Trang trong tổng số 55 trang (550 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [22] [23] [24] [25] [26] [27] [28] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Lần đầu tiên báo chí chính thống của Việt Nam nói về bức công hàm năm 1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký liên quan tới chủ quyền lãnh hải giữa Việt Nam, Trung Quốc. Báo Đại Đoàn Kết mới có một bài riêng trong serie bài "Những chứng cứ Lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa". Xin trân trọng giới thiệu với các bạn:

Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Gần đây Trung Quốc luôn rêu rao cái gọi là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử đương thời. Có thể nói, giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

http://daidoanket.vn/Pictures/bao%20tuan/_2011/172/2011_172_12_anh1.jpg
Đảo Núi Le thuộc quần đảo Trường Sa


Theo lý giải của Trung Quốc, ngày 4 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Sau đó, ngày 14-9-1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau:

"Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.


Cần phải thấy rằng, các tuyên bố nói trên của Trung Quốc cũng như của VNDCCH ra đời trong bối cảnh có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối với Trung Quốc về tình hình lãnh thổ trên biển theo luật pháp quốc tế cũng như diễn biến căng thẳng của vấn đề quân sự xung quanh eo biển Đài Loan. Năm 1956, Liên Hợp Quốc bắt đầu tiến hành các hội nghị quốc tế bàn về Luật Biển, sau đó một số hiệp định được ký kết vào năm 1958, tuy nhiên vẫn chưa làm thỏa mãn yêu sách về lãnh hải của một số quốc gia. Từ đầu thế kỷ XX, nhiều quốc gia đã bắt đầu chú ý tới nguồn lợi to lớn từ khoáng sản và tài nguyên biển, bộc lộ ý đồ mở rộng chủ quyền trên biển. Trung Quốc, dù trong lịch sử ít quan tâm đến biển, cũng bắt đầu chú ý đến việc mở mang, kiếm tìm những đặc quyền trên biển. Mặc dù lúc đó chưa phải là thành viên của Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc cũng bắt đầu chú ý đến việc lên tiếng với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trong chiến lược cho tương lai, thì việc cạnh tranh trên biển, cũng như tìm kiếm những nguồn tài nguyên trên biển là một vấn đề được Trung Quốc đặt ra. Trên thực tế, cũng từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã hình thành ý định nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Rõ ràng, việc nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ thế kỷ XX đã nằm trong chiến lược "lấn sân” của Trung Quốc về tham vọng mở rộng biên giới quốc gia trên biển.

Ngày 26-5-1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự bảo hộ Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3-9-1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Các nhà chép sử gọi đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất. Ngày 11-8-1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố sẽ "giải phóng” Đài Loan, và tăng cường pháo kích vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ. Ngày 12-9-1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự liên can của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến này. Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23-8-1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ.

Ngoài bối cảnh "phức tạp và cấp bách” đối với Trung Quốc như đã nêu trên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù VNDCCH –Trung Quốc lúc đó "vừa là đồng chí vừa là anh em”. Năm 1949, bộ đội Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả lại cho Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1957, Trung Quốc chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam từ tay một số lực lượng khác, rồi sau đó cũng trao trả cho Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ đặc thù của hai nước VNDCCH – Trung Quốc lúc bấy giờ. Do vậy, trong tình hình lãnh thổ Trung Quốc đang bị đe dọa chia cắt, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào can thiệp, việc Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải bao gồm đảo Đài Loan trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không quên mục đích "sâu xa” của họ trên Biển Đông nên đã "lồng ghép” thêm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào bản tuyên bố. Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của VNDCCH trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu những lời ủng hộ Trung Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan và đe dọa Trung Quốc.

(Xem tiếp phần sau, bài dưới)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

(Tiếp theo bài trước)

Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ tòan vẹn lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh ra đời của Công hàm như đã nêu trên. Công hàm 1958 có hai nội dung rất rõ ràng: Một là, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Điều đó có nghĩa là kể từ năm 1951, cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu. Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về người Việt Nam. Các điều khoản trong Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4-9-1958 về cơ sở pháp lý quốc tế đương nhiên được xem là không có hiệu lực. Trong Công hàm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế. Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đương nhiên chỉ tán thành những tuyên bố của Trung Quốc có nội dung hợp pháp được cộng đồng quốc tế thừa nhận trên cơ sở luật pháp quốc tế cho đến giai đoạn đó. Một phần nội dung của bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia về lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời cũng vi phạm nghiêm trọng các cơ sở pháp lý về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cộng đồng quốc tế đã thừa nhận cũng như đã nhiều lần tái thừa nhận một cách minh thị là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính phủ VNDCCH trong bối cảnh quan hệ hữu nghị rất đặc thù với Trung Quốc đã khẳng định lập trường ghi nhận, tán thành tuyên bố giới hạn 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc, còn những nội dung cụ thể diễn giải vượt quá phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc theo các hiệp ước quốc tế đã không được đề cập tới như là một sự mặc nhiên thừa nhận sự vô hiệu của nó dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế. Trong khi đó, Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

http://daidoanket.vn/Pictures/bao%20tuan/_2011/172/2011_172_12_anh2.jpg
Bức Công hàm ngày 14-9-1958 của
Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa
do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký


Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt nêu trên càng thấy rõ một sự thật hiển nhiên là Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đơn giản chỉ ghi nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, không hề nhắc lại các nội dung mập mờ liên quan đến các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về thực chất, Công hàm 1958 thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Thực là phi lý, nếu cố tình suy diễn và xuyên tạc (như lập luận phía Trung Quốc), cho rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của dân tộc, lại ký văn bản từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước trong khi chính ông và cả dân tộc Việt Nam đã chiến đấu hết mình để giành độc lập, tự do. Có lẽ cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Công hàm 1958 có thể hiểu không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm trong bàn đàm phán Genève năm 1954, khi mà Trung Quốc đã có không ít động thái rất bất lợi cho VNDCCH. Nội dung Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa VNDCCH và Trung Quốc bấy giờ, đồng thời cũng hàm chứa thái độ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Việt Nam, bởi từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một cơ sở nữa trên phương diện pháp lý, nước VNDCCH lúc đó không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố của VNDCCH xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp. Tuy nhiên, có tác giả đã cố tình nêu thuyết "estoppel” để suy diễn những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam.

Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết "estoppel”. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính: (1) Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách minh bạch; (2) Quốc gia nại "estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động; (3) Quốc gia nại "estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó; (4) Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và lâu dài. Thí dụ: bản án "Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án "Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án "Ngôi đền Preah Vihear”...

Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của VNDCCH, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2 và 3 đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của VNDCCH. Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. VNDCCH cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó.

Trong suốt quá trình thực hiện mưu đồ bá chủ trên Biển Đông, Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các tài liệu xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế về vấn đề này theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước những bằng chứng hiển nhiên của sự thật lịch sử và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế những hành vi xuyên tạc, tung hỏa mù, cố tình làm cho cộng đồng quốc tế ngộ nhận càng khiến cho Trung Quốc lộ rõ âm mưu cũng như thủ đoạn của họ trong suốt quá trình áp đặt ý đồ "nuốt trọn” Biển Đông, theo kiểu "miệng nói hòa bình không xưng bá, tay làm phức tạp hoá tình hình”.

Nhóm PV Biển Đông

Bản gốc trên báo Đại Đoàn Kết
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

htcmb

GỬI VỀ BIỄN ĐẢO THÂN YÊU

Ta vẫn lắng từng tin từ đảo nhỏ
Nơi cánh buồm lưu luyến sóng quê hương
Nơi chút đất dưới chân là Tổ Quốc
Có lá cờ kiêu hãnh gió bốn phương

Ôi Tổ Quốc bốn nghìn năm đánh giặc
Đất bây giờ được giữ bởi máu xương
Ôi Đất Nước mỗi khi tràn bóng giặc
Lũ chúng con nô nức lại lên đường

Đi đánh giặc giản đơn như năm tháng
Như cơm ăn, như nước uống thường hằng
Đất có giặc ta lên đường đánh giặc
Nước có thù ta phải quét ngoại xâm

Ôi Đất Nước bốn nghìn năm vẫn thế
Như mai này ta dậy đón bình minh
Chỉ lũ giặc chẳng thể nào hiểu được
Ta với đất này son sắt một niềm tin
…Và giữ đất này với tất cả niềm tin.
lnp
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bài ca xuống đường

Khi tàu giặc lừng lững vào hải phận
khi triều đình tự bịt mắt che tai
Xuống đường! Xuống đường
ta giương cờ nước:

-         Việt Nam! Việt Nam giữ vững biển trời!

Khi súng giặc nổ tan tành thuyền cá
vợ ngóng chồng hóa đá trước biển khơi
Xuống đường! xuống đường
ta la vỡ ngực:
-         Dân Việt Nam không chịu kiếp nô tài!
Khi Bản Giốc, Nam Quan, Lão Sơn, Tục Lãm
đất Việt ngàn năm đã hóa đất Tàu
Hoàng Sa, Gạc Ma máu tràn uất hận
Xuống đường! xuống đường
tim nghẹn thương đau
Khi hàng độc chúng gieo khắp chợ cùng quê
khi tài nguyên chúng toan vét sạch đem về
Xuống đường! xuống đường
chặn mưu ma chước quỷ
cảnh tỉnh những ai rước giặc vào nhà.
Khi những kẻ ngồi cao đầu cúi thấp
cam tâm hèn với giặc ác với dân
Xuống đường! xuống đường
ta ngời chính nghĩa
Độc lập – Tự do – Dân chủ một lần!
Xuống đường! xuống đường!
Hồn Quách Thị Trang,
hồn Nhất Chi Mai,
những anh linh bay lên từ đường phố
cả những oan hồn Thiên An Môn máu đổ
đi cùng chúng ta
chặn bước bá quyền.
Hát lên! Hô lên! Thét lên vang dậy:
Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ muôn năm!



Hoàng Hưng

Viết sau cuộc biểu tình ở Hà Nội, TPHCM ngày 17/7/2011
3:26 AM 18/7/2011, giờ Hà Nội
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyen Tran Duong Hanoi

Chủ nhật nào ở Hà Nội khu vực ĐSQ Tàu cũng bị giăng dây cấm đi lại là chủ ý của ai hả trời?
Ng.Tr.Duong Hanoi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

https://lh6.googleusercontent.com/-pHVlxbtXBBE/TiCOLcDEDZI/AAAAAAAAH10/Dsw50HeL5n0/s800/hn-10-7.jpg

Chăng Dây

Đường ta ta tự chăng dây
Phố ta ta tự ngăn ngay dân lành.
Thế là chưa có chiến tranh
Giặc kia nó đã làm mình chia nhau.
Bóng thù thì chẳng thấy đâu
Bóng ta khắp nẻo chặn đầu, cắt đuôi.
Ngàn năm sau nhớ một thời
Phố phường Hà Nội rối bời dây chăng.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chúng ta sẽ sẻ chia cùng đồng bào chén cơm manh áo. Trừ…

Rõ rồi nhé.
Rõ mồn một nhé.
Người Việt trấn áp người Việt nhé.
Người Việt đánh đập người Việt nhé
Vì tội tày trời : chống bọn cướp của giết người
Mang tên : BẠN.
Mang tên China.
Rõ rồi nhé.
Nhưng…
Dù gì cũng phải khen một câu
Cái gì cũng tù mù
Nhưng
Trấn áp
Thì công khai.
Bóp cổ , khiêng vác , chửi thề , đánh nóng , đánh nguội
Thì
Rất minh bạch.

Hỡi những người anh em
Đánh đồng bào mình có vui không ?
Bắt đồng bào mình có sướng không ?
Rong tảo Hoàng Sa không xanh nữa
San hô Hoàng Sa đỏ màu máu
Từ một chín bảy tư
Lạng Sơn những rừng đào linh hiển
Hoa cũng đỏ lừ.
Chúng ta
Những con người yêu nước bé mọn
Nhưng không khiếp nhược
cười đau đớn
cười ứa máu mép
cười chảy máu mồm
thở lên vòm trời làn hơi u uất
Giữa nắng mặt trời
Ngày
Chủ nhật
Não nề
Không thể
Não nề
Hơn.
Ta biết những thằng thái thú
Có đủ lý do ăn mừng
Rượu Mao đài tưới xuống
Biển Đông…
Nhưng chúng ta sẽ nói trong vị mặn của máu
Như vị mặn của máu ngư dân
Ta sẽ sẻ chia cùng đồng bào chén cơm manh áo
Từng chiếc thuyền nan
Nhưng …
Điều này là chắc chắn.
Một –  tấc –  biển – Đông
Cũng
Không !



Đỗ Trung Quân
( Chủ nhật 17 tháng 7- 2011 )
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ


http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/484/231484.jpg

Cảnh Báo

Có thứ cần làm trước khi nó đến
Có việc cần làm ngăn nó xảy ra
Nếu không sẽ cũng trở thành quá muộn
Biết bao giờ lấy lại được Hoàng Sa?


http://nongdan24g.files.wordpress.com/2011/06/gian-khoan1.jpg?w=500&h=313

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đường lưỡi bò trong sách Việt Nam!



TT - Cộng đồng mạng đang xôn xao về trường hợp quyển sách Luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Hoa "có in bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc", đã tồn tại trên thị trường suốt sáu năm nay.

Thông tin này gây bất bình trong nhiều người. Ðây là quyển sách dạy tiếng Hoa, tác giả: Ngọc Huyên, do doanh nghiệp sách Thành Nghĩa liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành từ quý 4-2005 (giấy CNKHXB 316/1528 CXB cấp ngày 9-9-2005).

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=509846
ình ảnh trong sách đang gây phẫn nộ cho cộng đồng mạng - Ảnh: L.Điền



Sách bao gồm các bài khóa, hướng dẫn cách đọc tiếng Trung Quốc, qua đó người học làm quen với một số thông tin về đời sống học sinh, khí hậu các vùng, thói quen du lịch, các quan hệ giao tiếp, lễ kỷ niệm... của Trung Quốc. Nhưng tại trang 274, thuộc chủ điểm 2 của bài 17, phần giới thiệu các thông tin cơ bản của quốc gia Trung Quốc, sách in kèm một hình vẽ bản đồ Trung Quốc với cả đường lưỡi bò (đường chữ U đứt đoạn) thể hiện như một đường biên bao trùm các đảo.

Giới quan sát cho rằng đây là cách làm việc cẩu thả và tắc trách của người soạn sách và lãnh đạo Nhà xuất bản Thanh Niên - nơi cấp phép và chịu trách nhiệm nội dung sách này.

Xét trong bối cảnh quan hệ các bên ở biển Ðông, việc công bố bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc đang bị Việt Nam và các bên liên quan phản đối. Báo Tuổi Trẻ cũng từng dẫn lời thạc sĩ Hoàng Việt khẳng định đường lưỡi bò của Trung Quốc là "vô căn cứ" (Tuổi Trẻ ngày 3-9-2009). Do vậy, việc ấn phẩm của một nhà xuất bản Việt Nam lại thể hiện hình vẽ bản đồ đường lưỡi bò trong nội dung là đi ngược lại chủ trương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Và tại khoản 4, điều 10 Luật xuất bản Việt Nam năm 2004 có quy định những nội dung "xuyên tạc sự thật lịch sử" là một trong những hành vi bị cấm trong xuất bản.

LAM ĐIỀN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Vodanhthi đã viết:

Đường lưỡi bò trong sách Việt Nam!



TT - Cộng đồng mạng đang xôn xao về trường hợp quyển sách Luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Hoa "có in bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc", đã tồn tại trên thị trường suốt sáu năm nay.

Thông tin này gây bất bình trong nhiều người. Ðây là quyển sách dạy tiếng Hoa, tác giả: Ngọc Huyên, do doanh nghiệp sách Thành Nghĩa liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành từ quý 4-2005 (giấy CNKHXB 316/1528 CXB cấp ngày 9-9-2005).

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=509846
ình ảnh trong sách đang gây phẫn nộ cho cộng đồng mạng - Ảnh: L.Điền



Sách bao gồm các bài khóa, hướng dẫn cách đọc tiếng Trung Quốc, qua đó người học làm quen với một số thông tin về đời sống học sinh, khí hậu các vùng, thói quen du lịch, các quan hệ giao tiếp, lễ kỷ niệm... của Trung Quốc. Nhưng tại trang 274, thuộc chủ điểm 2 của bài 17, phần giới thiệu các thông tin cơ bản của quốc gia Trung Quốc, sách in kèm một hình vẽ bản đồ Trung Quốc với cả đường lưỡi bò (đường chữ U đứt đoạn) thể hiện như một đường biên bao trùm các đảo.

Giới quan sát cho rằng đây là cách làm việc cẩu thả và tắc trách của người soạn sách và lãnh đạo Nhà xuất bản Thanh Niên - nơi cấp phép và chịu trách nhiệm nội dung sách này.

Xét trong bối cảnh quan hệ các bên ở biển Ðông, việc công bố bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc đang bị Việt Nam và các bên liên quan phản đối. Báo Tuổi Trẻ cũng từng dẫn lời thạc sĩ Hoàng Việt khẳng định đường lưỡi bò của Trung Quốc là "vô căn cứ" (Tuổi Trẻ ngày 3-9-2009). Do vậy, việc ấn phẩm của một nhà xuất bản Việt Nam lại thể hiện hình vẽ bản đồ đường lưỡi bò trong nội dung là đi ngược lại chủ trương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Và tại khoản 4, điều 10 Luật xuất bản Việt Nam năm 2004 có quy định những nội dung "xuyên tạc sự thật lịch sử" là một trong những hành vi bị cấm trong xuất bản.

LAM ĐIỀN
 Nhắm mắt làm ngơ kiếm tí tiền
Cái đầu học thức, chớ đâu điên
Tham lam há miệng quai hàm mắc
Có mắt mà đui, chỉ thấy tiền!
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (550 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [22] [23] [24] [25] [26] [27] [28] ... ›Trang sau »Trang cuối