Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thời của chuyện tầm phào



Một trong các thông tin được báo mạng loan rộng rãi trong tháng 10 là một người đàn ông trần truồng chạy băng qua mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một buổi mittinh.

Chuyện cởi truồng ở những sân thể thao quốc tế thỉnh thoảng vẫn nghe, không mới, nhưng cởi truồng trước tổng thống chắc có lẽ là lần đầu. Chưa kể lần này có khác đôi chút nữa, cởi truồng được triệu đô kèm với điều kiện ông Obama phải nhìn thấy, éo le chứ không phải chơi. Có rất nhiều nguy cơ nếu vô phúc lúc đó ông Obama quay mặt sang chỗ khác nhìn bà xã chẳng hạn thì anh chàng sexy kia sẽ mất trắng cả chì lẫn chài (chứ chưa nói tới việc sẽ chia phần cho cô người yêu, một trong bốn người giúp anh thực hiện ca mạo hiểm trên). Cũng xin mở ngoặc thán phục cô người yêu này, sẵn sàng cho cả thế giới chiêm ngưỡng người tình của mình trong tình trạng Adam một cách "có tổ chức" như vậy.

Nhưng có việc khác còn lớn hơn việc biếu không cho tổng thống màn thoát y vũ là việc cả thế giới sẽ được giải khuây một phen. Thế giới này đã buồn bã đến mức vậy ư?

Những trò giải trí trong thời hiện đại đang đứng trước nguy cơ mọi thứ trở nên nhàm chán quá nhanh, lỗi thời quá nhanh, mới bày trò hôm trước hôm sau đã rơi rụng. Thời trước đi xem một buổi hòa nhạc, một suất phim, gặp gỡ một nhà văn hóa đã có thể là tâm điểm một sự kiện. Nhưng bây giờ thì không hẳn. Trò chơi liên tỉnh đã từng làm mưa làm gió trên sóng VTV3 một thời so với bây giờ mới buồn chán làm sao. Bản thân không phải trò chơi mất đi hiệu lực, mà chỉ đơn giản là ngày nay nhiều trò nhanh chóng được bày ra đến mức nuốt chửng những thú vui chậm rãi khác, cũng như chính nó sau đó bị một trò vô bổ khác nuốt chửng trong một ngày không xa.

Có một bợm nhậu không mang được dép, cứ chuẩn bị mang vào thì lại té. Có một nữ phóng viên trong lúc giới thiệu bị bóng bay vào đầu. Có một màn múa cột trên xe buýt. Vân vân. Ðó là những thứ mà cả thế giới dán mắt vào xem, hàng chục triệu lượt truy cập, bình luận. Hàng chục triệu người với rất nhiều kiến thức được nhồi nhét trước đó trong nhà trường cũng như trong gia đình, xã hội, trí thức cũng như thất học, đều xem.

Một ví dụ khác. Có một con chó tên là Mishka nói "I love you" đã thu hút 20 triệu lượt xem trên YouTube. Nghe đâu sau đó Mishka và cô chủ được mời tham gia một loạt chương trình truyền hình nổi tiếng. Sau đó cục cưng Mishka còn được luyện thêm dăm ba từ như happy, hello, bye bye, Obama... Cũng không biết nên gọi đây là sự tài tình hay là sự cùng quẫn của niềm vui nữa.

Internet đã đưa thế giới đến trước một định nghĩa khác, chủ ý lẫn không chủ ý, giá trị hay không giá trị, nghiêm túc hay cà rỡn, những cặp song hành. Và một khái niệm khác đang ngày càng được định hình, bất chấp những nhà đạo đức học có chấp nhận hay không thì cà rỡn vẫn có nguyên giá trị bởi sự cà rỡn đó đã từ từ chạm vòi đến mỗi căn nhà. Và không một nền giáo dục nào có thể thay đổi trọng tâm của nó được nữa. Nó giống như những đứa con trong cộng đồng con người, và đến lúc phải tập sống chung như một cách thức của sự khôn ngoan.

Tất cả đã trở thành sự kiện. Tất cả đã trở thành công cụ chống chọi với nỗi buồn ngày một lan rộng bởi sự khao khát cái mới, bởi sự cả thèm chóng chán của khẩu vị.

