Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

.
Ray Bradbury là một gương mặt có thẩm quyền trong làng văn chương fiction thế giới. Quan niệm, lối bố cục và hành văn của ông như muốn tách khỏi quỹ đạo các truyện ngắn viễn tưởng cổ điển. Những tác giả theo khuynh hướng cổ điển (như Maupassant với Le Horla) đặt người đọc trước hiện tượng siêu nhiên mà không chứng minh được. Ở đây Bradbury tạo được một “tọa độ” bằng cái nhìn khách quan và thực tế của bà vợ Cora. Cùng với khách quan và thực tế đó, Bradbury đối lại với chủ quan và mộng tưởng, như vợ và chồng, đàn bà với đàn ông, nhà dưới và căn gác, hiện tại và quá khứ, bên trong và bên ngoài, mùa đông và mùa hè, nhẫn chịu và mơ ước, sự kiện và biểu tượng… văn xuôi và thi cú… vv.

Với thủ pháp độc đáo và có lựa chọn, Bradbury không để thừa bất kỳ chi tiết nào, ngay cả những việc có vẻ “phàm tình”, như mất 40 đô-la và rút 500 đô-la từ ngân hàng ra, nếu ta chịu khó suy nghĩ và thưởng thức sẽ phát hiện điều lý thú.

Với truyện ngắn Một mùi hương xá xị được nhiều nhà phê bình đánh giá là một bài thơ bằng văn xuôi, Bradbury dẫn người đọc đi vào một vùng đất cấm, tiềm thức, vô thức và những ước mơ câm nín không được thỏa mãn…


Một mùi hương xá xị

* Ray Bradbury

http://i974.photobucket.com/albums/ae227/ssunyata/VHVN/0a5cef0c.jpg




Suốt ba ngày, sáng nào cũng vậy và chiều nào cũng vậy, ông William Finch ở trên căn gác mái âm u và bạt gió. Suốt ba ngày, vào cuối tháng Mười một, ông một mình nghe những nụ mềm và trắng của Thời gian từ bầu trời vô tận, lạnh lẽo và lạnh lùng lặng im rơi, nhẹ nhàng, rắc bông trên mái nhà và rắc bụi lên máng xối, ông đứng nhắm mắt. Đã từ bao ngày dài không nắng, đắm chìm trong biển gió, giờ đây căn gác mái răng rắc xương kêu, làm cho bụi đổ từ xà ngang, rui, mè đã cong vẹo. Chung quanh ông là một khối đau đớn thở dài quay quắt, khi ông đứng ngửi những mùi hương vi tế, để cho tâm hồn mình nhạy cảm với những dấu tích xa xưa. À… à…

Dưới nhà, bà Cora vợ ông ngóng mà không nghe tiếng chân đi, tiếng rục rịch hay chuyển động gì cả. Bà tưởng tượng chỉ có thể nghe thấy tiếng ông hô hấp, hít vào thở ra như cái ống bể bụi bặm, một mình ông trong căn gác mái, trên chóp nhà.

“Kỳ cục”, bà lầm bầm.

Cho đến chiều ngày thứ ba khi vội vã xuống dùng bữa, ông mỉm cười với những bức tường nhạt màu, với những bát sứt dĩa mẻ, muỗng nĩa bằng bạc đã trầy trụa, và ngay cả với vợ ông nữa!

– Tại sao phấn khởi thế? bà hỏi.

– Vui vẻ, thế thôi. Tinh thần tuyệt diệu!

Ông có vẻ điên lên vì vui, không giấu được một sự xôn xao nóng bỏng. Bà vợ cau mày:
- Mùi gì thế kia?
– Mùi, mùi, mùi?

“Mùi lá xá xị, đúng rồi!” Bà hít hít một cách nghi ngờ.

“Ô, không phải đâu!” Niềm vui cuồng nhiệt của ông xìu xuống, nhanh như thể bà thổi phụt ông tắt mất. Oâng có vẻ ngơ ngác, bất ổn và thái độ đột nhiên thận trọng.

– Sáng nay ông đi đâu?

– Bà đã biết là tôi làm vệ sinh căn gác mái!

– Ngồi mơ màng trước một đống đồ hằm bà lằng chứ gì. Tôi đã không nghe một tiếng động nào cả, có lẽ ông đã không có ở trên gác mái. Cái gì đây?” Bà vừa hỏi vừa trỏ.

– Ủa, tại sao những cái này lại có ở đây nhỉ?” Ông vừa tự hỏi một câu trỏng lọng, vừa cúi nhìn cặp kẹp bằng kim khí đen đang kẹp ống quần ông chặt vào đôi ống quyển xương xẩu, loại kẹp mà những người đi xe đạp vẫn thường dùng.

Ông tự trả lời:
– Nhặt được trong gác mái. Cora có nhớ không cách đây 40 năm khi chúng ta đi chung bằng chiếc xe đạp yên đôi trên con đường lạo xạo cát vào buổi sáng tinh mơ, khi mọi thứ hãy còn tươi trẻ và mới lạ?

– Ngày mai mà ông dọn căn gác mái không xong, tôi lên vất hết mọi thứ ra ngoài!

– Ồ, đừng, đừng, mọi thứ trên đó đều như ý tôi muốn.

Bà ném về ông cái nhìn lạnh lùng. Ông phục hồi nhiệt tâm, thư thả, vừa nhai vừa nói:
– Cora có biết những căn gái mái là gì không? Đó là những cỗ máy đi ngược Thời gian, nơi mà những người già tinh thần kém cỏi như tôi có thể trẻ đi 40 năm và tìm lại cái thuở quanh năm đều là mùa hè, thuở mà đám trẻ con vây quanh xe kem, mua như ăn cướp. Cora có nhớ vị kem không nhỉ? Em cho kem vào khăn tay, sau đó giống như mình vừa mút hương vị của lớp vải, vừa mút hương vị của tuyết.

Cora sốt ruột.

Ông vừa lim dim vừa cố gắng tưởng tượng và kiến tạo:
– Điều đó có gì đâu mà không được. Hình dung một căn gác mái, không khí của nó là Thời gian. Nó giao lưu với những năm xa xưa, với cái kén và con nhộng của thế kỷ khác. Ở đấy tất cả các ngăn kéo bàn đều như những chiếc hòm nhỏ, nơi ngủ yên trang trọng hành ngàn cái ngày hôm qua. Ồ, gác mái là một nơi thăm thẳm và thân thiện, đầy ắp Thời gian, và nếu chúng ta đứng ngay ở giữa, khép mắt lại, dang tay ra để sờ thấy Dĩ vãng chìm sâu, thì đấy, nó…

Ông ngừng lại, ý thức rằng mình vừa nói to một hai câu nào đó. Bà Cora đang ăn nhanh. Ông đặt câu hỏi với đường ngôi rẽ tóc vợ mình:
– Nào, nếu du lịch được trong Thời gian thì không thú vị sao? Và còn nơi nào hợp lý hơn, thích hợp hơn là căn gác mái nhà mình nữa nhỉ?

– Dĩ vãng không chỉ là mùa hè, đó chỉ do trí nhớ điên điển của ông thôi. Ông chỉ nhớ những gì tốt mà quên những gì xấu. Không phải lúc nào cũng mùa hè cả đâu.

– Nói theo một cách biểu hiện nào đó, thì được, Cora ạ!

– Không được!

Ông chồm người lên, nhìn bóng mình di chuyển trên vách, ông thì thầm sôi nổi:
–- Điều tôi muốn nói là nếu bà khéo léo lái chiếc xe đạp một bánh, luồn lách được giữa những năm tháng, tay dang ra, thật thăng bằng, phải rất, rất cẩn thận, bà lượt qua từng năm một, nghỉ một tuần vào năm 1909, ở một ngày vào năm 1900, chơi một tháng hoặc nửa tháng đâu đó, 1905, 1898, bà có thể sống hết khoảng còn lại của cuộc đời mình vào mùa hè.

– Xe đạp một bánh?

– Bà nhớ loại xe cao, mạ kền, một bánh một yên ở tiết mục tung hứng trong các chương trình tap kỹ. Phải giữ thăng bằng, rất thăng bằng để khỏi ngã trong khi liên tục tung hứng những đồ vật sáng loáng, đẹp tuyệt, mỗi lúc mỗi cao hơn: một ánh sáng, một ánh chớp, một loáng lóng lánh, một pháo bông đỏ, vàng, lam, lục, trắng, kim, tất cả những tháng sáu tháng bảy tháng tám luôn luôn trong không khí, chung quanh ta, ẩn hiện, cơ hồ chỉ khẽ chạm tay ta, bay bay, lửng lửng, và ta đó, đang mỉm cười. Thăng bằng, Cora ơi, phải thăng bằng.

Bà nói:
– Nhảm… nhảm nhảm…” và kết luận “Nhảm!”

*******



Vừa rùng mình ông vừa trèo lên cầu thang dài và lạnh lẽo đến gác mái.

Vào mùa đông, những đêm ông thức giấc, cảm giác như có sành sứ trong xương, từng hồi chuông lạnh cóng thổi trong tai ông, sương giá thấu hết thần kinh buốt lòa như một chiếc pháo bông cháy sáng trắng, nổ tung và rơi lả tả như tuyết xuống một vùng đất im lặng sâu lắng tận đáy tiềm thức mình. Ông lạnh, lạnh, lạnh và cần phải có những mùa hè vô tận với cây xanh và mặt trời mới có thể làm tan đi cái vỏ bọc băng giá. Ông là một mẩu nước đá mỏng manh và nhạt nhẽo, một người tuyết tối nào cũng ngủ để nằm mơ thấy những giấc mộng đầy confetti của hội hè sôi động. Và, bên ngoài, mùa đông cứ kéo dài cùng với bầu trời tê tái, tàn nhẫn nghiền nát tất cả những màu sống vui và cả bản thân con người, nát như những trái nho trong máy ép rượu.

Ông Finch đội cái nắp đậy cầu thang lối đi lên gác mái lên. Nhưng ở đây, ở đây. Bụi mùa hè tung lên chung quanh ông, sục sôi dư hương những mùa kia để lại. Ông lặng lẽ đậy nắp lại.

Ông bắt đầu mỉm cười.

*******



Căn gác mái yên lặng như đám mây trước cơn bão. Thỉnh thoảng Cora Finch nghe thấy chồng rù rì, rù rì ở trên ấy.

Năm giờ chiều, vừa ca bài “Hòn đảo những giấc mộng vàng của tôi”, ông Finch vừa vẫy cái mũ rơm mới toanh qua cửa nhà bếp:

– Hù!

“Ông ngủ cả buổi trên ấy à?” Bà hỏi cộc lốc. “Tôi gọi bốn lần không ai trả lời!”

“Ngủ à?” Ông suy nghĩ và phá ra cười, rồi vụt lấy ty che miệng. “Ờ, ờ, có lẽ tôi ngủ thì phải.”

Đột nhiên bà như nhìn thấy ông: “ Trời hỡi! Ông lấy cái áo này ở đâu ra thế?”

Ông mặc cái áo vét sọc đỏ kẽo bòn bon, cổ giả hẹp và cao, quần màu kem va-ni. Chiếc mũ bốc thơm mùi rơm mới.
– Tìm thấy trong rương.

Bà ngửi ngửi:
– Không có mùi băng phiến. Mới toanh!

Ông vội vàng đáp trả:
– Ồ không!

Trong khi bà nhìn bộ đồ, ông có vẻ ngượng nghịu sượng sùng. Bà nói:
– Đây không phải là kho quần áo mùa hè đâu nhé!

– Người ta không có quyền bông đùa một tí sao?

– Suốt đời ông chỉ làm rặt có mỗi một việc ấy thôi!” Bà đóng sầm cửa lò lại. “Trong khi tôi ở đây lo vá may thì ông có mặt ở dưới cửa hiệu để đỡ đần cầm nắm tay chân các phụ nữ ra vào.”

Nhưng ông không để bị mất tinh thần. Nhìn vào đáy mũ, ông nói:
– Cora, có thú vị không khi chúng ta cùng đi dạo ngày chủ nhật như xưa kia, em với cây dù bằng lụa và chiếc váy dài xột soạt trên con đường, ta sẽ ngồi ở quày limônát, ngửi mùi tiệm dược phẩm (1)  như trước kia. Tại sao ngày nay các hiệu thuốc không còn mùi như ngày ấy nữa nhỉ? Và chúng mình sẽ gọi hai ly xá xị, Cora ạ, chúng ta sẽ lại lên xe Ford 1910 đến bờ đê Hannahan dùng những món ăn nhẹ đựng trong hộp giấy, vừa nghe dàn kèn đồng chơi… Em nghĩ sao?

– Bữa ăn sẵn sàng rồi đây. Làm ơn cởi bỏ bộ đồ kinh khiếp kia ra đi!

– Nếu em được toại điều ước là đi xe dọc theo những con đường rợp bóng cây sồi như trước kia, em có đi không?

– Những chiếc xe cũ kỹ ấy dơ lắm! Về đến nhà, chúng ta cứ y như người Phi châu… À mà, sáng nay tôi để 40 đô-la trong lọ đường này, bây giờ không thấy đâu cả! Có phải ông mua mớ quần áo này ở cửa hàng không, chúng mới cắt chỉ, không phải trong rương ra!

Ông nói “Tôi…”

Bà làm cho ông một chập nửa giờ đồng hồ, nhưng ông không thú nhận điều gì cả. Trong khi bà cằn nhằn, gió tháng mười một thổi lung lay căn nhà, và tuyết mùa đông lại bắt đầu rơi từ bầu trời xám lạnh.

– Trả lời tôi đi! Ông có điên không mà xài tiền như thế, để mua những thứ mà ông không mặc được?

– Căn gác mái…” Ông ấp úng.

Bà bỏ ra phòng ngoài ngồi. Bây giờ tuyết rơi thật nhặt, và buổi tối tháng mười một buồn thiu ảm đạm. Ba nghe ông đang chầm chậm leo nấc cầu thang, lên căn gác mái, chứng nhân bụi bặm của những năm tháng khác, chỗ âm u chứa quần áo, trang phục và Thời gian, ông leo lên một thế giới cách xa thế giới dưới này.

*******



Ông đậy nắp cầu thang lại. Aùnh đèn pin đột ngột bật lên đủ làm bạn với ông rồi. Đúng, ở đây, tất cả Thời gian đều cô đọng trong một chiếc hoa giấy xếp kiểu Nhật.

Chỉ cần chạm khẽ ký ức thì tâm hồn ta sẽ như con sông trong trẻo chở đầy hoài niệm, sẽ tuyệt diệu như hoa nở, như gió thoảng mùa xuân.

Kéo nhè nhẹ từng ngăn của bàn ra, có thể bắt gặp nào là các cô dì, nội ngoại, bà con thân thuộc trang phục bằng lớp bụi thời gian. Vâng, Thời gian hiện diện nơi đây. Ta có thể nghe Thời gian thở, và ước lượng được bằng bầu không khí quanh ta chứ không bằng đồng hồ cơ học.

Bây giờ, nhà cửa ở dưới kia cũng xa vời như một ngày của quá khứ. Ông lim dim nhìn, nhìn quanh căn gác mái đang đợi chờ.

Kìa, những cầu vồng, những buổi sáng và buổi trưa lung linh như những dòng sông mới mải mê đi ngược Thời gian trong một chùm đèn chúc đài muôn sắc khi ông tắt mở ánh đèn pin; các cầu vồng đem lại cho khối âm u những đường cong đượm sắc, có màu như mơ, dâu, nho, có màu như quả chanh cắt đôi và như bầu trời sau cơn bão một khi mây đen đã đi xa và màu xanh vừa trở lại.

Và bụi trên căn gác mái như hương đang cháy, cháy liên tục, ta chỉ cần nhìn ánh lửa. Chắc chắn rằng đây là một cỗ máy Thời gian, ông biết điều đó, ông cảm thấy điều đó, và chắc chắn về điều đó. Và nếu ta sờ những đồ vật của một thời đang vương vải khắp nơi, chẳng hạn như cái ổ khóa đã hỏng, như chiếc tay nắm của đã hư, nếu ta nghe được tiếng người của cái bể thổi lò sưởi để thấy tro bụi của những bếp lò dạo ấy, nếu, nếu thật sự đã sử dụng cái dụng cụ, cái máy nhiều mảnh, nếu ta mơn trớn tất cả những thứ vụn vặt ấy, các đòn bẫy, các cần số và động cơ ấy, thì, thì, thì!

Ông dang tay ra để điều khiển, để chỉ huy, để đánh nhịp. Điệu nhạc ở trong đầu ông, trong miệng ông đang ngậm chặt, và ông bắt đầu chơi cỗ máy Thời gian, dàn đại phong cầm, giọng trầm, giọng ténor, giọng soprano, nhè nhẹ, mành mạnh và sau cùng, sau cùng trỗi lên một hòa âm khiến ông rùng mình đến nỗi phải nhắm mắt lại.

Đêm đó khoảng chín giờ, bà nghe ông gọi “Cora!”. Bà bước lên, ông từ trên mỉm cười nhìn bà. Ông vây vẫy nón: “Tạm biệt, Cora!”

– Ông muốn nói gì?

– Tôi đã suy nghĩ suốt ba ngày và bây giờ tôi tạm biệt bà.

– Xuống ngay, đồ già lẩm cẩm!

– Hôm qua tôi đã rút ở ngân hàng năm trăm đô. Tôi đã suy nghĩ nhiều về điều này, do đó khi việc ấy đã đến, thì… Cora…” Ông sốt ruột chìa tay cho bà. “Tôi hỏi lần cuối, Cora có theo tôi không?

– Lên gác mái ấy à? William Finch, đưa tôi cái thang, tôi sẽ lên tống khứ ông ra khỏi chỗ dơ dáy đó!

– Tôi sẽ đi ra đê, đến chỗ Hannahan dùng một bát cháo sò. Và tôi sẽ yêu cầu dàn kèn đồng chơi bài Bãi biển dưới ánh trăng. Cora ơi, hãy cùng đi nhé…” Ông vẫy bàn tay đanag chìa ra.

Bà chỉ nhìn chằm chặp gương mặt hiền hòa của ông đang chờ câu trả lời.

– Tạm biệt…!” Bàn tay ông nhẹ vẫy. Sau đó gương mặt ông biến mất, chiếc nón cũng biến mất.

– William!” Bà thét lên.

Căn gác mái tối tăm và im lặng.

http://i974.photobucket.com/albums/ae227/ssunyata/VHVN/bc0bba34.jpg




Bà vừa la chói lói, vừa  chạy tìm cái ghế để leo lên, vừa leo vừa rên rỉ, lên đến miền âm u nặng mùi meo mốc. Bà quơ quơ cây đèn pin:
– William, William!

Những góc tối vắng vẻ, một luồng gió mùa đông giần giật ngôi nhà.

Lúc ấy bà bắt gặp cửa sổ phía Tây hé mở. Bà lò dò đến, hơi do dự, nín thở. Và chầm chậm đẩy cánh cửa ra. Cái thang đặt bên ngoài cửa sổ, tựa trên mái hành lang bên dưới.

Bà bật người ra khỏi khung cửa sổ.

Bên ngoài, đám cây táo mang màu xanh lục rực rỡ, đó là vào buổi hoàng hôn một mùa hè tháng bảy. Bà nghe văng vẳng tiếng pháo nổ đâu đây, xa xa có tiếng nói cười. Pháo bông nổ tung đỏ trắng xanh trường không khí oi bức rồi tắt ngấm.

Bà đóng sầm cửa sổ và lảo đảo: “William!”

Từ phía dưới, qua nắp đậy cầu thang gác mái, sau lưng bà, chút ánh sáng mùa đông tháng mười một hắt lên. Nghiêng mình nhìn xuống, bà thấy tuyết đang thầm thì va vào kính cửa trong suốt và lạnh lẽo, trong cái thế giới của tháng mười một mà 30 năm nữa đây, bà sẽ đốt hết cuộc đời.

Bà không trở lại khung cửa sổ. Ngồi một mình trong gác mái tối tăm, ngửi thấy mùi hương duy nhất dường như chưa chịu phai mờ, dường như nấn ná trong không khí như một hơi thở dài khoan khoái. Bà hít thật sâu, thật sâu…

Một mùi hương cũ, quen thuộc, không thể nào quên của cửa hiệu dược phẩm, một mùi hương xá xị.


Minh Huy
 dịch
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cỏ xanh chìm dấu

* NGUYỄN NGỌC TƯ




http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=120098
Minh họa: Hồng Nguyên



Chiếc vỏ lãi chạy lạch tạch dưới cái nắng ngun ngút trên đầu, nước mặn như sắp sôi lên làm ai nấy quắt lại. Nhưng bồn chồn đường xa tan biến bởi câu chuyện của ông già dẫn đường, về một nhan sắc làm xiêu lòng ông quận trưởng, về người con gái buộc chấp nhận làm bé để giữ đầu trên cổ hai người ruột thịt, đêm tân hôn trên giường cô đầy súng ống cùng một đại đội lính trang bị vũ khí canh gác quanh nhà. Chiến cuộc sắp tàn, ông chồng lấy cho bằng được đã ruồng rẫy cho bằng được bỏ lại cô vợ với bốn đứa con non nớt…

Nghe mà nôn nao, chút nữa thôi bạn sẽ gặp nhan sắc đó, sẽ nghe chuyện đời người đàn bà trong nước mắt, bạn sẽ viết được một thiên tiểu thuyết, không chừng. Cứ viển vông cho tới khi tàu ngừng lại mé sông.

Huyền thoại ngồi trên bộ vạt ngó ra cửa, tranh tối tranh sáng nhưng bạn vẫn nhận ra những đường nét thanh tú trên gương mặt phảng phất buồn. Quỷ thần ơi, đẹp tới già vẫn đẹp. Ông già dẫn đường là người quen cũ, hình như đã đưa nhiều anh nhà báo, nhà làm phim tới nhà bà. Sự có mặt của ông làm bà đoán ngay mưu cầu của khách, nên lẹ làng nói chuyện cũ bỏ lại chỗ cũ rồi nghen, thôi không nhắc nữa.

Bạn choáng váng. Giờ bà chỉ nói về hầm rắn bông súng mà bà cất công lên miệt trên học nuôi, cách hạ phèn cho vuông tôm vào mùa mưa, hoặc về mấy chục con heo rừng lục lọi đống đất quanh chuồng, hay những cây trái trĩu trong vườn. Nói cho hết phim mấy chú thì thôi, bà cười rực rỡ.

Bạn cũng cười nhưng miệng méo xẹo, trời à, bạn lặn lội tới đây không phải để nghe chuyện con rắn bông súng ăn ở ra làm sao, bạn muốn bà cho xem những vết thương (mà bạn nghĩ) vẫn còn đang rỉ máu. Hoặc nó đã kín miệng rồi thì bạn cũng sẽ chọc ngoáy cho tươm máu trở lại. “Nghề” của bạn vậy mà. Nhưng bà quả quyết dứt áo đi khỏi quá khứ rồi, bạn tới chỗ cũ không gặp ai ở đó. Cỏ mọc chìm mất dấu chân. Nài nỉ cho lắm thì cũng chỉ nhận được nụ cười ui da là náo động, ba cái chuyện cũ buồn lắm, đem theo chỉ nặng chân mình, mà kể đi kể lại có ích gì đâu.

Có chút gì như bơ vơ. Có đôi khi bạn tưởng họ cứ ở đó mà chờ ta mãi chớ. Những ông già sẽ không già thêm, không chết đi, để khi bạn cần chứng nhân cho một quá khứ nào, tức thì bạn sẽ có. Những người bạn đã yêu thương sẽ mãi đứng yên một chỗ để bạn ta bà ngày tháng xong sẽ quay lại mà yêu tiếp.

Có lần gặp lại cô ca sĩ mà bạn hâm mộ từ hồi nhỏ, ký ức giữ hoài hình ảnh cô ngồi trên chiếc giày và nhí nhảnh hát đừng yêu em anh nhé em không làm người lớn đâu hứ hư. Giờ trên bìa báo là một gương mặt thiếu phụ chớm già. Hay chị nhà văn kia viết chuyện đàn bà không trong trẻo như hồi bình yên chim hót. Cô đào hát ngày trước dáng hao gầy ma mị biết bao nhiêu giờ đẫy đà, sồ sề. Con nhỏ gánh nước đen đúa hồi trước giờ õng ẹo một bước lên xe hơi.

Và trong một ngày trở lại tìm dấu chiến tranh hóng chuyện chơi, lúc ghé qua ông già đã từng sống sót qua hàng chục nhà tù, nhắc tên ông là nhớ hai câu thơ cổ “Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên phong”. Sớm nay trái gió trở trời, ông già không chịu nói! Một bà già khác thì quên trước quên sau, cứ săm soi cái micro cài trên cổ áo, khen cái này ca tài tử là bá cháy, khỏi bị mỏi tay. Những thứ thiêng liêng xa xót một thời, bỗng một ngày quá vãng.

Cái cảm giác vất vơ vất vưởng này là mình tự chuốc lấy. Bạn nghĩ vậy khi ra khỏi căn nhà của người đàn bà đẹp, với hình ảnh bà đứng bên hàng chuối mới trồng sôi nổi nói chuyện mùa màng đồng áng, mặt rạng ngời.

Chùa bên sông vọng lên mấy tiếng thu không, trong lúc nấn ná tiếc nuối, bạn nhận ra cái mình chờ đợi chỉ là khói nắng. Đi thôi, còn chờ ai nữa…
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Một truyện ngắn khơi gợi ít nhiều không khí miền U Minh Nam Bộ và tính khí của cư dân vùng sông giáp biển này.


Quán bánh xèo ở bìa rừng tràm


* LÊ MINH NHỰT


http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=490243
Minh họa: Hoàng Tường



TTCT – Ngày nảy ngày nay, ở bìa rừng tràm (bìa rừng tức là chưa lọt vô trong rừng mà chỉ lòng vòng bên ngoài chỗ mấy cái bảng “cấm lửa”, “cấm săn bắn”, “rừng là lá phổi quốc gia”…).

Khác với ngày xửa ngày xưa, ở bìa rừng tràm, ngày nảy ngày nay không có một ngôi nhà nào biết đi trên đôi chân gà, không có cô bé quàng khăn đỏ nào phải đi xuyên rừng để thăm bà ngoại bị ốm, không có chó sói, không có vợ chồng chằn tinh hung dữ… không có tất cả mọi thứ mà trong các truyện cổ tích trong nước hay ngoài nước đều có.

Muốn đến bìa rừng tràm không có gì khó khăn cả, ngày nảy ngày nay chỉ cần một chiếc xe gắn máy đổ đầy bình xăng bon bon trên con lộ nhựa hơn tiếng đồng hồ. Nghe bàn dân thiên hạ đồn rằng con lộ hơn ba mươi cây số này được gấp rút hoàn thành hồi năm nẳm chỉ trong vài tháng… nhờ cháy rừng!

Nhờ cháy rừng mà cư dân của bìa rừng tràm có lộ tráng nhựa thay cho việc chèo chống mỏi mê trên những con kênh vàng cháy nước phèn với từng bụm bù mắt đen kịt quất vào mặt mũi. Nhờ cháy rừng mà ngày nảy ngày nay, ven theo con lộ nhựa láng coóng ấy, chỗ dốc cầu kênh Một Rưỡi, ngay bìa rừng, mọc lên một cái quán bánh xèo.

Chủ quán bánh xèo ban đầu không phải là chủ quán bánh xèo (!), chỉ là một nông phụ vì chồng chị ta là nông phu ở bìa rừng tràm, kiêm chủ tiệm tạp hóa, kiêm nội trợ, kiêm giặt giũ… nói chung là kiêm đủ thứ mà một người đàn bà ở nông thôn (bị buộc) phải kiêm. Nhưng kiêm gì thì kiêm, nông phụ chưa là chủ quán bánh xèo trước đó.

Trước cả trước đó, nông phụ còn là một thiếu nữ mười bảy tuổi lẻ một tháng theo cha mẹ lênh đênh trên ghe. Số phận run rủi (thật ra là cùng đường mạt lộ) xuống tới nơi này cắt lúa mướn ở những cánh đồng ăn lõm vào rừng tràm. Người ta khoét dần rừng để làm ruộng, ban đầu là chặt cây tràm, đốt những mảng nhỏ, sau đó lan dần thành những mẫu lớn giống như đốm lang ben xuất hiện trên da, về sau đốm lang ben nhỏ nhoi ấy ăn lan ra toàn thân.

Mùa qua mùa, rừng bị đẩy lùi về phía xa, còn chỗ trước kia là rừng đã trở thành bìa rừng, thành ruộng nương, vườn tược, thành thổ cư, đất lập vườn… thành nhiều thứ khác nữa nhưng không phải là rừng như trước kia.

Khi cắt đến những vạt lúa cuối cùng của cánh đồng còn lởm chởm những gốc tràm sót lại sau trận đốt rừng thì cha mẹ của thiếu nữ mười bảy tuổi lẻ một tháng phát hiện cô con gái của mình đã biến đâu mất. Vùng rừng tràm trong câu chuyện của các bậc cao niên nơi đây luôn tồn tại những con rắn hổ mây lớn bằng cái khạp da bò, di chuyển chỉ bằng nửa thân dưới, còn nửa thân trên cất cao bằng cả đọt tràm.

Trong khi người vợ đấm ngực kêu trời vì “đứa con gái của mình giờ này chắc đã nằm gọn trong bụng rắn” thì người chồng tay cầm mác vót quần nát từng gốc tràm, lùm choại để “tìm con rắn hổ mây khổng lồ mà rạch bụng nó lấy xác con ra, sống phải thấy người, chết phải thấy xác”. Rốt cục người chồng tìm thấy con gái tại một đám năn cao lút đầu với thằng con trai của chủ ruộng trong tư thế của một cặp rắn. Hai đứa đã quần nát cả một đám năn rộng gần nửa công đất.

Sau đó thì thiếu nữ mười bảy tuổi lẻ một tháng được lên bờ và trở thành nông phụ ở xứ tràm (cái trò rắn ở giữa đám năn đó quả là có lợi), cha mẹ của cô trở lại ghe tiếp tục đời lênh đênh (vì họ không có can đảm diễn trò rắn như con gái của mình?!).

Vào năm đứa con gái được mười lăm tuổi thì nông phụ bị chồng bỏ. Đây là cách diễn đạt chính xác nhất về hoàn cảnh của một nông phụ ba mươi hai tuổi lẻ một tháng.

Ngủ một đêm tới sáng thức dậy, nhìn sang chỗ chồng nằm: vắng ngắt! Tới giờ cơm ra sau chái nhà bắc loa tay hú thật lớn về phía rừng, một hồi, hai hồi, ba hồi: không nghe tiếng hú đáp trả! Đến tối: nằm lăn lóc trên chiếc giường trống trơn, quờ tay tứ phía chỉ toàn là mùng với chiếu! Một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng, vẫn vậy… đích thị là chồng bỏ rồi, còn gì?!

Chồng bỏ tháng trước, tháng sau nông phụ cùng con gái khiêng bếp lò, xoong chảo ra trước nhà nổi lửa rừng rực. Ai đi ngang cũng dừng lại thắc mắc, hỏi han:

- Bị chồng bỏ rồi còn làm gì vậy bà nội?

- Chiên bánh xèo, chồng bỏ thì cũng phải tiếp tục mần ăn để sống chớ có phải chết đâu mà không làm!

Cứ tưởng hỏi vậy để chọc nông phụ nổi nóng sửng cồ chơi, ai dè chồng bỏ thì cũng nhẹ hẫng như không.

- Vậy bánh xèo chắc là có bán chớ?

- Ừa, mua thì bán, mẹ con tui đâu có tính ăn bánh xèo trừ cơm!

Vậy là kể từ đó, ngày nảy ngày nay, nông phụ trở thành chủ quán bánh xèo ở cầu kênh Một Rưỡi, bìa rừng tràm.

Chủ quán bánh xèo (từ nay cứ gọi là chị cho ngắn gọn) chưa từng đặt chân qua bìa rừng tràm phía bên kia. Khi trước (tức là lúc chồng chưa bỏ) cũng từng có ý định nhưng mỗi khi vừa mở miệng là chồng chị lại gạt phăng: bên kia cũng giống như bên mình thôi chớ có con khỉ khô gì đâu mà đòi đi! Lâu dần, trong tâm trí chị cũng quen rằng: bên kia không có con khỉ khô nào. Đến bây giờ, mặc dù chưa qua đến đó nhưng chị đã biết chắc rằng bìa rừng tràm phía bên kia đã có hơn cả con khỉ khô, một thứ mà trước giờ chưa từng ai nhìn thấy: đó là tổ của con chuồn chuồn!

Hàng xóm láng giềng bảo rằng chị nên qua phía bên kia bìa rừng tràm một lần. Để làm gì? Thì quậy tới bến cho biết mặt! Quậy là quậy làm sao? Quậy là đánh ghen đó, bợp tay vào mặt con quỷ cái giựt chồng người khác, không thôi người ta nói mình ngu! Ủa, con quỷ đó đâu có giựt chồng của tui, tại chồng tui theo nó đó chớ!

Hết nói nổi bà khùng này luôn!

Dân ở đây không có thói quen ăn sáng, nhưng từ khi có quán, tụi học sinh sáng nào cũng tạt vào bỏ bụng mỗi đứa một cái rồi mới đi học, cũng có khi dân đi ruộng, gác kèo ong chơi sang rủ nhau vào… ăn chịu, để đó đợi bán lúa, bán mật ong trả một lần. Chiều tối dân trong rừng từ lúc có quán bánh xèo cũng siêng đi chơi đêm, nói đi chơi cho sang chớ huỵch toẹt ra là đi ăn bánh xèo ở kênh Một Rưỡi rồi về ngủ. Mà chẳng lẽ chỉ ăn bánh xèo suông thì cũng vô duyên, vậy là kêu vài xị đế để đưa cay. Vậy là cũng xỉn như ai!

Bánh xèo ở cầu kênh Một Rưỡi chỉ bằng bàn tay xòe của người lớn, vài cọng giá ốm tong teo, vài ba miếng thịt không đáng gọi là thịt vì chỉ cỡ đầu đũa ăn. Lớp bột mỏng dính như lớp phấn của cô gái nhà nghèo từ nhỏ đến lớn lần đầu tiên được người yêu mua cho hộp phấn trang điểm rẻ tiền bằng tiền bán cá cắm câu hồi đêm. Cô chỉ dám dùng mỗi lần một ít, chỉ khi nào đi chơi với người yêu mà thôi, dè sẻn đến nỗi lúc cô dùng phấn hay không dùng phấn thì người khác cũng chẳng thấy khác biệt là bao. Chỉ có người yêu cô là biết rõ, vì anh ta đi sát bên… nên ngửi được mùi.

Ấy là khi ăn đến no nê, béo ngậy mồm miệng thực khách mới dám xì xầm chê bai món bánh xèo ở cầu kênh Một Rưỡi và đem nó ra so sánh với món bánh xèo ở chợ tỉnh – thứ mà có lần họ từng nếm thử với giá cắt cổ (hoặc chỉ nghe loáng thoáng từ người khác). Bánh xèo ở ngoài tỉnh chỉ dòm thôi là đã thấy thèm, đã có cảm giác no nê lan tỏa khắp người, chiếc bánh tròn trịa mập mạp, đầy đặn, vàng hực, tươm đầy dầu mỡ, phần nhân thịt thì khỏi nói, thịt đúng là thịt. Nói chung, bánh ở cầu kênh Một Rưỡi chẳng là cái nghĩa địa gì cả…

Ấy là khi họ ăn no. Ngày hôm sau, chính cái người chê nhiều nhất lại đến sớm nhất ngồi đồng ở quán để chờ cái bánh xèo đầu tiên vừa rời chảo.

Dân rừng tràm cho rằng nguyên nhân là do món rau rừng.

Thật lòng mà nói thì mấy loại rau này có thể tìm thấy bất cứ đâu, trong vườn nhà, cặp mé ao đìa, dọc hai bên đường đi, ven bìa rừng… Khi đó chúng chưa được coi là rau mà chỉ là những loại cỏ khả dĩ ăn được khi trong nhà không còn thứ rau nào khác để bỏ vào miệng. Nhưng khi những loại cỏ đó hiện diện trên bàn ăn trong quán bánh xèo ở cầu kênh Một Rưỡi thì lại khác rồi, chúng đường hoàng được gọi một cách trang trọng là rau: rau the, lá lụa, lá chòi mòi, lá cát lòi, lá cơm nguội, lá cách…

“Đố cha thằng nào vô đây ăn bánh xèo mà dám kêu rằng: Ê, chủ quán cho một rổ cỏ coi!” – Bảy “lưu linh” dằn mạnh chai rượu xuống bàn trước mặt thằng Tuấn “đèo” miệng mồm đang nhồm nhoàm dầu mỡ. Mày thử nói coi, đây là rau hay cỏ? – lão Bảy chỉ tay vô mớ rau đang chạy vô miệng thằng Tuấn, còn tay kia thì dứ dứ chai rượu trước mặt thằng Tuấn. R…a…u! – Tuấn “đèo” phồng mang trợn mắt cố ực một tiếng, đẩy mớ rau xuống cổ họng, thở hổn hển. Vậy rau có ngon không? – Bảy “lưu linh“ vẫn chưa chịu buông tha thằng nhỏ. Dạ, rau ngon, ngon lắm!

Coi mòi Tuấn “đèo” đã muốn xỉu, lão Bảy mới kề miệng phả sặc sụa mùi rượu vô sát tai thằng Tuấn: Nói cho mày biết, trước khi hái rau bao giờ tao cũng đái vô gốc cây một lượt, bởi vậy mới ngon, mày mà hở răng ra với ai là chết với tao!

Bảy “lưu linh” tên thật là Bảy Linh nhưng vì nhậu như hũ chìm nên được dân rừng tràm lấy luôn tên của ma men lưu linh để đặt cho. Lão Bảy là mối duy nhất cung cấp rau cho quán bánh xèo cầu kênh Một Rưỡi. Ngoài khả năng uống rượu như uống nước lã ra, lão còn là một con ma rừng đệ nhứt xứ tràm.


(Xem tiếp bên dưới)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Quán bánh xèo ở bìa rừng tràm
(tiếp theo và hết)

Bảy “lưu linh” luôn là mục tiêu truy đuổi của lực lượng kiểm lâm vì lão chuyên lén lút tận khu vực rừng cấm để gác kèo ong mật. Đối với lão, rừng tràm là cái hộc tủ của riêng mình. Cần dùng thứ gì là xách dao vô rừng, chỉ một buổi đem ra ôi thôi cá mắm, rùa rắn, mật ong. Lão chỉ bán đủ tiền để mua gạo, mắm muối, vài thứ lặt vặt cần thiết cho nhu cầu tối thiểu của một lão già độc thân. Còn lại Bảy “lưu linh” đem đổi rượu hết.

Lực lượng kiểm lâm nhiều lần điên đầu với con ma rừng này, nhất là vào mùa khô hạn, thông báo cấm vào rừng gác kèo ong đối với lão ma rừng dường như chỉ là một lời nói chơi không hơn không kém. Cấm buổi sáng thì đến trưa đã thấy lão lót tót luồn lách để chui vào cái tủ của mình. Kiểm lâm rượt đuổi rần rần phía sau thì đằng trước Bảy “lưu linh” lúc ẩn lúc hiện sau những gốc tràm, lùm dây choại rậm rịt. Chỉ lát sau là mất dấu lão, chỉ vẳng lại tiếng léo nhéo khật khừ của Bảy “lưu linh” như trêu chọc: Làm gì dữ vậy tụi bây, tao vô thẻo cục mật về xài, lát ra liền, không có đem theo lửa khói đâu mà sợ cháy!

Cứ mỗi lần đổi rau là Bảy “lưu linh” lại được đầy một chai ba xị, cứ mỗi lần đem cái chai trống rỗng ấy đến quán là lão lại hù thằng Tuấn “đèo” một trận xanh mặt. Và chỉ có thằng Tuấn “đèo” mới sợ Bảy “lưu linh” chứ tụi con nít trong xóm coi lão như một gã hề, chọc cho đỡ buồn không hơn. Lý do để thằng Tuấn sợ Bảy “lưu linh” thì chỉ có lão với nó biết: đó là con ma men này đã bắt trúng tim đen của thằng nhỏ!

Có lần, Bảy “lưu linh” đem rau tới quán để đổi rượu thì bắt gặp thằng Tuấn “đèo” dòm không nháy mắt vô cổ áo con Lụa – con của chủ quán – đang dọn dẹp chén đũa trên bàn. Chết cha mày rồi con ơi! Đợi con nhỏ quay vô nhà, Bảy “lưu linh” mới túm lấy cổ áo thằng Tuấn “đèo”: Ê, dòm vú lén hả mậy? Đâu… đâu có đâu! Tui dòm hồi nào, ông già? Thằng Tuấn “đèo” mặt mày sượng ngắt. Khỏi chối, tao thấy hết, tao mà méc lại là con mẹ nó xé xác mày ra, sau đó báo lại với kiểm lâm…

- Báo kiểm lâm làm gì?

- Mày đúng là cái thằng điếc nhứt xứ, kiểm lâm vừa có thông báo thằng nào dám dòm vú con gái bất hợp pháp là đuổi khỏi rừng tràm. Nghe rõ chưa con?!

Bị đuổi khỏi rừng là tàn mạng, bởi Tuấn “đèo” không còn biết đi đâu nữa. Mười bảy năm trước nó đến nơi này trong chiếc giỏ đệm treo trên nhánh tràm dưới chân chòi canh lửa, may mà chưa bị kiến vàng cắn cho tới chết nhưng hình như ở trong giỏ lâu quá nên không lớn nổi mới còi cọc chết danh “đèo”.

Bây giờ mà bị đuổi ra khỏi nơi này chỉ vì cái tội dòm vú con gái bất hợp pháp thì đúng là lãng nhách. Thế nên nó đành ngậm bồ hòn với Bảy “lưu linh”, cho lão già này lên mặt với nó cũng chẳng mất mát gì miễn là nó còn được ở lại xứ này, mỗi sáng lại được gặp mặt con Lụa ở quán bánh xèo cầu kênh Một Rưỡi. Để được nghe con nhỏ này hỏi nó dẫu chỉ một câu cũ mèm, duy nhứt trong ngày: Ê “đèo”, mấy cái?

Một ngày nào đó của ngày nảy ngày nay, giữa mùa khô, có người trở về từ phía bên kia rừng tràm.

Nông phu về đòi lại những thứ thuộc về anh ta. Mấy công đất ruộng vẫn còn lởm chởm gốc tràm. Chiếc tivi màu mười bốn in mua hồi năm trúng lúa. Những thứ chia đôi được đều chia đôi, không từ cả nồi niêu xoong chảo, chén đũa…

Ngoại trừ người đàn bà đã quên mất tuổi của mình. Chị không còn là nông phụ nữa mà đã trở thành chủ quán bánh xèo ở kênh Một Rưỡi. Chủ quán bánh xèo thì chưa bao giờ là thứ thuộc về anh ta.

Nông phu vẫn còn nhớ mình có một đứa con gái, anh ta đưa mắt nhìn nó. Con Lụa cụp mắt xuống chảo bánh xèo bốc khói khét nghẹt. Cha tui chết rồi!

Nông phu thấy mình đã trở thành kẻ cướp, kể từ giờ phút này.

Chủ quán bánh xèo đi đâu? Đi đâu? Dân rừng tràm nháo nhác hỏi nhau khi sau cái ngày nào đó của ngày nảy ngày nay, nơi cầu kênh Một Rưỡi chỉ còn trơ lại cái xác nhà. Không còn bánh xèo. Không còn rau rừng. Không còn chỗ cho Bảy “lưu linh” đổi rau lấy ba xị rượu. Không còn con Lụa để thằng Tuấn “đèo” được nghe câu cũ mèm, duy nhứt: Ê “đèo”, mấy cái?

Không còn tất cả mà mới đây ở cầu kênh Một Rưỡi đã từng có.

Bảy “lưu linh” lại trở về như trước kia, luồn lách như ma trong rừng tràm và chơi trò trốn tìm với kiểm lâm.

Tuấn “đèo” chiều nào cũng đến chỗ cái xác nhà, ngồi y nguyên ngay chỗ cũ miệng lảm nhảm: Đổ cho tui ba cái bánh xèo, Lụa ơi! Kể từ đó chẳng còn ai nhớ cái tên Tuấn của nó nữa, dân rừng tràm đều gọi nó là thằng “Đèo khùng” đang thất tình con của chủ quán bánh xèo.

“Đèo khùng” nơi cái xác nhà hôm nào cũng mời khách đi đường tạt vô “ăn bánh xèo” và nghe nó kể chuyện ngày nảy ngày nay: về cái quán bánh xèo cầu kênh Một Rưỡi cùng mối tình không bao giờ lớn của mình với con Lụa. Con nhỏ đã nhiều lần “tỏ tình” với nó chỉ bằng câu: Ê “đèo”, mấy cái?

LÊ MINH NHỰT
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhiệm vụ tự nguyện


* NGÔ PHAN LƯU

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=477427
Minh họa: Hoàng Tường



TTCT - Tháng trước, con bò Bĩnh sinh được một chú bê con màu cà phê sữa. Con bê tuyệt đẹp. Lông toàn sắc nâu, mịn như nhung, đôi mắt to đen và hiền hậu vô cùng. Do màu lông, tôi đặt tên nó là Nu.

Con bê Nu là mối bận tâm và niềm hạnh phúc của cả nhà. Cả nhà nói ở đây là tôi đã có ý gộp con chó Ki vào. Con chó Ki già lắm rồi, lông ở trán và xung quanh mắt đã dài ra và bạc trắng. Già đến nỗi người trong nhà đi đâu về, nó đã quên ngoắc đuôi mừng rỡ. Già đến nỗi cứ nằm một chỗ, chẳng buồn ngó xung quanh.

Con vật cũng như con người, khi đã quá già, cuộc sống sinh động cứ như ở xa tít ngoài kia, không có ở nơi mình.

***



Nhưng từ ngày có con bê Nu, con chó Ki già không nhớ rằng mình đã già nữa. Nó không nằm một chỗ nơi góc hiên nhà. Nó đã tự nguyện nhận trách nhiệm trông chừng con bê Nu. Quyền lực nào buộc nó phải làm như vậy nhỉ? Tôi chào thua. Có lẽ nó thương con bê Nu mà ra thế. Nhưng cũng có thể con bò Bĩnh mẹ đã nhờ nó làm việc này chăng?

Gia đình tôi không thể nào biết được. Cuộc sống của súc vật ta nuôi, tuy rất gần gũi nhưng ta không thể nào biết được tầng sâu của chúng. Tầng sâu ấy có thể còn sâu hơn cả tầng sâu của cuộc sống chúng ta.
Vườn nhà tôi có trồng một đám cỏ nửa sào, thỉnh thoảng tôi tưới nước và vãi phân urê. Sáng nào tôi cũng đóng cọc vào đấy, cột con bò Bĩnh gặm cỏ, thả con bê Nu luẩn quẩn bên mẹ. Khi ấy, lập tức con Ki già chạy ra nằm yên ngay gốc xoài, dán mắt xuống đám cỏ, nơi có con Nu chạy nhảy lung tung. Con bê Nu và con chó Ki già quả là hai thái cực.
Cột xong con bò Bĩnh vào cọc, tôi liền đi vào nhà, khi ngang qua con Ki già, tôi luôn khom người xoa xoa đầu nó. Tất cả đều xảy ra trong im lặng và tràn đầy hạnh phúc. Hạnh phúc cũng giản dị không ngờ. Nó nằm ngay trong thói quen hữu ích hằng ngày. Nó ngọt ngọt như cơm vừa chín tới. Tôi không bao giờ chán cái hạnh phúc ấy, vì lúc nào tôi cũng thấy tương lai nằm ngay trong hiện tại.

Con bê Nu sẽ vững vàng lớn lên, tôi thấy rõ hằng ngày.

***



Đang ngồi trong nhà, loay hoay chữa chiếc gọng kính đeo mắt, tôi nghe tiếng con chó Ki già sủa dữ dội ngoài đường. Tôi lật đật ra cổng nhìn xem. Thì ra nó đang đuổi con bê Nu vào lại đám cỏ. Con bê Nu co giò chạy vào. Con chó Ki rượt theo. Khi con Nu đã vào lại đám cỏ, láo liên đứng nép bên mẹ, lúc ấy con Ki già mới lững thững lại gốc xoài nằm thở hổn hển.

Tôi đứng ngắm nhìn toàn cảnh với một niềm vui mảnh mai và tỏa rộng như khói cơm chiều vươn ra ngoài không gian, nhìn đã thấy no, buộc tôi phải nở nụ cười thành tiếng. Tôi cười hì hì. Tôi cười vẻ hốt hoảng của con bê Nu. Tôi cười vẻ giả bộ hung dữ mệt nhoài của con chó Ki già. Tôi cười con bò mẹ chả thèm nhìn, vì đấy không phải là tai họa. Và tôi bỗng thương chúng cực kỳ. Tất cả chúng đều là gia đình của tôi đấy.

Dĩ nhiên con vật mình nuôi mình phải thương, nhưng con chó Ki già, con Bĩnh và con bê Nu này, tôi thương chúng vô bờ. Hóa ra, cái hạnh phúc nhẹ nhàng tôi vừa cảm nhận lại có một nền tảng mãnh liệt đến thế. Tôi lại cười hì hì. Mình vừa cười điều gì nữa nhỉ? Chả biết. Cứ nghe sung sướng lởn vởn là cười. Thế thôi.

***



Vừa vào nhà chưa được năm phút, tôi lại nghe tiếng con chó Ki sủa nữa ở bên kia rào, hướng nhà ông Chín Mão. Tôi lại ra xem. Lúc ấy con bê Nu chun rào, vụt chạy về lại đám cỏ, đứng nép sát mẹ. Con bò Bĩnh thè lưỡi liếm liếm vào trán con Nu. Dường như tôi nghe tiếng nói của con bò Bĩnh trong không gian, những tiếng nói không lời: “Con không được chạy đi xa nữa nhé. Bác Ki già đánh đấy”.

Lúc này, con Ki già từ vườn nhà ông Chín Mão chạy thẳng về gốc xoài nằm thở. Nó nhắm mắt, há miệng, thè lưỡi thở gấp. Con chó Ki già đã thấm mệt. Tôi lại phải đi đến xoa đầu, an ủi con chó Ki già.
Suốt ngày không biết bao nhiêu lần như thế. Việc trông chừng con bê Nu đã làm cho con Ki già mệt lử.

Việc này, cả nhà tôi đều thấy rõ và xót lòng.

***



Một hôm trong bữa cơm, không thấy con Ki già nằm bên cạnh. Tôi nhớ ra mình chưa dắt bò vào chuồng. Tôi vội ra đám cỏ dắt chúng vào chuồng để cho uống nước. Lúc ấy, con Ki già mới chịu vào nhà.

Đang ăn, vợ tôi như nghĩ ra được điều gì, hớn hở nói: “Chiều nay tôi đi chợ mua sợi dây, nhờ ông Bảy thắt mỏ gió, cột vào đầu con bê Nu, rồi buộc vào cọc là yên chuyện. Con Ki già sẽ khỏe xác thôi”.

Tôi ngạc nhiên nhìn vợ. Quả là một ý nghĩ tài tình. Tôi phấn khởi: “Đúng thế - tôi thò tay xoa đầu con Ki già nằm bên cạnh, nói tiếp - Mày sắp hết khổ rồi, con ạ”.

Chiều hôm đó, gia đình tôi thi hành ngay. Tôi không biết cách thức thắt mỏ gió nên phải nhờ ông Bảy xóm Rế. Đó là cách cột vòng dây vào cổ, vào mõm, rồi vòng ra hai bên thái dương để lên trán, với một độ lỏng vừa phải. Bị giằng kéo, chiếc mỏ gió ấy không làm nghẹt thở mà vẫn không sút ra khỏi đầu con bê Nu. Bò lớn không cột như thế được. Bò lớn phải xỏ khoen mũi rồi mới cột dây vào.

***



Tưởng đã yên chuyện, nhưng con chó Ki vẫn không vào nhà nằm. Nó vẫn nằm tại gốc xoài, dán mắt trông chừng con bê Nu không thể chạy đi đâu được vì đã mang mỏ gió và buộc dây vào cọc.

Vào khoảng nửa buổi sáng, con chó Ki già chạy vào nhà sủa gấp và cắn ống quần tôi kéo đi ra ngoài. Khi ra, nhìn vào đám cỏ, tôi thấy con bê Nu bị dây quấn vào chân, không đi được và đã té nhào, nằm thở phì phò. Mẹ nó, con bò Bĩnh đã thôi gặm cỏ, ngước mắt nhìn trân trối. Tôi chạy ra đám cỏ, gỡ dây ra khỏi chân trước và chân sau con bê Nu. Tôi vuốt ve nó một chặp rồi đi vào nhà.

Con Ki già lại đi trở về gốc xoài nằm nghỉ. Khi đi ngang nó, tôi khòm người xoa đầu. Ừ, nhiệm vụ của nó bây giờ có khỏe hơn, nhưng vẫn cứ còn nhiệm vụ. Nhiệm vụ chạy vào nhà báo động khi con Nu bị quấn dây vào chân.

Con Ki già đã kiên trì làm nhiệm vụ ấy không sao nhãng. Con bê Nu vừa dính dây là nó chạy vào nhà sủa toáng lên. Niềm thương của con Ki già dành cho con bê Nu tôi có thể sờ được. Đây là một điều khẳng định. Đến cả cỏ cây cũng phải gật đầu.

***



Khoảng tháng sau, con Ki già lâm bệnh. Nó nằm luôn nơi gốc xoài, không vào nhà. Loài chó ta nuôi ở quê có một điểm đặc biệt làm chúng ta phải rớm nước mắt. Đó là khi bệnh, nó không bao giờ vào nhà. Nó lủi thủi nằm ngoài vườn. Con chó Ki già đã hoàn toàn bỏ ăn. Tôi khuấy sữa đổ vào đĩa, đặt sát mồm, nó cũng không buồn liếm.

Cái chết đang lừng lững tiến tới con Ki già. Không gì ngăn cản được. Vào một buổi chiều, nắng xỏ tai gay gắt, khi tôi ra thăm chừng con Nu có dính dây hay không thì thấy con Ki già đã chết. Xác nằm co quắp và nhỏ lại đến không ngờ.

***



Con bê Nu sau quá nhiều lần xoắn dây vào chân, nay cũng đã khôn rồi. Vừa vướng dây, nó đã dừng lại, rảy chân cho dây rớt ra.

***



Tôi dùng xà beng đào một hố sâu sát chân góc rào. Vợ tôi lấy những tấm áo cũ lâu nay không mặc đưa tôi bọc xác con Ki trước khi đặt xuống hố và lấp đất.

Nhìn ra đám cỏ, thấy con bò Bĩnh và con bê Nu nghếch cổ nhìn tôi. Cứ thế, chúng không gặm cỏ, chúng im lặng đứng nhìn. Chúng nhìn tôi trong im lặng.

Vẫn biết mọi sinh vật đều hữu hạn thời gian rồi cũng sẽ rời mặt đất. Con chó Ki già cũng đã tròn một kiếp. Nhưng trong một tích tắc, thời gian vẫn như khựng lại, và, tất cả xung quanh đều phủ đầy im lặng, vô cùng...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Câu chuyện con Ki già làm thật cảm động. Đọc và nhớ đến con Rốt già của nhà NT. Nhớ mỗi ngày mấy vòng nó chạy ra cổng đón, đưa NT đi làm, về nhà. Nhớ những hôm sểnh cổng nó trốn chạy ra ngoài chơi, lúc về, đôi mắt nhìn NT lấm lét, dáng đi cóm róm, đầy vẻ hối lỗi. Nhớ lần nó ốm, cũng không chịu nằm trên hiên mà ra sau chỗ gốc cây vú sữa, chỗ yêu thích mà nó vẫn nằm, nghếch mặt nhìn vào phòng-chỗ NT ngồi bên máy tính-như mọi ngày. Nhớ cái chiều sau cùng của cuộc đời, dù đã nằm liệt hai hôm, thấy NT đi làm về, nó gượng đứng lên trên đôi chân run rẩy, ra đón lần sau cuối, đôi mắt đầy vẻ trìu mến. NT đã mừng đến chảy nước mắt, vì nghĩ chắc nó đã có thể vượt qua... Vậy mà đêm đó nó đã ra đi, ngay chỗ nằm gần bên cửa sổ phòng máy tính của NT...
Từ đó đến nay cũng đã gần một năm rồi nhưng NT vẫn nhớ nó, có đêm còn nằm mơ thấy nó đứng sủa váng ngoài cổng đòi vào nhà, mừng, ngỡ như là thật!
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Chằn Shrek

Vodanhthi đã viết:

Nhiệm vụ tự nguyện


* NGÔ PHAN LƯU

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=477427
Minh họa: Hoàng Tường

...Khoảng tháng sau, con Ki già lâm bệnh. Nó nằm luôn nơi gốc xoài, không vào nhà. Loài chó ta nuôi ở quê có một điểm đặc biệt làm chúng ta phải rớm nước mắt. Đó là khi bệnh, nó không bao giờ vào nhà. Nó lủi thủi nằm ngoài vườn. Con chó Ki già đã hoàn toàn bỏ ăn. Tôi khuấy sữa đổ vào đĩa, đặt sát mồm, nó cũng không buồn liếm.

Cái chết đang lừng lững tiến tới con Ki già. Không gì ngăn cản được. Vào một buổi chiều, nắng xỏ tai gay gắt, khi tôi ra thăm chừng con Nu có dính dây hay không thì thấy con Ki già đã chết. Xác nằm co quắp và nhỏ lại đến không ngờ.

Vẫn biết mọi sinh vật đều hữu hạn thời gian rồi cũng sẽ rời mặt đất. Con chó Ki già cũng đã tròn một kiếp. Nhưng trong một tích tắc, thời gian vẫn như khựng lại, và, tất cả xung quanh đều phủ đầy im lặng, vô cùng...
Nhà Chằn cũng có con Ki già tới...18 tuổi! Năm ngoái nó còn ...sanh ra 2 con đẹp lắm! Không biết ngày sau sẽ ra sao nữa?...

http://i1211.photobucket.com/albums/cc432/ltritham/kiki.jpg
Con Ki già của nhà Chằn...

Shrek - Chằn Tinh Xanh yêu thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nguyệt Thu đã viết:
Câu chuyện con Ki già làm thật cảm động. Đọc và nhớ đến con Rốt già của nhà NT. Nhớ mỗi ngày mấy vòng nó chạy ra cổng đón, đưa NT đi làm, về nhà. Nhớ những hôm sểnh cổng nó trốn chạy ra ngoài chơi, lúc về, đôi mắt nhìn NT lấm lét, dáng đi cóm róm, đầy vẻ hối lỗi. Nhớ lần nó ốm, cũng không chịu nằm trên hiên mà ra sau chỗ gốc cây vú sữa, chỗ yêu thích mà nó vẫn nằm, nghếch mặt nhìn vào phòng-chỗ NT ngồi bên máy tính-như mọi ngày. Nhớ cái chiều sau cùng của cuộc đời, dù đã nằm liệt hai hôm, thấy NT đi làm về, nó gượng đứng lên trên đôi chân run rẩy, ra đón lần sau cuối, đôi mắt đầy vẻ trìu mến. NT đã mừng đến chảy nước mắt, vì nghĩ chắc nó đã có thể vượt qua... Vậy mà đêm đó nó đã ra đi, ngay chỗ nằm gần bên cửa sổ phòng máy tính của NT...
Từ đó đến nay cũng đã gần một năm rồi nhưng NT vẫn nhớ nó, có đêm còn nằm mơ thấy nó đứng sủa váng ngoài cổng đòi vào nhà, mừng, ngỡ như là thật!
Vài dòng cảm nhận của Nguyệt Thu tương đương với một truyện mini đấy. Bạn nhìn lại xem có đúng không?
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chằn tinh Shrek đã viết:

Nhà Chằn cũng có con Ki già tới...18 tuổi! Năm ngoái nó còn ...sanh ra 2 con đẹp lắm! Không biết ngày sau sẽ ra sao nữa?...

http://i1211.photobucket.com/albums/cc432/ltritham/kiki.jpg
Con Ki già của nhà Chằn...

Nhìn ảnh con Ki của bác Chằn, thấy trong lòng cứ... làm sao. Tôi thích lũ ki, nhưng không nuôi được em nào vì không có chỗ ở ổn định.

Thế con Ki nhà bác nó... ăn rau à? Phải chi bác lấy góc ảnh rộng hơn một tí, tôi sẽ thử đoán xem nhà bác ở khu nào của Sài Gòn. Cây cột cổng bị bong tróc là vì bác lùi ôtô vào và va quẹt?  :)

Hôm tôi đi Cần Giờ, có bạn này đến làm quen nè:

http://i974.photobucket.com/albums/ae227/ssunyata/Xa%20hoi%20va%20cuoc%20song/838122d9.jpg
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Âm bản chiến tranh

* VŨ NGỌC TIẾN

(Trích từ tập truyện "Rồng đá" của Nhà xuất bản Đà Nẵng)

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/VHVN/RongDa_Bia.jpg



Rừng chiều lạt nắng, hầm hập oi nồng. Cơn mưa rào chợt đến, làm dịu bớt cái nóng khủng khiếp của miền tây đất Quảng. Cái thứ nắng nóng như rang khô đám lính của tiểu đòan suốt nhiều ngày đêm lầm lũi đưa pháo lên tận ngọn núi Chảo Lớn triển khai trận địa, chờ lệnh phát hỏa, tiêu diệt cứ điểm Cà Tang, mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng huyện lỵ Quế Sơn. Đói, khát và sức nặng của những khẩu pháo 105 ly tháo rời đã vắt kiệt sức lực từng người. Trong mưa, từ quan đến lính, tất thảy trần truồng như nhộng, thỏa thê tắm mát và uống thứ nước ngọt trời cho để quên đi những cái bụng lép kẹp đang thèm cơm, thèm sắn. Người ta khi đã cởi truồng ra rồi thì ai cũng hiền khô, hồn nhiên đến kỳ lạ. Vậy nên khi D trưởng An chạy đến bên Luận, dáng người lòng khòng, của nợ kia thì lõng thõng bên đùi, khác hẳn với D trưởng An oai nghiêm, thét ra lửa thường ngày, anh không sao nhịn được, cười đến gập người, thắt ruột. Ông vẫn thản nhiên ra lệnh, còn Luận thì cứ ngỡ ông đùa:

- Tiểu đội trinh sát của cậu mau tập hợp, có nhiệm vụ gấp.

- Lệnh gì lúc này hở thủ trưởng?

- Đài quan sát vừa báo có một tốp dân địa phương đi làm rẫy, đang trú mưa ở gốc cây, gần trận địa pháo của ta.

- Thế thì sao ạ!- Luận ngúng nguẩy đùa dai, còn thủ trưởng thì quắc mắt.

- Lại còn sao với giăng gì nữa. Lộ mẹ nó hết cả bây giờ chứ bỡn à. Họ có 10 người: 5 ông già, 2 thiếu nữ và 3 thanh niên. Các cậu khẩn trương bao vây, tiếp cận, một kèm một, khống chế và trói họ lại, canh giữ cho hết đêm nay, đợi ta nổ súng đánh xong cứ điểm Cà Tang thì thả cho họ về. Nhớ ôn tồn giải thích thật khéo, mình là quân giải phóng, không được làm gì vi phạm chính sách dân vận…

- Rõ!...

Luận chợt hiểu ra tính chất nghiêm trọng của sự việc. Anh nhao đi tập hợp đám lính trinh sát đang tỏa ra đùa nghịch như quỷ sứ, tán dóc với lính pháo thủ ở từng khẩu đội. Có 2 chiến sĩ bị cảm nhẹ, còn lại vừa khéo 10 người đi làm nhiệm vụ. Ai nấy chỉ mặc độc chiến quần xà lỏn, mang theo dây thừng, dao găm và súng ngắn, nom hung dữ chẳng khác gì thám báo ngụy. Tất cả khép thành vòng cung, tiến dần về phía mục tiêu. Cách chừng vài trăm mét, Luận đưa ống nhòm quan sát, quả có đúng 10 người như lời D trưởng. Họ đều ăn mặc theo lối dân tộc Cơ rông, một tộc người rất thiểu số ở miền tây Quảng Nam. Chẳng hiểu vì sao, đôi tay anh cứ run run rê ống kính nhìn ngắm kỹ 2 cô gái. Một cô cao to, vai bè, tướng đàn ông. Cô kia, anh nuốt nước bọt đánh ực, mắt đờ ra ngây ngất vì vẻ đẹp hoang dại. Dáng người thon, đôi vai để trần, ngực tròn căng, mắt nai ngơ ngác… Chợt cô gái phát hiện ra anh đang cầm ống nhòm, vội thét to:

- Thám báo Mẽo đấy, chạy mau!

Cả tốp người nháo nhác tản ra tứ phía, chạy thục mạng. Luận ra lệnh:

- Đuổi theo. Mỗi người nhằm một đối tượng, đừng chồng chéo nhau, làm thật gọn như kế hoạch đã bàn ở nhà.

Dứt lời, Luận chồm lên lao theo hướng cô gái. Số phận xui khiến 2 cô gái tách riêng, chạy về phia bờ suối. Anh cũng kịp nhận ra người chạy cùng hướng với mình là A phó Phát. Bất giác Luận mỉm cười hiểu ra lý do, chỉ A trưởng và A phó mới có ống nhòm, thảo nào... Anh cố hết sức chạy vượt lên để giành phần chộp lấy cô gái mắt nai. Cuộc dượt đuổi trong cơn mưa rừng quyết liệt và hung bạo như con sói đói hồng hộc chồm theo chú thỏ non ướt nhóet. Nhưng khi vồ được nàng rồi thì Luận xuống sức thở gấp. Có lẽ cả tháng trời anh đói triền miên, mỗi bữa chỉ có muôi cháo loãng và hai mẩu sắn bé như ngón chân cái làm sao vật nổi cô gái sơn cước săn chắc, lại được ăn no, ngủ kỹ. Sự thèm muốn đụng chạm với da thịt đàn bà làm anh lú lẫn, quên bẵng mình còn có dao găm, súng ngắn khống chế con mồi. Lăn lộn, cào xé nhau hồi lâu thì cô gái đọat được dao găm, ngồi chồm hỗm lên bụng anh, quắc mắt, dí lưỡi thép vào cổ họng. Thế là tong đời một cách nhục nhã! Anh nghĩ vậy và thở dài chờ chết, nước mắt ứa ra, gọi khẽ hai tiếng mẹ ơi!... Hình như cô gái nhận ra giọng Bắc, thóang ngạc nhiên, nhưng vẫn gằn giọng hỏi:

- “Giải phóng” à?

- Ừ, giải phóng quân, quê miền Bắc.

- Sao “giải phóng” lại đi cướp hiếp đàn bà?

- Không phải đâu. Giải phóng quân đưa pháo lên núi, sắp bắn vào cứ điểm Cà Tang để giải phóng Quế Sơn.

- Thế thì sao nữa?

- Cán bộ thấy em và mấy người kia đi làm rẫy về, đứng trú mưa sát gần trận địa, sợ bị lộ bí mật quân sự nên lệnh cho bọn anh bao vây, tạm giữ đồng bào hết đêm nay, chờ đánh trận xong sẽ thả về nhà thôi.

- Thật vậy không?

- Thật mà, thám báo Mẽo hay quốc gia làm sao biết nói giọng Bắc, tin anh đi…

- Hèn gì đàn ông mà ốm nhom, vật đàn bà cũng không nổi, sức đâu mà cướp hiếp. Rõ tội nghiệp!

- Tại tụi anh đói quá, với lại đã quen ôm đàn bà vật lộn thế này bao giờ đâu.

- Hí hí… hí…, quân mình đánh lẫn quân ta, em cũng là du kích chứ bộ…

Cô gái quăng con dao găm, cười khúc khích. Tiếng cười làm nàng rung lên, mông của nàng vì thế cứ nhay đi nhay lại trên bụng chàng trai chưa từng biết đến mồ hôi đàn bà chua mặn thế nào trong đời. Thóat cơn hiểm nghèo, giờ Luận lại được đê mê vì sung sướng. Anh nhắm nghiền con mắt, tận hưởng một thứ khóai cảm kỳ diệu. Đôi bờ mông của nàng hình như cứ trôi dần, trôi dần xuống dưới. Luận mở to mắt, bàng hòang không tin được đó là sự thật. Lúc vật lộn, anh đâu ngờ miếng vải gai quấn trên ngực nàng đã bị bung ra, rơi mất, để lộ đôi bầu vú trắng nõn, cao vồng, núm vú đỏ hồng như một chấm son, phập phồng lên xuống theo nhịp thở. Chiếc váy người dân tộc thực ra cũng chỉ là tấm vải quấn quanh người che phần dưới, khép chờm hai mép vải ở đằng trước. Giờ nàng đang ngồi dạng chân trên bụng anh nên nó như được mở toang và người dân tộc đâu có biết dùng đồ lót. Luận nhìn thấy rõ cả một vùng cấm tam giác đang mời gọi. Bản năng giống đực làm cái của nợ trong quần xà lỏn tự do nổi lọan, bất chấp kỷ luật dân vận của D trưởng dặn dò lúc giao nhiệm vụ. Cái đầu Luận bảo đừng mà bên dưới thì … cương lên. Cô gái cũng cảm nhận được sự cương nở ấy, thóang đỏ mặt, nhưng… thích… Nàng cười rất hồn nhiên, chống hai tay lên cỏ, từ từ cúi xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối, buông thả cho mọi sự cuồng nhiệt, đê mê diễn ra sau đó. Suốt một đêm, giữa rừng xanh kỳ bí, họ thành Êva và Adam, quấn vào nhau lăn lộn nhiều lần, quên đói, quên mệt, quên cả tiếng pháo 105 ly rầm trời bắn vào cứ điểm Cà Tang, chỉ thấy tràn trề lạc thú nơi hoang dã…

* * *



Cái đêm vụng về, bị động tập làm đàn ông trước giờ tiểu đòan nổ súng là những khoảnh khắc thần tiên nhất trong đời, nhưng vì hai chữ lập trường ám ảnh, buộc Luận phải cố quên nó. 33 năm thoắt qua đi, mỗi lần nhớ đến D trưởng An, nhớ đến Phát, anh phải cảm ơn số phận cho mình cái cơ hội nếu có chết như Phát cũng đã biết mùi đời. Dù đói, mệt, nhưng sức trai tuổi 20 vẫn đủ cho anh hưng phấn quá tam ba bận. Sáng dậy, biết tên cô gái là Hơ Miêng, tên một lòai hoa dại của núi rừng, anh sung sướng cắn vào đùi non của nàng, đòi thêm một lần cuối, trước lúc chia tay. Chỉ cách một bờ ruộng, anh chứng kiến thằng Phát A phó không được như vậy. Nó còn mất lập trường hơn anh, úp mặt vào chỗ ấy gào lên vì sung sướng, gọi tên các thủ trưởng xem ai sướng hơn nó. Nhưng nó vừa qua trận sốt rét còn đâu sức lực, chỉ sau một lần đã nhọc phờ, trên bảo dưới không nghe, đành bất lực làm tình bằng tay, bằng lưỡi. Khổ nỗi cô gái của nó tên Hơ Ngoan mà chẳng hiền, mỗi lần bị Phát kích động nàng lại cong người rú lên những âm thanh điên dại, rồi chồm dậy đè lên người nó, dùng cái của mình nhay đi nhay lại mãi cái của Phát đang héo rũ, không sao ngóc lên được. Chuyện mất lập trường này chỉ hai thằng biết, sống để bụng, chết mang theo, hở ra là tong đời. Phát chết vì một mảnh bom B52, khi đơn vị rút khỏi huyện lỵ Quế Sơn, chuyển quân về Sơn Bình, gần ngã ba sông Thu Bồn và sông Trường. Tội nghiệp cho nó chết vào lúc 3 giờ sáng, chắc là đói lắm. Hồi chiều, đơn vị hết gạo, mỗi thằng chỉ được ăn nửa bát ngô bung vàng khè, hạt to và cứng như răng ngựa. May mà nó còn kịp được biết tý chút mùi đời. Phát chết rủi cho nó, nhưng cũng có phần may cho Luận vì cái tội mất lập trường kia chỉ còn là bí mật của riêng anh. Nói vậy thì đểu và bất nhẫn lắm lắm ! Song “một miệng thì kín…”, cổ nhân đã dạy rồi. Phát là thằng bạn tốt nhất trần đời của Luận. Nó cùng học khoa lý, trường đại học Tổng Hợp Hà Nội với anh, cùng nhập ngũ một ngày. Trong tiểu đội trinh sát, nó luôn giành phần việc nặng, việc nguy hiểm thay cho Luận. Đi dã ngọai, kiếm được miếng ăn tươi nó luôn mang về dúi vào màn của anh. Ăn vụng lúc ngủ cũng nhục lắm, song ở đời khi người ta đói cũng có lúc đành chấp nhận. “Đồ ăn thì ít, chia ra tất cả cùng đói, chi bằng để một thằng no.”- Phát thường động viên bạn như vậy. Chỉ có điều tính Phát hay lô bô ba la, hứng lên nếu nó lỡ mồm khoe với thằng nào chuyện Luận với Hơ Miêng thì còn đâu cái thành tích lập trường vững vàng bấy lâu anh khôn khéo ẩn mình, được các thủ trưởng biểu dương nhiều lần. Nói như Bảo, cái thằng lính trinh sát nổi tiếng gan dạ, đa tài nhất tiểu đòan: “Hai tiếng lập trường nghe mơ hồ, trìu tượng và thối khắm nhất mày ạ! Nó là cái con C gì cơ chứ ? Ấy thế mà suốt cả một thời gian khổ, oanh liệt, nó bỗng thành thứ vũ khí hiểm độc để người ta vùi dập hay tâng bốc một con người cụ thể.” Nạn nhân của hai chữ lập trường đau nhất cũng là Bảo. Chuyện xảy ra chẳng đáng gì phải kết tội, phê bình, kỷ luật, nhưng Luận ngày ấy đã không dám can đảm đứng ra bênh vực cho chiến sĩ trinh sát ưu tú của tiểu đội mình.
    Tháng 3 năm 1975, các khẩu đội pháo 105 ly của tiểu đòan được lệnh bao vây, khống chế sân bay Đà Nẵng và bến cảng Tiên Sa, không cho địch rút chạy an toàn. Bảo đã gan dạ chỉ huy một nhóm bám sát mục tiêu, tính tóan chính xác tọa độ, giúp các khẩu đội trưởng kết toán góc độ và hướng bắn. Lẽ ra Bảo được tuyên dương anh hùng, thưởng Huân chương chiến công, không may giữa lúc ta ăn mừng chiến thắng, anh vớ được bộ quân phục thủy quân lục chiến ngụy còn mới cứng, sẵn có máy ảnh chiến lợi phẩm, anh mặc đồ của ngụy, chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm nên bị quy tội mất lập trường, chịu án kỷ luật khá nặng. Vì thế, sau ngày thống nhất, Luận được giải ngũ tiếp tục vào đại học rồi đi làm nghiên cứu sinh ở Nga; còn Bảo vẫn ở lại đơn vị, tiếp tục đánh trận ở biên giới Tây- Nam. Điều làm cho Luận khổ tâm, thương bạn nhất là khi gặp lại Bảo ở chiến trường về, thấy anh bị thương đúng vào chỗ hiểm, mất khả năng làm thằng đàn ông. “Lính ta ra khỏi cuộc chống Mỹ, vấp phải lũ lính nhãi ranh 14- 15 tuổi của Khơ Me đỏ mà phải gọi chúng là bậc “Cụ” về chiến tranh du kích, mày ạ !”- Bảo ôm chầm lấy bạn chua chát nói. Anh đi trinh sát bị vướng mìn, các chuyên gia y học lão luyện ở Viện 103 cũng chỉ có thể tạo hình bằng cách nối thêm vào cái ấy của anh một mẩu nhựa, không đủ thỏa mãn đàn bà nên 3 lần cưới vợ rồi, 3 lần phải ly dị. Từ lính pháo tầm xa đầy uy lực thời chiến, nay anh thành “lính pháo phòng không” thời bình.

* * *


{còn tiếp)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] ... ›Trang sau »Trang cuối