Trang trong tổng số 2 trang (17 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]

Ảnh đại diện

karizebato

Chương 10
Hành phương Nam, dở cười dở khóc
Tự đánh mình, khó nhọc công phu


Từ khoảng năm Bính Thìn, các anh hùng võ lâm lục tục kéo vào phương Nam lập nghiệp cũng nhiều. Bọn Sáu Lùn, Nguyễn Nhuệ cùng với nhóm Võ Đang Công Thần khuynh đảo giang hồ, quyền sinh quyền sát. Độc chiếm các võ đài, bảo hoàng hơn vua, bọn đệ tử của Võ Đang Toàn Chân xưng hùng xưng bá chẳng khác gì các sứ quân ngày xưa. Lẫn lộn trong đoàn quân đó, cũng có những bậc đại hiệp uy danh lừng lẫy như Mã Khởi, Sáu Lùn, Nguyễn Nhuệ, Nguyễn Mạnh, Bùi Minh v.v... nhưng cũng có cả những tên lưu manh đầu đường xó chợ chen vào.

Thời ấy, làn sóng "hành phương Nam" làm cho võ lâm xao xuyến, kẻ đi người ở, kẻ khóc người cười, vui buồn lẫn lộn.

Đúng là:
Hành phương Nam! Hành phương Nam!
Tráng sĩ hề! Ra đi không về!
Nước lạnh ghê
Lòng buồn tái tê...
Nào phụ mẫu, nào phu thê!
Lích kích đồ đạc
Lủng củng tàu xe
Cô, dì, chú, bác
Nước mắt dầm dề
Chí lớn hề! Tiêu hoang cho hết!
Mắt đỏ hề! Rồi sao hãy hay!
"Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say"
Đất trời dài rộng
Chan hoà nước mây
Hành phương Nam! Hành phương Nam!
Thôi cứ liều mình như chẳng có
Trông chờ số phận rủi may
"Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay"
Hành phương Nam! Hành phương Nam!
Tráng sĩ hề! Ra đi không về!
Có người làm nên danh phận
Còn được mát mặt thoả thuê
Công lênh dồi dào hiển hách
Gia thế cũng lại đề huề
Có người lỡ lạc bước
Tay trắng lại trắng tay
"Hỡi ơi nhiếp chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây"
Hành phương Nam! Hành phương Nam!
Kẻ cười người khóc
Tráng sĩ hề! Ra đi không về!
Anh hùng ai tỉnh ai mê?
Ai thua, ai được, ai huề, hỡi ai?


Làn sóng "hành phương Nam" ấy còn kéo dài tới mười, mười lăm năm sau, chừng khoảng hai thập kỷ. Các anh hùng võ lâm rồi cũng dần dần ổn định. Tuy nhiên, trong giang hồ cũng không có xáo động gì nhiều, trừ dăm ba cuộc thư hùng của bọn Nguyễn Mạnh, Nguyễn Nhuệ, Bùi Minh... đại để hình dung giống như một người đàn bà đang vật mình vật mẩy khó chịu hoặc như con rắn đang lột xác.

Vậy thế nào là người đàn bà vật mình vật mẩy khó chịu?

Đấy mới thực là:
Thiếp đang ốm dở
Chớ có đụng vào
Công thiếp rất lớn
Chàng đãi bạc sao?
Thiếp đâm thiếp chém
Thiếp khóc thiếp gào
Cơm chẳng buồn nuốt
Đi ra đi vào
Lành thì làm gáo
Vỡ thì làm muôi!
Thiếp đang sốt tiết
Như thùng dầu sôi!
Ly thân cũng được
Thôi thì chia tay
Bát nước hắt xuống
Trăm đắng ngàn cay
Trời nghiêng đất ngả
Thoả cơn hận này!


Vậy còn thế nào là con rắn đang lột xác?

Đấy mới thực là:
Khôn ngoan lanh lợi
Nham hiểm khôn lường
Nanh nọc cực độc
Chui lủi, tránh đường
Thận trọng, ý tứ
Rúc vào rãnh mương
Từ từ lột xác
Da dẻ nõn nường
Tựa như trẻ lại
Như thời cốm hương
Quên phắt quá khứ
Chẳng thèm vấn vương
Xác khô vứt bỏ
Lại nguyên vẻ thường
Vung vinh trưởng giả
Trông thật dễ thương
Ra điều hiền hậu
Như ăn chay trường...


Với thời gian, rồi cũng chẳng ai nhớ đến vị anh hùng nào đánh đấm cái gì, hay dở được mất cái gì... Vật mình vật mẩy, nửa cười nửa khóc, nhiều người cũng muốn quên đi chính mình... Tuy thế, trong giang hồ, cũng có những bậc anh hùng kỳ nhân mà dù thời cuộc thay đổi, biến thiên thế nào đi nữa người ta vẫn cứ còn nhắc tới. Một trong những người như thế là Bùi Lão Đại Điên kỳ hiệp tiền bối.

Bùi Lão Đại Điên kỳ hiệp tiền bối sinh thời luyện chưởng mười lăm năm với đàn dê núi, gọi dê là sư phụ. Y hay vác cây đại thiết bổng đi khắp các nơi. Y không đánh nhau với ai, chỉ tự mình đánh nhau với cái bóng của mình suốt cả ngày đêm. Trò đời ở trong giang hồ, đánh nhau với mình là khó nhất. Vì sao vậy? Vì mình rất hiểu ta, vì ta rất hiểu mình, tẩu hoả nhập ma như bỡn.

Thế mới gọi là:
Ta cũng định làm như người thiên hạ
Sực nhớ ta lại chẳng phải là ta!
Ta xin phép hỏi ta là gì nhỉ?
Giữa miên trường, ta đánh một mình ta!


Bùi Lão Đại Điên kỳ hiệp không thu nạp đệ tử, học trò, kiếm pháp của y vì thế thất truyền. Sau này cũng có người muốn học theo nhưng không làm sao học được, vì muốn như thế ắt phải ở với dê núi, dễ gì đã ai ở được?

Cho nên:
Tự đánh mình, nào đâu phải dễ
Kiếp phù du, cái thế mà chi?


(Trong giang hồ còn có thay đổi thế nào, ai còn ai mất, xin đọc sang chương 11).
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 11
Đại võ đài lừng danh một thuở
Nương dâu bãi biển, chìm nổi anh hùng


Khi Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi về cai quản Đại võ đài ở kinh đô, võ lâm trên giang hồ nô nức kéo về tụ hội, tất cả sôi nổi hẳn lên. Các anh hùng khắp nơi về đây tỉ thí, người xem đông như kiến cỏ. Có nhiều trận thư hùng, giao tranh vô cùng ngoạn mục. Thậm chí Mã Khởi đại hiệp phải vỗ đùi kêu lên:

"Bọn anh hùng mới xuất hiện tài giỏi thế kia, có lẽ thế hệ chúng ta phải vứt hết đao hết kiếm!"

Lúc ấy, trong giang hồ người ta vẫn nói nhiều đến Tam Bảo Thiếu Gia đại hiệp và Phạm Thư Thư kỳ nữ đại hiệp. Tam Bảo Thiếu Gia đại hiệp là con nhà nòi, cũng học "Đại học võ đường" ra như bọn Trần Đăng Tài. Tam Bảo Thiếu Gia tìm được trong kho vũ khí ở nhà một thanh đại đao nặng ngót trăm cân như đao của Quan Vân Trường thuở trước. Thanh đao quý, mỗi khi mang vác ra ngoài ai cũng vì nể. Chỉ tiếc chưởng lực của Tam Bảo Thiếu Gia có hạn nên y chỉ vung ra được một nhát rồi thôi, sau này tự y biến mình thành một tên nha lại chạy cờ ở Đại Võ Đài, thật phí cho một sự nghiệp anh hùng. Tuy nhiên, y cũng đã làm cho võ lâm ở trên giang hồ biết thế nào là đao quý. Mỗi khi đao vung lên thì:

Thần khóc quỷ sầu
Sống lưng đau sụn
Đầu gối bủn rủn
Va đập vào nhau
Thắt lưng nhức mỏi
Chóng mặt hoa đầu
Đêm nằm nói mớ
Hai mắt trũng sâu
Nằm im thiêm thiếp
Ăn nói lầu bầu
Tinh, khí, thần, lực
Hết sạch còn đâu?


Phạm Thư Thư kỳ nữ đại hiệp là một nhân vật kỳ lạ. Thuở nhỏ, y đi du học, ra sức luyện tập võ công, vì thế kiếm pháp của y sắc sảo, độc đáo hơn người. Về nước, y được bảy tên lùn luôn luôn hầu hạ phục dịch xung quanh, coi y như thiên sứ trên giời sai xuống phàm trần.

Bảy tên lùn ấy là người thế nào?

Đấy chính là:
Tên thì Cau có
Mặt khó đăm đăm
Tên thì Khôn ngoan
Săm săm sỉa sỉa
Tên thì Ghen tị
Lườm nguýt suốt ngày
Tên thì Thơ ngây
Còn đang đi học
Tên Thi sĩ ngốc
Toan tính nửa vời
Tên thì Tay chơi
Suốt ngày bốc phét
Tên Giả hào kiệt
Đánh trống bỏ dùi
Bảy tên như thể dở hơi
Làm cho tan nát một đời tài hoa!


Phạm Thư Thư đi đến đâu, bảy tên lùn hò reo tung hô đến đấy. Kiếm pháp của Phạm Thư Thư vô cùng ảo diệu. Y khuynh đảo ở trên giang hồ khoảng chừng 5 năm, ai cũng khen ngợi, xứng đáng được gọi là một đại cao thủ "thân kiếm hợp bích" hoàn hảo.

Một ngày kia, Phạm Thư Thư kỳ nữ đại hiệp bị bảy tên lùn bắt trói, bán cho bọn mọi ở ngoại bang, để lại rất nhiều thương tiếc cho võ lâm trên giang hồ. Cũng có lời đồn thổi rằng không phải chỉ bảy tên lùn mà có tới chín tên lùn đã làm việc đó. Cho đến nay, đấy cũng vẫn là một nghi án lưu truyền ở trong võ lâm.

Có thể nói, Đại võ đài ở kinh đô chưa bao giờ lại sôi nổi như thời Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi cai quản. Nghe đồn rằng thời đó cũng có một người đã từng tu luyện 10 năm ở trên núi quyết định hạ sơn. Tiếc rằng trong chính sử cũng như ngoại sử, không thấy ai ghi chép gì về người ấy.

Sau này Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi bị bọn địch thủ bày kế đánh đuổi ra khỏi Đại võ đài. Y phải chạy về Tây Nguyên dưỡng thương, mong muốn cải tổ môn phái Võ Đang Toàn Chân của y không thực hiện được, tuy nhiên tên tuổi của y vẫn còn lưu danh mãi mãi ở trên giang hồ, đáng cho hậu thế về sau học hỏi.

Đấy mới gọi là:
Thời thế đổi thay, giang hồ thay đổi
Nương dâu bãi biển, chìm nổi anh hùng


Muốn xem trong võ lâm còn có những sự thay đổi gì nữa, hãy đọc tiếp chương 12.
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 12
Tầm sư học đạo
Lạc vào cung mê


Ngày ấy, ở đất An Hải có một hào kiệt là Đồng Đức Tứ, sinh ra đã khác mọi người. Y cao lớn, da như đồng hun, lông mày xếch, tính tình nóng nảy, chất phác. Nhà nghèo, không được đi học, ngay từ bé y đã phải làm lụng hết sức vất vả, cực khổ. Mẹ y hàng ngày vẫn bắt y đi nhổ cỏ, bắt sâu, gặt lúa, chăn trâu, cắt cỏ, phụ giúp công việc trong nhà.

Cứ sáng sớm, mẹ y lại gọi:
"Đồng Đức Tứ!
Đồng Đức Tứ!
Dậy đi bắt sâu
Dậy đi nhổ cỏ
Theo mẹ ra đồng
Ngủ làm gì hử?"


Đồng Đức Tứ quay mặt vào tường, y cằn nhằn:
"Nhọc lắm!"

Nói xong y lại ngủ thiếp đi. Mẹ y lại gọi:
"Đồng Đức Tứ!
Đồng Đức Tứ!
Dậy đi ra đồng
Dậy đi gặt lúa
Lười nhác chảy thây
Lấy gì ăn hử?"


Đồng Đức Tứ lại cằn nhằn:
"Nhặm lắm!"

Nói rồi y lại ngủ thiếp đi. Mẹ y tức giận, lấy cái bồ cào thúc vào người, kéo y dậy.

Đồng Đức Tứ rất có hiếu với mẹ. Thấy mẹ vất vả, y bảo:
"Thân mẫu, bao giờ lớn lên tôi sẽ làm cho thân mẫu giàu có, không phải khổ nữa."

Mẹ y cười bảo:
"Con ơi, mẹ nhất định sống đợi đến ngày ấy!"

Một hôm có một ông thày tướng nhìn thấy y, bảo rằng:
"Người này về sau nhất định không phải là kẻ tầm thường."

Y không biết thế nào là tầm thường với không tầm thường, bèn vặn hỏi:
"Thế nào là tầm thường với không tầm thường?"

Ông thày tướng bảo:
"Thí dụ như người tầm thường chỉ có một chai rượu nhưng người không tầm thường có một trăm chai rượu. Người tầm thường nuôi một con chim nhưng người không tầm thường nuôi mười con chim. Người tầm thường nuôi một con chó nhưng người không tầm thường nuôi mười con chó... Cứ như thế suy ra, đại để thế..."

Đồng Đức Tứ không nói gì nhưng ghi nhớ. Sau đó y lại hỏi ông thày tướng:
"Sao biết ta là người không tầm thường?"

Ông thày tướng bảo:
"Xem tuổi, xem tướng thì biết."

Y hỏi:
"Ta tuổi gì, tướng thế nào?"

Ông thày tướng bảo:
"Ngươi tuổi chuột. Con chuột thế nào thì tướng của ngươi thế ấy."

Đồng Đức Tứ không hiểu, cứ bắt ông thày tướng giảng giải, nếu không giảng giải thì đánh. Ông thày tướng cực chẳng đã đành phải giảng giải cho y về từng loại chuột.

Trước hết là chuột đồng:
Chuột đồng thì ở ngoài đồng
Suốt ngày suốt tháng chạy rông
Tháng ba ngày tám rã họng
Mùa về ấy lại chơi ngông
Nông phu hun khói giết thịt
Lá chanh, riềng mẻ thơm lừng
Vợ chồng lắm con nhiều cháu
Tình tang chuột chạy tứ tung
Đúng nòi ăn tàn phá hại
Làm cho bao kẻ khốn cùng!


Sau đó lại nói đến chuột trong nhà:
Sống nơi gầm giường, khe tủ
Lục lọi dưới bếp, trong rương
Chui lủi như tên ăn trộm
Gian giảo, tai quái khác thường
Suốt ngày sợ mèo tóm gáy
Chuyên gia đào ngạch khoét tường
Ông hoàng ở nơi cống rãnh
Mang lại bao nỗi tai ương!


Rồi sau đó lại nói đến loại chuột cung đình:
Nghênh ngang lên xe xuống ngựa
Suốt đời no đủ vung vinh
Thừa tướng Lý Tư ngày trước
Khác chi như chuột cung đình?
Một mình khuynh đảo thiên hạ
Nổi danh tên tuổi thất kinh
Đến cả sơn hà xã tắc
Chẳng qua cũng chỉ cái đinh!


Đồng Đức Tứ ghi nhớ, không nói gì.

Lớn lên, Đồng Đức Tứ quyết tâm đi tầm sư học đạo. Y thấy người ta đánh đấm thì cũng hoa chân múa tay bắt chước theo. Lận đà lận đận, đến già nửa cuộc đời mà y vẫn còn nghèo khó, trong giang hồ không ai biết đến tên tuổi của y. Y rất tức giận, thấy ở đâu có cao thủ thì đều tìm đến học hỏi nhưng hầu như không học hỏi được gì. Một hôm, chẳng hiểu sao y lạc vào một xóm vắng, bụng lại đói, y thấy có một ngôi nhà có pho tượng Phật ở giữa vườn bèn đến hỏi chủ nhà xin tá túc. Chủ nhà đón y vào, niềm nở mời cơm, tiếp chuyện y.

Y nghĩ bụng:
"Liệu nhà này xây tượng Phật có phải là tu tại gia không? Tại sao có câu: "Phật Phật Ma Ma. Ma Ma Phật Phật"? Thế nào là tu tại gia? Tại sao lại nói: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Nói thế là có ý gì?"

Y nghĩ như thế nhưng không tiện hỏi. Chủ nhà thấy thế bảo y:
"Mỗ thấy các hạ có vẻ băn khoăn, có gì xin cứ nói."

Y bèn hỏi:
"Ta thấy nhà này như thể thờ Phật mà lại như không thờ Phật, thậm chí có lẽ còn làm ra vẻ phàm phu? Sao người ta nói tu tại gia là khó? Đại để như thế, như thế... Toàn là những điều xa lạ với ta."

Chủ nhà bảo:
"Các hạ hỏi thế là đụng đến những điều cơ bản của đại pháp Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật. Mỗ chỉ xin nói lại đôi điều mà các đại sư ngày xưa vẫn giảng giải cho người đời nhưng rất ít người hiểu được. Bát-nhã là gì? Bát-nhã chính là bản tính tự nhiên của mình. Khi ta nhìn thấy hư không mà không biết bản tính thì ích gì cho ta? Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật là "trí tuệ lớn đến bờ bên kia". Đấy chỉ là lời trong kinh Bát nhã để người ta đọc ra nơi cửa miệng. Đọc không ích gì, thực hành trong tâm mới khó. Tâm khẩu ứng đồng, chẳng phải ai cũng làm được. Tu tại gia cũng vậy, tu chợ cũng vậy, tu chùa cũng vậy. Ma-ha là lớn. Kinh Phật nói: "Tâm lượng rộng lớn, như cõi hư không, không có bờ lề, không có vuông tròn, không có to nhỏ, không có màu sắc xanh vàng đỏ trắng, không trên không dưới, không giận không mừng, không phải không trái, không thiện không ác, không bắt đầu không kết thúc. Ở trong vương quốc chư Phật tất cả đều hư không". Kinh Phật lại nói: "Diệu tính chân như của người đời vốn là không, không có một pháp nào có thể đắc được". Hiểu ra cái không tiền kiếp để mà không chấp nệ vào cái không ấy. Thế giới hư không bao hàm tất cả vạn vật, núi sông biển cả, người thiện người ác, mặt trăng mặt trời, tất cả các núi Tu di. Diệu tính chân không của người đời bao hàm vạn pháp như vậy nên gọi là lớn. Tâm lượng rộng lớn khắp các pháp giới, khắp các sự kiện hiện tượng. Khi ấy mọi pháp tức là một pháp, một pháp tức là mọi pháp, đi lại tự do, tâm không ngưng trệ. Đó là Bát–nhã. Trí Bát-nhã đều phát ra bởi tự tính, không phải đem từ bên ngoài vào. Bát-nhã là trí tuệ. Rời bỏ hư vọng về với chân tính thường hành trí tuệ gọi là hạnh Bát–nhã. Chỉ một giây nghĩ hư vọng là mất hết Bát–nhã, một giây nghĩ sau có trí tuệ là Bát-nhã lại sinh ra. Bát-nhã không có hình tướng, cái tâm trí tuệ chính là nó vậy. Ba-la-mật là gì? Ba-la-mật là "đến bờ bên kia", tức là giác ngộ, tức là lìa khỏi sinh diệt. Tâm mà chấp nệ vào hoàn cảnh thì ý niệm về sinh diệt sẽ nảy sinh, như nước có làn sóng, tức là "bờ bên này". Tâm lìa khỏi hoàn cảnh thì không sinh diệt, như nước thường lưu chảy, gọi là "bờ bên kia", giác ngộ. Mỗi một giây nghĩ trong tâm đều thực hành trí Bát-nhã thì đó tức là Phật vậy. Không làm được như thế thì là phàm phu. Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề. Giây nghĩ trước còn mê, là phàm phu, giây nghĩ sau tỉnh ngộ, tức là Phật. Giây nghĩ trước còn chấp nê hoàn cảnh, là phiền não; giây nghĩ sau lìa bỏ hoàn cảnh, tức là Bồ-đề...
Thưa các hạ, đại để như thế, hiểu được như thế thì ở đâu cũng sẽ là tu, chẳng cứ tu tại gia, tu ở chùa hay tu ở chợ..."

Chủ nhà nói xong nhìn lên thì đã thấy Đồng Đức Tứ lăn ra ngủ từ khi nảo khi nào rồi. Chủ nhà mỉm cười, đắp cho y một cái chăn mỏng rồi tắt đèn đi ngủ.

Thế mới gọi là:
Chữ nghĩa bề bề chẳng bằng một giấc
Phàm phu tức Phật, Phật tức phàm phu


Cũng có thể:
Nào ai biết chuột hay mèo đấy nhỉ?
Số giời kia ai biết thấp biết cao?


Muốn biết số phận Đồng Đức Tứ rồi sẽ ra sao, đọc sang chương 13.
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 13
Gặp sư phụ, anh hùng thoả chí
Đường công danh, tỉ mỉ bắt sâu


Khi Đồng Đức Tứ thức dậy, y nói với người chủ nhà:
"Xin lỗi, những điều người nói vừa rồi ta cứ thấy khó hiểu quá chừng, xa vời, chẳng thiết thực gì cả với ta nên mắt cứ díp lại."

Chủ nhà cười:
"Mỗ biết các hạ đang có chí khác, tâm còn đang động nhưng không sao cả! Chính những điều mỗ nói đôi khi mỗ cũng còn thấy nghi hoặc, khó hiểu nữa là."

Đồng Đức Tứ ngạc nhiên:
"Hoài nhỉ! Thế nói làm gì?"

Chủ nhà cười:
"Nhiều khi không thể không nói vậy thôi. Xin hỏi các hạ, thế bây giờ các hạ định đi đâu?"

Đồng Đức Tứ nói:
"Ta muốn đi tầm sư học đạo."

Chủ nhà nói:
"Mỗ nghe nói ở nơi ấy, nơi ấy... có người ấy... như thế ấy... Xin các hạ thử đến đấy hỏi xem."

Đồng Đức Tứ bảo:
"Cám ơn người đã cho ăn cơm, lại chỉ đường cho. Vậy ta đi đây!"

Nói xong y đứng dậy ra đi. Y đi mãi, đi mãi, đến một vùng rừng quả đắng rất ư kỳ lạ thì thấy một bóng trắng đang ngồi luyện chưởng giữa đường. Y hoa mắt, chóng mặt, định thần nhìn kỹ, thì thấy quả thực kỳ lạ khác thường.

Đấy mới thực là:
Da hơi đen đen
Lại hơi tai tái
Định thần nhìn lại
Tựa miếng thịt trâu
Lún pha lún phún
Mềm mại tóc râu
Loà xoà hai mép
Đen tựa mực tàu
Môi lớn môi bé
Chóp chép nhai trầu
Vui tính hết mức
Đa cảm đa sầu
Cười nhe cả lợi
Điên hết cả đầu
Chỉ ba lạng thịt
Hoá trăm sắc màu
Nghìn vàng khôn chuộc
Đắm chìm khe sâu
Nghiêng thành nghiêng nước
Quỷ khóc thần sầu!


Đồng Đức Tứ quỳ mọp xuống, miệng lạy rối rít:
"Sư phụ! Sư phụ! Đệ tử bái lạy sư phụ!"

Người kia dừng luyện công, ngạc nhiên hỏi y:
"Ngươi là ai? Đến đây làm gì? Sao lại bái ta làm sư phụ?"

Đồng Đức Tứ kể lể đại để như thế, như thế... bày tỏ muốn được rèn luyện võ công, mong được công thành danh toại.

Người kia cả cười:
"Thực là may mắn cho ngươi rồi đó! Ngươi đến đúng lúc ta đang nhàn rỗi, chẳng có công việc gì làm. Thấy ngươi chân tình, ta sẽ cố công bảo ban, rèn luyện cho ngươi để ngươi có thể trở thành một đại anh hùng, làm nên sự tích lẫy lừng ở trên giang hồ. Ta chỉ tiếc rằng ngươi đã cao tuổi, lại còn thất học, nửa quê nửa tỉnh... Chỉ e rằng nếu ta dạy một đằng thì ngươi lại làm một nẻo sẽ phí công ta!"

Đồng Đức Tứ sụp lạy:
"Sư phụ! Sư phụ đừng lo thái quá như thế! Đệ tử xin học, lúc nào cũng một mực thành tâm nhất ý, không dám đơn sai."

Người kia bảo:
"Được rồi! Ngươi đứng lên đi! Bây giờ ngươi thử trổ hết tài nghệ của ngươi để cho ta xem ngươi đã học được những gì ở người đời, chiêu pháp, quyền pháp ra sao, từ đó ta mới lựa cách bảo ngươi học tập được."

Đồng Đức Tứ nghe lời, trổ hết sức lực, tài nghệ ra đi lại những bài quyền và thế võ mà y đã học hỏi được ở trong giang hồ để cho sư phụ của y xem xét.

Sư phụ y hỏi:
"Cái lối hoa chân múa tay của ngươi là kiểu cách gì thế?"

Đồng Đức Tứ bảo:
"Bẩm sư phụ, đây là kiểu cách gọi là tự do với hiện đại mà nhiều cao thủ vẫn dùng ở trên các võ đài cả nước mấy chục năm nay."

Sư phụ y lắc đầu:
"Tự do với chẳng hiện đại cái gì. Đây là lối đi tắt loè bịp của bọn háo danh dốt nát nông cạn. Bọn đệ tử Bắc tông rất thích cung cách du dương nỉ non rỗng tuếch thế này, ta chẳng lạ gì. Ta rất muốn ngươi học tập lại từ đầu, bắt đầu từ cổ điển, đi lại đường đi nước bước của các bậc tiền bối ngày xưa: học 18 ban võ nghệ, 36 mưu chước, 72 phép biến hoá thần thông, rồi học được cả các bí kíp, trận đồ, trận pháp v.v... Liệu ngươi có chí học tập như thế hay không?"

Đồng Đức Tứ không trả lời. Sư phụ y nhìn xuống thì đã thấy y đang nhắm tịt mắt lại. Sư phụ y kéo tai y dậy, bảo rằng:
"Ta hỏi thật ngươi, ngươi đi tìm ta, bái ta làm sư phụ, vậy ngươi có thực sự thành tâm học tập hay không mà sao lại cứ nhắm tịt mắt lại như thế kia?"

Đồng Đức Tứ cuống cuồng sụp lạy:
"Bẩm sư phụ, đệ tử thành tâm muốn học. Có điều, một là tuổi tác đệ tử đã cao, hai là đầu óc lại như bã đậu, có học cũng chẳng vào, thứ ba nữa, hễ đệ tử nhìn thấy sư phụ là đệ tử cứ như bị hút mất hồn mất vía, chân tay rậm rựt, cứng cả người lại, chỉ còn một cách là nhắm tịt mắt mới khỏi phân tâm. Vậy đệ tử phải làm gì đây?"

Sư phụ của y cười sằng sặc, kéo y dậy bảo:
"Thôi được rồi, bây giờ có tất cả 18 ban binh khí, ngươi muốn học ban binh khí nào?"

Đồng Đức Tứ bảo:
"Bẩm sư phụ, binh khí nào cũng phải mang vác rất nhọc. Thâm tâm đệ tử chỉ muốn sư phụ dạy cho thứ binh khí gì nhẹ nhàng, ảo diệu mà lại hiệu quả."

Sư phụ của y nghĩ ngợi một lát rồi bảo:
"Ta cũng chịu ngươi! Thôi thì chỉ còn mỗi một cách là ta sẽ dạy ngươi dùng ám khí, dạy ngươi thuật ném phi tiêu mà thôi. Có hai loại phi tiêu, một loại sáu cạnh, một loại tám cạnh, gọi là “lục bát phi tiêu đại pháp”. Ngươi ít chữ nghĩa nên ta cũng không thể dạy ngươi thật bài bản được, chỉ còn một cách là dạy ngươi nhập tâm, miệng nói tay làm. Cố mà nhớ lấy, nhớ lấy!"

Đồng Đức Tứ cảm tạ sư phụ của y. Từ đó, hàng ngày y ra sức học tập, rèn luyện, chẳng bao lâu tài nghệ ném phi tiêu của y đã nâng đến bậc thượng thừa, có thể ném trúng con ruồi bay qua hay là trúng lỗ đồng xu tung lên trời.

Đấy mới thật là:
Trong rừng quả đắng, ngắm qua gai rừng
Đơn giản ảo diệu, thâm hậu võ công!
Đồng cỏ hoa vàng, con chim mỏ độc
Tình tang ý nhị, đưa sáo sang sông
Chăn trâu đốt lửa, khói um trên đồng
Chuông chùa thủng thỉnh, giọt nước thinh không
Hoa rong giềng nở, em đi lấy chồng
Hồn nhiên chất phác, đệ nhất anh hùng!


Đồng Đức Tứ sau một thời gian luyện tập võ công thành tài, bèn bái biệt sư phụ của y để trở về nhà.

Sư phụ y hỏi y theo lối ẩn ngữ:
"Gạo giã xong chưa mà đã trở về?"

Y trả lời:
"Gạo giã vẫn còn nhiều trấu nhưng chiều rồi, sốt ruột lắm, không về không được."

Sư phụ y thở dài, bảo y:
"Ta thấy ngươi bản tính thật thà, trung hậu nên rất yêu mến. Có điều, ta chỉ tiếc ngươi chỉ biết dùng ám khí để đoạt công danh chứ ngươi không có khả năng đàng hoàng sử dụng các loại binh khí khác. Dùng ám khí ắt phải thận trọng, nhiều khi phải liều lĩnh. Ta có mấy câu kệ này dặn dò ngươi, hãy nên ghi nhớ:
Không thiện cũng không ác
Không chính cũng không tà
Hữu vô đều chẳng kể
Tự tính chẳng rời xa!


Nhớ lấy! Nhớ lấy!"

Đồng Đức Tứ sụp xuống lạy sư phụ rồi ra đi. Trong khoảng 10 năm trời, y đến khắp các võ đài, có bao nhiêu giải thưởng lớn nhỏ y đều lấy hết về mình. Công thành danh toại, nhà cao cửa rộng, tiền của đầy nhà, các anh hùng trong giang hồ nói đến tên y ai cũng vì nể.

Khi thành tài, Đồng Đức Tứ giao du rất rộng, lại nhớ đến câu “bắt sâu nhổ cỏ” của mẹ mình khi xưa, vì vậy y rất năng chăm chút quan hệ của y đối với mọi người. Ra vào cung đình như vào chỗ không người, chỉ có mỗi hai cái phi tiêu trong túi mà Đồng Đức Tứ làm nên sự nghiệp, có được công danh, Đồng Đức Tứ quả thật là một nhân vật hoang đường bậc nhất trong giới giang hồ.

Đấy mới thực là:
Ơn sư phụ như trời như biển
Bậc anh hùng công quả kỳ duyên


Muốn xem số phận Đồng Đức Tứ rồi sẽ ra sao, xem tiếp chương 14.
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 14
Giấc mộng tế trời, võ lâm định phận
Tìm người ấn chứng, thiên cổ lưu danh


Sau khi công thành danh toại, một hôm Đồng Đức Tứ quay trở lại nơi xóm vắng, tìm đến ngôi nhà có pho tượng Phật ở giữa vườn. Y thấy phong cảnh ở đây cũng không có gì khác lạ so với mười, mười lăm năm trước. Chủ nhà niềm nở đón y vào nhà y hệt như xưa. Hai người nói chuyện.

Đồng Đức Tứ nói:
"Mười lăm năm trước, ta chỉ là một kẻ vô danh, đi đến đâu ai cũng coi thường, bụng lúc nào cũng lép kẹp như con sói đói, ấy thế mà vui. Ta nay công thành danh toại, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, lên xe xuống ngựa, sơn hào hải vị đủ mùi, ấy thế mà lòng lúc nào cũng buồn ngăn ngắt. Thế là thế nào? Chẳng lẽ cuộc đời con người vô nghĩa lý như thế hay sao?"

Chủ nhà nói:
"Các hạ có bao giờ để ý đến chữ "thường" và chữ "vô thường" người ta vẫn nói hay không? Trên thế gian này mọi sự vẫn thường, sinh lão bệnh tử là lẽ tự nhiên. Con người muốn thay đổi nó, tìm cái vô thường, cuối cùng vẫn rơi vào cái thường nên lòng dạ chua xót. Thà rằng chấp nhận cái thường, ung dung tự tại, từ bi hỷ xả, vui vẻ thõng tay đi lại trong cuộc đời này, có phải hơn không?"

Đồng Đức Tứ nói:
"Người cứ toàn nói những thứ khó hiểu. Khó nghe lắm! Khó nghe lắm! Mỗi người một cảnh, không thể ai cũng như nhau được!"

Đồng Đức Tứ đứng dậy loay hoay đi ra bên ngoài pho tượng Phật, thấy có nhiều cây có bóng mát, bèn đến đấy ngả lưng... Y mơ mơ màng màng, ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Đúng là:
Nhẹ nhàng giấc ngủ mê man
Tĩnh tâm, dứt bỏ vọng niệm
Tự tính chân như ấy chân Phật
Mở mắt thấy Tà kiến, thấy Ma vương
Trong tâm tà kiến sinh dữ độc
Hai bên tranh đấu ấy không cùng
Chính kiến tự trừ tâm dữ độc
Ma biến thành Phật chẳng phải sao?
Giác ngộ bản tâm thấy tự tính
Vạn pháp quy tâm chẳng phải nào?
Hỏi ai ra được vòng sinh tử
Tử sinh, sinh tử có làm sao?
Dâm tính ấy là nhân tính đấy
Trừ dâm chính đạo, tịnh vô nhiễm
Tịnh vô nhiễm, xa lìa sắc dục
Trở về tự tính, ấy là chân
Cầu chân với chẳng cầu chân
Nếu ở tâm mình tự thấy chân
Giấc ngủ say sưa dứt vọng niệm
Thõng tay vào chợ, đợi hoá thân
Ung dung tự tại, từ bi hỷ xả
Nếu thành tâm, ắt nhận ra chân!


Đồng Đức Tứ ngủ mơ màng, y thấy mình đi, đi mãi, đến một nơi thấy có rất nhiều người đang vác đất xây đắp cái gì đó, tất cả đều như các thợ đấu chuyên nghiệp, ai trông cũng lực lưỡng.

Y hỏi một người:
"Ở đây đang làm gì vậy?"

Người kia bảo:
"Sư huynh không biết à? Ở đây đang đắp đất để võ lâm làm đàn tế trời."

Đồng Đức Tứ hỏi:
"Sao ta không biết?"

Người kia bảo:
"Ai biết thì làm, không biết thì thôi."

Đồng Đức Tứ bảo:
"Để ta góp một tay."

Thế rồi cũng xắn tay áo vào đào đất, đắp đất như mọi người. Làm trong một tháng trời thì xong. Đó là một cái đàn tế hình tròn, có giật ba cấp, có cửa mở ra bốn phương tám hướng. Trước đàn tế có khoảng đất rộng, bằng phẳng, hai bên xây hai dãy nhà chờ để khám thịt tế với làm nơi chuẩn bị lễ vật. Trước đàn tế có cắm một lá cờ suý.

Ngày rằm tháng Giêng võ lâm khắp nơi về tụ hội rất đông đủ. Ở tầng thứ nhất đàn tế, cắm 36 lá cờ tượng trưng cho 36 ngôi sao Địa sát, có 36 đồng tử cầm cờ. Ở tầng thứ hai đàn tế, cắm 36 lá cờ tượng trưng cho 36 ngôi sao Thiên cang, có 36 đồng tử cầm cờ. Trên tầng thứ ba đàn tế có lập đàn tràng, bàn thờ, cũng cắm 36 lá cờ thất tinh, có 36 đồng tử cầm cờ. Hai bên cửa có hai cái phướn đề chữ: “Nguyên khí giang san, Thế thiên hành đạo”. Xung quanh đàn tràng thắp nến, đêm đến sáng rực cũng như ban ngày.

Bắt đầu vào tế. Người xướng lệnh hô to:
"Mọi người vào chỗ, lo việc của mình!"

Trống tế đánh ba hồi chín tiếng. Có 108 vị anh hùng ở trong võ lâm mặc lễ phục đứng vào chỗ trên hai bên bậc thềm tế.

Người xướng lệnh hô to:
"Tấu nhạc, nghinh thần!"

Ngoài sân dàn nhạc tấu nhạc, tiếng đàn tiếng sáo, tiếng chuông tiếng khánh, tiếng trống tiếng kèn... hoà lẫn vào nhau rộn rã. Có 18 đồng nam, 18 đồng nữ múa theo tiếng nhạc rồi đứng dàn ra hai bên cửa đàn tế.

Người xướng lệnh lại hô to:
"Nhạc dừng lại!"

Thế là âm nhạc dừng. Người xướng lệnh lại hô to:
"Chủ tế vào chỗ."

Thế là những người được cử ra dâng lễ đứng vào chỗ, theo lệnh của người xướng lễ lần lượt quỳ lạy dâng lễ ba lần. Các đồ hiến lễ gồm có: hiến tửu (dâng rượu), hiến ngọc (dâng ngọc), hiến bạch (dâng lụa), hiến tắc (dâng xôi), hiến soạn (dâng cỗ). Người chủ tế đọc văn tế. Sau khi lễ tất, lần lượt các vị anh hùng ở trong võ lâm đều đến dâng hương, cả thảy có 108 người. Trong số những người đó, Đồng Đức Tứ nhận ra Nghĩa Đô đại hiệp, Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi, Mã Khởi, Sáu Lùn, Nguyễn Nhuệ, Trần Đăng Tài, Lê Hựu, Hoàng Lão Quái v.v... và rất nhiều những người khác nữa, có người y biết tên, có người y không biết tên. Trong số ấy, thấy có cả Chế Tiểu Thư, con gái của Chế Giáo Đầu, vừa đi vừa sụt sịt mũi.

Đồng Đức Tứ đang rẽ đám đông đi ra thì bỗng có tiếng cười nói ầm ầm bên tai. Y đang đứng ở trên cầu nhìn xuống dòng sông đang cuồn cuộn chảy thì bỗng có người chen huých, đẩy mạnh y một cái khiến y ngã vật ra, giật thót mình, mồ hôi túa ra như tắm. Y giật mình tỉnh dậy thì thấy mình vẫn nằm dưới bóng cây bên pho tượng Phật.

Y vào nhà, kể lại giấc mơ cho người chủ nhà nghe rồi nằng nặc đòi ra đi.

Chủ nhà hỏi y:
"Xin hỏi các hạ, trong giấc mơ, các hạ thấy mình đứng ở chỗ nào ở trên đàn tế?"

Đồng Đức Tứ nói:
"Ta không biết, ta chỉ cảm thấy có người bảo ta vào để ấn chứng rồi thay mũ thay áo cho ta, dắt ta lên đàn."

Chủ nhà hỏi:
"Xin hỏi các hạ, thế các hạ định sẽ đi đâu bây giờ?"

Đồng Đức Tứ nói:
"Ta sẽ đi về chỗ bắt đầu của ta. Trở về với mẹ ta thôi..."

Chủ nhà không nói gì nữa, tiễn y ra cổng, hai bên cứ lưu luyến mãi không rời.

Thế là:
Trở về với mẹ ta thôi
Trở về đúng chỗ, đúng nơi bắt đầu
Ngoài kia bãi bể nương dâu
Bóng chim tăm cá, còn đâu anh hùng?


Muốn có cái nhìn khái quát về võ lâm ở trên giang hồ và biết thêm những chuyện ái, ố, hỷ, nộ gì nữa, xin đọc chương 15.
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

karizebato

Chương 15
Võ lâm danh bất hư truyền
Chung cuộc từ bi hỷ xả


Đời con người ta nói dài thì là dài, nói ngắn thì là ngắn. Có người nói đời nên có danh lợi, lại có người nói đời không nên có danh lợi v.v... Đại để như thế. Tất cả những chuyện như thế đều là những chuyện thị phi, loanh quanh về hoạ phúc, thiện ác, hữu vô... Có ý nghĩa gì đâu so với sự trường cửu của Trời Đất?

Lão Tử xưa cho rằng Trời Đất vẫn thường thản nhiên vô tình đối với số phận con người: “thiên địa bất nhân (không có lòng nhân), coi vạn vật như loài chó rơm”. Trời Đất sở dĩ dài lâu vì đã không sống cho mình. Các bậc thánh nhân, các bậc anh hùng nhiều khi họ có được tên tuổi dài lâu cũng chẳng qua vì họ đã “để thân ra sau mà thân ở trước, để thân ra ngoài mà thân đặng còn”. Cái đức tính “quên mình” mà thành được mình vốn là lẽ tự nhiên mà thôi. Trò đời, khi “lộ thân” cũng là lúc con người đứng ra làm bia đỡ cho hòn tên mũi đạn, làm trò cười cho thiên hạ. Lão Tử nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”. Không biết được! Không biết được! Gọi hay cũng là hay! Gọi dở cũng là dở! Chỉ có điều cuối cùng vẫn là “vạn pháp quy tâm”, thế mới trở thành những câu chuyện kể trên đầu môi chót lưỡi của người đời mãi mãi.

Tiểu thuyết là những câu chuyện thị phi, không đáng tin cậy, vào lỗ tai ra lỗ miệng. Người này được gọi là anh hùng ư? Là quân tử ư? Người kia được gọi là tiểu nhân đê tiện ư? Quan trọng không phải ở chỗ đó. Quan trọng nhất, không phải những gì trong sách nói với mình, mà là những gì trong sách đã khêu gợi được ở nơi lòng mình.

Có bài tự thán sau đây:
Nhớ năm xưa, thời thế đổi thay, vận hội đến!
Ta vốn là thường dân, nào đâu có chí gì hơn người
Chớp thời cơ, qua sông gí tốt
Lòng cứ đau đáu không thôi
Xấu hổ, mấy phen ngâm ngợi
Múa may, cũng lắm trò cười!
Giữ mình thế nào?
Cứ nhớ lời Lão Đam dặn Lão Nhĩ mà lo sợ
“Chờ được vạ, má đã sưng”
Ai hiểu cho lòng ta đau đáu
Ngày đêm cuồn cuộn khôn nguôi
Nay ta già rồi
Tóc bạc rồi
Ê chề nơi giang hồ...
Nhờ phúc tổ tông
Đất Trời xui khiến
Thần linh bảo trợ
Phật độ hàng ngày
Thật là may, thật là may!
Gặp người tri kỷ
Hiểu tấm lòng ngay
Chịu ơn tri ngộ
Giúp rập bấy nay!
Thoả chí bình sinh
Không còn vọng niệm
Từ bi hỷ xả, tâm giữ thường ngày


Vậy nên:
Chép chuyện hay, làm vui thiên hạ
Lòng thành tâm, xin tạ chúng sinh
Kìa trông non nước hữu tình
Soi gương lại thấy bóng mình trong gương...



(Viết tại Hà Nội từ ngày 25/7 đến ngày 25/8/2005)
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

doilangtu

Truyện j đâu mà dở tệ, không có chút võ hiệp j hết
Độc thượng cô phong vọng bát đô
Hắc vân tái hậu nguyệt hoàn cô
Mang mang vũ trụ nhân vô số
Kỷ cá nam nhi thi trượng phu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (17 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]