Trang trong tổng số 41 trang (410 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [26] [27] [28] [29] [30] [31] [32] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Khoảnh khắc quyết định cả đời người



TTCT - Một bà cụ tuy còn rắn rỏi nhưng giả vờ đau bệnh rên la để xin tiền. Hình ảnh này không còn mới và không hiếm. Chính vì vậy mà Hùng, anh bạn cà phê sáng của tôi, xùy một phát, khoát tay bảo bà cụ đi đi.

Và theo thói quen, Hùng phát biểu một câu đại loại như “tui rành ba cái trò này lắm rồi, làm bộ năn nỉ xin xỏ vậy chớ trở về quê bả đúc nhà hai tấm”.

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Xa%20hoi%20va%20cuoc%20song/Nghe%20thuat%20song/541103.jpg
Minh họa: Bích Khoa



Về phần mình thú thật tôi rất khó xử, không thể nói theo Hùng mà cũng chẳng phản đối được. Nhưng Hùng làm tôi nhớ lại một chuyện xưa.

Đó là trong một đại giảng đường đại học, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể ghé vào dự thính mà không cần đăng ký, không nhất thiết phải là học viên của bộ môn ấy, tôi trông thấy một cô gái đặc biệt. Đặc biệt bởi vì cô ta toát ra một vẻ rất căng thẳng, các ngón tay cử động liên tục, tuy nhìn chằm chằm vào người giảng nhưng rõ ràng là cô không theo dõi nội dung. Tình hình đó diễn ra gần hết tiết học, cho đến khi tôi bỏ ra ngoài trước, không nghĩ sẽ gặp lại cô gái giữa hàng ngàn sinh viên.

Tản bộ qua khúc quanh trổ ra bãi giữ xe, tôi suýt bị cô gái ấy đâm sầm chiếc xe xì-cút-tơ vào. Vì thắng gấp nên xe bị nghiêng và chồng sách để dưới chân, chỗ bửng gầm xe, đổ ùa xuống đất. Nam sinh viên thì phải galăng, vừa nhặt nhạnh tất cả sách vở giùm cô, tôi vừa sắm sẵn nụ cười “hào hoa” nhất cho tình huống.

Nhìn tôi trân trối tựa như tia nhìn trong giảng đường khi nãy, cô nhận lại sách vở và lí nhí điều gì đó mà chắc chắn không phải là lời cảm ơn. Xong rồi thôi, đường ai nấy đi, tôi không còn gặp lại cô trong khuôn viên trường nữa.

Vài tuần sau, khi có việc phải đi bộ qua cầu Thị Nghè, tình cờ tôi bắt gặp nhiều tài liệu giấy tờ bị gió cuốn vướng vào chân. Theo phản xạ, tôi nhanh tay chụp lại được gần hết, vỗ vỗ tạm cho ngay ngắn, đứng lên để trả lại cho khổ chủ và... gặp lại cô gái ấy. Xem như đã quen nhau, tôi bông đùa rằng hình như trời sinh tôi ra là để góp nhặt đồ của cô.

Thời đó Sài Gòn ít xe, thời tiết dễ chịu nên tôi đứng nán lại, dựa vào thành cầu để nói vài câu chuyện phiếm với cô, xong rồi chia tay mà chẳng nghĩ đến hồi tái ngộ. Mà như thế thật. Bởi vì khoảng 20 năm sau tôi chẳng gặp lại cô. Một tối nọ, tôi đang tần ngần trước quầy bán báo ở “khu phố Tây” quận 1 bỗng một phụ nữ lao đến ôm, gục vào vai tôi nức nở. Thoạt tiên tôi chẳng biết mái tóc thơm phức ấy là ai, mãi sau khi nàng ngước lên tôi mới biết là cô gái trên cầu.

Tất nhiên là kéo nhau vào quán gần nhất để hỏi thăm tình hình. Bây giờ nàng là trưởng đại diện cho một tập đoàn nước ngoài. Thành đạt, đã lập gia đình và hoàn toàn hạnh phúc với chồng con. Buổi tối đó đã cho tôi biết rằng hôm ngồi trong giảng đường một cách vô hồn, nàng đã nuôi ý định tự sát. Và hôm ở trên cầu là nàng sắp thực hiện ý định đó.

