Trang trong tổng số 65 trang (649 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [62] [63] [64] [65]

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Xa nhà. Tính đến hôm nay đã là ngày thứ 9.
Ba ngày ở Sài Gòn với công việc và bạn bè với những cuộc gặp gỡ thật vui. Bất ngờ nhất là cuộc hẹn đột ngột mà lại thành duyên hội ngộ với người bạn từ Paris: một chiều Sài Gòn mưa ngút ngàn, gió lộng xốc từng cơn-bên quán café ở Dinh Độc Lập. Kỷ niệm một ngày ăn hai lần cơm tấm Sài Gòn: một của bạn nhờ người mua mang đến quán café ban trưa, một với chị Bachvan-vietnam lúc chiều tối.

Ba ngày ở Long Khánh, quây quần bên gia đình. Hai hôm với Ba Dì, mấy đứa em, cháu. Thăm mộ bác, em, Ghé nhà bác thắp nhang vì hôm bác ra đi con không vào được. Loanh quanh chút đỉnh ngoài vườn nhà Ba, ngắm chôm chôm, sầu riêng, tiêu và bao hoa trái khác. Ở nhà người chị thân thương một ngày, cùng đi chợ: nói chuyện, ở nhà: nói chuyện, đêm: chuyện tới gần 2h sáng. Về Long Khánh, lại một cuộc gặp chừng tiếng rưỡi đồng hồ với một người chị yêu thơ mình-trước nay chỉ chuyện trò qua điện thoại.
Chiều mùng 3 khăn gói lên ga Long Khánh với chiếc vé đã mua sẵn từ Sài Gòn... Ba ngày cho một chuyến viếng thăm sau một năm trời, dành cho cả những người thiên cổ, thật quá ít ỏi...

Quảng Ngãi-quê ngoại: chuyến tàu đến muộn mất hơn một tiếng so với kế hoạch, vội vã về quê ngay sau khi ghé nhà anh hai quẳng vội valy và ba thứ lỉnh kỉnh. Đến nơi thấy mọi người đã đông đủ đang lo mâm giỗ. Phụ một tay (hay chỉ nửa tay nhỉ? Người còn bềnh bồng và cảm giác thiếu ngủ vì những đêm thức gần trắng đêm để chuyện trò... Quyết định ở lại quê, trong căn nhà nhiều kỷ niệm, để nghe tiếng sóng biển đêm quen thuộc ngày nào. Đêm trăng lên từ phía biển. Trăng 16 đẹp khủng khiếp, tiếng sóng, tiếng gió, giọng Quảng nói luyên thuyên của mợ, đủ cả những cảm giác quen thuộc, chỉ thiếu dáng Cậu, dáng Ngoại... Hai mợ cháu trong căn nhà vắng, nghe mợ nhắc các chuyện xưa của những người thân quá cố từ lâu: Mẹ, Ngoại, Cậu và cả mình lúc còn nhỏ nhít... bùi ngùi, thương cảm. Tự hứa, những năm sau, nếu về Quảng Ngãi, sẽ lại về quê để ôn lại từng kỷ niệm: những đêm bên bếp lửa hồng cùng Ngoại, những chiều theo Ngoại đến chợ quê, những sáng thấy Cậu loay hoay đạp xe đi mua thức ăn sáng cho cháu, những trưa chiều nhìn Cậu tưới cho vườn huỳnh tinh, thấy Mợ và Ngoại hái cà tím, mãng cầu, thấy anh Hai ôm đàn guitar nghêu ngao mấy bài romance...
Sáng, dậy sớm, ra biển cùng Mợ. Mặt trời vừa nhô lên phía bờ xa, tinh mơ mát, tinh mơ hiền hoà với những người quen của Mợ thăm hỏi lao xao: ai đây? ủa? Con Năm Th. hở? Dì biết má con, hồi xưa má conh xinh lắm. Tội nghiệp, má chết sớm quá con hễ? Giờ con ở đâu? Con về hồi nào? Mai lại dắt Mợ ra tắm biển nữa nghe con!...
Lòng thấy vui, nhẹ, thân thương biết mấy quê ngoại Tịnh Khê của tôi!
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

unhappy

Hôm nay Trung Thu cơ quan bố tổ chức vui chơi cho các con tại công viên trung tâm, một mình ở nhà, lâu lắm rồi mới nghe lại mấy bản nhạc ưa thích, xem vài tập phim, đọc vài bài viết...suy nghĩ về nhiều chuyện, cuộc sống sao phức tạp và buồn nhiều hơn vui thế này.
Chị à, em có cảm giác chị đã không thật sự hiểu em, hiểu nhầm những gì em đã nói với chị và em thấy buồn vì điều đó.
Anh à, có những việc cỏn con rất đơn giản nhưng cũng là yếu tố để đánh giá về một vấn đề nào đó, lại thấy buồn.
Bạn à, công việc mới, cơ quan mới sau gần 20 năm công tác mọi thứ lại phải phấn đấu lại từ đầu, hãy mạnh mẽ để bước trên con đường bạn đã chọn, kết quả bạn đạt được không phải chỉ cho bạn mà cho những người thân của bạn và quan trọng nhất là mẹ đấy, cuối tuần mình về quê...sẽ xuống rừng, mình và bạn đã hứa sẽ có lần về quê cùng nhau đi thăm mộ mọi người...

Nỗi sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

Hà Nội đã vào thu dẫu heo may không se sắt như mọi mùa thu trước. Hương sữa thơm nồng nàn, ngọt ngào dâng khắp phố. Mấy hôm có việc đi men theo hồ Tây, đoạn trước cổng trường Đông Thái, những cây sữa mới trồng nhưng tán đã xoè rộng, tròn xoe, hoa nở bung cánh trắng. Gió hồ đưa hương hoa mơn man...Cảm thấy thật tuyệt. Lại nghĩ: hương sữa trên phố quyến rũ, hấp dẫn thế nhưng nếu trước nhà có một cây chắc chẳng còn thấy thi vị thế nữa. Hương sữa nồng và hắc!
Những ngày thu thường hay nhớ những điều tưởng đã quên!
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

unhappy

Sáng nay trời nắng nóng như mùa hè, trưa đến trời đã chuyển gió mùa lành lạnh, giờ này ngoài kia gió đang thổi ào ào, lác đác mấy hạt mưa,trời cũng thay đổi tâm tính như người vậy, tâm trạng tôi có lúc cứ lổn nhổn, đá to, đá nhỏ, rượu, cafe..., nghĩ đến cảm giác hạnh phúc ấm áp khi nhận dòng tin nhắn you khoẻ không? cảm giác vui và thoải mái trong lòng khi nhận được điện thoại của anh một người bạn ở xa nhau hàng ngàn cây số, hai anh em tám đủ thứ chuyện trên đời, cười ha hả, em alo lớn quá làm anh giật cả mình, may mà cái điện thoại của anh Mao tặng nên em cài được giờ không có thì mát ga mát máy chạy không phanh được tốn money phí của giời.Hic.
Đôi khi những dòng tâm sự cùng chị cũng vậy, mình thấy được sẻ chia an ủi, dù có lúc ghé nhà chị mình hay rơi nước mắt...
Cuộc đời mà, lúc thế này lúc thế khác, hãy biết trân trọng những tình cảm, những khoảnh khắc tốt đẹp đã có nhé mình.

Nỗi sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Chằn Shrek

Nghĩ cũng buồn cười. Mình chưởi anh Mao Ti Tung rát rạt. Thế mà điện thoại do anh Mao sản xuất lại có cái chức năng hẹn giờ tắt đàm thoại. Vụ này chú Sam khi mần ra cái I Phôm gì đó chả có. Chắc chú ý nghĩ rằng ai dùng Í Phôn cũng giàu lắm chả phải quan tâm đến cước phí đt cả. Rõ khổ, mình biết có cậu sinh viên ăn bám cha mẹ. Tiền ăn học gởi lên Sì Phố cậu ý bỏ gần hết vào heo đất. Cậu ý ăn mì tôm ốm rạc như cò ma.  Cũng được đâu 3 triệu sau hai tháng thì tậu được cái 3GS mèng để mà le lói với đời. Suy ra cái nhà anh Mao Ti Tung cũng tâm lý phết! :D
Shrek - Chằn Tinh Xanh yêu thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ rác cát bụi gỗ đá

Bác Chằn à!
Khi đưa ra một chức năng gì đó thì người ta phải quan tâm đến nhu cầu thị trường chứ. Ở bển gọi điện từ bang nọ sang bang kia còn không tính cước thì người ta làm cái chức năng hẹn giờ ấy làm chi? Thực ra em cũng không biết đâu. Số là một lần ghé vào đó mua cái sim để gọi về VN. Nhân tiện hỏi là "tôi có người bà con ở Cali, nếu gọi sim này thì được bao nhiêu phút?" họ trả lời: "cậu muốn nói chuyện bao lâu thì tuỳ, lướt web cũng miễn phí luôn"... oạch, vậy thì chức năng "hẹn giờ tắt đàm thoại để khống chế cước" đâu có cần
Ta chợt nhận ra ta chưa kịp trưởng thành thì tuổi già đã ập đến
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào Nam

VỀ QUÊ NGOẠI

Tôi về quê ngoại một ngày giáp tết Tân Tỵ. Đợt rét mùa chưa kịp đi qua, còn để lại những nét héo quăn trên ngọn cỏ may ven đường, những bông cỏ may lả theo chiều gió thổi, bám vào gấu quần của người con xa xứ nao lòng. Buổi sớm còn lạnh lẽo sương, những tiếng chào đón ban mai không còn rộn rã như mùa hè cớm nắng. Chỉ có tiếng lao xao của lá khô quẹt vào rễ cỏ, tiếng thầm thì đâu đó như hạt lúa sạ trên mặt ruộng bùn đang nảy mầm. Và có lẽ có cả tiếng cười nhẹ nhàng từ lòng quê man mác đến thế chăng.

Cảnh quê cũng như ngày xưa, vẫn cánh đồng trước, đồng sau, xóm Nam, xóm Tây, xóm Bắc. Có lẽ hiện đại hơn là con đường bê tông nối liền các xóm, từ Đồng Chăm đến ga, vòng qua xóm Nam xuống đến Hợp Hòa, khiến cho những bước chân đi trong bùn ngày đông tháng giá không còn mỏi như xưa, động viên con cháu ngày về thăm quê nhiều hơn. Lác đác trên cánh đồng xa có vài nhóm người đang sạ lúa sớm. Những đôi chân dầm mình trong bùn non, vươn cái cào khẳng khiu ra xa trông như nghệ sĩ, nông dân thời đại mới, lâu lâu lại rút điện thoại di động trong túi ra nghe, chắc là con cháu ở xa về hỏi thăm, bởi hôm nay là ngày xủi mã làng. Tôi về quê cũng vì lẽ đó…

Cả đoàn đại gia đình tôi bước xuống thuyền, ngay cả gọi đò ngày nay cũng không còn cảnh bắc hai bàn tay làm loa như hồi trước, mà rút điện thoại ra a lô đến oai. Bác lái đò chân xắn ống cao ống thấp, cẳng chân đầy bùn như mới dưới ruộng lên đò đi ngay, nhưng cũng cái điện thoại nhái iphone như thật. Dân nhà quê hay sĩ thôi, chứ mấy ai dùng hết tính năng của nó. Con đó máy trùng triềng rời bến, những sợi thừng chăng lưới quay chéo chéo mặt sông, đóng theo vài cọng rều và mấy con hàu như nốt mụn, ấy vậy mà bền ra phết, bao mùa mưa nắng vẫn gan lì dưới dòng nước mặn nuôi sống bao người qua tháng năm.

Dòng sông Rào Nam xanh ngắt ôm lấy nửa con thuyền, bung ra những lườn sóng như những ngón tay người mẹ vuốt ve đứa con bé nhỏ. Có ai hay trong lòng sông đó là những kỉ niệm của bao lứa người như chúng tôi, những sự nhọc nhằn của bao người hiện tại. Dòng nước xanh mà đời người đâu xanh mãi, bọt sóng bạc đầu như mái tóc muối tiêu phủ lên cõi nhân gian. Ông thầy cúng ngồi trong lòng thuyền lâm râm khấn ba mươi sáu tầng trời cha, bảy mươi hai tầng đất mẹ, và gì gì đó nữa mà gió thổi bạt mất, võng qua tai tôi như hoài niệm cổ xưa.

Trời lất phất mưa bụi, nhắm lên tóc, lên mi của các dì như những hạt sương long lanh. Nhắm vào ai không nhắm, lại nhắm vào mấy bà dì mau miệng, phút chốc thành cả một hội chuyện trò rôm rả cả lòng sông.

Tôi mơ màng ngắm ngã ba sông Son với Rào Nam, nơi bến cát ngày xưa bị tụi con gái giấu hết áo quần, nay đã được xây bằng đê bê tông chống lở. Vậy là không còn cái bãi cát trắng một thời lặn lội của chúng tôi nữa, những đứa trẻ bây giờ ra sông rón rén bước trên những bậc thang xi măng, liệu chúng có biết đến tiếng lạo xạo của bàn chân trẻ dẫm trên cát trắng những buổi trưa hè, những chiều thu xao xuyến trong ngọn nồm nam chao liệng như chúng tôi ngày xưa?. Hai dòng sông như hai cánh tay dang ra, ôm lấy làng tôi trong tình yêu vĩnh cửu. Một dòng ngược lên là Phong Nha huyền thoại, một dòng ngược lên là những lèn đá Lệ Sơn, Lạc Sơn, và biết đâu đi lên nữa, lại đến miền núi đá của truyền thuyết những cô gái cung tần mỹ nữ của vua Hàm Nghi xinh đẹp. Nơi đó một thời cũng để lại cho tôi những kỉ niệm ngọt ngào lúc mới ra trường. Nhắm mặt lại cũng thấy được tình yêu xao xuyến đi qua như thước phim quay chậm về lại miền cổ tích yêu thương. Và biết đâu nơi đó đến giờ vẫn còn bóng dáng những thiếu nữ điểm nồng nàn lên ruộng lúa, nương ngô của vùng sơn cước. Cái hình ảnh đã đi vào vĩnh cửu trong những bài ca về vùng núi non xa xôi.
Đêm trăng mùa đông mênh mông. Chỉ còn chục ngày nữa là hết năm cũ. Qui luật thời gian đã lặp đi lặp lại mấy chục năm mà sao cứ mỗi dịp tết về, mỗi con người lại chộn rộn trong tâm. Hết lo thứ này đến thứ khác để mong ngóng về quê. Hết đùm này gói khác chất lên xe, lên tàu, những tiếng cười nói, có cả cãi nhau, nhưng trong lòng ai cũng nôn nóng mau chóng trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Không biết một thế kỉ nửa trôi qua, có còn những khung cảnh ngàn năm để lại như vậy không nhỉ?... Tôi nhìn lên nửa vầng trăng xa xa, trời trong vắt đến thiên hà vĩnh cửu, yên lặng và lạnh lẽo, thậm chí có thể nghe được tiếng xao động của từ trường dịch chuyển theo mùa đi qua. Ánh trăng như xuyên thẳng qua bàn tay tôi, soi lên ngọn cỏ chập chờn ngủ muộn. Mỗi lần về là mỗi lần dạt dào ước muốn được ở lại thật lâu, cho thỏa nỗi nhớ mong và đừng nghe tiếng xô bồ nhịp sống thị thành. Hồn quê cứ soi vào tâm nguyện không thôi, mang thông điệp đến cho đời sau bằng du chuyển huyền ảo.
Quê tôi đó
Dụng nhân nhất tiện, thiên tri hữu
Lưu nghiệp muôn niên, vạn cốt dư
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nangthunb


