Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cánh đồng bất tận “lấy nước mắt” Busan



TT - Chiều 14-10, Cánh đồng bất tận chiếu suất cuối cùng tại Busan trước khi Liên hoan phim quốc tế Busan (ngày 7 đến 15-10) tại thành phố cảng lớn nhất Hàn Quốc khép lại sau chín ngày rộn rã.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=454898
Đỗ Hải Yến - cô Sương của Cánh đồng bất tận trong buổi giao lưu với khán giả Hàn Quốc - (Ảnh: BHD)




Theo thông báo của ban tổ chức liên hoan phim đến Công ty BHD, một tuần trước khi Cánh đồng bất tận  (Floating lives) được công chiếu lần đầu, vé của cả ba suất chiếu tại Busan (mỗi suất chiếu khoảng 800 ghế cho hai rạp) đã được bán hết. Có du học sinh VN tại Busan phải xoay xở mãi để kiếm được vé vào xem phim ở suất chiếu thứ nhì ngày 11-10. Ngay cả các thành viên trong đoàn - có mặt để giao lưu với khán giả sau buổi chiếu - cũng phải tách ra hai rạp khác nhau để có ghế ngồi.

Một cách kể dịu dàng
Bên cạnh việc “thừa hưởng” một cốt truyện từng khuấy động lòng người đọc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, điểm tựa chắc chắn của bộ phim là một kịch bản chắc tay, nhiều chi tiết được nhà biên kịch Ngụy Ngữ chuyển hóa từ ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ điện ảnh một cách nhuần nhuyễn, tinh tế.

Từ điểm tựa đó, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã đẩy được câu chuyện đi vào trái tim và cảm xúc của khán giả - về sự đổ vỡ của gia đình, sự nhọc nhằn để sinh tồn, nhưng trên hết là sự tìm kiếm và lòng khao khát được yêu thương ở mỗi phận người - câu chuyện không còn của riêng bối cảnh nào.

Phải hiểu và thương câu chuyện của Cánh đồng bất tận lắm mới có thể tự tin kể câu chuyện này bằng hình ảnh. Phong thái bình tĩnh, nhỏ nhẹ của vị đạo diễn trẻ đã mang lại cho câu chuyện có phần khốc liệt một cách kể dịu dàng, như cái cách Ngọc Tư để nhân vật Nương cất giọng bình thản giữa sông nước mênh mang.

Dàn diễn viên trong phim diễn khá tròn vai. Nét mặt thuần hậu mang nét bình thản của Lan Ngọc (vai Nương) và đôi mắt trong cương nghị cứ ngân ngấn nước làm người xem cảm được sự mạnh mẽ cũng như nỗi đau kìm nén của Nương.

Thoại cũng như độc thoại nội tâm của phim không nhiều, nhưng mỗi lần cái giọng có nước mắt bên trong của Nương cất lên, về những cánh đồng chị em cô đặt tên, về việc cô đọc lời cha mình qua tiếng đằng hắng, về Điền (Võ Thanh Hòa) như một người che chở, người bạn duy nhất... là mỗi lần người xem không kìm được nước mắt.

Hải Yến (Sương) tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh khi hóa thân vào một vai diễn mà không ít người hoài nghi không hợp vai. Nhưng Yến - với cái nhếch môi bất cần, cái cười bẽ bàng, cay đắng, đôi mắt đong đưa mà đầy yêu thương, bảo bọc - đã mang lại cho Sương của Cánh đồng bất tận một hình dung đậm nét hơn so với nhân vật trong truyện. Đất diễn cho Yến khiến cô cũng có phần át đi các vai khác.

Đảm nhận vai khó nhất trong phim - ông Võ, người chồng bị phản bội mà trút nỗi thù hận lên hai con và những người đàn bà khác, Dustin Nguyễn cũng đã có thêm một vai diễn mang một số phận khác biệt đáng nhớ cho mình. Xuất hiện vài cảnh trong phim, Mỹ Uyên với vai người vợ bị chồng bỏ và Tăng Thanh Hà với vai người vợ bỏ chồng cũng đều là những lựa chọn phù hợp.

Âm nhạc là một điểm cộng làm khán giả thêm xốn xang với Cánh đồng bất tận. Tiếng đàn bầu khắc khoải, cô độc như nỗi buồn đến chẳng buồn hơn được nữa của những phận đời nổi trôi. Ngay từ khi phim chưa ra mắt, có khán giả mở đi mở lại trailer (đoạn phim quảng cáo) để chỉ nghe tiếng đàn bầu qua bản soạn này của nhạc sĩ Quốc Trung. Nếu kể những điểm nhấn không thể quên của bộ phim này, người ta khó mà quên âm nhạc.

Một vài chi tiết được thêm vào và cái kết phim cũng sẽ là một bất ngờ với những độc giả đã đọc Cánh đồng bất tận, cái kết tuy không ám ảnh như truyện nhưng là sự ấm áp cần thiết. Một lối thoát được mở ra, vậy mà không khí chung của cả bộ phim cũng đủ để người xem còn mãi bần thần, khi lời của Nương vang lên giữa cánh đồng: Là trẻ con, đôi khi phải biết tha thứ lỗi lầm của người lớn.

Diễn viên và khán giả đều khóc
Cánh đồng bất tận quả là có “cơ duyên” với người Hàn Quốc, khi truyện ngắn này của Nguyễn Ngọc Tư từng được xuất bản bằng tiếng Hàn năm 2007. Nay số đông độc giả Hàn Quốc lại chính là những khán giả đầu tiên được xem phim này, trước cả khán giả VN. Hai khán phòng gần 800 người hôm 10 và 11-10 tại rạp Lotte lặng ngắt sau khi tiếng đàn cuối cùng dứt hẳn. Nghe rõ nhiều tiếng sụt sịt trước khi tràng pháo tay vang lên.

