Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [59] [60] [61] [62] [63] [64] [65] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

letam

                    Kể công   
TT - Nhà báo mấy ông là quá đáng lắm, ỷ có phương tiện trong tay muốn nói gì thì nói, không cho người ta nói lại...


- Xin lỗi ông là ai? Xưa nay, đến tội phạm chúng tôi cũng chưa đối xử thế nữa là...

- Trước hết, xin tự giới thiệu tôi là Đinh Văn Tặc - chủ tịch hội rải đinh. Vừa qua, báo mấy ông mở chiến dịch tấn công hội viên chúng tôi. Dĩ nhiên tôi không phủ nhận rằng công việc của những người rải đinh cũng có gây phiền hà cho xã hội, nhưng không hẳn là xấu cả đâu nhé.

- Không xấu?

- Dĩ nhiên. Trước hết, hội viên hội rải đinh đều xuất thân nghèo khổ, phải mở tiệm vá xe bên đường kiếm sống. Nhưng do xe ngày càng xịn, mấy khi xẹp lốp để vá nên chúng tôi phải đi rải đinh để mở rộng đầu vào cho công việc. Nhờ đó chúng tôi đã thành công trong việc xóa đói giảm nghèo cho anh em hội viên. Chưa hết, nhờ chúng tôi mà các tổ hợp sản xuất ruột xe cũng phục hồi, sau nhiều năm đóng cửa vì những công ty sản xuất quy mô lớn. Nói tóm lại, xét về khía cạnh kinh tế, chúng tôi đã làm rất tốt.

- Còn gì không, nói nốt luôn?

- Về mặt xã hội, trong khi các nơi đều kêu gào bất lực trước nạn đua xe thì trên các đoạn đường mà chúng tôi có rải đinh, đố có cậu choai choai nào dám làm yêng hùng...

- Ối trời, đến kẻ cướp mà ngày nay cũng dám vỗ ngực kể công thì đúng là hết ý kiến!

BÚT BI  
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Xây đắp nền tảng nhân văn cho thế hệ tương lai



Trong một thời gian dài “lấy lòng mong muốn thay cho thực tế…bất chấp quy luật của lịch sử, muốn đốt cháy giai đoạn…thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn” (Phạm Văn Đồng), chúng ta đã sao nhãng, thậm chí là coi thường việc vun đắp cái nền tảng của quá trình “trồng người”, mà hệ lụy của nó là những suy thoái của giáo dục và đào tạo mà chúng ta đang phải gánh chịu hôm nay!

Xin chỉ gợi ra đây một vấn đề: chỉ tập trung vào giáo dục lý tưởng mà lơ là xây đắp cái nền tảng nhân văn trong định hình nhân cách cho thế hệ trẻ.

Giáo dục lý tưởng đương nhiên là cần thiết, song không nên cho rằng lý tưởng của Lý Tử Trọng của thế kỷ XX là cao hơn lý tưởng của Trần Quốc Toản thế kỷ XIII. Và lại càng phải thấy cho rõ phạm trù lý tưởng gắn liền với mục đích và ý nghĩa của cuộc sống con người. Tùy thuộc vào sự nhận thức về mục đích và ý nghĩa cuộc sống của từng người, từng nhóm xã hội mà có sự định hình lý tưởng.

Khi Trần Quốc Toản ghi trên lá cờ của mình sáu chữ “Phá cường địch, báo Hoàng ân” thì đó là sự thể hiện lý tưởng trung quân ái quốc của chàng tuổi trẻ quý tộc đời nhà Trần. Đừng nghĩ rằng lý tưởng “trung quân ái quốc” là thấp hơn lý tưởng “trung với nước, hiếu với dân”, mà không thấy mỗi giai đoạn lịch sử có những đòi hỏi mang tính đặc thù. Bởi lẽ, như Các Mác đã giải thích rất đúng: “mỗi thời kỳ lịch sử đều có những quy luật riêng của nó… Một khi cuộc sống đã vuợt qua một thời kỳ phát triển nhất định, đã từ giai đoạn này bước sang giai đoạn khác, thì nó cũng bắt đầu bị những quy luật khác chi phối."

Chính vì thế, lý tưởng phải được hình thành, củng cố và phát huy sức mạnh của nó trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn. Thiếu cái nền tảng đó, lý tưởng sẽ thiếu mất tính bền vững và và chiều sâu nhân bản. Sẽ quá dài dòng để phải nhắc lại một thời mà chủ nghĩa nhân văn bị phê phán do chịu ảnh hưởng của giáo điều Maoít, chỉ coi trọng “giai cấp tính”, đặt vấn đề “nhân tính” trong cái lăng kính giai cấp để chịu sự chi phối của “giai cấp tính”.

Hệ lụy của nó thì chắc không phải kể ra đây nữa. Khi chỉ chuyên chú giáo dục lý tưởng theo lăng kính “ý thức hệ”, người ta dễ dàng bỏ qua những phẩm chất “người” trong quan hệ giữa người và người từ trong gia đình, cộng đồng xã hội nhỏ nhất, đến nhà trường, một cộng đồng lớn hơn của tuổi trẻ, và hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” cho đến cộng đồng lớn là xã hội. Người ta không thấy được rằng, nếu thiếu một nền tảng nhân văn vững chắc được hun đúc từ tấm bé, lý trí cũng như tình cảm của con người dễ bị chao đảo, định hướng của hành vi do vậy cũng bị nhiễu loạn, bị xáo trộn.

Sự suy thoái đạo lý xã hội cần tìm nguyên nhân từ những điều vừa nói. Hơn nữa, nền tảng nhân văn đang được bồi đắp thêm trong bối cảnh của nền văn minh mới, nền văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI. Trong nền văn minh đó, “sự thay đổi vĩ đại nhất sẽ là sự thay đổi về tri thức-về hình thức và nội dung, về ý nghĩa của tri thức, về trách nhiệm của tri thức và về những đặc điểm của con người có giáo dục”.(1) Để có được “con người có giáo dục” với những đặc điểm mang tính thời đại ấy, nhiệm vụ của hệ thống giáo dục và đào tạo sẽ càng nặng nề thêm.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Tia sáng “Để có lớp trí thức xứng đáng”, giáo sư Hoàng Tụy đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập của một bộ phận không nhỏ những trí thức được đào tạo trong thời gian qua, do “…thiếu căn bản về văn hóa phổ quát. Tư duy của họ chỉ phát triển theo một đường ray mà hễ ai trật ra là nguy hiểm. Cho nên trừ những người ý thức được điều đó, còn số khá đông thường chỉ là những chuyên viên kỹ thuật được trang bị một số vốn kiến thức kỹ thuật, chuyên môn hẹp nào đó, ở thời đó, và cũng rất mau lạc hậu, nhưng thiếu một nhãn quan rộng, thiếu một tầm nhìn ra ngoài ngành nghề hẹp của mình, cho nên bị hạn chế ngay trong việc phát triển chuyên môn, và càng bị hạn chế đứng trước những vấn đề xã hội, văn hóa không thuộc phạm vi chuyên môn hẹp của mình.

Hầu như mỗi người chỉ biết việc của mình, chỉ lo cho mình, it khả năng và cũng không thich thú hợp tác với bạn bè đồng nghiệp. Dễ bị lâm vào thế ếch ngồi đáy giếng, dễ mắc bệnh vĩ cuồng, không hòa nhập vào dòng chảy văn minh của thời đại, không chấp nhận luật chơi quốc tế, rồi ngày càng tụt hâu mà vẫn tự ru ngủ mình, tự đánh lừa mình, và đánh lừa nhân dân mình với những thành tích không có thật. Chạy theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn bệnh thời đại”.

Chỉ ra căn bệnh của một bộ phận trí thức đang thực hiện sứ mệnh giáo dục và đào tạo, nói rộng hơn, sứ mệnh trau giồi văn hóa, chuyển tải văn hóa cho thế hệ trẻ, cũng là để gióng lên tiếng chuông cảnh báo đối với những ai đang gánh trên vai mình sứ mệnh nặng nề đối với đất nước. Cần hiểu rằng, giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ở bậc đại học, nói như bà Drew G. Faust, Hiệu trưởng Đại học Harvard trong diễn từ nhậm chức ngày 12.10.2007 “cái học ở đại học” là “cái học đúc khuôn cho cả đời người, cái học chuyển đạt gia tài của ngàn năm trước, cái học tạo ra vóc dáng cho tương lai”.

Cam kết của đại học là vô thời hạn, thành tựu không tiên đoán được, không đo lường được, nỗ lực làm việc không phải để tăng sức cạnh tranh mà là để “định nghĩa cái gì đã làm chúng ta là người qua bao nhiêu thế kỷ“, cái gì giúp ta “hiểu ta là ai, từ đâu đến, đi về đâu và tại sao”. Đi tìm ý nghĩa như vậy là một hành trình bất tận, luôn luôn đặt lại vấn đề, luôn luôn gặp giải thích mới, không bao giờ bằng lòng với những khám phá đã có, câu trả lời này chỉ gợi lên câu hỏi tiếp theo. (2)

Cùng với sự thiếu hụt một văn hóa phổ quát do sự lạc hậu của hệ thống giáo dục, sự đứt gãy của văn hóa truyền thống đang tác động mạnh đến đời sống tinh thần của thế hệ trẻ. Đó là chất xúc tác làm cho một bộ phận đáng kể thanh thiếu niên đứng trước nguy cơ xuống cấp về đạo đức, xa rời các giá trị truyền thống của dân tộc. Nói đến tuổi trẻ là nói đến hoài bão, nói đến ước mơ và hành động, thế mà có một bộ phận không nhỏ những người trẻ tuổi, trong đó có những sinh viên, đang là lực lượng chủ lực sẽ bổ sung vào đội ngũ trí thức, lại thiếu những năng lực cần thiết để đương đầu với những biến động đầy phức tạp của xã hội hiện đại khi thiếu khả năng phê phán, yếu năng lực tư duy sáng tạo để tìm ra con đường giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Và nói đến tuổi trẻ, không thể không nói đến thanh thiếu niên nông thôn với cuộc sống của phần lớn làng quê, nơi kinh tế có phần nào cải thiện, nhưng lối sống chưa mấy đổi thay, đời sống văn hóa hiện nay hết sức nghèo nàn, lại đang hứng chịu những cặn bã của văn minh đô thị.

Vực dậy một nền văn hóa khó gấp bội phần vực dậy một nền kinh tế. Đừng quên rằng, văn hóa không phải là mỳ ăn liền, văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu. Việc ăn tươi nuốt sống những sản phẩm văn hóa không tương thích với môi trường sống và phong tục tập quán sẽ gây độc hại nhiều hơn là thêm dưỡng chất. Tuổi trẻ đang cần những dưỡng chất đến từ một nền văn hóa mà trong đó, những tinh hoa của truyền thống dân tộc được thăng hoa trong quá trình chọn lựa và tiếp thu những thành tựu của văn hóa và văn minh của thời đại nhằm tăng thêm sức đề kháng chống trả những cặn bả của nền văn minh mà người ta đã thải loại ra.

Để kết thúc bản tham luận đã quá dài, xin dừng lại với một thông điệp của M Gorky, nhà văn Xô viết từng một thời chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong các giáo trình văn học và lý luận văn học giảng dạy ở bậc đại học của ta. Trong Những ý tưởng không hợp thời đăng trên nhật báo Novaja Žizn (Đời Mới) những năm 1917-1918, Gorky đã cảnh báo: “Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần." … Vì vậy mà: “Dân tộc này phải còn nỗ lực rất nhiều đế đạt đến ý thức về bản sắc và nhân phẩm của nó. Dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa cháy không bao giờ dứt của văn hóa, tinh thần nô lệ đã hằn sâu trong nó phải bị tẩy sạch đi ”. Cho nên, văn hào Xô Viết ấy đã quyết liệt mà rằng: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi “Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”

Tôi tin rằng, thông điệp ấy không chỉ gửi riêng cho người Nga, và đối với chúng ta, những người đang có nhiều suy tư về con người Việt Nam, đối tượng của giáo dục và đào tạo, nội dung của thông điệp đưa ra ngót một thế kỷ dường như vẫn còn nguyên tính thời sự!


Chú thích:

(1) Peter F. Drucker. “Post-Capitalist society " Harper Business 1993)
(2) Dẫn lại theo Cao Huy Thuần. Tạp chí Thời đại.

GS. TƯƠNG LAI
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cafe_coc

TIỂU ĐƯỜNG: BỆNH KHÓ TRỊ_Cấm không được đái? <=> đái không được cấm?

http://inlinethumb38.webshots.com/47269/2790335910098439191S600x600Q85.jpg

Đái đường... bộ Y Tế Việt Nam xác định là bệnh xã hội rồi đó nha... coi bạn Trần Văn Giang viết tiểu luận dzìa cái bệnh này nè...


Cấm Đái Bậy!
Có nhiều chuyện xẩy ra trong đời sống một cách tự nhiên; chẳng hạn như đi ngủ và đi… tiểu. Các chuyện được xem là tự nhiên sẽ không còn gì là tự nhiên nữa nếu chúng ta bắt buộc phải quan tâm đến nó. Hơn thế, vấn đề bài tiết của cơ thể thật tình không có gì hấp hẫn, thú vị để đề cập đến; nhưng để “tự nhiên” cho đến mức độ mà cả xóm, cả thành phố, cả nước hôi mùi… nước đái thì vấn đề “nặng mùi” này phải là một phần trách nhiệm của từng công dân, của người lãnh đạo, của người vẽ, hoạch định chính sách của nhà nước - một vấn đề to tát của quốc gia chứ không phải chỉ riêng gì chuyện đại hội đảng, bầu cử quốc hội, tổng thống, chủ tịch nhà nước… chuyện chống lạm phát kinh tế… chuyện chống tham nhũng…!

http://inlinethumb56.webshots.com/45239/2923813830098439191S600x600Q85.jpg

Từ thuở hoang sơ, dân số còn ít và con người còn sống rải rác thì “tiểu đồng” không bao giờ là vấn đề. Thực ra, vào thời xưa, vì phương tiện để giải trí còn rất thiếu thốn, thì tiểu đồng là một cái thú thật thuận tiện và không tốn kém của nhân lọai. Còn gì thích thú cho bằng vừa đứng xả bầu tâm sự giữa ánh nắng ban ngày vừa nghe chim hót và tiếng gió thổi rì rào chung quanh. Có lẽ thời nay chỉ có “ngồi cầu cá dồ” là có thể tạm so sánh được với “tiểu đồng” thôi! Nhưng mà hôm nay, thế kỷ 21 rồi, con người sống chen chúc nhau trong các thành phố đông người, thiên nhiên không thể nào bao dung rộng lượng với con người như lúc xưa nữa. Vấn đề đái đường, tường, gốc cây, góc phố, góc kẹt… phải cần xét lại. Ngòai lý do dơ bẩn, nguồn gốc của nhiều bệnh tật… nó, một mặt, tè lên danh dự của dân tộc khi du khách ngọai quốc nhìn thấy… mặt khác nó cũng là dấu hiệu gián tiếp bảo họ (du khách) “đừng nên trở lại đây nữa nhé!” Buồn chưa?

http://inlinethumb24.webshots.com/45655/2232550870098439191S600x600Q85.jpg

Trước hết hãy nói về người đái bậy. Đã có người tranh luận là “À! Nếu mót quá mà không có nhà vệ sinh công cộng nào ở gần thì làm sao bây giờ?” Nhưng phải thành thực công nhận là trong số người hay đái bậy, đại đa số là đàn ông! Tại sao vậy? Có phải là các bà nín giỏi hơn các ông? Các “chuyên gia” về “đái đường” không đồng ý như vậy. Họ nói là các bà không “cẩu thả,” “lười biếng” và “vô trách nhiệm” như các ông (?) Các bà không hay uống rượu (bia), cà phê, trà… đại lọai những thứ làm cho bàng quang đầy tràn bình mau hơn. Ngoài ra, vì lẽ việc thải nước thừa trong người ra ngoài, các bà thường phải cần có nhiều thời giờ hơn, phải cần chỗ kín đáo hơn. Họ không thể đứng tô hô giữa thiên thanh bạch nhật rồi “hit and run” như đàn ông cho nên họ phải cẩn thận hơn. Các bà chỉ đi chợ, shopping… những nơi mà họ biết có nhà vệ sinh công cộng có thể dùng được, trong khi các ông lại ít quan tâm đến các yếu tố lặt vặt mà rất cần thiết này. Vậy đề nghị các bác trai nên bỏ bớt chút ít thời giờ nhậu nhẹt để học cái “bí quyết thần kỳ” này của các bác gái xem sao!

http://inlinethumb59.webshots.com/44666/2481215350098439191S600x600Q85.jpg

Bây giờ nói rộng hơn về vai trò “dân trí” và “văn minh” của dân tộc (dĩ nhiên là cũng trong vấn đề đái bậy!) Có rất nhiều người, trong đó có cả nguyên thủ của các quốc gia như Nam Dương, Đài Loan, Đại Hàn… đã từng tuyên bố nhiều lần đại khái là: “Nếu muốn xét trình độ văn minh của một dân tộc xem nó đến mức độ nào thì chỉ việc nhìn vào nhà vệ sinh công cộng của họ là đủ!” (The public toilet is to reflect the civilization index of each country. It also reveals the country’s civilization level and quality of life).
Ngạn ngữ Nhật bản có câu: “Nhà vệ sinh (buồng tắm) là một phần của đời sống. Chỉ nhìn vào buồng tắm của một gia đình là biết rõ gia đình đó như thế nào?” (Họ có sống ngăn nắp không? Có chăm sóc nhà cửa con cái của họ thích đáng không?)
Nếu có lời nói nào đơn giản và dễ hiểu hơn về vấn đề văn minh của dân tộc thì xin các bác làm ơn mách dùm cho cháu biết với? Người Nhật quan niệm đúng theo cái nghĩa “tề gia trị quốc” của dân Á châu chịu ảnh hưởng Khổng Mạnh. Đúng vậy! Nhà ở mà giống như đống rác thì ra ngoài đái đường có gì mà phải ngạc nhiên?

Vì vấn đề cắt giảm ngân sách, giảm chi phí cho tiện nghi công cộng, nhiều thành phố hoa lệ nổi tiếng trước kia như Paris, New York…, nay rất nhiều du khách đã phải lớn tiếng than vãn về “mùi nước đái” (New York’s subway systems và các đường hẻm - alleys…) và “phân chó.” (Paris ngòai vấn đề thiếu nhà vệ sinh công cộng còn bị 200 ngàn con chó tự do sản xuất 160 tấn phân mỗi ngày trên đường đi mà chính quyền thành phố không đủ nhân lực, phương tiện để dọn dẹp!).

http://inlinethumb05.webshots.com/30532/2205645110098439191S600x600Q85.jpg

Dầu có che mắt hay bịt mũi, cũng phải công nhận rằng: Có sẵn phương tiện và khả năng xây dựng lên các nhà vệ sinh công cộng đã là một chuyện đại sự rồi; phải giữ gìn bảo trì chúng cho sạch sẽ ở mức độ chấp nhận được đòi hỏi ngân sách to lớn và sự ý thức, sự tham gia, sự giáo dục, sự thành tâm hợp tác giữa chính phủ và quần chúng… Kích thước của vấn đề này chỉ nghĩ đến thôi cũng có thể bí đái rồi… nói chi đến chuyện thi hành.

Bây giờ nói về đất nước Việt Nam độc lập tự do hạnh phúc của mình. Nhà cháu xin nói rõ đây không phải là vấn đề vạch áo cho người xem lưng, hay bôi xấu dân tộc mà là bảo nhỏ với nhau bằng tiếng Việt đàng hòang! Đã có nhiều bác quá khích hấp tấp (nếu chưa nói là vô phép) văng tục một cách vô trật tự là “Việt Nam với 4,000 văn hiến đâu chẳng thấy mà chỉ thấy 4,000 năm đái đường!” Nhà cháu xin nhờ các bác nóng tính này một tí! Nhìn qua các chương trình đã và đang thực hiện trong thời buổi “đổi mới,” chúng ta thấy các khách sạn 5 sao, dinh thự “hòanh tráng” của các tay nhà giầu mới (mặc dù lương căn bản mỗi tháng của nhiều người chủ của cơ sở này không quá 200 đô la?), tượng đài hùng vĩ (kể cà công trình xây “lăng tẩm” cho người chết ở thế kỷ 21!) mọc lên như nấm… nhưng lại thấy thiếu bóng các xây dựng khiêm nhường, nhỏ bé nhưng cần thiết hơn nhiều. Đó là: “nhà xí công cộng.” Cứ tưởng tượng quang cảnh tương tự như là trong việc thi hành đường lối “đổi mới,” Việt Nam đã xây dựng rất nhiều ngôi nhà (bằng tiền thiếu vệ sinh!?) to lớn nhưng không hiểu đầu óc của giới lãnh đạo “định hướng” thế nào mà quên không cho vào “bàn cầu” một cái lỗ! Thiệt là chuyện “văng vãi tùm lum!” Việt Nam đã có cách mạng (có nghĩa là thay đổi tất cả những cái cũ) vô sản vinh quang “thành công” rồi; nay lại muốn thay đổi tòan diện (“đổi mới”) thì chỉ có cách “đổi thành cũ” mới đúng chứ! Chữ với nghĩa rõ chán! “Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng hay!” “Nói đi cũng phải, nói lại cũng dễ nghe!”

http://inlinethumb04.webshots.com/45059/2720142920098439191S600x600Q85.jpg

Tại các thành phố lớn, số bảng “Cấm Đái,” nếu các bác rảnh hơi chịu khó đếm ra cho có con số chính xác, còn thấy nhiều hơn cả các bảng, băng “rôn” (biểu ngữ) ca ngợi sự lãnh đạo sáng suốt của Bác và Đảng. Các bảng lọai này nhiều đến mức độ làm cho du khách ngọai quốc phải hiểu lầm như trong trường hợp có thật đã xẩy ra cười ra nước mắt như sau:
Một du khách tây phương hỏi anh hướng dẫn viên du lịch (tour guide) ở Việt Nam:
“Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần. Ở Việt Nam có hai vịnh (“bay”) rất nổi tiếng mà tôi đã đi thăm. Đó là: "Ha Long Bay" và "Cam Ranh Bay." Nhưng còn một vịnh tôi thấy quảng cáo rất nhiều, ở trên tường, cây đại thụ bên đường, trong hẻm. Mà nó nằm ở đâu vậy? Anh có thể dẫn chúng tôi đi thăm được không?”
Anh hướng dẫn viên vội hỏi:
“Xin ông cho biết tên của cái vịnh đó là gì?”
Ông khách chỉ lên bức tường bên đường rồi bập bẹ đánh vần: “CAM DAI BAY!”…
Chỉ đọc cho qua nội dung của các bảng “cấm đái” đã đủ hiểu sự phong phú của tiếng Việt mình đến mức nào. Các bảng “cấm đái” có nhiều lời lẽ dài ngắn với cường độ khác nhau: từ lịch sự năn nỉ sự thông cảm như “Xin đừng đái nơi đây;” cho đến các lời cấm khô khan “Cấm Đái;” “Cấm không được đái;” cho đến lời đe dọa nặng nề có kèm theo cả các biện pháp chế tài (tưởng tượng) như “Cấm tuyệt đối không được đái. Vi phạm sẽ bi phạt nặng.” Dưới hàng chữ hăm dọa “phạt nặng” này lại ghi rõ tên các cơ sở có đầy đủ thẩm quyển như “Công an Phường…” Lời hăm dọa chế tài đôi khi còn được cho thêm “ấn tượng” với hình vẽ một con dao mà phần cạnh bén được sơn màu đỏ, có các giọt sơn đỏ (xem như) còn ướt nhỏ xuống giống như dao vừa mới được “làm việc” xong! Thực tế rất phũ phàng các bác ạ. Tất cả các bảng “cấm đái” đều hòan tòan vô dụng bởi vì không hề thấy có bóng dáng công an cảnh sát nào ở gần đó để các làm các bác muốn đái bậy phải sợ. Công an còn đang bận “làm việc” gì đó mà họ xem là quan trọng hơn chuyện đái bậy. Phải lấy làm lạ là ở Việt Nam công an có thừa thời giờ “bịt mồm” dân mà lại không có thời giờ “bịt chim” của dân cho bỏ cái tật đái bậy!? Đây là chưa kể chính ngay công an cũng thường ra đái ở đây mới chết chứ! Oái oăm ở chỗ là các lọai bảng “cấm” này hình như có ảnh hưởng ngược lại (“reverse effect!”). Nó có sức lôi cuốn và nhắc nhở mọi người rằng ở đây “đái được không cấm” (các bác thử đọc ngược từng chữ một của câu “cấm không được đái” từ phải qua trái xem sao?!)

http://inlinethumb49.webshots.com/13296/2353039190098439191S600x600Q85.jpg

Quang cảnh “đái đường” mới thật là một bản bi hài kịch dài không bao giờ hạ màn. Lần về thăm lại Sàigòn gần đây, nhà cháu chứng kiến cảnh một thanh niên ăn mặc khá bảnh bao, áo bỏ trong quần hẳn hoi, cầm tay đào đi dung dăng dung dẻ trên hè phố rất mùi mẫn. Bổng nhiên anh ta quay qua nói với cô bồ câu gì đó (nhà cháu đóan non đoán già là “Anh mắc… quá! Chờ chút xíu để anh…”). Thế là anh ta để cô đào đứng tuỗn ra ở bên lề đường; anh ta quay bước vào bức tường gần đó rồi thong thả xả bình tự nhiên như con “kiki” của nhà cháu lúc nó buồn tình đi vòng vòng “marking territory” chơi chung quanh xóm vậy.

Sau khi đóng nút quần xong xuôi, anh chàng ta đi trở ra cầm tay đào (yuck!) và dung dăng dung dẻ tiếp như không có chuyện gì xẩy ra! Hãi thật! Sao có thể như vậy được! Phải có người nào ở chung quanh đó nói lên một tiếng chứ! Hay ít nhất cô đào thơ mộng của anh ta dù không tiện nói cái gì nhưng cũng nên tạm thời không cho anh kép đẹp giai này cầm tay chứ!
Trong một dịp khác được bạn bè chở ra Bình Triệu (ở ngọai ô Sàigòn) để ăn nhậu, nhà cháu thấy có một ông vào tuổi sồn sồn có vẻ bệ vệ của một đại gia (?) mặc “vét tông” lái xe ô tô rất “xịn,” đột ngột dừng xe lại bên lề đường, một tay vạch quần đái vào tường tỉnh bơ con sáo sậu; trong khi tay kia vẫn đang cầm điện thọai di động và miệng thì vẫn đang bi bô ra chỉ thị (qua điện thọai) cứ như đang “làm việc” ở văn phòng riêng!
Việt Nam vào thời kỳ “đổi mới” có khác! Cũng còn may là các thành phố ở Việt Nam không có mùi phân chó; bởi vì chó không đủ cung cấp cho các tiệm nhậu. Dân nhậu nhìn thấy chó còn sống đi ngang qua mặt là đã thấy chẩy nước miếng rồi. Lấy đâu ra chó sút chuồng đi rong đái bậy, “marking territories?” Nếu có đi nữa thì đây là lọai chó chán sống; chỉ tổ bị hàng xóm lén đập đầu bắt cóc nấu rượu mận “chui” ngay tức thì! Thiệt tình, vào thời buổi “đổi mới,” “kinh tế thị trường,” “định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ thấy có cán bộ và đảng viên CS là sống phè phỡn. Còn lại, đến chó cũng phải hồi hộp khó sống, nói chi đến thường dân khố rách áo ôm!

http://inlinethumb02.webshots.com/44993/2363752710098439191S600x600Q85.jpg

Dân số Việt Nam càng lúc càng tăng nhanh, vấn đề đái bậy mỗi ngày sẽ càng trầm trọng hơn. Xin các bác các thím có thẩm quyền, có quyền cao chức rộng ở Việt Nam hãy ra lệnh cho tạm giảm bớt các chương trình hoa mỹ tuyển lựa “ca sĩ,” “hoa hậu…,” “kỷ niệm chiến thắng…” giảm xây cất (hay đập bỏ bớt đi!) các tượng đài kỷ niệm vô tích sự hao tổn công qũy và bắt đầu quan tâm hơn đến các vấn đề thực tế sát với đời sống hàng ngày của dân ngu khu đen như đái đường, xả rác, cống rãnh, giao thông “ùn tắc…” Nếu không bắt đầu từ bây giờ thì đợi đến lúc nào? Không lẽ các bác lãnh đạo đợi dịp để bán cái cho Việt kiều yêu nước hay con cháu của các bác học tốt nghiệp xong từ các đại học ở Mỹ, Úc, Pháp…
Tóm lại, “nhà xí công cộng” thực sự là cái thước để đo sự trưởng thành của một dân tộc. Dân chúng không cần các tượng đài hùng vĩ mà cần các nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ chẳng riêng cho người bình thường mà cả trẻ em, người già và ngưới tàn tật cũng có thể xử dụng được. Ở đó nhân viên của nhà vệ sinh được dùng không phải là để ngồi trước cửa thâu tiền; mà lo dọn dẹp cho sạch sẽ bên trong. Hay là nhà cháu mạo muội đề nghị là nhà nước ta nên xúc tiến ngay một chương trình xây cất hàng lọat các nhà xí công cộng miễn phí trong nước đồng thời người dân nào đến sử dụng (thay vì phải đi đái đường) còn được phát một món quà nhỏ tượng trưng - chẳng hạn như được tặng miễn phí một ổ bánh mì thịt sau mỗi lần thăm viếng! Nếu đất nước đạt được cái “chỉ tiêu” đó thì thiên đường chắc cũng chỉ đến thế thôi!
Sự thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoan1982

“Những con số về lỗi chính tả làm tôi rất sốc”
(Dân trí) - TS Nguyễn Ái Việt, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, dù biết trước tình trạng lỗi chính tả trong văn bản tiếng Việt là rất tệ, nhưng sau khi có kết quả nghiên cứu về vấn đề này, ông vẫn rất… “sốc”.
>>  Lỗi chính tả trong văn bản tiếng Việt gấp 8 lần chuẩn
Viện Công nghệ thông tin, nơi TS Nguyễn Ái Việt làm Phó Viện trưởng là đơn vị vừa đưa ra Báo cáo về Tình hình chính tả trong văn bản tiếng Việt. Phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông xung quanh bản báo cáo này.

Thưa ông, những con số, kết quả từ đợt nghiên cứu lỗi chính tả trong văn bản tiếng Việt vừa qua có khác nhiều so với hình dung ban đầu của ông về thực trạng lỗi chính tả?

Trước khi có kết quả nghiên cứu mình cũng biết lỗi chính tả trong văn bản ở tình trạng rất tệ. Nhưng khi mình thấy các con số thống kê, mình không ngờ lại đến mức độ như thế.

Trước đây mình chỉ biết chung chung, nhưng các con số từ thực tế làm mình rất… sốc. Đúng là con số nói lên nhiều điều hơn mình cảm giác. Mình cảm giác còn có ít nhiều mơ hồ và dẫu sao cũng lẩn tránh được sự trực diện, còn khi con số đưa ra mình phải đối diện với nó.

Từ kết quả nghiên cứu các ông đã đưa ra nhận định, lỗi chính tả của khu vực đại học và viện nghiên cứu xấp xỉ mức chung của xã hội. Điều này có vẻ… phi lý?

Kết luận đó được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu tổng số mấy chục ngàn mẫu của khu vực đại học, viện nghiên cứu (sai sót 7% - PV) nên không thể nói là “oan” được. Trong bản báo cáo tôi đã viết, viện nghiên cứu và đại học được chờ đợi đi trước xã hội, làm khuôn mẫu cho xã hội, nói cách khác, khu vực đó là mực thước.

Nhưng ông thầy là mực thước mà trung bình so với xã hội thì… có vấn đề. Không phải ông thầy kém chính tả mà bộ phận truyền thông của các trường đại học, các viện nghiên cứu kém chính tả, nhưng chưa được quan tâm của các thầy.

Các thầy phải quan tâm đến những gì mình phát ngôn ra, những sản phẩm của mình đưa ra xã hội… Khu vực của các thầy chưa phản ánh được mực thước của xã hội thì đúng là điều đáng buồn.

Sinh viên không thuộc đối tượng nghiên cứu trong công trình của các ông, nhưng nếu thực hiện nghiên cứu với đối tượng này, theo cá nhân ông tình trạng lỗi chính tả liệu có lớn?

Nghiên cứu tình trạng lỗi chính tả với đối tượng này cũng là một gợi ý và có thể làm được. Nếu mình muốn đánh giá chính xác về sinh viên mình phải đánh giá qua luận văn, qua niên luận, bài tập… Theo kinh nghiệm riêng của tôi, lỗi rất nặng.


TS Nguyễn Ái Việt: Lỗi chính tả là một hiểm hoạ chung

Tôi đã từng đi chấm luận án và từng gặp những luận án sai chính tả… kinh khủng. Tôi cũng đã phỏng vấn rất nhiều thầy và ai cũng kêu về lỗi chính tả của sinh viên.

Nếu tìm lỗi chính tả của sinh viên trên diễn đàn thì nặng hơn nhiều, nhưng tại các diễn đàn là văn nói, văn nói trên internet lại là chuẩn mực khác.

Kết quả nghiên cứu của các ông đã chỉ đích danh các tổ chức, đơn vị có tỷ lệ lỗi chính tả cao. Có thể các ông sẽ nhận được phản hồi của các đơn vị này?

Thứ nhất, nếu xếp hạng để đo hơn kém hay đấu chọi thì tất cả các mục tiêu của đợt đánh giá này thất bại hoàn toàn. Mục tiêu ở đây là để nâng cao nhận thức chung của xã hội về một vấn đề chung của chúng ta.

Lỗi của một tờ báo, lỗi của một đơn vị thuộc Bộ nào đó cũng chính là lỗi của chúng ta. Đó là một hiểm họa nói chung và chúng ta phải cùng sửa. Của ai đó nhiều hơn thì cả xã hội cùng xúm vào sửa và chúng tôi công bố lên cũng là hành động đầu tiên để giúp họ sửa.

Thứ hai, phương pháp thống kê không thể nói hoàn toàn chính xác, nhưng cũng nói lên phần nào thông tin về chất lượng chính tả.

Ông có nói, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành tiếp các đợt đánh giá tiếp theo với quy mô rộng hơn, nhằm mở đường cho một chiến dịch cộng đồng về quét lỗi chính tả. Lỗi chính tả ngày càng trầm trọng hơn trong thời gian qua nên nhiều người vẫn băn khoăn về tính khả thi của điều ông nói?

Tôi từng nói, có lẽ vì lỗi chính tả nhiều quá nên người ta đã trở nên chai lỳ với lỗi, không thể làm gì được. Nhưng tôi hi vọng, các tờ báo đồng lòng vào cuộc thì có thể khả thi. Mình phải tạo sức ép rất lớn và liên tục.

Chính vì vậy, tôi không nghĩ chỉ đánh giá một lần mà cứ ba tháng một lần và theo đuổi đến khi nào chuyển thì thôi.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (thực hiện)
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoan1982

Nạn đạo văn: Sự xuống cấp của đạo đức trí thức
15-20 nămtrước, chuyện đạo văn quả là hy hữu trong đời sống văn nghệ. Nhưng hiện nay, đạo văn đã và đang là một căn bệnh quá phổ biến, lây lan sang cả địa hạt khoa học tự nhiên. Những người đạo văn ung dung ăn cắp của người trong nước, người nước ngoài với một thái độ tự tin trắng trợn. Vì sao vậy?
Người làm cái bóng
Nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu kể: "Tôi sang trường bạn, có người hỏi: "Giáo trình của anh sao giống của một vị TS-PGS ở đây quá?". Mà vị PGS-TS ấy khi mới vào TP.HCM tìm đến tôi học hàng ngày. Tôi bị mang tiếng là phải, bởi mười mấy năm nay cô ấy rập theo tôi. Nhưng giớ cô ấy là TS-PGS, mà tôi chỉ là giảng viên, nên đương nhiên người ta nghĩ kẻ có học vị thấp hơn "đạo" lại của người có học vị cao hơn".
Chưa hết, gần đây khi Nhật Chiêu lên lớp giảng thì có học trò thắc mắc: "Sao thơ thầy dịch lại giống của KTNN thế? Thầy rập thơ của Nguyễn Thánh Ngã đăng trên KTNN à?". Ông buồn bã: "trò nói như thế nghĩa là thầy ăn cắp. Tôi về lật lại KTNN số 482 ngày 1-1-2004 quả là có bài Thoáng Xuân trong thơ Basho của anh Ngã thật. Xem kỹ mới thấy 9 bài thơ Basho đăng ở đấy thì có 8 bài của tôi dịch, đã được in trong cuốn Basho và thơ Haiku (Nhật Chiêu, NXB Văn học, 1994). Đấy là chưa kể anh ây lấy cả một số lời bình của tôi".
"Cái bóng Nhật Chiêu" còn thấp thoáng ẩn hiện trong nhiều  vụ đạo văn nữa. Nhưng không phải đoạn kết nào cũng buồn. Nhà nghiên cứu Hoài Anh in cuốn tiểu luận phê bình Tìm hoa quá bước (NXB Văn học, 2001), sử dụng nguyên vẹn nhiều bài thơ dịch của Nhật Chiêu, như Tặng vật của Miltos Shatouris (Hy Lạp), Chùm hoa của Robert Frost (Mỹ)...không một lời chú giải. Nhưng sau khi sách ra, tác giả đã lặn lội đến đến nhà dịch giả tặng cuốn sách với bút ghi: "Thân tặng Nhật Chiêu với lời cảm ơn về một số bài thơ dịch trong sách này". Như vậy, trong 1000 cuốn sách in ra, thì có đến 998 người đọc nghĩ rằng thơ đấy là do Hoài Anh dịch.
Người bị coi như côn đồ
Đạo văn thì nhiều, nhưng khiếu kiện thì ít. Nguyên nhân không nói ra thì ai cũng biết: mất thời gian, tốn công sức, mà có khi lại chẳng được gì. Bài học năm năm hầu tòa của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn trong vụ án tác quyền kịch bản phim Hải đường trắng từ năm 1999 là lời cảnh tỉnh cho những ai muốn dấn thân vào con đường này. Thắng kiện nhưng nói như ông Tuấn: "Không, tôi không phải là người thắng. Bời vì tôi trở lại như những gì tôi vốn có. Người thắng cuộc chính là kẻ lừa đảo". Còn tiền thì sao: "không đủ đãi bè bạn chầu bia!".
Nhà văn Thế Phong là một "đầu nậu sách" từ vài chục năm nay. Ông là người tích cực nhất khi trong vòng một vài năm qua liên tục khiếu kiện các nhà xuất bản ăn cắp bản quyền 50 các tác phẩm của ông đã được Cục bản quyền cấp giấy chứng nhận. Mới đây nhât, ngày 13-3 vừa qua, Thế Phong khiếu nại NXB Văn hóa - thông tin vì trong cuốn Văn học miền nam (tập II) của Nguyễn Q. Thắng của NXB này có hai phần Bảo Lương Nữ Sĩ và Nguyễn Đức Quỳnh là của ông đã được in trong một phần Lược sử văn nghệ miền Nam - 4 cuốn (1930-1956) với lời ghi ở trang 4: bản quyền thuộc tác giả, cấm phóng tác, trích dịch.
Tìm đến nhà ông Q. Thắng, để hỏi về vụ việc trên, ông Thắng trả lời: "Anh chưa biết Thế Phong, ông ta là con người côn đồ, con người không có lương tâm, nên tôi chẳng sợ cái anh Thế Phong này. Ông ấy thích thì cứ mà đi kiện". Ông Q. Thắng nói thêm: "Tôi là người lịch sự nên tôi mới để tên ảnh. Nếu của ông ta giống như của người khác thì sao?". (!?)
Vẫn vụ việc liên quan đến Thế phong, giám đốc của một NXB ăn cắp bản quyền của ông "phẫn nộ" khi trao đổi với chúng tôi: "NXB chúng tôi nghèo lắm, cuốn này là tác phẩm dịch đã in lại nhiều lần rồi, ông Phong còn kiện cái gì? Nhờ báo chí lên tiếng hộ cho, nếu không sẽ trở thành vấn nạn, các NXB đang khó khăn mà  lại cứ bị kiện tụng.
Theo TT&VH
Nguồn:
http://tuoitre.vn/Van-hoa...cua-dao-duc-tri-thuc.html
anhphuong2405 đã viết:
THEO

Lẽo đẽo theo chân mấy dặm trường
Thay tên đổi họ vẫn còn ương
Ngựa quen đường cũ văn sao chép
Lép bép đôi vần tự tán dương
Ngày trước nghén thai nên bực dọc
Nay chưa tròn cữ bốc mùi hương
Vừa ghi tự xoá còn ăn mắng
Cả viện lắc đầu chán chẳng thương

HI HI HOẠ LIỀU
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoan1982

NGUỒN GỐC VĂN HÓA CỦA ĐẠO VĂN



Ngô Tự Lập
Khoa Quốc tê- ĐHQGHN



Tôi suýt nổi giận khi ông bạn và đối tác người Malaysia - một người lấy vợ Việt Nam, đại diện tại Việt Nam của rất nhiều trường đại học nước ngoài – tuyên bố: “The Vietnamese have a cheating culture”. Trong ngữ cảnh cụ thể lúc đó, câu nói của ông chỉ có nghĩa là “Sinh viên Việt Nam có một nền văn hóa đạo văn”, mặc dù người ta cũng có thể hiểu là “Người Việt Nam có nền văn hóa lừa đảo”. Nhưng nghĩ kỹ lại, tôi thấy nhận xét của ông ta, dù hơi nặng, cũng không phải là hoàn toàn không có cơ sở.

Trong thực tế công tác của mình trong việc liên kết đào tạo đại học, tôi nhận thấy một trong những điều các đối tác nước ngoài phàn nàn nhiều nhất là tình trạng đạo văn của sinh viên Việt Nam: Các em chép bài của nhau, copy từ sách, cắt dán từ internet một cách tràn lan. Trong các trường đại học Việt Nam, tình trạng đạo văn thậm chí còn phổ biến hơn nữa. Nhưng điều đáng nói nhất là các em đạo văn rất “vô tư”. Các em có thể không chép của nhau, nhưng lại chép - trực tiếp hoặc từ trí nhớ - hàng trang dài lấy từ những bài viết trên internet hoặc từ sách giáo khoa mà không có lấy một chữ về tác giả những bài viết ấy. Trong năm 2007, tôi được Khoa sáng tác và lý luận phê bình văn học – ĐH Văn hóa (tức trường Viết văn Nguyễn Du trước đây) mời  dạy một chuyên đề về lý luận văn học phương Tây. Trước khi bắt đầu và cả trong suốt thời gian dạy, tôi luôn luôn nhắc nhở các em về chuyện đạo văn. Phải nói là các em sinh viên khá thông minh mà cầu tiến. Thế nhưng khi chấm bài các em viết, tôi đã rất  khó xử khi hầu hết các em đều chép hoặc lấy “sát ý” từ các nguồn trên internet mà không hề có chú thích. Một trường hợp điển hình khác xảy ở Dự án điện ảnh do quỹ Ford tài trợ ở trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Một trong những sinh viên giỏi nhất đã lấy bài tiếng Anh trên mạng, dịch ra tiếng Việt và “hồn nhiên” nộp cho giáo viên. Cố vấn của dự án, một tiến sĩ Hoa Kỳ, đã rất phẫn nộ và kiên quyết yêu cầu dự án đuổi học sinh viên này. Em sinh viên đã viết một lá thư đầy nước mắt gửi lên ban chủ nhiệm dự án và các thầy cô giáo, giải thích rằng mục đích dịch bài tiểu luận chính là để thể hiện tinh thần ham học! Khi nghe tôi kể chuyện, một số bạn tôi, đều là các trí thức nổi tiếng, tỏ ý thông cảm với cô sinh viên, bởi “dịch đã là lao động rồi, còn hơn nhiều so với học vẹt”.

Tình trạng đạo văn không chỉ có ở sinh viên. Rất nhiều người được coi là học giả, giáo sư, nhà nghiên cứu…đã nêu những tấm gương xấu về đạo đức nghề nghiệp. Có những vụ đạo văn trắng trợn mà báo chí đã nêu, nhưng cũng có những cách đạo văn “tinh tế” hơn - như một vị phó giáo sư thuê người giỏi ngoại ngữ dịch sách rồi mượn cớ “hiệu đính” để đứng tên đồng dịch giả, hay lấy luận án của học trò đem sửa lại in thành sách của mình. Hoặc nữa, có những “học giả” nghiễm nhiên lấy ý tưởng của người khác viết thành công trình của mình. Ngoài ra, còn phải nói đến một “cách làm” khác rất đáng trách mà hiện nay chúng ta vẫn thấy bình thường, đó là “Việt hóa” các giáo trình của nước ngoài để làm giáo trình của mình. Nếu căn cứ vào những tiêu chí và thông lệ quốc tế, những cuốn giáo trình như thế về bản chất cũng là sản phẩm đạo văn.

Tại sao tình trạng đạo văn lại phổ biến ở Việt Nam? Tôi cho rằng ông bạn người Malaysia không phải hoàn toàn vô lý khi dùng từ “nền văn hóa”: mặc dù có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chính của tình trạng đạo văn có ngay trong truyền thống văn hóa, đặc biệt là truyền thống giáo dục áp đặt và giáo điều mà cho đến tận ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu.

Nếu chúng ta để ý thì trong hàng ngàn năm lịch sử, vấn đề đạo văn rất ít khi được đặt ra ở Việt Nam hay Trung Quốc, mặc dù người ta nhắc đi nhắc lại hàng trăm, thật chí hàng ngàn lần những ý, những tích, những từ, những tứ của các tác giả tiền bối mà gần như không bao giờ phải nhắc đến tên các vị tiền bối ấy. Điều này không phải ngẫu nhiên. Như tôi đã viết trong tiểu luận “Giáo dục, trí thức và nửa đường còn lại[1]”, cơ sở của nó là sự thần thánh hoá và tuyệt đối hoá tư tưởng của một hay một số tác giả, biến những tư tưởng ấy thành những chân lý phổ quát. Những tác giả ấy được coi là “Thánh nhân” và vài cuốn sách của họ được coi là những “Kinh điển” mà mọi người đều phải học và làm theo, nhưng không bao giờ có thể học hết. Trí thức ngày xưa không phải là những người sáng tạo, mà là những người biết nhiều chữ, thuộc nhiều sách để lúc nào cũng có thể nói ra những câu na ná những câu của các bậc Thánh hiền. Kinh điển, như vậy, trở thành khuôn vàng thước ngọc đồng thời cũng là giới hạn, hay nói đúng hơn là nhà tù của trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo, còn giáo dục chỉ còn là một quá trình ám thị để buộc người học phải chấp nhận một cách vô điều kiện những khuôn vàng thước ngọc trong Kinh sách mà thôi.

Phương pháp giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn không khác mấy về bản chất. Phổ biến trong các trường học của chúng ta, ở mọi cấp, vẫn là lối dạy và học mang tính giáo điều và áp đặt. Điều các thầy cô giáo truyền đạt cho học sinh những kiến thức và thông tin cụ thể rồi đòi hỏi các em phải nhớ. Các kỳ thi thường có xu hướng buộc sinh viên chép lại và áp dụng những gì thầy dạy. Những em nào thuộc lòng và chép lại chính xác bài giảng của thầy sẽ được điểm cao - một ví dụ là bài văn được điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006. Những bài viết không hoàn toàn giống với bài giảng của thầy sẽ được điểm thấp hơn. Rõ ràng, về bản chất, lối dạy như vậy chính là dạy đạo văn, và việc chấm bài cũng đề cao trình độ đạo văn: những bài đạo văn hoàn hảo sẽ được điểm cao nhất. Chính lối dạy này khiến cho các em nhầm tưởng rằng các kiến thức trong sách hay trên mạng đều là vô chủ, hoặc là sở hữu chung, và vì thế ai cũng có thể sử dụng mà không cần phải quan tâm đến tác giả của chúng.  

Dĩ nhiên, đạo văn không chỉ có ở Việt Nam. Sự phổ biến của mạng internet đang khiến cho việc đạo văn trên mạng có xu hướng gia tăng. Mark Edmundson, trong bài viết "How Teachers Can Stop Cheaters" (Thầy giáo làm sao để chống thầy lừa) đăng trên The New York Times, ngày 9 tháng Chín, 2003, cảnh báo tình trạng đạo văn trên mạng của sinh viên các trường đại học Hoa Kỳ. So với các hình thức đạo văn khác, đạo văn trên mạng vừa dễ dàng vừa rẻ tiền và cũng ít tốn công sức nhất: người ta chỉ cần đánh tên những tác giả hoặc tài liệu liên quan đến vấn đề cần nghiên cứu, nhấn phím "enter" là tức khắc nhận được vô số văn bản cần thiết. Nếu đăng ký và trả tiền cho một số website, người ta còn có thể tiếp cận hàng trăm ngàn tiểu luận và "công trình nghiên cứu chất lượng cao". Công việc của các nghiên cứu sinh bây giờ chỉ còn là cắt dán và chắp nối những đoạn khác nhau để hoàn thành "công trình nghiên cứu" của mình. Ông Donald L. McCabe, giáo vụ trường Rutgers University, cho biết: "Nhiều sinh viên lớn lên trong thời đại Internet, họ nghĩ rằng mọi thứ họ tìm thấy trên Internet đều là tri thức chung và họ có quyền sử dụng mà không cần phải chú thích nguồn"

Làm sao để chống lại nạn đạo văn. Tôi đồng ý với Mark Edmundson rằng đã đến lúc chúng ta phải từ bỏ việc tiến hành các kỳ thi với nội dung giống hệt nhau năm này qua năm khác, nhiều khi trong hàng thập kỷ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, vốn có vẫn dựa trên lối kiểm tra và viết luận văn truyền thống. Nhưng theo tôi, chúng ta phải đổi mới triệt để lối dạy và học trong nhà trường, phải triệt để loại bỏ lối học thuộc lòng. Bởi, như tôi đã nói ở trên, lối dạy và học đó chính là lối dạy và học đạo văn. Hơn thế nữa, chúng ta phải xem xét và đánh giá lại hành trang văn hóa của mình. Để minh họa, tôi xin đưa ra một ví dụ.

Đồng nghiệp cấp trên của tôi, một nhà giáo lâu năm, có cô con gái học rất giỏi. Tốt nghiệp phổ thông, cô bé làm đơn xin học bổng ở Hoa Kỳ. Trường đại học Hoa Kỳ đánh giá rất cao hồ sơ của cô, nhưng đề nghị cô viết một bài luận bằng tiếng Anh về một chủ đề tùy ý, với độ dài tối thiểu theo quy định. Vị đồng nghiệp của tôi gọi điện cho tôi, ngạc nhiên: “Nhỡ tôi viết hộ, hay nhờ ai viết hộ thì sao?” Tôi phải giải thích với ông rằng đơn giản là ở Mỹ người ta không làm như thế. Và nói chung ở hầu hết các nước người ta không làm như thế. Không ở nước nào bố mẹ lại dạy con lừa đảo hay ăn cắp. Mà viết hộ hoặc thuê người viết hộ, tức đạo văn, thì đích thực là lừa đảo và ăn cắp.

Rõ ràng, có những điều tưởng chừng bình thường, nhưng thật ra nó chỉ bình thường với chúng ta mà thôi.

N.T.L
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Văn là tâm hồn, tư tưởng. Đạo văn là đạo tâm hồn, tư tưởng. Khi đó, nếu có còn chút tâm hồn, tư tưởng nào của mình thì cũng bị pha tạp và mất nốt. Tâm hồn, tư tưởng của người ta lại sống trong thể xác và trí óc của mình.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Đừng nói đâu xa, các bài văn của học sinh phải rập theo văn mẫu của cô, hoặc cóp trong sách có phải đạo văn hay không. Điều này đã được học từ trên ghế nhà trường. Hay là giống cái chung (công cộng) thì không phải đạo văn? Và, cóp cái riêng thì mới là đạo văn nhỉ?
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đạo văn và đạo đức khoa học



LTS. Sự kiện ban biên tập tạp chí Euro Physics Letters (một tạp chí vật lý hàng đầu của châu Âu) thông báo rút bài “Hằng số tương tác điện từ thay đổi theo thời gian” của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao, N. T. Hung - viện Vật lý Hà Nội, và Trần Văn Hùng - trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ TP.HCM do đạo văn quá nhiều, một lần nữa gióng lên hồi chuông về đạo đức khoa học. Sai trái đã rõ nên những ý kiến dưới đây không đề cập đúng sai nữa, mà vấn đề là làm cách nào ngăn chặn “làn sóng” đáng lo ngại này.

Thực ra không phải cho đến bây giờ vấn đề này mới được đặt ra. Cách đây hơn mười năm, một luận án tiến sĩ về toán cũng đã được đem ra mổ xẻ và có kết luận rõ ràng là tác giả luận án đã đạo văn, tức sử dụng những kết quả của người khác như của mình. Nếu có một khảo sát đầy đủ, tôi tin chắc rằng số sách, số luận văn luận án đạo văn sẽ là con số không nhỏ!

Như vậy vấn đề là do đâu? Và làm thế nào để chống lại làn sóng đạo văn đang diễn ra? Theo tôi nguyên nhân là rất rõ ràng: chúng ta đã không chú ý đến vấn đề giáo dục sự trung thực khoa học cho sinh viên, các học viên khoa học và cả các nhà khoa học. Chúng ta đã không nhận rõ tính chất nghiêm trọng của vấn đề và vì thế sinh viên của chúng ta không được dạy cách tôn trọng bản quyền, không biết những hậu quả của việc đạo văn. Và trên thực tế, ở Việt Nam, lỗi đạo văn thường ít bị phạt, cùng lắm chỉ ở mức độ nhắc nhở, yêu cầu bổ sung trích dẫn (trong luận văn hay trong bài báo).

Ở các nước có nền khoa học tiên tiến, vấn đề bản quyền và đạo văn rất được coi trọng. Mặc dù đạo văn không được coi là một dạng tội phạm, nhưng nó được coi là một sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức của một nhà khoa học. Ở các trường đại học của họ, ngay trong những buổi học đầu tiên người ta đã dạy sinh viên việc phải trích dẫn các kết quả, ý tưởng, câu nói của người khác. Sinh viên được nhắc nhở rằng đạo văn là vi phạm đạo đức, và nhẹ nhất là huỷ kết quả bài làm, nặng có thể buộc thôi học.

Đấy là mới ở mức độ những báo cáo seminar, bài khoá luận hay luận văn tốt nghiệp đại học. Còn ở mức độ các bài báo khoa học đã được đăng thì vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Trong sự việc bài báo của tác giả Lê Đức Thông và các cộng sự, rất đáng tiếc là một sự may mắn (bài báo được nhận đăng) lại biến thành một thảm hoạ (bị phát giác đạo văn). Sự việc này ảnh hưởng trước hết đến các tác giả bài báo (trong đó có những người có thể do vô tình mà dính vào), sau đó, rõ ràng giới khoa học Việt Nam cũng bị vạ lây. Cuối cùng, chính tạp chí Euro Physics Letters cũng bị ảnh hưởng uy tín do đã không làm kỹ khâu phản biện. Nhưng cũng chính việc Euro Physics Letters, dù biết rất rõ về sự ảnh hưởng này, vẫn không ngần ngại đăng thông báo đính chính cho thấy giới khoa học coi trọng sự thật như thế nào. Và mọi sự giả dối, mọi sự đạo văn cho dù tinh vi đến đâu, không sớm thì muộn cũng sẽ bị phát giác và trừng phạt.

Cuối cùng, như một giải pháp cho vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta phải có những hành động cụ thể để giáo dục sự trung thực và đạo đức khoa học cho học sinh, sinh viên. Và đó không phải là những lời hô hào suông mà là những chỉ dẫn cặn kẽ, đầy đủ nhất: Trích dẫn như thế nào? Tại sao phải trích dẫn? Đạo văn là gì? Hậu quả của đạo văn ra sao? Nó sẽ dẫn anh về đâu? Nó sẽ dẫn nền khoa học nước nhà đến đâu?

Nhưng trước hết, những người thầy, những người anh đi trước phải là những tấm gương sáng về sự trung thực, về tinh thần khoa học chân chính cho các đàn em và hậu bối noi theo.

TS. Trần Nam Dũng  (Báo SGTT)


Ông Vũ Ngọc Hoan, cục phó cục Bản quyền tác giả thuộc bộ Văn hóa, thể thao và du lịch:
Bản chất từ “đạo văn” là cách nói dân gian của chúng ta về hành vi sao chép trái phép các sản phẩm trí tuệ. Hiện nay, Việt Nam có hai văn bản pháp quy để xử lý hành vi này. Thứ nhất, trong luật Sở hữu trí tuệ chúng ta cũng có điều quy định cụ thể về hành vi này. Ngoài ra, chúng ta có nghị định số 47/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính quyền tác giả và các quyền liên quan được Chính phủ ban hành ngày 13.5.2009.


GS Nguyễn Văn Tuấn, nghiên cứu viên cao cấp viện Nghiên cứu y khoa Garvan – Úc:
Đạo đức khoa học đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Các quy ước về đạo đức khoa học bao gồm thành thật tri thức, cởi mở và công khai, ghi nhận đóng góp của đồng nghiệp một cách thích hợp, và có trách nhiệm trước công chúng và xã hội. Nhưng ở những nước mới phát triển khoa học, người ta không xem trọng đạo đức khoa học. Tuy nhiên, khi một nhà khoa học đã công bố nghiên cứu thì họ chỉ có thể lừa gạt nhiều người trong một lần, hay lừa gạt một người trong nhiều lần, nhưng không thể nào lường gạt nhiều người trong nhiều lần.

Gian lận khoa học ở nước ta chắc chắn là có. Những trường hợp đạo văn trong các bài báo khoa học, đạo công trình nghiên cứu, lấn áp nghiên cứu sinh hay cộng sự viên cấp thấp, cướp công, sửa số liệu... từng được nêu trên báo chí, nhưng việc xét xử vẫn chưa rõ ràng.

Thuần Tuyền ghi


Một số vụ đạo văn trong nước bị phát hiện, tố cáo

– Bà Phan Thư Hiền (phó giám đốc sở Văn hoá, thể thao và du lịch Hà Tĩnh) bị tố cáo đạo 20 trang khảo cứu của TS Nguyễn Xuân Diện.

– Công trình của PGS.TS, viện trưởng viện Hán Nôm Trịnh Khắc Mạnh sau hai năm trao giải Sách hay được phát hiện là có nguồn gốc bất minh.

– TS Mai Hảo Yến của ĐH Hồng Đức bị tố cáo đạo văn có hệ thống ba công trình khoa học của hai giáo sư đầu ngành

(Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang Ban)...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Đạo Chích

Đạo vật chất hại nhất thời
Đạo tư tưởng hại vĩnh viễn.
Nhân thất danh, thất diện
Quốc thất hiến, thất văn!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [59] [60] [61] [62] [63] [64] [65] ... ›Trang sau »Trang cuối