Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Phát động chiến dịch “Tiêu dùng xanh”



TT - Sáng 11-9, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Sở Công thương và Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tổ chức phát động chiến dịch “Tiêu dùng xanh” từ ngày 13 đến 26-9.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=447302
Khách hàng chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) đọc tờ rơi tuyên truyền chiến dịch “Tiêu dùng xanh” sáng 11-9 - (Ảnh: N.TRIỀU)

Đây là hoạt động nhằm vận động người tiêu dùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc khuyến khích chọn mua sản phẩm thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời từ chối sản phẩm của các doanh nghiệp “đen” gây ô nhiễm môi trường.

Sau lễ phát động, hàng ngàn tờ rơi, cẩm nang mua sắm do Co.op Mart phát hành đã được các sinh viên tình nguyện chuyển đến tay khách hàng và tiểu thương tại các chợ.

Gần 1 triệu tờ rơi, cẩm nang mua sắm sẽ được gửi đến khách hàng trong suốt chiến dịch để khuyến khích người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, hệ thống siêu thị Co.op Mart tổ chức tuần lễ “Tiêu dùng xanh” với các hình thức bán hàng giảm giá, tặng túi xách thân thiện môi trường và hàng triệu phiếu ưu đãi dành tặng khách hàng.

N.TRIỀU
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

31 người thiệt mạng vì bọ cắn ở Trung Quốc



TTO - Nhật báo Trung Quốc đưa tin tính cho đến cuối tuần này, số người thiệt mạng do bị một loài bọ lạ giống ve sầu cắn đã vượt hơn 31 người. Nhưng con số này còn có thể cao hơn thế nhiều khi các quan chức y tế thừa nhận họ không biết số người chính xác đã bị loài côn trùng này cắn.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=447431
Các chuyên gia y tế đang chẩn đoán bệnh nhân đã bị bọ lạ cắn tại tỉnh Hà Nam - (Ảnh: China Daily)

Đến nay đã có 12 tỉnh thành bao gồm tỉnh Hà Nam và Sơn Đông xác nhận có bệnh nhân thể hiện dấu hiệu bệnh nhiễm trùng bạch cầu (human granulocytic anaplasmosis - HGA) do bị bọ lạ cắn.

Trong một cuộc họp báo hôm 11-9, Bộ Y tế Trung Quốc khẳng định đã được thông báo về tình hình và đang nỗ lực triển khai cung cấp thông tin phòng chống cho người dân. "Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa có thông tin cụ thể về toàn cảnh dịch bệnh ở khắp đất nước".

Năm 2006, lần đầu tiên phát hiện ra trường hợp nhiễm bệnh HGA tại tỉnh An Huy, nhưng mãi sau đó hai năm Bộ Y tế Trung Quốc mới phát hành sách hướng dẫn kiểm soát và phòng tránh bệnh, trong đó yêu cầu chính quyền sở tại phải sớm thông báo những trường hợp tình nghi sau khi phát hiện trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, nhiều vùng đã xem nhẹ lệnh trên vì HGA không nằm trong danh sách 40 bệnh dịch phải được báo cáo theo luật định.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=447428

Chỉ sau khi tờ Tin tức Bắc Kinh đăng bài viết về việc bệnh dịch tràn lan ở thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam, các quan chức y tế địa phương mới cho biết tổng cộng đã có 557 trường hợp nhiễm bệnh và 18 người thiệt mạng kể từ năm 2007.

Còn cơ quan y tế tỉnh Sơn Đông thì hôm 11-9 cho biết tỉnh kể từ tháng 5-2008, tỉnh này có 182 người nhiễm HGA và 13 người đã tử vọng. Đến nay, chỉ mới có Hà Nam và Sơn Đông là hai tỉnh có thông báo chi tiết về bệnh HGA.

Trong trao đổi với Nhật báo Trung Quốc, phát ngôn viên của WHO tại Bắc Kinh Vivian Tan cho biết bà đã yêu cầu Bộ Y tế cung cấp cho WHO chi tiết thông tin về bệnh dịch này và WHO sẵn sàng hỗ trợ kĩ thuật nếu cần thiết.

Tuy vậy, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh dịch Li Dexin cho hay các chuyên gia y tế vẫn chưa quyết định được mầm bệnh sau khi bị con bọ này cắn phải.

Hầu hết bệnh nhân sau khi bị loài côn trùng này cắn đều bị sốt cao và lượng hồng cầu trong máu giảm hẳn. Phần lớn người mắc bệnh nằm trong độ tuổi 40-70. Hiện tại thì trung tâm này đã tạm gọi tên bệnh dịch là "triệu chứng sốt- giảm tiểu cầu".

CẢNH TOÀN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Truyện tranh môi trường



TT - Đề tài “Xây dựng truyện khoa học vui nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nước trong cộng đồng” của hai học sinh Đỗ Ngọc Linh và Ma Thị Thúy Trà (lớp 12 sinh Trường THPT chuyên Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã được báo cáo trong Tuần lễ nước thế giới diễn ra tại Stockholm (Thụy Điển) đầu tháng 9 vừa qua.

Nội dung đề tài là truyện tranh khoa học đề cập câu chuyện ô nhiễm môi trường nước. Trước đó, đề tài đã đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước lần thứ 7” do Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ GD-ĐT, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cùng Đại sứ quán Thụy Điển tại VN phối hợp tổ chức.

“Mình nhận thấy hiện nay nhiều bạn trẻ thích đọc truyện tranh mang tính giải trí chứ ít đọc truyện khoa học. Mà cũng đúng do truyện khoa học vốn đã ít, cốt truyện lại khô khan. Cùng với thực trạng báo động về sự ô nhiễm nước hiện nay, mình đã nảy sinh ý tưởng tại sao không thử sáng tác một truyện khoa học sinh động để giúp bạn trẻ hiểu hơn tầm quan trọng của nguồn nước...” - Linh nhớ lại lý do chọn đề tài.

Rồi cô chia sẻ và nhận được sự ủng hộ của cô bạn thân cùng lớp Ma Thị Thúy Trà. Từ ý tưởng đó đã giúp hai bạn viết ra một câu chuyện thú vị khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường nước trong giới trẻ.

Linh và Trà xây dựng bốn nhân vật là những giọt nước đang cần sự giúp đỡ của con người thông qua cuộc đời luôn sống trong ô nhiễm. Cốt truyện nói về cuộc phiêu lưu của bốn giọt nước trong vòng tuần hoàn với những vui, buồn, tình cảm gia đình, bạn bè và trách nhiệm xã hội như những suy nghĩ của bốn bạn nhỏ trong cuộc sống.

Mở đầu truyện là hình ảnh cuộc sống tươi đẹp của bốn giọt nước, dần dần nguồn nước bị ô nhiễm đã đe dọa sự sống của bốn giọt nước. Sau đó giọt nước đã được cứu nhờ sự nghiên cứu cải thiện môi trường nước của nhóm bạn trẻ. Qua tác phẩm, kiến thức khoa học về nguồn nước được lồng ghép ngắn gọn, dễ hiểu qua hành trình của nhân vật. Câu chuyện được thể hiện dưới dạng truyện tranh. Được sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm, hai bạn trình bày truyện thành một đề tài khoa học đem đi dự thi.

Nguyễn Thị Hải Yến, lớp 12 sinh Trường THPT chuyên Thái Nguyên, nhận xét: “Mình đã biết kiến thức về môi trường qua sách vở nhưng đây là lần đầu tiên được tiếp cận kiến thức trên một cách ấn tượng”.

Cả Trà và Linh đều là học sinh vùng nông thôn tỉnh Thái Nguyên lên thành phố trọ học. Để thực hiện tốt, hai bạn phải nghiên cứu nhiều tài liệu, sách báo, Internet; khảo sát thực trạng ô nhiễm nguồn nước ở địa phương; phỏng vấn thăm dò ý kiến của nhiều đối tượng... Linh cho biết: “Trước khi sang Thụy Điển, hai đứa đã dịch truyện sang tiếng Anh. Cả hai đều ấp ủ sẽ phát triển thành truyện nhiều kỳ về nội dung bảo vệ môi trường dành cho giới trẻ”.


PHƯỚC TUẤN

Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước

Đó là tên cuộc thi được tổ chức thường niên từ năm 2003 dành cho đối tượng học sinh trên khắp cả nước. Qua bảy lần tổ chức đã có 10.349 đề án dự thi với 149 giải thưởng được trao, trong đó có bảy giải nhất đi dự thi giải thưởng quốc tế Stockholm (Thụy Điển) về nguồn nước dành cho học sinh trên toàn thế giới.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ấn Độ: Bác dự án khai thác bauxite để bảo vệ rừng



SGTT.VN -  Bộ Môi trường và rừng Ấn Độ (MEF) hôm 24.8 bác bỏ dự án mở rộng khai thác mỏ bauxite của công ty Vedanta Resources tại bang Orissa, vì mỏ này phá huỷ rừng và gây ô nhiễm môi trường.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=114163



Dự án mở rộng khai thác mỏ của Vedanta (Anh) trị giá 8 tỉ USD. Chi nhánh Vedanta Aluminium xin chính phủ bang cho khai thác mỏ bauxite tại khu đồi Niyamgiri. Dự án này bốn năm qua bị trì hoãn nhiều lần do những cộng đồng dân tộc Ấn Độ đang sống trong bang phản đối, và dấy lên những lo ngại môi trường bị huỷ hoại vì khai thác bauxite.

Hồi tháng 6.2010, MEF đã thành lập một uỷ ban nghiên cứu những ảnh hưởng của hoạt động khai thác đối với dân địa phương và môi trường tại Orissa. Sau khi điều tra, uỷ ban này đề xuất từ chối cấp phép. Uỷ ban này còn cho rằng cho phép khai mỏ theo đề xuất mà tước đi quyền lợi của hai bộ tộc đang sống trong vùng vì lợi ích của một công ty sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào luật pháp về đất đai.

