Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

THƠ FACEBOOK
LẠ MÀ QUEN


Đọc thơ của ông cha mình, tôi thấy lớp người trước đau đớn, thương yêu chân thật lắm, sâu lắng lắm và tuyệt nhiên chẳng tù mù, cầu kỳ, rắm rối chút nào về ngôn ngữ. Thơ của ông cha mình thốt ra thật sự từ cõi lòng, không mượn vay ai cả, chính vì vậy đã trở nên thật gần với nhân dân, tồn tại cho đếnh ngày nay. Đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… Tất cả đều là những thi hào, thi bá sáng toả trên vòm trời thơ của đất nước, và hậu thế đọc trong từng con chữ là những đau đớn lòng, như cảm nhận của chính thân phận mình.

Từ xưa đến nay, các nhà thơ được nhân dân kính trọng, yêu mến khi nhà thơ có những tác phẩm mang nỗi buồn vui và khát vọng của mọi người. Dù không tự nhận là nhà thơ, nhưng người đọc rất công bằng . Đó là những kẻ nông, kẻ chợ, kẻ sĩ những con người khổ đau, chân lấm, tay bùn lam lũ mưu sinh cả đời , tầng lớp nầy đã định giá chính xác ai là thi nhân của họ. Chính là họ, không ai khác, đã thầm lặng bầu chọn ra anh hùng và nhà thơ cho dân tộc mình. Và, những gì mọi người tự nguyện bầu chọn ra, tự nguyện ghi tâm khắc cốt mới lâu bền, mới trở thành giá trị thi ca muôn thuở của đất nước.

Tài năng nào, tài năng đến mấy cũng phải gắn với chữ Tâm mới mong toả sáng lưu truyền. Cốt lõi chữ Tâm chính là lòng Thiện, diễn giải giản dị như thơ của bình dân là
Thương người như thể thương thân

Lòng Thiện ấy, như Nguyễn Trãi từng viết:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,


Như Nguyễn Du từng khóc:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng,


Như Hồ Xuân Hương từng cảm:
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi…


Nói gì thì nói đặc trưng của ngôn ngữ thơ vẫn là biểu đạt tình cảm. Làm thơ là để thông qua hình tượng ngôn ngữ để nhà thơ gửi gắm cái tình, cái chí của mình trong đó. Điều này cũng xưa cổ nhưng bất tử như văn học của mỗi dân tộc

Không nhất thiết có thơ đăng báo, thơ xuất bản thành tập và phải là hội viên hội nhà văn thì mới là nhà thơ. Chính xác. Bởi lẽ thời các bậc tiền bối như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan đâu có thơ in báo, in tập như bây giờ, chủ yếu là được lưu truyền, đó mới là giá trị tồn tại đích thực nhất của thơ.

Lâu nay, chắc chắn có rất nhiều người âm thầm làm thơ, không cần thiết như tôi đã bày tỏ. Vài năm trở lại đây, nhất là khi trang mạng Facebook trở nên phổ biến trên toàn thế giới, có không ít người xem đó là tờ báo tự do nhất, nhiều người viết nhất, nhiều người đọc nhất thì thơ cũng đến với Facebook nhiều nhất. Ở Việt Nam, bên cạnh tên tuổi các nhà thơ quen thuộc xuất hiện trên facebook như một điều hẳn nhiên vì ngày nay, sách báo đều không mặn mà lắm với thơ, báo viết ít in thơ, thơ xuất bản thì không ai mua, chủ yếu là để tặng. Facebook là nơi nhà thơ gửi thơ của mình đến với người đọc. Và như thế thơ trên Facebook đã tạo được một phong trào thơ Facebook , kích thích người yêu thơ sáng tạo. Thơ Facebook giống như cơ hội để những người yêu thơ chia sẻ, giãi bày cảm xúc.

Gọi khan ngàn tiếng lỡ làng
Sắt se buộc lấy võ vàng vào tim
Cuối trời vệt nắng im lìm
Rưng rưng thắp nhớ đốt tình chưa quên

Đốt tình
Thanh Thuỷ Nguyễn

Em biết không, khoảng lặng của lời thơ
Dấu chấm lửng cách chia dòng ngôn ngữ
Khoảng lặng ấy gợi lên bao suy nghĩ
Tuỳ mỗi người có cảm xúc khác nhau

Khoảng lặng
Sương Khói Mây

Cõi riêng riêng có một mình
Tâm tư ai hiểu một mình cõi riêng !

. …
Thoảng nhẹ thôi chút ngọt ngào
Có mùi yêu dấu có lao xao

Không đề
Vĩnh Thanh

Sau cay đắng chắc sẽ là vị ngọt
Yêu đời đi, yêu hết thảy mọi người
Sau cái chết chắc sẽ là sự sống
Thiên thu nào, ắt sẽ sinh sôi

Tư dỗ mình
Sói Đá

Đi dọc sông đời
Đếm từng xuân trôi
Đi dài những nổi
Nến tình đầy vơi

Chút suy tư
Nguyễn Thành Nhân

Đêm nay biển ơi
Sóng cồn dữ dội
Giờ nầy bão nổi
Gió cuốn tơi bời


Em như biển đời
Còn anh biển rộng
Trăng tàn gió lộng
Bão cũng đi xa

Biển đêm
Hồ Thanh Tịnh

Em xin một chút đam mê
Bên nhau đắm đuối …khát khao ái tình
Em xin gió hãy lặng thinh
Để tình hai đứa êm đềm ngày đêm

Em xin
Nguyệt Dương

Sự thăng hoa cảm xúc có thể đến bất chợt khi nhà thơ chưa ngồi trước bàn phím hay cầm bút.Tôi đã gặp lại Từ Kế Tường, Linh Phương, Hồ Chí Bửu, Hoàng Anh Tâm, Ngũ Yên… Những nhà thơ từng được xem là sứ giả của tình yêu và cuộc sống, giờ đây lại tiếp tục tiếp sức cho thơ facebook để bồi đắp, tiếp tế năng lượng cho tâm hồn, không chỉ cho một người mà cho nhiều người

Mười sáu tuổi em nuôi dài mái tóc
Để ngày xưa ở lại phía sau lưng
Ve cuối hạ kêu vàng trang vở học
Tình tôi trao trên cánh phương rưng rưng

Em mười sáu
Từ Kế Tường

Cầm tay
mà nhớ như điên
Đuôi con mắt biếc
thuyền quyên
rất tình
Sài Gòn bỗng chốc
lặng thinh
Khi nhìn hai đứa
chúng mình hôn nhau

Sài Gòn ngày anh hôn em
Linh Phương

Thêm mùa đông nữa buồn thiu
Vắng chi vắng ngắt xó chiều riêng tôi
Lơ ngơ ngó lũng ngó đồi
Nương trà xanh đấy mà người xanh đâu

Mùa phố dã quỳ
Nguyeễn Đăng Trình

Tôi đi tìm lại người dưng
Một thời lỡ dại ngập ngừng nói yêu
Tôi đi tìm lại buổi chiều
Buổi chiều đã để cho diều đứt dây

Đi tìm
Hồ Chí Bửu

Ta chở hồn ta về bến lạ
Vô minh một cõi, ngủ yên thôi
Dáng hoa, hài cỏ, đôi chân hạc
Cánh khói, sương mây nẻo cuối trời

Hư vô
Hoàng Anh Tâm

Mộng rớt bên sông tóc bạc màu
Về đi thôi ! Vội chiều bóng câu
Ngày trôi tàn cuộc đời hoang hoải
Quay quắt lòng ai cuộc bể dâu

Tứ tuyệt
Khôi Nguyên

Một ngày em bán rẻ ta
Ta thành vật lạ giữa nhà người dưng
Một ngày em đến rưng rưng
Mua gì vố giá xin đừng mua ta

Vô giá
Qua Xuân Nguyễn

Ta chờ em
đợi gió
gọi sương mù
mây giăng thấp cuối trời
Đất mũi
mây giăng thấp chưa đủ tầm tay với
nên suốt đời
ta cứ mãi yêu nhau

Yêu em Cà Mau
Thiên Hà

Nhìn vào gương xem thử
Khuôn mặt mình thế nào
Vẫn không gì khác lạ
Vẫn như ngày hôm qua
….
Măt mũi không có gì
Sao trái tim vẫn đau
Từng vết bầm sâu thẳm
Ê ẩm những đêm dài

Ta vẫn còn khao khát
Sống lại thời yêu thương
Tim ơi, đừng ngại nữa
Hãy hồi phục nhanh hơn

Soi Gương
Ngũ Yên

Post thơ trên facebook và được bình luận tự do nên trang nầy, sự thăng hoa cảm xúc của các nhà thơ đã khẳng định tên tuổi từ thập niên 70 thế kỷ 20 có thể đến bất chợt đến khi nhà thơ ngồi trước bàn phím hay cầm bút để hoài cảm, hoài niệm về một thời đã yêu, đã sống, giờ đây vẫn tạo được sự kết nối rộng rãi cho cộng đồng mạng facebook qua số lượt lick và comment Đó là một sự lan toả rộng và sâu trong lòng người đọc.

Thơ facebook cũng tạo suy nghĩ tác giả nghĩ nhiều hơn cảm khi làm thơ, ngẫm sâu, nghĩ kỹ thì cái sự nghĩ nhiều đó của không ít bài thơ trên mạng nầy không thể không mang rung động của người sáng tác, nói chi đến người đọc. Thơ vần, thơ không vần, thơ văn xuôi, truyền thống hay hiện đại cũng đều không vượt ra khỏi quy luật của cảm xúc, sự thăng hoa xuất thần của tâm hồn, là cơ hội để người sáng tác tìm gặp được những ý thơ, tứ thơ, câu thơ, bài thơ hay.

Đắm đuối đi…tiếc nuối gì ?
Rồi mai phút cuối…chia ly nghẹn ngào !
Tình còn lại những hư hao
Tháng năm ta tiễn hồn vào cõi mơ
Tiếc bên anh…tiếc hững hờ
Tiếc bàn tay nắm ngu ngơ…vụt tình !
Tiếc xuân qua…tiếc đời mình
Tiếc trăm năm để lạc hình bóng yêu.

Không đề
Thuỷ Nguyễn

Hà thành đêm lộng gió
Hoa sữa thơm hương đêm
Trăng Hà thành rụng xuống
Ngủ quên trên Hồ Gươm

Đêm Hà thành
Hoàng Thanh Tâm

Từ ngày Huế chẳng còn em
Mô răng chi rứa người đem giấu rồi
Bờ ao bụi chuối tôi ơi
Trổ buồng ly biệt cạn lời nhớ nhung

Từ ngày
Tiếng thời gian

Người ta đang nói nhiều tới sự cách tân trong thơ. Cách tân! Muốn thơ có mặt trong cuộc sống đương đại và cả mai sau nữa, không còn con đường nào khác phải cách tân. Nhưng sự cách tân không phải là đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm, tôn vinh thác loạn, đưa hủ bại lên ngôi. Sự cách tân không phải là đốt quá khứ trong nỗi ngông cuồng được trở thành sao chói lọi trên bầu trời thi ca. Cách tân xa lạ với tuỳ tiện, cẩu thả, rối mù, hủ nút, đánh đố người đọc. Cử nhân, thạc sĩ cho đến tiến sĩ văn học cũng chẳng cảm nhận nổi, không hiểu được tác giả nói gì trong bài thơ của họ. Chớ lầm tưởng rằng thơ hiện đại, thơ mới phải là thơ khó hiểu; thơ dễ hiểu thuộc về kiểu thơ cũ, thơ truyền thống.

Poet Hansy là một trong số các nhà thơ thuỷ chung với thơ vần điệu truyền thống

Trăng gió hữu tình huyễn ảo mây
Thoảng mơ dìu dặt nét mi gầy
Giăng nguyền thệ hải chao chùng ấy
Phả ước màn chăn hứa hẹn này
Rằng tỏ dạ tâm lờ lững ngậy
Nữa lèn thân não ngọt ngào lay
Hằng nga diễm tuyệt ngời cung cấm
Chăng sợi ái tình quáng mộng đây
HUYỄN KHÚC
Poet Hansy


Có gì là cũ đâu, lại còn độc đáo ở chổ bài thơ nầy của Poet Hansy là có thể đọc thuận hoặc đọc nghịch đếu được.

Thực ra khó hiểu hay dễ hiểu không phải là tiêu chí của thơ, mà thơ hay chính là sự lay động người đọc ở cảm xúc mạnh, ở tính đa nghĩa của hình tượng, ở sự hợp lý đắc địa của ngôn từ. Giá trị của thơ nằm ở việc phát hiện vấn đề, tìm và dựng tứ độc đáo, ở tính sáng tạo trong thiết lập cấu trúc bài, chọn lựa hình tượng khác lạ, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ nhuần nhuyễn đổi mới thơ và đề tài thơ.

Gặp trong thơ facebook với thơ Hoàng Thanh Tâm, ngoài đề tài muôn thủa là tình yêu, Hoàng Thanh Tâm đang làm mới từ đời thường của nội trợ thành thơ.

Bún riêu, bún ốc, bún thang
Bún cá Lã vọng họ hàng bún ta
Đi đâu cũng nhớ quê nhà
Sợi bún trắng nõn đậm đà hương quê

Bún ta
Hoàng Thanh Tâm

Thơ cần sự sáng tạo lại ngoài tác giả, để được truyền cảm, nhân lên trong những cảm thông, bênh vực, nâng đỡ không ngừng. Thơ gắn với đời, trong những lấm láp ruộng đồng, trong mặn mòi biển cả, trong khuất lấp nẻo rừng, trong xô bồ phố thị với từng hớn hở hay đớn đau của cuộc sống, bắt đầu từ một đến mười, mười đến một trăm rồi nghìn, vạn, triệu. Loại bỏ những chen lấn của thơ con cóc, thơ bí hiểm trong thơ faecbook, bởi nó là mặt chìm, ẩn trong mặt nổi của trong phong trào thơ facebook hiện nay, tôi muốn nói. Thơ facebook đã đang và sẽ tiếp tục đến với cộng động một cách mạnh mẽ nhất.

Bài viết nầy chưa đề cập hết các tác giả có thơ hay trên facebook, mong được thông cảm. Hẹn gặp trong bài viết sau sẽ đầy đủ hơn.

NGUYỄN VĂN THIỆN

https://1.bp.blogspot.com/-6QQugdlCzKc/YLRWWGTppFI/AAAAAAACQXI/u6iMp1ECx7sPaqc-3-rK2TcNw1ohSXoZACLcBGAsYHQ/w640-h354/0.0.PNG

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÀI 100
DƯ ÂM

Em ngoảnh lại tìm khoảng trời xưa cũ
Góc đường quen con phố nhỏ hôm nào
Chỉ sót lại mùi hương nồng hoa sữa
Và câu thề dang dở đã từng trao.

Em góp nhặt những ân tình thủa ấy
Mang vùi chôn mong xoá hết nỗi buồn
Dẫu nguội tắt lửa tim không còn cháy
Sao đôi dòng lệ ướt cứ trào tuôn.

Em đâu biết niềm tin là xa xỉ
Giữa biển người mà quạnh lẻ cô đơn
Để thương nhớ mỏi mòn trong khổ luỵ
Từng mùa trăng ôm lặng lẽ tủi hờn.

Em vẫn hiểu rằng mình xa nhau mãi
Chẳng thể nào quay ngược lại thời gian
Dư âm của một thời yêu mê mải
Ngỡ chìm theo năm tháng mộng phai tàn.

Em thờ thẫn nhìn một lần sau cuối
Cho từ đây tiếc nuối cũng không còn...

Nguyen Hang

*
“Đường vào Tình Yêu có Trăm lần Vui, có Vạn lần Buồn”. Ca từ bài hát nào đó nghe mộc mạc đơn sơ nhưng thấm thía vô cùng cái sự thật hiển nhiên đầy nghiệt ngã của quãng đường tình. Cái Hạnh phúc thì mong manh, dễ vỡ và đầy ảo ảnh như bong bóng xà phòng, mà lại rất hiếm hoi và ngắn ngủi. Còn cái thắc thỏm nhớ mong, cái khắc khoải chờ đợi và nhất là những cái xót xa, quặn thắt và gặm nát tim gan khi sóng triều dội ngược trong những lần hồi tưởng về con đường kỷ niệm của thuở dấu ái vàng son mà nay đã trở thành quá vãng xa mù, đứt đoạn… thì dường như không bao giờ tàn lụi cả.

Đó cũng là những gì đang thổn thức, dặt vằn trong trái tim mỏng manh đầy thương tích của Nàng thơ NGUYEN HANG qua phiên khúc tình phụ DƯ ÂM, trong một lần ngoái tìm mùi hương của khu vườn tình cũ…

Em ngoảnh lại tìm khoảng trời xưa cũ
Góc đường quen con phố nhỏ hôm nào

Tình Yêu là một trạng thái thật lạ lùng! Đôi khi, nó đến thật bất chợt làm ta ngỡ ngàng như chưa bao giờ đoán định. Nhưng khi ra đi thì lại rất dềnh dàng, dẫu ta có làm đủ lễ lược của một buổi chia tay đầy kinh điền. Có những mối tình mà cái dư âm đó cứ đeo đẳng đến mức ám ảnh trong suốt cả cuộc đời còn lại của họ. Thật là kinh!

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Chim về góc biển. Bóng ra khơi
Lòng tôi lũng thấp. Tâm hiu quạnh
Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi

[Du Tử Lê]

Mà sự hồi tưởng kỷ niệm khi tình yêu đã vụn vỡ hàng nghìn mảnh thì có được cái gì đâu ngoài rước dày thêm tâm trang u uất, khắc khoải, tê sầu triền miên chồng chất thiêu cháy linh hồn. Dẫu thế, vẫn không thể quên được bởi “khi cố quên lại càng nhớ thêm”.

Chỉ sót lại mùi hương nồng hoa sữa
Và câu thề dang dở đã từng trao.


Ngay cả hương vị hoa sữa ngày nao “nồng nàn” mật ngọt tình yêu trong những lần hò hẹn giờ cũng biến thành cái mùi “nồng nặc” của sự chia ly, đổ vỡ, tang thương… Bởi phảng phất trong đó cái bội bạc phũ phàng của câu thề chót lưỡi đầu môi khiến hương tình nhạt phai trong dang dở.

Ôi nắng cũ nhạt mùi hương dã thảo!
Lạnh màu riêu, tảng đá nhớ chân đi
Những cánh chim từ quá khứ bay về
Tà áo mỏng chập chờn phai sắc bướm

[Đinh Hùng]

Có lẽ định mệnh của con người là khổ đau, ngang trái nên dường như biển tình dù có lội lầy đến mấy, hình phạt của khúc tình phụ có đớn đau, rã rời đến mấy thì những tình nhân cứ khư khư ôm trái đắng vào lòng chứ không hề muốn quên đi. Nếu đã không màng đến những khúc đoạn đau lòng kia thì việc gì phải bắt hồn quay về quá vãng nhạt nhoà nhức nhối nọ để nhặt nhạnh những tàn dư kỷ niệm đầy máu và nước mắt làm gì – dẫu việc nhặt nhạnh đó cũng chỉ là để đem chôn tất cả quá khứ tê buồn xưa cũ vào sâu dưới mấy tầng địa mộ?

Em góp nhặt những ân tình thủa ấy
Mang vùi chôn mong xoá hết nỗi buồn
Dẫu nguội tắt lửa tim không còn cháy
Sao đôi dòng lệ ướt cứ trào tuôn.


Đôi khi ngẫm ra, ta tự làm hại mình. Chẳng ai ép buộc mà chính ta hăng hái tự nguyện lâm vào cảnh dở sống dở chết như vậy mà thôi. Cái Tình Yêu nó kỳ quặc đến mức khó hiểu đến thế dẫu món này đã xuất hiện ngay từ khi có loài người sống trên trái đất này, nhưng cho đến hôm nay – và ắt hẳn dài dài đến tương lai mai sau – vẫn còn rất nhiều khía cạnh bí ẩn của Tình Yêu mà dẫu hàng tỷ người trên trái đất này có họp lại chăng nữa cũng không tài nào giải thích cho thuyết phục nổi, dẫu rằng hầu như ai ai cũng đã từng yêu!

Em đâu biết niềm tin là xa xỉ
Giữa biển người mà quạnh lẻ cô đơn
Để thương nhớ mỏi mòn trong khổ luỵ
Từng mùa trăng ôm lặng lẽ tủi hờn.


Thế đấy! Có những cái cứ ngỡ rất tường tận nhưng khi lỡ lạc vào vườn tình rồi thì ngộ ra mình còn quá sức ngu ngơ. Những ảo ảnh của sa mạc Tình Yêu cứ đánh lừa tâm trí của con người dẫu đó có là nhà bác học chăng nữa. Đó có lẽ do những người yêu nhau nhìn vào nhau bằng trái tim chứ không phải bằng đôi mắt nên gặp rất nhiều ngộ nhận khi bừng tỉnh cơn mê tình ái.

Tình yêu đến và đi đôi khi biểu hiện rất đơn giản. Nhưng do các cặp tình nhân cứ mãi nhìn nó qua đôi kính màu hồng và tô vẽ lên đó quá nhiều ảo ảnh màu mè nên khi đối diện với sự thực thì rất ê chề, chán nản… như sa xuống chín tầng địa ngục vậy.

Nắng không vàng nữa,
Thế rồi heo may.
Người không đợi nữa,
Thế rồi chia tay...

[Giang Tuấn Đạt]

Đôi khi lòng người thật cố chấp. Sự tan vỡ của Tình Yêu đã rành rành trước mắt, một thời gian dài qua đi đã chứng minh đó là cảnh thật chứ không phải là cơn ác mộng chỉ thoảng qua trong khi thiếp ngủ bất chợt giữa vườn tình, nhưng những kẻ yêu nhau dường như không chịu chấp nhận cái sự thật quá phũ phàng như thế. Không chấp nhận hay không chịu nổi nên cứ đánh lừa mình là vẫn còn chút hy vọng mong manh nào đó?

Tình yêu như là bọt nước,
Vỡ trên năm ngón tay mềm
Chỉ trái tim là dại dột
Chẳng bao giờ chịu lãng quên.

[Đào Phong Lan]

Tình đã xa mù mịt ngàn khơi, người đã đi về cuối trời góc biển, thậm chí đang tang tình bên một tình nhân nào khác, biết chắc không bao giờ gặp lại, mà dẫu gặp lại cũng biết chắc chỉ xem nhau như hai kẻ xa lạ, nhưng vẫn không chịu quên đi bóng hình xưa cũ, vẫn cứ giam mình vò võ trong bóng tối của quá vãng đau thương, cam lòng nhận chịu hàng ngàn nhát chém của hư vô lên trái tim ngục tù bé bỏng, đơn sơ và tội nghiệp. Thật lạ lùng!
  
Em vẫn hiểu rằng mình xa nhau mãi
Chẳng thể nào quay ngược lại thời gian
Dư âm của một thời yêu mê mải
Ngỡ chìm theo năm tháng mộng phai tàn.


Hiểu là một chuyện mà Quên là một chuyện khác. Đó mới chính là cái nghịch lý hoang tàn của Tình Yêu. Mỗi lần hồi tưởng cái thời vàng son của môi tình mật ngọt giờ đã tan tành trong gió bụi bạc tình chẳng khác nào một lần lâm trọng bệnh. Khi đó cũng tự hứa đây sẽ là lần cuối cùng nghĩ đến.  

Em thờ thẫn nhìn một lần sau cuối
Cho từ đây tiếc nuối cũng không còn...


Nhưng rồi một hôm trở gió nào đó, bất chợt mùi hương kỷ niệm lại tìm về. Và rồi:

Hà Nội phố chiều ngu ngơ đổ lá,
Rụng oằn cong dưới chân bước quá mềm
Ta cố giữ mà không sao giữ nổi
Chiếc lá cuối cùng trong gió chao nghiêng...

[Thuỵ Thảo]

Ôi, cái DƯ ÂM của một cuộc tình dù vỡ vụn lâu lắm rồi mà nó vẫn cứ hành hạ con tim những người yêu nhau khủng khiếp đến thế sao?

HANSY

https://1.bp.blogspot.com/-d2wF23bvafw/XxLatlI-c1I/AAAAAAACOug/9R9Yu8FujGcWcZH-VnnbhBWxuMEYAbq5QCLcBGAsYHQ/s640/1.PNG

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

https://4.bp.blogspot.com/-ZVprVO6mXMI/W1lFe_BzmBI/AAAAAAABwAg/XIYnjiRnd-0U5Am9sB3MWL-LLat7aPnwwCLcBGAs/s1600/0.1.PNG


KỸ NĂNG
VĂN THƠ


https://1.bp.blogspot.com/-CcZNzeS92U0/YLYa62RjxUI/AAAAAAACQYA/fYZBtgzQtyAIGU6ZEOJXdM5FopbRqCXPQCLcBGAsYHQ/w640-h452/%2540.1.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG CON CHỮ


Người bạn trẻ hỏi tôi: Làm thế nào để trở thành nhà văn? Nghề văn bắt đầu từ đâu? Tôi đáp: Từ sự yêu thích. Người bạn trẻ bảo: Tôi yêu thích. Tôi lại nói: Thế thì bắt đầu từ năng khiếu. Người bạn trẻ lại bảo: Tôi có năng khiếu. Ồ, nếu cái gì bạn cũng có rồi thì có lẽ nghề văn bắt đầu từ… chữ.

1.
Có lẽ không có nghề nào trên đời này mà công cụ lao động lại đơn giản như nghề văn. Trong khi anh thợ mộc phải sắm cưa, bào, đục; anh thợ may thì sắm máy may, thì nhà văn chỉ cần một cây viết và một xấp giấy đã có thể ung dung hành nghề. Tất nhiên, sang hơn nữa thì xài computer, nhưng nếu không có những máy móc cồng kềnh đó, giấy và viết kể như đã đủ. Cũng như nếu không có xe gắn máy hay ôtô, con người vẫn có thể đi lại bằng chiếc xe đạp cà tàng. Xem ra, yêu cầu về công cụ của nghề văn còn thấp hơn những nghề lao động bình dân như đánh giày hay sửa xe đạp.

Nguyên liệu của nghề văn còn đơn giản hơn nữa. Thợ mộc cần gỗ, thợ may cần vải, thợ hồ cần xi măng, còn nhà văn chỉ cần… chữ. Mà chữ là thứ nguyên liệu chẳng bỏ tiền ra mua. Chữ lềnh khênh trong các cuốn sách, ngổn ngang trên các trang báo. Chữ lấp lánh trên các trang web, thậm chí trên trên các bảng hiệu dọc phố, cả trên những cột điện hay những gốc cây. Thư la rầy của cha mẹ, thư đòi nợ của ngân hàng, thư đòi chia tay của người yêu cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu đối với nhà văn. Vì trong đó có chữ.

Tiếng nói là chữ được phát thành âm thanh; nghe thiên hạ trò chuyện, cãi vã hay mắng nhiếc nhau cũng là cơ hội để nhà văn thu thập nguyên liệu.

Vậy nguyên liệu của nghề văn ở khắp mọi nơi. Và hoàn toàn miễn phí, nếu cuốn sách ta đọc là mượn của bạn bè hay của thư viện, tờ báo ta đang xem là của ông hàng xóm hay trên giá báo của cơ quan.

2.
Nhà văn tất nhiên phải giỏi dùng chữ. Vì yêu cầu đầu tiên trong thao tác chữ nghĩa của nghề văn là phải chính xác. Giống như đường kim của thợ may hay viên gạch của thợ hồ, đặt lệch một ít có khi đi lệch hơn một dặm. Ví dụ đơn giản nhất, nhà văn phải dùng một cách phân biệt từ thánh thót khi nói về tiếng dướng cầm và từ réo rắtmô tả tiếng vĩ cầm. Cũng như vậy, bập bùng để chỉ tiếng đàn ghita và véo von dành cho tiếng tiêu, tiếng sáo… Đều là nhạc cụ, nhưng sắc thái âm thanh của từng loại khác nhau rõ rệt. Cũng như sự khác nhau giữa tiếng ăng ẳng của chó, tiếng quang quác của gà và ủn ỉn của lợn mà chúng ta nghe thấy hàng ngày.

Muốn vậy phải có nhiều chữ để dùng. Giàu chữ, đó là lời khen với một người làm nghề văn.

3.
Làm sao biết mình có giàu chữ hay không? Thiết tưởng để biết điều này cũng không khó lắm. Đọc hàng trăm cuốn sách, đọc hàng ngàn tờ báo, thấy chỗ nào cũng hiểu, chữ nào cũng biết, hiển nhiên bạn là người giàu chữ. Tất nhiên, có thể bạn sẽ gặp một vài khó khăn khi gặp những thuật ngữ chuyên môn về tôn giáo, triết học, y học hay khoa học kỹ thuật, nhưng các từ điển chuyên ngành sẽ giúp bạn tra cứu và qua đó, bổ sung thêm nguyên liệu cho nghề của bạn. Như vậy, muốn giàu chữ phải đọc nhiều, phải siêng đọc.

Nhưng người biết kiếm tiền chưa hẳn là người biết cách xài tiền. Nghề văn cũng vậy, kiếm chữ thì dễ mà dùng chữ mới thiệt là khó. Khó ở chỗ bạn biết chắc bạn có rất nhiều chữ trong bộ nhớ nhưng đến khi cần dùng thì tìm hoài không ra, không biết nó nằm ở ngóc ngách nào trong đầu bạn. Hệt như khi cần mua đồ mà bỗng nhiên bạn lại không tìm thấy ví tiền trong túi, thiệt là éo le!

Chữ nghĩa trong đầu xét cho cùng cũng na ná như áo quần trong rương hay trong tủ. Nếu bạn lười, bạn sẽ chỉ mặc đi mặc lại vài bộ xếp ở trên, treo ở ngoài, trong khi ở dưới đáy rương hay trong góc tủ, nếu bạn chịu khó lục lọi, bạn sẽ thấy có những chiếc quần, chiếc áo đẹp đến mức bạn phải sửng sờ. Bạn sẽ trố mắt ngạc nhiên: Chiếc áo đẹp thế này sao lâu nay ta không lấy ra mặc nhỉ!

Chữ cũng vậy. Thông thường con người có thói quen dùng những chữ mà thường ngày mình vẫn dùng. Những chữ quen thuộc đó có cái tiện là khi bạn cần, chúng hiện ra ngay, thậm chí không cần bạn kêu gọi, thúc giục hay năn nỉ. Những chữ đó được gọi là những từ ngữ thông dụng. Các loại sách ngoại ngữ loại 1.000 từ - 2.000 từ được xây dừng trên những từ loại này. Trong trường hợp này, khá phổ biến, đã chỉ ra rằng trong thực tế bạn chỉ dùng 1/10, thậm chí 1/100 hay 1/1.000 số vốn từ mà bạn có, hoàn toàn lãng phí. Giống như bạn đang sở hữu 1 triệu đồng mà khả năng sử dụng trên thực tế chỉ có một vài ngàn đồng. Trong tư cách nhà văn, chính sự lười nghĩ đã niêm phong tài khoản từ ngữ của bạn khiến bạn không thể huy động tối đa vốn liếng của mình.

4.
Dĩ nhiên sẽ quá khắt khe nếu yêu cầu bạn phải nghĩ ngay ra con chữ thích hợp hoặc cần thiết phục vụ cho sự hành văn của bạn. Điều đó đòi hỏi một trí nhớ, đặc biệt là một sức liên tưởng mạnh mẽ và phong phú. Bản thân tôi mà nhà văn, đã viết nhiều sách, nhưng không phải lúc nào tôi cũng tìm thấy những con chữ như ý muốn. Tôi không biết các nhà văn khác làm như thế nào, riêng tôi, tôi khắc phục bằng cách ghi chép. Khi bắt gặp ở đâu đó một từ hay hay mà tôi chưa biết, hoặc một từ đã biết mà ít khi dùng, tôi đều ghi lại và tìm mọi cách để đưa nó vào trang văn của mình. Thỉnh thoảng tôi cũng hay lật từ điển, không phải để tra mà để xem, lang thang trong đó hàng giờ, giống như các bà nội trợ vẫn hay đi xem (chứ không phải mua) hàng hoá ở các siêu thị lộng lẫy và đồ sộ.

Từ điển là một cuốn sách tập hợp một lượng từ ngữ khổng lồ, vào đó như một kho tàng. Bạn sẽ tìm thấy trong đó những từ ngữ quen thuộc, những từ ngữ ít dùng, thậm chí những từ lạ lẫm đến nỗi bạn tin chắc là bạn chưa gặp qua bao giờ. Gấp cuốn từ điển lại, giống như các bà nội trợ ra khỏi siêu thị, bạn sẽ thu hoạch được nhiều thứ. Bạn nhớ lại được nhiều từ mà bạn đã quên từ lâu, học thêm những từ mới, hay nghĩa mới của một từ cũ, và dĩ nhiên là bạn sẽ nghĩ ra cách dùng những từ đó, mặc dù có thể không phải ngay hôm nay hay ngày mai. Các bà nội trợ cũng thế thôi, họ ngắm nghía hàng giờ trong siêu thị rồi đi ra tay không, nhưng những món hàng hấp dẫn, thậm chí cả giá cả lẫn vị trí của chúng, đã khắc sâu trong tâm trí họ. Một lúc nào đó, cần tới, họ sẽ tìm ngay được cái họ cần.

Nói tóm lại, đó là một cách rèn luyện tri óc, một kiểu thể dục tinh thần, và theo tôi là vô cùng quan trọng với những ai có ý định hành nghề bằng những con chữ.

5.
Nhưng chữ chỉ là chữ, nếu không có nghĩa. Chữ luynh và nguynh rõ ràng vẫn là chữ, nhưng nó không có nghĩa. Nó chỉ là một ký hiệu không chứa thông tin nào, hoặc nói dè dặt là không chứa thông tin nào rõ rệt. Chữ là phương tiện để giao tiếp, diễn đạt, nên buộc phải có nghĩa. Chúng ta vẫn nghe nói chữ nghĩa đó thôi.

Chữ chứa nghĩa như con thuyền chứa món đồ mà nó chuyên chở. Nó không phải là con thuyền rỗng không. Từ đó bạn có thể tự suy ra, tuy chữ là nguyên liệu của nhà văn nhưng chỉ ở khía cạnh hình thức. Nguyên liệu thực sự là cái những con chữ chuyên chở, tức là nghĩa. Nói khác đi là những ý tưởng.

NGUYỄN NHẬT ÁNH
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Ý TƯỞNG


… Tôi ngẫm ra rằng. muốn có ý tưởng, trước hết phải biết cách kiếm tìm. Phải đam mê, phải khao khát, phải bị cuộc đời thúc giục.

1.
Sau mấy chục năm đèn sách, bài học đầu tiên tôi có được chính là điều “đơn giản” nhất trên thế gian này: Đọc.

Đọc không ngừng nghỉ, đọc trước giấc ngủ; đọc cả khi các bộ phận khác của cơ thể làm việc còn cái đầu thì chẳng có việc gì để làm… Tóm lại, đó là một quy trình tất yếu của việc tích luỹ kiến thức. Chừng nào việc đọc thật sự trở thành một phần không thể thiếu của cuộc đời, chừng đó mới có thể có được cái ta vẫn gọi là ý tưởng.

Việc đọc nhiều đem đến biết bao điều lợi. Trước hết, nó giống như mảnh đất được người làm vườn dày công chăm sóc, dù một ngày chỉ một ít, nhưng mảnh đất ấy rồi sẽ màu mỡ hơn!

Nói cách khác, đây cũng là cách chuẩn bị cho một mầm cây mới là ý tưởng sẽ trở nên xanh tốt. Điều tiếp theo là nhờ đọc mà ta biết được những gì người trước đã làm, đã viết. Nếu không, đôi khi ta vô tình trở thành một kẻ đạo văn “chân thành”! Chân thành trong trường hợp này chẳng khác gì ta tự gọi mình là một kẻ dại khờ. Thứ ba, những gì chúng ta đọc và hiểu chẳng khác chi một tập mờ như các nhà toán học vẫn gọi, hay giống câu chuyện con trâu để trước cái cày.

Tóm lại, chúng là những mảnh rời rạc trong khi bài viết nào cũng đòi hỏi nguyên tắc tối thiểu là phải biết cách để xâu chuỗi, liên kết những mảnh rời rạc đó.

Ý tưởng hay vấn đề mà người viết muốn diễn đạt phải đúng và phải khác so với những gì từng được diễn giải. (Rất nhiều bài viết của tôi – thậm chí là những bài tôi tâm đắc – không một nơi nào đăng (?) Mãi sau này tôi mới hiểu ra rằng, cái mà tôi nghĩ là ý tưởng thật ra đã cũ và sáo lắm rồi!).

2.
Ý tưởng đôi khi như một “coup de foudre” – “tình yêu sét đánh”. Nó đến bất ngờ và nghẹn tắc tới từng hơi thở. Ta ngỡ giống như Chúa ở trên cao thương xót kẻ bần cùng. Ta như con kiến vàng bơi lỏng chỏng trong mưa lũ giăng giăng mà ý tưởng là cọng cỏ khô ta bám được tình cờ.

Nhưng quả thực rất nhiều khi ý tưởng giống với cuộc tình vô vọng, càng kiếm tìm càng lẫn khuất mù xa. Có những ngày tôi chỉ biết thở dài bất lực vì không biết viết từ đâu và viết về cái gì.

Tôi đi gặp bạn bè để giãi bày. Thì ra ý tưởng có thể có sau vài ly rượu nồng. Một cuộc hàn huyên của những cái đầu là vô giá. Miễn ở đó có sự cởi mở, chân tình. Ta nói không cần phải đắn đo, và người nghe cũng chẳng hề chấp nhất. Ý tưởng nằm ở đường chân trời. Trong trường hợp này, nó giống với tia nắng cuối cùng vụt sáng và ta phải thấy trước khi nó vụt tắt.

3.
Ý tường là gì?
Câu hỏi khó nhất trong những câu hỏi xung quanh ta mỗi ngày. Nó có thể chỉ là một vệt sáng lập loè của đom đóm; tắt rồi hiện, đều đều. Đó là cái ta cần mà không thể nắm bắt được. Hay nói chính xác hơn, ta chưa có đủ chiếc vợt kiến thức để bắt con đom đóm ấy.

Thi thoảng, ý tưởng thật giống một đám mây. Ta thấy nó rõ ràng nhưng chỉ trong khoảnh khắc sẽ lướt nhanh qua. Khi nó trôi qua, đã thay hình, đổi dạng mất rồi.

Có những khi, ý tưởng đến và nằm lỳ trong góc tối của tri thức. Mọi cách làm cho nó tỉnh giấc chỉ là vô vọng. Đó là khi ta cố tình không hiểu rằng, cái nền hiểu biết chưa đủ để gọi dậy cả một khoảng tối mịt mùng. Ánh lửa của một que diêm làm sao có thể đẩy lùi khoảng vắng của đêm đen?

4.
Ý tưởng luôn là người bạn đường khó tính. Điều ta tận nghĩ hôm nay rất có thể sẽ trở thành điều cạn nghĩ của ngày mai. Không chỉ có một người trăn trở mà có hàng triệu người không ngừng nghĩ suy, trang trải qua từng con chữ. Và trong số đó, ta luôn là một trong những kẻ đứng sau cùng.

Quy tắc này là điều sẽ làm nên sự tốt đẹp của cuộc sống và hiểu biết. Chính vì thế, để ý tưởng trở thành một điểm sáng dễ đồng thuận, rất cần sự khác. “Sự khác” cũng giống như ánh mặt trời trong cơn mưa: có thì vẫn có nhưng hiếm hoi và khó hiểu lắm. Ranh giới giữa cái đúng thì không mới; cái mới thì không đúng – như cách nói của GS Hà Văn Tấn trong những năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi – cho đến tận bây giờ vẫn còn khó hiểu. Cái đúng-mới nào mà chẳng khó hiểu? Nên nếu có ai đó nhận nhìn nó sai là chuyện muôn đời. Tất nhiên, cái đúng-cũ mãi mãi là kẻ thù của ý tưởng.

***
Một nhà văn Pháp nói rằng, ý tưởng là một món hàng cực kỳ dễ hỏng, nếu không kịp dùng ngay, nó sẽ hư nát tức thì.

Tôi nghĩ đầy là một câu nói hay và thật đúng. Đã không ít lần tôi nghĩ ra một cái gì đó, nhưng vì lười biếng lại tự hẹn với lòng là để đến mai. Nhưng cái ngày mai ấy không bao giờ trở lại nữa (!). Nếu có một ý tưởng hay, hãy học cách của chim đại bàng, cắm thẳng đầu xuống, cho dẫu khoảng không ta lao đến vẫn là một cõi mù mờ, cho dẫu “con mồi” đang nhảy nhót trên mặt đất – cuộc đời đầy trắc trở…

TÔ VĨNH HÀ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MỞ BÀI HAY


Mục đích mở bài ai cũng biết rõ là nhằm giới thiệu vấn đề mà mình sẽ viết, sẽ trao đổi bàn bạc trong bài. Vì thế, khi viết mở bài thực chất là trả lời câu hỏi: Bạn định viết, định bàn bạc vấn đề gì?

Trả lời thẳng vào câu hỏi ấy người ta gọi là MỞ BÀI TRỰC TIẾP (Trực khởi).
Hoặc nêu  vấn đề sẽ bàn trong bài, sau khi dẫn ra một ý khác có liên quan gần gũi với vấn đề ấy, gọi là MỞ BÀI GIÁN TIẾP (Lung khởi).

Để bài viết có không khí tự nhiên, có chất văn, người ta thường mở bài theo kiểu gián tiếp. Có nhiều cách vào bài theo kiểu gián tiếp, nhưng tựu trung có 4 cách cơ bản sau:
-Diễn dịch (suy diễn)
-Quy nạp
-Tương liên (tương đồng)
-Tương phản (đối lập)

I. ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ CHO MỘT MỞ BÀI

Mở bài là một đoạn văn hoàn chỉnh (đoạn mở bài) gồm 3 phần:

1. MỞ ĐẦU ĐOẠN:
Viết những câu dẫn dắt là những câu liên quan gần gũi với vấn đề chính sẽ nêu. Tuỳ nội dung vấn để chính mà bạn có thể lựa chọn câu dẫn dắt có thể là một câu thơ, một câu danh ngôn, hay một câu chuyện kể
2. PHẦN GIỮA ĐOẠN
Nêu vấn đề chính sẽ bàn trong thân bài, tức luận đề. Vấn đề chính có thể đã chỉ rõ, có thể bạn tự rút ra, tự khái quát. Đối với thơ thì thường nêu ấn tượng bao trùm mang tư tưởng chủ đề mà người đọc cảm nhận được.
3. PHẦN KẾT ĐOẠN
Nêu phương thức nghị luận và phạm vi tư liệu sẽ trình bày.

Tóm tắt mô hình:
Mở bài =
-Dẫn dắt
-Nêu vấn đề (luận đề)
-Giới hạn phạm vi vấn đề

II. ĐỂ CÓ MỘT MỞ BÀI HAY

1. NGẮN GỌN
Dẫn dắt vài ba câu, nêu vấn đề một vài câu và giới hạn vấn đề 1 câu.
2. ĐẦY ĐỦ
Đọc xong mở bài, người đọc biết được bài viết bàn về vấn đề gì? Trong nội dung tư liệu nào? Thao tác chính vận dụng ở đây là gì?
3. ĐỘC ĐÁO
Mở bài phải gây được sự chú ý của người đọc về vấn đề mình sẽ viết. Muốn thế phải có cách nêu vấn đề khác lạ. Đề tạo nên sự khác lạ “độc đáo” cần suy nghĩ dẫn dắt: giữa câu dẫn dắt và câu nêu vấn đề phải tạo được sự bất ngờ.
4. TỰ NHIÊN
Viết văn nói chung cần giản dị tự nhiên. Mở bài và nhất là câu đầu chi phối giọng văn toàn bài. Vì thế, vào bài cần độc đáo, khác lạ nhưng phải tự nhiên. Tránh vụng về, gượng ép gây cảm giác khó chịu bởi sự giả tạo.

III. NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH KHI MỞ BÀI

1.
Tránh dẫn dắt vòng vo quá xa mãi mới gắn được vào việc nêu vấn đề.
2.
Tránh dẫn dắt không liên quan đến vấn đề sẽ nêu.
3.
Tránh nêu vấn đề quá dài dòng, chi tiết, có gì nói hết luôn rồi thân bài lập lại những điều đã nói ở mở bài.

IV. VÍ DỤ MINH HOẠ

Về nguyên tắc, có rất nhiều cách mở bài cho cùng một đề. Nhưng sự khác nhau chủ yếu là do phần dẫn dắt, còn nêu vấn đề và giới hạn phạm vi bàn bạc nói chung là giống nhau.
Ví dụ 2 cách mở bài sau tuy khác nhau ở câu dẫn dắt nhưng đều liên quan gần gũi với vấn đề mối quan hệ giữa văn học và đời sống.
-Mở bài 1:
Có ai đó đã ví sáng tạo nghệ thuật như việc thả diều. Con diều dù có bay bổng bao nhiêu vẫn phải gắn với mặt đất bằng một sợi dây vững chắc. Ý tưởng ấy gợi cho ta nhiều suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Nhìn vào một số tác phẩm văn học lớn chúng ta thấy rõ mối quan hệ máu thịt này.
-Mở bài 2:
Thần thoại Hy Lạp còn để lại một câu chuyện cảm động về chàng lực sỹ Angte và đất mẹ. Thần Angte sẽ bất khả chiến bại khi chân chàng gắn chặt vào đất mẹ Gaia. Có thể ví mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống hệt như quan hệ giữa thần Angte và đất mẹ vậy.  Chưa tin ư, bạn cứ giở những tác phẩm văn học lớn mà xem.

HANSY
(Biên khảo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KẾT BÀI HAY


I. NGUYÊN TẮC KẾT BÀI ĐÚNG

Nguyên tắc kết bài đúng là: Thể hiện đúng quan điểm đã trình bày ở phần thân bài, chỉ nêu những ý khái quát, có tính tổng kết, đánh giá. Không lan man hay lập lại cụ thể  những gi đã trình bày ở thân bài hoặc lập nguyên văn lời lẽ ở mở bài.

Có 4 cách kết bài đúng sau:
1. TÓM LƯỢC
(Tóm tắt quan điểm, nội dung ở thân bài)
2. PHÁT TRIỂN
(Mở rộng thêm vấn đề đặt ra trong đề bài)
3. VẬN DỤNG
(Nêu phương hướng, bài học áp dụng phát huy hay khắc phục vấn đề nêu trong bài văn)
4. LIÊN TƯỞNG
(Mượn ý kiến tương tự – những ý kiến có uy tín – để thay cho lời tóm tắt của bạn)

II. CÁCH KẾT BÀI HAY

Một kết bài hay trước hết phải là một kết bài đúng. Đúng nguyên tắc, đúng cách. Vì thế, để có một kết bài hay bạn phải từ cái nền cơ bản “đúng” đó đi lên.

Kết bài hay cũng đa dạng và nhiều thú vị nhưng đều chung nhau một điểm nhất định:
Đúng nhưng phải sáng tạo, gây được ấn tượng và để lại dư vị trong người đọc.
Kết bài hay vừa phải đóng lại, chốt lại, vừa phải mở ra, nâng cao và cứ ngân nga mãi trong lòng người.

1. KẾT THEO LỐI “ĐIỂM NHÃN”

Đây là câu chuyện “điểm nhãn” cho rồng trong nguyên tắc hội hoạ phương Đông. Người hoạ sỹ vẽ đúng, người xem vẫn nhận ra được đây là con rồng, song khi ông ta “điểm nhãn” (vẽ mắt) thì con rồng sống động hẳn lên.
Ví dụ:
Kết bài thơ ÔNG ĐỒ của Vũ Đình Liên
ÔNG ĐỒ của Vũ Đình Liên quả là một giọt nước trong biển cả, là một nét đơn sơ nhỏ bé trước bao nhiêu thành tựu lớn lao của văn học thế giới và nước nhà. Nhưng dẫu hoà trong một biển, “Giọt nước” của nhà thơ Vũ Đình Liên vẫn mặn mà nồng thắm, vẫn âm vang nhịp đập thuỷ triều… Bài thơ nói về số phận con người, nhắc nhở ta trong công cuộc đổi thay to lớn ngày nay hãy gìn giữ con người, giữ gìn tình thương và những giá trị đẹp đẽ của con người để không bao giờ phải xót xa và luyến tiếc.
(Một học sinh)

2. KẾT THEO LỐI BÌNH LUẬN VÀ NÂNG CAO
Ví dụ:
Kết bài thơ NGẮM TRĂNG
Xưa nay nói về trăng, có biết bao lời đẹp. Trong cuộc sống lao động trong sạch, nếu có nắng lửa mưa dầm thì lại có trăng thanh gió mát. Hình như nhân loại muốn dành cho trăng phần hạnh phúc, ước mơ, lãng mạn của cuộc đời. Thế nên trăng đến với con người như một bạn tri âm, một vẻ đẹp để làm vui, làm mát chí ít là làm dịu bớt cái cháy da, rỗ gót của cuộc đời: chân treo ngược lên mui thuyền mà lòng vẫn hân hoan với xóm làng đông đúc, vẫn lâng lâng với chiếc thuyền câu nhẹ tênh như mây; chân tay mang xiềng xích mà tai vẫn rộn tiếng chim rừng, và mũi vẫn đượm hương hoa dại. Và ở đây, ở bài thơ này, mắt vẫn ngắm, vẫn nhìn, vẫn chuyện trò với trăng bằng im lặng. Hơn thế không có gì cả, không có điều kiện, nhưng vẫn thưởng trăng đầy đủ. Đầy đủ ở trong lòng.
Cái lạ, cái hay của bài thơ ở chỗ đó. Sức mạnh của con người, cái đẹp của tâm hồn, là ở đó.
(Lê Trí Viễn)

3. KẾT BÀI THEO LỐI “ĐẦU CUỐI TƯƠNG ỨNG”
Ví dụ: Bài thơ LÁ ĐỎ
-Mở bài:
Từ hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh đã qua, vẫn còn lưu lại đậm trong tâm trí người đọc những dòng thơ của một thời lửa cháy, của những năm tháng không thể nào quên.
Làm sao không nhớ, không yêu một bài thơ như thế này:
Lá đỏ (dẫn cả bài thơ)
-Kết bài:
Thơ hay là thứ thơ làm cho người ta nghĩ đến tình người, nghĩ đến sự sống. Thơ nói riêng, cũng như văn học nói chung, trở thành cần thiết cho con người là vì vậy. Làm sao không nhớ, không yêu một bài thơ như bài Lá đỏ.
(Ninh Thị Hoàng Anh)

4. KẾT MÀ NHƯ KHÔNG KẾT
Kết bài kiểu này của bài viết không sai lý thuyết tuy hoàn toàn không giống với lý thuyết. Không những thế, nó giản dị mà lại hay.
Ví dụ:
Kết thúc lời giới thiệu tập thơ MƯA THUẬN THÀNH của Hoàng Cầm:
Xin có lời mừng ông nhân dịp được ra mắt một tập thơ mà ông khắc khoải chờ mong lâu đến thế này.
(Quang Huy)

HANSY
(Biên khảo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIỌNG VĂN

SỰ THAY ĐỔI GIỌNG VĂN


Trong một bài nghị luận bạn bao giờ cũng thể hiện thái độ tình cảm, tư tưởng của mình trước một vấn đề mà mình đang thảo luận. Giọng văn là sự thể hiện màu sắc biểu cảm đó. Qua bài văn mà nhận biết bạn tán thành hay phản đối, ngợi ca hay châm biếm, kính cẩn hay suồng sã…

I. TỪ NHÂN XƯNG

Hơn nữa, để tránh nhàm chán “buồn ngủ”, để bài viết sinh động, phong phú, bạn cần phải rất linh hoạt trong việc hành văn. Tránh kiểu viết một giọng đều đều từ đầu chí cuối, tạo cảm giác đơn điệu. Muốn thế trước hết phải sử dụng thật linh hoạt hệ thống từ nhân xưng. Khác với ngôn ngữ một số nước, từ nhân xưng trong tiếng Việt rất giàu màu sắc biểu cảm và hết sức phong phú.

Trong bài nghị luận, để diễn đạt ấn tượng chủ quan của riêng mình, bạn thường xưng tôi.
Ví dụ:
”Đọc những câu thơ trên không hiểu sao tôi lại hình dung đến một dòng sông đang lặng lẽ chảy, mặt nước phẳng lặng sáng ngời lên giữa không gian cô quạnh đơn sơ”
Khi biểu thị ý kiến của riêng mình, bạn thường viết:
Tôi cho rằng…, tôi nghĩ rằng…, theo chỗ tôi được biết…

Nhưng để lôi kéo sự đồng tình, đồng cảm, để vấn đề đang bàn bạc trở nên khách quan hơn, bạn nên xưng:
chúng tôi, chúng ta, như mọi người đều biết, như mọi người đã thấy, ai cũng thừa nhận rằng, không ai nghĩ được rằng…

Khi viết về ngôi thứ ba (vắng mặt) như phân tích một nhân vật, gọi tên một tác giả nào đó, cần xác định một đại từ cho phù hợp và tránh sự đơn điệu, lặp lại. Trong trường hợp này vốn từ đồng nghĩa phải phong phú để diễn đạt thật linh hoạt.
Trong trường hợp, để tăng sự trân trọng và thân tình, bạn có thể gọi họ hay tên của tác giả.
Khi chưa xác định được lứa tuổi của tác giả thì tốt nhất dùng danh từ để gọi như: nhà văn, nhà thơ, tác giả…

Phân tích Chí Phèo chẳng hạn:
y, gã, hắn, Chí Phèo, nó, con quỷ làng Vũ Đại, thằng chuyên rạch mặt ăn vạ, thằng cùng nhất trong đám cùng đinh…

Nhưng khi nói đến một Chí Phèo lương thiện thì cũng có thể dùng đại từ anh hay anh ta…

Nhiều bài viết từ đầu chí cuối chỗ nào cũng thấy độc một chữ nhà thơ nhà thơ… hoặc tác giả tác giả…

II. DÙNG TỪ VÀ THAO TÁC TƯ DUY LINH HOẠT

Không phải chỉ ở cách dùng từ xưng hô, giọng văn linh hoạt còn thể hiện ở cách dùng các tiểu từ như:

vâng, đúng thế, không, điều ấy đã rõ, như vậy, như thế, chẳng lẽ…

Giúp tạo ấn tượng như bạn đang tranh luận và đối thoại trực tiếp với người đọc.

Có khi dùng những từ phủ định như:
“Phải chăng là khiên cưỡng khi ta đi tìm gạch nối hữu cơ giữa tiếng cười trong sáng tác Vũ Trọng Phụng với tiếng cười văn hoá dân gian Việt? Không! Hoàn toàn không!”
(Văn Tâm)

Không nên dùng chỉ một loại thao tác tư duy mà nên thay đổi. Khi dùng diễn dịch, khi dùng quy nạp, khi  dùng phân tích trước dẫn chứng sau, khi thì ngược lại, khi liên hệ, khi so sánh…

Giọng văn còn được thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau như dùng từ, đặt câu, nêu ý, lập luận, cách dùng hình ảnh, so sánh, cách sử dụng dấu câu, từ cảm thán…

Như vậy, giọng văn là một cái gì đó bao trùm lên tất cả bài viết, thể hiện ở mọi câu, mọi chữ, mọi yếu tố của bài viết. Trong văn chương nói chung, người ta gọi đó là giọng điệu.

HANSY
(Biên khảo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

DÙNG TỪ ĐỘC ĐÁO


Muốn có một bài nghị luận hay thì phải biết dùng những từ hay, viết được những đoạn hay. Dùng từ hay là một trong vài yếu tố quyết định để có cách diễn đạt hay.
Một trong vài yếu tố của văn hay là bài văn đó đọc lên từ ngữ cứ như “găm’ vào tâm khảm người đọc. Từ ngữ linh hoạt, dùng đúng lúc, đúng chỗ, lột tả được thần thái của sự vật, sự việc… làm cho người đọc khoái trá thấy mình không thể viết được như vậy, phải thốt lên lời cảm phục: “Viết tài quá!”.
Muốn thế, một mặt người viết vừa phải tích luỹ cho mình một vốn từ ngữ phong phú, mặt khác phải có ý thức sử dụng khi viết.
Từ độc đáo mang tính 2 mặt, sử dụng đúng lúc, đúng chỗ ta có đoạn văn hay, ngược lại dễ rơi vào sáo rỗng, khoe chữ.
Từ ngữ là vốn chung của cộng đồng, nhưng trong thực tế có những từ không phải ai cũng biết sử dụng, dùng đúng, dùng hay – nhất là những từ Hán Việt.
Sẽ rất chán cho người đọc khi một bài viết không dùng được một từ nào cho “trúng”, cho độc đáo, cho hay. Đó là chưa kể viết sai, viết kém. Hay không hiểu đúng từ mà vẫn dùng bừa, dùng ẩu.
***********************
VÍ DỤ MINH HOẠ
***********************
1.
Ở đoạn thơ của Tử, tuy chưa hiểu từng ý, tôi cũng đã cảm nhận cái hồn, cái khí hậu, cái không khí, cái nhịp độ bao trùm toàn bài. Cái gì đó rất là bi kịch, nghịch lý như đời của Tử.
Vừa là lụa, là trăng, là bát ngát chim bay, êm đềm vời vợi, như chốn quảng hàn, mà rõ là máu, là gánh máu của đời mình đi bơ vơ trên biển cả đời mình
(Chế Lan Viên)
2.
Khúc bạc mệnh đã gảy xong rồi, mà oán hận vẫn còn dài mãi nên Nguyễn Du mới tự xưng cái tên thân mật của mình và đau đáu hỏi:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Xuân Diệu)
3.
Mở đầu (Văn chiêu hồn) là một cái nhìn rất bi thiết về cuộc đời. Một cõi dương ảm đạm một thế giới vắng lặng, mênh mông. Toàn một màu chết: Màu bạc của ngàn lau, màu vàng của lá rụng, tiếng sương sa lác đác, tiếng mưa khóc không thôi.
(Hoài Thanh)
4.
Chương III TẮT ĐÈN không khác gì một cái lòng chảo đã nguội đi, đã váng đọng lại một thứ bùn lưu niên, trên đó oằn lênmột số sinh vật. Sinh vật Nghị Quế chồng, sinh vật Nghị Quế vợ mà lòng tham đã hết tính người. Sinh vật lý trưởng và lũ sai nha đốc thuế người, đã tan hoang đi cái tâm người . Và trên cái sa mạc nhân tâm đó, không còn tia nước nguồn thươngnào cả…
Ở chương này, cả chị Dậu quý mến của tác giả, của độc giả cũng chỉ là một con sinh vật mà thôi. Thật được làm người vớitối thiểu phẩm cách làm người thì có đời nào chị Dậu phải điđoạ lạc nhân phẩm của mình đến mức phải đưa con đi bán như một hiện vật cũ ở chỗ chợ người, chợ giời
(Nguyễn Tuân)
HANSY
(Biên khảo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VIẾT CÂU LINH HOẠT


Bài văn hay là bài văn vận dụng được tất cả các loại câu viết đúng một cách thật linh hoạt.
Tính linh hoạt trong việc sử dụng câu thể hiện ở chỗ: Tuỳ từng lúc, từng nơi, tuỳ vào giọng văn của từng đoạn mà có những loại câu tương ứng để diễn cảm cho phù hợp.

-Thậm chí có khi cùng một đoạn văn mà các câu ngắn dài được viết rất khác nhau.

-Có khi để diễn đạt tình cảm và thái độ của mình, nên trực tiếp dùng câu cảm thán, kiểu như:
Nhưng hỡi ôi! Niềm vui quá ngắn trước vẻ đẹp của tình người và của cảnh đời.
(Văn Tâm)
Trời đất ơi! Tú Bà nói không đầy nửa phút mà nước bọt mép của mụ văng ra mãi tới ngàn năm…
(Xuân Diệu)

-Khi muốn gây chú ý cho người đọc ta có thể dùng câu nghi vấn. Câu nghi vấn ở đây như là đặt ra vấn đề, rồi sau đó lại tự trả lời, tự làm sáng tỏ.
Ví dụ:
Thương thì đã vậy, còn oán? Thực ra, Nguyễn Du không biết oán ai,…  bởi vì theo Nguyễn Du thì bao nhiêu đau thương khác đâu có phải đều do những kẻ “bài binh bố trận”, mà ngay cả những kẻ ấy, Nguyễn Du cũng thấy họ đáng thương.
(Hoài Thanh)

-Đôi lúc câu nghi vấn được đặt ở cuối đoạn, cuối bài. Loại câu này cũng không nhằm mục đích để hỏi ai mà thực chất nó đã được trả lời ngay ở những câu trước đó.
Kềt thúc bằng câu hỏi như thế chỉ có tác dụng lôi cuốn người đọc, buộc họ phải suy nghĩ tiếp.
Ví dụ:
Nguyên Hồng đã sống hơn 60 năm, đã viết hơn 40 năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời và cho nghệ thuật. Bây giờ, nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy liệu có bao giờ khô cạn được chăng?
(Nguyễn Đăng Mạnh)

-Loại câu có 2 mệnh đề Hô - Ứng cũng hay được vận dụng để thay đổi giọng văn. Chúng thường theo lối kết cấu:
Tuy… nhưng, Càng… càng, Không những… mà còn, Vì thế… cho nên, …

Loại câu này nhằm nhấn mạnh 1 ý nào đó luôn luôn nằm ở vế thứ 2 như:
Cuối cùng vốn từ càng giàu có ông càng cảm thấy rõ hơn sự bất lực này. Càng cảm thấy bất lực ông càng ra sức vủng vẫy, tìm đủ mọi lối để thoát khỏi cái vòng Kim cô đầy sức mạnh, cũng đầy hạn chế của phương tiện ngôn từ.
(Nguyễn Tuân)

Khi viết những loại câu này cần chú ý viết đủ cả 2 vế rồi mới chấm câu.

-Trong nhiều trường hợp, câu khẳng định được diễn đạt  bằng câu phủ định của phủ định nhằm nhấn mạnh sự khẳng định này.
Hãy so sánh 2 câu sau:
Câu 1.
Nhà văn nhất định phải phản ánh trong sáng tác của mình những sự kiện, những vấn đề nóng bỏng của xã hội.
Câu 2:
Nhà văn không thể không phản ánh trong tác phẩm của mình những sự kiện, những vấn đề nóng bỏng của xã hội.
(Lê Ngọc Trà)

Tuy nhiên bài văn nhiều khi cần tránh sự khẳng định tuyệt đối, tức phải uyển chuyển và có mức độ trong việc đánh giá.
Ví dụ:
Chỉ có văn học mới đem lại nguồn vui và hạnh phúc cho con ngưởi.
Lẽ ra chỉ nên viết:
Văn học đã góp phần đem lại nguồn vui và hạnh phúc cho con ngưởi.

Ở những câu đánh giá mang tính khái quát trên,  để biểu hiện sự thận trọng, chín chắn trong suy nghĩ, người ta thường viết những câu mở đầu với những cụm từ sau:
Nhìn chung, Về cơ bản, Về một phương diện nào đó, Thường thường, Hầu hết, Đại đa số, Phần lớn, Về đại thể…

HANSY
(Biên khảo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối