Trang trong tổng số 5 trang (42 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phụng Hà

Giai thoại làng nho Việt Nam

  Năm 1966, trong GIAI THOẠI LÀNG NHO , nhà văn Lãng Nhân
đã ghi lại những  giai thoại của các thi nhân nước ta , từ Mạc  Đỉnh  Chi
(1280-1350), ..., Đoàn Thị Điểm (1705-1746),… cho đến Phan Bội Châu
(1867-1926), Nguyễn Trọng Cần (1900-1947).
   Gần đây hơn, trong GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM ,
Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch đã sưu tầm thêm một số giai thoại
văn chương khác.
   Nhưng vào thời cổ đại và cận đại,việc ghi chép chưa được kỹ càng,phần
lớn là truyền tụng, nên có nhiều giai thoại nhầm lẫn từ người nầy qua người khác, có nhiều giai thoại không rõ của ai, phải ghi "khuyết danh".

      Tôi mở diễn đàn này để các thành viên yêu thích cổ thi Việt Nam có thể đưa lên đây những giai thoại chung quanh những bài thơ hoặc chung quanh cuộc đời của các thi nhân tiền bối, thời cổ đại và cận đại.
     Mong.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng Hà

Giai thoại vua Lê Thánh Tông (1442-1497)

1/ Câu thơ nên nghĩa:

     Vua có tên thực là Tư Thành,lúc còn niên thiếu thường gọi là hoàng tử Hiệu. Ông rất thông minh và chăm học. Các môn kinh sử , luật, lịch, thi, họa, ông đều tinh thông. Đặc biệt ông rất chuộng văn học.
  Tương truyền, một buổi chiều mùa hạ,hoàng tử Hiệu đi hóng mát trên bờ sông đào vùng Tống Sơn (Thanh Hoá) tình cờ gặp một cô gái đang vo gạo ở một bến nọ . Cô gái nhan sắc tuyệt vời , khiến hoàng tử không sao bỏ đi được. Đứng tần ngần hồi lâu, hoàng tử liền đọc bỡn một câu thơ rằng :

Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả ...

Câu văn của hoàng tử tuy còn bỏ lững,nhưng ý nghĩa đã quá rõ ràng. Cô gái nghe xong vẫn cứ cúi đầu làm thinh. Mãi lúc cắp rá gạo ra về, cô mới ngoái cổ đáp lại:

Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hẵng lo cho …

  Câu này cũng bỏ lững, thiếu chữ như câu trên nhưng nghĩa cũng rõ lắm. Ý nói đời đang loạn lạc, làm thân nam nhi nên ra tay giúp đời trước đã, rồi sau có nghĩ đến chuyện mình hay chuyện ai hẵng hay.
   Nghe lời cô gái, hoàng tử càng thêm yêu mến bội phần. Sau đó, hỏi dò mới biết đó là cô Ngọc Hằng con một vị quốc công,mẹ vì bị tình phụ nên đưa cô đến ở vùng này làm ăn. Từ đó, hai người thường gặp nhau luôn.   
   Sau này, khi hoàng tử lên ngôi thì Ngọc Hằng trở thành hoàng hậu của nhà vua.

2/ Hồn bướm mơ tiên:

  Nhân dịp đầu xuân, vua Lê Thánh Tông ngự thăm nhà Thái học (Văn miếu), lúc về ghé qua chùa Ngọc Hà ở thôn Thanh Ngô gần đấy      (1).
 Tới nơi, vua thấy cảnh trí u nhã, hoa cỏ xanh tươi, lại nghe tiếng ni cô tụng kinh vang vang trong chùa. Giọng ni cô trong như nước suối,mà du dương uyển chuyển lạ thường , khiến người nghe dường như cũng phiêu diêu trong thế giới cực lạc. Nhà vua hứng tình, nguồn thơ lai láng, liền
đề ngay lên vách chùa hai câu thơ :

Tới nơi thấy cảnh thấy người,
Tuy vui đạo Phật chưa nguôi lòng trần !


       Rồi nhà vua lấy hai câu ấy làm đầu đề, bắt các quan tùy tòng ngâm vịnh. Lúc ấy, Thân Nhân Trung, một trong hai vị phó soái của "Tao đàn nhị thập bát tú" có thơ vịnh như sau :

Ngẫm sự truyền duyên khéo nực cười,
Sắc không tuy bụi, hẫy lòng người.
Chày kình một tiếng tan niềm tục,
Hồn bướm ba canh lẳn sự đời.
Bể ái ngàn trùng mong tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười!


 Vua trao bài thơ cho ni cô xem, ni cô chê hai câu "thực" thiếu ý cảnh và sửa lại rằng:

Gió thông đưa kệ tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẳn sự đời.


    Nhà vua khen hay, rồi đưa luôn ni cô về cung. Nhưng kiệu đi tới cửa Đại Hưng  (2) thi ni cô chợt biến mất. Lấy làm lạ, vua bèn sai dựng ở đó một cái lầu gọi là "Vọng tiên lâu" để lưu dấu người tiên.

(1) Tức đền Ngọc Hà ở phố Nguyễn Khuyến (phố Sinh Từ của Hà Nội bây giờ)
(2) Chợ cửa Nam bây giờ

3/ Xanh vàng đỏ tía:

   Tết Nguyên Đán. Ở kinh thành, nhà nào nhà nầy đều treo đèn kết hoa và dán đầy những câu đối lòe loẹt để mừng xuân.
 Tối ba mươi, vua Lê Thánh Tông giả làm người học trò,đi chơi xem các câu đối ở phố phường . Chợt qua cửa nhà một người đàn bà làm nghề thợ nhuộm, thấy không có câu đối, nhà vua lấy làm lạ ghé vào hỏi. Người đàn bà bảo là góa chồng, con trai đi học xa; nhà vua liền bảo lấy giấy bút và viết hộ một đôi câu đối như sau :
天下青黄偕我手
朝中朱紫総吾家

Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ,
     Triều trung chu tử tổng ngô gia.
 (1)
Dịch :
     Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ,
      Đỏ tía triều đình bỡi cửa ta.

 Mấy ngày sau, ông thượng thư họ Lương (2) đi chầu qua nhà thợ nhuộm thấy câu đối có khẩu khí như vậy thì hoảng hốt vô cùng. Vào triều, ông ta vội vã tâu ngay với vua rằng nhà nọ có ý muốn làm bá chủ thiên hạ, cần phải cho người dò xét.
   Lê Thánh Tông nghe xong, phì cười và nhận câu đối đó là do chính tay mình viết hộ, làm cho ông thượng họ Lương bị một phen tưng hửng.     
 Nhưng rồi, để bù vào sự  bẻ bàng ấy, khi về nhà , ông thượng họ  Lương nghĩ rằng nhà thợ nhuộm mà lại được thiên tử ngự giá đến nhà, chắc con cháu sau này sẽ giàu sang rất mực,bèn đem ngay con gái mình gả cho con trai nhà thợ nhuộm.

(1) Có sách ghi tác giả 2 câu đối này là vua Thiệu Trị và hơi khác :
Thiên địa huyền hoàng đô ngã thủ,
Triều đình chu tử tổng ngô môn.
     (Đen trời, vàng đất nhờ tay mỗ,
      Mũ tía, xiêm điều chật cửa ta.)
(2) Có lẽ là Lương Thế Vinh, người Vụ Bản, Nam Định, đỗ trạng nguyên
      đời Quang Thuận (1463).

4/ Tận thu lòng dạ thế gian:

    Một dịp năm mới, vua Lê Thánh Tông ăn mặc giả làm thường dân ra phố chơi để xem xét tình hình dân chúng.
      Đi tới đâu nhà vua cũng thấy la liệt những câu đối ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, nên trong lòng rất vui thích . Riêng nhà nọ,chẳng treo đèn, kết hoa mà cũng chẳng  đối liễn gì hết . Vua ghé vào hỏi, chủ nhà trả lời rằng :
- Chả nói giấu gì bác, nhà cháu làm cái nghề hèn hạ quá, nên chẳng dám phô phang gì với ai cho thêm tủi !
Vua ngạc nhiên hỏi :
- Sao lại có nghề gì là nghề hèn hạ ?
- Dạ, nhà cháu chỉ chuyên đi hót phân người để bán thôi ạ !
Nghe xong, vua cười nói :
- Nếu vậy, nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng vẻ vang bậc nhất. Câu đối của bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất,việc gì mà
lại kêu là hèn !
   Rồi vua gọi lấy giấy bút, đề giùm cho một đôi câu đối như sau :
衣一羢衣能儋世間难事
提三尺剑盡收天下人心
     
Ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự,
      Đề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.

Nghĩa là :
Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ,
Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian.
Khách qua lại nhìn thấy câu đối, ai cũng kinh ngạc xôn xao.

5/ Sư sử sứ, phụ phù phu:

   Vua Lê Thánh Tông đi kinh lý vùng Sơn Nam Hạ, ghé thăm làng Cao Hương , huyện Vụ Bản , quê hương của trạng nguyên  Lương  Thế Vinh, lúc bấy giờ cũng đang theo hầu vua.
Hôm sau, vua đến thăm chùa làng. Khi ấy sư cụ đương bận tụng kinh. Bỗng sư cụ đánh rơi chiếc quạt xuống đất. Vẫn tiếp tục tụng,sư cụ lấy tay ra hiệu cho chú tiểu cúi xuống nhặt, nhưng một vị quan tùy tòng của vua đã nhanh tay nhặt cho nhà  sư .Vua trông thấy vậy , liền nghĩ ra một vế câu đối,rồi trong bữa tiệc hôm đó thách các quan đối. Vế ấy như sau:
Đường thượng tụng kinh, sư sử sứ.
    Nghĩa là:
Trên bục đọc kinh, sư khiến sứ (nhà sư sai khiến được quan).
    Câu này oái oăm ở ba chữ "sư sử sứ". Các quan đều chịu, chẳng ai nghĩ ra câu gì.
   Trạng nguyên Lương Thế Vinh cứ để cho họ suy nghĩ chán chê. Ông ung dung ngồi uống rượu, chẳng nói năng gì. Vua Thánh Tông quay lại bảo đích danh ông phải đối,với hy vọng đưa ông đến chỗ chịu bí. Nhưng ông chỉ cười trừ.
Một lúc, ông cho lính hầu chạy ngay về nhà mời vợ đến. Bà trạng đến, ông lấy cớ quá say xin phép vua cho vợ dìu mình về.
  Thấy Vinh là một tay tài ứng đối mà hôm nay cũng đành phải đánh bài chuồn , nhà vua lấy làm đắc ý lắm , liền giục: “Thế nào? Đối được hay không thì nói đã, rồi hẵng về chứ?”
   Vinh gãi đầu gãi tai rồi chắp tay ngập ngừng:
       - Dạ ... muôn tâu. Thần ... đối rồi đấy chứ ạ!
   Vua và các quan lấy làm lạ bảo Vinh thử đọc xem. Vinh cứ một mực : “Đối rồi đấy chứ ạ!” hoài. Sau nhà vua gạn mãi,Vinh mới chỉ vào người vợ đang dìu mình, mà đọc rằng:
Đình tiền tuý tửu, phụ phù phu.
Nghĩa là:
Trước sân say rượu, vợ dìu chồng.
       Nhà vua cười và thưởng cho rất hậu.
                                *****

Viết theo:

1/ Phê bình, bình luận văn học, LÝ TẾ XUYÊN, VŨ QUỲNH, KIỀU  
   PHÚ,LÊ THÁNH TÔNG,NGÔ CHI LAN,NGUYỄN BỈNH KHIÊM,    
   Nxb Văn Nghệ, TP HCM, 1998
2/ GIAI THOẠI VĂN HỌC VIỆT NAM, Hoàng Ngọc Phách và Kiều
    Thu Hoạch sưu tầm, biên soạn, Nxb Văn học, Hà Nội 1988
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng Hà

Giai thoại Nguyễn Du (1765-1820 )

Nguyễn Du sinh năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) đời vua Lê Hiển Tông, quán làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, con thứ bảy Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, thường được gọi là Chiêu Bảy.

1/ Câu thơ bỏ lửng:

Buổi thiếu thời ở Thăng Long, đi học một thầy đồ bên Gia Lâm, ở tả ngạn Nhị Hà, ngày ngày qua sông để sang trường, Nguyễn thường đi đò của cô Đỗ Thị Nhật, một thiếu nữ duyên dáng.
Tính Nguyễn ít nói nhưng đa cảm, một hôm đến bến hơi trễ, phải chờ lâu, muốn trách cô lái vài lời, lại sợ thấy mặt thì rụt rè không dám, nên viết mấy câu vào mảnh giấy nhờ bạn đưa dùm :

 
Ai ơi, chèo chống tôi sang,
Kẻo trời trưa trật, lỡ làng tôi ra.
Còn nhiều qua lại, lại qua,
Giúp cho nhau nữa để mà ...  


Nguyễn cố ý không viết trọn câu, để thử lòng cô Nhật. Cô này trước còn khước từ không đáp, sau rồi cũng nể lòng viết hai chữ “quen nhau ” điền vào.
Từ đó cô lái đò tỏ vẻ ân cần, còn Nguyễn thì vẫn e lệ. Một buổi cô nói:
- Bây giờ thay chữ "quen" bằng chữ "thương" nghe cũng đường được đấy, cậu khoá nhỉ ?
     Nguyễn sung sướng làm mấy câu nữa:

 
Quen nhau nay đã nên thương,
Cùng nhau se mối tơ vương chữ tình !
Người xinh xinh, cảnh xinh xinh,
Trên trời dưới nước, giữa mình với ta !


Mối tình đương mặn nồng, thì gia đình Nguyễn hay biết, nghiêm trách Nguyễn và gửi đi tòng học một thầy đồ khác ở Thái Bình.
Mười năm sau Nguyễn có dịp trở lại Thăng Long, ra nơi bến cũ thì cô lái đã đi lấy chồng. Nguyễn ngao ngán ngâm:

 
Yêu nhau, những muốn gần nhau,
Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười.
Vì đâu xa cách đôi nơi,
Bến nay còn đó, nào người năm xưa ?


1/ Chiêu Bảy và cô Cúc:

    Tương truyền, lúc còn trai trẻ Nguyễn Du  rất thích hát phường vải. Bấy giờ có làng Trường Lưu cũng thuộc huyện Nghi Xuân, là một trong những làng nổi tiếng về hát phường vải, về nghề dệt vải và về gái đẹp. Làng  Tiên  Điền thì có nghề làm nón, con trai phường nón thường kéo nhau sang hát phường vải ở Trường Lưu. Họ đi hát vì mê hát , nhưng một phần cũng vì mê các cô gái đẹp. Trong các chuyến đi ấy, Chiêu Bảy chẳng bao giờ vắng mặt . Có một đêm hát nọ, Chiêu Bảy tình cờ được gặp một cô gái tên là Cúc, người đẹp, giọng hay, có tài bẻ chuyện, nhưng chỉ phải một nỗi đã sắp quá thì mà vẫn chưa chồng. Chiêu Bảy biết thóp như vậy, liền bẻ ngay một câu như sau để ghẹo chơi:


Trăm hoa đua nở mùa xuân.
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?


Chiêu Bảy vờ nói chuyện hoa, nhưng kỳ thực là muốn hỏi châm chọc : Các cô gái khác đều đã đi lấy chồng sớm, sao riêng cô Cúc lại để quá lứa nhỡ thì như vậy?
Nhưng cô Cúc nào phải tay vừa, thoáng nghe qua cô đã hiểu ngay ý tứ của đối phương, bèn hát đáp lại rằng:


Vì chưng tham chút nhụy vàng,
Cho nên Cúc phải muộn màng về thu.


Hoa cúc vốn là loài hoa nở về thu; cúc nở về thu mới là đang độ mãn khai, thế là đúng kỳ chớ không phải là muộn.
Câu hỏi cũng khôn mà câu trả lời thật cũng khéo lắm; Chiêu Bảy đành phải lảng sang chuyện khác, không dám hỏi về việc ấy nữa.

3/ Bài thơ thác lời con trai phường nón :

      Dưới đây là một giai thoại, trong thời ông còn niên thiếu, trên dưới 20 tuổi.
Bấy giờ làng Trường Lưu chuyên nghề bông vải, đêm đêm phường vải hay hội họp ca hát, đối đáp với nhau bằng những câu ví von giao duyên.
Sân nhà nào rộng, con gái trong xóm tối đến thường đem bông vải lại kéo sợi, vừa kéo vừa hát. Trai tơ xung quanh kéo tới nghe và hát trả lời.
Làng Trường Lưu cách làng Tiên Điền một con sông ( có chuyến đò ngang ở bến Cài ) và một cái truông (truông Hống trong núi Hồng Lĩnh) nên Nguyễn cũng hay tìm sang chơi. Thế rồi, một đêm Nguyễn đã dan díu với một cô gái Trường Lưu mãi đến gần sáng mới ra về, và từ đó, không quay lại nhà này nữa, khiến cô gái nọ ốm tương tư và bỏ luôn nghề kéo sợi.

Ông nghè Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) ở làng Trường Lưu là họ ngoại với Nguyễn Du, thể theo lời yêu cầu của cô gái, làm dùm một bài thơ gửi cho Nguyễn:


Tàng mai Hầu trở ra về, (1)
Hồn tương tư vẫn còn mê giấc nồng.
Cơi trầu chưa kịp tạ lòng,
Tỉnh ra đã cách non sông mấy vời.
Trời làm chi cực bấy trời,
Cơi trầu này để còn mời được ai ?
Tím gan đổ hắt ra ngoài,
Trông theo truông Hống, đò Cài thấy đâu. (2)
Khi lên, đổ rối cho nhau,
Khi về, trút một gánh sầu về ngay.
Xua buồn từ bấy đến nay,
Nào ai mó đến xa quay, xin thề!
Ngại ngùng đường cửi đi về, (3)
Chân ngừng dây đạp, tay e thoi chuyền,
Lắng tai nghe tiếng ác truyền, (4)
Đường sầu cuốn khúc, tấm phiền đổ hoa.
Chẹ duyên dằng lại tháo ra, (5)
Gần nhau cách quãng, lại xa mối hồi.
Liều bằng khổ một gò đôi, (6)
Coi như bông đã bắn rồi bong bong. (7)


(1) Hầu : trỏ người công tử con quan đại thần.
(2) Truông Hống : ở giữa đường đi trong núi Hồng Lĩnh, từ Nghi Xuân lên Can   
     Lộc qua Cộng Khánh. Đò Cài : Bến đò từ Tiên Điền qua làng Trường Lưu.
(3) Đường cửi: Đồ dùng của người kéo vải.
(4) Ác : Con chim ác, hình đồ dùng để móc dây gỗ.
(5) Chẹ : Cuộn chỉ lấy ở dàng ra.
(6) Khổ : dùng để chia chỉ dọc ra hai lớp.
(7) Bắn : lấy dây ghép bật bông cho rời ra.

Nhận được thơ, Nguyễn tuy sượng sùng, song cũng đành mượn lời phường nón là nghề chuyên môn của làng Tiên Điền, để đối lại bài thơ phường vải:


Tiếc thay duyên Tấn phận Tần,
Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa !
Chưa chi đông đã rạng ra,
Đến giờ chỉ giận con gà chết toi!
Tím gan cho cái sao mai,
Thủa nào vác búa chém trời cũng nên.
Về qua liếc mắt trông miền,
Lời quanh dặm dế, chửa yên dặm ngồi.
Giữa thềm tàn đuốc còn tươi,
Bã trầu chưa quết, nào người tình chung?
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng,
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu!
Làm chi cắc cớ lắm điều,
Mới đêm hôm trước lại chiều hôm ni.
Khi xa, xa hỡi như ri,
Tiếng xa nghe vẫn rù rì bên tai. (1)
Quê nhà nắng sớm mưa mai,
Đã buồn, giở đến lịp tơi càng buồn. (8)
Thờ ơ đóng vọt bó sườn; (10)
Đã nhàm bẹ móc, lại hờm nắm giang. (9)
Trăng tà chênh chếch bóng vàng,
Dừng chân thoạt nhớ đến đàng cửa truông.
Thẫn thờ gối chiếc màn suông,
Rối lòng như sợi ai guồng chưa xong. (12)
Phiên nào chợ Vịnh ra trông,
Mồng ba chẳng thấy lại hòng mười ba. (13)
Càng trông, càng chẳng thấy ra,
Cơi trầu quệt đã để và lần ôi.
Tưởng rằng nói thế mà chơi,
Song le đã động lòng người lắm thay.
          Trông trời, cách mấy từng mây,
          Trông trăng, trăng hẹn đến ngày ba mươi.
          Vô tình, trăng cũng như người,
           Một ta, ta lại gẫm cười chuyện ta ...  (14)
 

(8) Xa : cái xa để kéo chỉ.
(9) Lịp tơi : lá làm nón.
(10) Vọt : Tre vót thành sợi dài. Sườn : khung để lợp nón.
(11) Bẹ móc : bẹ cây móc có sợi dùng may nón, Giang : thứ tre rừng dùng làm
       lạt rất bền.
(12) Guồng : Cuốn sợi, cuốn tơ bằng cái guồng (cái khung tròn dùng để cuốn
      sợi, tơ, v.v..)
(13) Mồng ba, mười ba : những ngày có phiên chợ.
(14) Tham khảo : Bài của ông Nguyễn Khắc Thiệu, Phổ thông số 27.

Nguyễn không phải chỉ có một lần dan díu trên này rồi thôi : duyên nợ với làng Trường Lưu còn nhiều.
Một hôm, trong khi Nguyễn tình tự với cô Uy cùng cô Sạ, con trai hàng xóm nổi ghen lập mưu phá đám: đứa tắt đèn, đứa đốt pháo, làm Nguyễn hoảng hốt bỏ đi. Hai năm sau trở lại, hai cô đã đi lấy chồng, cô lấy thợ cầy, cô lấy quân nhân, Nguyễn bỏ công làm đùa một bài văn tế khá dài để tế sống hai cô.
                                             **** *********

 Viết theo :

1/ GIAI THOẠI LÀNG NHO, Lãng Nhân, Nam Chi tùng thư xuất bản,
       Sài Gòn, 1966
2/ GIAI THOẠI VĂN HỌC VIỆT NAM, Hoàng Ngọc Phách và Kiều
        Thu Hoạch sưu tầm, biên soạn, Nxb Văn học, Hà Nội 1988
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng Hà

Giai thoại bài thơ "Tương tư" của Nguyễn Công Trứ

    Ông Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778 mất năm 1859, đỗ Giải nguyên, làm quan trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông có tài thơ văn, đặc biệt sở trường về lối ca trù. Ông là một trong những thi nhân có nhiều giai thoại văn chương. Dưới đây là một trong những giai thoại rất mực phong lưu.

      Thuở thiếu thời, lúc còn là học trò nghèo, ông đã rất thích nghe hát ả đào. Gần miền có một ả đào tên Hiệu Thư nhan sắc xinh đẹp lại nổi tiếng hát hay, nhưng tính nết kiêu kỳ. Không phải vương tôn công tử, chưa ai thưởng thức được giọng hát lời ca của cô ta. Ông muốn gần mà không thể gần được, bèn nghĩ ra một kế là đến xin theo Hiệu Thư làm kép. Đàn đáy ông rất hay, mỗi khi Hiệu Thư đi hát đình đám, ông thường cùng một tiểu đồng quảy gánh mang đàn theo sau.
Một hôm có đám ở huyện bên mời Hiệu Thư sang hát, ông cố ý để quên dây đàn ở nhà. Đi được vài dặm đến chỗ đồng không quãng vắng,ông giả vờ luống cuống. Hiệu Thư gạn gỏi,ông nói: "Vội vàng bỏ quên dây đàn ở nhà, bây giờ biết làm thế nào? "
Hiệu Thư phàn nàn rồi sai tiểu đồng chạy trở về lấy. Lúc ấy bốn bề vắng vẻ, chỉ còn hai người, ông liền đến ôm lấy, Hiệu Thư chỉ kêu ứ hự… chứ cũng chẳng cự tuyệt nhiếc mắng gì. Sau lần đó, ông bỏ đi không trở lại
nữa.

Hơn mười năm sau, ông làm Tổng Đốc Hải Dương. Gặp ngày sinh nhật, ông mở tiệc ăn mừng, cho tìm ả đào danh ca các nơi về hát. Tình cờ Hiệu Thư lại ở trong đám ca nhi ấy.
  Ngồi vào chiếu hát, nàng liếc nhìn thấy ông quan trang nghiêm đang cầm roi chầu ngồi trên sập kia chính là anh kép đàn năm xưa đã trêu ghẹo mình ở chỗ đồng không quãng vắng, liền bắt đầu bài hát nói bằng hai câu mưỡu rằng :
 
Giang sơn một gánh giữa đồng,
Thuyền quyên ứ hự… anh hùng nhớ chăng?


   Ông nghe hát sực nhớ chuyện cũ, liền ngừng tay trống hỏi:
- À , té ra cố nhân đó ư?
    Rồi ông đọc luôn một bài thơ rằng:
 
Liếc trông giá đáng mấy mười mươi,
Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười.
Trăng xế nhưng mà cung chưa khuyết,
Hoa tàn song lại nhụy còn tươi.
Chia đời duyên nọ đà hơn một,
Mà nét xuân kia vẹn cả mười.
Vì chút tình duyên nên đằm thắm,
Khéo làm cho bận khách làng chơi.


  Ông hỏi ra mới biết nàng vẫn còn chờ đợi, không chịu lấy ai, liền cưới làm tiểu thiếp. Ông có nhiều vợ, mà đối với vợ nào cũng tỏ ra nặng tình. Tuy nhiên, Hiệu Thư vẫn là người được ông yêu thương thắm thiết hơn cả.
   Sau đó ít lâu, ông phụng chỉ đem quân dẹp giặc ở vùng Tuyên Quang, Cao Bằng, xông pha nơi lâm sơn chướng khí. Những khi việc quân nhàn hạ, chạnh thương ai phòng không chiếc bóng, vò võ năm canh, ông làm
bài thơ "Tương tư" theo lối "thủ vĩ ngâm" như sau rồi cho người mang về :
 
Tương tư khôn biết cái làm sao?
Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào!
Khi đứng khi ngồi khi nói chuyện
Lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao
Trăng soi trước mặt, ngờ chân bước
Gió thổi bên tai, tưởng miệng chào
Một nước một non, người một ngả
Tương tư khôn biết cái làm sao?


Hiệu Thư cũng là người đa sầu đa cảm, đọc bài thơ lời lẽ thấm thía như vậy thì không đành lòng ở nhà được. Một hôm ông cùng các tướng đang chỉ huy tập trận ngoài bãi, chợt thấy Hiệu Thư tìm đến. Nghĩ thương nàng đi đường xa xôi vất vả, ông ngâm hai câu thơ :
 
Đành nhẽ bút nghiên mà kiếm mã,
Thương ôi kim chỉ cũng phong trần.


                                             *************
 Viết theo :

1/ VIỆT NAM CA TRÙ BIÊN KHẢO, Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề,
     Nxb TP HCM tái bản
2/ GIAI THOẠI VĂN HỌC VIỆT NAM, Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu
    Hoạch sưu tầm, biên soạn, Nxb Văn học, Hà Nội 1988
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng Hà

Giai thoại bà Đoàn Thị Điểm (1705-1746)

Biệt hiệu Hồng Hà nữ sĩ, người xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên,  sinh dưới triều Lê (1705), cùng thời với cống Quỳnh và Đặng Trần Côn. Tư chất thông minh, học một biết mười, bà nổi tiếng văn chương ngay khi còn nhỏ.

1/ Đoàn Thị Điểm và Đoàn Doãn Luân:
Mới lên năm lên sáu, đã học sách Hán Cao Tổ, anh ruột là Đoàn Doãn Luân ra một câu đối để xem sức học của em :
 
  Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.

 白蛇當道貴拔剑而斩之
  ( Rắn trắng ngang đường, ông Quý [tên vua Hán Cao Tổ] tuốt gươm mà chém nó.)

  Bà đối ngay :
 
  Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết.

 黃龍拊舟侮仰天而叹曰
  ( Rồng vàng đội thuyền, vua Vũ trông trời mà than rằng …)
   Năm 15 tuổi, học vấn tiến lên đến mực uẩn súc.Một hôm, ông Luân xuống ao rửa chân, thấy em đương soi gương bên cửa sổ, bèn nói đùa :
 
  Đối kính họa my, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.

  對鏡畫盾一点畨成兩点
  ( Soi gương, kẻ lông mày, một nét hóa ra hai nét) . Điểm là nét vẽ, lại là tên, ý nói soi gương, một nàng Điểm thành hai nàng Điểm.
      Bà ứng khẩu đối ngay:

   Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.

  臨池玩月只倫轉作双倫對
    ( Tới ao ngắm trăng, một vầng hóa ra hai vầng ) . Luân là ví mặt trăng tròn như bánh xe, lại là tên. Ý nói nhìn xuống ao, một ông Luân hóa ra hai ông Luân.

2/ Đoàn Thị Điểm và Trường An tứ hổ:
     Bấy giờ, ở kinh đô có bốn danh sĩ thường được tôn là Trường An tứ hổ: Nguyễn Huy Kỳ, người Thủy Nguyên, Kiến An; Trần Danh Tân, người Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương; Nguyễn Bá Lân, người Cổ Đô, Vũ Toại,người Thiên Lộc. Bốn người rủ nhau tới nhà bà Điểm để thử tài. Bà tiếp đãi lịch sự, cho người bưng khay trầu ra mời, trên khay có để bức hoa tiên viết một câu đối :  

  庭前少女勸檳榔

   Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang  

Nghĩa là: Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu. Tân lang là trầu cau, cùng âm với tân lang ( 新郎 ) là chàng rễ mới, nên vế đối cũng có thể hiểu theo nghĩa: Trước sân, thiếu nữ mời chàng rễ.
Bốn hổ Trường An không đối được, trầu chẳng kịp ăn, tíu nghỉu cúp đuôi về.

3/ Đoàn Thị Điểm và sứ Trung quốc :
  Niên hiệu Long Đức thứ 3, 1734, đời Lê Thuần Tông, vua Tàu sai sứ sang tuyên phong, bà dùng văn chương mà áp đảo được đại diện của thiên triều.
  Tương truyền rằng, khi sứ Tàu đến, bà giả làm cô hàng nước ngồi ở bến đò. Sứ Tàu vừa muốn ghẹo gái vừa  nhiếc khéo người Việt, ra câu đối:

  An Nam nhất thốn thổ,
  Bất tri kỷ nhân canh.

( Một tấc đất An Nam, Không biết mấy người cày ). Câu đối rất tục mà giảng thanh. Bà đối lại thanh mà ẩn tục:

  Bắc quốc đại trượng phu,
  Giai do thử đồ xuất.

( Đại trượng phu Bắc quốc, Đều do đường ấy mà ra )

4/ Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn :
 Thái học sinh Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông đưa tặng bà một bài thơ, bà cười nói:
- Trẻ con mới cắp sách đi học, đã biết gì!
     Đặng hậm hực ra về, thề quyết học cho thành tài, sẽ đến rửa hận. Gặp lúc chúa Uy Nam vương Trịnh Giang cấm đốt lửa trong thành ban đêm, Đặng phải đào hầm dưới đất, để thắp đèn xem sách. Công phu dùi mài này đã khiến Đặng mấy năm sau trở nên một tay học vấn uyên bác. Đặng soạn cuốn Chinh phụ ngâm khúc bằng Hán văn, lấy làm đắc ý, tìm đến trao cho bà Điểm xem, tin chắc lần này bà không chê nữa. Quả nhiên bà khen hay, và dụng tâm dịch ra quốc âm thành một áng văn tuyệt diệu.
Dường như bà cũng nhân bản dịch này mà gói ghém đôi lời thầm khen tài Đặng, để chữa lại sự hắt hủi trước, nên hai câu kết của Đặng là :

  将 會 将 期 將 寄 言
  嗟 乎 丈 夫 當 如 是

   Tương hội, tương kỳ, tương ký ngôn
   Ta hồ! Trượng phu đương như thị.


    Dịch nghĩa: Cùng gặp gỡ, hẹn hò, cùng gởi lời thiếp mong mỏi. Than ôi, trượng phu nên như thế.
    Bà đã dịch thơ là:

   Ngâm nga, mong gửi chữ tình
   Dường này âu hẳn tài lành trượng phu!


  Hai chữ "tài lành" bà thêm vào như để nhắn tin cho ai, thật là ý nhị, chắc họ Đặng xem cũng phải lấy làm hài lòng .

                         *****************

VIẾT THEO :

1/ GIAI THOẠI LÀNG NHO, Lãng Nhân, Nam Chi tùng thư xuất bản,
   Sài Gòn, 1966
2/ GIAI THOẠI VĂN HỌC VIỆT NAM, Hoàng Ngọc Phách và Kiều
   Thu Hoạch sưu tầm, biên soạn, Nxb Văn học, Hà Nội 1988
3/ THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH TỪ ĐIỂN, Diên Hương, Nxb Tổng hợp
    Đồng Tháp, 1992
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng Hà

Giai thoại Học Lạc (1842-1915)

  Nguyễn Văn Lạc (Học Lạc) người làng Mỹ Chánh, tỉnh Mỹ Tho. Thông minh,
hiếu học, ông vì nhà nghèo nên thi vào ngạch học sinh, để được cấp lương học tại trường tỉnh. Do đó, học sinh Lạc sau này được gọi là Học Lạc.
  Học Lạc học rất tiến, mà thi mãi không đỗ. Gặp lúc tình thế nhiễu nhương, triều đình phải nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp năm 1862, rồi tân triều khởi xướng lên phong trào “vứt bút lông đi, giắt bút chì”, Học Lạc không chịu theo, đã bỏ làng Mỹ Chánh, về làng Thuộc Nhiêu (cũng ở Mỹ Tho), cất ba căn nhà lá dạy học và hốt thuốc.
  Học Lạc hình dạng thấp nhỏ,nước da trắng xanh,tiếng nói sang sảng như chuông , tính tình khẳng khái, làm thuốc rất hay, bói Dịch cũng giỏi, lại thêm cầm kỳ thi hoạ, đủ mùi. Ông lui về quê, là muốn tránh cảnh rối ren lúc giao thời, lấy nghề bốc thuốc vừa làm kế sinh nhai vừa làm phương độ thế, nhưng ông không thể điềm nhiên toạ thị trước sự đảo lộn của học phong và sĩ khí, nên thường lấy thơ phú ra ngụ lời mai mỉa thói đời.
   Về Hán văn của ông, còn truyền lại vài câu, tỏ ra ông không chịu nô lệ khuôn sáo, cố tìm những ý tứ mới mẻ.
  Tả cảnh chiếc ghe giương buồm chạy lẻ loi trên sông:

 绿樹走双岸
 紅日炤孤舟
    
  Lục thụ tẩu song ngạn
  Hồng nhật chiếu cô châu

(Cây xanh vun vút bờ xanh
Vừng hồng rọi xuống chiếc mành cô liêu)
   
Đề cửa một quán cơm:

 莫未舘中無漂母
 只嫌路上少王孫

  Mạc vị quán trung vô Phiếu mẫu
  Chỉ hiềm lộ thượng thiểu Vương tôn

(Chớ nói quán này không Phiếu mẫu
Chỉ hiềm khách lại ít Vương tôn)

   Ý nói quán này vốn sẵn lòng làm như bà phiếu mẫu khi xưa đem cơm cho Hàn Tín, nhưng e rằng khách bây giờ ít ai tài giỏi như Hàn Tín, để mà cho cơm không lấy tiền.
   Hai câu này rất được tán thưởng; nhiều nhà hàng cơm ở Mỹ Tho đã nhờ người viết ra để dán hai bên cửa.

   Trong thời kỳ ở Thuộc Nhiêu ông làm bài thơ sau đây :

   Chợ Thuộc Nhiêu

   Đất linh bồi đắp cuộc Ba Giồng
   Cảnh Thuộc Nhiêu nhiều khách ngộp trông
   Lộ thẳng ngựa biêu chơn ngắn bước
   Rạch cùng cá lội mến quen sông
   Trướng văn giỏi kẻ thêu rồng phượng
   Miễu võ thờ tay trí bá tòng
   Cứng cát thú quê vui tục cũ
   Thềm dâu ruộng lúa dễ cho không.


   Bấy giờ vào lúc khẩn trương của cuộc đối lập Pháp Nam.
   Ông diễn tả tâm trạng mình bằng bài thơ “gà chọi”, ngụ ý mong đồng bào nên nghĩ ơn tổ quốc, đừng tham sống mà không dám liều “một nắm xương lông” hãy yên trí rằng nếu có chết sẽ được hương khói phụng thờ:

  Vịnh đôi gà chọi

  Đôi bên chưa chắc đặng cùng không,
  Thiên hạ ngày tròn mỏi mắt trông.
  Một trận quyết đền ơn tấm mẳn (1)
  Hai ngươi chớ ngại nắm xương lông.
  Rủi may đã có người hương khói,
  Khuya sớm cho cam kẻ ẵm bồng.
  Lừng lẫy danh thơm trong mấy nước,
  Làm sao năm đức giữ cho cùng! (2)


(1) Tấm mẳn: tấm cám, thức ăn của gà – ơn tấm mẳn: ơn cơm áo.
(2) Năm đức của gà: uy vũ, can đảm, gáy sáng, thảo ăn, khéo nuôi con.

  Nhìn thấy bọn sĩ phu, cậy có năm ba cuốn sách trong bụng mà lên râu với bà con, đến khi gặp giặc thì chạy tơi bời, chỉ sợ máu huyết phải đem làm lễ bôi chuông, giống như nông nỗi con trâu trong bài:

   Vịnh con trâu

   Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
   Ngẫm lại mà xem thật lớn đầu!
   Trong bụng lam nham ba lá sách,
   Ngoài cằm lém đém một chòm râu.     
  Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy, (1)
  Làm lễ bôi chuông nhớn nhác sầu. (2)
  Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ,
  Năm dây đàn gảy biết chi đâu! (3)


(1) Điền Đan đốt đít trâu cho trâu chạy xông vào trận địch
(2) Đời xưa, lấy máu trâu bôi vào chuông mới đúc cho khỏi nứt
(3) Đàn gảy tai trâu

  Lại còn cái bọn ra phò tân trào, coi mới đáng ghét làm sao! Tiểu nhân đắc chí, đeo râu mang kiếm, hống hách vô sỉ, có khác gì con tôm kia :

   Vịnh con tôm

   Chẳng phải vương công, chẳng phải hầu,
   Học đòi đeo kiếm lại đeo râu.
   Khoe khoang mắt đỏ trong dòng biếc,
   Chẳng biết mình va: cứt “lộn đầu!”


   Hoặc con chó, lúc sống thì lăng xăng đuổi thỏ để cho thỏ bị bắt làm thịt, mà lúc chết chẳng được ai thương, xác bị quăng ra sông nổi lều bều, chỉ có tôm tép tiễn đưa, quạ diều săn sóc:

  Vịnh chó chết trôi
  
  Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu!
  Thác thả dòng sông, bụng chướng phều.
  Vằn vện xác còn phơi lững đững,
  Thối tha, danh hãy nổi lều bều!
  Tới lui, bịn rịn: bầy tôm tép,
  Đưa đón, lao xao: lũ quạ diều.
  Một trận gió dồi cùng sóng dập,
  Tan tành xương thịt biết bao nhiêu!


  Có khi ông không ngại kêu hẳn tên mà mai mỉa. Như Nguyễn Kim Chi, có tính keo kiệt và tham lam, đã làm tổng đốc Định Tường (Mỹ Tho) danh phận cao sang là thế mà còn bắt vợ đi bán bánh ở chợ, bắt lính trồng trầu ở dinh, để lấy thêm huê lợi, còn việc nước việc dân không màng gì đến, gặp những án nặng nhưng có hối lộ nhiều là kiếm cớ tha liền.

  Vịnh Nguyễn Kim Chi
  
   Nghĩ thương quan thượng Nguyễn Kim Chi,
   Khôn khéo không ai dám sánh bì.
   Gói bánh vợ đem bưng dưới chợ,
   Trồng trầu lính mót bán trong ty.
   Bề ngoài đầy đủ cho qua chuyện,
   Việc nước nên hư chẳng kể gì.
   Cái án hạp binh nên xé thịt,
   Đành ăn hối lộ lại tha đi!


   Hoặc như quan võ Nguyễn Công Nhàn, được thiên hạ gọi là “Hùng dũng” chỉ vì có tính nóng, hay đánh đập: lúc gặp Pháp tấn công, ông cho đóng cọc dưới sông để chặn tàu, nhưng giặc biết mưu nhổ lên hết rồi thình lình tiến đến, khiến ông hốt hoảng co chân định chạy, sau nghĩ đến vợ con lại dùng dằng, toan cho đóng cũi tự giam mình mà đầu hàng:

     Vịnh Nguyễn Công Nhàn

   Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn,
   Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan!
   Giặc tới Bến Tranh, run lập cập,
   Tàu vô Cửa Tiểu, chạy bò càng,
   Mưu thần trước biết ngang sông chắn,
   Kế dữ sau toan ... đóng cũi hàng!
   Thất thủ muốn liều cho vẹn tiết,
   Ngặt vì con, vợ, bận chưa an!


  Học Lạc có tính ngạo đời, nên trong hương lý không mấy người ưa. Có lần,theo lệ làng phải làm một mâm xôi đem ra đình cúng thần, đáng lẽ đề vào vành mâm tên họ chức tước  là “Học sinh Nguyễn Văn Lạc” ông chỉ biên hai chữ “Thằng Lạc”, nên hương chức cho là xấc với thần linh, bắt trói vào cọc ngoài sân.
   Ông ngồi đấy, tình cờ bên cạnh có một người Tàu cũng bị bắt vì tội đánh bông vụ (tiếng Bắc gọi là đánh thò lò) nên ông tức cảnh nên thơ:

     Bị trói

    Hoá An Nam, lứ khách trú, (1)
    Trăng trói lăng nhăng nhau một lũ.
    Ngoài mặt ngỡ ngàng lạ Bắc Nam,
    Trong tai (2) cắc cớ xui đoàn tụ.
    Bợm làng chẳng vị sĩ năm kinh, (3)
    Ông Bổn không thương người bảy phủ. (4)
    Phạt tạ xong rồi, trở lại nhà:
    Hoá thì hốt thuốc, lứ bông vụ.


(1) Hoá, lứ: tôi, anh (tiếng Triều Châu)
(2) Tai nạn
(3) Sĩ năm kinh: chỉ người học trò
(4) Bảy bang Hoa kiều ở miền Nam: Quảng Đông, Triều Châu, Huệ Châu, Hải          Nam, Phúc Kiến, Tuyền Châu, Phúc Châu.

   Sau đó, làng bắt ông phải tạ lỗi với ban hương đảng. Ông liền ngâm bài thơ :

     Tạ hương đảng

   Vành mâm xôi đề “thằng Lạc”!
   Nghĩ mình ti tiện không đài các.
   Văn chương chẳng phải bợm mèo quào,
   Danh lợi không ra cái cóc rác!
   Bởi thế bơ thờ thẹn núi sông,
   Dám đâu xấc láo ngạo cô bác!
   Việc này dẫu có thấu lòng chăng,
   Trong có ông thần, ngoài cặp hạc!


    Khi về già, thấy thời thế đã đổi thay hẳn cục diện, Pháp đã nắm vững được nước ta, ông đành ôm hận, thỉnh thoảng cao hứng đi lên tiệm ăn cơm:

     Ăn cơm nhà hàng

   Dễ muốn ăn chơi thế vậy à?
   Người đời thấm thoắt bóng câu qua.
   Tháng ngày thoi trở năm càng thúc
   Tơ tóc sương bay tuổi đã già.
   Khiển hứng no nê mùi Quảng Tống,
   Tiêu sầu chếnh choáng rượu Lang Sa. (1)
   Trải xem ai nấy đều mê mệt,
   Há dễ mình ta tỉnh đặng mà!


(1) Lang Sa: Pháp

   Học Lạc mất năm 1915, thọ 73 tuổi. Bà Bảy Khánh, vợ ông Học Lạc, cũng là nhà thơ, làm bài thơ sau đây:

    Thuyền lỡ vời

 Đùng đùng sóng gió khéo nương hơi,
 Chiếc bá linh đinh mới lỡ vời.
 Lố xố hoa trôi khoan lại thúc,
 Lao xao gấm vẽ nhặt rồi lơi.
 Mảnh buồm lững đững trôi trong nước,
 Bánh nguyệt chơi vơi đứng giữa trời.
 Chèo hạnh so le ngơi mái nhịp,
 Thuyền tình thong thả dễ buông khơi.


          --------------------------------------

VIẾT THEO :

1/ GIAI THOẠI LÀNG NHO, Lãng Nhân, Nam Chi tùng thư xuất bản,
   Sài Gòn, 1966
2/ THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH TỪ ĐIỂN, Diên Hương, Nxb Tổng hợp
    Đồng Tháp, 1992
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng Hà

Giai thoại Mạc Đĩnh Chi (1280-1350)
   
   Mạc Đĩnh Chi, tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, trấn Hải Dương.
   Tục truyền làng ông có một gò đất lớn, vốn là khu lăng tẩm đã lâu đời, cây cối mọc um tùm, rậm rạp thành rừng, hươu, khỉ rất nhiều. Một bữa mẹ ông vào đó kiếm củi, bị một con khỉ độc hiếp rồi có mang. Bố ông tức giận, cải trang làm đàn bà đi kiếm củi và giết chết con khỉ ấy. Được vài hôm, ở chỗ xác con khỉ bỗng thấy mối đùn lên thành một ngôi mộ. Sau đấy ít lâu thì bố ông mất, lúc hấp hối dặn người nhà chôn mình vào chỗ mộ con khỉ.
     Khi Mạc Đĩnh Chi sinh ra, tướng mạo vô cùng xấu xí: lùn, đen, mồm rộng, mũi tẹt, trán dồ. Người làng thường bảo đó là con tinh khỉ nghiệm vào. Nhưng ông lại rất thông minh, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Đời Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), ông đi thi, văn bài làm trội hơn mọi người nhưng vì mặt mũi xấu xí nên nhà vua không muốn cho ông đỗ. Ông bèn dâng bài phú "Ngọc tỉnh liên". (Hoa sen trong giếng ngọc) ca ngợi nết thanh cao của bông sen, tự ví mình với đóa hoa quân tử.
   Vua xem xong bài phú, tỏ ý rất cảm phục, liền cho Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên. Về sau ông làm tới chức tả bộc xạ (thượng thư) và là ông quan rất thanh liêm, được nhân dân yêu mến. Ông ứng đối rất tài tình, nhất là trong hai lần đi sứ Trung Hoa.

1/ Ra đối dễ, đối đối khó :

   Năm Hưng Long thứ 16 (1308) Mạc Đĩnh Chi sang sứ nhà Nguyên, ông có hẹn ngày nọ giờ ấy thì phái bộ sẽ đến cửa ải để viên quan nhà Nguyên mở cửa đón. Chẳng may hôm lên đường gặp phải mưa gió, thành ra sai hẹn. Lúc tới nơi thì trời tối, cửa ải đã đóng. Mạc Đĩnh Chi nói mãi, người Nguyên cũng không chịu cho qua. Sau họ vứt từ trên ải xuống một vế đối, bảo hễ đối được thì mới mở cửa ải:
  
 過關遅關關閉願過客過關

  Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.

Nghĩa là: Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.
  Thật là một câu đối  hiểm hóc, có mười một chữ mà riêng chữ quan nhắc lại tới bốn lần, chữ quá nhắc lại ba lần. Mạc Đỉnh Chi cảm thấy rất khó đối, nhưng nếu im lặng thì e mất thể diện. Ôn bèn nhân cái chuyện khó đối ấy, ứng khẩu đọc một câu vần rằng:
 
 出薱易薱薱難請先生先薱

  Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối

Nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước.
 Tưởng đã bí, thế mà lại hóa ra có một câu đối hay. Người Nguyên phải chịu Mạc Đĩnh Chi là có tài ứng biến, liền tức tốc mở cửa ải để ông đi.

2/ Trăng là cung, sao là đạn :  

  Mạc Đĩnh Chi sang sứ triều Nguyên, lúc vào bệ kiến, vua Nguyên muốn thử tài văn chương của trạng và cũng muốn dò khí tiết của viên bồi thần (1) bằng một câu đối. Vua Nguyên đọc:

  Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ.

Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vừng trăng.
  Mạc Đĩnh Chi biết là vua Nguyên kiêu hãnh, tự xem mình là mặt trời, và coi nước ta như mặt trăng, ban ngày nhất định phải bị mặt trời thôn tính, ông bèn ứng khẩu đối ngay:

   Nguyệt cung linh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô.

Nghĩa là: Trăng là cung; sao là đạn; chiều tối bắn rơi mặt trời.
   Câu ra đã giỏi mà câu đối lại tài hơn. Vua Nguyên nghe đối biết mình bị trả miếng rất đau, nhưng cũng hết sức kính phục Mạc Đĩnh Chi, bèn thưởng cho trạng Việt Nam rượu ngon và rất nhiều vàng lụa.

(1) Bồi thần: Bề tôi của vua một nước chư hầu đối với hoàng đế Trung
     Hoa

3/ Chơi chữ :  

  Một lần khác, người Nguyên lại giở trò đánh đố chữ. Họ viết bốn câu thơ sau và thách Mạc Đĩnh Chi giải:

 一面两眉
 一瘦一肥
 一年一月
 一日三期

  Nhất diện lưỡng mi,
  Nhất sấu nhất phì.
  Nhất niên nhất nguyệt,
  Nhất nhật tam kỳ.

Nghĩa là: Một mặt đôi mày, một gầy một béo, một năm một tháng, một ngày ba lần.
 Thật là ngô nghê khó hiểu, vậy mà Mạc Đĩnh Chi chỉ đưa mắt qua đã có thể giảng rằng đó là chữ bát 八 . Vì chữ bát tựa đôi lông mày; chữ bát có một nét đậm một nét nhạt; chữ bát là tám: mỗi năm chỉ có một tháng tám; chữ bát là tám cũng là đồng âm với chữ bát 缽 đựng đồ ăn, do đó mỗi ngày dùng bát ăn ba lần.
  Thế là cả mấy lần chơi chữ, đố chữ đều bị  Mạc Đĩnh Chi đối đáp trôi chảy cả, người Nguyên lấy làm phục ông lắm. Họ thường có ý ví ông với Án Tử đời Xuân Thu, tuy tướng mạo chẳng bằng ai, nhưng tài trí thì chẳng ai bằng.

4/ Lưỡng quốc trạng nguyên :  

  Khi Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt vua Nguyên cùng với sứ Cao Ly, nhân có sứ thần ngoại quốc dâng chiếc quạt, vua Nguyên liền bắt Mạc Đĩnh Chi và sứ Cao Ly làm thơ đề quạt.
 Mạc Đĩnh Chi còn đang đắn đo tìm thơ, thì sứ Cao Ly đã cầm bút viết thoăn thoắt. Liếc theo quản bút lông. Mạc Đĩnh Chi thấy sứ Cao Ly viết rằng:

  Uẩn long trùng trùng, Y Doãn, Chu Công.
  Đông hàn thê thê, Bá Di, Thúc Tề.

Nghĩa là:
   Nóng nực oi ả thì như Y Doãn, Chu Công.
   Rét mướt lạnh lùng thì như Bá Di, Thúc Tề.

   Thế là ông vội phát triển ý ấy và viết luôn:

  Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô,
  Nhĩ ư tư thời hề, Y, Chu cự nhu (nho).
  Bắc phong kỳ lương, tuyết vũ tái đồ,
  Nhĩ ư tư thời hề, Di, Tề ngã phu.
  Y! Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng.
  Duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù!


Nghĩa là:
  Chảy vàng tan đá, trời đất là lò lửa.
  Ngươi lúc ấy như Y Doãn, Chu Công là những bậc cự nho.
  Gió bấc lạnh lùng, mưa tuyết đầy đường,
  Ngươi lúc ấy như Bá Di, Thúc Tề là những ông già chết đói.
  Ôi! Dùng thì chuyên tay, bỏ thì xếp xó.
  Chỉ có ta với ngươi là như thế chăng?

  Cuối cùng bài của Mạc Đĩnh Chi xong trước, mà ý tứ lại cao diệu hơn bài của sứ Cao Ly. Vua Nguyên xem xong gật gù, khen mãi và phê từ chữ "y !" (ôi!) trở xuống bốn chữ: "Lưỡng quốc trạng nguyên"

5/ Chưa biết mèo nào cắn mĩu nào :  

  Trong thời kỳ Mạc Đĩnh Chi sang sứ nhà Nguyên, ông thường hay cưỡi lừa đi rong chơi khắp phố.
  Một hôm mãi ngắm cảnh hàng phố, đang ngênh ngang trên lưng lừa, bỗng chạm phải ngựa của một người ở phía trước mặt đi tới. Người ấy tức mình liền đọc một câu rằng:

   Xúc ngã kỵ mã, Đông di chi nhân dã, Tây di chi nhân dã?

Nghĩa là:
   Chạm ngựa ta cưỡi, là người rợ phương Đông hay là người rợ phương Tây?
  Từ chữ "Đông di" trở đi là lấy ở sách Mạnh tử, có ý khinh rẻ, cho Mạc Đĩnh Chi là kẻ mọi rợ, man di.
  Mạc Đĩnh Chi thấy người đó có thái độ kẻ cả như vậy, bực lắm, bèn đáp lại rằng:

   Át dư thừa lư, Nam phương chi cường dư, Bắc phương chi cường dư?

   Nghĩa là:
   Ngăn lừa ta ngồi, hỏi người phương Nam mạnh hay người phương Bắc mạnh?
  Từ chữ "Nam phương" trở đi là lấy ở sách Trung dung. Câu này lời lẽ rất ngang tàng, ý bảo rằng chưa chắc người phương Bắc đã hẳn là mạnh hơn người phương Nam, chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào?"
   Người Nguyên nghe Mạc Đĩnh Chi trả lời, biết gặp phải tay cứng cổ, ra roi cho ngựa đi thẳng không dám hoạch họe gì nữa.

6/ Câu đối ghép tên người :  

  Hồi sang sứ triều Nguyên, một hôm Mạc Đĩnh Chi cùng với phái bộ triều Nguyên đi chơi. Tới gần một cái cầu, chẳng may trạng Việt Nam bị sa hố, phái bộ đều chạy lại để đỡ ông dậy. Để đùa vui, họ ra cho ông  một vế câu đối:

   Can mộc, hoành cừ, lục giả tương như tự đạo.

Nghĩa là: Gỗ thẳng, cầu ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng.
  Cái khó của câu này là ở chỗ dùng toàn tên người ghép lại :
  Can Mộc : Đoàn Can Mộc một nhân vật đời Chiến quốc.
  Hoành Cừ : tên hiệu của Trương Tải, một triết gia đời Bắc Tống
  Lục Giả: người nước Sở, giỏi biện luận, từng giúp Hán Cao tổ.
  Tương Như : Lạn Tương Như, một nhân vật nổi tiếng đời Chiến quốc
  Tự Đạo : người nước Tống, một quyền thần chuyên chế.

   Mạc Đĩnh Chi nhìn quanh nom thấy ở bên kia sông có cái đình dưới chân núi, nhân thế thẳng tay chỉ đình mà đối:

   Địa đình, an thạch, vọng chi nghiễm nhược Thai Sơn.

Nghĩa là:
   Đình to, đá vững, nhác nom như thể Thiên Thai
   Câu này cũng dùng toàn tên người ghép lại như ở câu trên mà lại có ý khoáng đạt hơn nhiều :
   Đại Đình : một biệt hiệu của Thần nông
   An Thạch: Vương An Thạch một nhân vật nổi tiếng đời Tống.
   Vọng Chi: người đời Hán, làm phụ chính cho Hán Nguyên đế.
   Còn hai tên sau, chưa tra cứu được.

 Một lần nữa người Nguyên lại phải khâm phục tài văn học của ông.


7/ Đọc văn tế  bà hậu phi :  

 Trong thời kỳ ông còn ở bắc triều, một bà hậu phi của vua Nguyên mất. Thân sĩ triều Nguyên tâu với vua cử ông vào đọc văn tế. Khi vào quì trước linh vị, nghe tiếng xướng xong, mở tờ chúc văn ra đọc, chỉ thấy bốn chữ nhất ( 一) . Biết họ chực thử mình, nhưng ông vẫn trịnh trọng đọc ngay lên rằng :

Thanh thiên nhất đoá vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết.
Thượng uyển nhất chi hoa,
Dao trì nhất phiến nguyệt.
Y! Vân tán tuyết tiêu, hoa tàn nguyệt khuyết!


Nghĩa: Trời xanh một đám mây, Lò hồng một điểm tuyết, Thượng uyển một cành hoa, Cung quảng một vầng nguyệt. Ôi! Mây tản, tuyết tiêu, hoa tàn, trăng khuyết.
  Ông đọc xong cả vua tôi nhà Nguyên đều phục ông là bậc thiên tài.

8/ Câu đối tặng ông quan hai vợ :  

   Tương truyền có một ông quan cùng triều với Mạc Đĩnh Chi, ông ta có hai bà vợ mà hai bà lại hay ghen tuông cấu xé nhau, thành ra trong nhà cứ lục đục luôn, có khi om sòm, làm kinh động cả chung quanh.
   Mạc Đĩnh Chi thấy vậy liền làm tặng ông quan ấy một câu đối để dán ở hậu đường như sau:

  Đông đầu Hán vương thắng, tây đầu Hạng vương thắng: quyền tại túc hạ.
 Chinh đông, Tây di oán; chinh nam, Bắc địch oán, hà độc hậu dư?

Nghĩa là:
  Sang đông thì vua Hán được, sang tây thì vua Sở được, quyền ở nơi bác. (nghĩa đen : tùy ở chân ông muốn đi đến phòng nào)
  Đánh đông thì rợ Tây oán, đánh nam thì rợ Bắc oán, sao đến ta sau?
  Chỗ khéo léo của hai câu này là thuần dùng điển và chữ liền trong sách, mà lại vẫn hàm được cái nghĩa trào lộng bóng bẩy chỉ cảnh một ông hai bà. Cho nên ông quan biết vậy mà cũng không giận vào đâu được.

  Câu trên dùng chữ ở sách Hán Thư : Trương Lương bảo Hàn Tin : sang Đông thì Hán thắng, sang Tây thì Hạng được, tùy ở ông đấy.
Câu dưới dùng chữ trong Kinh thư : vua Võ là người nhân đức, đánh chỗ nầy thì chỗ kia mong, ai cũng trách sao vua không đến cứu mình trước?
                      ---------------------------

Viết theo:

1/ Giai thoại làng nho, Lãng Nhân, Nam Chi tùng thư xuất bản,
    Sài Gòn, 1966
2/ Giai thoại văn chương Việt Nam, Hoàng Ngọc Phách và Kiều   
    Thu Hoạch sưu tầm, biên soạn, Nxb Văn học, Hà Nội 1988
3/ Công dư tiệp ký, Vũ Phương Đề, Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch. Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1962
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng Hà

Giai thoại thiền sư Pháp Thuận



 Năm Thiên Phúc thứ 7 [986], đời vua Lê Đại Hành, nhà Tống sai Quốc Tử Giám bác sĩ Lý Giác  mang chế sách sang phong cho vua ta làm  An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sử kinh triệu quận hầu, …
 Năm sau , nhà Tống lại sai Lý Giác sang . Khi  Giác đến chùa  Sách Giang, vua sai thiền sư Pháp Thuận (1) giả làm người coi sông  ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ . Lúc ấy nhân có hai con  ngỗng  lội
trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng:

  Nga nga lưỡng nga nga,
  Ngưỡng diện hướng thiên nha.

(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,
Ngữa mặt nhìn chân trời).

  Thiền sư đương cầm chèo, theo vần làm nối đưa cho Giác xem:

 Bạch mao phô lục thủy,
 Hồng trạo bãi thanh ba.

(Nước lục phô lông trắng,
Chèo hồng sóng xanh bơi).

Giác lấy làm ngạc nhiên, khi về đến sứ quán, làm thơ gửi tặng. Pháp Thuận dâng thơ lên, vua khen ý thơ, tặng cho Giác rất hậu, …

(1) Thiền sư Pháp Thuận họ Đỗ, trụ trì chùa Cổ Sơn, hương Thư ở Ái quận; thuộc thế hệ thứ 11, thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi                                              
                                    -----------------------------------

Viết theo :

ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993

 Trên đây là giai thoại văn chương khá sớm, được ghi trong chính sử.

 Thực ra, Lý Giác và Pháp Thuận đều chịu ảnh hưởng bài "Vịnh nga" của Lạc Tân Vương đời Đường, làm năm 10 tuổi :

 Nga nga nga
 Khúc hạng hướng thiên ca
 Bạch mao phù lục thủy
 Hồng chưỡng bát thanh ba.


( Lê Minh Uyên dịch:
 Ngỗng ơi, hỡi ngỗng ơi
 Ngẫng cổ ca vang trời
 Nước lục điểm lông trắng
 Chân hồng rẽ sóng bơi.)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng Hà


Giai thoại Trạng Quỳnh (1677 – 1748)



  Khoảng giữa thế kỷ XVIII, có trạng Quỳnh là một nhân vật nổi tiếng trong việc dùng thơ văn để đả kích bọn phong kiến thống trị đương thời , đả phá dị đoan và công kích mọi tệ đoan xã hội.
  Trạng Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh, quê ở làng Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa,trấn Thanh Hoá. Quỳnh là người học giỏi và thông minh,láu lỉnh; còn trẻ tuổi đã đậu hương cống, nên thường gọi là cống Quỳnh.
    Quỳnh không đỗ trạng nguyên bao giờ , nhưng người đời  vẫn gọi  Quỳnh  là trạng, vì ông xuất khẩu thành chương, ứng đối lanh lẹ ít ai bì kịp . Ông nổi tiếng văn chương, nhưng tính hay khinh mạn và ưa nhạo báng quan trường, nên đi thi trượt mấy lần. Gặp lúc chúa Trịnh chuyên quyền , ông không màng công danh,thường đi đây đó,lấy thơ văn chọc ghẹo người đời. Ông cũng từng phụng mạng đi sứ Tàu,tài biện bác làm cho sĩ phu Trung quốc phải kính phục.
   Đến nay, nhiều câu giai thoại về ông đã được phổ biến trong dân gian.

1/ Miệng kẻ sang, đồ nhà khó :

   Thuở Quỳnh còn ít tuổi , có viên quan huyện vừa gian tham, lại vừa hống hách, dân chúng ai ai cũng căm ghét. Một lần Quỳnh trông thấy viên quan huyện đi hành hạt ghé vào quán nọ nghỉ trưa . Hắn ta ngồi bệ vệ, miệng luôn luôn bỏm bẻm nhai trầu. Quỳnh định xỏ hắn một đòn chơi, mới mon men lại ngồi chực ở trước quán, và khi viên quan ăn trầu xong,vứt bã đi, Quỳnh liền nhặt lấy giơ lên ngắm nghía, rồi bỏ vào túi. Quan huyện thấy lạ mắt, cho đòi Quỳnh lại hỏi tên tuổi, nghề nghiệp. Quỳnh xưng là học trò.
  Viên quan bảo: “Học trò gì mà lẩn thẩn thế?”
  Quỳnh thưa: “Bẩm, tôi thấy tục ngữ có câu:  
 Miệng kẻ sang có gang có thép ,
nên tôi muốn xem gang thép ra sao?”
  Viên quan thấy Quỳnh có ý mỉa mình liền nạt: “Nếu là học trò thì lập tức phải đối ngay câu tục ngữ ấy, không đối được ta sẽ đánh đòn!”
  Quỳnh giả vờ sợ sệt: “Bẩm thế thì khó quá ạ!”
  Viên quan được thể càng quát già: “Khó cũng phải đối, mau!”
  Quỳnh bấy giờ mới thưa: “Bẩm có sơ suất gì quan tha tội cho thì mới dám đọc ạ!”
  Được hắn bằng lòng, Quỳnh liền lên giọng đọc to và rành rọt từng tiếng:
- Bẩm xin đối là:
 Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.
Quan huyện thấy câu đối xỏ xiên quá, nhưng tục ngữ lại đối với tục ngữ mà chữ nào chữ ấy chọi nhau chan chát ; thành ra không bẻ vào  đâu được, đành trả tiền hàng rồi thét lính khiêng võng đi thẳng.

2/ Tú cát - Bọ hung :

 Khi còn nhỏ,trạng Quỳnh đã nổi tiếng thông minh và tinh nghịch. Một hôm có khách là ông Tú Cát đến chơi nhà,ông bố sợ Quỳnh nghịch mới bắt ra hầu trà. Khách thấy ông bố khoe con thông minh, liền ra một câu đối bắt Quỳnh đối:
 
 Trời sinh ông Tú Cát

 Câu này có ý hợm hĩnh, kiêu căng. Quỳnh nghe tức mình bèn đối ngay rằng:
 
 Đất nứt con bọ hung

 Vừa hạ khí thế của ông Tú lại vừa chơi chữ rất hay. (Cát là “lành” đối với hung là “dữ” ). Tú Cát thấy Quỳnh quả có tài mẫn tiệp khác thường, nên tuy giận mười mươi mà vẫn yêu,chẳng những không mắng mà còn giúp thêm tiền cho Quỳnh ăn học.

3/ Chó khôn chớ cắn càn :

  Khi còn nhỏ, Quỳnh vì có khiếu thông minh nên ai cũng có bụng yêu mến, lại thường hay chọc ghẹo.
 Một hôm nhà có giỗ, đang làm thịt lợn , ông Tú Cát đến chơi thấy Quỳnh đứng xem mổ lợn, liền chạy tới béo tai và ra cho một vế đối, bảo hễ đối được thì mới tha. Quỳnh xuýt xoa kêu đau và giục ra câu đối ngay.
 Ông Tú bèn mượn hai quẻ trong bát quái đọc rằng:
 
 Lợn cấn ăn cám tốn

 ( Lợn chửa ăn tốn nhiều cám; "cấn" và "tốn" là tên hai quẻ trong bát quái )
 Quỳnh không cần suy nghĩ, đối ngay :
 
 Chó khôn chớ cắn càn

 ( "khôn" và "càn" là tên hai quẻ trong bát quái )
 Cũng dùng tên quẻ trong bát quái mà lại có ý xược ngầm: bảo ông Tú, này có khôn thì đừng ra câu đối càn nữa.
 Ông Tú biết vậy nhưng cũng chịu là giỏi, tha ngay không béo tai Quỳnh nữa.

4/ Đề thơ khỏi trả tiền :

Thời còn trẻ,Quỳnh không để ý đến việc học hành, xếp bút nghiên lên đường ngao du sơn thuỷ. Đặc biệt là nơi nào Quỳnh ghé chơi qua, đều lưu lại những giai thoại ngộ nghĩnh.
  Ngày ấy, trên đường phiêu du,Quỳnh ghé lại một quán nước. Thấy khách có
vẻ hào hoa, cô chủ quán nhan sắc mặn mà nhanh nhẩu mời mọc:
- Rước ông vào xơi bánh ạ… Quán này bánh trái đủ thứ, ông cứ tự tiện…
  Quỳnh cảm ơn rối rít, ung dung ngồi xuống thanh toán, hết dĩa này đến dĩa khác. Nào là bánh rán, bánh dày, nào là khoai ngứa, khoai lang. Ăn hết bánh,
Quỳnh lại chiếu cố đến buồng chuối thanh tiêu rồi mấy chiếc nem treo lủng
lẳng. Quỳnh ăn xong, rung đùi, hút thuốc, rồi đứng dậy cảm tạ và đủng đỉnh
ra đi. Cô chủ giận quá, chạy theo níu áo đòi tiền. Quỳnh giả vờ ngạc nhiên:
- Chết chửa, tôi lại tưởng cô chủ có lòng tốt, lâu ngày mời tao nhân mặc khách ít dĩa bánh, nào có thấm tháp gì.
  Cũng may, cô chủ vốn thích thơ văn, cũng gượng làm vui:
- Ông tự nhận là tao nhân mặc khách, thực hay giả đấy? Nếu thực,ông phải làm một bài thơ kể hết thức ăn trong quán,tám câu vần trắc. Làm không xong, tôi la làng đấy…
 Quỳnh cười hì hì:
- Được mà, cô chủ yên trí…
 Thế là Quỳnh hạ bút làm một bài thơ dán ngay vào vách. Thơ như sau:
 
  Bán hàng nay cô đà mấy tuổi?
  Nước non còn nóng hay là nguội?
  Lủng lẳng trên treo dăm nắm nem
  Lơ thơ dưới móc một buồng chuối
  Bánh rán bánh dầy có thoa dầu
  Khoai ngứa khoai lang đều chấm muối
  Ăn uống xong rồi chưa trả tiền
  Thương nhau cho chịu một vài buổi.


 Cô chủ quán khá thông minh, xem thơ biết khách trêu chọc, song tài thơ sáng chói nên đành ưng thuận… mất tiền.

5/ Thừa giấy vẽ voi :

 Một năm, gặp khoa thi hương, sắp tới ngày thi, có người bạn đến chơi,khuyên ông : khoa này nên kiềm thúc tính nết , văn chương phải viết theo khuôn phép, thì mới hòng đỗ.
   Ấy cũng vì khoa trước, ông làm văn đã đắc thế lắm , nhưng bị đánh hỏng vì khi bài viết xong, còn thừa một khoảng giấy lớn,ông cao hứng vẽ hình con voi rồi đề mấy câu thơ :

 Văn chương phú lục đã xong rồi,
 Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi!
 Tớ có điều này xin bảo thật: (1)
 Đứa nào cười tớ, nó ăn bòi!


(1) Dị bản: Vẽ xuống vẽ lên nhằng nhịt đấy,
   
  Bởi vậy nên kỳ này, nghe bạn khuyên can, ông cũng lấy làm phải và xin nhất nhất vâng lời.
  Vào trường, ông giữ gìn rất cẩn thận, quả nhiên khoa ấy đỗ hương cống. Tuy vậy mà trong quyển của ông vẫn còn có những câu trào lộng , truyền tụng  mãi
đến ngày nay.
    Đầu bài chiếu là:
    Nghĩ Hán dĩ công chúa, giá Thiền Vu chiếu.
    ( Làm bài chiếu về việc vua Hán gả công chúa cho chúa Hung Nô.)
   Bài ông làm có câu:
 武經百戰以開圖
 文無一詩而退虜

  Vũ kinh bách chiến, dĩ khai đồ
  Văn vô nhất thi, nhi thối lỗ

   - Về việc võ, trải trăm trận đánh nhau, mới mở mang được cơ nghiệp.
   - Đến lúc thái bình, thì trọng việc văn, nhưng văn không thể ngâm thơ mà đuổi được giặc. (Vì vậy vua Hán phải đem công chúa gả cho Chúa Thiền Vu, dùng mỹ nhân kế để giảng hoà)
   Đến bài biểu, ông cố nhét cho được hai câu:
  君则古臣则古戴咸観虞舜之功
  上雍哉下雍哉倚頭赖唐尧之治

   Quân tắc cổ, thần tắc cổ, đái hàm quan Ngu Thuấn chi công
   Thượng ung tai, hạ ung tai, ỷ đầu lại Đường Nghiêu chi trị

- Vua theo như vua đời cổ,bầy tôi cũng theo như bầy tôi đời cổ,dân đều được đội ơn, coi như công của vua Thuấn
- Người trên hoà, người dưới hoà, dân đều được nhờ ví như đời thịnh trị của vua Nghiêu.
   Khi yết bảng tên ông được đỗ rồi, quan trường hội nhau để kiểm điểm lại, thấy những chữ “khai đồ”,“thối lỗ”, “tắc cổ”, “ung tai”, “đái (vào) hàm quan”, “ỷ (lên) đầu lại”, mới biết là ông nhạo báng, dùng những chữ Hán có âm Việt ngữ tục tằn, cốt cho ở Hán văn thì nghĩa đứng đắn, mà đọc ra âm Việt thì lại toàn tiếng thô bỉ. Nhưng đã trót cho đỗ rồi, không thể đánh hỏng được nữa.
  Bao phen lận đận, lần này mới được đắc chí, ông cưỡi ngựa về làng, lòng mừng khấp khởi, ngâm mấy câu thơ:

  Mười năm đèn sách nhọc công nhòm,
  Đỗ suốt ba trường tiếng nổi om!
  Nhờ chút ơn vua về bái tổ,
  Nhảy lên cật ngựa chạy lom xom!


6/ Không biết thì bỏ trống :

  Rồi sau đó ông đi thi hội, mong giật bằng tiến sĩ.Vào thi, bài viết đã trôi chảy lấy làm vừa ý, chỉ còn đoạn kết ông chưa biết làm cách nào cho thật trác lạc, khác hẳn lối kết thúc tầm thường của sĩ tử.
 Đang nghĩ ngợi phân vân bỗng thấy một vị giám khảo đi ngang qua, ông liền hỏi:
- Bẩm quan lớn, đoạn kết bài này ngài dạy làm thế nào là phải?
 Vị giám khảo trừng mắt:
- Không biết làm thế nào thì bỏ trống!
 Đến lúc hội lại chấm bài, ban giám khảo đọc thấy một bài ý tứ hàm súc, ngôn từ hoa mỹ, rất đáng cho ưu, chỉ hiềm nỗi đoạn kết lại lạc lõng vào hai câu nôm:

  Ô hô, da trâu tang mít, tự ký thành bưng bít chi công.
  Y hi, đám giỗ nhà chay, thượng ký đô thì thùng chi hiệu.

  Chẳng ai hiểu ra sao. Bèn hợp phách lại xem tác giả là ai mà kỳ quái vậy. Té ra cống Quỳnh. Vị chủ khảo cho gọi ông cống vào hỏi duyên do. Cống Quỳnh lễ phép thưa:
- Bẩm, đó là tôi theo lời dạy của quan giám khảo. Quan bảo đoạn kết không biết làm thế nào thì cứ bỏ trống, nên tôi viết hai câu về cái trống!
  Mà là trống thật. Trống, mặt bằng da trâu, tang bằng gỗ mít, đã tốn công bưng bít mới thành, để khi đám giỗ đám chay nện thì thùng ra hiệu!
  Lẽ tự nhiên, ông cống chuyến này lại hoàn ông cống!

7/ Thơ cúng thành hoàng :

  Tục truyền trong thời kỳ Quỳnh đã thi đỗ hương cống và tiếng tăm đã lừng lẫy khắp xa gần, có một lần vợ cưng của Quỳnh bị ốm nặng,nhưng không chịu thuốc thang, lại tin tưởng thầy bói. Xem quẻ xong, thầy bói quả quyết bị động thành hoàng, sắm sửa lễ vật cúng vái là khỏi. Quỳnh vốn cũng chẳng tin gì thần thánh nhưng vợ cứ khóc lóc ỉ ôi, nên Quỳnh đành phải mang hai quả trứng gà luộc ra đình làng khấn với thành hoàng để xin chữa cho vợ mình, và hứa rằng hễ vợ mình khỏi bệnh thì sẽ trả lễ thật hậu. Quỳnh đem hai trứng ra đặt lên bệ thờ thành hoàng và chắp tay trịnh trọng đọc to một bài thơ như sau:

 Này hỡi thành hoàng
 Chú là kẻ cả trong làng,
 Tớ là người sang trong nước.
 Đôi bên chức tước,
 Chẳng kém gì nhau.
 Bởi vợ tớ đau,
 Phải ra khấn vái.
 Phiên chợ thì trái,
 Không mua được gì.
 Có con gà di,
 Nó vừa nhảy ổ.
 Đem ra mà mổ,
 Thì cũng thương tình.
 Chú có anh linh,
 Xơi hai trứng vậy!...


Rồi Quỳnh để lại hai quả trứng gà và đủng đỉnh ra về.

8/ Đề tượng bà Banh :

    Ở vùng Sơn Nam hạ có một ngôi chùa thật quái dị . Chùa không thờ  Phật, trên bệ chỉ có pho tượng đá gọi là tượng bà Banh. Tương truyền bà Banh là tà thần rất linh thiêng , ai đi ngang qua chùa mà không ngả nón sẽ bị ốm đau tức khắc. Muốn khỏi bệnh phải đem xôi,gà, rượu, thịt đến lễ tạ. Vốn thường công kích những nơi bành trướng tà đạo,nghe được chuyện ấy, Quỳnh đến chùa,lấy
bút mực viết ngay trên bụng pho tượng bài thơ:

  Khen ai đẽo đá tạc nên mày
  Khéo đứng ru mà đứng mãi đây!
  Trên cổ đếm đeo trăm chuỗi hạt
  Phô trang chi hỡi, lũ quân này!


( "Đẻo đá", "khéo đứng", "đếm đeo" là những từ thường gặp trong thơ Hồ
  Xuân Hương )

  Đề thơ xong Quỳnh mắng nhiếc một hồi mới bỏ đi. Ít ngày sau, pho tượng
bỗng ngã xuống, nằm úp mặt trên mặt đất. Chả biết có phài là thần xấu hổ vì
lời thơ ngạo mạn của trạng Quỳnh không? Từ đó ngôi chùa hết linh thiêng.

9/ Văn tế hai bố :

   Nhạc phụ ông người dong dỏng cao, làm tổng trấn Bắc Ninh, thân phụ ông là người lùn thấp, làm tri phủ Kiến Xương; hai người tình cờ cùng tạ thế một năm, nhạc phụ mất cuối tháng chín , thân phụ mất đầu tháng mười . Khi hai linh cữu đưa về quê, ông thu xếp cho hai đám cùng đưa một ngày, và bày bàn thờ chung nhà, để tế chung vào một tuần... cho đỡ tốn kém.
 Ông làm bài văn tế, xem qua đủ thấy tác giả là người ngang tàng và ngỗ ngược, có một nhân sinh quan phóng khoáng đến quá mức , ngay bậc cha mẹ cũng còn đem ra mà chế giễu không từ.

   Văn tế hai bố :
   Ông trấn Bắc Ninh. – Ông tri phủ Kiến
   Ông thấp lùn chùn. – Ông cao nghễu nghện
   Tưởng ông sống tám mươi, ông sống chín mươi cho đến một trăm. – Nào ngờ ông chết tháng chín, ông chết tháng mười, cũng về một chuyến.

     Than ôi!
   Hạc tếch lên ngàn. – Rùa bò xuống biển!
   Lẽ đâu một đám hai ma. – Song le nhất cử lưỡng tiện!
   May hai nhà cũng có bát ăn : - Chả có phen này thì biến!


   Trạng Quỳnh còn vài bài thơ nữa mà bài nào cũng có ý châm chọc :

  Con chuột

  Ông Cống (1) khoa nào chẳng thấy thi,
  Chuột thì kêu chuột, Tý làm chi?
  Bắt hơi chó sịt cong lưng chạy,
  Nghe tiếng mèo ngao rút cổ đi.
  Chỉnh nếp rá cơm tha thểnh bậy,
  Đống rơm bồ lúa ngách hang kỳ.
  Phô bày chuột lũ bay nên chạ,
  Họa có bầu nan hẳn sợ mi. (2)


(1) Cống: Hương cống, tức cử nhân thời Nguyễn
(2) Những người đi ghe bầu rất sợ ghe bầu, nhất là ghe đan bằng nan
    tre, nên họ thường gọi chuột bằng ông Tý   


 Chợ Gạo đất Kinh kỳ

 Tiếng đồn chợ Gạo đất Kinh kỳ,
 Quỳnh tới dạo chơi chẳng thấy chi.
 Ngô bé (1) ngô to răng trắng nhẻ
 Đĩ già đĩ trẻ tóc đen sì.


(1) Ngô: người Tàu
                      -------------------------------

Viết theo:

1/ Giai thoại làng nho, Lãng Nhân, Nam Chi tùng thư xuất bản,
   Sài Gòn, 1966
2/ Giai thoại văn học Việt Nam, Hoàng Ngọc Phách và Kiều   
   Thu Hoạch sưu tầm, biên soạn, Nxb Văn học, Hà Nội 1988
3/ Trạng Quỳnh, Hoàng Trúc Ly, Nxb Tân Việt
4/ Thành ngữ điển tích từ điển, Diên Hương, Nxb Tổng hợp
   Đồng Tháp, 1992
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng Hà

Giai thoại Nguyễn Khuyến (1835-1909)

     Nguyễn Khuyến có tên là Nguyễn Thắng, quê ở làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông học giỏi, năm Tự Đức 17 (1864), đậu đầu cử nhân (tức Giải nguyên) trường Hà Nội. Năm sau (1865), ông trượt thi Hội nên phẫn chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám. Đến năm 1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên (Hoàng giáp). Cả ba lần đều đậu thủ khoa  nên người đời thường gọi là Tam Nguyên Yên Đổ . Đỗ xong , ông được bổ làm Hàn lâm trực học sĩ,về sau thăng đến Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc.Sau ông cáo quan về nhà, không chịu hợp tác với Pháp, thường làm thơ có tính chất ưu thời mẫn thế và đả kích vào một số nhân vật lúc bấy giờ. Ông là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên. Ông có tiếng hay đùa bỡn và trào phúng . Mỗi khi đưa bản thảo ra , người đương thời tranh nhau truyền tụng, sao chép được đều lấy làm thú vị. Dưới đây là một số giai thoại.

1/ Cua chơi trăng

  Tương truyền khi Yên Đổ còn ít tuổi, mắt ông đã kèm nhèm, vậy mà lại ngấp
nghé con gái một ông cử ở làng bên. Cô này đem chuyện mách cha,ông cử liền
cho mời ông đến,buộc phải làm bài thơ, lấy đầu đề là "Cua chơi trăng", lấy chữ
"trăng" làm vần.
  Thấy cái đầu đề có vẻ dè bỉu, ông tuy bực mình, song cũng ngâm ngay 8 câu:

 Vằng vặc đêm thu ánh xế chừng,
 Ham thanh, cua mới muốn chơi trăng.
 Nghiêng mai lách ngược qua dòng biếc,
 Ghé yếm bò ngang nhởn bóng hằng.
 Cung quế chờn vờn hương mới bén,
 Vườn đào thoang thoảng gió như nâng.
 Một mai cá nước cua vui phận,
 Trăng muốn tìm cua, dễ được chăng?

    
 Ông cử thấy lời thơ hoạt bát và ý thơ khẳng khái: "ngày nay khinh cua, nhưng
rồi cua gặp hội may (thi đỗ) , bấy giờ trăng muốn tìm cua chưa chắc  đã được",
nên sinh lòng mến phục, đổi thái độ, tiếp đãi ân cần.

2/ Thơ bồ tiên

  Một viên quan to, có con trai được bổ tri huyện Thanh Liêm (gần huyện của Yên Đổ), tỉnh Hà Nam. Anh này do nhờ vào quyền thế của bố , lại khéo  chạy chọt với Tây nên được bổ chân tri huyện ấy.Khi nhậm chức,bề ngoài anh ta tỏ vẻ một viên quan thanh liêm , hiền hậu ; nhưng kỳ thực là một tay ăn tiền  kín đáo, khôn hơn nữa là một tên mật thám cho Pháp để đàn áp nhân dân . Nhưng anh ta lại hay  bày trò thi thơ , để mượn dịp lừa bịp  nhân dân về uy đức  của mình. Một lần anh ta tổ chức kỳ thi thơ hàng huyện, ra đề thi là  “Bồ tiên thi” (thơ roi cỏ bồ), lấy chữ “bồ” làm vần. Đề thi có ý nói về ông quan thương dân, trong khi răn bảo dân chỉ dùng roi bằng cỏ bồ , vì roi cỏ bồ mềm mại , đánh không đau.
 Câu chuyện đồn đến tai Yên Đổ, ông thấy chướng tai gai mắt, bèn gửi tới cho hắn một bài thơ như sau:
 
  Chú huyện Thanh Liêm khéo vẽ trò,
  Bồ tiên mà lại lấy vần bồ.
  Nghênh ngang võng lọng nhờ ông sứ,
  Ngọng nghẹo văn chương giở giọng Ngô!
  Bồ chứa miệng dân chừng bật cạp, (1)
  Tiên là ý chú muốn nhiều xu.     (2)
  Từ vàng sao chẳng luôn từ bạc,  (3)
  Không khéo mà roi nó phết cho. (4)


(1) Bồ bật cạp: cũng như bồ sứt cạp,là một thành ngữ chỉ cái bồ đựng đầy quà  
    nên cạp bật ra. Đây ý nói dân chửi cho đầy bồ.
(2) Chữ tiên: là roi cũng đồng âm với chữ tiên là xu. Tác giả dụng ý chơi chữ        
    để chửi tri huyện tham tiền.
(3) Theo một điển cũ, một viên quan muốn làm ra vẻ thanh liêm, hễ dân biếu
    vàng trước công đường thì không lấy  nhưng biếu tiền bạc ở nhà riêng thì  
    vẫn lấy như thường.
(4) Câu kết nhắc đến “roi” là để gói gắm cái đầu đề đã ra.

3/ Đòi xem câu đối

  Tục xưa, hằng năm cứ đến rằm tháng chạp thì các thầy đồ đã bắt đầu cho học trò nghỉ Tết Nguyên Đán.Còn trong dân gian thì ngày 23 tháng chạp thường ăn Tết ông Táo rất to; và nhiều nơi Tết Nguyên Đán hầu như cũng bắt đầu luôn từ đấy.
   Nghe đâu vào năm Nguyễn Khuyến đang làm gia sư cho Hoàng Cao Khải, tới ngày rằm tháng chạp năm ấy, ông cũng xin nghỉ để về quê nhà ăn Tết.
 Sau khi Nguyễn Khuyến về quê, Hoàng Cao Khải nhân có việc quan phải qua Hà Nam, bèn nhắn cho Nguyễn Khuyến biết là sẽ ghé thăm ông.
  Hôm đó đúng 23 tháng chạp, Tết ông Táo, Nguyễn Khuyến mới nhân dịp tìm cách xỏ họ Hoàng một vố chơi.
 Ông sai người trồng một cây nêu khá cao, trên treo một chiếc đèn lồng và một vế đối như sau:

  Kiết kiết can mao, tiết đáo, kình thiên phù nhật nguyệt.

  Nghĩa là: Chót vót cờ mao, đến Tết, chống trời phò nhật nguyệt.
  Câu này nghĩa đen nói về cây nêu cao có treo đèn, nhưng nghĩa bóng là tỏ chí khí của nhà thơ. Vế đối lơ lửng này cốt để nhử họ Hoàng vào tròng.
  Quả nhiên khi Hoàng Cao Khải tới, hắn đọc vế đối ở cây nêu thì tấm tắc khen hay, nhưng thấy chỉ có một vế thì thắc mắc lắm, cứ năn nỉ đòi Nguyễn Khuyến viết nốt vế thứ hai.
  Chỉ đợi có thế Nguyễn Khuyến bèn dẫn họ Hoàng vào trong bếp nhà mình. Ở đó, cạnh mấy cỗ đầu rau mới nặn, viên kinh lược sứ Bắc Kỳ đọc thấy vế đối lại như sau:

  Mang mang khối thổ, thời lai, tảo địa tác quân vương.

  Nghĩa là: mênh mông khối đất, gặp thời quét rác cũng làm vua.
  Câu này nghĩa đen chỉ là nói mấy ông đầu rau (ông táo) nặn bằng đất.Nhưng ý tứ sâu xa là bảo họ Hoàng chỉ là đồ nặn bằng đất thịt, chỉ do gặp thời mà lên đó thôi (Trỏ vào việc Hoàng Cao Khải làm Kinh lược Bắc Kỳ)
   Hoàng Cao Khải vì muốn xem vế đối mà phải chui vào bếp, hắn đã bực. Lúc ngẫm vế đối có ý xỏ xiên như thế thì càng cay hơn; nhưng hắn cũng đành cười nhạt cho qua chuyện vì biết mình dại , đã trót năn nỉ đòi xem chứ nào  Nguyễn Khuyến có muốn cho xem đâu.

4/ Gặp chó

    Có một lần, viên tổng đốc Nam Định là Vũ Văn Báo  viết thư mời Nguyễn Khuyến đến chơi (việc này là làm theo lệnh viên công sứ nhằm mua chuộc lôi kéo Nguyễn Khuyến ra làm quan lại để thu phục lòng người lúc bấy giờ).
  Nguyễn Khuyến nhận lời và cho cả người con trai là Nguyễn Hoan cùng đi. Khi hai cha con đến cổng dinh tổng đốc thì gặp viên công sứ Nam Định đi ra, vào khỏi cổng thì có con chó tây nhảy xổ tới cắn. Nguyễn Khuyến hốt hoảng vội đẩy con trai lên cản chó.
  Lúc vào nhà, sau câu chuyện phiếm, Vũ Văn Báo nói đến việc chính phủ bảo hộ muốn mời Nguyễn Khuyến ra làm đốc học thành Nam, Nguyễn Khuyến không trả lời, chỉ rung đùi đọc đùa một câu tức cảnh rằng:

  Hốt đáo nhĩ môn phùng nhĩ cẩu,
  Cấp tương ngô tử thế ngô thân.

  Tạm dịch:

  Đến cổng nhà ngươi thời gặp chó
  Kịp đem con trẻ thế thân già.


   Vũ Văn Báo hiểu ý mỉa mai chua cay của nhà thơ, cũng giận, song chỉ cười nhạt không dám nói ra . Vì Báo đối với Nguyễn Khuyến  vừa là bạn lại vừa là chỗ thông gia.
  Hôm sau về nhà, Nguyễn Khuyến làm một bài thơ thác lời gái goá để gửi cho Báo. Bài thơ như sau:
 
  Chàng chẳng biết gái này gái goá,
  Buồn nằm suông quên cả áo cơm.
  Khéo thay cái mụ tá ơm, (1)
  Đem chàng tuổi trẻ ép làm lứa đôi.
  Chàng tuổi trẻ chơi bời quên nhọc.
  Gái già này sức vóc được bao?
  Muốn sao, chiều chẳng được sao.
  Trước tuy sum họp sau nào được lâu?
  Lấy chồng vốn nhớ câu ăn mặc.
  Chẳng ngờ rằng đói rách hổ ngươi.
  Vốn xưa cha mẹ dặn lời,
  Tư bôn (2) lại phải kẻ cười người chê.
  Mụ hỡi mụ, thương chi thương thế?
  Thương thì hay nhưng kế chẳng hay.
  Thương thì gạo vải cho vay,
  Lấy chồng thì gái già này xin van!


(1) Tá ơm: là mụ mối, chỉ vì Vũ Văn Báo mối lái cho Nguyễn Khuyến ra làm
    quan với Pháp.
(2) Tư bôn: trốn theo trai, ý nói bỏ dân bỏ nước đi theo tây

  Báo xem xong,không những hiểu ngay rằng Nguyễn Khuyến vin cớ tuổi già để từ chối việc ra làm quan với Pháp , mà cũng biết chán cụ Tam Nguyên còn chửi y rất đau nữa là khác, nhưng vì lời thơ khôn khéo kín đáo quá, không thể moi móc chỗ nào được nên đành nuốt giận làm lành , xuê xoa cho qua chuyện và từ đấy không dám lôi kéo dụ dỗ gì nữa.
 Bài thơ này bằng chữ Hán (có đầu đề là Ly phụ hành), chính ông dịch ra quốc âm. Cũng có sách nói ông làm bài thơ này để tỏ tâm sự đối với kinh lược Bắc Kỳ là Hoàng Cao Khải

5/ Vịnh phỗng đá

  Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn, viên kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải cho mời ông đến làm gia sư (thầy dạy học trong nhà), để có dịp giám sát chặt chẽ hơn. Ông từ chối không được, sau cùng phải nhận một cách miễn cưỡng.
    Một hôm, viên kinh lược mở tiệc khao mừng long trọng, gia sư nguyên là một vị tam nguyên nên cũng được mời dự.Tân khách toàn là quan lại Bắc Kỳ, đai vàng áo tía rực rỡ . Còn ông đồ Khuyến lúc ấy thì chỉ áo vải khăn thâm. Trong tiệc  ông ngồi yên chẳng nói chẳng rằng . Bọn quan lại  thấy vậy có ý khinh miệt, chỉ trỏ bàn tán với nhau, bảo Nguyễn Khuyến là ông phỗng đá; ý muốn nói sự có mặt của ông ở đây cũng bằng thừa mà thôi!
   Nguyễn Khuyễn nghe được bực lắm. Nhân lúc viên kinh lược bảo ông làm bài ca trù cho cô đào hát ông liền lấy ngay “Phỗng đá” làm đề và làm một bài như sau:
 
  Người đâu tên họ là gì?
  Khéo thay chích chích chi chi nực cười. (1)
  Giang tay ngoảnh mặt lên trời.
  Hay còn lo tính sự đời chi đây?

  Thấy phỗng đá lạ lùng muốn hỏi,
  Cớ làm sao len lỏi đến chi đây?
  Hay tưởng trong cây cỏ nước non này
  Chí cũng rắp giang tay vào hội lạc (2)?
  Thanh sơn tụ tiếu đầu tương hạc,
  Thương hải thuỳ tri ngã diệc âu.    (3)
  Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu,
  Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác.  (4)
  Duyên hội ngộ là duyên tuổi tác,   (5)
  Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác.
  Cuộc tỉnh say say tỉnh một vài câu.
    Nên chăng đá cũng gật đầu!


(1) Chích chích chi chi: cũng chỉ ù ù, cạc cạc, không biết gì việc đời.
(2) Hội lạc: tên một hội vui chơi của một số nhà thơ đời Tống.
(3) Hai câu thơ Hán nghĩa là: Ta cười ta đầu đã bạc (như đầu con hạc) mà vẫn
     thích thú cuộc đời . Nhưng ai biết đâu ta lại giống con chim âu nhàn nhã ,  
     không muốn nghe chuyện đời lật lọng.
(4) Túi vũ trụ: bầu trời đất, cuộc đời, việc đời.
(5) Duyên hội ngộ: duyên gặp gỡ sum họp.

  Bài ca trù làm xong, viên kinh lược giục cô đào hát ngay lên để thưởng thức. Lúc ấy có Phan Văn Ái làm chức quan nhỏ trong nha kinh lược cũng ngồi dự tiệc, nghe thấy cái tâm sự u uất và cái độ lượng “không chấp chuyện đâu đâu” của nhà thơ như thế, Ái rất xúc cảm.
  Vốn chẳng ưa gì bọn quan trên, lại bất bình với thái độ khinh mạn của chúng đối với  Nguyễn Khuyến , Ái cũng mượn dịp hoạ lại luôn một bài ca trù  theo đầu đề “Phỗng đá” như sau:
 
  Non thiêng khéo đúc nên người,
  Trông chừng sành sỏi khác loài trần gian.
  Trải bao gió núi mưa ngàn,
  Đã già già sóc, lại gan gan lỳ.

  Gan lỳ già sóc
  Há non chi mà sợ cóc chi ai,
  Người là người, tớ cũng là người.
  Ngẫm cho kỹ vẫn chênh vênh đầu giốc,
  Tương chi tằng thức năng công ngọc.
  Mặc luyện như hà khả bổ thiên. (1)
  Thôi mặc ai rằng trắng rằng đen,
  Thế như thế, hẵng ngồi yên như thế vậy.
  Còn trời đất hãy còn tai mắt ấy,
  Lặng mà coi họa thấy lúc nào chăng ?
    Hãy về giã gạo ba giăng.


(1) Hai câu thơ chữ Hán lấy tích Nữ Oa luyện đá vá trời, có nghĩa là: Người
     biết mình có khả năng giũa được ngọc, Không luyện thì làm sao vá được
     trời
  Nghe đâu lúc bài của Phan Văn Ái được cô đào hát lên, bọn quan trên nghe thấy giọng thơ đầy khí phách ngang tàng,đều có ý không thích. Nhưng không tìm thấy chỗ nào hớ hênh trong bài để mà bắt bẻ, nên chúng cũng đành chịu.

6/ Thơ ông phỗng sành:

   Tương truyền khi Nguyễn Khuyến làm gia sư cho viên kinh lược Bắc Kỳ, ông không mấy khi có nét mặt vui vẻ. Hàng ngày sau buổi dạy học, ông hay lững thững đi dạo một mình trong khu vườn vắng của nhà chủ. Tại đó,có cây, có đá, có đủ hoa cỏ bốn mùa, nhất là có ông phỗng sành đứng dưới gốc si,hai mắt đăm đăm dòm xuống  bể nước như  chứa chất một  tâm sự gì , khiến cho Nguyễn Khuyến rất thích.
  Một lần ông đang tần ngần đứng ngắm phỗng sành, bất chợt viên kinh lược đi tới bắt gặp. Thấy vậy, hắn bảo Nguyễn Khuyến thử vịnh một bài “Thơ phỗng sành”. Nguyễn Khuyến đang hứng, chẳng thèm nghĩ, vịnh luôn rằng:
 
  Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
  Trơ trơ như đá vững như đồng.
  Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
  Non nước đầy vơi có biết không?

Bài thơ làm xong, viên kinh lược phải chịu là hay; nhưng hắn không chịu nổi cái giọng mai mỉa sâu cay của vị gia sư. Thế rồi mấy ngày sau, hắn đành phải chiều theo ý Nguyễn Khuyến để cho ông trở về và nhận con ông là Nguyễn Hoan đến dạy học thay.

(Còn tiếp)
12.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 5 trang (42 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối