng thắn. Có lẽ anh đang kiếm nhiều tiền hơn bất kỳ của
ai ở tuổi anh vùng Tây Bắc này . Anh biết đó là một câu không hay, nhưng em bảo ta nên sòng phẳng.
Ngưng lặng. Rồi nàng mỉm cười và khoé môi nàng nhành xuống. Một
vòng xoay người kỳ lạ đưa nàng sát bên anh, ngước nhìn vào mắt anh. Rồi anh thấy – nàng truyền niềm phấn kích sang anh , ngập tràn, sâu đậm, với những nụ hôn không phải là một lời hứa hẹn mà là một sự vẹn tròn, những nụ hôn như sự ban phát, không giữ lại gì và chỉ khiến người kia muốn nữa.
         Anh cũng không phải mất nhiều thời gian để khẳng định rằng mình đã có muốn Judy Jones từ khi còn là một thằng bé kiêu hãnh, đầy ước vọng.
          Và cứ như thế, Dexter chết một phần con người mình cho nhân cách bộc trực, vô nguyên tắc nhất mà anh từng gặp. Hễ muốn gì là Judy Jones theo đuổi với toàn bộ sức mạnh của sự quyến rũ của mình. Nhưng không hề có khía cạnh tính toán của lý trí trong  việc đó. Nàng chỉ buộc đàn ông phải biết với mức độ cao nhất vẻ đẹp thân xác của mình. Dextess không hề có ý định sửa đổi nàng. Nhưng khiếm khuyết của nàng hoà quyện với một sức sống nồng nàn và nhờ thế được khoả lấp.
        Trước khi mùa hè kết thúc, anh khám phá ra rằng mình chỉ là một trong cả tá đàn ông vây quanh nàng. Mỗi người đều đã có thời được sủng ái hơn những người kia. Khi có ai tỏ dấu hiệu lảng đi vì không được ngó ngàng tới, nàng liền thưởng cho anh ta một giờ trăng mật ngắn ngủi, và thế là anh ta lại bám theo. Nàng làm thế không hề tà tâm, thực sự chỉ mơ hồ nhận thức rằng có sự láu lỉnh nào đó trong những gì mình làm.
        Nhưng không thể cố làm gì để sửa đổi điều đó, vì nàng là người không thể “chiếm “ được -  không có sự khôn ngoan nào, không có sự quyến rũ nào có thể chạm tới nàng : nếu hai thứ đó tấn công nàng quá mạnh thì nàng sẽ giải quyết bằng cách quy về cơ sở thân xác và dưới sự bùa phép của sự lộng lẫy của nàng, người ta chỉ biết chơi trò của nàng chứ không phải của họ.
       Sau niềm ngây ngất đầu tiên của Dextes là sự bồn chồn và thất vọng. Khi họ mới quen nhau, dường như giũa họ có một sự cuốn hút lẫn nhau sâu sắc và đồng thời. Ba ngày đấu tiên ấy là những chiều dài ở hiên nhà nàng, những nụ hôn nhợt nhạt đến lạ lùng, những buổi sáng nàng tinh khôi như mộng…Chính đấy là lúc anh lần đầu tiên ngỏ lời cầu hôn. Nàng nói :”Có lẽ một ngày nào đó”, nàng nói : “ hôn em đi”, nàng nói :”em yêu anh”, nàng nói – không nói gì cả.
       Ba ngày ấy bị cắt đứt bởi một tay từ New York tới. Trong cơn quay quắt của Dextes, lời đồn đại đã đính hôn họ. Nhưng cuối tháng người ta đã bảo rằng Judy đang ngáp dài, và thế là hai ngày sau, tay New York kia biến mất.
       Mùa hè kết thúc. Dextes càng ngày càng có thể làm theo ý muốn của mình. Anh luôn tìm cách có mặt ở những cuộc khiêu vũ mà Judy có thể sẽ tới. Hiện giờ anh đang tính chuyện sang New York. Anh muốn đem Judy đi cùng. Không có sự vỡ mộng nào đối với thế giới của nàng có thể chữa lành cho ảo vọng của anh đối với nàng. Hãy nhớ điều đó – vì chỉ có nhờ đó mà ta mới hiểu được những gì anh làm cho nàng.
       Mười tám tháng sau khi gặp Judy lần đầu tiên thì anh đính hôn với một cô gái khác Irene Scheerer, Irene là một cô gái dịu dàng, đáng trọng và hơi mập.
       Đã một mùa hè nữa, một mùa thu nữa - ngần ấy thời gian anh đã giành cho đôi môi không thể nào khác đi được của Judy Jones. Nàng đã cho anh lòng quan tâm, sự khuyến khích, sự tàn nhẫn, vẻ thờ ơ và lòng khinh bỉ. Nàng đã gọi anh tới rồi lại chán anh và rồi lại gọi anh tới, và anh đã trả lời nàng với niềm cay đắng và khinh bỉ. Nàng đã cho anh hạnh phúc ngất ngây và cả cơn đau đớn tinh thần không thể tha thứ. Nàng đã lăng nhục anh, xử tệ với anh, nàng đã làm mối quan tâm của anh đối với nàng chống lại mối quan tâm của anh đối với công việc - chỉ để đùa vui mà thôi.
      Khi mùa thu tới và đi, anh chợt hiểu rằng mình sẽ chẳng thể nào có được Judy Jones. Anh phải cố nghĩ như thế và cuối cùng đã tin như thế. Anh thức trắng tự tranh cãi với  chính mình. Anh tự bảo mình nhớ những rắc rối , những đau khổ nàng gây cho anh, anh đếm những khiếm khuyết sờ sờ của nàng khi làm vợ. Rồi anh tự bảo mình rằng anh yêu nàng, và sau một lúc, anh ngủ thiếp đi.
       Cuối tuần anh đi nhảy và gặp nàng. Lần đầu tiên kể từ khi gặp nhau, anh không đề nghị nàng ngồi với anh và bảo rằng nàng dẽ thương. Anh bị xúc phạm vì nàng không nhớ gì những thứ âý - chỉ thế mà thôi. Anh cũng chẳng thấy ghen khi nàng có người mới. Anh đã chai sạn từ lâu rồi.
       Anh ngồi với Irene và nói chuyện về âm nhạc và sách vỏ. Dexter Green, con người trẻ tuổi thành đạt rực rỡ, phải biết những thứ đó.
       Đấy là tháng mười. Tháng giêng họ sẽ đính hôn và tháng sáu sẽ tuyên bố. Ba tháng sau sẽ là đám cưới.