Một cú ngáp của tổng thống biết đâu có thể làm thế giới giải trí của con người xua tan nhiều đêm mệt nhọc, thậm chí cả tháng liền nếu như cú ngáp đó trong một cuộc họp thượng đỉnh chẳng hạn. Cũng như đố ai biết sau vụ khỏa thân trước mặt tổng thống là đến cái gì, khỏa thân trước ai để cắt cơn khát chuyện tầm phào trong thế giới của chúng ta.

NGUYỄN NGỌC THUẦN  (Báo Tuổi Trẻ)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Thơ Tầm Phào

Sáng tạo phải mới mẻ
Mới mẻ chưa phải là sáng tạo.
Hay phải hấp dẫn
Hấp dẫn chưa phải là hay.

Táo bạo chưa phải là anh hùng
Anh hùng phải táo bạo.
Cầm tay chưa phải là yêu
Yêu phải nắm chặt tay.

Bài thơ này tầm phào, nhạt nhẽo
Gió sẽ thổi bay!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chơi vơi cả một nền điện ảnh



SGTT.VN - Vừa qua, các đạo diễn điện ảnh đều có mặt ở Hà Nội để tham dự liên hoan phim (LHP) quốc tế Việt Nam lần 1. Nhưng có lẽ chưa bao giờ, đội ngũ những người làm phim tham dự một LHP, mà lại là LHP quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, với một tâm trạng “tự kỷ” đến thế.


http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=119424
Cảnh trong Chơi vơi – một bộ phim mang tính cách tân mạnh mẽ.





“Làn sóng tự trọng”
Đạo diễn Vinh Sơn thổ lộ: “Điện ảnh Việt Nam so với Thái Lan, Campuchia còn không so được, huống hồ so với ai! Tại liên hoan phim Pusan, một đạo diễn Campuchia cũng đường hoàng có mặt trong ban giám khảo, trong khi chưa đạo diễn Việt Nam nào được lọt vào ban giám khảo các LHP quốc tế. Nghĩ đến nội lực của điện ảnh thì buồn lâu rồi, nói nhiều rồi, nhưng có thay đổi được gì đâu…”

Nói đến nội lực là nói đến con người, con người sáng tác, các nghệ sĩ, con người điều hành công nghệ, các nhà sản xuất, nhà quản lý… cả một dây chuyền đủ mọi thang bậc. Ở Việt Nam, mỗi thang bậc ấy đều “có vấn đề”, mà là những vấn đề thâm căn cố đế. Đề cập đến tiền đầu tư cho một bộ phim, biên kịch Trịnh Thanh Nhã gay gắt: “Chúng ta cứ kêu than Nhà nước không bỏ tiền đầu tư cho điện ảnh, thực ra Nhà nước bỏ tiền nhiều là đằng khác. Chỉ có điều cách đầu tư dàn trải, cào bằng, không có chiến lược đã dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng tiếc. Việc điều hành công nghệ điện ảnh ở Việt Nam không theo kịp công nghệ mới. Nhà nước đã đầu tư lớn cho trung tâm Kỹ thuật điện ảnh, nhưng việc chuyển giao công nghệ “có lỗi gì đó” nên nhiều máy móc hiện đại không sử dụng được. Chính cơ chế xin – cho của điện ảnh đã gây lãng phí. Nhà nước cho tiền mua máy móc, nhưng người xét duyệt và người mua máy lại mua máy cũ với giá đắt!

Đồng lương quá bèo bọt cũng khiến người biên tập không hết lòng, nên mới còn nhiều hạt sạn đáng tiếc. Về con người sáng tạo, hệ thống sản xuất phim tư nhân nhìn thì có vẻ tự do hơn, nhưng lại bị mục tiêu thu hồi vốn khống chế. Không thể trách họ được, vì điện ảnh là ngành công nghệ giải trí. Nhưng có thể có cách khác với các bộ phim do Nhà nước đầu tư, để mục tiêu đó nhẹ bớt, nếu có sự nâng đỡ nghệ sĩ theo phương án đầu tư thích hợp. Tiền cho một bộ phim quả thật đã bị rơi vãi quá nhiều trong quá trình sản xuất, nên người làm phim cứ “tuỳ tiền diện lễ”. Do đầu tư không thích đáng, không đúng chỗ, nên nội lực của điện ảnh cứ đuối dần. Hàn Quốc từng bỏ tiền cho 300 người ở tất cả mọi khâu của điện ảnh đi học ở Mỹ, và định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ Hàn Quốc lòng tự ái dân tộc cao cả. Chính đội ngũ này khi trở về đã tạo nên làn sóng mới làm thay đổi bộ mặt điện ảnh. Ở Việt Nam chưa có làn sóng tự trọng đó”.

Trả cho điện ảnh sự tự do trong sáng tạo
Đạo diễn Mỹ Hà chia sẻ: “Sáng tạo là phải hồn nhiên, chân thành, điều đó không giữ được thì làm sao có một tác phẩm điện ảnh ra hồn. Điện ảnh Đông Nam Á gần như thấp nhất châu Á, nhưng Việt Nam còn là chỗ trũng nhất châu Á! Tại sao nhuệ khí làm phim biến mất, cái đó phải hỏi các nhà quản lý. Đó là lỗi hệ thống”.

Tự nhận mình là kẻ “đứng bên lề”, không còn tham gia thế sự nữa, biên kịch Nguỵ Ngữ buông một câu ngắn gọn: “Để mang lại sự khởi sắc cho điện ảnh, phải đào tạo lại tất cả các khâu như Hàn Quốc đã làm, và phải để cho người nghệ sĩ tự do hoàn toàn trong sáng tạo, đừng có kiểm duyệt quá cứng nhắc như thế nữa”.

Một nền điện ảnh… mờ mờ nhân ảnh, nhàn nhạt như thế, rõ ràng đội ngũ chủ chốt làm nên bộ phim là những đạo diễn, biên kịch đã không làm việc hết lòng, đã tự mình lùi bước. Vì sao vậy? Biên kịch Trịnh Thanh Nhã thổ lộ: “Nhiều nhà quản lý cho rằng, Nhà nước chỉ bỏ tiền làm phim vì mục tiêu chính trị, nếu muốn làm phim phong cách, thể hiện cái tôi của người nghệ sĩ, thì họ phải tự bỏ tiền ra mà làm. Tôi nghĩ không phải vậy. Một nền điện ảnh muốn tồn tại phải có nhiều phong cách, nếu không chỉ là những mô hình. Điện ảnh phải bỏ tiền cho phong cách cá nhân, nếu không làm gì có nghệ thuật. Cũng đừng hiểu mục tiêu chính trị một cách quá giáo điều, chính trị là phải làm cho cuộc sống nhân văn hơn. Chính quan niệm sai lầm này khiến cho các nghệ sĩ dám sáng tạo, đổi mới cứ… ăn đòn tứ phía, ai mới nhô lên là bị “trùm chăn” đánh hội đồng. Cách hội đồng duyệt quốc gia lo chọn phương án an toàn hơn là cái mới lạ trong nghệ thuật, với bao nhiêu tầng nấc kiểm duyệt đã làm cho nghệ sĩ nản lòng. Trách đạo diễn, biên kịch là đúng, nhưng họ không muốn tham chiến nữa, họ đã bị mài mòn nhiệt huyết rồi, nên chỉ còn trả lại cho xã hội những sản phẩm nhàn nhạt, mờ mờ như thế”.

KIM YẾN

“Để mang lại sự khởi sắc cho điện ảnh, phải đào tạo lại tất cả các khâu như Hàn Quốc đã làm, và phải để cho người nghệ sĩ tự do hoàn toàn trong sáng tạo, đừng có kiểm duyệt quá cứng nhắc như thế nữa”.

Biên kịch NGỤY NGỮ



Ông Lê Ngọc Minh, cục phó cục Điện ảnh
Trong mười năm qua, điện ảnh Việt Nam duy trì tình trạng sản xuất mỗi năm trên dưới mười bộ phim. Tỷ lệ phim chiếu rạp là 150 phim ngoại/10 phim nội.

Biên kịch Hoàng Nhuận Cầm
Chúng ta ngồi đây lo lắng với nhau rằng phim Việt Nam đang thiếu. Nhưng liệu đối tượng quan trọng nhất là khán giả có cảm thấy thiếu không? Phim làm ra khán giả không xem thì nhiều hay ít có quan trọng gì. Đó là về phía khán giả, còn về người làm phim, tôi chỉ nói hai điều: thứ nhất, chúng ta còn hiện tượng kiểu như chỉ tiêu mỗi năm một hãng phim làm 1,5 phim. Tôi chưa thấy ở đâu trên thế giới làm một phim rưỡi cả! Thứ hai, chúng ta nên nhìn nhận nguyên nhân nội hàm của sự thiếu. Đó là người làm phim đang làm phim theo kiểu… cầm hơi. Không có phim hay vì lúc nào phim cũng “sắp hay” hoặc “cũng hay”.

Đạo diễn Hà Sơn (phim Trung uý)
Đã đến lúc sự trung thực cũng là hàng hoá. Hãy làm phim để khán giả mua vé tới rạp xem. Làm được thế đã là thành công rồi. Tất cả các nền điện ảnh đang phát triển hiện nay đều đang hướng tới hình thức phân loại phim. Đây là điều rất cần thiết bởi nó sẽ giúp người làm phim được nới tay hơn trong sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải quen với chuyện sản phẩm văn hoá được phân loại cho đối tượng phù hợp.

Ông Kim Ji Seok, giám đốc chương trình của LHP Pusan, Hàn Quốc
Tôi thấy những người làm điện ảnh ở Việt Nam rất trăn trở với nghề và họ cũng xác định rõ những vấn đề hạn chế của nền điện ảnh nước mình. Nhưng có một nguyên nhân mà họ chưa nói ra: đó là sự chưa thực sự gặp nhau giữa người làm điện ảnh và nhà quản lý. Có vẻ như người làm điện ảnh ở Việt Nam muốn được chủ động hơn nữa trong nghề nghiệp và rất ý thức trong việc tiếp cận khán giả. Nhưng các nhà quản lý lại đặt vấn đề ở tầm quá vĩ mô với những từ ngữ như “to”, “lớn” hay “nhiều” mà chưa đáp ứng được thực sự những điều nhà làm phim và người xem phim cần.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, giám đốc công ty BHD
Nhà nước không cần thiết phải đầu tư phim quá tốn kém mà có thể hướng vào những phim tác giả, phim nghệ thuật có kinh phí không cao nhưng chất lượng tốt. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu trước khi là người nổi tiếng cũng đi theo con đường mang những bộ phim nhỏ tới các LHP để giới thiệu, “chào hàng” các quỹ đầu tư, các nhà sản xuất. Những phim đó kinh phí thấp, do Nhà nước bỏ tiền làm nhưng chất lượng tốt. Vì thế đã lôi kéo được kinh phí để làm những phim lớn.

Ông Nguyễn Thái Hoà, phó giám đốc hãng phim Giải Phóng
Chúng ta xã hội hoá điện ảnh và hậu quả là tại đa số các tỉnh thành hiện nay không có rạp hiện đại. Vì sao? Vì tư nhân không dại gì đầu tư xây một cái rạp tử tế ở một tỉnh thành nào đó mà họ tính nhẩm cũng thấy lượng vé bán ra không đủ tiền… chở phim về rạp. Như vậy, Nhà nước phải tham gia chuyện này. Nhưng ngược lại, kinh phí dành cho điện ảnh mỗi năm của Nhà nước nên được sử dụng một cách hợp lý. Nghĩa là đầu tư số lượng phim không cần nhiều nhưng chất lượng phim tốt. Phim kéo được khán giả đến rạp chứ không phải phim “nhân dịp”. Còn lại, để cho tư nhân làm phim và tạo nên thị trường phim.

Ông Philip Cheah, đạo diễn kiêm thành viên ban tổ chức LHP Singapore
Điện ảnh Việt Nam nên đi vững cả hai chân. Nhà quản lý, Chính phủ vẫn phải đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh bằng những chính sách thức thời và những khoản đầu tư hiệu quả. Bên cạnh đó, các nhà làm phim tư nhân cũng cần có không gian để được làm phim, được cạnh tranh và lôi kéo khán giả tới rạp. Theo tôi, đó là kinh nghiệm và giải pháp quan trọng nhất cho Việt Nam lúc này.

Dung P.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đêm nhạc của tác giả Võ Đăng Tín



TT - Tháng này, hòa nhạc định kỳ vào ngày 9 của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) sẽ dành giới thiệu các tác phẩm của nhạc sĩ Võ Ðăng Tín - giám đốc HBSO.

Ðây là chương trình kỷ niệm và đánh dấu một chặng đường hoạt động nghệ thuật nghiêm túc và bền bỉ của ông với các tác phẩm tiêu biểu cho thanh nhạc, khí nhạc như: giao hưởng thơ Ký ức Ðồng khởi, ca khúc Hoa dừa, Mênh mông dòng sông, Mênh mông Sài Gòn, Tiếng hát cho tình yêu... với sự trình diễn của Ngọc Tuyền, Phạm Trang, Cho Hae Ryong, tốp nữ cùng Dàn nhạc giao hưởng HBSO.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=461263
Nghệ sĩ Phạm Trang và Ngọc Tuyền - (Ảnh: Gia Tiến)




Bên cạnh đó là tổ khúc múa Mặt trời trong tim theo kịch bản của NSƯT Tô Nguyệt Nga, âm nhạc do nhạc sĩ Võ Ðăng Tín và NSƯT Trần Vương Thạch sáng tác, biên đạo múa do NSND Vũ Việt Cường, NSND Trần Kim Quy và Nguyễn Tấn Lộc dàn dựng. Chương trình diễn ra lúc 20g ngày 9-11 tại Nhà hát TP (7 Công trường Lam Sơn, Q.1).

Q.N.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hai cuộc thi thú vị



Tuổi Trẻ - 1-
Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - môi trường) đang phối hợp với Đài truyền hình VN, Hội Điện ảnh VN phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim về tài nguyên nước.

Bài thi gửi về: dự án Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước VN (CAPAS), Cục Quản lý tài nguyên nước, 68 Bùi Thị Xuân, Hà Nội, email: capas.vn@gmail.com, từ nay đến hết ngày 31-12-2010.


2-
Viện Goethe đã tổ chức phát động cuộc thi Phim tài liệu xanh VN (VietDocs) với chủ đề “Biến đổi khí hậu - Biến đổi cuộc sống”. Cuộc thi được Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức (DED) và Tổ chức Nâng cao năng lực quốc tế Đức (InWEnt) tài trợ.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi trên www.goethe.de/vietdocs.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Một phút để cứu thế giới



TT - Tin từ Hội đồng Anh cho biết những người trẻ yêu thích làm phim trên khắp thế giới có thể tham gia cuộc thi làm phim quốc tế, bằng cách làm một phim cực ngắn với thời lượng 1 phút về vấn đề biến đổi khí hậu trong khu vực.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=460621
Hình ảnh trong bộ phim Bear in mind được lựa chọn vào danh sách tranh giải năm 2009




Phim chiến thắng sẽ được trình chiếu cho những nhà lãnh đạo quốc gia tại hội nghị COP16, một hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu toàn cầu, và được đưa vào chiến dịch online với hàng triệu khán giả.

Những người chiến thắng cũng sẽ có cơ hội nhận các giải: tầm nhìn tuổi trẻ (dành cho người tham dự dưới 25 tuổi với phim hay nhất) trị giá 5.000 bảng Anh; phim hay nhất (dành cho mọi đối tượng) sẽ được hỗ trợ phát hành phim quốc tế, đồng thời được nhận những thiết bị làm phim cao cấp... Hai giải thưởng này hạn nộp phim đều là ngày 17-12-2010.

Ngoài ra, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) cũng sẽ lựa chọn trao giải phim do giới trẻ thực hiện hay nhất (dành cho đối tượng dự thi dưới 18 tuổi) với giải nhất là máy quay Sony Nex VG10, giải nhì là máy tính xách tay Latitude E4300.

Riêng giải thưởng này hạn nộp phim là ngày 12-11-2010. Đây là lần thứ hai Hội đồng Anh tham gia chiến dịch “Một phút để cứu thế giới” (1 minute to save the world) - một cuộc thi toàn cầu dành cho những người làm phim. Có thể tìm hiểu thêm thông tin trên website: http://www.1minutetosavetheworld.com/.

* Tiếp nối thành công của Liên hoan phim sinh viên không chuyên lần 1 với chủ đề “Chung tay bảo vệ môi trường”, Liên hoan phim sinh viên lần 2-2010 đã chính thức được khởi động với tên gọi “Trái tim có điều kỳ diệu”.

Liên hoan năm nay được Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM và Viện đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena đăng cai tổ chức, với sự tham gia của hơn 50 trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM. Nội dung của các tác phẩm cũng được ban tổ chức nới rộng hơn, chủ yếu hướng bạn trẻ vào việc đưa ra các góc nhìn mới, những giá trị nhân văn trong mối quan hệ giữa con người với con người...

Thời gian diễn ra liên hoan sẽ kéo dài từ ngày 1-11-2010 đến 9-1-2011. Các tác phẩm tham gia sẽ tranh tài ở hai hạng mục: phim phóng sự và phim ngắn. Lễ trao giải sẽ được tổ chức đúng Ngày học sinh - sinh viên 9-1-2011.

CÁT KHUÊ - MINH TRANG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chia sẻ tiếng nói điện ảnh với thế giới

Sự kiện New Voices From Vietnam (NVFVN - Những tiếng nói mới từ Việt Nam) được Viện hàn lâm Ðiện ảnh Mỹ tổ chức tại Hollywood là dấu ấn đáng kể đối với các nhà làm phim VN.


[...]New Voices From Vietnam diễn ra từ ngày 5 đến 14-11 với bảy phim truyện (Bi, đừng sợ! - Phan Đăng Di - chiếu khai mạc NVFVN, Cánh đồng bất tận - Nguyễn Phan Quang Bình, Trăng nơi đáy giếng - Nguyễn Vinh Sơn, Mùa ổi - Đặng Nhật Minh, Chơi vơi - Bùi Thạc Chuyên, Bẫy rồng - Lê Thanh Sơn, Cú và chim se sẻ - Stephane Gauger); sáu phim tài liệu (Mẹ và con gái - Phan Huyền My, Phường Thành Công có làng Thành Công - Phan Thị Vàng Anh, Ông và cháu - Nguyễn Thị Thắm, Cha đã về - Đoàn Gia Mẫn, Tôi mơ được làm công nhân - Trần Phương Thảo, Chung cư của tôi - Trịnh Đình Lê Minh) và bốn phim ngắn (Theo hướng đèn mà đi - Thiện Đỗ, Thằng chó chết - Phan Gia Nhật Linh, Đã qua giao thừa - Bùi Kim Quy, Sân thượng - Nguyễn Hà Phong).

Riêng ngày 10-11 tại nhà hát Samuel Goldwyn - Beverly Hills, Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ và Viện Tư liệu phim - truyền hình Đại học UCLA tổ chức lễ tôn vinh sự cống hiến của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh với điện ảnh VN. Bộ phim Mùa ổi cũng sẽ được chiếu sau buổi tôn vinh. Khách mời đặc biệt gồm các đạo diễn: Đặng Nhật Minh, Phan Đăng Di, Nguyễn Phan Quang Bình, Nguyễn Vinh Sơn, Bùi Thạc Chuyên, Lê Thanh Sơn và Stephane Gauger. Ngoài ra, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Thiện Đỗ, diễn viên Dustin Nguyễn, Hải Yến sẽ có mặt khi chiếu phim và giao lưu cùng khán giả. Lịch chiếu phim được công bố trên website: oscars.org, giá vé 5 USD và 3 USD cho thành viên viện hàn lâm.

(Báo Tuổi Trẻ)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Xây dựng khu du lịch văn hóa nghề trồng lúa nước



SGTT.VN - Khu du lịch văn hóa bảo tồn nghề trồng lúa nước đồng bằng sông Cửu Long rộng 70ha, trị giá 150 tỉ đồng vừa được UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận đầu tư tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò.

Ông Nguyễn Cao Nhân Nghĩa, cán bộ phòng văn hóa thông tin huyện cho biết, khu du lịch được xây dựng nhằm bảo tồn, giới thiệu nền văn hóa lúa nước đặc sắc của châu thổ miền Tây và nghề trồng lúa đã có từ lâu đời. Khu bảo tồn sẽ gồm nhiều thửa ruộng mô tả lại quy trình sản xuất hạt lúa, từ khâu sản xuất lúa giống, làm đất, gieo mạ, cấy lúa, thu hoạch… Đặc biệt, du khách đến tham quan, nếu muốn tham gia vào một trong các công đoạn trồng lúa, sẽ được các “hướng dẫn viên nông dân” tận tình chỉ dẫn. Ngoài ra, còn có khu trưng bày các loại nông cụ, vật dụng chuyên dùng trong quá trình canh tác, thu hoạch lúa từ xưa tới nay để giúp du khách có thể hình dung ra những nhọc nhằn của người nông dân khi làm ra hạt gạo.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Từ một đứa trẻ không nhà, hát rong xin ăn kiếm tiền nuôi mẹ trở thành một Út Bạch Lan được khán giả yêu thương đến tận tuổi 76 là một chặng đường dài… Chuyện nghề và chuyện đời mình, NSƯT Út Bạch Lan sẽ chia sẻ trong chương trình Hồn quê đất Việt của tạp chí truyền hình Việt Nam.

“Sầu nữ” cải lương đã hết sầu



SGTT.VN - Cũng bằng lối xưng hô Út với con, cũng bằng chất giọng từ tốn mà dịu dàng hiền hậu, cô Út Bạch Lan… từ chối khi chúng tôi ngỏ lời mời cô tham gia chương trình Hồn quê đất Việt, bởi: “76 tuổi rồi, Út cũng ít đi hát sân khấu, hôm qua, mới đi làm từ thiện về, Út bịnh, mệt quá chừng”.

Vậy rồi, thấy chúng tôi lẳng lặng theo chân Út xuống Đồng Nai coi Út hát ở sân chùa, Út thương, Út bảo: “Thôi, bữa nào út khoẻ, ghé qua nhà Út mà quay, nói trước, nhà Út nhỏ hẹp chật chội lắm nghen!”

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=119617
Đến Đồng Nai biểu diễn trong một buổi cúng chùa, cô Út (góc trái) được nhiều khán giả hâm mộ đến hỏi thăm và xin được chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Bích Uyên)




Sầu vương cánh lan trắng
Mà nhà Út nhỏ hẹp, chật chội thiệt. Nếu như ai cũng nghĩ nghệ sĩ, nhất là khi tên tuổi lẫy lừng một thuở như Út Bạch Lan thì chắc phải nhà cao cửa rộng và có cuộc sống giàu sang lắm thì không đúng. Cô Út sống rất giản đơn. Căn hộ chung cư trên đường Trần Hưng Đạo, cô sống đã mấy chục năm cùng với em dâu và bốn người cháu ruột gọi bằng cô. Căn phòng nhỏ trên gác xép của cô Út ra vào cũng phải cúi đầu vì những thanh xà ngang nằm rất thấp. Người ta bảo kiếp cầm ca ăn quán ngủ đình thì cuộc đời mình, cô Út trải qua hết. Không ai trong giới nghệ sĩ không biết chuyện khi còn là vợ nghệ sĩ Thành Được, cô Út có lần phải dọn ra ở một thời gian dài trong mái đình bởi sự tiêu xài hoang phí của ông.

Hơn 65 năm đi hát, Út Bạch Lan trở thành huyền thoại cải lương với giọng ca đồng pha thổ mùi mẫn cùng hàng loạt vai diễn để đời. Có thể nói, sau thế hệ của NSND Phùng Há, Út Bạch Lan là một trong những người tiếp tục xây dựng nền móng cho sân khấu cải lương Nam bộ. Nhắc đến Út Bạch Lan, người ta nhớ vai Hương trong Nửa đời hương phấn, vai Hằng trong Con gái chị Hằng và hàng loạt vai diễn hay trong Người vợ không bao giờ cưới, Thuyền ra cửa biển… Những vai diễn ấy đã đưa cô lên cực đỉnh vinh quang của nghề hát với nhiều giải thưởng cao quý.

Báo giới gọi cô là “sầu nữ”, là đệ nhất đào thương, là nữ hoàng vọng cổ… bởi chất giọng u buồn mùi mẫn khiến người nghe phải rớt nước mắt. Các biệt danh ấy cũng vận vào đời cô với nước mắt đong đầy. Cô với nghệ sĩ tài danh Thành Được từng được cô Bảy Phùng Há và bà bầu Kim Chưởng tác hôn để có một đám cưới thật huy hoàng với biết bao lời chúc tụng. Nhiều tạp chí lúc đó đã có rất nhiều lời ca tụng cuộc tình của hai ngôi sao được ví là cặp “sóng thần” trên sân khấu bấy giờ. Nhưng dường như tất cả chỉ có thế rồi kết thúc, để lại cho cô một nỗi đau đời. Ba bốn lần, cô lần lượt nhận và nuôi dưỡng những đứa con riêng của chồng cho đến ngày trưởng thành, riêng phận mình, cô không có được một đứa con chung. Ông vẫn lãng mạn dọc ngang trên con đường tình ái và cũng rời xa cô. Một lần, cô đi thêm bước nữa, nhằm tìm cho mình một chỗ dựa, một bờ vai, nhưng rồi lại thôi, cô nặng nợ với cải lương, với cháu con, đồng nghiệp, với những việc phước đức hơn là giữ lấy hạnh phúc riêng.

Hoa lan nở giữa sân chùa
Dẫu không một lần sinh nở nhưng con của mẹ Út Bạch Lan thật tình không thể nào kể hết. Đó là con riêng của nghệ sĩ Thành Được mà cô nuôi dưỡng, là những đứa cháu ruột lẽ ra gọi Út bằng cô, đó là bao lớp nghệ sĩ trẻ thân thương gọi cô Út là mẹ bằng tất cả tình yêu thương và sự tôn kính.

Những chuyện buồn đã qua, Út cũng không muốn người ta nhắc lại. Út cũng không còn trách số phận hẩm hiu của mình nữa. Út chỉ buồn. Mà cái nỗi buồn đó cũng phôi pha nhiều kể từ ngày Út nguyện gởi những năm tháng còn lại của đời mình vào cửa Phật. Không phải xuống tóc quy y mà đêm đọc kinh, ngày chọn sân chùa làm sân khấu, hát những bài ca, những vở tuồng về Phật để lấy tiền trùng tu, sửa chữa chùa chiền. Còn chút ít dư dả, Út đi làm từ thiện, đi giúp người nghèo. Thế nên, Út vẫn vui với cuộc sống chay tịnh giản đơn, nhà của Út vẫn “nhỏ hẹp” và “chật chội”.

Thời vàng son đã qua, cô Út đã không còn đứng trên sân khấu từ khoảng mười năm trở lại đây. Bây giờ, ở tuổi 76, giọng ca của cô Út Bạch Lan vẫn còn nồng nàn và mùi mẫn lắm. Dẫu không còn khoẻ nhưng cô vẫn miệt mài đem lời ca tiếng hát của mình đi rất xa để đền ơn khán giả, để làm những việc phước đức cho đời.

BÍCH UYÊN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bi, đừng sợ đoạt giải tại LHP châu Á - Hong Kong



http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=462194




TT - Sau 18 ngày diễn ra liên hoan phim (LHP) với 120 buổi công chiếu các phim tham dự, LHP châu Á - Hong Kong 2010 đã kết thúc đêm 8-11.

Giải thưởng Tài năng mới (The New talent award) dành cho các đạo diễn có phim đầu tay hoặc phim thứ hai đã được công bố vào đêm bế mạc.

Phim Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Ðăng Di đến từ Việt Nam đã được ban giám khảo trao giải phim hay nhất.

Hai phim còn lại được giải khuyến khích đặc biệt là Dương cầm trong một xưởng máy (Piano in a factory - đạo diễn Zhang Meng, Trung Quốc) và Lâu đài cát (Sandcastle - đạo diễn Boo Junfeng, Singapore. Ðây cũng là phim đã giành hai giải thưởng tại LHP quốc tế Việt Nam lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội).

Trước đó, tại LHP Vancouver (Canada) diễn ra đầu tháng 10, ở hạng mục Rồng và hổ (Dragons & tigers - dành riêng cho các đạo diễn trẻ từ châu Á) phim Bi, đừng sợ! cũng được trao đồng giải khuyến khích đặc biệt (cùng với phim Sự trầm tư của Xu Ruotao - Trung Quốc).

Tại LHP quốc tế London lần 54, tuy không giành được giải trong hạng mục Sutherland Award nhưng ban giám khảo đã công bố lời khen ngợi đặc biệt dành cho Bi, đừng sợ! rằng phim có những hình ảnh đầy thi vị (poetic imagery).

Ðạo diễn Phan Ðăng Di đang ở Mỹ tham dự hoạt động New Voices from Việt Nam do Viện hàn lâm Ðiện ảnh Mỹ tổ chức (diễn ra từ ngày 5 đến 12-11). Phim Bi, đừng sợ! đã được chọn chiếu khai mạc hoạt động này.

CÁT KHUÊ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối