Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 61

QUÂN NGUYÊN LẠC LỐI
GIỮA MÊ CUNG ĐẠI VIỆT


Trong cuộc hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất và thứ hai, triều đình nhà Trần cùng quân dân đều phải rút khỏi kinh thành Thăng Long nhưng cuối cùng đều giành được chiến thắng. Đó là điều tương đối bất thường trong bối cảnh lịch sử thời trung đại. Hầu hết những quốc gia để mất kinh đô trong chiến tranh khó mà đảo ngược tình thế. Tuy nhiên đối với Đại Việt lại là ngoại lệ vì chúng ta có những hoàn cảnh đặc trưng và có phương thức tiến hành chiến tranh đặc trưng.

Việc di tản khỏi kinh đô của Đại Việt hẳn không phải là một cuộc rút chạy đơn thuần, mà là một phần quan trọng của kế sách “Vườn không nhà trống”. Thăng Long đúng nghĩa một toà thành trống rỗng sau khi quân ta rút đi. Lương thực không có, nhân dân cũng di tản. Điều này khiến cho việc chiếm được kinh đô của Đại Việt không mang nhiều ý nghĩa chiến lược đối với quân Nguyên nữa. Người Việt bấy giờ đã quen với việc chiến đấu mà không có kinh đô. Đầu não của quân Đại Việt có thể di chuyển khắp nơi trong nước nhờ vào sự chuẩn bị tốt, thuyền bè cơ động nhanh.

Vua Trần sau khi rút khỏi Thăng Long thì cho phần lớn quan quân và triều đình dong thuyền rút thẳng về Thiên Trường. Dọc sông Hồng, quân Đại Việt bố trí hàng loạt cứ điểm phòng ngự để cắt đuôi quân Nguyên. Thoát Hoan hạ được thành Thăng Long rồi, cùng Ô Mã Nhi thống lĩnh thuỷ quân ráo riết đuổi theo vua Trần. A Bát Xích tiến sau, chưa kịp vào thành Thăng Long đã nhận lệnh cho bộ quân tiến theo dọc sông Hồng về nam để phối hợp. Truy binh quân Nguyên hai đạo thuỷ bộ hùng hổ đuổi theo vua Trần. Ô Mã Nhi cho quân bắn thư sang quân ta đe doạ vua Trần: “Ngươi chạy lên trời ta theo lên trời, ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước” (theo Thiên Nam hành ký – Từ Minh Thiên). Ấy là do Ô Mã Nhi cho rằng lần này hắn đã có thuỷ quân mạnh, thuyền bè nhiều nên có thể dễ dàng tung hoành trên khắp lãnh thổ Đại Việt chứ không giống như lần xâm lược trước. Tuy nhiên, viên tướng thuỷ quân Nguyên Mông không thể đắc chí được lâu.

Tại các căn cứ Cảm Nam (phía nam Thăng Long, chưa rõ vị trí), Hàm Tử (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay) quân ta đã bố trí hai chốt chặn hậu, tạo điều kiện cho vua Trần và đầu não triều đình rút lui. Thoát Hoan cho rằng vua Trần ở Cảm Nam, đích thân đem quân đánh vào đấy, lại lệnh cho A Bát Xích dẫn bộ binh đánh vào Hàm Tử. Vượt qua được Cảm Nam và Hàm Tử, quân Nguyên tiếp tục đuổi xuống phía nam thì gặp phải chốt chặn ở Hải Thị (ngã ba sông Luộc, ranh giới tỉnh Hưng Yên và Thái Bình ngày nay). Khi quân Nguyên vượt qua được Hải Thị thì đại quân và triều đình Đại Việt đã đi xa. Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, A Bát Xích chia quân lùng sục khắp vùng Thiên Trường (thuộc Nam Định ngày nay), Long Hưng (Thái Bình ngày nay) để tìm kiếm tung tích vua Trần.

Không tìm thấy đầu não quân ta, Ô Mã Nhi tức tối sai quân tàn phá Chiêu lăng, là lăng mộ vua Trần Thái Tông ở phủ Long Hưng. Quân Nguyên đào bới, tìm mãi chẳng thấy quách của vua Trần Thái Tông, chỉ đập phá công trình rồi rút đi. Giặc vừa truy lùng vua Trần vừa cướp bóc, giết chóc khắp nơi. Chúng đốt phá các điền trang, thái ấp, làng mạc dọc đường tiến quân, một dãi giang sơn xơ xác tiêu điều. Các tướng lĩnh Nguyên Mông rất căm tức quân dân ta đã đánh bại chúng lần trước nên không bỏ qua cơ hội nào để trút hận thù lên muôn dân. Cuộc chiến do đó mang nặng màu sắc diệt chủng.

Chính trong sử sách nước Nguyên cũng phải ghi nhận việc làm của quân giặc “đốt phá chùa chiền, đào bới lăng mộ, cướp giết người già trẻ con, tàn phá sản nghiệp trăm họ, không điều gì là không làm” (Thiên Nam Hành Ký – Từ Minh Thiên). Về phía nhân dân Đại Việt, chúng ta đã giảm thiểu được những thiệt hại nhân mạng nhờ vào việc đã có chuẩn bị từ trước, cố gắng di tản khỏi những điểm nóng của cuộc chiến tranh, thực hiện “vườn không nhà trống”. Tuy nhiên, vẫn không thể tránh khỏi những tang thương, mất mát nhất định. Quân Nguyên càng giết chóc, tàn phá nhiều càng hun đúc chí căm thù cho quân dân ta. Từ triều đình, quan quân đến dân chúng ai nấy đều căm phẫn khi hay tin Ô Mã Nhi phá hoại lăng tẩm hoàng gia và tàn hại trăm họ, chỉ chực chờ cơ hội xả thân báo thù.

Thoát Hoan được tin vua Trần đóng ở cửa biển Giao Thuỷ ở Thiên Trường, bèn đem binh thuyền đuổi tới. Quân Nguyên đến đó thì hoàn toàn mất dấu vua Trần. Thoát Hoan chẳng biết vua Trần đã đi đâu mấtđành phải rút quân về Thăng Long củng cố vùng chiếm đóng, sai A Bát Xích cùng Áo Lỗ Xích phụ trách chia quân đi tìm cướp lương thực nuôi quân. Ô Mã Nhi đem thuyền ra cửa An Bang đón thuyền lương của Trương Văn Hổ. Thoát Hoan đến giờ vẫn chưa hay biết là thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị tiêu diệt bởi Trần Khánh Dư từ tháng trước rồi. Như vậy là sau những hoạt động rầm rộ buổi đầu, quân Nguyên đã bắt đầu bước vào giai đoạn cạn kiệt dần lương thực.

Cuộc truy đuổi của quân Nguyên diễn ra từ ngày 2.2 đến ngày 6.2.1288. Tức là chỉ trong 4 ngày giặc vừa đánh hạ các cứ điểm chặn hậu vừa hành quân đuổi theo quân ta một đoạn đường dài từ Thăng Long đến cửa biển Giao Thuỷ. Điều đó chứng tỏ quân Nguyên lần này với lực lượng thuỷ quân hùng hậu đã có sức cơ động nhanh, sức chiến đấu trên chiến trường sông nước mạnh mẽ vượt bậc so với lần xâm lược trước. Nhưng điều đó là chưa đủ để cho quân xâm lược có thể thủ thắng. Đơn giản là hạm đội của Đại Việt còn có tốc độ hành quân nhanh hơn quân Nguyên. Khi Thoát Hoan đến cửa Giao Thuỷ, quân ta đã ra biển lớn và chia làm nhiều nhánh quân. Hưng Đạo vương đem một hạm đội ngược về hướng bắc, tản ra hoạt động khắp các lộ ven biển là Hồng, Khoái, Kiến Xương, Hải Đông…

Vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông đem một hạm đội vào Thanh Hoá. Nhờ có thuyền bè nhiều và nhanh nhẹn, quân Đại Việt có thể dễ dàng chia quân tuỳ thích để chốt giữ các đồn trại, một phần trong số đó là để đánh lạc hướng, làm nhiễu thông tin trinh sát của địch. Quân Nguyên do đó không biết chỗ nào là hư, chỗ nào là thực. Bấy giờ vua và Thượng hoàng ở Thanh Hoá ẩn giấu hình tích. Còn thuỷ quân ta dưới trướng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thì tích cực hoạt động ở ven biển đông bắc để quấy rối, thu hút sự chú ý của giặc, cố gắng kiểm soát lại những vùng giặc đã chiếm đóng nhưng không đủ binh lực để giữ. Thoát Hoan phát hiện quân ta hoạt động ở vùng Hải Đông, quả nhiên tập trung sự chú ý vào đấy đúng như kế hoạch của Hưng Đạo vương. Quân Nguyên đem quân đánh vào nhiều nơi.

Theo Nguyên sử ghi chép thì quân Nguyên thắng trận liên tục ở Cá Trầm, Cá Lê, Man San, Nguỵ Trại (những địa danh chép theo Nguyên sử, không rõ vị trí cụ thể), nhưng thực chất những trận này toàn là đụng phải những lực lượng nghi binh của Hưng Đạo vương. Một nhánh quân Nguyên dưới trướng Tích Đô Nhi thực sự gặp phải quân chủ lực của Hưng Đạo vương ở gần Tháp Sơn (Đồ Sơn, Hải Phòng), lập tức bị quân ta đánh lui. Từ đây, bộ binh quân Nguyên co cụm dần về Thăng Long, Vạn Kiếp và tăng cường cướp bóc khắp nơi, đồng thời chờ đợi đoàn thuỷ quân của Ô Mã Nhi sẽ đón được thuyền lương mang về doanh trại.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-Ywi_msZG4kU/W252R_58nmI/AAAAAAABxrc/ndhHqbiuTqwZXOd5FG9pLDYuL5Y31EOCwCLcBGAs/s640/61.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 62

HƯNG ĐẠO VƯƠNG
DÙNG THUỶ BINH ĐẠI CHIẾN Ô MÃ NHI


1.
Hưng Đạo vương kiểm soát lại vùng Hải Đông, kịch chiến Ô Mã Nhi

Thuỷ quân Nguyên Mông trong cuộc chiến lần này đã rất mạnh, nhưng sức cơ động vẫn kém hơn thuỷ quân Đại Việt rất nhiều. Chiến thuyền Đại Việt đa dạng về chủng loại, thường có tốc độ cao và dễ xoay sở trong mọi điều kiện sông nước hay trên biển. Chiến thuyền quân Nguyên thì chỉ có lợi thế ở sự to lớn, do là những thuyền dùng để vượt biển, vừa phải chở nhiều quân vừa kiêm chức năng chiến đấu. Do chậm chạp hơn, sau khi chiếm được Thăng Long quân Nguyên một lần nữa để mất dấu vua Trần. Đoàn chiến thuyền của quân ta đã luôn nắm thế chủ động về tốc độ trong những cuộc hành quân, rượt đuổi.

Mặc dù tạm thời bỏ ngỏ nhiều vùng để cho giặc chiếm đóng, quân Đại Việt vẫn có khả năng phản đòn ngay lúc mà quân Nguyên vẫn đang trong giai đoạn sung sức nhất. Hưng Đạo vương từ Thiên Trường dẫn quân đi đường biển vòng trở lại ven biển lộ Hải Đông, đóng thuỷ quân tại Tháp Sơn (Đồ Sơn, Hải Phòng). Nơi này trên là núi, dưới là biển, chư quân tựa lưng ra biển mà đóng giữ, giúp hạn chế tối đa sự kết hợp thuỷ bộ của quân Nguyên khi giao chiến. Lúc này, địch nếu muốn đánh thì phải đánh với ta những trận thuần thuỷ chiến, hoàn toàn không có sự trợ giúp của bộ binh với cung cứng ngựa khoẻ.

Từ căn cứ Tháp Sơn, Hưng Đạo vương cho quân quần thảo một vùng biển rộng. Ngày 10.2.1288, Ô Mã Nhi nhận lệnh của Thoát Hoan đem thuỷ quân đi đón thuyền lương của Trương Văn Hổ (vốn đã bị tiêu diệt từ trước nhưng giặc chưa hay biết), đến cửa biển Đại Bàng (cửa Văn Úc, Kiến An, Hải Phòng ngày nay) thì gặp thuỷ quân Đại Việt dưới quyền chỉ huy của Hưng Đạo vương dàn trận đón đánh. Quân ta có khoảng 1.000 chiến thuyền lớn nhỏ, chia làm nhiều nhánh quân, chủ ý đánh tiêu hao địch rồi rút. Ô Mã Nhi gặp quân ta dàn trận cũng xông vào ứng chiến. Các nhánh quân Đại Việt luân phiên tấn công hạm đội quân Nguyên từ nhiều hướng. Giao chiến hồi lâu, quân Nguyên chết đuối rất nhiều, mất hơn 300 chiến thuyền về tay quân Đại Việt. Nhưng với lực lượng còn lại khá đông, Ô Mã Nhi cố gắng chỉ huy các chiến thuyền phá trận. Đánh thêm một hồi, nhận thấy sức chiến đấu của địch còn mạnh nên quân ta giãn ra, tránh những thương vong chưa thực sự cần thiết.