“Bởi vì các hoàn cảnh khi xưa quá cay nghiệt khiến em nghĩ rằng tất cả mọi người đã ruồng bỏ mình, huống chi là có người giúp đỡ. Nhưng may sao, chỉ trong thời gian ngắn ngủi đứng nói chuyện trên cầu, anh đã thay đổi quan niệm sai lầm của em...”.

Nghe tôi kể xong, Hùng im lặng một lúc rồi buột miệng: “Vậy đâu có gì liên quan đến vụ bà lão ăn mày?”.

Chờ đã. Tôi lại kể Hùng nghe việc bác sĩ Tấn, ba của bạn Hiển hồi lớp 7. Ngồi ở phòng ngoài nhà Hiển, trong khi chờ bạn ra, tôi nghe lóm hai cha con nói chuyện. Biết rằng Hiển vừa cho tiền một bà ăn xin, bác Tấn hỏi Hiển đã cho bao nhiêu. Chẳng đợi nghe trả lời, bác Tấn khuyên con nên cho một món tiền, mà lúc đó tôi ước lượng là mua được một ổ bánh mì thịt.

Bác bảo “phải gửi người ta mức tối thiểu mua được một món ăn”. Bác nhìn nhận việc hành khất giả dạng là có thật, nhưng chẳng thà mình cho lầm còn hơn là phải hối hận. Khi Hiển hỏi hối hận là hối hận việc gì, bác ôn tồn khuyên: “Con thử giả định bà ấy đã đi xin từ sáng đến giờ mà chưa được gì để giải quyết cơn đói. Biết đâu bà ta nhủ thầm rằng đến ông khách này, nếu xin không được thì bà ta sẽ tự sát vì vô vọng?”.

“Rồi con sẽ biết, nhiều khi chỉ trong khoảnh khắc không ngờ trước, con sẽ cứu được mạng người”.

NHẬT THANH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cỏ xanh còn dấu “bà đầm”



TT - Căn biệt thự mướt màu cỏ xanh và ngập những giò phong lan của ông bà Dương Quang Thiện vốn đã rất yên tĩnh, hôm nay lại càng yên tĩnh hơn sau một thoáng lao xao. “Bà đầm” đã đi xa, lần này là mãi mãi.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=565421
Ông bà Dương Quang Thiện đã tham gia đóng góp cho chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ liên tục suốt 20 năm qua - Ảnh: Nguyễn Công Thành



Những hồi ức của ông Dương Quang Thiện về “bà đầm” thương yêu một đời của mình tuôn chảy dào dạt hơn bao giờ, khác hẳn vẻ kín đáo, lặng lẽ của ông thường ngày. Từ chuyện những ngày đầu khi bà là một cô giáo ở Thụy Sĩ, ông là một du học sinh nghèo. Mới gặp, bà đã yêu và... tự động đi đăng ký học tiếng Việt. Mỗi tuần, ông viết cho bà một bài học. Mỗi tuần, ông tập cho bà nấu một món ăn Việt. Để rồi cuối cùng bà đã ăn suốt tuần, suốt tháng, suốt năm những món ăn Việt Nam.

Chương trình đầu tiên
Ông kể: “Có lần tôi hỏi: Sao bà lại yêu tôi? Bà đầm bảo: Vì anh là một sinh viên nghèo mà lại biết thương những người nghèo khác, biết yêu đất nước của anh”. Hôm nay, trước linh cữu bà, ông cười ngất mà mắt rưng rưng khi nhắc chuyện xưa: “Trong sách vở về tình yêu đâu có câu nào như thế đâu phải không? Vậy mà bà đầm đã yêu tôi vì thế, và bà cũng yêu luôn cả nước Việt Nam của tôi”.

Là kỹ sư điện toán của Hãng IBM với lương cao ngất ngưởng, năm 1965 ông Dương Quang Thiện quyết định về Việt Nam giữa bom lửa, khói đạn. Ông nói: “Đất nước tôi còn nghèo, sẽ cần tôi hơn là các nước đã phát triển”. Bà đầm gật đầu theo ông về Việt Nam. Và bà đã cả đời làm một người vợ Việt Nam.

Từ đó, cái tên Dương Quang Thiện bắt đầu nổi tiếng. Là người đặt những viên gạch đầu tiên cho công nghệ thông tin Việt Nam. Là người viết những cuốn sách gối đầu giường của “dân tin học”. Là người luôn đau đáu với việc đưa công nghệ thông tin vào quản trị hệ thống... Và danh xưng “ông bà Dương Quang Thiện” còn nổi tiếng hơn với tư cách nhà tài trợ các học bổng cho sinh viên, các lớp học, các cây cầu, các chương trình khuyến học suốt mấy mươi năm.

“Chương trình đầu tiên chúng tôi tham gia là học bổng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ năm 1989. Năm ấy, chúng tôi lần đầu tiên có được một món tiền kha khá, là tiền lương hưu trí từ Thụy Sĩ gửi về cho bà đầm” - ông Dương Quang Thiện nhớ lại. Việt Nam vừa trải qua một thời kỳ “thật gian khó”, vòng vây cấm vận quốc tế vừa được tháo bỏ, có khoản tiền từ nước ngoài gửi về, bà đầm không dùng để sắm sửa, cũng không mua vé máy bay về thăm gia đình. Bà nhớ ngay đến những nguyện vọng sâu kín trong lòng ông, lý do bùng cháy tình yêu của bà bao năm về trước. Bà đọc báo và cùng ông tìm đến báo Tuổi Trẻ.

Đôi lần “bà đầm” không lặng lẽ
Từ đó, ông bà đã trở thành “nhà tài trợ chuyên nghiệp”. Tiền lương hưu của bà, tiền viết sách của ông được lên kế hoạch sử dụng tỉ mỉ, chi li cho từng suất học bổng, từng công trình tài trợ. 20 năm ròng rã góp tay cho chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, tám năm tài trợ học bổng cho Đại học An Giang, mười mấy năm đóng góp cho quỹ khuyến học của báo Sài Gòn Giải Phóng... Những người tổ chức chương trình thường hay lui tới nhà ông bà ai cũng nhớ cảnh bà mỉm cười đi trao học bổng tận tay sinh viên, lặng lẽ gật đầu đồng tình lúc ông dặn dò: “Chúng tôi không làm từ thiện, chúng tôi đầu tư cho các em, là đầu tư cho tương lai”.

Bà âm thầm tự cắt may từng cái áo, váy, tự đi chợ, nấu những bữa ăn nhiều rau ít thịt, giữ gìn những ghế mây, bàn gỗ suốt mấy chục năm trời để tiết kiệm, dành tiền cho các kế hoạch “lấy giáo dục nuôi giáo dục”. Bà rỉ tai nhắc ông trả lời khi có người cắc cớ hỏi vì sao không giàu có mà lại mang tiền đi lo chuyện bao đồng: “Đó là việc mà chúng tôi chọn để làm, giống như ăn cơm hằng ngày vậy mà”.

Cái tên của bà, Agnès Dương Quang Hofsterter, chỉ xuất hiện trong các giấy tờ hành chính. Đi đến đâu, đóng góp chỗ nào cũng chỉ một danh xưng “ông bà Dương Quang Thiện”... Thật là khác với tưởng tượng của nhiều người, kể cả người thân của ông bà, về phong cách của một “bà đầm”. Và thật giống với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “xuất giá tòng phu”.

Bà vẫn giữ quốc tịch Thụy Sĩ, vẫn nói tiếng Pháp, nhưng lại chính là một người vợ Việt Nam là như thế.

“Ấy vậy mà cũng có đôi lần bà ấy không lặng lẽ...” - ông Dương Quang Thiện nhớ lại. Ấy là một lần phóng viên nước ngoài đến phỏng vấn bà với tư cách một người nước ngoài ở lại Việt Nam sau chiến tranh, trải qua cả thời kỳ bao cấp khốn khó. Suốt hai giờ trò chuyện, bỗng bà “chỉnh” ông nhà báo: “Tôi trả lời ông trung thực, có chuyện tốt chuyện xấu. Tại sao lúc tôi nói chuyện tốt không thấy ông ghi chép, nói chuyện xấu thì ghi lia lịa?”. Ông nhà báo gãi đầu phân trần, rồi sau đó bài báo đã được đăng theo đúng ý bà, có tốt có xấu. Một lần khác là khi ông ngỏ ý thôi tài trợ cho sinh viên ĐH An Giang sau sáu năm liền cấp học bổng để chuyển sang trường khác, bà đã nghiêm mặt: “Sinh viên An Giang còn nhiều khó khăn lắm”. Chỉ thế thôi, “và ý của bà với tôi luôn là mệnh lệnh” - ông cười.

Vậy mà hôm nay bà đã đi xa rồi. Ông vẫn ở lại bên thảm cỏ, bàn viết và vẫn tiếp tục các chương trình “ông bà Dương Quang Thiện - lấy giáo dục nuôi giáo dục”.

PHẠM VŨ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Tiệc đêm trong nhà vệ sinh



Người phụ nữ làm thuê ở gần nhà ông chủ. Đó là một gian trong ngôi nhà mái bằng cũ nát. Chị là một người mẹ sống đơn thân, có một đứa con trai bốn tuổi.

Hàng ngày, chị dậy sớm giúp chủ nhà thu dọn, mọi việc xong chị trở về nhà mình. Chủ nhà thường mời chị ở lại, nhưng chị từ chối. Bởi vì chị là một người phụ nữ làm thuê, nên vô cùng tự ty.

Hôm ấy, chủ nhà mời rất nhiều khách đến ăn cơm. Khách mời người nào cũng ngời ngời rạng rỡ. Chủ nhà nói với chị làm thuê: “Hôm nay chị có thể vất vả thêm một chút, có thể về nhà muộn hơn một chút được không?”
Người phụ nữ nói: “Dạ được ạ, nhưng con trai không thấy tôi ở nhà, cháu sẽ sợ hãi.”
Chủ nhà nói: “Thế thì dẫn cháu đến đây đi, biết đâu hôm nay sẽ có những điều lạ”.
Khi ấy trời đã hoàng hôn, khách mời sắp đến hết. Chị làm thuê vội vàng về nhà, dẫn con trai đến. Con trai hỏi: “Chúng ta đi đâu hả mẹ?”.
Người mẹ nói: “Mẹ cho con đi ăn tiệc đêm!”.
Đứa bé bốn tuổi đâu có biết mẹ mình là một người làm thuê.
Chị làm thuê dẫn con trai vào thư phòng của nhà chủ. Chị nói: “Con hãy ở yên trong này đã, bây giờ bữa tiệc tối vẫn chưa bắt đầu”.
Sau đó, chị làm thuê đi vào nhà bếp, nấu ăn, bổ hoa quả , pha cà phê, tất bật luôn tay. Luôn luôn có khách nhấn chuông, chủ nhà hoặc chị làm thuê phải chạy ra mở cổng. Có lúc, chị tranh thủ vào thư phòng xem, vẫn thấy con trai đang ngồi yên ở đấy. Con trai hỏi: “Mẹ ơi! Tiệc đêm khi nào bắt đầu ạ?”
Chị làm thuê nói: “Đừng nóng ruột, con cứ ngồi yên ở đây, đừng có nói năng gì”.

Nhưng, luôn luôn có khách đến thăm thư phòng của chủ nhân. Họ biết bé trai là con của người phụ nữ làm thuê, hay là không biết? Các vị khách thân thiết xoa đầu bé trai, sau đấy lục xem những cuốn sách của chủ nhà, và luôn miệng tấm tắc khen những bức tranh treo trên tường. Đứa bé trước sau vẫn ngồi yên, nóng lòng đợi bữa tiệc đêm bắt đầu.

Chị làm thuê hơi không yên tâm. Chỗ nào cũng có khách, chị không biết giấu con trai đi đâu. Chị không muốn con trai chị làm hỏng không khí vui vẻ của buổi tiệc. Càng không muốn đứa con trai thơ ngây biết sự khác nhau giữa chủ nhà và người làm thuê, giữa người giầu và kẻ nghèo.

Nghĩ mãi, chị quyết định gọi con trai ra khỏi thư phòng, đưa con vào nhà vệ sinh. Ngôi nhà có hai cái toa-lét, một cái của ông chủ, một cái dành cho khách.
Chị nhìn con trai, chỉ vào chiếc bồn cầu trong toa-let: “Đây là gian phòng dành riêng cho con” - Chị nói: “Đây là cái ghế!”
Lại chỉ vào cái bàn giặt bằng đá hoa, chị nói tiếp: “Đây là một chiếc bàn”.
Chị lấy từ trong bụng ra hai cái xúc xích, đặt vào đĩa.
“Cái này là của con đây!” - Người mẹ nói: “Bây giờ tiệc đêm bắt đầu!”.
Chiếc đĩa chị lấy trong nhà bếp của nhà chủ còn xúc xích chị mua trên đường về nhà (đã rất lâu chị không mua cho con trai xúc xích). Khi nói những lời này, chị làm thuê ráng sức kìm lại những giọt nước mắt. Không còn cách nào khác, toa-lét của chủ nhà là chỗ yên tĩnh duy nhất lúc này.
Con trai chị lớn lên trong cảnh nghèo khó, từ trước đến giờ cậu chưa từng nhìn thấy ngôi nhà nào xa hoa lộng lẫy như thế này, càng không nhìn thấy nhà vệ sinh sang trọng. Cậu không biết bồn cầu giật nước, không biết bàn giặt bằng đá hoa. Cậu ngửi hương thơm thoang thoảng của bột giặt và xà phòng thơm, cảm thấy hạnh phúc vô chừng. Cậu ngồi xuống sàn, đặt đĩa lên trên nắp bồn cầu. Cậu nhìn chăm chăm không chớp mắt vào những lát xúc xích bày trong đĩa, hát những lời ca tự mừng cho mình.

Khi tiệc đêm bắt đầu, đột nhiên chủ nhân nhớ đến con trai của chị làm thuê. Ông đi vào nhà bếp hỏi, chị làm thuê nói chị cũng không biết, có lẽ là nó chạy đi chơi chăng.
Chủ nhân thấy ánh mắt chị làm thuê có vẻ giấu giếm, bèn lặng lẽ đi tìm.
Cuối cùng, ông lần theo tiếng hát, thấy cậu bé đang ở trong toa-lét. Khi ấy, cậu bé đang đưa một miếng xúc xích vào miệng. Ông đứng ngây người ra.
Ông hỏi: “Cháu nấp ở trong này làm gì?”.
Cậu bé nói: “Cháu dự tiệc đêm ở đây, bây giờ cháu đang ăn tiệc”.
Ông hỏi: “Cháu có biết đây là chỗ nào không?”
Cậu bé nói: “Đương nhiên cháu biết chứ! Đây là phòng mà ông chủ buổi tiệc dành riêng cho một mình cháu”.
Ông hỏi: “Có phải mẹ cháu nói với cháu như vậy phải không?”.
Cậu bé nói: “Đúng thế, thực ra không cần mẹ nói, cháu cũng biết, đây là gian phòng tốt nhất mà chủ nhân bữa tiệc chuẩn bị cho cháu”.
Rồi cậu bé chỉ vào những miếng xúc xích trong đĩa: “Cháu hy vọng sẽ có một người cùng cháu ăn những món này”.
Mũi chủ nhân thấy cay cay, chua chua, không cần hỏi thêm nữa, ông đã hiểu rõ tất cả.
Ông lặng lẽ quay về bàn tiệc nói với tất cả các vị khách: “Xin lỗi các vị, hôm nay tôi không thể tiếp tục cùng các vị ăn bữa tối nữa, tôi phải tiếp một vị khách đặc biệt!”.
Sau đấy, ông lấy hai đĩa thức ăn trên bàn tiệc. Đến toa-lét, ông lịch sự gõ cửa. Sau khi được cậu bé cho phép, ông bước vào, đặt hai đĩa lên trên nắp bồn cầu.
Ông nói: “Gian phòng đẹp như thế này, đương nhiên không thể để cháu một mình hưởng thụ, chúng ta sẽ cùng nhau ăn tối!”.
Hôm ấy, ông và cậu bé nói rất nhiều chuyện. Ông muốn cậu bé tin tưởng rằng, toa-lét là gian phòng tốt nhất trong ngôi nhà này. Hai người ăn rất nhiều, hát rất nhiều bài trong toa-lét. Liên tục có khách gõ cửa, chào hỏi ông chủ và cậu bé.
Họ mang tới mời ông chủ và cậu bé những cốc nước hoa quả thơm ngon và những cánh gà quay vàng ươm. Họ tỏ ra rất lịch sự và nhiệt tình. Sau đấy, họ đòi cùng vào trong cái toa-let nhỏ xinh, hát mừng cậu bé. Thái độ của mọi người đều rất chân thành, không có ai coi đây là một trò vui tếu táo.

Nhiều năm sau, cậu bé đã trưởng thành. Anh có công ty riêng, có một ngôi nhà khang trang, cũng có hai cái toa-lét. Anh bước vào xã hội thượng lưu, trở thành tỷ phú.
Hàng năm, anh đều trích ra một khoản tiền lớn cứu trợ những người nghèo, nhưng anh không bao giờ tổ chức những buổi quyên góp, ủng hộ, càng không cho những người nghèo biết tên của anh.
Có người bạn hỏi về lý do, anh nói:
- Tôi luôn luôn ghi nhớ một buổi tối nhiều năm trước, có một vị nhà giầu cùng rất nhiều người khác, đã vô cùng cẩn trọng bảo vệ lòng tự tôn của một cậu bé bốn tuổi!.

Chu Hải Lượng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ở ẩn trong mắt tri âm



SGTT.VN - Người xưa từng nói “Đại ẩn tại triều, trung ẩn tại thị, tiểu ẩn tại lâm tuyền”, ý nói: người ở ẩn giỏi là người ẩn giữa chốn quan trường; kế đến là người sống giữa phố xá mà lòng vẫn giữ được thanh sạch, bình thản; người ở ẩn kém nhất chính là người tìm chốn non xanh nước biếc để trốn đời.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=174458
Tác giả (trái) bên một bạn tri âm



Thời nay, cái sự đi tìm bình yên còn khó hơn. Làm “tiểu ẩn” cũng không xong, vì thói quen đòi hỏi tiện nghi, hoặc thấy người khác có tiện nghi mà thèm… đã thấm vào máu mỗi người.

Tôi không phải là kẻ ham ở ẩn. Trong mắt những người quen biết, tôi là kẻ ưa xung sát, tranh đấu, tự đày ải mình bởi những trách nhiệm đôi khi không chắc nhất định phải gánh lấy.

Rồi một ngày, tôi bỗng nhận ra những năng nổ, những tả xung hữu đột… chỉ mang lại mỗi ngày nhiều thêm những muộn phiền, những điều bất như ý. Tôi tự hỏi mình: thực ra tôi là ai? Tôi muốn gì?

Hoá ra điều tôi muốn giản dị vô cùng: một tri âm tri kỷ. Chỉ cần người tri âm hiểu mình, là mọi cơn bão lòng, mọi cay đắng hờn tủi đều lắng hết. Thậm chí cả lúc trắng tay, cả lúc tai tiếng đến không muốn gặp ai nữa, chỉ cần một ánh mắt đầy tin tưởng của người tri âm, là tôi lại mỉm cười, lại thấy đời đáng sống.

Nhưng ai là tri kỷ của mình?

Tôi thường nghĩ nếu có ai đó tìm được người tri âm tri kỷ, thì đó phải là kẻ được trời ban phước. Nhưng ngẫm lại, nếu mình không mở lòng để người khác hiểu mình, thì làm sao giữa biển người mênh mông kia thấy được một ánh mắt tri kỷ? Vậy là trước hết ta lại phải tin cậy cuộc đời đã. Phải mở lòng cảm thông, chia sẻ với nhân quần. Và trong muôn vàn cái “cho đi”, thế nào cũng có ít nhất một trái ngọt để “nhận về”.

Tôi tạo dựng góc bình yên cho mình trong ánh mắt tri âm ấy. Và kỳ diệu thay, tôi có không chỉ một người tri âm. Góc bình yên của tôi là ở đó, với nguyên tắc bất di bất dịch: ai đó ngoài kia có thể hiểu sai một hành vi của tôi, còn những người tri âm thì không bao giờ nghi hoặc về tấm lòng cũng như sự chân thành mà tôi dành cho cuộc đời này, và cho chính họ.

Đã chớm bước vào dốc bên kia cuộc đời, trong tôi vẫn ngập tràn năng lượng sống, chính nhờ cái bình yên mà tôi đang thụ hưởng.

Trịnh Thanh Nhã (biên kịch)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Của để dành



TT - Chiều, tôi dẫn nhóm bạn thành phố ra mé sông gần nhà. Hiếm khi dân thành thị được dịp về quê câu cá nên cả bọn hồ hởi, tay cầm xô, tay cần câu, kẹp thêm cái vợt với quyết tâm kiếm mớ cá.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=568710



Ra tới sông, các bạn nữ trải bạt xuống cát, các bạn nam nhanh tay móc mồi vào cần câu. Chuẩn bị xong đâu đấy, cả bọn lau chau thả câu, ríu rít trò chuyện. Thỉnh thoảng có người la váng, mừng húm tuy con cá câu được chỉ tẹo tèo teo. Hơn một tiếng đồng hồ, chưa tới mười con cá con tội nghiệp dính câu. Một bạn nữ thở dài: “Mớ này chắc chỉ đủ dầm nước mắm me làm đồ nhắm cho mấy ông nhậu”...

Ào, một đợt sóng tràn đến chỗ chúng tôi. Cả bọn quay sang nhìn. Gần đó, một thanh niên mặc áo thun rách cổ đang kéo một tấm lưới lên bờ. Cả bọn reo lên, chỉ trỏ khi nhìn thấy hàng chục con cá quẫy đạp trong lưới. Người thanh niên từ tốn gỡ từng con cá ra và... thả lại xuống sông. Cả bọn ngỡ ngàng. Một người bạn ngạc nhiên: “Sao kỳ vậy anh?”. Anh chàng kéo lưới cười khì: “Cá nhỏ quá ăn sao được. Thả xuống, mai mốt nó lớn lên rồi mình bắt. Bắt riết tụi cá con này mai mốt còn cá đâu mà ăn”. Chúng tôi lặng thinh, tay cầm cần câu rụt rè hẳn lại. Mươi phút sau, khi anh lủi thủi vác lưới trở ngược ra sông, chúng tôi lục đục xếp bạt, vác cần mang về, lặng lẽ thả mớ cá xuống sông.

Sử dụng các sản vật của thiên nhiên một cách vô tội vạ là biểu hiện khá phổ biến ngày nay. Người ta chẳng ngại ngần săn bắt hay mua bán những con cá còn nhỏ. Ta còn mừng rơn khi mua được những con cá bụng mang đầy trứng ngoài chợ. Chẳng có ai phạt khi ta ăn hay bắt những con vật đang mùa sinh sản. Hiếm có ai nhắc ta rằng nếu được sống thêm một thời gian ngắn, những con cá này sẽ sản sinh ra hàng trăm ngàn con cá khác. Thậm chí ở nhiều nơi, người ta còn thẳng tay bắt cá bằng những tấm lưới có mắt nhỏ nhất, bằng thuốc nổ, bằng điện... mặc cho hàng trăm loài thủy sinh khác chết hoài phí, từ cua cá đến rong rêu. Đến khi nào tất cả chúng ta mới ý thức được điều này, để cá nói riêng và sản vật thiên nhiên nói chung là nguồn lợi còn mãi của con người.

Chúng tôi được học hành, đến từ thành phố, tự coi mình văn minh là thế mà xử sự không bằng một anh chàng kéo lưới nhà quê nghèo khó. Anh đã dạy cho chúng tôi bài học về cách hành xử văn minh của con người hiện đại.

HÀ THANH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Gương tốt nên học



TTO - Sáng nay trên đường từ quê ra Đà Nẵng học, ngồi trên xe buýt Hội An - Đà Nẵng, tôi bắt gặp một câu chuyện mà cách hành xử của những người trong cuộc rất đáng lưu tâm.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=569997
Hai thanh niên Tây chủ động nhường ghế ngồi, sau đó nhường chỗ ngồi dưới sàn rồi đứng



Chuyến xe này đông nghịt người, những hành khách bắt xe dọc đường của tuyến này chỉ còn mỗi tư thế đứng vì chỉ có khách đón ở bến mới có ghế ngồi.

Xe chạy đến ngã ba Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc thì có hai bà lão tuổi ngoài 70 lọ mọ bước lên xe.

Lúc đó hàng ghế phía cuối xe có vài ba thanh niên người Việt và hai thanh niên người nước ngoài.

Hai cụ bà ngồi bệt xuống sàn.

Những thanh niên Việt thay vì nhường ghế lại ngồi im. Hai chàng trai Tây ngồi gần đó đã đứng dậy, giúp hai cụ ngồi vào ghế và sau đó hai anh chàng này ngồi bệt xuống sàn xe.

Đi được một đoạn đến ngã tư Điện Ngọc lại có một cụ bà bắt xe, hai chàng trai Tây tiếp tục đứng dậy nhường chỗ ngồi cho bà cụ.

Một bài học cho chúng ta, những người vốn vẫn được răn dạy “kính trên nhường dưới”.

THANH BA
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.
sao bạn haibivaco lại gửi bài này vô đây! có diễn đàn : mẹo vặt cho mọi người mà, bạn chuyển đi hộ mình nhé!
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

Tình bạn

Hai người bạn đi trên đường vắng vẻ. Đến một đoạn, họ có một cuộc tranh luận khá gay gắt và một người đã không kiềm chế được giơ tay tát vào mặt bạn mình. Người kia bị đau nhưng không hề nói một lời. Anh viết trên cát: "Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt tôi".

Họ tiếp tục đi, đến một con sông, họ dừng lại và tắm ở đấy.

Anh bạn kia không may bị vọp bẻ và suýt chết đuối, may mà được người bạn cứu. Khi hết hoảng sợ, anh viết lên đá: "Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu sống tôi".

Anh bạn kia ngạc nhiên hỏi: "Tại sao khi tôi đánh anh, anh viết trên cát, còn bây giờ anh lại viết trên đá?"

Mỉm cười, anh trả lời: "Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng ta hãy viết điều gì đó trên cát, gió sẽ thổi bay chúng đi cùng với sự tha thứ... Và khi có điều gì đó to lớn xảy ra, chúng ta nên khắc nó lên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xoá nhòa được...”

Hãy học cách viết trên cát và trên đá.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Phượng Hoàng _Lửa đã viết:
"Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng ta hãy viết điều gì đó trên cát, gió sẽ thổi bay chúng đi cùng với sự tha thứ... Và khi có điều gì đó to lớn xảy ra, chúng ta nên khắc nó lên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xoá nhòa được...”
Viết & Xoá

Giờ tất cả viết trên Internet
Yêu thương, ân nghĩa, tức giận, hận thù...
Nếu muốn xoá sạch sành sanh tỳ vết
Ta chỉ cần nhờ mô đê ra tơ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

van2011

Món quà tặng mẹ
Truyện ngắn  Thái Bá Tân

Không biết bao giờ và ở đâu, nhưng có người đã kể tôi nghe một câu chuyện thế này:

Một thanh niên đến hỏi mua quả gì đấy ở một bà bán hàng nọ. Bà kia, khi thấy bảo là mua cho mẹ, liền vội vàng chọn cho anh ta một quả to nhất, ngon nhất và nói:
- Từ sáng đến giờ biết bao người mua hàng của tôi, nhưng anh là người đầu tiên hỏi mua cho mẹ. Vì lòng tốt của anh và vì người mẹ đã sinh ra anh, tôi xin biếu anh quả này...

Bây giờ, bất chợt nhớ đến câu chuyện trên, tôi đi lại một bà bán dừa, bảo bà ta chọn cho tôi một quả thật ngon, nhắc to hai lần là để mang về Diễn Châu cho mẹ.
Bà bán dừa ngước nhìn lên, suy nghĩ một lát rồi thản nhiên bảo tôi:
- Mua cho mẹ thì anh phải tự mình chọn lấy. Và cũng không nên quá nhiều lời như thế về món quà anh sắp tặng mẹ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 41 trang (410 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [26] [27] [28] [29] [30] [31] [32] ... ›Trang sau »Trang cuối