Kim Dung (Theo Bloomberg)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Triệt phá đường dây buôn bán xương cao hổ



TTO - Ngày 16-9, cơ quan công an Hà Nội đã hoàn thành việc khám xét khẩn cấp nơi ở, kho hàng của các nghi phạm trong đường dây buôn bán động vật hoang dã quý hiếm bị triệt phá vào tối 15-9 và tiến hành kiểm đếm số lượng.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=448374



Theo đó, cơ quan công an xác định số tang vật thu giữ gồm 9 bộ xương hổ, trong đó có 7 bộ nguyên con, 6 xương đầu hổ, 136 bộ xương bánh chè, trong đó có 61 bộ xương bánh chè hổ (bộ phận được cho là quan trọng nhất của hổ trong việc nấu cao) và 75 bộ đang chờ giám định.

Ngoài ra còn 3 xương đầu báo hoa mai, 2 xương đầu gấu, 1 đầu gấu ngựa tiêu bản, 2 chiếc ngà voi, 325 cục cao thành phẩm, 560 túi mật, gần 100 bộ sừng hươu, linh dương, đầu bò tót... tiêu bản và hơn 730kg xương các loại như sơn dương, khỉ, báo, mèo rừng, mai rùa...

Số xương cốt này được hai vợ chồng ông trùm tàng trữ trong nhà và kho hàng.

Số tang vật thu giữ được theo thời giá trên thị trường ngầm có giá trị hàng tỉ đồng.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=448375



Trong vụ này, 7 nghi phạm trong đường dây xuyên quốc gia này bị cơ quan công an bắt khẩn cấp và tạm giữ để điều tra làm rõ.

Thượng tá Doãn Hữu Châu, Trưởng phòng cảnh sát môi trường Công an Hà Nội, cho biết để phá vụ án này, công tác trinh sát đã được đơn vị triển khai từ nhiều tháng trước. Nắm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các mắt xích trong đường dây, ngày 15-9 đơn vị đã thực hiện phá án.

Theo đó, khoảng 15g cùng ngày, tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, lực lượng cảnh sát môi trường kiểm tra một ô tô 7 chỗ, bắt quả tang Nguyễn Văn Sĩ (trú tại Gia Viễn, Ninh Bình) đang giao một bộ xương hổ nặng 18kg cho Trần Văn Như (SN 1975, trú tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Phú Thọ.

Khám xe, cơ quan công an thu giữ thêm 200 triệu đồng.

Ngay sau đó, tại khu vực đường Trần Duy Hưng, một mũi trinh sát kiểm tra một ô tô Hyundai. Trên xe có 2 người đàn ông gồm lái xe Bạch Trọng Quyền (20 tuổi) và ông Phan Lạc Hà (39 tuổi), cùng trú tại Ba Vì, Hà Nội.

Kiểm tra tại chỗ, cơ quan công an phát hiện 2 bao tải xương động vật hoang dã. Cơ quan công an xác định số xương này là xương hổ và xương sơn dương được ông Hà mua về để nấu cao có tổng trọng lượng 21kg.

Tiếp đó, 19g30 cùng ngày, tại ngã tư Vọng, Hà Nội, mũi trinh sát thứ ba bắt quả tang Ngô Xuân Hùng (55 tuổi, trú tại Gia Viễn, Ninh Bình) đang vận chuyển 1 bộ xương hổ, 2 đấu xương hổ và một đôi ngà voi.

Qua khai thác 3 nhóm trên, cơ quan công an xác định chủ hàng là hai vợ chồng Nguyễn Thế Giới (54 tuổi) và Nguyễn Thùy Dung (49 tuổi), đều trú tại 31 ngõ 30 Trương Định, Hà Nội.

Đây là những trùm buôn bán xương hổ, cao hổ lớn tại Hà Nội khoảng gần chục năm trở lại đây.

Đáng chú ý, trong nhóm các nghi phạm bị bắt có Nguyễn Xuân Hùng là anh ruột và Nguyễn Văn Sĩ là em ruột của Dung.

Lực lượng cảnh sát môi trường đã phối hợp với phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với hai vợ chồng Nguyễn Thế Giới và Nguyễn Thùy Dung từ 22g30 đến gần 4g sáng 16-9.

Cơ quan công an phải sử dụng hai xe tải để đưa toàn bộ số tang vật bị tạm giữ về trụ sở để thực hiện kiểm đếm số lượng.

Tại nơi ở của hai vợ chồng ông trùm, cơ quan công an xác định cả 4 tầng lầu đều chứa xương, cao và các loại động vật khác, trong đó khu vực tầng 4 là nơi được sử dụng để nấu cao và chế biến mật. Tại đây, cơ quan công an thu giữ gần 100 bộ sừng hươu, nai, sơn dương chất đầy tầng 1.

Bên cạnh đó còn hàng trăm bộ xương các loại, xương vụn chất đống trên các tầng nhà.

Trên tầng 3, các trinh sát thực hiện khám xét bất ngờ khi 3 chiếc tủ đứng chứa hàng trăm lạng cao thành phẩm (1 lạng/miếng).

Cơ quan công an cũng thu giữ 3 bao tải mật các loại đang được phơi, sấy khô trước khi đưa ra thị trường.

Tiến hành khám xét kho hàng của hai vợ chồng Dung - Giới tại ngõ 128C Đại La, cơ quan công an thu giữ 7 bộ xương hổ và một số sừng hươu, sơn dương được đóng sẵn trong bao.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội đang phối hợp cùng cảnh sát môi trường, khẩn trương củng cố hồ sơ, tài liệu để khởi tố vụ án về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã; đồng thời cá thể hóa hành vi của các nghi phạm, xem xét xử lý hình sự.

MINH QUANG

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2007 đến nay, các lực lượng thuộc Công an Hà Nội phát hiện, bắt giữ trên 10 vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm.

Trong đó, riêng đối với hổ có gần 10 vụ, thu giữ gần 20 cá thể hổ, trong đó có hai cá thể hổ sống (hiện được nuôi tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, Sóc Sơn, Hà Nội) và nhiều bộ xương hổ khác.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vạch trần “công nghệ” nấu cao dỏm



TT - Khám xét khẩn cấp nơi ở các nghi phạm trong đường dây buôn bán động vật hoang dã quý hiếm bị triệt phá tối 15-9, cơ quan công an thu giữ chín bộ xương hổ, trên 730kg xương các loại, hàng trăm lạng cao thành phẩm cùng nhiều sừng hươu, đầu gấu...

Cơ quan công an đã phát hiện “công nghệ” nấu cao và sản xuất mật gấu, mật bò tót “dỏm”. Bảy nghi phạm trong đường dây xuyên quốc gia này bị cơ quan công an bắt khẩn cấp và tạm giữ để điều tra làm rõ.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=448402

Đột kích đường dây buôn bán hổ, báo lớn
Thượng tá Doãn Hữu Châu, trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an Hà Nội, cho biết khoảng 15g ngày 15-9, tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, lực lượng cảnh sát môi trường kiểm tra một ôtô bảy chỗ, bắt quả tang Nguyễn Văn Sĩ (trú tại Gia Viễn, Ninh Bình) đang giao một bộ xương hổ nặng 18kg cho Trần Văn Như (35 tuổi). Khám xét trên xe, cơ quan công an thu giữ thêm 200 triệu đồng.

Ngay sau đó, tại khu vực đường Trần Duy Hưng, một mũi trinh sát kiểm tra ôtô Hyundai biển số 30Z-2850, trên xe có hai người gồm lái xe Bạch Trọng Quyền (20 tuổi) và Phan Lạc Hà (39 tuổi) cùng trú tại Ba Vì, Hà Nội. Cơ quan công an phát hiện trong xe có hai bao tải xương động vật hoang dã. Kiểm tra số xương này, cơ quan công an xác định là xương hổ và xương sơn dương được Hà mua về để nấu cao có tổng trọng lượng 21kg.

Tiếp đó, 19g30 cùng ngày tại ngã tư Vọng, Hà Nội, mũi trinh sát thứ ba bắt quả tang Nguyễn Xuân Hùng (55 tuổi, trú tại Gia Viễn, Ninh Bình) đang vận chuyển một bộ xương hổ, hai đầu xương hổ và một đôi ngà voi.

Qua khai thác cả ba nhóm người trên, cơ quan công an xác định chủ hàng là hai vợ chồng Nguyễn Thế Giới (54 tuổi) và Nguyễn Thùy Dung (49 tuổi), đều trú tại 31 ngõ 30 Trương Định, Hà Nội, là những trùm buôn bán xương hổ, cao hổ lớn tại Hà Nội từ gần chục năm trở lại đây. Trong nhóm nghi phạm bị bắt có Nguyễn Xuân Hùng là anh ruột và Nguyễn Văn Sĩ là em ruột của Dung.

Lực lượng cảnh sát môi trường đã phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với hai vợ chồng Nguyễn Thế Giới và Nguyễn Thùy Dung.

Cao hổ từ... bì lợn
Việc khám xét được tiến hành từ 22g30 ngày 15-9 đến gần 4g sáng 16-9, cơ quan công an phải sử dụng hai xe tải đưa toàn bộ số tang vật bị tạm giữ về trụ sở để thực hiện kiểm đếm số lượng.

Đặc biệt, qua khám xét nơi nấu cao, phơi sấy mật của hai vợ chồng Dung - Giới, lực lượng công an bước đầu khám phá công nghệ nấu cao chất lượng kém và sản xuất, làm giả các loại mật bò tót, mật gấu khô bán ra thị trường. Theo đó, để nấu cao hổ, các nghi phạm sử dụng xương của nhiều loại động vật nấu cùng bì lợn, trâu bò và một loại bột ướp được chế biến sẵn. Lượng xương hổ cho vào nấu rất ít, chỉ đủ cho có mùi cao hổ để lòe khách hàng.

Tương tự, đối với cao khỉ, sơn dương, hầu hết đều được nấu bằng xương trâu, bò với cách thức như trên. Chính vì vậy, giá thành mỗi lạng cao rất thấp nhưng khi bán ngang ngửa với giá thị trường ngầm nên hai vợ chồng thu lợi nhuận khủng khiếp - một trinh sát nhận định.

Để chế biến mật gấu, mật bò tót, vợ chồng Dung - Giới thu mua mật trâu, bò lợn về, sau đó hút toàn bộ dịch mật bên trong, sấy khô vỏ túi mật. Khi vỏ túi mật trâu bò khô ở mức vừa phải, họ phun lên đó một loạt dung dịch được nấu bằng bột, mật gấu hoặc bò tót tùy loại cho có mùi. Khách hàng muốn mật loại nào, to hay bé thì hai vợ chồng sẽ cho phun túi mật to, dày theo yêu cầu.

Toàn bộ số mật đã phun sẽ được phơi lên giá cho khô đều, co dẻo như mật bò tót, mật gấu xịn trước khi xuất xưởng.

MINH QUANG

Đầu mối cung cấp tại Nghệ An, Hà Tĩnh


Trong ngày 16-9, cơ quan công an đã tổ chức kiểm đếm, xác định số tang vật thu giữ gồm chín bộ xương hổ, trong đó có bảy bộ nguyên con, sáu xương đầu hổ, 136 bộ xương bánh chè, 325 cục cao thành phẩm, 560 túi mật, gần 100 bộ sừng hươu, linh dương, đầu bò tót... Số tang vật thu giữ được theo thời giá trên thị trường ngầm có giá trị hàng tỉ đồng.

Hiện cơ quan công an đang khẩn trương khai thác, truy bắt những đầu mối cung cấp số tang vật trên cho hai vợ chồng Dung - Giới. Cơ quan công an xác định hai vợ chồng đã buôn bán động vật hoang dã với mục đích nấu cao, bán mật ra thị trường từ gần chục năm nay. Nguồn hàng chính được cung cấp chủ yếu từ địa bàn các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sao không là cảnh sát bảo vệ rừng?



Trong số các chuyên gia nước ngoài có mặt tại buổi thảo luận vào chiều 9.9.2010 vừa qua về các giả thiết dẫn đến cái chết của tê giác Java Việt Nam tại rừng Cát Lộc  (Lâm Đồng) hồi cuối tháng 4.2010, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đặc biệt chú ý đến Ed Newcomer. Người đàn ông này là nhân viên cảnh sát bảo vệ các loài thú hoang dã tại Mỹ.

Chỉ với vài nét phác thảo, Ed Newcomer đã dựng lại hiện trường một cách rõ ràng và dễ hiểu cho những người có mặt. Ed cũng đưa ra các lập luận logic và phân tích về khả năng tê giác không bị chết ngay do trúng đạn một cách thuyết phục, dù trước đó ông ta chưa có buổi làm việc chính thức nào với lực lượng điều tra vụ việc của Công an tỉnh Lâm Đồng. Để có được những phân tích và trình bày khoa học đó, theo lời những cộng sự, Ed đã xem xét kỹ hiện trường nơi tê giác chết và nghiên cứu dữ liệu do Kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên cung cấp.

Trao đổi ngắn với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, Ed Newcomer tỏ ra ngạc nhiên khi biết Kiểm lâm Việt Nam thường bị lâm tặc tấn công. Không có ý định bình luận về cách thức bảo vệ rừng và thú quý hiếm tại Việt Nam hiện nay, vì theo ông, mỗi quốc gia có một cách thức và cơ chế riêng, nhưng Ed Newcomer cho biết ở Mỹ, khó xảy ra chuyện lâm tặc tấn công người thi hành công vụ vì cảnh sát bảo vệ động vật hoang dã của Mỹ được phép bắn kẻ tình nghi ngay khi người này vừa có dấu hiệu bỏ chạy sau lệnh của cảnh sát. Ed Newcomer còn cho biết thêm nếu cảnh sát bảo vệ động vật hoang dã phát hiện có kẻ săn thú, xẻ gỗ đem ra khỏi rừng và gọi điện thì ngay lập tức cảnh sát địa phương sẽ có mặt để phối hợp bắt giữ.

Câu chuyện của Ed Newcomer khiến người nghe nhớ đến lần trao đổi với ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên. Lần đó, ông Thành đã bức xúc chỉ ra sự chồng chéo trong cơ chế quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã: “Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý rừng, biển. Bộ Tài nguyên và môi trường quản lý môi trường và đa dạng sinh học. Rừng có cả hai yếu tố ấy nên rốt cuộc, ai sẽ quản lý rừng và khi xảy ra sự cố, quy trách nhiệm cho ai?” Ông Thành cũng từng than thở: “Ở Việt Nam, lâm tặc không sợ kiểm lâm”. Trên thực tế, không ít lần ông và các kiểm lâm đã phải bỏ chạy vì bị lâm tặc tấn công bằng hung khí. Từ năm 2008, theo lời ông Thành, ông đã mời viện Kiểm sát, Công an, Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cùng thảo luận và gửi kiến nghị về tăng thêm quyền hạn xử lý cho lực lượng kiểm lâm lên bộ Công an, bộ Tư pháp, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhưng đến nay, ông Thành vẫn chỉ nhận được sự im lặng!

Ngày 15.7.2010 vừa qua, tại cuộc họp báo sáu tháng đầu năm của Đồng Nai, thiếu tướng Trần Văn Khánh, giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, khi được hỏi về việc vì sao các quán bán thịt thú rừng đặc sản tồn tại công khai ngay cạnh vùng rừng đệm vườn quốc gia Cát Tiên, đã cho biết ông không nhận được danh sách các quán chuyên bán thịt rừng đặc sản hay địa điểm buôn bán động vật hoang dã, thú quý hiếm nào tại Đồng Nai! Trong thực tế, danh sách này đã được Kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên gửi đến công an các huyện thuộc địa phận vườn quốc gia nhưng tình trạng buôn bán động vật hoang dã, thú quý hiếm vẫn không giảm.

Từ vụ tê giác Java Việt Nam ở vườn quốc gia Cát Tiên chết đến sự có mặt của các chuyên gia bảo vệ rừng, bảo vệ thú hoang dã nước ngoài tại Việt Nam nhằm điều tra, nghiên cứu, đánh giá sự kiện này của họ, có lẽ Việt Nam phải có cái nhìn và cách làm khác trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ thú quý hiếm, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ kiểm lâm và cơ chế, quyền hạn hoạt động cũng như các chính sách cần thiết cho lực lượng này. Việt Nam đã thành lập lực lượng cảnh sát môi trường trước tình trạng môi trường Việt Nam ngày càng bị xâm hại nặng nề. Vậy có nên có lực lượng cảnh sát bảo vệ rừng? Sự thay đổi trong cách thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, thú quý hiếm – dù là theo cách nào – thì nhất thiết vẫn nên được xem xét và luật hoá dựa trên cơ sở các kiến nghị của những người trong cuộc và tham khảo cách làm hay, làm tốt của những quốc gia khác. Nếu không, rừng Việt Nam và các loại thú quý hiếm e sẽ không tồn tại lâu nữa…

MAI QUỐC ẤN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Làng Tre Việt Nam nhận giải của UNDP



TTO - Dự án phát triển cộng đồng và bảo tồn tre, thường được gọi là Làng Tre Phú An ở huyện Bến Cát, Bình Dương, vừa được trao Giải thưởng Xích đạo (Equator Prize) tại phiên họp về đa dạng sinh học trong khuôn khổ cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc 2010 ở New York vào sáng hôm nay (5g00 - 8g30 giờ Việt Nam).

Làng Tre Phú An là một trong 25 dự án đã vượt qua vòng tuyển chọn của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) từ hơn 300 dự án tham dự ban đầu trên khắp thế giới, được vinh danh tại lễ trao giải lần này nhằm ghi nhận những nỗ lực của họ trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Ngoài việc được vinh danh trên thế giới, 25 dự án đoạt giải sẽ được UNDP tham vấn trong việc hoạch định các chính sách toàn cầu sắp tới về phát triển cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học. Tại buổi lễ, LHQ cũng đã công bố 5 dự án nhận giải đặc biệt trong số 25 dự án đoạt giải. Mỗi giải đặc biệt được nhận khoản tiền thưởng 20.000 USD và 20 giải còn lại mỗi giải 5.000 USD. Năm giải đặc biệt thuộc những dự án ở Cam-pu-chia, Madagascar, Ecuador, Bolivia, và Senegal.

Sáng sớm ngày mai (thứ tư giờ Việt Nam), tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, người sáng lập Làng Tre Việt Nam, được chọn đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng với hai đại diện khác từ châu Phi và Mỹ Latin sẽ đọc Bản tuyên ngôn về bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng 2010 tại buổi lễ ở New York.

Liên lạc với Tuổi Trẻ trong thời gian qua, bà Mỹ Hạnh cho biết bà đã phải làm việc cật lực trong hơn một tháng vừa rồi để chuẩn bị báo cáo đề tài tại buổi lễ, và đặc biệt là hoàn thành ba báo cáo cho những dự án nghiên cứu khác của Làng Tre để xin tài trợ trong năm tới.

Nghiệm lại hơn 10 năm xây dựng với không ít thất bại và cả thành công, bà Hạnh cho biết bà đã rút ra được nhiều kinh nghiệm cho các dự án cộng đồng sắp tới và “sẽ vẫn tiếp tục làm việc vì bây giờ người dân đã hiểu nhiều hơn. Và đó là điều chị thấy thành công và tiếp tục làm” - bà Hạnh khẳng định.

Làng Tre Phú An tọa lạc trên 10ha, được thành lập năm 1999 với sự hợp tác giữa 4 đơn vị là tỉnh Bình Dương, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, vùng Rhône Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat - cộng hòa Pháp. Đây là nơi hiện đang lưu giữ hơn 300 loài tre khác nhau.

Giải thưởng Xích đạo (Equator Prize) được trao hai năm một lần kể từ năm 2002 là một phần trong chương trình Mục tiêu Phát triển Thiên niên Kỷ (MDG) của Liên Hợp Quốc nhằm thực hiện chủ trương toàn cầu về sự phát triển bền vững.

Đến nay, đã có tổng cộng 103 dự án thuộc khu vực châu Á, châu Phi và Thái Bình Dương, Mỹ Latin và vùng Caribe được trao Giải thưởng Xích đạo, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái phục vụ cho mục tiêu phát triển cộng đồng.

MINH PHÁT - THANH LIÊM
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Truy sát voọc ngũ sắc



SGTT.VN - Rừng vắng. Bầy voọc ung dung bứt lá ăn, những tiếng “khọt khọt” tựa như lời trò chuyện của chúng âm vang trên tán cây rậm. Bỗng đâu từ bên dưới vang lên những âm thanh “bụp, bụp” khô khốc, lạnh lùng. Một, hai rồi ba con voọc trong bầy buông tay rơi xuống đất. Những con còn lại khiếp vía trước tai hoạ, cùng phi thân trên tán cây thoát nạn.

Có lẽ cho đến phút bị bắn hạ, loài linh trưởng chuyên sống trên ngọn cây, có năm sắc lông rực rỡ và chiếc đuôi dài bằng cả thân hình này còn mang theo nỗi buồn về sự tan tác bầy đàn của giống nòi mình trước nạn săn giết của con người...

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=115244
Bị thợ săn lùng đuổi, con voọc ngũ sắc này đã rơi xuống đất rồi lại mắc vào bẫy dây, bị cư dân Ca-dong ở thôn 4 xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My bắt được hồi cuối năm 2008. Một người miền xuôi đã mua con voọc ngất ngư này để nấu cao. (Ảnh: P.P.)



Tan tác bầy đàn
Trong ngôi nhà nằm sát chân núi Dương Ngang ở làng Trà Sung, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh, 60 tuổi, không giấu được nỗi buồn khi kể về đàn voọc ở rừng quê mình. Cũng như những cư dân ở các vùng rừng có đàn voọc sinh sống thuộc các huyện khác của Quảng Nam, ông Thanh cho rằng những đàn voọc hiện còn lại rất ít do chúng bị săn giết liên tục. “Con voọc đẹp, lại không hề làm hại hoa màu như con khỉ nên thấy ai bắn giết nó dân mình ghét lắm...”, ông Thanh nói.

Nhưng thợ săn đã nã đạn không thương tiếc vào loài voọc. Ông Thanh nói chỉ cách đây chừng nửa tháng, trong lúc chăm rẫy nơi chân núi, ông nghe có tiếng chó săn đánh inh ỏi trên đỉnh Dương Ngang. Theo các cư dân Cor ở làng Trà Sung, những kẻ săn bắn hai bầy voọc ở núi Dương Ngang, Dương Bà Dụ đều là người ở Tam Lãnh. Họ lùa chó săn vào núi lùng tìm thú rừng, khi phát hiện có đàn voọc ẩn náu trên tán cây (vì loài voọc rất sợ tiếng chó săn), họ dùng súng săn nhắm hạ từng con một. Hồi cuối năm 2009, ông P.N.A. ở thôn 6 xã Tam Lãnh đã bắn hạ cùng lúc hai con voọc lớn ở Dương Bà Dụ. “Thấy ông P.N.A. vác xác con voọc ra bà con tui thương quá. Ba toán thợ săn ở đây cứ thay nhau vô rừng, hai đàn voọc ở núi này rồi cũng đến ngày tiệt nòi thôi...”, một cư dân làng Trà Sung nói bên cửa rừng.

Anh Phạm Văn Phương, một cư dân Cor ở thôn 5A xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, cũng xa xót cho đàn voọc ở rừng núi quê anh: “Trước đây đông lúc nhúc nay chỉ còn ba – bốn con”. Bị săn đuổi dồn dập, nhiều con voọc bị lạc bầy, rơi xuống đất rồi vĩnh viễn xa rừng. “Năm ngoái, người ở thôn 4 bắt được một con voọc sa bẫy. Còn ông Tâm ở thôn 2B cũng bắt được một con đi lạc xuống làng, bị chó đuổi...”, ông Trần Huy Lập, một cựu chiến binh ở xã Trà Kót cho biết.

Xẻ thịt nấu xương
Trong vai người mua cao voọc, chúng tôi tìm đến nhà bà V.T.H. (79 tuổi), sát bên tỉnh lộ 616 ở làng Dương Thạnh, xã Trà Dương – cách trạm kiểm lâm Trà Dương (huyện Bắc Trà My) chừng một cây số. Bà V.T.H. kể chuyện nấu cất loại cao mới được đồn thổi là phương thuốc hay này: “Tui bớt bệnh nhức mỏi cũng là nhờ uống cao voọc do đám con tui nấu từ bốn năm năm nay đó. Cách đây non một tháng, năm đứa con của tui săn được một lúc bảy con voọc ở rừng Trà Nú, nấu mười ngày ra được năm ký cao. Chia ra cho bảy người đi săn, cao có ít mà người hỏi mua thì nhiều, nhà tui chừ chỉ còn được một lạng, bán giá 250.000đ/lạng...”

Không một y văn nào nói về việc nấu cất cũng như tác dụng của cao voọc, chỉ từ ý đồ muốn kiếm tiền từ loài khỉ có bộ lông năm màu vốn có không nhiều ở rừng, những người thợ săn đã nghĩ ra việc nấu cao và tung tin đồn thổi về tác dụng chữa bệnh của loài voọc để kiếm tiền. Người con dâu út của bà V.T.H. kể rằng để có voọc nấu cao bán theo nhu cầu ngày càng tăng, mỗi chuyến đi săn chồng chị và người trong toán luôn dành ra những ngày cuối chuyến để săn bắn voọc. “Voọc ở vùng Trà Nú, Trà Kót đã cạn. Nghe đâu chuyến này mấy ảnh đang săn ở rừng Quế Sơn. Được các loại thú khác thì bán tại chỗ cho chủ buôn, còn voọc thì mấy ảnh cạo lông, mổ ruột, mang tươi về để nấu cao, nấu toàn tính, nấu cả thịt cả xương...”, người con dâu út của bà V.T.H. kể chi tiết.

“Dạo này sao có nhiều người tìm đến đây mua cao voọc quá. Cứ kiểu này thì không bao lâu loài voọc sẽ tiệt nòi thôi”, một cư dân ở làng Dương Thạnh nói.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=115245



Khó biết đích xác từ khi nào người đi săn đã nhắm bắn voọc để lấy thịt bán làm món đặc sản ở các nhà hàng, tửu quán. Hồ Văn Sâm, một thợ săn trẻ người Bh’noong ở xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn), đã giải nghệ, kể năm 2005 khi theo dân làng đi săn ở vùng suối Xà Man – thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, anh ta đã gặp đàn voọc đông “như là đại hội voọc” với cả trăm con. Tại đây, Sâm đã gặp nhiều toán thợ săn người Thừa Thiên – Huế, người Khánh Hoà, Phú Yên. Tất cả cùng đóng trại tại rừng, săn bẫy, bắn giết đủ loại thú rừng, nhưng “đáng nhớ là chuyện bắn con voọc”. “Hồi đó vào tầm tháng 7, chắc là mùa sinh sản của loài voọc, trong số năm con voọc bị toán của tui bắn hạ, ngoài hai voọc đực, cả ba con cái đều đang có chửa khoảng 5 – 6 tháng. Voọc nhiều, có toán bắn một ngày được cả mười con....”, Sâm kể lại. Theo lời Sâm, theo đặt hàng của các vựa buôn thú rừng, voọc săn được thảy đều được mổ thịt để sấy khô qua than củi. Chiếc đuôi dài của voọc luôn được sấy bán kèm theo để chủ mua phân biệt khô voọc với khô khỉ.

Một số cư dân vùng sơn cước kể những năm lại đây việc ăn thịt khỉ, thịt voọc đã dần thịnh hành so với thời chúng bị nhờm tởm vì có vị tanh, hôi, lại trông chúng dễ ghê khiếp vì có hình dạng giống con người. Từ xu hướng thích tìm ăn những con vật lạ, hiếm, ngay cả những người đi săn nghiệp dư cũng cố tìm bắn voọc để có thịt ăn nhậu dù thực chất thịt voọc không ngon và cũng chẳng bổ dưỡng gì. “Thời chiến tranh do bí cái ăn quá nên tụi tui mới phải hạ voọc để “cải thiện”. Thịt voọc hôi, tanh, chỗ đất mổ thịt con voọc hai ba ngày sau vẫn còn mùi”, ông Thanh kể.

Thương cho loài voọc! – tiếng nói của những cư dân nơi giang sơn của loài voọc giờ đây như lạc lõng giữa cơn sốt săn giết thú rừng cho thú ẩm thực, cho việc chế biến những phương dược được đồn thổi về tác dụng vô căn cứ của nhiều người.

HUỲNH VĂN MỸ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thả 50.000 con cá hô về sông Mekong



SGTT.VN - Trung tâm quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ tại xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã phối hợp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thả 50.000 con cá hô giống xuống sông Tiền, một chi lưu của dòng Mekong.

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=116272



Số lượng cá giống này do trung tâm ương ép theo phương pháp sinh sản nhân tạo. Mục đích chính của việc thả cá hô con về dòng Mekong là để duy trì loài thuỷ sản quý có tên trong Sách đỏ. Tiến sĩ Phạm Văn Khánh, giám đốc trung tâm cho biết: năm 2005, trung tâm đã nghiên cứu thành công quy trình cho cá hô sinh sản nhân tạo. Từ năm 2008, trung tâm đã cung cấp mỗi năm khoảng 200.000 con cá giống cho các hộ nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ nuôi cá thương phẩm với giá từ 3.500 – 10.000 đồng/con.

Tin, ảnh: MỸ AN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối