Tác giả: Nguyễn Anh Nông


Nói đến Tô Nhuần, người ta thường nghĩ đến một cây bút xông xáo ở nhiều lĩnh vực, viết nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, thơ...

Hơn 30 năm mặc áo lính, gần 40 năm sáng tác, đến nay, ở cái tuổi 55, trong tay anh có gần 10 đầu sách, gồm thơ, kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết, nhưng trong giới văn chương nước nhà, Tô Nhuần vẫn là một cái tên còn ít được nhắc tới, nhưng đến khi tập trường ca : “Ru xanh áo lính” của anh vừa ra đời đã gây không ít ngỡ ngàng, thán phục của đồng nghiệp, của bạn văn lâu nay quen biết anh.

                                                   *

    Hơn nghìn câu thơ, nằm trong hơn 70 trang sách, được bố cục làm 10 chương, trong mỗi chương lại được chia làm nhiều cung bậc như những khuông nhạc, nốt nhạc, hợp thành bản giao hưởng. Mỗi chương , mỗi đoạn của trường ca này như mỗi bài thơ đặt cạnh nhau dễ khiến người đọc  đi trong mê lộ của thời gian, không gian, bộn bề, đan xen, phức hợp những ý , tình, cảnh, sự , tuy vậy vẫn sáng những điều mà cái đích của nó nhắm tới.

    Mở đầu và kết thúc trường ca “ Ru xanh áo lính” là những tâm tư, ngẫm ngợi, triết luận về sự sống, cái chết, về những hưng thịnh và suy tàn của những được- mất với những kiến giải rất của riêng anh.

Trong khúc dạo đầu. anh viết: “ Đi từ hoang sơ/ Khi con người thoát khỏi đêm dài mông muội/ Tồn...vong...sống dọc thời gian/ Thời gian kéo dài thành lịch sử” và “ Cái được còn/ Cái mất cũng còn/ Có thể và không thể/ Trần tục và siêu nhiên/ Thời gian giữ những điều thiêng liêng nhất/ Ta không thể dùng kim khí/ Để cưa, để đục, để phanh phui/ Bổ dọc lịch sử cậy sức mình lực lưỡng...” và đoạn kết- Khúc Vĩ Thanh “ Lịch sử chạy dọc/ Con người đi ngang/ Thành lát cắt xếp chồng lên đất nước/ Trùng trùng lớp lớp/ In vào dáng núi hình sông... Những người lính khoác lên mình màu lá/ Màu tin yêu xanh mãi với thời gian” cứ thế, cứ thế, anh dẫn dắt người đọc xuôi ngược lịch sử, xuôi ngược không gian, thời gian, dập dìu cảm thức, bình thản và thong dong trước và sau khi người lính bước vào trận đánh. Khác với một số trường ca viết trước đây, cái gấp gáp, sục sôi của những điều mà trường ca nhắm tới dễ bộc lộ trực tiếp, như người lính xung trận đánh giáp lá cà, còn người lính trong trường ca này lại thung thăng trước và sau trận đánh, nhưng trong khi xung trận, người lính ấy cũng “tả xung hữu đột” chẳng kém gì những người lính trong các trường ca khác.

   Quê hương và cuộc đời người lính đã cung cấp cho Tô Nhuần những chất liệu phong phú để anh viết lên trường ca này. Nếu không gắn bó máu thịt, không mặn nồng tình nghĩa và thu nạp vốn sống của người lính trong và sau chiến tranh liệu anh có viết nên trường ca chững chạc này? hẳn là không!

    Hình ảnh con cò, con vạc, lũy tre làng, cây đa, bến nước, sân đình, bóng mẹ, tình cha, em, vầng trăng, những câu hát dân ca... được người lính mang theo vào trận đánh, cho thấy ở đó nó chứa đựng những yếu tố lớn lao của sức mạnh tinh thần tiếp thêm cho người lính tham gia vào cuộc đọ sức sinh rử để giành lại những giá trị thiêng liêng của cuộc sống.

Thực tiễn cuộc sống bộn bề đã cho anh biết bao chất liệu, đặc biệt, Tô Nhuần được nuôi dưỡng từ mạch nguồn trong trẻo từ tiếng ru hời của mẹ và những đam mê, khát vọng... cất thành lời ca của người cha trong đời thực, nên anh thơ đã chứa đựng bao điều giản dị mà sâu sắc.

   Xin được chép ngẫu nhiên trong tập trường ca này những câu thơ về mẹ:

“ Sẽ chẳng có yêu thương khi thiếu tiếng ru hời
Mẹ ru ta từ cánh cò, cánh vạc

Mẹ ru ta mỗi đêm không chợp mắt

Chỗ ta nằm khô ráo mẹ dành cho

Mái tranh nghèo gặp buổi gió mưa

Thương nuộc lạt néo mình vào gian khó

Rêu mọc đầu thềm mẹ sợ con ngã

Bong bóng phập phồng theo nước chảy qua sân”

Và:

“ Ơi mặn muối cay gừng đời mẹ

Con tin

Cả miếng vá trên vai áo mẹ

Con tin

Cả khi cha đi trận không về

Nén nhang thắp trước bàn thờ

Khói lên lay động ảo mờ tổ tiên...”

Hay:

“... Tiếng cuốc kêu vắt kiệt đêm hè

... Trên vai gầy cả bóng hình cha

Mẹ te tái qua chiều đông lặng lẽ

Bát gạo vay đùm dải yếm mang về

... rau má ven đê...

Chẳng kịp xanh trong mắt dõi tìm...”

   Trường ca “ Ru xanh áo lính” không chỉ dành những tình cảm đặc biệt cho mẹ, người mẹ thủy chung son sắt , mà còn dành những trang sâu sắc về đồng đội. Có những câu thơ nương níu và có sức khái quát :

“Khi ta áp ngực ta lên cỏ

Sắc quân phục hòa vào sắc lá

Trái tim ta thuộc về đất cha ông

Mạch đất chuyển mình trò chuyện

Ta nghe hồn núi sông...”

    Trong dòng chảy của thời gian, người lính không phải là sự vật đứng riêng lẻ, khu biệt mà đã hòa quện vào non sông, đất nước, hòa quện vào dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử.

Trường ca “Ru xanh áo lính” không né tránh những mất mát, hy sinh, trả giá của người lính, của dân tộc cho cuộc đấu tranh giành sự tồn tại và mưu cầu hạnh phúc. Cái mất mát hy sinh vì bom đạn trong chiến tranh, là lẽ thường, khó tránh khỏi nơi hòn tên mũi đạn, đau xót đấy rồi cũng được an ủi, bởi phía sau người lính hy sinh mất mát đó là cả ‘ ánh mắt, niềm tin yêu, hy vọng” của gia đình, làng nước- quê hương và lịch sử.

Đối mặt với đời thường, sau chiến tranh, người lính ấy lại chứng kiến với một thách thức khác, nhìn bề ngoài bình lặng, không đổ máu mà day dứt khôn nguôi:

“ Giữa bình yên mà chưa được bình yên

Người lính trở về sau những năm đánh giặc

Con dế trũi đêm đêm âm ỉ hát

Hát rằng:

Người lính trở về đối mặt

Miếng cơm manh áo hàng ngày

*

Người lính trở về đối mặt

Con trâu đi trước cái cày

Hạt lúa làm ra lấm lưỡi

Cớ sao chịu nhiều đắng cay

Dòng sông quê mình chân thật

Mà sao qua lắm thác ghềnh.

*

Người lính trở về đối mặt

Quê nghèo còn lắm gian nan

Biết bao thói đời đen bạc

Len lỏi giữa nơi xóm làng

*

Người lính trở về đối mặt

Với ngay chính cả lòng mình

Ngơ ngác chân trời góc biển

Ngác ngơ giữa chốn quê hương...” ( Khúc Sáu- Sau trận mạc)

Ngác ngơ giữa chốn quê hương? Tình cảnh, trạng thái người tính sau cuộc chiến, giữa chốn thanh bình mà biết bao phân vân, giằng xé, hay nói cách khác, sau chiến tranh, ta lại chứng kiến người lính ấy lại đứng trước một “ cuộc chiến khác” chưa dễ gì mà “ bách chiến bách thắng” cho được.

                                              *

   Trường ca “ Ru xanh áo lính”dành đến 2/3 dung lượng ngữ nghĩa cho người lính trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường, trong đó, phần lớn dành cho Bộ đội Trường Sơn khói lửa. Qua đây, ta thấy được tấm lòng tác giả gắn bó với đồng đội, với quê hương đất nước.

   Trường ca này đã kế thừa những cấu trúc, thi pháp thể loại của những trường ca trước đó và sáng tạo có nét riêng, phải chăng do tác giả của nó đã bình tĩnh, tìm tòi, sáng tạo và có phương pháp thể hiện hợp lý, có hiệu quả? Đồng thời, độ lùi thời gian sau cuộc chiến khá xa, cũng là lợi thế để Tô Nhuồn có sự lắng đọng, lựa chọn cách thể hiện, gạn lọc các chi tiết thừa, những đoạn thơ “ rậm lời, nghĩa ít”, để có bước tiến về chất, một sự thành công , đáng được ghi nhận này./.


Hà Nội, 7/12/2007
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."