Em gặm nỗi cô đơn trong đêm tĩnh mịch
những ngày không anh
mật ngọt thành nhức nhối
nỗi buồn mồ côi cuốn trào bọt sóng
va vào em –bờ cát nặng nỗi niềm
Những con chữ đến hồi vàng vọt
em níu giữ bằng gì màu xanh phía tuổi thơ
bóng tối và ánh sáng trong em chen lấn…
Khi giọt nước mắt nảy mầm
khi nỗi buồn bung cánh
em yêu thương đến khao khát quên mình…
Từ cây tầm gai làm ra sợi chỉ
từ đêm buồn ca ngợi ánh mai.
Thế giới tình yêu đang bắt đầu thay đổi khi có những cây bút trẻ như NGÔ THỊ HẠNH. Chị đã mở ra dòng sông thơ ca mới mẻ cho riêng mình, và uống cạn nó bằng những ngôn từ, tư tưởng và cấu trúc tự do.
Giờ đây, thơ nảy mầm theo ngày tháng; chị cũng đã nảy mầm trong bao giấc mơ hoài bão về phía tương lai ngập tràn hương vị tình yêu tươi đẹp. Để xua tan nỗi buồn bã, chị viết: “Em gặm nỗi cô đơn trong đêm tĩnh mịch/ những ngày không anh mật ngọt thành nhức nhối/ nỗi buồn mồ côi cuốn trào bọt sóng/ va vào em – bờ cát nặng nỗi niềm”, thì có những cụm từ và câu thơ khá xuất sắc: “gặm nỗi cô đơn trong đêm tĩnh mịch; mật ngọt thành nhức nhối; nỗi buồn mồ côi cuốn trào bọt sóng; bờ cát nặng nỗi niềm” vì chính tác giả đã nặng nỗi niềm, ưu tư trong lúc cô đơn và nỗi khao khát bên người trai trẻ ấy.
Hạnh nhìn thời gian trôi qua theo qui luật vận hành của trời đất mà thổ lộ tâm sự: “Những con chữ đến hồi vàng vọt/ em níu giữ bằng gì màu xanh phía tuổi thơ/ bóng tối và ánh sáng trong em chen lấn…”, biết chắc chắn một điều là không bao giờ tìm được những ngày thơ ấu, những ngày không để tâm lo lắng chuyện gì, dù là ăn uống ngủ nghĩ, nhưng lúc này thì phải bận tâm với việc đời, việc tình yêu nên phần nào cũng chi phối khối óc của tác giả, thậm chí làm con tim mỏi mệt hơn nhiều. Người thiếu nữ như Hạnh phải chiến đấu tới mức căng thẳng.
Đến đoạn thơ đầy tính quyết liệt: “Khi giọt nước mắt nảy mầm/ khi nỗi buồn bung cánh/ em yêu thương đến khao khát quên mình…”, nữ thi sĩ của chúng ta đang cá cược chính cuộc đời mình để đổi lấy sự hạnh phúc an lành và nỗi buồn, niềm đau khổ không tày nào ràng buộc được Hạnh.
Tác giả vẫn tự tin những nỗi buồn, những điều tưởng như là bất lực lại làm ra những sản phẩm tốt đẹp cho đời: “Từ cây tầm gai làm ra sợi chỉ/từ đêm buồn ca ngợi ánh mai.”, thế thì nhu cầu sống còn của Hạnh vươn tới sự hiểu biết hoàn mĩ, phấn đấu cho lẽ sống cao đẹp chứ không ngồi than vãn mãi trong hố sâu đau khổ.
Tôi thiết nghĩ, động lực sống là nguyên nhân để cho bao người hành động tốt hơn, hi vọng mạnh mẽ hơn, làm việc ngoan cường hơn và quyết tâm quật ngã bao trò đời nghiệt ngã đang rình mò mình. Giọng thơ của Hạnh đã tạo được hi vọng cho người đọc thưởng thức, an ủi cho biết bao tâm hồn, khuyên khích người ta xông vào trận mạc để giành được vương miện của tình yêu bất tử.
Hơn lúc nào hết, Hạnh vẫn thành công bởi ý chí quyết chiến của mình, dù thơ hay đời gì cũng vậy. Có lẽ chị có cái nghị lực lạ lùng để làm thơ tự do hiện đại, có cái bản lĩnh làm người phụ nữ biết đứng lên, biết giẫm bỏ những điều gì thuộc về quá khứ thương đau. Tôi cho là thế hệ @ này, những thi sĩ 8X làm được nhiều điều, phát biểu nên tầm sức sống cao đẹp, cần được vun bồi thêm cho ngày mai.
Gói gọn vấn đề, bài thơ tuy viết về nỗi buồn tình yêu nhưng tia hi vọng vẫn tràn ngập trong tác giả và sẽ ảnh hưởng đến những tâm hồn đồng điệu khi đọc NẢY MẦM.


Cái Bè, Tiền Giang, tháng 4 năm 2016
Hàn Quốc Vũ