Ô Mã Nhi qua được cửa Đại Bàng, dẫn binh thuyền đến vùng biển Tháp Sơn thì lại gặp thuỷ quân của Hưng Đạo vương chờ sẵn. Ô Mã Nhi cố sức đánh trả rất vất vả, rốt cuộc cũng vượt qua được. Đoàn chiến thuyền quân Nguyên tiến thẳng đến cửa biển An Bang (thuộc Quảng Ninh ngày nay), đóng lại tại đó chờ đón đoàn thuyền lương mà giặc vẫn nghĩ là còn tồn tại. Hưng Đạo vương không đánh gấp vào hạm đội của Ô Mã Nhi nữa mà dồn sức quấy rối khối quân của Thoát Hoan trên bộ, dần nắm lại quyền chủ động khắp vùng Hải Đông. Căn cứ Vạn Kiếp của quân Nguyên bị quân ta trực tiếp uy hiếp từ phía đông.
2.
Quân Nguyên thiếu lương thực, cướp bóc tàn hại nhân dân

Trong lúc Ô Mã Nhi đem thuỷ quân ra biển đón thuyền lương thì Thoát Hoan đóng quân ở Thăng Long chờ đợi. Chính trong lúc chờ Ô Mã Nhi, quân Nguyên đã bắt đầu thiếu lương thực. Các tướng Nguyên phải chia quân đi cướp bóc lương thực trong dân. Đi đến đâu chúng cũng vấp phải sự kháng cự của nhân dân các làng xã, hoặc có khi dân chúng tản đi trốn tránh và cất giấu lương thực, khiến giặc rất khó khăn trong việc cướp lương. A Bát Xích lúc này đã thấy được nguy cơ, bàn với Thoát Hoan: “Giặc [ chỉ quân Đại Việt] bỏ sào huyệt trốn vào núi biển là có ý đợi chúng ta [ chỉ quân Nguyên] mệt mỏi rồi thừa cơ đánh lại.

Tướng sĩ phần nhiều là người phương Bắc, lúc xuân hạ giao nhau, khi chướng lệ hoành hành, chưa bắt được giặc, ta không thể giữ lâu được. Nay chia quân bình định các nơi, chiêu hàng những người quy phụ, ngăn cấm quân lính không được cướp bóc, kíp bắt ngay Nhật Huyền [ chỉ Trần Thánh Tông] đó là kế hay”. A Bát Xích phân tích ý định của quân Đại Việt và sự khó khăn của quân Nguyên rất chính xác. Tuy nhiên phương lược giải quyết thì hắn còn lâu mới tìm được lời giải. Kế sách của A Bát Xích nghe qua có vẻ hay nhưng rõ ràng không khả thi để thực hiện. Ngay chính hoàn cảnh trước mắt quân Nguyên đã không có đủ lương thực để ăn thì làm sao tránh khỏi việc cướp bóc. Mà đã cướp bóc tàn hại nhân dân khắp nơi, thì lấy đạo nghĩa gì để chiêu hàng nhân dân. Vả lại càng chia quân để “bình định”, giặc càng phải dàn mỏng lực lượng, trở thành mục tiêu cho các đội quân của ta cơ động tiêu diệt. Vốn dĩ cuộc chiến đã phi nghĩa từ bản chất mà A Bát Xích lại đem điều nhân nghĩa ra nói thì làm sao thi hành được.
3.
Tin chiến thắng của Trần Khánh Dư về đến hành cung, Thoát Hoan nhận hung tin

Chiến thắng Vân Đồn – Lục Thuỷ diễn ra trong tháng Chạp (5.1 - 2.2.1288). Trận này quân ta đã tiêu diệt hết thuyền lương của quân Trương Văn Hổ chỉ huy. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư sau đó đã cho người chạy trạm ngựa báo tin thắng trận lên vua. Tuy nhiên, do tình hình chiến sự gay go nên tin tức về chiến thắng này đã bị chậm trễ rất nhiều. Lúc này, thuỷ quân của Trần Khánh Dư đang đóng giữ ở vùng biên thuỳ Vân Đồn. Trong khi đó, Thoát Hoan đã chiếm cứ Vạn Kiếp và một số vùng Hải Đông, uy hiếp Thăng Long ở phía đông. Điều này làm cho đường liên lạc của Trần Khánh Dư về kinh thành bị gián đoạn. Những diễn biến sau đó là việc Thoát Hoan tiến chiếm Thăng Long và vua Trần liên tiếp phải di chuyển trên những đoạn đường dài. Vì vậy nên quân báo tiệp mà Trần Khánh Dư phái về triều báo tin tức càng khó hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi vua và thượng hoàng vào Thanh Hoá vào đầu tháng 2.1288, quân báo tiệp của Trần Khánh Dư phái đi mới có thể tìm đến hành cung. Thượng hoàng Trần Thánh Tông nhận được tin thắng trận của Trần Khánh Dư rất vui mừng, nói với mọi người: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng?” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Nói xong ngài lệnh thả vài tên tù binh Nguyên Mông bị quân ta bắt được về trại địch để báo tin. Những lỗi lầm của Trần Khánh Dư từ trước xí xoá không nhắc đến nữa.

Thoát Hoan đóng quân ở Thăng Long, đương lúc khốn đốn vì thiếu lương thực thì lại nhận được hung tin do đám tù binh được quân Đại Việt thả ra về báo lại. Tướng sĩ quân Nguyên hay tin, trên dưới đều sửng sốt. Thoát Hoan bèn dẫn quân quay trở lại căn cứ Vạn Kiếp mà hắn đã sai quân xây dựng kiên cố trước đó. Trước khi rút đi, giặc đã đốt phá nhiều cung điện, công trình trong kinh thành, khiến Thăng Long một lần nữa hoang tàn. Lúc này căn cứ Vạn Kiếp đã có thành gỗ vững chải, Thoát Hoan chia quân phòng giữ, chờ đợi lương thực.

Lại nói về Ô Mã Nhi cùng hạm đội của hắn chờ đợi ở An Bang ngót gần một tháng ròng rã. Đến hạ tuần tháng 3.1288, Ô Mã Nhi tuyệt vọng dẫn đoàn thuyền theo ngã sông Bạch Đằng quay trở về Vạn Kiếp hội quân với Thoát Hoan. Do không đón được thuyền lương, Ô Mã Nhi cho quân thả sức cướp bóc lương thực dọc đường tiến quân đem về đại doanh quân Nguyên ở Vạn Kiếp. Hắn dẫn quân tràn vào cướp phá trại Yên Hưng (thuộc Quảng Ninh) vào ngày 22.3.1288. Với rất nhiều cố gắng, Ô Mã Nhi cướp được 4 vạn thạch gạo đem về Vạn Kiếp. Chúng ta nên biết rằng, số lương thực mà quân Nguyên cướp được cũng là minh chứng cho sự tàn phá dữ dội của quân giặc đối với nhân dân. Tuy nhiên, chừng ấy cũng chẳng đủ để quân Nguyên đảm bảo được lương thực. Trải qua gần 3 tháng tiến vào nước ta, quân Nguyên đã bắt đầu lâm vào cảnh đói khát. Mấy chục vạn quân Nguyên chỉ còn trông cậy vào số lương thực ít ỏi mà Ô Mã Nhi đã cướp được mang về.

Thực ra ngoài đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ thì Nguyên triều còn phái hai đoàn thuyền lương khác nữa với quy mô nhỏ hơn đi sau. Nhưng hai đoàn thuyền này cũng chẳng thể đến được với quân Nguyên ở Đại Việt. Một đoàn thuyền lương do Phí Củng Thìn chỉ huy chưa ra khỏi vùng biển Huệ Châu (Quảng Đông) đã bị gió bão đánh dạt vào Quỳnh Châu (đảo Hải Nam). Một đoàn thuyền lương dưới trướng Từ Khánh đang trên đường biển sang nước ta thì bị gió bão đánh dạt tận biển Chiêm Thành, bị thiệt hại nặng rồi cũng quay về Quỳnh Châu. Trong khi quân Đại Việt tung hoành trên mặt biển, thì quân Nguyên cứ mỗi lần đi biển là mỗi lần trông cậy vào sự may rủi. Qua hai lần thuyền lương nước Nguyên bị bão biển đánh dạt cũng như nhiều lần trước hành quân đánh Chiêm Thành, Nhật Bản đều bị thiệt hại do bão biển đủ cho thấy kiến thức hàng hải, thời tiết của Nguyên Mông rất kém. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến đế chế Nguyên Mông không thể nào bành trướng đến những nước ở mé biển như Đại Việt, Chiêm Thành hay như Nhật Bản là nước nằm giữa biển.

Quốc Huy

https://2.bp.blogspot.com/-S_Kt1--wyVY/W3fTD9MxgkI/AAAAAAAByLk/F8pS_Kgx8qoVf3Nx5PKZ_pOKDg_01plgQCLcBGAs/s640/62.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 63

QUÂN NGUYÊN TÌM CÁCH RÚT LUI
TRONG DANH DỰ CŨNG KHÔNG XONG


Quân ta với sự phối hợp nhịp nhàng của quân đội triều đình cùng các đạo nghĩa binh, dân binh đã đánh giặc ở khắp nơi mà chúng đóng quân. Lần lượt những đồn trại mà quân Nguyên rải rác khắp nơi đều thất thủ. Thoát Hoan đã không diệt liệu thế nguy khốn, cho dời đại doanh từ Thăng Long trở về Vạn Kiếp. Trên đường từ Thăng Long đến Vạn Kiếp quân Nguyên vấp phải sức tấn công mạnh của các đạo quân tác chiến độc lập của Đại Việt. A Bát Xích dẫn quân đi tiên phong, đánh nhau với quân ta hơn 30 trận.

Quân Nguyên đụng trận với quân ta ở Tam Giang khẩu (ngã ba sông Lục Đầu, sông Cầu, sông Thương giao nhau), Vạn hộ Đường Tông bỏ mạng, A Bát Xích rất vất vả đánh thông được đường cho đại quân của Thoát Hoan đi về Vạn Kiếp. Đoạn đường từ Thăng Long đến Vạn Kiếp không dài, lại là vùng mà quân Nguyên đã đi qua mà quân ta còn hoạt động mạnh như thế, đủ cho thấy quân Nguyên đã bất lực trong việc kiểm soát lãnh thổ. Quân ta thừa thế dần chiếm lại được hầu hết đất đai trong nước, trong đó có các vị trí quan trọng như phủ Thiên Trường, phủ Long Hưng, kinh đô Thăng Long…

Trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, A Bát Xích dẫn quân cướp bóc khắp nơi, gom lại được 1 vạn 3 ngàn thạch gạo để nuôi quân. Cộng thêm số gạo 4 vạn thạch mà Ô Mã Nhi cướp phá được, tạm thời quân Nguyên không bị cạn lương, nhưng cũng đã bắt đầu chịu cảnh đói khát cơ cực. Cho đến cuối tháng 3.1288, tức gần 4 tháng tính từ khi Thoát Hoan dẫn quân đặt chân vào lãnh thổ nước ta, thuỷ bộ quân Nguyên đã dần co cụm lại ở Vạn Kiếp và phụ cận, lương thực ít ỏi, vùng chiếm đóng liên tục bị thu hẹp do sức tấn công của quân Đại Việt,bệnh dịch đã bùng phát trong quân do thời tiết chuyển từ xuân sang hè.

Bấy giờ Hưng Đạo vương đóng đại doanh ở Tháp Sơn, với lực lượng hơn 1.000 chiến thuyền hoạt động khắp vùng Hải Đông, gần như hoàn toàn làm chủ mặt biển. Quân Đại Việt đã sẵn sàng đối đầu những trận chiến lớn với quân Nguyên. Thấy thế lực ta đã mạnh, vua Trần và thượng hoàng từ Thanh Hoá đem quân trở ra bắc hội quân với Hưng Đạo vương, cổ vũ tinh thần quân dân cả nước. Đại doanh của vua Trần đóng ở Trúc Động (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng ngày nay) để điều động quân dân.

Biết tin vua Trần đóng ở Trúc Động, Thoát Hoan bèn sai A Bát Xích đem quân đến đánh để quyết giành lại thế chủ động. Quân Nguyên kéo đến gần Trúc Động như lạc vào mê cung với chằn chịt các sông ngòi. Quân Đại Việt dựa vào địa hình sông nước mà chống trả mãnh liệt. A Bát Xích đánh không được phải rút lui.

Để kéo dài thêm thời gian cho quân Nguyên thêm xuống sức và khiến chúng lơ là cảnh giác, vua Trần dùng kế trá hàng để lừa giặc. Hưng Ninh vương Trần Tung được phái sang trại quân Nguyên, hẹn ngày “xin hàng”. Thoát Hoan như vớ được phao, tưởng là thật. Bọn giặc hy vọng triều đình Đại Việt sẽ cho chúng một lối thoát danh dự, dù là lời “đầu hàng suông” cũng được, miễn sao mở đường cho đoàn quân xâm lược về nước mà không mang bị là quân bại trận. Thoát Hoan bèn án binh bất động, sửa sang thành luỹ mà chờ đợi vua Trần đến. Đương lúc quân Nguyên mất cảnh giác, quân Đại Việt thình lình tấn công vào ban đêm, hạ liền mấy trại. Thoát Hoan biết mình mắc mưu, vô cùng tức giận. Hắn hạ lệnh cho Vạn hộ Giải Chấn đốt thành luỹ, muốn dẫn toàn quân ra tử chiến với quân ta một phen. Các tướng Nguyên dưới quyền phải hết sức can ngăn, Thoát Hoan mới bình tâm trở lại mà huỷ lệnh. Bấy giờ bốn bề trại giặc đều cóquân Đại Việt chực chờ đánh phá, quân Nguyên chỉ còn tạm yên ổn trong hệ thống thành luỹ Vạn Kiếp, Phả Lại, Chí Linh.

Tướng lĩnh quân Nguyên hoang mang tột độ, cùng nhau bàn bạc kế tiến thủ. Thần Nỗ Tổng Quản của quân Nguyên là Giả Nhược Ngu bàn rằng: “Quân có thể về, không thể giữ” (theo Tân Nguyên sử).

Các tướng Nguyên khác cùng tiếp lời: “Giao Chỉ chẳng có thành trì nào có thể giữ được, không có kho lương tiếp tế lương thực. Vả lại thời tiết đã nóng, sợ rằng hết lương binh mỏi, không thể ở lâu, làm xấu mặt triều đình, nên cho toàn quân quay về”(theo Nguyên sử).

Thoát Hoan sau khi nghe các tướng của mình phân tích cũng nói: “Xứ đất nóng nực, ẩm ướt, lương thảo thiếu, quân lính mệt mỏi”( theo An Nam Chí Lược – Lê Tắc).

Cũng như nhiều lần xâm lược của các quốc gia, triều đại phương bắc, quân xâm lược khi đánh không lợi đều đâm ra chê đất nước ta “nóng nực, lam chướng”. Thoát Hoan nói xong, đồng ý cho toàn quân rút lui. Nhưng rút bằng cách nào khi mà các ngã đường đã dày đặc quân dân Đại Việt chực chờ tiêu diệt chúng lại là cả một vấn đề lớn. Đám tướng lĩnh chỉ huy thuỷ quân đã quá ngao ngán việc phải đối đầu với thuỷ quân tinh nhuệ Đại Việt và sóng gió nơi biển cả nên hiến kế: “Hai lần thuyền vận tải tới mà đều bị chìm, bây giờ kéo quân về, không chi bằng phá huỷ hết thuyền bè, theo đường bộ là tiện hơn cả”(theo An Nam Chí Lược).

Thoát Hoan muốn nghe theo kế ấy nhưng đám thuộc hạ thân tín hết mực ngăn cản, xin chia quân làm hai đạo thuỷ bộ cùng rút lui theo hai hướng khác nhau. Bởi vì việc đốt thuyền rút chạy được coi là nhục nhã đối với quân đội của một đế quốc lớn như Nguyên Mông. Một nguyên do khác nữa là nếu chia quân hai đường thì đạo quân đường thuỷ sẽ giúp thu hút lực lượng quân Đại Việt truy kích, tạo điều kiện cho đạo quân rút theo đường bộ có thể rút lui an toàn hơn. Thoát Hoan cuối cùng quyết định chia quân rút lui theo hai đường thuỷ và bộ. Theo kế hoạch, Thoát Hoan sẽ dẫn bộ binh rút theo đường cũ mà trước hắn đã tiến sang, theo đườngLạng Châu về châu Tư Minh nước Nguyên. Thuỷ quân do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy sẽ rút theo ngã sông Bạch Đằng, vượt biển về nước. Thoát Hoan còn phái thêm Trịnh Bằng Phi, Đạt Truật dẫn bộ binh đi dọc sông để hộ tống hạm thuyền của Ô Mã Nhi.

Vậy là sau những cố gắng để đánh bại nước Đại Việt không thành, đến đây Thoát Hoan cùng đám tướng lĩnh Nguyên Mông đã phải chấp nhận thất bại một lần nữa. Tuy nhiên, tham vọng của quân Nguyên vẫn còn đó và hơn ai hết, quân dân Đại Việt biết rõ điều này. Quân Nguyên nếu có thể rút lui mà bảo toàn được lực lượng, chúng sẽ tìm cách quay trở lại tái thực hiện mưu đồ thôn tín Đại Việt. Bởi vậy, Hưng Đạo vương đã bày sẵn muôn trùng cạm bẫy để tiêu diệt toàn bộ đạo quân xâm lược, đánh cho Nguyên Mông những đòn đau để chúng không còn đủ ý chí và tiềm lực cần thiết để xâm lược nước ta nữa. Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 của quân dân Đại Việt chuyển sang giai đoạn cuối – truy kích tiêu diệt quân Nguyên xâm lược.

Quốc Huy

https://3.bp.blogspot.com/-OB2U_QRkjMo/W4oEMKL2y4I/AAAAAAABzYw/FMqtcW5Hcf0Dp3KgvswMb0zhC7jgPXw2QCLcBGAs/s640/70.4.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 64

NHÀ TRẦN BẮT SỐNG Ô MÃ NHI
XOÁ SỔ THUỶ QUÂN NHÀ NGUYÊN


Theo lệnh của Thoát Hoan, ngày 30.3.1288, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem thuỷ quân đi về trước. Dọc bờ sông, Thoát Hoan phái kỵ binh do Trịnh Bằng Phi, Đạt Truật đi theo hộ tống hạm đội. Kế hoạch này chẳng qua là Thoát Hoan muốn trấn an bọn tướng lĩnh và binh lính khối thuỷ quân mà thôi. Trên thực tế, tốc độ của kỵ binh đi trên bờ và thuỷ quân dưới sông là hết sức khác biệt, nhiều chỗ ven sông không có đường cho kỵ binh di chuyển. Đạo kỵ binh hộ tống của quân Nguyên đến chợ Đông Triều (huyện Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay) thì gặp sông chắn ngang, cầu đã bị quân Đại Việt phá nên không tiến được. Trịnh Bằng Phi dò biết tin quân ta đã chờ sẵn bên kia sông để đón đánh chúng, bèn bắt các kỳ lão trong vùng dẫn đường tắt đi ngược trở về Vạn Kiếp, hòng tranh thủ hội quân rút lui cùng khối bộ binh của Thoát Hoan.

Như vậy là thuỷ quân của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đã hoàn toàn bị khối bộ binh bỏ mặc. Bọn chúng đơn độc xuôi theo dòng sông Lục Nam tiến về đông, định theo ngã sông Bạch Đằng để ra biển. Tướng lĩnh thuỷ quân Nguyên Mông vô cùng lo lắng. Việc phải rút lui theo đường thuỷ chẳng qua là chúng miễn cưỡng tuân lệnh mà thôi. Không có bộ binh hộ tống, đạo thuỷ quân Nguyên Mông đi được rất chậm. Quân Đại Việt dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Trần Nhân Tông tổ chức thành những biên đội thuỷ quân nhỏ, cùng các toán dân binh đã chặn giặc liên tục, đánh dài từ Vạn Kiếp đến Bạch Đằng, không ngày nào ngơi nghỉ. Sự đánh phá này cốt để làm cho quân giặc thêm xuống sức, tạo thuận lợi cho đại quân ta tiêu diệt chúng trong một trận quyết chiến.

Trong khi vua Trần cầm quân đánh chặn, quấy nhiễu thuỷ quân Nguyên Mông trên sông Lục Nam thì ở ven biển, Hưng Đạo vương đang chuẩn bị lực lượng lớn ở cửa vùng cửa sông Bạch Đằng để đón đánh thuỷ quân giặc. Hưng Đạo vương đặt quân thuỷ bộ mai phục dày đặc ở các tuyến sông Giá, sông Kênh, sông Chanh, sông Đá Bạch, sông Thai, núi Tràng Kênh, Yên Hưng… Tại một số nơi lòng sông rộng trên sông Bạch Đằng, thuỷ triều lên xuống chênh lệch mạnh, quân ta cắm cọc nhọn rồi phủ cỏ lên trên. Các bãi cọc này là những công trình tiêu tốn khá nhiều công sức. Nhân dân trong vùng cùng với quân đội triều đình đã phải tốn nhiều thời gian chuẩn bị từ trước để diệt giặc. Bãi cọc vừa đóng vai trò là cạm bẫy đánh chìm thuyền giặc, vừa làm hẹp thuỷ lộ, khiến cho thuyền giặc phải di chuyển theo toan tính của quân ta.

Ô Mã Nhi đem binh thuyền đến ngã ba Đụn (sông Đá Bạch giao với sông Giá), vùng Trúc Động (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng ngày nay) vào ngày 8.4.1288. Quân Nguyên phải mất đến 8 ngày để đi đoạn đường sông từ Vạn Kiếp đến đây do bị đánh phá liên tục trên dọc đường đi. Ô Mã Nhi muốn lợi dụng lúc thuỷ triều rút nhanh, xuôi theo dòng sông Giá kéo quân ra biển. Quân Đại Việt bày trận trong sông Giá dày đặc để ngăn lại. Ô Mã Nhi sai Lưu Khuê dẫn tiên phong đánh thăm dò, bị quân ta đánh bậc trở lại nhanh chóng. Ô Mã Nhi thấy quân ta ở sông Giá đông và mạnh, nên không dám đi vào sông Giá nữa.

Ô Mã Nhi đem hết quân thẳng đường sông Đá Bạch mà đi. Hừng sáng ngày 9.4.1288, thuyền quân Nguyên tiến vào sông Đá Bạch, gần đến núi Tràng Kênh đương lúc nước triều lên cao, Hưng Đạo vương sai quân ra đánh nhử, cầm chân địch. Thuỷ quân Nguyên gặp phải quân ta, dàn thuyền xáp lại đánh. Giao chiến một hồi, quân ta rút lui theo đúng theo kế mà Hưng Đạo vương đã định từ trước. Ô Mã Nhi tưởng quân ta rút lui thật, thừa thế thúc toàn quân tiến nhanh vào sông Bạch Đằng. Lúc này thuỷ triều đang xuống mạnh, hạm thuyền giặc lọt thỏm vào muôn trùng trận địa mai phục của quân ta mà vẫn chưa hay biết. Thuyền quân Nguyên đương lúc mải truy đuổi thì thình lình vướng vào bãi cọc, nối nhau vỡ đắm. Đó là lúc quân Đại Việt phát lệnh phản công.

Tướng quân Nguyễn Khoái thống lĩnh quânThánh Dực dũng nghĩa, đội cấm binh tinh nhuệ bậc nhất của Đại Việt từ hạ lưu đánh thẳng vào chính diện đội hình các chiến thuyền Nguyên Mông. Đội thuyền đương giả thua cũng quay đầu lại đánh, chắn ngang đường ra biển của giặc. Từ các nhánh sông Chanh, sông Kênh, sông Giá, sông Thai, sông Điền Công… thuỷ quân ta vốn mai phục sẵn từ trước nhất tề đổ ra đánh phá tạt sườn đội hình giặc. Đồng thời hàng loạt các thuyền bè chở đầy chất gây cháy, lửa chảy bừng bừng được thẳng từ thượng nguồn xuôi dòng nước lao thẳng vào hậu quân Nguyên Mông. Chẳng mấy chốc trên sông Bạch Đằng đã thành một biển lửa. Thuyền quân Nguyên cháy rực cả khúc sông. Thuỷ quân Đại Việt từ sông Uông phối hợp với bộ binh ở núi Tràng Kênh kéo ra khoá đuôi hạm đội quân Nguyên. Từ hai bên bờ sông, cung tên, hoả tiễn của quân ta tưới thẳng vào đầu kẻ địch.

Các tướng Nguyên là Phàn Tiếp, Lưu Khuê, Hoạch Phong, Ô Mã Nhi, Trương Ngọc, Tích Lệ Cơ cùng chỉ huy quân lính cố gắng củng cố lại đội hình chống trả rất mãnh liệt. Phàn Tiếp cho quân đổ bộ lên chiếm lấy núi Tràng Kênh, toan lấy chỗ cao cho quân tựa lưng vào đó mà dàn trận. Nhưng lúc này thì cả Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà chúng đều không có. Quân của Phàn Tiếp vừa lên bờ đã bị phục binh của ta ở núi Tràng Kênh vây đánh, đẩy ngã xuống sông. Thuỷ triều xuống nhanh làm hiện ra những bãi cọc nhọn đâm thủng rất nhiều thuyền chiến Nguyên Mông, chiếc đi trước vừa vướng cọc chìm thì chiếc đi sau là lao tới. Quân giặc chết đuối nhiều vô kể. Cả đoàn thuyền bị ùn tắc. Đám thuyền không vướng cọc thì cũng bị một đội thuyền hùng mạnh của quân ta chặn ngang từ phía hạ lưu, không sao thoát ra hướng biển được. Giặc bị hãm giữa trận, tiến thoái đều không được. Các thuyền quân Nguyên lo sợ bị vướng cọc nên di chuyển rất hạn chế, tụ lại một chỗ thì lại làm mồi cho cung tên của quân Đại Việt. Quân ta vòng vây càng lúc càng siết chặt.

Hai bên kịch chiến suốt mấy canh giờ, quân Nguyên càng núng thế, lớp này đến lớp khác gục ngã dưới làn mưa tên nhưng vẫn chưa chịu buông xuôi. Bởi chúng đã bị dồn vào thế cùng đường nên dùng hết khả năng mà kháng cự. Binh pháp cổ hạn chế việc dồn kẻ địch vào thế cùng, khi bao vây thường vây ba hướng, chừa một hướng cho địch quân rút chạy rồi đuổi theo truy sát. Thế nhưng với cách thức dụng binh của Hưng Đạo vương thì có phần khác biệt. Trong trận Bạch Đằng lần này, quân Đại Việt quyết không chừa cho kẻ địch một con đường thoát nào.

Đương lúc trận chiến bước vào đoạn cao trào, Hưng Đạo vương cùng vua Trần Nhân Tông, thượng hoàng Trần Thánh Tông dẫn đoàn chiến thuyền hùng mạnh nhất tung vào trận. Các đạo cấm quân tinh nhuệ thường ngày giữ nhiệm vụ bảo vệ vua và triều đình, nay được dịp thả sức tung hoành. Các quân thấy đội thuyền của nhà vua kéo tới tiếp viện, càng thêm phấn chấn, cùng hợp sức mà đánh giết quân giặc, trút tên như mưa vào các thuyền giặc. Ở chiều ngược lại, quân Nguyên càng thêm hoảng loạn, trận thế tan vỡ. Quân Đại Việt thả sức tàn sát, máu nhuộm đỏ cả một khúc sông lớn. Tướng giặc là Trương Ngọc chết trong đám loạn quân. Phàn Tiếp té xuống sông, quân ta dùng câm liêm móc lên bắt sống. Các tướng Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ cũng bị bắt sống. Nội minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi, đem giải đến thuyền ngự của Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Thượng hoàng sai người rót rượu cho Ô Mã Nhi uống.

Kết thúc trận chiến Bạch Đằng, quân Nguyên đại bại. Toàn bộ đạo thuỷ quân Nguyên Mông gồm khoảng 6 vạn binh lính bị giết hoặc bị bắt sống hết. Không một tên nào chạy thoát. Thuyền quân Nguyên cả thảy khoảng 600 chiếc cỡ lớn, quân Đại Việt bắt được 400 chiếc, số còn lại khoảng 200 chiếc bị đánh chìm trong tại trận.

Sở dĩ triều đình Đại Việt tốn nhiều tâm huyết để tiêu diệt thuỷ quân Nguyên Mông là bởi vì đánh giá rằng đây mới là đội quân nguy hiểm nhất cho Đại Việt, không thể để lại làm hậu hoạ về sau. Trận Bạch Đằng là một trận chiến có quy mô huỷ diệt vào loại cực cao trong sử sách. Chỉ trong chưa đầy một ngày mà hàng vạn quân giặc đã bỏ xác trên chiến trường. Đội thuỷ quân tinh nhuệ nhất của đế chế Nguyên Mông, đội chiến thuyền mà nước Nguyên đã huy động rất nhiều tiềm lực mới có được trong phút chốc tan tành theo bọt sóng Bạch Đằng giang. Cùng với việc tổ chức tiêu diệt đạo thuỷ quân của giặc thì trên các tuyến biên giới trên bộ, quân Đại Việt cũng giăng sẵn những cạm bẫy chờ tiêu diệt khối bộ binh của Thoát Hoan.

Quốc Huy

https://2.bp.blogspot.com/-2ywedxQuhNY/W4oD25hobDI/AAAAAAABzYk/Ur2hRDOYM_0w_G3853f395y8v41j2sOkwCLcBGAs/s640/64.JPG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 65

NHÀ TRẦN DÙNG LIÊN HOÀN KẾ
TRUY KÍCH THOÁT HOAN


Trong lúc phần lớn lực lượng quân Đại Việt tập trung tiêu diệt đạo thuỷ quân Nguyên Mông rút theo ngả sông Bạch Đằng thì ở phía mặt trận trên bộ, hàng vạn quân ta bao gồm quân chính quy của triều đình và các đạo dân binh, thổ binh cũng đã bố trí thế trận truy kích khối quân kỵ bộ của Thoát Hoan trên đường rút chạy về nước. Trên toàn tuyến các cửa ải dài từ Vạn Kiếp đến ra khỏi địa phận nước Đại Việt, quân ta đã hoàn toàn làm chủ, cắt đứt triệt để hành lang hậu tuyến của giặc. Giờ đây để có thể trở về, quân Nguyên không còn cách nào khác là vừa rút lui vừa phải chiến đấu để giành đường đi.

Trên đoạn đường qua ải Nội Bàng, quân Đại Việt mai phục dày đặc. Tại ải Nữ Nhi, quân ta đào hầm sỉa ngựa đón đánh kỵ binh giặc. Các cửa ải khác trên tuyến biên giới cũng đều bố trí phục binh và quân chặn cửa ải.

Ngày 8.4.1288, Thoát Hoan đem quân rút lui theo đường Vạn Kiếp, Lạng Sơn về nước. Quân Nguyên rút theo hai đường. Đường phía đông có A Bát Xích đem quân tiên phong đi trước, Thoát Hoan dẫn quân đi sau theo. Đường này quân Nguyên sẽ đi qua ải Nội Bàng, ải Nữ Nhi, ải Khâu Cấp (tức Lộc Bình, Lạng Sơn ngày nay) để về nước. Tích Đô Nhi dẫn quân theo đường phía tây, tức phải qua ải Chi Lăng, trại Vĩnh Bình để về. Dù đi theo đường nào thì trên mỗi bước đường quân Nguyên đều phải đánh đổi bằng xương máu.

Tích Đô Nhi đem quân theo đường hướng tây, chỉ đi được đến cửa ải Hãm Sa đã bị quân Đại Việt chặn đánh hàng chục trận, chịu thương vong đáng kể lực lượng. Nhận thấy không tiến lên được nữa, Tích Đô Nhi chuyển hướng cho quân theo hướng đông đến họp quân với Thoát Hoan để cùng rút lui. Về phía cánh quân Nguyên rút theo phía đông cũng chẳng dễ dàng. Thoát Hoan đem quân đến đoạn đường qua ải Nội Bàng thì lọt vào trận địa mai phục của quân Đại Việt.

Quân ta chờ cho giặc hành quân qua gần hết mới tung quân đánh cắt đôi đội hình, vây bức hậu quân của giặc mà tiêu diệt. Thoát Hoan sai Vạn hộ Đáp Lạt Xích, Lưu Thế Anh cố sức đánh mới giải vây được cho hậu quân. Quân Đại Việt vẫn đánh đuổi theo sau lưng quân Nguyên khiến chúng chết rơi rớt dọc đường. Thoát Hoan phải sai Vạn hộ Trương Quân cầm 3.000 tinh binh chặn hậu cho toàn quân còn lại rút lui.

Qua khỏi ải Nội Bàng, cánh quân của Thoát Hoan gặp lại cánh quân của Tích Đô Nhi từ đường phía tây quay trở lại, họp thành một đoàn để cùng rút lui. Trước, sau và hai cánh đoàn quân rút chạy của chúng đều có quân Đại Việt chực chờ đánh phá.

Trong lúc các tướng sĩ đang nức lòng đánh diệt giặc thì có chiếu chỉ của vua Trần hạ lệnh thôi không truy kích nữa, nhường đường cho Thoát Hoan dẫn đám tàn binh bại trận về nước. Hưng Đạo vương và vua Trần đã thống nhất rằng mặc dù quyết chí tổ chức truy kích khối quân bộ Nguyên Mông những đòn đau, tiêu hao thật nhiều lực lượng của chúng, thể hiện cho chúng biết sức mạnh to lớn của quân dân Đại Việt nhưng vẫn muốn chừa cho Thoát Hoan một con đường sống hòng tiện cho việc bang giao về sau. Toan tính này xuất phát từ thực tế rằng chính những lực lượng thuỷ quân Nguyên Mông mới là mối nguy hiểm lớn đối với Đại Việt, còn kỵ bộ quân Nguyên không có nhiều đất dụng võ ở chiến trường Đại Việt.Lại thêm đế quốc Nguyên Mông to lớn hơn Đại Việt hàng chục lần, tiềm lực cũng mạnh hơn nhiều lần. Nếu cứ thẳng thừng đối đầu thì sẽ dẫn đến chinh chiến liên miên, dẫu có mãi thắng trận cũng không phải là phúc cho dân.

Vua Trần Nhân Tông là người có tầm nhìn xa, chuộng hoà bình. Tuy nhiên việc chừa cho Thoát Hoan một con đường sống lại không phù hợp với ý nguyện của nhiều tướng sĩ Đại Việt thời bấy giờ. Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện là tướng chỉ huy các quân giữ ải căm hận quân Nguyên tàn hại sinh linh Đại Việt, bất tuân thượng lệnh. Ông vẫn cho quân tổ chức đánh diệt đám bại binh của Thoát Hoan. Quân Đại Việt dùng kế Hư trương thanh thế để dẫn địch đi theo đúng ý của mình. Trải dài từ ải Khâu Cấp đến ải Nữ Nhi, quân ta quân ta phô trương rầm rộ, đào hầm sỉa ngựa để đợi. Trước quân Nguyên cài gián điệp (nhiều khả năng là người sắc dân thiểu số vùng biên giới) vào hàng ngũ của ta. Nay gián điệp ấy lại theo về quân ta, báo tin tức sai lệch khiến cho đám du binh quân Nguyên tưởng lầm rằng ta có rất đông quân.

Chưa kịp hoàn hồn sau trận chiến tại Nội Bàng, Thoát Hoan lại nghe gián điệp báo về rằng quân ta “chia binh hơn 30 vạn, giữ cửa quan Nữ Nhi cùng núi Khâu Cấp, trải dài hơn trăm dặm chặn đường về”(theo Tân Nguyên sử). Đó chỉ là báo cáo sai lệch của gián điệp. Thực ra phần lớn quân chủ lực Đại Việt đã dồn về ven biển để đánh diệt thuỷ quân giặc, toàn tuyến biên giới trên bộ chỉ có khoảng vài vạn quân ta hoạt động. Thoát Hoan trúng kế phản gián, lệnh cho các quân theo đường Lộc Châu về Tư Minh. Đây là đoạn đường hẹp. Thoát Hoan cho hành quân gấp để nhanh chóng vượt qua biên giới, đội hình quân Nguyên do đó mà đứt đoạn, dàn mỏng theo dọc đường đi.

Quân Nguyên liên tiếp nhiều ngày đói ăn, lại phải căng mình chiến đấu nên sức lực đã cùng kiệt, tướng sĩ nhìn nhau thất sắc. Chưa qua được ải quan, giặc lại lọt vào trận địa mai phục mà quân Đại Việt dưới trướng Hưng Trí vương bày sẵn. Quân Đại Việt dựa vào địa thế núi cao, rừng rậm dọc đường để mai phục, dùng cung nỏ với mũi tên tẩm độc bắn vào đội hình hành quân của giặc. Quân Nguyên chết như rạ, xác nằm chồng lên nhau. Các tướng sĩ thân tín cố hết sức mà mở đường máu, lấy thân che chắn cho chủ tướng Thoát Hoan thoát khỏi tử địa. Tướng tiên phong mở đường của giặc là A Bát Xích trúng ba mũi tên độc, đầu cổ đều sưng vù, chết trên đường đi.

Ngày 19.2.1288, Thoát Hoan về đến châu Tư Minh nước Nguyên sau những nỗi kinh hoàng tột cùng mà quân Đại Việt đã cho hắn nếm trải. Đạo quân xâm lược hàng chục vạn tên hùng hổ vượt qua biên giới lúc đầu cuộc chiến giờ đây chỉ còn lại một nhúm quân tàn tạ, đói rách, thương tích đầy mình. Thoát Hoan phải hạ lệnh bãi binh ngay lập tức. Ái Lỗ đem quân bản bộ về Vân Nam. Áo Lỗ Xích đem đám tàn binh còn lại về bắc. Cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba của Nguyên Mông chính thức khép lại. Lại thêm một thất bại ê chề dành cho những kẻ xâm lược hiếu chiến, và một dấu son mới được ghi vào trang sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-EXDvMwv_7A8/W59eNkMHHBI/AAAAAAAB7-U/-UKRczVfJegOwBGM3Ka_BsCF0x3FzKLnwCLcBGAs/s640/65.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 66

NHÀ TRẦN LUẬN CÔNG BAN THƯỞNG
TRỪNG TRỊ KẺ HÀNG NGUYÊN


Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 của quân dân nước Đại Việt khép lại với chiến thắng vẻ vang. Ngày 18.04.1288, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần, quân đội đem bọn tù binh Tích Lệ Cơ Ngọc, Ô Mã Nhi, các thiên hộ, vạn hộ quân Nguyên bị bắt về phủ Long Hưng, làm lễ mừng công trước Chiêu lăng (lăng mộ vua Trần Thái Tông). Trong chiến tranh quân Nguyên tiến vào lăng muốn đào mộ vua Trần Thái Tông nhưng tìm mãi không thấy quan tài. Đến khi bái yết, vua Trần Nhân Tông thấy chân ngựa đá trong lăng đều lấm bùn, cho rằng thần linh đã ngầm giúp. Cảm khái vì sự bi tráng của chiến tranh và chiến công của quân dân Đại Việt, vua Trần Nhân Tông đã làm đôi dòng thơ:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

Dịch thơ:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thưở vững âu vàng

Khi triều đình về lại Thăng Long, cung điện đã bị quân Nguyên đốt phá. Đến nỗi Thượng hoàng Trần Thánh Tông phải ngự ở hàng lang Thị Vệ để làm việc. Triều đình ra lệnh đại xá cả nước, những nơi chịu thiệt hại do chiến tranh đều xem xét miễn giảm thuế khoá, phu dịch tuỳ theo mức độ.

Khi định công lao dẹp giặc, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lĩnh công đầu. Vì ngài đã tột bực vinh hiển, nên vua phong thêm tước Đại vương. Con trai Hưng Đạo vương là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn có công lớn được phong làm Khai Quốc công, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng được phong Tiết độ sứ. Đỗ Khắc Chung có công lao và dũng khí đi sứ trong lúc chiến sự cam go, được ban quốc tính, gọi là Trần Khắc Chung. Quản lĩnh quân Thánh Dực là tướng Nguyễn Khoái được phong tước Liệt hầu, được ban cho một hương (làng) làm thái ấp, sau gọi là hương Khoái Lộ. Tù trưởng Lạng Giang Lương Uất có quân công nên được phong làm Trại chủ Quy Hoá. Tù trưởng Hà Tất Năng có công chỉ huy người thiểu số đánh giặc, được phong tước Quan phục hầu.

Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện cũng có công lao rất lớn, nhưng vì cãi lệnh vua đem quân đánh bọn Thoát Hoan trong khi vua đã hạ lệnh thả cho chúng một con đường sống nên ông không được phong thưởng. Nội minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi, là lập được đại công nhưng vì không dâng lên vua mà lại dâng lên Thượng hoàng nên bị bắt tội bất kính, chỉ được phong tước Quan nội hầu.

Bấy giờ người trong nước lập được quân công rất nhiều mà chức tước, bổng lộc của triều đình thì có giới hạn. Việc thưởng công xong rồi, nhiều người vẫn cho là sơ sài. Thượng hoàng Trần Thánh Tông bèn dụ rằng:

“Nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ không vào cướp nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại, và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ” (theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Lời dụ ban xuống, mọi người đều bằng lòng. Triều đình lại cho vẽ chân dung, ghi công trạng những người có chiến công đặc biệt trong hai cuộc chiến (kháng chiến chống Nguyên lần 2, lần 3) vào sách Trùng Hưng Thực Lục.

Đến lúc xét xử người kẻ hàng giặc, những nhân dân và quân lính được miễn tội chết nhưng bị bắt phải chịu phu dịch nặng nề, chuyên chở gỗ đá để xây dựng cung điện. Các quan viên hàng giặc thì bị nghiêm trị tuỳ theo tội trạng. Những hương sớm hàng giặc là Bàng Hà, Ba Điểm thì bắt dân ở đó đời đời chỉ được làm lính, làm nô, không được đi thi hay tiến cử làm quan, làm tướng.

Khi quân Nguyên rút chạy, quân ta bắt được một hòm chứ đầy văn thư ước hẹn xin hàng của các vương hầu, quan lại. Khi đem hòm ấy ra, nhiều kẻ run sợ. Thượng hoàng sai quân đem đốt hòm ấy đi để tỏ sự khoan hồng. Còn lại những kẻ phản quốc từ trước, đã lộ hình tích thì triều đình thẳng tay trừng trị. Đến như Trần Kiện đã chết rồi vẫn đem ra xử, cho đổi sang họ Mai. Trần Lộng cũng bị đổi thành Mai Lộng. Trần Ích Tắc vì là tôn thất rất gần nên không thể đội họ, bị gọi là Ả Trần (ngụ ý nhút nhát như đàn đà)... Về việc này, các ý kiến thời hiện đại thường trách vua Trần trọng nam khinh nữ. Bởi lẽ đàn bà Đại Việt cũng nghĩa khí chẳng kém đàn ông. Ý kiến của sử gia Nguyễn Khắc Thuần có thể coi là tiêu biểu cho luồng tư tưởng đương đại: “Than ôi, sử thần xưa đã nương tay không phải chỗ, đàn bà thời Trần dũng cảm đánh giặc, để lại biết bao gương sáng cho đời sau noi theo, nào ai hèn nhát và cam tâm theo giặc như Trấn Ích Tắc đâu!” (theo Việt Sử giai thoại).

Cận thần rất được tin dùng của vua Trần Nhân Tông là Đặng Long trước đây vua đã định phong làm Hàn Lâm học sĩ nhưng Thượng hoàng ngăn cản. Đặng Long bất mãn nên hàng giặc. Khi giặc thua, Long bị bắt, vua sai đem chém đầu làm răn. Nhìn chung, việc thưởng công phạt tội của triều đình nhà Trần sau chiến tranh tương đối xác đáng, đặc biệt là vừa thể hiện được đức khoan dung vừa giữ được tính nghiêm minh của pháp chế, giúp duy trì kỷ cương trật tự, củng cố khối đoàn kết toàn dân.

Quốc Huy

https://2.bp.blogspot.com/-6A85pP4sHhg/W6cdrFjaKZI/AAAAAAAB8cs/sueddoyq_Y4tojCIL0AQImzlZXKr353zgCLcBGAs/s640/66.png

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 67

THUA TRẬN THẢM HẠI
NHÀ NGUYÊN VẪN NGẠO MẠN ĐÒI TÙ BINH


Lại nói về việc Nguyên Mông sau thất bại thảm hại lần thứ 3 vẫn chưa từ bỏ ý muốn thôn tính Đại Việt. Tin bại trận về đến nơi, Hốt Tất Liệt lồng lộn nổi giận. Y đã lệnh cho Thoát Hoan ra ở đất Dương Châu, suốt đời không cho về kinh nhìn mặt.

Về phía triều đình Đại Việt, trước sau vẫn chỉ có mong muốn hai nước hoà hảo, dập tắt lửa chiến tranh. Vì thế, chỉ khoảng một tháng sau khi đánh bại quân xâm lược thì sứ giả Đại Việt đã sang nước Nguyên để mong nối lại bang giao. Tháng 5.1288, sứ bộ nước ta gồm Nguyễn Đức Vinh, Đoàn Khải Khung sang tặng cống phẩm, đưa biểu “tạ tội”. Trong tờ biểu có viết: “… Năm Chí Nguyên thứ 23 (1285), bình chương A Lý Hải Nha tham công ngoài biên giới, làm trái thánh chiếu. Vì thế mà sinh linh một phương nước nhỏ chúng tôi phải chịu lầm than. Nguyên thứ 24 (1287) lại thấy đại quân thuỷ bộ tiến đánh, cướp giết dân chúng già trẻ, phá phách sản nghiệp trăm họ, không sót điều tàn ác gì không làm... Đến khi nhờ được thái thương xót nghe theo lời kêu xin của nước chúng tôi. Đại quân về, tham chính Ô Mã Nhi lại đem quân ra ngoài biển, bắt hết nhân dân ven biển, lớn thì đốt, bé thì cướp đi, cho đến cả treo trói mổ cắt, vứt mình ở một nơi, đầu một ngả. Trăm họ bị bức đến chỗ chết, mới nổi cái hoạ chim cùng thú quẫn.

… Thấy bách tính đưa đến một người là đại vương Tích Lệ Cơ, nói là bậc quý thích của đại quốc. Thần từ hôm đó đã lễ đối đãi rất mực tôn trọng, kính hay không kính thì vương tất rõ, còn những hành vi tàn bạo của Ô Mã Nhi, vương trông thấy tận mắt, vi thần không dám nói dối. Tiểu quốc thuỷ thổ độc, viêm chướng nhiều, thần lo ở lại lâu y sinh ra bệnh tật, tuy vi thần có hết sức phụng dưỡng nhưng không khỏi bị những bọn tham công ngoài biên cương sàm tấu đặt điều cho nên tội. Vi thần kính xin sắm đủ lễ vật kíp đường sai người đến biên giới đưa đại vương về nước, ngoài ra đại quân rơi rớt lại còn hơn nghìn người, thần đã lệnh cho trở về hết, sau này nếu còn tìm được ngưòi nào, thần cũng sẽ cho về. Tiểu quốc gần đây gặp cơn binh lửa, vả hiện nay khí tròi còn nóng nực nên cống vật và sứ thần thực khố có ngay lập tức, đợi đến mùa đông mới sai người đi được...” (Thiên Nam hành ký, dẫn theo Hà Văn Tấn).

Chúng ta thấy rằng trong thư từ ngoại giao với nước Nguyên, triều Trần đã tìm cách nói giảm, nói tránh đi thất bại ê chề của kẻ xâm lược để giữ cho Nguyên triều chút thể diện của một đế quốc đầy kiêu ngạo vừa bị thua đau, đổ hết tội lỗi cho cá nhân các tướng Nguyên là A Lý Hải Nha, Ô Mã Nhi. Tuy nhiên, lời lẽ trong tờ biểu cũng ngầm chỉ trích việc bội ước của Nguyên triều mà đứng đầu là Hốt Tất Liệt. Số là lúc Nguyên Mông còn nội chiến, Hốt Tất Liệt đã từng gởi chiếu thư sang nước ta vào năm 1261 nói rằng: “Quan lại, sĩ thứ nước An Nam, phàm áo mũ lễ nghi đều được theo chế độ cũ nước mình. Trung triều đã hạ lệnh răn bảo quan lại ở ngoài biên giới không được tuỳ tiện đem quân xâm nhiễu, vậy hai bên đều nên giữ việc trị an như cũ” (theo Cương Mục). Tuy nhiên, khi tình thế thay đổi, Nguyên triều đã thằng thừng thay đổi thái độ với Đại Việt, liên tiếp gây sức ép ngoại giao và động binh lớn đến hai lần chỉ trong thời gian có mấy năm.

Sứ bộ Nguyễn Đức Vinh sang Nguyên là đúng vào lúc Nguyên chủ Hốt Tất Liệt hậm hực nhất nên đã bị giam lỏng, không cho về nước. Mùa đông năm 1288, sứ bộ thứ hai của Đại Việt do Đỗ Thiên Hư lại sang Nguyên, đem theo một số tù binh trao trả lại cho nước Nguyên. Trong số tù binh có quý tộc Mông Cổ là Tích Lệ Cơ Ngọc cũng được trao trả trong đợt này. Còn tướng Phàn Tiếp đã bị quân ta giết chết sau khi bắt được, tướng Ô Mã Nhi là nhân vật quan trọng của Nguyên Mông nhưng làm quá nhiều điều ác nên triều đình Đại Việt vẫn giam giữ chưa trao trả. Cùng với Ô Mã Nhi còn rất nhiều tù binh nước Nguyên vẫn còn bị Đại Việt giữ lại. Triều đình nhà Trần phải cân nhắc rất thận trọng giữa việc xét xử tù binh và việc nối lại bang giao với nước Nguyên.

Trái với thái độ nhún nhường của Đại Việt, phía Nguyên Mông dẫu thua trận nhưng vẫn giữ thái độ hết sức trịch thượng, ngang ngược của một đế quốc. Ngày 21.03.1288, sứ bộ nước Nguyên do Lưu Đình Trực, Lý Tư Diễn sang đến kinh đô Đại Việt. Đối với sứ giả nước Nguyên, triều đình vẫn ân cần đón tiếp. Lưu Đình Trực sang nước ta, cưỡi ngựa đến tận cung điện. Đích thân Hưng Đạo vương phải ra đón sứ, mời vào điện Tập Hiển tiếp đãi. Sứ Nguyên đưa yêu sách của Hốt Tất Liệt, đòi vua Trần phải đích thân sang chầu: “Nếu quả do lòng thành thì sao không tự mình đến mà bày tỏ, sao lại hễ nghe sai tướng sang đánh thì lo trốn tránh, hễ thấy quân rút về thì lại đánh tiếng vào công.... Ngươi thử nghĩ nếu cứ sống lén lút trên non dưới biển, ngày nào cũng lo quan quân kéo đến thì sao bằng vào khuyết đình chịu mệnh để hưởng sung sướng. Trong hai chước đó, chước nào hay chước nào dở?... Nếu ngươi sửa soạn đồ đạc sang ngay, đủ rõ nghĩa bề tôi, thì trẫm sẽ tha hết tất cả các tội lỗi trước kia, phục hồi các tước phong cũ. Nếu còn chần chừ không quyết thì hãy nên sửa sang thành quách, rèn luyện giáp binh, tuỳ ý ngươi muốn làm gì thì làm để chờ trẫm cất quân đi...” (theo Thiên Nam hành ký, dẫn theo Hà Văn Tấn).

Ngoài việc đòi vua Trần sang chầu, trong thư Hốt Tất Liệt còn yêu cầu trao trả hết tù binh: “Tích Lệ Cơ là người tộc thuộc của ta, ngươi đã lấy lễ cho về… Nếu ngươi lấy chuyện đó tô vẽ thêm thì hãy đem bọn quân quan Ô Mã Nhi Bạt Đô trả về, như thế mới tỏ được lòng trung thuận. Ngày tiếp được chiếu thư này, bọn quân quan Ô Mã Nhi Bạt Đô phải cùng đến triểu kiến. Bọn ấy nếu phải xử lý thế nào, trẫm sẽ khu xử hoàn bị. Ngươi phải cho đưa họ về tất cả” (theo Thiên Nam hành ký, dẫn theo Hà Văn Tấn). Sau những lần bại trận, Nguyên triều vẫn theo đuổi chính sách ngang ngược với Đại Việt.

Thực sự thì dù cho Nguyên Mông liên tiếp thua trận tại Đại Việt nhưng thế lực vẫn đang lên mạnh. Hốt Tất Liệt tuy hung bạo nhưng là ông vua biết cách cai trị. Dưới thời Hốt Tất Liệt, Nguyên Mông tuy không phải là một đất nước an lạc thái bình, nhưng xét về nước giàu binh mạnh khó mà nước nào sánh bằng. Cả về nhân lực, vật lực đều hết sức dồi dào. Cái khó của Nguyên triều khi xâm lược Đại Việt chính là khả năng huy động các tiềm lực chuyển hoá thành sức mạnh. Cụ thể, người đông nhưng cần phải huấn luyện để thành binh lính, của nhiều nhưng cần phải chuyên chở, đóng thuyền bè, nuôi ngựa, tích lương thực, tập kết quân mã đều là những việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Trong nhất thời sau khi bại trận Nguyên Mông không thể nhanh chóng điều động quân đội quy mô lớn tấn công Đại Việt nhưng về lâu dài, khi có đủ thời gian Nguyên triều có thể tái khởi động tiến trình xâm lược. Đó là lý do mà triều đình Đại Việt luôn hy vọng giữ hoà khí với Nguyên Mông.

Quốc Huy

https://4.bp.blogspot.com/-6ETH4vUkiF4/W7BkRf6nb7I/AAAAAAAB82U/VVxhQHPQ_isoGYUtzgx2d7qSglQBeFBqwCLcBGAs/s640/67.png

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 68

BẤT CHẤP YÊU CẦU CỦA TRIỀU NGUYÊN
NHÀ TRẦN VẪN BẮT Ô MÃ NHI ĐỀN TỘI


Yêu sách của Nguyên Mông khiến vua Trần khó xử. Đành rằng việc vua Trần từ chối không sang chầu nước Nguyên là lẽ tất nhiên của một nước tự chủ như Đại Việt. Ngay cả việc trao trả tù binh theo ý muốn của Nguyên triều cũng khó thực hiện được bởi thực tế Phàn Tiếp đã bị quân ta xử tử, còn Ô Mã Nhi gây quá nhiều nợ máu. Nếu thả Ô Mã Nhi, tên tướng đã tàn hại sinh linh Đại Việt vô số về nước thì khó yên lòng quân dân đã đồng cam cộng khổ với triều đình, còn nếu không thả hắn thì có thể khiến bùng nổ chiến tranh thêm lần nữa.

Cuối cùng vua Trần đã làm theo kế mà Hưng Đạo vương hiến: Một mặt triều đình công khai lệnh cho Nội tư gia Hoàng Tá Thốn đưa Ô Mã Nhi cùng đồng bọn về nước theo đường biển. Mặt khác ngầm sai người bơi lặn giỏi làm phu chèo thuyền. Khi thuyền ra chỗ nước sâu, phu thuyền nhân lúc đêm đến lặn xuống nước đục thuyền cho chìm. Ô Mã Nhi chết đuối. Triều đình nhà Trần khéo léo dàn dựng cái chết của Ô Mã Nhi như một tai nạn. Bấy giờ sứ bộ nước Nguyên vẫn đang ở Đại Việt. Triều đình Đại Việt đã cho sứ giả Lương Đình Trực tận mắt chứng kiến việc làm ma chay cho Ô Mã Nhi. Thực ra điều này chỉ cốt làm cho đủ lễ để người Nguyên khó bắt bẻ chứ vua Trần cũng thừa biết khó mà khiến cho họ không nghi ngờ.

Khi tiễn sứ bộ nước Nguyên về, Hưng Đạo vương đã nhỏ nhẹ biện bạch về cái chết của Ô Mã Nhi và lấy cớ rằng vua Trần “tuổi già không đi xa được”. Vua Trần lại sai đại phu Đàm Minh cùng Chu Anh Chủng theo sứ đoàn nước Nguyên sang gặp Hốt Tất Liệt, gửi biểu biện bạch của vua Trần:

"... Vi thần ở nơi góc biển hẻo lánh, ốm đau lâu ngày đường sá xa xôi, thuỷ thổ gian nan, tuy số mệnh do trời định nhưng cái chết vẫn là điều sợ nhất đối với con người... Năm ngoái, nhân dân tiểu quốc đưa đến những quan quân còn sót lại, vi thần tự xét hỏi, chỉ được ba người là đại vương Tích Lệ Cơ, tham chính Ô Mã Nhi và Phàn tham chính. Trăm họ đều căm giận vì vợ con bị giết chóc, nhà cửa bị đốt phá, nhiều người muôn làm điều trái nghĩa, nhưng vi thần hết lòng che chở, cấp dưỡng rất hậu, thê thiếp họ đều được ăn mặc đầy đủ. Trước khi về đã sắm đủ hành lý, đặc sai sứ thần là tông nghĩa lang Nguyễn Thịnh đi theo đại vương Tích Lệ Cơ cùng Đường Ngột Đãi vào cửa khuyết.

Trong khi đó, hai quan tham chính còn chậm lại sau vì đại quân vừa lui, ý sợ tham chính chưa nguôi lòng giận ắt sinh ra tai vạ nên để chậm lại rồi mới sai đưa ra bến thuyền để lên đường. Ngờ đâu kẻ vi thần vô phúc, việc xảy ra trái với ý muốn, Phàn tham chính bỗng phát cơn sốt, vi thần đã dốc hết thuốc thang, thuê bộ hạ tìm thầy chạy chữa, nhưng cũng không khỏi, đến phải bỏ mạng. Vi thần đã hoả táng, làm ma chay, rồi cấp ngựa cho thê thiếp ông ta để chờ xương cốt, các thiên hộ Mai Thế Anh, Tiết Văn Chính đi hộ tống, cùng trở về nhà. Ngày Lưu thiên sứ đến nói họ đã qua Ung Châu rồi. Hàng ngày đối đãi kính trọng hay không, hỏi thê thiếp ông ta củng có thể biết được.

Tham chính Ô Mã Nhi định ngày sẽ tiếp tục về sau. Vì đường ngang qua Vạn Kiếp nên ông ta xin tới gặp Hưng Đạo để sắm sửa hành lý. Dọc đường đang đêm thuyền bị vấp để nước dột vào, tham chính mình to vóc lớn khó bề cứu vớt thành ra bị chết đuối. Những người phu của tiểu quốc cũng đều chết hết. Thê thiếp tiểu đồng của ông ta cũng suýt nữa chết, nhờ người nhỏ nhẹ mà cứu thoát được. Vi thần đã chôn cất ma chay ở bờ biển, thiên sứ lang trung đã thấy tận mắt. Nếu có sự gì bất kính thì thê thiếp ở đó khó mà che giấu được. Vỉ thần đã sắm đủ lễ vật để đưa thê thiếp cùng với xá nhân, lang trung tiếp tục về nước. Số quân nhân ở chỗ vi thần cộng lại hơn tám nghìn người, trong đó hoặc có kẻ là đầu mục cũng không được biết. Nay nhờ chiếu dụ, vi thần lại tìm kiếm, nếu thêm được bao nhiêu đầu mục, bao nhiêu quân nhân, đều cho theo thiên sứ về nước. Sau đây nếu còn sót lại chưa về được hết thì vi thần sẽ cho về không dám lưu lại một người nào” (Thiên Nam Hành Ký, dẫn theo Hà Văn Tấn).

Như vậy là về mặt lễ, triều đình Đại Việt vẫn trước sau nhún nhường hết mực. Tuy nhiên thực chất thì nước ta chẳng làm theo yêu sách nào của nước Nguyên: tướng giặc bị giết và vua nước ta vẫn không sang chầu. Cái bất biến trong chính sách của nhà Trần là chủ quyền quốc gia vẫn được kiên trì giữ vững.

Sử gia phong kiến thường chỉ trích việc làm của vua Trần là thất tín và đem so sánh với việc Lê Thái Tổ Lê Lợi tha cho quân Minh về nước sau này. Sách Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sĩ bình rằng: “Chữ tín là quí báu nhất của nước. Đã bảo cho về, lại còn dùng kế giết đi, quỉ quyệt như thế, thủ tín với lân bang sao được. Đến sau này vua Lê Thái Tổ cũng trả người Minh về nước, có người nói đến sự đục thuyền cho đắm. Vua không dùng, người Minh cũng không nghi gì. Như thế mới thật là Vương giả có đại tín”. Đó là theo quan điểm của sử cũ. Tuy nhiên mỗi thời hoàn cảnh mỗi khác. Việc làm của vua Trần không phải là không có cái lý đúng của nó. Vua Trần giết Ô Mã Nhi là để trả mối hận cho muôn dân và cũng là trả hận cho chính hoàng tộc Trần vì Ô Mã Nhi đã tàn phá lăng tẩm nhà Trần. Vua Trần chấp nhận thất tín với người Nguyên, nhưng bù lại giữ được uy tín với các quý tộc và quân dân vì đã trừng trị được kẻ thủ ác.

Hốt Tất Liệt và quan lại Nguyên khi nghe lời biện bạch của sứ giả Đại Việt, đọc qua biểu trần tình của vua Trần ai nấy cũng nghi ngờ không phải sự thật nhưng không có lý lẽ gì để bắt bẻ. Nguyên chủ trong tạm thời biết chưa thể đủ điều kiện động binh với Đại Việt, đành xuống giọng làm hoà. Chinh Giao Chỉ hành tỉnh là cơ quan lập ra để điều hành việc xâm lược, nay nhận lệnh thu hồi lại phù ấn. Tuy vậy, Nguyên Mông vẫn thao luyện binh mã, đóng chiến thuyền mới, củng cố các vùng phía nam để làm tiền đề cho những mưu đồ nam tiến về sau.

Sau những thất bại, vua tôi nước Nguyên rút kinh nghiệm, bàn nhau mở một hướng tấn công trọng tâm khác vào Đại Việt. Ngày 10.3.1289, Quản quân vạn hộ Thành Đô là Lưu Đức Lộc tâu xin đem 5.000 quân đi chiêu dụ các bộ lạc vùng tây nam nước Nguyên để từ đó tiến đánh Đại Việt. Hốt Tất Liệt không chỉ chấp thuận, còn theo ý kiến của Khu mật viện thành lập Soái phủ, phong Lưu Đức Lộc làm Đô nguyên soái, cấp cho 1 vạn quân Tứ Xuyên. Nguyên triều toan tính rằng sẽ chuẩn bị mở một cuộc xâm lược với hướng tấn công chính đánh vào vùng tây bắc nước Đại Việt. Chúng hy vọng rằng tấn công từ hướng này sẽ phát huy hết thế mạnh về kỵ bộ, tránh được sức mạnh thuỷ quân Đại Việt. Tuy nhiên, kế hoạch xâm lược mới chỉ trong giai đoạn phôi thai và sớm gặp trở ngại.

Trong những năm từ 1288 trở đi, tình hình nội bộ nước Nguyên bất ổn. Nguyên triều nuôi tham vọng bành trướng không giới hạn, thường xuyên áp bức, bóc lột nhân dân để phục vụ cho mưu đồ bá chủ. Nhất là các vùng phía nam, Nguyên Mông đã huy động rất nhiều sức người sức của đổ vào chiến tranh với Đại Việt, Chiêm Thành, Java… Dân chúng chịu quá nhiều khổ sở, rủ nhau nổi dậy chống lại ở nhiều nơi. Phúc Kiến có quân Hoàng Hoa; Quảng Đông có quân của Đổng Hiền Cử; Chiết Giang có Dương Trấn Đông, Liễu Thế Anh; Tuần Châu có Chung Minh Lượng cầm đến hàng vạn quân trong tay. Cả vùng phía nam nước Nguyên loạn lạc. Án sát sứ Phúc Kiến là Vương Tồn đã tâu lên với Hốt Tất Liệt: “Phúc Kiến quận huyện hơn 50 chỗ, liền núi tiếp biển, thực là khu trọng yếu ở biên cương. Từ khi bình Tống đến nay, quan lại tàn bạo, cho nên dân ngu thường tụ nhau nổi dậy, triều đình đem quân đi đánh lại giày xéo tan nát... Huống dân quy phụ ở Phúc Kiến đến mấy trăm vạn hộ, trong vụ biến Hoàng Hoa đi theo đến 4-5 phần mười, nay thanh thế của Minh Lượng lại rầm rộ hơn Hoa, sao có thể coi là bọn giặc cỏ tầm thường. Nên tuyển tinh binh, nghiêm hiệu lệnh, dùng kế mà đánh, nếu không thì không dứt được mối hoạ”

Nguyên triều điều động hàng vạn quân chính quy đi đánh dẹp nhưng không xuể. Hễ đánh chỗ này, chỗ khác lại nổi lên. Trong suốt năm 1289, khắp vùng phía nam nước Nguyên vô cùng bất ổn. Tình hình thể hiện qua lời tâu của Ngự sử đại phu nước Nguyên là Oa Lúc lên Hốt Tất Liệt: “Giặc cướp nổi lên ở Giang Nam hơn 400 chỗ, nên chọn tướng để đi đánh”. Hốt Tất Liệt phải hạ lệnh cho Đường Ngột Đải, bấy giờ là Tả thừa hành tỉnh Kinh HồChiêm Thành đều thêm quân đàn áp. Dân chúng vùng Giang Nam bị cấm không được dùng vũ khí, cung tên. Cuộc chiến đấu của nhân dân vùng Giang Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ bất chấp sự đàn áp của Nguyên triều đã góp phần làm phá sản kế hoạch xâm lược Đại Việt. Nhưng lòng hận thù của Hốt Tất Liệt với nước ta vẫn còn đó và luôn chờ đợi thời cơ mới…

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-Mg-IAhcYK1w/W713dlox79I/AAAAAAAB9ik/iCi9Y4ySNVs9YI3hhCkHJNTx3yKH4ERFQCLcBGAs/s640/68.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 69

NHÀ NGUYÊN CHƯA NGUÔI HẬN
MUỐN PHÁT ĐỘNG CHIẾN TRANH LẦN 4


Trong khi nhân dân Giang Nam nổi dậy khắp nơi, Nguyên triều lại phải đối phó với một khó khăn lớn khác. Các đế chế Mông Cổ giờ đây đã không còn đoàn kết nhau như trước nữa mà bắt đầu có sự cạnh tranh. Hãn quốc Sát Hợp Đài và nước Nguyên thường xuyên xảy ra xung đột. Các vương tôn Mông Cổ ở phía bắc liên kết nhau chống lại Hốt Tất Liệt. Năm 1287, vương tôn Nãi Nhan (Nayan) cất quân chống lại Nguyên triều. Hốt Tất Liệt đã phải thân chinh đi đánh, bắt được Nãi Nhan. Những vương tôn khác sau đó tiếp tục nổi loạn. Hải Đô (Qaidu), cháu nội Oa Khoát Đài liên minh với Đô Oa (Duwa) đem quân từ Hãn quốc Sát Hợp Đài tấn công vào miền bắc nước Nguyên của Hốt Tất Liệt. Tình hình rất nguy cấp. Đến năm 1289, đích thân Hốt Tất Liệt lại phải cầm quân lên phía bắc chống lại, Hải Đô phải lui binh nhưng chiến sự giữa Nguyên và Hãn quốc Sát Hợp Đài vẫn diễn ra dai dẳng nhiều năm sau nữa. Cuộc chiến này đã làm suy yếu cả hai đế chế của người Mông Cổ.

Bên ngoài địch hoạ, bên trong nội loạn nhưng Hốt Tất Liệt vẫn không thể nguôi ngoai mối hận đối với Đại Việt, bất chấp cả việc Đại Việt đã chủ động nối lại việc triều cống sau chiến tranh. Ngày 2.7.1290, Thượng hoàng Trần Thánh Tông qua đời. Nguyên chủ muốn nhân lúc Đại Việt có tang mà gây sự. Thừa tướng Hoàn Trạch (Oiyan) và viên Bình chương Bất Hốt Mộc (Bigmis) đã can ngăn, khuyên nên sai sứ sang Đại Việt trước, vì cớ tình hình nước Nguyên cũng chẳng khả quan để có thể nam chinh. Hốt Tất Liệt sau khi cân nhắc đành phải nghe theo, năm 1291 sai sứ bộ do Trương Lập Đạo dẫn đầu sang Đại Việt. Sứ Nguyên đưa chiếu thư của Hốt Tất Liệt:

“Các vị tổ tông ta đã qui định rằng phàm các nước quy phụ, nước nào thân hành tới chầu thì nhân dân được an cư lạc nghiệp như thường, còn nước nào kháng cự không phục tùng, thì bị tiêu diệt, điều ấy khanh đã biết rồi. Cho nên ta sai sứthần qua mời thân sinh khanh qua chầu, rút cuộc không vâng lời, chỉ cho ông chú qua thay mặt chầu triều. Vì thân sinh khanh không vào chầu, nên ta phong cho người chú làm An Nam quốc vương và sai sứ thần là Bất Nhãn Thiếp Mộc Nhĩ đưa về nước. Cha khanh lại giết người chú và đuổi sứthần của ta, đến nỗi ta phải dấy binh qua đánh để hỏi tội, nhân dân của khanh bị chém giết thật nhiều mà quân ta cũng có tổn hại. Lúc đó Trấn Nam Vương Thoát Hoan còn trẻ tuổi, nghe lầm theo đường thuỷ tiến binh, nên Toa Đô và Ô Mã Nhi rơi vào tay khanh, nhân đó khanh mới được tạm yên đến nay. Khanh như biết thân hành sang chầu triều, thì những phù ấn, tước vương ta sẽ cho cả không tiếc gì, đất đai và nhân dân ngõ hầu được bảo tồn vĩnh viễn” (theo An Nam Chí Lược).

Chúng ta có thể thấy Hốt Tất Liệt đã thừa nhận thất bại của mình trong chiến tranh và phần nào thể hiện sự “khoan dung” của mình trong lời lẽ nhưng nhất nhất vẫn theo đuổi ý định bắt vua Trần phải sang chầu Nguyên triều, thể hiện sự thuần phục của Đại Việt đối với nước Nguyên.

Trương Lập Đạo sang chuyển chiếu thư, lại còn thêm lời biện bạch về thất bại của Thoát Hoan: “Trước kia Trấn Nam vương phụng mệnh đi đánh, không phải là ngài không có thể thắng được. Đó là do không dùng người hướng đạo, đem quân vào sâu, không thấy một người nào, sinh nghi rồi trở về, nhưng chưa ra khỏi nơi hiểm trở thì bị mưa to gió lớn, cung tên đều huỷ hoại, binh sĩ không đánh mà tự tan” (theo Nguyên sử).

Lời ấy của Trương Lập Đạo thật vụng về, làm sao phủ nhận được sự thực quân dân Đại Việt hoàn toàn có đủ thực lực để đánh đến cùng với nước Nguyên trong một cuộc chiến vệ quốc.

Lập Đao lại còn đe doạ: “Ngài chỉ cậy có núi biển hiểm trở và lam chướng ác liệt mà thôi. Nhưng người Vân Nam và người Lĩnh Nam thì tập tục giống nhau và tài nghệ sức lực ngang nhau. Nay đem quân ở đấy ra dùng, lại lấy thêm quân tinh nhuệ ở miền bắc, thì ngài chống được chăng? Ngài đánh thua chẳng qua lại trốn ra biển. Dân man di ở hải đảo [chỉ các nước phía nam Đại Việt] tất thừa cơ đến cướp bóc. Ngài thiếu ăn, chống không nổi tất phải khuất phục chúng. Làm bề tôi của chúng sao bằng làm bề tôi của thiên tử?” (theo Nguyên sử).

Thấy chưa lung lạc được, Lập Đạo lại gửi thư riêng cho vua Trần: “Phía bắc đến cõi Am Sơn, vốn là nơi thánh triều dựng nghiệp, phía nam ra quá Viêm Hải, hết thảy vua các nước xưng thần. Tù trưởng các vùng Hồi Hột, Tây Vực qua bãi Lưu Sa mà đến cống, quốc chúa các nước Cao Ly, Đông Di vượt biển Doanh Hải để vào chầu. Vua các rợ Khiết Đan, Tây Hạ, Nữ Chân, vì trái trời mà nước bị diệt, chúa các nước Côn Ngô, Thổ Phồn, Bạch Thất bởi theo mệnh nên được kết hôn. Các vua Vân Nam, Kim Xỉ, Bồ Chân gửi con trai làm chí tử, các miền Đại Hạ, Trung Nguyên, Vong Tống hết toàn bộ làm thần dân. Duy nước An Nam là nước bé nhỏ, ngoài mặt thì tùng phục, trong lòng chưa đổi thay…”(theo Nguyên sử).

Mặc cho lời lẽ của Hốt Tất Liệt vừa dụ dỗ vừa đe doạ, Trương Lập Đạo uốn lưỡi múa bút như thế nào, lập trường của triều đình Đại Việt vẫn không lay chuyển. Trương Lập Đạo phải về không. Sang năm 1292, vua Trần Nhân Tông sai Nguyễn Đại Phạp đi sứ sang Nguyên, nhân đó lấy cớ nước đang có tang thoái thác việc vua Trần sang chầu. Khi Nguyễn Đại Phạp đến Ngạc Châu, vào tỉnh đường gặp các quan hành tỉnh nước Nguyên có chạm mặt Trần Ích Tắc. Đại Phạp chào tất cả mọi người, chỉ không chào Ích Tắc. Hắn bèn hỏi: “Ngươi không phải là tên biên chép ở nhà Chiêu Đạo Vương đó ư?”

Đại Phạp trả lời: “Việc đời đổi thay, Đại Phạp trước vốn là tên biên chép cho Chiêu Đạo Vương, nay là sứ giả, cũng như Bình chương xưa kia là con vua, nay lại là người đầu hàng giặc”

Trần Ích Tắc vốn muốn đem thân phận cũ thấp kém của Nguyễn Đại Phạp ra để trêu chọc, rốt cuộc lại bị làm nhục chốn đông người. Từ đó về sau, Ích Tắc luôn tìm cách tránh mặt sứ giả Đại Việt sang, không dám ngồi ở tỉnh đường nữa.

Đầu năm 1293, sứ bộ Nguyên do Lương Tằng, Trần Phu cầm đoàn sang Đại Việt. Chúng yêu cầu vua Trần Nhân Tông phải ra ngoài thành tiếp đón, vua lấy cớ có tang thoái thác. Bọn sứ Nguyên đành phải vào thành đọc chiếu thư của Hốt Tất Liệt: “… Nay khanh đã biết lỗi, dâng biểu thú tội, thì ta chẳng trách phạt gì nữa. Nhưng nếu mượn cớ con mồ côi đương có tang chế và đường sá xa cách, sợ chết dọc đường không dám đi chầu. Xét lại mượn những lời lẽ như trên là bất thông. Trong đời có loài vật gì cứ an toàn mãi ru? Trong thiên hạ có chỗ nào để người ta cứ sống hoài ru? Lời dụ nầy, khanh phải xem cho chu đáo, nếu dùng những lời xảo trá hư văn và chỉ chiếu lệ cống hiến lễ-vật, như thế thì đạo nghĩa còn đâu nữa?”

Tất nhiên cũng như các lần trước, vua Trần tìm cớ từ chối việc sang chầu. Bọn Trần Phu lại cố dùng thư từ qua lại để thuyết phục. Không thể bắt vua Trần sang chầu được, chúng lại viết thư kêu vua Trần cho thái tử sang chầu. Vua Trần cũng từ chối. Sứ Nguyên đành chịu, không làm được trò gì ở Đại Việt. Triều đình Đại Việt chẳng những kiên quyết từ chối yêu sách, còn tổ chức dàn quân rầm rộ để đón sứ, có ý thị uy với sứ Nguyên. Lương Tằng, Trần Phu ngoài mặt vẫn ra vẻ cứng cỏi, nhưng trong dạ đã mươi phần ngán ngại. Trần Phu viết trong thơ của mình:

Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh.
Di hạnh quy lại thân kiện tại
Mộng hồi do giác chướng hồn kinh.
Tạm dịch:
Trông bóng giáo mác, tấm lòng đau khổ
Nghe tiếng trống đồng mà bạc cả tóc
May được trở về, thân mạnh khoẻ
Mỗi khi mộng đến chuyện cũ còn thấy hồn kinh sợ

Quốc Huy

https://3.bp.blogspot.com/-U2wF59QRPJQ/W8LI5GLZDWI/AAAAAAAB9uo/osUklI7Pof4dyqjUZJTvpXWclo1LUWvOACLcBGAs/s640/69.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kỳ 70

BỊ PHÁ UNG CHÂU
NHÀ NGUYÊN TOAN ĐỘNG BINH
LẦN THỨ 4 VỚI ĐẠI VIỆT


Tháng 3.1293, sứ Nguyên về nước. Sứ đoàn Đại Việt do Đào Tử Kỳ, Lương Văn Tảo cũng tiếp sang Nguyên ngay sau đó. Hốt Tất Liệt vẫn ôm mối hận với Đại Việt vì lẽ nước ta không chịu khuất phục, giam lỏng sứ đoàn không cho về. Quân Nguyên đi đánh nước Trảo Oa (Java, nay thuộc Indonesia) thất bại. Bọn Diệc Hắc Mê Thất, Cao Hưng, Sử Bật kéo binh thuyền trở về trở về vào tháng 8.1293. Hốt Tất Liệt càng nung nấu ý muốn thôn tính Đại Việt để thôn đường tiến xuống phía nam, triệu Lưu Quốc Kiệt Bạt Đô (Bạt Đô tức là dũng sĩ) vào triều để giao việc, nói rằng: “Trảo Oa đã được lại mất, khanh hãy vì trẫm mà đi một chuyến”.

Quốc Kiệt trả lời: “Trảo Oa là vật ở đầu ngón tay, An Nam là vật nằm trong bàn tay, thần xin vì bệ hạ mà chiếm lấy”

Hốt Tất Liệt tiếp lời: “Việc đó như ngứa trong tim, không phải gãi mà đến được. Lời khanh nói thật hợp ý ta”

Vua tôi nước Nguyên lại một lần nữa quyết chí đánh Đại Việt. Hốt Tất Liệt lệnh thành lập Hồ Quảng An Nam hành tỉnh, giao cho Lưu Quốc Kiệt làm tướng soái, cùng thân vương Diệp Cát Lý Đải (Ikiradai) với các tướng Trần Nham, Triệu Tu Kỷ, Vân Tòng Long, Trương Văn Hổ, Sầm Hùng… chuẩn bị việc nam chinh. Lưu Quốc Kiệt được lệnh đến Ngạc Châu bàn bạc với Trần Ích Tắc kế hoạch. Ban đầu, Nguyên triều điều động 1.000 chiếc thuyền, mỗi chiếc chứa được 100 hộc, 56.570 quân, 35 vạn thạch lương thực, hai vạn thạch thức ăn cho ngựa, 21 vạn cân muối, 70 vạn khí giới tập trung ở Tĩnh Giang (thuộc Quảng Tây), lấy cớ là dẹp giặc ngoài biên giới để Đại Việt không đề phòng. Bấy giờ có tù trưởng tên Hoàng Thánh Hứa, vốn là tri châu Thượng Tư (thuộc Thượng Lang, Cao Bằng ngày nay), đã đơn phương nổi dậy, đem hàng vạn quân dân dưới trướng đánh phá Ung Châu. Nguyên triều muốn lấy việc đánh dẹp Hoàng Thánh Hứa làm bình phong cho việc tập trung quân tấn công Đại Việt. Từ năm 1293 đến 1294 việc tập trung lực lượng, của cải, mộ quân diễn ra khẩn trương. Quảng Đông được lệnh đóng thêm 500 chiến thuyền, dân vùng Quảng Tây được lệnh làm đồn điền để chu cấp cho quân xâm lược.

Việc chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần thứ tư đang gấp rút chuẩn bị thì đến ngày 18.2.1294, Nguyên chủ Hốt Tất Liệt chết vì bệnh gút và béo phì đã lâu ngày. Thái tử Thiết Mộc Nhĩ lên kế vị, thường được sử gọi là Nguyên Thành Tông. Vua mới của Nguyên Mông không có lòng hận Đại Việt như Hốt Tất Liệt, nhân cớ trong nước có tang mà xuống lệnh bãi binh, thả sứ giả, gửi thư sang Đại Việt:

“Đức Tiên Hoàng đế mới thăng hà, ta nối nghiệp lớn lao. Ban đầu lên ngôi, đại xá cả thiên hạ, ân lớn ấy thấm đến tất cả mọi nơi không phân biệt trong ngoài gần xa. Khanh cũng được hưởng sự khoan hồng của ta, nên ta đã hạ sắc dụ cho các quan bãi binh, còn tên bồi thần là Đào Tử Kỳ cũng cho về nước. Nay sai Thị Lang Bộ Lễ là Lý Hãn, Lang Trung Bộ Binh là Tiêu Thái Đăng phụng chiếu cho biết từ nay về sau, phải giữ gìn và tôn thờ thiên oai. Khanh phải nên xem mà tuân theo lời chiếu” (theo An Nam Chí Lược).

Như vậy là cuối cùng nước Nguyên cũng để cho Đại Việt được yên ổn, không còn bắt vua ta phải sang chầu nữa. Từ đó về sau, Đại Việt tạm yên mặt bắc, muôn dân chuyên việc làm ăn. Từ năm 1293, vua Trần Nhân Tông đã truyền ngôi cho thái tử Thuyên, tức Trần Anh Tông. Dưới sự trị vì của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và vua Trần Anh Tông, nước Đại Việt bước vào kỷ nguyên cực thịnh. Bấy giờ uy danh Đại Việt đối với lân bang rất lớn vì đã ba lần đại thắng quân Nguyên. Các nước Chân Lạp, Chiêm Thành, các mường Ai Lao đều cống nạp xưng thần. Kể cả nước Nguyên cũng vị nể Đại Việt đôi phần. Cũng nhờ việc giữ được đất nước, Đại Việt đã che chắn cho vùng Đông Nam Á tránh khỏi vó ngựa Nguyên Mông giày xéo.

Cuộc chiến với Nguyên Mông là một mảnh quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Có thể nói rằng nó quyết định trực tiếp đến sự tồn vong của giống nòi người Việt. Quyết định chống lại sự ngang ngược của Nguyên Mông, triều đình nhà Trần đã đặt vận mệnh dân tộc vào một tình thế hoặc là chiến thắng, hoặc là chết. Người Mông Cổ có động cơ chiến tranh tương đối khác biệt với những đế chế Trung Hoa thời trước. Các đế chế Hán, Đường, Tống… tuy rất bạo ngược với dân ta nhưng động cơ chiến tranh của họ vẫn chỉ đơn thuần là cướp bóc của cải, bành trướng lãnh thổ, bắt nhân dân các nước bị thôn tính phải quy phục và trở thành đối tượng bóc lột của đế chế.

Riêng đối với người Mông Cổ, ngoài những động cơ chiến tranh kể trên còn có động cơ trả thù rất lớn. Vì trả thù, quân Mông Cổ đã từng tàn sát những dân tộc, quốc gia chống đối một cách vô cùng tàn nhẫn. Đối với họ, sự giết chóc trả thù đối phương dám chống lại mình vừa là hành động thị uy, khẳng định sức mạnh, vừa để thoả mãn cơn say máu của những kẻ chinh phục. Tại đế chế Hoa Thích Tử Mô (Khwarezm) tổng cộng đã có hàng triệu người bị giết sau khi thất thủ trước vó ngựa Mông Cổ, nhiều thành phố nổi tiếng đông dân bị xoá sổ. Người Nữ Chân, chủ thể đế chế Kim ở Hoa Bắc và người Đảng Hạng, chủ thể nước Tây Hạ cũng bị tàn sát với mức độ khủng khiếp không kém.

Khi đánh bại đế chế Tống, người Mông Cổ còn tàn sát với quy mô lớn hơn nữa. Đã có hàng chục triệu người Tống, người Kim bị giết trong những cuộc chiến dài hàng chục năm trời. Các cuộc diệt chủng lớn tới mức hầu như vẽ lại bản đồ nhân chủng tại khu vực Trung Á và hai đồng bằng sông Hoàng Hà, sông Trường Giang. Đối với một nước có dân số thuộc hàng trung bình thời này như Đại Việt, nhiều khả năng cũng sẽ là một cuộc diệt chủng nếu chẳng may quân dân ta bại trận. Nhưng cuối cùng chúng ta đã chiến thắng, dân tộc Việt nhờ đó mà được trường tồn.

Có được thắng lợi về quân sự và ngoại giao với đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh, ba lần làm nên võ công kỳ vĩ ở thế kỷ 13 là do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về nguyên nhân khách quan, phải nói rằng đế chế Nguyên Mông thời này hầu như đã bành trướng đến điểm giới hạn mà họ có thể đạt được. Người Mông Cổ xuất thân từ thảo nguyên, không có kiến thức hàng hải tốt đã không thể tổ chức tốt những chuyến hải hành khoa học để xâm lược các đảo quốc và những nước ven biển như Đại Việt, Chiêm Thành, Trảo Oa, Nhật Bản…

Lại nói, lẽ thường khi lãnh thổ càng rộng lớn thì nguy cơ phân liệt cũng lớn theo. Chúng ta thấy rằng trong một số giai đoạn, đã xuất hiện những mâu thuẫn giữa các thế lực quân phiệt Mông Cổ. Cuộc chiến giữa những đội quân Mông Cổ với nhau đã góp phần làm suy yếu bớt lực lượng, gián đoạn một số kế hoạch xâm lược của Nguyên Mông. Ngoài ra cũng không thể không kế đến sự đấu tranh của nhân dân trong lãnh thổ đế chế Nguyên Mông chống lại sự cai trị hà khắc của triều đình. Các cuộc khởi nghĩa, bạo loạn trong nước đã khiến Nguyên triều tốn không ít lực lượng, tiền của, công sức, thời gian để đàn áp, đánh dẹp.

Về chủ quan,có thể thấy rằng chúng ta đã có một đội ngũ lãnh đạo tốt với hàng loạt danh tướng xuất sắc. Chúng ta cũng có các nền tảng kinh tế, quân sự, chính trị khá mạnh để tiến hành chiến tranh. Nhưng trước hết và quan trọng nhất phải kể đến chính là việc quân dân Đại Việt đã biết đoàn kết một lòng, phát huy hết các tiềm lực, các phẩm chất tốt nhất của mình trong chiến tranh. Cũng như lời của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã nói: “... Vua tôi đồng tâm, anh em hoà thuận, cả nước ra sức, nên bọn giặc phải chịu bị bắt...”

Quốc Huy

https://1.bp.blogspot.com/-RcJ9uOsMOf4/W9VB3U52HEI/AAAAAAAB-e8/xuQ7B0QK_24rLU3LjmeHfvCJCXwTeckvQCLcBGAs/s640/70.0.jpg

15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối