Trang trong tổng số 3 trang (24 bài viết)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

hoahn

HƯƠNG PHÙ SA


Buổi sớm trung thu Hà Nội, mặt trời lạc trong đêm đã tìm thấy lối về, ra khỏi màn đen với đôi mắt đau đáu như lòng đỏ trứng gà. Hẳn là đêm qua nó thao thức nhiều lắm. Vầng trăng lạc ngày còn nuối tiếc một đêm tròn trĩnh. Bụi sương mờ ảo làm cho mặt trời và mặt trăng huyền hoặc như một đôi trời định. Chúng chỉ được bên nhau trong những giây phút giao thoa giữa  ngày và đêm của mùa tình yêu.

Heo may lạnh se se. Hương sữa thoáng ngạt ngào. Đâu đó tiếng chim giật mình thảng thốt vụt bay ngơ ngác.Tiết thu Hà Nội hôm nay như vùng sông nước Hậu Giang hôm nào làm cho tôi nhớ anh quá! Kỷ niệm còn in dấu vẹn nguyên.

Bình minh bến Ninh Kiều Cần Thơ mùa này đậm sắc thu Hà Nội. Xuôi dòng Hậu Giang đi chợ nổi Cái Răng cùng người yêu thật là kỳ thú. Lênh đênh sóng vỗ ru mạn thuyền. Gió phương nam dịu mát đến lạ, lâng lâng nhẹ bẫng cuốn cơn say, anh xích lại gần tôi hơn. Đám lục bình tím bịn rịn chẳng muốn rời xa cứ nán lại ven bờ.

Những cây bần đang mùa trổ hoa đậu quả. Hoa bần buổi sớm nở tung trắng muốt, đài hoa màu xanh sáu cánh hình vương miện. Vẻ đẹp dịu dàng đưa hoa bần lên ngôi như những hoàng hậu Tây Đô.

Mê cung vùng sông nước khiến ta quên cả ánh mặt trời nhòm ngó. Tiếng chào mời mua hàng của chiếc ghe bán lẻ làm chúng tôi bừng tỉnh. Đã đến chợ nổi Cái Răng. Vị chua ngọt của trái dâu Hạ Châu thấm sâu đầu lưỡi. Thuyền lớn, thuyền bé san sát nhau chở đầy nông sản và hoa quả. Những cây bẹo thay cho lời rao hàng độc đáo. Tô hủ tiếu trên sông đậm đà gia vị. Một ít hoa quả làm quà rẻ và tươi ngon. Nét mặt rạng ngời hạnh phúc, anh trìu mến đoán ý người yêu. Sông Hậu thơ mộng hơn với giọng hò mượt mà của bóng dáng áo bà ba.

Hò ơ ơ...
Thuyền ai lơ lửng trên sông
Chở em đi chợ Cái Răng mua quà

Mặt trời đã lên cao. Ngược dòng quay về vườn sinh thái Phù Sa, nghe lái đò kể sự tích "Tình anh bán chiếu". Chất giọng ngọt ngào Nam Bộ làm cho tình tiết câu chuyện ly kỳ hơn. Chàng trai bán chiếu say mê cô gái bán hàng trên chợ nổi, miệt mài lựa từng cọng cói, sợi đay để dệt đôi chiếu đẹp. Chiếu dệt xong thì cô gái đã lấy chồng. Câu chuyện buồn man mác, hương phù sa thơm ngái và bờ vai vững chắc làm tôi lỡ  ngủ quên.  
Cập bến, được nhẹ nhàng đánh thức, tôi ngượng ngùng:

•-          Em ngủ ngon quá!
Có lẽ đây là giấc ngủ êm dịu nhất trong đời tôi!

Tản bộ trên những lối đi ngắm phong cảnh dải đất phù sa. Tận mắt ngắm cây Bần, mọc dưới nước. Những đám rễ nổi nhô lên xung quanh gốc như bức trận đồ. Bất giác tôi liên tưởng đến rễ cây bụt trong ao cá Bác Hồ nhưng đầu rễ của nó nhọn hơn. Tôi thầm ước:

- Mình sẽ là cây bần níu giữ phù sa anh!

         Đất phương Nam mềm lòng trai Bắc
         Trắng hoa bần vương rắc tình si
         Trận đồ rễ nổi khó đi
         Phù sa lắng lại một thì xuân anh

           Mỏi chân, dừng lại bên quầy hàng lưu niệm. Những sản phẩm tinh xảo từ cây dừa đủ để làm vừa lòng du khách khó tính. Anh lựa con khỉ ba không (không nói, không nghe và không nhìn) rồi trêu tôi:

•-          Giết chết anh cũng không khai!

Chúng tôi đuổi nhau vỡ oà góc vườn tĩnh lặng. Ly cà phê đá thêm phần hóm hỉnh cho anh. Chiếc kem ngọt thơm dịu mát lòng tôi.
Luyến tiếc thời gian ngủ quên trên sông tôi khẽ đề nghị :

•-          Em muốn ngược dòng !

Chiếc thuyền nhỏ lại cùng chúng tôi khám phá dòng sông. Trời bỗng nổi mưa giông. Lái đò nhường áo che mưa cho khách, chân chất ấm nồng quá Hậu Giang ơi! Dòng sông vẫn hiền hoà cả khi mưa gió, nghe nói bão nổi nơi đây vẫn bình yên.

Về bến Ninh Kiều khi hoàng hôn buông. Lắng ghe câu hát "đợi người yêu", thấm thía xúc cảm về dòng sông huyền thoại.

Hò ơ ơ...
Hậu Giang thắm nghĩa nặng lòng
Phù sa như nước Sông Hồng lặng trôi
Hồng Hà bên lở bên bồi
Hậu Giang trong đục một đời thuỷ chung!

Một góc Hậu Giang mà da diết lòng Hà Nội!!!

HN 04/10/09
Xa nhau khắc khoải đếm tàn canh
Sợi nhớ sợi thương giấc chẳng thành
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huongnhu

Không ngờ dòng Hậu Giang làm luyến lưu cô gái đất nghìn năm văn vật. :D
Nghe thương thương.
Có dịp HNhu ca tình anh bán chiếu cho chị nghe:
"Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm. Công anh cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này anh hổng bán đâu. Cưới em chẳng đặng, Qua gối đầu hằng đêm..."
"Con rạch Cái Thia chạy dzìa Tắc Cẩu. Cô gái năm xưa sao chẳng thấy... ra...ơ... chào..."
Xuống xề! Ngọt lìm lịm!
Dòng sông Hậu mênh mông như biển. Mùa khô mà nhìn từ bờ bên này qua bờ bên kia muốn hút tầm mắt. Sông Hậu không hiền đâu chị. Mùa lũ dzìa, nước xiết lắm. Những giề lục bình nương con nước lớn phi phăng phăng như chiến mã trên sa mạc.
Bến Ninh Kiều giờ đẹp hơn nhiều lắm so với cách đây năm năm. Cả Cần Thơ cũng dzậy. Duyên dáng làm sao!
Có anh chai đố HNhu: "em ở Ninh Kiều chứ đố em tượng Bác quay mặt về hướng nào?"
Anh chai cũng người Hà Nội, hay đi công tác Cantho. Anh mang câu hỏi này hỏi mấy người xe ôm, họ là thổ địa NK, như lại trả lời....trớt quớt. Hhhahah, HNhu thì nói trúng phóc ngay lần trả lời đầu tiên. Đơn giản là vì NK dzới HNHu thân quen lắm.
Giờ biết thêm có một người Hà Nội quyến luyến dòng sông Hậu, sau anh chai HNhu mới kể. Cảm giác dzui dzui.
Chị thì có trở lại thăm sông Hậu chưa?
Anh chai của HNHu thì...mãi miết đi dzìa...:D


Thế nhân một đoá Vô thường, hiếm hoi!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoahn

Có dịp HNhu ca tình anh bán chiếu cho chị nghe:
Giờ biết thêm có một người Hà Nội quyến luyến dòng sông Hậu, sau anh chai HNhu mới kể. Cảm giác dzui dzui.
Chị thì có trở lại thăm sông Hậu chưa?
Anh chai của HNHu thì...mãi miết đi dzìa...
.........

Mấy hôm vừa qua chị đi công tác Sài gòn và Tây Ninh nên không kịp trả lời em. Đã sắp một năm mà anh chị chưa có điều kiện để quay lại. Với chị Cần Thơ lưu giữ một kỷ niệm khó quên. Rất mong có ngày anh chị được nghe em ca "Tình anh bán chiếu". Được ngắm bình minh bến Ninh Kiều cùng Gn.

Chao ôi, nhớ Hậu Giang quá !!!
Xa nhau khắc khoải đếm tàn canh
Sợi nhớ sợi thương giấc chẳng thành
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoahn

Chiều hạ đầu thu trời trong vắt. Cái nóng hừng hực, rực lửa thời son trẻ của mùa hạ đã đi qua. Chút nắng hanh gắt đầu thu vẫn đủ sức làm dám má những trái bòng.

Hà Nội đã thấy sắc thu vương. Những đoá cúc vàng một thời oanh liệt đang độ phơi màu. Sắc vàng tươi tắn của chúng như nuốt lấy từng sợi nắng. Mùa thu như tan biến đi ẩn chìm vào những bông cúc. Bên cạnh những loài hoa khác, hoa cúc đã bị lu mờ. Giới trẻ ngày nay có mấy ai còn yêu hoa cúc. Chỉ có mùa thu còn nâng niu hoa cúc, giót cho chúng những giọt mật óng vàng.

Lang thang trên đường phố Hà Nội cuối chiều, một chút lạnh se se, một chút buồn lãng đãng, lạc vào phố cũ. Nhâm nhi ly cà phê kho một mình ngẫm nghĩ sự đời. Vị đắng chát làm tôi say, lạc vào chốn tang bồng. Bước vào cái vòng quay của  Caffe mà không biết lối ra. Mọi người chưa lạc như tôi bao giờ phải không? Cứ thử mà xem sẽ chẳng biết lối ra đâu....

Anh đi tìm cái Hoa Vàng của anh lạc vào chốn đó còn tôi vì say hương vị cà phê mà cũng không biết lối ra.

Mỗi khi hờn ghen với những loài hoa khác tôi vẫn tìm đến anh để dãi bày tâm sự. Anh thấy Cúc có còn đẹp không ......Một thời hương sắc đã qua, sắc đẹp đã tàn phai.....
Xa nhau khắc khoải đếm tàn canh
Sợi nhớ sợi thương giấc chẳng thành
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoahn

Em lục tìm trong mùa thu cũ, không thấy hoa hồng  và sô cô la
Có âm thanh từ nỗi nhớ vọng ra
Có gió heo may  tìm về da diết
Mùa lang thang của những vòng xe không biết mệt,
Một chút nắng vàng  cũng xao xuyến ngẩn ngơ
Giọt cà phê se sắt đợi chờ
Góc phố nhỏ vòng tay anh ấm áp
.......
Xa nhau khắc khoải đếm tàn canh
Sợi nhớ sợi thương giấc chẳng thành
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoahn

MY VALENTIN



Em lục trong tháng ngày xưa tìm hoa hồng và sô cô la
Thấy âm thanh từ nỗi nhớ vọng ra
Cơn gió heo may  lùa về da diết
Mùa lang thang  những vòng xe không mệt
Khoảng khắc hanh vàng  thu là của riêng em


Từng giọt cà phê se sắt ngọt mềm
Góc phố nhỏ vòng tay đông ấm nóng
Hơi thở nồng nàn mau qua ngày lạnh cóng
Đêm giáng sinh thánh lễ xưng tội yêu


Xuân hạ thu đông nỗi nhớ cứ nặng chiều
Cây hoa sữa lối quen nay đã lớn
Không thấy hoa hồng và sô cô la ngọt đắng
Trong tim anh quà tặng ... dòng tên em.
Xa nhau khắc khoải đếm tàn canh
Sợi nhớ sợi thương giấc chẳng thành
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoahn

Giữa lòng hè mà sao có gió heo may? Con khỉ ba không bỏ quên trên dòng sông huyền thoại . Mang nó về cho em đi anh! Đừng bỏ quên, đừng đánh mất. Hà Nội hôm nay thu lại về, Hậu Giang con sóng vẫn dạt dào, bến Ninh Kiều có ai còn đợi người yêu . Có ai đo được vị mặn của dòng phù sa. Có ai yêu Hậu Giang như chúng mình không?
Xa nhau khắc khoải đếm tàn canh
Sợi nhớ sợi thương giấc chẳng thành
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoahn



TÌM CHA


     Tỉnh giấc lúc 4 giờ sáng, không thể ngủ lại được nữa, chị nằm nghĩ miên man. Giờ này mấy hôm trước chị  dậy sớm tong tả chuẩn bị ra xe từ Sài gòn đi Tây Ninh tìm mộ bố. Xăng xái lo chu toàn cho cuộc hành trình của bốn người với hy vọng  mang được bố về chôn cất ở quê hương.

       Cảm xúc buồn tủi thất vọng trào lên, những giọt nước mắt lại ứa ra tràn xuống ướt đầm gối. Chị nghĩ “ Không biết mẹ  có ngủ được không, đã dịu bớt những đau thương chưa? Mình còn chưa hết sock thì mẹ sẽ ra sao đây?” . Một lần nữa chiến tranh lại cày xới gia đình chị lên.

Trưa tháng 5, Hà Nội oi nồng, cái nắng đổ lửa như thiêu, như đốt, cháy xém làn da con gái. Chị và đồng nghiệp vừa đến đơn vị đối tác để làm việc thì nhận được cú điện thoại của chú ruột.

- Cháu lấy bút ghi số điện thoại này vào và gọi điện ngay cho họ, cứ gọi đi sẽ biết cần phải làm gì, anh ấy tên là Hùng.

Chỉ có vậy là chú chị ngắt máy. Chị còn chưa biết có chuyện gì vừa xảy ra, cũng đành làm theo lời chỉ dẫn của chú. Nhắc máy đầu kia là một giọng đàn ông trung niên. Chị chào hỏi rồi nhắc lại yêu cầu của chú.

Người đàn ông đó kể lại :

- Anh đi tìm mộ bố anh là liệt sỹ, bố em linh ứng báo cho nhà ngoại cảm tên tuổi, địa chỉ, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh, nơi hy sinh. Anh theo địa chỉ đó gọi về Đảng uỷ xã thì họ báo đến gia đình em.

- Vâng, thưa anh, em là con út của liệt sỹ có thông tin như anh thông báo

- Anh đang tiến hành đào tìm hài cốt theo sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, em có muốn vào không.  Ba anh nói rằng bố em nằm cạnh ba anh.

- Vâng, thưa anh, em xin nghỉ rồi em bay ngay đêm nay, mai anh cho em đi cùng nhé.

Vậy là sau một hồi trao đổi với gia đình và xin phép cơ quan, chị bay vào Sài gòn đi tìm mộ bố. Chị được 6 tháng tuổi thì bố chị nhập ngũ đi B. Khi chị 4 tuổi thì người ta làm lễ truy điệu bố chị.Người ta nói với chị

        - Bố cháu hy sinh rồi, cháu vào dỗ mẹ cháu đi, bảo mẹ đừng khóc nữa.

Chị còn chưa hiểu thế nào là “ hy sinh ” chỉ thấy mẹ khóc nhiều lắm. Chị cũng chưa biết thế nào là “bố” chỉ biết có ông bà và mẹ. Thấy mẹ khóc chị thương lắm, chị ôm lấy mẹ mà nói

- Mẹ đừng hóc (Khóc) nữa

     Mẹ bảo chị ra ngoài chơi nhưng chị thương mẹ lắm nên cứ quanh quẩn bên mẹ. Cho đến giờ chị vẫn không quên khung cảnh của buổi lễ truy điệu bố. Được năm tuổi chị đã biết đi chăn trâu giúp mẹ. Mẹ làm ruộng thì chị cầm chạc để không cho trâu vơ ngọn lúa. Chị còi lắm, bé tý tẹo nên con trâu cứ lôi chị đi theo nó. Năm 6 tuổi chị đã biết chăn trâu một mình. Cô bác trêu chị:

- Mẹ mày (quê chị họ nói thế) xinh thế, mày cứ chăn trâu ở đây, ở nhà có ông xe máy đến cưới mẹ mày rồi.

Chị cãi lại vài câu nhưng không khỏi lo lắng. Nhiều đêm ngủ mê thấy cảnh mẹ đi lấy chồng. Tỉnh dậy chị hớt hải gọi ông nội.

- Ông ơi mẹ con đâu?
- Mẹ cháu đi làm rồi, ngủ muộn còn hỏi mẹ làm gì
- Ông nói dối, mẹ con làm ở cánh đồng nào?

    Chị chạy khắp các cánh đồng tìm cho bằng thấy mẹ mới chịu về. Sự vô tâm của người lớn đã gieo vào con trẻ những giấc mơ kinh hoàng. Tuổi thơ của chị là những chuỗi ngày lo sợ mẹ đi lấy chồng và chờ đợi bố về. Tin đồn thất thiệt có người vẫn gặp bố chị sau những năm 1972 làm cho cả gia đình hy vọng.

    Hoà bình lập lại bố chị vẫn không về, gia đình chị lại nuôi dưỡng mầm hy vọng mới. Bố chị khôn ngoan, thông minh nên được cử đi hoạt động bí mật. Năm tháng trôi đi cùng với sự thất vọng lớn dần. Từ sự chờ đợi bố trở về gia đình chị lại hy vọng được biết đến hoàn cảnh hy sinh và một chút tang vật của bố. Hy vọng mãi chỉ là hy vọng .

   Lớn lên không biết mặt cha, bố chị đã không để lại một tấm hình nào cho gia đình thờ cúng. Mười sáu tuổi, vào đại học, thấy bố của các bạn đến thăm chị dần dần cảm nhận được thế nào con mồ côi. Hai mươi hai tuổi, lấy chồng chị mới biết người phụ nữ goá chồng khổ đến nhường nào. Sinh con rồi chị càng thương mẹ hơn và thấm thía cảm giác mồ côi.
    
Thấm thoát đã 40 năm. Những ám ảnh thời thơ ấu vẫn hằn trong ký ức của chị. Chị không dám xem phim chiến tranh. Mỗi lần về quê dịp dỗ bố hay ngày 27 tháng 7 hàng năm nhìn mẹ đứng tựa lưng vào cổng nghĩa trang khóc chị đau lòng lắm. Mẹ chị nói:

- Người ta thì có xương có cốt còn bố con thì chỉ có nấm mồ giả.

    Thương mẹ, xót cha, chị lên quyết tâm đi tìm mộ cha. Trong tay chị chỉ có một tờ giấy báo tử với những dòng thông báo chơi vơi làm căn cứ “ Hy sinh ở chiến trường miền nam”.  Chị hỏi Sở thương binh xã hội tỉnh, câu trả lời không có gì sáng sủa hơn. Năm 1994 nhờ người quen chị tìm được danh sách mồ liệt sỹ ở chiến trường miền nam – không có bố chị. Mười năm sau chị lại hỏi Bộ Lao động thương binh xã hội với hy vọng bố chị đã được quy tập – cũng không hơn gì.

      Những năm gần đây rộ lên những thông tin về nhà ngoại cảm, chị lại nuôi hy vọng. Gặp nhà ngoại cảm Phan thị Bích Hằng thì điều kiện liên hệ với vong linh liệt sỹ là phải có ảnh mà bố chị không có.

       Năm 2009 chị tìm đến nhà ngoại cảm khác, không cần ảnh. Nhà ngoại cảm này cần đến con trai hoặc anh em ruột của liệt sỹ. Thế là chị lại gọi anh trai, chú ruột từ quê ra Hà Nội để gặp nhà ngoại cảm. Qua nhà ngoại cảm này chị được biết ba chị vẫn chưa được quy tập và vẫn còn nguyên xác. Nhà ngoại cảm này cũng được hỗ trợ của Nhà nước nên cầm tờ giấy báo tử đã cho gia đình chị biết bố chị thuộc sự quản lý của quân khu 7.

      Cậu em ở Bộ Quốc phòng đã giúp chị hỏi được thông tin về sự hy sinh của bố chị. Nhật ký trung đoàn cho chị biết bố chị hy sinh năm 1970 do sốt rét ở viện K71C. Ngày hy sinh so với giấy báo tử của Tỉnh đội cấp lệch nhau 10 ngày. Vậy là 40 năm bố chị không được cúng giỗ đúng ngày. Chị lặng người đi ở cơ quan, những giọt nước mắt đau xót lại trào ra. Cơ quan chức trách có thấm thía sự mất mát này của gia đình chị bởi sự tắc trách của mình hay không?

        Không biết vị trí bệnh viện K71C năm đó ở đâu. Với sự mơ hồ về mảnh đất chiến trường vùng biên mà chị chưa hề đặt chân đến, chị mong ước tìm ra nơi bố chị mất. Thế là đầu năm 2010 gia đình chị lên đường đi Tây Ninh, đến quân khu 7 để tìm hiểu. Thông tin không có gì sáng sủa hơn, gia đình chị đã tìm đến nghĩa trang liệt sỹ Tân Biên với những hy vọng mỏng manh nhất.

     Không lùi bước sau chuyến đi thứ nhất, nghe người ta nói về nhà ngoại cảm tên là Liên tìm mộ liệt sỹ rất giỏi, gia đình chị quyết tâm đên Hải Dương ăn trực nằm chờ để nhờ nhà ngoại cảm giúp đỡ. Các con đi công tác cả nên mẹ chị đã đến ở đó chờ thay các con. Đúng đến ngày gia đình chị được phát giấy hẹn thì bố chị linh ứng báo cho gia đình qua nhà ngoại cảm.

     Chị đã đứng không vững ở cơ quan bạn, vừa mừng vừa tủi chị lên máy bay đi miền nam tìm hài cốt của bố. Sau khi làm thủ tục vào phòng chờ lên máy bay chị mới bình tĩnh để điện về cho mẹ. Chiếc điện thoại hoạt động hết công xuất đã sắp hết pin.
    Tìm được một ổ cắm điện ngay dướii ti vi trong phòng chờ chị vừa xạc vừa nghe điện thoại của mẹ. Mẹ chị cũng vừa từ Hải Dương đi 140 Km về đến nhà. Nghẹn ngào bà dặn con:

- Con nhớ mua mấy mét vải trắng và vải đỏ để mang bố con về nhé.
- Vâng ạ, con lớn rồi, mẹ cứ yên tâm con sẽ chu đáo. Con chỉ hy vọng được biết bố con nằm ở đâu là tốt rồi.

     Chị nói vậy là sợ mẹ chị quá hy vọng rồi khi thất vọng sẽ rất khổ. Mẹ chị đã 72 tuổi rồi, cái tuổi không còn sức chịu đựng nữa. Mọi người trong phòng chờ thấy chị ngồi lặng ngay dưới ti vi nước mắt lưng tròng cũng lặng đi không thấy nói cười nữa.

    Chú ruột và anh rể chị đi công tác miền trung được tin cũng đón xe quay lại Sài Gòn. Chú lớn nhất của chị đã 60 tuổi cũng đón xe xuống từ Đắk lắc cùng em và cháu đi tìm anh. Nhờ sự sắp xếp của anh Hùng, 20 giờ 30 chị đến khách sạn ngay gần nhà anh Hùng để tiện trao đổi.

   Cả nhà anh Hùng trông ngóng chị đến, anh em lần đầu gặp nhau mà như đã thân thiết từ lâu lắm rồi. Anh Hùng và nhà ngoại cảm kể chi tiết cho chị nghe về sự linh ứng của bố chị. Theo sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm từ nhiều ngày trước anh Hùng đã đi lên Tây Ninh tìm hài cốt bố.

     Cách biên giới Cam pu chia 2km anh tìm được cột thu phát sóng mobi, ông chủ vườn điều tên Tôn, gốc Thanh Hoá có bốn người con. Chủ đất trước là bà Quế vừa đến ở đây được mấy tháng thì chồng mất, bà đã rời đi nơi khác lập nghiệp.

      Khớp tất cả dữ kiện điều tra từ người dân địa phương, anh Hùng xác định là bệnh viện K71C nằm ở phía đầu nguồn con suối chảy qua vườn điều nhà ông Tôn.  Ba ngày trước khi chị vào nhà ngoại cảm cùng gia đình anh Hùng lên Tây Ninh cùng dân quân địa phương tiến hành đào tìm hài cốt bố.

   Ngày thứ nhất Bố anh Hùng đã linh ứng vào cháu gái con anh Hùng để chỉ vị trí ông nằm. khi đào được hố sâu 1,5 m thì có một con bướm bay đến đậu dưới đáy hố và chết. Nhà ngoại cảm kể, họ nhìn thấy bố chị bê đĩa vải cũng lễ đi mời đồng đội và nói:

- Con gái tôi mang vải vườn nhà đến đấy, tôi chào các bác tôi về với con đây.

     Bố chị cứ nhận cháu gái đồng đội là con gái. Đến ngày thứ hai thì bố chị nhập vào cô cháu gái đó và đòi đào sâu để mở rộng hố đào. Dấu hiệu để nhà ngoại cảm nghi đó không phải bố anh Hùng là ông cụ không hút thuốc lá, sợ mùi thơm còn bố chị thì thuốc lá.  Bằng một số biện pháp thử nghiệm bố chị không viết được tên mẹ kế anh Hùng gia đình xác định được đó không phải vong linh nhà mình. Việc tìm kiếm đã tạm dừng lại ngay ngày hôm sau. Nhà ngoại cảm trở về cơ quan ở Cần thơ vì công trình có sự cố ( cô phụ trách tư vấn thiết kế cho một công ty xây dựng).
    Buổi trưa hôm ấy bố chị đã nói với cô rằng
- Tôi đã mạo danh bố anh Hùng, chúng tôi đã họp lại nghiêm túc kiểm điểm. Vì tôi nhớ quê, nhớ con gái tôi quá nên tôi mắc lỗi. Nhờ cô nói anh Hùng tìm đến gia đình tôi báo cho con tôi biết.
Ông đã nói rất chính xác danh tính và địa chỉ.

...........

(còn nữa)

Xa nhau khắc khoải đếm tàn canh
Sợi nhớ sợi thương giấc chẳng thành
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoahn

Hoa sữa đã nở trắng trời. Cả thành phố thoang thoảng hương nồng. Mấy cây hoa sữa cổng cơ quan cứ vô tâm ngào ngạt. Ai bảo mình yêu mùa thu để rồi hờn giận hoa sữa. Mùa đã qua mùa, heo may vẫn cứ thổi. Dòng Hậu giang mùa con nước nổi. Dòng cũ đã trôi chỉ còn lại đôi bờ.

Vẫn man mác gió thu, vẫn hương phù sa ngai ngái, chỉ có xúc cảm con người là thay dổi.
Xa nhau khắc khoải đếm tàn canh
Sợi nhớ sợi thương giấc chẳng thành
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoahn

Thu nay sao giống mùa thu trước. Mưa nhiều, cái lạnh đến sớm. Cơn gió chiều hôm đó nông nổi thổi nghiêng vách quán. Bài học góc lệch độ 15 vẫn tươi nguyên như chưa bao giờ học. Cơn gió chiều nay se sắt mặn nồng mê hoặc lòng người. Có ai biết vì sao mà heo may đáng yêu đến thế? Có ai còn trân trọng chữ tình?
Xa nhau khắc khoải đếm tàn canh
Sợi nhớ sợi thương giấc chẳng thành
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 3 trang (24 bài viết)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối