Trong bài "Khán Thiên gia Thi hữu cảm", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
             Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ,
             Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong;
             Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,
             Thi gia dã yếu hội xung phong.

Nghĩa là:
             Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,
             Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
             Nay ở trong thơ nên có thép,
             Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
                                              (Nam Trân dịch)
Thiên gia thi là tập thơ tập hợp nhiều bài thơ của nhiều tác giả ở nhiều triều đại, nhưng đa phần trong đó là thơ Đường và thơ đời Tống. Ở Trung Hoa trừ lối từ, còn các triều đại sau thường dùng luật thơ Đường để làm thơ cả, kể cả thơ đời Tống! Bài thơ trên nói rất rõ quan điểm của mình về thơ ca mới. Đó là thơ phải gắn liền với quyền lợi của đất nước, với cách mạng, phải có tính chiến đấu.
Bác Hồ đã thực hiện đúng những lời như thế. Trong những bài thơ của Bác, rất nhiều bài thơ viết bằng chữ Hán, và khá nhiều bài thơ theo kiểu tứ tuyệt. Có bài, ý tứ kết cấu súc tích, sâu sắc chẳng thua gì những bài thơ hay của thơ Đường như:

                TÂN XUẤT NGỤC HỌC ĐĂNG SƠN
             Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,
             Giang tâm như kính, tịnh vô trần.
             Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh,
             Dao vọng Nam thiên ức cố nhân
Dịch thơ:
                  MỚI RA TÙ HỌC LEO NÚI
             Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
             Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;
             Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh,
             Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.  
                                   (Nam Trân dịch)  
                         ĐĂNG SƠN
             Huề trượng đăng sơn quan trận địa
             Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
             Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu
             Thệ diệt sài lang xâm lược quân.
Dịch thơ:
                         LÊN NÚI
             Chống gậy lên non xem trận địa
             Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
             Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
             Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
             (Thơ kháng chiến, bản dịch của Xuân Diệu)

Thơ năm chữ như bài Thượng Sơn, tứ rất đẹp và đậm đà chất lãng mạn, nhưng là lãng mạn cách mạng:

                  THƯỢNG SƠN
             Lục nguyệt nhị thập tứ,
             Thượng đáo thử sơn lai.
             Cử đầu hồng nhật cận,
             Đối ngạn nhất chi mai.
                           Lũng Dẻ, 1942
Dịch thơ:
                  LÊN NÚI
             Hai mươi tư tháng sáu,
             Lên ngọn núi này chơi.
             Ngẩng đầu: mặt trời đỏ,
             Bên suối một nhành mai.    
                       Lũng Dẻ, 1942 (Bản dịch của Tố Hữu)

Nhiều bài thơ tứ tuyệt Tiếng Việt của Bác Hồ cũng phảng phất ý vị thơ Đường:
                  TỨC CẢNH PÁC PÓ
             Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
             Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
             Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
             Cuộc đời cách mạng thật là sang.
                           (Tháng 2 năm 1941)

Thơ bảy chữ của Bác, loại tám câu (bát cú) vẫn trong luật Đường, trong đó những câu thực và luận, thường đối nhau khá chỉnh. Ví dụ bài tình thiên (Trời hửng):

                      TÌNH THIÊN
             Sự vật tuần hoàn nguyên hữu định,
             Vũ thiên chi hậu tất tình thiên;
             Phiến thì vũ trụ giải lâm phục,
             Vạn lý sơn hà sái cẩm chiên;
             Nhật noãn phong thanh hoa đới tiếu,
             Thụ cao chi nhuận điểu tranh nghiên;
             Nhân hòa vạn vật đồ hưng phấn,
             Khổ tận cam lai, lý tự nhiên.

Dịch thơ:
                     TRỜI HỬNG
             Sự vật vần xoay đà định sẵn,
             Hết mưa là nắng hửng lên thôi
             Đất trời một thoáng thu màn ướt,
             Sông núi muôn trùng trải gấm phơi;
             Trời ấm, hoa cười chào gió nhẹ,
             Cây cao, chim hót rộn cành tươi;
             Người cùng vạn vật đều phơi phới,
             Hết khổ là vui vốn lẽ đời.
                                   (Nam Trân dịch)

Tuy nhiên, để tính phổ cập của thơ nhanh chóng đến với nhân dân, mỗi khi viết những bài thơ động viên mọi người trong những dịp tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại thường hay viết những thể thơ dân tộc như lục bát, thơ năm chữ, thơ tám chữ. Mỗi bài thơ ngắn có thể tóm gọn những nhiệm vụ chiến lược lớn của mỗi năm phấn đấu:

               THƠ CHÚC TẾT NĂM 1947 (ĐINH HỢI)
             Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,  
             Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
             Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
             Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
             Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
             Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
             Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
             Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

                THƠ CHÚC TẾT NĂM 1964 (GIÁP THÌN)
             Bắc Nam như cội với cành,
             Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng.
             Rồi đây thống nhất thành công,
             Bắc Nam ta lại vui chung một nhà.
             Mấy lời thân ái nôm na,
             Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.

Nhưng cũng có năm, Bác lại viết ở dưới dạng thơ tứ tuyệt:

               THƠ CHÚC TẾT NĂM 1967 (ĐINH MÙI)
             Xuân về xin có một bài ca,
             Gửi chúc đồng bào cả nước ta:
             Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,
             Tin mừng thắng trận nở như hoa!

              THƠ CHÚC TẾT NĂM 1968 (MẬU THÂN)
             Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
             Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
             Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
             Tiến lên!
             Toàn thắng ắt về ta!

Vậy là, dù hình thức nào, tình cảm và nội dung vẫn là hồn cốt của thơ Bác Hồ. Thơ Bác, trong và ngoài nước đã biết bao nhiêu học giả ngưỡng mộ. Nhưng, xem ra lời bình của nhà văn lớn Trung Quốc Quách Mạt Nhược có một hàm ý thật sâu sắc, khi ông viết về thơ Hồ Chủ Tịch: "Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bên những bài thơ Đường không biết bài nào hay hơn bài nào!". Thật là một lời khen ý tứ và chuẩn xác!

Tác giả bài viết: Ngô Văn Phú, in trong sách "Thơ Đường ở Việt Nam", NXB Hội Nhà văn, 2001.
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.