Làng tôi nghe sao mà thân thương đến lạ kỳ. Cái làng quê nhỏ bé, yên bình mà mỗi khi trở về tôi lại được sống lại tuổi thơ và lòng mình lắng lại sau bao lo toan, bận rộn trong cuộc sống.
Làng tôi với ngôi nhà thân yêu  bao kỷ niệm thửa thiếu thời. Làng tôi ngày ấy nghèo lắm, bọn trẻ con chúng tôi đi học đến trường bằng chân đất, dép bỏ vào túi . Những đêm trăng chúng tôi chơi trò trốn tìm ở sân kho hợp tác xã . Mùa đông đến cả bọn chẳng đủ áo ấm mà mặc nên rủ nhau nhặt những quả phi lao nhóm trong lò nhỏ tự tạo để chống chọi với cái rét cắt da, cắt thịt. Bọn trẻ chúng tôi hồi ấy có những trò chơi mà bây giờ bọn trẻ không thể có, cả bọn không kể con trai hay con gái mà cả bọn rủ nhau tắm sông và thi nhau bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia. Học xong cấp II tôi không ở nhà làm ruộng như các bạn mà học tiếp lên cấp III. Trường  Vườn Muỗn của chúng tôi đẹp lắm. Trường tôi nằm bên cạnh con sông nhỏ và điều đặc biệt là có sân trường rợp mát với những cây Muỗm ánh nắng chỉ có thể chiếu qua những kẽ lá như những ngôi sao nhỏ tận dải ngân hà xa xăm. Học cấp III bọn tôi vẫn đi bộ và với đôi chân trần còn dép vẫn chỉ dám đến cổng trường mới đi. Trường tôi chỉ là trường quê tôi nhưng tất cả các thế hệ học trường Vườn Muỗm đều tự hào về trang vàng thành tích của mình.
Làng tôi bây giờ đã khác xưa. Cái nghèo đã được xoá bỏ, quê tôi đang xây dựng nông thôn mới. Đường làng được trải bê tông và đèn điện sáng trưng. Điều mà ở thành phố không thể có là buổi sáng thức dậy bà con hàng xóm qua lại chào hỏi nhau gần gũi và đêm trăng mở cửa sổ nhìn ra thật xa ánh trăng vàng tắm đẵm cành đồng lúa.
Xa quê mỗi khi trở về nơi mình sinh ra và lớn lên thật ấm áp!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nangthunb

TRUYỀN THỐNG NHÀ GIÁO

Sắp đến ngày 20/11 Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta cùng nhau ôn lại trang sử vàng của nhà giáo. Từ người thày Vạn Hạnh, đã có người trò vĩ đại Lí Công Uẩn. Và chỉ người thày ấy mới có được người trò đã ra chiếu rời đô đến đất Thăng Long và mở ra một kỉ nguyên phát triển phồn hoa của dân tộc Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn là người trò ấy đã đặt nền móng đầu tiên cho công cuộc giáo dục của đất nước Đại Việt bằng cách lập nên Quốc Tử  Giám. Rồi bước ngoặt tiếp theo là khi Lí Nhân Tông cho mở khoá thi đầu tiên để chọn hiền tài thay cho việc tiến cử, như thế chúng ta đã thấy rõ vai trò của sự học trong việc lập thân và cống hiến cho dân tộc. Vua Lê Thánh Tông đã mở rộng giáo dục bằng cách cho phép con nhà dân cũng được theo học và thi như  con nhà qúy tộc, đồng thời cho dựng bia đá tại Quốc Tử  Giám để ghi tên những người đỗ đạt cao và có công lao lớn với đất nước. Năm 1884, thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng thực hiện chính sách ngu dân, nhưng đồng thời cũng mở ra một số trường học với quy định chỉ con nhà giàu mới có đủ điều kiện theo học, nhưng qua đó cũng tạo nên  trường lớp chính quy và việc dạy học được đưa vào với tư cách toàn diện các bộ môn. Ngay trong lòng của sự nô dịch về giáo dục, thì vẫn có những điểm sáng như trường Đông Kinh Nghĩa Thục của chí sĩ Phan Bội Châu tại số 4 hàng Đào – Hà Nội. Đến năm 1919  diễn ra khoa thi cuối cùng của Nho học và Nho học khép lại từ đó.
Như vậy trong 844 năm nền giáo dục phong kiến Việt Nam tuy có nhiều tồn tại nhưng nền giáo dục ấy đã coi trọng Luân, Lí, Lễ, Nghĩa, đã đóng góp cơ bản cho nền tảng giáo dục đạo đức sau này.
Cùng với các nước trên thế giới, Việt Nam đã tham gia tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập từ tháng 7/1946 tại Pari thủ đô nước Pháp mang tên hiệp hội các công đoàn giáo dục là FISE. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp sâm lược công đoàn giáo dục Việt Nam đã quan hệ với FISE để tranh thủ các diễn đàn tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân cũng như giáo viên và học sinh đồng thời giới thiệu những thành tích của ngành giáo dục cách mạng Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình của giáo giới trên toàn thế giới với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Năm 1957, tại thủ đô VácXaVa hội nghị FISE có 57 nước tham dự. Trong đó có giáo dục Việt Nam, hội nghị đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Sau ngày đất nước thống nhất giáo giới Việt Nam, đoàn kết nhất trí xây dựng nền giáo dục theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thể theo nguyện vọng của các nhà giáo và nhân dân, hội đồng bộ trưởng đã ra quyết định số 167 ngày 28/9/1982 lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày nhà giáo Việt Nam. Ngày 20/11 đã trở thành ngày kỷ niệm của các nhà giáo, ngày tôn vinh các thế hệ nhà giáo Việt Nam, những người chiến sỹ cách mạng trên mặt trận tư tưởng văn hoá.
Kính trọng thày cô là một nhành xuân sinh ra từ gốc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” bền vững của dân tộc ta. Ngày nhà giáo Việt Nam cũng là ngày để mọi người nhớ lại kỷ niệm tuổi học trò, nhớ mái trường xưa, nhớ thày cô giáo cũ, nhớ bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt là buổi đầu đi học với người mẹ thứ hai đã dìu dắt chúng ta những bước chập chững vào đời.
Chúng ta hãy lội ngược dòng thời gian, cùng nhau nhớ lại các thày giáo danh tiếng qua các thời đại Hai Bà Trưng: có thày giáo Vũ Đăng Thế văn võ xong toàn, chính thày đã dạy văn võ cho hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Thời nhà Lý, thày giáo Lý Công Uẩn học rộng tài cao không chịu nhận chức vị, là người đầu tiên mở trường dạy học tại đất Thăng Long. Học trò của thày có Lý Thường Kiệt đã trở thành vị anh hùng dân tộc kiệt xuất. Đời nhà Trần: có các thày giáo Lê Văn Thư, Nguyễn Phi Khanh, Trần Quang Khải, Chu Văn An, và những thày giáo nổi tiếng lỗi lạc không chỉ một thời mà mãi mãi lưu truyền trong sử sách.
Đời nhà Lê có thày giáo Phan Ích Phát học trò của thày đã chiếm quá nửa triều Hồng Đức. Đời nhà Mạc thế kỷ XVI có thày Nguyễn Bỉnh Khiêm, thày Phùng Khắc Khoan. Đời Chúa Trịnh có thày Đàm Công Hiệu là người đã dạy học cho hai cha con chuá Trịnh và được phong đến chức thượng thư Bộ lĩnh.
Thế kỷ 19 có thày giáo Cao Bá Quát, thày Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa, danh tiếng lừng vang các nước. Thế kỷ 20 có thày Hoàng Ngọc Phách đã làm đẹp thêm chữ quốc ngữ buổi ban đầu. Thày Nguyễn Công Hoan một nhà văn hiện thực nổi tiếng. Thày Nam Cao với tác phẩm nổi tiếng Sống mòn.Thày Nguyễn Thúc Thự đã dạy biết bao học trò trở thành nhà cách mạng duy tân. Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Ngô Văn Huân...và có lẽ chúng ta không thể không ai quên được tấm gương ngời sáng thày giáo Nguyễn Tất Thành người thày vĩ đại của dân tộc, một danh nhân đã làm rạng rỡ hơn bao giờ hết truyền thống của  nhà giáo Việt Nam trong thời đại mới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng chiến lược của công tác giáo dục, đào tạo là phương sách chăm lo lợi ích trăm năm, lâu bền của quốc gia dân tộc. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước và trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Đảng và Chính phủ vẫn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng một nền giáo dục tiên tiến. Đội ngũ nhà giáo Việt Nam đã tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng như những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, đào tạo các thế hệ con người mới xã hội chủ nghĩa và đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước từng bước tiến lên theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bác nói: “Người thày giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thày giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thày giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”
Bác Phạm Văn Đồng cũng đã khẳng định: “Nghề dạy học là một nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý, là nghề sáng tạo bậc nhất  vì nó sáng tạo ra con người sáng tạo”
Lịch sử là thế! Và ngày nay vẫn truyền thống ấy phát huy và kế tục sự nghiệp viết tiếp trang sử vàng của nhà giáo Việt Nam, trong những năm học qua, những thế hệ nhà giáo chúng tôi viết lên trang sử vàng truyền thống .
Chúc các thày cô giáo những người đã và đang làm nhiệm vụ trồng người : Sức khoẻ - Thành công !

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 65 trang (649 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [62] [63] [64] [65]