       Mùa đông kéo dài lê thê và bây giờ đã là tháng năm. Lần đầu tiên trong vòng một năm anh thấy lòng mình thanh thản. Judy jones đang ở Florida, nghe nói ở đâu đó nàng đã đính hôn, và rồi ở đâu đó nàng đã khước từ.
       Dexter tự hỏi sao mới đó mà tất cả niềm ngất say đã biến khỏi anh. Tháng năm trước đã được đánh dấu bằng sự khấy động rối bời không thể tha thứ của Judy. Đồng xu hạnh phúc xưa cũ ấy anh đã dùng để mua thúng hài lòng hôm nay. Anh biết rằng Irene sẽ chỉ là một tấm rèm treo sau lưng anh, một giọng nói sẽ gọi bảo lũ con mà thôi. Yêu thương đã mất, ngọn lửa xưa đã tắt, những đêm huyền mầu nhiệm, những phút giây diệu kỳ, những mùa nối tiếp qua đi…đôi môi thon, nhành xuống, buông vào môi anh và đưa anh lên thiên đường của đôi mắt…Tất cả còn sâu đậm trong anh. Đối với chúng, anh còn quá nặng lòng, quá sống với chúng, nên chúng không thể chết dù chỉ một phần nhỏ.
     Chỉ còn một tuần nữa là họ tuyên bố lễ đính hôn. Tối hôm đó anh tới nhà Irene nhưng nàng bị đau đầu nên anh quay trở về Câu lạc bộ đại học, nơi anh ở, anh đứng nhìn các đôi nhảy và ngáp.
- Chào anh yêu!
Giọng nói quen thuộc từ đằng sau khiến anh giật mình. Judy Jones đã rời một người đàn ông đến bên anh – Judy Jones, một con búp bê dát vàng mảnh dẻ; vàng trên dải băng quanh đầu, vàng trên đường viền tà áo . Ánh ngời dễ vỡ trên gương mặt nàng dường như bừng nở khi nàng cười với anh. Một làn ấm áp và lung linh thổi qua căn phòng. Anh tràn ngập một niềm phấn khởi đột ngột.
- Em về khi nào vậy? Anh hỏi giọng bình thường.
Lại đây em sẽ nói.
Nàng quay đi và anh theo nàng. Nàng đã đi rất xa. Tắt cả những sự kiện
bí ẩn , tất cả những hy vọng mới mẻ và vội vã đi theo cùng nàng giờ đây trở về cùng nàng.
- Anh có xe không? Nếu anh không có thì em có.
- Anh có một chiếc hai chỗ ngồi.
Nàng bước lên xe, với một tiếng sột soạt của quần áo vàng. Nàng đã
bước lên  không biết bao nhiêu xe, như thế này, như thế kia.
     Anh cố buộc mình khởi động xe và lái ra phố. Chẳng có gì đặc biệt cả đâu, anh phải nhớ điều đó. Trước kia nàng đã làm thế và anh đã bỏ nàng lại sau lưng, như bỏ đi một con tính sai trong cuốn sổ kinh doanh của mình.
     Anh lái chầm chậm. Nàng quan sát anh thật kỹ, và sự im lặng thật bối rối , song anh không tìm được câu nói bình thường nào để biến giây phút này trở thành trần tục.
- Anh có nhớ em không? Đột nhiên nàng hỏi.
- Mọi người đều nhớ em.
Anh tự hỏi không biết nàng đã hay gì về Irene chưa.
- ÔI chao là nói! Nàng cười buồn, không buồn chút nào.
- Anh đẹp trai hơn hồi trước – Nàng đăm chiêu nói – Dexter, anh có đôi mắt đáng nhớ nhất đấy.
Lẽ ra anh có thể cười vào câu nói đó, nhưng anh không cười.
- Em chán mọi thứ, anh yêu ạ - Ai nàng cũng có thể gọi là “anh yêu”, thả vào hai tiếng đó  một sự thật tình bất cẩn – Em ước gì anh cưới em.
Sự bộc trực đó làm anh hoang mang. Lẽ ra anh nên báo cho nàng biết rằng anh sắp cưới một cô gái khác.
- Em nghĩ rằng chúng mình hợp nhau, - nàng tiếp, vẫn với giọng như trước ,- trừ phi anh đã quên em và yêu người khác.
Tính tự tin ở nàng quả là ghê gớm.
- Dĩ nhiên anh không thể yêu ai khác ngoài em, - nàng tiếp – em thích cái cách anh yêu em. Ôi Dexter, anh có nhớ năm ngoái không?
- Anh chưa quên.
- Em cũng thế!
Liệu nàng có thực sự xúc động hay không?
- Em ước gì mình lại như thế.
- Anh không nghĩ rằng chúng ta lại có thể như thế nữa.
- Em cũng cho là không…Nghe nói  anh đang làm Irene scheerer phát cuồng lên thì phải.
Không hề có chút nhấn mạnh nào đối với tên cô gái, nhưng đột nhiên, Dextes thấy xấu hổ.
- Ôi , đưa em về thôi. – Judy chợt kêu lên, - Em không muốn quay lại sàn nhảy đó, toàn trẻ con.
Rồi Judy bắt đầu khóc lặng  một mình. Anh chưa bao giờ thấy nàng khóc.
Anh dừng xe trước ngôi nhà trắng đồ sộ đẫm ánh trăng ướt. Bức tường to lớn thật tương phản với cái đẹp bên cạnh anh. Anh ngồi thật yên, sợ rằng nếu động đậy một chút thôi thì sẽ thấy nàng nằm không thể cưỡng lại được trong vòng tay mình. Hai giọt lệ đã lăn xuống gương mặt nàng  và run rẩy nơi môi trên của nàng.
- Em đẹp hơn bất cứ ai,- nàng nói giọng tan nát - tại sao em không thể hạnh phúc?
Đôi mắt đẫm nước mắt của nàng xoáy vào sự bền vững của anh, miệng nàng chầm chậm kéo xuống với nét buồn thanh tú: - Em muốn được lấy anh nếu anh lấy em, Dextes ạ. Có lẽ anh cho rằng em không đáng lấy, nhưng Dextes, em đối với anh đẹp biết mấy.
      Một nghìn câu giận dữ, kiêu hãnh, đam mê, căm ghét, ngọt ngào đấu tranh trên môi anh. Rồi một làn sóng mãnh liệt quét qua người anh, mang đi bao nhiêu khôn ngoan, dự định, ngờ vực và kính trọng của anh. Đấy là người con gái của anh, của rieng anh, cái đẹp của anh, lòng kiêu hãnh của anh.
- Anh vào nhà chứ ?- Anh nghe nàng nói, rút một hơi thở.
Đợi chờ.
Và cuối cùng :
- Anh sẽ vào.

                          *

Mười năm sau nhìn lại, việc Judy bỏ anh một tháng sau đó cũng không còn quan trọng mấy nữa. Cũng không quan trọng việc anh, vì sự đầu hàng của mình, đã tự rước lấy một cơn đau đớn quằn quại hơn và gây cho Irene Scheerer một sự xúc phạm trầm trọng.
Cũng không phải vì anh không có sức mạnh đủ để giũ lấy Judy Jones mà anh đâm ra có tà ý gì với nàng. Anh yêu nàng, và anh sẽ còn yêu nàng cho đến ngày quá già không còn yêu thương trong lòng nữa – nhưng anh không thể có nàng. Vì thế anh nếm trải nỗi đau sâu sắc chỉ dành cho những người mạnh. Cũng như anh đã nếm trãi niềm hạnh phúc sâu đậm trong một khoảng ngắn ngủi.
                                   *
Bảy năm sau , xảy ra một chuyện. khi ấy anh đang ở New York, và đã rất thành đạt. Anh đã ba mươi hai và đã bảy năm không trở lại miền Tây. Rồi tình cờ anh gặp một người cùng quê, và rồi cũng tình cờ anh ta nhắc đến tên vợ của bạn mình:
-…Judy Simmus, trước kia là Judy Jones.
- Có tôi có biết cô ấy.- Một sự nôn nóng uể oải lướt qua. Dĩ nhiên là anh có nghe nói nàng đã lấy chồng.
- Một cô gái thật tốt,- người kia nói bâng quơ - thực ra tôi cũng thấy tội nghiệp cho cô ta.
- Sao kia? Ngay lập tức trong Dextes dậy lên một cái gì.
- À, anh chồng cô ta nhiện ruợư và nay chỗ này mai chỗ nọ…
- Thế cô ấy thì không à?
- Không , ở nhà với con.
- Ôi.
- Cô ta già quá so với chồng.
- Già quá! – Dextes kêu lên – này, nhưng cô ấy mới có hăm bảy thôi mà.
- Thì anh chồng  xử tệ với cô ta quá. Nhưng họ sẽ không ly dị nhau đâu. Khi nào anh ta quá đáng cô ta cũng tha thứ hết. Thực ra tôi nghĩ cô ta yêu anh ta thật. Hồi mới lấy chồng cô ta cũng khá xinh.
Khá xinh! Nghe thật kỳ cục đối với Dextes.
- Thế cô ấy còn… xinh nữa không?
- Ồ , cũng không sao.
- Này, - Dextes nói – tôi không hiểu. Judy Jones không phải là một cô gái khá xinh đâu. Cô ấy đẹp cực kỳ kia. Tôi biết cô ấy, tôi biết cô ấy. Cô ấy đã là…
Người kia cười xoà:
- Tôi không có ý định cãi nhau với anh. Tôi chỉ cho rằng Judy là một cô gái tốt - Rồi anh ta thêm:- Đàn bà đều thế cả.
Dextes nhìn kỹ anh ta, nghĩ rất lung.
- Đàn bà nhiều người cũng phải tàn đi như thế.- Anh ta búng tay đến toách - Hẳn anh cũng phải thấy chuyện đó xảy ra chứ.
Một thứ chán nản xâm chiếm Dextes. Lần đáu tiên trong đời anh cảm thấy như rất say, chếnh choáng.
Khi người kia về rồi, anh nằm dài trên ghế băng nhìn bầu trời New York qua cửa sổ . Mặt trời đang lặn trong ánh vàng đỏ ối, dễ thương
Anh đã tưởng rằng nếu không có gì để mất thì không có gì có thể làm thương tổn anh được, nhưng anh đã mới mất một thứ, cũng bằng như anh đã cưới Judy Jones và thấy nàng tàn phai đi trước mắt mình.
Giấc mơ đã mất. Một cái gì đã bị tước mất khỏi anh. Trong cơn cuồng loạn sợ hãi, anh lấy tay che mắt và cố hình dung tiếng nước vỗ ở hồ, ánh trăng dưới hiên, chiếc áo xanh trên sân golf, mặt trời khô hanh và ánh vàng rực rỡ của cổ áo nàng. Và đôi môi nàng ướt đẫm những nụ hôn của anh và đôi mắt nàng chất chứa nỗi u hoài. Ôi vậy mà những thứ đó đã không còn trên đời này nữa!
Lần đầu tiên trong nhiều năm, nước mắt chảy giàn giụa trên mặt anh. Nhưng đấy là anh khóc cho mình. Anh không nghĩ tới mắt, miệng và tay nữa. Anh muốn yêu nhưng anh không thể yêu. Bởi anh đã đi qua và không còn có thể quay lại. Cánh cửa đã đóng, mặt trời đã lặn, và không còn cái đẹp nữa trừ cái đẹp màu xám của thép có thể chịu đựng mọi thời gian. Ngay cả nỗi khổ đau anh đã phải đeo mang cũng bị bỏ lại trong cõi ảo vọng, trong tuổi trẻ, trong sự sung túc của cuộc đời, nơi giấc mơ mùa đông của anh bừng nở.
- Ngày xưa, anh nói, ngày xưa rất xưa, trong ta còn có một cái gì, nhưng giờ đây cái đó đã mất. Ta không thể khóc. Ta không thể yêu. Cái đó sẽ không bao giờ trở lại nữa.
                                                 Nguyễn Thị Hạnh
(Lược dịch từ Winter Dreams, rút trong tập”All the sad young men”, 1922
Một câu chuyện rất sâu sắc về sắc đẹp và phẩm hạnh phụ nữ, về tình yêu và lòng dũng  cảm chấp nhận của đàn ông. Chỉ tiếc nó được viết đã lâu quá, gần 100 năm rồi.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bài hát Giáng sinh cho một người

* NGUYỄN ANH DÂN (Huế)



Lúc gặp lại nàng, tôi đang ngồi nhìn những bông tuyết nhẹ rơi phía ngoài khung cửa kính và nghĩ vẩn vơ. Giáng sinh này Tokyo không lạnh như năm ngoái nhưng cũng đủ để một người nơi đất khách như tôi cảm thấy chạnh lòng. Hồi còn ở Huế, mỗi đêm Noel tôi đều lang thang khắp thành phố, qua khu Chợ Dinh rồi lên Phủ Cam, cứ vậy hết đêm mới về nhà.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=470974
Minh họa: Duy Nguyên




Tôi đặt cuốn sách đang đọc dở xuống bàn. Nhạc cũng vừa chuyển sang bản concerto cung mi trưởng dành cho violon của Bach do Hilary Hahn độc tấu. Tôi không rành về nhạc cổ điển nhưng vẫn thích ngồi quán này mỗi đêm Giáng sinh. Không biết ở khu Shinjiku này có bao nhiêu quán cà phê không mở nhạc thánh ca khi Giáng sinh đến nhưng đây là một trong số đó.

Tôi nhìn sang phía bên kia đường. Bưu điện Shinjikusan dường như không nhộn nhịp như ngày thường vì vào giờ này hầu hết mọi người đang chuẩn bị quây quần bên gia đình. Bên ngoài trời khá lạnh. Tôi cảm nhận được điều ấy qua những làn hơi mọi người phả ra khi hối hả đi trên đường. Tôi ngại nhập vào dòng người ào ạt đó nên tự tìm cho mình một chỗ để tận hưởng không khí đêm lễ thánh theo cách của mình, với cà phê, sách và âm nhạc.

Nàng xuất hiện khi tôi đang nghĩ nếu ở Việt Nam thì giờ này mình đang làm gì nhỉ? Sự xuất hiện cứ như là đã an bài từ lâu lắm rồi. Tôi hết sức điềm tĩnh. Còn nàng cũng không bấn loạn vì nàng là người chủ động đến bàn tôi với lời đề nghị nhã nhặn: "Xin lỗi, em có thể ngồi đây chứ?". Đã lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe một chất giọng Việt ấm áp và ngọt ngào đến vậy. Nếu ai đã từng xa xứ như tôi chắc cảm giác được sự thân thương như thế nào khi nghe giọng dân tộc mình ở chốn tha hương.

Tôi ngước nhìn lên. Để rồi khựng lại. Tôi cười với một câu trả lời tự nhiên hơn cả thời tiết: "Vâng, mời cô bé tóc bím ngồi". Thú thực là đến tận lúc này, bốn năm trôi qua rồi, tôi vẫn chưa biết tên nàng là gì. Chúng tôi chỉ mới gặp nhau một lần duy nhất. Nhưng một lần cũng đủ day dứt để bây giờ có thể nhận ra nhau...

oOo



Đêm đó, tôi đi bộ qua dốc nhà thờ Phủ Cam, về phía đường Nguyễn Trường Tộ. Trời thật lạnh. Tôi kéo nhẹ áo khoác, hà hơi vào đôi tay đã cóng. Cái hộp đàn guitar phía sau lưng cứ phát ra tiếng kêu "xoẹt xoẹt" khe khẽ theo mỗi bước chân tôi. Con đường có vẻ hiu hắt hơn dưới ánh đèn vàng vọt. Hàng phượng hai bên in xuống mặt đường những đường vân loang lổ. Tôi bước chậm, thỉnh thoảng ném vào thinh không một vài câu hát không tên. Rồi tôi ngừng hát...

Nàng đứng bên kia con đường không rộng lắm. Tóc bím (hình như bây giờ không nhiều cô gái còn để tóc như vậy), quấn khăn màu hồng nhạt bên ngoài chiếc áo khoác màu đen dài quá gối. Nàng không biết tôi nhìn mình, có lẽ thế. Tôi cứ đứng như vậy một lúc. Người đi chơi lễ cũng đang dần về. Thỉnh thoảng có vài người liếc nhìn. Buồn cười thật, chắc sẽ có người nghĩ rằng chúng tôi là một cặp yêu đương đang hờn dỗi... Hình như nàng khóc. Rất có thể, vì đúng là lấy tay lau mắt. Một cô gái khóc trong đêm Giáng sinh à? Chắc lại buồn bã chuyện hẹn hò? Tôi cũng không biết nữa... Tôi mạnh dạn băng qua đường... Cô gái tóc bím nhận thấy tôi, đôi mắt không chút sợ hãi, vẫn long lanh vì bàn tay chưa quệt hết nước mắt.

"Tôi... Tôi chỉ tình cờ đi ngang qua... thấy bạn...". Tôi bắt đầu giải thích với nàng một cách vụng về. Cô gái tóc bím đưa tay lên lau mắt một cách dứt khoát, rồi cười ngượng nghịu. Tôi dám chắc là chưa bao giờ tôi thấy một nụ cười dễ thương đến vậy, nó thánh thiện chi lạ! "Cảm ơn bạn... dù chỉ là ngang qua".

Nàng nói chậm rãi như rót vào tai tôi những thanh âm tuyệt vời, lạ kỳ. "Hình như bạn có chuyện buồn? Tôi có thể giúp gì không?". Tôi dè dặt hỏi. "Không. Mình không sao. Cảm ơn bạn". "Tôi đưa bạn về nhé?". Nàng lắc đầu. "Mình đứng đây với bạn nhé?". Nàng vẫn lắc đầu. Tôi không biết phải làm thế nào. "Vậy tôi về nhé. Chào bạn...". Tôi đành lòng phải nói thế chứ biết làm sao bây giờ, kiểu gì thì cũng vô duyên. Nhưng thực là ra về chẳng nỡ. Đúng lúc tôi định bước đi thì cô bé cất tiếng nói với theo...

oOo



Câu hỏi của tóc bím làm tôi sực tỉnh. "Hả? Tóc Bím hỏi gì tôi nhỉ?". "Ủa? Em có tên tóc bím hả? Cái tên ngộ quá ta!". "Ờ, tại từ hồi đó đến giờ vẫn... chưa biết tên". "Em tên Pha Lê”. Kèm theo câu trả lời là một nụ cười không thể đẹp hơn. Pha Lê - cái tên gợi lên sự mỏng manh, dễ vỡ nhưng nó lại rất hợp với những bông tuyết đang rơi đầy trời Shinjiku ngoài kia. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ Tóc Bím, à mà không, Pha Lê chứ, như một thiên thần từ xứ sở thần tiên nào đó giáng trần. Có cái gì đó tinh khôi và thánh thiện trong nụ cười, trong con người ấy. Bốn năm rồi mà trong tôi vẫn nguyên ký ức của ngày nào...

oOo



"Nhưng... bạn có thể hát cho mình nghe được không". Cô gái nói với theo khi tôi vừa quay lưng. Tôi nhìn nàng. "Hát à?". Tóc Bím chỉ vào cây đàn guitar tôi đang mang sau lưng. Lũ bạn vẫn bảo tôi khùng, đi đâu cũng mang theo nó, dù chỉ là để một lúc nào đó nghêu ngao đôi ba câu. Giờ thì tôi thấy nó cực kỳ hữu dụng rồi đây.

