Trang trong tổng số 13 trang (125 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [10] [11] [12] [13]

Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nguyễn Du và “Truyện Kiều” dưới cái nhìn của Trương Tửu



Có thể nói, trước Trương Tửu, các nhà phê bình mới chỉ đọc Nguyễn Du theo cách đọc tiểu sử học. Nghĩa là, họ tìm thấy ở Truyện Kiều cái điều mà họ muốn thấy là tâm sự của tác giả.

Với khái niệm - chìa khóa cá tính Nguyễn Du - một mặt, nhà phê bình Trương Tửu đã lý giải được những động lực sáng tác, một thứ tâm lý học sáng tạo ở nhà thơ, mặt khác, phát hiện soi sáng một cách khoa học, khách quan những đặc sắc nghệ thuật ở "Truyện Kiều".

Vượt qua cái tâm sự của con người xã hội và cách tiếp cận nhân - quả đơn tuyến, Trương Tửu tìm hiểu cá tính của Nguyễn Du trước hết qua tìm hiểu huyết thống tác giả  Truyện Kiều. Nguyễn Du, theo Trương Tửu, là con cháu một dòng họ nho sĩ hiển đạt, đời nào cũng có người đỗ cao làm quan to của triều đình, khởi từ Nguyễn Tuyên đậu trạng nguyên (1532) thời Mạc. Sau khi nhà Mạc đổ, con cháu bỏ quê gốc là làng Canh Hoạch, Hà Đông trốn vào xứ Nghệ ở làng Tiên Điền mai danh ẩn tích. Đến đời thứ sáu có thân phụ Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Đại Tư đồ, tước Xuân Quận công. Anh cả Nguyễn Du là Nguyễn Khản, cũng đậu tiến sĩ, làm quan đến chức Tham Tụng, cùng triều với cha. Các anh khác đều khoa giáp xuất thân, cùng làm quan Lê triều cả. Câu ca dao: Bao giờ ngàn Hống hết cây, sông Rum hết nước, họ này hết quan là nói về họ Nguyễn Tiên Điền.

Dòng họ Nguyễn Du không chỉ nổi tiếng về khoa hoạn, mà còn nổi tiếng về văn chương. Nguyễn Nghiễm để lại hai tập thơ chữ Hán  Quân trung biên vịnh, Xuân đình tạp vịnh  và một quyển Việt sử bị lãm. Ông cũng là người nổi tiếng hay nôm với bài phú  Khổng tử mộng Chu công. Nguyễn Nễ, anh Nguyễn Du, cũng để lại hai tập thơ  Quế hiên giáp ất tập, Hoa trình hậu tập  và cũng sở trường về quốc văn. Cháu Nguyễn Du là Nguyễn Thiện có tập thơ  Đông Phủ  và là người nhuận sắc Hoa Tiên, còn Nguyễn Đạm, một cháu khác, có tập  Minh quyên. Theo Đào Duy Anh, nước Nam bấy giờ có "An Nam ngũ tuyệt" thì nhà họ Nguyễn Tiên Điền đã chiếm mất hai người là Nguyễn Du và Nguyễn Đạm rồi. Cũng cần phải kể thêm, mẹ Nguyễn Du là một cô gái quan họ Bắc Ninh. Tóm lại, chảy trong mạch máu Nguyễn Du là một huyết thống nho sĩ thư lại có tài văn chương. Huyết thống này đã ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành cá tính của nhà thơ, đặc biệt khi đẳng cấp này suy tàn và thất thế vào thời mạt Lê.

Yếu tố thứ hai tạo nên cá tính Nguyễn Du là quê quán. Nghệ Tĩnh là một vùng đất rừng rậm, núi cao, sông sâu, biển rộng. Một thiên nhiên hùng vĩ, khắc nghiệt thường kích thích ở con người một sức chống cự bền bỉ, một lòng kiên nhẫn phi thường trước hết để tồn tại và sau đó để tồn tại một cách xứng đáng. Bởi thế, dân Nghệ là những người kiên cường, cứng cỏi, tuy ăn "cá gỗ" mà ý chí sắt thép. Hơn nữa, Nghệ Tĩnh từ xưa vốn là một vùng đất biên cương, phân chia giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Sự cọ xát miền biên viễn bao giờ cũng trau dồi con người thêm ý chí. Vả lại, nơi tiếp giáp của những miền cương thổ bao giờ cũng là một nơi tự do. Bởi thế, Nghệ Tĩnh là đất đến của những người tị nạn chính trị (gia đình Nguyễn Du là một trường hợp) - những kẻ có thành tích bất hảo, những kẻ phiêu lưu, những người thích vượt biên. Sự nhập cư của những người này mang đến cho đất Nghệ những nguồn sinh lực mới, trong đó đáng kể hơn cả là lòng yêu tự do, chống lại những khuôn mẫu do một thổ ngơi văn hóa áp đặt. Có lẽ, chính chỗ này là cơ chế sản sinh ra các loại gừng đất Nghệ, mà gừng càng già thì lại càng cay.

Tuy nhiên, nói đến Nguyễn Du mà chỉ nói đến quê Nghệ là chưa đủ, cần phải nói thêm quê Bắc nữa. Bởi lẽ, mẹ nhà thơ là con gái Kinh Bắc. Đây là một vùng văn hóa cổ của người Việt. Đặc biệt, đất Kinh Bắc có sinh hoạt quan họ trữ tình độc đáo, tao nhã, nhàn tản và thú vị. Nơi sản sinh ra các cô thôn nữ "khoẻ mạnh mà không thô kệch, quê mùa mà thanh lịch, yêu kiều mà đoan trang, áo nâu non, váy lưỡi trai bảy bức, yếm thắm hoa hiên, răng đen hạt huyền, mắt trong như dòng suối"... Đây là hình ảnh tiêu biểu cho người đàn bà Bắc Bộ. Có thể, Bắc Ninh nói riêng và đồng bằng Bắc bộ nói chung tuy ít sản sinh ra anh hùng, nhưng là nơi làm cho họ trở thành anh hùng, hoặc thi nhân. Như vậy, Nguyễn Du đã kết hợp được ở bản thân mình ưu thế của cả hai vùng đất, tuy đối lập nhau, nhưng lại bổ sung nhau đắc lực.

Huyết thống và quê quán mặc dù góp phần quan trọng vào sự hình thành cá tính Nguyễn Du, nhưng vì là những yếu tố tĩnh, nên nó chỉ thực sự có tác động mạnh mẽ vào những thời điểm động. Thời đại Nguyễn Du chính là một thời điểm động đó.
Trương Tửu là người hết sức chú ý đến đặc điểm thời đại và biết phân tích nó một cách sắc sảo. Cuối Lê, do chiến tranh liên miên, nên Nho giáo, cái học thuyết trị bình ấy bị khủng hoảng. Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian, nhờ thế, đã hồi sinh và phát triển trở lại. Nho giáo mất vai trò ý thức hệ độc tôn. Đẳng cấp quan binh lần đầu tiên (và duy nhất?) xuất hiện và đóng vai trò thống trị xã hội. Đẳng cấp nho sĩ thư lại của Nguyễn Du bị xuống giá và suy tàn. Điều này trước hết đụng đến gia đình và bản thân nhà thơ. Nguyễn Nghiễm, người cha suốt đời ôm mộng tôn vinh đẳng cấp mình, mất khi Nguyễn Du còn nhỏ. Nhà thơ phải ở với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản ở Thăng Long. Khi Kiêu Binh nổi lên, Nguyễn Khản bỏ chạy, cửa nhà tan tác, Nguyễn Du phải sống nay đâu mai đó, chứng kiến bao cảnh tang thương:

Kìa những kẻ màn loan trướng huệ
Những tưởng mình cung quế Hằng Nga
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu...


Các yếu tố huyết thống, quê hương, thời đại được nêu ra ở trên không phải tác động đến nhà thơ ở các phần nổi của nó, mà là phần chìm, hay đúng hơn là cái phần chìm đó kết tinh, ngưng kết thành cá tính Nguyễn Du. Và, như vậy, con người đích thực của Nguyễn Du, con người Nguyễn Du trong Nguyễn Du không phải chỉ là con người xã hội đã nặng mang tâm sự hoài Lê. Mà đúng hơn là kẻ mang tâm bệnh.
Trước hết, người ta có thể thấy qua thơ chữ Hán, Nguyễn Du là người đa bệnh. Ông thường hay nói đến sự ốm yếu của mình. Trong bài  Mạn hứng, nhà thơ viết "Tam xuân tích bệnh bần vô dược" (Ba xuân dồn bệnh nghèo không thuốc). Còn trong U cư  thì "Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa" (Nhà vắng xuân lạnh, bệnh cũ nhiều)... Nhưng, Nguyễn Du còn có một thứ bệnh nặng hơn nhiều. Đó là bệnh đa sầu đa cảm. Thứ bệnh, có thể không phải do những tổn thương thực thể, mà do căn tạng, do chất người, do cá tính.

"Đó là", Trương Tửu viết, "một thể cách của trạng thái mất thăng bằng về tinh thần, nhận thức ở sự thái quá hỗn loạn của cảm xúc, ở sự bất lực không điều hòa được tính cách hăng hổ, mãnh liệt, bền lâu của những sức phản động của thần kinh hệ đối với những rung động ở ngoại giới ùa vào. Kết quả thông thường là thiếu các khiếu thích ứng vào những trường hợp đột ngột, những cảnh ngộ bất ngờ, những hoàn cảnh mới lạ"*. Căn tạng này làm Nguyễn Du lúc nào cũng lo sợ hãi hùng, rồi trí tưởng tượng bị kích thích thái quá thành ra náo loạn, tạo ra những cảnh tưởng ghê gớm hợp với sự lo sợ kia, nhưng lại được thi sĩ coi là thực. Bởi vậy, thơ văn Nguyễn Du đầy những trầm muộn, khóc lóc và "mỗi" lời là một vận vào...

Đọc truyện Tiểu Thanh, ông cảm thương khóc người mệnh bạc rồi cảm khái khóc thương cuộc đời mình, rồi ngậm ngùi tự hỏi "Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như". Qua Tương Đàm, nhớ Khuất Nguyên, ông cũng ngậm ngùi thương cho người "tỉnh một mình": "Thiên cổ tùy nhân lân độc tỉnh, Tứ phương hà xứ thác cô trung". Rồi Văn chiêu hồn. Rồi Truyện Kiều... Đâu đâu cũng thấy tiếng khóc Nguyễn Du. Ông đã sống thành thực trong văn thơ và bằng văn thơ. Người ta thích đọc Nguyễn Du, một phần, cũng vì sự thành thực ấy. Và Nguyễn Du trở thành đại thi hào, một phần, cũng vì sự thành thực ấy.

Nhưng, cảm xúc thành thực và mãnh liệt ở Nguyễn Du lại bắt nguồn từ ảo giác. Trương Tửu đã chứng minh sự giàu có của tưởng tượng Nguyễn Du trong thơ chữ Hán. Ví như, khi ông đứng bên bờ sông Lam thì thấy: "Tỷ ngạn băng bạo lôi, Hồng đào kiến kỳ quỷ" (Bờ hư lở ầm ầm, như sấm dữ, sóng lớn trông như có ma quỷ), bởi thế ông muốn "Nghĩa khu thiên nhẫn sơn, Điều bình ngũ bách lý (Muốn xô núi Thiên nhẫn lấp bằng 500 dặm)... Sau đó là trong  Văn chiêu hồn. "Cả bài thơ là một hiện tượng ảo giác kỳ diệu, mạnh đến tuyệt độ. Bao nhiêu giác quan của thi sĩ đều vươn đến cái điểm căng thẳng cuối cùng của chúng. Thi sĩ nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, sờ thấy, nếm thấy những hình ảnh không có, những âm thanh không có. Tất cả những cái không có này đều đang có, đang diễn ra một cách cụ thể ở trước mắt thi nhân"*. Có lẽ, vì thế,  Văn chiêu hồn  mới trở thành một bức tranh hiện thực sống động. Ở đây, tôi nghĩ, có một nghịch lý của nghệ thuật. Hiện thực đời sống không thể trực tiếp đi vào tác phẩm được, mà phải qua ảo giác, qua tưởng tượng. Nếu không, cái thực ấy sẽ lập tức trở thành cái giả. Cuối cùng, tính ảo giác của trí tưởng tượng của Nguyễn Du, thể hiện đậm đặc ở  Truyện Kiều. "Ta có thể nói rằng vai chính trong truyện không phải là Thúy Kiều, không phải là Kim Trọng, không phải là Thúc Sinh, Từ Hải... Không, vai chính không phải là những người còn đang sống ấy. Vai chính chỉ là một oan hồn vất vưởng dưới âm ty của một con ma hiện lên trong các giấc mơ, bên giường bệnh... Vai chính của truyện là Đạm Tiên"*. Kiều đã tin có Đạm Tiên. Suốt đời này, lúc nào nàng cũng tin có Đạm Tiên, nghe theo Đạm Tiên như là nghe theo một người có thực. Đó là hiện tượng ảo giác hoàn toàn. Tạo ra cái hiện tượng ảo giác đó, theo Trương Tửu, tức là tin nó có thực. Sự tin này rất hợp với thần kinh hệ, với căn tạng cảm xúc quá độ, với khiếu ảo giác của Nguyễn Du.
Tóm lại, "ngần ấy yếu tố sinh lý và tâm lý đã tạo thành cá tính Nguyễn Du. Trong đời sống thì cá tính ấy là một tính lãng mạn, trầm muộn, thích cô liêu, thèm an nhàn, mộng mị, ghét những hoàn cảnh mới lạ. Trong văn chương thì nó là sự rung động thành thực và mãnh liệt, sự tưởng tượng dồi dào, sự cảm xúc ủy mị và bi thương, sự cảm thông với đồng loại đau khổ và thần linh"*. Và, Truyện Kiều  đã kết tinh được cá tính ấy một cách mỹ mãn.

Phải nói rằng, phê bình Truyện Kiều  nói riêng và phê bình văn học nói chung, đến Trương Tửu đã đặt được một cột mốc mới. Bởi lẽ, từ tâm sự đến cá tính là hành trình từ con người xã hội, bề mặt đến con người tâm lý, bề sâu, từ con người hữu thức đến con người tiềm thức. Với khái niệm - chìa khóa cá tính Nguyễn Du, một mặt, nhà phê bình Trương Tửu đã lý giải được những động lực sáng tác, một thứ tâm lý học sáng tạo ở nhà thơ, mặt khác, phát hiện soi sáng một cách khoa học, khách quan những đặc sắc nghệ thuật ở  Truyện Kiều.
***

* Đáng tiếc là trong tay tôi chỉ có cuốn  Nguyễn Du và Truyện Kiều  /(bản in lần thứ 2, có sửa chữa nhiều) do Thế Giới in năm 1951, mà không có cuốn in lần đầu, 1942. Bởi thế, tôi chỉ có thể tham khảo được một vào trích đoạn của nó qua cuốn Nhà văn phê bình (Văn học, 1996) của Mộng Bình Sơn và Đào Đức Chương và cuốn  Hoài vọng và lý trí (Hội Nhà văn, 1996) của Đinh Gia Trinh. Các trích dẫn đều lấy ở cuốn sách trên.

Đỗ Lai Thúy

Nguồn: Tia Sáng (Số 17-2005)
ĐN sưu tầm và trích đăng.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

gialinh1007

Em cảm ơn bài viết của anh ( chị ) Đồ Nghệ  nhiều ! Em đã có thêm nhiều ý tưởng cho bài luận văn viết về truyện thơ của Nguyễn Du sau khi tham khảo bài viết của anh(chị).
Vay tiền ngân hàng
Thiet ke website
Tour di sapa
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

ĐẠI HỘI THÀNH LẬP HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM
ĐÃ DIỄN RA VÀ THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
VÀO SÁNG NAY,THỨ NĂM NGÀY 3 THÁNG 11 NĂM 2011 TẠI THỦ ĐÔ HÀ NỘI


http://i836.photobucket.com/albums/zz289/mit55/anh201TngNguynDutiKhuditichiThihoTininNghiXunHTnh.jpg




        Truyện Kiều - Đoạn trường Tân Thanh, tác phẩm văn học bất hủ của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 – 1820) ngay từ lúc  mới ra đời đã được đông đảo công chúng, bạn đọc ngưỡng mộ đón chào nhiệt liệt. Đã hơn 200 năm nay, sức sống, sức lan toả của Truyện Kiều ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn, những người yêu mến Truyện Kiều không chỉ là giới trí thức say mê văn chương, mà là mọi tầng lớp lao động, từ nông thôn đến thị thành, khắp mọi miền đất nước, ai biết tiếng Việt là có thể yêu mến Truyện Kiều.
         Sau hơn 200 năm, vì nhiều lý do mà nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du chưa được khôi phục hoàn toàn, có một số câu chữ do người đời sau san nhuận chưa thật sát với sáng tác của Tố Như, cũng vì gián cách thời gian, lời ăn tiếng nói của người Việt thế kỷ XIX trở về trước được phản ánh trong Truyện Kiều còn lạ lẫm với các thế hệ hậu sinh. Do vậy có ảnh hưởng ít nhiều đến sự phổ biến truyền bá những giá trị của Truyện Kiều đương đại, tuy rằng từ lâu nay nhiều người yêu mến Truyện Kiều, am hiểu Truyện Kiều đã dày công sưu tầm các loại văn bản-dị bản Truyện Kiều, chú thích đối chiếu làm sáng tỏ từng câu chữ, tích truyện, điển cố văn chương mà Nguyễn Du đưa vào trong Đoạn trường Tân Thanh.
         Khoảng 10 năm trở lại đây, khi nhà nước nâng cấp Khu lưu niệm Nguyễn Du (Nghi Xuân – Hà Tĩnh), du khách yêu mến Truyện Kiều về thăm viếng ngày càng đông, ai cũng muốn tỏ tường hơn nữa về Truyện Kiều, ai cũng tưởng về đến Tiên Điền mọi việc sẽ được giải đáp. Với mong muốn của đông đảo du khách, bạn đọc như vậy, một số người nảy ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Truyện Kiều hay Trung tâm  nghiên cứu Truyện Kiều, để tập hợp lực lượng của nhiều người, giải quyết dần những tồn nghi về Truyện Kiều do lịch sử để lại. Và rồi sau nhiều năm suy tính, một số người yêu mến Truyện Kiều nhất trí với nhau thành lập Hội những người nghiên cứu Truyện Kiều, gọi tắt là Hội Kiều học Việt Nam.
         Hội Kiều học Việt Nam được chính thức thành lập theo Quyết định số 1400/QĐ-BNV ngày 14 tháng 7 năm 2011 về việc cho phép thành lập Hội Kiều học Việt Nam. Quyết định ghi rõ : “Điều 2: Hội  Kiều học Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động theo Điều lệ của Hội  Kiều học Việt Nam, được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành có liên quan về lĩnh vực Hội hoạt động. Hội Kiều học Việt Nam có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự lo kinh phí và phương tiện hoạt động…”.
Điều lệ Hội  Kiều học Việt Nam nói rõ và quy định rõ mọi vấn đề về hoạt động, tổ chức, mục đích…của Hội, nhưng chủ yếu nhất là vấn đề nghiên cứu làm sáng tỏ văn bản và các giá trị của Truyện Kiều, đồng thời với mọi hoạt động thiết thực ngày càng quảng bá sâu rộng hơn Truyện Kiều đối với các thế hệ bạn đọc trong và ngoài nước.
         Sau hơn ba tháng kể từ khi Nhà nước ban hành Quyết định thành lập, sáng nay Hội Kiều học Việt Nam  đã tổ chức thành công Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam tại Hội trường tầng 2 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam số 1 Liễu Giai – Hà Nội. Tham dự Đại hội thành lập Hội hôm nay  theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Tổ chức Đại hội có 154 hội viên (trên tổng số hơn 300 hội viên chính thức trong nước và ngoài nước) và  40 đại biểu các Ban ngành trung ương, các Viện nghiên cứu trung ương và địa phương trên cả nước, tham dự Đại hội còn có đại biểu Thường vụ tỉnh uỷ và Trưởng ban tuyên giáo tỉnh uỷ Hà Tĩnh. Đại biểu cao tuổi nhất tham dự Đại hội đã 87 tuổi và đại biểu trẻ nhất Đại hội là 25 tuổi. Số đại biểu là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ là 52 người và số đại biểu có trình độ trên đại hoc và đại học là 27 người, một đại biểu là người nước ngoài (giáo sư An Chun Hy Đại học Xơ un –Hàn Quốc). Công tác chuẩn bị Đại hội do Ban Vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam (được thành lập theo Quyết định số 1794-QĐ-BVHTTDL ngày 23 tháng 5 năm 201 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Vận động gồm 14 thành viên do Tiến sĩ Phan Tử Phùng làm Trưởng ban) tiến hành. Ngay từ khi Ban Vận động được thành lập, đông đảo những người yêu thích Truyện Kiều nhiệt liệt hưởng ứng (cho đến nay có trên 300 người bao gồm mọi lứa tuổi, lĩnh vực hoạt động xã hội và nghề nghiệp khắp cả nước và Việt Kiều nộp đơn tự nguyện gia nhập Hội).
         Sau lễ chào cờ và một phút tưởng niệm Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, Đại hội đã nghe nhà thơ Vũ Quần Phương thay mặt Ban Tổ chức  giới thiệu  số lượng và thành phần đại biểu tham dự Đại hội và tuyên bố khai mạc Đại hội. Đại hội đã tiến hành bầu Chủ tịch đoàn Đại hội với 5 thành viên và Ban Thư ký  Đại hội với  3 thành viên. Tiến sỹ Phan Tử Phùng thay mặt Đoàn chủ tịch Đại hội báo cáo về quá trình vận động và việc thành lập Hội Kiều học Việt Nam  và đọc các Quyết định số 1794/QĐ-BVHTTDL (ngày 20/5/2010) của  Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc công nhận Ban Vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam và Quyết định số 1400/QĐ-BNV (ngày 14/10/2011) của Bộ Nội vụ về việc cho phép thành lập Hội Kiều học Việt Nam. Đại hội cúng đã thảo luận và biểu quyết thông qua (với sự nhất trí 100%) với Dự thảo Điều lệ Hội Kiều học Việt nam (gồm 9 chương với 27 điều) do Ban Tổ chức Đại hội đưa ra. Các đại biểu tham dự Đại hội đã  trình bày các tham luận và sôi nổi thảo luận  các vấn đề mà dự thảo phương hướng công tác của Hội thời gian tới đề cập…Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ đầu tiên của Hội Kiều học Việt Nam gồm 15 thành viên với sự nhất trí tuyệt đối. Đại hội uỷ nhiệm cho Ban Chấp hành tiến hành họp và bầu Chủ tịch Hội trong chiều nay cũng như chịu trách nhiệm trước Đại hội thông báo kết quả bầu Chủ tịch Hội, triển khai các công việc mà Đại hội đã nhất trí thông qua… (Danh sách Ban Chấp hành Hội Kiều học Việt Nam, Ban Kiểm tra của Hội… sẽ được chúng tôi cập nhật khi có thông tin). Thay mặt toàn thể đại biểu Đại hội và Ban Chấp hành đầu tiên của Hội Kiều học Việt nam, Tiến sỹ Phan Tử Phùng đã tiếp nhận đôi câu đối  do nhạc sỹ Phạm Tuyên (đại biểu-hội viên sáng lập Hội Kiều học Việt Nam) trao tặng lại. Đây là đôi câu đối nhân dân Huế đã khắc và trao tặng cụ Phạm Quỳnh (thân sinh nhạc sỹ Phạm Tuyên- một học giả nổi tiếng, một nhà Kiều học uyên bác) nay được nhạc sỹ tặng lại cho Hội. Đôi câu đối viết bằng chữ Nôm nhắc lại câu nói nổi tiếng của cụ Phạm Quỳnh và  được bác Hà Như Trần Thế Hào –nhà nghiên cứu Hán Nôm và là thành viên Thi Viện - tạm dịch là: “ Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn -Tiếng Việt còn thì nước Việt Nam còn”. Đó cũng là suy nghĩ chung của những người yêu mến và quý trọng Truyện Kiều.
         Thời gian tới, Hội Kiều học Việt Nam đặt trọng tâm là chuẩn bị để hoàn thiện nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du với một văn bản Truyện Kiều phiên âm quốc ngữ, trên cơ sở đó đệ trình Nhà nước làm văn bản đề nghị UNÉSCO xét công nhận Truyện Kiều là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại, văn bản đó sẽ là cơ sở cho mọi đánh giá và truyền bá của Truyện Kiều.


(Đồ Nghệ tổng hợp thông tin và tư liệu từ Ban Tổ chức Đại hội và một số uỷ  viên BCH.)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.


http://i836.photobucket.com/albums/zz289/mit55/15CacdaibieuthamduDHToancanh.jpg

Quang cảnh khai mạc Đại hội Thành lập Hội Kiều học Việt Nam

http://i836.photobucket.com/albums/zz289/mit55/13CacdaibieuthamduDH.jpg

Các đại biểu tham dự Đại hội

http://i836.photobucket.com/albums/zz289/mit55/19CacdaibieutrungcuvaoUVBCHHoiKieuhocVNsaubaucutaiDH.jpg
Các UV Ban Chấp hành Hội Kiều học Việt Nam khoá đầu tiên

...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.
Một bài phú về Truyện Kiều
  
Là người yêu thích Truyện Kiều, trong dịp về thăm quê tôi đến thăm một nhà giáo cao niên dạy văn trước Cách mạng Tháng 8, năm nay đã trên 90 tuổi hiện sống ở Nghệ An, cụ có cung cấp cho tôi một bài phú về Truyện Kiều chép trong cuốn sổ tay đã cũ. Bài văn khoảng 3-4 trang đánh máy, nhưng nội dung tóm tắt đầy đủ diễn biến của Truyện Kiều, hình thức viết theo thể phú - một thể loại văn học của Trung Quốc có vần, có đối đã du nhập vào Việt Nam khá sớm.

Điều đặc biệt ở bài phú này là tác giả đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn những ngữ liệu có sẵn trong Truyện Kiều mà không hề gượng ép nên rất hấp dẫn. Tôi xin giới thiệu để các bạn cùng thưởng thức và mong các vị tìm hộ xuất xứ của bài văn vì người cung cấp không biết ai là tác giả và cũng không nhớ chép ở nguồn nào.


Bài phú Truyện Kiều

Kể từ lúc: ngọc chưa cài, trâm chưa giắt.
Tài sắc gồm hai; phong lưu rất mực.
So tay bút pháp, Lan Đình mấy thiếp nào thua;
Lầu bậc cung thương, Hồ cầm một trương ăn đứt.
Sắc khuynh quốc, hoa thua liễu kém, nắng mưa gìn giữ xiết bao!
Tuần cập kê, trướng rủ màn che, ong bướm đi về cũng mặc.
Tới tiết Thanh minh:
Quần áo thướt tha: ngựa xe giong ruổi.
Trở ra về gặp chàng Kim Trọng, mặn mà thay lan cúc cả hai bên!
Thoắt chiêm bao thấy ả Đạm Tiên, đau đớn nhẽ nhân duyên cùng một hội!
Lênh đênh mặt sóng, đã đành phận gái truân chiên:
Lắt léo cánh thoa, mới biết lòng trời run rủi.
Trên tường gấm, ơn lòng quân tử, mở quạt đổi trao;
Dưới lầu son, vắng mặt tri âm, vò tơ bối rối.
May làm sao: thanh vắng một mình; hôm nay được buổi.
Cùng nhau vàng đá mấy lời; dám tiếc tóc tơ một mối.
Thôi vẫn tưởng: chỉ hồng lá thắm ấy là duyên;
Nào có biết: nhị rữa vàng phai đâu đến nỗi.
Bỗng phải tai bay vạ gió: quản chi ngọc trắng cát lầm.
Ơn chín chữ mong đền gang tấc; thân nghìn vàng đổi lấy ba trăm.
Chẳng ngờ gã Giám Sinh, phong tình là đứa:
Chung lưng con già Tú, buôn bán quanh năm.
Kiếp má hồng toan trả trời xanh, sực thấy mấy câu thần mộng;
Doành nước biếc nổi cồn sóng bạc, thêm thương đến khách tri âm.
Ai oán nhẽ! ngâm câu tuyệt diệu;
Lạ lùng thay! có tiếng họa ngâm.
Thằng Sở Khanh! ngỡ là cùng mạch thư hương; vẫn chắc ba sinh duyên
nợ.
Nói ngon, nói ngọt, rằng ra tay phải cậy anh hùng;
Dầu rủi, dầu may, thử nhắm mắt mà xem tạo hóa.
Cùng nhau trên ngựa một điều; thoắt rẽ dây cương đôi ngả.
Giây phút tớ thầy thẳng tới, già Tú ơi! vùi dập sao nỡ đang tay!
Khéo đâu nhủ bảo đến lời, Sở Khanh hỡi! nông nỗi nước này cũng lạ!
Kiếp phong trần đã đến thế thì thôi;
Nợ anh yến phải lấy thân mà trả.
Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa; cho mê mẩn đời, cho lăn lóc đá.
Bấy lâu dạn mặt, rặt phường quyến gió rủ mây;
Hai chữ đồng tâm, mấy kẻ ghi lòng tạc dạ.
Có chàng Thúc Sinh:
Thanh khí lẽ hằng; hoa khôi tiếng mộ.
Ngày xuân mưa gió càng nồng; đêm xuân đi về lắm độ.
Khi rượu khi cờ; khi trăng, khi gió.
Khi gọi canh quyên; khi tàn bóng nhớ.
Mận đào khi trước lân la; vàng đá về sau gắn bó.
Chút e phận cát, rồi ra phấn lạt hương phai;
Lại sợ nhà thông, cớ sao hoa tường liễu ngõ?
Há rằng không suy trước nghĩ sau, song đã trót bể thề non trỏ.
Từ đấy: tạ thần mày trắng; giã chốn lầu xanh.
Thôi hẳn chắc phen này đành phận: chẳng như xưa lại phải thương mình.
Sắt cầm vừa dạo nửa năm, nhà xuân chợt tới;
Phong ba nổi ngay một trận, cửa phủ đơn trình.
Muôn đội ơn trên, tình lý hai bên vẹn cả;
Lại nhờ lượng bể, phong ba dẹp nỗi bất bình.
Luận cho đoàn tụ; sửa đạo gia đình.
Vui lắm thay! trúc mai sum họp; lan huệ thơm tho.
Suốt một năm ròng, rượu sớm cờ trưa biết mấy;
Tin nhà ngày vắng, đáy sông rốn bể khôn dò.
Xin kíp lại nhà, tình ý ta đây được biết:
Thôi đừng lần lữa, tăm hơi ai kẻ giữ cho.
Quan hà một chén tiễn đưa, tin mừng xin đợi;
Dâu xanh mấy ngàn đã khuất, mối thảm ai vò.
Từ ngày: pha phôi dặm liễu, não người cữ gió tuần mưa;
Vò võ song mai, tủi phận chăn đơn gối chiếc.
Trước Phật đường hương vừa đốt cháy, chưa kịp khấn cầu:
Lũ ác nhân đâu đã kéo vào, làm cho mê mệt.
Huyện Tích đem về; tên hoa dạy ép.
Phận hầu giữ phận, quản bao tóc rối da chì;
Thôi thế thời thôi, sá nghĩ hoa tàn ngọc nát.
Nghĩ lúc cửa người đầy đọa: thiên hương quốc sắc mà chi;
Nào hay chốn cũ ra vào: địa ngục thiên đàng có biết.
Phút thấy: trong nhà truyền gọi; trên tiệc đứng khuyên.
Mặt đà rõ mặt; nhìn chẳng dám nhìn.
Ghê gớm thay! thầy tớ thằng Ưng lập mưu gian ác;
Mẹ con nhà Hoạn rất mực khôn ngoan.
Vị gì chút phận hồng nhan, làm cho đau đớn;
May lại nương thần Bồ Tát, rũ vết trần duyên.
Bể thảm hầu vơi tấc dạ; trăng đầu đứng đã hai phen.
Chàng Thúc lẩn ra, thở thở than than, tình ấy muôn cam chịu bạc;
Tiểu thư chợt đến, cười cười nói nói, lạ cho cái giống nhà ghen.
Lửa dấm lại càng thêm tội; mưa sa sá nghĩ phận hèn.
Đêm hôm ấy: qua tường hoa; lần điếm cỏ.
Ngàn dâu vừa sáng, xa trông Chiêu ẩn chữ bài;
Rừng quế dời chân, động tiếng trụ trì then ngỏ.
Chuông khánh trình qua; gót đầu nói rõ.
Vãi Giác Duyên thật dạ cả lo;
Dạy nhà Bạc đem về tạm trú.
Cũng tưởng dâng hoa cúng quả, quen lối đi về;
Nào hay bán phấn buôn hương, bợm già cũng tổ.
Này chàng Bạc cũng trong thân thích, vốn nhà buôn bán châu Thai;
Rước kiệu hoa vào lạy gia đường, mới biết đồng môn mẹ Tú.
Má phấn đã đen quá nửa, ghen mãi chưa thôi;
Trời xanh riêng bạc chi ai, gỡ ra cực khổ!
Bỗng có: người Việt Đông; đấng anh hùng.
Đưa thiếp đỏ; đến lầu hồng.
Liếc mắt cùng nhau, há phải những phường trăng gió;
Tấm lòng đã chắc, có phen được thấy mây rồng.
Lửa hương duyên bén chửa bao, vó câu thẳng ruổi;
Non nước lời kia dặn lại, tin nhạn ngày mong.
Phút thấy: hoa bay phượng múa; trống nổi cờ giong.
Cúi đầu mười vị tướng quân, rằng vâng lệnh chỉ;
Nối gót năm ba thể nữ, chải chuốt hình dong.
Kíp truyền phượng liễn; về chốn loan phòng.
Vinh hoa bõ lúc; ân oán đền xong.
Cậy sức Từ công, động địa kinh thiên, tính đốt thêm năm năm chẵn;
Tin lòng Tôn Hiến, giải binh thúc giáp,nào ngờ một phút như không.
Chua xót thay! hai chữ cương thường, hằng ghi tấc dạ;
Một niềm trung hiếu, mang tiếng phụ lòng.
Thôi thời thôi: này cái hồng nhan; này cha cái kiếp!
Trầm luân nào phận, mừng mặt nhau chưa giã chốn sông Mê;
Tế độ nhờ tay, bừng mắt dậy mới hay thuyền vãi Giác
Bẻ lau vạch lối trở ra về; dưa muối chay lòng y thuở trước.
Kệ kinh lại tay lần miệng đọc, từ bi nhờ đức Thế tôn;
Quả hoa thời sớm cúng tối dâng, phổ độ chiếc thân lưu lạc.
Mới hay: đạo trời báo phục; phép Phật nhiệm mầu.
Mười lăm năm sóng vỗ bèo trôi, dầu dãi xiết bao nạn trước;
Nghìn muôn dặm non cao nước biếc, êm đềm nào chắc duyên sau.
Mau chân sư trưởng người về, một nhà kéo đến;
Lên tiếng Trạc tuyền nàng hỡi, này khách nơi đâu.
Xúm quanh nở mặt nở mày, còn ngờ giấc mộng;
Kể lể chân tơ kẽ tóc, riêng tưởng bấy lâu.
Này chồng, này mẹ, này cha, hoan hỉ lắm, thực tâm thành đã thấu;
Giã sư, giã chiền, giã cảnh, tạ từ rồi xin tái hợp cùng nhau.
Bấy giờ: về chốn huyện nha; truyền bày tiệc rượu.
Dở say dở tỉnh, em Thúy Vân riêng nói bên tình;
Có biến có thường, chàng Kim Trọng nặng bề chữ hiếu.
Tình sau nghĩa trước, thấp cao người dạy phải vâng;
Bướm cũ hoa xưa, lai láng tình chung nào thiếu.
Tai nạn xưa trút sạch làu làu: danh tiết đấy gương trong leo lẻo.
Lạy Phật thung huyên đôi khóm, việc gia đình được định tỉnh thần hôn;
Ơn trời hòe quế một sân, nền phúc ấm vẫn nhân bồi nghĩa triệu.
Uẩy uẩy hồng quần những khách, gương đấy thử soi.
Này này hậu phúc ở ta, tu sao cho khéo.


Thế Anh

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 1(98) 2010; Tr. 80 - 83)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 13 trang (125 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [10] [11] [12] [13]