Lần đầu tiên xem phim mình đóng, Hải Yến liên tục đưa tay lau nước mắt. Khi hai đứa bé Nương và Điền nhìn cảnh nhà bị cha đốt cháy và ôm nhau khóc trong câm lặng, Tăng Thanh Hà cũng rơi nước mắt nhưng cô bảo “không dám lau luôn vì mắc cỡ”. Còn Dustin đã từng xem phim trước nên lần này “rút kinh nghiệm”, anh cố không nhìn lên màn hình những đoạn xúc động - như đoạn cô Sương cắm cúi đi khỏi đời sống của cha con ông Võ.

Đoàn làm phim có mặt ở buổi công chiếu gồm đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, các diễn viên Dustin Nguyễn, Đỗ Thị Hải Yến, Tăng Thanh Hà. Cuộc giao lưu với đông đảo khán giả Hàn Quốc và các nước kéo dài khoảng một giờ với rất nhiều câu hỏi, từ chuyện âm nhạc trong phim đến những vất vả của đoàn khi thực hiện phim trong bối cảnh miền sông nước muỗi mòng. Cũng như với các đoàn làm phim khác, khán giả Hàn Quốc sau đó vây lấy đoàn để xin chữ ký và chụp ảnh.

Có xem những phim khác cùng tranh giải New Currents, mới thấy Cánh đồng bất tận là một trong các phim gây xúc động nhất và được đón nhận nồng nhiệt nhất.

KHẢ LINH (từ Busan)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Nhìn lên thì chẳng bằng ai
Nhìn xuống cũng vẫn có người kém ta.
Ra nghĩa địa thấy nhiều ma
Về đình cũng thấy vài ba người hiền.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nobel Văn chương 2010: Cây bút phản kháng quyền lực



SGTT.VN - Hội đồng Nobel Thụy Điển sáng 7.10 đã công bố trao giải thưởng cho nhà văn Peru, ông Mario Vargas Llosa vì đã có những tác phẩm “vạch rõ các cấu trúc quyền lực và nêu cao những hình ảnh mạnh mẽ về sự kháng cự, nổi dậy, cũng như thất bại của con người”.

Giải Nobel Văn chương trong những năm gần đây bị chỉ trích là thiên vị châu Âu. Từ 2004 đến 2009, năm nhà văn châu Âu và một nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đã được trao giải Nobel, chủ yếu là tiểu thuyết gia, ngoại trừ Harold Pinter nhận giải , Nobel 2005, là kịch tác gia. Cũng không hề có nhà thơ nào được giải Nobel kể từ giải Nobel 1996 trao cho nữ thi hào Ba Lan Wislawa Szymborska.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=118299[/align]


Từ Cervantes đến Nobel
Ông Vargas Llosa, 74 tuổi, là tiểu thuyết gia quan trọng nhất của nền văn học Mỹ La-tinh, nổi danh từ những năm 1960. Kể từ khi nhà văn Gabriel Garcia Marquez của Colombia được giải Nobel năm 1982, đến nay sau 28 năm Nobel Văn học mới quay lại khu vực châu Mỹ La-tinh với tên tuổi của Vargas Llosa.

Viết sung sức và viết được nhiều thể loại, Vargas Llosa bộc lộ những cảm nhận sắc sảo về xã hội Peru. Từ những trải nghiệm cá nhân, các tác phẩm của ông dần dần mở rộng chủ đề ra tầm thế giới. Phong cách của Vargas Llosa theo thời gian cũng thay đổi dần từ chủ nghĩa hiện đại sang hậu hiện đại với 30 tiểu thuyết, kịch sân khấu, và tập bút ký.

Hội đồng Nobel đã quyết định trao giải Nobel 2010 cho Vargas Llosa vì tài ba khắc họa sắc sảo “vạch rõ các cấu trúc quyền lực và nêu cao những hình ảnh mạnh mẽ về sự kháng cự, nổi dậy, cũng như thất bại của con người”. Năm 1995, Vargas Llosa đã được trao giải Cervantes, giải văn chương danh giá nhất dành cho các tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha.

Khi Vargas Llosa ra tranh cử tổng thống ở Peru năm 1990, nhiều người hâm mộ văn chương của ông đã cầu mong ông thất bại. Về việc này, nhà văn Cuba, Guillermo Cabrera Infante nhận xét: “Cái được mơ hồ của Peru sẽ là cái mất thật sự của văn chương. Văn chương mới là vĩnh cửu, còn chính trị chỉ là lịch sử.” Vargas Llosa đã không đắc cử và nhận ra: “Tôi đã biết được nhiều điều về Peru, về chính trị và về bản thân mình. Tôi đã biết tôi không phải là chính khách mà là nhà văn.” Sau thất bại chính trị này, ông rời Peru và nhập quốc tịch Tây Ban Nha, chuyên tâm viết văn và là giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học Âu-Mỹ. Những tác phẩm của Vargas Llosa xuất bản gần đây nhất là một tiểu thuyết năm 2006 và một bút ký văn học năm 2009.  

Từ học viện ra nhà thổ
Giống như nhiều nhà văn Nobel khác, Vargas Llosa đã viết những tác phẩm không được lòng chính quyền. Tiểu thuyết đầu tay của ông, La ciudad y los perros (Thành phố và con chó) lấy bối cảnh một học viện quân sự và cốt truyện dựa theo trải nghiệm của tác giả khi bị cha bắt vào Học viện Quân sự Leoncio Prado ở Lima (Peru) để khỏi theo nghiệp văn. Tác phẩm ngay lập tức được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Kỹ thuật miêu tả sinh động và bút pháp tinh tế đã mang lại một giải thưởng văn học cho Vargas Llosa, nhưng nội dung chỉ trích gay gắt cơ chế quân đội Peru của tiểu thuyết lại gây nhiều tranh cãi. Một số tướng lĩnh Peru công kích tiểu thuyết này, cho rằng đó là tác phẩm của một “đầu óc suy đồi” và bôi nhọ hình ảnh quân đội. Khi được dịch ra tiếng Anh năm 1966 tiểu thuyết này đã đưa tên tuổi Vargas Llosa ra toàn thế giới.

Năm 1965, với tiểu thuyết La casa verde (Ngôi nhà xanh) Vargas Llosa khẳng định tầm vóc lớn lao của mình trên văn đàn Mỹ La-tinh. Nội dung tiểu thuyết là câu chuyện về nhà thổ mang tên La casa verde và sự hiện diện gần như thần thoại của nó tác động đến cuộc đời của mọi nhân vật. Trong đó, nhân vật chính là một cô gái chuẩn bị thành nữ tu lại biến thành cô gái thanh lâu danh tiếng nhất ở đây. Được dịchra tiếng Anh năm 1968, tiểu thuyết này đoạt được nhiều giải thưởng văn học đến mức giới phê bình đánh giá đây là tác phẩm quan trọng và tài tình nhất của Vargas Llosa.

Cấu trúc quyền lực
Tiểu thuyết thứ ba của Vargas Llosa là Conversación en la catedral (Đối thoại trong giáo đường) xuất bản khi ông mới 33 tuổi và được dịch sang tiếng Anh năm 1975. “Thánh đường” ở đây lại là biệt danh của một quán bar nằm cạnh một trại nuôi súc vật vô thừa nhận, nơi hai nhân vật chính tình cờ gặp nhau. Zavala là con trai một bộ trưởng và Ambrosio là tài xế riêng của vị quan chức này. Qua câu chuyện trong quán bar, Zavala tìm kiếm sự thật về vai trò của cha mình trong vụ sát hại một tay mafia khét tiếng và hiểu được cách thức hoạt động của chế độ độc tài ở Peru. Nhưng Zavata bế tắc, không tìm thấy câu trả lời, và không tìm ra dấu hiệu nào của một tương lai tốt đẹp hơn. Chủ đề tuyệt vọng ray rứt đã khiến tiểu thuyết này trở thành tác phẩm cay đắng nhất của Vargas Llosa.

La guerra del fin del mundo (Cuộc chiến nơi tận cùng thế giới) xuất bản năm 1981 và được dịch ra tiếng Anh năm 1984. Đây là tác phẩm lớn thứ tư của Vargas Llosa, và là một tiểu thuyết lịch sử dựa theo sự kiện có thật ở Brasil vào thế kỷ 19, khi một giáo phái có vũ trang chống cự với quân đội suốt nhiều tháng liền. Vargas Llosa mượn lịch sử để thăm dò thiên hướng lý tưởng hóa bạo lực của con người và đưa ra lý giải của mình về những tai họa do sự cuồng tín. Tuy không được độc giả đón nhận nồng nhiệt như các tiểu thuyết trước, tác phẩm này vẫn được giới phê bình đánh giá cao, và chính Vargas Llosa cũng xem đó là tác phẩm đắc ý của mình.

TRẦN ĐỨC TÀI

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU CỦA VARGAS LLOSA


1963: La ciudad y los perros (Thành phố và con chó), tựa tiếng Anh The Time of the Hero (Thời của anh hùng).

1965: La casa verde (Ngôi nhà xanh), tựa tiếng Anh The Green House.

1969: Conversación en la catedral (Đối thoại trong giáo đường), tựa tiếng Anh Conversation in the Cathedral.

1981: La guerra del fin del mundo (Cuộc chiến nơi tận cùng thế giới), tựa tiếng Anh The War of the End of the World.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần I:

Việt Nam giành hai giải



Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất đã bế mạc tối 21-10 tại Hà Nội cùng với màn trao giải cho các phim xuất sắc nhất. Điện ảnh Việt Nam đã rất xuất sắc giành được 2 trong số 6 giải thưởng quan trọng nhất của Liên hoan phim: giải thưởng dành cho phim tài liệu - phim ngắn xuất sắc nhất và giải dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=457450
Phim tài liệu “Luôn ở bên con” của Minh Hải được trao giải xuất sắc dành cho hạng mục “Phim tài liệu - phim ngắn xuất sắc nhất” - (Ảnh: vniff.com)



Phát biểu tại lễ trao giải, Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh, Trưởng ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất khẳng định liên hoan đã thành công.

Đây là lần đầu Việt Nam tổ chức Liên hoan phim quốc tế nhưng đã thu hút được đông đảo các nhà làm phim, diễn viên, đạo diễn quốc tế cùng tham dự. Bên cạnh các phim nhựa, phim tài liệu, phim ngắn dự thi, khán giả Việt Nam còn được thưởng thức nhiều tác phẩm điện ảnh đặc sắc của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Với những người làm điện ảnh Việt Nam, đây là cuộc giao lưu bổ ích, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay. Các cuộc hội thảo, tọa đàm đã mở ra mối quan hệ mới giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Các cuộc giao lưu của nghệ sỹ với người hâm mộ đã tạo không khí vui vẻ nhưng không kém phần trang trọng chỉ có được ở các Liên hoan phim quốc tế, góp phần đưa điện ảnh gắn bó hơn với cuộc sống, với người yêu thích điện ảnh.

Các phim chiếu tại 3 rạp đã thu hút đông đảo khán giả Việt Nam tới rạp thưởng thức, toàn bộ tiền bán vé là hơn 150 triệu đã được dành tặng cho đồng bào miền Trung bị thiệt hại do thiên tai thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phần quan trọng nhất trong lễ bế mạc là trao giải thưởng cho các tác phẩm, diễn viên, đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim quốc tế lần thứ nhất với 8 hạng mục giải thưởng.

Tác giả trẻ Nguyễn Thị Minh Hải của nước chủ nhà Việt Nam là người đầu tiên giành giải thưởng của Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất. Phim tài liệu Luôn ở bên con của Minh Hải được trao giải xuất sắc dành cho hạng mục “Phim tài liệu - phim ngắn xuất sắc nhất”.

Đây là bộ phim đầu tay của Minh Hải. Phim kể về cuộc đấu tranh giành giật sự sống của hai mẹ con bé Phương, một em bé bị ung thư máu khi mới 3 tuổi, điều trị suốt 4 năm tại khoa Ung bướu bệnh viện Nhi Trung ương…

Nam diễn viên Ah Nin của Malaysia đã giành giải thưởng “Nam diễn viên xuất sắc” với vai diễn trong phim Kem Kacang và tình yêu trẻ con.

Nữ diễn viên Fiona Sit của Hồng Kông đóng vai chính trong phim “Câu lạc bộ chia tay” đã giành giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”. Nữ diễn viên của Việt Nam là Nhật Kim Anh vai ca nữ Cầm trong Long thành cầm giả ca cũng giành được giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất”.

Giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc nhất” được trao cho đạo diễn trẻ của Singapore là Boo Junfeng, đạo diễn phim Lâu đài cát. Đây cũng là phim truyện nhựa đầu tay của đạo diễn trẻ này tham gia Liên hoan phim quốc tế Việt Nam.

Lâu đài cát của Singapore cũng đã xuất sắc vượt qua 9 bộ phim khác để giành giải thưởng danh giá nhất của Liên hoan là giải “Phim truyện nhựa xuất sắc nhất”.

Đạo diễn Phillip Noyce ,Trưởng ban Giám khảo phim truyện của Liên hoan cho biết: Tất cả các bộ phim dự thi đều có bản sắc riêng và nhiều phim nói về lịch sử của nước mình, đều rất hay, có chất lượng tốt.

Ban giám khảo đã làm việc rất nghiêm túc. Việc chấm giải rất bí mật và chính xác để lựa chọn ra bộ phim xuất sắc nhất của Liên hoan đó là phim Lâu đài cát của một đạo diễn trẻ người Singapore.

Về phim 2 bộ phim Việt Nam tham dự liên hoan, ông Phillip Noyce nhận định: Hai phim đều có đề tài lịch sử trong đó một phim về chiến tranh, một phim cổ trang, rất khó so sánh với 8 bộ phim khác bởi đó là những bộ phim về cuộc sống đương đại. Công bằng mà nói thì chất lượng của phim Việt Nam tham dự liên hoan ngang vai với các phim khác. Phim Cánh đồng bất tận không dự tranh giải của Liên hoan nhưng đây thực sự là một phim có chất lượng tốt và không thua kém gì những bộ phim tham dự tranh giải phim truyện nhựa lần này. Việt Nam có quyền tự hào về nhưng tác phẩm điện ảnh của mình.

TTXVN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mặt hồ còn lại



SGTT.VN - Từng tham gia chiến trường ác liệt, học giỏi và dạy giỏi tại đại học Mỹ thuật Hà Nội, Lý Trực Sơn (sinh năm 1949) là một trong những hoạ sĩ cách tân nhất của những năm 1980. Sau đó, ông “lang thang” theo nghĩa đen ở Pháp và Đức suốt chín năm như một nghệ sĩ lãng tử châu Âu cuối thế kỷ 19.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=118294


Thấm nhuần văn hoá phương Tây với lòng ngưỡng mộ không giấu giếm đối với các danh hoạ hiện đại, hoạ sĩ trở về khi nền hội hoạ đổi mới ở Việt Nam đã hoàn thành sứ mạng cách tân của mình. Sau khi thử nghiệm đủ loại khuynh hướng, trường phái tân kỳ bên trời Tây, Lý Trực Sơn điềm tĩnh đi bộ trở lại với làng mình bên cầu Long Biên, với vườn chuối sau nhà và cái điếu cày của anh lực điền cùng vầng trăng và hoa cỏ cổ điển Á Đông. Hà Nội hình thành từ những ngôi làng và những mặt hồ. Con người Hà Nội vừa có cái duyên quê mùa vừa đài các quý phái. Sự tinh tế trong cảm xúc, hưởng thụ cuộc sống và sự lịch lãm trong hành vi là hai trong nhiều nét đặc trưng Hà Nội. Lý Trực Sơn giữ được những nét chân quê trong tranh và cho chúng một vẻ đẹp lộng lẫy, thậm chí hoành tráng. Sơn mài được dùng hết sức gợi cảm trong gam lơ – lục – vàng nhạt mát rượi, trong veo (khác hẳn thông lệ vàng son uy nghi, nặng nề). Vẽ chậm rãi, mười năm chỉ hơn 20 tranh, nhưng nếu đối thoại với hoạ sĩ hàng ngày thì toàn “chuyện nghệ thuật viển vông”. Hoạ sĩ nghiền ngẫm, suy tưởng, chọn lọc hàng tháng, hàng năm mọi chi tiết: một dáng hình e lệ cô gái, ngu ngơ bé em, một chút ánh hồng lẳng lơ hoa dại, ánh lam nhạt phất phơ của gió lan mặt nước, một nét viền của luỹ tre, hình khối đồ sộ của lùm cây và những nét mảnh như tơ của cây cầu…

Lý Trực Sơn là một hoạ sĩ sơn mài hàng đầu của thế hệ ông. Một người duy mỹ hiếm hoi trong thời đô thị hoá tàn bạo và hàng hoá lên ngôi trơ tráo, thời mà chuyện mỹ thuật gắn với thị trường, dự án và những sự kiện náo loạn nhiều hơn với tâm tình hay cảm xúc. Vào cái thời xô bồ này, còn có gì đáng khao khát hơn sự trong trẻo và thanh thản của tâm hồn?

Tranh sơn mài Lý Trực Sơn như một mặt hồ thanh thản, trong trẻo hiếm hoi còn đây giữa bụi bặm và giành giật phố phường.

NGUYỄN QUÂN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tài năng piano trẻ Lưu Hồng Quang góp mặt trong đêm nhạc cổ điển Toyota 2010



SGTT.VN - Chương trình hoà nhạc cổ điển Toyota 2010 sẽ diễn ra một đêm duy nhất 27.10 tại nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của dàn nhạc Florence đến từ thành phố Florence (Ý).

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=118718


Các nghệ sĩ tham gia có giọng nam cao Leonardo Melani và tài năng piano trẻ của Việt Nam – Lưu Hồng Quang (ảnh). Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lorenzo Castriota Skanderbeg, các nghệ sĩ sẽ đem đến cho công chúng Việt Nam một đêm nhạc cổ điển đậm màu sắc Ý với những tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc Verdi, Puccini, Rossini...

Toàn bộ tiền bán vé được dùng vào mục đích từ thiện.

HƯƠNG LAN  (ảnh do ban tổ chức cung cấp.)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Huế: Di tích 200 năm bị phá dỡ xây mới



TT - Ngày 26-10, UBND TP Huế đã yêu cầu các đơn vị tạm dừng thi công bờ kè sông Ngự Hà - một di tích thuộc hệ thống kinh thành Huế - để kiểm tra lại toàn bộ dự án cải tạo chỉnh trang kè sông Ngự Hà theo đề nghị từ phía Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=458707
Đoạn kè nằm ven đường Triệu Quang Phục còn đẹp như thế này sẽ bị tháo ra, xây mới - (Ảnh: THÁI LỘC)



Trước đó, trưa 24-10, tại bờ sông Ngự Hà thuộc đường Ngô Thế Lân, một chiếc xe xúc liên tục đào bới bờ kè bằng đá núi đã được xây dựng từ 200 năm trước. Dưới hố đào hiện ra những lớp đá gan gà dày chừng 60cm chồng khít lên nhau, nhiều viên đá vẫn còn lưu dấu đục đẽo của người xưa. Ông Lê Văn Lượng, trú số 33 Ngô Thế Lân, nói đây là một trong những đoạn kè còn nguyên vẹn nhất của sông Ngự Hà do được người dân gìn giữ từ xưa đến nay.

Tại đoạn kè ven đường Lê Trung Đình thuộc phường Thuận Lộc, đoạn gần đồn Mang Cá, một bờ kè vừa được xây mới bằng đá granit và vữa ximăng. Ông Nguyễn Trọng Khuyến, phó giám đốc Ban Đầu tư và xây dựng TP Huế, chủ đầu tư dự án, cho biết dự án chỉnh trang tôn tạo sông Ngự Hà đã được UBND TP Huế phê duyệt tháng 7-2010, bao gồm cải tạo chỉnh trang bờ kè và xây dựng nhiều hạng mục khác như đường đi, thoát nước, điện chiếu sáng, bến thuyền, cây xanh. Khởi công từ giữa tháng 9-2010, dự kiến tiến hành trong ba năm. Trong số 7.550m kè của cả hai bờ, theo dự án sẽ chỉ giữ nguyên 2.265m kè còn tốt, số còn lại sẽ tháo đá ra, xây mới hoàn toàn...

Theo ông Phùng Phu, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị quản lý di tích sông Ngự Hà, ngoài yếu tố về thủy đạo, Ngự Hà (được vua Gia Long tổ chức đào từ năm 1805, hoàn tất năm 1825) còn được quy hoạch theo phong thủy đặc biệt trong tổng thể kinh thành Huế. Vì vậy, việc chỉnh trang sông Ngự Hà phải là một dự án trùng tu di tích. Thế nhưng, hiện nó chỉ là một dự án xây dựng cơ bản nằm trong chương trình chỉnh trang đô thị Huế. Quá trình xây dựng và triển khai dự án lại thiếu sự phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, là đơn vị quản lý di tích này.

THÁI LỘC
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Làm phim trong 48 giờ



SGTT.VN - Làm phim trong 48 giờ là một dự án khởi đầu tại Mỹ vào năm 2001, đã diễn ra ở 76 thành phố trên toàn thế giới. Ngày 29.10, buổi bốc thăm đề tài làm phim dành cho các nhóm tham gia dự án Làm phim trong 48 giờ tại Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=119657
Một nhóm làm phim chuẩn bị cho dự án.




Trong 48 tiếng, các đội làm phim bao gồm các nhà làm phim, nhạc sĩ, diễn viên… sẽ viết kịch bản, bấm máy và dựng hoàn chỉnh một bộ phim có thời lượng từ 4 – 7 phút (chưa tính phần giới thiệu phân vai và đoàn làm phim). Những phim hoàn thành sẽ được ban tổ chức trình chiếu trên kênh truyền hình YanTV và tại cụm rạp Megastar Hùng Vương Plaza – TP.HCM. Lễ trao giải dành cho đạo diễn, quay phim và phim xuất sắc tổ chức vào ngày 26.11. Phim hay nhất của dự án sẽ tiếp tục được trình chiếu trong liên hoan phim Filmapalooza 2011 diễn ra tại Miami, Mỹ vào tháng 3 năm sau và dự tranh giải Phim xuất sắc nhất của dự án Làm phim trong 48 giờ toàn cầu.

Đây là năm đầu tiên dự án thực hiện tại Việt Nam. Ông Ross Stewart – nhà sản xuất đại diện cho dự án tại Việt Nam mong muốn có 30 – 40 phim ngắn Việt Nam tham gia dự án. Có thể tìm hiểu thêm thông tin tại www.48hourfilm.com/vietnam. Hiện ban tổ chức đang tiếp tục kêu gọi các nhóm gửi phim tham dự.

TRÂM ANH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đám cưới “siêu nhỏ”



TT - Những ngày này ra phố, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc xe hoa đưa những đôi lứa yêu nhau về chung một mái nhà. Và ngày càng nhiều bạn trẻ muốn thực hiện tiệc cưới không cầu kỳ nhưng thật ấn tượng và đáng nhớ như mơ ước của mình.

Điểm chung của nhiều đám cưới ấy là phần lễ (lễ gia tiên hai họ, lễ rước dâu...) vẫn diễn ra đúng theo nghi thức truyền thống, nhưng đến phần tiệc, họ thường chỉ mời vài chục khách là bạn bè thân thiết.

Tiệc cưới chỉ 20 người
Anh N.Minh (ngụ tại Q.10, TP.HCM) đưa ra tập album ảnh cưới được chụp tại một bờ biển dài thoai thoải với chỉ khoảng 20 người tham dự. Đám cưới của anh được tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa) và kéo dài đúng... hai ngày!

“Chúng tôi thuê một căn nhà rồi tự trang hoàng. Sau khi chứng kiến màn cầu hôn của chú rể và cô dâu ở bãi biển, cả nhóm lục tục kéo về nhà mở tiệc đứng và khiêu vũ tới tận đêm. Ngày hôm sau, cả nhóm đi trượt ván, chụp hình. Hơi cập rập nhưng vui” - anh kể về ngày trọng đại của mình mà tôi cứ ngỡ là chuyến đi dã ngoại cùng bạn bè.

Lý giải cho việc tổ chức này, anh Minh bộc bạch: “Vợ chồng tôi muốn đám cưới của mình càng đơn giản càng tốt. Và phải sáng tạo đôi chút”. Là những doanh nhân trẻ, quỹ thời gian của anh và vợ đều rất eo hẹp, nên thật ngao ngán khi nghe những lời tư vấn để có một tiệc cưới hoàn hảo.

“Đặt chỗ nhà hàng trước một năm, đi chụp hình mất một tuần, lên lịch mời khách không được sót ai để tránh mất lòng, số bàn tiệc không nên dưới 50 nếu không muốn bị xem thường...” - anh Minh lặp lại “bí kíp” được truyền lại từ người anh ruột.

Tương tự, chị H.Thu (ở Q.2, TP.HCM) cũng chọn phong cách “độc đáo đến bất ngờ” cho ngày kết duyên.

Chị kể: “Bạn bè thân của cả chồng và tôi tổng cộng 14 người và ai cũng hết sức ngạc nhiên khi mở thiệp cưới thấy địa chỉ đãi tiệc là ở... nhà tôi! Hôm đó, ba mẹ tôi chỉ có mặt ở những phút đầu, còn toàn bộ thời gian lẫn không gian về sau là người trẻ với nhau. Chúng tôi cùng ăn uống, xem những thước phim từ lúc cô dâu, chú rể nằm nôi tới lúc cặp kè, trao môi hôn cho nhau. Cả nhóm sau đó chơi vài trò chơi rồi khiêu vũ”.

Chia sẻ về buổi tiệc cưới nhỏ gọn, chị Thu thẳng thắn: “Tôi không muốn trở thành búp bê trong ngày cưới của mình, cái gì cũng phải làm theo “chỉ đạo” từ người ngoài. Chưa kể mời nhiều mà khách đến chẳng bao nhiêu thì đêm tân hôn chẳng khác gì ác mộng”.

Còn đám cưới của chị T.Trúc (Q.Gò Vấp, TP.HCM) với anh C.Xin (người Trung Quốc) diễn ra trong không khí lãng mạn lẫn sôi động ở một quán cà phê nhỏ trên đường THL (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) với số lượng khách mời rất hạn chế (30 người mà cả cô dâu, chú rể đều quen biết).

Không so sánh nhiều giữa đám cưới hình thức cũ và đám cưới trong mơ của mình, chị Trúc chỉ xúc động chia sẻ: “Tôi đã bật khóc khi nghe chú rể nói lên tâm sự của anh ấy trên sân khấu, điều khó có thể xảy ra nếu đám cưới của chúng tôi được tổ chức ở một nhà hàng nào đó”.

“Chúng tôi quá ngán ngẩm với công nghệ tiệc cưới ở các nhà hàng. Tất cả đều rập khuôn và xa lạ. Ngoài ra, chúng tôi muốn những khách mời không chỉ đến ăn rồi về, mà còn tham gia tiệc cưới như buổi tiệc của chính họ”, đó là lý do chị Trúc chọn cho mình một cách khác để tổ chức đám cưới.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=459447
Có những đám cưới đã diễn ra thật lãng mạn, độc đáo theo cách riêng của mỗi người (ảnh minh họa) -(Ảnh: Gia Tiến)




Và... áp lực
“Rất vui, rất thú vị”, đó là những lời nhận xét không chỉ từ cô dâu, chú rể mà còn là của hầu hết khách từng được mời đến các “đám cưới như mơ” trên. Tuy vậy, để có những khoảnh khắc khó quên đó, các “khổ chủ” phải chịu nhiều áp lực trước và sau lễ cưới.

Anh N.Minh sau chuyến đi chơi “vui nổ trời” về thì phải đối mặt với bầu không khí u ám trong chính ngôi nhà mình. “Mặc dù tôi đã tổ chức một bữa tiệc khá chỉn chu khác cho họ hàng hai bên được dịp trò chuyện cùng nhau, nhưng ba mẹ tôi vẫn rất phật ý vì vợ chồng tôi không thực hiện ý nguyện tổ chức tiệc cưới 70 bàn mà ông bà mong mỏi” - anh thở dài.

Gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu nên ai cũng có mối quan hệ xã hội rất rộng, chính vì lý do đó nên có tới 90% thành viên trong nhà phản đối ý kiến tổ chức đám cưới của anh.

Còn với chị Thu thì lại vấp phải “hàng rào” khác. Đồng nghiệp vì không ai được mời nên chẳng mấy người biết chị đã lấy chồng. Tới khi chị vác bụng bầu đến cơ quan thì rất nhiều tiếng xì xầm vây quanh, chị trở thành đề tài màu mỡ cho những “bà tám” trong cơ quan.

May mắn hơn những trường hợp trên, chị Trúc cho biết gia đình, đồng nghiệp đôi bên đều hiểu và tán đồng ý kiến của vợ chồng chị khi tổ chức đám cưới “siêu nhỏ” như vậy.

“Tôi tế nhị gửi thiệp báo hỉ đến mọi người nhưng số lượng mời dự tiệc thật sự chỉ 30 người. Tuy cũng có một số thắc mắc, nghi ngờ nho nhỏ lúc đầu nhưng sau đó mọi người đều hiểu và ủng hộ chúng tôi. Có thể sẽ có hai nguồn dư luận, nhưng bù lại có người đã nói với tôi đó là đám cưới vui và ý nghĩa nhất họ từng tham gia. Với tôi như thế là quá đủ” - chị mỉm cười hạnh phúc.

CÔNG NHẬT
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nước mắt rơi cùng Cánh đồng bất tận



SGTT.VN - Sức hấp dẫn của nguyên tác văn học khiến tại liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần 1, mọi con mắt đổ dồn về Cánh đồng bất tận. Và cuộc tìm kiếm nhằm có được tấm vé trong suất chiếu ra mắt tối 20.10 tại Hà Nội diễn ra vô cùng căng thẳng.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=119672
Một cảnh quay đẹp trong Cánh đồng bất tận.




Háo hức, tò mò và… soi mói
Trong khi đợi đến giờ chiếu phim, một nhà phê bình văn học nói vui: “Có thể chia đôi khán giả theo hai luồng cảm xúc: những ai chưa đọc truyện thì háo hức, tò mò, còn những ai đọc rồi thì nô nức đi xem phim để… so sánh và nhặt sạn”. Quả nhiên, có những cái chau mày lộ rõ khi ngay trong cảnh đầu tiên, với màn đánh ghen tàn nhẫn, nữ nhân vật chính lộ da thịt hơi nhiều và quá sớm, trong khi truyện thì bắt đầu với giọng kể trầm buồn, da diết về cuộc sống vô định trên sông nước của cha con ông Võ.

Dẫu không cố ý, nhưng đến phân nửa phim, vẻ như người xem vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư, một phần bởi đạo diễn hầu như giữ nguyên mạch truyện. Rồi những độc giả của truyện dần dần thoát ra khỏi tác phẩm văn học, và bỏ rơi luôn ý định so sánh truyện với phim có lẽ bởi được xem cảnh sông nước mênh mông, lúa vàng bát ngát, cò trắng rập rờn đem đến một cảm giác choáng ngợp (khán giả miền Bắc vốn ít khi được chiêm ngưỡng những cảnh quay thực và đẹp như vậy trong phim Việt). Có lẽ là bởi cái vẻ cong cớn dần mất đi trên gương mặt của Sương, kể từ lúc cô ngỡ ngàng đón nhận những cử chỉ chăm sóc vụng về của hai đứa trẻ côi cút. Có lẽ là bởi những tiếng cười trẻ thơ đã bắt đầu buông ra nhẹ nhõm hơn, bớt kìm nén như trước. Có lẽ là bởi khoảnh khắc bùng nổ sinh lý của cậu bé 16 tuổi quanh năm suốt tháng chỉ biết có vịt khiến người ta gai người vì thương xót. Có lẽ là bởi nét bần thần trên khuôn mặt người cha khi nghe cô gái điếm chỉ dạy con gái mình những điều tế nhị của phụ nữ. Có lẽ là bởi màn ái ân dữ dội và hoang dã, được quay một cách trần trụi cố ý giữa hai kẻ cùng thiếu vắng hơi ấm quá lâu. Và có lẽ là bởi cái không khí gia đình đã bắt đầu nhen nhóm trên con thuyền chỉ quen chở nỗi cô đơn, thù hận.

Nước mắt rơi…
Giữa nhịp điệu chầm chậm ấy, chất giọng Bắc ngang ngang hơi khó lọt tai của Đỗ Hải Yến trong vai Sương càng khiến mạch phim thêm lê thê cũng như ảnh hưởng nhiều đến diễn xuất của cô. Cũng chẳng cần thiết phải dành cho người vợ bội bạc (Tăng Thanh Hà đóng) vài phút xuất hiện như thể minh hoạ cho lời kể của hai đứa con. Tuy nhiên, cuối cùng thì nước mắt đã rơi…

Nước mắt ngân ngấn từ lúc hai đứa trẻ vồ vập lấy Sương như thể kiếm tìm hình bóng người mẹ trong cô gái điếm. Rưng rưng khi Sương bặm chặt môi mang thân xác đi cứu đàn vịt, nguồn sống duy nhất của gia đình ông Võ, một hành động không phải để trả ơn. Giọt buồn lặng lẽ khi cô giã từ con thuyền từng đem đến cho mình chút hơi ấm tình người và chút hy vọng mỏng manh. Nghèn nghẹn khi Điền vì trả thù cho Sương mà phải bỏ xứ ra đi. Mừng vui cũng rơi lệ khi người cha lặng lẽ trao cho con gái chiếc nhẫn, kỷ vật sau cùng của mẹ. Nước mắt xót xa khi đứa con bé bỏng bị những kẻ vô nhân hãm hiếp ngay trên cánh đồng bất tận, còn người cha thì nằm đó, thân thể bầm giập, bất lực, đau đớn đến tận cùng trước tiếng thét xé lòng: “Tía, cứu con!” Gương mặt lạnh lùng, tia nhìn không chút biểu cảm nhưng lại ẩn giấu biết bao cảm xúc: đớn đau, hận thù, hối tiếc… Dustin Nguyễn khiến người xem vừa giận, lại vừa thương cho ông Võ, và nhờ vậy, cũng thể tất cho cái dáng dấp đậm nét lãng tử, đúng ra không mấy hợp với dạng nhân vật có bề ngoài thô mộc, xù xì. Trong vai cô con gái, Ninh Dương Lan Ngọc là một phát hiện tuyệt vời của đạo diễn. Ánh mắt mênh mang buồn, những giọt lệ chỉ chực trào ra, nhưng rồi vẫn nén lại trên bờ mi, tiếng thở dài trước tuổi, nét hồn nhiên ngây thơ, Lan Ngọc lột tả trọn vẹn nội tâm của cô bé Nương, vốn biến chuyển qua rất nhiều trạng thái.

Ngay từ khi phim chưa ra đời đã có những bàn ra, tán vào về cái kết: sẽ buồn hay vui? Rốt cuộc, Nguyễn Phan Quang Bình chọn một cái kết tươi sáng, không ám ảnh như nguyên tác văn học: ông Võ thanh thản chèo thuyền đưa học sinh đến lớp. Còn Nương, bước chầm chậm trên cánh đồng bát ngát, dịu dàng vỗ về đứa con trong bụng “Trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn”. Người xem hẳn sẽ còn bàn tán lâu về cái kết tròn trịa như muốn nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn này.

HƯƠNG LAN


Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Tôi đã khóc rất nhiều trong suốt bộ phim. Khi tới đây, tôi nghĩ, mình không hy vọng xem được một minh hoạ cho truyện ngắn của mình. Bộ phim này, với tôi, đã đứng độc lập so với tác phẩm văn học. Và đó là một thành công”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: “Về cái kết của phim, lúc đầu, tôi rất sợ đạo diễn cắt mất cảnh cô con gái bị làm nhục như trong truyện, vì đó là chi tiết khiến người cha thức tỉnh và giã từ hẳn quá khứ, thù hận. Nhưng rồi, anh đã giữ nguyên, và thêm vào một chút màu sắc tươi sáng. Tuy nhiên, tôi vẫn thích cái kết của truyện hơn, vì nó gây ám ảnh, và vì như thế mới là cánh đồng bất tận”.

NSND Thế Anh: “Ninh Dương Lan Ngọc khắc hoạ nội tâm nhân vật bằng cả trái tim, bằng xúc cảm thực sự của mình, nên diễn mà như không diễn. Về quay phim, chỉ có thể nói: Tuyệt vời”.

Đạo diễn Phần Lan Juhani Alanen: “Một kịch bản chặt chẽ và xúc động kết hợp với những cảnh quay công phu, diễn xuất đầy cảm xúc đã giúp bộ phim này trở thành một tác phẩm điện ảnh nghệ thuật có giá trị. Tôi đặc biệt ấn tượng với phần âm nhạc của phim. Với một tác phẩm mà đạo diễn đã cố tình tiết chế tối đa lời thoại, thì âm nhạc trở thành tiếng nói của phim”.

Đạo diễn Phillip Noyce: “Những bộ phim như Cánh đồng bất tận cho thấy, tương lai của điện ảnh Việt Nam rất xán lạn. Tôi rất tin rằng một ngày nào đó trong tương lai gần sẽ có những đạo diễn, diễn viên, phim hay được nhắc đến với câu “anh ta, chị ta hay phim đó được phát hiện tại liên hoan phim Việt Nam”.

Nhà quay phim Hàn Quốc Yoo Byung Woon: “Những người thực hiện công việc quay phim của tác phẩm này đã tìm thấy những chất liệu rất tuyệt trên đất nước mình và quan trọng hơn là họ biết biến chúng thành những thông điệp hình ảnh”.

HL – Xuân Thi
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối