Trang trong tổng số 44 trang (432 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [40] [41] [42] [43] [44] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Một chú trâu đã thay đổi cuộc sống của những người xẻ thịt



Theo tin được phổ biến bởi “Tin Tức Nhân Dân” (People’s News) của Trung Quốc thời có một chuyện bất ngờ xảy ra ở Hong Kong, nghe có vẻ khó tin nhưng lại có thật.

Tờ “Tin Tức Thế Giới Hàng Tuần” (Weekly World News) tường thuật rằng có một nhóm nhân công dắt một con trâu vào trong một lò sát sinh để sửa soạn giết thịt làm bíp-tết và hầm ra-gu.

Khi họ đi tới trước cửa lò thời con vật thình lình đứng khựng lại, không chịu tiến bước thêm nữa. Chú trâu qùy xuống bằng hai chân trước và tuôn rơi nước mắt. Tại sao trước khi vào lò sát sinh mà một con trâu lại có thể hay biết rằng nó sắp bị xẻ thịt. Điều này tỏ ra nó có vẻ nhậy cảm hơn nhiều con người.

Tay đồ tể SHIU TAT-NIN kể lại chuyện đó một cách hoàn toàn xúc động: “Khi tôi trông thấy một con vật dường như ngu đần mà lại biết khóc, cặp mắt của nó còn lộ vẻ đầy hãi sợ và buồn khổ, tôi bỗng rùng mình!” Anh chàng kể tiếp: “Tôi vội vàng gọi mọi người tới coi và tất cả đều ngạc nhiên như tôi. Chúng tôi cùng xúm vào để người thì đẩy và người thì lôi kéo chú trâu đi nhưng nó không chịu nhúc nhích, nó chỉ ngồi đó và tiếp tục khóc!”

http://www.thuvienhoasen.org/images/upload/Buffalo_standing_still_sad_and_frightened_to_tears2.jpg



http://www.thuvienhoasen.org/images/upload/Buffalo_weeping_nonstop.jpg



Chủ lò sát sinh BILLY FONG nói: “Con người luôn nghĩ rằng những con vật này không giống người, đâu biết khóc, nhưng chú trâu này quả thật đã khóc như một đứa trẻ nít!”

Vào lúc đó có ít nhất là cả chục con người khoẻ khoắn và vạm vỡ hiện diện nhưng tất cả đều mủi lòng khi thấy chú trâu khóc. Riêng những đồ tể thường có nhiệm vụ hàng ngày phải giết trâu bò trong lò sát sinh thời súc cảm hơn nữa, họ cũng nhỏ lệ.

Khi các tay đồ tể từ các lò sát sinh khác nghe thấy tin này họ cũng kéo nhau chạy tới xem. Tất cả đám đông đều rất ngạc nhiên vì những chuyện xảy ra trước mắt họ. Ba người đồ tể trong nhóm đó quá xúc động đến nỗi họ tuyên bố rằng kể từ lúc này mỗi khi họ phải làm thịt các sinh vật khác họ cũng sẽ không thể quên hình ảnh nước mắt của chú trâu này.

Kết thúc sẽ giải quyết như thế nào? Thấy cả trâu lẫn người đều nhỏ lệ chúng ta biết rằng chú trâu sẽ không bị xẻ thịt nữa. Quả thật vậy, một số người bỏ tiền mặt ra mua chú trâu đó rồi gửi chú vào trong một ngôi chùa Phật giáo để nơi đó quý Tăng sẽ chăm sóc nó chu đáo hơn và chú trâu có thể an lành sống đến tận cuối đời!

Một chuyện kỳ lạ khác lại xảy ra. Sau khi có quyết định trên chú trâu linh cảm rằng sinh mạng chú được bảo đảm, chú tự đứng dậy và đi theo họ. SHIU TATNIN ngạc nhiên nói: “Tại sao một con trâu lại hiểu được những lời nói của con người? Dù bạn có tin hay không nhưng chuyện lạ lùng này quả có thật.”

Hiển nhiên chú trâu này đã làm lay chuyển cuộc sống của những nhân công làm việc trong lò sát sinh!

Tâm Minh lược dịch từ (Weekly World News)

Nguồn: http://renminbao.com/rmb/...les/2011/4/16/54517b.html
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

vịt anh

Vị nhân sinh
Bao nhiêu năm nữa trâu sẽ nối gót tê giác một sừng?

Một sự thật vô cùng phũ phàng
Chú trâu đã thay đổi cuộc sống những người xẻ thịt
Kể từ đó thực đơn của tôi không còn bít tết
Bữa ăn hằng ngày của cô gái đang tinh giảm vòng hai

Trên cánh đồng nông dân chuyển hết sang máy kéo,máy cày
Trên nẻo đường dập dìu xe bán tải
Biết đâu đấy trên trang nhất tờ báo 1000 năm sau đổ lại
có cái tít to đùng:"Việt Nam cuối cùng đã tuyệt chủng loài trâu"


Chị Thanh Ngọc đừng oánh Vịt ;))
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Cụ ông mù 30 năm làm từ thiện

Mất đôi mắt trong chiến tranh, nhưng hơn 30 năm qua ông Út Hợp vẫn lặn lội đi khắp nơi để làm từ thiện. Nghe nơi đâu có mảnh đời bất hạnh là vài ngày sau ông xuất hiện để giúp đỡ.

Căn hộ nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, TP Sóc Trăng ít khi có ông chủ ở nhà bởi cụ Thái Văn Hợp (Út Hợp, 69 tuổi) thường xuyên đón xe ôm rong ruổi khắp nơi để làm việc thiện. Có hôm vợ con kiên nhẫn chờ cơm đến khuya mới thấy xe ôm đưa ông đến cổng, gương mặt ông ánh niềm vui vì vừa giúp cho một học sinh nghèo vượt khó ở huyện vùng sâu suất học bổng để tiếp tục đi học.

Ông Út Hợp bị bom đạn cướp đi đôi mắt tại chiến trường miền Trung khi mới 28 tuổi. Xuất ngũ, ông về lại Sóc Trăng với người vợ hiền. Thiếu ánh sáng nhưng còn đôi chân khỏe, thế là 2 năm sau giải phóng, ông đi châm cứu từ thiện khắp các tỉnh miền Tây rồi lên Đông Nam bộ, ròng rã suốt 17 năm trời. Ở đâu có ông là có hàng trăm người nhận phiếu châm cứu miễn phí mỗi ngày.


Làm từ thiện hàng chục năm nay nhưng cụ Hợp từ chối lên truyền hình vì không muốn “ồn ào”. Ảnh: Thiên Phước.
Trước khi “giải nghệ”, Út Hợp được một nhà sư ở Sóc Trăng mời tham gia hướng dẫn cho học viên lớp châm cứu, bốc thuốc nam được tổ chức tại chùa nên sau đó ông có được một đội ngũ kế thừa việc châm cứu từ thiện.

Vài năm sau, biết nhiều địa phương người dân rất thiếu nước sạch nên ông liền khăn gói lên Sài Gòn tìm bạn bè làm ăn khá giả vận động chi phí khoan giếng bơm tay cho hàng trăm hộ dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Thời gian này, những lúc rảnh tay ông vò bột nghệ thành viên để cho những bệnh nhân bị đau bao tử mà không có tiền mua thuốc uống.

Có lần nghe bạn kể nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng không có tiền mua cơm, cháo, ông bèn liên hệ với bạn bè đến bệnh viện đặt vấn đề nấu cháo từ thiện phát miễn phí. Nhờ vậy mà bếp ăn từ thiện tại bệnh viện này ra đời, phát triển tốt đến nay với khoảng 300 phần cháo vào mỗi buổi sáng.

Buổi trưa và chiều cũng có hàng trăm phần cơm được phát miễn phí, có đủ thức ăn chay. Từ mô hình này, một số bệnh viện tuyến huyện ở Sóc Trăng cũng hình thành bếp ăn từ thiện cung cấp cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo.


Điểm phát cơm, cháo từ thiện mỗi ngày tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng do cụ Hợp khởi xướng. Ảnh: Thiên Phước.
Biết ông tận tâm nên bạn bè, anh em ở Mỹ, TP HCM… cũng gửi tiền về để Út Hợp chia sẻ với người nghèo. Vì vậy, rất nhiều học sinh tật nguyền, hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học đã được người đàn ông mù đón xe ôm đến tận nhà trao học bổng.

Mới đây, có đoàn làm phim muốn ghi hình về cuộc đời của “những người tử tế” nhưng ông từ chối bởi không muốn ồn ào. Ông bảo chỉ muốn thầm lặng làm việc nghĩa. Và sáng hôm sau ông một mình đón xe từ Sóc Trăng lên TP HCM để tìm đến nhà một gia đình nghèo ở quận 9.

“Tôi mới nghe radio kể về một cô bé nhà nghèo ham học. Cha liệt nằm một chỗ, em trai bại não nên mẹ phải ở nhà chăm sóc hai người. Không có tiền, bà ấy nhận giữ mấy đứa trẻ trong xóm để tằn tiện lo thang thuốc cho chồng, con. Đứa con gái tên Thanh đang học lớp 12 mà có hôm nhịn đói đến lớp nên tôi phải tìm để trao học bổng, hỗ trợ tiền hàng tháng cho em này có điều kiện ăn học”, ông chia sẻ.

Trò chuyện cùng VnExpress.net, bà Lý Thị Thum ở Bắc Tà Ky, phường 4, TP Sóc Trăng cho biết cứ vài tháng là thấy cụ Hợp xuất hiện với vài người phụ việc để trao quà hoặc quần áo xin được từ TP HCM mang về Sóc Trăng chở đi cho người nghèo.

“Tôi quý cụ Hợp ở chỗ là không phải như những người khác cứ đổ quần áo ra một đống bên đường rồi ai lựa thì lựa theo kiểu ‘bố thí’. Cách làm của cụ Hợp là khi xe chở quần áo đến, người nào hỏi xin và xin bao nhiêu bộ thì cụ kêu người giúp việc chọn áo quần vừa theo kích cỡ người cần mặc, đúng số lượng, đúng giới tính nên mang về là mặc được ngay, không bỏ tùm lum phí phạm”, bà Thum tâm đắc kể.

Nói về bếp ăn từ thiện trong Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng do cụ Hợp khởi xướng, bác sĩ Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết 7 năm trước khi ông nhận công tác ở bệnh viện đã thấy có bếp ăn từ thiện do ông Hợp với các cộng sự phát cháo cho bệnh nhân nghèo vào mỗi buổi sáng. Hiện nay ông Hợp không trực tiếp tham gia mà giao lại cho người khác đồng thời phát triển thêm hai buổi cơm chay vào trưa và chiều.

Thiên Phước
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bê bối dược phẩm mới ở Trung Quốc:

Vỏ thuốc chứa chất gây ung thư



TT - Trung Quốc một lần nữa đối mặt với vụ bê bối thuốc nhiễm chất chrom có hàm lượng cực cao từ vỏ thuốc được sản xuất từ chất gelatin công nghiệp, được đánh giá có thể chấn động hơn vụ sữa nhiễm melamine năm 2008.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=560507
Da phế thải trong kho của Công ty Học Dương được dùng để chế tạo chất gelatin cung cấp cho các nhà sản xuất vỏ thuốc ở Trung Quốc - Ảnh: China Daily



Người tiêu dùng Trung Quốc và thế giới ắt hẳn chưa quên được sự kiện sữa nhiễm melamine gây chấn động thế giới năm 2008. Cùng năm, người tiêu dùng Mỹ đã bàng hoàng khi có đến 80 người ở Mỹ thiệt mạng do dùng thuốc chống đông máu Heparin của Tập đoàn Baxter sản xuất nhưng nguyên liệu lại xuất xứ từ Trung Quốc. Nay người tiêu dùng lại chứng kiến vụ bê bối mới...

Gelatin làm từ phế liệu giày da
Chưa bao giờ cơ quan chức năng và giới truyền thông Trung Quốc lại vào cuộc điều tra nhanh về bê bối an toàn dược phẩm như lần này, bởi lẽ họ thừa biết người dân không còn kiên nhẫn trước hàng loạt mối đe dọa đến tính mạng đang ẩn chứa trong miếng ăn và sức khỏe hằng ngày của họ.

Đài truyền hình CCTV công khai nêu tên các công ty đã dùng các loại sản phẩm phế thải từ da thuộc để chiết xuất chất gelatin và sử dụng trong sản xuất vỏ thuốc. Theo CCTV, hiện có hàng loạt doanh nghiệp dược phẩm trong nước dính tới bê bối này.

Cục Giám sát, kiểm định và kiểm dịch chất lượng Trung Quốc (SFDA) đã ra lệnh cho chín công ty dược phẩm có tiếng của Trung Quốc phải công bố trên truyền hình 13 danh mục thuốc đã nhiễm độc chrom. SFDA cũng yêu cầu các nhà sản xuất ngừng phân phối và sử dụng các loại thuốc này cho đến khi có kết quả phân tích từ phòng thí nghiệm.

Theo quy định của Trung Quốc, hàm lượng chrom cho phép không quá 2mg trong mỗi kilôgam dược phẩm. Tất cả các nhà sản xuất thuốc của Trung Quốc cũng phải ngưng sử dụng chất gelatin công nghiệp cho mục đích y khoa. Nếu doanh nghiệp nào không hợp tác điều tra và cố tình bưng bít sai phạm sẽ bị trừng phạt nặng.

Các cơ quan giám sát chất lượng Trung Quốc đã bắt đầu điều tra các quan chức tắc trách để xảy ra bê bối nghiêm trọng này. SFDA cam kết công bố thông tin sớm cho công chúng về tiến triển của cuộc điều tra.

Bộ An ninh công của Trung Quốc cũng đã vào cuộc ngay sau khi cảnh sát bắt giữ 53 nghi can, đóng cửa 10 nhà máy sản xuất vỏ thuốc và tịch thu 230 tấn vỏ thuốc nhựa trong tuần qua. Qua kiểm tra 33 sản phẩm viên thuốc dạng nang, SFDA nhận thấy 23 trong 42 mẫu được lấy từ các sản phẩm này đã bị nhiễm chromium, một kim loại nặng rất độc, có thể gây ung thư. Hàng loạt tập đoàn sản xuất dược phẩm ở Cát Lâm, Liêu Ninh đã phải thu hồi thuốc sản xuất dùng vỏ nhiễm độc trong những ngày qua.

Nhật Báo Trung Quốc cho biết SFDA trước đó đã rút giấy phép kinh doanh của hai nhà máy sản xuất vỏ thuốc ở Chiết Giang. Song, vụ bê bối dược phẩm này vẫn chưa dừng lại. SFDA đã phải đưa thêm những đội điều tra về các tỉnh Chiết Giang, Hà Bắc và Giang Tây để giám sát các nhà máy sản xuất sử dụng chất dẻo công nghiệp gelatin trong sản xuất dược phẩm.

Theo báo Tin Tức Kinh Doanh Trung Quốc, trung tâm của vụ bê bối mới này là huyện Tân Xương ở Chiết Giang, nơi sản xuất đến 40% vỏ thuốc cung cấp cho thị trường Trung Quốc với giá rẻ hơn phân nửa giá thị trường. Giám đốc một công ty sản xuất vỏ thuốc ở Tây An Dư Quốc Khánh cho biết các doanh nghiệp sản xuất vỏ thuốc đúng chuẩn không thể cạnh tranh với các công ty cùng loại ở Chiết Giang vì họ dùng gelatin lấy từ da phế thải.

Nguy cơ của những kẽ hở!
Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời chuyên gia Bộ Y tế Tôn Trung Thực cho biết trong vụ bê bối dược phẩm mới này, những kẽ hở trong luật pháp đã bị những kẻ đầu cơ lợi dụng. Các quy định hiện tại chỉ yêu cầu kiểm tra chất lượng các hoạt chất chế tạo dược trước khi đưa vào thị trường chứ không kiểm tra các sản phẩm phi hoạt chất như vỏ thuốc. Bộ trưởng y tế Trần Trúc thừa nhận có nhiều cơ sở sản xuất vỏ thuốc kém chất lượng đang hoạt động “lậu” ở Trung Quốc mà cơ quan chức năng quản lý không xuể.

Thời Báo Hoàn Cầu số ra ngày 20-4 nhận định sự phát triển nhanh của Trung Quốc đang cho thấy có nhiều kẽ hở trong giám sát. Dù Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng ngăn chặn những kẽ hở đó, song chúng vẫn tạo ra những vấn đề bức xúc lớn cho công chúng đến mức, như báo này viết, khả năng cầm quyền của nhà nước đang phụ thuộc tốc độ giải quyết các vấn đề này của chính phủ.

Về tính chất nghiêm trọng của vụ bê bối mới này, tờ báo viết: “Mỗi vụ bê bối về an toàn thực phẩm và dược phẩm luôn có thể trở thành một vấn đề gây nên khủng hoảng công cộng. Mối lo ngại về những gì con người ăn và uống vào miệng của mình đều có thể leo thang thành nỗi hoảng loạn. Nếu điều này xảy ra, công chúng có thể bộc lộ và đổ hết sự giận dữ của họ lên chính quyền do đã thất bại trong việc giám sát.

Trong nhiều trường hợp gần đây, sự giận dữ này đã lan rộng và trở thành một vấn đề chính trị. Việc duy nhất chính phủ có thể làm hiện nay là có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với những đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó có cá nhân và cả quan chức đã chống lưng và tiếp tay cho các đối tượng này”.

MỸ LOAN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:
Bê bối dược phẩm mới ở Trung Quốc:

Vỏ thuốc chứa chất gây ung thư



TT - Trung Quốc một lần nữa đối mặt với vụ bê bối thuốc nhiễm chất chrom có hàm lượng cực cao từ vỏ thuốc được sản xuất từ chất gelatin công nghiệp, được đánh giá có thể chấn động hơn vụ sữa nhiễm melamine năm 2008.
Lịch sử hiểm độc của Trung Hoa có thể tóm tắt trong mấy câu sau:

Cổ kim hiểm độc nhất thằng Tàu
Hại cả người ngoài, hại cả nhau
Nội, ngoại, anh, em đều giết cả
Đâm con, chém bố chẳng hề đau.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

.
Hehe, bụng dạ bác Tuấn cứ thẳng như ruột... khỉ ấy. Thật ra thằng "Tò" nhiều khi cũng biết "giúp cho một tay" đấy, bác ạ!

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Funny%20stuff/Irony%20and%20Philosophy/799b197f.jpg
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:
http://i974.photobucket.com/albums/ae227/ssunyata/VHVN/Thousand%20words/799b197f.jpg
Cưa Tàu, Gỗ Việt

Trông chừng chú Việt mãi đu đưa
Cám cảnh anh Tàu cho mượn cưa:
Nếu chú ra đi không trở lại
Cưa kia cứ giữ, chỗ anh thừa!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thầy giáo kiêm thợ hớt tóc



TT - Đến Trường tiểu học Lộc Hòa, xã Lộc Hòa (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), thấy học sinh nào cũng quý mến thầy giáo Võ Thanh Phú. Không chỉ vì thầy Phú đã đứng lớp dạy nhạc cho các em mà còn kiêm luôn cả việc hớt tóc miễn phí cho học sinh.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=527758
Thầy Phú cắt tóc cho học trò - Ảnh: N.H.



Đang nói chuyện với chúng tôi thì chuông điện thoại reo, thầy Phú bảo: “Dạ 4 giờ, cứ đến trước trường đi ạ”. Chúng tôi thắc mắc: “Cuối giờ, hẹn mọi người lai rai à?”. Thầy Phú cười: “Phụ huynh học sinh gọi điện hẹn hớt tóc cho con đó mà”. Thầy Phú tâm sự thấy học trò đi học mà tóc dài rất không gọn gàng, vì đa số các em là học sinh nghèo, cha mẹ lo làm đầu tắt mặt tối, chẳng có thời gian chăm sóc con. Vậy là thầy quyết định xin trường được hớt tóc cho các em.

Thầy Phú cười xòa: “Mình học nghề lại từ ông dượng, định làm nghề tay trái. Sau giờ dạy ở lại trường, nhiều khi cũng rảnh nên mới nghĩ tại sao mình không tổ chức hớt tóc miễn phí cho các em”. Nghĩ là làm, thầy Phú tằn tiện để dành cả tháng lương gần 1,5 triệu đồng mua bộ đồ nghề hớt tóc gồm tôngđơ tay, tôngđơ điện, kéo, lược, dao cạo... Và “tiệm” hớt tóc miễn phí của thầy Phú ra đời từ đó.

Cũng nhờ hớt tóc mà thầy Phú có thể tâm sự với học trò nhiều hơn. Thầy Phú kể một học sinh lớp 4 của trường cứ lầm lì, nhiều giáo viên cho là dạng học sinh cá biệt. Một lần hớt tóc, thầy nói chuyện với em này và biết được em đang sống cùng ông bà. Bố mẹ thì đi nuôi vịt ở Đồng Tháp, thỉnh thoảng mới về thăm. Sống với ông bà đã lớn tuổi nên em không tâm sự gì, thậm chí còn trốn học. Em trở nên lầm lì ít nói. Sau lần nói chuyện với thầy, em trở nên cởi mở hơn và hòa nhập với bạn bè.

Thầy Đỗ Thành Tám, hiệu trưởng trường, cho biết do nhà thầy Phú ở tận Vũng Liêm, cách chỗ dạy đến 40-50 cây số nên trường đã bố trí cho thầy ở lại trường. Khoảng năm 2009, thầy Phú xin được hớt tóc cho học sinh. Nhà trường cất một chỗ tạm làm nơi hớt tóc. Trường có hơn 120 học sinh nam thì hầu như em nào cũng từng được thầy Phú hớt tóc.

Thầy Tám nhận định việc hớt tóc của thầy Phú cũng tạo được mối quan hệ khăng khít giữa thầy và trò. Khi hớt tóc, thầy có thể tiếp cận học sinh dễ dàng cũng như tâm sự với học sinh để giúp các đồng nghiệp khác dạy dỗ các em tốt hơn. Thầy Phú mới 26 tuổi, được đồng nghiệp đánh giá là một thầy giáo trẻ nhiệt tâm và rất có nghề. Năm học vừa qua, trường có cuộc bỏ phiếu bầu giáo viên được yêu thích nhất, thầy Phú là người được học sinh bỏ phiếu nhiều nhất.

NGỌC HẬU
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Đọc câu chuyện về người lái xe bus tên Wu Bin-nhân viên công ty Vận tải hành khách đường dài Hàng Châu, bị mảnh kim loại lạ bay trên đường cao tốc xuyên qua kính xe, đâm thủng bụng, gan của anh bị dập nát nghiêm trọng, 3 xương sườn bị gãy mà vẫn gắng gượng để đảm bảo an toàn cho tất cả hành khách của mình... thấy cảm động. Những con người như thế thì không phải phân biệt họ đến từ đất nước nào, quốc tịch gì, chỉ duy nhất một chữ TÂM hiện rõ. Giá mà các bác lái xe ở đất nước mình, ai cũng cũng lấy một chữ TÂM làm đầu thì hay biết mấy, hạnh phúc biết mấy cho mọi người!
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Xe cấp cứu nghĩa tình ở vùng ven



TT - 12g đêm, một tai nạn vừa xảy ra ở khu vực xã Nhị Bình (H.Hóc Môn, TP.HCM), ngay lập tức người dân ở đó bấm số gọi ngay cho ông Huỳnh Văn Nhiều (56 tuổi), chủ xe cấp cứu hoàn toàn miễn phí suốt 12 năm qua tại hai xã vùng ven Nhị Bình, Đông Thạnh (TP.HCM), nơi mà đường sá đi lại còn nhiều khó khăn.

http://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/674/584674.jpg
Ông Nhiều bên chiếc xe cấp cứu quen thuộc của gia đình mình - Ảnh: Đoàn Bảo Châu



Chiếc xe này phục vụ miễn phí nhu cầu về y tế của người dân ở đây, từ chở người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, chở phụ nữ đi sinh đến người bị bệnh, tai biến lúc nửa đêm... Xe ra đời từ cách đây 12 năm, khi mà ông Huỳnh Văn Nhiều đang làm việc tại Hội Chữ thập đỏ xã Nhị Bình.

Trên đường đi làm về, ông thường xuyên bắt gặp người dân bị tai nạn giao thông nhưng không có xe chở đi cấp cứu. “Có người phải ngồi chờ cả tiếng, máu khô luôn mà taxi vẫn chưa tới, vì thời đó (khoảng năm 1999) Nhị Bình còn rất hoang vu, không xe nào dám chạy vô. Sẵn có kiến thức sơ cấp về y tế, tui nghĩ tại sao lại không tận dụng giúp người dân?” - ông Nhiều nói. Vậy là ông về nhà vận động gia đình để bỏ ra 45 triệu đồng mua một chiếc xe, đến năm 2002 thì mua hẳn một chiếc xe 15 chỗ, dùng riêng cho việc chở người đi cấp cứu với đầy đủ băng ca, dụng cụ sơ cứu, đèn, loa. Tất cả đều do tự ông trang bị và mang đi kiểm tra định kỳ sáu tháng/lần.

Từ đó, số điện thoại của ông Nhiều trở nên quen thuộc với người dân ở đây. Cứ có chuyện là họ gọi ngay cho ông để chuyển nạn nhân đến Bệnh viện Hóc Môn (cách đó 13km) và Bệnh viện Thuận An, Bình Dương (cách đó 3km), các trường hợp đặc biệt thì xe đưa thẳng đến bệnh viện ở trung tâm TP. Ông Năm Dũng, người dân địa phương, cho biết: “Tuần trước xe vừa đưa giúp em tui bị tai nạn đi bệnh viện. Ở đây ai bị tai nạn, bệnh tật gì cũng gọi liền cho xe cấp cứu của ông Nhiều”.

“Trung bình mỗi ngày có hai, ba cuộc gọi, còn lễ tết thì chạy liên tục bốn, năm đợt là bình thường vì tai nạn giao thông, ẩu đả nhiều” - vợ ông cho biết. Chính vì tính thất thường của các cuộc gọi mà giấc ngủ của ông Nhiều cũng đổi theo, cứ 19g là ông đã đi ngủ “để tới khuya người ta có gọi thì mình tỉnh táo chạy ra”. Hiện nay, do số lượng các ca cấp cứu cần đến xe của ông ngày càng nhiều, cả con trai, con rể của ông cũng tham gia vào đội ngũ tài xế tình nguyện này.

Tất cả đều phải có bằng lái xe 15 chỗ mới được ông “duyệt” cho lái xe cấp cứu: “Chạy buổi tối tui không sợ, sợ nhất là chạy vào giờ tan tầm, học trò tan học mà đường ở quê lại hẹp nên dễ va quẹt. Bởi vậy, mấy đứa nó phải học đàng hoàng tui mới cho lái”. Bà Lê Thị Hồng Phượng, phó chủ tịch UBND xã Nhị Bình, cho biết: “Xe của ông Nhiều đã hỗ trợ cho xã rất hiệu quả trong công tác cấp cứu tại trạm y tế xã. Rất nhiều trường hợp cần cấp cứu tại xã, nhờ có sự giúp đỡ về mặt phương tiện của ông mà đã giải quyết nhanh chóng, đảm bảo được an toàn tính mạng, sức khỏe cho nạn nhân”.

ĐOÀN BẢO CHÂU
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 44 trang (432 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [40] [41] [42] [43] [44] ›Trang sau »Trang cuối