Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [88] [89] [90] [91] [92] [93] [94] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Nhâm Tỵ đã viết:
Hoan hô" Tin nóng hổi" của bác Vodanhthi-Vua của ngày Cá tháng Tư
Toàn dân Việt Nam nên rất phấn khởi, tự hào và nên trào nước mắt khi được biết tin nóng hổi này. (TTT)
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hãy chọn hoa xấu hổ là quốc hoa



Ngay từ cái tên của mình, hoa xấu hổ đã gợi nhắc một phẩm chất cần có của con người: lòng tự trọng. Biết xấu hổ là còn lòng tự trọng, đó là điều vô cùng cần thiết, thậm chí không thể thiếu.

http://phunutoday.vn/dataimages/201303/original/images1194978_hoa_xau_ho___phunutoday.jpg
Hoa xấu hổ (hoa trinh nữ) đáp ứng được tất cả các tiêu chí lựa chọn quốc hoa.



Câu chuyện bình chọn quốc hoa cách đây 3 năm mấy ngày nay lại nóng trở lại khi trực tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch được giao chủ trì phối hợp với các tổ chức có liên quan để nghiên cứu đề xuất việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và cách lựa chọn suy tôn quốc hoa.

Đến thời điểm này, trên trang web bình chọn Quốc hoa của Bộ VH-TT-DL, hoa sen được bình chọn với hơn 62%, tiếp theo là hoa đào (hơn 15%), hoa mai (hơn 14%), hoa ban (4,4%). Dù chiếm ưu thế với tỉ lệ áp đảo nhưng có không ít người tỏ ra không đồng tình với việc lựa chọn hoa sen.

Một nhà văn hóa cho hay hoa sen dù thân thuộc và gần gũi với người dân nhưng đối với thế giới, nó không đặc trưng cho Việt Nam. Việt Nam cũng không phải là nơi có nhiều sen đẹp và cũng không có loài sen nào đặc trưng. Thậm chí ở khu vực Đông Nam Á, nhiều nước có sen đẹp hơn Việt Nam.

Thêm vào đó, các sản phẩm văn hóa có sử dụng hình ảnh của sen đều bị ảnh hưởng bởi Phật giáo mà nguồn gốc của Phật giáo lại bắt nguồn từ Ấn Độ và nước này cũng đã chính thức chọn hoa sen trắng làm Quốc hoa. Ngoài Ấn Độ, không ít quốc gia đã chọn hoa sen làm Quốc hoa.

Chỉ lý do đó đã đủ khiến dư luận băn khoăn, có nên chọn đại diện hoa của đất nước giống nhiều nước khác như vậy. Dư luận lo lắng bởi các đề cử khác cũng vấp phải điểm nọ điểm kia chưa phù hợp: hoa đào chỉ sống ở xứ lạnh trong khi mai thì không thể thiếu nắng ấm, hoa ban chỉ có ở vùng núi Tây Bắc... Ấy là người ta chưa biết rằng, ở Việt Nam, có một loài hoa dại mọc ở hầu hết các vùng quê, đẹp dịu dàng nữ tính, đầy đủ tiêu chuẩn để trở thành quốc hoa, loài hoa trinh nữ (hay còn gọi là hoa xấu hổ).

Hoa xấu hổ đã tồn tại từ rất lâu ở nước ta. Nó đã đi vào trong truyền thuyết, trong những câu truyện cổ tích Việt Nam, từ biết bao thế hệ. Tiêu biểu trong số đó là câu chuyện buồn về người con gái đoan trang thùy mị. Ngày xửa ngày xưa có một người con gái đẹp như tiên sa, nụ cười của nàng còn đẹp hơn cả hoa ban mai vừa nở… Nàng có biết bao nhiêu chàng trai si mê đến ngỏ lời và chỉ chờ nàng ban tặng một cái nhìn, một nụ cười. Nhưng nàng là người đoan trang nên chỉ yêu có một lần và lấy người đó làm chồng.

Nàng hạnh phúc trong cuộc sống được yêu thương chiều chuộng, nhưng chồng nàng là người không có chức cao quyền trọng. Vì vậy mà trong những lễ hội là nơi có thể gặp gỡ biết bao kẻ có thế lực nàng ngày càng thấy mình nhỏ bé và buồn chán, thất vọng vì chồng mình. Sự đời trớ trêu, sự phản bội của nàng phải trả giá: mỗi lần chồng nàng âu yếm là nàng co mình lại và héo hon từng ngày rồi qua đời. Sau đó, trên mộ của nàng mọc lên một loài cây cứ có người chạm vào lại co mình lại. Loại cây đó  người đời đặt tên là là cây xấu hổ. Chỉ một câu chuyện này cũng đủ minh chứng rằng, đây là loài hoa gắn liền với truyền thống dân tộc.

Về tính phổ biến, không cần phải bàn cãi nhiều vì đó là hoa dại, với sức sống mãnh liệt của một loài cây dại. Hoa xấu hổ dù chỉ là một loài hoa nhỏ nhưng nó là biểu tượng cho sức sống bền bỉ, khả năng thích nghi mãnh liệt khi có thể tồn tại và phát triển ở khắp các vùng trong cả nước. Người ta có thể tìm thấy nó ở mọi nơi, từ trong cánh rừng cho tới khoảng đất ven ruộng. Chưa kể, Việt Nam là một đất nước nhiệt đới ẩm gió mùa nên cây cối, các loài hoa và cỏ dại cũng là một đặc trưng tiêu biểu cho đới khí hậu này. Vì thế, chọn hoa dại làm quốc hoa hẳn cũng phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên của đất nước.

Hoa xấu hổ cũng đại diện cho tính cách người con gái Việt. Sống sát đất đen, loài hoa đó vẫn giữ sự e ấp, thẹn thùng. Và nó đẹp, màu tím hồng phơn phớt trên những nhụy hoa mỏng như tơ khiến cho bất cứ chợt nhìn thấy đều dâng lên cảm xúc nhẹ nhàng thư thái. Và nó cũng là biểu tượng của sự thủy chung, đức tính được đề cao nhất của người phụ nữ Việt.

Hơn nữa, dù chỉ là một loài cỏ dại nhưng hoa  xấu hổ lại là biểu tượng của tinh thần bất khuất của dân tộc. Dù có bất kỳ dự tác động, hay ảnh hưởng nào, cây trinh nữ vẫn giữ nguyên phẩm chất của mình, co lại nhưng không vì thế mà dần tàn lụi, ngay sau đó lại vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

Một lý do cũng không kém phần quan trọng, ngay từ cái tên của mình, hoa xấu hổ đã gợi nhắc một phẩm chất cần có của con người: lòng tự trọng. Biết xấu hổ là còn lòng tự trọng, đó là điều vô cùng cần thiết, thậm chí không thể thiếu. Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người đánh mất sự biết xấu hổ, cho nên, khi nhìn thấy quốc hoa là loài hoa này, họ sẽ giật mình nhận ra điều mà họ đang thiếu.

Với những phẩm chất và đặc tính như vậy, hoa xấu hổ xứng đáng trở thành quốc hoa của Việt Nam. Hơn nữa, hiện nay chưa có nước nào trên thế giới chọn loài hoa này làm quốc hoa nên lựa chọn đó cũng góp phần tạo nên nét đặc trưng, riêng biệt của du lịch Việt.

   Lê Minh   (PN Today)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Tôi 1 phiếu.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trò đùa trẻ con, nỗi đau của nhà giáo dục



TTCT - Cuối tuần qua, cả giới phụ huynh và học sinh đều xôn xao vì dòng tin trên một trang web giả mạo loan báo trong sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm nay có ba môn thể dục, giáo dục công dân và công nghệ.

Điều rốt cục là một trò đùa của một người được cho là học sinh lớp 12 khiến nhiều nhà giáo dục đau lòng, bởi sau đó là dư vị đắng cả về sự thiếu tường minh lẫn những lệch lạc còn tồn tại của một nền giáo dục.

Tin đồn Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp năm 2013 loang ra trên mạng xã hội và các diễn đàn của học sinh khối 12 từ tối 22-3. Biên tập viên của tờ báo mạng cho biết bản tin công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT đăng tải từ năm ngoái bỗng có lượng đọc tăng chóng mặt trong tối đó và hôm sau.

Tin đồn chạm đúng mối quan tâm đặc biệt của cả giới nhà giáo, phụ huynh và học sinh về chuyện thi cử cuối năm, càng lúc càng lan. Điều cốt lõi gây xôn xao dư luận chính là việc “bài báo” đưa tin sẽ thi ba môn mà giới học trò (và cả nhà trường) xếp vào diện môn phụ: thể dục, giáo dục công dân, công nghệ. Đây là những môn được cả xã hội từ lâu mặc định là không bao giờ được sử dụng để thi tốt nghiệp THPT.

Bởi có sẵn một cơ chế tạo tin đồn
Vấn đề là không chỉ năm nay mới có những ồn ào từ tin đồn về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hầu như năm nào cũng vậy, trước kỳ thi tốt nghiệp hàng tháng trời, trong dư luận học sinh đã có đủ mọi đồn đoán, từ việc năm nay sẽ thi những môn nào cho đến... nội dung đề thi! Thậm chí trò đùa “lộ đề thi” năm nào cũng tái diễn nhưng năm nào cũng gây sốt. Trò đùa đoán định môn thi cũng phổ biến nhưng đạt trình “siêu lừa” như năm nay quả là hi hữu.

“Theo quy chế, Bộ GD-ĐT sẽ công bố môn thi trước ngày 31-3 nhưng trước 31-3 có nhiều ngày lắm. Học trò thì vừa do sốt ruột, vừa “sợ” nên nóng lòng muốn biết sớm ngày nào hay ngày đó, thành thử dễ bị lừa. Từ trước đến nay tin tức về môn thi trước hết đến với học sinh, giáo viên chủ yếu thông qua kênh báo chí, sau đó nhiều ngày các trường mới được nhận thông báo chính thức của sở GD-ĐT, thường là thông qua một văn bản hướng dẫn thực hiện kỳ thi” - thầy Đặng Đình Đại, hiệu trưởng Trường THPT Wellspring (Hà Nội), nói.

Nhìn lại thì thấy thời điểm thông báo về kỳ thi tốt nghiệp từ trước đến nay mỗi năm một khác. Các năm 2004, 2005, 2006, cứ đúng ngày 31-3 bộ mới công bố. Từ năm 2007, xu hướng công bố ngày càng sớm hơn, từ 30-3 rồi 27-3, 25-3. Hai năm vừa qua (2011, 2012) lại công bố vào 23-3. Điều này thêm một lý do để giới học trò dễ dàng tin tưởng vào một “bài báo” công bố môn thi tốt nghiệp được tung ra vào ngày 22-3.

“Theo em, Bộ GD-ĐT nên tuyên bố về thời điểm nhất định sẽ thông báo môn thi tốt nghiệp. Chẳng hạn có thể chọn một giờ mặc định (ví dụ 8g sáng) trong ngày 30-3. Cứ đến giờ đó, ngày đó, trên website của bộ sẽ hiện lên thông báo môn thi tốt nghiệp, dẫu hôm ấy là thứ bảy hay chủ nhật” - Phương Đông, học sinh lớp 11D2 Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), đề xuất.

Nhiều nhà giáo chua chát nhận thấy học trò dễ bị lừa không chỉ do tính mơ hồ của thời điểm công bố mà ngay cả với các môn thi, học trò cũng dễ dàng tin vào “tin vịt”.

“Thời tôi còn dạy học ở Cao Bằng (những năm 1970), chỉ một lần duy nhất Bộ GD-ĐT chọn môn giáo dục công dân làm môn thi tốt nghiệp. Về sau môn này chưa bao giờ được chọn lại. Nhưng từ tiền lệ đó cộng với những lo ngại về sự suy thoái đạo đức học đường, đạo đức xã hội xuất hiện đầy rẫy trong các diễn đàn chính thức, phi chính thức về giáo dục, nhiều người cho rằng một ngày đẹp trời nào đó Bộ GD-ĐT đưa môn này vào thi tốt nghiệp trở lại là điều hoàn toàn có thể” - thầy Đại phân tích.

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, một lý do khác góp phần tạo nên cơ chế tin đồn là sự thiếu tường minh trong quy định môn thi của quy chế thi tốt nghiệp. Trong giới giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông có một cách hiểu bất thành văn là hằng năm bộ sẽ chọn sáu trong tám môn làm môn thi tốt nghiệp THPT. Ba môn cố định là văn, toán, ngoại ngữ. Ba môn còn lại bộ sẽ chọn trong số các môn lý, hóa, sinh, sử, địa.

Nhưng những quy định đó căn cứ vào văn bản nào của bộ thì không ai chỉ ra được. Khoản 1 điều 6 quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm thông tư 10/2012/TT-BGDĐT ngày 6-3-2012 quy định môn thi chỉ có một câu: “Môn thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT công bố chậm nhất vào ngày 31- 3 hằng năm”.

“Không mấy ai để ý đến chi tiết này. Cá nhân tôi sau khi có tin đồn sẽ thi các môn thể dục, giáo dục công dân, công nghệ mới giật mình giở quy chế ra xem thì mới thấy đúng là không có căn cứ nào để biết chắc các môn đó không phải là môn thi tốt nghiệp” - cán bộ khảo thí một sở GD-ĐT nhận xét.

Nỗi sợ hãi sinh ra từ học lệch
Theo nhiều học sinh, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT lâu nay chỉ mang tính hình thức với tỉ lệ đỗ phổ biến là 98-99% nhưng “sợ” thi là một cảm giác thường trực ở phần lớn các em mà căn nguyên do học lệch. “Tất cả học sinh lớp em đều học ban D, mục tiêu là kỳ thi đại học nên chỉ học kỹ toán, văn, tiếng Anh. Các môn hóa, sinh, sử, địa gần như được “thả”. Các môn giáo dục công dân, công nghệ học cũng như không, trong tiết thường là ngồi chơi. Môn thể dục thì sau màn khởi động thầy bỏ đi đâu đấy, mặc trò muốn làm gì thì làm” - một học sinh tâm sự.

Các thầy cô thì có “ý tốt” là làm như thế để tạo điều kiện cho học sinh tập trung ôn thi đại học tốt, nhưng đây chính là mảnh đất gieo mầm cho thái độ phân biệt môn chính - môn phụ, thậm chí còn có môn “phụ của phụ” - những môn mà học sinh đoán chắc chẳng bao giờ thi tốt nghiệp.

Chính vì thái độ học lệch này mà những năm trước, sau khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, trên mặt báo tràn ngập tâm trạng rối bời của những sĩ tử tương lai. “Năm nào cũng thế, khi thông báo các môn thi có sử và địa, học sinh lại náo loạn cả lên” - thầy Đại nói.

Theo cô Mã Thị Tới - giáo viên Trường THPT Trương Định, môn địa thậm chí còn là môn dễ lấy điểm nhưng học sinh vẫn “choáng” khi phải thi chủ yếu do các em bỏ bẵng không ngó ngàng gì tới trong suốt gần cả năm học trước đó. Còn cô P.H.Thanh, Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: “Năm ngoái sau khi công bố môn thi tốt nghiệp, mấy hiệu sách gần trường tôi cháy hàng cuốn Atlas địa lý vì học sinh dồn ra mua đông quá. Cả năm học chẳng em nào ngó ngàng gì, đến khi thi mới đổ xô đi mua sách”.

Ngoài lý do học lệch vì mọi học sinh đổ dồn vào mục tiêu thi đại học, các môn phụ cũng như môn “phụ của phụ” chịu sự kỳ thị còn do bản thân nội dung môn học nhàm chán và giáo viên thiếu trau dồi nghề nghiệp. “Em sợ môn công nghệ ngay từ khi được học ở lớp 6. Nghe tên thì hay, ai dè mở sách ra toàn dạy cắm hoa, rồi nhận xét người này người kia mặc có đẹp không... Lên lớp 7 thì học trồng trọt, chăn nuôi, đọc ù tai mà học xong có đứa không biết cầm cái xẻng! Nếu thi tốt nghiệp môn này chắc cả lớp em trượt” - H.L., một học sinh Trường THPT Việt Đức, nhận xét.

Năm nào cũng có đến cả triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, năm ngoái ít hơn một chút cũng có tới trên 963.000 thí sinh. Trong khi cả xã hội nháo nhào, một triệu thí sinh đi kèm là một triệu gia đình nóng ruột nóng gan, thì website của Bộ GD-ĐT vẫn cứ bình thản coi như không hề có “con vịt cồ” làm rối tung dư luận. Các tờ báo xông vào tìm hiểu và tự làm công việc “giải độc” dư luận.

Trên mạng, quá trình “giải độc” được “nhân giống vô tính” trong “lượt về” y hệt như quá trình “đầu độc” dư luận ở “lượt đi”: “Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật và không phải là kênh phát ngôn chính thức từ Bộ GD-ĐT. Hiện bộ chưa công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013... Lãnh đạo bộ này chưa hề ký quyết định công bố sáu môn thi tốt nghiệp năm 2013, và dự kiến ngày 28-3 Bộ GD-ĐT mới công bố”.

Nếu học sinh, phụ huynh có nghe theo chỉ dẫn của báo chí “Những thông tin liên quan đến kỳ thi luôn được Bộ GD-ĐT công bố công khai tại website: http://moet.gov.vn” thì nay vẫn chỉ thấy một sự im ắng như không hề có gì xảy ra. Trang chủ của bộ là các bản tin về thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ Đoàn, Hội (25-3); hướng dẫn tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2013 (25-3); chung kết giải bóng đá nam Bộ GD-ĐT lần thứ 2-2013 (25-3)... Có vẻ như đối với bộ hoặc đã không hề có một cuộc khủng hoảng dư luận, hoặc bộ có biết nhưng chủ trương thông tin là “chỉ những gì chính thức mới xứng đáng là tin”!

Cách “cầm trịch” thông tin như thế không thích hợp với thời đại kỹ thuật số mà dư luận có thể bị nháo nhào chỉ trong tích tắc. Khái niệm mà khoa học truyền thông gọi là “xử lý khủng hoảng” có lẽ chưa được bộ thấy đó là quan trọng. Nhưng, tiềm ẩn trong vụ khủng hoảng dư luận này còn là một vấn đề khác, đại sự hơn.

Mấy chục năm qua, bộ vẫn vô hình trung tạo ra một thái độ học tập kiểu “xổ số” với việc mỗi năm mỗi chọn sáu môn thi tốt nghiệp, từ đó dẫn đến thái độ đứng lớp và học hành theo kiểu “bên trọng - bên khinh” đối với các môn học.

Dư luận tự hỏi liệu nhiệm vụ “đại sự” hằng năm của bộ lẽ nào lại chỉ là tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông/cơ sở và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng? Và khi nào thì những “kế sách trăm năm” sẽ được thường xuyên đặt lên hàng đầu thay cho những “kế sách một năm” như thế?

THƯ HIÊN - THIÊN DI
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Hàng trăm học sinh xé đề cương Lịch sử vì không thi tốt nghiệp
Nguồn: vnexpress.net

Rất đông học sinh tập trung ra hành lang, hò hét và đồng loạt xé giấy thả xuống rơi trắng cả sân trường.

Khi Bộ Giáo dục thông báo năm nay sẽ không thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, nhiều học sinh đã hẹn hò trên mạng cùng đồng loạt xé đề cương môn này. Video quay tại một trường THPT ở TP HCM, ngày 30/3.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/35/42/xe_de_cuong_1.jpg
http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/35/42/xe_de_cuong_2.jpg
http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/35/42/xe_de_cuong_3.jpg

Bình luận: Không phải học sinh, cô thầy nhìn thấy cảnh này đau, mà đất nước này đang đau đớn vô cùng.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Chỉ có những người còn lương tri và thực lòng yêu non nước này mới đau đớn thôi.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Giáo dục chưa làm được sứ mạng khai sáng



SGTT.VN - Nguyên là giám đốc sở Giáo dục đào tạo TP.HCM, từng là người thầy nhiều năm đứng trên bục giảng, hơn ai hết ông cảm nhận rõ những thất bại của giáo dục, và coi chấn hưng giáo dục là món nợ suốt đời mình. Nên dù đã nghỉ hưu, ông vẫn cùng đồng nghiệp ở viện Nghiên cứu giáo dục thực hiện những nghiên cứu sâu và toàn diện hơn, hướng tới một nền giáo dục khai minh.  


chân dung hội hoạ: Hoàng Tường



Theo ông, những xói mòn, đổ vỡ trong các thang giá trị, sự xuống cấp của đạo đức xã hội và tội ác tràn lan phải chăng có nguyên nhân từ bệnh chạy theo thành tích, coi nhẹ khoa học nhân văn, coi nhẹ giáo dục cái đẹp và cái thiện?  

Đổ mọi cái tệ hại cho bệnh chạy theo thành tích (phải gọi là sự dối trá mới đúng tên) là không đúng đâu. Chủ nghĩa cá nhân còn ghê gớm hơn. Mất tính người còn khủng khiếp hơn nữa. Einstein – nhà vật lý hàng đầu thế giới – từng cho rằng: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức chuyên môn hoá của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hoà. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như đối với cộng đồng”. Sự đổ vỡ sâu xa bên trong của nhiều mối quan hệ xã hội hiện nay là do lòng người thiếu tính người. Giáo dục của chúng ta đã coi trọng cung cấp học vấn hơn là dạy văn hoá làm người. Do vậy nhiều người có học vấn cao nhưng lại sống vô văn hoá. Trong cộng đồng người vô văn hoá mà tiếc thay có vẻ như ngày một đông lên, quan niệm “cái có lợi cho mình là cái tốt” đã thành tiêu chí duy nhất trong ứng xử, trong đánh giá mọi sự vật – hiện tượng, thành điểm tựa biện minh cho mọi cái xấu, cái ác mình làm đối với người khác, với cộng đồng. Đó còn là nguồn gốc của xung đột, của chiến tranh.

Nghiên cứu kỹ về đề tài xã hội học tập, ông có lo lắng nhiều không khi chúng ta cứ hô hào “công nhân là giai cấp tiền phong”, nhưng thực tế thì công nhân lại ít được hưởng điều kiện học tập nhất?  

Chúng ta hô hào nhiều điều lắm, và nhiều điều vẫn chỉ dừng lại ở lời hô hào, đâu phải chỉ riêng việc lo cho công nhân có cơ hội học tập. Đảng và Nhà nước chúng ta nợ rất nhiều lời hứa với người lao động. Một số doanh nghiệp có ý thức lo cho công nhân học tập nâng cao trình độ, nhưng đó chỉ là những điển hình hiếm hoi.

Từng là người thầy, nhà quản lý giáo dục, phó ban Tư tưởng văn hoá Thành uỷ… thất bại nào ông cho là lớn nhất với tư cách một “người trong cuộc” khi đối diện những vấn nạn của giáo dục hiện nay?  

Thất bại lớn nhất là không giúp đưa được chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu” vào đời sống. Chủ trương này đã và đang là khẩu hiệu suông, mang tính “an thần” là chính. Giáo dục chỉ thành quốc sách hàng đầu khi mỗi gia đình ý thức được một cách sâu sắc việc dạy dỗ con cái quan trọng hơn việc nuôi nấng chúng, khi giáo viên có mức sống đàng hoàng bằng lương tại trường, khi nghề làm thầy được người đời ngưỡng mộ vì uy tín xã hội cao. Hiện nay số thanh niên chọn ngành sư phạm ngày một ít, người học giỏi lại càng tránh nghề này vì xu hướng chung là cần chọn nghề nào thu nhập cao, được đánh giá cao, ít chịu thiệt thòi hơn nghề làm thầy. Vậy mà ai cũng biết rằng: giáo dục được một người đàn ông tốt, được một người dân tốt; giáo dục được người phụ nữ tốt, được một gia đình tốt; giáo dục được một người thầy tốt, được một thế hệ tốt. Tình trạng không thu hút được chất xám vào giáo dục đến lúc nào đó sẽ khiến cho kinh tế - xã hội của Việt Nam đi lùi, khiến cho các giềng mối của xã hội rã rời. Càng có tuổi, tôi càng thấm thía câu của nhà sư phạm Makarenko: “Con cái chúng ta, đó là tuổi già của chúng ta. Một sự giáo dục đúng đắn là tuổi già hạnh phúc của chúng ta; một sự giáo dục xấu, đó là nỗi khổ của chúng ta, nước mắt của chúng ta, lỗi lầm của chúng ta đối với người khác trong tương lai”.

Ông nghĩ gì về phẩm chất và năng lực của người làm giáo dục?  

Câu hỏi khó quá, dù tôi đã làm giáo dục gần nửa thế kỷ rồi! Người làm giáo dục cần nhiều phẩm chất, năng lực khác nhau về sư phạm, nhưng tôi chỉ nói về một thứ thôi, đó là trí thông minh giao tiếp: thông cảm được với người khác, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người mà mình dạy để từ đó đoán biết khó khăn, thuận lợi, nhu cầu của người đó. Trên cơ sở đó người thầy cố gắng đáp ứng nhu cầu của người học trong khi ứng xử hay dạy người đó học.

Một điều tôi rút ra được từ cuộc đời dạy học của mình: sau này ra đời, học sinh không còn “nhớ” đến nội dung bài giảng của thầy mà thường nhớ đến và hay nhắc đến cách ứng xử của thầy với mình, nhất là lúc mình gặp khó khăn. Trong lớp tôi chủ nhiệm từng có một học sinh kém toàn diện các môn, nên em sinh ra thiếu tự tin và che giấu tâm lý đó bằng cách… không tuân theo kỷ luật của lớp! Sau khi thử nhiều kiểu tiếp cận em mà không thu được hiệu quả, tôi tìm đến gia đình em. Hoá ra ở nhà, em là người lao động chủ lực, lao động giỏi nhất. Rời lớp về nhà là em lao vào việc đồng áng, làm cật lực, đến tối mịt mới thôi nên không có thời gian chuẩn bị bài đến trường. Suy nghĩ kỹ, tôi vận động em… bỏ học văn hoá để đi học nghề. Em nghe tôi và đi học nghề thợ máy bơm nước cho hợp tác xã. Nhiều năm trôi qua, tôi có quyết định đi B. Một trưa nắng đổ lửa trên đường Trường Sơn, tình cờ gặp em đang rải dây điện thoại theo đường mòn Hồ Chí Minh. Em mừng rỡ chạy đến ôm thầy và chiều lại còn xách một con gà đến trạm giao liên biếu thầy nữa. Hỏi em có giận vì tôi từng vận động em bỏ học, em trả lời không đắn đo: “Em đâu có giận thầy vì em biết thầy thương em, hiểu em, muốn điều tốt cho em”. Rồi em khoát tay chỉ ra núi rừng trùng điệp khoe toàn bộ đường điện thoại trên đường mòn này là của đơn vị em mắc – cử chỉ uy nghi như của một vị tướng, điều mà hồi còn học bí bét ở lớp, em không bao giờ có. Tôi biết quyết định ngược đời của mình ngày nào là một quyết định đúng. Em đã chọn đúng đường thích hợp để vào đời, phát huy được tốt nhất năng lực của mình, tìm lại được sự tự tin phải có ở một con người.

Còn phẩm chất cần có của người quản lý giáo dục?

Cần nhất là năng lực phát hiện vấn đề, học hỏi sâu rộng để luôn có nhiều phương án cải thiện tình hình. Làm quản lý giáo dục dễ gặp tình trạng bị mụ mẫm đi vì nhịp điệu quản lý công việc thường ngày, cuối cùng đành đi theo đường mòn có sẵn cho nhẹ, cho lẹ. Nhưng nếu năng động, sẽ không để mình bị cuốn trôi theo dòng công việc, phải tìm cách vượt lên, dù chấp nhận thử thách.

Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là khi còn làm trưởng phòng giáo dục quận 5 thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam. Hôm ấy đang họp ở sở thì phòng gọi lên báo có tình hình bất thường: bà con người Hoa tụ tập rất đông trước cổng trường, la lối đòi tràn vào trường vì nghe đồn con mình đang bị lấy máu để tiếp cho thương binh! Tôi hỏi đồng chí phó phòng xem có phương án hữu hiệu để bà con giải tán không. Đồng chí này là một người rất tháo vát và thông minh, liền đề xuất mở toang cổng trường, mời bà con vào xem con mình đang học. Phương án này đúng là ngoài “sách giáo khoa” rồi nên ai quyết thì phải chịu trách nhiệm nặng. Tôi hiểu điều đó nhưng đồng ý thi hành. Kết quả là bà con vào trường thấy con mình học yên ổn nên rủ nhau ra về trong trật tự, công an không phải can thiệp.
Việc gì cũng vậy, nếu cứ thụ động chờ cấp trên chỉ đạo rồi làm y theo, giữ phần an toàn cho mình thì sao gọi là cán bộ quản lý được?

Ông có đau lòng không khi hiện tượng “ăn theo, nói leo, nói minh hoạ” tràn lan trong giáo dục?

Đau lòng chứ, vì đó là minh chứng cho tình trạng không biết tư duy độc lập, không dám tư duy độc lập, sợ tư duy độc lập. Bài văn mẫu, phát biểu kiểu vuốt ve, đạo văn… tất cả những thứ đó là sản phẩm của ăn theo, nói leo, nói minh hoạ. Tình trạng này chứng minh rằng giáo dục chưa làm được sứ mạng khai sáng con người. Còn tình trạng này thì nước ta không phát triển tốt được. Lịch sử cho thấy những bước phát triển nhảy vọt trong mọi mặt đời sống của xã hội loài người luôn là trái ngọt của những tư duy độc lập, tư duy có tính đột phá. Không có tư duy độc lập thì chỉ có phát triển kiểu tiệm tiến mà thôi, có khi còn đi vào ngõ cụt.

Từng tham gia viết báo với những suy tư thẳng thắn và sâu sắc về giáo dục, ông nghĩ gì về “quyền lực” thực sự của báo chí?  

Trong thời đại thông tin này, báo chí nắm quyền lực rất lớn. Nay là thời đại của báo viết và báo điện tử, của truyền hình vệ tinh lan toả khắp thế giới nên “tiếng lành đồn xa” đã đành mà “tiếng xấu thì đồn càng xa”. Một cái tin có thể “giết” một con người, một doanh nghiệp, hay rộng hơn thế nữa. Không phải cứ có tin là đưa, là bình luận mà phải cân nhắc nó đem lợi hại gì cho xã hội về lâu về dài. Không ít người viết blog đã không suy tính như vậy.

Vậy nên tôi tự dặn mình viết báo phải trước hết là đem cái tâm tốt (muốn đem lại điều tốt cho xã hội, chứ không phải để được tiếng, để bài được chạy) và lấy cái nhìn khách quan, khoa học để phân tích hiện tượng, tìm ra nguyên nhân và hay nhất là chỉ ra cách khắc phục, cách hành động. Phê phán cái xấu cũng phải có liều lượng thích hợp, quá “đô” thì người bệnh bị phản ứng thuốc, bị sốc, có thể chết. Thường có tâm lý sau đây: người viết thì thích viết bài chê bai, lên án hơn vì thấy “đã tay”; độc giả thì đọc loại bài này cũng thấy “sướng tai” hơn. Cuối cùng các hiện tượng sự vật tốt ít được chú ý tới, thế là thiệt cho xã hội. Cỗ xe xã hội chỉ dùng đến phanh để hãm mà không dùng động cơ để tiến tới. Khen cái tốt cũng phải đúng mực, đừng tâng bốc quá mà phản tác dụng. Tôi rất thích đọc những bài viết về con người đang sống ở Trường Sa, tấm gương đời thường của họ khiến tôi tự nhủ mình phải sống cao thượng hơn. Đằng sau một bài báo tốt, tôi thấy thấp thoáng bóng thầy giáo, một thầy giáo dạy mình cách làm người, cách sống sao cho có ý nghĩa.

Người thầy thật sự của ông là ai? Những kinh nghiệm của riêng ông về sự học và tự học?

Người thầy thật sự của tôi là bất cứ ai giỏi hơn tôi về một lĩnh vực nào đó mà tôi thấy cần học. Tôi quan niệm sự học là vô cùng và nhà trường chỉ dạy được cho ta một số ít, khoảng 25% những điều cơ bản mà thôi, 75% còn lại ta phải học lấy trong đời, học suốt đời, mà tự học là chính. Muốn vậy, phải thấy mình dốt để có động cơ học hỏi không ngừng.

Nghĩ về giáo dục lẽ sống cho tuổi trẻ, theo ông, làm thế nào để đào tạo những con người lao động, con người yêu nước, con người tự do?

Giáo dục lẽ sống cho tuổi trẻ ngày nay không thể yêu cầu họ phải xả thân như lứa chúng tôi trong thời chiến. Nhưng có một yêu cầu bất di bất dịch, là phải sống bằng sức lao động của mình, gầy dựng tương lai bằng chính sức lực của mình. Trong nhà trường, trình độ và sự tín nhiệm của thầy cô, bạn bè là do chính lao động học tập và rèn luyện của mình mà có; khi ra đời thì của cải tinh thần và vật chất của mình do chính mình làm nên, không “đạo” bất cứ thứ gì của người khác, dù là đạo “văn” hay tiền bạc, đất đai. Những người được giáo dục theo tinh thần đó từ chỗ biết trân quý thành quả lao động của mình sẽ biết tôn trọng thành quả lao động của người khác, sẽ dũng cảm, dám bảo vệ của cải mình làm ra và khi một tấc đất, tấc biển của quê hương bị xâm phạm, họ sẽ xả thân để giành lại, điều mà mọi người yêu nước phải làm.

Còn để có một con người tự do ư? Trước hết phải đào tạo được người biết tư duy độc lập, biết hoài nghi khoa học, biết suy nghĩ bằng cái đầu của mình, dám phê phán cái sai, đủ sức nhận thức được cái tất yếu.

KIM YẾN thực hiện phỏng vấn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

http://giaoduc.net.vn/Uploaded/doquyen/2013_04_06/la-thu-gui-chu-tich-nuoc-trung-quoc-giaoduc.nett.vn4_635008132509930949.JPG

Hãy nhìn cô bé trong ảnh và xem cô bé đã làm gì nhé

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới

Nằm trong số 100 nước có GDP đầu người cao nhất thế giới, Turkmenistan chiếm vị trí "quán quân" về tham nhũng. Trong top 10 quốc gia tham nhũng còn có cả Nga, Venezuela và Ukraine

> 10 quốc gia nhiều tỷ phú nhất thế giới

Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) là thước đo được Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) đưa ra. CPI càng thấp hơn so với 10, tỷ lệ tham nhũng càng lớn.

Để tập trung vào các quốc gia có nhiều hoạt động kinh doanh, CNBC đã đối chiếu với danh sách 100 quốc gia có GDP đầu người cao nhất thế giới của Ngân hàng Thế giới để xếp hạng các nước có độ minh bạch thấp. GDP được sử dụng tại đây đã được điều chỉnh theo sức mua tương đương (Purchasing Power Parity).

1. Turkmenistan


Điểm CPI: 1,6
Xếp hạng: 177/183
GDP đầu người: 8.274 USD
Nằm trong số 100 nước có GDP đầu người cao nhất thế giới, nhưng Turkmenistan lại là quốc gia có điểm CPI thấp nhất. Nước này cũng xếp bét trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi Revenue Watch và Transparency International về độ cởi mở của Nhà nước trên tổng số 41 quốc gia giàu tài nguyên tham gia, nhất là về các chính sách đối với dầu mỏ, khí đốt và khai khoáng.
2. Guinea Xích Đạo


Điểm CPI: 1,9
Xếp hạng: 172/183
GDP đầu người: 34.732 USD
Tài sản của các gia đình quan chức tại Guinea Xích Đạo đang được kiểm soát chặt chẽ tại Mỹ, Pháp và Anh. Teodoro Nguema Obiang Mangue - Bộ trưởng Bộ Nông Lâm, đồng thời là con trai tổng thống đã sử dụng ít nhất 5 công ty Mỹ làm vỏ bọc để tích lũy lượng tài sản khổng lồ mà Bộ Tư pháp nước này cáo buộc là do nhận hối lộ. Hiện Pháp cũng đang thu giữ 11 chiếc xe ôtô trị giá 6 triệu USD của gia đình Obiang để điều tra.
3. Venezuela


Điểm CPI: 1,9
Xếp hạng: 172/183
GDP đầu người: 12.233
Theo Freedom House, “chính phủ Venezuela đóng vai trò lớn trong nền kinh tế, nhưng lại ít có những động thái làm giảm sự mơ hồ trong hệ thống chính sách, từ đó tạo khe hở để nạn tham nhũng hoành hành”. Các nỗ lực chống tham nhũng ở đây chủ yếu là nhằm vào các phe đối lập với tổng thống.
4. Angola


Điểm CPI: 2
Xếp hạng: 168/183
GDP đầu người: 6.120 USD
Kể từ tháng 3/2011, giới trẻ ở Angola đã liên tục biểu tình phản đối chế độ tham nhũng và độc tài của Tổng thống José Eduardo dos Santos - người đã tại vị 32 năm ở quốc gia này. Việc sản xuất dầu mỏ chiếm tới 85% GDP của Angola. Tuy vậy, chỉ có 2 trên 8 công ty dầu mỏ, khí đốt được chính phủ "bao bọc". Tại Angola, các công ty dầu mỏ nước ngoài không thể kinh doanh có lãi.
5. Paraguay


Điểm CPI: 2,2
Xếp hạng: 154/183
GDP đầu người: 5.181 USD
Báo cáo của Freedom House lại cho thấy tình hình nước này là “cực kỳ tham nhũng” dù chính phủ đương nhiệm Paraguay cam kết tăng cường minh bạch. Báo cáo này tiết lộ rằng các vụ tham nhũng ở đây nhiều khi không được mang ra xét xử do tòa án thiên vị những người giàu có và quyền lực. Còn các chính trị gia thì ngăn cản tòa án thực hiện các vụ điều tra. Họ cũng lên án tình trạng bắt giữ và tra tấn người trái phép của cảnh sát Paraguay.
6. Ukraine


Điểm CPI: 2,3
Xếp hạng: 152/183
GDP đầu người: 6.721 USD
Theo báo cáo của TI, 59% người dân Ukraine cho rằng các biện pháp phòng chống tham nhũng hiện tại của chính phủ là chưa hiệu quả. Kết quả của cuộc khảo sát Hệ thống quốc gia thống nhất 2011 cũng cho thấy các đảng phái chính trị lớn ở quốc gia này có rất ít hoạt động chống tham nhũng. Đã có nhiều lo ngại về chế độ pháp luật nước này sau khi cựu thủ tướng Yulina Tymoshenko và một vài thành viên chính phủ bị cáo buộc lạm dụng quyền lực năm 2010.
Tuy nhiên, chính phủ nước này bác bỏ hoàn toàn tin tức trên và nói rằng các công tố viên không hề nhằm vào phe đối lập. Bà Tymoshenko đã bị kết án vào tháng 10 năm ngoái và sẽ phải ngồi tù 7 năm. Còn Bộ Ngoại giao Mỹ thì cho rằng đây là hành động “làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế”.
7. Nga


Điểm CPI: 2.4
Xếp hạng: 143/183
GDP đầu người: 19.840 USD
Theo khảo sát toàn cầu của TI đối với các CEO, trong tất cả các quốc gia công nghiệp hóa, Nga có lẽ là nước có khả năng tham nhũng nhất. Tuy rằng gần đây, nước này đã ký hiệp ước cam kết sẽ khởi tố các công ty Nga bị phát hiện đưa hối lộ, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn cho rằng, tòa án Nga chịu ảnh hưởng của chế độ chính trị, và nhân quyền cũng không công bằng.
8. Belarus


Điểm CPI: 2.4
Xếp hạng: 143/183
GDP đầu người: 13.928 USD
Belarus tách khỏi Liên Xô năm 1991 và hiện nằm dưới quyền Tổng thống Alexander Lukashenko. Quốc gia này được tổ chức phi chính phủ Freedom House đánh giá là: “Tham nhũng do chế độ độc tài và sự thiếu minh bạch, cũng như không đáng tin cậy của chính phủ”.
9. Azerbaijan


Điểm CPI: 2,4
Xếp hạng: 143/183
GDP đầu người: 9.943 USD
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nạn tham nhũng ở Ajerbaijan đang rất trầm trọng. Nhân quyền bị lạm dụng, bạo lực chống lại báo chí và người biểu tình thường xuyên diễn ra và những người tình nghi phạm tội thường bị tra tấn rất nhiều. Có tới 47% người dân nước này đã phải đút lót để được sử dụng các dịch vụ công cộng.
10. Lebanon


Điểm CPI: 2,5
Xếp hạng: 134/183
GDP đầu người: 14.067 USD
Theo báo cáo của TI, 82% người dân Lebanon nói rằng nạn tham nhũng đang ngày càng trở nên tồi tệ trong vòng ba năm trở lại đây. 1/3 số người được hỏi cho biết họ phải “lót tay” cho quan chức để được tiếp cận các dịch vụ công cộng. Vì vậy, từ năm ngoái, TI đã thực hiện chiến dịch “Thức tỉnh tham nhũng” để đấu tranh giành quyền tự do truy cập thông tin, cải tổ hệ thống bầu cử và chống hối lộ trong ngành y tế Lebanon.
Hà Thu (Theo CNBC)
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

10 nước và vùng lãnh thổ giàu nhất thế giới


1. Qatar


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 88.222 USD.

2. Luxembourg


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 81.466 USD.

3. Singapore


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 56.694 USD.

4. Nauy


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 51.959 USD.

5. Brunei


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 48.333 USD.

6. UAE


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 47.439 USD.

7. Mỹ


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 46.860 USD.

8. Hồng Kong


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 45.944 USD/

9. Thụy Sĩ


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 41.950 USD.

10. Hà Lan


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 40.973 USD.

(Theo VnEconomy)
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [88] [89] [90] [91] [92] [93] [94] ... ›Trang sau »Trang cuối