Chúng tôi ngồi xuống ngay vỉa hè, dưới những tán phượng loang lổ, dưới ánh đèn đường vàng vọt. Dưới đường là những bước chân, là người xe xuôi ngược đi về. Tôi hỏi Tóc Bím thích nghe bài gì. Cô bé trả lời bài gì cũng được. Tôi chậm rãi lướt phím đàn, nhẹ nhàng như những cơn gió thoảng qua. Nhẹ nhàng nhưng lay động. Tôi cảm nhận được hơi thở của mùa trong từng đầu ngón tay.

Và mơ hồ cảm nhận được cả nỗi buồn của cô gái trong cách mà Tóc Bím ngồi nghe tôi hát - dẫu tôi hát chẳng hay là mấy. Cô gái đề nghị tôi hát lại bài ấy đến lần thứ bảy. Càng hát tôi càng cảm thấy buồn chi lạ, cứ như thể tôi đang thở chung nhịp thở, buồn chung nỗi buồn với người con gái bên cạnh. Dù là mơ hồ, rất mơ hồ, nhưng trong tôi dấy lên một cảm xúc khó tả. Nó đã đặc quánh theo từng hợp âm trong bài ca giáng sinh tôi hát...

Tôi đi bộ cùng Tóc Bím về nhà. Đó là một ngôi nhà kiểu Pháp có vườn và những cây long não đằng trước. Một người phụ nữ trung niên mở cửa cho cô gái. Có lẽ là mẹ nàng. Tôi cúi chào và đứng nhìn cả hai khuất sau những tấm rèm vàng lên dưới ánh đèn. Một ngôi nhà lạnh lẽo, không hiểu sao tôi lại nghĩ vậy. Tôi đứng tựa lưng vào gốc một cây long não và mải miết nghĩ lại chuyện vừa qua. Cứ như thể một cơn mơ. Thực lòng cứ thấy chơi vơi thế nào ấy. Ngay cả chuyện tôi hát đi hát lại bảy lần một bài hát cũng có vẻ gì đó khôi hài!

Nhưng hình như là mơ thật, vì đã bao lần, dù cố tình hay vô tình đi ngang qua ngôi nhà ấy tôi vẫn chưa thấy lại bóng dáng cô gái hôm nào. Có lẽ tôi bị ảo giác, bị mê lú bởi một vẻ đẹp tưởng tượng. Nhưng dù sao đi chăng nữa đó cũng là vẻ đẹp đã ám ảnh tôi mãi.

oOo



"Đúng là trái đất tròn... Không ngờ lại được gặp anh ở đây". "Ừ, đúng là kỳ lạ thật". "Mà em vẫn chưa biết tên anh đấy. Buồn cười nhỉ?". Hai chúng tôi cười. Gặp nhau một lần rồi thôi. Bốn năm sau hội ngộ ở một chốn xa lạ, thế mà vẫn nhận ra nhau, giữa nàng và tôi chắc cũng có một chữ "duyên". Tôi nhấp thêm một hớp cà phê, những ngón tay miết miết xuống bìa cuốn sách đang để ngay ngắn trên bàn.

"Cho tôi hỏi một câu nhé?". Tóc Bím gật đầu. "Tại sao hồi đó Pha Lê lại khóc?". Cô ấy im lặng một lúc: "Đó là một câu chuyện dài"...

Pha Lê kể tôi nghe câu chuyện về ba mẹ mình. Nơi tôi gặp Pha Lê hôm ấy chính là nơi ba mẹ cô bị tai nạn qua đời hồi Giáng sinh ba năm trước. Vậy nên, cứ mỗi đêm Giáng sinh cô lại đến đó. Sau tai nạn, Pha Lê sống với o ruột trong ngôi nhà có nhiều cây long não ấy. Tôi không gặp lại Tóc Bím cũng đúng thôi, vì sau hôm đó Tóc Bím qua Nhật bằng một học bổng toàn phần cô giành được của một trường đại học danh tiếng của Nhật Bản.

"Từ khi sang đây em rất buồn vì mỗi đêm Giáng sinh em không thể đến thăm ba mẹ được". Đôi mắt Pha Lê long lanh khi dứt câu nói. Tôi không biết nên nói thế nào, chẳng lẽ lại nói với Tóc Bím rằng trong hai đêm Giáng sinh tiếp theo tôi đều quay lại con đường Nguyễn Trường Tộ để mong gặp lại Tóc Bím... Nhưng dù nói hay không, tôi vẫn biết một cách chắc chắn rằng tôi luôn mong chờ sự gặp lại.

oOo



Pha Lê hỏi tôi khi nhạc chuyển sang một bản concerto khác của Bach, lần này là một khúc tam tấu violon. "Này anh, mình đi dạo nhé?". "Đó là lời đề nghị ấm áp nhất đêm nay", tôi nói. "Và... anh lại hát cho em nghe nhé?". Tôi nhìn cô ấy. Tóc Bím cười. Dường như không phải chúng tôi đang ở giữa Shinjiku mà đang ở con đường Nguyễn Trường Tộ năm nào. Bốn năm rồi nhưng nụ cười ấy vẫn không hề thay đổi. Tôi đã nhiều lần đi tìm nhưng không gặp. Giờ nó lại hiển hiện trước mặt tôi như một ngọn lửa lung linh giữa đêm đông lạnh giá. Tôi cười. "Nhưng tôi sợ mình sẽ hát sai lời mất". "Vì sao thế?". "Vì không biết trong bài hát ấy có câu nào đại loại như... Thật sự, anh đã tìm em...

Pha Lê mỉm cười - nụ cười sao thân thuộc. "Lẽ ra...". Tóc Bím ngập ngừng. "Lẽ ra gì nhỉ?" - tôi hỏi. "Lẽ ra... anh nên để em nói trước là... em đã đợi anh...".

oOo



Chúng tôi nắm tay nhau đi giữa những bông tuyết bay lất phất trong đêm Shinjiku lung linh ánh đèn. Và tôi biết tôi sẽ không hát bảy lần mà hát cả nghìn, cả vạn lần bài hát ấy mỗi đêm Giáng sinh về...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Miếng chả nhái

* HOÀNG TÙNG  (Hà Nội)



Cứ mỗi lần mưa xong, ruộng đồng bỗng râm ran tiếng nhái. Bọn trẻ con tụ tập cùng nhau đi bắt nhái đêm. Mỗi đứa một cái đèn pin, xăm xăm lội ruộng. Thằng Tí "sát nhái" nhất trong số lũ con trai. Chỉ một lúc, mấy cái giỏ của nó đã đầy ú ụ nhái. Qua đám ruộng, nó bỗng thấy cái Tèo đang khóc thút thít.

Thằng Tí hỏi: "Sao mày khóc?". Cái Tèo ngước lên: "Em bắt được ít nhái quá, về bố em đánh chết". Thằng Tí bỏ mấy con nhái của nó vào giỏ của cái Tèo: "Cho mày đấy!". Cái Tèo ngước lên nhìn. Thằng Tí kéo vai cái Tèo: "Để tao giúp mày bắt nhái, một tí là xong!". Thế là thằng Tí đi trước, cái Tèo lũn tũn theo sau.

Hôm sau đến trường, thằng Tí thấy cái Tèo vẫy vẫy tay rồi đưa cho nó một gói giấy mùi thơm nức mũi. Thằng Tí mở ra. Chả nhái. Cái Tèo nhìn thằng Tí mắt tròn xoe long lanh: "Anh ăn đi! Nhái bắt hôm qua đấy". Thằng Tí nhét mấy miếng chả nhái vào mồm nhồm nhoàm nhai. Nuốt ực xong, nó hỏi: "Có còn nữa không?". Cái Tèo gật gật đầu: "Ở nhà em còn đấy!". Thằng Tí mắt sáng rực: "Mai mang thêm cho tao mấy miếng nữa nhé”. Cái Tèo cười: "Vâng!".

Trời lại mưa. Bố mẹ thằng Tí bảo nó ở nhà, không phải đi học. Càng thích. Bỗng có tiếng nước rào rào. Bố mẹ nó nhìn nhau lo lắng: "Hay là lũ về?". Lũ về thật. Nước từ đâu trào đến. Cả nhà hì hục khuân đồ đạc để lên giường. Nước ngập đến giường. Đồ đạc chuyển lên nóc tủ. Nước ngập lên nóc tủ. Mọi người vứt hết đồ đạc leo nóc nhà ngồi. Nước về trắng đồng. Làng mạc tan hoang.

Lũ rút. Thằng Tí đi quanh xóm. Xóm Giếng ngập trong bùn. Cuối xóm, bố cái Tèo đang tu rượu ừng ực. Mẹ cái Tèo đang khóc oằn người: "Trời mưa thế mà sao con còn cố đi học để bị lũ cuốn con ơi!". Thằng Tí chạy lại. Xác cái Tèo nằm với đôi mắt nhắm nghiền. Bàn tay nhỏ nhắn của con bé vẫn đang nắm chặt miếng chả nhái.

Bỗng nhiên thằng Tí thấy mắt mờ đi. Nó khóc.

(Bài đăng trên tạp san Áo Trắng)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

Những lần khóc

Lúc còn ở nhà, tôi thường theo ba và anh trai đi tưới cà phê.
Một lần, nắng tháng chạp bỏng rát cả mặt. Vậy mà máy cứ hư, hư hoài...ba tôi nản quá - nước mắt ba chảy lan xuống má. Ba quay đi. Tim tôi thắt lại và oà khóc.
Bây giờ xa nhà, tôi may giày cho một xí nghiệp. Lúc máy may hỏng, tôi lo theo không kịp bạn bè - sống mũi cay cay - và liên tưởng đến ba tôi ngày xưa, tôi oà khóc.

Trần Huỳnh Vân(Vũng Tàu)
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tường rêu

* HỒNG TRẦN





Nghe nói trước đây chỗ này từng là ngôi đền thần, sau đợt cải tạo mấy ổng mới lấy làm cái kho hợp tác xã, rồi sau khi phong trào hợp tác xã qua đi, thì gần như bị bỏ hoang.

Mà thằng Vọng chẳng quan tâm gì đến vụ đó, nó ngồi sờ soạn lớp rêu xanh cạy cục mọc chen vào những chỗ đã tróc mất lớp vôi. Ngồi thu lu ở đây bảo đảm không ai nhìn thấy. Chẳng hiểu tại sao người ta lại xây như vậy. Đi từ ngoài hẻm nhỏ vào, khoảng cách chút xíu giữa mấy bụi tre đặc ken và vách tường đền thần cũ này càng lúc càng hẹp lần và bẻ cua giống như hình trôn ốc. Nghe đồn sở dĩ từ ngoài vô phải bẻ cua hình trôn ốc là vì hồi xưa người ta không dám bốc ngôi mộ cổ, mà chỉ xây tường che men men theo mà thôi. Qua thời gian cũng chẳng còn vết tích ngôi mộ, và cái không gian đó cũng không còn trong tâm trí của ai hết.

Mà vô tới tận cùng thì chật hẹp gai góc muỗi mòng đến mức tụi nhỏ chơi năm mười còn không thèm vào trốn. Bởi vậy nếu tháng trước không bị ông cha ghẻ rượt đánh, nếu không cùng đường thì thằng Vọng cũng không lủi đại vô đây. Bữa đó nó sợ gần tè ra quần, vừa chạy xì khói lại phải vừa ngoái cổ lại coi ổng sắp nắm được tóc mình chưa. Tiếng chân thình thịch của người đàn ông thất nghiệp xay xỉn mất hết tính người kia làm thằng Vọng sợ xanh máu. Tới hồi bẻ xong cái cua trôn ốc hẹp té này rồi nó mới chết điếng: hết đường! Bước chân và tiếng chửi thề mồn một khiến nó cuống cuồng, quay lưng lại chạy thụt lui như cầu thủ bóng đá, đến hồi lưng nó đụng cái ịch vô khoảng tường cuối cùng, rồi sau đó là cảm giác mềm mềm như bùn nhão…

* * *



Ít hôm sau nó có trở lại tựa mạnh cái lưng vào khoảng tường rêu, thậm chí còn hì hục đá, đẩy, và đè rất mạnh nhưng khoảng tường nhỏ xíu ở tận cùng cái đuôi chuột này cũng chẳng hề hấn gì. Thử một hồi thấm mệt nó ngồi bệt xuống chắt lưỡi như người lớn. Cuộc đời nó sẽ đơn giản hơn biết bao nếu không có ông cha ghẻ cục súc và con Gấu dữ dằn. Con chó hung tợn này chuyên canh me nhào vô cắn mỗi lần nó xách chai đi mua rượu cho ổng. Vọng tiếc nuối nhớ lại…

Bữa đó nó cảm thấy lớp bùn nhão sau lưng mình đột nhiên như xé ra, rồi nó lọt qua bên kia bức tường rêu. Vẫn còn sợ điếng hồn, nó ngồi thụp xuống mặc dù chung quanh chẳng có gò lùm nào để ẩn thân. Nó thấy ông cha ghẻ chạy tới, dáo dác tìm, thò dao quơ quơ vào bụi tre nhưng tre dày đến nỗi dao của ổng không vẹt ra nổi. Ổng dòm quanh quất, gõ lưỡi dao vào khoảng tường rêu một lúc rồi chửi đổng bỏ đi, nó ngồi trơ trơ đó mà ổng không thấy. “Ổng xỉn quá hết thấy đường rồi,” nó nghĩ thầm.

Tới hồi ổng đi xong nó mới xoay lại quan sát và ngạc nhiên về khung cảnh vừa quen vừa lạ. Lạ là vì không giống bất cứ chỗ nào trong xóm. Quen là vì hình như nó thấy cảnh này ở đâu một vài lần, hình như là trên tivi, khi nói về hồi xửa hồi xưa ở miệt nào đó nó ra làm sao…

Vọng rụt rè từng bước tò mò, đi từ từ trên con đường đất mà chẳng thấy ai. Nhà cửa không sang trọng nhưng có vẻ sạch sẽ, không thấy rác rến gì hết, mọi thứ đều quang nhưng không phải ánh sáng mặt trời. Đi một đỗi nó làm lạ quá nên quẹo đại “vô nhà dân”. Bên trong cũng có vẻ ngăn nắp, mấy cái gối xếp gọn trên bộ ván gõ, tách trà đang uống dở của ai đó để trên bàn, ở sau bếp có cái tủ đựng đồ ăn bằng ván đen thủi cũ kỹ, không có lưới che ruồi. Nó thử vô đại một hai ngôi nhà nữa thì cũng từa tựa như vậy, không có vẻ gì bỏ hoang, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy ai. Đang tần ngần thì nó giật mình vì tiếng chuông nhà thờ đổ nghe lớn quá, dường như gần đây thôi. Cơn sợ hãi chợt trở lại, Vọng co giò chạy thẳng một mạch ra đường cũ, đụng vào tưỡng rêu, và thấy mình đang đứng… phía bên ngoài bụi tre hồi nãy.

* * *



Sau này cho dù nó có ráng cách mấy cũng không thể xuyên qua bức tường được nữa. Nó gần như quên bẵng và chấp nhận thực tế này cho đến khi bị ông ghẻ rượt lần hai. Vọng chạy thục mạng vô cái khe đuôi chuột bẻ cua hình trôn ốc, và lần đó nó tự nhủ nhứt chín nhì bù phang đại vô bức tường rêu. Tưởng bể mặt rồi, ai dè nghe cái phọọọc như sương sáo, rồi lọt qua bên kia. Lần hai này nó dạn dĩ hơn, đi nhanh hơn, ghé vô vài căn nhà khác. Nghía thấy mấy đồng xu có lỗ trong khai trầu, nhưng nó không cầm, mà lại thò vô tủ đựng đồ ăn lấy cái bánh rất lạ, một nửa hộp vuông bằng lá dừa là cái nắp, một nửa hộp vuông kia là đáy. Đang nuốt trộng tới cái bánh thứ hai thì nghe chuông đổ, nó cũng co giò chạy và nhảy xuyên qua tường…

Suy nghĩ liên miên cả tuần nó mới nghiệm ra là chỉ khi nào bị rượt nà, chỉ khi nào bị ví vô đường cùng, khi sợ mất hồn không còn suy nghĩ gì được nữa, khi nào cái đầu nó rỗng rang không còn suy nghĩ gì ráo, thì mới vượt qua tới bên kia…

Nó định bụng lần sau ổng rượt nữa nó sẽ xuyên tường và quyết không bao giờ trở lại cái chốn của ổng. Nhưng vô ích bởi vì ổng xỉn quá té giếng chết rồi, không còn ai làm phương tiện, không còn ai rượt, không còn ai sai đi mua rượu… Nghĩ tới đó nó chợt sực nhớ con Gấu! Bởi vậy bữa nay Vọng mới đến ngồi đây, một tay sờ soạn bức tường rêu như chào người bạn thân, tay kia nắm chặt vật sở hữu quý nhất mà nó định mang theo: trái banh ten-nít cũ mèm mà hồi xưa nó hay quăng qua quăng lại chơi với má nó, lúc má còn sống.

Nó sẽ chọc cho con Gấu rượt, mà bảo đảm con Gấu mà rượt thì còn dễ sợ hơn ổng nhiều! Bởi vậy phải canh khoảng cách cho kỹ để nó khỏi táp trúng trước khi mình nhảy vào bức tường rêu. Canh cho thiệt kỹ!
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Gáy người thì lạnh

* NGUYỄN NGỌC TƯ





Bạn định vị trên điện thoại rằng nhà bạn gần một trung tâm dưỡng lão, cứ tới đó đi, bạn sẽ đứng chờ. Xe ôm thả tôi xuống chỗ buồn hiu đó cả buổi, tôi lựng khựng tìm hoài mà không thấy ông già lòng khòng xương xẩu đâu.

Và khi tha thẩn ở cuối đường, tôi bỗng nhớ mình đã qua đây, đã đi về phía con hẻm vuông góc với chỗ tôi đang đứng, chui vào căn nhà tuềnh toàng của bạn, mười năm trước. Tôi hôm ấy run rẩy như con mèo ốm o bị ướt, khi tới nhà ông Đồng gió, Nhớ khói mà tôi đã ngưỡng mộ lâu rồi. Để lần đầu tiên biết nhà văn cũng có hai mắt một mũi như mọi người, cũng hài hước, cũng lơ tơ mơ, cũng nghèo…

Cái hồi ức mười năm làm tôi hơi hoảng, mười năm qua tôi đã đi tới đâu, tận những chân trời nào, sao không thăm lại? Tôi loay hoay với câu hỏi đó khi ngồi chơi với vợ bạn, để đợi bạn đang vẫn còn ngóng đón tôi đâu đó ngoài đầu hẻm. Đến sắp gặp nhau rồi mà lẻ vẫn đuổi theo vẫn so le, trục trặc. Loay hoay nối lại như thể đã bị đứt lìa lâu quá…

Trong nhóm bạn già mà tôi hay lân la, bạn trẻ nhất. Mỗi lần gọi điện cho bạn, và nghe bên kia hịch hạc bảo, “ê nói nghe nè…”, như hai đứa trẻ con thầm thì, như bạn không cách tôi hai mươi lăm tuổi đời và hai trăm cây số.

“Ê nói nghe nè, mày viết ác vừa vừa thôi, tao không chịu…”

“Ê nói nghe nè, có cái truyện trên Văn Nghệ được lắm, sao không đọc?”

Tôi không mảy may nghi ngờ việc bạn sẽ còn rầy rà tôi đến vài ba chục năm nữa, dù nhiều lần bạn nói bâng quơ ê nói nghe nè dạo này sao tao nghĩ nhiều về cái chết, làm như đã đi gần tới nó nên ngửi được mùi thấy mờ mờ dung nhan nó rồi. Tôi nghe có chút dửng dưng, chuyện đó thường thôi, thậm chí đôi khi tôi còn rờ đụng nó mà. Bỗng có bữa đầu dây bên kia bỗng rã rời, “ê nói nghe nè, tự dưng tao thấy đời buồn hiu, mậy…”

Tôi ngớ ra trong giây lát, bởi chưa từng nghĩ bạn cũng buồn. Hồi biết bạn tới giờ lúc nào cũng gặp nhau giữa bạn bầy đông đúc, trong tôi mặc định bạn là con người của hội hè, tạo ra hội hè. Cứ cất tiếng “ê nói nghe nè, làm vài ly đi…” thì ai nấy hồ hởi đáp lời ngay. Cái chất hào sảng, chịu chơi của dân miền Tây mà phải chịu nỗi một mình thì vô lý.

Nhưng giờ quanh bạn thưa đi những tiếng vọng. Những cuộc rượu nếu có chảy về phía ông, cũng bằng một hình thức khác. Nhiều khi nhậu nhẹt bọn tôi đã lấy bạn ra làm mồi cho đỡ lạt miệng. Bọn tôi nhắc chuyện bạn thấy đồng nghiệp bị vợ bạc đãi nên bất bình nhảy ra bênh, ngoay đầu đánh chị kia cho chừa, ai ngờ ông chồng nổi xung thiên cự lại “sao mày đánh vợ tao?”. Hay chuyện hết tú tài bạn định đi vào cứ theo cách mạng, ngồi chờ tàu đò lâu quá tự dưng thấy… nản, bạn quay về bị chính quyền Sài Gòn bắt lính, ngót bốn năm làm anh binh sĩ ngồi bàn giấy, một bữa pháo lạc bầy tiễn về nhà với gương mặt có vết sẹo dài. Hay chuyện bạn giấu tiền dưới mấy cục gạch tàu lót nền, định xài riêng mà quên biệt, chừng xây lại nhà người ta thấy tiền rải đầy dưới đó. Hay chuyện bạn buồn ngủ quá mà tiếc cảnh vật đường xa nên bôi dầu gió vào mắt cho chúng đừng ríu lại. Hoặc chuyện bạn bỏ quên cái mắt kính trong phòng vệ sinh nữ, hồi đại hội.

Những câu chuyện ngộ nghĩnh ba hư bảy thực về bạn làm bữa rượu bỗng ngon hơn với những tràng cười nghiêng ngả, cười đến chảy nước mắt ra… Ôi ôi ông ơi bọn tôi vui quá. Sau phút giây ràn rụa ấy, bỗng ràn rụa trong tôi cái ý nghĩ ở trong một cái nhà nhỏ bừa bộn chật chội nằm trên hẻm nhỏ giữa lòng thành phố Long Xuyên, biết đâu chủ nhân của những huyền thoại đang uống rượu một mình.

Tôi vẫn hay thấy tuổi già của mình khi soi vào bạn. Bỗng trái tính trái nết, bỗng bạn bè đâu hết, thấy lẻ cả ở trong nhà mình. Đau đáu nỗi đời không biết nói với ai nên sà vào cuộc vui nào cũng tuôn cho đã cơn thèm, nào văn chương nào tôn giáo, nào xã hội nhiễu nhương… Xưa góp vui người ta gọi mời, giờ góp ưu phiền người ta ngại rủ lại chơi, thành ra bị bỏ rơi, thành ra bọn tôi cứ lẩn quẩn đi theo cái vòng cô đơn vô tận.

Hết duyên rồi. Như chữ bạn vẫn thường dùng khi nói về cô bạn thân hồi trước. Phụ bạc luôn len lỏi trong máu của mỗi người. Và những cuộc bỏ rơi nhau vẫn đang xảy ra ở đâu đó.

Từ ngày biết bạn cũng hay buồn, chập chờn mãi trong tôi hình ảnh một ông già mở tivi cho nó oang oang và ngồi uống rượu một mình. Tới nhà chơi bỗng thấy may là bạn còn có sách ở bên, quơ tay đâu cũng đụng, mắt ngó đâu cũng thấy, chân đi đâu cũng vấp. Bạn vẫn ham, vẫn như đói ngấu mỗi khi gặp bất cứ cuốn sách nào. Tôi không còn thấy xa xót bồn chồn. Mang theo cuốn tản văn của Sandor Marai đọc lúc dọc đường, tôi để lại cho bạn. Cuốn sách này sẽ ở mãi đây, ngay cả khi tôi đã quay lưng đi khỏi.

Một cuốn sách thì cả khi chìa gáy ra, người ta cũng nhận được một cái gì đó ấm áp, trao gửi.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] ... ›Trang sau »Trang cuối