Thơ tình yêu thời đại nào cũng lấn át các chủ đề khác nhất là mảng thơ về tình yêu nam nữ. Thơ tình theo tôi cảm nhận vui ít nhưng buồn thì nhiều nhất là những tình yêu tan vỡ. Hạnh phúc nhất của đời người có lẽ là yêu, được yêu và cùng bước chung một con đường đến cuối cuộc đời cùng với người mình yêu thương. Nhưng không phải ai yêu cũng được toại nguyện. Có khi yêu mà phải chia tay. Chia tay hai từ thôi cũng đủ gợi lên bao nỗi đau và có bao giờ ta tự hỏi ta có bao lần trong đời đã yêu và cũng đã chia tay với bao nhiêu cuộc tình. Sau mỗi cơn đau có lẽ trái tim ta hằn thêm một vết cắt để rồi ta lại tiếp tục tìm kiếm hay rồi chán nản buông xuôi. Tình tuyệt vọng đôi khi làm thăng hoa cuộc sống có lẽ vì do nỗi đau không dễ gì quên nên cứ luôn nhớ. Yêu và ly tan hình như không phải là mới nhưng chuyển tải nỗi niềm để đi vào tâm hồn người lại thuộc về tài năng của người sáng tác. Hãy dừng lại dăm ba phút của cuộc sống bộn bề, hãy thư giãn và nghe một nhà thơ kể chuyện tình buồn:

Chia Tay Mùa Xuân

Hôm chia tay Sài gòn vừa chớm Tết
Trong mắt em như thể đã ra giêng
Phố xá gập ghềnh chông chênh nhịp guốc
Còn xôn xao từng chiếc lá công viên.

Môi em hiền tựa như mùi hương cốm
Áp vào tôi ngọt đắm nụ tầm xuân
Giọt lệ không chân long lanh vàng đá
Đang mặn mà em đã vội quay lưng!

Bỏ lại Sài gòn rưng rưng góc phố
Ngọn đèn vàng xô dạt bước chân tôi
Trời đất mịt mù ngày mưa giông tới
Nơi máu trong tim chưa kịp luân hồi.

Mà cũng có đôi lần em biết khóc
Lối hẹn hò cỏ mọc đã xanh um
Để nhớ một thời em còn xoã tóc
Chỗ lời tình thổn thức tiếng vô ngôn…

Hư Vô

Tết đến có nghĩa là xuân về. Mùa xuân trong đời thực lẫn trong thơ làm bao nhiêu người đắm say, ngơ ngẩn. Bởi vì mùa xuân là mùa tình yêu, mùa của sự sống, của lộc biếc căng tràn. Tôi yêu Mùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử, yêu Xuân Thì của Phạm Duy, yêu Bến Xuân của Văn Cao… Đó là những bài thơ, bài hát ca ngợi mùa xuân đẹp, thanh xuân đẹp và tình yêu cũng đẹp như xuân. Hư Vô cũng đến với mùa xuân nhưng không phải bằng một tâm trạng lâng lâng hạnh phúc của thi nhân mà là một nỗi niềm thăm thẳm:

Hôm chia tay Sài gòn vừa chớm Tết

Tình yêu thường gắn liền với nỗi nhớ. Chỉ cần xa một vài giờ là nhớ là mong là đợi chờ gặp gỡ. Yêu thế mà chia tay. Anh phải đi, phải xa chưa một lời hứa hẹn tao phùng. Cô gái không kịp nói lời từ biệt nhưng đôi mắt đã thay điều muốn nói:

Trong mắt em như thể đã ra giêng

Mùa xuân mới bắt đầu, sự ngọt ngào vừa thấm vào cảnh vào hồn người thì nỗi buồn đã tràn đến bủa vây “chớm / chia tay” Ngữ nghĩa dường như đối kháng nhau tạo ra một nghịch cảnh trớ trêu:

Phố xá gập ghềnh chông chênh nhịp guốc
Còn xôn xao từng chiếc lá công viên.

Tình đang đắm say mà lại cách xa, con đường tình bắt đầu gập ghềnh cho em lao đao. Tiếng guốc khua trên hè với nhịp chông chênh, đổ vỡ, tiếng guốc tạo những âm thanh chí chát đánh thức cả những hàng cây lá công viên đang còn mơ màng trong giấc xuân. Và trong mắt em đang ánh lên tia nhìn xa vắng. Thời gian không dừng lại, đang trôi qua không thể níu giữ “chớm tết mà đã ra giêng”. Tôi cảm nhận cô gái đang mòn mỏi, đợi chờ.

Phương xa, nhân vật trữ tình mãi ngày nhớ đêm mong về một bóng hình trong tim và hình ảnh người con gái đã hiển hiện với muôn sắc màu, hương vị, hình ảnh vừa thực vừa mơ:

Môi em hiền tựa như mùi hương cốm
Áp vào tôi ngọt đắm nụ tầm xuân

Môi em thơm mùi hương cốm, mềm như vạt lụa và hiền tựa chiêm bao. Một người tình nho nhỏ, dễ thương. Ý thơ làm tôi nhớ đến một câu thơ của Đỗ Quý Toàn trong “Chuyện tình”:

Ôi anh yêu em vì em biết nói
Em đã biết thưa em còn biết gọi
(Đỗ Quý Toàn)

Chàng trai trong “Chuyện tình” yêu cái nết ngoan hiền ở người con gái, yêu tiếng dạ thưa ngọt ngào làm mê đắm lòng người còn chàng thi sĩ của chúng ta cũng yêu em bởi nết ngoan hiền. Tình yêu đến không chỉ vì nhan sắc mà còn từ sự dịu dàng trong em. Sự dịu dàng đã làm hồn chàng tan chảy đến mê đắm. Hư Vô diễn tả nụ hôn cũng thật lạ lẫm.

Khi đọc Nụ Hôn Đầu của Trần Dạ Từ tôi cảm nhận một không gian nhã nhạc, một hồn phách tiêu tan, một cảm xúc bàng hoàng và như một giọt nước mắt đang rơi trong chứa chan hạnh phúc của nụ hôn đầu đời:

Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh cỏ biếc trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông.
(Trần Dạ Từ)

Nụ hôn đầu của Trần Dạ Từ đã làm thay đổi cả thế giới, cả không gian rất lặng ngoài kia, tất cả đều đổi thay hướng về cái đẹp một loạt màu sắc hiện lên cạnh nhau những gam màu hội hoạ đối lập mà đan xen của một cảm giác mê đắm, chất ngất “vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng, phượng đỏ” thật là khi yêu đâu đâu ta cũng thấy một màu yêu.

Thế giới tình yêu của Hư Vô cũng là thế giới của sắc màu yêu “hương cốm, nụ tầm xuân, vàng đá” nhưng ông không chọn sắc màu rực rỡ, lộng lẫy như Trần Dạ Từ mà thật hiền hoà, nhẹ nhàng của sắc xanh đồng nội toả ta từ cốm, sắc hồng toả từ những đoá tầm xuân nằm mơ màng bên lưng giậu, góc hiên nhà như màu hồng của má hồng con gái. Tôi yêu chút hây hây hồng trên đôi má thanh xuân.

Đi vào thế giới thơ Hư Vô là đi vào thế giới của sắc màu bình dị pha lẫn kiêu kỳ khiến nhan sắc em vừa mê đắm vừa hồn hậu, dịu dàng. Hôn em, hôn môi hiền, nụ hôn thơm như ướp mật. Mùi hương cốm toả nhẹ qua môi hôn, môi em xinh như nụ tầm xuân trinh nguyên của vườn thiếu nữ. Nụ hôn là hội tụ của hương hoa, của đất trời, của những gì thân thuộc của quê hương. Môi hôn vì thế dù đắm say vẫn đượm một chút gì hiền thục, đằm thắm. Tự nhiên hay là một lựa chọn mà thi sĩ đã đặt hương cốm cạnh nụ tầm xuân dường như chẳng có sự nối kết về thời gian. Cốm có vào mùa thu, hoa tầm xuân nở vào tháng chạp, tháng giêng. Tôi cho là một sự sắp xếp cố ý của thi sĩ để nới rộng biên độ thời gian để khẳng định tình yêu là vô tận ở đó không có không gian, cũng không có thời gian mà nơi đó chỉ là hội tụ của cả một khối tình. Câu thơ biểu lộ một niềm tin vào sự thuỷ chung son sắt trong tình yêu. Tình yêu đã cho nhân vật trữ tình đôi cánh bay lên vào huyền thoại. Hạnh phúc làm rưng rưng những giọt lệ long lanh như những hạt châu:

Giọt lệ không chân long lanh vàng đá

Âm vang của ngôn ngữ vì thế cũng mờ đi, nhoè dần trong suy tưởng. Tôi nghe được lời cám ơn thầm lặng của thi sĩ với người tình: Cám ơn em đã yêu anh. Cám ơn vì em chấp nhận sự cách xa vẫn yêu anh, cám ơn em đã cho anh một tình yêu ngọt ngào, cám ơn em đã luôn cho anh niềm tin vào độ bền của lòng chung thuỷ…

Nhưng niềm hạnh phúc không kéo dài, bóng mây đen đã che ngang mặt trời làm không gian thoáng đãng, rực rỡ bỗng tối sầm:

Đang mặn mà em đã vội quay lưng!

Em đã từng nói yêu tôi, em đã từng chung thuỷ với tình tôi, em đã từng chờ đợi ngày tôi về nhưng thật chóng vánh nhanh đến không ngờ “quay lưng!”

Dấu chấm cảm cuối dòng để biểu lộ nỗi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của kẻ đang yêu, được yêu và đang hạnh phúc với tình yêu. Nếu là tôi có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ hỏi lý do người bỏ ta đi chỉ đơn giản là câu hỏi chẳng bao giờ có câu trả lời mà cho dù có cố gắng trả lời chỉ là những lời không thật để cố gắng tránh làm tổn thương nhau. Tôi nghĩ thi sĩ không hỏi mà đây chỉ là cái cớ để anh trang trải nỗi niềm khi tình yêu đã mất:

Bỏ lại Sài gòn rưng rưng góc phố
Ngọn đèn vàng xô dạt bước chân tôi
Trời đất mịt mù ngày mưa giông tới
Nơi máu trong tim chưa kịp luân hồi.

Ý thơ làm tôi nhớ đến ca từ trong một bài hát của Trịnh Công Sơn “Em đi bỏ lại con đường/ Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em”. Một con đường thôi mà đã bao nhớ nhung còn đây là cả một thành phố của những con đường bao dấu chân qua. Tôi thích “Sài gòn rưng rưng góc phố”. Tiếng khóc nghẹn chưa tuôn thành giọt lệ chỉ mới rưng rưng mà chừng như trái tim đã xót. Tình yêu đã đọng lại thành giọt châu rơi, những giọt không chân, mênh mông trời đất bây giờ chỗ nào cũng là em, là bóng em, dáng em, bước chân, nụ hôn nồng nàn của em… giọng thơ hình như đã nghẹn dần thành một chuỗi bi thương, câu chữ như cuộc tình bị đẩy xô trôi dạt để rồi về lại nơi đây ngổn ngang, tăm tối, tù mù “Ngọn đèn vàng xô dạt bước chân tôi, trời đất mịt mùng, máu không kịp chảy trở về…”

Tôi cảm nhận không gian hình khối đang vỡ tan, dòng máu đang tuôn chảy, nỗi đau cào cấu linh hồn. Từng chữ, từng câu đang cứa nát tất cả, như muối đang chà xát vết thương ứa máu chưa lành để người con gái quay lưng kia cũng đôi lần “biết khóc”

Mà cũng có đôi lần em biết khóc
Lối hẹn hò cỏ mọc đã xanh um
Để nhớ một thời em còn xoã tóc
Chỗ lời tình thổn thức tiếng vô ngôn…

Giọt lệ của ăn năn, của nuối tiếc và cũng là một an ủi cho thi nhân khi tình yêu đã ngoài tầm với. Lối thu xưa, lối xuân xưa không còn em và tôi qua lại chỗ cỏ đã phủ xanh xao lòng phố.

Đau xót khó nguôi ngoai. Có lẽ nỗi đau còn vì tình chưa phai nên vẫn nhớ đến hình bóng của người xưa một thời tóc xoã xanh um như ngọn cỏ. Không thể nói ra lời tình nhưng trái tim vẫn thổn thức tiếng vô ngôn.

Con người sinh ra khó ai vượt qua được chữ tình. Tình yêu dù có một kết thúc trọn vẹn hay dở dang vẫn cứ đẹp. Nhưng có lẽ những cuộc tình không trọn vẹn sẽ làm người ta nhớ mãi, không quên, nhớ đến muôn đời. Chia tay – mùa xuân đặt cạnh nhau trong mối quan hệ tương phản càng làm dấy lên trong lòng ta một nỗi buồn vô hạn về kiếp tình ngắn ngủi của những người có duyên không phận và chính điều đó đã tạo cho nhân loại những bài thơ tình êm đềm như dòng sông trôi đi vào mênh mang của đất trời trong một trạng thái mông lung: Đời ta trôi về đâu, tình ta đi về đâu trong cái vô cùng vô tận của đất trời…

Cũng là cuộc chia tay nhưng thi sĩ đã chọn không gian mùa xuân chính điều này đã làm cho lần cuối cùng gặp gỡ không tuyệt vọng mà vấn vương, thương nhớ đến cả cuộc đời. Chia tay mùa xuân, chia tay hoàng hôn cũng vẫn là những cuộc chia tay đau khổ nhưng dường như thi sĩ vẫn kịp cho mình chiếc áo khoác mùa xuân phủ lên cuộc tình tan của mình một hương vị lạ: Tình xa nhưng không mất như mùa xuân đi nhưng rồi lại quay về dù đó là sự quay về của ký ức nhưng vẫn đáng quý, đáng yêu. Bài thơ buồn nhưng không bi luỵ. Tôi vẫn thấy mùa xuân đang lộng lẫy khoác áo lụa vàng đứng bên cạnh tôi với cái nắm tay thân thiết mà tôi đang cảm nhận: “Mùa xuân đang chạm tới da trần”. (Hư Vô)

Trần Sương Lam

XIN MỜI THĂM NGƯỜI TÌNH HƯ VÔ Ở ĐÂY: http://nguoitinhhuvo.wordpress.com/