Trang trong tổng số 1 trang (4 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Phụng Hà

Từ trước đến nay, các sách về văn học ít nói đến thơ văn của những người sống trong
trên lãnh thổ của chúa Nguyễn, trong khoảng gần 200 năm, từ năm 1627 đến 1800. Trong số đó, có thể kể Đào Duy Từ, Nguyễn Đăng Thịnh, Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tứ, Ngô Thế Lân, Nguyễn Dưỡng Hạo, Nguyễn Quang Tiền, Lê Viết Trinh,Trịnh Liên Sơn, Phan Thiên Quảng, …
    Dựa vào Phủ biên tạp lục , tôi giới thiệu mấy bài thơ của Ngô Thế Lân.

Ngô Thế Lân, tên tự là Hoàn Phác 完璞, sinh khoảng năm 1725, phần lớn sống dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, thường ẩn cư ở làng Vu Lai thuộc huyện Quảng Điền trấn Thuận Hoá (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên). Lúc còn tuổi trẻ có chí khí khác thường, học rộng văn hay nhưng không chịu ra làm quan.
   Năm 1775 quan quân Trịnh vào đánh chiếm được Thuận Hóa và Quảng Nam. Lê Quý Đôn vào Phú Xuân nhậm chức Thuận Hoá Quảng Nam đẳng đạo Tham thị Tham tán quân cơ. Lê Quý Đôn cho người mời Ngô Thế Lân, nhưng ông từ tạ.
    Theo sách  “Danh nhân Bình Trị Thiên“ thì vào năm 1789, khi vua Quang Trung đem quân ra Thăng Long đánh quân Thanh, Ngô Thế Lân chịu nhận ra giúp việc.

 Ngô Thế Lân có nhiều bài thơ đề vịnh, có tập thơ mang tên là “Phong trúc tập“ 風竹集 ( tập thơ của người ưa tiếng gió và trúc). Trong PHỦ BIÊN TẠP LỤC, Lê Quý Đôn có ghi 18 bài, với lời nhận xét “Văn thơ của ông lời lẽ đẹp đẻ, thanh nhã và có tình tứ cao trí“.

Dưới đây là 4 bài thơ của Ngô Thế Lân.

Bài 1:
 
平湖挵月

無争風月與誰同
獨棹長歌浩水東
萬頃寒光迷短楫
十分秋色寖孤蓬
戏將沈壁雙敲碎
醉把流輝一吸空
狂甚嫦娥休冷笑
塵勞幾得見閒翁

Phiên âm:

Bình hồ lộng nguyệt

Vô tranh phong nguyệt dữ thuỳ đồng,
Độc trạo trường ca hạo thuỷ đông.
Vạn khoảnh hàn quang mê đoản tiếp,
Thập phần thu sắc tẩm cô bồng.
Hí tương trầm bích song xao toái,
Tuý bả lưu huy nhất hấp không.
Cuồng thậm Thường Nga hưu lãnh tiếu,
Trần lao kỷ đắc kiến nhàn ông.

Bản dịch của Lê Xuân Giáo:  

Hồ Bình chơi trăng

Chẳng thèm giành giựt gió cùng trăng,
Miệng hát, tay chèo, nước trắng lăng.
Muôn khoảnh hàn quang xinh xiết kể!
Mười phần thu sắc đẹp chi bằng!
Ngọc kia chơi ném cho chìm hẳn,
Rượu nọ say nồng cứ uống phăng.
Hỡi chị Hằng Nga đừng cợt tớ,
Cõi trần được mấy kẻ nhàn chăng?

Bài 2:

樂圃朝畊

半畝丘園薬径開
黄苖纔嫩草還莱
深葘不覚連雲刷
固本寜辭冐雨培
拂槛藍花紅上脸
遶田蒿葉綠侵鰓
放耡时徬松侌坐
野鳥枝頭作意催

Phiên âm:

Lạc Phố triêu canh

Bán mẫu khâu viên dược kính khai,
Hoàng miêu tài nộn, thảo hoàn lai.
Thâm truy bất giác liên vân loát,
Cố bản ninh từ mạo vũ bồi.
Phất hạm lam hoa hồng thướng kiểm,
Nhiễu điền hao diệp lục xâm tai.
Phóng sừ thời bạng tùng âm toạ,
Dã điểu chi đầu tác ý thôi.

Bản dịch của Lê Xuân Giáo:  

Buổi mai, cày vườn Lạc Phố

Nửa mẫu vườn gò mở lối ra,
Lúa non mơn mởn, cỏ rườm rà.
Bừa sâu nhỗ cỏ dày chằng chịt,
Gốc vững phòng mưa quá đậm đà.
Hoa đỏ đầy cành, hồng cả má,
Cỏ xanh vòng ruộng, biếc quanh bờ.
Bỏ bừa, ngồi gốc cây tùng nghỉ,
Chim đậu trên cành hót giục ta.

Bài 3:

沙圃晩行

晴江树色晚蒼蒼
獨歩沙汀望渺茫
避客眠鷗藏亂荻
候魚飢鷺立寒塘
秋風未准湖心静
落日空教旅思忙
范蠡扁舟何處是
往來惟見釣翁舫

Phiên âm:

Sa Phố vãn hành

Tình giang, thụ sắc vãn thương thương,
Độc bộ sa đinh vọng diễu mang.
Tỵ khách miên âu tàng loạn địch,
Hậu ngư cơ lộ lập hàn đường.
Thu phong vị chuẩn hồ tâm tĩnh,
Lạc nhật không giao lữ tứ mang.
Phạm Lãi biển chu hà xứ thị?
Vãng lai duy kiến điếu ông phường (phảng).

Bản dịch của Lê Xuân Giáo:  

Buổi chiều đi qua bến cát

Chiều, cây xanh ngắt, nước sông trong,
Lủi thủi mình ta buông mắt trông.
Lánh khách, chim âu chui bụi sậy,
Chực mồi, cò đói đậu bờ sông.
Gió đưa, hồ nước khôn yên mặt,
Ô lặn, người xa những bận lòng.
Phạm Lãi thuyền con đâu đó tá?
Đi về chỉ thấy chiếc thuyền ông …

Bài 4:

野坐
野坐惟無事
凉風蕰太淸
遠村來竹色
高树落蟬聲
名豈忙中得
诗多靜處生
夕陽行客歇
古道獨含情

Phiên âm:

Dã tọa

Dã toạ duy vô sự,
Lương phong uẩn thái thanh.
Viễn thôn lai trúc sắc,
Cao thụ lạc thiền thanh.
Danh khởi mang trung đắc,
Thi đa tĩnh xứ sinh.
Tịch dương hành khách hiết,
Cổ đạo độc hàm tình.

Bản dịch của Lê Xuân Giáo:  

Ngồi ngoài đồng quê

Ngoài đồng, vô sự, tớ ngồi chơi,
Gió mát tư bề thật thảnh thơi.
Sắc trúc xanh xanh trông đẹp mắt,
Tiếng ve buồn bã lắng inh tai.
Hoang mang, danh thực khôn tìm được,
Bình tĩnh, thơ hay dễ trỗ tài.
Hành khách chiều hôm vào quán nghỉ,
Vui cùng cổ đạo một mình thôi.

Tham khảo:

1) Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn , Lê Xuân Giáo dịch, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1973
2) Danh nhân Bình Trị Thiên, Nxb Thuận Hoá
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Giới thiệu danh sĩ Ngô Thế Lân

Ngô Thế Lân (? - ?)[1], tự: Hoàn Phác; hiệu: Ái Trúc Trai; là một dật sĩ xứ Thuận Hóa thời Lê mạt và Tây Sơn (Việt Nam).

Ông, người làng Vu Lai[2], huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Là người học rộng, giỏi thơ văn, tinh thông đạo học, có tinh thần yêu nước, muốn ra cứu đời; nhưng gặp lúc nước nhà lâm cảnh rối ren, đen tối, nên ông không đi thi, không ra làm quan cho chúa Nguyễn, mà sống ẩn dật tại Vu Lai.

Đầu năm Ất Mùi (1775), Phú Xuân lọt vào tay quân Trịnh. Năm sau (1776), Lê Quý Đôn được cử vào giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa, có viết thư mời Ngô Thế Lân ra cộng tác, song ông không đến, "chỉ gửi thư cảm tạ và nói lấy sự xu thời cầu cạnh làm hổ thẹn" mà từ chối[3]. Theo Đại Nam thực tiền biên thì mãi sau khi Nguyễn Huệ đánh lấy Phú Xuân (1786), ông mới ra làm quan cho nhà Tây Sơn[4].

Tác phẩm của Ngô Thế Lân có: Phong trúc tập (Tập thơ về tiếng gió thổi vào khóm trúc), 2 quyển; viết bằng chữ Hán. Ngoài bài đề từ của tác giả, còn có bài tựa của Nguyễn Dưỡng Hào và bài bạt của Trần Thế Xương, nhưng hiện nay tác phẩm này vẫn chưa tìm thấy.

Tuy nhiên, nhờ trong Nam hành kí đắc tập (Phạm Nguyễn Du), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn) và Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Nam Hà kỷ văn (không rõ người soạn), Lục chiến cổ đường thập thiên tổng lục (Nguyễn Mỹ Hạo và Lan Anh) có chép một số thơ văn của Ngô Thế Lân, nên người ta biết được phần nào tư tưởng, tâm hồn và nhân cách của ông. Như năm Canh Dần (1770), ông đã gửi cho chúa Nguyễn Phúc Thuần bài biểu "Luận tiền tệ", nêu rõ nạn lạm phát và nỗi khổ của dân. Trong một bức thư gửi bạn, ông cũng đã viết: (Tôi)...đêm đọc Hán sử, đến thời vua Hoàn Linh, ngoại thích lộng quyền, nội thân buông ác, bậc danh hiền thì lo yên nhàn, kẻ xử sĩ thì lo ẩn náu, bất giác xếp sách mà thở dài...[5] Buồn vì không được chúa nghe theo, vì bất lực trước cảnh vô phương cứu vãn ấy, ông không ra làm quan mà chọn con đường ở ẩn.

Nhìn chung, qua thơ, người ta thấy Ngô Thế Lân là một con người có chí lớn có tấm lòng ưu ái đối với cảnh vật thiên nhiên (như các bài: Tự thuật [Thuật chuyện mình], Vu Lai ổ [Xóm Vu Lai], Dã tọa [Ngồi ngoài cánh đồng], Lạc Phố triêu canh [Buổi mai, cày ở Lạc Phố], Sa Phố vãn hành [Buổi chiều đi qua bến cát]…), có tình cảm sâu đậm đối với tầng lớp dân nghèo (như các bài: Vịnh hoài [Tỏ nỗi nhớ], Trư điểu đề [Tiếng chim lợn kêu], Hữu cảm [Có cảm xúc]…) và mang nặng phong vị Thiền tông (như các bài: Thư hoài [Thơ tâm sự], Hiểu khởi [Dậy sớm], Sơn cư tức sự [Tức cảnh chỗ ở trên núi]…) .

Về quan niệm sáng tác, theo ông thì làm thơ không phải là một thú vui như một số người xưa, mà là một trách nhiệm của một người có cảm xúc với cuộc đời. Với quan niệm như vậy, nên thơ ông rất phong phú về nội dung và đẹp đẽ về hình thức nghệ thuật.

Đặc điểm thơ Ngô Thế Lân, thường thấy ông dùng hình thức ẩn dụ, ngụ ngôn, để nghiêm khắc lên án giới thống trị, như bài: "Trư điểu đề" (Tiếng chim lợn kê), "Thiệp thế ngâm" (Bài ngâm trải đời). Giải thích cho lối viết này, trong bài đề từ "Phong trúc tập", ông nói (làm thơ) chẳng qua mượn một vật gì đó để giải bày một ý nghĩ thấm kín mà thôi.
Kết lại, là một trong những nhà thơ mở đầu cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa, Ngô Thế Lân đã dùng thơ của mình để tố cáo chế độ phong kiến thối nát, để phơi bày toàn cảnh cái xã hội tăm tối của một thời; nhưng nó cũng là những dòng suối làm mát lòng bao kiếp người đói cơm rách áo. Bởi các giá trị này, mà Phong trúc tập của ông, được Phan Huy Chú khen rằng: Thơ trong tập này đều êm ái, tao nhã, có tình tứ.[6], và cũng được Lê Quý Đôn khen rằng thơ ông thanh nhã và mang nhiều tình tứ sâu sắc[7].

Giới thiệu tác phẩm:

1. Vịnh hoài
Nam phương hữu nhất sĩ
Chí đại nhi số kỳ,
Thiếu du Tuyên thánh môn,
Trưởng tiến tâm vô nghi.
Đan thư phế tẩm thực,
Nhiệm hiệp vong quyền uy.
Cử mục thương sinh khổ,
Hưng trung vô sở thi.
Tự phụ thả uẩn quỹ[8]
Thiện giá ưng hữu kỳ.
Hành niên vị tứ thập,
Thử tâm hốt dĩ suy.
Viễn cư hữu my lộc,
Kết ốc ngọa sơn bi.
Nhàn phi cổ nhân tích[9] ,
Sở đắc tại Phục Hy[10].
Thùy tri phú quý ngoại,
Biệt hữu ta tử nhi.
Điểm đầu xí[11] cổ nhân,
Thành nhiên bất nhã khi.
Hồi thủ thiếu niên trường.
Phàm sự giai võng vi.
Hạnh ai thoát cương tỏa,
Mặc niệm tâm tự di.
Triết nhân thán vân viễn,
Ngô kim thùy kỳ qui.

Dịch nghĩa:
Tỏ nỗi nhớ
Phương Nam có một nho sĩ,
Chí thì lớn, mà số lại lận đận.
Tuổi trẻ theo học cửa Tuyên thánh (tức Khổng Tử),
Quyết tâm thành tài, không nghi ngờ gì.
Ham đọc sách, quên ăn quyên ngủ,
Tính hào hiệp, coi khinh bọn quyền uy
Ngước mắt nhìn thấy nhân dân khổ cực.
Nhưng trong lòng không có kế chước gì thi thố được.
Tự nghĩ ngọc lành hãy để dành trong rương,
Chắc có ngày bán được giá đắt.
Đến khi tuổi chưa đầy bốn chục,
Tấm lòng xưa thoắt đã suy tàn.
Xa tìm nơi ở, bạn cùng hươu nai,
Dựng một căn nhà nằm khểnh bên sườn núi.
Khi nhàn hạ, mở xem sách người xưa,
Học được đạo lý của Phục Hy
Ai hay ngoài sự phú quý ở đời,
Riêng có một chút này quí giá.
Gật đầu khen ngợi người xưa,
Thật không dối ta chút nào!
Ngoảnh đầu nhớ lại hồi tuổi trẻ,
Mọi việc làm thảy đều càn rỡ.
May thay thoát được vòng cương tỏa,
Lặng nghĩ, lòng tự vui sướng.
Than ôi! Hiền triết đã xa vắng,
Giờ đây ta biết theo ai?

2. Trư điểu đề

Ô hô kỳ tai trư điểu đề!
Ngũ canh minh phệ phong thê thê
Thái Sơn khuynh đồi bạch nhật ám,
Bình địa ba khởi hắc vân mê.
Hồng nhạn bi minh tán lâm tẩu,
Sài lang hoành hành đương lộ khê.
Triều dã thôn thanh bất cảm thuyết,
Ô hô kỳ tai trư điểu đề!

Dịch nghĩa:
Tiếng chim lợn kêu
Than ôi, lạ thay! Tiếng chim lợn kêu,
Năm canh kêu thét, gió thổi lạnh lẽo.
Thái Sơn xuêu đổ, ban ngày tối mò,
Đất bằng sóng cuộn, mây đen mờ mịt
Đàn hồng nhạn kêu thương bay tản nơi rừng chầm,
Bầy sài lang đi ngang ngược trên lối đường lớn.
Trong triều ngoài nội ai cũng nín hơi không dám nói,
Than ôi, lạ thay! Tiếng chim lợn kêu.

3. Thiệp thế ngâm

Thâm sơn hữu hổ lang,
Đại đàm hữu kình ngạc.
Thế thượng hữu qua mâu,
Thử nhân hà xứ thác?
Nào lý khổ đa dăng,
Tĩnh lý khổ đa văn.
Như hà lưỡng tiểu trùng
Thiên khán khiết nhân thân?

Dịch nghĩa:
Bài ngâm trải đời
Núi sâu có hổ lang,
Đầm lớn có kình ngạc.
Ở trên đời có giáo mác,
Thân này biết tựa vào chốn nào?
Nơi nhộn, khổ nhiều ruồi,
Nơi tĩnh, khổ nhiều muỗi.
Vì sao hai con trùng nhỏ ấy,
Chỉ tìm cắn người mãi?

Ở bài thơ Vịnh hoài, Ngô Thế Lân đã tự nói về mình. Ở bài thơ Trư điểu đề, cho người ta thấy xã hội thời Lê mạt, nhuộm một màu đen tối thê lương. Với người dân đen, cái chết (vì đói nghèo, chính sách hà khắc và nạn đục khoét) cứ đeo đảng bên mình trong lúc bọn thống trị ngày càng ung dung tự đắc. Ở bài Thiệp thế ngâm cũng đã phơi bày được phấn nào cái không khí ngột ngạt của một xã hội, mà ở đó người dân lành như đã bị giam cầm hoàn toàn.[12]

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
1.Sách Phủ biên tạp lục chép: "Năm nay ông (Ngô Thế Lân) chừng hơn năm mươi tuổi”. Lê Quý Đôn làm ra sách này năm 1776, vậy phỏng đoán ông sinh vào khoảng 1720-1725, và có thể ông mất trước khi nhà Tây Sơn sụp đổ.
2.Qua các đợt điều tra, nhà nghiên cứu Phan Hứa Thụy ngờ rằng: 1/ Vu Lai có lẽ không phải là nơi sinh của Phan Thế Lân, mà chỉ là nơi ông đến ở ẩn. 2/ Kể từ thời vua Tự Đức trở đi, cái tên Vu Lai không còn nữa; và rất có thể Vu Lai xưa nay là Phong Lai thuộc xã Quảng Lợi, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. (theo bài viết về Ngô Thế Lân của Phan Hứa Thụy, in trong sách Danh nhân Bình Trị Thiên, tập I, tr. 61).
3.Theo Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục. Nxb KHXH, Hà Nội, 1964, tr. 313.
4.Quốc sử quán nhà Nguyễn, Đại Nam thực tiền biên, quyển 11, tờ 13a, có chú thích: (Ngô Thế) hậu đầu Tây tặc, thụ ngụy chức”.
5.Dẫn lại theo Nguyễn Hiền Đức, tr. 431.
6. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (tập 3), tr. 154
7.Dẫn theo Nguyễn Hiền Đức, tr. 435.
8.Theo Lịch triều hiến chương loại chí (tập 3). Sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập 3), chép là “uẩn độc”, và giải chú nghĩa là: cất để trong rương.
9.Theo Lịch triều hiến chương loại chí (tập 3). Sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập 3), chép là “nhân thư”.
10.Phục Hy, vua đời thượng cổ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, ô là người đã vạch ra “bát quái”, làm cơ sở triết lý của Kinh Dịch. Ở đây, tác giả có ý nói, đã học được đạo lý của bộ kinh này.
11.Theo Lịch triều hiến chương loại chí (tập 3). Sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập 3), chép là “xưng”.
12.Lược theo nhận xét của Phan Hứa Thụy, sách và các trang đã dẫn.

Nguồn tham khảo:
•Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (tập 3). Nxb KHXH, 1992.
•Nguyễn Lộc trong Từ điển văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004, tr. 1075.
•Nhiều người soạn, Bách khoa toàn thư Việt Nam (bản điện tử) [1]
•Phan Hứa Thụy, bài viết về Ngô Thế Lân in trong Danh nhân Bình Trị Thiên (tập I). Nxb. Thuận Hóa, 1987, tr. 60-78.
•Nhiều người soạn (Huỳnh Lý chủ biên), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập 3). Nxb Văn học, 1978, tr. 136-146.
•Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Nxb TP. HCM, 1995, tr. 428-435.
•Tạ Ngọc Liễn, Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam. Nxb Thanh Niên, 2008, tr. 182-186.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Xin cảm ơn bác Phụng Hà và bạn Đào Nguyên, cháu đã tạo tác giả và gửi 7 bài thơ trên tại đây: http://www.thivien.net/vi...ID=ZqTE_3GO97Ws9hNrgzlGIw
Hy vọng mọi người tiếp tục bổ sung thêm tài liệu :)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongha83

Riêng về nhà thơ Ngô Thế Lân, cố dịch giả Khương Hữu Dụng đã dịch hơn chục bài của ông in trong "Tuyển tập thơ dịch Khương Hữu Dụng (Tập 2)/ NXB Văn học, 2006." Có chép cả phần nguyên bản chữ Hán.
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài viết)
[1]