Trang trong tổng số 82 trang (813 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Viễn khách

Chất Huế
Nguyễn Khôi



Nhà thơ Xuân Diệu thời son trẻ đã từng viết: "Làm sao phân chất mùi hương". Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường hình như cũng đã có lần tán thưởng cái "tính bảo thủ" đáng trân trọng của một xứ sở, một nền văn hoá? Những suy tư đầy chất thơ như thế có thể cho ta một điểm tựa, một cách lý giải về sự tồn tại rất thơ và nét thẩm mỹ độc đáo... phải chăng đó là chất Huế?

Điều kỳ diệu đó hiển hiện sông Hương, núi Ngự, thành cổ, Ngọ Môn, Hoàng cung, đền, lăng tẩm, phủ, thự đến các thôn xóm, phố phường, cầu, ngõ... Chỉ riêng Huế mới có. Nó là con người Huế như thơ của Lưu Trọng Lư:

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không

Thật là kỳ "mình không ở Huế mà Nhớ Huế" của những ai không phải người Huế và "không phải người yêu nhưng cứ yêu Huế". Chất Huế là nét đẹp vĩnh hằng của một xứ sở, thiên nhiên, cảnh sắc, sông núi hoà quyện với nét đẹp của con người có tâm hồn độc đáo. Nói đến Huế là nói đến cái gì đó rất riêng, rất đẹp và thơ.

Ở đây áo tím riêng màu
Bài thơ nón mỏng che đầu mỹ nhân

Thực ra không phải chỉ Huế mới có áo tím, mới có nón bài thơ... nhưng nhà thơ Nguyễn Bính rất tinh, nhìn ra cái riêng của Huế, nên mới viết như thế mà không ai bắt bẻ được.

Huế không có bề dày lịch sử bốn nghìn năm của đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ), một nghìn năm Thăng Long của thủ đô Hà Nội. Huế chỉ mới trăm năm thôi, mà sao có chất riêng vậy? Nói đến Thăng Long là gắn liền với kẻ chợ- 36 phố phường buôn bán tấp nập, "nơi hồn thiêng sông núi, bến bờ", "rồng vàng tung cánh". Đó là nơi các triều đại hưng phế kế tiếp nhau trị vì đất nước. Và đó cũng là cái làng to, các chợ lớn tứ xứ quần cư... Hà Nội luôn bay lên "như hoa hướng dương về mặt trời". Nhưng thật khó bảo tồn bản sắc Thăng Long- Hà Nội, luôn bị biến hoá, bị du nhập lai tạp. Nét hay vẻ đẹp cùng son hành tồn tại với điều lạ, lố lăng, mà chưa phải chốc lát đã tẩy xoá đi được.

Còn Huế, trẻ hơn, tính từ Chúa Tiên xây dựng chùa Thiên Mụ đến giờ mới có 398 năm...

Đất Thần Kinh, nơi ngự trị của một triều đại, một dòng họ cũng là nơi hội tụ trí thức tinh hoa của cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong. Các vị Chúa, ông Vua nhà Nguyễn phần lớn là các bậc minh quân, luôn phải lo với thù trong giặc ngoài nên có lối sống (tuy là phong kiến độc tài) nhưng luôn "khiêm nhường", gương mẫu để các bá quan và muôn dân noi theo. Sự ổn định của kinh đô lâu dài ở vùng đất sơn thuỷ hữu tình đã tạo cho Huế có một chất riêng là vậy.

Kiến trúc Huế là một quần thể gắn bó hài hoà giữa thiên nhiên với các công trình có bản sắc văn hoá á Đông- Việt Nam và tiếp thu văn minh phương Tây có chọn lọc... Huế đã trở thành "di sản văn hoá thế giới" độc đáo.

Con người Huế (ôi khó nói, khó tả làm saỏ!") ở trong Hoàng tộc hoặc có dây mơ rễ má với Hoàng tộc, các thế gia vọng tộc, các dòng họ của các vị quan lại, viên chức, lính tráng (đã trải qua nhiều đời ở kinh đô Huế) còn là thầy- thợ, nhà buôn, nhà văn hoá, văn nghệ sĩ, kẻ làm thuê gánh mướn, dân vạn chài, dân trang trại... đã tạo nên một tổng thể của cư dân đô thị Huế.

Còn chất Huế? Nét đẹp và chất thơ của Huế đủ cho ta yêu, ta nhớ, "dù đi xa lòng dạ chẳng phai mờ". Đó là "một dòng sông phẳng lặng dưới trời xanh"- "sông Hương soi bóng chùa Thiên Mụ", nơi những lăng Vua mang hồn xưa ẩn hiện:

Qua hoàng thành cha ông gọi tên, tôi ù ù trong họng súng thần công
Hịch Cần Vương tưởng còn vang qua chín cửa
Sắc đẹp nghìn xưa thấm từng trang lịch sử

Có một nhà thơ đã chợt nhận ra chất Huế:

Một sắc áo cho lòng ai vương vấn
Một giọng hò man mác tiếng quê hương
Một vị mặn cay nồng mùi cát trắng
Màu thời gian toả nắng khắp ngả vườn

Vâng, đúng là như vậy. Người Huế, trong con mắt của tôi, một chàng trai Kinh Bắc- dù là ở tầng lớp cư dân nào đi nữa, thì nam giới cũng có nét của "trang nam nhi hiền nhân quân tử","nho sĩ pha chút nghệ sĩ hào hoa", mềm mỏng, khiêm nhường; còn nữ giới thì quả là "yểu điệu thục nữ", có giọng nói ngọt ngào, nhẹ nhàng như "rót mật vào tai" dễ thương và rất mực yêu kiều.

Tôi không phải là nhà văn, nhà khoa học, nhà chính trị tìm hiểu chất Huế, để mà phân tích theo những tiêu chí, luận cứ đã có. Tôi chỉ là một chàng trai miền quê Quan họ đi qua Huế, rồi yêu mà nhớ Huế, cảm Huế, tự tìm thấy chất Huế trong tâm tư, tình cảm của mình như một người con của xứ Huế thương yêu.
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

Thời thơ ấu trong thành Nội - Huế
Hoàng Oanh



Thân tặng các bạn ở Thành Nội

Thành Nội Huế đối với tôi thời thơ ấu là một thế giới xinh đẹp, một quê hương yêu dấu, đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm khó quên. Từ cảnh cho đến người, mỗi nơi mỗi chỗ đều in đậm nét trong trí não. Nhiều lần nhớ lại tôi có cảm tưởng như những hình ảnh đó mình mới thấy cách đây không xa.

Qua thời gian, qua nhiều biến cố, Kinh Thành Huế thay đổi quá nhiều. Tôi chỉ muốn giới thiệu với bạn Thành Nội Huế của ngày xưa, của những năm tháng tôi còn cắp sách ngày hai buổi đến trường nữ tiểu học "École des Jeunes Filles" với lũ bạn gái cùng lứa tuổi. Những bàn chân bé nhỏ của chúng tôi đã từng in dấu khắp nhiều xóm làng nằm trong khuôn viên Thành Nội.

Đám trẻ con ngây thơ, dễ thương và vui nhộn này được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bao quanh bởi một lớp thành cao gần 6 mét, chu vi chừng 10.000 mét, bề dày của thành khoản 20 mét, gồm đất ở giữa, hai bên xây gạch, đó là Kinh Thành Huế. Nơi đây có nhiều cổ tích, Hoàng Cung, Đại Nội với cung điện vàng son, nguy nga, tráng lệ.

Dưới triều nhà Nguyễn, Kinh Thành Huế đầu tiên được xây đắp bằng đất từ năm 1805, rồi bắt đầu xây gạch năm 1818, đến năm 1824 mới hoàn tất.

Chung quanh Thành, phía ngoài có hào rộng, sâu, thả đầy sen với hoa trắng, hoa tím hồng, ngào ngạt hương thơm vào mùa Hè. Mỗi cửa trong 10 cửa chính vòng quanh thành thông với làng mạc, phố xá, chợ búa bên ngoài nhờ một cái cầu bắc ngang qua hào. Phía Bắc có cửa Hậu, cửa An Hòa. Phía Tây có cửa Chánh Tây. Cửa Hữu, cửa Nhà Đồ, cửa Quảng Đức và cửa Thể Nhơn ở phía Nam.

Theo lời các cụ xưa, về mùa Hè vua và cung phi thường ra sông Hương tắm, giòng sông trong xanh mát rượi. Nhà tắm tại bến Phu Văn Lâu, trang hoàng rất đẹp, có cầu bắc ra sông với cái thang làm bực cấp xuống nước. Chung quanh dựng hàng rào ngăn chận rác rưới, rong rêu từ nguồn chảy xuống. Chỗ bến tắm rải toàn cát trắng tinh, tứ phía sáo che kín mít. Lính canh phòng cấm thần dân bá tánh đến gần chỗ vua đang tắm để khỏi ai thấy dung nhan ngọc thể quân vương.

Con đường vua ngự từ Hoàng Cung ra sông Hương đi qua cửa Thể Nhơn, hai bên có thành ngăn lại nên cửa này còn gọi là cửa Ngăn.

Phía Đông Nam có cửa Thượng Tứ. Phía Đông có cửa Đông Ba. Phía Bắc có cửa Kẻ Trài.

Hai mươi bốn Pháo đài đặt súng Đại bác, được xây trên bốn mặt thành để phòng thủ.

Dân chúng ra vào Kinh Thành tấp nập ở hai cửa Thượng Tứ và Đông Ba.

Mời bạn cùng tôi vào viếng thăm Thành Nội, tôi sẽ giới thiệu với bạn những gì mà tôi còn nhớ. Vừa vào cửa Thượng Tứ, chúng ta rẽ trái đi đến cửa Quảng Đức và cửa Ngăn để ngắm một trong những cổ tích đặc sắc trong Kinh Thành, đó là 9 cỗ súng bằng đồng to, nặng, chạm trổ công phu, tỉ mỉ, mỗi cỗ dài hơn 5 mét, kê trên 9 cái bệ gỗ lim, ở trong hai gian nhà lợp ngói.

Súng này đúc từ năm 1903, chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất được đặt tên theo bốn mùa : Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhóm thứ hai theo ngũ hành : Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ. Tên súng khắc ở đuôi súng. Dưới triều Vua Gia Long, chín cổ súng trưng bày trước cửa Ngọ Môn, đến năm 1917 mới dời đến cửa Ngăn. Năm 1816, vua Gia Long phong cho tên mới là "Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Công".
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

(tiếp theo)

Cửu Vị Thần Công được xem như những vị thần linh, bảo vệ đất nước nên người Huế còn gọi là "Ông súng". Các ông súng chưa hề ra trận giết giặc lần nào, cũng chưa hề sát vai với đoàn lính chiến, tung hoành chốn sa trường. Có chăng Cửu Vị Thần Công hay gần gũi với đám nam nữ học sinh tiểu học ở nội ngoại Thành. Mỗi chiều thứ năm, gần đến mùa Hè, trong giờ du ngoạn, các cô thầy giáo hay dẫn lũ trẻ đến đây tham quan. Những cặp mắt to tròn đen láy đều mở to nhìn ngắm thật kỹ các ông súng. Những bàn tay nhỏ bé mập mạp, xinh xinh vuốt ve thân súng rồi lắng tai chăm chú nghe thầy cô giảng giải, cố nhớ lấy cho hết để còn phải tả lại trong bài luận văn làm ở lớp ngày mai. Thần súng coi bộ hiền lành, yêu trẻ nên nhiều khi vài cậu bé tinh nghịch, dành nhau leo lên, leo xuống, ngồi ngất ngưởng trên lưng ông súng, cũng không hề bị quở phạt, các em vẫn bình yên, chỉ có thầy cô giáo sợ con nít leo cao dễ té nên kêu xuống mà thôi.

Sau khi tham quan Cửu Vị Thần Công, học sinh theo thầy cô đến Kỳ Đài cách đó không xa.

Kỳ Đài ở phía Nam Kinh Thành, xây bằng gạch từ năm 1809, Đài gồm 3 tầng, cao gần 18 mét. Tầng trên dựng cột cờ cao vút chừng 30 mét với lá cờ tung bay trong gió. Trên Đài có 8 nhà để súng và 2 điếm canh. Cột cờ được tu bổ năm 1904 vì bão lớn đánh gãy.

Năm 1947 cột cờ bị phá trong cuộc giao tranh Việt Pháp và được làm lại năm 1948. Từ trên cột cờ với ống "Thiên lý kính" bạn có thể nhìn xa tận ngoài mặt biển.

Đối diện với Kỳ Đài là cửa Ngọ Môn của Hoàng Thành. Hoàng Thành xây từ năm 1804. Bốn mặt có 4 cửa. Cửa Ngọ Môn ở mặt trước, xây về hướng Nam. Cửa này chỉ mở khi có vua ngự. Ngọ Môn gồm 5 cửa, 2 chữ Ngọ Môn gắn phía trên cửa chính. Đi vào khỏi cửa bạn sẽ gặp lầu Ngọ Môn. Trong các dịp lễ vua thường ngự tại đây.

Cửa Hoà Bình ở mặt sau của Hoàng Thành, cửa này chỉ mở khi vua ngự ra trường đua hay Hồ Tĩnh Tâm. Mặt hữu có cửa Chơn Đức dùng cho phái nữ ra vào Hoàng Thành. Cửa Hiển Nhơn ở mặt tả dành cho các quan nam giới.

Chung quanh Hoàng Thành, có đào hồ, thả sen. Từ mỗi cửa thông ra bên ngoài nhờ cầu đá bắc ngang qua hồ.

Đám học trò con nít chúng tôi đã từng nhiều lần đi quanh Hoàng Thành nhìn ngắm, cùng kể cho nhau biết lâu đài, cung điện trong đó đều nguy nga, đồ sộ, với vườn Thượng Uyển đầy hoa thơm chim lạ và còn nhiều cổ tích khác nữa. Chúng tôi ao ước được vào xem một lần cho biết nhưng khó có hy vọng đặt chân đến chốn này trừ phi mình là con cháu của các Mệ, thuộc dòng họ nhà vua hay là con các quan trong triều mới có dịp theo gót ông cha vào chốn Hoàng Cung.

Bác của tôi là quan Ngự y dưới triều nhà Nguyễn. Thỉnh thoảng Bác dẫn anh tôi vào Đại Nội, cho xem những cảnh đẹp đẽ, trang nghiêm, sang trọng chốn Cung đình, nơi mà mọi người đi đứng khép nép, ăn nói e dè, răm rắp theo các lễ nghi phức tạp, phiền toái của Hoàng cung. Lâu đài, cung điện đều đắp hình rồng phụng uốn mình trên mái ngói. Anh tôi còn kể, nhiều khi đang đi, thoáng thấy tốp lính khiêng cái Kiệu che lọng vàng từ đàng xa hướng về phía mình, hai cha con tìm nép vào bụi cây bên đường, im lặng, chắp tay cúi đầu qùy ở đó, chờ cho chiếc Kiệu đi qua mới hướng về phía sau Kiệu xá mấy xá rồi đứng dậy đi tiếp, cũng chẳng thắc mắc mình đã xá ai ngồi trong Kiệu. Lâu lâu anh lại được Bác tôi dẫn theo vào Đại Nội xem hát bội và ngủ lại đêm trong viện Thái Y.

Năm 1947, Hoàng Thành cùng nhiều nơi trong Kinh Thành bị đốt cháy. Ban đêm từ làng Trúc Lâm, một làng khá xa mà gia đình tôi về đó tản cư, vẫn thấy được lửa bốc lên rực đỏ cả một góc trời suốt mấy ngày đêm. Ngày dân chúng tản cư trở về, đâu đâu cũng đổ nát, điêu tàn. Hoàng Thành không còn ai canh giữ, mọi người (trong đó có tôi) tự do ra vào. Đại Nội chẳng còn vẻ uy nghiêm, nguy nga tráng lệ, có nơi bị đốt cháy sém, có chỗ sụp đổ. Trước cảnh tang thương này, người dân xứ Huế nào mà không cảm thấy xót xa, mất mát, ngậm ngùi buồn tiếc. Một di tích văn hóa, một di tích lịch sử độc đáo hơn cả trăm năm, đã tàn rụi theo ngọn lửa chiến tranh.

Trên con đường trước cửa Ngọ Môn đi thẳng, xa xa là vùng Cầu Đất, vùng Tây Lộc. Đa số dân cư vùng Cầu Đất trồng dâu, nuôi tằm. Chúng tôi thường được các bạn học cùng lớp dẫn về nhà, cho coi cách thức nuôi tằm, lấy tơ. - đây có đủ lứa, từ con Ngài đang bay quanh cái nia trải giấy quyến trắng để đẻ trứng đến những nia chứa tằm mới nở, ăn lá dâu thái thật mỏng, hay nia chứa sâu tằm đã lớn. Có lứa mình vàng mướt sắp kéo kén, có lứa đang nhả tơ, cho những cái kén óng ánh vàng tươi. Chung quanh chỗ nuôi tằm đều giăng vải mùng thưa lỗ để chận ruồi, muỗi. Người ta chưng nước ở 4 chân các giá gỗ chứa nia tằm để tránh kiến.

Chúng tôi say sưa nhìn cô gái cầm cặp que nhỏ dài hơn đôi đũa, lần tìm cho ra mối sợi tơ tằm trên cái kén thả trong nồi nước nóng để nối đầu mối đó vào cuộn ống tơ, quay tròn, quấn dần sợi tơ mỏng manh, bền chắc, vừa được tháo ra từ nơi cái kén vào ống. Mẹ bạn tôi còn giảng, phải kéo tơ trước khi con sâu tằm hóa nhộng mọc cánh biến thành con ngài (như con bươm bướm trắng). Để đến lúc con ngài cắn kén chui ra là bỏ vì tơ sẽ đứt hết.

Lúc ra về, bà còn cho mỗi đứa một hộp giấy có nhiều lỗ thông hơi, bên trong vài con sâu tằm xam xám mới nở, ngo ngoe trên đám lá dâu xắt sợi nhỏ. Bạn tôi nhắc đi nhắc lại cứ cách một ngày phải thay lá dâu cho tằm ăn, phải coi chừng kiến, ruồi vào cắn chết sâu tằm, gặp trời mưa giông, sấm sét sâu tằm dễ chết ... Thường thường chúng tôi nuôi không thành công mấy. Lần nào nuôi được đến lúc tằm nhả tơ kéo kén là mừng lắm, nâng niu cái kén như một món đồ chơi quý giá và sung sướng đem khoe với bạn bè. Không phải chỉ có đám học sinh ở trong Thành Nội mới có thú chơi nuôi tằm mà hình như các nam nữ học sinh ở nội ngoại Thành cũng ham thích trò chơi này nên tìm đến vùng Cầu Đất mua sâu tằm mới nở.
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

(tiếp theo)

Từ ngoài Thành bước vào cửa Thượng Tứ, nếu bạn rẽ về phía tay phải, đi theo con đường bao quanh một đám cỏ hình bầu dục mịn màng, xanh mướt, bạn sẽ đến cửa Tam quan của Tam Tòa. Bốn mặt Tam Toà đều có tường gạch. Cửa Tam quan là cửa chính, ngoài ra còn hai cửa nữa, một trông ra đường Thượng Tứ và một trông ra đường Âm Hồn. Mỗi lần dân chúng có điều uất ức thường đến đây đánh ba hồi trống. Quan Đô Sát sẽ ra tận nơi nhận đơn từ khiếu nại, kêu oan.

Qua những vần thơ tả xứ Huế, chắc bạn còn nhớ câu nhắc đến Tam Tòa:

Tháp bảy từng Thánh Miếu, Chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa

Từ cửa Tam quan đi dọc theo bên hông Tam Tòa rồi rẽ trái, bạn sẽ đi trên con đường Âm Hồn, dẫn bạn tới Miếu Âm Hồn, nơi thờ những vong linh vất vưởng không ai tế tự. Ngôi miếu âm u lạnh lẽo, phảng phất hương khói do Bác Phó Rợ là Phó lý trong làng, ở ngay sau lưng miếu, sang đây đốt nhang mỗi ngày. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng năm Âm lịch mới có người lui tới tấp nập, cúng tế những oan hồn, tử sĩ bỏ mình trong trận chiến kinh hoàng của ngày Thất thủ Kinh đô (1885). Ngày quân dân ta quyết sống chết với quân Pháp xâm lăng.

Qua khỏi cửa Thượng Tứ, nếu bạn không rẽ phải, không rẽ trái, muốn tiếp tục đi trên con đường Thượng Tứ (đường Đinh Bộ Lĩnh) thẳng tắp, xa tít, hai bên trồng toàn nhãn Huế, cây cao bóng mát, cho trái thơm ngọt về mùa Hè, bạn sẽ gặp cửa thứ hai của Tam Tòa bên phải và Quốc Sử Quán bên trái. Bốn mặt Quốc Sử Quán đều có tường bao bọc, đây là nơi biên tập quốc sử, luật lệ và địa dư của nước ta. Trên đường đi đôi khi bạn thấy một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, áo dài gấm chữ Thọ sang trọng, quần trắng thẳng nếp, đầu đội khăn đóng đen nháy, chân đi giày tây bóng loáng, giống hệt một vị quan trong triều đình, vẻ mặt tư lự, đăm chiêu như đang suy nghĩ việc gì quan trọng lắm. Bạn không ngờ ông ta là người mất trí. Nếu bạn vui vẻ hỏi: "Chào cậu Cả, bữa ni Cậu đi mô mà ăn mặc lịch sự rứả" tức thì cậu Cả đưa ngón tay lên miệng xuỵt xuỵt mấy tiếng, điệu bộ bí mật rồi trả lời: "Vua mời vô Triều họp chuyện cơ mật" hay "Bữa ni vua kêu vô Đại Nội để ban yến, tránh dùm chút, trể giờ rồị" Ban Yến tức mời vào dự tiệc. Đám trẻ con thường thích trêu ghẹo cậu Cả. Thấy bóng cậu Cả từ đàng xa, chúng đứng chờ với tư thế sẵn sàng chạy vì biết sắp bị rượt. Cậu Cả đến gần, cả nhóm đồng loạt la to "Cậu Cả điên, cậu Cả điên", tức thì cậu cả rượt cho lũ trẻ chạy dài. Cậu vừa đuổi vừa lẩm bẩm chưởi, đến lúc mệt nhoài mới dừng lại thở, nắm tay hăm dọa đám trẻ tinh nghịch. Con người này ở đâu bên hữu ngạn sông Hương, tuy điên mà hiền, không hề phá phách hay gây thiệt hại cho ai nên không bị nhốt vào nhà thương điên, ngày ngày tự do ra vào Kinh Thành hoặc dạo khắp phố Huế, luôn luôn tưởng tượng mình được vua mời, vua kêu nhưng đã lần nào bước chân vào Hoàng Cung chưa thì không ai biết.

Đi khỏi Tam Tòa là đường Tôn Nhơn cắt ngang đường Thượng Tứ. Rẽ về phía trái bạn sẽ gặp Tôn Nhơn Phủ, một cơ quan lo về mọi việc của Hoàng tộc, rồi đến cửa Hiển Nhơn thật đẹp. Vòm cửa Tam quan, nóc cửa đều có hình rồng, phụng, hoa lá đắp nổi bằng nhiều mảnh sứ kiểu, đủ màu sắc, tươi sáng. Tốp thợ xây cất đã đập vỡ vô số tô, dĩa, chén kiểu xưa, chọn từng mảnh đẹp nhất chắp gắn cho ăn khớp thành những hình sáng bóng, đẹp mắt. Đây là một trong bốn cửa dẫn vào Hoàng Thành, Đại Nội, vào chốn thâm cung bí sử của các vua triều Nguyễn.

Từ ngả tư Thượng Tứ, Tôn Nhơn nếu rẽ tay phải đi bên hông của Tam Tòa xuống phía Thành, hai bên đường toàn nhà cửa các quan, các cu : Cụ Hường, cụ Thị, quan Tham, quan Phán, quan Đốc, thầy Thông, thầy Trợ... Nhà nào cũng có vườn rộng bao bọc bởi hàng rào chè tàu hay bông cẩn, cắt xén ngay ngắn đẹp mắt. Trong vườn trồng cây ăn trái : ổi, nhãn, xoài, mít, mãng cầu, đu đủ và các thứ rau xanh tươi. Con đường này có nhiều nhà quan hơn tất cả các đường khác trong Thành Nội.

Hồi còn nhỏ, chiều chiều, hai chị em tôi hay ra trước ngõ chờ Mạ về. Mỗi lần thấy chiếc xe kéo ló dạng đầu đường Tôn Nhơn, tôi hy vọng trên xe có Mạ. Phần nhiều xe đến ngả tư đã quẹo sang lối khác. Một vài xe đi ngang qua trước mặt hai chị em tôi rồi đi thẳng. Mạ tôi mở tiệm buôn bán với các dì em Mạ ngoài phố. Lâu lâu Mạ mới về sớm một lần. Sướng nhất là hôm nào ra ngõ, đón được xe Mạ về. Xe vừa dừng, hai chị em vội vã leo lên ngồi hai bên Mạ, đua nhau lục quà để ăn. Mạ cho chú kéo xe thêm vài xu, chở ba mẹ con đi một vòng quanh xóm rồi mới trở về nhà.

Vài ba năm sau, chúng tôi lớn thêm ít tuổi mới nhận ra được con đường Tôn Nhơn khác biệt với các con đường chung quanh rất nhiều. Vui nhộn nhất là những đêm trăng sáng, từ các anh các chị lớn cho đến đám trẻ con lau chau như chúng tôi, họp nhau mỗi nhóm vài ba người, dạo chơi trên đường. Đôi lúc ngưng cười, ngưng nói để cùng thưởng thức tiếng hát ngọt ngào của các chị, tiếng đàn vĩ cầm, Tây ban cầm tuyệt vời của các anh trình diễn dưới trăng, trong vườn.

Đường Tôn Nhơn, cũng là con đường đi và về của cụ Ngáo, người đao phủ xứ Huế, thỉnh thoảng Triều đình thuê ra pháp trường chém đầu các tử tội. Cụ Ngáo còn có nghề bắt chó, làm thịt chó, nhà ở phía dưới Thành. Từ sáng sớm, khi mặt trời mới mọc, nếu bạn nghe tiếng chó sủa vang là biết chắc cụ Ngáo đang lửng thửng đi trên đường.

Mặt luôn lầm lì không nói, áo quần lem luốc, vai mang đồ nghề bắt chó, gồm một ống lồ ô dài thông suốt với sợi dây thòng lọng xuyên qua. Cụ vác đứng trên vai như lính bồng súng đi duyệt binh, mặc kệ đàn chó vừa sủa vừa gầm gừ, cụ bước chân cao, chân thấp, vì hai chân không bằng nhau, đi qua đường Tôn Nhơn, rẽ ra phía cửa Thượng Tứ. Không biết cụ đi đâu cả ngày, đến chiều, cụ theo con đường cũ, từ ngoài cửa Thượng Tứ vào, rồi rẽ xuống đường Tôn Nhơn để về nhà. Đàn chó lại đua nhau tuôn ra đường sủa vang theo bước chân của con người kỳ lạ này, vai vác ống lồ ô bắt chó, nằm ngang, phía sau lưng cột lủng lẳng một con chó mập ú đã làm thịt sạch sẽ, trắng phau. Cụ bắt chó chạy rong ngoài đường, ghé bến Thương Bạc làm thịt xong xuôi mới đem về để ăn và để bán. Nhiều người nói vì ăn quá nhiều thịt chó nên trên người cụ Ngáo lúc nào cũng nặng mùi chó. Cụ đi đến đâu, đàn chó đánh hơi được mùi của đồng loại nên sủa vang rền.

Trẻ con trong Thành Nội ít sợ cụ Ngáo nên thường phá ông ta bằng mấy câu có vần có điệu:

Xách bót tờ phơi
Đi chơi cụ Ngáo
Ăn cháo không tiền
Cổi liền áo ra ...

Dù biết bầy con nít muốn chọc ghẹo mình, cụ Ngáo vẫn bước đi trên đường tỉnh bơ như không nghe, không thấy.

Các ông bà già ở Huế còn kể hồi nhà cách mạng chống Pháp Trần Cao Vân và các đồng chí của ông ta bị bắt đem xử chém ở An Hoà, phía Tây Bắc Thành Nội Huế. Lúc bấy giờ vua Duy Tân cũng bị bắt. Sợ nguy hiểm đến tính mạng của vua, ông Trần Cao Vân viết thơ vào tờ giấy quyến (loại giấy trắng mỏng dùng để vấn thuốc hút), cho Thượng thư Bộ Học là cụ Hồ Đắc Trung, đại ý nhận mọi việc xảy ra đều do chính ông và ông Thái Phiên chủ mưu, yêu cầu ông Hồ Đắc Trung cứu vua, rồi đưa cho cụ Ngáo. Trong thơ còn có 2 câu :

Trung là ai ? nghĩa là ai ? Cân đai võng lọng là ai ? nỡ để cô thần tử nghiệt.
Trời còn đó, đất còn đó, xã tắc còn đó, miễn cho Thánh Thượng sinh toàn.

Cụ Ngáo nghe nói giao giấy tận tay cho quan Thượng Thư Bộ Học để lo cứu vua là nhận ngay. Người dân xứ Huế lúc bấy giờ đều thương mến, cảm phục vua Duy Tân, một vị vua trẻ tuổi, vì đại nghĩa đã hy sinh cả ngai vàng để lo cho toàn dân, cương quyết không chấp nhận chính quyền bảo hộ của người Pháp.
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

(Tiếp theo)

Trên đường Tôn Nhơn, hàng ngày còn có các bà bán hàng rong với lối rao hàng đặc biệt cốt gây sự chú ý đến mọi người. Bà Lài bán "Lục Tàu xá" là loại chè đậu xanh tán nhuyễn, trộn lẫn hột sen, vỏ trái trần bì, táo tàu... trưa nào cũng rao:

"Lục Tàu xá, đánh cái vá, bể cái đầu, mời xơi không?"

Một bà bán cháo lương, mang đôi guốc gỗ đã mòn mỏng lép, kéo lẹt xẹt trên đường vừa đi vừa rao:

"Vạn thọ vô cương, mời xơi cháo lương nóng hổi".

Có thím Hẹ bán cháo, chuyên môn mặc áo dài nối thân, sạch sẽ, đầu tóc bối cao, xức dầu dừa bóng mượt, đen nháy, làm nổi bậc đóa hoa ngọc lan trắng ngần, thơm ngào ngạt, cài trên búi tóc. Chiều chiều thím cất giọng rao lanh lảnh trên đường :

"Cháo gà, cháo vịt, cháo thịt, cháo cua, cháo rùa, cháo ếch, cháo lệch, cháo lươn mới ra lò nóng hổi, vừa thổi vừa ăn đâỵ"

Lời rao làm cho bạn ngạc nhiên không ít vì làm sao bà ta có thể gánh nhiều thứ cháo như vậy đi bán. Thật ra bà chỉ gánh theo độc nhất một nồi cháo nấu với xương heo cho ngọt, nêm nếm sẵn, đặt trên bếp than vùi tro để giữ cho cháo luôn luôn nóng ở một đầu gánh. Nhiều hũ sành sạch sẽ có nắp đậy, sắp đầy trong thúng ở đầu gánh kia, nào gà xé phay bóp rau răm, rau quế, thịt vịt thái lát mỏng không xương, ếch, rùa, lươn, lệch xào lăn thơm ngát, thịt cua trộn với tôm giả nhuyễn, từng miếng hấp chín đỏ, hành ngò chanh ớt...Bạn muốn ăn loại cháo nào, bà ta chỉ cần múc một vá cháo trong nồi, mở nắp đúng cái hũ chứa loại thịt bạn hỏi, gắp vài miếng rải trên mặt tô cháo, vắt chút chanh, thêm tiêu ớt, hành ngò để có tô cháo vừa ý bạn.

Có lần Mạ tôi kêu mua cháo, Mạ hỏi thím Hẹ rao chi mà tràng giang đại hải (dài), rao cả buổi không mỏi miệng khản cổ cũng tài. Thím trả lời : "Câu rao ăn tiền đó Mợ". Thấy tôi ngơ ngác, Mạ giải thích : "Rao như rứa, nhiều người thấy lạ kêu mua, mới kiếm được nhiều tiền."

Nếu từ ngả tư Thượng Tứ và Tôn Nhơn, bạn đi thẳng, dưới trời trưa nắng gắt, bạn có thể ghé vào các quán bên phải uống trái dừa tươi mát rượi hay ăn miếng kẹo đậu phụng, kẹo đậu nành dòn tan, thơm phức. Bạn còn có thể cúp tóc, váy tai, cạo mặt cho mát tại tiệm hớt tóc sạch sẽ sáng sủa của chú Thường, nỗi tiếng cúp đẹp, tiếp đãi lịch sự hơn hết trong Thành Nội.

Ngồi ở tiệm hớt tóc nhìn ra, bên kia đường có vườn hoa im mát, cây cỏ xanh tươi, hoa lá đẹp mắt.

Nếu bạn muốn mua hàng vải, tơ lụa cho đến kim chỉ, son chảo, chén bát, kẹo bánh, rượu trà và mè xửng ngon nổi tiếng..., mời bạn ghé vào tiệm "Thuận Xương" trên đường, cách tiệm chú Thường chừng 5, 7 phút đi bộ. - đây bạn có thể nhìn thấy đoàn con nít đi học về trưa hay chiều dọc theo đường Lục Bộ, bên hông tiệm Thuận Xương. Từng tốp nói cười vui vẻ, thỉnh thoảng lại lủi vào cỏ bên vệ đường, lượm trái Bàng rụng chín vàng về mùa Hè hay trái Phượng khô về mùa Đông. Sáu Bộ của Triều đình Huế nằm rải rác trên con đường này : Bộ Lại, Bộ Hình, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bô Công, Bộ Lễ. Cuối đường Lục Bộ có đường Âm Hồn cắt ngang. Qua khỏi ngả tư Âm Hồn, Lục Bộ, xuống phía dưới là xóm nhà đông dân cư. Chiều chiều trên đường đi học về, đến ngả tư này, khi sắp sửa quẹo tay phải về nhà mà nghe tiếng đàn Cò réo rắt, tiếng hát Chầu văn trầm bổng, cả nhóm chúng tôi lập tức quẹo trái, đến cái am bên lề đường gần đó, xem các cô, các bà lên đồng bóng. Với xiêm áo rực rỡ, nữ trang lấp lánh, họ nhảy múa nhịp nhàng theo tiếng đàn, tiếng phách. Thích thú nhất là màn phát lộc sau mỗi giá, chúng tôi được cam quýt, đào, dâu, bánh kẹo lu bù. Nhiều khi say mê xem mãi, lúc thấy trời quá chiều mới ù chạy, về tới nhà lần nào cũng bị la, vậy mà không chừa.

Có khi chúng tôi rủ nhau đi học về trên đường Bộ Tham hay Bộ Thị, nơi đây phía trước là phòng làm việc, phía sau là nhà ở của các quan Nam triều. Hai con đường này song song với nhau, rợp bóng mát về mùa Hè nhờ những cây nhãn sum sê lá, mang nặng trĩu trái. Khi trái nhãn có tựa hơi dày, người ta bắt đầu lồng trong lồng tre hay mo cau có khoét lỗ thông hơi. Nhãn được lồng, trái sẽ mau lớn và không bị dơi ăn. Đi học về trên con đường này, gặp lúc chủ thầu hái nhãn, thế nào mỗi đứa cũng được nắm nhãn rơi. Người dân Huế, ai ai cũng thương học trò con nít. Dù không quen biết, bà chủ thầu đang ngồi đếm các lồng nhãn vừa hái xuống, thấy chúng tôi đi ngang qua cũng kêu lại cho nắm nhãn không có cành, rơi rụng trong lồng, đang đói bụng, khát nước được ăn vài trái nhãn rụng, nhiều khi gặp phải trái hột to, tựa mỏng cũng cảm thấy ngon, ngọt hơn cả những chùm nhãn lồng, cơm dày, hạt nhỏ, nhiều nước của mẹ đặt mua.

Vào những buổi trưa hè, trên các đường rợp bóng mát như đường Bộ Tham, Bộ Thị, bạn có thể gặp voi lớn, voi con, của Triều Đình đi dạo. Voi được nuôi ở Canh Nông, một vùng gần Hoàng Thành. Các ông Nài ngồi ngất ngưởng trên mình voi, dẫn voi đi đó đây. Đôi khi voi ghé vào lề đường, dùng vòi bứt nắm cỏ non bỏ vào miệng hay bẻ gảy cây chuối mọc hoang bên bờ rào nhai ngấu nghiến.

Trẻ con mỗi lần thấy voi là mừng lắm, thế nào cũng năn nỉ ông Nài cho coi voi biểu diễn. Với cái búa trên tay, với vài tiếng hô đặc biệt, ông Nài có thể điều khiển con voi quỳ hai chân trước hay ngồi thẳng tựa lên hai chân sau giữa tiếng vỗ tay hoan nghênh của lũ trẻ. Nếu bạn có miếng đường, đốt mía hay trái chuối đưa cho ông Nài để ông ta thưởng cho voi sau mỗi màn trình diễn thì bạn sẽ được coi nhiều tiết mục đặc sắc hơn như voi đứng bằng hai chân sau, đưa cao chân trước lên vẫy chào hay quỳ cả bốn chân cúi đầu phủ phục xuống đất. Có khi ông Nài đưa cái kèn cho voi thổi. Nếu bạn để xô nước gần đâu đó, ông nài chỉ nói vài tiếng voi sẽ dùng vòi hút trong tích tắc đã hết sạch, rồi cong vòi xịt nước vào miệng uống, còn dư chút ít, voi duỗi vòi ra phun nhẹ nước vào đám con nít đứng coi, lũ trẻ vừa chạy tán loạn vừa cười thích thú.

Nếu bạn gặp voi trong những ngày đại lễ lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy voi uy nghi lẫm liệt với gấm màu sặc sỡ có tua phủ trên lưng, với giây chuỗi choàng qua đầu, qua ngà, lấp lánh sáng loáng. Ông Nài mình mặc áo nẹp đỏ, đầu đội nón dấu (y phục của lính trong cung đình) ngồi trên cổ voi để điều khiển voi đi. Phía sau ông Nài, ngay giữa lưng voi đặt cái ghế ngồi khá lớn bọc lụa màu vàng, che lọng vàng là chỗ ngự của vua giống như hình ảnh hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị ngồi trên mình voi, nhiều bạn đã từng thấy qua tranh ảnh.
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

(tiếp theo)
Tiếp theo là đường Đông Ba (đường Mai Thúc Loan), ở sau lưng đường Bộ Thị, có trường "École des Garcons" và nhiều nhà công chức, quân nhân, đây là vùng "Dãy Trại", con đường này dẫn bạn đến cửa Đông Ba để ra khỏi Thành Nội, về Hàng Bè, về phố hay xuống đồn Mang Cá, xuống xóm Bao Vinh. Đi gần đến cửa Đông Ba, bạn sẽ nghe tiếng hát Vè của "Mẹ Mìn" vang vọng từ chợ Xép, một chợ nhỏ trong Thành Nội. Hai mắt đã mù, đứa con gái tên Minh giúp Mụ đi lại đó đây, nó hay gọi "Mẹ Minh ơi", nhưng với giọng nói chớt, ai cũng nghe ra là "Mẹ Mìn ơi", rồi mọi người bắt chước gọi luôn "Mẹ Mìn" hay "Mụ Mìn".

Nhiều bà con trong chợ kể lại, chồng Mụ Mìn bỏ xóm, bỏ làng, bỏ vợ dại con thơ đi đâu biệt tăm biệt tích. Người đàn bà tội nghiệp này làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi con. Sau một cơn đau bịnh đậu mùa, mắt bị mù, mặt rỗ chằng rỗ chịt. May nhờ bà con xóm giềng cứu giúp mới còn sống sót. Tuy rất nghèo nhưng hai mẹ con không đi ăn xin. Nhờ có giọng ấm, hơi dài, hằng ngày Mẹ Mìn đến hát vè ở các chợ kiếm tiền. Mụ thường đánh sanh (gõ hai thanh gỗ trơn láng vào nhau cho phát ra tiếng) nhịp nhàng theo điệu vè, cảm động nhất là bài "Vè thất thủ Kinh đô", có đoạn tả cảnh như sau :

...
Lao xao kẻ khóc người than
Gà kêu chó sủa rộn ràng như ong
...
Bao nhiêu của cải bạc vàng
Nửa thì nó ( Tây) lấy, nửa đốt tàn thành tro

hay :

Người nghèo cho đến kẻ giàu
Phố phường quan khách chạy sau hằng hà
Người thì ra cửa Đông Ba
Kẻ ra An Hòa, người lại Chính Tây
Trên thành cứ việc xuống dây
Sa cơ rớt xuống thời rầy chết oan

và:

Súng Tây nó bắn đùng đùng
Trong Thành thiên hạ hãi hùng như chim
......
Lắng nghe tiếng khóc tiếng than
Tối trời mù mịt chẳng thấy đàng mà đi
Thiên hạ than khóc một khi
Con thời dắt mẹ, mẹ thì bồng con
Người chui bụi kẻ vọt ao
Người bồng kẻ cõng lao xao canh chầy
Tránh thân cho khỏi súng Tây
Mẹ con chạy vạy trời rày còn khuya...

Người đi qua đường, người đi chợ, dừng chân say sưa nghe Mẹ Mìn hát rồi tùy tâm bỏ vào cái nón rách để ngưả trước mặt hai mẹ con một vài xu, nhờ vậy hai mẹ con cũng tạm sống qua ngày.

Từ chỗ Mẹ Mìn ngồi hát, đi thẳng vào, dọc hai bên đường là hàng ăn, bay mùi thơm phức. Chỗ này nồi cháo với những con gà, con vịt luộc, da vàng óng ánh mỡ, sắp đầy một đầu dóng, chỗ kia gánh bún bò giò heo nước màu đỏ tươi, nóng hổi rồi đến bánh bèo, cơm hến, cháo lòng, ốc hút, thứ nào cũng hấp dẫn. Các O bán hàng cất tiếng Huế nhỏ nhẹ mời khách đi ngang qua, các bà đi chợ ngồi trên chiếc đòn (ghế nhỏ) vừa ăn vừa húp, miệng xít xa ngon lành.

Vào sâu trong chợ bạn có thể mua hoa quả, rau tươi, đồ khô. Có hàng rau muống của Bác Vọng bán rau muống đọt nõn nà, rau muống ngang xanh mướt.

Gia đình này bán rau muống ở Chợ Xép, truyền đã ba đời, từ đời bà mẹ đến nàng dâu và đến O cháu nội gái. Bà mẹ đã già nhưng đôi khi cũng ra ngồi bán phụ với dâu với cháu. Gia đình họ có ao rau muống ở trong vùng.

Muốn mua tôm cá bạn phải len lỏi đi theo con đường nhỏ, lót đá gập ghềnh mới đến một khoảng đất rộng sau chợ với hàng rào trồng tre trúc bao quanh. - đây tiếng rao hàng, tiếng trả giá lao xao. Chỗ này một vài mớ tôm còn sống đang búng nhảy, chỗ kia vài rổ cá nục tươi xanh, cá bống thệ, cá hanh, có con đang còn ngáp. Nếu bạn là người Huế bạn sẽ nghĩ ngay đến tô canh cá bống rau răm trong ngần, húp vô mát cả cổ, dĩa cá thệ rán vàng dòn rụm thơm phứt, chén cháo cá hanh, cá mú thịt trắng phau vừa ngon vừa bổ. Nếu bạn là người khách phương xa đến thăm Huế, được mời ăn những món này một lần sẽ còn muốn thưởng thức thêm nhiều lần nữa.

Bên cạnh chỗ bán cá là chợ thịt, vài thớt thịt bò tươi đỏ, thịt heo cỏ toàn nạc (heo cỏ được nuôi bằng cám gạo và cây chuối thái mỏng, thịt heo ít mỡ, rất thơm), khách hàng trông thấy đều muốn mua.

Đang rảo quanh trong khu vực bán cá, bán thịt, bạn nghe tiếng mõ "cốc cốc cốc" rồi tiếng rao: "Thưa làng có trát quan đưa về, ngày mai xin mời nam phụ lão ấu đến nhà thương nhỏ trồng đậu". Trồng đậu là chích ngừa đậu mùa và nhà thương nhỏ là nhà thương trong Thành Nội ở gần chợ Xép. Từ cửa Đông Ba đi vào, rẽ phía bên trái, đi một đoạn hơn trăm thước sẽ gặp nhà thương này. Dân chúng trong Thành Nội mỗi lần đau ốm đều đến đây chửa bịnh xin thuốc miễn phí. Nếu bịnh nặng, bác sĩ cho chuyển qua nhà thương lớn ở hữu ngạn sông Hương.

Bạn vừa nghe anh Mỏ rao mời dân trong Thành Nội đi chủng ngừa đậu mùa. Công việc làng giao cho anh ta là thông báo, rao những cáo thị của chính quyền cho dân chúng biết. Ngày thường anh đi làm thuê, đầu đội nón lá rách, mặc quần áo vá, suốt ngày gian nắng, cuốc đất, trồng cây, người đen thủi đen thui, vậy mà lúc ông Lý kêu đi làm việc quan (đi rao cáo thị) anh ta khác hẳn, ăn mặc chỉnh tề, áo ngắn, quần dài tươm tất. Sau khi đánh mỏ (là một ống tre già có cán cầm) ba tiếng "cốc cốc cốc", anh cất giọng rao sang sảng. Lối thông tin quá đơn giản nhưng có hiệu quả mau lẹ, ai ai cũng nghe được. Ngày mai dân làng sẽ lũ lượt đi chích ngừa bịnh đậu mùa.

Cũng có khi anh Mõ dẫn người ăn cắp, ăn trộm mới bắt được, đánh mỏ rao khắp làng khắp xóm mời mọi người ra coi. Tội nhân hai tay bị cột tréo sau lưng, trước ngực mang tấm bảng "ăn trộm" hay "ăn cắp". Làng không đánh đập, tra khảo hay nhốt vào tù. Chỉ phạt bằng cách làm cho kẻ có tội thấy xấu hổ với mọi người mà chừa bỏ tính tham lam.

Mỗi lần nghe tiếng mõ, trẻ con ùa đi theo sau lưng anh cả đoàn nhưng không dám cười nói, la ó, nhất là lúc anh rao cáo thị.

Người dân sống trong Thành Nội, mỗi lần gặp trẻ con lạ đi lạc đứng khóc ngoài đường, họ đều đem đến giao cho Hộ Thành. Cơ quan này sẽ thông báo đến các Lý trưởng cho anh Mõ đi rao khắp các làng để cha mẹ đứa trẻ bị lạc biết được đến Hộ Thành làm thủ tục xin lãnh con về.

Các bà các cụ và người lớn thường gọi là "thằng mõ" còn chúng tôi gọi "anh Mới". Mới là tên của anh ta. Mỗi lần cha mẹ chúng tôi thuê anh Mới làm vườn, đứa nào muốn hái trái khế, trái ổi trên cành cao của nhà mình cũng đợi anh Mới đến để nhờ hái cho. Thỉnh thoảng anh lấy lá dừa bẻ hình con cào cào, con châu chấu cho chúng tôi. Nhà anh Mới có cây khế rất ngọt, thấy chúng tôi đi ngang qua anh kêu vô hái cho mấy trái. Mẹ anh cũng thường hái khế này ra chợ bán. Tuy còn nhỏ và ham ăn nhưng chúng tôi hiểu được cảnh nghèo khó của hai mẹ con anh Mới nên thường rủ nhau kiếm lối khác mà đi, anh Mới khỏi tốn khế cho chúng tôi, để dành khế cho mẹ anh đem bán.
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

(tiếp theo)
Mọi người sống trong Thành Nội bấy giờ đa số đều biết đến người đàn ông to lớn mạnh khoẻ, đen thui, chỉ mang mỗi một chiếc khố, đó là Cụ Trâu, đi xin ăn khắp thành phố Huế. Cụ Trâu hay đi qua làng tôi vào ban đêm, cất tiếng não nuột, rên xiết, nghe thật rùng rợn :

Lạy ông đi qua,
Lạy bà đi lại
Thương tui đui túi tật nguyền
Xin ông bát cháo
Xin bà bát cơm

Trẻ con đang khóc, nghe tiếng van xin của cụ Trâu là nín ngay tức khắc, sợ hãi nép đầu vào lòng mẹ. Một vài lần đi học về, chúng tôi gặp một người đàn ông đen thui, mang khố, nằm ngủ dưới gốc cây bên đường, cả nhóm nói nhỏ với nhau "cụ Trâu nằm ngủ đó tề" rồi im lặng, đi qua nơi này cho mau. Chúng tôi nghe tiếng rên rĩ của ông ta về ban đêm đã thấy sợ rồi, đâu có dám đến gần nhìn cho rõ mặt.

Bây giờ tôi mời bạn rời vùng Chợ Xép, trở lại ngả tư Thượng Tứ, Đông Ba còn được gọi Ngả tư Anh Danh, tiếp theo là đường Hộ Thành. Qua khỏi dãy phố bên trái bán đủ thứ như dụng cụ học sinh, áo quần, dày dép, đồ chơi nhựa và đồ phụ tùng xe đạp, bạn sẽ gặp sở Hộ Thành, chỗ làm việc của quan Đề Đốc, quan Lãnh Binh, ngoài cửa có lính bồng súng đứng canh, bên trong có đồn lính. Bốn phía chung quanh Hộ Thành bao bọc bởi bức tường gạch, khá cao. Những người trong Thành Nội phạm tội nhẹ đều bị nhốt ở đây: Ai tụ tập cờ bạc ngoài đường, đánh lộn, say rượu đi lang thang... đều bị Tuần đinh bắt về đây giam một thời gian ngắn, đợi xét xử để phạt thêm hay tha cho về.

Mỗi sáng đi học ngang qua, chúng tôi thường tò mò nhìn đám tù nhân, tay chân không bị xiềng xích, từng nhóm ngồi bên hông ngoài Hộ Thành ăn quà sáng : cơm hến, cháo lòng, xôi bắp, bún xáọ.., có ông lính bồng súng đi qua đi lại canh chừng họ. Tù nhân không bị nhốt vào khám như ở nhà lao Thừa Phủ vậy mà không ai dám trốn. Đôi khi trong đám tù có cả con cháu các quan các cụ, nghịch phá ngoài đường nên bị lính tuần bắt giữ lại đây. Một lần chúng tôi nghe trong đám tù nhân có người kêu tên mình thì ra anh Cháu con bác Tứ làm thuê, nhà ở xóm Trung Tích, đang ngồi ăn xôi bắp. Chúng tôi chưa kịp nói, anh đã kể hôm qua anh với người bạn đem ná đi bắn chim, bắn lủng ngói nhà người ta nên họ kiện lên Hộ Thành, hai đứa bị bắt nhốt, đợi Bác Tứ đền cho họ xong mới được thả về. Mấy ngày tiếp theo, sáng nào đi ngang qua đây chúng tôi cũng thấy anh Cháu ngồi ăn xôi bắp. Về sau anh cháu lấy vợ và vợ anh là cô bán xôi bắp ở Hộ Thành dạo nọ có tên Thương. Anh còn khoe với chúng tôi : "Hồi đó sáng nào chị Thương cũng bán cho anh một dĩa xôi đầy ắp, vừa rẻ vừa ngon. Ăn được hai bữa thì hết tiền. Chị Thương vui vẻ bán chịu cho ăn tiếp. Vừa cám ơn vừa cảm động, rồi thương luôn. Cũng nhờ bị tù mới gặp được mụ vợ dễ thương, đảm đang ni đây. Bữa mô đẻ đứa con chắc anh đặt tên xôi bắp đó"

Anh Cháu làm phu kéo xe, anh phu xe trẻ nhất làng, hiền lành, chất phát. Gia đình anh ở trong xóm nghèo, mỗi lần có người đau ốm thường ra nhờ Ông nội tôi bắt mạch, cho thuốc, đều miễn phí. Ông tôi giỏi về thuốc Nam, từng chửa cho nhiều người lành bịnh nên họ quý lắm. Nhiều khi chúng tôi đi học về, gặp xe anh Cháu, lần nào anh cũng kêu : "Nì anh về ăn cơm đây, đói rồi, tiện đường mấy em leo lên xe anh chở về cho đỡ mỏi chân". Ba bốn đứa chúng tôi chỉ đợi anh hạ cần xe xuống là phóc lên ngay, chen chúc nhau ngồi vào xe, thích thú được đi xe kéo không phải trả tiền.

Những cử chỉ của anh Mõ, anh Cháu đối với chúng tôi rất dễ thương đã biểu lộ tình cảm thân mật, đậm đà giữa những người sống cùng làng cùng xóm, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn thật đáng quý.

Trường chúng tôi học "École des Jeunes Filles" ở sau lưng Hộ Thành. Trường mở từ lớp Năm đến lớp Nhất. Học hết lớp Ba, chúng tôi thi bằng "Sơ Học Yếu lược" rồi mới được lên lớp Nhì Nhất Niên, Nhì Nhị Niên và lớp Nhất để thi bằng Ri Me (Primaire). Hồi tôi học lớp Năm, Cụ Điềm làm Hiệu trưởng, đa số cô giáo đều ở quanh trường như Cô An, Cô Bang, Cô Bổn, Cô Đức, Cô Liễn, chỉ có Cô Lương ở hơi xa. Mỗi cô phụ trách một lớp. Hàng ngày từ các nẽo đường trong Thành Nội, từng đoàn con nít gái, chị dắt em, bạn lớn dẫn bạn nhỏ, lũ lượt đến trường này. Chỉ trong ngày tựu trường mới có phụ huynh đưa đón, sau đó mỗi đứa tự đi học với bạn bè vậy mà năm này qua năm khác chẳng có ai bị bắt cóc, đi tới nơi về tới chốn an toàn.

Ngày đầu mới đến trường trò nào cũng rụt rè, bỡ ngỡ, không dám mở miệng, cứ nắm lấy tay hay chéo áo của người lớn không rời. Mếu máo đứng xếp hàng với con nít nhà ai lạ hoắc vậy mà chỉ chừng một tháng sau đã hoàn toàn khác hẳn, dạn dĩ, lanh lẹ, nói chuyện tía lia với bạn bè, không có trò chơi nào là không tham gia. Trong cặp đi học, ngoài sách vở bút mực còn chứa bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh khác như sợi dây dừa để nhảy dây, nắm đũa và trái chanh hoặc trái ping pong để đánh thẻ, hộp sạn để đánh ô làng, mấy viên ngói mài trơn nhẵn để chơi cò cò hay đạp mạng... Có khi còn chơi ù mọi, kéo dây đứt cả vạt áo, mồ hôi nhễ nhãi. Mỗi chiều đi học về đều phải tắm gội vì đứa nào cũng bị người lớn chê "chua như dấm".

Bên hông trường tôi là con đường dẫn vào vùng Canh Nông. Chỗ này có nhiều cây me, cây hạnh đào có trái gần giống như trái chùm ruột nhưng ngon ngọt và màu sắc đẹp hơn nhiều. Những chiều gặp trời mưa dông mới tạnh, ra khỏi trường, từng nhóm chúng tôi rủ nhau, ba chân bốn cẳng chạy vào Canh Nông để lượm me. Trong cơn mưa gió thổi mạnh làm cho me sống, me rốp (vừa chín đã lóc vỏ), me mứt (me thật chín đen) rụng đầy trên bãi cỏ. Chúng tôi tha hồ mà lượm. Những cây me cao vút, đầy trái buông lủng lẳng, nếu không có gió to làm rụng xuống thì đám trẻ con chỉ biết ngửa cổ nhìn, nghĩ đến vị chua ngon ngọt của trái me đu đưa trên cành cũng đành nuốt nước miếng mà chịu vì cao quá, làm sao hái được.

Lâu lâu trong giờ du ngoạn, cô giáo dẫn chúng tôi vào hồ Tĩnh Tâm có tường bao quanh. Đi qua khỏi cổng hình vòm tròn đã nhìn thấy phong cảnh khác hẳn với bên ngoài, yên tĩnh, mát mẻ, không khí trong lành. Sen búp, sen nở, sen trắng sen hồng phủ khắp mặt các hồ, hương sen tỏa thơm ngát. Hạt sen ở đây nổi tiếng thơm ngon, bở, dẽo, người Huế gọi tắt là "Sen Tịnh". Cô giáo còn giảng cho chúng tôi biết xưa kia, trong đây có nhiều đảo tuyệt đẹp như cảnh Bồng lai, có điện, có lầu... nổi tiếng của đất Thần Kinh. Về sau kiến trúc tuy phần lớn không còn nữa nhưng phong cảnh vẫn đẹp với những hồ sen bát ngát, những chiếc cầu gỗ thẳng tắp, cây cối xanh tươi, im mát.

Ra khỏi hồ Tĩnh Tâm nếu bạn đi tiếp sẽ đến vùng Cầu Kho và phía đồn Mang Cá.

Qua những giòng mô tả đơn sơ, tôi đã mời bạn viếng thăm nhiều nơi trong Thành Nội, Huế. Thời thơ ấu vì không có dịp đi khắp Kinh Thành nên không thể giới thiệu với bạn đầy đủ hơn.

Trên quê hương yêu dấu của chúng ta, đâu đâu cũng có những phong cảnh xinh đẹp, đặc sắc. Tôi đã nhiều lần ghé Đà Nẵng, Hội An, Qui Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết rồi vào ở Sai Gòn, đi về miền Lục Tỉnh, từng được ngắm thắng cảnh tuyệt vời của đất nước mình. Khi sang Pháp, sang Mỹ tôi có dịp đi nhiều nơi, tham quan các lâu đài, dinh thự, cung điện cổ kính trang nghiêm, nguy nga tráng lệ, những núi đồi, sông hồ nổi tiếng trên thế giới nhưng dù ở đâu, phong cảnh có đẹp bao nhiêu đi nữa cũng không cho tôi những cảm giác thân thiết, thích thú, ấm cúng, lưu luyến như vùng đất Thành Nội, nơi tôi đã được sinh ra và sống ở đây suốt thời thơ ấu với bao nhiêu kỷ niệm và hình ảnh thân thương mà tôi vẫn còn nhớ mãi.
nguồn: trích trong Quê Hương Hoài Niệm
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Cám ơn Viễn Khách về loạt bài này nhé.:)

Mình chưa được đọc bao giờ! Những hồi ức đó của Nguyễn Khôi, Hoàng Oanh về Huế thật đẹp, thật đầm ấm. Đọc những trang viết này về Thành Nội- nơi chôn rau cắt rốn của mình, mình thấy càng thêm yêu, thêm nhớ- Viễn Khách có tin kô: cái nỗi nhớ của người Huế đang ở trên đất Huế về Huế của một thời mộc mạc, chân phương?

Có nhiều chuyện, nhiều nhân vật trong câu chuyện này mình chưa được biết, có lẽ vì đây là bài viết của một thế hệ lớn hơn mình nhiều...nhưng những tên đất, tên đường, tên ngã ba, ngã tư, các cổng thành, sông hồ, di tích gắn với các nếp sinh hoạt tiểu thị dân của một cố đô nhỏ bé thì vô cùng thân thiết, quen thuộc. Huế so với hồi đó đã có thay đổi, nhưng sự đổi thay quả thật không nhiều, không biết nên buồn hay nên vui đây?
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Ngây Thơ

Phong Lưu đã viết:
Hic! Em Ngây Thơ ơi, vậy trước khi đăng kí vào đây, em không đọc mấy nhời của Admin Điệp Luyến Hoa hả? Thơ sưu tầm thì em cứ gửi, nhưng mà gửi đúng nơi đúng chỗ- tức là cái chỗ nào có ghi Thơ sưu tầm í! :)
Mà sao...em Ngây Thơ thế nhỉ? Hi hi...Thi viện đâu có phải là cái " sân sau, sân trước " của nhà em để muốn ...làm gì theo ý mình cũng được nhỉ? :D Chỉ được gửi mỗi bài thơ một lần thôi, em ạ- và nhớ là , chỉ gửi ở một topic thôi đấy! Em mà quên điều này, cứ gửi nhầm lung tung nhiều chỗ vừa bị lỗi spam lại còn mang tiếng " khoe thơ", bắt mọi người vào đâu cũng phải đọc thơ của mình là...tội lớn lắm đấy nhé! :P ( Hi hi...dọa em tí thôi, chứ anh là anh thấy, ngay cả cái bác mà em ái mộ cũng post nhầm đó, " Má ơi con vịt chết chìm", có ở hai topic thơ lận đó!)
Mà...em có " pà kon" gì với chị Hoa Xuyên Tuyết không vậy? Chị ấy cứ bênh vực em chằm chặp kia kìa! :D
Không ạ, chị ấy có bênh gì em đâu nhỉ mà anh lại nói thế?

Em đọc cái này của anh xong thì đi tìm bài "Con vịt chết chìm"...Em còn nhỏ quá nên cũng chẳng hiểu bài thơ này gì cả,ơ nhưng đúng là chú TTNV gửi vào nhiều topic thật, nhưng không thấy các anh mod và admin nói gì thì chắc là chẳng sao đâu anh ạ . Hì hì mà cũng chẳng hiểu sao cả ngày hôm nay em lẩm nhẩm bài "Má ơi con vịt chết chìm" thế có chết em không cơ chứ!
Em không ngây thơ như anh tưởng
Nhưng em cả tin hơn cả anh ngờ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Viễn khách

Nguyệt Thu đã viết:
Cám ơn Viễn Khách về loạt bài này nhé.:)

Viễn Khách có tin kô: cái nỗi nhớ của người Huế đang ở trên đất Huế về Huế của một thời mộc mạc, chân phương?
Huế so với hồi đó đã có thay đổi, nhưng sự đổi thay quả thật không nhiều, không biết nên buồn hay nên vui đây?
"Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn"

Sao em lại không tin cho được nhỉ? Trong mỗi chúng ta ai cũng có rất nhiều kỷ niệm, kỷ niệm về những mảnh đất mà ta hằng sinh sống. Không nhớ, không thương sao được khi mảnh đất ấy là nơi chôn rau cắt rốn của ta, nơi bao bọc nâng đỡ, nuôi dưỡng tâm hồn ta, nơi mà cả thời ấu thơ, cả thời hoa niên ta gắn bó với từng góc phố con đường, bờ cây búi cỏ với bao kỷ niệm không tên cứ lộn xộn lãng đãng trong sương mờ ký ức chợt ẩn chợt hiêọntong hoài niệm thân thương. Có những khi kỷ niệm ấu thơ tuôn về ào ào như thác đổ làm xáo động tâm hồn vốn đã an phận với cuộc sống hôm nay.

Huế. Huế thật thân thương trong lòng mọi người VN, và Chị, Chị càng tự hào vì mình là người con xứ Huế - đất Thần Kinh cổ kính.

Huế cũng như mọi nơi đều có những thay đổi phát triển trong hơi thở nóng hổi của nhịp sống hiện đại gấp gáp đang diễn ra thay đổi từng ngày. Cuộc sống càng phát triển đời sống vật chất và tinh thần càng được nâng cao thì con người lại luôn quay về tìm đến nâng niu trân trọng những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà trong quá trình phát triển đã vô tình lãng quên

Em cũng như Chị, trước những thay đổi của mảnh đất mình đã từng gắn bó suốt tuổi ấu thơ với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Đôi khi vẫn tiếc nuối hoài cổ. Nơi em ở hồi bé không còn những căn nhà ngói, không còn những rặng rào cúc tần, râm bụt, ôrô, mà tụi em vẫn nép mình chơi trò trốn tìm trong những đêm hè dưới bầu trời cao rộng vằng vặc trăng sao; Không còn những cây ăn trái để leo lên vắt vẻo trên những chạc 3 chạc 4 ê a sách vở. Dòng sông vẫn còn đó nhưng đã chật hẹp và ô nhiễm nặng nề chứ không còn rộng lớn trong mát như ngày xưa vẫn vùng vẫy bơi lội, Cây xung già nghiêng nghiêng toả bóng mà tụi trẻ vẫn lấy làm cầu nhảy ùm ùm xuống dòng nước mát cũng không còn dầu tích, chiếc cầu sắt nhỏ ván gỗ thủng đã khiến dòng sông lấy đi bao chiếc dép của lũ trẻ cũng không còn; 5 cây phi lao già to cỡ người ôm cũng không còn; Những bãi phẳng, cỏ xanh mướt ven sông mỗi khi nước ngập như một bãi tắm tuyệt vời cũng mất tích theo tháng năm; Những rặng cúc tần trên bờ cao đổ  vòm cong xuống bờ thấp mà lũ trẻ chúng em đã khám phá và chui vào đó đẽo gọt thành đất bên sườn, làm phảng nền, đan tết bện những nhánh cây trên vòm (rộng đến 1,5m cao 1,2m, có nhiều đoạn dài hơn 10m) với những lối vào bí mật được nguỵ trang kĩ càng, ngày ấy tụi trẻ vẫn thường chia nhóm đánh trận giả cũng phong cấp hiệu chỉ huy và phân công rất rõ ràng chọn tuyển quân cũng rất vô tư bằng cách mỗi lần nhận một đứa là oản tù tì, những vật nhỏ quý giá như bi đá, bi nước đồ chơi tự tạo… thường mang ra cất dấu ở các hang hốc bí mật trong đó, Trưa hè oi bức mà chui vào hầm cây mát lạnh hơi đất thật tuyệt thú, nơi ấy thường dùng để tụi trẻ trốn đến chia nhau những trái dâu da xoan, ổi, nhãn trộm cây nhà hàng xóm, những củ sắn củ khoai dấu mẹ dấu cha mang ra nướng, rồi chơi tam cúc, cờ suý, ô ăn quan, cờ hùm, tú lơ khơ (tự làm bằng giấy bìa và vẽ hình theo các nhân vật Thuỷ Hử, Tây Du ký).  
Đồ chơi lúc ấy đa số lũ trẻ tự làm và ganh đua với nhau xem của đứa nào đẹp hơn. Ô tô, xe tăng, máy bay, tầu thuỷ được nặn bằng đất sét lấy ở bờ sông, giờ đây cũng không còn tiếng súng ống bơ beng beng rộn rã hét hò của lũ trẻ. Trẻ con hồi ấy rất đoàn kết sẻ chia với nhau, cũng rất hiếu động thông minh sáng tạo học hỏi rất nhanh, cùng nhau tự tạo những đồ chơi như: làm khuôn bồi giấy làm đầu sư tử và mặt nạ, tiến sĩ giấy, đô vật, quan vân trường, đèn cù, đèn kéo quân, đèn ông sao, con rối dây, sáo diều, xe bọ xít, chọi dế, ch%
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 82 trang (813 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] ... ›Trang sau »Trang cuối